Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Câu chuyện ít người biết đến

Tại Pháp, khoảng 6% dân nhập cư là đến từ các nước Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt… Mặc dù có những điểm gần gũi về mặt văn hóa, phong tục hay tín ngưỡng, dân nhập cư từ mỗi nước lại có một trang sử riêng, hành trình nhập cư đến Pháp cũng khác biệt, từ giai đoạn thuộc địa đến thời Chiến tranh Lạnh.

linhtho1

Trang phục của lính thợ Đông Dương được trưng bày tại triển lãm "Nhập cư từ Đông Á và Đông Nam Á từ năm 1860" ( 10/10/2023 đến 18/02/2024) tại Bảo tàng lịch sử nhập cư quốc gia Pháp, Paris, 11/10/2023. © Musée national de l'histoire de l'immigration/ChiPhuong

Qua triển lãm "Nhập cư từ Đông Á và Đông Nam Á từ năm 1860", Bảo tàng lịch sử nhập cư quốc gia Pháp đã vẽ lại chặng đường lịch sử 150 năm về những người di cư từ khu vực này đến Pháp, vốn ít được biết đến. 

Triển lãm từ ngày 10/10/2023 đến ngày 18/02/2024 không chỉ nói về những chặng đường chung, đại diện cho hàng triệu người từ hàng thập kỉ qua, mà còn tập trung vào chặng đường của những cá nhân riêng biệt, những đồ vật, ấn phẩm cũng như lời chứng, như sợi chỉ đỏ dẫn dắt người xem đi ngược về quá khứ. Nhân dịp này, RFI tiếng Việt đã phỏng vấn bà Emilie Gandon, giám tuyển của triển lãm tại Bảo tàng lịch sử nhập cư quốc gia Pháp (Musée national de l'histoire de l'immigration). 

RFI : Qua những bức ảnh tư liệu từ cuối những năm 1860, cho đến những vật dụng cá nhân của gia đình Lý Cường đã đến nhập cư tại Pháp ra sao, hay bức tranh của vua Hàm Nghi. Bảo tàng đã mất bao lâu để chuẩn bị một triển lãm như vậy ?

Emilie Gandon : Hai năm vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều để tìm ra các tác phẩm, tài liệu, hay những vật dụng có thể giúp chúng tôi kể lại câu chuyện này. Một số tư liệu, vật dụng là chúng tôi mượn từ những bảo tàng khác ở Pháp. Chúng tôi cũng đã đăng tin kêu gọi mọi người tham gia đóng góp cho triển lãm, mời những cá nhân, hiệp hội, đề xuất cho chúng tôi những đồ vật, các bức ảnh gia đình, hay những lời chứng, để câu chuyện được kể từ những người đã từng trải. Như vậy, chúng tôi có thể kể lại câu chuyện dài này theo dòng lịch sử, qua những câu chuyện nhỏ, những chặng đường đặc biệt của những cá nhân hay các gia đình. Đó là những người thực sự là hiện thân cho câu chuyện lịch sử mang tính phổ quát

RFI : Tại sao lại chọn mốc thời gian 1860 ? Trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm thông tin để chuẩn bị triển lãm, bảo tàng có gặp khó khăn nào hay không ?

Triển lãm giới thiệu lịch sử nhập cư từ Đông Á và Đông Nam Á vào Pháp từ năm 1860. Đó cũng là thời điểm kết thúc Chiến tranh Nha Phiến (guerre de l’opium), đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ giữa Pháp và Châu Á, cũng như sự mở cửa của Trung Quốc và Nhật Bản với Phương Tây và sự khởi đầu của chế độ thuộc địa của Pháp ở Nam Kỳ, miền nam Việt Nam.

Chúng tôi chọn khu vực này làm phạm vi địa lý vì nhiều lý do. Đầu tiên là vì các dòng di cư đã tồn tại lâu đời giữa các quốc gia Châu Á này. Sau đó là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Á và Đông Nam Á trong thời gian dài, về mặt lịch sử cũng như văn minh. Cuối cùng là sự phân biệt chủng tộc mà những người đến từ khu vực này đã phải trải qua khi sinh sống trong xã hội Pháp. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải, cũng như trong các triển lãm khác, đó là chọn đồ vật hay câu chuyện nào phù hợp nhất để giới thiệu với công chúng. Làm sao để có thể có được sự đồng cảm từ người tham quan, khiến họ có thể thấy mình trong câu chuyện đó, cũng như là để tiếng nói của những người liên quan trực tiếp đến câu chuyện này được phổ biến rộng rãi. 

linhtho2

Tập tư liệu lưu trữ thông tin của những người nhập cư vào Pháp từ Đông Nam Á, được trưng bày tại Musée national de l'histoire de l'immigration, 11/10/2023, Paris, Pháp. © Musée national de l'histoire de l'immigration/ChiPhuong

RFI : Triển lãm cũng dành một góc không nhỏ cho những người lính thợ từ Đông Dương, đến Pháp lao động, hoặc chiến đấu trong các cuộc chiến tranh thế giới, từ đồng phục cho đến những vật dụng lao động, những bức thư tay, thẻ định danh, hay những thước phim tư liệu mà các lính thợ làm việc tại các nhà máy than. Thế nhưng, trong lịch sử Pháp, số phận của những người lính thợ này lại ít người biết đến ?

