Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cà phê cuối tuần bên bờ sông Châu Đốc : vì sao chính quyền ‘không ưa’ Hòa Hảo ?

Đoạn ngã ba sông Châu Đốc có công viên với tượng cặp cá Ba Sa, nên người dân quen gọi đây là công viên cá Ba Sa thay cho cái tên 30 tháng Tư. 

chaudoc0

Quán cà phê bên bờ sông Châu Đốc - Ảnh minh họa 

Cà phê cuối tuần với bè bạn ở công viên cá Ba Sa nhân dịp có chuyến công tác bên xứ lụa Tân Châu, sau câu chuyện thời sự thảm buồn về những người con sinh ra và lớn lên trong môi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lại vẫn chấp nhận chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm một quê hương mới, và trên con đường đó họ đã bỏ xác xứ người ; người viết đã liên tưởng và nêu một thắc mắc mà người Châu Đốc nói rằng, ‘hỏi vậy dễ bị công an gửi thư mời’, đó là vì sao chính quyền có vẻ ‘thù ghét’ một số tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, và những tín đồ này vẫn kiên trì không chấp nhận sự thỏa hiệp, bất chấp mọi đe dọa bị đập phá chén cơm, manh áo ?

Xin lược ghi về buổi hội luận ‘bỏ túi’ chủ đề được coi là nhạy cảm đó.

----------------

Lơ lửng chiếc mũ… phản động (!?)

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’. Sau tháng tư năm 1975, chính quyền đến từ Hà Nội buộc các tôn giáo chỉ được hoạt động khi có quyết định bằng văn bản hành chính do nhà nước cấp.

chaudoc2

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’.

Mãi đến năm 1999, một số nhà lãnh đạo của Phật giáo Hòa Hảo thuận theo yêu cầu của chính quyền, với các giới hạn trong nghi thức cử hành tôn giáo, bày trí thờ phượng ở đạo tràng ; đặc biệt là phải biết luôn tuân thủ theo đường lối của đảng cộng sản đặt ra. Vậy là ra đời một nhóm nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo gọi là Ban Trị sự Trung ương, đặt trụ sở làm việc tại An Hòa Tự, nơi được coi là Thánh tích của Phật giáo Hòa Hảo.

Nhiều lãnh đạo các tôn giáo ở miền Nam, trong đó có Hòa Hảo không đồng ý việc đảng cộng sản can thiệp vào nội bộ hoạt động tôn giáo. Vậy là nhiều người bị tù đày. Đạo Hòa Hảo bị chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm/ tổ chức với các tên gọi như Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, Phật giáo Hòa Hảo độc lập, Phật giáo Hòa Hảo chân truyền…

Những tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo chân truyền có một nơi tạm coi như ‘ngôi nhà chung’, đó là Quang Minh tự, ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khách hành hương lần đầu tìm đến đây, chỉ cần hỏi thăm ‘chùa có ông thầy mổ bụng phản đối cộng sản đàn áp Hòa Hảo’ thì sẽ được chỉ dẫn tận tình ; hoặc có thể bị ‘xét giấy tờ’, thậm chí cả việc 'áp giải rời khỏi' An Giang nếu hỏi nhằm người của chính quyền.

Họ đều là người tốt !

Ông Tư Em, một tín đồ Hòa Hảo nói rằng sự khác biệt dễ thấy nhứt giữa Hòa Hảo ‘quốc doanh’ với các nhóm Hòa Hảo khác, có lẽ là ở chuyện về cúng lễ. 

"Tín đồ Hòa Hảo quốc doanh không được phép cử hành lễ 25 tháng Hai (âm lịch) kỷ niệm ngày Đức Thầy thọ nạn tại Đốc Vàng. Hai lễ 18 tháng 5 là lễ Đức Thầy Khai sáng nền Đạo Phật giáo Hòa Hảo, và lễ 25 tháng 11 là lễ Đản Sanh Đức Thầy, thì các tín đồ Hòa Hảo không nằm trong tổ chức quốc doanh, nếu cùng tụ tập tại đạo tràng để tiến hành lễ thì luôn bị chính quyền gây khó dễ.

