Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

EU khó chấp nhận để Nga thắng, Netanyahu tiếp tục là trở ngại cho giải pháp hai nhà nước

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, học giả thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ, phân tích với VOA tiếng Việt nét chính hai cuộc xung đột khu vực giữa Nga với Ukraine và Israel với Hamas và nêu dự phóng về diễn tiến tới đây của các cuộc xung đột ác liệt này.

Nguồn : VOA, 02/03/2024

Published in Video

Tại sao Dải Gaza là tâm điểm của xung đột giữa Israel và Palestine ?

Chi Phương, RFI, 09/10/2023

Cuối tuần vừa qua, tổ chức Hamas (Phong trào kháng chiến Hồi giáo) đã bất ngờ tấn công Israel, phóng hàng ngàn tên lửa, các nhóm chiến binh đột nhập vào nhiều nơi sát gần dải Gaza. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm người Israel thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và rất nhiều người bị bắt làm con tin. Đây là cuộc xung đột mới nhất giữa hai hai kẻ thù "không đội trời chung" từ hàng thập kỷ qua. 

dothaipalestine1

Bản đồ dải Gaza. AFP

Kể từ khi nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas vào năm 2007 kiểm soát được dải Gaza nhỏ bé với hơn 2 triệu dân sinh sống, nơi đây trở thành điểm xung đột quân sự đẫm máu giữa Israel và người Palestine.

Hamas là gì ?

Hamas dịch từ tiếng Ả rập có nghĩa là phong trào kháng chiến Hồi giáo, được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Gaza và Cisjordanie (Bờ Tây Jordanie/West Bank) – hai lãnh thổ "tị nạn" chủ yếu của người Hồi giáo Palestine.

Sau khi được thành lập, Hamas đã soạn ra Hiến Chương, tuyên bố rằng "Palestine được Thượng Đế ban tặng cho người Hồi giáo" và yêu cầu tất cả người Hồi giáo chống lại những kẻ thù "chiếm đoạt" những vùng đất đó. Hamas muốn xóa bỏ Israel và khôi phục Palestine thành một quốc gia Hồi giáo. Vào năm 2017, theo trang Sky News, có thông tin cho rằng Hamas đã sửa đổi Hiến chương, chấp nhận Nhà nước Palestine nằm trong các biên giới đã tồn tại trước Chiến tranh Israel Sáu ngày năm 1967.

Hiện nay, tổ chức Hamas do Ismail Haniyeh lãnh đạo, kiểm soát và quản lý dải Gaza. Tổ chức này bị Israel và hầu hết các nước phương Tây như Mỹ, Canada và các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu coi là khủng bố. Tuy nhiên một số nước khác như Iran công nhận Hamas là chính quyền hợp pháp tại Gaza. Theo trang Wall Street Journal, Iran cũng được cho là nước đã hỗ trợ Hamas trong cuộc tấn công quy mô lớn và công phu của tổ chức này vào Israel cuối tuần vừa qua.

Theo một số chuyên gia, Iran muốn hỗ trợ xung đột để ngăn Saudi Arabia xích gần lại Israel.

Dải Gaza là khu vực như thế nào ?

Dải Gaza dài 40 km và rộng khoảng 14 km, được bao quanh bởi Israel, Ai Cập và biển Địa Trung Hải. Vùng đất này từng nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman và sau đó là đế quốc Anh. Dải Gaza đã trở thành nơi tị nạn của hơn 200 000 người Palestine, phải rời bỏ quê hương sau Chiến tranh Ả rập – Israel năm 1948. Ai Cập cai trị Gaza cho tới khi khu vực này rơi vào tay của Israel trong cuộc Chiến 6 ngày 1967. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza, từ bỏ các khu định cư cho người Israel.

Trong khoảng một thập kỷ, cho đến năm 2006, dải Gaza nằm dưới sự quản lý của cơ quan quyền lực Palestine, cơ quan này cũng quản lý Bờ Tây Jordanie (West Bank of Jordan). Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) với nòng cốt là phong trào Fatah, đã chi phối mạnh mẽ cơ quan quyền lực Palestine và đã ký một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Tháng Giêng năm 2006, Hamas chiếm được đa số trong cuộc bầu cử lập pháp. Vốn không thừa nhận sự tổn tại của Nhà nước Do Thái và chống Israel cực đoan, Hamas đã xung đột với Fatah. Và đến năm 2007, Hamas rút sang Gaza. Israel ban hành lệnh phong tỏa, với lý do "bảo vệ người dân của mình".

