Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một thế giới lưỡng cực về công nghệ đang hình thành. Hoa Vi chỉ là một biểu tượng trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung nhằm kiểm soát kinh tế và cả sức mạnh quân sự trong thế kỳ 21. Trên đây là phân tích của chuyên gia Julien Nocetti, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.

hitech1

Một dây chuyền chế tạo điện thoại di động Hoa Vi, tại Đông Hoàn, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 25/03/2019) Reuters/Tyrone Siu/File Photo

Tháng 05/2019 tổng thống Donald Trump viện cớ an ninh quốc gia cấm các tập đoàn Mỹ dùng và cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các công ty nước ngoài thuộc diện nguy hiểm. Đối tượng đầu tiên trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ là Hoa Vi, con chim đầu đàn của công nghệ viễn thông và high tech Trung Quốc. Nhưng Hoa Vi chỉ là "một cái cây che khuất cả một khu rừng" như người Pháp thường nói.

Trở lại với điểm ban đầu là Hoa Vi : Báo chí quốc tế từ 5 tuần qua thường xuyên nêu ra ba lý do thúc giục Nhà Trắng chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một là chính quyền Trump dùng công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến này để mặc cả với phía bên ông Tập Cận Bình nhằm khai thông đàm phán thương mại đang bị bế tắc. Thứ hai là tính toán về chiến lược và quân sự : Washington lo ngại công ty do ông Nhậm Chánh Phi, một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc sáng lập, thì ít nhiều cũng là tai mắt của Bắc Kinh. Yếu tố thứ ba được nhắc đến nhiều lần đó là Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh về công nghệ cao.

Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đã đan kết quá chặt chẽ vào nhau. Trường hợp của Hoa Vi là một điển hình.

Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Julien Nocetti thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp – IFRI nhấn mạnh đến mối liên hệ "môi hở răng lạnh" giữa các hãng điện tử Mỹ và đối tác Trung Quốc Hoa Vi :

Julien Nocetti : Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Hoa Vi với các công ty Mỹ đã bị Donald Trump đánh giá thấp. Hoạt động của Hoa Vi và các hãng Mỹ - kể cả các hãng của Châu Âu đã đan kết vào nhau, các công ty này thực ra đang lệ thuộc vào nhau. Nhìn riêng vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta thấy ngay là điện thoại thông minh hay máy vi tính chỉ có thể hoạt động nếu như được trang bị "chíp điện tử" mà để chế tạo được ra những "con bọ" điện tử này thì bắt buộc phải có đất hiếm. Cho tới nay Trung Quốc chiếm thế gần như độc quyền về xuất khẩu đất hiếm. Nhưng ngay cả đất hiếm của Trung Quốc cũng cần phải chuyển sang Hoa Kỳ để "sàng lọc" rồi mới có thể dùng để chế tạo linh kiện bán dẫn... Chúng thấy rõ là kinh tế của thế giới đã được toàn cầu hóa. Các quốc gia tham gia vào dây chuyền cung cấp của toàn cầu. Trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung lần này, cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng muốn thay đổi mô hình của một nền kinh tế toàn cầu hóa đó.

Rủi ro gián đoạn dây chuyền cung cấp

Với việc cấm cửa Hoa Vi này, Hoa Kỳ làm gián đoạn dây chuyền cung cấp của thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Julien Nocetti viện IRFI nhìn nhận đây là một rủi ro có thực :

Julien Nocetti : Đây là rủi ro khá lớn. Dây chuyền cung cấp của thế giới có thể bị xáo trộn qua việc Mỹ chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một số đối tác của Hoa Vi, chẳng hạn như nhà sản xuất linh kiện bán dẫn ARM của Anh đã phải xét lại chiến lược phát triển. Cần biết rằng chỉ một mình Hoa Vi hiện đang mua vào từ 9 đến 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới. Hoa Vi là một khách hàng vô cùng lớn đối với các nhà sản xuất trong ngành mà không hãng nào muốn hay dám bỏ qua. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mà bị cấm giao lưu với các đối tác Châu Âu và Mỹ thì chính bản thân các nhà cung cấp của Mỹ, của Châu Âu điêu đứng. Sắc lệnh của tổng thống Trump cấm cửa Hoa Vi tác động trực tiếp đến nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ như Qualcomm hay Intel.

Mỹ - Trung Quốc : ai cần ai ?

Theo điều tra của hãng tin Mỹ Bloomberg được công bố hôm 22/06/2019 năm 2018 Trung Quốc mua vào khoảng 300 tỷ đô la linh kiện bán dẫn của Mỹ (thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc năm 2018 là 323 tỷ đô la theo thống kê của Bắc Kinh). Ba nhà cung cấp quan trọng nhất của Trung Quốc là Intel NVIDIA và AMD. Chỉ riêng một mình Intel đang kiểm soát 36 % thị phần toàn cầu.

Một mình Hoa Vi mua vào trên dưới 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới như chuyên gia Nocetti vừa giải thích và linh kiện bán dẫn luôn được ví là bộ não của từ máy vi tính đến điện thoại cầm tay hay máy tính bảng.

Nhìn đến lĩnh vực điện thoại di động, vẫn điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy, bản thân Hoa Vi không lệ thuộc nhiều vào "bọ của Mỹ", bởi gần ba phần tư điện thoại thông minh do tập đoàn này chế tạo sử dụng chip riêng của mình. Một số đối thủ của Hoa Vi trên thị trường nội địa Trung Quốc không được độc lập như vậy với chip của Hoa Kỳ. Chẳng hạn như là điện thoại Xiaomi chỉ hấp dẫn nhờ có bọ do tập đoàn Qualcomm chế tạo.

Xiết chặt gọng kềm công nghệ

Nhưng Hoa Vi không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất điện thoại cầm tay. Đây trước hết là một tập đoàn cung cấp trang thiết bị dịch vụ về mạng và viễn thông, sản xuất thiết bị truyền thông. Tập đoàn này được sáng lập năm 1987, hiện có khoảng gần 190.000 nhân viên trên thế giới. Gần một nửa trong số đó công tác tại 21 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Hoa Vi cộng tác với khoảng 1.500 công ty quốc tế.

Phần nổi của "tảng băng" trong số các hoạt động của Hoa Vi được công chúng biết đến nhiều hơn cả là những chiếc điện thoại cầm tay. Năm ngoái trên thị trường điện thoại thông minh, Hoa Vi soán ngôi Apple, đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ thua có Samsung của Hàn Quốc.

Theo nhà phân tích Julien Nocetti viện IFRI của Pháp chắc chắn là khi tuyên chiến với Hoa Vi, tổng thống Trump không chỉ nhằm bảo vệ một mình hãng điện thoại có logo hình quả táo :

Julien Nocetti : Đúng là chiến tranh về công nghệ đã mở ra. Cần nhắc lại, ban đầu mục tiêu của Donald Trump khi ông mở cuộc chiến thương mại là để bảo vệ việc làm cho dân Mỹ. Nhưng với thời gian, và nhất là trong những tháng gần đây, chiến tranh thương mại đã chuyển hướng thành một cuộc chiến công nghệ. Công nghệ đã trở thành một vấn đề chiến lược.

Ông Trump muốn tách công nghệ ra thành hai khối. Một bên là những quốc gia sử dụng kỹ thuật, sử dụng các phương tiện và các dịch vụ viễn thông của Mỹ, bên kia là những quốc gia dùng ứng dụng và trang thiết bị công nghệ của Trung Quốc.

Hai khối này cạnh tranh với nhau và thậm chí là đối đầu với nhau. Đây là một nước cờ đầy mạo hiểm vì nhiều lý do. Một là về mặt địa chính trị, thế giới lại bị phân chia ra thành hai khối, nhưng lần này sẽ do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu. Mỗi bên sẽ mở rộng ảnh hưởng, lôi kéo các đồng minh về phía mình. Châu Âu, đặc biệt là Đông Nam Á, Châu Phi, các nước ở Châu Mỹ Latinh, sẽ bị giằng co giữa hai ông khổng lồ này. Đến một lúc nào đó họ phải lựa chọn đứng về một phe. Rủi ro thứ hai là thuần túy về mặt kỹ thuật, Mỹ hiện không có một tập đoàn này làm chủ toàn bộ quy trình công nghệ như là Hoa Vi. Châu Âu thì có Nokia và Ericsson gần bắt kịp Hoa Vi, nhưng cũng bị chậm hơn tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mất từ một năm rưỡi đến hai năm.

Còn quá sớm để thẩm định chính xác về những thiệt hại từ các đòn trừng phạt về công nghệ mà cả phía Mỹ và Trung Quốc đang hứng chịu nhưng rõ ràng là nhắm vào Hoa Vi, Washington đã xoáy vào một biểu tượng lớn của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Đây là tập đoàn thành công nhất trong số tất cả các hãng của Trung Quốc trên con đường chinh phục tế giới, là niềm tự hào của một quốc gia không chỉ là "công xưởng" của thế giới mà đang trở thành một trong những ngọn hải đăng của công nghệ cao ngang tầm với Mỹ.

Hơn một tháng sau, khi quyết định phạt Hoa Vi, chính quyền Trump vừa thông báo đưa thêm vào danh sách đen 5 công ty khác của Trung Quốc, tất cả đều trong lĩnh vực công nghệ cao. Ba cơ sở đặt tại Thành Đô, một ở Thiên Tân và thực thể thứ 5 là một viện nghiên cứu công nghệ (Viện Công Nghệ máy tính Vô Tích Giang Nam - Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology). Theo bộ Thương Mại Hoa Kỳ, viện nghiên cứu này là một chi nhánh trực thuộc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.

Báo tài chính Wall Street Journal số ra ngày 23/06/2019 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết, Mỹ sẽ thắt chặt thêm nữa gọng kềm nhắm vào high tech của Trung Quốc. Tổng thống Trump chuẩn bị ban hành thêm một sắc lệnh cấm tất cả các trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc dùng để phục vụ hệ thống viễn thông 5G tại Hoa Kỳ.

Chuyên gia Dereck Scissors thuộc viện American Enterprise Institute được hãng tin Bloomberg trích dẫn đánh giá, cuộc đọ sức Mỹ - Trung không chỉ thu hẹp ở trường hợp của Hoa Vi mà tất cả các động thái gầy đây nhất từ phía chính quyền Trump cho thấy, Hoa Kỳ không có dấu hiệu muốn nhượng bộ Bắc Kinh cho dù là hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump sắp sửa bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20 Osaka và đôi bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để "giải tỏa xung khắc về thương mại".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 25/06/2019

Published in Diễn đàn

Làm thế nào để mặc cả với ông khổng lồ Trung Quốc, đòi Bắc Kinh phải cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại với Liên Hiệp Châu Âu ? Năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu chọn giải pháp "thắt lưng buộc bụng", Bắc Kinh lợi dụng thời cơ, tung tiền đầu tư vào nhiều lĩnh vực "chiến lược" của Châu Âu. Một chục năm sau Bruxelles nhận thấy vốn của Trung Quốc là con dao hai lưỡi và bắt đầu định hình chính sách "phòng thủ".

tap0

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đón tiếp ông Tập Cận Bình tại điện Elysée ngày 26/03/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Tối 21/03/2019 đúng vào lúc ông Tập Cận Bình đặt chân đến Roma và được tổng thống Ý Sergio Mattarella tiếp đón trọng thể tại Roma, thủ tướng Giuseppe Conte đến Bruxelles cùng với 27 đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu bàn thảo về một chiến lược chung trước những tham vọng cả về kinh tế lẫn chiến lược của Bắc Kinh. Trong thực đơn không có món vịt quay Bắc Kinh, song Trung Quốc là một trong ba hồ sơ lớn được đem ra mổ xẻ. Ngày hôm sau, thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, bên cạnh quyết định hoãn ngày Brexit, các bên nhấn mạnh "Liên Hiệp Châu Âu cần bảo vệ quyền lợi của chính mình" và thông báo đang chuẩn bị một danh sách với nhiều đề nghị và yêu cầu để chuyển tới Bắc Kinh nhân thượng đỉnh Trung Quốc–Liên Hiệp Châu Âu được dự trù vào ngày 09/04/2019.

Một mối quan hệ bất tương xứng

Sáu tuần trước khi nguyên thủ Trung Quốc đến Châu Âu với ba chặng dừng là Ý, Monaco và Pháp, ngày 14/02/2019 Nghị Viện Châu Âu đề ra một dự luật khung nhằm "giám sát các dự án đầu tư nước ngoài vào Liên Âu trong những lĩnh vực chiến lược". Những lĩnh vực đó bao hàm từ trí thông minh nhân tạo đến năng lượng, từ công nghệ robot đến viễn thông...

Một tháng sau, Hội Đồng Châu Âu công bố báo cáo trong đó nêu đích danh Trung Quốc là "một đối thủ quan trọng, một mối cạnh tranh về phương diện kinh tế với tham vọng thống lĩnh công nghệ cao của thế giới". Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đặc trách về tăng trưởng, đầu tư và lao động, ông Jyrki Katainen, nói thẳng : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc vừa là những đối tác kinh tế và chiến lược, vừa là những đối thủ cạnh tranh của nhau. Đôi bên sẽ cùng có lợi nếu như quan hệ song phương là một sự "cạnh tranh lành mạnh, mậu dịch và đầu tư dựa trên nguyên tắc có đi có lại".

Cũng trong văn bản này, Bruxelles đưa ra 10 đề nghị yêu cầu Bắc Kinh : ngưng trợ giá cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức chuyển giao công nghệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ...