Điểm chung ở các hoạt động của tín đồ Hòa Hảo là luôn biết làm những công việc từ thiện, như bốc thuốc Nam miễn phí, đặc biệt có nhiều tín đồ bỏ tiền túi ra mua xe hơi để chở các bệnh nhân hoàn toàn miễn phí". Ông Tư Em kể.

Nhà báo Phan Thị Tuyết Hạnh đến từ Phú Tân, dè dặt góp chuyện rằng trước 1975, Phật giáo Hòa Hảo cũng bị phân hóa, có lúc tới 3 ban trị sự trung ương cùng hoạt động cho đến tháng tư năm 1975. 

"Dù phân hóa, Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục phát triển vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, trong đó một sự kiện lớn là việc thành lập Viện Đại học Hòa Hảo năm 1972 ở Long Xuyên. 

Tính đến thời điểm tháng tư, 1975 các nhóm Hòa Hảo điều hành tổng cộng sáu trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện. Tất cả những cơ sở này sau đó đều bị chính quyền đến từ Hà Nội chiếm giữ, quốc hữu hóa". Nhà báo Tuyết Hạnh kể.

Theo bà Hạnh, nếu như chính thể Việt Nam Cộng hòa thời chiến tranh đã chấp nhận 3 ban trị sự trung ương đó của cùng Phật giáo Hòa Hảo, thì vào thời bình, chính quyền sao lại ngăn cản về quyền tự do chọn lựa tham gia vào các tổ chức khác nhau trong cùng một tôn giáo ?. 

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan, người đến từ Sài Gòn nói rằng bà là Phật tử, bà nhận thấy có lẽ chính quyền ‘không ưa’ một số nhóm Phật giáo Hòa Hảo ở chỗ là thay vì chỉ ‘tu nhân’ với ‘tứ trọng ân’ là ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào ; thì người theo đạo Hòa Hảo ‘quốc doanh’, cần phải biết đến ‘ân thứ năm’, đó là ‘ơn đảng’. 

"Không chấp nhận ‘ơn đảng’ thì đảng ghét. Vậy thôi !". Bà Nguyễn Thị Lan nhận xét ngắn gọn. [xem thêm *]

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 27/10/2019

Chú thích :

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-vi-sao-viec-lam-moi-chua-hoa-bi.html

Published in Văn hóa

Nếu ai đã từng thong dong xe ngựa ven bờ Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, chầm chập xích lô ở các phố cổ Hội An, Hà Nội, ắt hẳn sẽ không ngại ngùng bước lên xe lôi khi đến Châu Đốc, An Giang, một thành phố giáp ranh với Campuchia. Dạo quanh các con đường, nghe bác xe lôi vui vẻ trò chuyện hoặc đôi khi thấy bác khéo léo để khách có không gian riêng… nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những nụ cười hào sảng của bác phu xe ấy là cả một cuộc đời tất bật kiếm cơm bữa được bữa mất, dãi dầu sương gió nơi vùng biên.

xeloi1

Cuốc xe đêm - RFA

Khi xe lôi là nghề tay phải

Chia sẻ về đời xe lôi của mình, ông Nguyễn Văn Ri, một phu xe ở Châu Đốc cho hay : 

"Xe lôi mua cỡ chừng khoảng 2 triệu ngoài, chạy ngoài một năm mới lấy lại được, bỏ ống ngày 20 ngàn, 30 ngàn vậy đó".

Ông Trần Thanh Xuyên, một phu xe khác chia sẻ :

"Bình quân một ngày cũng kiếm được 50 ngàn, 70 ngàn, tôi chạy xe lôi được ba chục năm, bốn chục năm rồi. Nó thấp hơn lúc trước là tại vì xe bây giờ ra nhiều hơn trước, xe ôm, xe buýt… thành ra số lượng khách có nhu cầu xe lôi bị giảm bớt".

Cũng như nhiều người khác, ông Ri và ông Xuyên xem nghề xe lôi là nghiệp kiếm cơm của mình. Với diện tích nội thị chưa tới 10 km², thành phố Châu Đốc có ngót nghét 1.000 phu xe lôi. Họ là những người đã từng kéo xe lôi một thời rồi lại bôn ba tứ xứ làm thuê, đến khi thấy rằng không còn đủ sức bôn tẩu nữa thì lại trở về quê nhà, bầu bạn cùng nghề cũ để kiếm tiền trang trải trong gia đình. Cũng có không ít người gắn với nghề xe lôi cả mấy mươi năm, từ lúc trai trẻ đến lúc sinh con đẻ cái. Những đồng thu nhập ít ỏi từ xe lôi chính là nguồn chu cấp cho con cái họ ăn học và cũng chính là nguồn sống lúc về già của họ.

