Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam trong năm 2022 được thông báo đạt mức tăng trưởng 8,5%. Trong khi nhiều chính khách Việt Nam tỏ rõ niềm tự hào với thành quả này, thì một số chuyên gia kinh tế lo ngại về tính chính xác của con số thống kê, cũng như lo ngại về một nền kinh tế khó khăn hơn trong năm nay.

gdp1

Nhà máy may ở Vĩnh Phúc năm 2017 - Reuters

Các chỉ số đầy lạc quan

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, mức tăng trưởng GDP 8,5% là cao nhất trong 12 năm qua.

Nhiều lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự tự hào với thành tích này trong các bài phát biểu của mình trong những ngày qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hôm 20/12, phát biểu  rằng "đây là điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi".

Hôm 3/1, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói  trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Chính phủ, rằng "trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn… nhưng nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân… Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn nhiều so với kế hoạch và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới". 

Ngoài ra, Tổng cục thống kê còn công bố các chỉ số khác cho thấy một nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Theo đó, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành là 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). 

Về chỉ số lạm phát, Chính phủ Việt Nam kiểm chế được ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội giao là dưới 4%. Cũng theo Tổng cục thống kê, đây là con số thấp so với các cường quốc khác như Mỹ hay Châu Âu. 

Nhưng không được kiểm chứng

Một số chuyên gia kinh tế lo ngại về tính khả tín của các con số nêu trên, bởi vì không có bất kỳ một cơ quan độc lập nào có thể kiểm chứng được.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các chỉ số trên, nếu chính xác thì sẽ mang ý nghĩa rất lớn thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 :

"Tuy nhiên, vấn đề là không có một cơ quan nào kiểm chứng lại con số của cục Thống kê. Nó là con số duy nhất mà chúng ta biết".

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một thống kê có đáng tin hay không phải dựa vào một số yếu tố quan trong như phương pháp tính hay là năng lực của người lập thống kê… Tuy nhiên, những điều đó Việt Nam không công khai. 

Nếu chỉ dựa trên chỉ số tăng trưởng GDP 8% mà đánh giá nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thì tiến sĩ Hiếu cho rằng đó là cái nhìn phiến diện. Một nền kinh tế khoẻ mạnh cần phải xét đến các yếu tố khác như cuộc sống người lao động, an sinh xã hội, vệ sinh an toàn, y tế và cả vấn đề về môi trường…

Đồng quan điểm, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, nói với RFA rằng con số 8% chỉ nằm ở trên sổ sách thôi và không có một cơ quan độc lập nào có thể kiểm chứng được các con số này là chính xác, khách quan.

Tiến sĩ Huy Vũ phân tích, con số thống kê về kinh tế sẽ không có ý nghĩa gì nếu không xem xét đến đời sống của người lao động nói chung, mức thất nghiệp và cả mức tiêu dùng của xã hội. Những yếu tố đó thể hiện đời sống của người dân tăng lên hay giảm xuống so với những năm trước :

"Cho dù con số thống kê tăng lên 8% hay 10% mà đời sống của người lao động không được cải thiện, việc làm không được tạo ra nhiều, sức khỏe của nền kinh tế không được tăng lên, doanh nghiệp không có tăng trưởng, không lớn mạnh thì con số đó cho dù có bao nhiêu thì cũng trở nên vô nghĩa".

Thực tế đời sống người lao động

Ông Nguyễn Đình Đệ, chủ một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm qua, đời sống người dân nói chung, đặc biệt là lao động phổ thông là cực kỳ khó khăn.

Ông nói, do các nước Châu âu, Mỹ đều bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên các đơn hàng gia công của Việt Nam bị giảm sút. Điều này khiến một loạt các doanh nghiệp phải sa thải bớt công nhân trong những tháng cuối năm. Ước tính có hơn 41.600 lao động mất việc trong thời điểm này.

Thêm vào đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã đẩy giá nguyên liệu toàn thế giới tăng cao. Do đó, năm 2022 là năm đầy biến động  của thị trường xăng dầu. Liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 9/2022, giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Như vậy, người lao động Việt Nam bị đẩy vào tình thế giá cả tăng cao trong khi không có việc làm hoặc thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống :

"Người dân đã không có việc làm mà giá nguyên liệu còn tăng cao, vận tải tăng giá thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng giá. Phải nói là người dân rất là tội nghiệp, người dân nghèo họ khó khăn lắm !"

