Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 19 février 2022 21:08

Quê hương là gì hở mẹ ?

Quê hương giữa đôi bờ nước mắt

Tsering Woeser19/02/2022

Lời người dịch:Tsering Woeser là nhà văn và là nhà hoạt động người Tây Tạng.

taytang1

Nhà văn Tsering Woeser 

Câu chuyện có thực dưới đây là một chương trong tác phẩm tựa đề Tây Tạng Bút ký của bà Tsering Woeser được xuất bản vào năm 2003 ở Trung Quốc. Tác phẩm này sau đó đã bị cấm và bà bị mất việc, mất nhà, bị "cải tạo" và bị cấm xuất cảnh. Bà hiện sống ở Bắc Kinh.

Trần Quốc Việt

------------------------

Hôm ấy vào một ngày hè nóng nực năm 1999. Như thường lệ, chùa Tsuglakhang rất đông khách thập phương và người hành hương đến viếng. Và như thường lệ, Nyima Tsering đứng ở lối vào để bán vé và sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc cho khách từ xa đến vãng cảnh chùa. Không giống với những lạt ma khác, trên báo chí và đài truyền hình họ gọi ông là "lạt ma hướng dẫn viên du lịch". Tuy nhiên ông không chỉ là hướng dẫn viên du lịch, mà còn là người giữ nhiều chức vụ, đặc biệt nhất là Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân ở Lhasa. Cho nên, chúng ta thường thấy trên các bản tin của đài truyền hình Tây Tạng và đài truyền hình Lhasa một nhà sư trẻ mặc áo dài choàng màu đỏ nâu sậm ngồi giữa các viên chức trông nghiêm nghị mặc áo quần của người thế tục. Ông lúc nào trông cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin.

taytang2

Chùa Tsuglakhang rất đông khách thập phương và người hành hương đến viếng.Ảnh minh họa

Vào ngày ấy, ai đấy bảo Nyima Tsering nộp hai tấm hình cho bộ liên quan để làm hộ chiếu. Họ cho ông biết vài ngày sau ông sẽ bay đến Bắc Kinh để gia nhập với các viên chức khác thuộc nhiều bộ của chính phủ. Tất cả họ đều sẽ tham dự hội nghị nhân quyền quốc tế ở Na Uy. Na Uy ? Chẳng phải là quốc gia nơi đức Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989 sao ? Nyima Tsering cảm thấy sung sướng tuy hơi lo lắng. Khi ông đi nộp hình, một người ở đấy thấy vẻ mặt lạ lùng của ông liền nói, "Ông đừng lo lắng, những người đi cùng với ông đều là cấp cao cả đấy. Họ chẳng giống như các viên chức Lhasa chẳng biết gì".

Chẳng bao lâu Nyima Tsering đáp máy bay một mình đến Bắc Kinh. Tất nhiên ở cuối mỗi chuyến bay đều có người lo cho ông. Ông không thể nhớ rõ ràng ông đã gặp ai hay đã nói gì. Hai ngày sau ông lại đáp máy bay, lần này với mười đến hai mươi đại biểu đến Na Uy, tuy nhiên, ông hầu như chẳng nhớ bất kỳ điều gì trên đường đi. Lẽ ra ông nên nhớ rất rõ ràng những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, so với những từ "nhân quyền", những vấn đề khác đối với ông chẳng quan trọng bằng. Ngoài hội nghị ra còn có điều gì khác có thể khiến ông rất quan tâm đến ? Dù sao, ông là người Tây Tạng duy nhất đến từ Tây Tạng và là lạt ma duy nhất trong chiếc áo tu sĩ.

Nhưng những người đi trong đoàn này quả thực khác hẳn. Họ lớn tuổi hơn ông, và khác với các viên chức Lhasa, họ có vẻ học cao hiểu rộng, cư xử lịch sự, và không ồn ào hay ra vẻ kẻ cả. Đến ngày hôm nay, Nyima Tsering vẫn còn nhớ lúc ông cảm thấy ngượng ngùng khi ông không thể cầm được nước mắt, và viên chức từ Ban Dân tộc Thiểu số và Tôn giáo được phái đi theo ông hỏi thầm, "Chắc thầy không được khỏe ?". Rồi im lặng. Khi Nyima Tsering cuối cùng bật khóc, không ai yêu cầu ông phải giải thích ; ông rất biết ơn sự im lặng gần như thông cảm ấy.

taytang3

Lạt ma Nyima Tsering– Ảnh minh họa

Những ngày nay khi nhắc đến cuộc hội nghị, Nyima Tsering thường tránh nói về những chi tiết như diễn biến, người tham dự, nội dung, hoàn cảnh, địa điểm, không khí hay gặp gỡ, thảo luận, tham quan, vân vân của sự kiện. Thật sự hai chuyện ông kể lại tưởng như xảy đến thình lình. Và hoàn toàn bất ngờ - như thể chúng bị kìm nén trong lòng ông quá lâu đến nỗi ông giờ không thể nào đè nén được nữa. Ông đột ngột cắt ngang cuộc trò chuyện, để từ miệng ông bật ra lời kể về những chuyện này.

Chuyện đầu tiên xảy ra khi phiên họp vào buổi sáng ngày đầu tiên kết thúc. Ông và những đại biểu khác đang trên đường đến dự bữa tiệc trưa ở tòa đại sứ - tất nhiên tòa đại sứ Trung Quốc. Bao mối lo lắng suốt thời gian qua đã tan biến dần vì chẳng ai làm phiền ông hay hỏi ông những câu hỏi khó trả lời. Ông thích thú ngắm nhìn cảnh phố xá Bắc Âu thanh lịch khi xe họ chạy chậm qua các đường phố, và ông bắt đầu trò chuyện với những người nước ngoài ngồi kế bên. Dần dần, ông dường như đã trở lại con người tự tin ngày trước khi ông thường đưa những người nước ngoài đi tham quan chùa Tsuglakhang. Vì vậy, khi xe bất ngờ dừng lại và cửa xe mở ra, tiếng người - ôi chao, tiếng người ấy, tiếng của rất nhiều người ấy - tưởng như sấm sét nổ vang trên đầu ông. Ông cảm thấy như ông đã bị trúng thương và đang chịu dư chấn của một vụ nổ lớn. Ông gần như bất tỉnh và hầu như không bước đi nổi.

Tàu khựa... Lạt ma Tàu khựa... Lạt ma cộng sản.

