Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao Ukraine không thể được đồng minh hợp lực bảo vệ tức thì như với Israel ?

Ukraine cảm thấy "tủi thân" trước tinh thần đoàn kết của phương Tây giúp Israel đáp trả vụ oanh kích chưa từng có của Iran. 99% trên tổng số hơn 300 tên lửa và drone của Iran nhắm đến Nhà nước Do Thái đã bị bắn hạ hoặc bị rơi trước khi bay đến lãnh thổ. Thành công này là nhờ hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel và nhất là sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, Mỹ, Anh, Pháp và một số nước Ả rập.

baove1

Hệ thống phòng không Israel được triển khai sau vụ tấn công bằng drone và tên lửa của Iran nhắm vào Nhà nước Do Thái, ngày 14/04/2024. © Amir Cohen / Reuters

Khi được cảnh báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran, quân đội Mỹ huy động nhiều chiến đấu cơ và tầu khu trục chống tên lửa đạn đạo trong khu vực để hỗ trợ hệ thống phòng thủ của Israel. Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ "đã giúp Israel phá hủy hầu hết drone và tên lửa nhắm đến". Chính phủ Anh "điều thêm nhiều chiến đấu cơ của Không Quân Hoàng Gia và máy bay tiếp liệu đến khu vực", xuất kích từ các căn cứ ở đảo Chypre, theo trang The Guardian, để thay vị trí Không quân Mỹ chống các tên lửa, drone của Iran được phóng từ khu vực Iraq và đông bắc Syria.

Pháp đã hỗ trợ triệt phá nhiều drone hoặc tên lửa của Iran bay trên không phận Jordan và Iraq, nơi Pháp có lực lượng quân sự. Jordan, nước láng giềng của Israel, cũng bắn chặn "nhiều vật thể bay" thâm nhập không phận. Ngoài ra, Saudi Arabiat và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất dường như đã mật báo cho Hoa Kỳ về kế hoạch tấn công của Iran nhắm vào Israel, chia sẻ thông tin theo dõi radar và mở không phận cho chiến đấu cơ Mỹ hoạt động.

Chứng kiến sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng minh phương Tây với Israel, tổng thống Zelensky thấy "chạnh lòng" trong bài phát biểu ngày 15/04 như bị đối xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh" vào lúc Ukraine vẫn "ra rả" kêu gọi đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không :

"Cả thế giới chứng kiến hành động phối hợp trên bầu trời Israel và ở các nước lân cận. Sự kiện này cho thấy đoàn kết phòng thủ chống chủ nghĩa khủng bố có thể có hiệu quả khi dựa vào quyết tâm chính trị đủ lớn. Israel, Anh, Pháp, Jordan đã cùng nhau hành động đạt hiệu quả tối đa. Cùng nhau, họ đã ngăn kẻ gieo rắc khiếp sợ chiến thắng và phối hợp với những nước khác để tránh căng thẳng leo thang.

Israel không phải là thành viên NATO, không cần phải có bất kỳ hành động nào kích hoạt điều 5 (của NATO) và không bên nào bị kéo vào chiến tranh. Đơn giản là họ chỉ tham gia bảo vệ sinh mạng. Drone Shahed bay trên bầu trời Ukraine giống y chang drone bay trên bầu trời Trung Cận Đông. Nếu không bị bắn chặn, tên lửa đạn đạo gây ra thiệt hại như nhau ở khắp nơi. Không phận Châu Âu lẽ ra đã được hưởng cấp độ phòng thủ như vậy từ lâu nếu Ukraine nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ những đối tác của mình để bắn chặn drone và tên lửa".

Để bảo vệ Ukraine, cần nhiều phương tiện hơn

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự Pháp có chung một nhận định là về mặt kỹ thuật, không thể triển khai hệ thống được sử dụng bảo vệ Israel vào trường hợp Ukraine. Để bảo vệ lãnh thổ Ukraine, cần rất nhiều phương tiện hơn, theo giải thích trên đài RFI ngày 16/04 của tướng Vincent Desportes, cựu giám đốc Trường Chiến tranh, giáo sư liên kết trường Khoa học Chính trị (Sciences Po) và HEC Paris, chủ tịch Stratforce Conseil :

"Chỉ cần nhìn vào những con số đã thấy là không thể làm được. Israel có diện tích khoảng 22.000 km², diện tích Ukraine là 600.000 km², lớn hơn gấp 30 lần. Israel có từ 8-9 triệu dân. Trước chiến tranh, Ukraine có khoảng 44 triệu dân. Israel đã triển khai 10 hệ thống vũ khí mà nước này đồng tài trợ với Hoa Kỳ để thấy rằng hệ thống đó tốn kém đến mức nào. Nếu người ta muốn Ukraine có lưới phòng thủ tương tự Israel thì phải cần đến 300 hệ thống như vậy. Nhưng vấn đề là chúng không tồn tại. Cho nên không thể làm được !