Không chỉ người lao động gặp khó, ông Đệ nói, chủ doanh nghiệp như ông cũng lao đao, vì sản phẩm làm ra rất khó để tiêu thụ được, do sức mua của người dân giảm sút mạnh trong năm qua.

"Nếu như nhà nước nói là tăng trưởng 8% là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua thì đó là một điểm đáng mừng. Nhưng hãy nhìn vào đời sống của người dân, sự khó khăn của doanh nghiệp, nhìn vào số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa thì chúng ta sẽ hiểu được bề trái của nó". - Ông Đệ nói.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có hơn 143.000 doanh nghiệp rút lui  khỏi thị trường, tính trung bình mỗi ngày có gần 400 doanh nghiệp phá sản.

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn đối với hơn 6.200 công nhân trong tháng 10 và tháng 11/2022, có đến 59% người lao động không có bất cứ khoản tích lũy nào. Có 11,7% số người được khảo sát có tích lũy duy trì cuộc sống được dưới một tháng, 16,7% từ 1-3 tháng. Chỉ 12,7% người lao động có thể cầm cự được trên ba tháng nếu mất việc.

Dự báo kinh tế Việt Nam 2023

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ thừa hưởng những lợi điểm và cả khó khăn của năm 2022. Chẳng hạn như GDP tăng 8%, hay xuất nhập khẩu hai chiều lên đến 733 tỷ, gấp đôi GDP… Những con số này, nếu đúng, thì cũng là một lợi thế.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn nhiều vấn đề. Nổi cộm trong số đó là thị trường tài chính của Việt Nam rất là bất ổn, thể hiện qua chỉ số Vn Index mất đến 300%, thị trường trái phiếu lại đóng băng những tháng cuối năm, thị trường bất động sản cũng rất khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn… Do đó, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn, ít nhất là trong sáu tháng đầu năm 2023 :

"Tôi thấy rằng thị trường tài chính cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023… Tôi nghĩ rằng trong nửa đầu năm sẽ có những tác động tiêu cực, sang đến nửa năm thứ hai có thể tình hình sẽ ổn định hơn".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định, kinh tế Việt Nam năm nay thậm chí có thể sẽ tệ hơn, bởi vì khi Việt Nam không còn nhiều đơn hàng gia công từ các nước như Mỹ hay Châu Âu, thì đồng nghĩa với việc ngoại tệ nhập về Việt Nam cũng không còn nhiều.

Các nước tăng lãi suất buộc Việt Nam cũng phải tăng lãi suất để giữ tỷ giá. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn vô cùng trong việc đầu tư sản suất :

"Khi lãi suất của đồng tiền Việt Nam tăng cao thì dẫn đến hiện tượng là tình hình trong nước cũng sẽ khó để mạnh sản xuất. Cho nên sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế trong nước, các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ rất khó khăn trong năm sắp tới".

Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, chuyên gia nghiên cứu về luật lao động nêu ý kiến trong một bài viết  đăng trên RFA hôm 4/1 rằng S ự hồi phục của các ngành nghề gia công của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các nước nhập khẩu. Mà các nước này sau Covid thì lại đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nhiên liệu, cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát tăng cao và dự kiến năm 2023 vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo bà Trịnh Khánh Ly, Việt Nam nên chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn trong năm nay.

Nguồn : RFA, 09/01/2023

Published in Việt Nam

"Tăng trưởng GDP của Việt Nam xếp tốp đầu thế giới" là khái niệm mới nhất được ‘kiến tạo’ bởi chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ - nhân vật còn hám danh hơn cả kẻ tiền nhiệm là ‘Anh Ba X’.

klv0

Thiên tài toán học Nguyễn Xuân Phúc phán "Tăng trưởng GDP của Việt Nam xếp tốp đầu thế giới" !

Khái niệm trên được phô trương bản báo cáo vào ngày khai mạc kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, trong đó nhắc lại thành tích GDP năm 2018 tăng đến 7,08%. 

Vào cuối năm 2018, Tổng Cục Thống kê đã công bố Tổng sản phẩm trong nước-GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới-World Bank ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008.

Nhưng còn thực tế GDP ra sao ?