Bên ngoài tòa đại sứ, hàng chục khuôn mặt tức giận có nét mặt không thể nào thân thuộc hơn đối với Nyima Tsering ; hàng chục cái miệng đang thét lên bằng tiếng nói không kém phần thân thuộc hơn. Những người nam nữ này cũng trạc tuổi ông và cũng cùng chung dòng máu. Khác biệt duy nhất là họ là những người Tây Tạng lưu vong ; còn ông và chỉ một mình ông là "người Tây Tạng được giải phóng" từ Tây Tạng đến. Họ mang những biểu ngữ họ đã viết trên đấy "Người Trung Quốc, hãy trả lại quê hương cho chúng tôi" bằng tiếng Anh, tiếng Tây Tạng, và tiếng Trung Quốc. Vào lúc ấy, trong thành phố nơi Đạt lai Lạt ma đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, đồng bào của Nyima Tsering hoàn toàn bị ngăn cách với ông.

Mọi người khác đều ra khỏi xe và bước đi thẳng mà chẳng để ý đến cảnh tượng trước mắt ấy. Nhưng ông không thể như thế được. Làm sao ông có thể làm như thế được? Sau này, cho dù cố gắng cách mấy chăng nữa, ông cũng không thể nào nhớ lại làm sao ông đã vượt qua được khoảng cách ngắn từ chiếc xe đến tòa nhà. Lúc đó khoảng cách ấy tưởng như là con đường dài nhất và gian khổ nhất ông đã đi qua trong suốt ba mươi hai năm cuộc đời. Chiếc áo tu sĩ Tây Tạng giống như ngọn lửa cháy rực, và những cái nhìn ghê tởm của những người biểu tình tựa như những giọt dầu nóng hay bơ sôi văng tung tóe. Những giọt này bắn lên đầu cúi gục xuống, lưng còng, và đôi chân lê bước nặng nề của ông và càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh hơn.

Nhớ lại trải nghiệm này, Nyima Tsering nói giọng chát chúa hơn bình thường, "Tôi biết làm gì, tôi biết làm gì ? Tôi đang mặc cái này…". Kéo mạnh chiếc áo dài choàng màu đỏ đậm, ông khẽ lặp lại lời ấy như thể tự nói với mình.

"Từ đó trở đi", ông nói, "Tôi không bao giờ còn có thể cảm thấy vui vẻ và vô tư lự ở hội nghị. Suốt trong bốn ngày tôi bắt đầu thấm hiểu nghĩa của câu nói con kiến trong cái chảo nóng".

Đến lúc cuối cùng ông đi qua được con đường ngắn nhưng đầy gian nan ấy, lòng ông đã bị tổn thương nặng nề. Ông cảm thấy như thể ông đã bị sắt nung đóng dấu vào người. Ông muốn khóc, nhưng không có nước mắt để khóc. Những người ở tòa đại sứ giả vờ như chẳng có gì xảy ra, hay ta có thể nói, họ thường nhìn mà không thấy. Không ai nhắc đến sự cố bất ngờ này. Họ đều nói về những chuyện khác. Trong lúc mọi người khác ăn uống và trò chuyện lịch sự, Nyima Tsering chẳng nuốt nổi được miếng nào, cảm giác như bị mắc xương trong cổ. Đây là lần đầu tiên ông thấy rất nhiều người Tây Tạng ở nước ngoài - hay nói chính xác, rất nhiều người Tây Tạng lưu vong. Mặc dù họ chỉ cách có mấy bước, nhưng bao dãy núi đã ngăn cách họ với ông.

Nhiều người chắc hẳn đã nói với ông về nhiều chuyện. Nhưng chẳng chuyện nào quan trọng hay quan hệ gì. Ông lắng nghe nhưng không thật sự chú ý, lắng nghe, quên. Vì lòng ông đã bị tổn thương, ông đã mất tinh thần. Song ông vẫn nhớ - ngoài những cái liếc mắt thông cảm từ những người nước ngoài đã đi cùng xe với ông - viên chức từ Bắc Kinh được phái theo ông hỏi thầm, "Chắc thầy không được khỏe ?". Nyima Tsering gần như gật đầu. Ông ta trông hiền lành và lịch sự ; và dù sao, với tư cách là người phát ngôn cho vụ Dân tộc thiểu số và Tôn giáo của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, dù muốn hay không, ông cũng là tâm điểm của sự chú ý của mọi người.

Bao mối lo lắng đã theo Nyima Tsering suốt mấy ngày qua vừa mới tan biến đi thì chúng lại xuất hiện. Những mối âu lo mà càng trĩu nặng thêm trong lòng kể từ khi ông rời Lhasa thật khó mà vơi đi, thế mà bây giờ lại thêm bao nỗi lo lắng mới. "Nếu mình bước ra ngoài cửa và gặp lại họ thì sao ? Chắc họ sẽ khinh bỉ mình, chế giễu mình, hay cảm thấy thương hại mình ? Chắc không, bây giờ trong đầu họ mình là lạt ma Tàu khựa, lạt ma cộng sản". Ông mỉm cười cay đắng.

Dù trong lòng vẫn còn hơi lo lắng, ông đánh bạo bước ra ngoài tòa đại sứ. Ông thở dài nhẹ nhỏm, rồi bất ngờ cảm thấy lạc lõng. Những người Tây Tạng hô hào hồi nãy đã biến mất, và chỗ ấy giờ trống vắng. Họ đã đi về đâu ?

Ngày thứ hai trôi qua êm ả.

Vào ngày thứ ba, Nyima Tsering phát biểu, đây chính là lý do thật sự mà chính quyền đưa ông đi dự hội nghị. Vì trong các cuộc hội nghị trước không có tiếng nói của người Tây Tạng nên những tuyên bố của Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở Tây Tạng luôn luôn yếu ớt và không thuyết phục. Họ hy vọng sự hiện diện và chứng thực của Nyima Tsering sẽ chứng minh điều khẳng định người Tây Tạng có quyền và những quyền này được bảo vệ. Tuy nhiên ai biết chăng lòng Nyima Tsering ngổn ngang bao mối lo khó xử ? Nói như thế nào ? Nói gì đây ? Nên nói gì... và không nên nói gì ? Ông thật khổ tâm. Mặc dù ông biết, dưới chiếc áo dài choàng đỏ đậm này, ông chẳng hơn gì con rối, nhưng ông không muốn có vẻ quá lạc điệu hay đi quá sự đúng mực. Một cách kín đáo, ông hỏi ý kiến của một người nước ngoài mà ông đã bắt đầu tin tưởng. Người nước ngoài khuyên thầm ông nên nói chung chung và tránh đề cập đến bất kỳ điều gì cụ thể.

