Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Thiên hạ đại loạn", thế giới thiếu một nhạc trưởng

La Croix ngày 09/11/2023 nhận định, thế giới ngày nay không hoàn toàn là đơn cực nhưng cũng không thực sự đa cực. Về kinh tế, quân sự, công nghệ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một ; nhưng một số quốc gia cỡ trung chỉ hành xử theo lợi ích riêng. Về Trung Đông, vụ tấn công Israel ngày 07/10 khiến nhà sử học Pierre Grosser liên tưởng đến bạo lực trong thời kỳ khởi đầu chiến tranh Đông Dương ở Việt Nam - theo Le Figaro.

thienha1

Một quân nhân Israel trên một chiến hạm ở Địa Trung Hải, trong bối cảnh cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Ảnh chụp ngày 09/11/2023. Reuters – Amir Cohen

Vai trò của "hiến binh quốc tế" đã yếu đi ?

Liên quan đến Trung Đông, Le Monde chạy tựa trang nhất "Gaza : Những kịch bản không tìm thấy được cho thời hậu chiến", Libération kêu gọi "Chống lại nạn bài Do Thái", La Croix nhấn mạnh đến "Sự hỗn loạn của thế giới". Theo nhật báo công giáo, trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh nay đang rời rã : không hoàn toàn là đơn cực, nhưng cũng không thực sự đa cực. Sự nổi lên của những quốc gia tầm trung chống lại ảnh hưởng Mỹ càng thấy rõ với chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Phải chăng vai trò của Hoa Kỳ yếu đi là điều không thể tránh khỏi ? Một loạt những hình ảnh đau thương từ Ukraine đến Cận Đông, Thượng Karabakh, khiến người ta nghĩ rằng không cường quốc nào có thể ngăn được các xung đột này. Mỹ và các đồng minh Châu Âu vào đầu cuộc chiến ở Ukraine đã bị một số nước vốn thân thiết như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia trừng phạt kẻ xâm lăng Nga. Tại Gaza, Washington cũng không tìm ra được lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Nhà sử học Pierre Grosser nhận xét : "Về năng lực kinh tế, quân sự, công nghệ, Hoa Kỳ vẫn là đại cường số một, nhưng lại khó thể cưỡng ép một nước khác. Dù vậy Mỹ vẫn có khả năng răn đe, như đã gởi các hàng không mẫu hạm đến để tránh mở rộng xung đột giữa Hamas và Israel". Ở Trung Đông, Mỹ đã sút giảm ảnh hưởng từ thời tổng thống Obama vào đầu những năm 2010. Chuyên gia François Heisbourg của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhắc nhở : Mỹ đang phải trả giá cho sự thoái lui dần khỏi khu vực, được đánh dấu với việc Obama nuốt lời, từ chối hành động, dù chế độ Damascus tiếp tục dùng vũ khí hóa học giết dân.

Ngược lại, trong hồ sơ Ukraine, Mỹ dễ dàng huy động các đồng minh Châu Âu và Châu Á. Những xung đột hiện nay cho thấy sau thời kỳ 1991-2003, Hoa Kỳ không còn độc quyền về những vấn đề quốc tế. Giáo sư Bertrand Badie nhận xét, các nước lớn giảm dần khả năng can thiệp từ thập niên 70 "do toàn cầu hóa, tiến bộ của các phương tiện liên lạc, sự tự chủ của các đồng minh và các lực lượng lệ thuộc lẫn nhau". 

"Các nước phương Nam" độc lập hơn với phương Tây  

Tuy vậy, theo cựu đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Michel Duclos, vấn đề lớn là liệu Hoa Kỳ và đồng minh có thể chận được sự xâm lăng của Nga và tập hợp được một phần các nước "phương Nam" hay không. Tổng thống Joe Biden chừng như có thể đạt đến, nhưng nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc. 

Liệu "các nước phương Nam" có đang tách rời khỏi phương Tây ? Trong thế giới Ả rập và xa hơn nữa, chiến tranh Cận Đông gây nên những cuộc biểu tình chống Mỹ và chống cả Pháp, Anh, Đức ; bị cáo buộc là nhất bên trọng nhất bên khinh trong hồ sơ Israel-Palestine.  Nhưng trên thực tế không có sự đồng lòng trong những lá phiếu ở Liên Hiệp Quốc của những quốc gia mới nổi hay đang phát triển ở Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Trung Đông và một phần Châu Á. Hôm 27/10, Ấn Độ đã từ chối thông qua nghị quyết kêu gọi hưu chiến nhân đạo tại Dải Gaza, ngược với Brazil.

Trên những diễn đàn mới như BRICS hay Thượng Hải, "phương Nam" cố khẳng định vị thế, đứng về phía nào tùy theo lợi ích của chính mình. Khác với thời chiến tranh lạnh, đang nổi lên các quốc gia trung bình, đủ mạnh để có tiếng nói. Nhà sử học Pierre Grosser, vốn đã sống một phần thời gian ở Việt Nam, nhận xét : "Không nên cho rằng các nước này thù ghét phương Tây, họ trước hết nhìn về tương lai hơn là nhắc lại thời thuộc địa". Việt Nam vừa nâng cấp đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, đồng thời duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc.

Ai có thể thay thế Mỹ ?

Pierre Grosser trên Le Figaro cho biết vụ tấn công Israel ngày 07/10 khiến ông liên tưởng đến thời kỳ khởi đầu cuộc chiến Đông Dương : những cuộc giao tranh của những người Việt đòi độc lập ở Hải Phòng và các vụ oanh tạc của Pháp làm hàng ngàn người chết. Rồi đến vụ Việt Minh thảm sát thường dân Pháp ở Hà Nội khiến quân đội Pháp phản ứng lập tức, kiểm soát thành phố và lực lượng kháng chiến phải rút lên núi.

Điểm giống nhau là đáp trả cực đoan của Tsahal và đội quân thuộc địa Pháp, còn điểm khác biệt là Pháp rốt cuộc đã thua trong cuộc viễn chinh. Lần này trận chiến diễn ra trên lãnh thổ Israel và một phần đất Palestine kế cận, quyết tâm của một đất nước bị tấn công rõ ràng là không thể so sánh động cơ của Pháp ở Đông Dương thời đó.

Nhà sử học nhận thấy sự xuất hiện của hàng loạt cường quốc trung bình là sự ngạc nhiên của thế kỷ 21, chiếm vị trí đáng kể trong địa chính trị. Tuy nhiên, vai trò của Hoa Kỳ khó thể thay thế. Ông nhớ lại một hội nghị thời George Bush, một nhân vật quan trọng ở Nhà Trắng đã hỏi : "Ai có thể thay thế chúng tôi ? Quý vị có muốn là Liên Hiệp Quốc không ?". Vài tiếng cười trong phòng họp. "Hay là Liên Hiệp Châu Âu ?". Mọi người cười ồ. "Quý vị có muốn Trung Quốc ?". Đáp lại là một sự im lặng nặng nề !

Trung Quốc và Nga muốn đóng vai hòa giải để tự nâng vị thế

Trung Quốc có thủ lợi từ những xung đột hiện nay hay không ? Lâu nay tập trung cho thương mại, Bắc Kinh đã tạo bất ngờ ở Cận Đông trong năm 2023 khi trở thành người bảo trợ cho việc xích lại gần giữa Iran và Saudi Arabia.

Trung Quốc cũng muốn làm trung gian giữa Israel và Palestine, nhưng Tel-Aviv không mấy mặn mà. Bắc Kinh từ chối lên án Hamas và ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, đồng thời tránh đứng hẳn về một phía. Sự trung lập bề ngoài này hạn chế khả năng đóng vai trò quyết định trong khu vực. François Heisbourg cho rằng Trung Quốc cũng gặp khó như các cường quốc khác : Chỉ vài tháng sau thành công với Iran và Saudi Arabia, mọi chuyện lại như cũ.

Moskva thì rõ ràng có lợi khi thế giới không còn chú ý nhiều đến cuộc xâm lăng Ukraine. Cuộc chiến mới giữa Israel và Hamas còn thu hút mất một phần viện trợ tài chánh và quân sự mà Ukraine đang rất cần. Kremlin cũng ấp ủ hy vọng ra khỏi thế cô lập, đóng vai nhà hòa giải ở Trung Đông. Nga là một trong những nước hiếm hoi có thể "nói chuyn vi tt c các bên" trong khu vực.

Moskva quan hệ với Hamas từ khi phe này nắm được quyền ở Gaza năm 2006, hiện diện ở Syria từ 2015 bên cạnh Iran để hỗ trợ Bachar Al Assad, và xích lại gần Iran từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Vladimir Putin và Benyamin Netanyahou giữ liên hệ thân thiết vừa do cảm tình cá nhân, vừa do thực dụng. Nga làm ngơ khi Israel oanh tạc quân thân Iran ở Syria, trong khi Israel không trừng phạt Moskva và không chi viện vũ khí cho Kiev, số người Israel nói tiếng Nga cũng là cử tri quan trọng cho "Bibi". Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ngày 07/10, Israel không còn báo trước cho Nga những cuộc không tập ở Syria, ảnh hưởng của Moskva đang mất dần.

Diệt Hamas nhưng không chiếm Gaza : Bài toán của Israel

Vô hiệu hóa Hamas nhưng không chiếm đóng Gaza, đó là thách thức về an ninh cho Israel, theo Libération. Chuyện gì sẽ diễn ra nếu Tsahal đạt được mục tiêu ? Phải chăng lại đóng quân ở Dải Gaza như sau cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, rồi đơn phương rút quân năm 2005 như thời thủ tướng Ariel Sharon ? Nhà phân tích địa chính trị Michael Horowitz nhận xét, Benjamin Netanyahou không muốn quân đội Israel đóng thường trực ở đây, hay quay lại với các khu định cư đã bị tháo dỡ thời trước, vì có quá nhiều rủi ro.

Việc kiểm soát Gaza có thể tổ chức theo mô hình West Bank (Cisjordanie), với việc thiết lập chính quyền dân sự Palestine hoặc quốc tế, và những chiến dịch thường xuyên của quân đội Israel. Một nguồn tin ngoại giao Israel nói rằng đây là kiểm soát quân sự, chứ không phải tái chiếm đóng. "Cần chấm dứt việc lãnh thổ này là nơi xuất phát các vụ pháo kích và tấn công vào Israel, vấn đề là phải tìm ra công thức". Tuy nhiên, thành lập lực lượng quốc tế ở Dải Gaza xem chừng là ảo tưởng, vì không nước nào muốn tham gia. Số phận Gaza được bàn đến hôm nay trong khuôn khổ hội nghị nhân đạo quốc tế tổ chức tại Paris.

"Nhân dân tự vệ" tại các kibbutz

Trong khi đó, "Tại miền bắc Israel, các kibbutz tự tăng cường bảo vệ". Đặc phái viên Le Figaro mô tả, những khối bê-tông nặng nề phía trên là những bao cát chặn lối vào kibbutz Amir, những người đàn ông lớn tuổi kiểm soát người ra vào. Biên giới Lebanon chỉ cách đó 4 kilomet và từ đầu cuộc chiến phe Hezbollah gia tăng đe dọa, hôm thứ Hai đã bắn nhiều quả rốc-kết vào lãnh thổ Israel. Amir được thành lập từ năm 1939, tức 10 năm trước khi Nhà nước Israel ra đời. Hoạt động đúng theo tinh thần thời sáng lập các kibbutz, mỗi thành viên của cộng đồng đều góp phần tích cực vào cuộc sống chung : giáo dục, bảo trì, an ninh…

Oded Krashinsky rời Amir cách đây 30 năm. Sau 5 năm chỉ huy một đơn vị đặc biệt của quân đội, ông trở thành tổng giám đốc giàu có của một công ty an ninh tư nhân ở Los Angeles, Hoa Kỳ. Ngay sau vụ thảm sát của Hamas, ông lên chuyến máy bay đầu tiên để trở về nước và ngày 09/10 đã có mặt ở Israel, dùng kỹ năng của mình phục vụ cho kibbutz. Từ một tháng qua, các tình nguyện viên trong kibbutz không ngừng được tập huấn, không chỉ tập bắn mà còn được chuẩn bị về mặt tinh thần, vì đa số là nông dân đã rời quân ngũ từ rất lâu.

Điều trớ trêu là những cư dân kibbutz ở miền nam bị Hamas tàn sát hầu hết là những người Do Thái ôn hòa, không ít người thường xuyên đóng góp giúp dân Palestine ở Gaza. Trên Libération, nhà chính trị học song tịch Pháp-Israel, Denis Charbit chua chát : "Người Israel không chịu đựng nổi việc bị quay ngược lại thành tội phạm chóng vánh đến như vậy", trong khi đang bị chấn thương nặng nề sau vụ thảm sát quá man rợ của Hamas. Ông nhắc nhở thời điểm bản lề năm 2005, khi Israel đơn phương rút quân khỏi Gaza và giải tán các khu định cư, ý định của Israel không phải là phong tỏa mà mong muốn Gaza trở thành "Singapore Địa Trung Hải". Thế nhưng người dân Palestine đã chọn Hamas !

Pháp : Tuần hành công dân chống bài Do Thái

Tại Pháp, chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher và chủ tịch Hạ Viện Yael Braun-Pivet cùng kêu gọi "tuần hành công dân" Chủ nhật này tại Paris. La Croix cho rằng đây là cuộc biểu tình "cần thiết", còn theo Le Figaro là "khẩn cấp" trong không khí đang xấu đi hiện nay. Libération nhấn mạnh, người Do Thái ở Pháp không chịu trách nhiệm về việc oanh tạc Gaza, người Hồi giáo tại Pháp cũng vậy đối với những vụ thảm sát của Hamas.

Nhưng đã có đến hơn 1.000 hành vi bài Do Thái trên lãnh thổ Pháp kể từ ngày 07/10, và Le Figaro nói thêm, không thể chấp nhận cuối tuần nào cũng nghe thấy trên đường phố những tiếng hô đầy hận thù, gọi Nhà nước Do Thái là "kẻ sát nhân", hoan hô "kháng chiến" của Hamas. Phải chăng người ta đã mất đi cảm nhận về thực tế, khoanh tay để mặc cho những lời lẽ như thế ? Cho dù trễ tràng, vẫn phải hành động. Các báo đều chỉ trích quyết định không tham gia của thủ lãnh đảng cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Ukraine ngấp nghé ngưỡng cửa Châu Âu

Les Echos nhận thấy "Ukraine đang ở cửa ngõ Châu Âu", với việc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) mở đàm phán, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giữ an toàn ở vùng ngoại vi Liên Hiệp, vào lúc trật tự quốc tế đang chao đảo. Bà Ursula von der Leyen gọi ngày 08/11 là "ngày lịch sử". Nếu các nước thành viên có cùng quan điểm này trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12, chỉ 18 tháng sau khi Kiev được công nhận tư cách ứng cử viên, EU sẽ bắt đầu một tiến trình mở rộng chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ, với viễn cảnh tiếp nhận một cường quốc nông nghiệp 44 triệu dân vào đầu thập niên tới.

Theo bà der Leyen, Kiev đã đáp ứng được 90% điều kiện để mở thương lượng. Ukraine còn phải tăng cường chống tham nhũng và sự thống trị của các tài phiệt, chấn chỉnh những vận động hành lang, cải thiện tình trạng người thiểu số - đòi hỏi của Budapest. Ivanna Klympush-Tsintsadze, chủ tịch Ủy ban hội nhập Châu Âu của Quốc hội Ukraine cho rằng vấn đề người thiểu số chỉ là "sáng tác" của các chính khách Hungary. Tất nhiên là còn rất nhiều trở ngại. Le Figaro nói về "Con đường dài của Kiev để hội nhập EU" : các quốc gia thành viên chia làm hai phe, EU phải có ngân sách phù hợp cũng như phải hy sinh khá nhiều, và Ukraine vẫn đang trong thời chiến.

Thụy My

Published in Quốc tế