Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thách thức cho phương Tây : Sau đại dịch đến đại chiến ?

Nhà nghiên cứu Niall Ferguson trên L’Express cho rằng từ năm năm qua thế giới sống trong một cuộc chiến tranh lạnh mới, tiềm tàng nguy cơ thế chiến : xung đột Mỹ-Trung biến thành chiến tranh nóng. Bên cạnh đó là hồ sơ Trung Đông, Vladimir Putin, khả năng Donald Trump quay lại… những thách thức địa chính trị cho phương Tây.  Theo Le Point, chế độ Putin có lợi khi ủng hộ Hamas, gây thêm rối loạn.

thechien1

Hệ thống Vòm Sắt của Israel bắn chận những quả rốc-kết của Hamas từ Dải Gaza tấn công vào thành phố Sderot, ngày 08/12/2023. Reuters – Amỉ Cohen

Ukraine chuẩn bị cho một mùa đông dưới bom đạn

Courrier International đăng hình vẽ tổng thống Ukraine trong trang phục màu kaki quen thuộc và áo giáp, với dòng tít lớn "Zelensky, thời điểm của nghi hoặc". L'Express nhận thấy "Mùa đông đến gần, Ukraine lo ngại". Sau gần hai năm chiến tranh, Kiev vẫn quyết tâm, nhưng lo âu trước hỏa tiễn Nga và sự ủng hộ của phương Tây giảm sút.

Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì với 1 triệu dân, sau khi được giải phóng bầu trời vẫn đầy đe dọa. Phải tháo chạy nhục nhã qua bên kia sông, quân Nga trả thù bằng những trận mưa đạn pháo. Một sinh viên cho biết : "Ba mẹ tôi nói rằng cũng tương đương với những trận bom hồi năm 1943". Nga nhắm vào trường học, nhà dân để buộc dân chúng phải ra đi và làm các chiến binh mất tinh thần, nhưng đa số vẫn can đảm ở lại.

Người phụ trách bảo tàng Puskin ở Odessa nói với đặc phái viên tờ báo, dân chúng đã quen với tiếng ồn của các drone Iran mà Nga gởi sang hàng ngày. Ban đầu ngỡ rằng Odessa sẽ thất thủ nhưng nay biết là vẫn sẽ trụ được, dù Nga không ngừng quấy phá. Theo nhiều nguồn tin, có một thỏa thuận bí mật từ áp lực của Bắc Kinh, để Ukraine có thể xuất khẩu một phần ngũ cốc, nhằm bảo đảm an ninh lương thực Trung Quốc.

Quân viện quá ít và quá trễ

Hồ sơ của Courrier International tả lại tâm trạng cay đắng ở Ukraine : cuộc phản công không đạt kết quả, Kiev đối mặt với một cuộc chiến tranh tiêu hao đẫm máu và sự chán nản của các đồng minh, chính trường ngày càng chia rẽ. Tuần báo Pháp dịch một bài viết của The Spectator cho rằng "Zelensky cần nói sự thật về tình trạng sa lầy".

Tổng tham mưu trưởng quân đội Valerii Zaluzhnyi khi trả lời The Economist đã nhìn nhận cuộc chiến đang trong ngõ cụt. Vũ khí phương Tây đã được đưa đến nhưng quá ít và quá trễ, lẽ ra những hỏa tiễn tầm xa và xe tăng này rất hữu ích nếu chi viện từ năm ngoái. Không có những lợi thế công nghệ mới, Ukraine không thể chiến thắng. Phát biểu của ông có tác động như một quả bom, ảnh hưởng đến chính sách của Volodymyr Zelensky luôn vẽ ra một trạng thái tích cực. Sự lạc quan của tổng thống có một góc độ chiến thuật : nếu phương Tây nghĩ rằng Kiev không có cơ hội nào thì sẽ ép "đàm phán hòa bình".

Người Ukraine đã có kinh nghiệm xương máu với các hiệp ước Minsk : hòa bình chỉ nhằm giúp Moskva có thời gian chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng mới. Zelensky vội vã đính chính, đồng thời nhấn mạnh Ukraine không có cách nào khác là chiến đấu : "Người dân sẽ sống ra sao khi bị chiếm đóng ? Quên đi hàng ngàn thường dân bị quân của Putin giết chết ? Không ai chịu trách nhiệm, không có tòa án nào chăng ?".