Về điểm này, trả lời trên đài truyền hình Pháp, France 24 hôm 21/03/2019 nghị viên Châu Âu người Ý, bà Alessia Mosco, đại diện cho cánh tả lưu ý :

"Chúng ta biết rằng tại Trung Quốc, Nhà nước có quyền sử dụng những thông tin nhậy cảm. Thành thử Liên Hiệp Châu Âu cần cảnh giác và cần được phía Bắc Kinh bảo đảm rằng phía Trung Quốc không có những toan tính bất chính. Nhưng để buộc được Trung Quốc làm việc này, hơn bao giờ hết Liên Hiệp Châu Âu cần phải đoàn kết, để có cùng một tiếng nói đòi Bắc Kinh tôn trọng luật chơi chung".

Động lực thức tỉnh Bruxelles

Báo cáo của Ủy Ban Châu Âu được đưa ra trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu liên tục gia tăng. Những biểu tượng của nền công nghiệp Châu Âu, từ hãng xe Thụy Điển Volvo đến nhà may nổi tiếng của Pháp là Lanvin, hay hãng sản xuất lốp xe Pirelli của Ý... đều lần lượt ngả vào vòng tay Trung Quốc.

2016 là một năm kỷ lục. Các tập đoàn Trung Quốc chi ra thêm 37,2 tỉ euro để làm chủ nhiều doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong số những doanh nghiệp được chiếu cố, phải kể đến tập đoàn Kuka, một "viên ngọc sáng và là niềm tự hào của nền công nghiệp Đức". Hai năm sau, tập đoàn Geely của Trung Quốc có gần 10% trong số vốn của Mercedes-Daimler, trở thành cổ đông số một và kiểm soát hãng xe nổi tiếng của Đức.

Hai vụ chuyển nhượng Kuka và Mercedes-Daimler đã làm công luận Đức rúng động. Đức vốn là đối tác đặc biệt của Bắc Kinh và là quốc gia hiếm hoi trên thế giới trong thế xuất siêu với bạn hàng Trung Quốc đã buộc phải thận trọng hơn với ông khổng lồ Châu Á này.

Berlin khi đó nhận ra rằng, 60 % tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Liên Hiệp Châu Âu đều do các tập đoàn Nhà nước thực hiện. Cuối 2018 Quốc Hội Đức thông qua một bộ luật mới về đầu tư nước ngoài. Berlin quy định, bất kỳ một thương vụ mua bán doanh nghiệp nào cho phép một hãng nước ngoài kiểm soát trên 10 % vốn của một công ty Đức đều phải có sự đồng thuận chính phủ. Tỉ lệ này trước đây là 25%. Nói cách khác, chính quyền của thủ tướng Merkel đã siết chặt hơn luật đầu tư nước ngoài, mà đối tượng chính nhắm tới là Trung Quốc.

Một mối quan hệ bất tương xứng

Từ năm 2016 và nhất là năm 2018, Đức - nền kinh tế có trọng lượng nhất trong Liên Hiệp Châu Âu nghiêng hẳn về phía Pháp trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh. Từ 2014, Paris chủ trương cân bằng lại quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc.

Nghị viên Châu Âu người Pháp, Frank Proust, thuộc cánh hữu và cũng là một trong những người đã trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo báo cáo về quan hệ Bắc Kinh-Bruxelles nhấn mạnh đến một mối quan hệ bất tương xứng giữa nền kinh tế số 2 của thế giới là Trung Quốc với "khối kinh tế nặng ký nhất hành tinh" là Liên Hiệp Châu Âu :

"Khi một doanh nghiệp ngoại quốc đem vốn mua lại một công ty của Châu Âu, đương nhiên là quyền quyết định của công ty Châu Âu này bị thu hẹp lại. Có một thực tế là phía Trung Quốc có hẳn một chính sách đầu tư lâu dài, trong lúc một số các nước thuộc Liên Âu lại không có phương tiện để tự vệ và thậm chí là còn không ý thức được rằng những kế hoạch đầu tư đó còn là một mối đe dọa tiềm tàng. Xin đơn cử hai con số năm 2016, tổng đầu tư của Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu là 159 tỉ euro, ở chiều ngược lại tổng đầu tư của toàn Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc là 9 tỉ.

Trong thời gian gần đây Châu Âu ngày càng gặp nhiều trở ngại khi vào Trung Quốc làm ăn. Như đã biết, muốn đầu tư vào Trung Quốc thì một doanh nghiệp của Châu Âu phải đứng liên doanh với một hãng của Trung Quốc. Bên cạnh đó là những điều kiện về chuyển giao công nghệ. Ngược lại bất kỳ một hãng Trung Quốc nào cũng có thể tự do bỏ vốn và mở địa bàn tại Liên Hiệp Châu Âu. Thành thử chúng tôi rất thiết tha với nguyên tắc gọi là "có đi có lại". Đó là một điều khoản mang tính quyết định đối với các doanh nghiệp Châu Âu, và qua đó là với người lao động Châu Âu. Miễn làm sao các nước trong Liên Âu phải có cùng những luật chơi chung, để các doanh nghiệp Trung Quốc và của Châu Âu cùng có những phương tiện tương xứng để phát triển".

Một lo ngại không kém của Châu Âu là Trung Quốc đã từng bước thâm nhập vào những mảng được coi là "chiến lược" đối với cả kinh tế và an ninh của Châu Âu. Hôm 23/03/2019 ông Tập Cận Bình và thủ tướng Conte chứng kiến lễ ký kết một loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Ý, tổng trị giá được chính thức thông báo là 2,5 tỉ euro. Trong số này bao gồm hai kế hoạch đầu tư vào cảng Trieste và Genoa, một mở ra vùng biển Adriatic và một nhìn thẳng ra Địa Trung Hải. Nhưng đây chỉ là hai trong số 14 hải cảng của Châu Âu hoạt động với vốn của Trung Quốc và 6 trong số đó, Trung Quốc là cổ đông chính.

Châu Âu đòi Bắc Kinh những gì ?

Trở lại với câu hỏi cơ bản Bruxelles trong thượng đỉnh Âu-Trung sắp tới đây sẽ thảo luận và mặc cả những gì với thủ tướng Lý Khắc Cường và liệu rằng tiếng nói chung đó của Liên Âu tác động tới đâu với phía Trung Quốc ?

Khi nhìn vào các dự án đầu tư của Trung Quốc trên Lục Địa Già văn phòng nghiên cứu độc lập của Mỹ, Rodhium Group trụ sở tại New York chỉ ra rằng, trong suốt thời gian từ 2000 đến 2017, đầu tư Trung Quốc vào Liên Âu tăng nhanh. Riêng năm 2018, các hãng Trung Quốc đổ thêm 17 tỉ euro vào Liên Liên Hiệp Châu Âu ; 45 % số tiền đó dồn vào Anh, Đức và Pháp và 8,5 tỉ nhằm mua lại các đối tác Châu Âu thuộc lĩnh vực "nhậy cảm" như là ngành công nghệ hàng không,viễn thông, năng lượng, công nghệ robot hay các dự án cơ sở hạ tầng, mà các hải cảng lớn của Liên Âu, từ Rotterdam của Hà Lan đến Valence hay Bilbao của Tây Ban Nha, từ Le Havre của Pháp đến Pirée của Hy Lạp đều đã đổi chủ.

Tại Bồ Đào Nha, một nền kinh tế với chưa đầy 250 tỉ euro GDP, Trung Quốc đã đổ 6 tỉ vốn vào quốc gia với 11 triệu dân này, hiện diện từ trong ngành ngân hàng đến công ty phân phối điện lực quốc gia REN. Bồ Đào Nha là một trong số 13 nước thuộc Liên Âu hưởng ứng dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Liên Âu lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc là "một đối thủ cạnh tranh chiến lược". Tương tự như Washington, Bruxelles trong báo cáo hôm 12/03/2019 cũng đòi Bắc Kinh ngừng dọ thám các công ty Châu Âu, chấm dứt các hành vi cưỡng bức chuyển giao công nghệ, tạo môi trường làm ăn bình đẳng cho các công ty quốc tế tương tự như những điều khoản mà các công ty của Trung Quốc được hưởng khi đến Châu Âu hoạt động. Sau cùng Bruxelles đặt điều kiện đòi Bắc Kinh phải mở cửa thị trường sử dụng tài chính công cho các hãng nước ngoài tham gia đấu thầu và phải minh bạch khi chọn một đối tác trúng thầu.

Về câu hỏi liệu rằng ông Tập Cận Bình lắng nghe đến mức độ nào tiếng nói của Liên Âu ? Nghị viên Châu Âu, Frank Proust nhìn nhận : thứ nhất Liên Hiệp Châu Âu cần vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó phải kể đến vốn của Trung Quốc. Thứ hai, Liên Hiệp Châu Âu không thể chê trách Bắc Kinh là đã có một tầm nhìn sáng suốt về cái đích mà Trung Quốc muốn đạt đến. Thứ ba nữa là nước Mỹ của Donald Trump có cùng một tiếng nói, ngược lại Liên Hiệp Châu Âu là một tập thể gồm 28 nước, với những quyền lợi với những tầm nhìn khác nhau mà Bắc Kinh lại là một nhà vô địch khi chơi trò chia để trị.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ông Tập đang nắm giữ tất cả mọi lá chủ bài.

Hai bằng chứng minh họa cho điều này. Một là trái với mong đợi, tổng trị giá các hợp đồng đầu tư của Trung Quốc vào Ý được ký kết vừa qua chỉ 2,5 tỉ euro trong lúc Roma và cả Bắc Kinh đều nêu lên con số 7 tỉ. Nhiều nguồn tin thông thạo cho biết thêm là "một số dự án đã bị đình chỉ" do quyết định của Ý tham gia Con Đường Tơ Lụa mới đụng chạm đến cả vế an ninh và quân sự, gây quá nhiều bất bình trong Liên Âu và cả với các thành viên NATO.

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy tại Roma cuối tuần trước hay tại Paris trong hai ngày 25 và 26/03/2019 ông Tập có lẽ không còn xem thường Châu Âu đó là Bắc Kinh đã không phản ứng một cách mạnh mẽ khi bị Bruxelles nêu đích danh là một "đối thủ cạnh tranh chiến lược"đối với Liên Âu.

Một số nhà phân tích cho rằng, thái độ đoàn kết của 28 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu là một công cụ lợi hại khi cần mặc cả với "hoàng đế mãn đời" Tập Cận Bình. Châu Âu tuy mệt mỏi vì thủ tục ly dị kéo dài với Anh Quốc, vì những làn sóng dân túy đang nổi lên từ Ý đến Hungary, vì những màn đập phá hàng tuần của một số người Áo Vàng trên đại lộ Champs Elysées, vì những rạn nứt trong liên minh cầm quyền tại Đức, vì một số nước ở Đông Âu muốn xé rào... nhưng Liên Hiệp Châu Âu cũng không là một đối tác ngây thơ dễ để Bắc Kinh cho ăn bánh vẽ.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 26/03/2019

Published in Diễn đàn

Sau một năm đọ sức thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc tuột dốc, Bắc Kinh hạ dự báo tăng trưởng. Ở góc đài bên kia, chính sách áp thuế nhập khẩu của Washington không cho phép Hoa Kỳ thu hẹp thâm hụt trong cán cân thương mại mà lại đè nặng lên túi tiền của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

trade1

Ảnh minh họa: Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters/Jason Lee

Đúng một năm sau khi khai mào chiến tranh thương mại, đánh thuế nhôm và thép - chủ yếu là từ Trung Quốc nhập vào Mỹ, chính quyền Trump khi thì tuyên bố "cận kề" một thỏa thuận mậu dịch với Bắc Kinh, lúc lại hù dọa sẽ không ký kết gì hết với Trung Quốc nếu như "đấy không phải là một thỏa thuận tốt".

Riêng với Trung Quốc, vào mùa xuân, tổng thống Donald Trump tự tin cho rằng sẽ "dễ thắng"trên mặt trận thương mại. Ngoài nhôm và thép, Washington đánh thuế 25% vào 50 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Tháng 9/2018, Nhà Trắng "phạt" thêm khi quyết định áp thuế 10% nhắm vào 200 tỷ đô hàng made in China nhập vào Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump tới nay vẫn treo lơ lửng đe dọa tăng mức thuế 10% nói trên lên thành 25% nếu không đạt được một "thỏa thuận tốt với Trung Quốc về thương mại". Đương nhiên, Bắc Kinh đã tìm cách trả đũa một cách "tương xứng" các biện pháp bảo hộ nói trên.

Nhà Trắng theo đuổi nhiều mục tiêu khi dồn hỏa lực vào Trung Quốc. Thứ nhất là thu hẹp thâm hụt thương mại 375 tỷ đô la với Trung Quốc. Thứ hai là chứng minh với cử tri từng bỏ phiếu cho Donald Trump rằng ông thực hiện đúng lời hứa bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.

Điểm thứ ba - và đây mới chính là mục đích quan trọng nhất của Washington, là nhằm bảo đảm thế thượng phong của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Đúng 12 tháng sau nhìn lại, Donald Trump có đạt được cả ba mục tiêu nói trên hay không ?

Thiệt hại cho kinh tế Mỹ : 1,4 tỷ đô la một tháng

Về mục tiêu thứ nhất là thu hẹp nhập siêu của Hoa Kỳ với tất cả các đối tác thương mại trên thế giới, quan trọng nhất là Trung Quốc, câu trả lời là không. Chủ trương bảo hộ của chính quyền Trump đã "đào sâu" thêm thâm thủng mậu dịch của nước Mỹ.

Bất chấp các biện pháp bảo hộ, nhập siêu của Mỹ với toàn thế giới trong năm 2018 tăng 12,5% so với năm 2017. Theo thẩm định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đây là mức "tệ nhất" từ 10 năm qua. Riêng với bạn hàng Trung Quốc, nhập siêu đang từ 375 tỷ đô la năm 2017 tăng lên thành 419 tỷ trong năm vừa qua.

Câu hỏi thứ nhì, chính sách America First có lợi cho dân Mỹ hay không, nghiên cứu do chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tại New York và hai trường đại học Princeton và Colombia đồng thực hiện đưa ra kết luận : "Kinh tế và người tiêu dùng Mỹ bị thiệt thòi". Đánh thuế hàng của Trung Quốc không cho phép chính phủ thu về thêm "hàng tỷ đô la" như tổng thống Donald Trump từng rao giảng.