Do đó, Ukraine có những vùng được bảo vệ tốt, gần như bất khả xâm phạm, ví dụ một số thành phố như Kiev. Nhưng cũng có nhiều nơi không thể được bảo vệ. Vấn đề đối với Ukraine hiện giờ là họ phải chọn giữa bảo vệ tiền tuyến - vô cùng quan trọng để quân Nga không tràn vào mà như chúng ta biết là đang trong giai đoạn nguy kịch - và bảo vệ những thành phố đó. Và vì vậy không thể làm được tương tự. Đúng là các nước đồng minh đã giúp Israel nhưng hiện giờ, không có chuyện các nước NATO can thiệp vào không phận hoặc khu vực lân cận không phận Israel".

Ukraine không có bề dày quan hệ lịch sử với Mỹ như Israel

Ngoài ra, sự ủng hộ từ lâu của cộng đồng quốc tế dành cho Israel trong mối quan hệ đối tác lịch sử cũng giải thích cho sự giúp đỡ khẩn trương của các nước đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong khi đó, trước khi Nga phát động cuộc xâm lược, Ukraine và các nước phương Tây giữ mối quan hệ xa cách do Moskva gây sức ép. Ông Pascal Boniface, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp - IRIS, nhận định "Ukraine không có tầm quan trọng như Israel có thể mang lại cho Mỹ". Còn tướng Vincent Desportes giải thích với đài RFI :

"Việc thể hiện là người bảo vệ Israel đã có sẵn trong gien của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua. Với Ukraine thì không như vậy, nếu không Ukraine đã gia nhập NATO từ lâu. Israel và Mỹ có những lợi ích chiến lược chung ở Israel, mà tôi cho là không có, hoặc có ít hơn rất nhiều ở Ukraine. Chính vì thế, Hoa Kỳ không dấn thân vì Ukraine như họ hết mình với Israel kể từ đầu cuộc chiến sau vụ thảm sát ngày 07/10/2023. Hoàn toàn hiểu được việc Ukraine vô cùng buồn về tình hình hiện nay. Nhưng thực tế là vậy, chiến lược được hình thành từ những liên minh đã tồn tại với các nước, được tiến hành với vũ khí đã có. Còn hiện giờ đối với Ukraine thì không thể".

Israel có hệ thống phòng thủ mạnh - Ukraine không có chiến đấu cơ

Đúng là đồng minh đã giúp Israel bắn hạ nhiều tên lửa và drone, nhưng chính hệ thống Vòm Sắt của Israel đã chứng tỏ hiệu quả. Cố vấn quân sự của đài truyền hình TF1/LCI Michel Goya lưu ý "sự hỗ trợ của nước ngoài cho Israel đã có từ lâu, qua việc giao hệ thống Patriot, hỗ trợ tài chính để triển khai hệ thống Vòm Sắt. Tương tự, hệ thống phòng không cũng đã được thiết lập từ lâu".

Vẫn theo chuyên gia quân sự Pháp, "Israel và đồng minh phương Tây đã sử dụng chiến đấu cơ bắn hạ tên lửa đạn đạo và drone để bảo vệ bầu trời. Ukraine không có máy bay". Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự từ các nước đồng minh trong khi hàng ngày vẫn phải đối phó các trận oanh kích của Nga, chiếm ưu thế về số lượng.

Tổng thống Zelensky không ngừng kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp hệ vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng không, chiến đấu cơ F-16 vì theo ông, Ukraine đang bảo vệ không phận cho Châu Âu. Vậy các nước Châu Âu không còn cách nào khác là quyết tâm hơn, bớt "lời đao to búa lớn", theo phát biểu của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, mà đi vào hành động ? Tướng Vincent Desportes nhận định với RFI :

"Họ cần cố gắng hơn, cần làm nhiều hơn và dĩ nhiên là ngay lập tức. Người ta cũng thấy hiện giờ các nước Châu Âu phải tìm ra được thỏa hiệp, có thể cung cấp cho Ukraine vũ khí nào và giữ lại vũ khí nào để bảo vệ đất nước. Ví dụ Pháp phải bảo vệ các cơ sở hạt nhân. Cho nên không thể hình dung ra rằng các nước Châu Âu sẽ đưa hết vũ khí phòng không cho Ukraine".