Zelensky và phương Tây cần nhìn thẳng vào thực tế

Nhưng chiến tranh kéo dài khiến hiện tượng hăng hái nhập ngũ như ban đầu không còn nữa, mà không ít người tìm cách trốn tránh. Những tuần lễ tới, chính quyền cho phép tự chọn đơn vị, và không phải cứ nhập ngũ là ra tác chiến, mà có thể phục vụ trong ngành thông tin, hậu cần chẳng hạn. Cần nhìn thẳng vào sự thực : Ukraine phải chống lại một kẻ thù mạnh hơn nhiều về vũ khí, công nghệ và quân số. Chận đứng được 400.000 quân Nga xâm lược đã là một chiến thắng vang dội, nhưng còn việc đất nước sạch bóng quân thù lại là chuyện khác. Tờ báo cho rằng phương Tây cũng nên thẳng thắn với Ukraine.

Đại tá người Áo Markus Reisner nhận định chỉ có hai khả năng : hoặc phương Tây viện trợ cho Kiev tất cả những vũ khí cần thiết, không đặt ra một giới hạn nào ; hoặc chấp nhận rằng không thể thắng được, có thể bắt đầu đàm phán. Trong trường hợp này, Nhà nước Ukraine với hình thức hiện nay có thể biến mất vì Nga sẽ phá hủy. Ông Reiner bác bỏ giải pháp thứ ba về một hòa ước như thỏa thuận Budapest. Khái niệm biên giới được các hiệp ước bảo vệ không còn đứng vững : bên nào sở hữu quân đội lớn hơn có thể dùng vũ lực chiếm những gì mình muốn.

Vladimir Putin lại "ứng cử" sau 1/4 thế kỷ cai trị

Trong khi đó tại Nga ông chủ điện Kremlin ra ứng cử lần thứ năm ở tuổi 71, sau khi kết thúc bốn nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2000, chưa kể một nhiệm kỳ thủ tướng (2008-2012). Lần này Vladimir Putin không cần phải đổi vai với Medvedev, vì đã sửa đổi Hiến pháp nên có quyền tái tranh cử năm 2024 cho một nhiệm kỳ 6 năm sắp tới.

Courrier International dẫn báo chí tiếng Nga đưa tin hôm thứ Sáu 08/12, Putin đã dự lễ gắn huy chương cho các quân nhân đã tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, sau khi thăm chính thức Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Saudi Arabia. Tờ Kommersant thuật lại, trong một cảnh có vẻ là dàn dựng, chỉ huy một lữ đoàn sau khi nhận huy chương đã hỏi ông có ứng cử hay không, các đồng đội của sĩ quan này cũng theo chân, và Vladimir Putin chỉ đơn giản nói có. Trước đó tờ Nezavissimaia Gazeta đã đoán rằng Putin sẽ sớm loan báo tranh cử vì Hội đồng Liên bang Nga đã ấn định ngày bầu cử là 17/03/2024.

Tại các "lãnh thổ mới", tức bốn vùng của Ukraine bị sáp nhập tháng 9/2022 và Crimea, cũng như các vùng biên giới như Briansk, Kursk, Belgorod, cử tri có thể bỏ phiếu "ở gần nhà" nhờ các thùng phiếu lưu động. Bầu qua hệ thống điện tử được chấp nhận ở một số vùng và nước cộng hòa, nhưng không thể đối với cử tri Nga ở nước ngoài. Nhà chính trị học Fiodor Kracheninnikov dự báo Vladimir Putin trong nhiệm kỳ tới sẽ hung hăng hơn, và như vậy chiến tranh sẽ kéo dài và đẫm máu hơn.

Trò chơi khăm của đối lập

L’Express cho biết thêm, đồng thời với việc Putin loan tin tái ứng cử, chính quyền nhiều thành phố Nga trong đó có Moskva và Saint-Petersburg phải lo che giấu một sự kiện đáng ngại : những pa-nô, áp-phích kêu gọi bầu cho Vladimir Putin được dựng lên một ngày trước khi tổng thống thông báo. Bên cạnh chữ "Nga" thật to có một code QR lớn. Người sử dụng sao chép code này để vào một trang web, tham dự một cuộc thi, hy vọng nhận quà trong dịp lễ hội cuối năm, nhưng rốt cuộc lại dẫn đến trang "Nước Nga không có Putin".

Trên trang web này, thay vì đọc được quy định trò chơi có thưởng, lại là câu : "Đối với Putin, cuộc bầu cử 2024 là một cuộc trưng cầu dân ý đánh giá các hành động của ông ta và về chiến tranh (ở Ukraine). Ngày 17/03, nước Nga cần hiểu rằng đại đa số người dân không muốn Putin đứng đầu đất nước".

