Chiến tranh Ukraine : Các nước "nam bán cầu" quay lưng với phương Tây
Chủ đề thời sự được các tờ báo lớn của Pháp ra hôm 06/03/2023 phản ánh khá tản mạn. Le Monde đề cập đến cuộc đối đầu giữa Pháp và Đức về lĩnh vực năng lượng nguyên tử và những bất đồng về quốc phòng. Libération và Les Echos chú ý tới cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ Pháp về cải cách hưu trí vẫn tiếp tục căng thẳng.
Binh sĩ Ukraine bắn pháo Pion về phía quân đội Nga ở gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine ngày 16/12/2022. AP - Libkos
Về thời sự quốc tế, đề tài vẫn được các báo theo dõi là cuộc chiến tranh Ukraine. Một cuộc chiến tranh ngày càng làm phân hóa lập trường của các nước vẫn được gọi là những nước "Nam bán cầu" với phương Tây.
Trên mục bình luận thời sự, báo Le Monde có bài viết đáng chú ý đề cập đến "Cuộc xâm lược của Nga nhìn từ Châu Phi" của nhà báo Philippe Bernard.
Theo bài viết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine được nhìn nhận khác nhau trên thế giới do các lợi ích kinh tế, ngoại giao mỗi nơi mỗi khác, bởi vấn đề địa chính trị hay sự lệ thuộc vào bên ngoài, bởi trải nghiệm lịch sử khác nhau ở mỗi nước. Xu thế này được khẳng định hôm 23/02 vừa rồi khi gần một nửa các nước Châu Phi tại Liên Hiệp Quốc từ chối bỏ phiếu kêu gọi Moskva chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.
Tác giả đặt câu hỏi : làm sao mà những nước đã từng có thời gian dài sống dưới ách thực dân, trong đó có nhiều quốc gia phải trả giá bằng máu để được giải phóng, lại thể hiện sự đồng cảm vời một cường quốc có lịch sử đế quốc như nước Nga. Từ thời Sa Hoàng qua thời Liên Xô đến Vladimir Putin, đất nước này đã không ngừng đô hộ các nước láng giềng, từ Trung Á đến các quốc gia vùng Baltic, Kavkaz cho đến những "nền dân chủ nhân dân" Châu Âu.
Tác giả nhận thấy những luận điệu "chống đế quốc" của Moskva được nuôi dưỡng trước tiên bởi thái độ oán hận đã tích tụ trong thời thuộc địa. Không có gì ngạc nhiên khi các nước Châu Phi không coi các nước phương Tây là hình mẫu về luật pháp quốc tế, nhất là trong khu vực Sahel và Tây Phi, các nước vẫn đang sống trong hậu quả nặng nề của cuộc can thiệp quân sự 2011 tại Lybia. Cuộc xâm lược Irak năm 2003 là một minh chứng cho thấy những phát biểu về bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ là đạo đức giả.
Trong hoàn cảnh như vậy, Nga đã dấn thêm bước nữa về quân sự cũng như kinh tế, chiếm dần các vùng ảnh hưởng của phương Tây.
Cùng chung chủ đề trên, nhật báo Les Echos có bài : "Ukraine : Những cảm xúc có chọn lọc của thế giới".
Theo bài báo, trong lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc mới đây hôm 23/02, và cũng là lần thứ 3 liên tiếp, các nước vẫn được gọi là thuộc "Nam bán cầu" đã không muốn đứng về bên nào trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, do vậy họ đã tự tách rời khỏi phương Tây. Thái độ đó có động cơ từ những oán thù liên quan đến quá khứ thuộc địa và vì thái độ thờ ơ của các nước phương Tây trước những nối đau khổ của các nước Nam bán cầu. Theo tác giả, đó là sự chuyển hướng thực sự đáng lo ngại cho các nước phương Tây.
Hạt nhân – Quốc phòng : Cặp Pháp-Đức lục đục
Liên quan đến thời sự Châu Âu, nhật báo Le Monde chú ý nhiều đến những bất hòa xuất hiện giữa Đức và Pháp, vẫn được cho là cặp đầu tàu của Liên Âu. Le Monde đề cập đến bất đồng về vấn đề năng lượng hạt nhân. Tờ báo cho hay, từ khi quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, sau thảm họa Nhật Bản Fukushima năm 2011, nước Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp trên vấn đề năng lượng nguyên tử. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Berlin đã chặn nhiều dự luật lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân ở Bruxelles. Trong khi Liên Âu chủ trương đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, Paris nhắm tới phát triển trở lại hạt nhân, trong khi Berlin phản đối cho rằng chủ trương đó sẽ cản trở phát triển năng lượng tái tạo. Hai nước đang tìm cách tập hợp các đồng minh chuẩn bị cho cuộc thương lượng trong phiên họp hôm nay 06/03 tại Bruxelles.
Một bất đồng khác giữa hai nước liên quan đến quốc phòng của Châu Âu cũng được Le Monde đề cập đến trong bài : "Các dự án lá chắn chống tên lửa gây chia rẽ Châu Âu". Theo Le Monde, đây là một trong những chủ đề bất đồng lớn giữa Paris và Berlin kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine. Bốn tháng sáu khi Đức thông báo (10/2022) phát động dự án lá chắn chống tên lửa chung cho Châu Âu có tên gọi European Sky Shiel (ESSI). Đến giờ đã có 17 quốc gia, trong đó 15 thành viên NATO tham gia sáng kiến của Berlin. Sáng kiến này không cùng quan điểm của Pháp về độc lập chiến lược của Châu Âu, chủ trương tự chủ xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tiềm lực của Châu Âu. Vì thế, dự án của Berlin, chủ yếu mua trang bị hệ thống của Mỹ và bên ngoài, sẽ gây bất lợi cho một số hãng công nghiệp quân sự của Châu Âu. Dự án của Đức vẫn ở giai đoạn "ngỏ ý định" chưa cụ thể, nhưng các nước ở sườn đông của Châu Âu, như Estonia, Litva, Na Uy, Romania hay Phần Lan, do lo ngại trước cuộc chiến tranh Ukraine, đã ủng hộ nhiệt tình. Trong khi đó, Ba Lan, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp không đồng ý tham gia dự án.
Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng
Chuyển qua khu vực Châu Á, thời sự được quân tâm vẫn chủ yếu liên quan đến Trung Quốc. Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến sự kiện, ngày 05/03, Quốc hội Trung Quốc mở phiên họp toàn thể tại Bắc Kinh. Chương trình nghị sự chính của Quốc hội là thông qua các chức chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình thêm 5 năm và tân thủ tướng cho ông Lý Cường. Đó là những việc chỉ mang tính hình thức, tất cả đã được quyết định trong Đại hội Đảng hồi cuối năm trước. Tuy nhiên, điều được giới quan sát quan tâm, theo La Croix, Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua các chính sách lớn như mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước, đặc biệt là ngân sách quốc phòng, dự kiến tiếp tục tăng 7,2% so với năm trước. Như vậy, Trung Quốc sẽ chi khoảng 225 tỷ đô la cho quân sự, tức là một ngân sách lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Hoa Kỳ.
Về sự kiện này, Les Echos ghi nhận qua bài viết : "Tăng trưởng và quốc phòng, chính quyền Trung Quốc thể hiện tham vọng".
Tờ báo nhận thấy : Bắc Kinh biết rõ là các căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và đồng minh nước này sẽ không dịu xuống. Washington ép các nước như Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan phải hạn chế nghiêm ngặt các buôn bán hàng điện tử cao cấp, bán dẫn với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn chế độ chuyên quyền này phát triển công nghệ.
Quad lại cảnh cáo nhằm tới Bắc Kinh
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài : "Các nước Bộ Tứ "Quad" gửi cảnh cáo mới đến Bắc Kinh".
Bài viết cho biết, bên lề hội nghị G20 tại New Delhi, hôm thứ Sáu (04/03), ngoại trưởng nhóm nước Bộ Tứ "Quad" gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp với nhau. Theo Les Echos, dù không nêu đích danh Trung Quốc trong thông cáo chung sau cuộc họp, nhưng nhóm nước này đã trực tiếp nhắm tới Bắc Kinh khi "bày tỏ lo ngại trước việc quân sự hóa vùng biển xung quanh Trung Quốc, sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và dân quân biển, cũng như trước những hành động nhằm gây rối loạn hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác".
Những ngôn từ như vậy rõ ràng là nhắm tới Trung Quốc, theo các chuyên gia phân tích được tờ báo trích dẫn. Tuy nhiên ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken vãn nói là Quad không phải là một liên minh quân sự, mục tiêu của nhóm giới hạn trong các dự án cụ thể, như phân phối vac-xin chống Covid trong vùng. Ngoài Quad ra, điều khiến Bắc Kinh lo ngại, đó là việc tái tạo lại thành phần đối tác an ninh và các liên minh, mà chủ yếu để chống lại Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tờ báo nhận định.
Thế giới đạt thỏa thuận bảo vệ vùng biển chung
Một sự kiện khác được các báo quan tâm phản ánh là thỏa thuận lịch sử về bảo vệ vùng biển xa bờ. Nhật báo thiên tả Libération loan tin, sau 15 năm đàm phán, hôm thứ Bảy 04/03, Liên Hiệp Quốc đã đạt một thỏa thuận trong tương lai về việc bảo vệ vùng biển nằm cách bờ đất liền 370 km, vẫn được coi là vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của các nước và đến nay vẫn chưa có ràng buộc pháp lý nào điều chỉnh các hoạt động. Cho dù thỏa thuận chưa được ký, nhưng dư luận đều cho rằng đây là một bước ngoặt trong việc bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên biển của một vùng chiếm tới 64% diện tích đại dương toàn cầu. Đây mới chỉ là thông qua thỏa thuận, công đoạn tiếp theo sẽ là các nước ký vào văn kiện, rồi tiếp đó từng nước phê chuẩn trước khi thỏa thuận có hiệu lực, từ nay đến đó sẽ còn phải mất nhiều năm nữa.
Pháp : Cải cách hưu trí, cuộc đọ sức thêm quyết liệt
Báo Les Echos chạy tựa chính trang nhất : "Cải cách hưu trí : Thử sức". Tờ báo cho biết, nội dung cải cách hưu trí của chính phủ Pháp đang được thảo luận tại Thượng Viện. Các công đoàn đang dồn tất cả lực lượng vào cuộc đấu với chính phủ. Ngày mai, 07/03, tám công đoàn kêu gọi ngày hành động thứ 6 để chống lại cuộc cải cách hưu trí của chính phủ. Mức độ căng thẳng tăng thêm một nấc khi lần huy động này, công đoàn quyết tâm "làm đình trệ cả nước Pháp" với kêu gọi biểu tình, đình công trong nhiều lĩnh vực. Dự kiến ngày mai sẽ là một ngày "thứ Ba đen tối" của giao thông công cộng, cũng như nhiều hệ thống hậu cần vận tải khác cũng bị phong tỏa. Phòng trào cuộc biểu tình đình công sẽ có khả năng kéo dài nhiều ngày tiếp theo.