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba nhắc lại "tất cả những gì mà chúng tôi đề nghị với các đối tác, cho dù các vị không thể hành động như các vị làm ở Israel, thì hãy cho chúng tôi những gì chúng tôi cần và chúng tôi sẽ làm phần việc còn lại". Lời đề nghị đã được đáp ứng phần nào. Sau cuộc họp thượng đỉnh ngày 17/04, Liên Hiệp Châu Âu cam kết "giao thêm hệ thống phòng không và đạn dược" cho Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến khích các nước trong liên minh lấy vũ khí trong kho giao cho Kiev dù việc này có thể khiến khối lượng dự trữ rơi xuống ngưỡng khuyến cáo của NATO. Nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là khi nào lời hứa sẽ thành hiện thực vì Ukraine không có thời gian.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 20/4/2024

Published in Diễn đàn

Ukraine, Israel : Hai cuộc chiến đều vì sự tồn vong đất nước

Les Echos ngày 30/10/2023 phân tích về hai cuộc chiến tranh đang tiến hành song song ở biên giới Châu Âu. Ukraine và Israel đều chiến đấu vì tính chính danh cho sự hiện hữu của mình, trước ý đồ hủy diệt của Nga và Hamas. Cả hai quốc gia đều không thể tự cho phép mình bại trận - có nghĩa là hồi kết của một Nhà nước có chủ quyền và độc lập.

ukissrael1

Một quân nhân treo cờ Israel lên xe tăng trong một cuộc tập trận ở miền bắc, gần biên giới với Liban, ngày 26/10/2023. Reuters – Lisi Niesner

Cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Gaza tập trung mọi chú ý. Le Monde chạy tựa trang nhất "Israel-Hamas : Chiến tranh gia tăng cường độ tại Gaza", tương tự với Le Figaro "Gaza : Israel khởi đầu giai đoạn hai của cuộc tấn công". Les Echos nhận xét "Israel chuyển sang một cuộc chiến tranh dài".

Chắp nối lại cuốn phim tội ác ngày 7 tháng Mười của Hamas

Ba tuần sau vụ tấn công khủng bố của Hamas, Le Monde quay lại khúc phim "Ngày 7 tháng Mười tại Israel : Một ngày địa ngục". Trên 2.000 tay súng đã xâm nhập lãnh thổ Israel thông qua 29 điểm đột phá quanh Dải Gaza. Sau thành công quân sự này là những vụ thảm sát thường dân.

Từ sáng sớm, tổ chức Hồi giáo đã vô hiệu hóa những khẩu súng máy tự động và ăng-ten giám sát xung quanh Dải Gaza, bằng những khối chất nổ được drone ném xuống. Những drone này có kích thước nhỏ và bay chậm, rất khó phát hiện. Những năm gần đây Israel đã thiết lập một hệ thống phòng ngự dưới lòng đất để ngăn Hamas đào địa đạo dưới hàng rào, thế nên phe này bèn xâm nhập từ phía trên. Chỉ trong vài phút, quân đội Israel đã trở nên câm điếc ở phía sườn thuộc loại nguy hiểm nhất.

Mohammed Deif, chỉ huy nhánh quân sự Hamas loan báo khởi đầu chiến dịch "Trận lụt Al-Aqsa", theo tên của đền thờ Hồi giáo ở Jerusalem, với "trên 5.000 hỏa tiễn" trong đợt tấn công đầu tiên. Nhưng những quả rốc-kết chỉ là vỏ bọc cho cuộc xâm nhập, với mũi nhọn là Noukhba, đơn vị tinh nhuệ của Lữ đoàn Al-Qassam. Chỉ vài phút, bọn khủng bố đã xông vào bốn căn cứ quân sự gần biên giới : Zikim, Réim, Nahal Oz và Erez. Đang là ngày lễ, các quân nhân Israel ít hơn bình thường, những ai không bị sát hại đều bị bắt làm con tin.