Cụ thể hơn, các đồng tác giả của công trình nghiên cứu nói trên ghi nhận : Không chỉ riêng gì với Trung Quốc, Nhà Trắng đã quyết định đánh thuế từ 10 đến 50% nhắm vào 283 tỷ đô la tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ. Để trả đũa, các đối tác thương mại của Hoa Kỳ cũng áp thuế lên 121 tỷ hàng made in the USA với mức độ trung bình là 16%. Hậu quả kèm theo đối với người tiêu dùng ở Mỹ và nhất là đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần nhập phụ tùng, nguyên liệu của nước ngoài đã phải trả giá đắt. Thiệt hại đối với số này ước tính lên tới 1,4 tỷ đô la một tháng.

Mỹ thua với tỷ số 1-2

Nhìn đến động lực thứ ba thúc đẩy chính quyền Trump gây sự với Trung Quốc trên bàn cờ thương mại, là những cáo buộc Bắc Kinh "đánh cắp" công nghệ của Mỹ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, trong 12 tháng qua, phía Trung Quốc liên tục cam kết "tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài".

Hôm 08/03/2019, một dự luật về đầu tư nước ngoài vừa được trình lên Quốc hội và sẽ được xem xét trước khi kết thúc kỳ họp thứ 2, khóa 13 Quốc hội Trung Quốc lần này. Văn bản nói trên dự trù Nhà nước Trung Quốc sẽ "bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại quốc". Một quan chức tại Bắc Kinh nói rõ dự luật về đầu tư ngoại quốc sẽ "cấm mọi hành vi áp đặt chuyển giao công nghệ".

Phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc thậm chí còn hứa là "các nhà đầu tư ngoại quốc và Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng". Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhậy cảm gồm công nghiệp khai thác khoáng sản hay nông nghiệp và một số lĩnh vẫn chưa thể mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại quốc.

Có điều, giới lãnh đạo Bắc Kinh gần như không đả động đến cuộc chạy đua công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc. Không mấy ai tại khóa họp Quốc hội lần này nhắc đến kế hoạch Made in China 2025.

Bắc Kinh nhượng bộ Washington

Còn quá sớm để biết rõ một cách cụ thể dự luật đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh gồm những gì và có bao nhiêu ngõ ngách tinh vi để vẫn bảo đảm một số ưu đãi cho phía Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, ít ra là về mặt hình thức, trên vế này, chính quyền Trump đã ghi được một bàn thắng quan trọng. Trung Quốc buộc phải nhượng bộ Mỹ với hy vọng chiến tranh thương mại chóng kết thúc, qua đó duy trì được tăng trưởng và ổn định xã hội.

Khai mạc khóa họp Quốc hội 13, kỳ 2, thủ tướng Lý Khắc Cường đã phác họa ra một bức tranh kinh tế khá ảm đạm : Tăng trưởng không vượt quá ngưỡng 6,4% - tức là còn tệ hơn so với dự báo vốn đã kém cỏi của năm 2018. Khác với thông lệ, Bắc Kinh lần này đặc biệt nhắc nhiều đến ưu tiên bảo đảm công việc làm cho người lao động. Đáng chú ý hơn nữa là Trung Quốc đề ra một loạt các biện pháp kích cầu, như là thông báo giảm thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 16% xuống còn 13% ; giảm 2.000 tỷ nhân dân tệ thuế cho tư nhân và doanh nghiệp.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư kinh tế Jean-François Di Meglio, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, ghi nhận Bắc Kinh đang tìm đủ mọi cách để bảo đảm tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu bị chựng lại vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, còn tiêu thụ nội địa thì chưa đủ sức để "xoay trục mô hình kinh tế" :

"Trước kia động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc là xuất khẩu và Trung Quốc lệ thuộc vào ngoại thương. Tuy nhiên, từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khai mào, ngành xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn và do vậy Bắc Kinh đã phải xoay trục, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, lấy tiêu thụ nội địa làm chủ đạo.

Hiềm nỗi, người dân Trung Quốc có thói quen tiết kiệm, họ tiết kiệm nhiều hơn so với người Pháp, ngay cả khi đã khá giả hơn. Vì vậy tới nay, chưa thể nói là tiêu thụ trong nước tạo đà cho tăng trưởng của Trung Quốc. Khi kinh tế bị chựng lại, chính quyền Bắc Kinh tìm đủ mọi cách để kích thích cỗ máy đó. Giảm thuế trị giá gia tăng TVA là một trong những giải pháp để khuyến khích người dân mua sắm.

Từ một vài năm trở lại đây, Trung Quốc trông cậy vào tiềm năng tiêu thụ nội địa, nhưng nếu như sức mua đó đủ mạnh, thì chắc chắn là Bắc Kinh đã không phải giảm thuế TVA. GDP Trung Quốc dự trù tăng chưa đầy 6,4% trong năm nay. Trong khi đó, để chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang một mô hình dựa vào sức mua của người dân trong nước, chỉ số tiêu thụ của Trung Quốc phải tăng ít nhất là 10%. Hiện tại, chỉ số này giao động từ 8 đến 9%. Chính vì thế, Nhà nước phải can thiệp bằng cách hạ 3 điểm thuế trị giá gia tăng và còn hạ thuế TVA với nhiều mặt hàng khác nữa".

Bơm thêm tiền vào cỗ xe kinh tế : con dao hai lưỡi

Nhìn đến chính sách tiền tệ, một công cụ khác để hỗ trợ tăng trưởng, khả năng can thiệp của Trung Quốc bị đánh giá là "hạn hẹp", do nợ của tư nhân, trung ương và các chính quyền địa phương đã lên tới 250% GDP. Đành rằng năm 2018, Bắc Kinh đã khuyến khích các ngân hàng mở van tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng theo giáo sư Di Meglio, trường Khoa Học Chính Trị Paris, đây không phải là giải pháp lý tưởng nhất và Trung Quốc luôn phải cân nhắc để tránh châm thêm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính :

"Thực ra Lý Khắc Cường không chủ trương đem lại những thay đổi triệt để về kinh tế. Cách nay một tháng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi dành cho báo chí, thủ tướng Trung Quốc cho biết ông không muốn mạnh tay áp dụng biện pháp kích cầu, vì giải pháp đó có nguy cơ tạo ra nợ xấu, và như vậy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một cách không an toàn.

Theo tôi, ông Lý Khắc Cường muốn tiến hành cải tổ một cách thận trọng, tránh tạo ra những cú sốc cho cỗ xe kinh tế của Trung Quốc. Thậm chí là những đòn triệt để đôi khi sẽ phản tác dụng".

Giới phân tích đưa ra kết luận rằng Trung Quốc đang rất "thành thật" trong mục tiêu đạt được một thỏa thuận với Mỹ chấm dứt cuộc đọ sức về thương mại đã kéo dài từ 12 tháng qua.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 12/03/2019

Published in Diễn đàn

Dự báo tăng trưởng toàn cầu mất 0,2 điểm. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế loan báo sẽ còn tiếp tục hạ dự phóng trong những tháng tới. Đầu tư vào Châu Á giảm sụt. Tất cả những sự kiện này đều bắt nguồn từ cuộc đọ sức kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

trade1

Các thành viên của đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc rời Bộ Tài chính Mỹ, sau hai ngày thương lượng, Washington DC, 23/08/2018. Virginie MONTET / AFP

Các sự kiện như Brexit đe dọa tăng trưởng của một trong bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Anh Quốc, và của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu, những khó khăn kinh tế của Nga hay sự kiện Iran lại rơi vào vòng luẩn quẩn của các biện pháp trừng phạt do Mỹ ban hành, Hy Lạp không còn cần được "tiếp nước biển"... bị chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm lu mờ.

2018 là năm mà mọi chú ý dồn về Washington và Bắc Kinh. Sau giai đoạn hù dọa, chính quyền Trump khơi mào cuộc chiến. tháng 3/2018 tổng thống Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Nhà Trắng tạm tha cho một số nước "bạn", nhưng Trung Quốc không được hưởng ân huệ đó. Nhôm, thép chỉ là khúc dạo đầu.

Ngay từ tháng 5, tháng 6/2018 Nhà Trắng phạt thêm hàng "made in China" bán sang thị trường Mỹ : tăng thuế nhập khẩu 10%, rồi 25% nhắm vào 50 tỷ đô la rồi 100 tỷ và thậm chí là 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Ở góc đài bên kia, Bắc Kinh không khai chiến nhưng chơi trò "ăn miếng trả miếng". Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng của đối phương bị "trừng phạt".

Vào cuối mùa xuân năm nay, sứ giả của ông Tập Cận Bình đã tưởng chừng đạt được đồng thuận với ban cố vấn của Donald Trump sau khi thông báo một số nhượng bộ. Ở Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ coi những hứa hẹn đó là "quá trễ và chưa đủ". Chương trình đàm phán bị gián đoạn, cho dù là ở hậu trường, đôi bên vẫn ngầm duy trì kênh liên lạc.

Trong tạp chí của RFI ngày 03/05/2018, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế (Centre d’études prospectives et d'informations internationales-CEPII) giải thích về phương pháp đàm phán của Donald Trump :

"Tình hình khá nghiêm trọng bởi vì tới nay Hoa Kỳ là quốc gia đã đặt ra luật chơi chung cho thế giới trong lĩnh vực thương mại. Để rồi giờ đây, chính nước Mỹ lại phản đối cái mô hình đó và thậm chí là còn đòi phá vỡ những gì đã có. Những tuyên bố của chính quyền Washington đe dọa đến phần cốt lõi trong quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới.

Nhưng cần nói thêm là tới nay, đây mới chỉ là những lời đe dọa chứ Hoa Kỳ chưa thực sự áp dụng các biện pháp trừng phạt như đã tuyên bố. Dù sao thì Nhà Trắng cũng gây hoang mang về chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là khi mọi người cùng biết Donald Trump có thói quen uy hiếp đối phương, bắt họ phải nhượng bộ".

Mỹ-Trung, "cái đinh" trong các hội nghị quốc tế

Cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Tại hội nghị quốc tế ASEAN, Singapore, đầu tháng 11/2018 hay thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina, mọi người chỉ chú ý vào những màn đấu khẩu hay phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc với hy vọng Washington và Bắc Kinh hưu chiến.

trade21

Cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Ảnh minh họa

Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế các đòn ăn miếng trả miếng trên mặt trận thương mại làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Riêng đối với Châu Á, vốn lệ thuộc nhiều cả vào Mỹ lẫn Trung Quốc, "bầu không khí càng thêm nặng nề" : IMF giảm dự phóng tăng trưởng của Châu Á đang từ 5,6 % xuống còn 5,4 % cho năm tới. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhấn mạnh tới "môi trường bất lợi cho các hoạt động đầu tư".

Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế (Conseil d'analyse économique-CAE), một cơ quan nghiên cứu trực thuộc phủ tổng thống Pháp, trong báo cáo ngày 02/07/2018, đưa ra kịch bản đen tối nhất, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách ngang ngửa. Chủ tịch CAE, ông Philippe Martin (tạp chí kinh tế ngày 10/07/2018), nêu lên hai lý do khiến các biện pháp bảo hộ cướp đi tăng trưởng của toàn cầu, kể cả Mỹ :

"Có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là tăng thuế nhập khẩu, đẩy giá hàng lên cao và đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó là tác động gián tiếp. Chúng ta nói tới dây chuyền sản xuất mà ngày nay nhiều mặt hàng được làm ra từ các linh kiện nhập ở những nơi khác. Vậy khi một nước nào đó tăng thuế nhập khẩu, rồi các đối tác thương mại của quốc gia đó trả đũa, thì dây chuyền sản xuất ấy bị phá hỏng. Giá thành của các sản phẩm tăng cao.

Tôi lấy thí dụ xe hơi Mỹ sản xuất ngay tại Hoa Kỳ cần có nhôm, thép nhập từ các nơi khác vào Mỹ. Chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu nhắm vào nhôm thép, xe của Mỹ tự nhiên đắt hơn. Người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Hãng xe Mỹ bị thiệt.

Theo thẩm định của hội đồng CAE, trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và cũng xin nói là chúng ta chưa tiến gần tới kịch bản đó, thì cả ba cột trụ kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề. Mỗi bên mất khoảng từ 3 đến 4 % GDP một năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Với Pháp chẳng hạn, thì mỗi hộ gia đình sẽ mất khoảng 1.200 euro một năm. Nhưng đây là kịch bản xấu nhất chúng tôi nghiên cứu để đề phòng".

Trung Quốc phải nhượng bộ

Nếu như từ Châu Á đến Châu Âu đều thấm mệt vì những đòn đánh qua, đánh lại của Washington và Bắc Kinh, nhưng bản thân hai ông khổng lồ này cũng mệt mỏi vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ một ai này. Đó là lý do khiến cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chuẩn bị rất kỹ cho cuộc tiếp xúc hôm 01/12/2018 giữa lãnh đạo hai nước bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina, và thế giới tạm thở phào khi Donald Trump, Tập Cận Bình tuyên bố "tạm ngừng leo thang".

Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ. Trong chương trình của RFI ngày 04/12/2018, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế CEPII, Michel Aglietta, ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên :

"Trong khuôn khổ hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25 % vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng theo tôi, sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5 % và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa".