Anh Vũ
Để đại dịch Covid-19 hoành hành : Dấu hiệu phương Tây suy tàn ?
Đại dịch Covid-19 bùng lên từ Trung Quốc đang hoành hành khắp địa cầu, tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp giữa tháng 4/2020.
Đại dịch Covid-19 đảo lộn cuộc sống Châu Âu. Trong ảnh : Quảng trường Thánh Phêrô (Vatican) vắng vẻ vào đúng ngày Giáo hoàng cử hành thánh lễ Phục Sinh, Chủ Nhật 12/04/2020. Reuters - GUGLIELMO MANGIAPANE
Le Point truy tầm nguồn gốc các loài virus đáng sợ, với tựa trang nhất : "Các loài virus mới đến từ đâu ?". Đối với Le Point, khủng hoảng y tế hiện nay gắn liền với cuộc khủng hoảng sinh thái, do chính các hoạt động khai thác thiên nhiên thái quá của xã hội con người.
L’Obs ghi nhận một số thành công tại những nước như "Đức, Đan Mạch, Israel hay Việt Nam…", trong đại dịch hiện nay. L’Express, với tựa đề "Covid-19 : Những cuộc chiến tranh bí mật", chú ý đến những cạnh tranh khốc liệt giành giật trang thiết bị y tế.
Trang bìa tuần san Courrier International đặt câu hỏi : Đại dịch Covid-19 có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm hay không ?
Cơn hấp hối của đại văn hào Balzac
Tâm bão Covid-19 hiện nay là các nước phương Tây, đặc biệt các nước Châu Âu. L’Obs và Le Point đều dành bài viết đầu tiên để phân tích những ý nghĩa sâu xa của đại dịch đối với các xã hội phương Tây. Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của Le Point với tựa đề : "Sự suy tàn của phương Tây : Phải chăng đây là trạm áp chót, trước khi chuyến tầu dừng hẳn ?".
Xã luận mở đầu với hình ảnh đại văn hào Honoré de Balzac trong những giờ cuối đời, được nhà văn Octave Mirbeau thuật lại : "Sự sống đã bắt rễ trong cơ thể của người đàn ông kỳ lạ này, bắt rễ sâu xa đến mức khó lòng mà rời bỏ một cơ thể đang trong trạng thái tan rã". Tác giả của bộ Tấn trò đời "chết từ bên dưới", nhưng phần "bên trên, tức não bộ của ông, vẫn hoàn toàn sung mãn, và ông dường như vẫn còn muốn viết cho tận đến khi trút hơi thở cuối cùng".
Nhà báo Franz-Olivier Giesbert đặt câu hỏi : có thể so sánh giờ phút hấp hối kỳ lạ của Balzac với chính nền văn minh phương Tây ? Nhà báo Le Point dẫn tác phẩm "Sự suy tàn của phương Tây" của nhà triết học Đức Oswald Spengler, và nghiêm khắc nhấn mạnh là "cuộc khủng hoảng y tế hiện tại cho thấy rõ là chúng ta (tức các xã hội phương Tây) "không còn ở phía tích cực của nhân loại, tương lai của thế giới ngày càng đang được viết nên tại nửa kia của bán cầu, tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia", ba quốc gia có khả năng sẽ thống trị thế giới về mặt kinh tế trong vòng 10 đến 20 năm nữa.
Chính vì vậy, theo Le Point, cần "thảo luận về mô hình xã hội phương Tây". Sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các trang thiết bị y tế cơ bản, như khẩu trang, phương tiện xét nghiệm hay máy thở, "cho thấy rõ tình trạng quá đỗi đuối sức của phương Tây". Riêng về nước Pháp, để vực dậy đất nước, Le Point đề xuất : tổng thống có trách nhiệm "đặt trở lại trung tâm xã hội các giá trị căn bản… như nỗ lực, lao động, hiệu quả, các nền tảng của chế độ Cộng hòa, đang bị tấn công từ mọi phía, và bị sói mòn từ bên trong".
Theo Le Point, tổng thống có nghĩa vụ đề xuất một khế ước xã hội mới với công dân Pháp. Cụ thể là : làm việc nhiều hơn để đổi lấy đoàn kết nhiều hơn, ví dụ, với việc thiết lập một thu nhập tối thiểu toàn dân, cho phép bảo đảm cuộc sống cho những người khó khăn nhất.
Covid-19 : Căn bệnh của người nghèo
Về đại dịch Covid-19, L’Obs tuần này với bài viết mở đầu "Covid-19, căn bệnh của những người nghèo" dường như muốn đánh động dư luận về một thực tại, mà cho dù đã được nhắc đến, nhưng chưa được chú ý đủ mức. Theo L’Obs, virus corona đã "xâm nhập vào những điểm rạn nứt trong các xã hội phương Tây, và khiến cho những khuyết tật của các xã hội đó hiện ra" dưới ánh sáng ban ngày.
Bài phân tích của nhà báo Natacha Tatu nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 hoành hành tại chính tại các quốc gia giầu nhất hành tinh, nhưng các nạn nhân đông đảo nhất lại là những người nghèo. Tiếp theo giới y tế trên tuyến đầu, "những người ở bậc thang thấp nhất xã hội, nhân viên thu tiền ở siêu thị, người làm nghề đổ rác, người giúp việc tại gia đình, người vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng… những người mà nghề nghiệp bấp bênh phải trả giá đắt nhất cho đại dịch". Trong bài diễn văn hôm 13/04, tổng thống Pháp dường như đã thừa nhận những người lao động âm thầm này là những người mà xã hội lẽ ra cần tri ân họ, nhưng "bản thân họ lại được trả lương quá thấp".
Đa số họ sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp, khiến nguy cơ lây nhiễm cao. Cũng chính nhóm dân cư này là nơi tỉ lệ cao về các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, hay béo phì, khiến một khi nhiễm virus, bệnh tình thêm trầm trọng. Một nghiên cứu tại Pháp cho thấy 83% bệnh nhân Covid-19 phải vào khoa cấp cứu là những người béo phì hoặc dư cân.
Đây không chỉ là vấn đề riêng với nước Pháp, ở Mỹ, nhiều nghiên cứu cho thấy người da đen là các nạn nhân chính của dịch. Tại Chicago, dân Mỹ gốc Phi chỉ chiếm một phần ba dân số, nhưng chiếm hơn 70% người mắc bệnh Covid-19.
Con người tàn phá môi sinh : Virus như "bom nổ chậm"
Về cội rễ của đại dịch Covid-19, Le Point dành nhiều trang cho hồ sơ : "Các virus mới từ đâu đến ?", và có bài phỏng vấn giám đốc Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia Pháp Bruno David, với tựa đề "Sức khỏe con người, sức khỏe động vật, và hệ sinh thái liên hệ mật thiết với nhau".
Le Point cảnh báo : với tình trạng con người khai thác thiên nhiên một cách ồ ạt như hiện nay, không sớm thì muộn cũng sẽ xuất hiện các loài virus mới nguy hiểm như SARS-CoV-2, thậm chí còn đáng sợ hơn. Chuyên gia về các virus mới xuất hiện, ông Eric Leroy, giám đốc nghiên cứu IRD (Pháp), lo ngại sự xuất hiện của các loài virus trong tương lai, kết hợp cả hai đặc điểm nguy hiểm, vừa có khả năng lây truyền nhanh chóng như H1N1, vừa có độc lực gây tử vong cao như H5N1.
Nhiều nhà virus học ví các loài virus nguy hiểm, giống như "những trái bom nổ chậm" có mặt ở khắp nơi trong thiên nhiên hoang dã, chỉ cần dịp thuận lợi là bùng phát. Một ví dụ là loại virus cực kỳ nguy hiểm Nipah, bùng thành dịch bệnh vào năm 1998, tại Malaysia, khi ngành công nghiệp trồng cây cọ lấy dầu phát triển, tàn phá thiên nhiên. Virus Nipah có tỷ lệ tử vong từ 40 đến 75%. Dịch đã lan sang Ấn Độ. Hiện giờ virus Nipah tạm thời chỉ lưu hành tại một số vùng ở Ấn Độ. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính có ít nhất 48 loại virus mới tại Malaysia đang chờ chực tấn công con người, nếu có cơ hội.
Theo nhà thú y học Barbara Dufour, sức khỏe của nhân loại chỉ được bảo đảm nếu tôn trọng sinh thái, cần phải phối hợp mật thiết khoa học y tế với động vật học và nông học. Từ nhiều năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới chủ trương đường lối "One Health" (Một sức khỏe duy nhất) chính là theo hướng này. "One Health" đặt sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sinh thái trong thể thống nhất ở cả ba cấp độ, địa phương, quốc gia và hành tinh. Một trong những mục tiêu chính là ngăn chặn nguy cơ các bệnh mới bùng phát thành đại dịch. Đây là cách tiếp cận cho phép giải quyết triệt để vấn đề. Tìm kiếm vác-xin và các phương pháp trị liệu chưa đủ để đối phó với các đại dịch.
Hốt hoảng dự trữ thực phẩm, khi thế giới được mùa
Cơn sốt dự trữ lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia, do đại dịch, có thể khiến các quốc gia nghèo nhất trở nên dễ tổn thương hơn là chủ đề chính của tuần san Courrier International. Xã luận Courrier International dẫn nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Cumhuriyet, cho biết việc vội vã đưa ra chính sách phong tỏa có thể khiến người dân hoảng sợ, đổ đi mua thực phẩm dự trữ, khiến các thành quả giãn cách xã hội chỉ trong một ngày tan thành mây khói.
Ngày 31/03, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi cảnh báo việc đóng cửa biên giới, giới hạn xuất khẩu lương thực có thể gây ra tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm, khiến giá cả tăng vọt, về ngắn hạn. Một cuộc khủng hoảng hoàn toàn không đáng có, bởi sản xuất nông nghiệp năm nay được mùa. Theo Courrier International, cần phải có hợp tác quốc tế để tránh tình trạng nỗi hoảng hốt lan rộng, thúc đẩy thêm lối hành xử mỗi người chỉ vì mình.
Việt Nam chống Covid-19 : Thành tích và nỗi lo chế độ toàn trị trở lại
Ý nghĩa nhiều mặt của kinh nghiệm Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, với nhiều điểm tích cực và tiêu cực, cũng là một đề tài chính của L’Obs, qua bài viết của nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi. Theo nhà báo Đoàn Bùi, trong một thời gian dài bị coi là "nước nghèo", Việt Nam - "một ốc đảo cộng sản tại Đông Nam Á" - đã được Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi về các biện pháp đối phó với dịch Covid-19. Xếp hạng thứ 47 trong số các nền kinh tế thế giới, Việt Nam không có được phương tiện như Singapore hay Hàn Quốc, tuy nhiên, theo Đoàn Bùi, Hà Nội đã có một chiến lược hiệu quả, "với chi phí thấp". Cụ thể là từ rất sớm đã tiến hành cách ly trên diện rộng những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm, vận động tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng về nguy cơ dịch bệnh, tổ chức truy lùng quy mô những người trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với người mang virus…
Tuy nhiên, trong phần kết luận bài viết, nhà báo L’Obs cũng chỉ ra phương thức kiểm soát hiện nay đang có nguy cơ kích hoạt lại hệ thống kiểm soát người dân, "với bàn tay sắt", của chế độ cộng sản trước đây, khi mỗi người dân có thể bị chính láng giềng, thân nhân của mình theo dõi. Mọi quan hệ riêng tư của công dân có thể bị phơi bày trước con mắt bàn dân thiên hạ, nhân danh cuộc chiến chống dịch.