Một sự thể trớ trêu và phản dội là trùng với thời điểm Thủ tướng Phúc say sưa nghiêng ngoẹo với những con số thành tích của mình trước gần 500 mái đầu ngoan ngoãn trong quốc hội, một bản báo cáo vào tháng Mười năm 2018 của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9%, đạt 4.908 tỷ đồng ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, đạt 33.646 tỷ đồng ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% đạt 4.855 tỷ đồng).

Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng hơn 7% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2018 và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo ?

Cũng vào tháng Mười năm 2018, những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2018 là 96.611, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24.501 doanh nghiệp, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73.103 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48,1%. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp ‘chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới.

Thật rõ ràng, không thể có một nền kinh tế tăng trưởng liên tục và tăng trưởng mạnh đến gần 7%/năm của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ mà tỷ lệ doanh nghiệp ‘chết’ lại cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp mới ra đời !

Phương pháp thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam là ‘có vấn đề’ hay về thực chất là ‘thống kê chính trị’ theo chỉ đạo của chính Thủ tướng Phúc nhằm phục vụ cho những mục đích tô hồng cá nhân của ông ta ?

Trong khi đó, một chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khoảng 2,5%. Còn nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn mà không phải số liệu thống kê khó mà tin cậy được thì GDP thực của Việt Nam còn thấp hơn 2,5%.

Ở Việt Nam, người ta có thể nhìn ra rõ ràng là không chỉ ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng - với phát ngôn bất hủ ‘đất nước có bao giờ được như thế này !’ - là chóp bu tham vọng quyền lực duy nhất, mà bên cạnh đó và rất có thể đang mong ngóng được kế thừa cái ghế ‘hoàng đế’ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chỉ có điều, những cuộc vận động của Thủ tướng Phúc có thể chẳng nên cơm cháo gì. Cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 đã được sáp nhập với cái ghế chủ tịch nước bởi một tác giả duy nhất : ‘Hoàng đế Nguyễn Phú Trọng’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 22/05/2019

Published in Diễn đàn

Bộ Tài Chính hồi hạ tuần tháng 9 thông báo nợ công của Việt Nam chiếm 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính đến cuối năm 2015 và dự báo đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.

nocong1

Nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính đến cuối năm 2015 - Photo : RFA

Gánh nặng nợ công

Theo số liệu về quyết toán ngân sách nhà nước tính đến cuối năm 2015, Ủy ban thường vụ quốc hội hồi trung tuần tháng 5 công bố nợ công của Việt Nam vào khoảng 363 tỷ đô la Mỹ (USD), chiếm đến 61% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ đã chạm trần 50% GDP.

Căn cứ theo số liệu vừa nêu, Bộ Tài Chính trong tháng 9 thông báo Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá gần 94,3 tỷ USD ; bao gồm 39,6 tỷ vay của nước ngoài và phần còn lại là vay trong nước. Bộ Tài Chính còn cho biết nợ Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỷ USD, trong đó vay của nước ngoài hơn 11,3 tỷ. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là một trong những áp lực đối với nợ công và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đè nặng lên ngân sách eo hẹp của Việt Nam, trong xu hướng nợ công được dự báo sẽ đạt đỉnh xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.

Vấn đề được Chính phủ cũng như giới chuyên môn quan tâm là nợ công của Việt Nam được tái cơ cấu như thế nào để luôn ở ngưỡng an toàn cũng như Việt Nam cần làm gì để có khả năng trả nợ trong bối cảnh thiếu nguồn vốn cho phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2035 ?

Truyền thông trong nước dẫn lời của Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh rằng theo nhận định của ông thì áp lực nợ công và trả nợ của Việt Nam hiện tại không nằm ở các khỏan vay nước ngoài dài hạn với lãi suất thấp, mà nằm ở các khỏan vay ngắn hạn ở trong nước. Theo tính toán của giới chuyên gia, Chính phủ hàng năm phải chi trả khoảng 14% tổng số nợ Chính phủ vay và nợ Chính phủ bảo lãnh.

Một số các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng Việt Nam đang loay hoay trong mối tương quan giữa vay vốn để phát triển và vì sử dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả nên dẫn đến trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ nợ công tăng nhanh nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới-World Bank ; mà nếu không tiếp tục vay thì làm sao phục vụ cho phát triển và trả nợ.

