Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nói thiệt, sau này khi cộng sản Việt Nam sụp đổ, chỉ riêng với việc đốt hết những biểu ngữ và bích chương về đảng và những sách báo láo toét của đảng cũng đủ khiến chỉ số ô nhiễm môi trường của Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới.

Hoàng Ngọc Diêu

cua1

Huyền thoại tình báo cộng sản Việt Nam : Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thương đã chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được ông, nhưng ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt.

Wikipedia (tiếng Việt) có cả trang viết về một nhân vật tên Nguyễn Văn Thương, xin ghi lại đôi ba đoạn chính :

Sinh năm 1938 là thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ... Trong 10 năm hoạt động chiến đấu từ năm 1959 đến tháng 2/1969 Nguyễn Văn Thương được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài Gòn - Bến Cát - Bình Dương) đây là thời điểm khó khăn, bởi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà luôn tỏ ra thận trọng thường xuyên kiểm soát gắt gao trên tuyến hành lang xung yếu này.

Nguyễn Văn Thương đã vượt qua khó khăn, gian khổ,và nguy hiểm, thực hiện hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu và đưa đón hàng trăm cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ an toàn. Ngày 10/2/1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị máy bay Mỹ phát hiện, hạ thấp định bắt sống.

Ông đã chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được ông, nhưng ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt.

Sau nhiều lần mua chuộc không thành, quân đội Mỹ đã đưa Nguyễn Văn Thương ra đập nát hai bàn chân. Sau đó chỉ trong 3 tháng, họ 6 lần cưa 6 đoạn chân của ông.

Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhiều lần bị quân Mỹ tập trung càn quét vào căn cứ, Nguyễn Văn Thương đều tích cực cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ. Có lần quân Mỹ tập kích vào căn cứ, Ông trực tiếp chỉ huy một tổ bắn rơi 3 máy bay lên thẳng của Mỹ bằng súng tiểu liên. Quân Mỹ đông, có xe tăng, pháo binh hỗ trợ liên tục tập kích đánh phá vào căn cứ, anh và đồng đội kiên cường, bám vững chiến hào đánh trả quyết liệt, hàng tháng, nhiều lần đánh lui cả đại đội quân Mỹ diệt 50 tên, phá huỷ 8 xe tăng, bảo vệ khu căn cứ an toàn.

Chưa hết, báo Dân Trí còn cho biết thêm đôi ba chi tiết "hết sức cảm động" khác nữa về sinh hoạt của T.T. Nguyễn Văn Thương, vào những ngày tháng cuối đời :

"Dù đôi chân cụt gần hết cùng hàng trăm vết thương do địch tra tấn khiến ông đau nhức nhưng đôi mắt ông vẫn sáng ngời tình yêu Tổ quốc. Ông thường xuyên tham dự các buổi giao lưu, truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ mầm non của đất nước".

Có lẽ vì sợ rằng lớp "thế hệ mầm non" không bắt kịp "ngọn lửa cách mạng" nên Ban Tuyên giáo còn cho xuất bản tác phẩm (Người Bị Cưa Chân 6 Lần) và cùng lúc phổ biến trên youtube ( Người sáu lần cưa chân vẫn chạy thoát) cho nó chắc ăn.

cua2

Ban Tuyên giáo còn cho xuất bản tác phẩm (Người bị cưa chân 6 lần) và cùng lúc phổ biến trên youtube (Người sáu lần cưa chân vẫn chạy thoát) cho nó chắc ăn.

Mọi phương tiện truyền thông, kể cả Wikipedia tiếng Việt – rõ ràng – đã được cả một "đội ngũ trí thức" đông đảo biên soạn (và lũng đoạn) bằng mọi cách. Tuy thế, giữa huyền thoại và sự thực về ngành tình báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cách mênh mông đến độ khó ngờ.

Theo Wikipedia : "Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được...". Thiếu tá Nguyễn Văn Thương. Tuy vậy, cuối cùng, ông vẫn trốn thoát sau sáu lần bị cưa chân. Còn trong Điệp Vụ Bá Linh vừa qua thì Trung Tướng Đường Minh Hưng không hề bị bắt giữ, cũng chả bị cưa chân (hay cưa tay) gì ráo trọi nhưng phen này chắc là khó thoát. Thằng chả mắc nạn, đã đành ; cả Bộ Công An lẫn Bộ Chính Trị e cũng sẽ gặp lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và lôi thôi... lắm !

cua4

Bà Trần Dương Nga (“Nhiều cán bộ cao cấp Bộ Công An Việt Nam liên quan bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”) trước tòa án Đức

Đường Minh Hưng đã phạm những lỗi lầm "chí tử" nào (qua Điệp Vụ 004) mà ra nông nỗi thế ?

Từ Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng tường thuật như sau :

"Là sĩ quan an ninh/tình báo cao cấp, chỉ huy nhóm đặc nhiệm qua Berlin rình bắt Trịnh Xuân Thanh, ông Hưng có nhiều đặc điểm nổi trội, dễ nhớ. Nhưng thôi, hãy đi vào một chi tiết đáng nhớ nhất : trả tiền khách sạn.

Tướng Hưng đã trao thẻ nhà băng cá nhân của mình cho khách sạn Berlin tạm giữ để thuê phòng trọ. Kết thúc chiến dịch trở về Việt Nam, ông phát hiện ra số tiền phòng bị trừ trong thẻ. Đó là sự nhầm lẫn của khách sạn, bởi một điệp viên của ông khi trả phòng đã nhanh nhẹn thanh toán thay cho sếp bằng tiền mặt (theo thói quen ?).

Thế là từ Việt Nam, tướng Hưng không chấp nhận việc mất tiền hai lần như thế, ông viết e-Mail cho khách sạn Berlin phê bình, đề nghị trả lại ông số tiền ‘ăn gian’ đó. Vì tiếng tăm có hạn, ông đưa ra một số điện thoại và đề nghị khách sạn hãy liên lạc với một người biết tiếng để giúp ông (đó lại cũng chính là một sĩ quan an ninh dưới quyền ông, một thành viên quan trọng trong nhóm đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của ông Hưng).

Lần theo số điện thoại này, cảnh sát Đức đã không khó khăn gì để tìm ra Facebook cá nhân với đầy đủ thông tin về viên sĩ quan an ninh nọ cùng gia đình, một người trước đây đã từng sang Đức bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh với học bổng do Đức cấp (hồ sơ lưu trữ đầy đủ, số tiền bao nhiêu...).

Đây chính là một trong những đầu mối quan trọng, giúp phía Đức nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Khi nhân viên điều tra Đức thuật lại các chi tiết này trước toà, cả phòng xử án đã cười ồ vì ngạc nhiên và thú vị. Đó có lẽ cũng là những giây phút thư giãn hiếm hoi cho những ai tham dự phiên toà ở Berlin trong những ngày nắng nóng vừa qua".

Nói thiệt : sao tui cười không muốn nổi ! Coi : Đảng và Nhà Nước Việt Nam tiêu phí không biết bao nhiêu là công của để tuyên truyền, tô vẽ, đánh bóng cho ngành tình báo công an Việt Nam mà ông Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh chỉ vì tiếc chút tiền (còm) đã làm hư bột hư đường hết trơn hết trọi !

Tuy vậy, với truyền thống ngoan cường cố hữu VNU (Vietnam National University, Hanoi – Đại Học Quốc Gia Hà Nội) vẫn hân hoan loan báo :"Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giữ chức Chủ tịch Hội đồng".

Trang web Bách Khoa Toàn Thư cho biết thêm : "Phó Thủ tướng yêu cầu làm sao để bộ sách phải là tri thức cơ bản về Việt Nam, đặc biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với các tiêu chí là dân tộc, khoa học, hiện đại, hệ thống và đại chúng".

cua3

Tuyên bố của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Ảnh FB

Cứ theo đúng "quan điểm" này thì Bộ Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam lại sẽ có thêm rất nhiều trang, và nhiều ông Nguyễn Văn Thương nữa – đúng với sự lo ngại của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Diêu :

"Nói thiệt, sau này khi cộng sản Việt Nam sụp đổ, chỉ riêng với việc đốt hết những biểu ngữ và bích chương về đảng và những sách báo láo toét của đảng cũng đủ khiến chỉ số ô nhiễm môi trường của Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới".

Ổng lo xa quá nên nói đại vậy thôi chớ thiệt ra thì cần gì phải "đốt hết những những sách báo láo toét của đảng" làm chi cho nó "ô nhiễm môi trường". Đất nước còn nghèo, dân chúng nhiều nơi vẫn còn thiếu giấy (để chùi) nên cứ từ từ rồi họ cũng sẽ dùng cho đến hết thì thôi.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 15/08/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Mình nhận vừa hèn vừa nhát.

Văn Biển

dkt1

Tuyển tập thơ văn Đoàn Kế Tường 1949-2014

Nhà xuất bản Người Việt Books giới thiệu tập Ký (xuất bản năm 2018) của Đinh Anh Quang Thái "như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời" : Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Trần Văn Bá, Nguyễn Tất Nhiên, Như Phong Lê Văn Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, Trần Hồng Hà ...

Tôi quen (hoặc biết) tất cả những tên tuổi vừa kể, trừ Đoàn Kế Tường. Huy Đức, đôi lần, có nhắc đến nhà báo này (trong Bên Thắng Cuộc) nhưng tôi không để ý vì chưa được đọc một tác phẩm nào của ông, và cũng chả bận tâm gì đến một ngòi bút quốc doanh.

dkt2

Xem Ký Đinh Anh Quang Thái xong, tôi mới biết là mình hơi nông nỗi. Đoàn Kế Tường không chỉ viết văn, viết báo mà còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã xuất bản từ lâu – ở miền Nam :

- Mùa Hoa Phượng (thơ, 1971)

- Ngày Dài Trên Quê Hương (ký, 1972)

- Lòng Ta Lá Rụng Ven Đường (thơ, 1974)

Ông cũng đã từng trải qua một kiếp nhân sinh với không ít nhọc nhằn, và lắm nỗi đắng cay :

Đoàn Kế Tường là một trong số tù nhân chính trị bị bắt sớm nhất, sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam năm 1975. Anh bị bắt năm 1976, vì tham gia tổ chức phục quốc. Và một tội nữa : Làm báo trước 75, từng viết nhiều bài phóng sự chiến trường ca ngợi quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Đoàn Kế Tường tên thật là Đoàn Văn Tùng, sinh năm 1949 tại làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Theo lời Tường, năm 13 tuổi, do bố từng là lính cho Pháp nên Tường được vào học Trường Thiếu Sinh Quân-Vũng Tàu, sau đó vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn Lực Lượng Đặc Biệt, đóng ở Cao Nguyên, rồi đào ngũ về quê Quảng Trị, sau làm lính địa phương quân và do cơ duyên tình cờ, trở thành phóng viên địa phương của báo Sóng Thần. Tường gia nhập làng báo từ 1971 với các bút danh : Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Đoàn Thiên Lý, Đoàn Nguyễn, Cỏ Hoang...

Chúng tôi gặp nhau tại phòng 10 khu BC trại giam T30 Chí Hòa, khi tôi chuyển từ trại giam T20 Phan Đăng Lưu sang đây đầu năm 79. Đoàn Kế Tường hơn tôi 5 tuổi, bằng tuổi anh cả tôi. Dù vậy, không câu nệ, anh bảo "gọi nhau mày tao cho thân, anh anh tui tui nghe mệt thấy mẹ". Tôi vẫn giữ lễ, nhưng ngày càng thân, nên sau tôi chỉ gọi anh là Tường. Và anh gọi tên tôi, xưng "tui"...