Kể từ đó, các cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra giữa Israel và Hamas ở Gaza. Trong khi Hamas kiểm soát an ninh ở Gaza, nguồn tài trợ cho y tế, năng lượng và các dịch vụ khác chủ yếu đến từ Liên Hiệp Quốc và các nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua chính quyền Palestine.

Tại sao Hamas lại tổ chức cuộc tấn công có quy mô lớn vào Israel cuối tuần vừa qua ?

Theo trang The Guardian, hiện vẫn chưa rõ lý do chính xác, nhưng có thể nói rằng tình trạng bạo lực đã gia tăng từ nhiều tháng qua giữa quân đội cũng như người Israel và người Palestine ở Bờ Tây.

Tuần trước, một số người Do Thái đã đến cầu nguyện bên trong Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem, vốn được gọi là một trong ba nơi linh thiêng nhất của người theo đạo Hồi (sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia). Nhưng trong đạo Do Thái đây cũng là một địa điểm linh thiêng. Những người Hồi giáo cho rằng hành động cầu nguyện là khiêu khích. Hamas gọi chiến dịch tấn công hiện tại là trận "Mưa bão al-Aqsa".

Ngoài ra, việc bị Ai Cập và Israel phong tỏa trong gần 16 năm đã khiến kinh tế của dải Gaza kiệt quệ, người dân khốn đốn.

Hamas và Israel đã 4 lần gây chiến, nguồn căn của các cuộc xung đột là do đâu ?

Kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza, đây là cuộc chiến thứ năm giữa Hamas và Israel. Bốn cuộc chiến trước đó xảy ra vào những năm 2008, 2012, 2014 và 2021. Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó 68 người là binh sĩ) thiệt mạng.

Cũng giống như nhiều nước ở Trung Đông, Hamas phẫn nộ với việc thành lập nước Israel năm 1948, sau Đệ nhị Thế chiến, vốn được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Theo trang Skynews, Hamas và các nhóm Palestine khác cho rằng lãnh thổ của họ bị đánh cắp, và người Palestine là chủ sở hữu, người chiếm đóng hợp pháp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Israel cho rằng khu vực này là quê hương tổ tiên của người Do Thái, vốn đã bị lưu đày sau cuộc xâm lược của Đế quốc Babylon hơn 2.500 năm trước.

Vào ngày 29/11/1947, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết, khuyến nghị phân chia lãnh thổ của người Israel, từng là thuộc địa của Anh Quốc thành khu vực cho Nhà nước Do Thái, các nước Ả Rập và khu vực Thánh địa tách biệt. Tuy nhiên bạo lực đã nổ ra ngay lập tức giữa phe Do Thái và phe Ả Rập. Khi Israel tuyên bố độc lập ngày 14/05/1948 thì ngay hôm sau các quốc gia láng giềng Ả Rập đã tham chiến. Cuối cùng Israel đã chiếm được một nửa lãnh thổ mà Liên Hiệp Quốc vốn chia cho các Nhà nước Ả Rập.

Theo Sky News, tại khu vực Bờ Tây mà Israel đã chiếm được, nhiều khu vực định cư của người Do Thái được xây dựng khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng lên án Israel "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Ai là bên vi phạm nhân quyền ?

Cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng từ hàng thập kỷ qua, cả người Palestine lẫn người Do Thái.

Hamas đã bị cáo buộc vi phạm quyền con người ở Gaza qua các vụ hành quyết, tra tấn, bắt cóc. Tổ chức từng có liên hệ với phong trào Huynh đệ Hồi giáo, cũng bị cáo buộc bởi các tổ chức nhân quyền vì hạn chế quyền tự do ngôn luận, hội họp.