Những áp-phích trên là tác phẩm của một tổ chức được rất nhiều người biết đến : "Quỹ chống tham nhũng" của Alexei Navalny, nhà đối lập đang bị giam cầm và gần đây không có tin tức. Chiến lược của họ là : bầu cho bất kỳ ứng cử viên nào, trừ tổng thống Nga. Tổ chức phi chính phủ kêu gọi các công dân "thuyết phục ít nhất 10 người chống lại Putin", kể cả những người đã rời đất nước. Được biết trước đó đã có một cuộc thăm dò bằng 10 câu hỏi, khoảng 30.000 người cho biết sẵn sàng tẩy chay bầu cử, trên 45.000 người muốn bầu cho người nào khác ngoài Putin.

Nước Nga đạo đức ? Chỉ có trong trí tưởng tượng

Trên lãnh vực xã hội, L'Express chú ý đến việc hôm 30/11 phong trào dân sự quốc tế LGBT vừa bị xếp loại "tổ chức cực đoan", ngang hàng với Al Qaeda - một giai đoạn mới trong (cái gọi là) "chế độ bảo thủ lành mạnh" của Vladimir Putin. Từ khi chiếm Crimea năm 2014, chế độ Putin không ngừng đề cao "những giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga", nhằm lấp khoảng trống ý thức hệ sau khi Liên Xô sụp đổ, đối phó với "thế lực thù địch phương Tây".

Nhưng việc bảo vệ những "giá trị" này chỉ là cái cớ để đàn áp các tổ chức phi chính phủ bị quy là "tác nhân nước ngoài", đối lập chính trị, báo chí độc lập, nhân quyền. Còn xã hội Nga trên thực tế không phải là một xã hội bảo thủ. Nhà chính trị học Vera Grantseva của đại học Paris 7 khẳng định : "Cứ 2 đám cưới thì lại có 1 sau đó ly dị, và chỉ có 4 đến 8% dân số đi nhà thờ Chính thống giáo. Nước Nga đạo đức hoàn toàn là trong trí tưởng tượng".

Israel-Hamas : Cuộc chiến AI quy mô

Tại Trung Đông, L'Obs nhận định "Israel-Hamas : Cuộc chiến trí thông minh nhân tạo quy mô lớn đầu tiên". Quân đội Israel dùng thuật toán để gia tăng oanh kích Gaza, còn Hamas làm giả hình ảnh, video trong cuộc chiến thông tin. Phía Israel tương đối cởi mở khi cho biết nhờ sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo (AI), đã nhận diện được 12.000 mục tiêu kể từ đầu cuộc xung đột. Tạp chí "+972" nói thêm, phần mềm Habsora dựa trên một núi dữ liệu hình ảnh vệ tinh kết hợp với thông tin tình báo nhận ra vị trí nhà riêng của các thành viên Hamas hay Daesh để oanh kích.

Habsora đã được thử nghiệm từ năm 2021 trong chiến dịch "Bảo vệ tường thành" để tìm ra những căn nhà có đặt rốc-kết. Đại tá Yoav phụ trách AI của đơn vị 8200 của tình báo Israel hồi tháng 2 khẳng định nhờ công cụ này, có thể xác định vị trí những phần tử nguy hiểm chỉ trong vài giây thay vì hàng trăm giờ đồng hồ. Nếu 200 mục tiêu đã bị trừ khử năm 2021, lần này oanh kích rộng rãi hơn, theo "+972" tất cả nhà của các thành viên Hamas bất kỳ cấp bậc nào đều bị nhắm đến.

Về phía Hamas và những người ủng hộ ngay từ đầu cuộc chiến cũng dùng AI tạo vô số hình ảnh giả tung lên mạng xã hội để gây ảnh hưởng. Rất nhiều ảnh trẻ em trong đống đổ nát được nói là sau những vụ bỏ bom ở Gaza, nhưng thật ra hoàn toàn cho AI chế tạo. Chuyên gia Henry Ajder của Bloomberg nhận thấy những người làm ra muốn gây xúc động thật mạnh, như hình ảnh những em bé bị thương. Hoặc những video giả mạo, trong đó các phần tử Hamas phá hủy một xe tăng Israel, nhưng lấy từ chiến tranh ở Ukraine ; hay bắn hạ hai trực thăng Israel nhưng được trích từ trò chơi video "Arma 3".

Khan Yunis, trận đánh cuối cùng của chiến dịch Gaza ?

The Economist chạy tựa "Làm thế nào đạt được hòa bình", tuần báo cho rằng cuộc chiến tối hậu sắp diễn ra. Quân đội Israel đã tiến vào phía nam Gaza, thời gian không còn nhiều. Những trận đánh ở Khan Yunis (Khan Younès) dữ dội chưa từng thấy. Mục tiêu của Israel là tiêu diệt năng lực quân sự của Hamas cũng như khả năng quản lý Gaza. Nhưng các chỉ huy chính của phong trào khủng bố ẩn nấp trong mạng lưới địa đạo dày đặc bên cạnh hàng ngàn tay súng.

