Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 13 août 2023 20:56

Thi vị hóa cái ác

Sáng tác văn học đầu tiên của loài người là truyện cổ tích, là ca dao tục ngữ, là sử thi, anh hùng ca.

Sử thi ca ngợi những con người siêu phàm mang sức mạnh thần thánh giúp con người vượt qua những tai hoạ lớn, những biến động dữ dội thuở khai thiên lập địa. Sử thi nâng tư thế con người lên, dạy con người nghĩa khí làm người.

Cái ác Dương T Trọng ch huy đại đội cnh sát dã chiến nã đạn vào nhà nông dân Đoàn Văn Vươn.

caiac1

Ông Dương Tự Trọng dùng loa kêu gọi ông Vươn đầu hàng

Ca dao tục ngữ dạy con người biết yêu thương, đánh thức tâm hồn để con người biết cảm thụ cái đẹp, biết mở rộng tấm lòng yêu thương.

Mọi câu chuyện cổ tích đều dạy con người biết yêu cái thiện, căm ghét và xa lánh cái ác.

Vì vậy từ ngàn xưa đến hôm nay, người già dẫn lớp người trẻ vào đời bằng những câu chuyện sử thi. Người mẹ, người bà kể chuyện cổ tích để dạy con, dạy cháu nên người.

Văn học phát triển theo sự phát triển của xã hội loài người. Xã hội loài người phát triển từ bầy đàn đến cá nhân. Ca dao tục ngữ, sử thi, truyện cổ tích là văn học của thời con người chưa có cá nhân, cá nhân còn lẫn lộn trong bầy đàn. Khi cá nhân đã tách ra khỏi bấy đàn. Thế giới tâm hồn rộng mở của những cá nhân đòi hỏi phải có những thể loại văn học hiện đại : thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bút kí, kí sự...

Văn học cũng phát triển từ lúc mọi thể loại, sử thi, ca dao, truyện cổ tích đều là sáng tác của nhiều người, nhiều thế hệ dân gian nên khuyết danh và lưu truyền phi vật thể trong trí nhớ, trong đời sống dân gian đến tác phẩm in ấn thành sách, thành vật thể của nhà thơ, nhà văn. Nhà thơ, nhà văn xuất hiện từ đó.

Dù hiện đại đến đâu thì văn học đích thực, thì nhà thơ, nhà văn chân chính vẫn là những người mang lí tưởng khởi nguồn của văn học dân gian, của ca dao, của sử thi, của những câu truyện cổ tích đánh thức tâm hồn con người, hướng tâm hồn con người tới những giá trị thẩm mĩ, biết yêu cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, biết căm phẫn, lên án cái xấu, cái ác, cái thấp hèn.

Cuộc sống dù tốt đẹp đến đâu vẫn luôn có cái ác và con người luôn ở ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và thấp hèn. Vì vậy cuộc sống vô cùng cần có nhà thơ, nhà văn đánh thức tâm hồn con người, hướng con người tới cái đẹp, cái thiện, chỉ mặt cái ác, cô lập và loại bỏ dần cái ác ra khỏi cuộc sống, giúp con người đứng vững ở ranh giới khá mong manh giữa cái thiện và cái ác, giữa cao cả và thấp hèn.

Xã hội loài người tồn tại bằng tình yêu và phát triển bằng trí tuệ. Nhưng chủ nghĩa cộng sản của ông Mác lại coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người. Chủ nghĩa cộng sản khẳng định sứ mệnh lịch sử của con người là đấu tranh giai cấp và hạnh phúc làm người là đấu tranh giai cấp.

Học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu của ông Mác được ông Lê-nin gia tăng thêm nồng độ sắt máu đẩy con người vào những cuộc cướp bóc và bắn giết bất tận nhân danh đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp là mảnh đất màu mỡ gieo mầm cái ác, kích thích cái ác, kích thích lòng hận thù giữa con người với con ngươi, kích thích bản năng bạo lực của loài thú lấn át tính người trong con người.