Vào năm 2022, chính quyền Hamas ở Gaza đã hành quyết 5 người Palestine vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Nhiều tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đã cung cấp bằng chứng về việc Hamas bắn tên lửa vào các khu đông dân cư, sử dụng người dân làm bia đỡ đạn.

Tuy nhiên, Israel cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tổ chức Amnesty International đã cáo buộc Israel "áp bức" người dân Palestine, phân biệt chủng tộc, cả ở Israel và các vùng đã chiếm đóng. Amnesty International đã cáo buộc Israel "chiếm giữ đất đai, tài sản, gây thương tích nghiêm trọng" đối với người Hồi giáo Palestine.

Chi Phương

***************************

Vì sao Hamas liều lĩnh thách thức Israel trên chính lãnh thổ nước này ?

Minh Anh, RFI, 09/10/2023

Phong trào Hồi giáo Hamas, thống trị trên dải Gaza từ 15 năm qua, đã thách thức mọi dự đoán khi mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có chống lại Nhà nước Do Thái. Một quyết định rủi ro đáp ứng nhiều mục tiêu chiến lược. 

dothaipalestine2

Thành viên của phong trào Hamas diễu hành nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập tại trại tị nạn Jebaliya, Dải Gaza, ngày 01/12/2012. AP - Hatem Moussa

Đương nhiên trong cuộc tấn công này của Hamas, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan tình báo Israel. Sự kiện nổi bật là những đánh giá sai lầm của Israel và một chừng mực nào đó là phương Tây về phong trào Hồi giáo Hamas khi vẫn đơn giản xem đấy như là một tổ chức đấu tranh, một phong trào chính trị hay trung tâm xã hội – tinh thần.

Nhà địa chính trị học Frédéric Encel, trả lời phỏng vấn Journal du Dimanche (08/10/2023) lưu ý Hamas còn là một bộ tham mưu quân sự đáng gờm, một chế độ chính trị cuồng tín và cực kỳ quyết tâm. Nhận xét này cũng được ông Thomas Vescovi, một nhà nghiên cứu độc lập cùng chia sẻ trên nhật báo công giáo La Croix khi nhìn nhận rằng "Hamas có một kho vũ khí và kỹ thuật chiến đấu rất tinh nhuệ".

Những mục tiêu chiến lược

Vì sao Hamas lại tiến hành chiến dịch quân sự quy mô đó vào lúc này trong khi đợt leo thang căng thẳng gần đây giữa Israel và dải Gaza hồi tháng 5/2023, phong trào Hồi giáo vũ trang này đã vắng bóng ? Giải cứu hàng ngàn tù nhân Palestine bị Israel giam giữ có lẽ sẽ là mục tiêu hàng đầu. Hơn một trăm con tin Israel bị bắt đi trong cuộc tấn công sẽ là "món hàng mặc cả" có giá trị cho phép Hamas đàm phán với Israel trong thế thượng phong.

Theo La Croix, sở dĩ Mohammed Deif, thủ lĩnh nhánh quân sự của Hamas có thể tiến hành một chiến dịch tầm cỡ như vậy, một phần nhờ vào địa thế, có đường biên giới chung với Ai Cập, dễ đi lại, tiếp nhận vũ khí, trang thiết bị. Nhưng mặt khác, đó cũng còn nhờ vào nguồn hậu thuẫn hậu cần, tài chính và chính trị từ Iran, và trong một chừng mực nào đó là Qatar.

David Khalfa, đồng giám đốc Đài Quan sát Bắc Phi và Trung Đông, Quỹ Jean–Jaurès, giải thích rằng "Hamas đã có được kỹ nghệ với sự hậu thuẫn của Vệ Binh Cách Mạng (ở Iran), nhờ vào các kỹ sư nghiên cứu về drone và nhờ vào các cơ sở nghiên cứu bí mật cho phép Hamas nâng cấp năng lực khi sử dụng các công nghệ dân sự chuyển đổi cho mục tiêu quân sự".

