Đầu năm 2018, giá rau củ quả rớt thê thảm, tiếp theo, những tháng giữa năm, giá heo rớt thê thảm, giá dưa hấu rớt thê thảm, giá ớt rớt thê thảm. "Rớt thê thảm" như một khái niệm gắn liền với nhà nông miền Trung nói riêng và nhà nông Việt Nam nói chung. Có thể nói rằng chưa có năm nào nhà nông Việt Nam lại cõng cái cục nạn "rớt thê thảm" nặng nề như năm nay.
Giá ớt rớt thê thảm khiến người nông dân miền Trung điêu đứng - RFA
Một nông dân tên Việt, ở ngoại ô Hà Nội, chia sẻ : "Nhiều sản phẩm làm ra mà không có chỗ bao tiêu thì vất vả đấy ! Thành phố cũng có hỗ trợ cho nông dân đấy nhưng chỉ mang tính hỗ trợ để êm chuyện thôi. Vì không có chính sách tiêu thụ hợp lý, không có thị trường nên nông sản phải chết. Chuyện hỗ trợ chỉ là làm cho dân người ta bớt nói nhiều thôi"...
Ông Việt tỏ ra thất vọng với mọi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bởi theo ông, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đóng vai trò truyền dịch nhiều hơn là tạo môi trường sức khỏe. Nghĩa là khi nông dân không còn đường ra cho nông sản, mọi chuyện rơi vào tình trạng bế tắc, thì nhà nước kêu gọi hỗ trợ nông dân bằng nhiều cách, trong đó có cả kêu gọi thị trường Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam. Cách làm này chẳng khác gì truyền dịch để cứu bệnh nhân thoát chết.
Nhưng cái mà người nông dân cần nhất là môi trường làm việc và đầu ra của sản phẩm, nói nôm na là thị trường nông sản ổn định. Bởi thị trường nông sản ổn định đối với nhà nông cũng giống như môi trường tốt để phát triển và duy trì sức khỏe của con người. Người ta không thể sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại cho đến bệnh để được truyền dịch. Đầu ra của nông sản không có, thị trường nông sản bấp bênh và đối tác thu mua nông sản mờ ám là một môi trường xấu và độc hại trong sản xuất nông nghiệp.
Cứ lẩn quẩn trong điều kiện thị trường đó cho đến lúc ngã quị để được truyền dịch từ phát động/kêu gọi của chính phủ thì cơ thể nông nghiệp Việt Nam sẽ càng ngày càng xuống cấp, trì trệ, mệt mỏi…
Ông Nguyễn Á, nông dân trồng ớt và dưa hấu ở Quảng Ngãi, chia sẻ : "Dưa năm ngoái khá hơn, năm ngoái tám, chín ngàn mỗi ký thì năm nay chỉ còn một ngàn, một ngàn rưỡi trên mỗi ký thôi. Năm ngoái thương lái Trung Quốc còn mua chút ít, năm nay thương lái bỏ hết nên chắc là dân Quảng Ngãi chúng tôi khổ lắm"...
Ông Á cho biết thêm là từ đầu năm 2018 đến nay, dường như nhà nông Quảng Ngãi chưa có vụ nào là không đụng thương lái Trung Quốc chơi khăm. Khác với nhiều năm trước là nông dân trồng các loại giống theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc, năm nay, nông dân trồng cây giống theo đơn đặt hàng của thương lái Việt Nam và loại bỏ yếu tố Trung Quốc ra khỏi sản xuất nông nghiệp.
Những tưởng như vậy sẽ tốt hơn, đến khi cuối vụ mới thấy mối nguy càng cao hơn trước. Bởi vì nông dân trồng theo thương lái Việt nhưng thương lái Việt lại chọn nhà buôn Trung Quốc làm đối tác. Cuối cùng, cái lệnh chọn giống cao nhất đến với người nông dân Việt lại nằm trong tay thương lái Trung Quốc. Và thị trường, đầu ra lớn nhất cho nông sản Việt vẫn là Trung Quốc.
Một khi Trung Quốc không nhập nông sản Việt Nam, thương lái Việt Nam sẽ rơi vào ế ẩm, không có lối thoát và kéo theo hậu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Dưa hấu rớt xuống còn 1.500 đồng mỗi ký lô, ớt chìa vôi rớt xuống còn 2.500 đồng mỗi ký lô và cũng không tiêu thụ được hàng… Đó là tình trạng chung hiện nay của nông sản Việt Nam.