Dù vậy viễn cảnh sang trang chiến tranh thương mại Mỹ Trung còn xa vời, vì theo như giải thích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa hôm 10/04/2018, mậu dịch chỉ là phần nổi của tảng băng trong xung khắc Mỹ - Trung và từ lâu nay, Washington luôn coi Bắc Kinh là một mối đe dọa :

"Sau khi tổng thống Bill Clinton nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000, thì Quốc hội Mỹ cho thành lập một Hội đồng Duyệt xét Quan hệ An ninh và Kinh tế giữa hai nước và hội đồng ấy đã trình lên Quốc hội, cùng quốc dân nhiều nghiên cứu đáng lo mà ít ai chịu đọc. Sau khi ông Trump đòi các cơ quan hữu trách như bộ Ngân Khố, Thương Mại và đại sứ Thương Mại Hoa Kỳ điều tra và nghiên cứu từ năm ngoái về vi phạm của Bắc Kinh thì họ đã có những phúc trình mà cũng chẳng ai thèm đọc.

Từ các báo cáo ấy, viện dẫn Mục 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, ngày 16/02/2018, chính quyền Trump nêu yếu tố an ninh cho ngành thép và nhôm Hoa Kỳ (...) Ngày 22 tháng Ba, ông Trump viện dẫn mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và áp thuế nhập nội trên 1.300 món hàng của Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ đô la".

Chiến tranh công nghệ cao

Vấn đề đặt ra trong bài toán thương mại lần này, là các hoạt động kinh tế của thế giới đầu thế kỷ 21 đã quá lệ thuộc lẫn nhau : Nhà Trắng đánh thuế hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ làm tăng giá những sản phẩm được sản xuất ra ngay trên lãnh thổ Mỹ. Hậu quả kèm theo là ảnh hưởng tới túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Hàng Mỹ thêm đắt đỏ, kém hấp dẫn để bán cho các nước khác trên thế giới.

Bên cạnh vế thương mại, mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới là ngăn chặn đà phát triển của nền công nghiệp Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên báo Asialyst ngày 07/07/2018 chuyên gia kinh tế về Châu Á Jean-Raphael Chaponnière nêu lên một thực tế : đối với không ít các tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc đã hoặc đang trở thành thị trường quan trọng nhất, hơn cả thị trường Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ biến hơn 700 chi nhánh của các hãng Mỹ thành những "con tin" khi bị Trung Quốc làm khó dễ. Donald Trump mở ra mặt trận này, các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Đổi lại Trung Quốc cũng đánh mất nguồn đầu tư FDI quý giá trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Sau cùng, vẫn theo chuyên gia Pháp Jean-Raphael Chaponnière, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Trump mở các đợt tấn công dồn dập nhắm vào Trung Quốc. Nhưng đấy lại càng là động lực để Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch "Manufacturing China 2025".

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ khoanh vùng trên mặt trận thương mại là vụ án nhắm vào lãnh tập đoàn Hoa Vi. Trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và Trung Quốc cùng đang chạy đua trên mặt trận công nghệ cao.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 18/12/2018

Published in Diễn đàn

Với doanh thu trong năm 2017 cao gần gấp 5 lần tổng sản phẩm nội địa GDP của cả nước Cam Bốt, Google gần như chiếm thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực công nghệ số. Để bước lên đỉnh cao, công ty do Larry Page và Sergey Brin sáng lập đã khai mở nhiều con đường mới cho thế giới tin học. Hai mươi năm nữa Google sẽ ra sao ?

4g1

Ảnh minh họa. Reuters/Dado Ruvic/Illustration/File Photo

Nhà báo Lise Barcellini đài truyền hình France 24 giới thiệu về công ty đóng đô tại Mountain View, California, được thành lập cách này đúng 20 năm.

"Trong 20 năm, Google trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Theo các thống kê chính thức, cứ mỗi giây, có 69.623 người sử dụng công cụ tìm kiếm này. Như vậy là mỗi ngày có sáu tỷ rưỡi lượt truy cập. Với khối lượng ấy, doanh thu của Google đương nhiên là một con số khổng lồ : 110,85 tỷ đô la. Con số này khiến ta phải chóng mặt nhất là khi biết rằng Google là một tập đoàn còn non trẻ, mới hoạt động được 20 năm.

Cần nói thêm là cổng tìm kiếm Google gần như chiếm thế độc quyền. Hơn 90 % các đợt truy cập tìm kiếm thông tin đều phải qua Google. Điều đó cho thấy Google đã len lỏi vào đời sống của mỗi người và hiện diện ở khá nhiều lĩnh vực : Google Maps chỉ đường cho người đi bộ, đi xe ; Google còn là một thông dịch viên, là nguồn cung cấp thông tin đọc nhanh cho bạn. Với hệ thống Youtube, Google cung cấp luôn cả hình ảnh, âm thanh cho người sử dụng".

Google ngày nay là một công ty sử dụng 89.000 nhân viên trên thế giới, có doanh thu trên 110 tỷ đô la (năm 2017), lãi 12,5 tỷ. Tập đoàn do Sergey Brin và Larry Page, hai cựu sinh viên đại học Stanford của Mỹ lập ra vào tháng 9/1998, là một công ty con của Alphabet, một "con bạch tuộc với 14 cái vòi" vươn vào 14 địa lĩnh vực khác nhau, từ trí thông minh nhân tạo đến xe hơi không người lái, từ y tế đến an ninh mạng...

Riêng Google chỉ tập trung vào một số lĩnh vực : video mạng qua hệ thống Youtube, dịch vụ tìm kiếm thông tin, Google Chrome, hệ điều hành Android và Google Maps để chỉ đường...

Khai mở bốn con đường

Google đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của hầu hết những ai dùng internet trên thế giới. Để có được ngày nay, Google đã đem lại 4 cuộc cách mạng trong ngành tin học.

Để lập ra một chương trình giúp người sử dụng tìm kiếm thông tin, Page và Brin đi từ nguyên tắc, trang nào càng nhiều người xem thì càng "có giá". Nhà báo Damien Leloup của tờ báo chuyên ngành Pixels nhận định :

"Page và Brin dùng algorithme để xắp xếp thứ tự ưu tiên các kết quả tìm kiếm. Phương pháp đó gọi là Pagerank. Nhờ công cụ này, khi gõ cửa Google, người ta ít khi nào thất vọng. Google đã tìm ra một phương pháp mới để sắp xếp lại thứ tự các trang tìm kiếm, đem lại những câu giải đáp cho người hỏi trong thời gian ngắn nhất và một cách hiệu quả nhất. Sức mạnh của công cụ tìm kiếm đó chính là những người sử dụng và số lượt trang được kết nối với nhau về cùng một chủ đề".

Cuộc cách mạng thứ nhì Google đã tiến hành là trong lĩnh vực quảng cáo. Marissa Mayer, cựu phó chủ tịch Google, giải thích : ban đầu Google không có không gian giành cho các nhà quảng cáo nhưng một khi đã chen chân vào lĩnh vực này, thì Google đưa ra khái niệm "quảng cáo nhắm chung mục tiêu", tức là khi bạn cầm tìm kiếm về một chủ đề gì, bên cạnh các kết quả tìm kiếm sẽ có những trang quảng cáo về mặt hàng hay dịch vụ mà bạn đang cần tìm. Thí dụ như nếu ta sử dụng Google để tìm một hãng sửa xe hơi gần nhà, thì lập tức bạn nhận được các chương trình quảng cáo xe hơi.

Lise Barcellini, nhà báo của đài truyền hình France 24, giải thích rõ hơn về bí quyết của Google trên thị trường quảng cáo : 

"Toàn bộ mô hình phát triển của Google ngay từ năm 2000 dựa trên một bí quyết. Đó là tạo ra một công cụ và không gian mới cho các nhà quảng cáo mà ở đó mỗi chiến dịch quảng cáo bám sát nhu cầu của đối tượng muốn nhắm tới. Không phải ai cũng nhận được những chương trình quảng cáo như nhau. Đó là một bước đột phá rất quan trọng, một con đường đã được Google khai mở, dựa trên sở thích hay nhu cầu của người sử dụng internet".

Sáng kiến theo sát chân người sử dụng để có những chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất ấy, cho phép Google thu vào 95 tỷ đô la tiền quảng cáo trong tài khóa 2017, cao gấp 1.400 lần so với hồi năm 2001.

Nhưng để hút được tới 95 tỷ đô la tiền quảng cáo một năm, Google đã không ngừng "đi tìm những công cụ mới". Đó chính là điều mà giới trong ngành gọi là "cuộc cách mạng thứ ba", do cặp bài trùng Brin và Page tiến hành.

Trả lời một chương trình truyền hình năm 2014, Larry Page giải thích : Một trong những vai trò của Google là sáng tạo, để tạo ra những công cụ mới, những nhu cầu mới... mà nếu như ban đầu Google không nghĩ ra những công cụ mới đó, thì phải đi tìm những công ty nào có những sáng kiến mới lạ, rồi mua lại những công ty đó. Trong số này phải kể tới số tiền 1,65 tỷ đô la để mua lại Youtube hồi năm 2016.

Trong 20 năm Google đã mua lại 226 công ty thuộc lĩnh vực "công nghệ tương lai". Để so sánh thì một cây đại thụ khác là Microsoft được lập ra năm 1972 tới nay mới chỉ mua lại 209 hãng. Apple bị bỏ xa lại phía sau với 97 thương vụ !

Bước đột phá thứ tư của Google là thế (gần như) độc quyền : 85 % điện thoại di động lưu hành trên hành tinh sử dụng hệ Android của Google. Google chiếm 90 % thị trường "tìm kiếm thông tin". Để có được thế áp đảo đó, tập đoàn có trụ sở ở Mountain View dựa trên hai nguyên tắc : Một là cải thiện các dịch vụ cung cấp sao cho hiệu quả nhất, để người sử dụng "quên luôn" những đối thủ của Goole. Hai là đầu tư vào những lĩnh vực còn "rất phiêu lưu" mà điển hình là phòng thí nghiệm Google X hay những sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm, như xe hơi không người lái ...

Nhà báo của đài France 24 Lise Barcellini trình bày : 

"2004, tức chỉ sáu năm sau khi được hình thành, Google đã tham gia sàn chứng khoán và gây nhiều tiếng vang trong số các tập đoàn có chỉ số Nasdaq ở Mỹ. Giờ đây trên thị trường này, Google đứng hàng thứ ba, chỉ thua có Apple và Amazon. Nói chính xác hơn là Google Alphabet đứng thứ ba trong số các tập đoàn tham gia chỉ số Nasdaq, bởi vì từ 2015, các nhà sáng lập ra Google đã tìm cho Google một công ty mẹ, mang tên là Alphabet. Trong đại gia đình này, Google chỉ là một con gà đẻ trứng vàng, đem tiền về nuôi tất cả các thành viên khác. Cũng cần biết rằng, Google Alphabet tựa như một con bạch tuộc, đã vươn vòi đến rất nhiều các lĩnh vực kinh tế, từ các dụng cụ kết nối đến y tế và kể cả những hoạt động mang tính phiêu lưu nhất".

Mô hình "cá mập"

Với mô hình phát triển hoàn toàn mới lại đó, kể từ khi vào cuộc, Google đã hạ gục khá nhiều tên tuổi trong thế giới mạng. Chỉ riêng dịch vụ thư điện tử Gmail đã lấn át hết tất cả những đối thủ như Hotmail, Caramail và cả Yahoo...

Năm 1997, Internet Explorer thống lĩnh thị trường phần mềm. Vào thời điểm 2002-2013, khi kiểm soát gần 95 % thị phần, Internet Explorer không thể nào nghĩ rằng sẽ bị khai tử vì Google vào năm 2015. Ngoài Internet Explorer, Kelkoo của Châu Âu chuyên về các dịch vụ mua bán trên mạng từ 2002 đã bị Google Shopping dồn vào chân tường, để rồi giờ đây người sử dụng internet không còn mấy ai biết tới Kelkoo.

Thêm một dự án của Châu Âu để cạnh tranh Google bị chết yểu là Quaero. Đây là một chương tình hợp tác giữa Pháp và Đức, được khởi động năm 2005. Quaero có tham vọng trở thành một cổng vào tìm kiếm để phục vụ đại chúng và các doanh nghiệp. Nhưng đến năm 2013 sau khi đã chi ra 198 triệu euro thì Berlin và Paris đồng ý dừng lại các phí tổn vô ích này.

Bên cạnh những thành công rực rỡ đó, Google cũng đã trải qua nhiều thất bại. Nhiều dự án tốn kém nhưng không đem lại những kết quả mong đợi. Mạng xã hội Google + không thể đọ sức với những Facebook hay Twitter. Google đã chậm chân, để Facebook phỗng tay trên những công cụ quý giá như Instagram hay Whatsapp.

Thế gần như độc quyền của Google liên tục bị công kích. Châu Âu đã hai lần phạt nặng Google "bóp ngạt" các đối thủ, gây trở ngại cho cạnh tranh. Google cũng bị tai tiếng trốn thuế, như vụ chuyển 16 tỷ đô la sang các thiên đường thuế khóa bị phanh phui hồi năm 2016.

Google trong 20 năm nữa ?

Nhưng câu hỏi quan trọng có lẽ là sau hai thập niên không ngừng cải tiến và làm đổi mới toàn cảnh trong ngôi làng công nghệ số, trong 20 năm nữa Google và công ty mẹ Alphabet sẽ ra sao ?

Vào lúc hội chợ xe hơi Paris 2018 vừa mở ra, với một vị trí quan trọng dành cho xe không người lái, thì nhiều nhà quan sát quả quyết rằng với Waymo, Google sẽ tiên phong trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, với tất cả những thiết bị kết nối được trang bị trong nhà, nơi công sở …. Google sẽ càng len lỏi sâu hơn vào đời sống của mỗi chúng ta.