Nhà báo Bùi Đoàn đặt câu hỏi với đầy lo ngại : Nhiều người Việt Nam tự hào vì chính quyền bảo vệ được người dân trước virus corona và thành tích của Việt Nam chắc chắn hơn hẳn Châu Âu hay nước Mỹ, nhưng "với cái giá nào ?".
Pháp : "Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay ?"
Để đại dịch Covid-19 làm tê liệt cả một xã hội, chính quyền có trách nhiệm đầu tiên. Le Point dành hai bài viết cho chủ đề này. Bài "Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay ?", như một biên bản sự kiện, thuật lại các phản ứng của chính quyền Pháp, kể từ ngày mùng 3 tháng Giêng, ngày Paris lần đầu tiên biết đến virus mới gây bệnh viêm phổi cấp, xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Ngày 03/01, Bộ Y tế Pháp lần đầu tiên họp bàn về nguy cơ dịch bệnh từ Trung Quốc. Tức ba ngày sau khi Trung Quốc chính thức công bố với WHO về virus lạ.
Ngày 17/02, nữ bộ trưởng Y tế từ chức đúng vào lúc rất có thể đại dịch sẽ lan rộng toàn cầu, nước Pháp không tránh khỏi bị cuốn vào…
gày 22/02, theo các chuyên gia, trong khoảng 11 ngày, nếu không có biện pháp, Pháp sẽ rơi vào thảm kịch như Ý…
Ngày 05/03, tổng thống Pháp triệu tập cuộc họp bất thường khoảng 30 chuyên gia y khoa, bác sĩ.
Giới y tế bất đồng trong đánh giá triển vọng dịch. Trong lúc nhà miễn dịch học Arnaud Fontanet (Viện Pasteur) báo động nguy cơ, thì bác sĩ Didier Raoult (Marseille), người chủ trương điều trị Covid-19 bằng Chloroquine, tỏ ra bình thản. Bác sĩ Jean-François Delfraissy cảnh báo với tổng thống : người dân Pháp hiện nay không nhận thức được nguy cơ khủng khiếp đang đến…
Bài "Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay ?" của Le Point không đưa ra các đánh giá, mà chỉ mô tả chi tiết về phản ứng khác nhau từ phía chính quyền.
Uẩn khúc sau khủng hoảng chưa từng có : Tổng thống Pháp giãi bày
Cũng Le Point có cuộc phỏng vấn tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée. Người đứng đầu nhà nước Pháp giãi bày với Le Point những suy nghĩ, cảm nhận của ông về những thời điểm mang tính bước ngoặt trong "cuộc khủng hoảng chưa từng có" này.
Cuộc phỏng vấn hơn một tiếng đồng hồ của Le Point với tổng thống Pháp ngày 10/04, mang tựa đề "Tôi tin tưởng vào Nhà nước", là một tư liệu quý giá với những ai muốn đi sâu tìm hiểu cách người đứng đầu nhà nước Pháp nhìn nhận về những lúng túng, khó khăn về phía chính quyền, trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
Bài phỏng vấn, đúng hơn là bài thuật lại cuộc phỏng vấn của phóng viên Le Point tại điện Elysée, chuyển tải nhiều nhận định riêng của nhà báo về cuộc đối thoại với nguyên thủ Pháp, về hàng loạt chủ đề được coi là nhạy cảm : từ vấn đề vai trò của nữ cựu bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn đến quá trình đi đến quyết định phong tỏa không dễ dàng hay khủng hoảng thiếu khẩu trang…
Le Point ghi nhận, tổng thống Pháp một mặt giãi bày để công chúng có đủ thông tin, nhưng ông cũng thường xuyên khẳng định : Tôi chịu trách nhiệm.
Nhìn chung, theo Le Point, tổng thống Pháp tỏ ra khiêm nhường, thể hiện là người lắng nghe những nỗi lo âu của xã hội. Điều mà nguyên thủ Pháp hướng đến hiện nay, trong những tháng tới, là xác lập được những định hướng mới sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chia sẻ với người dân Pháp, thuyết phục họ cùng làm theo.
Tập đoàn Elior : Pháp bảo vệ cả người lao động và doanh nghiệp
Trong lúc Le Point "lập biên bản" về các phản ứng của chính quyền Pháp trước đại dịch Covid-19, thì L’Obs thuật lại cơn chấn động Covid-19, thông qua lời kể của lãnh đạo tập đoàn Elior đa quốc gia của Pháp, chuyên về các dịch vụ ẩm thực. Tập đoàn Elior hoạt động tại ba châu : Âu, Á và Mỹ, với hơn 23.000 nhà hàng, 110.000 nhân viên, phục vụ 5 triệu suất ăn mỗi ngày.
Sau quyết định phong tỏa tại Pháp, tại Mỹ, tại Ấn Độ, tập đoàn Elior bị đặt trước tình trạng phải ngừng hoạt động, nhưng cố gắng không bỏ rơi các nhân viên. Theo tổng giám đốc tập đoàn, tình huống này cho thấy tính ưu việt của nước Pháp trong việc bảo vệ người lao động. Với nước Pháp, người làm công ăn lương bị buộc phải nghỉ việc sẽ được chính quyền bảo đảm duy trì 84% tiền lương. Tại Mỹ, 8.000 nhân viên của hãng được nhận phụ cấp thất nghiệp, trong lúc tập đoàn bỏ tiền chi bảo hiểm y tế cho các nhân viên nghỉ việc, nhưng vẫn duy trì hợp đồng lao động với công ty. Tại Ấn Độ, tình hình rất khác, vì hoàn toàn không có trợ giúp gì từ phía Nhà nước, trong lúc công ty lại không được sa thải nhân viên. Nhìn chung, theo lãnh đạo Elior, chính sách của nước Pháp bảo vệ tốt cả người làm công lẫn doanh nghiệp.
Trọng Thành
Chẳng cần phải thống kê số liệu để làm dẫn chứng, người thường nhất cũng biết cơn dịch Vũ Hán sẽ khiến cho kinh tế nhiều quốc gia lâm vào cảnh lao đao với những những nước mạnh, khốn đốn với những nước yếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 27/3/2020
Việt Nam tất nhiên là nước yếu, hiện nay con số người nhiễm dịch cúm Vũ Hán ngày càng tăng. Chính phủ đã phải ban hành những lệnh cấm khắt khe để ngăn chặn cơn dịch loang rộng. Điều tất nhiên là những lệnh cấm đoán đó ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, lưu thông hàng hoá, ngành nghề dịch vụ.
Lệnh cấm là việc phải làm trong cơn dịch, nó khiến cho kinh tế suy thoái là cái giá phải trả. Không ai phàn nàn gì về lệnh cấm, ai cũng hiểu đó là việc bất đắc dĩ phải làm.
Chiều ngày 27 tháng 3 năm 2020, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc họp thường trực chính phủ để đưa ra đề nghị tổ chức một cuộc họp hội nghị toàn quốc vào ngày 31 tháng 3 năm 2020. Hội nghị toàn quốc này sẽ bàn đến 4 mục tiêu lớn. Trong đó việc phục hồi kinh tế sau dịch là trọng tâm, thứ đến là bảo đảm an ninh giữ vững chế độ phòng trường hợp xấu đói kém sinh ra loạn lạc..
Những việc thủ tướng Phúc đưa ra đều là những việc hiển nhiên, ai cũng thấy cần phải tính toán đối phó với hậu quả của cơn dịch và đưa ra cách đối phó, như gợi ý của ông Phúc là tìm thị trường mới trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài.
Ông Phúc nói thêm : bắt tay vào việc thì mới vực dậy nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn liên quan đến chúng ta phục hồi.
Trong hai tháng đầu năm 2020 nhập của Trung Quốc gần 10 tỷ USD và xuất sang Trung Quốc 5 tỷ USD.
Trái lại xuất sang Mỹ hơn 10 tỷ USD và còn đang dự định nhập thêm thiết bị, vật dụng y tế để chống dịch tại Mỹ. Việt Nam nhập lại từ Mỹ 2 tỷ USD.
Xuất sang Châu Âu 6,5 tỷ USD, nhập về 3 tỷ USD.
Như vậy lẽ ra Việt Nam phải mong muốn thị trường Mỹ, Âu hồi phục mạnh trở lại, để nền kinh tế Việt được ăn ké theo. Thế nhưng, Việt Nam rất bạc bẽo và vô ơn, trong cơn dịch hoành hành bởi virus từ Trung Quốc. Các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam lại hả hê bày tỏ trước những con số thống kê thiệt hại của Mỹ, Âu. Thậm chí còn đi xa hơn thế là tuyên truyền theo hướng cơn dịch từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam đã được khống chế, nhưng sở dĩ bùng phát là do các nguồn từ Âu, Mỹ mang về.
Việt Nam mong Âu, Mỹ thiệt hại để Trung Quốc trỗi dậy chăng ?
Cái này thật khó hiểu, nhưng nếu biết rằng Việt Nam là nước cộng sản cùng với Trung Quốc thì lại chẳng có gì khó hiểu.
Người Buôn Gió
Nguồn : Thoibao.de, 28/03/2020
Virus corona : Khối Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa ngăn dịch (RFI, 18/03/2020)
Ngày 17/03/2020, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức quyết định đóng cửa các biên giới bên ngoài của khối này để cố ngăn chận đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, trong buổi họp báo sau cuộc họp khối G7 ngày 16/03/2020 tại Bruxelles, Bỉ. Reuters - JOHANNA GERON
Trong một cuộc họp từ xa qua video, các lãnh đạo của 27 nước thành viên đã thông qua đề nghị của Ủy Ban Châu Âu cấm các chuyến đi "không cần thiết" từ các nước khác đến Liên Hiệp Châu Âu. Theo lời ông Charles Michel, chỉ tịch Hội Đồng Châu Âu, biện pháp nói trên, mà toàn bộ các nước thành viên phải thực hiện, sẽ có hiệu lực "nhanh nhất có thể được".
Trong bài phát biểu tối thứ Hai16/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo trước là việc đóng cửa biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu sẽ có hiệu lực từ trưa 17/03. Về phần thủ tướng Đức Angela Merkel, tối 17/03, bà khẳng định là biện pháp này được áp dụng "ngay lập tức".
Theo đề nghị của Ủy Ban Châu Âu, quyết định về việc đóng cửa biên giới bên ngoài có dự trù một số ngoại lệ đối với các công dân Châu Âu và gia đình của họ, những người cư trú lâu năm ở Châu Âu, các nhà ngoại giao, nhân viên y tế, nhà nghiên cứu, những người qua lại biên giới để làm việc... Các công dân của Anh Quốc, quốc gia đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 31/01, cũng được xem là trường hợp ngoại lệ.