Emilie Gandon : Đúng là trong triển lãm, chúng tôi muốn làm nổi bật câu chuyện của những người lính Lê Dương, lính thợ Đông Dương đến từ Việt Nam, Lào, Cam Bốt, cách mà họ bị trưng dụng, đa số là bị cưỡng bức tham gia vào Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Họ thường được giao cho những nhiệm vụ ở hậu phương, làm việc trong các nhà máy sản xuất thuốc súng, hay xưởng sản xuất máy bay.

Đúng là dù đã có nhiều triển lãm hay nghiên cứu để làm sáng tỏ, nhưng những câu chuyện này vẫn không được nhiều người biết đến tại Pháp. Những năm gần đây, chúng tôi đã đề cập đến nhiều hơn, chúng tôi cố gắng sửa chữa những điều bị lãng quên về sự tham gia của những lao động thời thuộc địa, lực lượng hỗ trợ chiến tranh. Ví dụ như câu chuyện về những lính Senegal, gần đây đã được chuyển thể thành phim và dần được nhiều người biết đến. Thế nhưng, ngày nay, câu chuyện của các lính thợ đến từ thuộc địa của Pháp ở Châu Á và Đông Dương thì vẫn nằm trong bóng tối. Do vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để câu chuyện này được biết đến, phổ biến nhiều hơn.

RFI : Triển lãm cũng dành một gian lớn về giai đoạn nhập cư với những đoạn video của những nhân chứng kể về quá trình nhập cư vào Pháp của người tị nạn từ Việt Nam Lào Cam Bốt dưới thời chiến tranh Lạnh ?

Emilie Gandon : Những người tị nạn từ Đông Nam Á đến các nước phương Tây chủ yếu là từ những năm 70 đến giữa những năm 1990. Tại triển lãm, chúng tôi giới thiệu tới công chúng một phong trào di cư lớn, rất quan trọng. Phủ Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tích rằng từ 1975 đến 1995 có khoảng 3 triệu người tị nạn rời khỏi Việt Nam, Lào, Cam Bốt. Hơn 1 triệu người xin tị nạn tại các nước phương Tây, trong đó, Pháp tiếp đón khoảng 130.000 người. Pháp là quốc gia tiếp đón lớn thứ hai những người tị nạn này, sau Hoa Kỳ. Vào những năm 1970, số phận của những người tị nạn từ khu vực này được truyền thông cũng như giới trí thức truyền tải rộng rãi. Nhiều hình ảnh về những thuyền nhân được đăng khắp các báo, có những thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển.. Những hình ảnh đó đã gây phẫn nộ, thu hút sự chú ý của cộng đồng các nước phương Tây. Thời điểm đó, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực của cả thế giới để hỗ trợ những người tị nạn này, từ Phủ Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho đến nỗ lực của các nước và tương trợ của các tổ chức để tiếp đón họ.

RFI : Tại sao gian cuối của triển lãm lại đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc mà cộng đồng nhập cư từ khu vực này gặp phải ở Pháp ?

Emilie Gandon : Đúng là vấn đề phân biệt chủng tộc, định kiến đối với cộng đồng người Châu Á tại Pháp là một chủ đề trọng tâm trong triển lãm. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng, những người gốc Châu Á, dù là đến từ Việt Nam, Trung Quốc, hay Lào, Cam Bốt, đều phải chịu đựng những định kiến mang tính khuôn mẫu. Đó là một vấn đề lớn mà chúng tôi muốn nêu ra tại triển lãm. Những định kiến rập khuôn đó luôn luôn tồn tại, cách mà chúng xuất hiện trong quá khứ và xuất hiện trở lại thường xuyên. Chúng tôi lấy ví dụ về "péril jaune" – hiểm họa da vàng, xuất hiện từ thế kỉ 19 và cụm từ mang tính kỳ thị người da vàng này xuất hiện trở lại tại Pháp trong thời gian đại dịch Covid-19 do virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc. Tại triển lãm, chúng tôi cũng muốn chỉ ra các cuộc huy động ngày nay chống những hành động kỳ thị sắc tộc ra sao. Đó là sợi chỉ thời gian từ những năm 1980 đến nay. Chúng tôi nêu ra các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Pháp, cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hiện diện của cộng đồng người Châu Á tại Pháp. 