Hai ngàn khẩu súng, 1.000 khối chất nổ…để đi giết thường dân

Cuộc tàn sát dân thường bắt đầu, vụ thảm sát tàn khốc nhất trong lịch sử Israel. Theo các tài liệu tịch thu được, mục tiêu rất rõ : giết càng nhiều người càng tốt, mang về những con tin để gieo kinh hoàng trong xã hội Israel.Hamas, tổ chức muốn tiêu diệt Nhà nước Do Thái, không phân biệt giữa thường dân và quân nhân. Quân khủng bố ra tay với một kho vũ khí khổng lồ : quân đội Israel sau đó thu được 2.000 khẩu kalachnikov, 1.000 quả lựu đạn, 1.000 súng phóng lựu, 1.000 khối chất nổ đủ loại, 500 quả mìn tự tạo và khoảng 100 khẩu moọc-chê.

Không xa căn cứ Réim, tại lễ hội âm nhạc Tribe of Nova trên 3.000 người đang nhảy theo điệu nhạc, thì những tên khủng bố hạ cánh xuống từ dù lượn và nhiều nơi khác, tha hồ bắn giết. Trên khoảng đất trống không có nơi nào để ẩn nấp, những dãy dài toa-lét cơ động bị xả súng từng chiếc một. Quân Hamas tiến vào đường 232, tấn công từ mọi hướng, xông vào các kibboutz giết sạch kể cả các hầm trú ẩn, đồng thời đăng lên mạng xã hội khoe chiến công.

Libération cho biết theo băng ghi âm được quân đội Israel công bố với báo chí, một tay súng Hamas nói qua WhatsApp với giọng đầy tự hào : "A lô, ba hãy nhìn xem chính tay con đã giết bao nhiêu người Do Thái". Một giọng khác trả lời : "Allah gìn giữ con !". Giọng phụ nữ : "Này ông, con trai ông là một anh hùng. Giết chúng đi. Giết. Giết !"

Chậm chạp trả đũa, dư luận xoay chiều

Xã luận Le Figaro nói về "Cuộc chiến tranh đơn độc của Israel". Khi đưa quân vào Dải Gaza, ông Benjamin Netanyahou nêu ra các mục tiêu chính đáng "tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas" và "đưa về những người bị bắt cóc ở Israel". Ưu tiên của ông đã rõ, vì Netanyahou không quan tâm đến đề nghị của Hamas đổi 230 con tin lấy 5.000 tù nhân Palestine.

Thủ tướng chuẩn bị cho đất nước bước vào một "cuộc chiến tranh sống còn, lâu dài và khó khăn". Giai đoạn thứ hai của chiến dịch trả đũa vụ thảm sát bắt đầu trong bối cảnh đã khác đi nhiều từ ba tuần qua. Tổ chức khủng bố đã sát hại dã man 1.400 người Do Thái hôm 07/10, còn phía Palestine có 7.000 người thiệt mạng, theo con số do Hamas đưa ra và không thể kiểm chứng. Gaza hoang tàn dưới những trận bom dữ dội chưa từng thấy. Công luận phương Tây, chưa hết sững sờ trước sự man rợ của tội ác của những kẻ sát nhân Hồi giáo, lại bị sốc vì sự trừng phạt tập thể cư dân Palestine.

Bị "các nước phương Nam" lên án, Israel chỉ có thể dựa vào sự ủng hộ tương đối của phương Tây. Ông Netanyahou nhấn mạnh quân đội Israel "biết đạo lý nhất thế giới" khi trước khi tấn công đã kêu gọi thường dân di tản, nhưng không đủ trước tình hình nhân đạo "đầy tuyệt vọng". Cuộc chiến tranh đơn côi khiến Nhà nước Do Thái trở nên dễ tổn thương trước sự bùng nổ trong khu vực, đã bắt đầu ở Cisjordanie và Liban. Nhưng nếu Iran "ra tay hành động" như đã đe dọa, thì sẽ bị đối mặt với một sự đoàn kết chống lại.

Sự khốn khổ của người dân Gaza

Libération dẫn lời một người Palestine "Tại Gaza, "đó là địa ngục, địa ngục, địa ngục". Le Figaro mô tả "Oanh kích, thiếu thốn, nguy cơ dịch bệnhnỗi khổ của thường dân ở Gaza". Từ 20 ngày qua, chỉ có94 xe tải chở hàng viện trợ vào được theo ngả Ai Cập, tình hình thực phẩm rất đáng lo cho 2,3 triệu người Palestine. Khoảng 630.000 trăm ngàn người chen chúc tại các trung tâm Liên Hiệp Quốc ở Palestine nhất là miền nam để tránh bom.