Khan Yunis, thành phố lớn nhất nam Gaza còn là nơi sinh trưởng của hai thủ lãnh Hamas, Yahya Sinwar và Mohammed Deif. Tsahal khẳng định đã phát hiện trên 800 lối vào địa đạo và phá hủy phần lớn, nhưng người ta cho rằng những đường hầm sâu nhất vẫn không suy suyển, nên nay Israel đang muốn làm ngập lụt bằng nước biển. Phe khủng bố vẫn còn khả năng bắn rốc-kết vào các thành phố Israel ở xa như Tel-Aviv cách đó 70 kilomet.

Về mặt công khai thì các nhà lãnh đạo vẫn tuyên bố chiến dịch không giới hạn thời gian, nhưng khi nói riêng họ nhìn nhận tiến về Khan Yunis có thể là giai đoạn cuối, sau đó Tsahal tiến hành những đợt oanh kích ngắn hơn. Sự ủng hộ của quốc tế giảm dần theo với thiệt hại của thường dân. Israel nói rằng khoảng 1/3 số thường dân thiệt mạng là do Hamas, nhưng không thuyết phục được đồng minh Mỹ.

Quân khủng bố trà trộn trong dân, khó thể hạn chế thiệt hại

Cố gắng giảm số nạn nhân là dân thường, ban đầu Israel ra lệnh tản cư khỏi miền bắc Gaza, nhưng sau công bố bản đồ chia Gaza làm 623 khu vực, gởi tin nhắn điện thoại và rải truyền đơn cho biết những khu vực an toàn. Tuy nhiên ngay cả khi thường dân tuân theo, hàng ngàn quân Hamas cũng bám theo họ.

Chính phủ Benjamin Netanyahu cũng chịu áp lực từ nền kinh tế, cần thu hẹp chiến tranh, để đa số trong 360.000 quân nhân dự bị quay về làm việc. Nhưng một số cực hữu đe dọa rút khỏi liên minh nếu chấm dứt chiến dịch trên bộ quá sớm. Trong khi đó gia đình của 138 con tin đòi hỏi thương lượng với Hamas. Quân đội Israel hoàn toàn ý thức rằng có những mong đợi tương khắc với nhau. Chính giới và hầu hết dân Israel muốn tiêu diệt Hamas, thân nhân con tin muốn đưa được họ về, đồng minh các nước muốn có ít nạn nhân Palestine hơn và chấm dứt chiến tranh. Thủ tướng Israel, uy tín đang đi xuống, tìm cách tránh phải chọn lựa giữa những mục tiêu khác biệt này.

Các tay sai của Iran gây rối

Trong khi đó phe Hezbollah ở Lebanon tiếp tục bắn hỏa tiễn và cho drone tấn công vào miền bắc Israel, dân quân Houthi tấn công các tàu hàng của Israel ở Hồng Hải, tất cả đều do Iran đứng sau. Lực lượng này đã nhận được một lượng lớn hỏa tiễn chống hạm và drone từ Iran. Trên Le Monde cuối tuần, đô đốc Pháp Alain Oudot de Dainville cảnh báo về nguy cơ cuộc xung đột Gaza mở rộng trên biển. Từ ngày 18/11, Houthi đã chận tàu hàng Galaxy-Leader với chiến thuật mà Vệ binh Cách mạng Iran đã huấn luyện, dùng drone đánh vào tàu dầu Pacific-Zirco của Israel, suýt chiếm được tàu chở hóa chất Central-Park. Hậu quả về thương mại đã thấy ngay : giá vận chuyển container đến cảng Ashdod của Israel tăng 9-14%.

Putin-Hamas : Lợi ích song đôi

Le Point mỉa mai, mới cách đây không lâu nhiều chính khách và bình luận gia vẫn ảo tưởng rằng Vladimir Putin là "đồng minh tự nhiên" chống khủng bố Hồi giáo. Thế nhưng chuyện gì đã xảy ra ? Nga đứng về phía Hamas dù đã mất đến 23 công dân trong vụ thảm sát ở Israel ngày 07/10. Thường xuyên gọi những nhà đối lập dù ôn hòa nhất là "khủng bố", chế độ Putin lại chưa hề dùng từ này để chỉ Hamas. Nếu Nga và Iran đều được lợi trong bi kịch, đừng quên rằng Putin hồi 2006 là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng Hamas thắng cử trước Fatah. Các thủ lãnh Hamas trong năm nay được Moskva tiếp đón hai lần, và lần mới nhất chỉ bốn tuần trước vụ khủng bố.