Với mức giá 1.500 đồng mỗi ký dưa và 2.500 đồng mỗi ký ớt thì nông dân Việt Nam không có đường sống, nhìn đâu cũng thấy cửa tử. Thua lỗ từ phân bón, giống cây, điện tưới tiêu, công lao động cho đến tiền thuê đất để canh tác… Nhiều nông dân phải bán bò, bán trâu để trả nợ cho vườn ớt, bãi dưa.
Ông Lê Cả, nông dân ở Quảng Nam, chia sẻ : "Cái công đầu tư cho một sào ớt thì không thể tính được, nhiều công lắm, còn giá phân thì đắt đỏ. Ớt nếu như giá năm ngàn đồng, sáu ngàn đồng mỗi ký lô thì dân còn lãi được chút đỉnh chứ giá có hai ngàn rưỡi, ba ngàn thì nông dân chỉ có nước bán bò để bù lỗ thôi chứ không còn nước cứu nữa rồi !".
Ông Cả cho biết thêm là tình hình thị trường ớt rớt giá một cách thê thảm đang làm cho người nông dân điêu đứng. Riêng với gia đình ông, con số thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Bởi từ đầu năm 2018, ông đã thuê hàng chục hecta đất màu để trồng ớt, và số tiền đầu tư cho hàng chục hecta ớt này lên đến 120 triệu đồng. Nhưng đến vụ thu hoạch, ớt chín trên đồng mà thương lái không đến mua, rồi thêm phần giá ớt vớt vát với 2.500 đồng trên mỗi ký lô do thương lái Việt Nam mua cầm chừng như vậy thì người nông dân sẽ thua lỗ thấp nhất là 1,5 ngàn đồng trên mỗi ký lô ớt.
Bởi vì theo thống kê sơ bộ của ông Cả, mỗi ký lô ớt phải đạt giá trung bình 4.000 đồng thì người nông dân mới huề vốn, nếu mỗi ký ớt cao hơn 4.000 đồng thì người nông dân có lãi chút đỉnh. Có những năm trước đây, giá ớt tăng lên 20.000 đồng mỗi ký lô, người nông dân bội thu. Nhưng đó là câu chuyện xưa cũ của nhà nông Việt Nam. Hiện tại, người nhà nông đã trải qua liên tục ba năm thất thu và cầm cự trên cánh đồng của mình như đang chống chọi với cái chết trên giường bệnh.
Đến bao giờ nông sản Việt Nam thôi rên xiết vì gia nông sản rớt thê thảm ? Đến bao giờ thị trường nông sản Việt nam thôi điêu đứng vì yêu tố Trung Quốc ? Đến bao giờ các cánh đồng Việt Nam trở lại thời trong lành, hiền hòa và thân thiện ? Tất cả những câu hỏi đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam đều có thể đi vào bế tắc một khi tình hình thị trường nông sản Việt Nam ngày càng xấu đi và hơn hết là cánh cửa ra ngoài của nông sản Việt Nam ngày càng bó hẹp trong tầm nhìn Trung Quốc. Hơn bao giờ hết, nông nghiệp Việt Nam cần được sống một cách trọn vẹn và lành mạnh !
Nhóm phóng viên
*******************
Việt Nam tăng xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nga trong năm nay (RFA, 21/05/2018)
Kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng mực ống và bạch tuộc của Việt Nam sang Nga tăng mạnh trong ba tháng đầu năm nay.
Hình minh họa. Công nhân ở xưởng cá thuộc công ty Faquimex, tỉnh Bến Tre hôm 18/4/2008. AP
Mạng VietnamNews loan tin vào ngày 21 tháng 5 nêu rõ giá trị xuất khẩu hai mặt hàng vừa nêu đạt 1 triệu đô la Mỹ trong ba tháng đầu năm, tăng gần đến 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
VietnamNews dẫn nguồn Hiệp Hội Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam VASEP cho biết Nga là một trong 9 thị trường nhập khẩu lớn nhất về mực ống và bạch tuộc của Việt Nam. Riêng sản phẩm bạch tuộc cả tươi sống, đông lạnh hay ướp muối mà Việt Nam xuất sang Nga chiếm đến 90% tổng lượng bán ra nước ngoài của Việt Nam.
Tin cũng nói Việt Nam tăng cường xuất khẩu hai mặt hàng mực ống và bạch tuộc sang Nga để giành lại thị phần trước những đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Peru, Belarus, Thái Lan…
********************
Cá chết hằng loạt trên sông La Ngà chưa rõ nguyên nhân (RFA, 21/05/2018)
Hàng trăm tấn cá chết nổi trắng khu vực sông La Ngà huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai đang được cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân.
