Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hình ảnh người dân chen chúc trong các ngôi đền chùa để cúng sao giải hạn ở Việt Nam vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch vừa qua bị mỉa mai là 'chinh phục vũ trụ', 'chinh phục các vì sao xa xôi hơn'.

sao1

Người dân cầu nguyện tại chùa chùa Trấn Quốc, Hà Nội dịp Tết Âm lịch 2024

Một hình ảnh đã xuất hiện nhiều năm, và năm nay lặp lại. Trong các sân chùa, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tập trung, nhiều người đội sớ lên đầu để cúng sao giải hạn.

Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện những bình luận mỉa mai. Một bình luận có nội dung thế này : "Hiện nay các cường quốc trên thế giới đang tranh nhau chinh phục Sao Hỏa, thì từ lâu chúng ta [Việt Nam] đã chinh phục được các vì sao xa hơn như Thái Bạch - Kế Đô - La Hầu - Kim Lâu".

Qua nhiều thế hệ, người Việt tin rằng mỗi một người đều có một vì sao trên trời chiếu mạng, quyết định vận hạn tốt xấu trong năm. Năm nào bị vì sao chiếu mạng thuộc loại xấu thì phải cúng sao để giải hạn xấu.

Việc cúng sao không chỉ diễn ra vào tháng Giêng âm lịch mà còn diễn ra ở các tháng tiếp theo, ngày cúng tùy theo từng loại sao xấu. Người Việt tin rằng khi cúng đủ các lễ thì những điều xấu trong năm sẽ giảm hoặc không còn.

Các loại sao xấu được cho bao gồm La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch.

Ba sao tốt gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức.

Ba sao trung là Vấn Hớn, Thổ Tú, Thủy Diệu.

Người chịu các sao xấu có thể bị bệnh tật, mất sạch tiền bạc... và được cho phải cúng để giải hạn.

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc cúng sao giải hạn là tín ngưỡng hay mê tín, và có hay không chuyện các đền chùa kinh doanh tâm linh.

Tín ngưỡng hay mê tín ?

Từ Nhật Bản, sư thầy Thích Đức Trí, Chùa Hòa Lạc Kobe Nhật Bản, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng, "Cúng sao giải hạn không phải là một hình thức nghi lễ của Phật giáo mà là của Lão giáo".

Sư thầy Thích Đức Trí giải thích về Phật giáo, được hình thành cách đây hơn 2.500 năm tại Ấn Độ, và tinh thần "Tùy duyên bất biến" trong đạo Phật.

"Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, Phật pháp được các vị đệ tử của ngài kế thừa và truyền đi khắp nơi trên thế giới cho đến ngày nay. Trong quá trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó sang các vùng đất, quốc gia khác, Phật giáo có một đặc điểm là 'Tùy duyên bất biến'".

"Tùy duyên là dựa theo phong thổ, tập quán của địa phương mà có những biến đổi, để dung hòa với văn hóa, tôn giáo, tập quán mà nơi Phật giáo truyền tới. Nó được thể hiện rõ ngay cả ở Ấn Độ, khi việc đưa các vị thần thuộc Hindu giáo thành các vị thần bảo hộ của Phật giáo, hay là hiện tượng Tam giáo đồng nguyên ở Trung Quốc (Phật - Lão - Nho) và Việt Nam (Phật - Đạo - Mẫu), hay là Thần Phật Tập hợp ở Nhật Bản. Đó là tinh thần tùy duyên".

"Còn bất biến, tức là dù ở bất kỳ quốc độ nào, Phật giáo đều phải giữ vững tinh thần cốt lõi là hướng dẫn con người tu tập nhằm chấm dứt phiền não và đạt được hạnh phúc, an lạc trong đời sống".

"Xin hãy hiểu rõ tinh thần 'Tùy duyên bất biến' này trước khi bàn đến những vấn đề thuộc về cách thức mà chúng ta thường nhắc đến gần đây như cúng sao giải hạn, cầu an, cầu siêu, khất thực…"

sao0

Thắp nến cầu nguyện ở Miếu Nhị Phủ (chùa Ông Bổn) ở Thành phố Hồ Chí Minh

Sư thầy Thích Đức Trí cho biết cúng sao giải hạn xuất phát từ Lão giáo và là một tín ngưỡng.