Dù không thể chứng minh, Kremlin trực tiếp liên can qua việc cung cấp hỏa tiễn chống tăng có laser dẫn đường Kornet, nhưng hàng triệu đô la đã được chuyển cho Hamas trước cuộc tấn công thông qua nền tảng tiền ảo Garantex của Nga. Báo chí nhà nước và mạng xã hội Nga thi nhau lan tỏa những tuyên truyền của Hamas. Theo Le Point, chế độ Putin có bốn lý do để gây rối loạn thêm tại Cận Đông. Đó là đẩy sự chú ý vào cuộc xâm lăng Ukraine sang nơi khác, khoét sâu chia rẽ trong công luận phương Tây, giúp giá dầu tăng, lôi kéo các nước Ả rập-Hồi giáo.

Không loại trừ nguy cơ thế chiến

Nhìn chung toàn cảnh, sử gia Niall Ferguson khi trả lời L’Express cho rằng "Mối nguy về một thế chiến thứ ba chừng như là sự thực". Trung Đông, xung đột Mỹ-Trung, Putin, khả năng Donald Trump quay lại… đó là những thách thức địa chính trị cho phương Tây. Về mặt sử học, sau một cuộc khủng hoảng lớn như đại dịch, thường xảy ra một loạt xung đột.

Theo ông Ferguson, Trung Đông bất ổn vì nhiều lý do : Israel chú tâm vào những vấn đề nội bộ, chính quyền nới lỏng áp lực lên Iran, và Tehran lo ngại khi Saudi Arabia xích lại gần Israel. Kể từ 07/10, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Qatar tuy chỉ trích Israel nhưng trong thâm tâm, các chính phủ vùng Vịnh đều cảnh giác trước người Palestine, rất ghét những tổ chức khủng bố. Họ nhìn Israel như một đối tác tiềm năng trong việc hiện đại hóa nền kinh tế, không muốn mãi đóng vai trò những trạm xăng, và có thể sắp tới sẽ nối lại đối thoại.

Về Ukraine, Ferguson cho rằng trong một cuộc chiến tranh lâu dài, một nước nhỏ khó chống được xâm lược vì ít nguồn lực và trợ giúp từ bên ngoài sẽ giảm sút với thời gian, kinh tế sa sút vì chiến tranh. Giờ đây nhìn lại, có thể một cơ hội đình chiến đã bị bỏ lỡ sau khi đuổi được quân Nga khỏi thủ đô Kiev. Hàn Quốc dù trong "cuộc chiến đóng băng" vẫn đứng vững bên cạnh người láng giềng hung hăng. Tương lai của Ukraine tùy thuộc khả năng trở thành một nền dân chủ vững mạnh, có nền kinh tế thị trường, thay vì một cường quốc quân sự.

Nhà nghiên cứu cho rằng từ năm năm qua thế giới sống trong một cuộc chiến tranh lạnh mới, và mọi chiến tranh lạnh đều tiềm tàng một cuộc thế chiến. Trong bối cảnh hiện nay, đó là nguy cơ xung đột Mỹ-Trung biến thành chiến tranh nóng. Tập Cận Bình đang gặp khó khăn với trên 20% thanh niên thất nghiệp, và một chế độ độc tài sẽ tìm cách gây hấn để tồn tại. Niall Ferguson đặc biệt lo ngại về mức độ liên kết giữa Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên ông vẫn lạc quan rằng các chế độ tự do sẽ chiến thắng trong chiến tranh lạnh vì sáng tạo hơn. Bằng chứng là mọi nhân tài trên thế giới đều muốn sống ở Hoa Kỳ, còn Trung Quốc và Nga không thể trông cậy vào ưu thế này của Mỹ.

Bộ trưởng Gabriel Attal : Khuôn mặt trẻ đang lên trên chính trường Pháp

Bộ trưởng giáo dục trẻ nhất của nền đệ ngũ cộng hòa Pháp và được báo chí nhắc đến thường xuyên, Gabriel Attal tuần này chiếm trang bìa của cả hai tuần báo L’Obs và L’Express. Sau khi cấm áo choàng Hồi giáo trong trường học, ông loan báo cải cách sâu sắc các trường cấp 2 : lập những nhóm theo trình độ, thi tốt nghiệp cuối cấp trước khi lên cấp 3, cho ở lại lớp… Vị bộ trưởng ở độ tuổi ba mươi đã trở thành một cột trụ trong chính phủ Borne, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Trả lời phỏng vấn của L’Obs, ông nhấn mạnh "Mục tiêu của tôi là tạo ra một cú sốc". Tuần báo nhận xét Attal nhạy bén, rõ ràng, kiên quyết ; tuy còn trẻ nhưng đã tạo dựng được một mạng lưới quan hệ rộng rãi, có ê-kíp hỗ trợ hiệu quả. Đối với L’Express, đó là một con người chỉ biết có công việc. Gabriel Attal hiện là bộ trưởng được các dân biểu đánh giá cao nhất. Một khuôn mặt triển vọng tiếp nối tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron chăng ?

