Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 24 août 2020 21:45

Vu Lan, mùa nhớ…

Mỗi khi đến mùa Vu Lan báo hiếu, hình tượng người cha/người mẹ xuất hiện nhiều hơn trong các bài viết, trong các dòng cảm xúc ; những bài nhạc về cái tình cảm thiêng liêng ấy như được vang lên nhiều hơn trong khoảng thời gian này.

Tổng hợp hình ảnh Lễ Vu Lan báo hiếu đầy cảm động

Tham dự một số lễ Vu Lan ở những năm trước, thật sự tôi cảm thấy có một sự gì đó vô cùng trang trọng ngay trong thời khắc ấy. Tôi nhớ, có một năm, đi Tịnh xá trung tâm ngay đúng vào lễ Vu Lan, được một bạn thuộc gia đình Phật tử cài lên ngực áo mình một bông hoa màu đỏ. Xin được mượn lời một bài viết của thầy Nhất Hạnh để có thể diễn tả cảm xúc này : "Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa".

Rồi một năm đi qua, tháng bảy lại đến, mọi người lại chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan. Với tôi, năm nay thật khác biệt so với năm ngoái. Một cảm giác hụt hẫng, một cảm giác trống vắng : tôi mất ông nội.

Có lẽ, trong cuộc đời của mình, tôi sẽ mãi mãi không quên được cái ngày chủ nhật hôm đó. Nhìn ông của tôi khó thở, máy xông với thuốc cũng không hiệu quả, nhìn ông lịm dần trong tay của mình. Và đến khi nhận được tin báo từ bác sỹ ở bệnh viện Nhân dân Gia Định, ông đã qua đời, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước (lúc còn ở bệnh viện quận Bình Thạnh) song với tôi, khi ấy, thật sự không biết mình nên làm gì ? Không lẽ, tôi mất ông rồi sao ?

Đêm hôm đó, một mình thức canh ông để sáng mai nhập quan, những hình ảnh của ký ức như vọng về.

Quên sao được hình ảnh lúc còn bé, học dốt, bị má la, ông nội can thiệp. Quên sao được những bài tập Mỹ thuật cho về nhà, tôi thì vẽ xấu hoắc, nhờ ông nội vẽ giùm để lên nộp cô. Quên sao được những lúc Nội dạy tôi học tiếng Anh năm lớp 6 ? Quên sao được mỗi khi ông nội đi chơi với phường về, mua quà cho tôi ? Quên sao được hình ảnh ông nội chở tôi trên chiếc xe đạp đi chơi vòng vòng gần nhà ?

Tôi lại càng không thể quên được hình ảnh ông nội bận áo vest, lì xì cho tôi một phong bao nhân ngày tôi lấy vợ… Tất cả tựa như chỉ vừa mới đây thôi. Tôi cảm thấy gần lắm, nhưng mỗi lần muốn với tay tới thì nó lại như dạt ra xa.

Tôi vẫn còn nhớ, cái ngày đưa tiễn ông ra lò thiêu, tôi cũng muốn khóc lắm chứ. Nhưng khi giọt nước mắt chuẩn bị chảy ra từ mắt thì tôi lại nhớ đến lời của một người nhà từng nói với tôi trong đám tang của bà cố : "Nếu con khóc, người thân mất rồi sẽ quyến luyến, khi Phật đến đón họ đi, họ sẽ không đi. Lúc đó, ma quỷ sẽ đến đón họ". Bất giác, tôi lại cố gắng kìm xuống.

Không biết rằng, nếu như ngực trái tôi cài bông hoa đỏ tượng trưng cho cha mẹ đủ đầy ; ngực phải tôi cài bông hoa trắng, như để nhắc nhớ về ông, bà của mình. Liệu có được chăng ?

Dẫu biết "sinh lão bệnh tử" là lẽ của tự nhiên, chẳng ai có thể trường sanh bất tử ? Nhưng được mấy ai yêu thương người thân mình thật lòng, khi họ mất đi, mà không khỏi xót xa, đau đớn ?

Có người từng nói với tôi rằng, họ cũng mất đi một người thân, thời gian những năm đầu, thật sự đau, nhớ nhiều lắm. Nhưng họ không biết có phải thời gian thật sự vô tình, dần dần những năm về sau, họ quên mất đi một nửa khuôn mặt người thân đã mất. Họ sợ liệu rằng, sau này, họ sẽ quên hết ? Họ không muốn điều đó.

Rồi đây, tôi cũng sẽ giống trường hợp nói trên ? Nhưng dẫu thế này đi chăng nữa, tôi vẫn tin một điều rằng, người thân mình chỉ đang chơi một trò chơi trốn tìm với mình mà thôi, họ vẫn ở đó, phù hộ và dõi theo bước chân của từng thành viên trong gia đình. Bởi lẽ, ông nội thường hay xuất hiện trong những giấc mơ của tôi, trong mơ ông luôn mỉm cười với tôi, còn tôi thì chỉ biết khóc.

Có lẽ chỉ khi nào mình cố tình lãng quên họ, lúc đó họ mới thật sự là không còn nữa.

Năm nay, Vu Lan lại về…

Minh Trí

Nguồn : VNTB, 24/08/2020

Published in Văn hóa