Nỗi bất an về chính trị - xã hội trên dải Gaza sau 20 năm bị Israel phong tỏa là một "miền đất mầu mỡ" cho Hamas khai thác, từ việc Israel tiếp tục mở rộng khu chiếm đóng ở Cisjordanie (West Bank), ngoại giao bế tắc, cho đến sự bất tín nhiệm của chính quyền Palestine và tổng thống Mahmoud Abbas, theo như quan sát của chuyên gia Thomas Vescovi.

Sự cạnh tranh về chính trị giữa Hamas và Thánh chiến Hồi giáo cũng có thể là một nguyên nhân. Khi cho rằng đã bị nhóm Hồi giáo Jihad "qua mặt", phong trào Hamas cần đánh bóng lại hình ảnh. Theo ông David Khalfa, không giống như đối thủ, Hamas không chỉ đơn thuần là một nhóm thánh chiến vũ trang, mà đây còn là "một tổ chức rất linh hoạt, điều hành cả dải Gaza như một dạng Nhà nước sơ khai từ năm 2007. Việc nắm quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào dân tộc Palestine là một phần chiến lược hậu Abbas".

Thế nan giải

Cuộc tấn công này cũng xảy ra vào lúc Mỹ - Israel - Saudi Arabia có những cuộc đàm phán nhắm đến bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Tel Aviv và Riyad. Nhà địa chính trị Frédéric Encel lưu ý, Hamas là một nhánh Hồi giáo Palestine hệ phái Sunni cực đoan, chính trị - quân sự của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Nếu Saudi Arabia, là một nhà nước có quan điểm Hồi giáo Sunni "bất di bất dịch", là người bảo vệ các thánh địa La Mecca và Medina, có một nguồn tài chính và nền ngoại giao mạnh nhất trong thế giới Hồi giáo Sunni hòa giải với Israel, thì tính chính đáng về mặt thần học và tôn giáo của Hamas sẽ còn lại gì khi tổ chức này luôn có những phát biểu cứng rắn dựa trên lòng thù hận đối với Israel và người Do Thái ?

Khi khởi động cuộc tấn công, các chiến lược gia của Hamas buộc thế giới Hồi giáo trong thế khó xử : Tiếp tục hậu thuẫn người Palestine mà Hamas muốn là hiện thân hay vẫn đi theo hướng xích lại gần với Israel !

Minh Anh

***************************

Xung đột tại Gaza : Khẩu chiến Israel và Palestine tại Liên Hiệp Quốc

Thanh Hà, RFI, 09/10/2023

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp kín vào hôm qua 08/10/2023. Phần lớn trong số 15 nước thành viên lên án lực lượng Hamas tấn công Israel. Nga và Trung Quốc hai thành viên thường trực, kêu gọi "chấm dứt giao tranh ngay lập tức", "vãn hồi hòa bình", tránh "mọi cuộc tấn công nắm vào thường dân". Tuy nhiên mọi chú ý hướng về cuộc đấu khẩu giữa đại diện Israel và của cơ quan quyền lực Palestine tại Liên Hiệp Quốc. 

dothaipalestine3

Bảng tên nước Israel tại phòng họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 18/09/2007. Associated Press - Mary Altaffer

Thông tín viên RFI từ trụ sở Liên Hiệp Quốc Carrie Nooten giả thích :

"Đại sứ Israel Gilan Erdan đã mang theo nhiều hình ảnh khi bước vào phòng họp, nhưng trước khi Hội đồng Bảo an khai mạc phiên họp thì ông đã cho công bố các đoạn video và so sánh nạn nhân vụ tấn công và những người bị bắt làm con tin hôm Thứ Bảy vừa rồi với những đợt bố ráp hay các cuộc diệt chủng Đức Quốc Xã nhắm vào người Do Thái. Lời lẽ của đại sứ Erdan gián tiếp cho phép hiểu là Israel sẵn sàng đi xa hơn nữa trong mục đích tự vệ. Ông nói : ‘Chúng tôi sẽ thay đổi phương pháp’ trước khi kêu gọi Hội đồng Bảo an ngừng đàm phán hay tìm cách thuyết phục ‘quân khủng bố’. Nhà ngoại giao này cho rằng ‘cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ Israel một cách toàn diện. Những tội ác chiến tranh và những hành vi khủng khiếp của Hamas phải bị lên án một cách rõ ràng’. 