Nyima Tsering vì vậy đọc thuộc lòng bài phát biểu ông đã chuẩn bị theo "văn bản" hay chính xác hơn, theo "văn bản" gởi cho báo, đài và truyền hình. Bài phát biểu hoàn toàn phù hợp với những ý tưởng thường xuất hiện trên truyền thông trong nước : văn hóa của dân tộc Tây Tạng hoàn toàn được bảo vệ và phát huy, người Tây Tạng có tự do tôn giáo, và quần chúng tu hành đều yêu nước. Mọi người trong hội nghị im lặng lắng nghe ông. Chỉ một người từ thính giả, một người Mỹ, hỏi bằng tiếng Anh, "Nếu vậy, ông có tự do gặp gỡ Đạt lai Lạt ma ?". Mặc dù ông đã chuẩn bị trước cho những câu hỏi thuộc loại này, nhưng khi nghe tên của người lãnh đạo - như vào ngày đầu tiên, khi ai đấy chỉ cho ông thấy nơi Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình - ông ngẩn người ra. Nhưng ông lấy lại bình tĩnh ngay và trả lời một cách khôn khéo, "Đây là câu hỏi chính trị, tôi từ chối trả lời". "Câu hỏi chính trị gì ở đây chứ ? Câu hỏi về một người Tây Tạng, một lạt ma, muốn gặp Đạt lai Lạt ma của mình sao lại có thể là câu hỏi chính trị ?". Tất cả những người khác đều không hỏi bất kỳ câu hỏi nào như thể mọi người ở hội nghị thấu hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của Nyima Tsering. Ông nghĩ như thế.

Ngày thứ tư cuối cùng đến. Ông tưởng những ngày đau khổ sắp qua đi. Nhưng, bất ngờ thay, cú đánh lớn nhất giáng xuống vào ngày cuối cùng.

Sau khi kết thúc hội nghị, họ tổ chức cho đoàn đại biểu đi xem một công viên quốc gia nổi tiếng. Các công viên ở Na Uy đều rất đẹp và đầy bao nét quyến rũ về sự cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên. Cảnh đẹp khiến vị lạt ma trẻ, người lớn lên trên mái nhà thế giới, thấy lòng vơi bao sầu muộn. Khi ông nhìn quanh, một phụ nữ trẻ đến gần ông. Cho dù chị mặc áo thun và quần jeans - trông chẳng khác gì áo quần của những người nước ngoài quanh ông - Niyama Tsering nhận ra ngay tức thì chị là người Tây Tạng. Chị có khuôn mặt Tây Tạng, vẻ Tây Tạng, đặc trưng Tây Tạng.

Người phụ nữ bước đến Nyima Tsering và hai tay dang ra tưởng như chị tình cờ gặp lại người bạn bặt tin từ lâu. Đột nhiên, ông như chìm đắm vào giấc mộng, nghĩ đã gặp chị trước đây. Ông không thể nào cưỡng lại việc nắm tay chị lúc chị nắm chặt tay ông. Bất ngờ thay, người phụ nữ không chịu buông tay ông ra và bắt đầu khóc to lên. Chị vừa khóc ràn rụa vừa nói với ông bằng tiếng Tây Tạng, "Thầy ơi, thầy làm gì ở đây vậy ? Thầy làm gì với bọn Tàu này ? Thầy là người Tây Tạng, hãy nhớ thầy là người Tây Tạng, đừng giao du với họ...".

Nyima Tsering xiết bao bối rối và buồn bã, nhưng ông chẳng thể rút tay lại cũng chẳng thể nói nên lời. Đám đông bắt đầu xúm lại. Tất cả những người nước ngoài, họ đều rất tò mò trước cảnh một nhà sư mặc áo dài choàng đỏ đang bị người phụ nữ khóc lóc giữ chặt. Không một ai trong đoàn can thiệp, ngược lại họ còn bỏ đi thật nhanh và làm ra vẻ cảnh tượng ấy chẳng liên quan gì đến họ, mà có thể được hiểu là cử chỉ cảm thông và thấu hiểu. Đến lúc này, viên chức do tòa đại sứ phái đi theo Nyima Tsering suốt trong bốn ngày qua mới mở miệng. "Nyima Tsering, chúng ta đi thôi. Kệ bà ta".

Người phụ nữ Tây Tạng không hiểu tiếng Trung Quốc, nhưng chị cũng có thể đoán được ông ta nói gì. Chị nổi giận và ra sức la lại ông ta bằng tiếng Anh. Nyima Tsering liền cản chị và nói lặp đi lặp lại, "Tôi biết, tôi biết, tôi biết...". Người phụ nữ vẫn khóc tiếp và nói, "Nếu thật sự thầy biết, thì thầy đừng trở lại nữa". Khó nhọc lắm, Nyima Tsering mới nói buột ra điều ông nghĩ trong lòng : "Làm sao tôi có thể không trở về chứ ? Quê hương chúng ta ở đấy. Nếu chúng ta ai cũng bỏ đi hết thì còn ai ở lại Tây Tạng ?". Khi ông nói những lời này, ông không thể nào cầm được nước mắt. Mắt ông đẫm lệ.

Rốt cuộc nhiều người đến giúp ông thoát ra tình trạng khó xử này. Họ là những người Tây Tạng được các đơn vị công tác của họ ở Lhasa - như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TAR, Đại học Tây Tạng, và thư viện - cử đi học những khóa học cao cấp ngắn hạn ở Na Uy. Nyima Tsering chẳng quen họ, nhưng ông biết họ giống như ông : Những người Tây Tạng ở Tây Tạng. Đến ngày hôm nay ông cũng chẳng hiểu tại sao rất nhiều người Tây Tạng thuộc nhiều thành phần khác nhau lại tập trung ở công viên ấy. Tất nhiên, lúc ấy ông không nghĩ về điều ấy. Ông vội vàng giật nhanh tay mình ra khỏi tay nắm chặt của người phụ nữ vẫn đang khóc, xong ông vội lấy áo lau khô nước mắt, và chạy trở lại với đoàn.

"Thưa thầy, "một trong những người đã đến giúp ông khuyên ông một cách ân cần, "nếu ai hỏi chuyện gì đã xảy ra, thầy chỉ nói với họ là người trong gia đình bà ta qua đời cho nên bà ta nhờ thầy thắp những ngọn đèn bơ và tụng kinh cầu siêu cho người đã khuất ở chùa Jokhang khi thầy trở lại Lhasa". Nyima Tsering gật đầu liền, nhưng cảm thấy đau nhói trong lòng. Tưởng như mọi chuyện đã xảy ra đã được chấp nhận, chẳng một ai liếc nhìn ông hay nói lời nào khi ông đến gần. Tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra - chẳng có gì đáng bàn tán.

