Ông Đinh La Thăng bị truy tố trong sai phạm cao tốc Trung Lương
RFA, 26/10/2020
Ông Đinh La Thăng, một cựu Ủy viên Bộ Chính Trị và hiện đang phải thụ án tù, tiếp tục bị cáo buộc chủ mưu liên quan đến sai phạm tại cao tốc Trung Lương khi ở cương vị Bộ trưởng Giao thông và vận tải. Trong khi đó đương kim Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được nói không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.
Ông Đinh La Thăng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng là chủ mưu trong vụ án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh Trung Lương - Courtesy of đầu tư
Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 26/10 đã ra cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng bộ Giao thông và vận tải, hiện đang chấp hành án trong vụ án khác, ra Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xét xử về tội vi phạm qui định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự.
Cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Hồng Trường và 5 đồng phạm khác cũng bị truy tố với vai trò đồng phạm.
Ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu cầm đầu và lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Điểm đáng chú ý, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ông Nguyễn Văn Thể trong thời điểm 2013/2015 là Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải cũng có một phần trách nhiệm nhưng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án xảy ra tại Công ty Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Trong khi đó, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, ông Thể được ông Thăng chỉ đạo đôn đốc Công ty Yên Khánh thực hiện hợp đồng mua bán quyền thu phí.
Cáo trạng xác định ông Thăng với vai trò Bộ trưởng là người đứng đầu quản lý quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương ; tuy nhiên ông đã bị "Út trọc" lợi dụng làm giả hồ sơ mua đấu giá quyền thu phí, chiếm đoạt tài sản nhà nước. Do đó, hành vi của ông Thăng là trái với quy định của Nhà nước và đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát với vai trò chủ mưa, cầm đầu.
Sai phạm của ông Thăng, ông Trường dẫn đến thiệt hại hơn 725 tỉ đồng (bị Út "trọc" chiếm đoạt). Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng ông Thăng thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều đóng góp.
Trong năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.
Đầu năm 2020, ông bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.
Bắt đầu xét xử vụ đại án xảy ra tại ngân hàng BIDV
RFA, 26/10/2020
Sáng ngày 26/10 năm 2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV. Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.
Sáng ngày 26/10 năm 2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV. Courtesy ĐTCK
Mở đầu phiên xử, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã công bố bản cáo trạng truy tố 8 bị cáo tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và 4 bị cáo tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".
Cụ thể, theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, việc BIDV Hà Tĩnh và BIDV Hà Thành cho công ty Bình Hà và công ty Trung Dũng vay trái quy định đã gây thất thoát cho BIDV hơn 1.600 tỉ đồng. Trong số đó, có việc ông Trần Bắc Hà cùng con trai lập công ty sân sau để "lách luật" trong việc vay vốn dự án chăn nuôi bò, gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2016, ông Trần Bắc Hà, khi đó là Chủ tịch BIDV, là đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng, đã có hàng loạt sai phạm, khi xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho các doanh nghiệp "sân sau" của mình chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao.
Ông Hà đã chỉ đạo BIDV cho các Công ty Bình Hà và Trung Dũng vay tiền dù không đủ điều kiện cấp tín dụng. Hai doanh nghiệp này đã chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân, đồng thời tiếp tục gian dối vốn tự có - đối ứng, để được BIDV tiếp tục giải ngân.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, trong quá trình cho vay theo hạn mức, phát hành L/C, BIDV đã có nhiều sai phạm trong việc giải ngân, quản lý vốn vay. Chi nhánh Hà Thành đã giải ngân cho khách hàng vay khi khách hàng không đủ điều kiện cho vay, khi không đủ thế chấp... Dù Hội sở BIDV đã yêu cầu chi nhánh Hà Thành thực hiện nhiều điều kiện tín dụng chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn đối với các khoản vay, nhưng chi nhánh Hà Thành đã không thực hiện theo yêu cầu, dẫn đến hậu quả làm mất vốn của BIDV.
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào mai và dự kiến tiếp tục trong 10 ngày.
Trước đó, vào ngày 18/7/2019, ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, đã chết trong thời gian bị tạm giam điều tra về tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng.
Dưới thời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ông Trần Bắc Hà được nhận định là người có uy quyền vì nắm giữ mảng tài chính riêng cho ông Dũng.
*********************
Bộ trưởng Công an nói tội phạm chống công an tăng mạnh
RFA, 26/10/2020
Dù tình hình chung vi phạm pháp luật giảm, tội phạm chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ trong năm 2020 lại tăng tới 260%.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại cuộc họp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội ở Hà Nội hôm 13/8/2018 - Screen capture
Đó là số liệu được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết vào sáng ngày 26/10 trong buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 trước Quốc hội.
Truyền thông Nhà nước loan tin cùng ngày, cho biết dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm trật tự xã hội đã giảm nhưng một số loại tội phạm tăng như : hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%, gây rối trật tự công cộng tăng hơn 53%, chống công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.
Tin nói từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 46 ngàn vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%. Trong đó, đã có hơn 40 ngàn vụ phạm pháp được công an điều tra, đạt tỷ lệ hơn 85%. Hơn 3 ngàn băng, nhóm tội phạm hình sự được triệt phá.
Về vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đã có gần 4 triệu trường hợp vi phạm (giảm 114%).
Các loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay qua mạng tiếp tục diễn ra ; các tội phạm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật diễn ra "phức tạp".
Trong năm 2020, Bộ Công an nói đã phát hiện hơn 30 ngàn vụ phạm tội về ma túy, tăng 30%.
Về an ninh kinh tế, Bộ Công an báo cáo phát hiện hơn 22 ngàn vụ vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tăng hơn 38% ; trong đó có 313 vụ tham nhũng và vi phạm về chức vụ, giảm 2,49%. Đặc biệt là các vụ án tham nhũng liên quan đến công tác chống dịch COVID-19.
Tình hình vi phạm pháp luật liên quan môi trường được báo cáo diễn ra phổ biến và công tác xử lý chưa hiệu quả. Đã có hơn 25 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tăng hơn 12%.