Lệnh cấm nhập cảnh Châu Âu là điều mà Pháp vẫn yêu cầu, nhất là để thuyết phục các nước thành viên khác đừng đóng cửa các biên giới quốc gia. Cho tới nay, tổng cộng đã có 10 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hoặc của không gian tự do đi lại Schengen đang kiểm soát chặt chẽ biên giới của họ để ngăn chận dịch virus corona.
Tối 17/03, phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh : "Tổng thống Emmanuel Macron đã cực lực chỉ trích những biện pháp đóng cửa biên giới bên trong Liên Hiệp Châu Âu mà không có sự phối hợp. Những biện pháp này không hiệu quả về mặt y tế, mà lại gây tác hại cho kinh tế". Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả của việc đóng cửa các biên giới bên trong Liên Hiệp Châu Âu đối với việc tự do lưu thông của công dân và hàng hóa, nhất là các sản phẩm y tế.
Trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ nhật báo Đức Bild ngày 18/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhìn nhận là toàn bộ các lãnh đạo chính trị của Liên Hiệp Châu Âu đã không đánh giá đúng tầm mức nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
Cũng vì lý do dịch bệnh mà cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trên nguyên tắc diễn ra trong hai ngày 26 và 27/03 tại Bruxelles sẽ được thay thế bằng cuộc họp từ xa qua video, theo thông báo của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm 17/03.
Thanh Phương
*******************
Virus Corona : Châu Âu và những biện pháp phòng ngừa khác nhau (RFI, 18/03/2020)
Ý là quốc gia đầu tiên tại Châu Âu ban hành lệnh "phong tỏa" toàn quốc và đang lo ngại dịch tràn xuống miền nam. Tây Ban Nha và Pháp noi gương Roma. Đức từng bước đóng cửa với các nước láng giềng và tuyên chiến với virus corona trên mặt trận kinh tế. Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng. Còn tại Budapest, chính quyền vẫn cho rằng "người nhập cư mang bệnh đến cho Hungary".
Thủ đô Luân Đôn Anh Quốc thời dịch virus corona. Ảnh chụp ngày 18/03/2020 Reuters - HANNAH MCKAY
Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng
Tính đến ngày 17/03/2020, Anh Quốc có hơn 1.500 ca nhiễm, 53 người tử vong. Vào lúc nhiều quốc gia tại Châu Âu đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học cũng như các địa điểm công cộng, cấm các cuộc tụ họp, chính quyền Anh mới chỉ đưa ra các khuyến cáo tránh tụ tập và lui tới những nơi đông người. Luân Đôn vẫn cho phép tổ chức một số sự kiện thể thao.
Luật sư Hoàng Đức Thắng sống tại Anh Quốc cho biết, đến nay, phương pháp chống dịch của thủ tướng Boris Johnson và chính phủ được phần lớn công luận và giới khoa học ủng hộ. Trong cuộc sống hàng ngày, không có sự hốt hoảng hay dân chúng đua nhau đi mua nhu yếu phẩm tích trữ. Bài phỏng vấn thực hiện hôm 16/03/2020.
Dân Ý làm quen với cảnh phải "xếp hàng"
Nhìn sang Ý, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 28.000 ca nhiễm virus corona, từ hôm 11/03/2020, từ bắc chí nam đã bị đặt trong tình trạng "phong tỏa". Mọi di chuyển đều bị giới hạn tối đa. Anh Phạm Hoàng Dũng từ Romacho biết tình hình vẫn rất căng. Có thêm những vùng bị nhiễm và chính phủ đang lo dịch tràn xuống miền nam. Đây là vùng đất nông nghiệp nghèo, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Một điểm khác khiến Roma lo ngại đó chính là "tác phong lè phè" của dân ở miền nam nước Ý.
Budapest : Covid-19, "bệnh người nước ngoài đem vào cho Hungary"
Tại Hungary, đến nay có hơn 50 ca lây nhiễm, và một bệnh nhân thiệt mạng. Budapest đã rất sớm ban hành tình trạng khẩn cấp chống dịch nhưng các biện pháp ngăn ngừa không triệt để như tại nhiều nước ở Tây Âu. Thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích.
Hungary có lẽ là nước đầu tiên trong khu vực Trung Âu ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 11/3, tức là cùng lúc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu". Đây là điều mà như chính giới Hung khẳng định, chưa từng có trong lịch sử 30 năm nay, kể từ khi nước này thay đổi thể chế.
Cho tới nay, Hungary đã có 50 trường hợp lây nhiễm Covid-19, trong đó có 39 công dân Hungary, và 1 ca tử vong vì Coronavirus. Lãnh đạo nước này tuyên bố nước Hung chuyển sang giai đoạn thứ hai của dịch bệnh - giai đoạn lây nhiễm tập thể và nhiều khi sẽ không thể xác định chính xác ai gây nhiễm cho ai.
Từ 11/3 tới giờ, nội các Hungary cho thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống Coronavirus, hoạt động gần như 24/24h hàng ngày, và mỗi buổi chiều lại có họp báo rất được công luận theo dõi. Nước này cũng đang gấp rút cho xây dựng một bệnh viện dã chiến, thiết lập các khoa Truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Mặc dù "vào cuộc" sớm như vậy nhưng các biện pháp của Hungary lại mang tính "nhẹ nhàng" : nước này chưa ban lệnh giới nghiêm (mà mới chỉ khuyến cáo các vị cao niên chớ ra đường), chưa đóng cửa các hàng quán, cửa hàng không thiết yếu (mà mởi chỉ hạn chế giờ mở cửa tới 15h), và mới hôm qua mới chỉ thị đóng biên giới.
Người dân Hungary, trong nhiều trường hợp cũng lao vào mua sắm các mặt hàng cần dùng cho đời sống thường nhật như gạo, thịt, bột, đường, giấy toilet... Khẩu trang và nước rửa tay đã hết từ lâu, cho dù chưa mấy người đeo khẩu trang. Đường sá vắng ngắt, nhưng hiện tượng hoảng loạn chưa thấy phổ biến.
Mục tiêu chính trị của Hungary
Cũng như ở một số nước Châu Âu, phân biệt đối xử, kỳ thị, hoặc ở mức nhẹ hơn là những hành động bất lịch sự, ác cảm với người Châu Á đã xảy ra tại Hungary hàng tháng trước, khi căn bệnh Covid-19 còn chưa xâm nhập vào Hung. Không có những trường hợp quá lớn, nhưng nhiều người Việt cho hay họ đã gặp phải.
Nhiều doanh nghiệp phải trương biển "Chúng tôi là người Việt Nam" để tránh sự phân biệt, kỳ thị dành cho người Hoa. Chính cộng đồng người Hoa tại Hungary cũng phải dấy lên một phong trào vận động những người Hoa có uy tín trong xã hội Hung, hãy lên tiếng để giải tỏa niều hiểu nhầm, tin thất thiệt và sự kỳ thị vô căn cứ.
Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Orbán Viktor, trong một số phát biểu, vẫn tiếp tục coi là có mối quan hệ giữa dân nhập cư và dịch bệnh, và rằng "người nhập cư đã mang bệnh tới Hungary". Ám chỉ việc một số bệnh nhân đầu tiên của dịch Covid-19 là các sinh viên Iran theo học tại Hungary. Nhiều sinh viên Iran đã bị trục xuất, vì bị coi là không hợp tác với các biện pháp của chính quyền.
Đại diện của Tổ chức Ân xá Thế giới tại Hungary nhận xét : với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Hung tiếp tục thâu tóm trong tay một quyền hành vô biên, mà thật ra không cần phải đến thế cũng có thể xử lý được tình trạng bệnh dịch. Đây rất có thể là một con bài trong tay nội các Hung, đê tiếp tục thi hành những bước đi phi dân chủ ở xứ này...
Người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế của Đức
Sát cạnh với Pháp là Đức, nơi số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây : hơn 6.000 bệnh nhân dương tính với virus corona. Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp cấm lui tới các nơi công cộng. Cộng đồng người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế rất tốt của Đức. Các hoạt động tại khu chợ Đồng Xuân ở Berlin suy giảm nhưng các doanh nghiệp vững tin vào chính sách hỗ trợ kinh tế của chính quyền Angela Merkel như trình bày của thông tín viên Lê Trung Khoa từ Berlin.
Thanh Hà
******************
Pháp mạnh tay phạt 135 euro người vi phạm lệnh phong tỏa (RFI, 18/03/2020)
Người dân Pháp đang tập thích nghi với nhịp sống mới. "Ở nhà" tối đa, trừ năm trường hợp ngoại lệ và phải có tờ khai lý do. Sau thời gian đầu nhắc nhở, mức phạt những người vi phạm sẽ lên thành 135 euro từ ngày 18/03/2020, thay vì 38 euro.
Cảnh sát nhắc nhở một du khách trên đại lộ Champs-Elysée, París, ngày 17/03/2020 sau khi lệnh cách ly có hiệu lực từ 12 giờ. để chống dịch virus corona. AFP
Năm trường hợp ngoại lệ gồm : đi làm, nếu công việc bắt buộc phải hiện diện (đài phát thanh, truyền hình, bác sĩ, lao công…), đi chợ mua nhu yếu phẩm, lý do gia đình hoặc giúp người cao tuổi, di chuyển trong phạm vi hẹp quanh nơi ở (mua thuốc, khám bệnh…) hoặc hoạt động thể thao cá nhân.
Trả lời đài Franceinfo sáng 18/03, ông Maddy Scheurer, phát ngôn viên của hiến binh, nhận xét : "Nhìn chung các quy định được tôn trọng trong ngày hôm qua (17/03)". Tuy nhiên, các biện pháp sẽ được siết chặt hơn. Người vi phạm sẽ bị phạt theo quy định thay vì được giải thích, thông cảm như trong ngày đầu áp dụng. Pháp cũng có ý định cấm công dân Anh nhập cảnh nếu Luân Đôn không áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn dịch Covid-19.
Những biện pháp mạnh tay này được đưa ra trong bối cảnh số người nhiễm virus corona tại Pháp tiếp tục tăng nhanh, đã có thêm gần 1.100 ca mới chỉ trong vòng 24 giờ. Tính đến hết ngày 17/03, Pháp có 7.730 người bị nhiễm virus corona, trong đó có 699 ca nghiêm trọng và 175 người chết.
Theo khuyến cáo của bộ trưởng Y tế Pháp, khi bị sốt, chỉ được uống thuốc paracétamol để hạ sốt, cấm uống thuốc giảm đau ibuprofène và cortisone. Do nhu cầu quá cao, các hiệu thuốc buộc phải hạn chế số lượng bán cho mỗi người.
Pháp không loại trừ khả năng quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp
Theo AFP, sau khi thông báo tăng trưởng của Pháp có thể đạt tăng trưởng -1% trong năm 2020, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cho biết không loại trừ khả năng Nhà nước mua cổ phần, thậm chí "quốc hữu hóa, nếu cần thiết" một số doanh nghiệp để tránh tình trạng phá sản, sa thải hàng loạt. Đây là một trong những phương tiện để "bảo vệ các doanh nghiệp lớn của Pháp" được ông Bruno Le Maire nêu trong buổi họp báo qua video.