Cuối cùng đã đến lúc rời Na Uy - nhưng không rời ngay. Phái đoàn phải chờ thật lâu ở phi trường : hơn hai giờ. Những người đứng đầu và cán bộ từ tòa đại sứ, kể cả người không bao giờ tách rời Nyima Tsering suốt bốn ngày qua, đã đi về sau khi đưa phái đoàn ra phi trường. Trong những giờ chờ đợi dằng dặc này mọi người ngồi, đứng, đi qua đi lại trong phòng chờ phi trường sáng sủa, rộng rãi và ấm cúng. Bất luận họ là công dân nước nào chăng nữa, họ đều có vẻ tự do và thanh thản. Nyima Tsering cũng đi thơ thẩn qua lại tự do. Dường như chẳng ai theo dõi ông, điều này khiến ông cảm thấy ông có thể đi đâu tùy ý. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông : Nếu mình không đi với họ thì sao ? Dù sao, hộ chiếu ở trong người mình, và mình có đủ tiền. Nếu mình mua vé khác đi đến nơi nào đấy...

Tất nhiên, đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Như tôi đề cập vào lúc đầu, Nyima Tsering lúc nào cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin. Cho nên cuối cùng, ông - con kiến trong chảo nóng - trở lại với đoàn. Trở về quê hương dường như là cách tốt nhất cho ông. Tuy nhiên, khi máy bay chầm chậm rời phi trường Oslo, khi Na Uy-biểu tượng của thế giới tự do - dần dần bỏ lại phía sau, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài xuống đôi má gầy guộc của Tsering.

Tsering Woeser

Nguyên tác : "Nyima Tsering's Tears", dịch từ tạp chí Mānoa, chủ đề "Beyond Words-Asian writers on their work", University of Hawai’s Press, 2006, trang 97-103. Bản dịch tiếng Anh của Jampa, Bhuchung D. Sonam, Tenzin Tsundue, và Jane Perkins

Trần Quốc Việt dịch

(19/02/2022)

**********************

Bên nhau vì quê hương 

Yoani Sanchez, Trần Quốc Việt, 19/02/2022 

Lời người dịch :Nhân dịp đến Mỹ vào năm 2013, blogger nổi tiếng nhất Cuba Yoani Sanchez đã đọc diễn văn này ở Freedom Tower tại thành phố Miami, tiểu bang Florida, trước đông đảo những người Cuba tỵ nạn tại Mỹ. Nhiều người, đặc biệt giới trẻ, đã chào đón chị nồng nhiệt. Và bài diễn văn này tạo ra tiếng vang lớn trong lòng những người Cuba lưu vong.

cuba1

Yoani Sanchez là blogger bất đồng chính kiến người Cuba nổi tiếng. Photo/archive Kelly Knaub/HT

--------------------------

Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tôi rời Cuba, tôi ở trên chuyến tàu chạy từ Berlin về hướng bắc. Một Berlin đã thống nhất nhưng vẫn còn giữ lại những mảnh vỡ của vết sẹo xấu xí, bức tường chia cắt quốc gia. Trong toa tàu hôm ấy, trong lúc nghĩ về cha và ông mình -cả hai đều kỹ sư- những người sẵn sàng đánh đổi bất kỳ thứ gì để được đi trên những toa và đầu máy tuyệt vời này, tôi bắt đầu nói chuyện với một người đàn ông trẻ ngồi ngay trước mặt mình.

cuba2

Blogger Yoani Sanchez nói chuyện trước 500 cử tọa người Cuba tại hội trường Freedom Tower, Miami, Florida, ngày 01/04/2013

Chúng tôi chào nhau. Do dùng sai tiếng Đức "Guten Tag" nên tôi nói rõ rằng "Ich spreche ein bisschen Deutsch". Ngay lập tức, anh hỏi tôi người gì. Thế là tôi đáp "Ich komme aus Kuba" (1).

Như luôn luôn diễn ra sau câu nói ta đến từ đảo lớn nhất thuộc quần đảo Antilles, người đối thoại liền chứng tỏ họ biết nhiều về nước chúng ta. "À... Cuba, nhớ ra rồi, thành phố nghỉ mát Varadero, rượu rum, nhạc salsa". Một đôi lần tôi còn biết sự liên tưởng duy nhất mà họ dường như có về nước chúng ta là album nhạc "Buena Vista Social Club" đang thịnh hành vào những năm ấy.

Buena Vista Social Club - 'Chan Chan' at Carnegie Hall (Official HD Video)

Nhưng người đàn ông trẻ trên chuyến tàu Berlin ấy đã khiến tôi ngạc nhiên. Khác với những người khác, anh không đáp lời tôi bằng những định kiến về nhạc hay du lịch, anh đi xa hơn nhiều. Anh hỏi tôi, "Chị là người Cuba. Cuba của Fidel hay Cuba của Miami ?" (2).

Mặt tôi chợt đỏ ửng lên, tôi quên mất tất cả vốn liếng tiếng Đức ít ỏi của mình, nên tôi trả lời anh bằng tiếng Tây Ban Nha chính giọng Havana. "Này anh, tôi là người Cuba của José Marti" (3). Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chúng tôi kết thúc như thế. Nhưng từ đấy trong suốt đoạn đường còn lại, và suốt cuộc đời còn lại, lần trò chuyện ấy cứ vương vấn mãi trong đầu tôi. Nhiều lần tôi tự hỏi điều gì đã khiến người Berlin ấy và rất nhiều người khác trên thế giới thấy những người Cuba ở trong nước và ngoài nước như hai thế giới cách biệt, hai thế giới không thể hòa giải được.

Câu trả lời cho câu hỏi đó cũng xuyên suốt qua phần nào các bài viết trên blog của tôi, Thế hệ Y. Làm thế nào họ đã ngăn chia nước chúng ta ? Làm thế nào một chính quyền, một đảng, một kẻ nắm quyền có quyền quyết định ai nên được giữ quốc tịch của chúng ta, ai nên không ?

Quý vị biết rõ hơn tôi những câu trả lời cho những câu hỏi này. Quý vị là những người đã trải qua bao đau đớn của cuộc đời lưu vong. Quý vị thường là những người ra đi tay trắng. Quý vị là những người từ biệt gia đình, ra đi mà không bao giờ gặp lại người thân. Quý vị là những người đã cố gắng gìn giữ Cuba, một Cuba trọn vẹn, không thể nào chia cắt, trong tâm tưởng và trong lòng mình.