Trong vòng suốt 20 năm, tính từ 2005 đến 2015, Việt Nam nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA dưới ba hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, chiếm khoản 10-12% ; nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm đến 80% và vốn hỗn hợp chiếm 8-10%. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến con số gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam thừa nhận vẫn còn nhiều dự án sử dụng các nguồn vốn ODA chưa hiệu quả, điển hình như 4 dự án đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chậm trễ nghiêm trọng hay dự án Đại lộ Đông-Tây là một trong những đại án tham nhũng gây rúng động trong dư luận.

Thời gian sắp tới, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự trù Việt Nam cần phải huy động khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam không còn được vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới-World Bank nữa. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Các quốc gia Châu Âu, bao gồm Anh, Phần Lan và Na Uy cũng thông báo sẽ dừng cấp vốn hay cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam đến năm 2020.

Trả nợ bằng cách nào ?

nocong2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, chiều ngày 20/09/2017 tại Hà Nội. Courtesy : Chinhphu.vn

Trước tình hình bế tắc về nguồn vốn để đầu tư và phát triển cũng như nợ công của Việt Nam ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng việc đi vay với lãi suất thị trường để chi tiêu thì không phải là giải pháp tốt cho Việt Nam. Các chuyên gia đề nghị một trong những biện pháp cần thiết quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên giảm chi ngân sách, để có thêm tiền chi cho đầu tư thì khi đó áp lực đi vay và trả nợ sẽ vơi bớt phần nào. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định đây là một thách thức lớn đối Hà Nội :

"Số liệu trong nước thì họ cố giấu nên không thể biết rõ ràng được. Nhưng theo cách tính của tôi thì Việt Nam chi tiêu cho vấn đề an ninh quốc gia chiếm đến 21% ngân sách. Mức chi tiêu như thế là cực kỳ lớn và chi nhiều nhất 12% cho công an, hơn cả quân đội nữa. Với mức chi như vậy và còn tiếp tục tăng cao thì có cách gì mà giải quyết được ?".

Liên quan thông tin đại diện của Ngân hàng Thế giới-World Bank, tại một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào hôm 26 tháng 9 vừa qua, cam kết giúp Việt Nam đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu, các khỏan vay không hoạt động trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo việc phân phối vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế ; trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu World Bank hay các tổ chức tài chính quốc tế sẽ can thiệp trực tiếp để giải quyết hay không, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết những tổ chức này chỉ đưa ra các giải pháp cho Việt Nam nên làm, nhưng Việt Nam nghe theo hay không là lựa chọn của họ. Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc trưng dẫn trường hợp Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) một khi can thiệp trực tếp thì sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện đối với quốc gia mà tổ chức này giúp đỡ :

"IMF từ xưa giờ có chương trình giải quyết giúp đỡ là khi có một quốc gia nào mất khả năng trả nợ nước ngoài. Việt Nam chưa phải nằm trong tình trạng đó. Nếu như mất khả năng trả nợ nước ngoài thì IMF có thể cho vay tiền để trả nợ kèm theo các điều kiện như đòi hỏi phải cắt ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải cắt chi tiêu, đòi hỏi phải tăng thuế…Nghĩa là đòi hỏi rất nhiều thứ và còn đưa ra chương trình hàng năm phải xém xét sổ sách v.v. Từ sau năm 1975 đến giờ, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng này".

Từ trong nước, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách thể chế như Chính phủ Hà Nội từng tuyên bố, mà ông gọi là "cải cách chính thể". Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên Chính phủ Việt Nam cần tiến hành bốn bước quan trọng :

"Thứ nhất là phải minh bạch. Làm gì thì làm nhưng phải minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài chính ngân sách. Thứ hai là không được làm nhái những sản phẩm của nước ngoài, có nghĩa là phải tôn trọng quyền sở hữu của người ta. Thứ ba nữa là phải tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước, không ưu tiên doanh nghiệp nhà nước mà đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước quá kém hiệu quả. Thứ tư là phải chống tham nhũng. Cho đến giờ việc chống tham nhũng quá chậm lụt".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đề nghị Chính phủ Việt Nam bắt buộc phải cải cách chính trị như bỏ cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai, ban hành các luật định về tự do lập hội, tự do truyền thông cũng như tích cực hơn trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở trong nước. Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh chỉ khi nào Việt Nam đạt được sự thay đổi như thế thì mới đáp ứng đủ tiêu chí của kinh tế thị trường được quốc tế công nhận.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hạ tuần tháng 9 đề nghị World Bank tìm các nguồn tại trợ với những khỏan vay không hoàn lại giúp cho giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035 trong bối cảnh nợ công chạm đỉnh ở ngưỡng 65% GDP là điều hợp lý. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và tình hình khó khăn chung của các quốc gia trên thế giới thì Chính phủ Hà Nội sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay không hoàn lại, như quan điểm của Tiến sĩ Vũ Quang Việt rằng"Không ai cho không Việt Nam bây giờ nữa. Trừ trường hợp Trung Quốc may ra cho không". Và không chỉ giới chuyên gia mà cả dân chúng tại Việt Nam đều tin rằng người bạn láng giềng "4 tốt-16 chữ vàng" cũng sẽ kèm theo những yêu sách một khi Trung Quốc thực hiện nghĩa cử cao đẹp tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 29/09/2017