Sống chung lâu ngày, tôi biết Tường thường bị giằng co giữa thiện và ác. Lúc có thăm nuôi, Tường hào sảng lắm, đem phát cho những "con mồ côi" trong phòng. Tường bảo, "kệ mạ hắn, ăn cho đã rồi mai nhịn". Đó là tính THIỆN của Tường.

Nhưng khi giỏ thăm nuôi trống không, Tường không nhịn được mồm. Lúc đó, tính ÁC lộ ra. Tường không ngần ngại "xoay sở" bằng nhiều cách để có tý muối, tý đường, tý thuốc lào. Tường còn táo tợn đến độ "kết bè" với vài bạn tù "bặm trợn" dọa nạt một số tù gốc Hoa có nhiều quà thăm nuôi hòng có thêm cái ăn chờ đợt nuôi kế tiếp...

Ra tù năm 84, tôi đi thoát, Tường vẫn đếm ngày tháng sau chấn song ở trại Chí Hòa. Và rồi Tường cũng được thả. Mừng bạn thoát tù, tôi gửi về chút quà nghèo cho Tường... Rồi nghe tin Tường làm cho báo Công An, ký tên Đoàn Thạch Hãn... Bạn bè còn lại quê nhà nhắn tin, Tường "bệ rạc quá, viết nhiều bài bôi nhọ anh em phục quốc".

Tác giả ca khúc nổi tiếng "Trả Nợ Tình Xa", nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết trong bài "Nhớ và Quên" : "Trong giai đoạn chỉ có một tờ báo với một giọng điệu nói mà không có nơi phản hồi, anh là một cây viết sáng giá, lấp lánh như một bảo đao. Văn của anh lạnh và khinh miệt khi nói về những người cùng thời với mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bỏ nhiều thời gian để đi tìm hiểu về sự sắc bén của anh Hãn, để cuối cùng tâm nguyện rằng, dù phải chết, tôi cũng không chọn nghề viết, như cách của anh".

Xa quê nhà nửa vòng trái đất, tôi không thể phán xét gì về bạn mình. Chỉ thầm nghĩ, cái ÁC trong con người Tường lại lấn cái THIỆN rồi. Tường chết bệnh ngày 3 tháng Chín, 2014 trong bệnh viện ở Sài Gòn. Nhà báo Huy Đức báo ngay tin này cho tôi, và nói sẽ đến viếng Tường lần chót trước khi thi thể được đưa về với đất ở Hải Lăng. Huy Đức cho biết, ngoài vài người cháu và bạn bè văn nghệ, không có ruột thịt nào bên Tường lúc Tường ra đi...

Đọc bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi mới biết Tường có lần tự phán "mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều". Giá Tường được sống trong môi trường khác, tôi tin cái THIỆN trong anh sẽ lấn cái ÁC.

"Giá được sống trong một môi trường khác" thì rất nhiều người cũng khác, chứ chả riêng chi họ Đoàn. Nguyễn Khải, chả hạn, sẽ không đợi đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới dám mon men "đi tìm cái tôi đã mất". Nguyễn Đình Thi cũng thế, cũng chả phải "tự phán" bằng những lời lẽ chua chát – vào lúc cuối đời :

Người tôi còn nhiều bùn tanh

Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ

Tương tự, Hoài Thanh – chắc chắn – cũng đâu đến nỗi "vị người ngồi trên" suốt nửa đời sau. Chế Lan Viên cũng vậy, cũng sẽ chả phải "lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc Phù Sa". 

Điều không may của những nhân vật thượng dẫn chỉ vì họ đã không được "sống trong một môi trường khác", tử tế hơn chút xíu !

Huỳnh Ngọc Chênh vừa cho phổ biến một bức ảnh chụp chung của nhiều văn nghệ sỹ rất tăm tiếng (và tai tiếng) của Việt Nam, hồi thế kỷ trước, cùng với lời bình phẩm : "Nhiều người trong số nầy là tinh hoa của đất nước ở thế kỷ trước. Lẽ ra họ sẽ tiếp nối phong trào Duy Tân, tiếp nối Tự Lực Văn Đoàn góp phần tạo dựng ra một nền văn học nghệ thuật lẫm liệt cho đất nước. Rất tiếc, chế độ đã biến họ thành phân, và họ cam chịu như vậy để được sống... mòn".

dkt3

Ảnh : FB

Theo nhận xét của Văn Biển thì "hầu như người cầm bút dưới thời cộng sản phần lớn đều hèn... Họ chỉ sám hối khi đã về già, đã hưởng bao nhiêu bổng lộc triều đình. Lúc đó may ra bạn đọc chỉ có lòng thương hại. May là người viết cuối đời cũng được bộc bạch ít nhiều. Lúc sắp chết mới bớt đi được cái hèn và nhát".

Trước cường quyền và bạo lực thì "hèn" và "nhát" để bảo vệ lấy thân là phản ứng chung của nhân loại, chứ chả riêng chi của một giới người hay dân tộc nào cả. Uy vũ bất năng khuất không phải là phải là một chọn lựa dễ dàng, nhất là khi phải đối diện với thứ nhà nước toàn trị (cùng tất cả những thủ đoạn ti tiện, đốn mạt, đê hèn và tàn ác) như chế độ hiện hành ở Việt Nam.

Tuy thế, cứ đổ hết lỗi cho môi trường, hay thể chế e cũng khó được sự đồng thuận của tất cả mọi người.

Tuấn Khanh : "Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể chối cãi trong những bước đi của đời mình".

Phạm Xuân Nguyên : "Vấn đề ở đây không nên hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh cho lãnh đạo. Nguyên nhân chính phải tìm ở trong mình... không một áp lực nào một quyền uy nào của bất kỳ ai bắt buộc được người cầm bút phải bẻ cong ngòi bút của mình nếu chính người cầm bút không tự bắt mình phải bẻ cong ngòi bút".

Hữu Loan, cây gỗ vuông chành chạnh, có lẽ là minh chứng sống động nhất cho hai quan niệm vừa nêu. Phạm Duy lại là một minh chứng khác, hoàn toàn trái ngược.

Mà nào có riêng chi Phạm Duy. Sướng quá hóa tệ cũng là lẽ thường tình của thế nhân – theo như nhận xét của Lâm Bình Duy Nhiên về tập thể người Việt đang "tị nạn cộng sản" ở nước ngoài :

"Họ, bỏ mặc tất cả. Họ, có điều kiện vật chất nên chỉ chạy về vui chơi, hưởng thụ, mặc kệ đồng bào vất vả, bươn chải sống qua ngày trong cái nhà tù khổng lồ ấy... Tiếc thay, những kẻ như thế ngày càng đông".

Tôi tự xét mình cũng không khác chi (nhiều) với cái số đông "phú quí năng dâm" này, và cũng chả phải là kẻ có thể sống bất khuất trước cường quyền nên hoàn toàn chia sẻ với sự thương cảm của Đinh Quang Anh Thái với người bạn cùng tù : "Thương Tường. Thương mình... Khốn nạn cái chế độ không có bộ mặt người đày đọa con người !".

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 08/08/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Thành ngữ Việt Nam

ca1

Nhà báo Phạm Đoan Trang vừa viết một stt ngắn khiến rất nhiều người hóa... tâm tư :

Ngày hôm qua, 25/7/2018, Tòa thượng thẩm Berlin ra phán quyết, chính thức khẳng định Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam tổ chức bắt cóc, trong đó họ đưa ra một số cáo buộc, nôm na là : Ý tướng và mệnh lệnh đưa ra là của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm là người triển khai ý tưởng, Đường Minh Hưng trực tiếp điều phối.

Như vậy, nếu cảnh sát Đức chỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với người trực tiếp chỉ huy chiến dịch mà lại không truy nã người có ý tướng và người trợ giúp triển khai ý tướng thì thật không công bằng. Truy nã tướng Hưng mà lại không truy nã tướng Lâm và Tiến sĩ Trọng, anh em tâm tư.

ca2

Ngay bên dưới stt thượng dẫn là ý kiến của nhà văn Nguyễn tướng Thụy : “Thật là mình cũng rất ‘tâm tư’. Nó chả công bằng tẹo nào.” Tôi đang rảnh, rất rảnh, nên cũng đâm ra hơi băn khoăn (chút xíu) nhưng không phải vì lẽ “công bằng” mà vì đôi ba chuyện bèo nhèo, và eo sèo khác.

Thoibao.de (13/04/2018) trích dẫn nguồn tin từ Cộng Hòa Séc cho biết “đã có từ 10 đến 20 triệu Euro được phía Việt Nam chuyển sang thông qua văn phòng MoneyGram của ông Nguyễn Hải Long trong khu chợ Sapa của người Việt tại Séc... có lẽ phía Việt Nam đã chuyển từ 10 đến 20 triệu Euro để chi cho trả cho toàn bộ chiến dịch bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như các khoản phí khác”.

Sao mà tốn kém dữ vậy cà ? Điệp vụ Berlin chỉ được thực hiện bởi vài cái xe thuê, một cái máy bay mượn, và nhân sự đều là người ăn lương của nhà nước hết trơn mà – theo như lời khai của phu nhân ông Trịnh Xuân Thanh, bà Trần Dương Nga (“Nhiều Cán Bộ Cao Cấp Bộ Công An Việt Nam Liên Quan Bắt Cóc Ông Trịnh Xuân Thanh”) trước tòa án Đức :

1.Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ; 2.Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an ; 3.Trung tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) ; 4.Phạm Văn Hiếu ; 5.Lưu Trung Việt ; 6.Vũ Quang Dũng ; 7.Vũ Hồng Minh ; 8.Phạm Minh Tiến ; 9.Đào Công Duy ; 10.Vũ Trung Kiên ; 11.Đặng Tuấn Anh ; 12.Nguyễn Thế Đôn.

Thôi cứ tính cho nó gọn là 15 triệu Euro, hay khoảng 17 hay 18 triệu USD, đi. Chi phí mọi thứ, dù cho vứt tiền qua cửa sổ chăng nữa, e cũng khó đến 5 hay 6 triệu MK. Phần còn lại, nếu chia đều, mười hai vị có tên tuổi thượng dẫn mỗi người được lãnh “thêm” cỡ một triệu đô la. Lợi tức trung bình hằng năm của một người dân Việt chưa đến ba ngàn (chính xác và cập nhật là USD 2.546) mà cán bộ đi công tác vài ngày, hay vài tháng, lại “ẵm” cả triệu thì e hơi quá lố.

Đây là tiền thưởng chăng ?

Hãy xem qua cách thực hiện “Điệp Vụ Bá Linh” coi họ xứng đáng được “tưởng thưởng” cắc bạc nào không ?

Tờ Der Spiegel (Tấm Gương) – tuần báo lớn nhất, có uy tín đứng nhất nước Đức và phát hành khắp thế giới – có một bài tướng thuật dài 3 trang với nhiều chi tiết mới mà trước đây chưa hề được các nhân viên điều tra của Đức tiết lộ. Xin được ghi lại đôi ba đoạn :

“Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 7, bầu trời u ám. Đúng 10 giờ 39 phút cặp nhân tình rời khỏi khách sạn và đi bộ trong công viên Tiergarten (Vườn thú).