Nhưng tôi hôm nay vẫn không biết, điều gì đã xảy ra ? Cơ sự nào mà định nghĩa về người Cuba lại trở thành một điều chỉ được ban phát dựa trên ý thức hệ ? Hãy tin tôi, khi ta sinh ra và lớn lên với một cách hiểu lịch sử duy nhất, một cách hiểu lịch sử bị cắt xén và tùy tiện, ta không thể nào trả lời câu hỏi ấy.

May mắn, ta có thể thức tỉnh sau đêm dài bị tuyên truyền. Chỉ cần mỗi ngày một câu hỏi, như chất a xít ăn mòn, hiện ra trong đầu. Chỉ cần không nghe những gì họ nói với chúng ta. Tuyên truyền không thể nào tồn tại với hoài nghi, quá trình tẩy não chấm dứt ngay lúc não ta bắt đầu nghi ngờ những lời lẽ nó nghe. Tựa như sự lạnh nhạt, quá trình thức tỉnh diễn ra chậm chạp như thể bề mặt hiện thực bất ngờ bắt đầu lộ ra.

Trong trường hợp của tôi mọi thứ bắt đầu như thế. Tất cả quý vị đều biết lúc nhỏ tôi là một thiếu niên Tiền phong bình thường. Hàng ngày vào lúc chào cờ buổi sáng ở trường tiểu học tôi luôn luôn hô vang khẩu hiệu "Chúng tôi, những thiếu niên Tiền phong vì chủ nghĩa cộng sản, sẽ noi gương Che". Biết bao nhiêu lần tay ôm mặt nạ chống hơi độc tôi chạy đến hầm trú ẩn, khi các thầy cô giáo quả quyết rằng chúng tôi sắp bị tấn công. Tôi tin lời họ. Trẻ em luôn luôn tin lời người lớn.

Nhưng có những điều gì đấy đã không khớp. Mọi quá trình tìm kiếm sự thật đều có điểm kích hoạt, một khoảnh khắc khi một phần không khớp với toàn bộ, khi điều gì đấy không hợp lý. Và sự không hợp lý này tồn tại ở cuộc đời bên ngoài trường học, tại nơi tôi ở và ở trong gia đình tôi. Tôi đã không hiểu, nếu những người vượt biển trong cuộc thủy vận Mariel cứu vớt thuyền nhân (4) là "những kẻ thù của Nhà nước" thì tại sao bạn bè tôi rất sung sướng khi một trong những người thân lưu vong ấy gởi về cho họ thực phẩm hay áo quần.

Tại sao những người hàng xóm ấy, những người bị tiễn đưa bằng những lời bêu xấu tại chung cư Cayo Hueso nơi tôi chào đời, vẫn lo cho người mẹ già còn ở lại quê nhà ? Người mẹ già ấy đem một phần đồ con cái gởi về cho lại chính những người đã lăng mạ và bêu riếu con bà. Tôi không hiểu được. Và từ chính sự không hiểu được này, mà đau đớn như mỗi lần sinh nở, đã sinh thành nên con người tôi hôm nay.

Vì thế khi người Berlin ấy chưa bao giờ đến Cuba mà lại cố tình chia cách nước tôi, tôi nhảy đựng lên để phản đối anh ta. Cho nên nhờ thế hôm nay tôi đứng đây trước mặt quý vị để khẳng định rằng không ai lại có thể phân chia chúng ta thành người Cuba này hay người Cuba khác. Chúng ta sẽ cần lẫn nhau cho một Cuba tương lai và chúng ta cần lẫn nhau trong Cuba hiện tại. Không có quý vị, nước chúng ta sẽ trở nên không trọn vẹn, như thể thân thể quê hương bị cắt hết tay chân. Chúng ta không thể cho phép họ tiếp tục chia cắt chúng ta.

Như chúng tôi đang đấu tranh để sống trong quốc gia nơi chúng tôi có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và rất nhiều quyền tự do khác mà đã bị cướp đoạt từ chúng tôi ; chúng tôi phải làm tất cả mọi điều - những điều có thể và những điều bất khả - để quý vị có thể lấy lại những quyền tự do họ cũng cướp đoạt từ quý vị. Không có "các anh chị" và "chúng tôi". Chỉ có một chúng tôi. Chúng ta sẽ không cho phép họ tiếp tục chia lìa chúng ta.

Tôi có mặt ở đây hôm nay vì tôi không tin lịch sử họ kể tôi. Với rất nhiều người Cuba khác lớn lên dưới một "sự thật" chính thức duy nhất, chúng tôi đã thức tỉnh. Chúng tôi cần xây dựng lại đất nước của chúng ta. Chúng tôi không thể thực hiện điều này một mình. Những người hiện diện ở đây -như quý vị biết rõ- đã giúp đỡ rất nhiều gia đình ở trong nước có thực phẩm để nuôi con cái. Quý vị đã thăng tiến trong các xã hội nơi quý vị khởi sự từ tay trắng. Quý vị ra đi đã mang theo cả Cuba trong lòng và quý vị thương yêu quê hương. Hãy giúp chúng tôi đoàn kết quê hương lại, phá tan bức tường này mà, khác với bức tường ở Berlin, không làm bằng bê tông hay gạch đá, mà làm bằng những lời nói láo, sự im lặng, và bao ác ý. Trong nước Cuba mà rất nhiều người trong chúng ta mơ ước, không cần phải xác định chúng ta là người Cuba nào. Chúng ta sẽ chỉ là người Cuba, thế thôi.

Yoani Sanchez

Nguyên tác : "Cubans, period" trích từ HavanaTimes, 01/04/2013. Tựa đề do người dịch đặt

Trần Quốc Việt dịch, 19/02/2022 

-------------------------------

Chú thích của người dịch :

(1) "Guten Tag" là "Chào". "Ich spreche ein bisschen Deutsch" là "Tôi nói chút ít tiếng Đức". "Ich komme aus Kuba" là "Tôi là người Cuba" (dịch từ Google Translate)

2. Miami là nơi có rất nhiều người Cuba sống.

3. Joses Marti (1853-1895) là anh hùng cách mạng và là nhà thơ người Cuba

4. Cuộc thủy vận cứu người vượt biển ra đi từ cảng Mariel vào năm 1980 đã cứu và đưa hơn 100 ngàn người tỵ nạn Cuba đến định cư ở Hoa Kỳ.