Published in Diễn đàn

Chính phủ Việt Nam 'trả nợ' cho Đạm Ninh Bình ? (BBC, 03/07/2017)

Một chuyên gia kinh tế nói trong việc nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khoản vay từ Trung Quốc nên phải có "trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ".

no1

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư

Truyền thông Việt Nam cho hay nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, xin ngân hàng Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ và nơi này cho biết "người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam".

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình, theo VnEconomy.

Trong dự án này, Eximbank Trung Quốc cho vay Vinachem 250 triệu USD, với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

VnEconomy tường thuật, Bộ Tài chính Việt Nam yêu cầu : "Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ".

Hôm 3/7, trả lời BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú cho hay : "Đạm Ninh Bình là dự án do một doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%. Các khoản nợ vay, nhất là đối với Eximbank Trung Quốc là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, do đó trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ là của chính phủ".

"Chính vì vậy mà Chính phủ đã có yêu cầu Vinachem cố gắng trả nợ đúng hạn, để không ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ".

"Tuy nhiên, đây là cách nói tu từ, vì cuối cùng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi cách để trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc, dù đang ở trong bối cảnh nợ công, nợ xấu rất cao".

'Vấn đề chung'

"Theo như tôi biết, việc Đạm Ninh Bình thua lỗ có yếu tố khách quan từ thị trường (giá vật liệu tăng...), nhưng cũng có yếu tố do nhà máy không hoạt động đúng công suất và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế".

"Phần này liên quan đến công ty HQC, tổng thầu xây dựng nhà máy".

"Tuy nhiên, không biết là Đạm Ninh Bình và Vinachem có yêu cầu bồi thường gì trong hợp đồng hay không".

Chuyên gia nói thêm : "Việc Đạm Ninh Bình thua lỗ cho thấy vấn đề chung của các doanh nghiệp nhà nước : lập dự án, vay vốn nước ngoài, dự án xây dưng nhà máy hoàn thành nhưng không đúng yêu cầu, hoạt động thua lỗ và cuối cùng là xin nhà nước can thiệp để giảm lỗ (can thiệp về vốn hoặc thuế). Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lên ngân sách nhà nước và nợ công, nhất là nợ nước ngoài".

"Việc Eximbank Trung Quốc nói nợ của Đạm Ninh Bình là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh giống như vụ 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có Tập đoàn dầu khí".

"Hơn nữa, đến nay cách tính nợ công của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng".

"Trong nợ công, phải tính đến các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng là do chính phủ bảo lãnh".

"Như vậy cần phải minh bạch là nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu, trong đó có tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh hay chưa ?"

"Theo tôi tìm hiểu, nợ công đã vượt trần quy định (65% GDP) rất xa".

no2

Năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP ; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP ; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP

"Việc để nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, có nguy cơ vỡ nợ".

"Các khoản nợ nước ngoài này nếu cộng dồn lại đều là những nghìn tỷ đồng và đều do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh hết".

Trong một diễn biến khác, tờ Nikkei Asian Review cho hay trước mức trần nợ công, chính phủ Việt Nam đang phải vật lộn để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho các dự án hạ tầng, tìm kiếm các nhà tài chính sẵn sàng rót vốn cho khu vực tư nhân.

"Chính phủ Việt Nam có những kỳ vọng cao đối với đầu tư của Nhật. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật không tỏ vẻ mặn mà, đưa ra một số yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Cải cách là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để thu hút các khoản tiền cần thiết", tờ báo viết.

