Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

COP 28 : Từ bỏ năng lượng hóa thạch, cuộc mặc cả khó khăn

Chiến tranh Israel-Hamas tiếp tục với thảm cảnh nhân đạo. Hội nghị khí hậu COP 28 tại Dubai trước ngày kết thúc các cuộc thương lượng, với hy vọng tìm được một thỏa thuận về việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Còn tại Pháp, dự luật nhập cư gây tranh cãi, chưa tới Quốc hội đã bị các đảng từ tả sang hữu chống đối, có khả năng không được thảo luận chưa nói đến việc thông qua. Đó là những chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay, 11/12/2023.

cop1

Sultan al-Jaber, chủ tịch COP28, tại một diễn đàn về dầu lửa và năng lượng ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 02/10/2023. AP - Kamran Jebreili

Ngày 12/12, Hội nghị quốc tế về khí hậu COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất sẽ khép lại sau hơn chục ngày thương lượng nhằm tìm kiếm thỏa thuận bảo vệ khí hậu của hành tinh đang ngày càng trở nên bất ổn do chính những hoạt động của con người. "Năng lượng hóa thạch" là từ khóa của hội nghị lần này.

Qua bài : "Tại COP28, các cuộc thương lượng bước vào chặng cuối", La Croix ghi nhận trước ngày kết thúc hội nghị, các quốc gia bị thúc ép phải tìm được một thỏa thuận về năng lượng hóa thạch. Tờ báo cho hay : "Sultan Al Jaber, chủ tịch Hội nghị Khí hậu Quốc tế lần thứ 28 tại Dubai, đang nỗ lực gây áp lực với đại diện của 196 quốc gia nhằm tìm ra thỏa thuận trước thứ Ba 12/ 12, ngày kết thúc COP28".

La Croix cho biết, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ một văn kiện đề ra mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nhiều nước sản xuất dầu lửa, phản đối việc từ bỏ thẳng thừng năng lượng hóa thạch, tìm cách có một thỏa thuận mềm dẻo hơn.

Liên quan đến chủ đề này, xã luận của nhật báo công giáo lấy tiêu đề "Cuộc mặc cả". Theo tờ báo, COP28 giờ là "thời điểm của các cuộc thương lượng chính trị - ngoại giao để đi đến một văn bản cuối cùng đầy tham vọng, mọi người cho thể chấp nhận". Dầu mỏ , khí đốt và than gây ra 85% lượng khí phát thải CO2, thách thức thoát dần khỏi nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ rõ rệt như bây giờ. Saudi Arabia dẫn đầu các nước sản xuất dầu, do đó đang tổ chức phản công, trong khi các nước đang phát triển đòi được bồi thường tài chính cho việc phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch... Hàng trăm quốc gia, bao gồm cả Liên Hiệp Châu Âu, đã nhận thấy cần chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng đó không hẳn là những nước tiêu thụ hydrocarbon cuối cùng.

Vẫn liên quan đến COP28, nhật báo Libération có bài "COP28, than, chủ đề trọng tâm", đề cập đến việc loại nhiên liệu gây phát thải CO2 vào bầu khí quyển (hơn 40%) hiện vẫn chiếm đa số trong các nhiên liệu sử dụng, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia lớn và đông dân nhất thế giới. Dù chưa có một hội nghị nào của Liên Hiệp Quốc đặt kế hoạch loại bỏ, lần này tại Dubai, than đá rơi vào tầm ngắm của các nhà đàm phán. Đã có những dấu hiệu tích cực, như hình thành liên minh các nước kêu gọi từ đây đến 2030 loại bỏ dần dần sản xuất điện than. Ngoài ra, đông đảo các nước (75 nước) cam kết không xây thêm nhà máy điện than. Trong khi đó, sản xuất điện than có xu hướng tăng ở Châu Á. Riêng Trung Quốc, theo Libération, chiếm một nửa lượng than tiêu thụ của thế giới. Tiêu thụ than của Ấn Độ và Trung Quôc gộp lại bằng gấp đôi phần còn lại của thế giới.

Chiến tranh Gaza, thảm kịch nhân đạo tiếp diễn

Chuyển qua thời sự nóng, cuộc chiến tranh Israel - Hamas tại Gaza. Các báo tiếp tục phản ánh thảm cảnh nhân đạo tại dải đất nhỏ trong vùng Trung Đông này từ hơn 2 tháng qua.

Le Monde chạy tựa chính trang nhất "Gaza, hệ thống y tế sụp đổ". Các bài viết của Le Monde đề cập đến việc những trận mưa bom và bao vây của quân đội Israel đã khiến các bệnh viện trong dải Gaza rơi vào tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Tổ chức Y tế Thế giới thống kê từ ngày 07/10 đến nay đã có 217 vụ tấn công nhắm vào các cơ sở y tế.