 

*******************

Sống chết với quê hương 

David Samuels, Trần Quốc Việt, 19/02/2022

Lời tòa soạn : Dưới đây là một đoạn trích từ bài nói chuyện với cựu trí thức bất đồng chính kiến Adam Michnik về 'tâm lý người Ba Lan', bài Do Thái và 'đeo kính Do Thái', do ký giả David Samuels thực hiện, đăng trên trang Tablet Magazine ngày 18/12/2014.

--------------------------

POLAND-MICHNIK

Cựu trí thức bất đồng chính kiến Adam Michnik – Ảnh chụp năm 1981 tại Warsawa

Vào tháng Năm 1968 tôi đang ở tù và tôi ở trong "karcer" này, tức xà lim kỷ luật đặc biệt, hay còn gọi là "giường cứng". Rồi bất ngờ họ đưa tôi đi cung ở một căn phòng trải thảm đỏ sang trọng.

"Ông Adam, mời ông dùng thuốc lá ? Ông dùng trà hay cà phê ?"

Rồi viên an ninh điều tra trẻ, độ chừng hơn ba chục tuổi, thực ra chẳng lớn tuổi hơn tôi, nói :

"Ông Adam, khi ra tù ông có tính đi Do Thái ?"

"Tại sao tôi nên đi Do Thái ?"

"Vì hiện nay tất cả những người Do Thái đều có thể đi Do Thái".

Nghe thế, tôi nói với anh ta. "Tôi sẽ di cư sang Do Thái vào ngày sau khi anh di cư sang Mạc Tư Khoa".

Anh ta rất tức giận, nhưng đối với tôi đây là khoảnh khắc rất quan trọng, vì tôi tự quyết định về thân phận của mình. Điều mà cộng sản và những kẻ bài Do Thái nói về tôi đối với tôi thật ra chẳng quan trọng gì. Đối với tôi, điều quan trọng là điều tôi nghĩ về mình.

Cha tôi không ngừng ép tôi di cư. Ông thường nói "Này con, con ở đây họ sẽ giết con đấy". Trước đó trong phiên tòa xử mình tôi đã phát biểu rất khiêu khích và sắc sảo. "Họ sẽ không bao giờ tha thứ con chuyện ấy", cha tôi hay nói. Ông muốn tôi đi. Tôi đáp, "Không. Con nhất định ở lại đây để may vải liệm cho họ".

David Samuels

Nguyên tác : "The Conscience of Poland : A Q&A With Adam Michnik", Tablet Mag, 18/12/2014Tựa đề do người dịch đặt

Trần Quốc Việt dịch (19/02/2022)

**********************

Quê hương

Trần Quốc Việt, 19/2/2022

(Phỏng theo bài thơ "Quê hương" của Đỗ Trung Quân)

 

quehuong1

 

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy cố yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng vui nhiều

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho quan trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về nặng tập trên vai

 

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con ngóng thèm thuồng

Quê hương là con đò nhỏ

Sương rơi chờ khách đêm khuya

 

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về bóng đổ hắt hiu

Quê hương là vòng tay lạnh

Bơ vơ bao kẻ bên lề

 

Quê hương là bến nước lạ

Phận gái trôi dạt trời xa

Quê hương là luồng cá bạc

Máu rơi thấm đẫm khoang thuyền

 

Quê hương là ngày mưa lớn

Thương cha vất vả trên đường

Quê hương là đêm trăng lạnh

Em thơ ngủ mệt bên thềm

 

Quê hương nếu ai lên tiếng

Sẽ không thoát khỏi lao tù

Quê hương nếu ai hờ hững

Tủi lòng lịch sử ngàn xưa

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Đảng thôi.

Trần Quốc Việt, 19/02/2022

Published in Văn hóa

'Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị’

BBC, 20/01/2022

Chính phủ Việt Nam lên án hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

vn1

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

Bà Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

"Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

"Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

"Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

"Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng : Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Bài của báo Dân Việt mô tả "trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200 nghìn công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn".

Hiện chưa rõ toàn bộ 800 chuyến bay mà bài báo này nói tới là "chuyến bay giải cứu" hay không.

vn2

Bữa ăn trên máy bay của khách trả vé "combo" 55 triệu VND một chiều từ London về Vân Đồn.

Các "chuyến bay giải cứu" theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như "Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ ; Học sinh dưới 18 tuổi ; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú ; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị "mắc kẹt" vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính ; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền ; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt".

Thông thường đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé và giá vé các chuyến bay giải cứu cũng rất đắt.

Từ nhiều tháng qua truyền thông tại Việt Nam đã đưa tin ít về các "chuyến bay giải cứu" và gọi các chuyến đang khai thác là "các chuyến bay hồi hương", "thương mại", hay "combo" với nhu cầu người Việt sống tại nước ngoài về nước vẫn nhiều.

Vào tháng 12/2021 Chính phủ Việt Nam nói mở lại "đường bay quốc tế" với một số thị trường (đa số tại Châu Á) nhưng nhiều tuần sau đó không có kế hoạch cụ thể và hành khách có nhu cầu về nước vẫn phải tìm cách mua vé trọn gói theo dạng "combo".

Các chuyến combo bao gồm phí khách sạn, ăn uống xét nghiệm, chuyên chở khách ở trong nước lên tới hàng chục triệu mỗi vé và là vé một chiều.

Mặc dù các văn bản nói về việc người nhập cảnh có xét nghiệm âm tính chỉ cần ở nhà tự theo dõi 3 ngày nhưng đa số hành khách các chuyến bay theo dạng "combo" vẫn phải cách ly tại khách sạn trong ba ngày đầu.

Như BBC tiếng Việt tìm hiểu, việc Campuchia quy định từ sau 15/11 đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải cách ly 14 ngày mở ra cơ hội cho nhiều người muốn về nước nhưng không muốn trả "giá trên trời" bởi nếu cộng cả chi phí cách ly khách sạn khi vào Việt Nam bằng đường bộ và giá vé bay từ nước thứ ba tới Campuchia thì với nhiều người, vẫn hợp lý hơn giá vé của các chuyến bay "combo" chào bán.

Từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu bay quốc tế thường lệ nhưng vé máy bay vẫn gấp 2-3 lần trước dịch.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường hồi cuối tháng 11/2021 nói "việc tìm mua vé máy bay phù hợp để trở về quê nhà đón Tết là mối quan tâm của nhiều kiều bào".

Truyền thông Việt Nam đưa tin nhà chức trách đang làm việc với một số thị trường có nhiều nhu cầu khách bay về nước để tăng chuyến, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu về ăn Tết tại quê nhà.

Trong khi một số đại sứ quán Việt Nam đưa thông tin về các chuyến bay trọn gói "combo" trên trang web của mình thì họ nói không chịu trách nhiệm về các chuyến bay này.

Nguồn : BBC, 20/01/2022

************************

Chỉ thị chống dịch chồng chéo : dân phải tự lo phòng thân !

RFA, 20/01/2022

Hôm 19 tháng 1, Thủ tướng Chính phủ ra công điện yêu cầu các địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trái với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân về quê ăn Tết. Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo.

vn3

Một sư cô mang khẩu trang phòng tránh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 4 năm 2020. Reuters

Theo truyền thông Nhà nước, tuy Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các quy định thích ứng an toàn và yêu cầu "địa phương không chống dịch cao hơn quy định", nhưng mỗi tỉnh thành đang đề ra biện pháp cách ly, xét nghiệm khác nhau với người về quê ăn Tết. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Anh Nhân, chủ một cửa hàng buôn bán hàng nội thất cho RFA hay :

"Không phải địa phương nào cũng bị tình trạng đó. Em có anh thợ mộc phải thu xếp về quê trước một tuần để kịp Tết vì còn cách ly. Về sát ngày quá là không kịp Tết. Cách làm của họ làm cản trở người đi từ xa về, đặc biệt là công nhân, bởi họ làm cho các công ty thì các công ty đâu cho nghỉ sớm. Hiện một số các công ty ở Sài Gòn nương theo những quy định đó mà khuyên công nhân nên ở lại thành phố. Cả chính quyền thành phố cũng khuyên người dân nên ở lại ăn Tết chứ không nên về quê. Nhưng cái Tết cổ truyền thì ai đi xa làm việc cũng mong cuối năm về nhà ăn sum họp với gia đình.

Chủ trương của Chính phủ là bình thường trong điều kiện mới là địa phương cản trở họ bằng những điều như cách ly thì không đúng".

Anh Nhân phân tích thêm, ở Việt Nam, địa phương nào để dịch lây lan thì chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nên họ đẩy trách nhiệm xuống chủ tịch huyện, huyện đẩy xuống chủ tịch xã. Mấy anh ở xã lại là mấy anh kém về nhận thức và kém về hiểu biết cho nên để an toàn cho cái ghế của mình, họ đặt ra những quy định ‘không giống ai’ làm khổ dân.

Trong đợt dịch Covid-19 năm ngoái, rất nhiều quy định được chính quyền cấp dưới ban hành không theo chỉ đạo của cấp trên được người dân gọi là ‘phép vua thua lệ làng’. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về kết quả phòng, chống dịch hôm 17 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện "Nghị quyết 128 – Hướng đến bình thường mới" phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên.

Ông H. một người am hiểu tình hình nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội sau đó nói với RFA rằng :

"Sở dĩ có chuyện ‘trên bảo dưới không nghe’ là vì cấp dưới chỉ lo giữ ghế. Họ không làm vì trách nhiệm vừa chống dịch vừa không ngăn sống cấm chợ, bất lợi cho dân hay ảnh hưởng đến kinh tế trong dài hạn. Do đó, chuyện cấp dưới bất tuân cấp trên là chuyện có thật. Còn trách nhiệm của ai thì phải mổ xẻ vấn đề mới nói được".

vn4

Bên ngoài một bệnh viện dã chiến 500 giường dành cho bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 8 năm 2021. AFP

Để ứng phó với tình trạng ‘mỗi nơi làm một kiểu’, ‘phép vua thua lệ làng’, người dân thấp cổ bé miệng chỉ biết tự lo cho mình để có thể sum họp với gia đình ngày Tết.

Cô Tuyết, công nhân tạm trú ở quận Bình Thạnh kể với RFA sáng 20 tháng 1 :

"Ông Thủ tướng yêu cầu không làm khó dân khi về quê ăn tết nhưng thực tế mỗi nơi một kiểu. Mấy ông ở địa phương đâu có nghe. Họ coi thường lời ông Thủ tướng nói. Mấy ổng làm khó dân để kiếm tiền hoặc ở bên trong nội bộ họ có gì đó mà họ không tin ông thủ tướng nữa. Mỗi nơi chống dịch một kiểu nên người lao động tụi tui phải xin về quê sớm hơn mọi năm để trừ hao cách ly. Mấy ổng chống dịch theo chỉ thị từ hồi đó tới giờ mà, có theo khoa học đâu. Ai mà dám tin, mình lo thân mình thôi.

Như cái vụ bắt dân xét nghiệm mỗi tuần mấy lần, giờ lòi ra cái vụ Việt Á mấy ổng bán kit test luôn. Bởi vậy cấp dưới không nghe cấp trên, dân tụi tui không nghe lời mấy ổng luôn vì mấy ổng nói một đường làm một nẻo".

Trong đợt dịch thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ bị chỉ trích là chống dịch theo chỉ thị chứ không theo khoa học. Điều này dường như được lập lại khi lãnh đạo một số thôn, xã mặc sức ra những quy định vượt rào so với chỉ đạo của chính quyền cấp trên.

Báo Nhà nước đưa tin trường hợp gia đình anh Bình ở tỉnh Thái Bình bị trưởng thôn khóa trái cửa nhốt trong nhà bảy ngày, từ ngày 9 tháng 1 đến ngày 16 tháng 1 do có người trong gia đình đến từ vùng đỏ. Chủ tịch xã sau đó cho biết việc khóa cửa nhà dân là sai quy định, xã không chỉ đạo thôn làm việc này. Còn ở Thanh Hóa, gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú được chính quyền địa phương vận động đã đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà để phòng dịch Covid-19 do gia đình có người từ tỉnh ngoài trở về.

Cách chống dịch của chính quyền lâu nay bị cho là cứng nhắc, không theo khoa học mà chỉ theo chỉ thị dẫn đến số người tử vong đến nay là hơn 36.000. Bác sĩ Võ Xuân Sơn từng bày tỏ với RFA :

"Có một sai lầm mà theo tôi là lớn nhất trong tất cả các sai lầm gây ra số tử vong cao là do chính sách vĩ mô. Họ hoạch định chính sách không đúng. Những người trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ trên xuống dưới không đánh giá đúng vai trò của ngành y trong việc chống dịch".

Bác sĩ Đinh Đức Long thì khẳng định, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát :

"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.

Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’".

Có lẽ rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ tư với hậu quả quá nặng nề, mới đây, phát biểu kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu việc tiêm vắc xin mũi thứ tư phòng Covid-19 cho người dân, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi với quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Nguồn : RFA, 20/01/2022

**************************

Vẽ ra những công trình vô bổ để tham nhũng !

RFA, 18/01/2022

Cục Quản lý đường bộ 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục cưỡng chế tháo dỡ năm công trình cổng chào tại thành phố Kon Tum trị giá tám tỷ đồng. Nguyên nhân được cho biết là những cổng chào này được UBND Thành phố ̉Kon Tum xây dựng dù chưa được Tổng cục Đường bộ chấp thuận vì lý do mất an toàn giao thông.

vn5

Đoạn đường khoảng 200m nhưng có 3 cổng chào ở Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Một cổng đổ sập. Ảnh chụp tháng 6/2020 - Photo : congan.com

Tại buổi họp báo hôm 14 tháng 1 năm 2022, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND Thành phố ̉Kon Tum lý giải rằng, những công trình này được khởi công vì mục đích lên đô thị loại II. Việc xin giấy phép xây dựng cổng chào rất phức tạp, trong khi tỉnh yêu cầu hoàn thành các cổng chào trước năm 2021 nên thành phố triển khai cho kịp tiến độ. 

Dư luận cho rằng, đây lại là một hình thức tham nhũng vì ‘có xây mới có ăn’ của các cấp lãnh đạo có thẩm

Anh Quang, một kỹ sư xây dựng khu vực miền Trung nêu quan điểm của ông về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng :

"Tham nhũng không những không bớt mà còn diễn ra một cách tinh vi hơn trước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Tinh vi hơn là bởi người ta đã thấy được những lỗ hổng trong cơ chế, trong luật pháp đối với lĩnh vực xây dựng. Trong luật xây dựng người ta cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số điều luật nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng tham nhũng trong xây dựng. Tuy nhiên, khi người ta càng đưa ra những cơ chế, chính sách, điều luật trong luật xây dựng và một số nghị định liên quan, ví dụ như Quy chế quản lý đầu tư xây dựng hay Quy hoạch xây dựng… thì thành phần tham nhũng đã có cách đối phó trong đó".

Theo anh Quang, rất nhiều loại cổng chào quy mô khác nhau, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ai cũng làm cổng chào. Nó không có ý nghĩa gì ngoài tư tưởng cát cứ, tư tưởng tiểu nông cho nên lãng phí rất lớn. Đặc biệt là lãng phí ngân sách bởi vì không ai bỏ tiền túi ra xây cổng chào hết. Anh giải thích thêm về hai loại tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng :

"Cổng chào và tượng đài là những dự án được đẻ ra và gây thất thoát nhiều nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Mà trong lĩnh vực này thì thất thoát trong chi phí đầu tư ít nhất là 20% đến 30%, từ đó chi phí tăng lên. Đó là thất thoát trực tiếp. Còn thất thoát gián tiếp là từ chính sách. Nơi làm ra chính sách, cụ thể là Bộ xây dựng có những sân sau, muốn có lợi thì phải đưa ra những chính sách có lợi cho sân sau, tức có lợi cho cá nhân họ".

Câu chuyện xây cổng chào không phải mới xuất hiện ở Việt Nam mà từ năm 2010, chính quyền tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỷ đồng. Đến năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ một phần công trình trong cổng chào để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỷ đồng. Còn tại thành phố Hải Phòng, sau khi tốn 24 tỷ đồng để dựng một cổng chào nghệ thuật hồi 2015, năm 2017 đã phải dỡ bỏ do hư hỏng nặng.

Mới năm ngoái, cổng chào sáu tỷ ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng có thể bị tháo dỡ bất kỳ lúc nào do cổng được xây dựng trên tuyến đường giao thương chính của các tỉnh đồng bằng ven biển nên thiếu tính bền vững.

Nói tới tham nhũng, Luật gia H.L. ở Hà Nội nhận định rằng, tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tinh vi và dính tới cấp lãnh đạo cao nhất. Đó là điều chưa từng được phát hiện. Ông nói :

"Nói về tham nhũng ở Việt Nam thì người phát động chiến dịch đốt lò là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dính vào tham nhũng trong vụ Việt Á, dù vô tình hay cố ý. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam và được đánh giá là sự lũng đoạn Nhà nước. Đây cũng là chứng cứ cho thấy tham nhũng ở Việt Nam là cả một hệ thống, bởi khi ông Trọng lúc đó là Chủ tịch nước đặt bút ký huân chương lao động hạng ba cho Việt Á, tức là đã có các cơ quan hàng ngang hàng dọc bên dưới thẩm định hết rồi. Đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất rồi qua Ban thi đua - khen thưởng ; qua Chính phủ ; qua Bộ nội vụ rồi mới qua Văn phòng chủ tịch nước để ký.

Vụ Việt Á là vụ tham nhũng chính sách điển hình. Nếu không có ‘bàn tay vô hình’ điều khiển thì không thể nào sản phẩm của Việt Á được tiêu thụ đồng loạt trên 62 tỉnh, thành của cả nước như thế cả. Không thằng bán hàng nào giỏi bằng Chính phủ trong vụ này".

Cuối năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty CP Công nghệ Việt Á. Tháng 3 năm 2021, Công ty Việt Á đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 do chính Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng ký. Lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cho báo chí biết, việc trình tặng khen thưởng cho Công ty Việt Á dựa trên đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số chuyên gia cho rằng, tham nhũng xảy ra khắp nơi và không thể ngăn chặn cho dù ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch ‘đốt lò’ vào năm 2016, khi ông Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư tại Đại hội đảng lần thứ 12.

Một năm sau, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng nhắc lại : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Luật gia HL. nhận định với RFA :

"Không thể chống tham nhũng được nếu không có tư pháp độc lập. Hiện nay, cả chánh án và viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đều là đảng viên thì rõ ràng Đảng ngồi trên pháp luật. Ca nào Đảng cho xử thì xử, không thì thôi. Cơ chế này không thể chống được tham nhũng. Đó là điều rõ ràng. Khi cương lĩnh của Đảng đặt trên Hiến pháp thì chống tham nhũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của đảng chứ không vì lợi ích của dân".

Tại buổi nói chuyện trước cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm hôm 28 tháng 9 năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng tuyên bố : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng".

Trong khi đó, Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định : "Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý".

Một số người dân cho rằng, Đảng cầm quyền với nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước ‘vô pháp luật’.

Nguồn : RFA, 18/01/2022

Published in Việt Nam