Những cái ác cộng sản mang tên bạo chúa Stalin, bạo chúa Mao Trạch Đông, đồ tể Polpot ở tầm thế giới, ở tầm nhân loại đã đi vào lịch sử thế giới và nhiều người đã biết. Nhưng nhiều người như đã chai lì, đã quá quen không còn nhận ra những cái ác cộng sản cục bộ diễn ra ở khắp nơi và diễn ra hàng ngày.

caiac2

Hiện trường nhà của ông Đoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế, ảnh vào tháng 02/2012

Nhận đồng lương hậu hĩ từ tiền thuế của dân. Vũ khí hiện đại trong tay cũng từ tiền thuế của dân. Công an là lực lượng công bộc của dân được dân chăm bẵm tốt nhất qua nguồn ngân sách lớn nhất dành cho công an.

Vậy mà Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng, giám đốc và phó giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã huy động lực lượng lớn công an dàn thế trận cầm khẩu súng dân trao xả đạn vào gia đình người dân Đoàn Văn Vươn chỉ vì gia đình người dân có tranh chấp đất đai với chính quyền, một tranh chấp dân sự rất bình thường và rất phổ biến đang diễn ra trên khắp đất nước những năm tháng này.

Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng chỉ huy cảnh sát cầm khẩu súng dân trao xối đạn vào dân là một tội ác của một thời cộng sản đã gây nhiều tội ác với dân. Tội ác Ca và Trọng chỉ huy cảnh sát bắn dân còn lớn hơn tội ác. Ca nhận hối lộ 35 tỉ đồng chạy án cho tội phạm, còn lớn hơn tội ác Trọng móc nối với xã hội đen đưa tội phạm Dương Chí Dũng, anh trai Trọng trốn ra nước ngoài.

Nhà thơ, nhà văn chân chính là người mang lí tưởng khởi nguồn của văn học dân gian, của ca dao, của sử thi, của những câu truyện cổ tích đánh thức tâm hồn con người, hướng tâm hồn con người tới cái đẹp, cái cao cả, chỉ ra cái ác, cái thấp hèn để con người giữ mình.

Ác như Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng mà có người được coi là nhà báo viết bài tri âm, tri kỉ với cái ác. Có người tư nhận là nhà thơ mà chụp ảnh bá vai bá cố với cái ác, đánh đu với cái ác, hí hửng bầu bạn với cái ác, tán tụng cái ác, mang ngôn từ mĩ miều làm thơ đánh bóng cho cái ác!

Rượu chè với cái ác. Ngâm ngợi cái ác bằng ngôn từ dịu dàng, óng ả thì có phải là thơ không nhỉ ?

caiac3

Bầu bạn với cái ác - Người bầu bạn với cái ác là đệ tử của Khế mafia, hoan hỉ khoác vai cái ác (Dương Tự Trọng, áo trắng), làm thơ ve vuốt cái ác là Nguyễn Việt Chiến (phải), phóng viên báo Thanh Niên thời mafia Nguyễn Công Khế đứng đầu báo. Chiến đã nghỉ hưu ở Thanh Niên nhưng đang là ủy viên ban chấp hành hội Nhà Văn Hà Nội

Sống không hèn

Dương Tự Trọng nói với tôi như thế

Em sống không hèn

Và dám yêu những người đàn bà

Yêu em hơn chính cả cuộc đời của họ

Vậy là đủ, phải không anh !

Sau tám năm hoạn nạn

Sống không hèn

Giờ Trọng trở về chăm sóc mẹ già

Thi thoảng làm ông lang đi chữa bệnh

Và làm thơ

Ngồi uống rượu với Trọng trong một chiều mưa

Tôi thấy Hải Phòng như một cơn giông lớn đi qua đời anh

Rồi nhoài về phía biển

Để gặp một cơn giông khác dịu dàng và bao dung hơn

Có tên là tình yêu

Đó là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người

Tình gia đình và bè bạn

Rồi mới đến tình yêu lứa đôi

Nếu không có tình yêu

Chúng ta còn có lý do gì

Để sống không hèn

Với thành phố bên bờ biển cả

Tôi bỗng dưng nghĩ đến nhà văn Nguyên Hồng

Nếu cụ còn sống tới hôm nay

Chắc chắn những Đoàn Văn Vươn và Dương Tự Trọng

Sẽ có mặt trong cuốn tiểu thuyết mới của cụ

Với cái tên

Những người sống không hèn.