"Cán cân nợ công của Việt Nam đã ở mức 64,7% GDP vào cuối năm 2016, cao nhất khu vực Đông Nam Á, tương đương với Lào, và sát ngưỡng 65% mà chính phủ tự áp mức trần".

***********************

GDP Việt Nam cao hơn dự kiến nhưng vẫn 'chịu áp lực' (BBC, 29/06/2017)

Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,73%, hơn mức 5,5% của Bloomberg, theo Financial Times.

no3

GDP nay không được xem là thước đo tốt để đánh giá một nền kinh tế có khỏe mạnh hay không.

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay với mức ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước là 5,1%.

Tuy nhiên với mục tiêu GDP năm 2017 mà Quốc hội Việt Nam đưa ra là tăng 6,7%, truyền thông trong nước nói áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn.

Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%, khu vực dịch vụ chiếm 41,84%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.

Được biết xuất khẩu tăng 18,9% tính tới tháng Sáu, tháp hơn dự đoán 19,6% nhưng lại cao hơn mức xuất khẩu trong tháng Năm là 17,4%.

Trong khi đó nhập khẩu tăng 24,1% tính theo năm, cao hơn dự đoán 23,7% và cao hơn mức tăng vào tháng Năm là 23,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tuần này cho biết 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, gồm cả vốn đăng ký và cấp mới - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cộng có 1.183 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 11,83 tỷ USD ; có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD - tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016, theo VnEcon.

'Bằng mọi giá'

no4

Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật

Hồi tháng Năm năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strasbourg, Pháp bình luận về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ Việt Nam đưa ra".

"Đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay nghĩa là Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá".

"Và việc này chỉ đáp ứng ngắn hạn, về dài hạn có thể có hại cho nền kinh tế".

"Từ mấy năm nay, năm nào chính phủ cũng ưu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP".

"Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu".

"Quan trong là một khi ngân sách bị thâm hụt, nợ công quá cao, thì phải giảm chi tiêu công, tiết kiệm đầu tư vào những khoản không sinh lợi, chỉ đầu tư vào sản xuất, kiềm chế lạm phát…"

"Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khủng hoảng kinh tế ở các nước như ở Argentina và gần đây nhất là ở Hy Lạp để rút kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô".

"Trường hợp của Hy Lạp rất giống Việt Nam ở chỗ là có nợ công quá cao, khiến nền kinh tế phải mất nhiều năm mới vực dậy được".

Published in Việt Nam
lundi, 03 juillet 2017 22:42

Nói về tăng trưởng GDP

Tuần trước đọc báo thấy đăng tin 6 tháng đầu năm Việt Nam tăng trưởng GDP là 5,73%. Điều này tôi không quan tâm.

gdp1

Tăng trưởng GDP 6 tháng qua các năm. Đồ thị: Thanh Tâm

Từ lâu tôi có nói là con số tăng trưởng "đẹp" GDP ở Việt Nam không nói lên được điều gì. Một mặt, tính "trung thực" của thống kê của Việt Nam cũng giống tính "trung thực" của nền báo chí nhà nước. Công bố cái gì thì cái đó phải "đúng quy trình". Thứ hai, tăng trưởng GDP một cách "duy ý chí", theo chỉ tiêu, kiểu Việt Nam hiện nay, thì tương lai đất nước sẽ như cái mền rách. Dân thì mang nợ, ngay cả các thế hệ chưa được sinh ra. Đất nước thì ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt.

Lãnh đạo cộng sản Việt Nam bấy lâu nay ám ảnh GDP, như ghiền chất thuốc phiện. Họ trải thảm đỏ "rước" bọn tư bản rác rưởi vào Việt Nam để đặt các nhà máy ô nhiễm, kiểu Formosa, hay các nhà máy nhiệt điện chạy than cổ lổ sỉ. Bọn tư bản gọi là "rác rưởi" là vì bọn chúng bị cấm hoạt động kinh doanh ngay cả trên quốc gia của họ. Đóng góp của bọn rác rưởi này vào GDP của Việt Nam hiện nay chưa tính được. Vì còn phải khấu trừ phí tổn mà các thế hệ tương lai của Việt Nam phải bỏ ra để tái tạo lại môi trường. Trường hợp biển bị ô nhiễm do chất thải Formosa, vài chục năm sau môi trường chưa biết có trở lại "tiêu chuẩn bình thường" hay chưa ? Trong khi dân tình khốn khổ, mất công ăn việc làm (ở các ngành nghề đánh cá, muối, làm mắm, du lịch…)

Năm ngoái GDP của Việt Nam tăng 6,2%, trong khi Lào 7% và Campuchia là 6,9%, quả nhiên con số (thấy là) rất "đẹp", so với mức tăng trung bình toàn cầu là 2,4%. Các xứ giàu có G7, không có nước nào tăng trưởng trên 2%. Mỹ 1,6%, Đức 1,9%, Nhật 1%, Pháp 1,2%, Anh 1,8%, Ý 0,9%, Canada 1,5%.