Đại diện cho phía Palestine, Riyad Mansour gián tiếp tố cáo chính sách hiếu chiến của Israel khi cho rằng ‘vấn đề ở đây là vãn hồi hòa bình. Tăng cường các biện pháp đàn án, chiếm đóng đất đai không phải là những giải pháp. Cần chấm những biện pháp đó để đạt mục tiêu đó. Tel Aviv không thể một mặt khẳng định rằng không gì biện minh cho việc sát hại các công dân Israel nhưng mặt khác lại thanh minh cho việc sát hại người Palestine’. Nhân danh Israel, đại sứ Gilan Erdan, tuy nhiên không nghĩ rằng xung đột ở Gaza gây trở ngại cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia".

Iran bị cáo buộc yểm trợ Hamas : Phản ứng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của Teheran

Vào lúc một số quốc gia, đứng đầu là Mỹ cáo buộc Iran yểm trợ lực lượng Hồi giáo Hamas trong đợt tấn công vừa qua, tại Tehran chiều qua tổng thống Ebrahim Raissi tuyên bố Iran ủng hộ "tính chính đáng bảo vệ đất nước Palestine" và kêu gọi "các chính quyền Hồi giáo" hãy đứng về phía Palestine. Ông cũng đã điện đàm với thủ lĩnh của Hamas và của tổ chức mang tên Hồi giáo Jihad. Nhưng vài giờ sau những phát biểu nói trên, sáng nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, Nasser Kanani trong một cuộc họp báo đã cho rằng "những cáo buộc về vai trò của Iran" trong xung đột ở dải Gaza chỉ dựa trên những ý đồ chính trị, Teheran "không can thiệp vào những quyết định của các quốc gia khác, kể cả trong trường hợp với Palestine".

Thanh Hà

Published in Quốc tế
mercredi, 27 juillet 2022 09:56

Trái cam đói và những truyện ngắn

Trái cam đói

Tôi là liệt sĩ. Tôi bị giết trong cuộc chiến tranh nhỏ vì tổ quốc. Trước khi kẻ thù giết tôi, tôi thường thích những cánh bướm nhiều màu - những bạn hoa màu đỏ, vàng, trắng và tím. Tôi thích chim hót trên bầu trời rộng mở. Tôi cũng thích cam. Sau khi sự sống bỏ tôi đi, tôi bắt đầu mơ trong khi chết. Tôi leo lên cây cam để với đến trời cao hái sao, nhưng một trái cam đói thấy tôi và nuốt tôi.

lietsi1

Tôi leo lên cây cam để với đến trời cao hái sao, nhưng một trái cam đói thấy tôi và nuốt tôi.

Trước một đám đông người một người đàn ông trông rất nghiêm nghị đứng lên nói, ‘Liệt sĩ này là anh hùng.’ Rồi ông ta uống ly nước cam.

Xúp cho con cái

Cha tôi sai tôi đi ra nghĩa trang để rửa mộ người anh liệt sĩ, nhổ cỏ dại có hại mọc quanh những ngôi mộ không người chăm sóc và tưới nước cho những cây phong lữ mà tỏa mùi hương rất đặc trưng cho nhà và nghĩa trang chúng tôi.

lietsi2

Người chết thì đã chết rồi, nhưng tổ quốc lại đang cần từng tấc đất để làm nhà cho người sống và trồng lương thực để chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế tự do và độc lập.

Chẳng mấy chốc trời sẽ tảng sáng. Tôi đứng trước cổng nghĩa trang, nhưng tôi không phải là người duy nhất đến đây vào lúc đêm khuya này. Có hàng ngàn người giống như tôi mang kéo cắt cỏ dại và bình tưới nước, và cả ngái ngủ. Cổng vẫn còn khóa và người bảo vệ có lẽ chưa đến, mặc dù hôm nay là Ngày Liệt sĩ là ngày tất cả chúng tôi đều vinh danh những người đã chết vì tổ quốc.

Chim chóc thức dậy đầu tiên và chúng tôi nghe chúng hót nhưng không thấy vui. Rồi ánh bình minh âm thầm chiếu le lói qua các cây thông, cây bách và cây xoan, và các cây ở nghĩa trang trông giống như những chiến binh khổng lồ.