Thụy My

Published in Quốc tế

Chiến tranh thương mãi ngày càng leo thang, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế trên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ trị giá lên đến 500 tỷ Mỹ kim.

Về tiền tệ và tín dụng, ông chỉ trích Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác thao túng tiền tệ và ghìm lãi suất thấp hơn, trong khi Mỹ lại tăng lãi suất, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Ông nhận xét không có một sân chơi công bằng cho nước Mỹ và liên tục đưa ra nhưng chỉ trích thế giới làm nhiều người lo sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba.

trump1

Donald Trump va Vladimir Putin muốn bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

Chiến tranh hạt nhân

Tổng thống Trump phát biểu trước cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Putin như sau : "Tôi thực sự nghĩ là thế giới muốn thấy chúng ta hòa hợp. Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân. Chúng ta sở hữu 90% vũ khí hạt nhân, và đó là điều không tốt. Đó là điều xấu”.

Chiến tranh hạt nhân nỗi ưu tư hàng đầu thúc đẩy hai ông Putin và Trump có cuộc gặp riêng này. Trong cuộc họp họ cũng chia sẻ quan tâm về Kim Jong-un, về Bắc Hàn và về Trung Quốc hai quốc gia có vũ khí hạt nhân khác.

Trở lại chuyện Bắc Hàn, cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore đã kết thúc bằng Tuyên bố chung Bắc Hàn cam kết nhanh chóng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đó là cớ để Mỹ luôn kêu gọi ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhắc nhở các quốc gia trên thế giới phải tiếp tục thi hành các biện pháp chế tài cho đến khi nào Bắc Hàn thực hiện lời hứa.

Nga và Trung Quốc ở ngay cạnh Bắc Hàn nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra hai quốc gia này sẽ nhận lãnh hậu quả khó lường.

Với Bắc Hàn chiến thuật cây gậy và củ cà rốt xem ra có hiệu quả. Ông Kim đã tỏ ra xuống nước không dám đe dọa Mỹ như trước đây còn bày tỏ mong muốn cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên thể chế chính trị như khối trục Bắc Kinh - Hà Nội hiện nay.

Điều đó cho thấy ông Trump dành mọi nỗ lực để giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân và nếu có chiến tranh quân sự Nga ít nhất giữ vị thế trung lập không đứng về phe đối phương.

Tiếp tục cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ tuần qua, ngày 21/7/2018 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng nhau thảo luận về triển vọng bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

Trong thời điểm hiện nay đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực không chỉ riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới. Thế đối đầu Mỹ Nga cần thay đổi để Mỹ có thể tập trung giải quyết tàn dư cộng sản.

NATO tăng ngân sách quốc phòng

Trái với thái độ vồn vã khi gặp ông Putin, trước đó ông Trump liên tục công kích một số quốc gia NATO vì không chịu gia tăng ngân sách quốc phòng.

Mỹ phải chi ra hơn 3,5% GDP và đến nay Mỹ đã đóng góp 70% chi phí NATO. Trong khi đó đến cuối năm 2018 chỉ có 5 quốc gia NATO chi 2% GDP. Hầu hết các cường quốc Âu Châu chỉ chi khoảng 1% GDP, Pháp 1,8%, Đức 1,2%, và Ý 1,2%.

Ông Trump cho biết trong tình trạng đối đầu giữa khối NATO và Nga chiến tranh quân sự rất dễ dàng xảy ra.

Nếu có chiến tranh xảy ra với ngân sách quốc phòng hạn hẹp các nước trong khối NATO không có khả năng chống đỡ, Mỹ lại sẽ phải điều quân trợ giúp và như thế là không công bằng cho nước Mỹ.

Ông Trump thậm chí còn nói rõ nếu được Quốc Hội cho phép ông sẽ rút Mỹ khỏi khối NATO vì ngày nay các cường quốc Âu Châu đã đủ mạnh để tự phòng vệ.

Đầu tháng 7/2018 trước khi sang Châu Âu ông Trump nhận định : “Liên minh Châu Âu tồi tệ như Trung Quốc, chỉ có điều ở quy mô nhỏ hơn. Những gì họ làm với Mỹ thật tồi tệ”.