Google càng nâng cao các chức năng để giảm bớt gánh nặng cho mỗi con người trong cuộc sống hàng ngày, thì càng nắm giữ nhiều dữ liệu và thông tin về người sử dụng. Hiềm nỗi, những dữ liệu ấy được cất giấu trong một không gian ảo mà không ai biết rõ chúng được bảo mật tới mức độ nào, được khai thác tới đâu.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 02/10/2018

Published in Văn hóa

Kể từ ngày 01/06/2018 thép và nhôm của Châu Âu bán sang thị trường Mỹ bị đánh thuế theo thứ tự là 25% và 10%. Thiệt hại nhỏ cho các nhà sản xuất Châu Âu nhưng đòn tấn công thương mại nhắm vào một đồng minh truyền thống là Liên Hiệp Châu Âu đem lại những hậu quả khó lường, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

nhom1

Các sản phẩm kim loại được trữ tại Wolfe and Swickard Machine Company Inc. ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2018. Reuters/Timothy Aeppel

Nguy hiểm trước mắt là kịch bản "chiến tranh thương mại leo thang" với những đòn ăn miếng trả miếng làm phương hại tới tăng trưởng của cả đôi bên và toàn cầu. Nhìn rộng ra hơn, đánh Châu Âu và nhiều đồng minh thân thiết khác như Canada, hay Mexico và Nhật Bản..., Hoa Kỳ bị cô lập trên bàn cờ thương mại và vô hình chung chính quyền Trump phá vỡ gọng kềm trừng phạt nước Nga.

Rạn nứt giữa Washington với các đồng minh chiến lược ở cả vành đai Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vì mậu dịch cũng là một tin vui với Trung Quốc, cho dù trước mắt, Bắc Kinh cũng là nạn nhân của chích sách America First.

Quyết định "sai lệch"

Sau khi đã bắt chẹt được Hàn Quốc phải nhượng bộ trên hồ sơ nhôm và thép, chính quyền Trump "không phân biệt đối xử" với từ Trung Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, từ Canada đến Mexico. Sau hơn hai tháng đe dọa, Nhà Trắng thẳng tay áp thuế nhôm và thép bán sang thị trường Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu và Canada và cả Mexico lập tức kiện Mỹ ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Bruxelles tố cáo Washington áp dụng chính sách bảo hộ, một quyết định "bất hợp pháp và sai lệch", như ghi nhận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Giải thích trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Paris, giải thích về tính toán mà ông gọi là sai lệch về mặt kinh tế đó :

"Chính sách thương mại của Donald Trump thiếu hợp lý. Tổng thống Hoa Kỳ xem thâm hụt mậu dịch là một thất bại về kinh tế. Đó là cách nhìn vừa thô thiển vừa sai lệch. Thêm vào đó Trump lại còn tùy cơ ứng biến theo từng trường hợp cá biệt của mối đối tác thương mại, tùy từng mặt hàng... Chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ do vậy không dựa trên một cơ sở nào.

Riêng trong trường hợp liên quan tới nhôm và thép, ông Trump theo đuổi mục đích chính trị nội bộ. Ông muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ với giới công nhân trong ngành luyệnkim, số này đã ồ ạt bỏ phiếu cho ông hồi năm 2016. Tính toán đó được đưa ra vài tháng trước khi Hoa Kỳ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ".

Theo thẩm định của cơ quan thống kê Châu Âu Eurostat, tính cả về nhôm lẫn thép, một năm Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu chưa đầy 6 tỉ euro sang thị trường Mỹ, tương đương với 1,7% xuất khẩu của Liên Âu sang Hoa Kỳ.

Tổng kim ngạch trao đổi hai chiều giữa hai bờ Đại Tây Dương năm 2017 lên tới 631 tỉ euro. Cán cân thương mại nghiêng về phía Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Lục Địa Già, đứng trước cả Trung Quốc

Riêng đối với các tập đoàn luyện kim Châu Âu, biện pháp áp thuế do chính quyền Trump ban hành là một vố đau. Ông Charles de Lusignan, phát ngôn viên hiệp hội thép Châu Âu Eurofer giải thích :

"Đương nhiên là lệnh áp thuế của Mỹ tác động đến hoạt động xuất khẩu thép của Châu Âu sang Mỹ. Hàng năm Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu hơn 5 tỉ euro sang Hoa Kỳ. Thêm vào đó là lo ngại ngành luyện kim bị chao đảo, nhất là khi biết rằng lĩnh vực công nghiệp này vừa phục hồi chừng ba năm nay sau khủng hoảng".

Đánh nhầm mục tiêu ?

Tuy nhiên tác động đối với mỗi thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu khác nhau. Trên hồ sơ nhôm và thép, Đức và Ý bị ảnh hưởng nặng hơn Pháp, bởi Berlin và Roma bán nhiều nhôm, thép cho Mỹ hơn Paris.

Điều khiến Liên Hiệp Châu Âu khó hiểu ở đây là mục tiêu mà chính quyền Mỹ nhắm tới là nhôm, thép của Trung Quốc. Bắc Kinh bị cáo buộc trợ giá, tạo nên tình huống sản xuất dư thừa, cạnh tranh bất bình đẳng. Trên hồ sơ này, Washington đang có được đồng minh quan trọng là Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Junker cho rằng tổng thống Trump "nhầm đối thủ" và vượt ra ngoài khuôn khổ đã được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới quy định. Cũng ông Junker cho rằng, chính sách thương mại của Nhà Trắng buộc Liên Âu đáp trả bằng cách đánh thuế các mặt hàng của Mỹ được người tiêu dùng Châu Âu ưa chuộng. Danh sách này bao gồm từ quần Jean Levi's đến rượu whisky hay xe mô tô Harley Davidson. Tổng trị giá hàng Mỹ bị Châu Âu "phạt" ước tính lên tới 3 tỉ euro.

Sébastien Jean, trung tâm nghiên cứu CEPII nói tới kịch bản "chiến tranh leo thang" :

"Bản chất của các biện pháp trả đũa là không ai biết khi nào sẽ dừng lại. Chỉ biết rằng các đòn ăn miếng trả miếng đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm. Trả đũa có nghĩa là tấn công vào những điểm nhậy cảm của đối phương. Mà những điểm nhậy cảm đó thường là những lĩnh vực đang hoạt động rất tốt. Sau nhôm thép, Mỹ đang tính tới việc tấn công vào công nghệ xe hơi của Châu Âu. Các ngành như công nghiệp thực phẩm và thậm chí là cả hàng hạng sang có thể là những mục tiêu kế tiếp".

Chia để trị

Trả lời trên đài truyền hình France 24 nhà sử học François Durpaire, đại học Cergy Pontoise cho rằng tổng thống Trump tung đòn đánh vào Liên Âu với hy vọng chia để trị hòng giành được một thắng lợi quan trọng với cử tri Mỹ 5 tháng trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, Midterm :

"Điều đáng chú ý ở đây là Donald Trump đánh cược trên sự yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu. Chúng ta bước vào giai đoạn gọi là "đánh qua, đánh lại". Bruxelles trả đũa, áp thuế vào những mặt hàng Mỹ sản xuất tại những bang mà người dân đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Nhưng ở Nhà Trắng, Donald Trump chờ đợi là các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ, các biện pháp trả đũa nhắm vào Hoa Kỳ sẽ không đi tới đâu. Như vậy Trump chứng minh với cử tri rằng ông trong thế mạnh. Ông mới là người bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Điều này rất quan trọng, khi biết rằng Hoa Kỳ sắp bầu cử giữa nhiệm kỳ trong một vài tháng nữa".

Pierre Verluise, giám đốc tạp chí trên mạng chuyên về địa chính trị Diploweb.com của Pháp giải thích thêm về nước cờ đầy rủi ro mà chủ nhân Nhà Trắng vừa đi khi tấn công vào các đồng minh truyền thống ở bên này bờ Đại Tây Dương :

"Điều đó hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của Donald Trump về Liên Hiệp Châu Âu. Nhìn từ bên ngoài, thì đúng là Liên Âu đang bị chia rẽ. Anh Quốc có trọng lượng tương đương với 14 % GDP của toàn khối thì chuẩn bị ra đi. Dân số của Châu Âu đang trên đà lão hóa. Châu Âu ngày càng bị suy yếu trên bàn cờ quốc tế".

Trung Quốc và Nga hưởng lợi

Tuy nhiên trước mắt, dường như Liên Hiệp Châu Âu tạm vượt lên trên những bất đồng nội bộ giữa 28 nước thành viên và từ chối đàm phán tay đôi với Mỹ. Có điều nguy cơ "leo thang"trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Liên Âu là có thực, khi biết rằng Donald Trump đã ra lệnh mở điều tra về xe hơi của Châu Âu xuất khẩu sang Mỹ. Trong lĩnh vực này, một lần nữa Đức lại là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nhất. Theo thẩm định của viện nghiên cứu kinh tế Đức Ifo, nếu xe hơi Châu Âu bị đánh thuế 25 %, người tiêu dùng ở Mỹ phải trả giá đắt thêm 5 tỉ euro khi tậu xe của Đức. Hai hãng xe Pháp là Renault và Peugeot cũng đang trong tâm bão.

Bên cạnh những tính toán thua thiệt ở mức độ vài tỉ đô la giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu trong hai lĩnh vực thép và nhôm, cuộc đọ sức giữa Bruxells và Washington tác động cả đến vế an ninh.

Vẫn chuyên gia về địa chính trị Pierre Verluise, giám đốc tạp chí Diploweb.com, cho rằng Bruxelles trong thế tiến thoái lưỡng nan, vì "bên cạnh vế kinh tế và thương mại còn phải tính đến những nước cờ chiến lược".

Có 22 trong số 28 thành viên của Liên Âu còn là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Nhà Trắng dùng lá bài thương mại để mặc cả vì biết chắc rằng đại gia đình Châu Âu ấy không dám "rời Mỹ". Chuyên gia Verluise gián tiếp nêu lên câu hỏi Mỹ có còn xem Liên Hiệp Châu Âu là "đồng minh truyền thống hay không" ?

Trước mắt, chính sách thương mại của tổng thống Trump đang khiến Trung Quốc mừng thầm. Đành rằng Bắc Kinh cũng trong tầm ngắm của chính quyền Washington nhưng tổng thống Trump đang "phá vỡ liên minh phương Tây chống Trung Quốc", tối thiểu là trên hồ sơ nhôm, thép. Thứ hai nữa là kiểu mặc cả con buôn của đương kim tổng thống Hoa Kỳ khiến những đồng minh của Mỹ càng thêm thưa thớt. Sau cùng, hai chuyến công du nước Nga của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp gần đây cùng nhằm mục đích lôi kéo Moskva trở lại với Châu Âu. Những hợp đồng của Pháp ký với các đối tác Nga nhân diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg phần nào thể hiện điều đó.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 05/06/2018

Published in Diễn đàn

Vàng tăng hơn 10% năm ngoái và có khuynh hướng tiếp tục tăng do Trung Quốc và Ấn Độ giàu hơn, mua vàng nhiều hơn. Đầu năm 2018, dầu hỏa đang tăng giá trở lại trước viễn cảnh nhiều xung đột trên thế giới, đô la trồi sụt tùy theo chính sách kinh tế và tiền tệ của Mỹ.

vang1

Vàng, giá trị "bảo đảm" từ muôn đời - một cửa hàng bán vàng ở Dubai - ảnhChina.org.cn

Đầu tư vào đâu dễ kiếm lời trong năm 2018 ? Đó là câu hỏi mà các tờ báo tài chính đua nhau tìm cách giải đáp. Nếu như chỉ căn cứ vào thị trường kim loại và nguyên liệu thì câu trả lời thiên về vàng và dầu hỏa.

Kim loại được chý ý tới nhất mọi thời đại luôn là vàng. 2017 đầu tư vào vàng có lãi nhất kể từ 2010. Phải hiểu như thế nào về hiện tượng "chuộng" vàng đó ? Claire Farge, nhà báo của đài RFI chuyên theo dõi thời giá kim loại và nguyên liệu phân tích :

"Vàng bước sang đầu năm mới với kỷ lục, trên 1.300 đô la một ounce, tức tương đương với 31 grammes. Đây là giá cao nhất từ 4 tháng qua. Nhìn rộng ra cả năm 2017 giá vàng tăng 13 %. Tăng 13 % không phải là thành tích ghê gớm lắm, nhưng vào lúc mà đầu tư vào các cổ phiếu, công trái phiếu đã có lãi trở lại và một phần các nhà đầu cơ trên thế giới chuộng đồng tiền ảo Bitcoin, mà vàng vẫn tăng giá thì cũng là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của kim loại này.

Ngoài ra, thông thường khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại thì vàng mất giá, nhưng trong năm 2017, người ta vẫn có khuynh hướng tích trữ vàng cho dù toàn cảnh kinh tế ở mọi nơi đã sáng sủa hơn.

Riêng về đồng đô la Mỹ, trong thời gian qua đô la mất giá và đã "rơi" mạnh nhất từ một chục năm qua khi tổng thống Donald Trump tiến hành chính sách cải tổ thuế khóa gây lo ngại nợ công của Hoa Kỳ tăng nhanh. Đô la mất giá cũng là một yếu tố khiến mọi người chuyển sang mua vàng, đẩy giá vàng lên cao.

Nhìn tới dầu hỏa, trong năm 2017, giá dầu tăng khá mạnh sau khi liên tục mất giá trong giai đoạn 2014- 2016 gây lo ngại lạm phát. Để tránh bị mất mãi lực vì vật giá leo thang, người ta thường mua vàng để dành. Căng thẳng trên thế giới ngày càng nhiều, từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đến Trung Cận Đông, đặc biệt là ở Libya, Iran... và cả Châu Âu, có khuynh hướng đẩy giá dầu lên cao hơn nữa vào năm nay.

Toàn cảnh thế giới mà càng nhiễu nhương, khủng hoảng ngoại giao hay chính trị càng nhiều, thì mọi người càng chuộng mua vàng. Khuynh hướng giá vàng tăng tiếp tục kéo dài trong năm 2018".