Vụ bắt cóc diễn ra không đầy một phút. Những người đàn ông tóm lấy cô gái, cô ta đã chống cự kịch liệt đến nỗi các nhân chứng tướng rằng cô ấy đang bị động kinh. Trịnh Xuân Thanh cũng đấm đá dữ dội, ngay cả khi ông ta bị đẩy xuống sàn xe bắt cóc VW Multivan màu ánh bạc mang biển số 2AB-3140. Kính râm và điện thoại Iphone 7 của ông bị rơi trên vỉa hè. Khi người qua đường nhặt nó lên, thì hình ảnh của một bông hòa hiện ra trên màn hình...

Buổi sáng hôm đó cảnh sát đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo động của các nhân chứng. Một nhân chứng đã bám theo chiếc xe bắt cóc đến Cổng Brandenburg. Khi xe dừng ở đèn đỏ anh ta nhảy ra khỏi xe và chạy đến những nhân viên cảnh sát để báo động, nhưng chiếc xe VW bắt cóc đãphóng chạy mất. Đúng 11 giờ 13 phút, chiếc xe bắt cóc đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin-Treptow. Chiếc xe đã đỗ tại đây suốt 5 tiếng đồng hồ...

Trong vụ này, hầu như không có bất kỳ người tham gia nào cung khai, kể cả 2 nạn nhân bị bắt cóc dẫu rằng họ có thể nói. Mặc dù thế, các nhà điều tra Đức đã tái dựng được từng phút của vụ bắt cóc.

Công nghệ giám sát đã giúp họ : những chiếc xe do nghi phạm Nguyễn Hải Long thuê mướn đều có trang bị hệ thống định vị GPS. Nhờ đó mà họ biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây.

Các đoạn băng video thu từ các trạm xăng đã tiết lộ ai đã lái xe, chiếc xe nào và khi nào. Một hệ thống kiểm tra tự động biển số xe, gọi là hệ thống Kesy, được sử dụng trong bang Brandenburg nhằm chống trộm xe, đã cung cấp thêm thông tin. Từ đó, các nhà điều tra đã phát hòa được một hòa đồ di chuyển của các thủ phạm và những chiếc xe của họ...

Những kẻ bắt cóc cố gắng che giấu danh tính của họ, nhưng vô ích. Mặc dù họ đột ngột thay đổi khách sạn, trong thời gian ngắn họ hủy bỏ phòng đã được đặt trước và thanh toán bằng tiền mặt, nhưng khi đặt trước phòng ở khách sạn, họ lại lấy tên thật” [Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch). Bản điện tử tóm tắt trên Der Spiegel online]

Ngoài những sai lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ vừa kể, những Điệp Viên 004 của Việt Nam còn phơi bầy cho mọi người nhìn thấy cái phương thức làm việc rất cẩu thả (và vô cùng tắc trách) theo đúng với “truyền thống của đám công an phường” ở xứ sở này.

Ông Voges, trưởng nhóm điều tra chuyên án Trịnh Xuân Thanh, đã khai trước tòa án Đức hôm 19/6 chi tiết sự việc như sau :

“Các hình ảnh Video ghi lại tại khách sạn Sheraton Berlin cho thấy, ông Trịnh Xuân Thanh và bà Đỗ Thị Minh Phương cùng nhau rời khỏi đây vào sáng Chủ nhật 23/7, sau 15 phút đã xẩy ra vụ bắt cóc ngay gần đó, tại công viên Tiergarten Berlin.

Tại phòng của bà Phương đã thuê ở khách sạn Sheraton qua hệ thống Booking.com, cảnh sát đã tìm thấy 2 chiếc bàn chải chải đánh răng, qua xác định bằng AND phát hiện một chiếc của bà Phương, chiếc còn lại của ông Thanh. Trong tủ quần áo cũng tìm được các bằng chứng ADN tướng tự của 2 người. Dấu vết ADN của ông Thanh cũng được lấy từ căn hộ nơi ông và Vợ đang sống ở Berlin.

Đặc biệt trên chiếc xe VW T5 biển số Séc đã tìm thấy nhiều vết máu lớn, theo tướng thuật của một cảnh sát điều tra ‘những vết máu này to như đồng 2 Euro và đều của ông Thanh, tại đây cũng tìm thấy nhiều sợi tóc và dấu vết ADN của bà Phương trên tựa ghế của xe’. Ngay phía dưới ghế phụ đã phát hiện thêm 2 sợi dây siết bằng nhựa có dính vết máu của ông Thanh cùng 1 hộp xịt hơi cay” (“Tường Thuật Từ Tòa Thượng Thẩm Tại Berlin Hôm 19/6/2018,” Trung Khòa - Thoibao.de).

Tuy để lại đủ thứ tang vật (bầy hầy) khắp mọi nơi như thế nhưng ngay tối hôm đó, nhóm Điệp Viên 004 vẫn thản nhiên đi “uống rất nhiều bia” để ăn mừng – như lời khai của ông Nguyễn Hải Long.

Theo Wikipedia tiếng Việt thì Thượng tướng Tô Lâm có học hàm giáo sư Ngành Khoa Học An ninh và học vị tiến sĩ Ngành Luật Học. Còn Trung tướng Đường Minh Hưng cũng có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ... gì đó. Gì thì gì cả hai ông, rõ ràng, đều văn võ song toàn cả.

Tuy chưa bao giờ có hân hạnh được ngồi nghe hai vị “giáo sư” này giảng dậy lần nào nhưng cứ nhìn vào con số 20 triệu Euro chi phí cho Điệp Vụ Berlin thì tôi vẫn có thể (tạm) kết luận về họ như sau : “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa !”.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/08/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 23 juillet 2018 21:07

Người & Đất

Với chính sách cướp đất từ Bắc vào Nam của cộng sản thì Đặng Ngọc Viết, Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến chưa phải là những người nông dân nổi dậy cuối cùng.

Trịnh Bá Tư

dat1

Ông Đặng Văn Hiến từ giã gia đình trước khi ra đầu thú

Nhà báo Đinh Đức Hoàng có nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh. Ông gọi đám nông dân mất đất nhưng vẫn gắng (gượng) trồng trọt, để sống lay lất qua ngày, là những người điền vào chỗ trống :

Ở thôn Hòa Bình, Yên Nghĩa, Hà Nội, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một người đàn ông ngoài 60, kéo theo một chiếc xe bò chở cây chuối giống, đi vòng quanh. Ông đi tìm bất kỳ mảnh đất trống nào, những mảnh đất đã được người thành phố mua lại nhưng chưa xây nhà, để "gửi" những cây chuối vào đấy. Mỗi mảnh vài cây, chắp vá lại cũng được số lượng lớn. Sau một thời gian, nếu yên ổn không bị ai đòi đất, ông sẽ có chuối bán.

Đó là một người nông dân đã từng có đất canh tác, nhưng nay phải đem giống cây đi "điền vào chỗ trống", vào những miếng hở của nhà cửa san sát mọc lên. Đất ruộng của ông ngày trước đã được thu hồi phục vụ cho việc xây dựng khu đô thị. Bản thân ông, vẫn không có nghề nào ngoài nghề trồng cây. Ở khu vực này, có nhiều người điền vào chỗ trống như thế.

Chả riêng chi “ở khu vực này” đâu. Cả nước đâu cũng đều như thế cả. Sau một chuyến thăm quê, ở miền Nam, tác giả Phương Toàn thuật chuyện mà ông phải “rào đón” là tuy khó tin nhưng hoàn toàn có thật :

- Thằng bé mười ba tuổi vào nhà bà ngoại với chiếc giỏ đeo toòng teng trên ghi đông xe. Bà già hỏi :

- Mày có cái gì đem vô cho tao đó Tèo ?

- Dạ không có gì cho ngoại hết, má con nói đem em con vô nhờ ngoại chôn giùm !

Thì ra má nó nghèo quá không có đất chôn con, nên mới bỏ đứa nhỏ vô cái bị cói, kêu nó đem vô nhờ bà ngoại chôn”.

Ở một xứ sở nông nghiệp mà người sống phải tìm đất “để điền vào chỗ trống”, và kẻ chết cũng chả có chỗ để vùi thây thì đất nước quả là đang có vấn đề. Và vấn đề này không phải lỗi của thằng đánh máy mà do thằng cơ chế :

Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao. Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980…

Chiều 18/1/2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II, OsinBook, Westminster, CA, 2013).

Rõ ràng đây là một “quyết định chết người”. Hai nạn nhân mới nhất tên là Bùi Hữu Tuân và Đặng Văn Hiến. Ông Huân đã từ trần hôm 12 tháng 7 năm 2018, sau khi tự thiêu để phản đối một bản án oan có liên hệ đến mồ mả, đất đai.

dat2

Ảnh minh họa

Cùng ngày, ông Hiến bị xử chung thẩm y án tử hình sau vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (hồi tháng 10/2016) cũng vì liên quan đến tranh chấp đất đai canh tác...

Zing News tường thuật : “Nhiều người thân bị cáo Đặng Văn Hiến đã khóc lóc, quỳ xuống xin Hội đồng xét xử xem lại bản án. Nhiều người cho rằng bản án tuyên đối với bị cáo Hiến là quá nặng. Sau khi tòa tuyên án, gần trăm người thân của các bị cáo đứng vây trước cửa ra vào phòng xử án, buộc lực lượng chức năng phải đưa bị cáo rời tòa bằng cổng sau.

Theo cáo trạng, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535, để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

Tuy nhiên, một số hộ dân đã đến xâm canh trồng điều, cà phê và sang nhượng cho các hộ dân khác. Trong đó có gia đình ông Hiến, Bình và Hoàng Văn Thắng.

Ngày 23/10/2016, bị cáo Sửu cùng hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác.

Khi phát hiện người của Công ty Long Sơn đến, bị cáo Hiến lấy súng đi ra thì bị nhóm người của công ty này chặn lại. Tại đây, bị cáo Hiến đã bắn 1 phát đạn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn dùng đá ném lại.

Bị ném đá, ông Hiến chạy vào nhà và bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn.

Lúc này, Trường đã tiếp đạn cho Hiến tiếp tục bắn. Nghe tin người của Công ty Long Sơn đến san ủi cây, Bình cầm súng chạy lên nhà ông Hiến hỗ trợ. Cả hai đã cầm súng ra khu vực san ủi, bắn chết 3 người, 13 người khác bị thương”.

dat3

Bà Mai Thị Khuyên, vợ của tử tù Đặng Văn Hiến. Ảnh : Mai Quốc Ấn

Bản án của phiên toà phúc thẩm dành cho Đặng Văn Hiến gây ra một làn sóng dư luận lớn, với hơi nhiều cảm tính. Bình tĩnh và tương đối khách quan, luật sư Lê Công Định cho rằng đây chỉ là một “kịch bản” mà thôi :

Tôi không tin người nông dân mất đất Đặng Văn Hiến ở Đak Nông sẽ bị tử hình, vì kịch bản sau đây đã được duyệt trước khi trình diễn :

1) Tòa vẫn phải tuyên án tử hình nhằm mục đích răn đe, nếu không sẽ còn nhiều Đặng Văn Hiến khác. Nhưng đó chỉ là án trên giấy !