Phạm Đình Trọng

(13/08/2023)

Published in Quan điểm

Khoảng đầu thập niên 1990, nghĩa là vài năm sau khi Việt Nam tuyên bố mở cửa và chạy theo điều được gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", một số sinh viên học sinh được gởi đi du học tại Phi Luật Tân. Phi Luật Tân được chọn làm địa điểm du học, bởi vì nước này tương đối gần Việt Nam, tại đây Anh ngữ được sử dụng như một sinh ngữ chính, học phí thấp, giá sinh hoạt cũng rẻ. Trong số những sinh viên du học tại Phi, tôi thấy cũng có một số tu sĩ công giáo và trong số tu sĩ công giáo, tôi biết chắc có một nữ tu đã từng là thành viên của cái gọi là "Ủy ban đoàn kết công giáo". Đây là một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản. Nhiều người đọc trại ra thành "Ủy ban đàn két cong giáo".

ac1

Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng trật tự khi lên xe buýt với túi mua sắm ở Manila, Philippines. Ảnh minh họa - The Star, 28/07/2020

Biết tôi hay lên tiếng phê bình chế độ, một hôm vị nữ tu này ngỏ ý mời mọc : "Hãy về Việt Nam thăm thú một lần cho biết. Bây giờ Việt Nam cởi mở và tiến bộ hơn Phi Luật Tân rất nhiều". Vào thời điểm đó và cho đến nay, kinh tế Phi Luật Tân vẫn cứ èo uột, tệ nạn xã hội đầy dẫy. Mặc dù là một nước dân chủ, Phi Luật Tân vẫn bị thế giới bên ngoài xem như một "bệnh nhân của Á Châu" (the sick man of Asia). Dù vậy, tôi vẫn thấy Phi Luật Tân là một nơi dễ sống : đa số người dân Phi lịch sự, lương thiện và tử tế. Thành ra trong câu chuyện trao đổi với vị nữ tu, tôi chỉ hỏi lại : "Thế ở Việt Nam có tự do báo chí như Phi Luật Tân không ? Người Việt Nam có dám lên tiếng phê bình và ngay cả chế diễu các cấp lãnh đạo quốc gia như người Phi không ?". Và câu hỏi mà tôi nghĩ đã khiến cho vị nữ tu "giao liên" này ấm ức đến độ phải câm miệng là : "Ở Việt Nam ngày nay, người dân có biết "lịch sự" xếp hàng khi chuẩn bị lên những phương tiện di chuyển công cộng như người Phi không ?". Hay "Ở Việt Nam, có cảnh trên các phương tiện di chuyển công cộng, hành khách có tự làm công việc trả tiền, thối tiền và giúp nhau chuyển tiền đến tận tay người tài xế mà không sứt mẻ đồng xu nào như người Phi không ?".

Tôi thường đánh giá "sức khỏe" của một đất nước qua những cử chỉ nhỏ như thế. Về kinh tế, Việt Nam có lẽ đã đạt được nhiều bước đáng kể. Tuy nhiên, liệu những giá trị nhân bản và đạo đức vốn tạo nên "sức khỏe" của một quốc gia, có thực sự song hành với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam không ?

Trước năm 1975, trong chương trình triết học, tôi có được học đôi chút về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng phải "thành thực khai báo" là cái mớ lý thuyết ấy chẳng thấm vào đầu tôi bao nhiêu. Phải đợi cho đến khi cộng sản xâm chiếm Miền Nam, áp đặt lên chủ nghĩa cộng sản, tôi mới thực sự hiểu được thế nào là cộng sản. Thật vậy, chủ nghĩa cộng sản mà khi đến Pháp vào đầu thập niên 1982, tôi thường nói với người Pháp rằng tôi đã chạm đến bằng đầu ngón tay của tôi (toucher du doigt), chính là cái Ác đã được định chế hóa. Cộng sản tự bản chất là độc ác và biến cái xã hội mà họ lãnh đạo cũng thành độc ác.

ac2

Trại học tập cải tạo tại Việt Nam sau năm 1975 – Courtesy of Bộ sưu tập Hình Ảnh Lịch Sử Việt Nam và Thế Giới - Google Chrome

Cứ tưởng phát triển kinh tế sẽ làm cho người cộng sản bớt độc ác hơn và bộ mặt của xã hội cũng nhân bản hơn. Nhưng chưa bao giờ tại Việt Nam người ta lên tiếng báo động về sự lên ngôi của cái Ác cho bằng hiện nay. Gần đây, nhiều người chú ý đến lời báo động của ông Lê Kiên Thành, quý tử của đồ tể Lê Duẩn, người đã từng giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Trong một bài viết có tựa đề "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh", ông Thành ghi nhận : "Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu". Người đã từng là thái tử đảng kể lại : "Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi ; đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó...". Ông Thành phê phán : "Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra tên cướp đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất : một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì" (1).

Ông Thành đã có lý để nhấn mạnh đến thái độ dửng dưng của rất nhiều người Việt Nam hiện nay trước cái Ác. Theo nhà báo Tưởng Năng Tiến, "nói một cách tóm tắt, hiểm họa lớn nhất của Việt Nam không phải là chế độ độc tài trong nước hay âm mưu xâm lấn biển đảo của Trung Quốc mà là sự dửng dưng của mọi người. Chính sự dửng dưng đến vô cảm của phần lớn dân chúng là điều đáng lo nhất hiện nay". Dửng dưng trước tình hình đất nước, dửng dưng trước cái Ác, nhưng lại rất hăng say và ngay cả cuồng nhiệt đối với các thứ "sao" như tin tức của báo chí nhà nước ghi nhận : "Fan Việt đội mưa rét vạ vật ở sân bay đón sao Hàn. Đón sao Hàn giữa dịch Corona. Fan vây kín Tân Sơn Nhất để đón nhóm nhạc Hàn giữa đại dịch Corona. Fan bóng đá còn đông đảo và cuồng nhiệt hơn gấp bội. Việt Nam không ngủ, hàng triệu người xuống đường mừng nhà vô địch Sea Games" (2). Để cho đủ danh sách các "sao" được người Việt Nam hiện nay sùng bái, có lẽ tác giả Tưởng Năng Tiến cũng nên ghi thêm "siêu sao" Donald Trump !

Tháng Tư năm nay, khi nghĩ về cái Ác đang bao trùm và nhận chìm xã hội Việt Nam xuống vực thẳm, tôi cũng liên tưởng đến số phận của người dân A Phú Hãn. Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố sẽ rút quân ra khỏi nước này. Viễn ảnh của sự trở lại của chế độ Taliban trên đất nước này là điều xem ra gần như tất yếu. Thế giới đã chứng kiến sự độc ác của chế độ này và một khi trở lại cầm quyền chắc chắn nó cũng sẽ không từ bỏ bộ mặt độc ác của nó.

Tôi nghĩ đến người dân A Phú Hãn bởi vì số phận của họ cũng giống như số phận của người Việt Nam. Mỹ đến rồi Mỹ đi, bỏ mặc cho cái Ác cày xéo cả một dân tộc.

Là công dân của một quốc gia, tôi không đứng bên lề chính trị. Nhưng dĩ nhiên, tôi "làm chính trị" theo cách thế của tôi. Và cách thế của tôi là tôi không sống chết cho một đảng chính trị nào cả. Tôi sống chết cho lẽ phải. Phải thì tôi dồn phiếu cho. Không thì tôi nghỉ chơi. Về nước Mỹ, tôi cũng "ba phải" như thế.

ac3

Trại học tập cải tạo tại Việt Nam sau năm 1975 – Courtesy of Bộ sưu tập Hình Ảnh Lịch Sử Việt Nam và Thế Giới - Google Chrome

Bàn về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, những người Việt Nam ủng hộ Đảng Cộng Hòa khăng khăng cho rằng chính cái Đảng Dân Chủ "thổ tả" đã khiến cho Miền Nam Việt Nam bị bức tử, vì Quốc hội mà họ nắm quyền kiểm soát đã cắt đứt viện trợ và chống lại việc dội bom xuống Bắc Việt. Những người Việt Nam sống chết cho Đảng Dân Chủ thì lại dựa trên sự kiện tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa Richard Nixon đã bắt tay với Trung Cộng để trút hết tội lỗi lên đầu Đảng này vì đã bán đứng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Riêng tôi suy nghĩ một cách đơn giản : dù có thuộc Đảng nào đi nữa, Hoa Kỳ lúc nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Vì quyền lợi của họ, họ "đi vào" và vì quyền lợi của họ, họ "đi ra" và bỏ mặc cho cái Ác hoành hành trên một đất nước mà đã họ từng cam kết giúp đỡ.

Quyền lợi của nước Mỹ thật ra trước hết cũng chính là cái ghế của nhà lãnh đạo. Vì của ghế của ông, ông sẵn sàng bán đứng hay bỏ rơi đồng minh. Quyền lợi của nước Mỹ cũng là sự lãnh đạo của Đảng đang cầm quyền : sự lãnh đạo ấy được đặt lên trên số phận của một dân tộc khác. Và dĩ nhiên, quyền lợi của nước Mỹ xét cho cùng cũng là những thứ tự do cá nhân mà người Mỹ luôn đòi hỏi cho mình bất kể những mất mát, khổ đau và ngay cả mạng sống của người khác. Người Mỹ muốn dựng tượng nữ thần tự do trên khắp thế giới, nhưng tiếng kêu than của những người khốn khổ mà nữ thần này che chở, lại không được họ màng tới.

Tôi thường có ý nghĩ ấy khi suy nghĩ về hai cơn đại dịch đã và đang hoành hành tại Mỹ. Trước hết là đại dịch Covid-19. Văn minh nhứt thế giới, giàu có nhứt thế giới, có hệ thống y tế tiên tiến nhứt thế giới, vậy mà Hoa Kỳ lại là nước đứng đầu thế giới về con số người bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19. Tất cả chỉ vì hai chữ tự do : tự do chống lại những qui định cần thiết như đeo khẩu trang, tuân giữ giãn cách xã hội và tập trung đông người, tự do tập trung để "thờ phượng"... mặc cho dịch bệnh có cướp đi mạng sống của những người xung quanh. Ai có chết cũng mặc kệ, miễn là tôi được tự do !

Bênh cạnh đại dịch Covid-19, còn có một đại dịch khủng khiếp hơn : đó là đại dịch "bạo động bằng súng đạn". Trong cái quốc gia lúc nào cũng muốn là "vĩ đại" nhứt thế giới lại xảy ra chuyện bắn giết như cơm bữa. Ai có chết vì súng đạn cũng mặc kệ, bằng mọi giá tôi phải bảo vệ quyền tự do mang súng và sử dụng súng của tôi ! 

Tự do đã biến thành dửng dưng trước cái Ác và nỗi khổ đau của người khác. Cả thế giới đã theo dõi vụ án của Derek Chauvin, viên cảnh sát Mỹ đã sát hại người Mỹ gốc Phi Châu George Floyd dạo tháng Năm năm ngoái. Thước phim mà một thiếu nữ tình cờ quay được và được trưng ra như một bằng chứng sống động về hành vi sát nhân của Chauvin, cho thấy khi dùng 2 đầu gối đè lên ông Floyd cho đến độ nghẹt thở, viên cảnh sát này vẫn thản nhiên nhìn về hướng người đang quay phim bằng một cái nhìn mà ký giả John Blake của Đài CNN gọi là "còn tệ hơn cả sự hận thù". Đó là cái nhìn của dửng dưng. Ký giả này viết : "Đây (cái nhìn của Chauvin) sẽ là một trong những hình ảnh tiêu biểu của thời đại chúng ta bởi vì nó nói lên một câu chuyện về chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc mà nhiều người không muốn nghe nói đến" (3).

ac4

Khi dùng 2 đầu gối đè lên ông Floyd cho đến độ nghẹt thở, viên cảnh sát này vẫn thản nhiên nhìn về hướng người đang quay phim

Sự dửng dưng của xã hội Việt Nam trước cái Ác và chuyện đang xảy ra ở Mỹ không khỏi làm tôi nhớ lại lời cảnh cáo của ông Elie Wiesel (1928-2016), một người Do Thái đã từng sống sót từ cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến và được trao giải Nobel Văn Chương. Ông nói : "Phản nghĩa của tình yêu không phải là hận thù mà là dửng dưng". Với tôi, dửng dưng trước cái Ác là tên gọi của cái Ác. Nhìn nỗi khổ đau và chết chóc của người xung quanh mà ánh mắt của tôi như bất động, trái tim của tôi không thổn thức... thì tôi có khác gì thú vật chỉ biết chăm sóc cho bộ da riêng của mình.

Chu Văn

(26/04/2021)

Chú thích :

1. baotiengdan.com/2021/04/13/vi-sao-tai-viet-nam-hom-nay-cai-ac-troi-day

2. https://vietbao.com/a307720/s-t-t-d-tuong-nang-tien-nuoc-mien-nhin-tu-xu-viet

3. https://edition.cnn.com/2021/04/24/us/derek-chauvin-eyes-indifference-blake/index.html

Published in Văn hóa