Chi Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 18/10/2023

Published in Diễn đàn

Cách đây 83 năm, con tầu Yang Tsé rời cảng Hải Phòng ngày 12/10/1939 với 1.396 thanh niên Đông Dương bị ép sang Mẫu quốc (Patrie Mère), gia nhập lực lượng gồm 20.000 lính thợ thuộc địa đầu tiên làm việc trong các nhà máy thuốc súng để chống phát xít Đức. Trong Thế Chiến II, khoảng 1.000 lính thợ Đông Dương được điều đến thành phố Saint-Chamas, miền nam Pháp, nhiều người phải ở lại đến năm 1952. Công lao của họ được thành phố Saint-Chamas và Miramas tổ chức trong buổi lễ ngày 16/10/2022.

linh01

Ông Jacques Lemaire, người đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn kí ức những người lính thợ Đông Dương làm việc trong nhà máy thuốc súng Saint-Chamas (La Poudrerie nationale de Saint-Chamas) trong Thế Chiến II. Lễ tưởng niệm ngày 16/10/2022, Saint-Chamas, miền nam Pháp. Ảnh cắt từ video do bà Brigitte Sabattini cung cấp © RFI / Brigitte Sabattini

Thời tiết hôm Chủ Nhật  rất đẹp, nắng ấm khiến ông Jacques Lemaire, một người lưu truyền lịch sử thành phố, trong đó có giai đoạn những người lính thợ Đông Dương sống và làm việc, hài lòng. Từ nhiều ngày qua, ông đã chuẩn bị sự kiện quan trọng, gửi giấy mời, chuẩn bị triển lãm ở Thư viện thành phố. Chính ông là người đề xuất với thị trưởng Saint-Chamas gắn bia ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II lên bảo tàng nhỏ trong Công viên Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas (La Poudrerie nationale de Saint-Chamas) vào năm 2011.

Hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ Mẫu quốc 

Thị trưởng hai thành phố Saint-Chamas và Miramas, chủ trì sự kiện đón khoảng 150 khách mời để tưởng nhớ công lao những người lính thợ Đông Dương bị ép sang giúp đất nước vẫn tự nhận là "Mẫu quốc", theo phát biểu của thị trưởng Saint-Chamas :

"Ngày nay, chúng ta chỉ có thể lên án và phẫn nộ về cách đối xử mà người mẹ này dành cho họ. Một người mẹ không dành tình mẫu tử cho những người con vẫn bị gọi là "người bản địa". Những đứa con đó được lựa chọn trong số những thanh niên khỏe mạnh nhất ở những ngôi làng Đông Dương. Đó là điều kiện cần thiết, như Pierre Daum từng viết, để chống chọi được hành trình bất tận, trong những điều kiện tồi tàn, đến tận thành phố Marseille, nơi khi vừa mới cập bến, họ đã bị đưa đến những khu nhà tạm bợ, như trung tâm Carnot, cách đây không xa. 

Phần lớn cuộc sống của họ diễn ra giữa khu nhà trọ và nhà máy thuốc súng. Một nhà máy mà họ chỉ rời đi sau chuỗi ngày đằng đẵng mệt mỏi để hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm nhất mà chính những huynh đệ bản xứ của họ cố tình thoái thác. Khó có thể hình dung ra được, nhưng họ vẫn có thể tìm được sức mạnh và can đảm đến gặp gỡ người dân địa phương"

linh02

Đội 15 lao đông Đông Dương đang làm nông nghiệp tại thị xã Lattes (tỉnh Hérault)

Trong số 150 khách mời, rất nhiều người là con cháu của những người lính thợ ở lại vì không thể trở về quê hương. Nhiều người sau này mới biết được phần nào những gian truân, vất vả, những kì thị, ngược đãi mà cha ông của họ phải hứng chịu trong thời gian dài. Đó là trường hơp của bà Myriam Le Huu, con gái của ông Lê Hữu Thọ, người đầu tiên đi tìm lại công bằng cho những người lính thợ Đông Dương. Phát biểu tại buổi lễ, bà Myriam Le Huu, hiện là chủ tịch Hội MOI (Main d'oeuvre indochinois) - Kí ức những người lính thợ Đông Dương - nhắc lại :

"Lệnh trưng dụng bắt buộc mỗi gia đình Việt Nam, chủ yếu là ở nông thôn, có từ ba con trai trên 18 tuổi, phải cấp ít nhất là một người cho nước Pháp để hỗ trợ chiến tranh bằng cách làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất súng đạn.

Tổng cộng có 14 con tầu chở khoảng 20.000 người Việt Nam từ các cảng ở Việt Nam đến Marseille. Sau hành trình dài 5 tuần, bị dồn trong các khoang chứa hàng được vội bố trí lại, những người đàn ông này khám phá trung tâm tiếp nhận họ được lập trong nhà tù Baumettes mới xây. Từ đó, họ được chia về 24 tỉnh của Pháp. Họ bị dồn vào những khu nhà trọ gần nơi làm việc với tư cách là thợ không có chuyên môn (ouvrier non spécialisé, ONS) và phải theo nhịp độ rất nặng trong khi trợ cấp lại ít ỏi.

Bị nhốt trong trại, sống trong những dãy nhà cấp bốn, thiếu ăn thiếu mặc, chịu giá lạnh, thời tiết xấu, bệnh tật và nhất là cô đơn sống xa gia đình và quê hương, phải chịu chế độ như bán tự do, kỷ luật nhà binh dù họ không phải là quân nhân, bị đối xử bất công từ phía quản lý, nhiều người trong số họ cảm thấy tuyệt vọng vô cùng. Khoảng 1.000 người qua đời vì bị ngược đãi.

Sau khi Pháp thất bại năm 1940, đa số những người lính thợ này sống ở vùng tự do và họ bị điều đi làm nông, lâm nghiệp hoặc trên các ruộng muối ở miền nam hay những cánh đồng lúa ở vùng Camargue. Từ năm 1942 đến 1944, họ bị đưa trở lại các nhà máy vũ khí và làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho quân xâm lược phát xít Đức.

Khi thế chiến kết thúc, cuộc chiến giành độc lập bắt đầu ở Đông Dương căng thẳng đến mức tất cả tầu thủy lẽ ra phải chở lính thợ Đông Dương hồi hương đều ưu tiên chở lính Pháp và thiết bị quân sự sang Đông Dương. Sau khi đã bị vắt kiệt sức, những người lính thợ Đông Dương bị bỏ mặc, không được hưởng bất kỳ quy chế nào từ Nhà nước Pháp. Khoảng 16.000 người đã không về được nhà và sau hơn 10 năm, thậm chí là 13 năm sống chờ đợi, khoảng 2.000 đến 3.000 người đã ở lại Pháp, lập gia đình, sinh con mà chúng tôi là hậu duệ.

Câu chuyện về những người lính thợ bị cưỡng ép sang Pháp bị chôn vùi trong thời gian dài vì những người cha của chúng tôi ít khi nhắc lại chuyện cũ"

linh03

Ảnh chụp ông Lê Hữu Thọ cùng vợ Madeleine và hai con Annick và Myriam tại thành phố Grenoble năm 1940

Chôn vùi thương đau để bắt đầu cuộc sống mới 

Chuyện cũ của những người ông, người cha đó, là những đau thương và đấu tranh mà có lẽ họ không muốn con cháu cùng chịu đựng. Cũng có lẽ vì thế mà phải chờ đến hơn 70 năm sau, năm 2014, công sức của họ, kể cả sự thật về kỹ thuật trồng lúa nước ở vùng Camargue, mới dần được nhắc đến, nhờ công của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu (Brigitte Sabattini, Liêm-Khê Lugern…), nhà báo (Pierre Daum) và nhất là chính thế hệ con cháu của họ (Myriam Le Hữu, anh em họ Trịnh). Ngay cả thị trưởng Miramas cũng chỉ biết đến số phận bi thương của những người lính thợ Đông Dương sau một lần trao đổi với ông Jacques Lemaire. Ông phát biểu trong buổi lễ :

"Những người đã trải qua đau thương nặng nề đều khó kể lại cho thế hệ trẻ chuyện đã xảy ra. Họ bảo vệ thế hệ trẻ. Nhưng tiếc là khi làm như vậy, câu chuyện của họ bị chìm trong lãng quên. Tôi mừng vì Miramas và Saint-Chamas phối hợp tổ chức sự kiện này từ nhiều năm nay vì buổi lễ nhắc lại trang sử này với tất cả người dân trong vùng. 

Điều quan trọng đối với tôi, đó là nước Cộng hòa đầy mạnh mẽ. Khi nước Cộng hòa thừa nhận những thời khắc u tối, một số người lại nghĩ điều đó làm suy yếu nền Cộng hòa chúng ta. Trái lại, khi nói về những đau thương, sai lầm, thì lại càng thúc đẩy chúng ta để không bao giờ xảy ra chuyện tương tự, đồng thời cũng để tưởng nhớ những người đã giúp giải phóng nước Pháp. Họ như bị giam lỏng, nhưng họ đã giúp giải phóng đất nước chúng ta. Đó chính là sức mạnh của lịch sử.

Điều làm tôi vô cùng xúc động là chuyện diễn ra ngay sát chúng ta, xung quanh chúng ta, ngay cả những người bên cạnh tôi mà trước đó tôi không biết họ là con cháu lính thợ Đông Dương".

linh04

Ảnh chụp những người lính thợ Đông Dương chuẩn bị lên đường đến Marseille làm việc hồi đầu năm 1940

Chung tay bảo tồn ký ức lịch sử 

Ngày 16/10/2011, tấm bia tưởng niệm 1.000 lính thợ Đông Dương làm việc trong Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas được gắn trên bảo tàng nhỏ trong công viên mang tên nhà máy trước đây. Thời điểm đó có 8 người lính thợ đến dự. Năm 2022, chỉ còn lại một nhân chứng, đã 103 tuổi, không thể đến dự buổi lễ.

Ký ức về những người lính thợ cần được bảo tồn, và được thị trưởng Saint-Chamas ví với việc không để bức ảnh người lính thợ được trưng bày tại sự kiện bị "ố vàng" và nhất là không để hình ảnh đó "bị phai mờ", phải "bảo tồn nơi tưởng niệm Nhà máy thuốc súng với những tòa nhà vẫn còn vẳng tiếng nói, tiếng kêu của những người đã góp phần để nước Pháp trở thành một đất nước tự do". 

Đối với ông Jacques Lemaire, người vẫn miệt mài đi tìm và lưu lại ký ức của lính thợ Đông Dương, chính sự thờ ơ của nhiều người mới là điều đáng sợ, trong khi các nhân chứng lịch sử lần lượt ra đi :

"Tiếc là một phần dân chúng không hề cảm thấy quan tâm khi nói rằng thời đó đã qua và những người Đông Dương đã về nhà họ. Nhưng thực ra không đúng, vì có nhiều người đã tìm được tình yêu, sau đó lập gia đình ở đây và có nhiều con cháu.

Tôi chọn ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm để tổ chức tưởng niệm ở Nhà máy thuốc súng là vì con tầu đầu tiên, tầu Yang Tsé, xuất phát từ Hải Phòng ngày 12/10/1939 chở những người sau này làm lính thợ đến Pháp. Lý do chọn ngày Chủ Nhật là để mọi người có thể đến dự. Lễ tưởng niệm thường diễn ra vào Chủ Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm".

Nhiều công trình, bia ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II đã được dựng ở một số thành phố miền nam Pháp, như Sorgues, Salin-de-Giraud, Bergerac, Montpellier nhưng theo thị trưởng Miramas, điều quan trọng là phải luôn ôn lại lịch sử và chống quên lãng để chuẩn bị tương lai cho những thế hệ sau. 

Một số hiệp hội hoặc đơn thuần chỉ là một nhóm những nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục công việc bảo tồn ký ức của những thanh niên bị đẩy sang bảo vệ Mẫu quốc, qua những công trình nghiên cứu, luận văn tiến sĩ, sách báo, phim ảnh, truyện tranh, triển lãm… 

Cuối cùng, bà Myriam Le Huu, chủ tịch Hội MOI được anh em nhà Trịnh thành lập năm 2011, hy vọng "một ngày những người lính thợ Đông Dương này sẽ được vinh danh trên quê hương của họ. Đó là công việc mà anh em họ Trịnh đang theo đuổi. Lịch sử vẫn tiến bước". 

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 19/10/2022

Published in Văn hóa
lundi, 10 mai 2021 16:03

"Lính thợ Đông Dương"

"Lính thợ Đông Dương" : Những người lính thầm lặng tại Pháp trong Thế chiến II

Liêm Khê Lugern, Thu Hằng, RFI, 10/05/2021

Chiến tranh Thế giới II, khiến vài chục triệu người chết, chính thức chấm dứt vào 23 giờ 01 ngày 08/05/1945. Pháp, thuộc phe đồng minh, đã huy động hàng chục nghìn người từ các thuộc địa để phục vụ cuộc chiến chống phát xít Đức, trong đó có khoảng 20.000 lao động từ Đông Dương.

linhtho1

Một lính thợ Đông Dương làm việc trong một nhà máy ở Décines (gần Lyon), Pháp, trong Thế chiến II. Ảnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (CAOM), ở Aix-en-Provence, Pháp.  © ANOM / Fonds de la Direction des travailleurs indochinois (DTI)

Họ được tuyển dụng như thế nào ? Nhiệm vụ được giao là gì ? Cuộc sống của họ tại Pháp ra sao ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà sử học Liêm Khê Luguern, tác giả luận án tiến sĩ năm 2014 về "Les Travailleurs Indochinois". Etude socio-historique d’une immigration coloniale (1939-1954) (*) và được nhà xuất bản Les Indes Savantes phát hành vào tháng 06/2021.