2) Tuy tòa phúc thẩm y án tử hình, nhưng thẩm phán vẫn mở lối thoát bằng cách nhắc nhở bị cáo và luật sư làm đơn xin ân xá. Nếu không nhận chỉ đạo từ trước, con rối thẩm phán hẳn không dám làm vậy !

3) Chủ tịch nước sẽ nhận đơn xin ân xá và sớm muộn gì cũng chấp nhận ân xá. Nói cách khác, Chủ tịch nước sẽ ghi điểm với công luận vì biết lắng nghe tiếng nói lương tri của chính mình (dù chưa chắc có hoặc còn).

Kịch bản đó được xây dựng trên sự cân nhắc tình hình an ninh chính trị, chứ không dựa vào phân tích luật pháp. Tuy muốn răn đe nhưng sợ rằng nếu tử hình, thì bất ổn xã hội sẽ gia tăng ngoài tầm kiểm soát.

Dù Đặng Văn Hiến có được “tha mạng” hay không thì sinh mệnh của chế độ hiện hành cũng vẫn như chỉ mành treo chuông thôi. Trong một đất nước già nửa dân số vẫn sống bằng nông nghiệp mà người dân không còn được một hòn đất (để chọi chim) và chính phủ vẫn cứ nằng nặc đòi “toàn quyền quản lý đất đai” thì kể như là… tự sát.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/07/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 08 juillet 2018 20:52

Gió & Bão

 Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu.

Lubomir Zaoralek 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Czech

gio1

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, hôm 26 tháng 7 năm 2017, nhà báo Vi Yên đã lên tiếng phàn nàn :

"Quan sát vụ việc ở Đồng Tâm, có lẽ không ít người cảm thấy lạ kỳ khi chẳng thấy đâu bóng dáng của những ông bà nghị. Rốt cuộc thì, những người mà dân Đồng Tâm đã bầu lên từ đợt bầu cử năm ngoái, họ đã ở đâu và đã làm gì trong suốt ba tháng vừa qua ?".

Nào có riêng gì "vụ việc ở Đồng Tâm", ở Đồng Nai (hay bất cứ nơi đâu) cũng vậy thôi mà. Bởi vậy, vài tháng sau (hôm 31 tháng 10) nhà báo Bạch Hoàn lại đặt vấn đề : "Tôi tự hỏi, hàng triệu người nông dân trên khắp đất nước này có thấy đau đớn không khi đã bầu ra những đại biểu như thế ?".

Vi Yên và Bạch Hoàn, rõ ràng, chả có theo dõi gì sinh hoạt nghị trường gì ráo trọi nên không biết là dân biểu Ksor Phước đã từng có lời phát biểu để đời : "Đại biểu ở mọi nơi, khi xảy ra chuyện không ai lên tiếng".

Nếu quí vị dân biểu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cứ "ngậm tăm" mãi mãi thì chắc chắn cũng sẽ chả có điều tiếng chi cả vì dân chúng ở xứ sở này tuyệt nhiên không ai kỳ vọng (hay hy vọng) gì ráo trọi vào cái đám người vô tích sự này. Điều phiền hà là – đôi lúc – lại có vài vị dân biểu đang gà gật bỗng choàng tỉnh, nói láp giáp đôi câu rất khó nghe :

– Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân : "Luật sư biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà làm ngơ là không được".

– Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu : "Làm đặc khu phải theo nguyên lý ‘dọn tổ đón phượng hoàng".

– Phó Chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng : "Không được lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước".

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc".

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thủy : "Xâm phạm an ninh quốc gia là tội bất trung, đại nghịch".

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân : "Đề nghị xử hình sự hành vi bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước".

– Đại biểu quốc hội Đinh Văn Nhã : "Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch !"

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Kiên : "Người giàu thì đi ô tô, người nghèo đi xe máy, xe đạp. Rõ ràng BOT không ảnh hưởng đến dân nghèo".

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến : "Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới".

– Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân : "Tôi cho rằng Luật đặc khu cần làm càng sớm càng tốt, đi đôi với đó là các điều kiện đặc thù để bổ sung. Mình không ủng hộ thì sẽ là sai lầm".

gio2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)

Cũng như tuyệt đại đa số những vị dân biểu đảng cử khác, thay vì đạo đạt ý nguyện của người dân, Nguyễn Văn Thân chuyên nói leo (hay nói theo) mọi "chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước". Ông chỉ khác với qúi bạn đồng viện ở điểm là bản thân, cùng cả gia đình, đang sinh sống ở Ba Lan - "nơi mà người dân có toàn quyền thể hiện các suy nghĩ, hành động, bất đồng quan điểm đối với các quy định, liên quan đến quyền lợi, của các tổ chức hay cá nhân, hoặc tập hợp các nhóm người ủng hộ cho một mục đích chính trị, hoặc nguyên nhân khác".

Hôm 18 tháng 6 năm 2018 vừa qua, BBC loan tin :

Ông Nguyễn Văn Thân, doanh nhân đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, là một trong những dân biểu công khai ủng hộ Dự luật Đặc khu, với những phát biểu khiến một số người tại Ba Lan biểu tình phản đối.

Trên tờ Tuổi Trẻ, hôm 03/06/2018 ông Thân nói "không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm" và cần phải làm đặc khu, "càng sớm càng tốt".

Một số người Việt tại Ba Lan đã ngay lập tức phản ứng lại phát ngôn này và đã tổ chức hai cuộc biểu tình trước ngôi nhà được cho là nhà riêng của ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw.

Khoảng 60 người đã có mặt trước căn nhà chiều 16/06, hô vang các khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền con người, phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.

Cũng trong hơn một tuần qua, nhóm vận động tại Ba Lan đã xin được trên 1200 chữ ký phản đối hai đạo luật này trong các khu trung tâm thương mại của người Việt, theo nhà báo tự do Mạc Việt Hồng cho BBC biết.

Một tốp cảnh sát Ba Lan có mặt túc trực từ đầu đến cuối để giữ trật tự và bảo vệ đoàn biểu tình cũng như gia tư của ông Thân.

gio3

Đơn tố cáo được gửi tới các nơi qua đường bưu điện. Ảnh chú thích : Dân Luận

Chuyện "song tịch" của Đại biểu Nguyễn Văn Thân đã được facebooker Hoàng Văn Dũng đứng đơn tố cáo (và chưa có hồi đáp chính thức từ Quốc hội Việt Nam) nên để hạ hồi phân giải. Giờ, chỉ xin có đôi lời về phản ứng của báo chí nhà nước – và của chính nhân vật này – sau "sự cố tụ tập đông người" trước tư gia của đương sự.

Về sự kiện này Tuổi Trẻ Online (27 tháng 6 năm 2018) cho hay :

"Trong những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một số cáo buộc đối với đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình) mang hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan, có căn hộ tại Ba Lan.

Những cáo buộc này đưa ra sau khi đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu ở Quốc hội ủng hộ việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. 

Thậm chí đã xảy ra một số cuộc tụ tập, biểu tình trước nhà riêng, nơi vợ và con trai út của đại biểu Nguyễn Văn Thân đang cư trú tại Ba Lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống của vợ con ông Thân".

Cũng theo số báo thượng dẫn, cá nhân ông Thân cũng lên tiếng phản đối :

"Còn vợ tôi là một người phụ nữ của gia đình, không quan tâm nhiều đến các hoạt động chính trị, con trai tôi còn nhỏ và cháu là một nghệ sĩ, họ không có lỗi gì để bị khủng bố tinh thần như vậy".

Tôi e rằng ban biên tập của báo Tuổi Trẻ, cũng như ông Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân không có chút khái niệm (hay hiểu biết) gì về khủng bố, và ảnh hưởng của loại hành vy đốn mạt này "đến tinh thần, cuộc sống" của nạn nhân. Để minh thị vấn đề, xin ghi lại một stt, viết hôm ngày 1 tháng 7 năm 2018, của nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn :

"Năm 2013- 2014 nhà mình bị nhà cầm quyền cộng sản tấn công bằng ‘bom bẩn’ và gạch đá. Riêng mình bị đánh hai lần suýt chết, vậy mà công an lại muốn rao giảng cho mình về luật pháp... Tui không nói chuyện người khác để nhà cầm quyền bắt bẻ là ‘thông tin sai lạc’, tui nói chuyện của tui cho chắc cú".

Muốn "chắc cú" hơn nữa, xin nghe lời kêu cứu của cô Đỗ Minh Hạnh – nhà hoạt động về quyền của người lao động, từ thị trấn Di Linh – nói với RFA vào hôm mùng 4 tháng 7 vừa qua :

 "Vào lúc 11g30 phút khi hai cha con đang ngủ thì gia đình bị cắt điện và tấn công. Tấn công đầu tiên là căn phòng của ba Minh Hạnh, đập vỡ kính cửa phòng ba Minh Hạnh và xịt hơi cay vào. Rất may sáng hôm đó đã chặn một cái cửa để che cửa sổ cho nên họ chỉ xịt được hơi cay mà kính không văng vào đầu ba Hạnh. Ba Hạnh báo cho Hạnh là có hơi độc nên khi Minh Hạnh đi lấy khăn lấy nước giúp ba thì họ liên tục tấn công. Hai ba con Minh Hạnh tìm chỗ trú ẩn. Hơi độc làm ba Minh Hạnh cảm thấy khó thở. Minh Hạnh cảm thấy tay chân tê nóng rát, mặt cũng nóng rát. Họ ném đá nhiều hơn mọi ngày...".

gio4

Phòng ngủ bị ném gạch tại nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Ảnh : RFA

Theo Human Rights Watch : "Các vụ tấn công nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam tiếp tục xảy ra thường xuyên. Báo cáo của tổ chức này công bố vào tháng 6 năm ngoái ghi nhận 36 trường hợp các nhà hoạt động và blogger ở Việt Nam bị tấn công trong giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017".

Trong tất cả 36 trường hợp kể trên không hề có một vị dân biểu VN nào lên tiếng để bênh vựa hay bảo vệ nạn nhân. Báo chí nhà nước cũng thế, cũng đều câm như hến tuốt. Tác giả Vũ Thạch nhận xét rằng đây là "cách xóa bỏ trật tự xã hội nhanh nhất chính là khi những kẻ có trách nhiệm thực thi pháp luật cho phép họ công khai đạp lên pháp luật".

Sau khi "trật tự đã bị xoá bỏ" thì nạn nhân trong tương lai sẽ là ai ? Ai gieo gió sẽ gặt bão thôi. Mà bão, xe chừng, không còn xa lắm !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 08/07/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 04 juillet 2018 08:37

Cứt Tầu

Cú bấm nút thông qua Luật An ninh mạng có thể là tiếng chuông báo hiệu chấm hết mối quan hệ giữa chính quyền và người dân trong giai đoạn thoái trào của chế độ.

Thiên Điểu

cut1

Tôi biết Nguyễn Lương Bằng từ năm tôi lên mười. Một hôm cha tôi trở về khuya, mặt đăm chiêu. Ông nói nhỏ với mẹ tôi : "Anh Sao Đỏ vượt ngục rồi !".

- Anh ấy hiện ở đâu ? - mẹ tôi lo lắng.

- Đang đợi xem sao. Tụi nó lùng dữ lắm. Treo giải thưởng một vạn đồng Đông Dương cho cái đầu Sao Đỏ.

- Đã có chỗ trốn cho anh ấy chưa ?

- Mình phải lo cho anh ấy thôi !