"Cúng sao giải hạn mặc dù không phải là một hình thức nghi lễ của Phật giáo mà là của Lão giáo, nhưng do đặc thù về việc cùng tồn tại, ảnh hưởng, tương tác và duy trì lẫn nhau hình thành hiện tượng Tam giáo đồng nguyên ở cả Trung Quốc và Việt Nam, mà nghi lễ cúng sao giải hạn được thực hiện từ xưa đến nay. Xin nhấn mạnh rằng, đó là điều từ xưa đến nay đã có. Nó không thể gọi là mê tín, mà chỉ là tín ngưỡng mà thôi".

"Xin đừng nhìn Phật giáo là một loại tín ngưỡng đơn thuần, hơn thế nữa, Phật giáo là một cách sống, là một con đường lành thiện. Chư vị tổ sư, tiền nhân đã sử dụng phương tiện thiện xảo là nghi lễ để tín đồ đến với chùa, sau đó sử dụng triết lý, giáo lý của đạo Phật để hướng dẫn họ tìm đến với giá trị hạnh phúc, bình an của cuộc đời. Vì vậy, chúng ta không cần phải đặt câu hỏi mang tính nghi ngờ về việc đó có phải là nghi lễ Phật giáo hay không ? Vì vốn từ xưa đến nay cũng đã có vậy. Điều đáng bàn tới gần đây là hình thức tổ chức nghi lễ có phù hợp với đời sống hiện tại không, có thể hiện đúng tinh thần Phật giáo hay không ; sau nghi lễ đó, tín đồ Phật tử có học được điều gì về Phật pháp, về nhân quả hay không mà thôi".

"Điều đó chúng tôi không lạm bàn, mà để dành cho cá nhân mỗi người tự đánh giá và trải nghiệm. Trong Phật pháp và cổ nhân đều có dạy : 'Việc nóng lạnh của cốc nước, chỉ có người uống mới biết mà thôi'. Việc cầu nguyện ở trong các tôn giáo ở đâu cũng có, xin hãy để tín đồ của họ thực hành một cách tự do trên tinh thần thượng tôn pháp luật và giáo luật".

"Chúng tôi, là tu sĩ Phật giáo, cũng không đồng tình với những mê tín dị đoan và thương mại hóa nghi lễ tôn giáo. Vì vậy mong rằng qúy vị khi đánh giá hãy có một cái nhìn công tâm giữa tác dụng và điều còn tồn tại", sư thầy Thích Đức Trí chia sẻ.

sao2

"Xin đừng nhìn Phật giáo là một loại tín ngưỡng đơn thuần, hơn thế nữa, Phật giáo là một cách sống, là một con đường lành thiện", sư thầy Thích Đức Trí nói.

Từ Việt Nam, Tiến sĩ văn hóa Hồ Tường nhận định với BBC News Tiếng Việt trằng việc cúng sao giải hạn là một tín ngưỡng của dân tôc Việt Nam, chịu ảnh hưởng từ đạo Giáo (đạo Lão) Trung Quốc và tín ngưỡng 'đa thần' và không đồng ý khi gọi đây là mê tín.

"Dân tộc Việt Nam theo tín ngưỡng đa thần nên việc cúng sao giải hạn bắt nguồn từ niềm tin đa thần này, và có ảnh hưởng phần nào của đạo Giáo Trung Quốc nhưng Việt Nam không áp dụng nguyên bản. Niềm tin này truyền từ đời này sang đời khác. Theo tôi, truyền thống này bắt nguồn từ đạo Giáo, do Trương Đạo Lăng sáng lập", ông đánh giá.

Có kinh doanh tâm linh ?

Trên nhiều trang báo trong nước ở Việt Nam, dễ dàng thấy những bài viết về cách cúng sao giải hạn, cụ thể về văn khấn, cách cúng, mâm cúng như thế nào... Các chùa ở Việt Nam có dịch vụ cúng sao giải hạn, với giá cả từ "tủy hỉ" đến niêm yết công khai.

Về việc các chùa có dịch vụ cúng sao giải hạn cho các tín đồ, Tiến sĩ Hồ Tường cho rằng : "Việc các chùa giúp cúng sao giải hạn thì cũng là giúp đỡ, giải quyết niềm tin của người dân, nhưng không nên quá lạm dụng điều đó, để trở thành chuyện kinh doanh. Tôi thì không tin vào việc giải vong, gọi hồn".