AFP nhắc lại giá trị cổ phiếu của một số tập đoàn, như Air France-KLM, bị mất giá nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất ô tô Pháp như Renault, PSA hoặc Michelin đã phải đóng cửa các nhà máy ở Pháp. Airbus đã phải ngừng sản xuất ở Pháp và Tây Ban Nha trong vòng bốn ngày.
Thu Hằng
***************
Virus corona : Hà Lan không sử dụng biện pháp phong tỏa (RFI, 18/03/2020)
Trong bối cảnh Pháp và Anh đều bắt đầu áp dụng các biện pháp mạnh kể từ ngày 17/03/2020 : hạn chế đi lại và tụ tập trên toàn quốc để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, Hà Lan, một nước gần cả Pháp lẫn Anh, đã không chọn phương thức của hai láng giềng, cho dù tính đến trưa 18/03, nước này đã có 1.710 ca nhiễm, trong đó có 43 người chết.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là một, nếu không muốn nói là lãnh đạo duy nhất áp dụng chiến lược miễn nhiễm tập thể để chống dịch bệnh coronavirus. Reuters/Yves Herman
Thông tín viên RFI, Pierre Bénazet tường thuật từ Bruxelles :
Thủ tướng Mark Rutte thiên về giải pháp "miễn dịch cộng đồng" bằng cách từ chối áp dụng các biện pháp mạnh như cô lập, đóng cửa cơ sở, hạn chế đi lại. Đối với ông, cần phải có tối đa người phát triển loại kháng thể chống Covid-19.
Theo thủ tướng Mark Rutte, nhiều người Hà Lan sẽ bị nhiễm virus corona, sẽ tự tạo ra kháng thể chống virus và càng có nhiều người miễn dịch thì càng ít khả năng người sức khỏe yếu kém hay già yếu bị lây nhiễm.
Với chủ trương cứ để cho virus di chuyển, chính quyền đã không ban hành các biện pháp như cô lập, đóng cửa các cơ sở đông người, vì việc cô lập hoàn toàn Hà Lan, theo thủ tướng Rutte, có thể kéo dài từ nhiều tháng đến một năm mà không bảo đảm được là dịch Covid-19 sẽ không hoành hành trở lại một khi các biện pháp này được dở bỏ.
Tuy nhiên, việc miễn dịch tập thể phải mất hàng tháng trời mới có được và để tránh tình trạng bệnh viện quá tải, chính quyền Hà Lan cũng đã thông báo đóng cửa hàng loạt trường học, quán cà phê, nhà hàng, cũng như các cửa hiệu hút cần sa (gọi là coffee shop) và các nhà chứa.
Và cho dù người Hà Lan rất có kỷ luật, họ cũng đã tích trữ nhu yếu phẩm, và đặc biệt là đổ xô đến các coffee shop để mua cần sa về tích trữ. Do đó, chính quyền đã cho mở lại các coffee shop này - nhưng chỉ cho bán đem đi - để tránh tệ nạn buôn lậu ma túy.
Mai Vân
******************
Virus corona : Mỹ chuẩn bị kế hoạch cả nghìn tỉ đô la để đối phó (RFI, 18/03/2020)
Sau một thời gian có vẻ như bình chân như vại trước đại dịch virus corona (Covid-19), ngày 17/03/2020, chính quyền Mỹ đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ tài chính khẩn cấp, với quy mô lớn chưa từng có, kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Chính quyền Donald Trump dự kiến cung cấp thêm từ 800 đến hơn 1 000 tỉ đô la cho các doanh nghiệp và các gia đình người Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các đại diện ngành du lịch, khách sạn, bị tác động vì virus corona, ngày 17/03/2020 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. Reuters - LEAH MILLIS
Theo AFP, tổng thống Donald Trump cho biết bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đang làm việc với Quốc Hội lưỡng viện về một chương trình trợ giúp ‘‘táo bạo và rất quan trọng’’. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ không nói rõ số tiền dự kiến cho kế hoạch, hiện đang được thảo luận, nhưng theo truyền thông Mỹ, sẽ có khoảng 850 tỉ được tung ra. Kênh truyền hình CNBC thậm chí còn nêu ra con số hơn 1.000 tỉ đô la.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ nhấn mạnh là các trợ giúp tài chính sẽ phải được cung cấp không chậm trễ, cho không chỉ các gia đình, mà đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hiện đang điêu đứng vì khủng hoảng. Cùng với ngành khách sạn, các hãng hàng không đang ở trong ‘‘tình trạng bi đát’’ còn hơn cả sau vụ khủng bố tấn công ngày 11/09/2001.
Trước đó, Ngân Hàng Trung Ương cũng ban hành một loạt các biện pháp để bảo đảm là nền kinh tế hấp thu tốt hàng nghìn tỉ đô la đã được Ngân Hàng Trung Ương bơm thêm vào từ khoảng một tuần này. Đây là lần đầu tiên Ngân Hàng Trung Ương tái lập cơ chế, vốn đã được sử dụng trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008 : Đó là bảo đảm các ngân hàng có khả năng cấp tín dụng cho các cá nhân và các doanh nghiệp, để việc trả nợ không gặp khó khăn. Bởi nếu người dân và doanh nghiệp Mỹ không có tiền hoàn các khoản nợ đến hạn, thì khủng hoảng do Covid-19 sẽ thêm phần tồi tệ.
Hôm thứ Hai 16/03, lần đầu tiên tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận nền kinh tế Hoa Kỳ có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Trọng Thành
******************
Chính quyền Tổng thống Trump muốn triển khai gói kích cầu nghìn tỷ đô (VOA, 18/03/2020)
Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 17/3 muốn triển khai gói kích cầu trị giá một nghìn tỷ đôla, trong đó có bao gồm cả khoản tặng công dân Mỹ mỗi người lên tới 1 nghìn đô, nhằm giảm tác động kinh tế của dịch virus Corona, theo Reuters.
Tin cho hay, hiện tất cả 50 bang của Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 với tổng số các ca vượt quá 6.400 người.
Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đã đạt được tiến bộ trong chiến dịch chống Covid-19 đang lây lan nhanh.
Theo Reuters, ông Trump dự đoán rằng kinh tế Mỹ sẽ "phục hồi chóng vánh" khi các ca lây nhiễm chậm lại.
Hãng tin Anh nói rằng sau nhiều ngày có tuyên bố giảm nhẹ mức độ tác động của Covid-19 và tập trung vào thị trường chứng khoán, chính quyền của ông Trump đã bắt đầu thúc đẩy các hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn các động về kinh tế lẫn nhân mạng.
Reuters nói rằng gói kích cầu trị giá một nghìn tỷ đôla bao gồm cả khoản 50 tỷ đôla dành cho các hãng hàng không đang đối mặt với khả năng bị phá sản.
*******************
Virus corona : Hy Lạp cô lập các trại tị nạn trên các đảo (RFI, 18/03/2020)
Tại Hy Lạp, sinh hoạt đã chậm lại hẳn do dịch virus corona (Covid-19) hoành hành và vì những biện pháp giới hạn đã được ban hành. Tính đến trưa 18/03/2020, trên toàn quốc đã có 387 ca nhiễm, với 5 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vấn đề ở Hy Lạp là số người tị nạn đông đảo, nên chính quyền đã quyết định cô lập các trại người xin tị nạn trên các đảo ở biển Aegean (Egée).
Người tị nạn tại trại Moria, trên đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 13/12/2019. Reuters/Giorgos Moutafis
Biện pháp cô lập lúc ban đầu dự kiến kéo dài hai tuần, và liên quan đến khoảng 40.000 người trên 5 đảo gần Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có đảo Lesbos.
Thông tín viên RFI tại Athens, Joel Bronner, tường thuật :
Biện pháp cô lập lại có nguy cơ làm tăng cảm giác bị bỏ rơi đối với những người xin tị nạn ở vùng biển Aegean. Nhiều quan sát viên, đứng đầu là các tổ chức phi chính phủ, rất lo ngại về hậu quả của dịch Covid-19 do điều kiện sống đã rất tồi tệ tại đây.
Tuần qua, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đã kêu gọi chính quyền Hy Lạp cho di tản ngay người trong tất cả các trại ở các đảo Lesbos, Samos, Chios, Kos và Levros, để tránh bị virus lây nhiễm nhanh chóng.
Bên trong và chung quanh các trại quá tải này, điều kiện vệ sinh rất tồi tệ. Tất cả những lời khuyên như rửa tay đều đặn, không có ý nghĩa gì khi mà, như Y Sĩ Không Biên Giới đã nhấn mạnh, một số nơi ở trại Moria, lớn nhất Châu Âu, chỉ có một vòi nước cho 1.300 người. Đó là chưa kể đến việc người tị nạn phải sống sát cạnh nhau.
Giờ đây mọi hoạt động trong các trại bị đình chỉ và không người ở ngoài nào được đến đấy. Việc ra khỏi trại để đến những cửa hàng hiếm hoi còn mở cửa, như nhà thuốc, siêu thị, chính thức được khuyến cáo là không nên.
Các biện pháp hiện tại có vẻ rất khó chịu đựng nổi, và làm dấy lo ngại rằng bạo đông sẽ lại bùng lên.
Mai Vân
*******************
Nga tung tin sai, ‘reo rắc’ sợ hãi về Corona ở phương Tây (VOA, 18/03/2020)
Truyền thông Nga đã mở "chiến dịch lớn, phát tán các thông tin sai" về virus Corona, gây sợ hãi và mất lòng tin lẫn nhau ở phương Tây, Reuters đưa tin, dẫn báo cáo của Liên minh Châu Âu.
Báo cáo nói rằng chiến dịch của Nga đã dùng tin giả bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức và Pháp để gây nhiễu loạn cũng như làm cho EU khó có thể truyền tải phản ứng của tổ chức này về dịch bệnh.
Điện Kremlin hôm 18/3 đã bác bỏ các cáo buộc mà Nga nói là vô căn cứ này.
Reuters dẫn báo cáo nội bộ dài 9 trang đề ngày 16/3, trong đó nói rằng "chiến dịch lớn, phát tán các thông tin sai của truyền thông nhà nước của Nga cũng như các cơ quan tin tức thân Kremlin vẫn tiếp diễn" nhằm "làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về y tế công ở các nước phương Tây".
Dữ liệu của EU ghi nhận gần 90 trường hợp tung tin sai về virus Corona kể từ ngày 22/1.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, chỉ ra điều ông nói là việc thiếu dẫn chứng cụ thể cũng như đường dẫn tới các cơ quan báo chí cụ thể trong tài liệu của EU.
****************
Nga : Người không tự cách ly vì Covid-19 có thể bị tống giam (VOA, 08/03/2020)
Chính quyền thành phố Moscow hôm 8/3 đe dọa sẽ tống giam lên tới 5 năm đối với những người phớt lờ yêu cầu tự cách ly hai tuần tại nhà sau khi tới các nước bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, theo Reuters.
Tin cho hay, chính quyền thủ đô của Nga đã công bố tình trạng "cảnh giác cao" vì Covid-19 cũng như áp đặt thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus này.
Theo chính quyền Moscow, những ai có triệu chứng của Covid-19 sau khi trở về từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha thì phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Cơ quan phụ trách y tế của Moscow, theo Reuters, hôm 8/3 nói rằng những ai phớt lờ quy định trên sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, trong đó có việc có thể bị tống giam lên tới 5 năm.
Cơ quan này nói rằng chính quyền sẽ kiểm tra việc tự cách ly bằng cách sử dụng hệ thống camera an ninh.
Reuters dẫn lời cơ quan này nói rằng các cư dân tự cách ly có thể đưa chó đi dạo, nhưng chỉ khi có ít người nhất trên đường phố và họ phải đeo khẩu trang.
Tin cho hay, tới nay, có 15 ca nhiễm Covid-19 ở Nga.
Phương Tây tự hại nếu nhượng bộ Putin và Erdogan
Tình hình địa chiến lược tại Trung Đông, bạo động xã hội ở Chile, ở Lebanon, bế tắc Brexit vẫn là chủ đề chung của báo Pháp ngày 22/10/2019. Bên cạnh đó, Le Monde giải thích vì sao cần phải cứng rắn với Putin và Erdogan. Le Figaro chú ý "cuộc chiến đòi nợ" của những đứa trẻ mà cha mẹ bị Stalin lưu đày. La Croix dành một bài cho thông điệp hòa bình của Kim Phúc, một nạn nhân chiến tranh Việt Nam, hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, ra mắt sách "Cứu rỗi từ địa ngục".
Sử gia Françoise Thom : Người luận tội Putin
Sử gia Françoise Thom, người luận tội Putin" - Ảnh minh họa
Hãy chấm dứt cuốn phim dài nhiều tập nhàm chán này, Le Monde công kích Anh Quốc qua bài xã luận cùng tựa, 10 ngày trước khi đến thời điểm Brexit. Nhưng đối tượng bị phê phán nghiêm khắc nhất là tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Với tựa "Françoise Thom, người luận tội Putin", Le Monde giới thiệu một nữ sử gia, giáo sư đại học Pháp vừa về hưu, người bị tổng thống Nga xem là khắc tinh.
Được đào tạo trong trường phái của sử gia Alain Besançon, phản tỉnh từ thời hoàng kim của Liên Xô, Françoise Thom là một trong những tiếng nói bị Kremlin thù ghét nhất. Luận án tiến sĩ với đề tài "lưỡi gỗ", Françoise Thom luôn nói thẳng nói thật điều mình nghĩ. Trong một cuộc hội thảo do Le Monde tổ chức ngày 05/10/2019 về chính sách can thiệp của Putin, một phóng viên đài Russia Today, cơ quan tuyên truyền thân Putin, vừa chìa micro định phỏng vấn thì nhận ngay một câu từ chối : anh nên chọn một nghề lương thiện mà làm.
Giáo sư chuyên gia về Liên Xô và nước Nga cũng rất thẳng thắn khi gọi chế độ Putin là "chế độ dã thú". Bà là tiếng nói công kích Putin triệt để khác với cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine, chủ trương thân thiện với Moskva vì nhu cầu "thực dụng".
Tháng 8/2019, trước khi tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga nhân G7, Françoise Thom cùng với một giáo sư gốc Nga Galia Ackerman ký một bức tâm thư tố giác sai lầm của Emmanuel Macron : Mời một kẻ công khai chủ trương tiêu diệt trật tự thế giới và kéo Châu Âu vào một chế độ quân phiệt - cảnh sát trị để làm gì ?
Quyển sách "Tìm hiểu chủ thuyết Putin" được nhiều người xem là kim chỉ nam, là binh pháp chống Nga. Mạng xã hội thân Putin không tiếc lời xỉ vả Françoise Thom "là gái điếm của Do Thái" là "lãnh tụ chống Nga". Còn Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc nữ chuyên gia Pháp "nhận tiền" của Luân Đôn. Bà bất chấp.
Thực ra, Françoise Thom, lúc nhỏ theo cha sống bốn năm tại Mỹ, nhưng khi lên đại học, do khám phá nền văn học Nga, bà sang Nga du học. Nhờ đó, như chính bà tâm sự "tôi nhìn thấy cái xấu xa của hiện tượng lẫn cái tồi tệ trong bản chất". Cả một xã hội sống trong lừa dối và lừa dối nhau.
Thầy trò Alain Besançon - Françoise Thom trong một thời gian dài bị giới trí thức Pháp thiên tả nghi kỵ, thù ghét. Nhưng chuyện gì phải đến đã đến vào năm 1990 như mọi người đã thấy. Riêng Françoise Thom, khi thấy Yeltsin huy động xe tăng bà đâm ra lo ngại. Rồi đến Putin lên cầm quyền "với một băng đảng được đào tạo trong rừng hoang hậu cộng sản" làm bà rợn người.
Cũng trên Le Monde, liên quan đến Syria, hai chuyên gia Stephane Breton và Patrice Franchesci cùng viết chung một bài đòi phải "trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ"ra khỏi NATO. Biết rằng không được nhưng sẽ làm cho Erdogan bớt lớn lối bắt chẹt các nền dân chủ phương Tây.
Mỹ lùi đến đâu ? Anh Pháp đoàn kết lại
Thái độ nhân nhượng của Mỹ tạo khoảng trống cho Nga và Trung Quốc lấn tới. Le Figaro phân tích cội nguồn và đề xuất giải pháp đối phó qua bài "Hoa Kỳ lùi bước đến đâu ?".
Theo tác giả Renaud Girard, trong quan hệ quốc tế, không có gì nguy hiểm cho bằng biểu lộ sự yếu đuối qua việc rút lui. Donald Trump đã ba lần liên tiếp phạm lỗi này : không trả đũa Bắc Triều Tiên, không giữ lời hứa bảo vệ Saudi Arabia khi bị Iran oanh kích và gần đây là nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ người Kurdistan.
Hành động này là một tín hiệu xấu cho các nước Baltic, cho Đài Loan là Mỹ không muốn chiến đấu nữa. Tệ hơn nữa, là trợ sức một cách không cần thiết cho Putin và Erdogan và Tập Cận Bình.
Liên quan đến Trung Quốc, Hoa Kỳ đã gửi tín hiệu yếu đuối này từ thời Obama. Chính trong nhiệm kỳ của Obama, hải quân Trung Quốc tự do quân sự hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong tình huống này, có nên hy vọng Hoa Kỳ tỉnh thức hay không ? Renaud Girard bi quan. Theo ngòi bút này, điều chắc chắn duy nhất, có thể tin cậy được là Anh và Pháp, hai cường quốc quân sự Châu Âu phải hợp tác chặt chẽ với nhau, cho dù Brexit hay không Brexit, tuân thủ hiệp định phối hợp hành quân Lancaster House năm 2010.
Nga : Hành trình đòi công lý cho nạn nhân Goulag
Cũng liên quan đến Nga, nhật báo thiên hữu dành một trang trình bày hành trình đòi công lý của ba người phụ nữ có cha mẹ, trong số 20 triệu nạn nhân của Stalin vùi thây trong các quần đảo ngục tù Goulag. Hôm nay, là ngày Tòa Bảo Hiến Nga xét đơn yêu cầu chính quyền hiện tại thi hành luật bồi thường, ban hành năm 1991, vài tháng trước khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Ba người phụ nữ, không cùng gia đình nhưng có số phận thương tâm giống nhau. Họ quyết tâm đòi lại căn hộ bị chính quyền tịch biên, cha mẹ bị lưu đày lên vùng Siberia.
Sau khi Stalin qua đời, chính sách phục hồi danh dự nạn nhân Stalin được ban hành nhưng rất nhiều nạn nhân không được phục hồi quyền công dân. Bởi lẽ, đa số căn hộ tịch biên đã được cấp cho nhân viên mật vụ chính trị NKVD. Cụ thể là trong số 7.000 căn hộ ở Moskva của tù nhân chính trị, Bộ Nội vụ chiếm 4.300.
Đại đa số tù chính trị bị cấm cư ngụ ở 300 thành phố và trong một đường kính 100 km tính từ trung tâm thủ đô Moskva.
Khi lòng dân bất mãn thì châu lục nào cũng thế
Người dân Lebanon ở Trung Đông và Chile ở Nam Mỹ tiếp tục xuống đường bạo động. Dân Thụy Sĩ đưa phong trào môi trường lên hàng thứ hai trong sinh hoạt chính trị. Đâu là những điểm tương đồng ?
Tại Lebanon, nhân dân đoàn kết xuống đường chống lãnh đạo chính trị tham nhũng, thủ tướng Saad Hariri hứa sẽ ban hành các biện pháp cải cách với hy vọng làm giảm cơ phẫn nộ của một phong trào Mùa Xuân Ả Rập, theo màu sắc Lebanon.
Đồng điệu với đồng nghiệp Le Monde, nhật báo La Croix trong bài bình luận "cơn giận của nhân dân" cảnh báo : từ Ecuador, Iraq, Lebanon, Chile… không thiếu những hình ảnh phẫn nộ. Trong nhiều tuần qua, dân chúng xuống đường chống chế độ đương quyền và đôi khi diễn ra trong thảm kịch với hơn 100 người chết như ở Iraq hay hơn một chục người chết ở Chilê.
Lòng dân bất mãn cũng là cội nguồn biểu tình ở các nước khác và với hình thức khác như phong trào "Gilets jaunes" (Áo Vàng) ở Pháp. Dĩ nhiên không thể so sánh cuộc sống ở Iraq với Pháp hay Chile. Nhưng tất cả có cùng một điểm chung là chống "bất công xã hội" và lên án chính phủ đứng về phía kẻ mạnh. Giải pháp duy nhất là giới cầm quyền phải tỏ ra thật sự gương mẫu và đứng về phía nhân dân.
Le Figaro đi sâu vào chi tiết với nhận định : Chile ngày nay không phải là Chile thời Pinochet. Nhưng từ khi chế độ quân phiệt sụp đổ đến nay, các đảng chính trị dân sự tả hữu đều tiếp tục mô hình kinh tế tân tự do của chính quyền quân sự để lại. Đã thế, hai lời hứa của tổng thống Pinera kích thích tăng trưởng kinh tế và làm giảm thất nghiệp không được thực hiện. Sinh viên Chile phải vay nợ để đóng học phí, giờ đây với biện pháp tăng giá vé chuyên chở công cộng, dân chúng nổi giận và nổi dậy là điều không thể tránh được.
Lòng dân Thụy Sĩ : chống biến đổi khí hậu qua lá phiếu
Tại Thụy sĩ, chiến thắng của phong trào môi trường trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm Chủ nhật (20/10/2019) là "một trận động đất". Số ghế của đảng xanh, cánh tả và đảng xanh tự do, cánh hữu được tăng gấp đôi, đưa phong trào bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu trở thành lực lượng thứ hai tại Thụy Sĩ, Libération nhấn mạnh. Đảng cánh hữu, dân túy vẫn đứng nhất nhưng bị mất đến 4 điểm.
Giải thích của Le Monde : tại quốc gia miền núi đang bị biển đổi khí hậu tác hại, giới trẻ Thụy Sĩ nghe theo tiếng gọi của Greta Thunberg, xuống đường đông đảo nhân cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu do cô bé đấu tranh Thụy Điển phát động hồi tháng 9. Tinh thần ý thức này được thể hiện qua lá phiếu bầu Quốc hội cuối tuần qua.
Kim Phúc : Phía sau ngọn lửa Napalm có Chúa
"Bác Đồng ơi, bác mà không tin Chúa là có nguy cơ xuống địa ngục". Đó là lời khuyên chân tình của Kim Phúc trong một dịp trao đổi với cố thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Nhật báo công giáo La Croix thuật lại trong bài "Chúa, đằng sau ngọn lửa của bom Napalm".
Bức ảnh "Cô bé napalm" của phóng viên chiến trường Nick Ut được giải thưởng Pulitzer năm 1973.
Kim Phúc cách nay hơn 46 năm là nạn nhân của một vụ ném bom napalm ở Việt Nam. Bức ảnh "Cô bé napalm" của phóng viên chiến trường Nick Ut được giải thưởng Pulitzer năm 1973. Nhân dịp ra mắt quyển sách "Cứu rỗi từ địa ngục" (Sauvée de l’enfer) tại Paris, Kim Phúc dành cho La Croix một buổi tiếp xúc. Cô bé năm xưa nay là một phụ nữ ở tuổi 50, thân thể vẫn còn hằn vết sẹo, nhưng đã hoàn toàn "hòa giải" với quá khứ đau thương : "Trước vụ ném bom, tôi có một cuộc sống tự do, vô tư, giữa vườn cây trái và bầy gia súc".
Kim Phúc hồi tưởng lại, khi chiến trận xảy ra, cô bé 9 tuổi cùng anh em trú ẩn trong một ngôi chùa. Binh sĩ Nam Việt Nam kêu các em chạy ra nhưng quá trễ, bốn quả bom từ trên trời rơi xuống. Kim Phúc vẫn tiếp tục chạy trước khi ngã xuống, quần áo, da thịt nào chịu nổi sức nóng 3000°C.
Câu chuyện tiếp tục với những tình tiết mà cả thế giới đều biết. Trong thập niên 1980, Kim Phúc trong nỗ lực tìm hiểu về cuộc đời đã cảm thấy khát vọng tìm đến Chúa Jesus.
Chính quyền Việt Nam lập tức cấm Kim Phúc đi học vì thần tượng dùng để tuyên truyền đã chọn theo đạo Thiên Chúa. Nhưng Kim Phúc vẫn kiên trì và như có phép lạ, Kim Phúc được thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng che chỡ. Năm 1986, Người "cha tinh thần" đã giúp Kim Phúc đi du học tại Cuba, lấy chồng là một sinh viên Việt Nam, ở miền Bắc. Sau đó hai vợ chồng có cơ hội tị nạn chính trị tại Canada và đã có hai con, lại một phép lạ. Từ năm 1997, Kim Phúc là đại sứ thiện chí của UNESCO.
Đối với Kim Phúc, những phép lạ trong đời là do Chúa ban cho. Khi chồng và gia đình chồng quyết định theo đạo Thiên Chúa, đó cũng là một phép lạ. Đức tin của Kim Phúc lớn mạnh đến mức cô không ngần ngại chia sẻ với công chúng qua quyển sách "Cứu rỗi từ địa ngục" như đã một lần chia sẻ với nhân vật mà cô gọi là "bác" Phạm Văn Đồng : "Bác ạ, nếu bác không tin Chúa, bác có thể bị sa địa ngục".
Tú Anh
Vẫn còn có khá nhiều người Việt, trong lẫn ngoài nước, hy vọng một phép màu từ các nước phương Tây, như Mỹ, Úc, Canada, Đức… có thể làm một điều gì đó, mang Dân chủ đến cho Việt Nam. Tuy nhiên, có những mơ ước viển vông, thì khó lòng thành hiện thực. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả Nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của Dân chủ, để đổi lấy lợi ích thương mại.
Trông cậy vào phương Tây mang lại dân chủ cho Việt Nam là viển vông. Ước mơ đó đang tan thành mây khói, vì chính quyền phương Tây ngày nay đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của dân chủ để đổi lấy lợi ích thương mại. Có thể gọi đó là một thất bại lương tâm (moral failure)
Từ chối chỉ trích và lên án mạnh mẽ những bắt bớ và đàn áp hung bạo của nhà nước cộng sản, đối với những công dân Việt Nam ôn hòa, phần nào thể hiện sự sa sút đạo đức và lương tâm.
Người viết sẽ dẫn chứng 4 sự kiện gần đây nhất, để chứng minh sự thất bại lương tâm (moral failure) của những nhà lãnh đạo trong các tổ chức tầm cỡ, để người đọc thôi dựa vào phương Tây mang Dân chủ đến cho Việt Nam
1. Viện Di Sản (The Heritage Foundation)
31/5/2017, trong chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viện Di Sản (Heritage Foundation) có mời ông Phúc đến đọc diễn văn vào buổi chiều cùng ngày. Viện Di Sản là một tổ chức lớn, gồm những chuyên gia cố vấn (think tank) có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định và thực thi chính sách của Hoa Kỳ. Trong buổi nói chuyện của ông Phúc tại Viện Di Sản, bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, thành viên của Voice of Vietnamese Americans (Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt), là khách mời, nhưng đã bị đuổi ra khỏi hội trường,trước khi ông Phúc đọc diễn văn,vì sức ép của Hà Nội. Bà Giao kể lại sự việc với người viết trong nỗi thất vọng và tức giận, bởi bà đã rất ôn hòa và không hề có một hành động nguy hiểm, hoặc khiêu khích nào khiến cho nhà cầm quyền phải lo sợ. Phóng viên Hoàng Long của đài tiếng nói Hoa Kì VOA đã tường thuật lại sự việc :
"Bà Giao nói khi bà cố gắng giải thích bà có tên trên danh sách khách mời và được cấp thẻ khách mời, các nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam khăng khăng đòi bà trả lại thẻ này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ Di sản hối thúc bà chấp hành yêu cầu đó.Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại của đài tiếng nói Hoa Kì VOA hỏi về sự việc. VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải bà Giao ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận. Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ phận báo chí của Quỹ Di sản".
Người viết có mặt tại cổng ra vào của Viện Di Sản vào thời điểm chị Giao bị đuổi ra khỏi tòa nhà và chứng kiến nhân viên an ninh, Robert Fisher, một cách gay gắt ép chị Giao ra khỏi đó. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người viết cũng đã email trực tiếp cho Phó Giám đốc (Vice President) và bộ phận chí của Viện Di Sản để yêu cầu hồi đáp vì sao họ lại đi ngược lại những giá trị dân chủ và tự do mà họ đang đại diện. Tuy nhiên, cho đến này người viết vẫn không nhận được bất kì hồi đáp nào từ họ.
2. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
11/7/2017, Greg Rushford, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng và trang Rushford Report, có tiết lộ những thông tin tuyệt mật về nhà cầm quyền Hà Nội, đã dùng tiền để chi phối hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), vốn là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, gồm các chuyên gia cố vấn (think tank) uy tín của Hoa Kì hơn 50 năm qua. Vài chi tiết đáng chú ý của bản báo cáo :
"Kể từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tặng CSIS hơn $450.000 để tổ chức các buổi hội thảo hàng năm về biển Đông. Qua nhiều năm, CSIS đã tăng thêm $55.000 từ tài khoản nội bộ của nhóm chuyên gia này, nguồn của nó không được xác định trong tài liệu mà tôi được cho xem".
"Trên hết mọi thứ, chính phủ Việt Nam muốn giới ưu tú trong chính sách đối ngoại ở Washington không để mắt tới các vi phạm thô bạo về nhân quyền của Hà Nội. Đảng Cộng sản xem sự tồn tại của chính họ là phụ thuộc vào khả năng tiếp tục đàn áp ngay cả người bất đồng chính kiến ôn hòa".
("How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington, Greg Rushford, Rushford Report, 11/7/2017).
Chính quyền Việt Nam đã dùng rất nhiều tiền để mua hợp tác ngoại giao từ những tổ chức có ảnh hưởng lớn ở Washington. Và quan trọng hơn, các tổ chức tầm cỡ đóđã thể hiện rằng, sự im lặng của họ trước những vi phạm nhân quyền, có thể được mua bằng tiền.
3. Tập đoàn vận Động hành lang Podesta (The Podesta Group)
Tập đoàn Podesta, một cơ quan vận động hành lang quyền lực ở D.C., có quan hệ chặt chẽ với Hilary Clinton and các nhà sản xuất quốc phòng, cũng nhận tiền của chính quyền Việt Nam. Nhóm này đã vận động gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trợ giúp Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), và chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Obama. Hồ sơ đăng kí của Bộ Tư Pháp Hoa Kì (Foreign Agents Registration Act) cho thấy, chính phủ Việt Nam đã chi cho tập đoàn Podesta mỗi tháng 30.000 USD (khoảng 670 triệu VND), kể từ ngày 2 tháng 12 năm 2013, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, với tổng số tiền là khoảng 1,08 triệu USD, để vận động lập pháp và hành pháp của Hoa Kì.
Nhiều nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng đã từng hy vọng, Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hà Nội, sẽ lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì Hà Nội đã mua được sự im lặng và thỏa hiệp ngay cả của Obama.
Thứ Hai, 23 tháng 5, trong phát biểu đầu tiên tại Việt Nam, ông đã không chỉ trích những vi phạm nhân quyền của chính phủ, thay vào đó ca ngợi "tiến bộ khiêm tốn ở một số lĩnh vực mà cả hai bên xác định là mối quan tâm" và lưu ý rằng nhân quyền là "một vấn đề mà cả hai chính phủ không đồng thuận".
Vào ngày thứ Ba, Obama dự kiến gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền, nhưng chính phủ đã bắt giữ và ngăn chặn phần lớn các nhà hoạt động được mời đến gặp ông. Và Obama cũng không thể hiện sự giận dữ bằng cách chấm dứt cuộc gặp gỡ để phản đối hành động đạo tặc của chính phủ Việt Nam. Ông vẫn xem như không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra bởi đã được vận động hành lang từ tập đoàn Podesta.
("From Team Hillary to Vietnam Lobbyist", Besty Woodruf, The Daily Beast, 5/25/2016)
4. Nguyên thủ quốc gia của các nước dân chủ
5/2016, Tổng thống Hoa Kì Obama đã im lặng về nhân quyền, cải cách dân chủ, và gỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
5/2017, Tổng thống Hoa Kì Donald Trump, được mong chờ là sẽ mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm, lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Hà Nội trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng, Trump cũng đã im thin thít.
13/3/2107, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người được trao giải Noel Hòa Bình qua đời trong khi đang chịu bản án 11 năm tù vì kêu gọi dân chủ ở Trung Quốc. Chỉ vài tuần trước khi ông Lưu qua đời, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối yêu cầu điều trị căn bệnh ung thư cho ông ở nước ngoài, trong khi vợ ông vẫn bị quản thúc tại gia.