Mẹ tôi nói rằng không thể để Sao Đỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm. Phải đưa ông về nhà mình. Đó chính là chỗ mật thám ít ngờ nhất - chúng không nghĩ Nguyễn Lương Bằng lại về nhà người bạn tù vừa được tha.

Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao Vặt : "Ông Cả Hà Đông hiện ở đâu, về nhà ngay, cả nhà đang đợi ông".

Một người đàn ông gày gò, đen đủi tới nhà tôi vào ban đêm rồi ở lại hẳn... Chúng tôi được bố mẹ dặn đi dặn lại rằng người ở trong nhà chúng tôi tên là Bác Cả Hà Đông và cấm chỉ không được nói với ai bác đang ở đây...

Tên gọi Bác Cả Hà Đông còn lại rất lâu trong trí nhớ của chúng tôi. Bí danh Ông Cả, Anh Cả của ông Nguyễn Lương Bằng có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó trong mục Rao Vặt để tìm ông.

Cha tôi đem về nhà một cái máy thu thanh Phillips, để nó trong phòng bác Cả. Đêm đêm cái mắt thần của nó ánh lên màu xanh lục trong vắt rất đẹp. Chính quyền thuộc địa bắt dân phải mang máy thu thanh đến Nha Bưu chính để kẹp chì không cho nghe đài ngoại quốc, chỉ được nghe đài Hà Nội và Sài Gòn. Cái máy Phillips không đăng ký, không bị kẹp chì, vẫn bắt được mọi đài trên thế giới.

Đêm đêm bố mẹ tôi và bác Cả Hà đông ngồi rất khuya, áp tai vào bên loa nghe tiếng thì thào của nó. Bác Cả ở nhà tôi mấy tháng liền, cho tới khi vụ vượt ngục nhạt dần mới bỏ đi. Mẹ tôi sắm cho ông đủ lệ bộ để thành một ông chánh tổng hoặc lý trưởng ra tỉnh : ô Lục Soạn, áo the thâm, giày Gia Định...

Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Đưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu.

Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Bác Cả Hà Đông của tôi chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp" (1).

Để qúi ông Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng... có cơ hội trở thành những vị chủ tịch nước (thay cho đám quan thống sứ và công sứ thời thuộc địa) phải có hằng triệu thanh niên Việt Nam mất mạng, và vô số những bà mẹ mất con nhưng luật đăng ký sở hữu máy thu thanh của chính quyền cách mạng – xem chừng – còn khắt khe hơn của bọn thực dân rất nhiều lần.

Theo báo Tuổi Trẻ : "Giấy chứng nhận đăng ký máy thu thanh có cả một bản nội qui ở bìa sau, qui định cả thảy chín điều khoản, trong đó có những khoản chi tiết như :

- Mất giấy đăng ký 15 ngày phải báo bưu điện.

- Di chuyển đi tỉnh khác hoặc di chuyển về phải làm thủ tục tại bưu điện cấp giấy gốc".

cut2

Nguồn ảnh : Tuổi Trẻ

Chủ trương và đường lối chính sách của chính phủ Trung Quốc, xem ra, cũng hao hao như ở nước ta :

"Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với ‘đặc vụ’ và ‘phản cách mạng.’ Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh.

Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt" (2).

Hóa ra cái hệ thống loa phường ở nước ta cũng có xuất xứ từ ở bên Tầu đấy. Sau khi hệ thống mạng xã hội xuất hiện thì những cái loa ("to đùng") này không còn giữ được vai trò độc quyền thông tin nữa nên nhà nước bạn liền thành lập "Đảng 5 Hào" (五毛党 : Ngũ mao đảng) để "phản biện" và "định hướng " dư luận. Không lâu sau thì ở Việt Nam cũng xuất hiện "đội ngũ những chuyên gia bút chiến" và Binh Đoàn 47.

cut3

Ảnh : internet

Báo Tuổi Trẻ cho hay : "Hiện nhân sự Lực Lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, ‘vừa hồng vừa chuyên’, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao".

Tôi không dám nghi ngờ gì về "lập trường" và "kỹ năng sử dụng công nghệ" của những dư luận viên Việt Nam nhưng về "trình độ" của đám người này thì quả là điều vô cùng... đáng ngại, và đã khiến cho nhiều cư dân mạng phải lên tiếng phàn nàn :

– Đoàn Bảo Châu : "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách ‘kiên định’ và ‘bền vững’ trong thời gian qua không ?".

- Huỳnh Ngọc Chênh : "Tôi chưa hề thấy có bài viết nào của từ 100 ngàn cái gọi là chiến sĩ tuyên truyền đó phản biện lại các bài viết của tôi một cách đàng hoàng. Thay vào đó, từ gần 10 năm qua tôi thấy xuất hiện trên mạng hàng trăm bài viết bậy bạ bôi nhọ, vu khống, hăm dọa, chửi bới tục tĩu cá nhân tôi đủ điều, những bài viết mà bất cứ người bình thường nào đọc vào cũng phải phát ói vì độ tục tỉu trơ trẽn của nó".

- Dương Đình Giao : "Các vị nói tục nhiều quá, văng bậy nhiều quá... Hình như các vị thấy thua kém về lý lẽ, bèn đem cơ quan sinh dục của cả hai giới thay cho cái trí não ít học, lười học... Chẳng hiểu các bậc sinh thành ra các vị, vợ con các vị mỗi khi đọc được những dòng ấy họ sẽ nghĩ gì về công lao dưỡng dục ngần ấy năm trời, nghĩ gì về cái người mà hàng ngày họ vẫn "đầu gối tay ấp", nghĩ gì về người bố, người mẹ của mình ? Cũng có thể đây chính là lý do để các vị không dám chính danh ?".

- Trương Huy San : "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra".

Thì còn "ở đâu" nữa (cha nội) nếu không phải là từ những kẻ thuộc thành phần half illiterare. Họ đọc một bài báo chưa chắc đã "thủng" thì làm sao "phản biện" hay "định hướng" ai được nên đành phải chửi tục để khoả lấp sự ngu dốt của mình thôi.

cut4

Ảnh : FB

Lũ "đảng viên năm mươi xu" thuộc cái Đảng Năm Hào cũng thế, cũng vô học & vô tích sự nên Trung Quốc liền thông qua luật an ninh mạng (vào tháng 11 năm 2016, và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2017) để cố giữ cho mặt trận truyền thông khỏi vỡ. Qua tháng 6 năm sau, 87% đại biểu quốc hội Việt Nam cũng bấm nút thông qua luật an ninh mạng "để Việt Nam trở thành kẻ thù của những giá trị mà loài người đang coi là tiến bộ" – theo như nhận xét của nhà báo Huy Đức.

Lại dẵm cứt Tầu. Sao mà ngu dữ (và ngu lâu) thế, hả Trời ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 04/07/2018 (tuongnangtien's blog)

(1) Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, California, Văn Nghệ, 1997

(2) Trương Hiền Lượng, Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà. Bản dịch Phan Thịnh, California, Văn Nghệ, 1995

Published in Diễn đàn
mercredi, 27 juin 2018 19:53

Chú Chung

Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Nguyễn Đức Chung

chung1

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu như trên tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 17/06/2018 - ẢNH LÊ HIỆP

Ngày 4 tháng 12 năm 2015, ông Nguyễn Thế Thảo rời chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố cùng với tiếng thở ra (nhẹ nhõm) của không ít người dân Hà Nội. Riêng Nguyễn Xuân Diện thì không nén được một tiếng... thở phào : "Ông Nguyễn Thế Thảo đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể…".

Nói thế, tôi e là vị Tiến sĩ Hán Nôm của chúng ta hơi kiệm lời và cũng chưa hoàn toàn chính xác. Ngoài việc cắt một phần lá phổi của thủ đô bằng cách đốn hàng ngàn cây cổ thụ, vị "chính khách" này còn để lại những dấu ấn rất khó phai ("cắt đá"và "múa đôi") giữa lòng Hà Nội.

Vị chủ tịch kế nhiệm, và đương nhiệm, Nguyễn Đức Chung – xem ra – có vẻ nhận được nhiều thiện cảm hơn, và kỳ vọng (xem chừng) cũng lớn lao hơn. Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng, tâm sự :

"Tôi cho rằng giai đoạn vừa rồi, khi mà Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ở vị trí lãnh đạo, không có một di sản nào mà tôi cho rằng gọi là tích cực đọng lại trong tôi...

"Thế còn về mặt trong tương lai, thách thức thế nào với vị Chủ tịch mới, tôi cho rằng là thách thức hết sức lớn, bởi vì là sự toàn cầu hóa, sự gia nhập hiện nay, và đặc biệt sự cởi mở thông tin, sự phát triển của các tư vấn, phản biện, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức xã hội, nó sẽ là một thách thức rất mạnh mẽ đối với vị Chủ tịch mới".

Kể từ khi nhận chức, ông Nguyễn Đức Chung được công luận ghi nhận như một người vô cùng... năng nổ :

- Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra vụ cột điện ‘mọc’ xuyên nhà 4 tầng

- Nắng nóng kéo dài, Chủ tịch Hà Nội ra công điện hỏa tốc

- Cá chết trắng hồ Hoàng Cầu : Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cứu cá ngay trong đêm

- Chàng Tây dọn rác dưới mương được Chủ tịch Hà Nội biểu dương

- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý vụ hai cháu bé tử vong dưới hố nước

- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng tại nhà tái định cư G9

- Chủ tịch Chung chỉ đạo tại hiện trường sập nhà Cửa Bắc

chung2

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cứu hộ ở Cửa Bắc. Ảnh & chú thích : Zing.vn

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận xét : "Với những việc đã làm, có thể cảm nhận ban đầu rằng, ông Nguyễn Đức Chung có thể cùng lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt để xây dựng một Hà Nội dài lâu xứng danh đất ngàn năm văn vật".

Ông Nguyễn Đức Chung, ngó bộ, cũng là một kẻ "có lòng" nhưng để "lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt" thì e "tấm lòng" chưa đủ. Ông cần có tầm nhìn kỹ trị của người đứng đầu một thành phố lớn nhất Việt Nam, cùng với vô số những vấn đề lớn lao và cấp thiết hơn là chuyện đứng (xớ rớ) chỉ trỏ vào một căn nhà đã xập hay "chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng" hoặc đi "kiểm tra cột điện". 

Tuy thế, trong một thể chế mà những kẻ xấu xa, tàn ác vẫn thường ở vị trí lãnh đạo rất cao thì cái tâm của Nguyễn Đức Chung (nếu thật) vẫn cần phải được ghi nhận như là một điểm son khó kiếm. Điều đáng tiếc là ngay cả cái vết son nho nhỏ này – dường như – cũng không thực lắm và đã biến mất, sau biến cố Đồng Tâm. Sự việc được RFA ghi nhận, một cách khái quát, như sau :

Mảnh đất hơn 100 ha tại Đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo chính quyền là đất quốc phòng và đòi thu lại cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong khi đó người dân lại nói chỉ có một phần đất là của quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp của họ.

Vào tháng 4 cơ quan chức năng nói mời đại diên người dân đến để đo đất ; nhưng sau đó xảy ra việc bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm và gây thương tích cho một cụ già trong quá trình bắt giữ. Bức xúc trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân ; người dân Đồng Tâm đã trả đũa bằng cách giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin từ ngày 15 đến ngày 22 tháng tư.

Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân và viết một bản cam kết trong đó có một nội dung là sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm.

Vụ việc gây xáo động dư luận một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng công bố kết luận thanh tra chính thức khu đất tranh chấp với nội dung là khu đất đó là đất quốc phòng.

Bản kết luận tiếp tục khiến người dân phẫn nộ và yêu cầu thanh tra lại. Cho đến tận bây giờ, những căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa nguôi ngoai, dân thì không chấp nhận kết luận thanh tra, còn cơ quan chức năng coi kết luận đó là văn bản chính thức, đất là của quốc phòng không còn gì chối cãi.

Sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội liên tục có các động thái khiến nhiều người dân Đồng Tâm càng thêm bức xúc chẳng hạn như gửi giấy triệu tập đến cả trăm người dân, và thậm chí là kêu gọi họ ra đầu thú...

Quyết định khởi tố vụ việc bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản ở xã Đồng Tâm mà phía công an đưa ra cũng khiến không chỉ người dân Đồng Tâm mà nhiều người quan tâm theo dõi cho rằng đó là một sự bội ước, thất hứa từ phía chính quyền, mà đại diện là ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng "ông Chung phải tự phủ nhận các cam kết của mình đối với bà con xã Đồng Tâm là do áp lực từ những phe cánh trong quân đội và chắc chắn có những chỉ thị từ Nguyễn Phú Trọng, đương kiêm Bí thư quân ủy trung ương", chứ tự thâm tâm vị quan chức này không phải là người "tráo trở" hay là kẻ "lật kèo".

chung3

Mưa Hà Nội

chung4

Mưa Sài Gòn 

Dư luận còn đang phân vân thì cả tâm lẫn tầm của ông Chủ Tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội đều đã được mọi người nhìn nhận rõ hơn, qua lời tuyên bố, vào hôm 17 tháng 6 năm 2018 : "Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc".

Dịch giả Phạm Nguyên Trường lại phải mất công ghi lại dăm ba "sự cố" liên quan đến mối tình hữu nghị thắm thiết, và thảm thiết, này :

1. Năm 1974, sau khi sát hại 74 sĩ quan, chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

2. Năm 1979, sau khi chế độ cộng sản Campuchia (gọi là Khme đỏ) do Trung Quốc bảo trợ, bị quân Việt Nam tống khứ ra khỏi Phnong Penh, Trung Quốc xia 300 ngàn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha.

3. Năm 1988, quân Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam, tay không tấc sắt trên bãi đá Gạc Ma và chiếm bãi đá này từ đó đến nay.

4. Trung Quốc liên tục giết hại ngư dân Việt Nam ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam, không hề tỏ lòng nhân đạo khi ngư dân ta gặp nạn.

Sự ngờ nghệch của ông Chủ tịch Thành phố khiến FB Nguyễn Ngọc Chu hốt hoảng đặt vấn đề : "Thủ Đô đang nằm trong tay ai ?". Cá nhân ông Nguyễn Đức Chung, theo tôi, không có bổn phận phải trả lời câu hỏi này vì Tổ quốc đang mất dần, từng mảng, chứ chả riêng chi Hà Nội !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 27/06/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 19 juin 2018 15:59

Hải cẩu & Mây điện toán

Tôi cho rằng, dù có tăng cường bắt bớ hay đặt thêm 100 cái luật về internet thì Việt Nam cũng không thể quay ngược lại trên xa lộ thông tin của nhân loại.

Nguyễn Đình Bổn

Gần mười năm trước, hôm 25 tháng 10 năm 2010, bà Trần Minh Hiền – Giám đốc WWF – rầu rĩ báo tin con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã chết. Bỉnh bút của BBC, Baraniuk Chris, cho biết thêm chi tiết : "Cảnh sát Việt Nam tham gia điều tra, cung cấp các phân tích về đường đi của viên đạn. Họ nói viên đạn đến từ một khẩu súng bán tự động, như AK47".

tegiac1

Con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết chết

Con thú đáng thương này có thể vẫn còn sống sót đến hôm nay, nếu sát thủ biết rằng trong sừng tê giác không có gì khác ngoài keratin – chất liệu để tạo thành móng, lông, tóc của nhiều loại động vật. Nó hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc trị liệu chứng yếu kém sinh lý và cương cứng (ED : erectyle dysfunction) dương vật cả.

Châm ngôn của người Việt là có bệnh thì vái tứ phương nên sau khi tê giác đã bị xóa sổ, nhiều vị bèn "cầu cứu" đến một loài thú khác : hải cẩu.

tegiac2

Bức ảnh đại tướng Ngô Xuân Lịch và thượng tướng Võ Trọng Việt  dùng trụ sở quốc hội để trao đổi thuốc kích dục hiện đang thu hút nhiều sự chú ý trên các mạng xã hội. Ảnh vn.city

Báo VietNamNet sau đó đã phải cắt bỏ phần ảnh liên quan đến hộp thuốc, nhưng bức ảnh gốc vẫn có thể xem được với độ phân giải cao tại đường link : Khi phóng to, người ta dễ dàng đọc được nhãn hiệu ghi trên hộp là OTTOPIN - một loại thuốc có tác dụng cường dương và trị yếu sinh lý cho nam giới, nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản.

tegiac3

Theo thông tin của trang ionovietnam : "Tuýp bôi OTTOPIN S có chứa một lượng lớn thành phần công dụng Methyltestosteron 20mg (trong 1g). Ngoài ra, còn có dầu hải cẩu lông mao tinh chế (có tác dụng giãn mạch máu được chứng minh) giúp đem lại hiệu quả mong muốn".

"Hiệu quả" như thế thật là quí hóa nhưng cách xử dụng thì lôi thôi và phiền phức quá :

- Ngày dùng khoảng 3-5 lần ;

- Sáng từ lúc thức đến tối trước khi đi ngủ, bôi khoảng 5 lần, khoảng cách giữa các lần bôi đều nhau ;

- Một lần dùng khoảng 0,1-0,2g (không dùng quá liều lượng) ;

- Bôi vào dương vật, hay phần đùi trong (nên bôi vào phần đùi trong vì da ở đây mỏng giúp tăng hiệu quả hấp thu thuốc, không nên bôi vào đầu dương vật) ;

- Bôi xoa mạnh, mát xa theo hình chữ V (Cực kỳ quan trọng để tăng tỷ lệ thẩm thấu, hấp thu) ;

- Hàng ngày phải bôi liên tục, không được bỏ sót.

Bộ trưởng quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh, và hàng tướng lãnh lãnh đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam mà ngày nào cũng phải "bôi liên tục từ sáng tới tối" loại dầu hải cẩu tinh chế này thì khó ai còn có thì giờ và tâm trí nghĩ đến chuyện... quốc phòng. Thảo nào mà ngư dân được phát cờ ra khơi bám biển còn quân đội cứ nhất định bám bờ, và để "bảo toàn đại cục" thì quốc hội buộc "phải bàn cho ra" luật lệ để đất nước trở thành nhượng địa.

Bức ảnh Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh đứng chào hàng (Ottopin–S, giữa trụ sở quốc hội) đang lan truyền rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông cũng giúp cho thiên hạ hiểu tại sao vị Thượng tướng lại mạnh mẽ cổ vũ cho luật an ninh mạng. Phải chi đạo luật này được phê chuẩn sớm hơn thì ông ấy đã được một phen lâm vào cảnh khó coi, và (cũng) khó ăn khó nói với bà nhà.

Chỉ có điều phiền là cách Võ Thượng Việt trình bầy quan điểm của mình thì cực kỳ khó hiểu. Ông ấy cúi mặt vào giấy, đọc lắp bắp đọc một hơi ("Hiện nay Gu Gờ và Pha Cê Bóc đang lưu trữ dữ liệu thông tin người dùng Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore... Nếu luật này có hiệu lực, doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây ảo về Việt Nam là hoàn toàn khả thi") khiến mọi người đều… ná thở !

Bác Hiệu Minh phải vội vã lên tiếng thuyết minh : "Hiểu nôm na, ý tướng Việt muốn bảo, mây (mưa) đâu thì mây (mưa), dữ liệu người dùng tại Việt Nam phải nằm trong tầm ngắm/tay của công an Việt Nam, kiểu như ban Tuyên giáo quản hơn 800 tờ báo "cho nói được nói, bắt im phải im".

tegiac4

Ảnh : xuandienhannom

Thiện ý và cách "phụ đề tiếng Việt" của Hiệu Minh, tiếc thay, không được dư luận đồng tình. Thiên hạ vẫn cứ nhao nhao lên phản đối :

- Luân Lê : Không thể tưởng tượng.

- Nguyễn Minh Thuyết : Chết mất thôi.

- Nguyễn Hồng : Tôi lạy ông luôn, ông tướng Phê cê bốc !

 - Dương Đại Triều Lâm : Tướng Võ Trọng Việt ơi, tướng ăn gì em xin cúng.

- Nguyễn Phương : Đại biểu quốc hụi đại diện cho dân đây hả trời ? Cầm giấy đọc cũng không ra hồn nửa mà đại diện cho dân ?

- Thach Vu : Không hiểu tại sao ông lại ngồi ghế chủ nhiệm quốc phòng an ninh trong khi kiến thức chuyên môn của ông là ngành thuốc cho nam giới.

- Trân Văn : Tuy chỉ có 16 giây nhưng chừng đó chắc đủ để nhiều người Việt, trong đó có không ít chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học kỹ thuật, các tổ chức của doanh giới, của những người cùng một nghề nghiệp – đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông,… cảm thấy thương thân !

- Pham Doan Trang : Bấm nút thông qua một đạo luật ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng Internet, ít nhất 40 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, là những kẻ không bao giờ dám vào mạng, nghĩ về mạng như một thế giới "hết sức phức tạp và nguy hiểm" ...

- Song Chi : Nếu trình độ của các quan chức cứ theo kiểu Gú gờ chấm Tiên Lãng, Phây tơ bốc….mà lại còn âm mưu làm cho hơn 90 triệu người dân Việt cũng dốt nát theo, thì 5, 10 năm nữa thôi đời sống xã hội của Bắc Hàn cũng đã là không mơ thấy nổi, không với tới nổi đối với dân Việt Nam.

- Truong Huy San : Tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra Luật An Ninh Mạng - mà hiểu vấn đề như thế này thì làm sao những ý kiến của dân còn có thể tác động tới quý vị.

- Minh Đức Lê : Hôm nay trên Facebook thấy bà con nhào vào đánh hội đồng cái thằng cha trung tướng chủ nhiệm cái gì đó trong quốc hội, vì thằng chả không đọc nổi một từ tiếng Anh mà con nít 5 tuổi nó củng biết. Thật ra tướng hay tá, bộ trưởng này hay thứ trưởng kia của chế độ tại Việt Nam đều là những anh nông dân mít đặc được đảng cho mang hia đội mũ để đóng trò. Nhưng nên nhớ rằng sự ngu dốt của họ luôn tỷ lệ thuận với lòng trung thành với đảng. Thử hỏi không có những người như họ chế độ này có tồn tại được quá 3 ngày hay không.

- Thanh Hieu Bui : Ngư dân bị tàu lạ đâm mất xác hàng ngày trên biển, họp quốc hội giờ giải lao chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh và bộ trưởng quốc phòng bàn nhau cách sử dụng thuốc làm căng cứng dương vật.