(Thấy vậy mà không phải vậy. Tăng trưởng của G7 tuy thấp, nhưng cũng nhiều gấp mấy lần của Việt Nam. Còn nếu so sánh các nước "rồng", "cọp", thời kỳ đầu phát triển của Đài loan, Nam Hàn..., thậm chí Trung Quốc, đều trên 10%, gấp đôi Việt Nam bây giờ).

Tăng trưởng như vậy nhưng đâu là thế "mạnh" của nền kinh tế Việt Nam ?

Ngoài "công nhân rẻ" và một số mỏ dầu khí làm vốn, đến nay Việt Nam chưa sản xuất ra được cây đinh vít (để đóng hòm). Các "sàn" chứng khoán treo lên đó để "dụ nai", cướp tiền tiết kiệm của dân nghèo. Làm gì Việt Nam có thể "sống" như Singapour, 25% GDP đến từ dịch vụ tài chánh, ngân hàng ? Cái "phồn thịnh" của Việt Nam hôm nay là "phồn vinh giả tạo", đến từ trị giá địa ốc "thăng thiên". Người dân sống nhờ sự "hào nhoáng" rơi rớt của các tỉ phú địa ốc. Kinh tế Việt Nam làm gì bằng Nhật, Singapour… mà giá địa ốc của Việt Nam không thua các nơi này ? Việt Nam sẽ trả giá đắt cho sự nghịch lý này.

Con số GDP "hoành tráng" của Việt Nam là nhờ các xí nghiệp vốn nước ngoài. "Họa người phúc ta". Vụ Nhật bị nạn "sóng thần" đồng thời vói Thái lan bị trận lụt lịch sử năm 2011, các hãng như Samsung, Canon, Foxconn, Neon Led, Hazan Group v.v… đẩy mạnh đầu tư sang phía Việt Nam. Nhưng lãnh đạo CS không biết nắm thời cơ, cờ tới tay không biết phất. Giấc mộng thành cọp thành rồng, phát triển theo mô hình Trung Quốc, mãi mãi là giấc mơ.

Thấy ông Phúc cầm chiếc giầy Nike "khoe" với tài phiệt Mỹ, tháng trước nhân qua Mỹ, có ai cảm thấy xấu hổ cho cái kiếp làm công của dân tộc này hay không ?.

Ngoài cá tra, tôm, rau quả (và khai thác dầu khí), Việt Nam có mặt hàng nào thực sự do mình sản xuất ?

Đã nói, tới cây đinh vít (để đóng hòm) mà không sản xuất được.

Bây giờ đọc báo thấy là giá xăng dầu, giá điện… nói chung là giá "năng lượng" của Việt Nam sắp tăng thêm. Dầu vậy lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng rất "yên tâm", bởi vì giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn khu vực G7 (sic !).

Điều này cho thấy sắp tới mọi mặt hàng do Việt Nam sản xuất cũng sẽ tăng lên.

Bọn G7 sản xuất nào là máy bay Boeing, Airbus, các thứ "phi vật chất" kiểu Microsoft, Facebook, Google… những "nhà máy" không cần "đổ xăng", không cần "cắm điện" mà vẫn hốt vào tiền tỉ tỉ đô la.

Còn Việt Nam, cái gì cũng phái tính chi phí năng lượng, từ khâu sản xuất cho tới tồn kho, chuyên chở.

Năng lượng lên là giá thành phẩm sản phẩm lên theo (mà lên nhiều hơn).

Vì vậy con số tăng trưởng GDP "đẹp", "hoành tráng"... kiểu Việt Nam không nói lên cái gì. Con bệnh sắp chết sẽ có thời khắc "hồi dương", tưởng rằng "rất khỏe".

Chừng nào Việt Nam sản xuất được cây đinh thì lúc đó nắp hòm sẽ đóng lại.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 03/07/2017

Published in Diễn đàn