Ông Nguyễn Văn Ri chia sẻ thêm :

"Như hồi xưa thì bây giờ chạy cho có hình thức thôi, con người cho khỏe khoắn thôi. Xưa chạy kiếm được trăm ngoài, bây giờ kiếm được có vài chục. Nó chuyên chở cho bạn hàng, lặt vặt vậy đó".

Ông Ri nói đùa rằng, những phu xe kinh nghiệm như ông được nhiều người ‘chọn mặt gửi vàng’ tức là giao hàng cho họ chở, từ những mặt hàng tiêu dùng như rau, cá, củ, trái… cho đến những hàng dễ vỡ như chén bát, sành sứ… và đôi khi là đón con giúp những tiểu thương bận bịu không kịp giờ đón con nhỏ ở trường về.

Nhiều phu xe lôi tâm sự mặc dù ngày đạp xe uể oải, bữa nào được thì về sớm, bữa nào ít khách thì ráng đợi, tìm mối mà đạp đến tối để kiếm thêm đôi ba đồng, nhưng được cái tối về được bà xã xoa bóp dầu cho, được thấy những đứa con nhỏ vui đùa bên nồi cơm có đủ miếng rau, miếng thịt, thế là bao nhiêu uể oải đều qua.

Ông Trần Thanh Xuyên, phu xe lôi ở Châu Đốc chia sẻ thêm : 

"Thu nhập khoảng chừng bảy chục, tám chục ngàn là đủ sống, chi tiêu hằng ngày, ăn uống cũng chừng đó à, nhiều khi xe cộ hư hao phải mượn nợ để sửa chữa phương tiện để có mà chạy. Chạy từ 7 giờ đến gần 10 giờ về nghỉ trưa, trưa thì 1 giờ đến 5 giờ, 6 giờ chiều mới nghỉ, nhiều khi mà ế nữa thì mình chạy tới tối luôn".

Khi xe lôi là nghề tay trái

Khắc hẳn với những bác xe lôi kinh nghiệm suốt đời gắn với xe lôi, nhiều thanh niên ở Châu Đốc chọn xe lôi là nghề tay trái, là nghề để kiếm đôi đồng chi tiêu khi chưa tìm được việc gì khác. Họ thường bỏ ra một số vốn lớn hơn để tậu những chiếc xe lôi đẹp hơn chút nhằm nhắm tới khách đi là khách du lịch thập phương đến Châu Đốc.

Anh Nguyễn Văn Xuyên, một phu xe trẻ ở Châu Đốc chia sẻ :

"Cũng được 100, ngoài 200 (200.000 VND) cũng đủ chi tiêu trong nhà, cũng không dư dả gì đâu. Mình chạy ban đêm, ban ngày mình nghỉ. Cũng có khi chạy ngày nghỉ hai ngày, ba ngày không chừng, đi làm việc khác chứ nghề này chạy bấp bênh, nó đâu có khách gì bao nhiêu đâu".

xeloi2

"Cuốc xe sáng" của một bác xe lôi ở Châu Đốc. Ảnh : RFA

Theo anh Xuyên, với thu nhập đôi khi vài chục, đôi khi vài ba trăm ngàn, anh không thể dựa vào xe lôi để sống mà phải kiếm thêm thu nhập từ nhiều công việc khác. Cũng vì thế mà ban đầu anh và một số phu xe khác đạp xe lôi cả ngày nhưng sau chuyển dần nhiều về ban đêm, lúc khách du lịch đã mệt mỏi với xe cộ theo tour và muốn tự mình tận hưởng chút không khí yên bình của xứ chùa núi Châu Đốc. Mỗi năm có khoảng vài triệu lượt khách đến với xứ Bảy Núi, nhiều nhất là khách du lịch tìm đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Họ là những người thường xuyên sử dụng xe lôi, giúp các phu xe có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Anh Xuyên chia sẻ thêm :

"Lâu lắm rồi, không biết nghề xe lôi ra từ hồi nào, nhưng cứ tính ở thị xã Châu Đốc này cả ngàn chiếc xe lôi, đủ lớp, người chạy, người bỏ giờ lấy ra chạy kiếm cơm hằng ngày thì cũng được…".