Một cánh bướm màu đen và vàng bay lên bức tường cao của nghĩa trang và lúc ngước lên nhìn theo nó, chúng tôi chợt thấy tường nghĩa trang đã phai màu rất nhiều. Bướm đậu trên cành bách, rồi bay vút lên bầu trời xa xăm biến mất dạng.

Đám đông trở nên bồn chồn sốt ruột khi nắng bắt đầu chiếu qua các cành cây và sáng lấp lánh trên những giọt sương trên lá. Ánh nắng rất ghê tởm khi chạm đến người chúng tôi. Những người chờ đợi bắt đầu cằn nhằn, còn người bảo vệ vẫn chưa đến.

Một người đàn ông trong đám đông kêu lên, ‘Tức thật chứ !’

Một người đàn bà hét lên, ‘Chán chết đi được !’

Người khác nói, ‘Chúng ta đã mất hy vọng !‘

Một người khác tiếp lời, ‘Chúng ta đã chẳng còn tin tưởng mọi thứ nữa !’

Một đứa bé chưa tới hai tuổi bước đến nói, 'Con tuyệt vọng rồi.’

Lúc nắng lên đám đông khổng lồ rùng rùng lao đến cổng nghĩa trang và giật sập cổng. Mọi người tỏa ra khắp các ngôi mộ, người nào mộ nấy, và họ bắt đầu hăng hái đập phá tan tành các mộ. Rồi họ bắt đầu đào mộ lên, nhặt lấy xương cốt còn sót lại của người chết và bỏ vào những bao ni lông giống như những bao thường đựng rác. Họ vác bao lên vai, túa ra khắp các đường phố khi mồ hôi tuôn trào ra như tắm trên người họ. Tôi ở trong đám đông, vác xương cốt của anh tôi trong cái túi ni lông đen. Chúng tôi nghe tiếng thở phì phò tập thể của chúng tôi như thể đó là tiếng thở của con quái vật đang bị đạo quân ruồi và muỗi đuổi theo sau lưng.

Đầu tiên chúng tôi đi dọc theo đường Liệt sĩ, rồi đến đường Tự do, mà dẫn đến Quảng trường Độc lập. Tại đấy chúng tôi bắt đầu đi chậm lại, như thể cùng một lúc tất cả chúng tôi đều hỏi mình cùng một câu hỏi, 'Bây giờ đi đâu ?'. Lúc này từ trong đám đông xuất hiện một người đàn ông mà chúng tôi đều biết là một trong những người khôn ngoan nhất và xảo trá nhất ; ông phát biểu với chúng tôi bằng giọng oang oang không cần loa mà khắp nơi vẫn nghe rõ :

‘Ngày hôm nay, mọi người đã thực hiện một trong những kỳ công vinh quang nhất vì tổ quốc. Mọi người đã phá bỏ nghĩa địa. Người chết thì đã chết rồi, nhưng tổ quốc lại đang cần từng tấc đất để làm nhà cho người sống và trồng lương thực để chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế tự do và độc lập. Cảm ơn mọi người, cảm ơn những đôi tay của mọi người !’.

Tất cả chúng tôi đều vỗ tay, tung hô ông muôn năm và tổ quốc muôn năm. Rồi sau đấy chúng tôi bắt đầu rán hết sức hát quốc ca, và lúc chúng tôi hát xong, đứa bé chưa đến hai tuổi kêu lên, ‘Bây giờ làm gì với xương cốt người thân đây ?’.

Người đàn ông khôn ngoan ấy trả lời với vẻ bình thản và tự tin, ‘Hãy nghiền chúng ra làm xúp cho con cái các người ăn’.

Chúng tôi làm đúng như vậy.

Nasri Hajjaj

Nguyên tác : A Hungry Orange & Others stories, bản dịch tiếng Anh của Ibrahim Muhawi, Index Censorhip, tháng 3/2002

Trần Quốc Việt dịch

Nasri Hajjaj là nhà văn và nhà báo người Palestine. 

Published in Diễn đàn