Xã Luận của Le Monde dưới tiêu đề "Israel mất phương hướng trong cuộc tàn sát ở Gaza" nhận định : "Trong hơn hai tháng nay, chuyện rùng rợn diễn ra ở Gaza hàng ngày. Người chết nối tiếp người chết, kẻ bị thương nối tiếp kẻ bị thương và sự hủy diệt nối tiếp sự hủy diệt mà chúng ta không thể thấy được hồi kết. Với việc dùng quyền phủ quyết vào ngày 8/12 đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức", Hoa Kỳ lẻ loi đã đảm bảo những hành động của Israel nhằm vào toàn bộ người dân thường vẫn tiếp tục. Le Monde nhận thấy quyền tự vệ chính đáng của Israel đã trở thành quyền được hủy diệt mọi thứ. Giờ có thể gọi là cuộc tàn sát. Xã luận Le Monde viết tiếp : Kết quả của chiến lược nhằm tiêu diệt lực lượng Hồi giáo bằng bất cứ giá nào đang hiển hiện trước mắt bất cứ ai : chết chóc khắp nơi, bệnh viện hấp hối, hàng trăm nghìn người Palestine lang thang cơ cực...

Tiếp tục với nhật báo Le Monde, liên quan đến một cuộc chiến tranh khác, giữa Nga và Ukraine. Tờ báo chạy tựa : "Người Nga trước vòng xoáy trấn áp". Tờ báo nêu ra thực trạng tại Nga, hàng trăm công dân thuần chất bị kết án nặng nề chỉ vì đã phản đối chiến tranh. Họ bỗng nhiên trở thành những tù nhân chính trị bất đắc dĩ. Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Nga Memorial, số tù nhân chính trị tại nước này bỗng nhiên tăng vọt thời gian gần đây. Họ không phải là những nhà bất đồng chính kiến hay hoạt động chính trị, mà chỉ là những công dân phản đối cuộc chiến tranh mà chính quyền Putin phát động tại Ukraine.

Trung Quốc nỗ lực hội nhập Afghnistan vào cộng đồng quốc tế

Vẫn trên trang quốc tế của Le Monde, tờ báo có bài "Trung Quốc chấp thuận đại sứ Taliban, tuy không công nhận chế độ Afghanistan".

Về mặt chính thức, Trung Quốc không công nhận chính phủ Taliban. Tuy nhiên, hiện nay, một đại sứ đại diện cho chế độ này đã hiện diện ở Bắc Kinh chứ không còn là một đại diện đơn thuần như cho đến nay. Ngược lại, Bắc Kinh cũng bổ nhiệm một đại sứ mới tại Kabul. Do đó, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới có đại diện cấp đại sứ ở Afghanistan.

Sau khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul vào tháng 8/2021, hầu hết các quốc gia đã thay thế đại sứ của họ bằng một đại biện, không mang ý nghĩa công nhận chế độ. Nếu kể từ tháng 8/2021, một số đại sứ vẫn đóng ở thủ đô Afghanistan, thì chưa có quốc gia nào trước Trung Quốc bổ nhiệm đại sứ mới ở Kabul.

Vẫn theo Le Monde, từ khi Taliban trở lại, Trung Quốc luôn cố gắng duy trì kênh liên lạc cởi mở với quốc gia có chung đường biên giới dài 76 km này. Vào cuối tháng 9, khoảng một trăm vận động viên Afghanistan đã tham gia Đại hội Thể thao Châu Á tại Hàng Châu. Ngày 5/10, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Afghanistan Amir Khan Muttaqi bên lề Diễn đàn Xuyên Himalaya Trung Quốc - Tây Tạng lần thứ ba, được tổ chức tại Tây Tạng.

Đối với Bắc Kinh, sự ổn định của Trung Á nói chung và Afghanistan nói riêng là điều cần thiết tuyệt đối để tránh bất kỳ sự "lây lan" Hồi giáo cực đoan nào ở Tân Cương, nơi có 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Một trong những mục tiêu của chương trình đầu tư "Vành đai và Con đường" (BRI) là thúc đẩy tiến trình mở cửa và phát triển kinh tế của toàn bộ khu vực Trung Á.

Theo thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang tiếp tục các nỗ lực tạo điều kiện cho Taliban hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.

Đầu tư công nghiệp Mỹ vượt Trung Quốc

Chuyển sang trang tin kinh tế, nhật báo Les Echos ghi nhận đầu tư công nghiệp của khu vực Châu Á và Hoa Kỳ đang có tỷ trọng lớn chưa từ có, chiếm 88%, trong khi đó Châu Âu chỉ chiếm 9,9%. Trong lĩnh vực này, trang kinh tế báo Le Figaro ghi nhận, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc. Thành công này cho thấy chính sách tái công nghiệp hóa của chính phủ Mỹ đã mang lại hiệu quả.

Vòng lưu diễn ca nhạc tỷ đô la

Vòng lưu diễn ca nhạc "The Eras Tour" của Taylor Swift đã thu về hơn một tỷ đô la. Le Figaro cho biết tạp chí Time thứ Tư tuần trước đã làm đúng khi bầu chọn Taylor Swift là "nhân vật của năm". Sau thông báo trên, siêu sao nhạc pop đã phá kỷ lục doanh thu từ các chuyến lưu diễn. Lần đầu tiên trong lịch sử, vòng lưu diễn The Eras Tour đã vượt mốc biểu tượng một tỷ đô la (1,039 tỷ), theo số liệu của tạp chí chuyên ngành Pollstar. Ngày 17/03 đánh dấu sự khởi đầu chuyến lưu diễn của cô tại Sân vận động State Farm ở Glendale (California) và kết thúc hôm 11/11 tại Estadio Mas Monumental ở Buenos Aires, Argentina. Ngôi sao ca nhạc này đã bán được 4,35 triệu vé trong 60 buổi biểu diễn. Giá vé trung bình vào xem siêu sao diễn là 239 đô la.

Anh Vũ

Published in Quốc tế