"Về một số chùa thu phí để cúng sao giải hạn, tu sĩ Phật giáo chân chính thì họ không chấp nhận, vì không có trong giáo lý, những điều mà các vị sư trao truyền, rao giảng cho tín đồ. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam xưa nay, các vị sư biết coi ngày tốt xấu, biết coi tuổi, nếu họ không làm thì những người trong dân gian hiểu biết ngày càng ít đi, hoặc có một số người đã qua đời", Tiến sĩ Hồ Tường nói thêm.

sao3

"Cúng vàng mã, cúng sao giải hạn giờ như thành xu hướng, rầm rộ, cộng thêm sự 'đứt gãy văn hóa' do không hiểu hết ý nghĩa nên có phần tạo nên sự lố bịch, từ đó xảy ra chuyện một số đình chùa lợi dụng cúng vong giải hạn", nhà báo Cù Mai Công bình luận.

Mới đây nhất, Tiến sĩ văn học Đoàn Hương đã làm dư luận ở Việt Nam 'dậy sóng' với phát ngôn trong một video của VTC Now. Video này hiện không còn thấy trên kênh YouTube của cơ quan này.

Video có nhan đề : Tiến sĩ Đoàn Hương : Một số nhà sư "làm tiền", sống xa hoa khiến "đi tu" trở thành một nghề.

Báo Giác Ngộ, cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/2 dẫn ý kiến của Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phản bác mạnh mẽ ý kiến của nữ tiến sĩ : "Là tín đồ Phật giáo, tôi cho rằng lối nói thiếu thuyết phục và nhận định mơ hồ của bà là sự báng bổ giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam".

Trong một ý kiến khác, nhà báo Cù Mai Công, nguyên thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, nói với BBC News Tiếng Việt việc các chùa có dịch vụ cúng sao giải hạn là 'sự đứt gãy văn hóa'.

"Cúng vàng mã, cúng sao giải hạn là chuyện không xảy ra ở quê hương Đức Phật. Đạo Phật là một triết lý, Đức Phật không dạy người ta cầu xin mình. Hiện tượng này bắt đầu từ Trung Quốc, tràn sang Việt Nam, là chuyện của đạo Lão. Hiện vẫn còn di sản của đạo Lão ở Việt Nam. Cách đây gần 100 năm, năm 1934, đã có bài viết việc Việt Nam phản đối đốt vàng mã, nhưng không rầm rộ như hiện nay. Trước đây ở Sài Gòn có đốt vàng mã nhưng không rầm rộ như ngày nay. Giờ đây, cúng vàng mã, cúng sao giải hạn như thành xu hướng, rầm rộ, cộng thêm sự 'đứt gãy văn hóa', do không hiểu hết ý nghĩa nên có phần tạo nên sự lố bịch, từ đó xảy ra chuyện một số đình chùa lợi dụng cúng vong giải hạn".

"Theo tôi quan sát thì đình chùa ở miền Nam thì có đông đúc nhưng chen chúc, hỗn loạn thì đã xảy ra ở miền Bắc", ông cho biết thêm.

sao4

"Nghi lễ cúng sao giải hạn không thể gọi là mê tín, mà chỉ là tín ngưỡng mà thôi. Xin đừng nhìn Phật giáo là một loại tín ngưỡng đơn thuần, hơn thế nữa, Phật giáo là một cách sống, là một con đường lành thiện", sư thầy Thích Đức Trí nhận định

Trước câu hỏi của BBC về việc Nhật Bản có cúng sao xấu, sao tốt để giải hạn hay không, sư thầy Thích Đức Trí cho biết Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 và phát triển mạnh mẽ nơi đây.

"Nhiều chư vị tổ sư của Phật giáo Nhật Bản đã sang du học tại Trung Quốc vào thời Đường và mang những nét đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc về Nhật Bản. Hiện tại, Phật giáo Nhật Bản được chia làm 13 tông phái lớn và mỗi tông phái sẽ có các hình thức nghi lễ khác nhau".

sao5

Một bức tượng Phật tại chùa Phật Quang, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

"Tuy nhiên, về việc cầu an và cầu siêu thì tông phái nào cũng có. Nói về lễ 'cúng sao giải hạn' thì các chùa của Nhật Bản vẫn tổ chức vào ngày Đông Chí hoặc Lập Xuân. Tiêu biểu như lễ 星供祈祷会 (Tinh Cung K Nim Hi - Hoshiku Kitoe) kéo dài mt tun bt đầu t ngày 節分 (ngày cui cùng ca mùa đông, đánh du bt đầu ca mùa xuân), được t chc ti chùa Narita (Tokyo, Nht Bn). Hay là 星まつり (Tinh Tế- Hoshi Matsuri) t chc vào tháng 2 dương lch ti chùa Sanzen-in (Tam Thiên Vin, Kyoto, Nht Bn). Nhng l hi này đều được tổ chức vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân nhằm cầu nguyện cho quốc gia được thái bình, xã tắc an ổn và các mối nguy hiểm, tật bệnh của con người được tiêu trừ", sư thầy Thích Đức Trí chia sẻ.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của BBC News tiếng Việt thì Làng Mai Thái Lan đã không cúng sao giải hạn và thay thế bằng kinh phước đức, thay bói quẻ bằng bói Kiều.

"Không nên sử dụng bùa phép, xem tướng, bói quẻ, chủ trương đốt vàng mã và tiền giấy, không cúng giải trừ sao hạn, thực tập đồng bóng, trừ tà yếm quỷ. Không nên biến sự thực tập hộ niệm thành nghề cúng bái, đưa ra giá cả cho những đám tang hoặc những buổi cầu siêu" là nội dung trong một bài viết về 'Các thiên uy nghi' của Làng Mai.

Nguồn : BBC, 27/02/2024

Published in Văn hóa

Theo tập tục truyền thống, tháng giêng có nhiều lễ hội cầu cúng trong đó cúng dâng sao giải hạn là phổ biến nhất. Xã hội càng phát triển, dịch vụ cúng dâng sao giải hạn mang tính thương mại càng tràn lan. Nhiều chùa đã tích cực làm "phật sự" này hấp dẫn phật tử đến gây ùn tắc giao thông. Một số chức sắc giáo hội Phật giáo mạnh mẽ khẳng định, đây không phải là truyền thống phật giáo, văn bản của giáo hội trung ương chỉ chung chung là tránh các nghi lễ mê tín dị đoan, nội dung không đúng truyền thống Phật giáo, nhưng chính các ngôi chùa do chức sắc cao cấp của Trung ương Giáo hội quốc doanh lại đi đầu và nổi tiếng "linh thiêng" dâng sao giải hạn. Dâng sao giải hạn, oan gia trái chủ là mê tín hay chánh tín ?

giaihan0

Ngày rằm tháng Giêng làm lễ cúng giải hạn sẽ hóa giải được mọi vận đen trong một năm, để mỗi gia đình sẽ được bình an, may mắn và phát tài.

Cũng giống như Trung ương đảng, cận tết mỗi năm đều có văn bản cấm cán bộ đảng viên cho nhận quà biếu, hàng năm trung ương phật giáo quốc doanh cũng có văn bản kêu gọi nhắc nhở các tăng ni, chùa về lễ nghi cúng kiến. Ngày 10/1/2023, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương ấn ký Công văn số 40/HĐTS-VP1, gởi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố ; Tăng Ni các chùa, cơ sở tự viện. Công Văn lưu ý rằng "Khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an, phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Đồng thời, trong công tác tổ chức phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc" (1).

Nội dung công văn giống như nghị quyết của bác cả Trọng kêu gọi tiết kiệm chống lãng phí cả về tính đúng đắn lẫn tính chung chung mở cửa cho cấp dưới tùy nghi thực hiện. Điển hình là lệ cúng dâng sao giải hạn đình đám đang thu hút, vét túi tiền hàng triệu người là mê tín hay chánh tín, có phù hợp truyền thống phật giáo hay không ? Báo Tuổi Trẻ cũng như nhiều tờ báo khác đã phản ánh như sau :

"Mấy năm trước việc thu tiền lễ cầu an ở nhiều ngôi chùa khiến dư luận bức xúc bởi tính thương mại của nghi lễ nơi cửa chùa, đồng thời cách gọi tên lễ dâng sao giải hạn mà nhiều chùa sử dụng cũng khiến nhiều người nghi hoặc về tính chính pháp của những nghi lễ này. Nhiều nhà nghiên cứu và chính các đại diện của Giáo hội phải lên tiếng khẳng định Phật giáo không có dâng sao giải hạn" (2).