Ông cho biết : “Năm ngoái, với Mỹ Châu Âu đạt 151 tỉ Mỹ kim thặng dư thương mại. Mỹ chịu thâm hụt nặng với EU trong khi vẫn chi một khoản lớn vào NATO để bảo vệ họ”.

Chỉ vài tháng trước ông Trump từng ca ngợi Ba Lan khi chi hơn 10 tỷ Mỹ Kim mua hệ thống Patriot của Mỹ.

Đương nhiên Mỹ hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho Ba Lan, nhưng đến khi Ba Lan cần trợ giúp quân sự thì Mỹ cũng sẵn sàng. Đôi bên cùng có lợi.

Khi toàn khối NATO gia tăng khả năng phòng thủ thì Nga sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi nghĩ đến chuyện chiến tranh.

Khi đó Mỹ đễ dàng chuyển quân sang khu vực Thái Bình Dương, mặt trận chiến lược mà Mỹ cần gia tăng bảo vệ và kiểm soát.

Đơn giản thủ tục bán vũ khí…

Ngày 19/4/2018 Tòa Bạch Ốc công bố chính sách đơn giản hóa thủ tục bán vũ khí cho các nước đồng minh. Thủ tục sẽ rút ngắn việc mua vũ khí Mỹ từ vài năm xuống còn vài ngày giúp cho các đồng minh có được vũ khí một cách nhanh chóng.

Trở về Á Châu từ khi nhậm chức ông Trump liên tục thúc đẩy Nhật và Nam Hàn gia tăng ngân sách quốc phòng và tăng trả chi phí đóng quân Mỹ tại hai quốc gia này.

Ngày 18/4/2018 vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định đảo Senkaku được áp dụng cho Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật và cam kết quân đội Mỹ tiếp tục trách nhiệm phòng vệ cho Nhật.

Riêng Đài Loan ông Trump mở rộng quan hệ ngoại giao, ký thêm nhiều hợp đồng bán khí giới, tập trận chung và gần đây nhất là việc đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan.

Ấn Độ một quốc gia luôn đối đầu với Trung Quốc và là một đồng minh mới của Mỹ được ông Trump đặc biệt quan tâm.

Ông Trump đã điện thoại trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay sau ngày nhậm chức. Thời gian qua Ấn Độ cũng chuyển sang mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn mua vũ khí Nga.

Ông Trump vốn xuất thân là một thương gia nên việc gì cũng cần phải có hợp đồng với những con số rõ ràng, nên từ khi nhậm chức, ông đã bán được nhiều vũ khí cho Mỹ.

Ngân sách quốc phòng Mỹ

Cuối năm 2017, Quốc Hội Mỹ thông qua ngân sách dự chi 692 tỷ Mỹ kim chừng 3,5% GDP cho quốc phòng năm 2018. Con số này vượt quá 37 tỷ Mỹ kim chính phủ Mỹ đề nghị và hơn 100 tỷ so với năm 2016 thời Tổng Thống Obama.

Điều này chứng tỏ không riêng ông Trump mà Quốc Hội đã nhận thấy nước Mỹ cần gia tăng quốc phòng để ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm một trật tự mới cho thế giới.

Trong hai cuộc thế chiến trước đây Mỹ đứng ngoài vòng chiến đến phút cuối. Nhưng lần này nếu chiến tranh xảy ra Mỹ sẽ phải tham dự từ ngay phút đầu và có khi cũng là nước đầu tiên bị tấn công.

Rõ ràng chiến lược của ông Trump là giảm thiểu xảy ra chiến tranh, tăng phòng thủ để giảm thiểu chiến tranh, giảm thiểu tổn thất, nhanh chóng giành chiến thắng và tăng sản xuất vũ khí để sẵn sàng khi xảy ra chiến tranh.

Tổng Thống Reagan và cuộc chạy đua vũ trang

Ngày 8/1/1979 Việt Nam đánh chiếm Campuchia. Sang ngày 17/2/1979 Trung Quốc đánh chiếm một số tỉnh phía Bắc Việt Nam sau đó rút quân.

Chiến tranh Việt – Trung và Việt – Campuchia kéo dài 10 năm, Việt Nam duy trì chiến tranh dựa trên viện trợ Liên Xô và Khối Đông Âu. Cuối cùng Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia và phải sang Trung Quốc ký hiệp ước Thành Đô đầy tai tiếng.

Đến tháng 12/1979, Liên Xô đổ quân vào Afghanistan giúp chính phủ theo phe cộng sản, trấn áp các lực lượng chống cộng. Trong 10 năm Liên Xô sa lầy trong cuộc chiến tranh cuối cùng phải rút quân.