Thu dọn cá chết tại Hồ Tây, Hà Nội hôm 3/10/2016. AFP
Theo người dân ở đây, đêm 20/5, gần 300 tấn cá của các hộ dân nuôi bè có biểu hiện lờ đờ, đớp bọt khí, bơi nổi đầu lên mặt nước rồi chết ồ ạt, người dân không kịp trở tay. Đến sáng 21/5, hàng chục bè cá chết gần hết. Có hộ thiệt hại hàng chục tấn cá. Cá đến thời kỳ thu hoạch chiếm 70% nên thiệt hại rất nặng.
Hiện người dân tiếp tục gom xác cá bán cho thương lái đem về ủ phân với giá được nói là rẻ mạt, từ 2.000 đồng đến 8.000 đồng/kg. Mục đích để vớt vát tài sản cũng như tránh ô nhiễm môi trường. Người dân trong khu vực thì mua cá về làm thức ăn cho gia súc.
Làng bè sông La Ngà kéo dài khoảng 1km ở vùng hạ lưu và có khoảng 500 lồng bè nuôi cá Lăng, cá Diêu Hồng, cá Chép.
Thảm họa cá chết hàng loạt lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay xảy ra vào tháng 4 năm 2016 tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Nguyên nhân là do của Công ty Formosa Hà Tĩnh xả chất thải chứa độc tố trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Lâu nay cũng có những vụ cá chết hằng loạt được báo chí loan tin ; nguyên nhân chủ yếu do hóa chất từ các nhà máy thải ra nguồn nước.
******************
Quảng Nam : Người dân ở khối phố Quảng Lăng 2 trước giờ cưỡng chế… ! (CaliToday, 21/05/2018)
Vậy là sau khoảng thời gian mấy năm đấu tranh để yêu cầu chính quyền thực hiện việc đền bù giá đất đai đúng luật thì nay một số hộ dân ở tuyến đường 607, đoạn khối phố Quảng Lăng 2, P. Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đối diện với lệnh cưỡng chế đến từ chính quyền thị xã . Tình hình hiện tại được người dân cho biết là khá căng thẳng…
Không chấp nhận giá đền bù quá nhiều thua thiệt, người dân ở tuyến đường 607 nhiều lần lăn ống betong để chặn xe (ảnh Lan Anh- báo Tai nguyen moi truong)
Tại bài báo có tiêu đề "Quảng Nam : Người dân ở huyện Điện Bàn chặn đường vì ô nhiễm môi trường" được Cali Today đăng vào ngày 7/12/2017, phản ánh vụ việc một đoạn đường dài khoảng mấy trăm mét (m) nhưng việc thi công kéo dài mấy năm liền vẫn chưa xong khiến cuộc sống của các hộ dân ở hai bên tuyến đường 607, đoạn khối phố Quảng Lăng 2, P.Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phải gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và tai nạn giao thông. Chính quyền thị xã Điện Bàn cho rằng việc thi công mở rộng đoạn đường này kéo dài là vì người dân không chịu giao đất để nhà thầu thực hiện dự án. Trong khi đó, theo tìm hiểu ban đầu của Cali Today có khoảng 140 hộ dân không đồng tình giao đất nhưng nay theo thông tin từ chính quyền thị xã Điện Bàn thì còn khoảng mười mấy hộ. Từ đầu chí cuối sở dĩ các hộ dân không giao đất vì cho rằng chính quyền các cấp ở Điện Bàn đã áp dụng giá đền bù không đúng luật, gây thiệt thòi cho các hộ dân này quá lớn.
Sau khi Cali Today phản ánh vụ việc cho dư luận khắp nơi được biết thì khoảng mấy tháng nay người viết nhận thấy vụ việc có vẻ im lặng, báo đài Việt Nam cũng ít đề cập đến nên cứ nghĩ là giữa người dân và chính quyền thị xã Điện Bàn tìm được phương án giải quyết ổn thỏa vướng mắc. Bất ngờ, mấy ngày qua người viết được các hộ dân nằm trong dự án mở rộng tuyến đường 607 thông báo là chính quyền Điện Bàn đang chuẩn bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để lấy đất của dân để giao cho nhà thầu đặng tiếp tục thi công dự án.
Theo thông báo số : 244/TB-UBND ký ngày 17/05/2018, của Ủy ban thị xã Điện Bàn thông báo về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông (bà) Võ Như Ái và bảo vệ thi công đối với 13 hộ ảnh hưởng dự án Nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT 607-giai đoạn 3 (km14+000-km14+565), đoạn qua phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn. Thông báo cho biết, việc tiến hành cưỡng chế, lấy đất được chính quyền thị xã Điện Bàn tiến hành vào lúc 8 giờ ngày 22/5/2018.
Báo Quảng Nam cho biết hộ ông Võ Như Ái (có tổng diện tích đất 1.290m2, trong đó 646m2 bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường 607 đoạn qua phường Điện Nam Trung và 76,6m2 bởi dự án khu công viên cây xanh. Ngoài ra, loa phát thanh của thị xã còn thông tin đại khái có nội dụng nói ông Ái có hành vi chống đối trong khi ông Ái cho biết không những bản thân không chống đối mà còn ủng hộ việc mở rộng đường nhưng chỉ yêu cầu chính quyền làm đúng theo pháp luật, giảm bớt thua thiệt cho gia đình ông.
Như Cali Today phản ánh vụ việc trước đây, Dự án mở rộng tuyến đường 607 do Ban Quản lý các Dự án công trình giao thông Quảng Nam làm chủ đầu tư ; đơn vị chịu trách nhiệm thi công là Công ty 545 bắt đầu triển khai từ năm 2014, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 09/2017. Tuy nhiên, hiện đã bước sang gần nữa năm 2018, dự án mở rộng tuyến đường 607 vẫn thi công chưa biết khi nào hoàn thành. Sự chậm trễ này kéo theo hệ lụy là người dân sinh sống hai bên đường chủ yếu đoạn thuộc khối Quảng Lăng 2 phải hít thở bầu không khí đầy bụi bặm, tiếng ồn của xe cộ, tai nạn giao thông và bệnh tật… Người dân đã nhiều lần phản ứng bằng cách lăn ống betong ngăn chặn lưu thông.
Theo người dân ở khối phố Quảng Lăng 2, chính quyền các cấp ở thị xã Điện Bàn và nhà đầu tư đã áp giá đền bù không đúng luật. Cụ thể thời gian nhà đầu tư bắt đầu lấy đất của dân tại khu vực này để làm dự án rơi vào thời điểm luật Đất đai 2013 đã được thông qua và có hiệu lực, thay vì áp dụng giá đền bù cho các hộ dân theo luật mới 2013 thì nhà đầu tư và chính quyền thị xã Điện Bàn lại áp dụng luật Đất đai 2003, điều này khiến người dân có đất nằm trong dự án thấy bị thua thiệt, mỗi m2 đất được bền bù khoảng mấy trăm ngàn trong khi giá thực mà người dân cho biết là tầm 3.000.000đ/m2. Vì lẽ này mà các hộ dân chủ yếu là ở khối phố Quảng Lăng 2 không chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng. Chính quyền các cấp ở thị xã Điện Bàn đã nhiều lần đưa phương án nâng giá đền bù thậm chí lên mức 1,7 lần nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý vì thấy giá ấy vẫn còn quá thấp, còn quá nhiều thua thiệt và hiện tại đang phải đối diện với biện pháp cưỡng chế do chính quyền áp dụng. Một số hộ dân đã cho Cali Today biết là tình hình hiện tại được số người dân cho biết là khá căng thẳng, không gian khá nặng nề và đang tiến dần đến giờ "G".
Thiên Hà
*************************
Kiến nghị giảm 120 năm thu phí với 40 dự án BOT (RFA, 21/025/2018)
Vừa có thêm 40 dự án BOT bị kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm 120 năm thu phí. Trước đó đã có kiến nghị giảm hơn 107 năm thu phí đối với 27 dự án khác.
Hình ảnh các tài xế "đóng chốt" ở BOT Cai Lậy đêm 4 tháng 12, 2017. Ảnh : Trần Tiến gửi RFA
Tin trong nước cho biết như trên vào ngày thứ Hai 21/5/2018.
Theo báo cáo kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thì vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km.
Từ năm 2002 đến nay, Bộ Giao thông và vận tải kêu gọi các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 68 dự án BOT- Xây dựng- Vận hành- Chuyển giao.
Ngày 20/5/2018 vừa qua, Báo Vietnamnet trích lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, Nguyễn Nhật, cho biết có khả năng trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ thu phí trở lại trong tháng 6 tới.
BOT Cai Lậy là nơi đã xảy ra nhiều cuộc phản đối gay gắt giữa lái xe và chủ đầu tư hồi tháng 8 và cuối tháng 11 năm ngoái gây ách tắc giao thông nhiều ngày liền. Các cuộc biểu tình phản đối của các lái xe với chủ đầu tư cũng kéo dài nhiều tuần lễ với lý do do các tài xế đưa ra là trạm thu phí đặt không đúng nơi quy định.