Hôm thứ Bảy, hàng ngàn người đã xông vào nhiều nhà kho và trung tâm phân phối của Cơ quan Liên Hiệp Quốc trợ giúp người Palestine ở Cận Đông (UNRWA), cướp lấy bột mì và nhiều mặt hàng thiết yếu, một số vừa được đoàn xe nhân đạo đưa đến. Trong các video trên mạng là cảnh những người đàn ông, đàn bà chạy khỏi nhà kho với những túi xách, thùng carton trên tay. Giám đốc UNRWA ở Dải Gaza cho rằng : "Đó là dấu hiệu đáng ngại cho thấy trật tự dân sự đang sụp đổ, sau ba tuần chiến tranh và phong tỏa Dải Gaza". Nước uống cũng thiếu, người ta tập trung nơi bờ biển để tắm giặt.

Ukraine, Israel : Hai cuộc chiến đều vì sự tồn vong đất nước

Trong bài "Ukraine, Gaza : Sự cô đơn của phương Tây", Les Echos phân tích về hai cuộc chiến tranh đang tiến hành song song ở biên giới Châu Âu. Dù địa điểm, phương thức và các nhân tố khác nhau, nhưng cả Ukraine và Israel đều chiến đấu vì tính chính danh cho sự hiện hữu của một Nhà nước độc lập.

Trên màn ảnh truyền hình, những hình ảnh chiến tranh liên tiếp hiện ra và gần như giống nhau. Ukraine hay Gaza ? Cũng là những thành phố hoang tàn vì bom đạn, những vụ thảm sát người vô tội. Ngày 07/10/2023 ở miền nam Israel chỉ là một Bucha nhân lên 10 lần ? Điều tệ hại là chúng ta đã quen thuộc với những hình ảnh này, sản phẩm của một thế giới đang hướng về phía hỗn loạn. Có nhiều điểm chung trong hai cuộc chiến đang có nguy cơ mở rộng và kéo dài.

Cả hai quốc gia đều không thể tự cho phép mình bại trận, có nghĩa là hồi kết của sự hiện hữu một Nhà nước độc lập có chủ quyền. Nga cũng như Hamas (và phía sau là Iran) muốn xóa sổ Ukraine và Israel. Đối với Moskva, Ukraine phải quay trở lại trong vòng ảnh hưởng của Nga. Với Hamas, người Israel phải đi ngược lại Địa Trung Hải và dân Do Thái biến mất trên Trái Đất. Trước mối đe dọa đến sự tồn vong, cả hai nước đều chiến đấu với sự đoàn kết và quyết tâm. Quân đội được dân thương, người dân đứng lên cầm súng, đồng tâm hiệp lực chống quân thù.

Mỹ bận bịu ở hai chiến trường, Trung Quốc có bành trướng thêm trên Biển Đông ?

Việc so sánh có thể dừng ở đây. Cuộc xâm lăng của Nga xem chừng vô nghĩa, chẳng có gì giải thích được nếu không phải là sự xét lại lịch sử của Putin hay sự sợ hãi một mô hình dân chủ ở sát bên. Trong trường hợp Israel, thực tế phức tạp hơn : Hamas không chiến đấu cho người Palestine, tham vọng của phe này mang tính ý thức hệ thay vì dân tộc. Tuy vậy nhóm khủng bố vẫn dùng Palestine làm cái cớ cho các hành động man rợ.

Điều chắc chắn là cuộc chiến tranh ở Gaza, cho thấy sự chia rẽ của thế giới còn hơn cả ở Ukraine. Những hình ảnh ở Gaza nhanh chóng thay cho những cảnh thảm sát ở Israel.Xu hướng bài Do Thái ngày càng rõ hơn tại những nước đa số dân theo Hồi giáo, không chỉ vì Israel oanh kích khu vực thường dân, mà còn vì đó là Nhà nước Do Thái. Sự trượt dài của một phần phe cực tả Pháp là một minh chứng. Chiến tranh ở Ukraine có thể lan sang các nước Châu Âu khác, với đe dọa bom nguyên tử của Putin ; nhưng ngược với Gaza, không có nguy cơ gây ra bạo động giữa các cộng đồng tại những thành phố phương Tây.