Việc đối xử tồi tệ và tàn ác đối với các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc là chuyện vẫn thường thấy ở những nước độc tài cộng sản : Việt Nam, Cuba, và Bắc Hàn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng chỉ đưa ra một vài tuyên bố ngoại giao rất thận trọng và cho có lệ.
Trong lúc những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền đang khóc thương cho sự ra đi đột ngột của ông Lưu, thì tổng thống Trump (Hoa Kì) và tổng thống Macron (Pháp) đã không hề nhắc đến cái chết oan khuất của ông Lưu trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao. Thay vào đó, cả Trump lẫn Macron đồng thanh ca ngợi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của đảng cộng sản Trung Quốc.
Trump hào hứng nói : "Ông Tập là một người tài năng và tốt bụng. Ông ấy rất yêu nước Trung Quốc. Ống ấy luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho Trung Quốc".
Macron cũng thể hiện sự tôn trọng và kết luận rằng : "Hiện nay, ông Tập là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới".
Chris Patten, hiệu trưởng của trường Đại học Oxford, chia sẽ trên Project Syndicate vào 24/7/2017 :
"Tôi chỉ có thể tự hỏi có bao nhiêu nhà lãnh đạo phương Tây trong những năm gần đây đã nêu trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba với nhà cầm quyền Trung Quốc ? Cơ hội chắc chắn là rất nhiều, bao gồm cuộc họp thượng đỉnh G20 gần đây nhất, khi mà ông Lưu đang nằm trên giường bệnh... Trung Quốc đã tức giận, tìm cách gây hại cho Na Uy khi ông Lưu được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2010, thì phương Tây đã không biểu lộ sự tức giận hoặc thể hiện tình đoàn kết thực sự đối với một đồng minh của NATO".
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, việc thúc đẩy dân chủ toàn cầu của Hoa Kì dường như được thay thế bằng chính sách ngoại giao của an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.
Trong những năm gần đây, khuyến khích những giá trị tốt đẹp của dân chủ không còn là ưu tiên hàng đầu đối với phần lớn các nhà lãnh đạo và công luận Hoa Kì. Có lẽ vì thế, các nhà nước độc tài đang vui mừng trước thay đổi hết sức đáng ngại về chính sách ngoại giao của Hoa Kì.
Thay lời kết
Greg Rushford đã kết luận : "Từ chối lên tiếng khi những công dân Việt Nam dũng cảm bị bắt giam chỉ đơn giản vì họ thực hiện những quyền phổ quát đến quyền tự do ngôn luận, chắc chắn là một suy sụp về đạo đức".
( "To refuse to speak out when courageous Vietnamese citizens are imprisoned merely for peaceable exercising their universal rights to free speech is surely a moral failure").
Và như bạn đọc đã thấy trong dẫn chứng kể trên, nhiều tổ chức quốc tế tầm vóc nói riêng và các nước phương Tây nói chung, đã chọn thỏa hiệp "đi đêm" với nhà nước cộng sản. Họ phớt lờ những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của để đổi lấy hợp tác thương mại có lợi. Chính vì thế, những cá nhân và đoàn thểđấu tranh Dân chủ cho Việt Nam nên từ bỏ thái độ ỷ lại và dựa dẫm vào phương Tây. Đừng mong đợi bất kì tổ chức nước ngoài hoặc quốc gia sẽ mang đến dân chủ cho Việt Nam.
Dân chủ và tự do phải đấu tranh mới có. Dân chủ hóa Việt Nam trên hết phải là trách nhiệm của người dân Việt Nam ; trách nhiệm lớn nhất vẫn là giới trẻ và trí thức tinh hoa.
Quan trọng hơn, những anh chị em đấu tranh cần ý thức rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân, mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức để đẩy phong trào dân chủ sang một bước tiến mới hiệu quả hơn, đi đến thắng lợi cuối cùng là mang lại Dân chủ và Đa nguyên cho Việt Nam.
Sự tồn vong và cường thịnh của Tổ Quốc là trách nhiệm của mỗi người dân, không phải là độc quyền của một chế độ, đoàn thể, hay tổ chức nào. Những thử thách và chướng ngại dân chủ hóa đất nước là rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta, những con người của tự do, sẽ giành được thắng lợi khi chúng ta học cách làm việc chung với nhau, dựa trên tư tưởng và đồng thuận chungcủa tổ chức.
Muốn sớm có dân chủ, thì phải liên kết lại với nhau, để trở thành đối trọng của đảng cộng sản, yêu sách dân chủ và bầu cử tự do, thay vì mong chờ và dựa dẫm sự giúp đỡ của quốc tế.
"God helps those who help themselves".
(11/08/2017)
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"
Tham khảo :
https://www.voatiengviet.com/a/khach-moi-dot-ngot-bi-duoi-khoi-su-kien-co-thu-tuong-phuc-vi-moi-nguy-an-ninh/3888532.html
http://rushfordreport.com/ ?page_id=6
http://www.cnbc.com/2017/07/13/trump-praises-xi-soon-after-death-of-chinese-dissident.html
https://www.project-syndicate.org/commentary/western-tolerance-illiberal-democracy-by-chris-patten-2017-07
http://www.thedailybeast.com/from-team-hillary-to-vietnam-lobbyist
http://www.politico.com/story/2016/05/obama-lifts-vietnam-arms-embargo-223463
https://www.nytimes.com/2017/05/31/world/asia/vietnam-nguyen-xuan-phuc-trump.html
http://www.pewresearch.org/fact-tank/2013/12/04/americans-put-low-priority-on-promoting-democracy-abroad/
Nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ thì phương Tây sẽ không thể tồn tại. Vậy điều gì xảy ra tiếp theo khi mà ở Châu Âu, những hầm mộ của chủ nghĩa dân tộc đã được mở ra…
Giờ đây khi Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, sự kết thúc của những gì mà trước đây được gọi là "phương Tây" đã trở nên gần như chắc chắn. Thuật ngữ đó miêu tả một thế giới xuyên Đại Tây Dương nổi lên từ sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, xác định lại trật tự quốc tế trong suốt bốn thập niên Chiến tranh Lạnh, và thống trị toàn cầu – cho đến bây giờ.
Không nên nhầm lẫn "phương Tây" ("the West") với "bán cầu Tây" ("Occident"). Trong khi văn hóa, tập quán, và tôn giáo chủ đạo của phương Tây nói chung có nguồn gốc bán cầu Tây, nó đã phát triển thành một thứ khác biệt theo thời gian. Đặc điểm cơ bản của bán cầu Tây hình thành qua nhiều thế kỷ ở vùng Địa Trung Hải (dù các vùng Châu Âu về phía Bắc dãy Alps có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nó). Ngược lại, phương Tây thì xuyên Đại Tây Dương, và nó là một đứa con của thế kỷ 20.
Ông Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Ảnh :VietnamPlus
Có thể nói phương Tây đã nhận được giấy khai sinh của mình trong Thế chiến II. Tháng 8 năm 1941, sau khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã gặp nhau trên một chiến hạm ngoài khơi Newfoundland và ký Hiến chương Đại Tây Dương. Thỏa thuận này sau đó phát triển thành NATO.
Nói một cách cơ bản hơn, phương Tây được thành lập dựa trên một cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình. Trật tự phương Tây không thể tồn tại nếu Mỹ không đóng vai trò rất quan trọng này, điều mà giờ đây Mỹ có thể sẽ từ bỏ dưới thời của Trump. Kết quả là tương lai của bản thân phương Tây giờ đang bị đe dọa.
Không ai có thể chắc chắn về ý nghĩa của việc Trump đắc cử đối với nền dân chủ Mỹ, hoặc những việc ông sẽ làm khi nhậm chức. Nhưng chúng ta có thể đưa ra hai giả định hợp lý. Thứ nhất, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ gây nhiều thay đổi cho chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
Chúng ta cũng có thể giả định một cách an toàn rằng Trump sẽ bám sát các cam kết "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình ; điều này sẽ là nền tảng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông dù có chuyện gì xảy ra.
Trong thời gian tranh cử, ông đã chất đầy chỉ trích về cuộc chiến tranh vô nghĩa của Mỹ ở Trung Đông ; và những người ủng hộ ông không muốn gì hơn việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình và rút lui khỏi thế giới. Một nước Mỹ hướng về phía chủ nghĩa dân tộc biệt lập sẽ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới với một khoảng cách lớn so với các nước đứng sau ; nhưng nó sẽ không còn đảm bảo an ninh của các quốc gia phương Tây hoặc bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên thương mại tự do và toàn cầu hóa.
Câu hỏi duy nhất còn lại liên quan tới việc chính sách của Mỹ sẽ thay đổi nhanh và triệt để như thế nào. Trump đã cam kết sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước – một quyết định có ý nghĩa như một món quà cho Trung Quốc, cho dù ông có nhận ra điều đó hay không. Ông cũng có thể gửi cho Trung Quốc một món quà nữa là giảm bớt sự can dự ở Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ sớm nhận ra mình là người bảo lãnh mới của thương mại tự do toàn cầu – và có lẽ còn là nhà lãnh đạo toàn cầu mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Về cuộc chiến ở Syria, ông Trump có thể chỉ đơn giản là trao đất nước bị tàn phá ấy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran. Thực tế mà nói, điều này sẽ đảo ngược cán cân quyền lực ở Trung Đông, với những hệ quả nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực ; về mặt đạo đức, nó sẽ là sự phản bội độc ác đối với phe đối lập Syria và là mối lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và nếu Trump hòa hoãn với Putin ở Trung Đông, người ta tự hỏi ông sẽ làm gì với Ukraine, Đông Âu, và Caucasus. Chúng ta có nên mong đợi một Hội nghị Yalta 2.0 để công nhận khu vực ảnh hưởng mới trên thực tế của Putin ?
Con đường mới mà Trump sẽ vạch ra cho nước Mỹ đã có thể nhận thấy rõ ; chúng ta chỉ không biết con tàu này sẽ chạy nhanh như thế nào. Có rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào phe đối lập (trong đảng Dân chủ cũng như trong đảng Cộng hòa) mà Trump gặp phải trong Quốc hội Mỹ, và dựa vào sự phản đối của đa số người Mỹ, những người đã không bỏ phiếu cho ông.
Nhưng chúng ta không nên nuôi dưỡng bất cứ ảo tưởng nào : Châu Âu quá yếu đuối và chia rẽ để có thể gánh vác thay cho Mỹ về mặt chiến lược ; và nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ thì phương Tây sẽ không thể tồn tại. Do vậy, thế giới phương Tây như hầu hết mọi người sống đến ngày nay biết đến gần như chắc chắn sẽ yếu đi trước mắt chúng ta.
Vậy điều gì xảy ra tiếp theo khi mà ở Châu Âu, những hầm mộ của chủ nghĩa dân tộc đã được mở ra ; chẳng mấy chốc chúng sẽ một lần nữa lan ra ra khắp lục địa – và thế giới.
Joschka Fischer/ Project Syndicate
Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)
Nguồn : VietnamNet, Tuần Việt Nam lược trích và đặt tiêu đề, 09/01/2017.