Ấn Độ và Trung Quốc đẩy giá vàng lên cao

Nhiều cơ quan chuyên về thị trường vàng bạc trên thế giới chờ đợi vàng tăng giá trong 12 tháng tới đây. Tổ hợp đầu tư của Anh Schroders dự báo tư bản trên thế giới sẽ dồn dập đổ vào các tập đoàn khai thác kim loại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Còn theo phân tích của tổ hợp vàng World Gold Council, trụ sở tại Luân Đôn, yếu tố quan trọng nhất đẩy giá kim loại lên cao trong năm nay là Ấn Độ và Trung Quốc : hai nền kinh tế này đang trong chu kỳ thịnh vượng, (GDP của Ấn Độ đang bắt kịp Pháp) người dân tại đây lại rất chuộng vàng. 65 % nhu cầu tiêu thụ kim loại này của thế giới xuất phát từ Ấn Độ và Trung Quốc. Điển hình là vàng luôn tăng giá vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay mỗi mùa cưới tại Ấn Độ.

Đô la Mỹ : những tín hiệu trái ngược

Nhìn đến đô la, 2017 là năm đồng tiền "mạnh nhất thế giới" trượt giá. Mọi người còn nhớ đầu tháng 12/2016, tức là một tháng sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đô la tăng giá 6% so với đồng euro (EUR).

Nhưng rồi "chiến lược kinh tế" không rõ ràng của nhà tỷ phú người Mỹ này gây thất vọng. Giới tài chính Pháp cho rằng : năm đầu tiên Donald Trump ở Nhà Trắng là thời điểm "tệ hại nhất" đối với đồng đô la từ 15 năm trở lại đây. Đơn vị tiền tệ của Mỹ mất giá gần 10 % so với 19 đồng tiền trên thế giới, trượt giá 12,7 % so với đồng tiền chung Châu Âu.

Nhưng bên cạnh đó thì chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đang được mọi người theo dõi : Fed tăng lãi suất chỉ đạo ba lần liên tiếp trong năm 2017, nâng chỉ số này lên mức 1,5 % vào tháng 12/2017. Thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang, Janet Yellen, chuẩn bị ra đi nhưng bà báo trước là Fed sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ. Trên nguyên tắc đến cuối 2018 lãi suất chỉ đạo của ngân hàng Mỹ sẽ đạt 2,5%.

Với lãi suất ngân hàng liên tục tăng như vậy, đầu tư vào Mỹ có lời và mọi người chờ đợi từ nay đến cuối năm, thế giới sẽ mua vào đô la để đầu tư trên đất Hoa Kỳ. Dù vậy trước mắt đô la còn đang rất "mềm giá". Phải chăng lúc này là thời điểm nên mua vào đô la để chờ thời cơ ?

Iran, điểm nóng của dầu hỏa thế giới

Còn với vàng đen thì sao ? Trong hai tuần lễ đầu năm 2018 Iran phải đối mặt với một làn sóng phản kháng, giá dầu hỏa tăng mạnh, dao động ở ngưỡng 70 đô la một thùng, tăng gần 50 % so với sáu tháng trước. Đây cũng là mức cao nhất từ thang 12/2014.

Giới trong ngành lưu ý, nội tình chính trị Iran gây lo ngại, đó là chưa kể những lời đe dọa liên tiếp của tổng thống Mỹ đòi hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính sách ngoại giao qua Twitter của chủ nhân Nhà Trắng thường xuyên "đổ thêm dầu vào lửa" tại những "giềng dầu" của thế giới.

Claire Farge, nhà báo của đài RFI chuyên theo dõi thời giá kim loại và nguyên liệu phân tích :

"Giới trong ngành còn bị ám ảnh về kịch bản cuối năm 1978. Khi đó nhân viên làm việc tại các cơ sở dầu khí Iran đi theo cuộc cách mạng Hồi Giáo. Nhà máy không ai chăm lo. Mức sản xuất rơi xuống số không. Lần này Lực Lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran theo dõi sát các hoạt động tại các nhà máy dầu.

Nhờ vậy mà ngay từ đầu năm 2017, khi một vài cuộc biểu tình nhỏ lác đác nổ ra tại Khuzhestan, một vùng đất giàu tài nguyên của Iran, nhưng lượng sản xuất không hề bị ảnh hưởng.

Lần này bất ổn tại Iran xảy ra đúng vào mùa đông, lúc mà dự trữ dầu thô của thế giới hạn hẹp hơn một chút.

Trước biểu tình ở Iran, đường ống dẫn dầu tại Libya đã bị cháy. Các yếu tố đó cộng lại khiến giá dầu tăng thêm, lên tới mức 68 đô la ngày 04/01/2018. Điều khiến mọi người lo ngại là Iran đứng thứ ba trong số các nước sản xuất dầu của tổ chức OPEP, xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, sản xuất 3,8 triệu thùng như quy định của khối OPEP. 40 % khối lượng dầu xuất khẩu của Iran đổ vào thị trường Châu Âu, 60 % hướng về Châu Á".

Ngoài Iran, thì còn phải nhìn đến Saudi Arabia : vương quốc dầu hỏa này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chính trị, xã hội lẫn kinh tế. Đó là chưa kể cuộc đọ sức về địa chính trị giữa hai thành viên quan trọng bậc nhất của Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Hỏa OPEC là Saudi Arabia và Iran.

Rất xa khu vực Trung Cận Đông, một nguồn cung cấp dầu hỏa khác của thế giới là Venezuela tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng chính trị.

Dù vậy trong dài hạn các chuyên gia cho rằng thị trường dầu hỏa sẽ ổn định trở lại, chủ yếu nhờ dầu đá phiến của Mỹ. Theo thẩm định của cơ tổ hợp đầu tư Alpha Value trụ sở tại Paris, khả năng cung cấp của Mỹ sẽ tăng thêm từ 1 đến 1,2 triệu thùng dầu từ nay đến cuối năm. Còn ngân hàng BNP Paribas thì dự phóng giá dầu trong năm nay sẽ ở quãng 58 đô la một thùng.

Thanh Hà

Nguồn : RFI tiếng Việt, 16/01/2018

Published in Diễn đàn

"Chinh phục hòa bình bằng sức mạnh", mà "vũ khí lợi hại nhất của Mỹ là sức mạnh kinh tế". Trong bài diễn văn đầu tiên về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" đọc ngày 18/12/2017, tổng thống Trump gắn liền vế "kinh tế với an ninh", nhắc nhở công luận rằng trước khi bước vào Nhà Trắng, ông đã từng là một doanh nhân.

kinhte1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, ngày 18/12/2017. Reuters/Carlos Barria

Nếu như các đời tổng thống trước xem sức mạnh quân sự và ngoại giao là những lá chủ bài để Hoa Kỳ tỏa sáng trên sân khấu quốc tế, thì nay, Donald Trump đặt sức mạnh kinh tế lên ngang hàng với tiềm năng quân sự vô song của Mỹ.

Trình bày về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia", tổng thống Mỹ thứ 45 chủ trương "khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ" là một vế trong "chiến lược an ninh quốc gia". Mục tiêu đầu tiên tổng thống Trump nhắm tới là Trung Quốc khi ông khẳng định rằng, mọi trao đổi mậu dịch giữa Mỹ với các đối tác thương mại phải được "bình đẳng, công bằng và dựa trên nguyên tắc có qua có lại".

Trung Quốc trong mắt ông Trump là một "đối thủ chiến lược" của Hoa Kỳ và Washington báo trước sẽ siết lại chính sách mậu dịch song phương, "chặt chẽ hơn" trong các dự án chuyển giao công nghệ với ông khổng lồ châu Á này. Thực ra theo các nhà phân tích, lập luận này không có gì mới mẻ, khi biết rằng trong suốt thời gian vận động tranh cử, ứng viên Donald Trump từng tố cáo Trung Quốc "cướp công ăn việc làm" của người lao động Mỹ. Có điều, Washington đang trong thế của người làm xiếc đi dây, bởi vì Hoa Kỳ cần Trung Quốc để giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Với Nga, tổng thống Trump không khoan nhượng hơn khi ông tuyên bố "Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và quyền lợi của Hoa Kỳ, muốn làm tổn hại đến an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ". Nhà Trắng lên án cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh "nhất quyết" để cho các nền kinh tế Nga và Trung Quốc "ít tự do, ít công bằng". Nước Mỹ, do vậy theo quan điểm của Donald Trump đang bước vào "kỷ nguyên cạnh tranh mới" mà ở đó, Hoa Kỳ lao vào cuộc để "giành trở lại phần thắng trong tay". Để có được thắng lợi đó thì "nước Mỹ cần phải thức tỉnh".

Một cách tổng quát hơn "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" theo nhãn quan của Donald Trump dựa trên 4 cột trụ : bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ, hòa bình và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, phát biểu đầu tiên về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" của Donald Trump chỉ nhằm hâm nóng lại khẩu hiệu "America First".

Tổng thống Trump giải thích khi tuyên thệ, ông từng đưa ra một nguyên tắc đơn giản : "nhiệm vụ trên hết của chính quyền là phục các công dân Mỹ, nhất cử nhất động của chính quyền đều được cân nhắc và đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên đầu". Nguyên tắc đó là kim chỉ nam cho mỗi quyết định của chính quyền Trump, từ biện pháp giới hạn người nhập cư đến tăng cường an ninh biên phòng, hay kể cả việc rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris.

2017 là năm nước Mỹ phải hứng chịu nhiều thiên tai : các trận bão Harvey và Irma rồi tới trận cháy rừng bất thường xảy ra vào mùa đông ... nhưng với tổng thống Trump, thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris, nỗ lực giảm nhiên liệu hóa thạch chỉ là những đòn nhằm gây thiệt hại cho "kinh tế và ngành năng lượng của Hoa Kỳ".

Sau cùng, trình bày "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" đúng vào lúc một tai nạn tàu hỏa vừa xảy ra tại thành phố Seattle- miền tây bắc Hoa Kỳ, tổng thống Trump cho rằng : thay vì tài trợ đến 7 tỷ đô la hàng năm cho Trung Đông, Mỹ nên dùng số tiền đó để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tóm lại, tổng thống Trump đang thực hiện đúng những gì ông đã cam kết : chú trọng đến người Mỹ, đến quyền lợi của dân Mỹ. Dù muốn hay không, ngôn ngữ của Donald Trump là ngôn ngữ của một doanh nhân và ông áp dụng cùng nguyên tắc khi điều hành một đất nước cũng như khi lãnh đạo một doanh nghiệp. Nguyên tắc đó là "sức mạnh của đồng tiền".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 19/12/2017

Published in Diễn đàn

Phần 1

Trịnh Y Thư : "Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ".

tochat1

Nhà thơ Trịnh Y Thư (phải) và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả Chuyện Ngõ Nghèo. Trịnh Y Thư/RFI

Trên đây là nhận xét của nhà thơ Trịnh Y Thư khi viết về cuốn tiểu thuyết đã được Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất hơn 30 năm về trước, nhưng mới chỉ chính thức đến được với độc giả vào mua thu 2016.

Tuy là tác phẩm đầu tiên trong số bốn cuốn tiểu thuyết đưa tên tuổi ông đỉnh cao trên văn đàn Việt Nam, song Chuyện ngõ nghèo với cái tên nguyên thủy là Trư cuồng, lại lận đận hơn cả, so với những Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2008) hay Đội gạo lên chùa (2011).

Chuyện ngõ nghèonói về Hà Nội thời kỳ bao cấp, đầu thập niên 1980, khi mà "cao trào nuôi lợn đang dâng". Cấu trúc Về hình thức, cuốn tiểu thuyết gồm ba phần : những trang nhật ký mà tác giả gọi là Nhật ký lợn. Phần giữa mang hình thức những truyện ngắn - Hành trình vào Hỗn mang - là những giấc mơ trong cơn mê sảng vật vã suốt thời gian đau ốm của nhân vật ghi chép cuốn nhật ký. Đoạn kết Nhật ký lợn là phần ba cuốn sách.

"Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn"

Trịnh Y Thư : Tôi có cái duyên gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hồi đầu năm 2017 trong dịp về thăm Hà Nội. Dù đang hồi phục sau một ca mổ, ông vẫn niềm nở đón tiếp tôi tại tư gia và qua câu chuyện trao đổi tôi nhận ra ngay đây là một trí thức nhiều tâm huyết, một nhà văn đáng kính phục. Ông kí tặng tôi cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo mới xuất bản, mà trước đó tôi chỉ đọc loáng thoáng trên báo chí ở hải ngoại.

Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Kì thực, tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng, những cuộc chém giết bạo tàn, những hận thù chồng chất, và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn nằm ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó là một phần con người.

Tác giả gọi cái bản ngã ấy là Trư cuồng. Và nếu định nghĩa tiểu thuyết là cuộc truy tìm bản ngã thì cái tố chất lợn cuồng điên ấy đã được Nguyễn Xuân Khánh lật phải lật trái lật ngang lật dọc, đã được đặt dưới ống kính hiển vi cho chúng ta ngắm nhìn, quan sát kĩ càng, tường tận. Không nhìn ra nó, phần lỗi ấy chẳng những bởi thị lực và tâm trí chúng ta yếu kém mà còn vì chúng ta đã tự đóng chốt xây một hàng rào thành kiến che kín lương tri :

"Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng ; ông Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái ‘húy’ gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi...".

Qua những trang sách sau đó chúng ta biết ông Hoàng sống với mẹ già, vợ và bốn con trong một căn nhà tồi tàn ở ven đô Hà Nội. Nhà ông Hoàng nghèo lắm, và như rất nhiều người dân Hà Nội thời bấy giờ, ông xoay ra nghề nuôi lợn.

Ông Hoàng có hai người bạn thân, ông Lân và ông Tám. Ông Lân là một thương binh, nuôi lợn gần như chuyên nghiệp, chính ông là người chua chát buông câu nói : "Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn".

Còn ông Tám là một giáo viên dạy sinh vật cấp ba, nhưng tính tình ông gàn bướng, thậm chí hơi bất thường. Đang dạy học, ông xin nghỉ ngang nằm nhà viết sách về lợn mà ông gọi là Bách khoa lợn. Ông Hoàng thi thoảng nhận được một trích đoạn Bách khoa lợn mà càng đọc ông càng khiếp hãi.

RFI : Nếu như chuyện nuôi lợn của ông Hoàng chỉ có thế thì chắc chẳng có gì đáng nói. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn tiểu thuyết đa tầng : ở tầng thứ nhất là cảnh nghèo, nhưng chúng ta nên đọc nó như thế nào để thấu triệt được những điều tác giả muốn nói đến ở tầng cao hơn ?

Trịnh Y Thư :Thưa đúng vậy, tác giả ở đây đã không cho phép chúng ta lười lĩnh tự ru ngủ với một câu chuyện tuy thương cảm, bi thiết nhưng nói cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc thế gian xoàng xĩnh. Tác giả không dừng ở đấy, ông bắt chúng ta phải trực diện một vấn nạn gai góc, khó nhằn hơn nhiều : cái bản ngã lợn hay Trư cuồng, nói theo ngôn từ của ông.

Câu chuyện nuôi lợn của ông Hoàng bắt đầu đi vào giai đoạn có nhiều biến cố từ khi ông mua thêm một con lợn con có đôi mắt như mắt bò và lớp lông màu hung vàng như "cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc" mà ông đặt tên là Lợn Bò.

Ông đã có sẵn trong chuồng ba con lợn ỉn. Lúc mới về Lợn Bò chịu lép vế ba con lợn ỉn, không dám tranh ăn, khi nằm ngủ phải tìm góc chuồng dơ bẩn, thậm chí còn bị ba con kia cắn tai, húc mõm vào bụng. Nhưng con Lợn Bò ăn hăng lắm, nó tận tình vét máng mỗi lần ăn và nhờ thế tăng trọng nhanh chóng hơn ba con kia. Một hôm khi đã to khỏe đủ, nó đánh lại ba con lợn ỉn và cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ.

Từ chuồng lợn đến vai trò của người nắm quyền lực

Trịnh Y Thư : Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền "cắt tiết" những kẻ yếu hơn mà không chịu suy tôn thần phục chịu làm nô lệ cho mình. Ông Hoàng suy ngẫm. Thoạt tiên là ý nghĩ về từ "đồ tể". Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn không bao giờ xuất bản của ông Tám, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay :

Tìm từ nguyên của từ ‘đồ tể’ thấy gồm hai thành tố : tiền tố ‘đồ’ và hậu tố ‘tể’. Riêng hậu tố ‘tể’ chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác : chúa tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao : ông vua và quan đại thần tột bậc.

Họ gần gũi nhau ở điểm gì ? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể ; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.

"Trong tim ai cũng có sẵn một anh đồ tể"

Trịnh Y Thư : Qua con Lợn Bò, ông Hoàng bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của Trư cuồng. Đây là ẩn dụ chính trong cuốn tiểu thuyết nhiều ẩn dụ này. Hình như bất cứ ai cũng có thể là một anh đồ tể, trong tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể sẵn sàng chém giết không gớm tay. Cái xấu, cái ác tràn ngập thế gian. Tuy vẫn còn u minh mờ mịt, ông mơ hồ cảm nhận được trong con người ông "thiếu vắng một cái gì rất cơbản mà ông không sao xác định nổi". Ông run rẩy vì "chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…" Ông vẫn yêu thương cuộc đời, vẫn yêu hình ảnh con sông Đuống mộng mơ của bạn ông, hay những dãy phố cổ nghiêng nghiêng trong tranh người bạn khác, nhưng ông muốn "vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo". Mơ hồ nhưng day dứt, ông bị điều ấy hành hạ ngày đêm.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 02/12/2017

******************

Phần 2

Trịnh Y Thư : "Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền "cắt tiết" những kẻ yếu hơn (…). Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay".

tochat2

Tác phẩm "Chuyện Ngõ Nghèo" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Trịnh Y Thư/RFI

Kỳ trước chúng ta đã bắt đầu câu chuyện với nhà thơ Trịnh Y Thư về tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà xuất bản Nhã Nam, phát hành tháng 10/2016. Như đã giới thiệu Chuyện ngõ nghèo được viết trong cái thời kỳ mà cả Hà Nội đang "lên cơn sốt nuôi lợn", khi mà nhân vật Hoàng "mê sảng đi vì lo tiền".

"Giá cả hàng hóa của Hà Nội leo thang vùn vụt. Tôi ghi chép lại đây những con số đầy ý nghĩa với cuộc sống gia đình tôi : Su hào, một đồng một củ - Khoai lang, 22 đồng một yến (...) - Rau muống lợn 1 đồng 5 hào một mớ. (...) Ôi chao toàn tiền là tiền. Tiền tiêu như rác, một nắm bèo cũng có giá. Trong khi đó, lương tôi được hơn 60 đồng, lương vợ tôi 70 đồng. (...) Chỉ những con số ấy cũng đủ biện hộ cho công việc nuôi lợn, mê say lợn của tôi. Cơn lợn của tôi là tất yếu, là con đường cứu sống gia đình tôi".

Nhưng Chuyện ngõ nghèo không chỉ là một tác phẩm nói về Hà Nội thời bao cấp mà đó là một sáng tác với nhiều ẩn dụ từ chuồng lợn của gia đình ông Hoàng, lan tỏa ra xã hội bên ngoài.

RFI tiếng Việt rất hân hạnh được gặp lại nhà thơ Trịnh Y Thư để cùng tìm hiểu thêm về những chiều kích khác của một tác phẩm mà ở đó, "bản tính người" trong mỗi chúng ta liên tục bị đe dọa.

Trịnh Y Thư :Ngoài chuyện vật vã với cuộc sống cùng cực, ông Hoàng còn bị thường xuyên gọi lên "làm việc" với an ninh. Người ta vẫn không để yên cho ông. Chỉ vì một câu nói "Que faire ?" cách đấy mươi năm người ta quy kết lên đầu ông tội "chống tổ chức", một cái tội mơ hồ không bằng cớ, không nhân chứng, không luật sư biện hộ, không thẩm phán, không bồi thẩm đoàn. Một tòa án cũng không mà chỉ là gian phòng thẩm vấn hỏi cung lạnh lẽo trơ trịa một chiếc bàn xấu xí.

Có lần ông Hoàng bị mời lên an ninh làm việc, và người làm việc với ông là một cán bộ đứng tuổi, giọng nói ấm áp, gương mặt đôn hậu có thiện cảm. Nhân thế ông không ngần ngại trút ra những suy nghĩ của mình :

"…Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa bỏ tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay thế vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm khát một tấm áo giản dị nhưng vừa vặn. Chúng tôi chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình".

Và ông Hoàng nói thêm :

"Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích cỡ ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn. Nhưng cho dù, về mặt vật chất, dù có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng : Cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lí tưởng khác".

Khi phi lí trở thành chân lí

RFI : Liệu cuộc "trao đổi" giữa ông Hoàng và người cán bộ già ấy có đem lại kết quả thực tiễn nào không, ít nhất về mặt lí luận ?

Trịnh Y Thư : Dĩ nhiên là không. Tôi có cảm tưởng hai người tuy nói cùng ngôn ngữ nhưng không ai hiểu ai, mỗi người như có một hệ cơ số riêng, và không hề có sự đả thông tư tưởng. Lỗi ở ông Hoàng ngây thơ, hay ông còn chút hi vọng vào lẽ phải và sự hợp lí ?

Cũng như nhân vật K. trong cuốn tiểu thuyết Vụ xử án của Franz Kafka, ông Hoàng tin vào sự hợp lí, tin hợp lí sẽ chiến thắng phi lí, nhưng vô cùng khốn nạn cho hai người, ở đây cái phi lí mới được tôn sùng, nó là chân lí tuyệt đối, là lẽ sống, là lí tưởng cho mọi người noi theo.

Trong cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn người Anh, George Orwell, viết năm 1948, ba khẩu hiệu của Đảng được phổ biến khắp nơi, bắt cư dân ghi nhớ : Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh. Nghe phi lí quá, phải không, thưa chị ? Khẩu hiệu gì mà nghe trái với đạo lí, luân lí thông thường thế.

Điều nguy hiểm chết người nằm ở đấy. Một hôm, cái phi lí biến thành hợp lí, cái phi lí nghe thuận tai, cái phi lí trở nên chân lí.

Sự thật được hiểu bằng doublethink (từ do Orwell sáng chế ra), tư duy hai chiều, chiều nào cũng đúng, bởi Sự Thật không nằm trong tủ chè hay kệ sách nhà bạn mà nằm dưới tầng ý thức, dưới cả tầng tiềm thức, thậm chí có thể là tầng vô thức trong não bộ của bạn.

Lúc điều phi lí nghe thuận tai là lúc Đảng chiến thắng toàn diện, Đảng trên hết, Đảng là chúa "tể", và con người vĩnh viễn nằm trong quỹ đạo của Đảng. Đó là số phận của K., của anh chàng Winston Smith và của ông Hoàng.

"Tố chất Lợn"

RFI : Qua chuyện tất cả những bộ sách của những tác giả được ông Hoàng kính trọng nhất, đều lọt cả vào bụng của con Lợn Bò, phải chăng đằng sau những câu chuyện cười ra nước mắt của các ông Hoàng, Lân hay Tám, là lời cảnh cáo về "tố chất Lợn" trong mỗi con người ?

Trịnh Y Thư : Con Lợn Bò đặc biệt thích ăn bằng tiền bán bộ truyện kiệt tác Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky. Đây là một ẩn dụ khác tuy buồn cười nhưng hết sức chua xót. Dostoyevsky - người nói câu "Cái đẹp cứu rỗi thế giới" - có lẽ là nhà văn được ông Hoàng kính trọng nhất. Đối với ông, Dostoyevsky là biểu tượng của Chủ nghĩa nhân đạo đích thực và ông tận mắt nhìn thấy cái chủ nghĩa ấy đang bị con Lợn Bò nuốt chửng.

Dostoyevsky nói câu nói ấy thường dễ trên trăm năm rồi, nhưng thế giới đã được cái đẹp cứu rỗi chưa, con người đã được giải phóng chưa hay vẫn đắm chìm trong cái xấu xa, con Lợn Bò vẫn ngự trị, sự bẩn thỉu tràn lan, để đi đến hậu quả con người dần dà đánh mất hết phẩm giá và đức hạnh.

RFI : Phần 2 của tác phẩm, tác giả gọi là Hành trình vào Hỗn mang, là những giấc mơ của ông Hoàng trong cơn ốm đau mê sảng, nhưng đan xen vào những giấc mơ lại là những hồi đoạn rất thật.

Trịnh Y Thư : Có thể xem đấy là những truyện ngắn đứng riêng lẻ, nhưng lồng vào tổng thể cuốn tiểu thuyết, chúng tạo thành thế hỗ tương chặt chẽ bởi chủ đề của những truyện ngắn tưởng như độc lập ấy không đi chệch ra khỏi chính truyện bao nhiêu : Cái tính thèm nhìn máu đổ, dù là máu lợn, của người dân làng trong Hội làng ; cái chất "đồ tể" nguyên thủy nơi con người ông Tí Giò trong Bãi chết ; phẩm chất cách mạng chân chính của người bạn tên Vinh trong Người khổng lồ vác nặng.

Giữa ông Tí Giò và ông Vinh là một đại dương khác biệt, hai con người tượng trưng cho hai thái cực nhân cách, như trắng và đen, như ngày và đêm. Nhưng thực tại cuộc sống cho thấy đa phần con người chúng ta không trắng đen rành rọt mà xám, và phải chăng chính cái màu xám bi đát đó đã khiến chúng ta vĩnh viễn thất lạc trong cõi Hỗn mang ?

Ông Tí Giò có đứng xa cả trăm thước thì đứa trẻ con lên ba cũng biết và khóc ré lên vì khiếp sợ (thật ra ông Tí Giò là kẻ đáng thương hơn đáng ghét), còn những con lợn-người thì mặc những bộ áo xống đẹp đẽ lịch sự nhất, khoác những cái mặt nạ hiền hòa nhân hậu nhất, nói to vào máy vi âm những lời lẽ nhân đạo nhất cho mọi người cùng nghe, và chúng ta đứng dưới vỗ tay thật to tán thưởng.

Cái thâm độc nhất của lợn-người là biết khai thác một cách đầy hiệu quả chất lợn của lợn thật (ông Tí Giò chẳng hạn), và bởi Lịch sử được viết theo góc nhìn của lợn-người nên sự quang vinh của lợn-người sẽ được muôn đời ca tụng. Sự thật không hề hiện hữu trong thế giới lợn-người.

RFI : Cái tố chất lợn-người ấy, nó còn hiện hữu ở nơi đâu ?

Trịnh Y Thư : Nhân thuật chuyện ông Tí Giò, tác giả có tạt qua việc Cải cách ruộng đất hồi đầu thập niên 50 ở miền Bắc. Sách vở về chuyện này đã có nhiều, hư cấu cũng như phi hư cấu, nhưng không mấy ai nêu lên luận điểm chìa khóa mà Nguyễn Xuân Khánh nói đến ở phần này của cuốn tiểu thuyết, dù chỉ thoáng qua.

Qua suy nghĩ của Thái lúc trước khi bị đem ra xử bắn "Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân…". hiển lộ một trong những thuộc tính cơ bản nhưng thường được khéo léo che giấu của con người. Những người nông dân ngày thường thật thà chất phác ấy, ai ngờ lúc lâm sự có thể đẩy kẻ vô tội vào chỗ chết, và họ khoái trá, thậm chí cuồng điên sôi máu khi chứng kiến kẻ xấu số lãnh nhận cái chết đau đớn oan khiên. Họ chen nhau vào pháp trường, kể cả những đứa trẻ, để mục kích cảnh tượng khiếp hãi ấy.

RFI : Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể đem so với những tác phẩm văn học quốc tế nào cùng thể loại ?

Trịnh Y Thư : Cuộc hành trình vào hỗn mang đưa ông Hoàng vào một xứ lạ có tên gọi là Cực Thiên Thai. Đọc đoạn văn này của Nguyễn Xuân Khánh, tôi có cảm tưởng nó là tổng hợp của ba cuốn tiểu thuyết kinh điển của phương Tây về thể loại này : cuốn Chúng ta của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin, cuốn Thế giới mới dũng cảm của Aldous Huxley, và cuốn 1984 của George Orwell.

Cả ba đều gay gắt phê phán một thế giới thuần nhất, trong đó con người là những cỗ máy, tên tuổi chỉ là những mã số được chỉ định từ lúc lọt lòng mẹ, không có tình yêu hay gia đình mà chỉ biết ăn, thở và lao động.

Nguyễn Xuân Khánh cũng không chấp nhận một thế giới như vậy, một thế giới con người đóng vai Thượng đế, cho dù chỉ có tiếng cười và niềm vui. Một thế giới không nước mắt là một thế giới phi nhân, nơi đó con người là phi-chân-diện-mục. Một thế giới trong đó xã hội là một hệ thống quan liêu với mục tiêu tối thượng là bắt con người trở nên vô cảm, không có tâm hồn, mất hết mọi ý niệm cá nhân chủ nghĩa. Một thế giới trong đó giới lãnh đạo là những kẻ chỉ biết quyền lực, đối với họ quyền lực không phải phương tiện mà là cứu cánh.

RFI : Thông điệp của Chuyện ngõ nghèo là gì ?

Trịnh Y Thư : Đoạn kết cuốn sách, cũng là phần kết Nhật kí lợn, chúng ta thấy chuyện nuôi lợn của gia đình ông Hoàng phải chấm dứt, một kinh nghiệm kinh doanh thảm bại, và cậu Linh quyết định giết con Lợn Bò bán thịt để lấy tiền thuốc thang cho bố. Tôi rất thèm được nghĩ chuyện cậu Linh giết con Lợn Bò là một ẩn dụ Nguyễn Xuân Khánh muốn gửi gắm vào thế hệ tương lai, cái độc tố Trư cuồng ấy phải chấm dứt, chỉ có cách giết chết nó mới làm đẹp xã hội loài người được, và chỉ có thế hệ tương lai mới làm được chuyện đó.

Cũng như các tác phẩm văn học quan trọng khác, cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều chiều kích. Ngoài chiều kích lịch sử, xã hội, chính trị, nó còn hàm ẩn chiều kích tiên tri.

Từ 35 năm trước, lúc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất cuốn sách hay bây giờ cũng thế, Trư cuồng là một lời cảnh báo của tác giả đến chúng ta, một lời cảnh báo cực kì cấp bách. Nếu lịch sử không thay đổi đường đi của nó thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ mất hết những phẩm chất con người, biến thành những cỗ máy vô hồn mà chính chúng ta hoàn toàn không nhận biết.

Nguyễn Xuân Khánh đã can đảm lột trần cái xấu xa nhất của con người : cái bản ngã lợn. Trong mắt nhìn của ông thì đấy là căn nguyên của những vấn nạn gai góc chúng ta đang trực diện trong cuộc sống con người.

Phải chăng ông là người theo lí tưởng chủ nghĩa bởi, với tất cả những bằng chứng lịch sử từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, con người vốn ác. Nhưng lí tưởng của Nguyễn Xuân Khánh còn là một lí tưởng nhân đạo đích thực và chính cái lí tưởng ấy đã giúp ông tiếp tục chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, ngặt nghèo nhất.

Vì lí tưởng có lúc ông như lên đồng không phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì lí tưởng ông đã bị quẳng vào đáy sâu của ngục tù. Song, thể xác ông có thể bầm dập vì bạo lực, cường quyền, nhưng lí tưởng đã giúp ông bền bỉ vác thập tự giá bước đều trên con đường thánh ông tự định hướng cho mình.

Nguyễn Xuân Khánh không thể bỏ cuộc khi chính cái lí tưởng của ông bị đe dọa và vi phạm. Có thể con đường thánh đó không bao giờ đưa ông đến điểm cuối, điểm hẹn của những linh hồn thánh hóa, nhưng điều đó không quan hệ.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI tiếng Việt, 09/12/2017

Published in Văn hóa
vendredi, 29 septembre 2017 14:46

Cách mạng Văn hóa : Mao thua nhạc sĩ Bach

Bị cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc vùi dập, nhạc sĩ dương cầm Chu Tiểu Mai tìm đường sang được Mỹ, nhưng Pháp mới là điểm đến sau cùng để "Bông Mai Nhỏ" Trung Hoa tỏa sáng. Tại Paris, trong gần 30 năm bà chuẩn bị cho ngày trở về với một món quà duy nhất, là tiếng đàn của một nghệ sĩ tự do.

bach1

Nghệ sĩ dương cầm Chu Tiểu Mai (Zhu Xiao Mei), bìa album Jean-Sebastian Bach. Nguồn Mirare

Mao Trạch Đông bị nhạc sĩ người Đức Johann Sebastian Bach đánh bại ngay trên sân nhà : 50 năm sau cuộc Cách mạng Văn hóa, giới thượng lưu Trung Quốc có thể bỏ ra đến 800 đô la để được thưởng thức những Variations Goldberg, Art de la Fugue hay Clavier bien Tempéré… dưới ngón đàn của nhạc sĩ dương cầm Chu Tiểu Mai.

Sinh năm 1949 tại Thượng Hải, Chu Tiểu Mai từng là công cụ, là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa trước khi trở thành một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng. Hiện tại bà được giới phê bình xem là một trong những "khuôn mẫu" trong số ít những người thể hiện thành công nhạc của Johann Sebastian Bach (1685-1750).

Bach, ánh sáng thiên thần trong những năm tháng đen tối

Là cô con gái thứ 5 trong một gia đình tư sản, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, có khiếu âm nhạc từ bé, Chu Tiểu Mai sớm được mẹ hướng dẫn và tạo điều kiện cho theo học dương cầm. Mười tuổi, bông mai nhỏ của gia đình họ Chu được tuyển vào Viện Âm Nhạc Quốc Gia Bắc Kinh. Cả một tương lai đầy hứa hẹn mở ra trước mắt.

Mười bảy tuổi, giấc mơ của Tiểu Mai tan vỡ cùng với cuộc Cách mạng Văn hóa được Mao Trạch Đông phát động năm 1966. Nhạc cổ điển của Tây Âu bị liệt vào danh sách "văn hóa đồi trụy". Sách vở, nhạc cụ bị đốt phá. Sân trường hay nhà hát của Viện Quốc Gia Âm Nhạc Bắc Kinh trở thành "tòa án", nơi các thầy cô giáo bị đem ra đấu tố và làm nhục.

Ở tuổi mộng mơ, Tiểu Mai đã được khuyến khích tham gia vào những buổi "đánh hội đồng". Nạn nhân trực tiếp của bông mai nhỏ ấy, chính là những thầy cô giáo Tiểu Mai từng yêu kính, chính là người cha hy sinh nhiều cho cô con gái được học đàn, như nhạc sĩ họ Chu đã kể lại trong cuốn hồi ký La Rivière et son secret - Bí mật của dòng sông, nhà xuất bản Laffont năm 2007.

Hoa nở muộn

Chu Tiểu Mai xót xa cho quãng thời gian 5 năm bà bị đày về nông thôn, 10 năm phải sống xa âm nhạc. Cho tới một ngày dòng nhạc của tác giả người Đức, Johann Sebastian Bach như "ánh sáng thiên thần rọi xuống một vùng đất tăm tối" trên quê hương Mao Trạch Đông. Những nốt nhạc của Bach là niềm hy vọng, là sức mạnh vô hình, là phép lạ đưa Tiểu Mai trở lại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Bắc Kinh.

Bốn năm sau ngày Mao Trạch Đông qua đời, Chu Tiểu Mai tìm được ngõ thoát, sang được Hoa Kỳ. Được ghi danh tại nhạc viện Boston, ban ngày đi học, tối về cô nhạc sĩ dương cầm đứng rửa bát cho một quán cơm Tàu của thành phố để kiếm sống.

Không thoải mái với nếp sống ở Mỹ, năm 1984, bông mai nhỏ của Thượng Hải tìm đến với Paris. Bà định cư hẳn nơi nhà soạn nhạc người Ba Lan, Frédéric Chopin, thế kỷ thứ XIX, từng chọn là quê hương thứ hai. Từ căn hộ nhìn ra tháp Eiffel, nhạc sĩ dương cầm họ Chu từng bước, chuẩn bị cho "ngày trở về" với nhiều bóng ma của quá khứ.

Ngoài 40 tuổi đời, sự nghiệp của nhạc sĩ dương cầm Chu Tiểu Mai mới thăng hoa : bà được mời dậy piano tại Học Viện Quốc Gia Âm Nhạc Paris. Bà nổi tiếng với những nhạc phẩm của Scarlatti, Haydn, Mozart hay Beethoven, Schumann, nhưng với bà, Bach luôn chiếm một chỗ đứng riêng biệt, vị cứu tinh của bà trong những năm tháng tuyệt vọng.

Ngày về

Chu Tiểu Mai đã nhiều lần lưu diễn vòng quanh trái đất, từ Châu Âu sang Nam Mỹ. Bà đã dừng chân tại Nga và cả Úc ... Nhưng phải đợi 35 năm sau ngày bỏ xứ ra đi, hoa mai nhỏ của Thượng Hải mới dám trở về trình diễn tại các nhà hát ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Bà do dự trước khi nhận lời biểu diễn tại Trung Quốc, nhất là chặng dừng ở Bắc Kinh.

Với Chu Tiểu Mai, bà sợ bóng ma của quá khứ lại hiện về, bà sợ là kẻ xa lạ trên chính quê hương mình, bà sợ là dòng nhạc của Bach không đủ sức lôi cuốn thính giả Trung Quốc ngày nay. Tất cả những lo âu ấy đã được xua tan trong chớp mắt.

Tháng 11/2014 Chu Tiểu Mai lên chương trình biểu diễn ở Thượng Hải, Thành Đô và Bắc Kinh. Tại bất cứ nơi nào, vé vào cửa cũng được bán hết trong chớp mắt.

Từng trải qua thời kỳ mà các nhạc cụ - từ dương cầm đến vĩ cầm và ngay cả các dụng cụ âm nhạc truyền thống của Trung Quốc, đều bị coi là những biểu tượng của thành phần tư sản, Chu Tiểu Mai khó có thể tin được cảnh nam thanh nữ tú ở Thượng Hải sẵn sàng xếp hàng cả đêm dưới mưa để mua cho được một chiếc vé vào nghe bà biểu diễn.

Mao thua Bach

Ở chặng đầu vòng lưu diễn tại Trung Quốc là Thượng Hải, Chu Tiểu Mai đã phải biểu diễn thêm một buổi để đáp lại thịnh tình của người hâm mộ. Là một nhạc sĩ, bà thực sự hạnh phúc khi thấy ngày nay, trên quê hương bà, biết chơi một nhạc cụ không còn là một cái tội, mà người ta hãnh diện cho con em học đàn, học nhạc. Chơi piano là biểu tượng của sự thành đạt trong xã hội.

Trong số hàng ngàn khán giả đến nghe Chu Tiểu Mai biểu diễn tại Bắc Kinh, có nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền, trong ủy ban nhân dân thành phố và có cả con gái cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình.

Chu Tiểu Mai không khỏi vui sướng thấy con cháu của Mao yêu âm nhạc, họ là những thính giả sành điệu về dòng nhạc cổ điển của phương Tây. Nhưng bà cũng không khỏi bùi ngùi nghĩ đến cả một thế hệ những nhạc sĩ đàn anh, đàn chị, đã bị Cách mạng Văn hóa dập vùi.

Trong số đó có người bà ngưỡng mộ nhất là nữ nhạc sĩ dương cầm Cố Thánh Anh (Gu Shengying) : giải thưởng piano quốc tế Queen Elisabeth của vương quốc Bỉ năm 1964, nhưng rồi bị đấu tố là tư sản, bị mang ra làm nhục và cuối cùng, năm 1967, nhạc sĩ họ Cố phải quyên sinh, khi vừa tròn 30 tuổi.

Người thứ nhì mà bà cũng rất ngưỡng mộ là nhạc sĩ Ân Thừa Tông (Ying Chengzong), bởi ông có công với lịch sử âm nhạc của Trung Quốc. Nay là nhà soạn nhạc nổi tiếng, Ân Thừa Tông từng đoạt giải nhì cuộc thi quốc tế Tchaikovsky năm 1962, đã phải vắt óc sáng tác những bài ca ngợi thành tích Cách Mạng mà trong đó dàn nhạc sử dụng từ violon đến dương cầm, từ đàn cello đến sáo hay kèn hautbois chỉ để tránh cho những nhạc cụ đó không bị đem ra làm mồi cho lửa.

Từ trên sân khấu nhìn xuống thính phòng với hàng ngàn khán giả ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thành Đô đều chăm chú thưởng thức từng nốt nhạc của Bach, Haydn…, nhạc sĩ dương cầm Chu Tiểu Mai nghẹn ngào thốt lên rằng "Xã hội không bao giờ được phép quên tầm mức quan trọng của văn hóa, giáo dục bởi đó là keo sơn để những con người cùng chung sống với nhau một cách hài hòa".

Với nhạc sĩ Trung Quốc Chu Tiểu Mai, phép màu đem đến là chỉ với những nốt nhạc thanh cao, không cần hy sinh xương máu. Nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach đã thực sự tiến hành một cuộc Cách mạng Văn hóa dài hơi hơn 250 sau ngày mất, cách xa Leipzig vạn dặm, nơi Johann Sebastian Bach yên nghỉ.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 29/09/2017

Published in Văn hóa
Trang 2 đến 2