Hamas đã tặng quà cho nước Nga của Putin, kéo thế giới nhìn về hướng khác thay vì Ukraine, buộc nước Mỹ phải mở ra một mặt trận mới, chi viện vũ khí đạn dược cho hai đồng minh cùng một lúc. Chỉ còn thiếu việc Bắc Kinh lợi dụng tình hình để dấn lên ở Biển Đông - liệu có thể xảy ra hay không ? Tuy nhiên theo tác giả bài viết, món quà của Hamas không có nghĩa là Moskva cũng đứng sau lưng Iran, vì phe khủng bố này phải mất gần hai năm chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô như vậy, trước cả chiến tranh Ukraine. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024 quan trọng hơn bao giờ hết.

Donetsk, mặt trận bị lãng quên

Libération nhìn sang Ukraine với bài phóng sự, "Tại Donetsk, ‘cuộc chiến này cần phải kết thúc, không thể kéo dài". Do Kiev phải tập trung cho cuộc phản công ở Kherson và Bakhmut, mặt trận Donetsk, thành phố bị chiếm đóng từ năm 2014, không còn là ưu tiên. Những người lính Ukraine cố gắng chịu đựng những đợt tấn công của quân Nga, với rất ít đạn dược.

Các chiến binh của lữ đoàn 59 chỉ cho đặc phái viên tờ báo một xe tăng T-72 tịch thu được của quân Nga mùa đông năm trước, nay đã bị hư hại vì drone và rốc-kết chống tăng. Không có phụ tùng sửa chữa, trung sĩ Oleksander tự bỏ tiền túi ra mua. Họ nuối tiếc những xe tăng Leopard của Đức, thiết giáp Bradley và đại bác M777 của Mỹ, đại bác Caesar của Pháp đã được điều sang các mặt trận khác cách đây vài tháng. Một người lính khẳng định : "Đây là một cuộc chiến của pháo chứ không phải kalachnikov. Không có đại bác, không còn chiến tranh đối với chúng tôi".

Hiện thời, quân đội Ukraine vẫn chống chọi được. Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu ngày 20/10, Nga có đến 900 thương vong, 100 thiết giáp và 50 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến. Tuy khó thể kiểm chứng nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) xác nhận lực lượng Ukraine đã lại đẩy lùi một cuộc tấn công mới, gây thiệt hại nặng cho quân Nga.

Nga : Dựng tượng Stalin ngay trước bảo tàng tưởng niệm nạn nhân

Còn tại Nga, Le Figaro nói về "Sự quay lại của Stalin". Cùng với cuộc xâm lăng Ukraine, nhà độc tài được mô tả như vị thống soái đã chiến thắng Đức quốc xã, đang được nỗ lực phục hồi tên tuổi, bỏ qua trách nhiệm của Stalin trong vụ thanh trừng khủng khiếp làm nhiều triệu người thiệt mạng, được tưởng niệm vào hôm nay 30/10.

Gần làng Mednoie, xác của 6.925 tù nhân Ba Lan - gồm sĩ quan quân đội, cảnh sát và hiến binh - bị hành quyết năm 1940, được chôn trong 23 hố tập thể tại một khu rừng thông. Khu rừng hẻo lánh này cũng là nơi chôn lấp các nạn nhân xô-viết trong cuộc Đại thanh trừng 1937-1938, con số không được biết rõ, được cho là khoảng 5.000 trên tổng số 750.000 người bị sát hại trong giai đoạn này. Những hố chôn này không được khai quật và cũng không xác định cụ thể địa điểm.

Một bảo tàng nho nhỏ được lập ra để tưởng niệm, với những hình ảnh và vật dụng cá nhân của các "nông dân, thợ thủ ông, cán bộ đảng, tu sĩ, trí thức và cả nhân viên an ninh" bị xử bắn theo lệnh của Stalin. Nhưng cũng chính ngay trước bảo tàng, từ tháng Chín một tượng bán thân của Stalin được dựng lên gây sốc cho thân nhân các nạn nhân, nhà đấu tranh nhân quyền và sử gia. Nước Nga hiện có khoảng 110 tượng đài dành cho Stalin, đáng chú ý là đến 90 % được xây dựng dưới thời Vladimir Putin.

Thụy My

Published in Quốc tế