Về quan điểm cá nhân, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh kiêm trụ trì chùa Giác Ngộ (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Phật giáo không tán đồng nhận thức dâng sao giải hạn. Nguồn gốc phương pháp này là từ Nho giáo của Trung Quốc mà bị ngộ nhận là của Phật giáo.

Phật giáo cho rằng không có hạn vận, tốt xấu hên xui may rủi như các loại bói toán đưa ra. Theo quan niệm nhà Phật, trong tất cả các nguyên nhân của khổ đau, bế tắc phần lớn của hiện tại có liên hệ quá khứ, quan trọng là tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Còn việc tin vào sao hạn làm cho người ta bị lệ thuộc tâm lý, sợ hãi lo âu sầu muộn, thậm chí có thể bị lừa đảo tiền mất tật mang (3).

Thế nhưng bản thân Thích Nhật Từ cũng dính dáng vào nhưng vụ cầu cúng quái đản mà chắc chắn là không đúng theo truyền thống Phật giáo như tổ chức tăng chúng và phật tử chùa giác ngộ cúng cầu nguyện cho Bộ Y Tế cấp phép cho vacxin chống covid Nanocovax. May mắn là lời cầu này chưa đáp ứng nếu không thì hậu quả về nhân mạng và pháp lý của người Việt còn lớn gấp ngàn lần Test kit Việt Á.

Không chỉ cầu cúng trong chùa, Nhật Từ còn làm truyền thông quảng bá qua mạng xã hội. Trong bài viết trên Facebook cá nhân, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhân danh "tiếng nói của hàng triệu người Việt Nam" để "nguyện cầu mười phương Phật gia hộ cho những nỗ lực của tập đoàn Nanogen sớm được thành tựu mỹ mãn" (4).

Như vậy, có thể Thượng tọa Nhật Từ có nhiều nguồn thu rủng rẻng khác, không cần ăn quẩn cối xay mấy món tiền vặt cúng dâng sao giải hạn nên chọc gậy bánh xe. Thử tìm hiểu thêm những nguồn cứ liệu khác thể hiện giáo lý phật giáo về dâng sao giải hạn ra sao.

Trên trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đạt Ma Phổ Giác đã giải thích khá rỏ là tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên nền tảng của nhân quả, nói cho đủ là nhân duyên quả.

Nhân là nguyên nhân, là hạt giống, quả là kết quả do gieo nhân mà được và nhờ duyên thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật... cho nên một đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Chính vì vậy, khi một người gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã gieo, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Nếu muốn hóa giải nghiệp xấu ác, thì chúng ta phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, làm nhiều việc thiện ích.

Tập tục cúng sao giải hạn là đi ngược lại lời Phật dạy trong các kinh điển, …Chính đức Phật cũng từng khẳng định : "Ta không có khả năng ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai, ta chỉ là người thầy dẫn đường, còn làm được việc tốt hay xấu là do tất cả mọi người".

Kiến giải này cho thấy rõ việc nhà chùa tổ chức cúng dâng sao giải hạn chỉ nhằm thu tiền và nuôi dưỡng sự mê tín, tham sân của phật tử (5).

Đối nghịch với quan điểm Nhật Từ, Thích Đạt Ma Phổ Giác, một chức sắc khác cấp hàm cao hơn mấy bậc là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phúc Khánh ở tại thủ đô ngàn năm văn vật lại là ông trùm của những ông trùm trong lĩnh vực tổ chức cúng dâng sao giải hạn trong nhiều thập niên. Chùa Phúc Khánh được tiếng là giải hạn rất thiêng nên thu hút tín đồ đến cúng dâng sao đông đảo đến mức tràn ra ngoài đường gây mất trật tự giao thông.

Năm 2019, Chùa Phúc Khánh nổi tiếng trên báo chí về thành tích ra giá biểu công khai trong từng sới cúng "Sau khi dâng sao giải hạn với giá 150 nghìn đồng/lượt, nếu ai muốn "cầu an" cho gia đình thì lại phải chi thêm 150 nghìn đồng nữa. Chùa Phúc Khánh có biểu giá rất rõ ràng cho việc này" (5b).

Tiếp nhận góp ý của báo chí và sau thông tin về văn bản chấn chỉnh hoạt động cầu an đầu xuân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm dẹp bỏ mê tín dị đoan, "bảo vệ chính pháp"năm 2020, chùa Phúc Khánh có hứa hẹn sẽ cải tổ là "hình ảnh quen thuộc với người dân thủ đô và cả nước những năm qua là cảnh hàng ngàn người tràn xuống đường đoạn trước cổng chùa Phúc Khánh ở ngã tư Sở để đứng ngồi ngổn ngang dự lễ cầu an có thể sẽ biến mất trong ‘mùa’ cầu an sắp tới. Nhà chùa cũng "hứa" không niêm yết giá tiền làm lễ mà ‘tùy tâm’.

Sự cải tổ này có nghĩa là vẫn cúng dâng sao giải hạn nhưng không công khai bảng giá ! ! ! và không gây mất trật tự giao thông (6).

Quả nhiên, chùa Phúc Khánh vẫn tì tì hốt bạc dịch vụ dâng sao giải hạn hàng năm và mặc cho Thông Tư 40 của giáo hội nhắc nhở, tối 2/2 (tức 12 tháng Giêng) tại Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã diễn ra đại lễ cầu an đầu năm Quý Mão 2023. Hàng trăm người dân ngồi chật kín khuôn viên chùa Phúc Khánh chờ sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm. (7)

Tuy chưa được nghe cao kiến của Thượng tọa Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng học viện phật giáo Việt Nam, nhưng qua thực tế chùa Phúc Khánh liên tục tổ chức dâng sao giải hạn bất chấp các khuyến cáo thì có thể hiểu rằng trong giáo hội quốc doanh, giáo lý của phật không có giá trị với chức sắc cấp cao.

Với Thượng tọa Thích Thanh Quyết thì sự tùy tiện hành xử theo quyền lực cá nhân và sức mạnh đồng tiền càng thể hiện rõ hơn qua mối quan hệ qua lại với sư thầy tai tiếng oan gia trái chủ Thích Thái Trúc Minh. Xử lý vụ việc này, Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đề xuất hòa thượng chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trong thời gian chờ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định cách chức theo đúng quy trình. Giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh theo Luật Phật (8).

Không rõ Thượng tọa Thanh Quyết đã giáo giới thế nào mà chỉ một thời gian ngắn sau đó Trúc Minh lại tạo một scandal mới tổ chức khất thực thu tiền tươi cúng dường trong lễ Vu Lan tại chùa Ba Vàng. Thượng tọa Thích Đạo Hiển Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết : "Theo Phật giáo nguyên thủy tại một số nước như Lào, Campuchia việc phật tử dâng vật phẩm, phong bì là bình thường. Tuy nhiên, phật giáo Bắc Tông trước giờ không có việc đó !

Việc khất thực và không ăn chay chỉ là một biểu hiện, một thành tố của nền tảng giáo lý hệ phái Nam Tông hay Nguyên Thủy, nó hoàn toàn khác với thủ thuật lùa gà phật tử vô chùa để vét túi thu tiền. Ấy thế mà vì không được thu tiền tươi của phật tử, chùa Ba Vàng đã xin chuyển hệ phái từ Bắc tông sang Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông.

Sự chuyển hệ tâm linh này thật là một trò cười. Thế nhưng, trò nào thầy nấy. Thượng tọa Thích Thanh Quyết khẳng định ông luôn đánh giá cao công lao của đại đức Thích Trúc Thái Minh với Phật giáo Quảng Ninh, và cho rằng ‘chẳng qua ông có cách làm chúng ta chưa biết thôi. Ông vẫn đang đi rất đúng đắn’.

Thực chất ra thầy Thích Trúc Thái Minh vẫn đang đi rất đúng đạo, chẳng qua ông có cách làm chúng ta chưa hiểu biết hết thôi. Ông vẫn đang đi rất đúng đắn chứ không có gì. Oan gia trái chủ nhiều khi chúng ta không thường quen nhưng trong kinh Phật có nói đến", Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định (9).

Viết đến đây chợt nhớ đến một câu Kiều "Một ngày lạ thói sai nha. Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". Thiên tài của Nguyễn Du không chỉ nhìn thấy sự đốn bại của xã hội phong kiến xứ Tàu hàng trăm năm trước mà còn nhìn ra thực tế của phật giáo quốc doanh thời nhà Sản !

Mới nhất, trong một cuộc ăn chia lại số tiền cúng dường, qua hình thức phật tử và các chùa cấp dưới đóng góp công đức cho Học Viện Phật giáo của Viện trưởng Thích Thanh Quyết, chùa Ba Vàng đã dâng nộp ngon ơ một tỉ đồng trong tổng số 10 tỉ đồng. Một phật tử bí mật nào đó của chùa Phúc Khang đã cúng đến 5 tỉ đồng (10).

Nhận tài trợ từ số tiền cúng dâng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ, học viện Phật giáo quốc doanh sẽ dạy cho học viên các chiêu trò nào ? Theo thuyết nhân quả của nhà Phật thì cái nghiệp của cúng sao giải hạn này sẽ trùng trùng ! Xin thắp ngọn đèn cầy cúng giải hạn cho giáo hội quốc doanh. Nghiệp quá lớn, hạn quá nặng cầu cho giáo hội sớm siêu thoát ra khỏi chu kỳ thành trụ hoại diệt.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 17/02/2023

1-https://phatgiao.org.vn/cong-van-v-v-to-chuc-nghi-le-cau-an-trong-dip-tet-co-truyen-xuan-quy-mao--2023-d71360.html

2-https://tuoitre.vn/giao-hoi-yeu-cau-le-cau-an-khong-dong-nguoi-khong-van...

3-https://thanhnien.vn/phat-giao-khong-co-dang-sao-giai-han-ram-thang-gien...

4-https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58613736

5-https://phatgiao.org.vn/cung-sao-giai-han-co-phai-la-me-tin-d26399.html

5b-https://laodong.vn/xa-hoi/chua-phuc-khanh-giai-han-xong-muon-cau-an-lai-...

6-https://tuoitre.vn/chua-phuc-khanh-cai-to-dang-sao-giai-han-tien-bac-tuy...

7-https://tienphong.vn/nguoi-dan-ngoi-chat-kin-chua-phuc-khanh-de-dang-sao...

8-https://nld.com.vn/thoi-su/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-dang-hop-ve-chua-...

9-https://thanhnien.vn/chua-ba-vang-xin-chuyen-he-phai-nhung-chua-duoc-chap-thuan-1851541968.htm

10-https://tuoitre.vn/hoc-vien-phat-giao-viet-nam-nhan-10-ti-tien-cong-duc-...

Published in Diễn đàn
jeudi, 02 février 2023 23:08

Cúng sao giải hạn là mê tín ?

"Việc cúng dâng sao giải hạn "chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ"- Thượng tọa Thích Nhật Từ (chùa Giác Ngộ).

meytin1

Tối 29/1 (mùng 8 tháng Giêng) chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) giải hạn sao La Hầu, ngay từ 16g nhiều người đến ghi sổ và xí chỗ trước

Thượng tọa Thích Nhật Từ khá nặng lời quy kết : "Nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật".

Cung kính thần linh là sai trái ?

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài.

Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.

"Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.

Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc nhân văn, nhân đạo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.

Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi", Thượng tọa Thích Nhật Từ diễn giải trong nhiều Pháp thoại trên kênh Đạo Phật Ngày Nay do ông là chủ.

Tín ngưỡng dân gian

Cá nhân người viết cho rằng những phê phán, đả kích như trích dẫn ở trên của vị thượng tọa chủ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM), là hành vi mang dấu hiệu vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì "Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng".

Như vậy việc "cúng sao giải hạn dịp đầu năm", nói như nhìn nhận của Thượng tọa Thích Nhật Từ, "là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão", điều đó cho thấy theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, những lễ nghi tín ngưỡng này được luật pháp bảo hộ.

Việc phê phán, đả kích nhân danh Phật giáo của Thượng tọa Thích Nhật Từ, nếu suy diễn rộng ra, có thể đứng trước cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau :

"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm :

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội ;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội ;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".

Tam giáo đồng nguyên : tôn giáo nội sinh Trung Hoa ?

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, xưa nay, tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh vào tuổi từng người tốt, xấu. Trong đó có 9 sao : Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch chiếu mệnh.

Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo được dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa. Tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh.

Và từ cách hiểu trên, căn cứ vào Điều 24 của Hiến pháp 2013 : "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật", cho thấy việc lên án, đả kích tập tục "cúng sao giải hạn đầu năm", nếu không giữ được sự tiết chế, sẽ bước sang lằn ranh của vi phạm pháp luật.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 02/02/2023

Published in Văn hóa