Cùng độ tuổi với anh Xuyên, nhiều phu xe trẻ khác ở Châu Đốc chia sẻ rằng họ chọn nghề xe lôi bởi xe lôi như một nét văn hóa của xứ biên giới này. Từ thuở nhỏ theo mẹ đi chợ trên những chuyến xe lôi, thi thoảng vãn cảnh chùa với bà cũng từ những chuyến xe lôi, dần dà khi lớn lên, xe lôi như có gì đó cuốn hút, ăn sâu vào máu của họ, để rồi khi thất cơ lỡ vận, họ chọn nghề xe lôi để kiếm thu nhập trong những ngày khốn khó. Và rồi khi tìm được công việc khác, họ vẫn kiên trì kéo xe vào buổi tối để thỏa cái máu ‘kéo xe’ của mình, cũng là để giữ một chân phòng khi sa cơ lỡ vận.

Cũng vì thế mà họ cảm giác rất biết ơn những khách du lịch đã đến vùng đất của họ, để có thể nhìn thấy những cảnh đẹp ở đây, để có thể cảm nhận không khí ở đây, để có thể cùng chiêm bái những công trình đa sắc tộc, tôn giáo ở xứ này và đương nhiên là để có thể giúp họ có thu nhập trong việc kéo xe lôi.

Tuy nhiên không ít trong số họ cũng thầm nguyền rủa du lịch đã mang không ít những du khách không lịch sự, coi đồng tiền của họ như vua và chà đạp lên sự nhẫn nại cũng như nhân phẩm của người lao động. Một anh phu xe tâm sự là có lần anh đã phải mất công đạp, kéo xe gần 1 giờ đồng hồ quanh các con đường ở chợ Châu Đốc chỉ để hai đôi thanh niên nam nữ ngắm cảnh, chụp hình, lên xe xuống xe trả chát rồi bảo xe cũ ngồi đau xương, yêu cầu đạp nhanh để họ được chụp hình tóc bay trong gió và rồi xuống xe chỉ trả anh một nửa số tiền thỏa thuận bởi "xe không đạt chất lượng"...

Anh xe lôi tự thấy buồn vì cảm giác mình cũng còn là thanh niên, mặc dù trạc ba mươi tuổi nhưng anh chưa có vợ con gì, mà được hai đôi nam nữ kia gọi là chú rồi lại "trác tiền" chú… có lẽ bởi da, tóc anh đã nhuốm màu mưa nắng. Nhưng đó cũng chưa phải là điều anh buồn nhất bởi anh nghĩ rằng sinh ra ở chốn nghèo khó như anh còn có lòng sỉ diện, sự tử tế thì sao những cô cậu con nhà giàu, sinh ra không lo nơi ăn chốn ở, không bận tâm chi phí học hành, được đi đây đi đó nhiều lại có lối hành xử như vậy ?

Anh nói rằng có vẻ như văn hóa chợ búa Trung Hoa đã ngấm trong không ít du khách Việt Nam khi đến vùng đất này, bởi họ cũng bốp chát, cũng ồn ào,… làm cho cái chân anh nhiều khi không muốn đạp. Tuy nhiên anh cũng có điều lấy làm mừng rằng khách Trung Quốc vẫn chưa tìm đến vùng đất này nhiều, điều đó sẽ giữ cho Châu Đốc còn chút bình yên cuối ngày.

Ngày lại ngày trôi, đôi tay cứ lái và đôi chân cứ đạp, tay quẹt mồ hôi lúc chở hàng nặng và miệng cười hồn nhiên khi giới thiệu Châu Đốc cho những du khách ngồi trên xe… những phu xe lôi vẫn miệt mài kiếm cơm nơi góc phố, con đường, khu chợ… mặc cho mưa nắng, mặc cho tuổi tác, mặc cho thu nhập lúc ít lúc nhiều… bởi đâu đó trong tâm hồn họ, lôi xe như một nghiệp dĩ của đời mình.

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 16/08/2018

Published in Văn hóa