*****

RFI :Theo một bài viết của bà trên tạp chí Mouvement social 2007/2-3, chính sách tuyển người lao động Đông Dương sang Pháp năm 1939 được dựa trên một hệ thống lập pháp và hành chính được hiệu chỉnh trong thời gian giữa hai Thế chiến. Dường như điểm này khác với việc tình nguyện đăng lính được áp dụng tại Đông Dương trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tại sao lại có sự thay đổi này ?

Liêm Khê Luguern : Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đánh dấu lần đầu tiên diễn ra kiểu tuyển dụng ồ ạt nhân lực từ các thuộc địa đến Châu Âu, không chỉ liên quan đến mỗi người Việt mà ở toàn bộ đế chế thuộc địa Pháp, dưới sức ép từ giới công nghiệp và Nhà nước. Trong Thế chiến I có khoảng 90.000 lính thợ và lính tập Đông Dương đã đến Pháp : khoảng 40.000 lính tập và 50.000 lính thợ.

Năm 1939, chính phủ Pháp tính đưa khoảng 300.000 lao động thuộc địa tham gia thế chiến, trong đó khoảng 100.000 người đến từ Đông Dương. Nhưng con số này không bao giờ đạt được vì tháng 06/1940, nước Pháp bị bại trận, nên đã chấm dứt việc tuyển quân. Vào thời điểm đó, chỉ có 20.000 lao động Đông Dương đã đến Pháp trên tổng số dự kiến 100.000 người.

Trong trường hợp cả hai Thế chiến, không thể nói đến chuyện tình nguyện. Chúng ta thấy việc tuyển quân được tiến hành ở cùng khu vực địa lý, chủ yếu là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đó là những vùng đồng bằng đông dân và chịu nạn đói. Đó cũng là hai xứ bảo hộ, không do Pháp trực tiếp cai trị mà do chính quyền bản địa theo lệnh từ Mẫu Quốc, nên việc tuyển quân do quan lại địa phương đảm nhiệm. Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên tránh được việc này. Giới chủ thuộc địa muốn giữ nguồn nhân lực cho các đồn điền.

Có thể nói những trường hợp đến Pháp là quá trình di dân có tổ chức. Trong Thế chiến II, 90% nhân công được tuyển từ những vùng nông thôn nghèo ở Đông Dương.

RFI :Làm thế nào chính quyền địa phương đạt được số lượng đề ra ? Những người được tuyển là ai ?

Liêm Khê Luguern : Quy định do chính quyền địa phương, chịu tránh nhiệm tuyển dụng, ấn định. Mỗi gia đình phải cung cấp một người con trai từ 20 tuổi trở lên. Vì thế, họ có lực lượng trù bị rất lớn nhờ quy định này. Khó khăn duy nhất là làm thế nào để chuyển những người này từ một lục địa sang lục địa khác và làm thế nào quản lý họ.

Khác với thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, trong Thế chiến II có ít người Pháp ở Đông Dương hơn nên việc quản lý buộc phải giao cho người bản xứ, cụ thể là cho phiên dịch viên và giám thị. Những người có học thức, có chứng chỉ, thậm chí là bằng tú tài, biết nói tiếng Pháp, lập tức được chỉ định làm phiên dịch và giám thị. Thời đó cứ một giám thị chịu trách nhiệm khoảng 25 người. Bản thân những người này cũng được ghi là "lính thợ", vì thế, tôi luôn để trong ngoặc kép "Lính thợ Đông Dương" bởi vì không phải tất cả là lính thợ.

Trong số những người đến Pháp, có thể nói một phần là di dân tự nguyện, một phần là do ép buộc. Rất khó so sánh hai diện này. Vấn đề được ở chỗ là có thể coi đó là những người tình nguyện được không khi họ cũng tìm cách thoát nghèo. Cũng vào những năm 1939-1940, nhiều người có bằng cấp, xuất thân từ gia đình khá giả, cũng đăng lính kèm theo kế hoạch riêng. Thực vậy, đối với họ, đi Tây đồng nghĩa với "đổi đời" và hy vọng thăng tiến xã hội mà họ có thể không đạt được ở Đông Dương. Về phần những người nghèo, được cho là bị ép đăng lính, thì họ không có phản đối, họ chỉ đơn thuần đi tìm đường sống.

linhtho2

Nhà sử học Liêm Khê Luguern, tác giả cuốn Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale. Ảnh do tác giả cung cấp.  © RFI / Tieng Viet / Liem Khe Luguern

RFI :Những người này ở lại Pháp từ năm 1939 đến 1952 vào đợt hồi hương cuối cùng. Họ được giao làm những nghiệm vụ gì, có khác với công việc giao cho lính Đông Dương thời Thế chiến I không ? Công lao của họ có được chính phủ Pháp công nhận đúng đắn không ?

Liêm Khê Luguern : Trong Thế chiến I, như tôi nói ở trên, một nửa số người Đông Dương được tuyển là lính thợ, nửa còn lại là lính tập. Còn trong Thế chiến II, chủ yếu họ được tuyển làm lính thợ hơn là ra trận. Chính sách này là kết quả tổng kết từ thời Thế chiến I, xếp loại hình nhân lực theo bản chất tự nhiên hoặc chủng tộc, như người Đông Dương có khả năng làm những công việc thủ công, tỉ mỉ… Những nhận xét đó phản ánh thực tế xã hội-kinh tế bởi vì Đông Dương là xứ công nghiệp hóa nhất trong các thuộc địa Pháp, hơn cả Bắc Phi và Châu Phi hạ Sahara.

Giống như trong Thế chiến I, ban đầu lính thợ Đông Dương làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, chủ yếu là trong những nhà máy sản xuất thuốc súng. Tuy nhiên, thất bại vào tháng 06/1940 đã buộc Pháp xem xét lại chính sách bởi vì các nhà máy phải chuyển về miền nam, dưới chính quyền Vichy. Lính thợ Đông Dương được thuyên chuyển làm những công việc khác, chủ yếu trong nông nghiệp vì Pháp thiếu nhân lực. Tính đến mùa hè năm 1942, một phần ba trong số họ làm trong ngành lâm nghiệp hay khai thác than, 15% làm trong các cánh đồng muối hoặc trong ngành nông nghiệp.

Từ tháng 11/1942 khi quân phát xít Đức tràn xuống miền nam Pháp, phần lớn lính thợ Đông Dương phải trở lại nhà máy, làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho quân phát xít Đức, trong đó có các nhà máy thuốc súng như ở Toulouse.

Sau đó, phần lớn trong số họ bị kẹt lại Pháp do các tuyến đường hàng hải bị cắt đứt vì chiến tranh. Năm 1941, chỉ có khoảng 5.000 người về được Đông Dương, 15.000 người bị kẹt lại Pháp. Chuyến hồi hương chính thức cuối cùng diễn ra vào năm 1952, trong đó có nhiều lính thợ tự tìm cách hồi hương.

linhtho3

Trong Thế chiến I, ban đầu lính thợ Đông Dương làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, chủ yếu là trong những nhà máy sản xuất thuốc súng.

Dựa theo nhiều nguồn tài liệu, có khoảng 1.000 đến 3.000 lính thợ Đông Dương ở lại Pháp - những người sau này kể lại, cung cấp bằng chứng về đời sống của những người lính Đông Dương ở Pháp trong Thế chiến II. Ban đầu, họ làm việc cho Nhà nước, rồi nhanh chóng chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân. Họ không được nhận lương trực tiếp mà lương được chuyển vào Sở Nhân công Bản địa và Thuộc địa - MOI (Main d’œuvre indigène et coloniale) - cơ quan này phụ trách về vật chất, nơi ở, quần áo và lương thực. Sau đó, MOI trả tiền thưởng lao động và trợ cấp hàng ngày, tùy theo cấp bậc, cho người lao động thuộc địa.

Thực ra, ngay khi được tuyển từ Đông Dương, những người này đã có hợp đồng lao động và trên nguyên tắc được nhận một khoản tiền thưởng. Chúng tôi biết là khoản tiền này đã được trả cho một số người người nhưng không chắc là tất cả trong số họ đều lĩnh được số tiền này. Đây là vấn đề vẫn đang được nghiên cứu, dù phải nói rằng hầu hết lính thợ trong thời kỳ đó đã qua đời.

Sự bất công thực sự nằm ở chỗ những người hồi hương, đôi khi là bị ép, chịu thiệt thòi hơn so với những người ở lại Pháp. Vì những người ở lại, nhờ vào sự vận động của Ủy ban Hỗ trợ Lính tập và Lính thợ, số năm họ đăng lính cũng được tính để hưởng trợ cấp hay nghỉ hưu. Trong khi đó, yêu cầu tính thâm niên của những người hồi hương chưa bao giờ được đáp ứng, kể cả dưới thời tổng thống François Mitterrand.

RFI :Như bà nói ở trên, có khoảng 1.000 đến 3.000 lính Đông Dương định cư tại Pháp sau năm 1952. Việc này được thực hiện như thế nào ? Họ hội nhập vào xã hội Pháp ra sao ?

Liêm Khê Luguern : Về điểm này, tôi không thích từ "hội nhập" cho lắm. Họ hội nhập như thế nào ư ? Tôi thì lại muốn lật ngược lại vấn đề : Những người ở lại là những người đã hội nhập với xã hội Pháp, nếu không thì họ đã không ở lại. Trong khoảng 1.000 người ở lại, phần lớn là cựu giám thị và phiên dịch. Đó là những người ra đi cùng với kế hoạch riêng, trong đó có việc ở lại Pháp.