- Cao Hùng Lynh : Nhiều khi mấy ông cán bộ quốc hội bấm nút thông qua luật animal đơn giản chỉ vì mấy ảnh ngố mạng, nên đâm ra thù ghét internet thôi, chớ hổng có gì sâu xa hết. giờ mà đưa baidu vô biểu quyết, chắc mấy ảnh cũng say No.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm giản dị của dịch giả Cao Hùng Lynh. Vấn đề, thực ra, không có chi nghiêm trọng và đáng để làm rầm rĩ cả. Giới Đại Biểu Quốc Hội ở Việt Nam "nhất trí" bấm nút thông qua Dự Luật An Ninh mạng chỉ vì những trang mạng đã khiến cho mọi người nhìn thấy hình ảnh khó coi của họ (đang ngồi ngủ gật, hay đứng tiếp thị thuốc cường dương) giữa nghị trường thôi.

Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên khi nghe Đoan Trang  tuyên bố là cô em "sẽ rất vui nếu có thể trở thành một trong những người đầu tiên vào tù vì cái gọi là ‘luật an ninh mạng’ của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Thì toàn chuyện... vui không mà lị !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 18/06/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 13 juin 2018 16:57

Buộc cẳng chim trời

The "world wide web" is not a conspiracy of spiders.
Khuyết danh

Trong mục Ý kiến ngắn trên diễn đàn Talawas, vào ngày 9 tháng 9 năm 2008, ông Phan Hoàng Sơn phát biểu như sau : "Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phức tạp nhất của thế kỷ vừa qua. Hai chiến tuyến được thành lập để công kích và ca ngợi ông, mặc dù cả hai bên đều yêu mến các tình ca của ông".

chim1

Mấy cái máy Akai cồng kềnh - cũng theo chân nguời Mỹ – tràn vào nước Việt, mang sáng tác của Trịnh Công Sơn đến mọi hang cùng ngõ hẻm ở miền Nam.

Vụ thiên hạ thành lập chiến tuyến "để công kích và ca ngợi Trịnh Công Sơn" ra sao, nếu có, để đó, bữa nào rảnh, tính sau. Nhưng chuyện cả nước đều yêu nhạc của đương sự là một sự kiện hoàn toàn khách quan. Muốn bài bác hay nói ra (e) hơi khó. Mà nói vô thì (nghe) có vẻ xu thời.

Còn nói tình ngay thì tui hoàn toàn không hề có ý bài bác, cà khịa, nói ra (hay nói vô) gì ráo. Tiện đây, tui chỉ muốn nói (thêm) rằng họ Trịnh không chỉ có tài mà còn có… thời nữa kìa. Ổng không những đã hay mà còn… hên (dữ) lắm !

Ngay sau khi đương sự vừa xuất hiện (trong những buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi, giản dị với chiếc đàn guitar, trầm lắng bên cạnh Khánh Ly), mấy cái máy Akai cồng kềnh cũng – theo chân nguời Mỹ – tràn vào nước Việt, mang sáng tác của Trịnh Công Sơn đến mọi hang cùng ngõ hẻm ở miền Nam.

Rồi đất nước thống nhất. Trong lúc bộ đội và dân chúng miền Bắc ào ạt vào Nam, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lặng lẽ đi chiều ngược lại – từ Nam ra Bắc. Và ông đã chinh phục được luôn số thính giả của nửa phần quê hương còn lại.

Trịnh Công Sơn tài ba (thấy rõ) nên được rất nhiều người coi là niềm hãnh diện của dân tộc Việt. Tôi, tiếc thay, không có cái may mắn được chia sẻ niềm hãnh diện này – như "rất nhiều người" khác.

Vì sinh ra trong một gia đình sống nhiều đời bằng nghề lý số, bất cứ ai không phải dân "pro" mà thích bói toán hay dự đoán bậy bạ (và trật lất) là tôi không thích. Nghỉ chơi, ít ra (cũng) cho tới tết. Hoặc (không chừng) tới chết luôn !

Với riêng tôi, Trịnh Công Sơn đã mắc phải lầm lỗi (chí tử) như thế. Hơn ba mươi năm trước, khi cuộc chiến Việt Nam còn đang ở giai đoạn khốc liệt, ông đã mường tượng ra một viễn ảnh thanh bình – làm say đắm lòng nguời : "Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường".

"Trở về tuổi thơ" với những hình ảnh đẹp nhất về làng quê

Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường

Chiến tranh chấm dứt. Nam, Bắc hòa lời ca. Tôi ca (hơi) khó nghe nên bị túm. Dù vào trại cải tạo nhiều năm, giọng (ca) tôi vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Bởi vậy, vừa ra khỏi tù là tôi… vù luôn ra biển. Sau khi đã đi hết biển, mặc cho ông Trần Văn Thủy kêu gào, tôi cứ bỏ đi luôn. Cho nó chắc ăn !

Do đó, cái vụ "trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường" – nếu có – tôi cũng không được thấy. Mà hình như thì không (có) đâu.

Không dám mua vé máy bay về (thiệt) nhưng nhiều đêm – những đêm thâu, sâu hun hút ở Nam Dương, ở Thái Lan, ở Tân Gia Ba, hay ở Hoa Kỳ… – tôi vẫn thường lò dò, bằng những bước chân của kẻ mộng du, trở lại cố hương.

Tôi lang thang, qua khắp mọi miền đất nước. Phần lớn là những địa danh mà tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, trước khi (đành đoạn) bỏ đi. Không nơi đâu có chuyện ("trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường") thần tiên như thế. Sau cuộc chiến, quả nhiên, con nít có la cà và tụm năm tụm ba (hơi nhiều) trên đường phố nhưng tuyệt nhiên không thấy đứa nào vui đùa hay hát hỏng gì xất cả.

Từ Hà Nội, ký giả Huw Watkin tường thuật rằng "cứ năm đứa bé đang lê trên vỉa hè của ba mươi sáu phố phuờng là có một đứa… ăn xin. Bốn đứa còn lại, xem chừng, cũng bận : đánh giầy, năn nỉ người đi đường mua vé số, dắt mối, bán ma túy…" ("Children Sold Into Begging, Pimping And Drug Dealing"South China Morning Post, 18 April 2000).

chim3

"cứ năm đứa bé đang lê trên vỉa hè của ba mươi sáu phố phuờng là có một đứa… ăn xin. Bốn đứa còn lại, xem chừng, cũng bận : đánh giầy, năn nỉ người đi đường mua vé số, dắt mối, bán ma túy…"

Cũng vẫn theo y như lời Huw Watkin thì lực lượng trẻ con đi ăn mày, làm ma cô và bán ma túy… ở Việt Nam đang dần được đưa vào tổ chức ("… recent media reports that children are being increasingly used by organized begging gangs, pimps and drug dealers").

Chuyện này thì thằng chả nói hơi… thừa ! Ở một xứ sở mà Nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng hay thánh thất… – làm sao để cho trẻ em (những mầm non tương lai của Tổ quốc) sống vô tổ chức được, cha nội ?

Tôi còn dự đoán rằng, trong tương lai gần, lũ trẻ thơ bụi đời ở Việt Nam (dám) sẽ được đoàn ngũ hóa – và cho thắt khăn quàng có màu sắc khác nhau – để dễ điều phối. Đại loại như, khăn quàng xanh : đánh giầy ; khăn quàng tím : dắt mối ; khăn quàng trắng : ma túy ; khăn quàng hồng : mãi dâm ; khăn quàng nâu : ăn mày ; khăn quàng đỏ : thu thuế và theo dõi hoạt động, cũng như tư tưởng, của những loại khăn quàng khác !

chim4

Cho tới bữa nay, vẫn không thấy những sắc mầu khăn quàng (đỏ, xanh, vàng, tím) phất phới mọi nơi – trên đường phố Sài Gòn hay Hà Nội

Cũng như Trịnh Công Sơn, tiếc thay, tôi đoán… trật ! Cho tới bữa nay, vẫn không thấy những sắc mầu khăn quàng (đỏ, xanh, vàng, tím) phất phới mọi nơi – trên đường phố Sài Gòn hay Hà Nội – như tôi đã hình dung !

Đảng chưa rảnh để cho đám trẻ em bụi đời vào khuôn phép. Nhà Nước Việt Nam còn phải bận tâm về nhiều "đám" khác (xem chừng) cấp thiết hơn nhiều : xây dựng lại đội ngũ trí thức, chấn chỉnh lại đội ngũ báo chí, củng cố lại đội ngũ công nhân… Và quan trọng hơn hết là tìm cách quản lý cái đám blogger, một giới người vừa mới xuất hiện – hết sức đột ngột và lộn xộn – ở xứ sở này.

Blog có thể được mô tả như là một hình thức "dân báo", và blogger là một nhà báo tự do – theo như quan niệm của bà Tạ Phong Tần, một trong những blogger đang được công luận chú ý, ở Việt Nam :

"Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…".

"Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định".

"Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng ta".

Quan niệm tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã không được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Vốn đa nghi, giới người này có khuynh hướng xem blog (nói riêng) và web (nói chung) chỉ là "âm mưu của những con nhện" – những kẻ đang âm mưu "diễn biến hòa bình" – cần phải được theo dõi và kiểm soát, nếu được.

Mà tui thì sợ còn lâu mới được. Tầu còn bó tay thì nói chi ta. Chuyện quản lý Internet ở nước láng giềng, được giáo sư giáo sư Cao Huy Thuần tóm gọn, như sau : "80 muơi triệu con chuột thì mèo đâu ra mà bắt cho hết".

Nhà nước Trung Hoa vĩ đại đã từng thành công mỹ mãn trong việc huy động dân chúng tóm gọn vài tỉ con chim (sẻ) mà nay đang loay hoay không biết đối phó ra sao với mấy triệu con chuột (điện). Quyết tâm của họ, xem chừng, hơi thấp. Quyết tâm của ta, xem ra, cũng… không cao !

Công cụ truyền thông "gang thép" nhất của nuớc Việt Nam, Công an Nhân dân Online (Cơ quan Ngôn luận của Bộ Công an), đọc được hôm 5 tháng 10 năm 2007, đã mô tả blog như là một thứ "hệ lụy" và "quản lý blog" là… "Chuyện buộc cẳng chim trời". Thiệt, nghe mà muốn ứa nước mắt :

"Theo ước tính từ Bộ Thông tin và truyền thông, có khoảng 3 triệu blog tại Việt Nam. Và mỗi ngày có hàng chục ngàn blog mới được khai sinh và việc một người sử dụng nhiều blog với những mục đích khác nhau là hoàn toàn có thể. Đã có những phát sinh và hệ lụy từ blog…"

"Tuy nhiên, liệu có quản lý được không ? Quản lý một blog mà danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin hiển thị không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các blog đều là dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản lý sẽ càng trở nên nan giải hơn…".

chim5

Buộc cẳng chim trời hay buộc chỉ chân voi đều là những chuyện (rất) khó thành công.

"Trong bộn bề của những ngày bắt đầu Bộ Thông tin và truyền thông, trong rất nhiều những vấn đề cần giải quyết và đưa ra những hướng dẫn cụ thể, đưa ra việc quản lý blog với những quy chế hướng dẫn cụ thể là điều chưa khả thi".

"Việc truy tìm chủ nhân blog có thể được đối với cơ quan an ninh mạng hay lực lượng cảnh sát mạng. Nhưng đó là việc làm mang tính đối phó chứ không phải là cách làm mang tính chiến lược".

Trời đất, làm sao mà có "chiến thuật" hay "chiến lược" gì cho kịp chớ ? Coi : mới hôm qua còn cả đống cà phê chui, bữa nay (tất tần tật) đều biến thành… cà phê Internet hết trơn hết trọi !

Giấc Nam Kha khéo bất bình.

Bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay !

Khi khổng khi không, nhà đương cuộc Hà Nội mất (độc) quyền thông tin (mà họ đã từng nắm chặt được) từ hơn nửa thế kỷ nay. Bằng nỗ lực tuyệt vọng – để… hòng "cứu vãn tình thế" – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam, theo như tường thuật của phóng viên Thiện Giao (nghe được qua RFA) hôm 5 tháng 9 năm 2008 vừa qua.

Ta không có tới tám mươi triệu con chuột như Tầu nhưng tính rẻ cũng (đâu chừng)… bốn triệu ! Mèo đâu ra mà bắt cho kịp chớ ?

Công an mạng và cảnh sát mạng lại không thể đào tạo dễ dàng như mấy ông bạn đồng nghiệp, bên ngành giao thông. Loại sau, khỏi cần huấn luyện, cứ quăng ra đường là tụi nó xông xáo đi ghi giấy phạt để… kiếm thêm chút cháo. Chớ còn rình bắt chuột (điện) thì đòi hỏi cần phải có nghiệp vụ cao mà lại chả được ăn cái… giải (rút) gì, ngoài số tiền lương… chết đói.

Buộc cẳng chim trời hay buộc chỉ chân voi đều là những chuyện (rất) khó thành công.

– Ủa, không thành công thì thành nhân chớ có mất mát gì đâu mà sợ ?

– Sợ chớ, theo luật tiến hóa thì đi tới mới có hy vọng thành nhân. Còn cố kìm giữ cả một dân tộc trong tăm tối, dốt nát và nghèo đói… là đi giật lùi. Bước lui thì chỉ có thể thành dã nhân mà thôi !

Tháng 06/2009

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 12/06/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 10 juin 2018 18:30

Bác Kiệt

Có những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác, được Nhà nước đánh giá "vĩ đại" hơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều, nhưng những mảng tối tương tự trong di sản của họ còn tệ hơn nữa.

Phạm Hồng Sơn

kiet1

Cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hóa bằng cách viết hoa.

Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông trẻ nhỏ. Cùng lứa với tôi, có cả tá nhi đồng mà tên gọi đều bắt đầu bằng chữ út : Út lé, Út lác, Út lồi, Út lùn, Út hô, Út còi, Út ghẻ, Út mập, Út sún, Út sứt, Út méo, Út hô, Út đen, Út ruồi, Út xẹo, Út trọc…

Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu (lôi thôi) kiểu cách, theo kiểu Âu Tây :

- Còn đây là thằng út, Út rỗ. Vừa lọt lòng mẹ thì cháu chả may rơi ngay vào một cái… thùng đinh !

Riêng trường hợp của tôi thì hơi khác. Tôi tên Út khùng. Lý do : khi mới chập chững biết đi, tôi té giếng. Lúc tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ mặt mày tím ngắt, chân tay xụi lơ, bụng chương xình, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng "rồi" và lăn ra bất tỉnh.

Thực ra thì "chưa" đâu. Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, cũng kể như… "rồi" – theo như chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi hồi đó :

- Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đong một mớ. Mà loại tế bào này thì không tái tạo. Bởi vậy, cháu sẽ hơi bị… tửng và khó nuôi chút xíu nhưng ông bà ráng nuôi chắc cũng sống được chớ không đến nỗi nào đâu.

Dù đã được trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không an tâm gì cho lắm. Hai người cũng khổ tâm không ít vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con… cầu tự !

Họ quyết định di chuyển đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời.

Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc dài, giữa trung tâm của thành phố Đà Lạt. Khoảng đầu đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa.

Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là leo lên xe vào lúc tối khuya (đường vắng) thả cho chạy xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được cho ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.

Một hôm, bỗng dưng, có thằng nổi quạu :

- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.

Tôi vênh váo :

- Đ… má, bộ tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi bay đẩy được lên tuốt tới tận đây !

Tôi có cái tên mới, Tiến khùng (thay cho Út khùng) kể từ bữa đó.

Khùng, kể ra, cũng khoẻ. Điều đáng tiếc là tuy tôi khùng thiệt nhưng không (được) khùng lâu. Ngày ba muơi tháng tư năm 1975, cách mạng về giải phóng miền Nam. Từ đây, vùng đất này có vài chuyện đổi thay nhỏ : nhạc sĩ Văn Vĩ đang mù bỗng sáng, không ít nguời dân miền Nam cũng vậy, còn (riêng) tui thì đang khùng bỗng… tỉnh ! Sống với cách mạng mà không tỉnh (chắc) không xong.

Tui tỉnh rụi và tỉnh lâu rồi. Sở dĩ tôi nhớ (và nhắc lại) chuyện xưa vì cách đây chưa lâu, nhân ngày giỗ của ông Võ Văn Kiệt, báo Tuần VietnamNet, có "giới thiệu một loạt bài viết của những nhân sĩ trí thức" về nhân vật này – với lời dẫn nhập như sau :

"Vậy là đã tròn một năm ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi về chốn vĩnh hằng. Thời gian trôi đi càng nhận ra sự trống vắng này, cuộc đời càng nhớ Ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cũng chính vì thế, tư tưởng của Ông, hình bóng của Ông sống mãi trong trái tim của nhân dân".

Tui đang rảnh nên cũng muốn thử rà lại coi "tư tưởng của Ông" ra sao mà thiên hạ cứ nằng nặc là "sẽ sống mãi trong trái tim của nhân dân" như vậy ?

Trong một cuộc phỏng vấn (Việt Weekly  – VOL. IV, NO.50 – phát hành từ Garden Grove, California, số ra ngày 7 tháng 12 năm 2006) Võ Văn Kiệt tuyên bố :

"Cả quá trình đấu tranh của người cộng sản là vì đất nước, vì dân tộc là trên hết. Vì thế họ mới chịu hy sinh. Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng cộng sản, do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn ? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng".

Sao tui nghi là hồi nhỏ ông Kiệt dám (cũng) bị té giếng quá hà. Ổng làm tôi nhớ đến cái lúc mình khi ngồi rà thắng, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi hì hục đẩy xe ba gác thấy mẹ luôn. Đã vậy mà còn vênh váo :

- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây !

Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa… nuớc mắt !

Cũng cứ theo như lời của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại (ở Việt Nam) có hàng trăm đảng phái đang tham chính – chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không được phép hoạt động gì ráo trọi, nên ông ấy phải năn nỉ xin cho họ "một chỗ… đứng" chơi – kẻo tội.

Sự thực, ai mà không biết là hơn nửa thế kỷ qua cái đảng (thổ tả) của ông Kiệt có lúc nào mà không ngồi trên đầu trên cổ toàn dân. Và rõ ràng là họ "định" ngồi luôn, nếu không có gì trở ngại, như ông Kiệt đã khẳng định - trong phỏng vấn dẫn thượng :

"Việt Weekly : Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không ?

Ông Võ Văn Kiệt : Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này cũng đòi hỏi tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như Đảng cộng sản Việt Nam là tin cậy được…".

So với cái kiểu sỗ sàng của ông Nguyễn Minh Triết ("bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát") thì cách nói của ông Võ Văn Kiệt nghe có vẻ… tế nhị hơn nhiều. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy quên nêu danh những quốc gia đã "xẩy ra nhiều rối rắm" vì không được đảng cộng sản lãnh đạo. Còn ban biên tập Việt Weekly (cũng) quên hỏi coi băng đảng của ông Kiệt "được sự đồng thuận" và "tin cậy" của dân tộc Việt Nam" để tiếp tục vai trò (lãnh đạo) hồi nào vậy ?

Tui chưa gặp ông Kiệt lần nào, điện thoại, email (qua lại) hay kết bạn tâm tình trên fb cũng không luôn. Sau khi cái nghị định 31 C/P nổi tiếng (do ông Kiệt ký) ra đời, tư thất của tôi cũng không (bỗng) trở thành lao thất như trường hợp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… Nói tóm lại là tui không có "vấn đề" hay "mâu thuẫn" gì ráo (trọi) với cá nhân ông Kiệt.

Đã vậy, ông ấy cũng không phải là loại người bị than phiền là đã gây ra "nỗi ngán ngẩm thường ngày"  cho thiên hạ. Nói nào ngay, hình ảnh quen thuộc, cùng với cử chỉ thân thiện và bình dị của ông Kiệt cũng để lại trong tôi ít nhiều thiện cảm. Dù khó tính tới đâu người ta vẫn phải nhìn nhận rằng : ông Võ Văn Kiệt là người đàng hoàng nhứt trong đám… lộn xộn !

Giới báo chí ở Việt Nam hay mô tả ông Kiệt như "kiến trúc sư của công trình đổi mới". Tuơng tự, họ cũng thường đề cập đến cái gọi là "sự quyết tâm và dũng cảm của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước" – vào cuối thập niên 1980.

Theo như cách nói của blogger Đinh Tấn Lực  thì đây chỉ là hiện tượng "đảng hóa các ý niệm đổi mới của nhân dân". Ông Lực quả là người khéo ví von và… khéo nói. Chứ nói trắng (phớ) ra là nếu không chạy theo những bước chân (phá rào) của toàn dân thì toàn Đảng đã thoát chết (đói) tự lâu rồi.

Trong vụ "bỏ của (và bỏ cộng) chạy lấy người" này, ông Võ Văn Kiệt chính là kẻ tiên phong. Không có ông thì đám dân mù ở làng Ba Đình chắc chết, chết chắc. Rõ ràng, ông Kiệt đã nổi bật lên như là kẻ chột giữa một đám mù.

Và có lẽ vì thế nên cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hóa bằng cách viết hoa. Làm lãnh tụ ở xứ sở này (vốn) dễ. Trở thành vĩ nhân (ngó bộ) cũng không khó khăn gì.

Ngoài cả đống (đủ kiểu và đủ cỡ) anh hùng và liệt sĩ ra, nửa thế kỷ qua "cách mạng" Việt Nam đã sản xuất được một ông Thánh và một ông Á Thánh :

Bác Hồ cùng với Bác Tôn

Cả hai cùng thích ôm hôn nhi đồng…

Nhiêu đó cũng đủ (mệt) ứ hơi rồi. Ráng thêm một Bác Sáu Dân nữa thì e sẽ quá tải và… quá mệt !

Dân tộc này chưa xét đến công/tội của Đảng cộng sản Việt Nam. Chuyện đâu còn có đó. Không nên cứ lật đật phong thánh cho nhau, và cầm đèn chạy trước ô tô, như thế. Nó cán cho chết mẹ.

Chúng ta sẽ có gì để lại cho những thế hệ mai sau ngoài một di sản đạo đức băng hoại, một đất nước hao hụt về diện tích, tan hoang về môi trường, và cạn kiệt về tài nguyên. Như vậy bộ chưa đủ (và chưa "đã") sao mà qúi vị còn muốn tung thêm một mớ rác ruởi hay hỏa mù vào lịch sử nữa ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 10/06/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn