Dân biểu Úc lên tiếng trước khi diễn ra đối thoại nhân quyền Việt - Úc (RFA, 15/06/2018)
Ông Chris Hayes, Dân biểu Liên bang Úc vào ngày 14 tháng 6 vừa gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop thúc giục Canberra đề cập đến vấn đề nhân quyền trong cuộc Đối thoại nhân quyền Việt – Úc sắp được tổ chức tại Việt Nam trong vài tháng tới.
Ông Chris Hayes - Dân biểu Liên bang Úc. File photo/ RFA edits
Trong thư, ông Chris Hayes cám ơn Tòa Đại sứ Úc tại Hà Nội vì những nỗ lực lên tiếng cho các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, nhà báo Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, và luật gia N guyễn Bắc Truyển.
Hiện tại, dù Luật sư Nguyễn Văn Đài và vợ ông cùng cô Lê Thu Hà đã được sang Đức, nhưng bốn thành viên còn lại của Hội Anh Em Dân Chủ vẫn còn bị cầm tù trong thời gian dài.
Dân biểu Liên bang Úc, Chris Hayes, cũng nhắc đến trong thư rằng có nhiều blogger hiện đang bị giam giữ sau đợt đàn áp quyền biểu đạt một cách mạnh mẽ trong những năm qua. Điển hình là trường hợp của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà hoạt động Trần Thị Nga, cả hai người bị giam giữ với bản án lên đến 10 năm tù. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Văn Hóa, 23 tuổi, phóng viên cộng tác với Đài Á Châu Tự Do cũng bị kết án 7 năm tù.
Ông Chris Hayes bày tỏ lo ngại về Luật An minh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ khiến cho những người có tiếng nói đối lập bị chính quyền cáo buộc là "chống đối lật đổ chính quyền". Điều này cũng được Tổ chức nhân quyền thế giới Human Rights Watch và Tổ chức ân xá quốc tế quan ngại.
Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến các cuộc biểu biểu tình ôn hòa đang diễn ra trên khắp dải đất chữ S để phản đối Luật An ninh và Luật Đặc khu. Ông cho rằng chính phủ Hà Nội cần đảm bảo và tôn trọng quyền tự do hội họp để người Việt có thể tự do bày tỏ ý kiến và tự do tín ngưỡng.
Cuối thư, ông Chris Hayes nhấn mạnh rằng nước Úc là thành viên của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, do đó phải có trách nhiệm phải thúc đẩy Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho công dân của mình, theo đúng những gì đã ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền, và những cam kết về quyền con người của quốc tế.
Ông hy vọng những điều vừa nêu trong thư sẽ được nhắc đến trong buổi Đối thoại nhân quyền Việt – Úc năm nay.
*********************
Đại sứ Mỹ thăm Tăng thống Thích Quảng Độ (RFA, 15/06/2018)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink ngày 14 tháng 6 đã tới thăm hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện ở Thành phố HCM.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và đoàn tùy tùng thăm Tăng thống Thích Quảng Độ.Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
Hòa thượng Thích Quảng Độ là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện đang bị quản chế.
Tin cho biết đi cùng với đại sứ Hoa Kỳ có bà Tổng lãnh sự Mary Tarnowka, và chuyên gia chính trị Justin Brown. Đây là lần đầu tiên đại sứ Daniel Kritenbrink tới thăm đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ kể từ khi ông bị nhậm chức vào tháng 11 năm ngoái.
Tin cũng cho biết buổi gặp gỡ kéo dài khoảng 1 giờ. Hòa thượng Thích Quảng Độ cho biết cuộc gặp rất thân thiện, và ông đã trao cho đoàn đại biểu một tập tài liệu dài 12 trang ghi rõ chi tiết sự đàn áp có hệ thống của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong suốt 43 năm qua, cũng như quan ngại của ông về tự do tôn giáo, quan hệ Việt-Trung, luật an ninh mạng mới được thông qua, và tình hình dân chủ nhân quyền ở Việt Nam.
Hòa thượng Thích Quảng Độ, 90 tuổi, là một người tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh cho dân chủ tranh nhân quyền ở Việt Nam. Ông được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto năm 2006 vì đã dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam và nhiều lần được đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Hòa thượng Thích Quảng Độ đã từng bị cầm tù 8 năm vì những hoạt động kêu gọi tự do tôn giáo, trước khi bị quản chế kể từ năm 2003 đến nay.
********************
Nữ tù chính trị Trần Thị Nga được gặp thân nhân (RFA, 15/06/2018)
Nữ tù chính trị Trần Thị Nga, người bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà Nước, hiện đang bị giam giữ ở trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, vừa được chính quyền cho phép gia đình thăm nuôi vào ngày 14 tháng 6 vừa qua.
Các con của nữ tù chính trị Trần Thị Nga vừa được chính quyền cho phép gia đình thăm mẹ hiện đang bị giam giữ ở trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai vào ngày 14 tháng 6 vừa qua. Courtesy FB Mai Xuân Dũng
Vào ngày 15 tháng 6, ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của tù chính trị Trần Thị Nga, cho Đài Á Châu Tự Do biết về chuyến thăm như sau :
"Về chuyến đi vừa rồi thì chiều tối thứ ba chúng tôi đi, chiều tối thứ tư đến Gia Lai. Ở phía Sài Gòn thì có con lớn, con riêng của Nga, cũng muốn gặp mẹ. Hẹn nhau ở Pleiku, rồi sáng ra đến Mang Yang, đợi ở nhà chờ từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng thì có cán bộ ra tiếp và cho chị Nga gặp thân nhân. Nhưng theo quy định thì chỉ có 3 người được gặp thôi, tôi ưu tiên cho các cháu gặp mẹ, còn tôi đứng chờ ở ngoài. Trước khi gặp mẹ thì tôi cũng dặn các cháu những điều phải nói khi gặp mẹ. Theo cháu lớn nói thì mẹ cháu gầy hơn trước nhiều nhưng ốm đau không có, vẫn khỏe, tinh thần tuyệt đối vững vàng, không có vấn đề gì cả".
Bà Trần Thị Nga, 41 tuổi có hai con còn nhỏ và một người con lớn ở Sài Gòn, là một nhà hoạt động nhân quyền và cho người lao động. Bà bị lực lượng chức năng đến nhà bắt vào ngày 21 tháng giêng năm 2017 ngay trước Tết Âm Lịch Đinh Dậu với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017 bà bị tòa tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 cùng năm giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên bản thân bà Trần Thị Nga và các luật sư bào chữa đều cho rằng bà thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa chứ không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trước khi bị chuyển đến trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai vào ngày 20 tháng 3 năm 2018, bà từng bị giam giữ ở Hà Nam và Dak Trung thuộc tỉnh Dak Lak.