Như tôi đã nói, 1.000 người là con số chính thức nhưng thực tế thì nhiều hơn. Họ được hưởng chế độ "dỡ bỏ trưng tập", có từ năm 1945. Con số chính thức nêu 500 trường hợp được hưởng chế độ này vào năm 1947 và 1.500 vào năm 1950. Thời điểm này cũng gần với lúc bùng nổ chiến tranh Đông Dương. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ cân nhắc ở lại Pháp vì trở về trong bối cảnh chiến tranh sẽ có rất nhiều bất trắc.

Để được hưởng "dỡ bỏ trưng tập", họ phải chứng minh có việc làm và nơi ở. Có nhiều người trong số họ, dù không đông lắm, được đào tạo nghề vào cuối Thế chiến II, nên thường tìm được việc làm và định cư ở Pháp. Nhiều người khác, chủ yếu là giám thị và phiên dịch, như tôi nói ở trên, thì thực hiện kế hoạch ấp ủ từ trước khi sang Pháp, thế nên họ bỏ Sở Nhân công Bản địa và Thuộc địa - MOI ngay từ năm 1943. Một số khác thì lập gia đình ở Pháp. Hôn nhân là một yếu tố quan trọng cho việc ổn định tại Pháp. Nếu như vào thời kỳ Thế chiến I chỉ có khoảng 200 đám cưới Pháp-Việt, đến năm 1947 có khoảng 1.000 cặp như vậy.

RFI :Cuốn sách của bà có tựa : Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration colonialeđược nhà xuất bản Les Indes Savantes phát hành. Chủ đề này có được đề cập đầy đủ tại Pháp như về lính thợ và lính tập đến từ Châu Phi không ?

Liêm Khê Luguern : Cuốn sách được xuất bản vào đầu tháng 06/2021 là kết quả của một quá trình nghiên cứu dài, với trọng tâm là những người lính thợ Đông Dương. Có nghĩa là tôi không chỉ chú ý vào quá trình họ sống và làm việc ở Pháp, mà còn nghiên cứu quá trình tuyển dụng họ, môi trường xuất thân để biết được bối cảnh Đông Dương thuộc địa khi họ khởi hành sang Châu Âu.

Lính thợ Đông Dương được đề cập nhiều, thậm chí là rất nhiều trong những năm gần đây. Có lẽ số phận của lính tập Đông Dương ít được nhắc đến khi so sánh với với lính tập đến từ Châu Phi, kể cả qua việc tranh luận về trợ cấp. Vấn đề trợ cấp cho lính thợ Đông Dương chưa bao giờ được đặt ra và được truyền thông đề cập.

Ở đây phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà quản lý, của các đời chính phủ liên quan. Về điểm này, tôi chỉ dám nêu một vài giả thuyết. Thứ nhất, nên tính đến quá khứ lịch sử. Quá trình chấm dứt tình trạng thuộc địa diễn ra tại Châu Phi muộn hơn, vào thập niên 1960, trong khi Pháp rời Đông Dương năm 1954. Quá khứ thuộc địa của Đông Dương trở nên xưa hơn, nên có lẽ bị xếp vào hàng thứ yếu vào lúc nổ ra chiến tranh ở Việt Nam với quân đội Mỹ. Thêm vào đó là bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp cũng khác hơn so với mối quan hệ Pháp duy trì với những thuộc địa cũ ở Châu Phi. Điều này cũng có thể giúp giải đáp một số thắc mắc.

Dù lính thợ Đông Dương được nhắc đến nhiều nhưng lại không được hoàn toàn đưa vào khuôn khổ nghiên cứu quá trình nhập cư thuộc địa. Đây chính là điểm cần lưu ý để có thể nói về họ nhiều hơn và vấn đề lịch sử này cần được đưa vào lĩnh vực nghiên cứu hậu thuộc địa.

RFI tiếng Việt xin chân thành nhà sử học Liêm Khê Luguern.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 10/05/2021

(*) Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale  (Tạm dịch : "Lính thợ Đông Dương" : Nghiên cứu xã hội-lịch sử của quá trình di dân thuộc địa), Nhà xuất bản Les Indes Savantes (Pháp), 06/2021.

linhtho4

Bìa 4 tác phẩm Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale (tạm dịch : "Lính thợ Đông Dương" : Nghiên cứu xã hội-lịch sử của quá trình di dân thuộc địa) của nhà sử học Liêm Khê Luguern, NXB Les Indes Savantes (Pháp), tháng 06/2021.© RFI / Liem Khe Luguern

Published in Văn hóa