Cộng sản ở Phi Châu lúc bấy giờ cũng đang hồi thắng thế. Mối đe dọa thế giới tự do sẽ bị cộng sản dùng vũ lực thôn tính chưa bao giờ cao như giai đoạn đầu thập niên 1980.

Tháng 1/1981, Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức ông cho tăng cường kho võ khí của Mỹ ở mức khủng khiếp. Liên Xô phải chạy đua vũ trang, nhưng kinh tế không đủ sức chịu đựng nên sụp đổ.

Khi ấy khá nhiều người đã công khai lo ngại thế chiến thứ ba sẽ bùng nổ và Mỹ - Liên Xô sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử.

Cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher cho rằng : “Tổng thống Ronald Reagan đã giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh mà không cần bắn một phát đạn nào”.

Phải chăng ông Trump đang đưa Trung Quốc vào chiến tranh thương mãi, chiến tranh tiền tệ và chiến tranh tín dụng cùng một lúc để đánh đổ Trung Quốc và các nước cộng sản còn lại mà không cần bắn phát đạn nào ?

Bất ổn nội bộ đảng Cộng sản

Nhìn chung Trung Quốc chưa bao giờ nghĩ tới chiến tranh thương mãi nên xây dựng một thể chế kinh tế hoàn toàn dựa vào xuất khẩu sang Mỹ và ra thế giới.

Tập Cận Bình mặc dù đã biết trước việc Mỹ trừng phạt kinh tế từ khi ông Trump nhậm chức nhưng khá bị động trước tình thế liên tục bị tấn công.

Việc trả đũa của Trung Quốc bị nhiều người nhận xét là thất sách vì cán cân chiến thắng nghiêng hẳn về phía Mỹ và chọc giận ông Trump đưa ra những quyết định ngày một mạnh hơn.

Trong nội bộ đảng Cộng sản lại luôn tồn tại tranh giành quyền lực vì thế chiến tranh thương mãi là cơ hội để các cánh trong đảng quy trách nhiệm cho Tập Cận Bình.

Ông Tập từng đưa ra các học thuyết như Tư tưởng Tập Cận Bình, Giấc mộng Trung Quốc, Dung nạp Thái Bình Dương, Một vành đai – Một con đường hay đeo đuổi chủ thuyết Nắm vững Trung, hướng về Nam, mở rộng Hải của Mao Trạch Đông.

Giờ là lúc ông bị chỉ trích là tự tạo ra sức mạnh ảo tưởng, tinh thần sung bái cá nhân, biểu lộ ý đồ xưng bá thế giới, gây chiến với Mỹ và thế giới.

Giới quan sát cho biết mâu thuẫn nội bộ đảng Cộng sản được đưa ra công khai, nhiều biểu hiện bất thường cũng xuất hiện trong công tác tuyên truyền, ăn khớp các thông tin nêu trên.

Cũng có tin cho rằng Hội nghị Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc vào đầu tháng 8 sẽ tập trung thảo luận về ba yếu tố chính : Thứ nhất, làm thế nào để đối phó cuộc chiến thương mại ; thứ hai, quản lý và kiểm soát rủi ro tài chính và tín dụng ; và thứ ba, điều chỉnh phong cách lãnh đạo từ bỏ tệ sùng bái cá nhân, thay vào đó là làm nổi bật vai trò lãnh đạo tập thể.

Cũng cần biết sau Hội nghị Bắc Đới Hà năm trước 2017 Trung Quốc quyết định kềm chế các địa phương đi vay, kiểm soát nợ công, nguồn rủi ro lớn cho sự ổn định tài chính và kinh tế Trung Quốc. Nghĩa là đã giảm chi tiêu.

Nay cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ làm tăng trưởng kinh tế trên đà tụt dốc, việc thu chi bắt buộc phải tính toán lại. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn phải thắt lưng buộc bụng không còn tung tiền mua ảnh hưởng như trước đây.

Nói tóm lại chỉ có trong cơn điên Trung Quốc mới khai chiến quân sự với Mỹ và nếu có cũng chỉ được hậu thuẫn bởi thành phần bán mình cho giặc đang nằm trong đảng Cộng sản Việt Nam hậu thuẫn.

Như bạn đọc đã thấy Trung Quốc đang bị Mỹ bao vây và sẽ bị xé ra thành nhiều nước độc lập như Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu, Hong Kong, Ma Cao…

Việt Nam và thế giới khi đó mới có thể nghĩ đến hòa bình thay vì luôn phải đối đầu với tham vọng bành chướng bá quyền của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 23/7/2018

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn