Với diện tích 550 ngàn km², Pháp – quốc gia rộng lớn nhất trong Liên Hiệp Châu Âu – là nền kinh tế thứ ba tại châu lục và đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Nhờ vào một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, Pháp được xếp là cường quốc quân sự thứ 8 trên toàn cầu. Dù vậy, cũng giống như cảm nhận của hai phần ba người dân Pháp, giới quan sát có chung nhận xét : Pháp không còn là một đại cường và tầm ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế đang đà suy giảm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong lễ duyệt binh mừng Quốc Khánh, quảng trường Concorde, Paris ngày 14/07/2023. AP - Christophe Ena
Pháp : Cường quốc được lắng nghe nhưng không được trông đợi
Từ những năm 2000, có một câu hỏi luôn được đặt ra : Pháp có còn là một cường quốc hay không ? Câu trả lời vẫn là "Có", nước Pháp vẫn là một cường quốc quan trọng nhờ ít nhất vào ba lá chủ bài : Một ghế thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một vị trí trong câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân và một mạng lưới ngoại giao rộng lớn được cho là đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, nước Pháp có thể trông cậy vào ngôn ngữ Pháp, sắp tới sẽ được hơn 300 triệu người sử dụng ; sự hiện diện đông đảo của Pháp tại nhiều định chế quốc tế ; một vai trò quan trọng trong khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là một hình ảnh tích cực để thu hút đầu tư và du lịch bất chấp một số bất ổn xã hội gần đây.
Tuy nhiên, nhà báo và cũng là tác giả, Richard Werly, thông tín viên báo "Blick" tại Paris trên kênh truyền hình RTS của Thụy Sĩ ngày 10/11/2023 đánh giá những lợi thế này cũng chưa đủ để nước Pháp ngày nay được "lắng nghe và trông đợi" như dưới thời tướng De Gaulle, thời tổng thống François Mitterand hay Jacques Chirac.
Bởi vì, những lá chủ bài đó của Pháp đâu phải là những điều "bất di bất dịch", như lưu ý của chuyên gia Frédéric Charillon, giáo sư ngành Khoa học Chính trị trường đại học Clermont – Auvergne trên tạp chí Diplomatie số ra tháng 8-9/2023.
Bản thân các định chế Liên Hiệp Quốc cũng đang bị chỉ trích là lỗi thời và ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải tổ. Vũ khí hạt nhân thì khó sử dụng tại các nền dân chủ. Thế mạnh kinh tế của Pháp, tuy vẫn nằm trong tốp hàng đầu nhưng đã bị nhiều nước phương Nam khác qua mặt.
Ngôn ngữ Pháp dù được sử dụng rộng rãi nhưng bị rút xuống như là một thứ ngôn ngữ làm việc trong các định chế quốc tế, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng như ở một số nước Bắc Phi, trong khi các hệ thống giáo dục nổi tiếng của Pháp ở nước ngoài bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước Châu Âu khác.
Trong lòng khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, Pháp phải quan tâm đến việc có nhiều đối tác không chấp nhận thế trội và sẵn sàng đối đầu trực diện, chống đối tầm nhìn chính trị của Paris.
Châu Phi : "Sân sau" đã mất !
Cũng theo ông Frédéric Charillon, bất chấp các nỗ lực không ngừng từ thời tướng De Gaulle, Pháp vẫn luôn gặp khó khăn trong việc mở rộng ảnh hưởng tại nhiều vùng giờ được cho là những vùng "tâm điểm chiến lược tương lai" như Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Á và Nam Á…
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tại Châu Phi. Ở những nước thuộc địa cũ, tầm ảnh hưởng của Pháp đã bị giảm mạnh đến thê thảm. Mười năm sau chiến dịch quân sự ở Mali và nước Pháp được chào đón như là một anh hùng năm 2013, Paris giờ phải lần lượt thoái lui ra khỏi sáu nước, từng được xem như là "sân sau" của Pháp sau một loạt các cuộc đảo chính quân sự và làn sóng "bài Pháp" : Mali (2020), Tchad (2021), Guinea (2021) ; Burkina Faso (2022), Niger (2023) và Gabon (2023).
Trong bối cảnh này, Paris buộc phải điều chỉnh chính sách đối với Châu Phi. Tại Rwanda, sau nhiều năm căng thẳng bang giao do có liên quan đến nạn diệt chủng năm 1994, nguyên thủ Pháp có lời xin lỗi. Trên bình diện văn hóa, Paris thông qua đạo luật trao trả lại nhiều cổ vật nghệ thuật. Về kinh tế, tổng thống Macron thông báo chấm dứt đồng franc CFA – vết tích sau cùng thời thuộc địa của Pháp trong khu vực.
Làm thế nào giải thích cho sự suy giảm mạnh mẽ ảnh hưởng của Pháp tại châu lục ? Ngoài yếu tố quá khứ thực dân, nhà địa chính trị Niagalé Bagayoko, chủ tịch African Security Sector Network, trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) đưa ra một số nguyên nhân khác :
"Trước hết có một sự tự phụ, một tham vọng quá lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà người dân thực sự tin tưởng. Pháp tuyên bố sẽ loại bỏ, vô hiệu hóa và tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố, và dư luận đã không nghi ngờ gì về khả năng thực hiện của Pháp. Tuy nhiên, sau hai mươi năm, chúng ta thấy rõ là các đối tác quốc tế đã không thể vượt qua cuộc xung đột này ở bất kỳ chiến trường nào.
Do vậy, sự tín nhiệm dành cho Pháp lúc ban đầu cũng vì thế đã gây ra hoài nghi và nỗi tức giận ngày càng lớn trước sự hiện diện được cho là vô ích. Và theo công luận Châu Phi, yếu tố thứ hai đi kèm theo, là thái độ ngạo mạn, lối gia trưởng khinh thường của Pháp khi đối diện với các nhà lãnh đạo và công luận tại chỗ (…)
Rồi cách thức xử lý khủng hoảng khi không đếm xỉa đến sự khác biệt trong phân tích chiến lược, nhất là với các nước trong vùng Sahel đã giải thích phần nào thất bại của Pháp mà chúng ta thấy rõ trong thực tế bất chấp những phủ nhận.
Chẳng hạn việc ngoại trưởng Pháp thời đó là ông Jean Yves Le Drian phản đối thủ tướng Mali phủ quyết mọi cuộc đàm phán với các nhóm khủng bố cho thấy các sai lầm trong việc chọn lựa các giải pháp của Paris. Hay như trong cuộc xung đột giữa Bamako và phe ly khai ở miền Bắc Mali, cách thức Pháp hậu thuẫn cho nhóm vũ trang Touareg đã bị dư luận Mali coi như là một hành động phản bội".
Trung Đông : Hình ảnh bị lu mờ
Ở Trung Đông, tại những nước có các mối liên hệ truyền thống, địa lý, và văn hóa sâu rộng bắt nguồn từ những mối liên minh xưa cũ như Syria, Libya hay Liban, Pháp cũng đã bị mất ảnh hưởng, trong khi dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Paris lại là một đối tác không thể thiếu ở khu vực.
Triển vọng mở rộng ảnh hưởng trong vùng giờ dịch chuyển về phía các cường quốc trong Vùng Vịnh. Tổng thống Emmanuel Macron là nguyên thủ đầu tiên tiếp đón hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane của Ả rập xê Út sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Với Qatar, Paris ký kết một nghị định thư hợp tác, nhưng chính tại Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất, Pháp có một căn cứ quân sự từ năm 2009.
Nhà báo Richard Werly, trên kênh truyền hình RTS nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, nước Pháp đã để lại hai hình ảnh, hai quyết định ấn tượng : Thứ nhất là nói "KHÔNG" với cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Iraq qua bài phát biểu của ông Dominique Villepin tại Liên Hiệp Quốc năm 2003 và thứ hai là hình ảnh ông J. Chirac gạt đoàn hộ tống của Israel để nói chuyện với người dân Palestine ở vùng Đông Jerusalem.
"Ở ông Chirac có một dạng bất đồng chính kiến theo kiểu tướng De Gaulle. Giờ hình thức này còn lại rất ít, đã bị ông Nicolas Sarkozy xóa nhòa đi rất nhiều. Quyết định gia nhập NATO đã đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần học thuyết của tướng De Gaulle. Còn tổng thống François Hollande thì vất vả tồn tại trên trường quốc tế. Giờ đến lượt Emmanuel Macron đang nỗ lực "chèo lái" để khôi phục sức mạnh này.
Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi. Khối phương Nam toàn cầu đòi hỏi khắt khe hơn trước và cuộc chiến tranh tại Ukraine đang tạo ra trước mặt chúng ta một "trục" khác bao gồm Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác nữa".
Khủng hoảng "AUKUS" : Vố đau cho công nghiệp quốc phòng
Lãnh vực công nghiệp quốc phòng – chiếc đòn bẩy quan trọng không thể thiếu của Pháp trong đối ngoại – cũng "năm chìm bảy nổi" trong cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt, trước một thế giới đã bị phân mảnh và xuất hiện nhiều cường quốc bậc trung, cũng đang đòi hỏi một vị trí trong bàn cờ địa chính trị.
Dù vậy, theo thống kê, Pháp là nước xuất khẩu vũ khí thứ ba trên thế giới (chiếm 11% thị phần toàn cầu), chỉ sau Nga (16%) và thua xa Mỹ (40%). Những khách hàng lớn của Paris trong năm 2022 là Ấn Độ, Qatar, Brazil, Ai Cập và Hy Lạp.
Tuy nhiên, trong năm 2021, chỉ trong vòng có vài tháng, nước Pháp liên tiếp đón nhận hai vố đau : Thụy Sĩ quyết định chọn mua F-35 của Mỹ trong khi các cuộc thương lượng về Rafale của Pháp được cho là có những tiến triển tốt và nhất là, Úc bất ngờ thông báo hủy hợp đồng mua 12 chiếc tầu ngầm của tập đoàn Naval Group của Pháp và thay vào đó là tầu ngầm hạt nhân của Anh – Mỹ.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm tế nhị, Pháp đặt các vùng lãnh thổ hải ngoại vào trọng tâm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Ấn Độ là một đối tác quan trọng hàng đầu đối với Pháp. Theo đánh giá từ nhà báo Richard Werly, cuộc khủng hoảng này đã để lại một tác động không nhỏ cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, một mặt cho phép nước này tự chủ về an ninh quốc phòng, nhưng mặt khác lại là một công cụ ngoại giao hữu ích.
"Đây là một sự sỉ nhục. Về mặt hợp đồng kinh doanh, quý vị đã ký cam kết bán 12 chiếc tàu ngầm, và hơn nữa, đó là một hợp đồng rất lớn, và đột nhiên, không hề báo trước, hợp đồng này bị một quốc gia là Úc từ bỏ khi cùng lúc ký một hợp đồng khác với Mỹ, đồng minh của quý vị. Vì vậy, đó là một sự sỉ nhục. Pháp hoàn toàn đúng khi bày tỏ bất bình với Joe Biden. Và ngay sau đó Emmanuel Macron có chuyến thăm cấp nhà nước trên thảm đỏ ở Washington.
Về mặt đánh giá chiến lược, Úc cho rằng thế phòng thủ hải quân thủ tốt nhất trước Trung Quốc là các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Điều đó có thể hiểu được, việc xem xét lại chiến lược của Úc là có thể hiểu được. Tôi nghĩ người Pháp cũng hiểu điều đó. Do vậy, họ đã thương lượng mức bồi thường 500 triệu euro, con số này không hề nhỏ.
Nhưng thực sự, nó giống như một sự sỉ nhục cho thế mạnh của Pháp, đó là một tín hiệu rất xấu. Kể từ đó, E. Macron đã cố gắng lấy lại vị thế này".
Nhìn từ toàn cảnh này, giới quan sát nhận định việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn có một nước Pháp hùng mạnh và được lắng nghe sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Để trở thành một cường quốc, không chỉ có thế mạnh quân sự mà còn phải có cả các phương tiện kinh tế để thúc đẩy những hồ sơ mà Pháp muốn mở rộng ảnh hưởng. Nhưng rủi thay những công cụ kinh tế này Pháp không còn nữa trong khi mà món nợ khổng lồ hơn 3.000 tỷ euro đang treo lơ lửng đe dọa đến nền kinh tế - xã hội tại xứ sở có hình lục lăng này !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 07/12/2023
Trong một bài trước tôi có nói qua về việc nước Pháp đang khủng hoảng vì tổng thống Macron muốn cải tổ những vấn đề có liên quan đến hưu trí. Cuộc đọ sức này vẫn chưa kết thúc và hai bên đang còn thách đấu nhau ngày mai thứ ba 28/3 với tổng bãi công và biểu tình. Bạo động đã xẩy ra ở một số thành phố lớn, nhưng chủ yếu vẫn là ở Paris.
Bạo động đã xẩy ra ở một số thành phố lớn, nhưng chủ yếu vẫn là ở Paris.
Các bạn cũng nên biết là bạo động một phần nhỏ do chính những người biểu tình gây nên. Tuy nhiên các bạo động khủng khiếp lại do nhiều lực lượng khác cố tình gây nên. Trong số này đa số là những phần tử bất mãn, vô công rồi nghề cứ thấy có biểu tình ở đâu là chúng trà trộn vào rồi đập phá, nhiều khi cũng nhân thể cướp bóc luôn. Họ chả có chính kiến gì hết, chỉ có phá và phá. Ngoài số này ra thì còn có nhiều các nhóm cực đoan khác nhau cả tả lẫn hữu. Ẩu đả giữa cánh sát và người biểu tình là chuyện cơm bữa, rồi hai bên cứ suốt ngày kiện nhau. Nghe mà phát mệt và không biết đằng nào mà lần.
Ngoài vụ biểu tình về chuyện hưu trí đang diễn ra hiện nay, đồng thời lại có một vụ biểu tình bạo động khổng lồ khác ở nông thôn nữa mà ở trong bài này tôi muốn nói đến nhiều hơn.
Một vụ bạo động khổng lồ khác ở Sainte Soline, vùng trung-tây nước Pháp, những toán cực tả tổ chức đánh trả lực lượng Hiến binh Phsap đến giải tỏa khu vực bễ nước tưới tiêu cho nông dân trong vùng
Trước tình trạng thiếu nước tưới ruộng, tại một số nơi, người ra cho xây những bể chứa nước lớn (70% là vốn của nhà nước), giống như kiểu các bể bơi nhưng rất lớn. Bờ của bể nước cao 5 m và rộng bằng 11 cái sân đá bóng, có thể chứa 628.000 m3 nước. Vào mùa đông mưa nhiều và có tuyết, cách mạch nước ngầm có nhiều nước. Người ta sẽ dùng máy bơm để bơm nước từ mạch nước ngầm vào các bể chứa này. Đến mùa hè thiếu nước thì lấy ra để tưới đồng ruộng. Từ 20 năm qua, một số hiệp hội bảo vệ môi trường và người câu cá cương quyết đấu tranh chống các bể chứa này. Lý do :
- Có những năm các mạch nước ngầm không đủ để bơm ;
- Xây bể, bơm nước sẽ thải ra nhiều CO2 gây ô nhiễm ;
- Bể nước có thể là nơi để cho vi khuẩn và rong rêu phát triển.
- Bơm nước để vào bể to vật như vậy nó bay hơi (hết).
- Yêu cầu trồng các loại cây khác tốn ít nước hơn.
uối tuầnvừa qua, quanh vùng Sainte Soline, khoảng 3.200 cảnh sát với sự hỗ trợ của trực thăng đã dàn trận trên cánh đồng đánh nhau với mấy nghìn người biểu tình đòi phá "bể bơi" - Ảnh minh họa Đoàn xe của lực lượng Hiến binh bị người biểu tình đốt
Câu chuyện chỉ có thế nhưng người biểu tình và lực lượng an ninh Pháp đánh nhau tóe lửa như ở Ukraine. Đúng thế luôn. Week-end vừa qua, quanh vùng Sainte Soline, khoảng 3.200 cảnh sát với sự hỗ trợ của trực thăng đã dàn trận trên cánh đồng đánh nhau với mấy nghìn người biểu tình đòi phá "bể bơi" (Đánh kiểu thời Napoleon). Rất tiếc là không có Napoleon nên 28 cảnh sát bị thương, trong đó có 2 bị thương nặng. Nhiều cảnh quay trực tiếp cho thấy cảnh sát vừa đánh vừa rút, bỏ lại nhiều oto bị đốt cháy rụi. Nước Pháp giầu mà.
200 người biểu tình bị thương, trong đó một ca rất nặng. 2 nhà báo cũng bị tên bay đạn lạc. Vụ biểu tình này có sự tham gia rất tích cực của một số nhóm cực tả. Sẽ còn đánh nhau tiếp. Khộ !
Nước Pháp kể cũng rảnh quá.
Hoàng Quốc Dũng
(27/03/2023)
Chống Covid-19 : Tổng thống Pháp kêu gọi khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia
Tác động mọi mặt của tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên báo Pháp ngày 02/04/2020, với các khía cạnh như xã hội trên Le Monde, lương thực trên Libération, y tế trên Le Figaro, giáo dục trên La Croix, và lẽ dĩ nhiên là tài chánh trên Les Echos. Các diễn biến tại Pháp cũng rất được chú ý, đặc biệt là lời kêu gọi của tổng thống Macron muốn "khôi phục" sự độc lập của kinh tế Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang Kolmi-Hopen tại Saint-Barthelemy-d'Anjou gần Angers (Pháp) ngày 31/03/2020. Loic Venance / AP
Theo ghi nhận của Le Monde, tình hình thiếu trang bị y tế để chống dịch đã nêu bật tình trạng phụ thuộc của Pháp vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ điều này khi ông chủ trương "khôi phục" sự độc lập kinh tế của Pháp. Tờ báo nhắc lại câu nói khi ông viếng thăm một xưởng chế tạo khẩu trang gần thành phố Angers, ngày 31/03 : "Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu".
Nhưng tờ báo cũng nhận định một cách hóm hỉnh là lịch sử sẽ ghi lại rằng tổng thống Pháp muốn "khôi phục chủ quyền quốc gia và Châu Âu" khi phát biểu tại chi nhánh của một tập đoàn Canada : xưởng sản xuất khẩu trang FFP2 (tức KN95) mà ông viếng thăm thuộc công ty Kolmi-Hopen. Ông đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà công nghiệp tại Pháp để tăng sản xuất khẩu trang.
Ngoài khẩu trang, nguyên thủ quốc gia Pháp còn thông báo thành lập một tập đoàn chung quanh Air Liquide để gia tăng việc sản xuất máy trợ thở ở cơ xưởng tại Antony, ngoại ô Paris, với mục tiêu 10.000 chiếc từ đây đến trung tuần tháng 5.
Sau khi nói rõ là các đơn đặt hàng về khẩu trang, gel khử trùng, máy trợ thở, các loại dược phẩm khác nằm trong khoản trợ cấp đặc biệt 4 tỷ euro của nhà nước, tổng thống Pháp nhấn mạnh : "Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu".
Le Monde cho là nạn thiếu khẩu trang hay máy trợ giúp hô hấp đã phơi bày những lỗ hổng của mô hình mà Pháp và Châu Âu từng đi theo, vốn đã khiến Pháp mất đi quyền tự chủ của mình.
Làm chủ vận mệnh của chính mình
Khôi phục chủ quyền kinh tế cũng là lời kêu gọi của báo Le Figaro trong bài xã luận "Làm chủ vận mệnh của chúng ta".
Dưới tựa đề này, tờ báo tự hỏi phải chăng sau khẩu trang, máy trợ thở, thiết bị xét nghiệm, nước Pháp bây giờ lại thiếu thuốc ? Pháp trên nguyên tắc nắm trong tay một hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất thế giới. Nhưng dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tất cả những nhược điểm : Những gì mà Pháp cần lại nằm trong những bàn tay khác, thường khi là Trung Quốc.
Kinh nghiệm tai ác này đặt ra những câu hỏi chính đáng về "thế giới sau đại dịch", mà công việc cần làm trước tiên là xóa bỏ, không phải là tiến trình toàn cầu hóa, vốn là một thực tế mà không ai có thể bỏ qua, mà là những yếu tố thái quá của toàn cầu hóa. Thật ra việc chỉnh sửa lại đã bắt đầu với phong trào bảo vệ môi trường và cuộc thương chiến Mỹ Trung.
Tại Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tôn cao chủ quyền để không còn tùy thuộc vào ai khác trong những lãnh vực "cần yếu". Đây là điều tối thiểu mà người ta có thể đòi hỏi sau kinh nghiệm thảm hại của Covid-19.
Việc nắm lại vận mệnh này, theo Le Figaro, phải được thực hiện trong tất cả các địa hạt liên quan đến quyền lợi quốc gia : y tế, quân sự, năng lượng, nước, và dĩ nhiên là thực phẩm, nhưng cũng có lãnh vực công nghệ nhạy cảm của tương lai như không gian, dữ liệu tin học.
Và trong một thế giới mà hai đế chế Mỹ và Trung Quốc thống trị, cao vọng chủ quyền này phải phần lớn dựa vào Châu Âu.
Báo động : Các khoa hồi sức có nguy cơ thiếu thuốc
Theo Le Figaro, dịch bệnh càng lan rộng khắp hành tinh, thì các mối đe dọa về sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu nhất càng gia tăng. Trong các khoa hồi sức đang tràn ngập bệnh nhân, nhiều loại thuốc thiết yếu bắt đầu thiếu, từ thuốc gây tê curare, thuốc mê, cho đến thuốc kháng sinh, các kho dự trữ đều tuột xuống mức thấp.
Các cơ quan y tế và giới công nghiêp dược phẩm đang tìm đủ mọi biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu thuốc. Thậm chí các phân tử cũ, bị bỏ đi trước đây, hay thuốc dùng trong ngành thú y cũng có thể được sử dụng.
Các loại thiết bị y tế hoặc bảo vệ như khẩu trang, kính che mắt… cũng thiếu. Tình trạng này đã thúc đẩy óc sáng tạo của các nhân viên y tế, tìm cách sáng chế là những phương tiện cần thiết, trong lúc ngoài xã hội, cả một phong trào đoàn kết tương trợ đang dâng lên để tạm thời bổ khuyết cho vấn đề thiếu thốn trang bị.
Phong tỏa làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội
Theo Le Monde, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã nêu bật tình trạng bất công trước công ăn việc làm cũng như về nhà ở trong xã hội Pháp.
Đối với tờ báo, vào lúc hình thức làm việc từ xa phát triển, vẫn có 18,8 triệu người ngày ngày bị buộc phải đi đến chỗ làm.
Thuộc các thành phần như công nhân vệ sinh, giới điều dưỡng trợ giúp người già yếu, bệnh tật, nhân viên bán hàng tại siêu thị, công nhân nhà máy làm pha lê, nhân viên đóng gói, giao hàng làm việc cho tập đoàn bán hàng qua mạng Amazon, họ đã kể lại những công việc thường nhật của mình, mô tả nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh, đôi khi niềm tự hào khi thấy rằng mình là mắt xích không thể thiếu trong xã hội, nhưng tất cả đều cho biết là họ không có quyền chọn lựa
Theo Le Monde, tình trạng phong tỏa toàn quốc cũng bộc lộ tính chất chật chội của nhiều căn hộ, và những khác biệt về cơ hội thăng tiến nhờ giáo dục.
Dây chuyền cung ứng thực phẩm phải thích nghi với lệnh phong tỏa
Libération quan tâm đến các vấn đề do chính sách phong tỏa đặt ra, nhưng lại tự hỏi "Làm sao duy trì (chuỗi cung ứng) lương thực" vào thời phong tỏa.
Theo tờ báo, các khó khăn trong khẩu sản xuất lương thực do thiếu nhân công, vấn đề vận chuyển hàng hóa phức tạp, tình trạng mua hàng tích trữ của người tiêu dùng, tất cả những vấn đề này đã buộc toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải sáng tạo và thích nghi để có thể nuôi sống hàng chục triệu người Pháp trong đại dịch.
Bản thân người bị phong tỏa, theo tờ báo, cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình trong tình huống mới.
Thị trường tài chánh bị nhiễm virus corona
Trên Les Echos, hàng tựa lớn trang nhất ghi nhận : "Con virus đã lây bệnh cho các thị trường tài chính như thế nào".
Theo Les Echos, sau khi hồi phục trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán lại tụt dốc vào hôm qua. Tại Pháp hơn 450 tỷ euro trong trị giá của các đại doanh nghiệp CAC 40 đã bốc hơi trong quý I năm 2020 này.
Trọng Nghĩa
Chống dịch virus corona : ý thức Công dân, bổn phận Nhà nước
Nước Pháp tuyên chiến với kẻ thù vô hình, toàn quốc bị phong tỏa, Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới trong vòng một tháng, kinh tế Châu Âu đình trệ, mỗi quốc gia một chiến lươc đối phó... siêu vi corona tiếp tục tràn ngập các trang báo Pháp.
Quang cảnh từ Pont des Arts, trước Viện Hàn Lâm Pháp, không một bóng người do lệnh phong tỏa để đối phó với địch virus corona, Paris, ngày 18/03/2020. Reuters - CHRISTIAN HARTMANN
Tổng động viên chống dịch
Macron ban hành tổng động viên, nước Pháp bị phong tỏa, một kế hoạch 45 tỷ euro giúp doanh nghiệp trong cơn khốn khó, đình hoãn dự luật cải cách hưu trí, dịch lan chậm lại tại Ý...
Từ Le Monde, Libération cho đến Le Figaro, tất cả đều chọn những bức ảnh đường phố Paris hoang vắng đưa lên trang nhất để gây ấn tượng. Cuốn phim De Gaulle vừa ra mắt khán giả trước khi các rạp xi-nê phải tạm đóng cửa cũng được cây bút hí họa của Le Monde đưa vào mục thời sự để minh họa cho sự kiện chiều thứ Hai, tổng thống Pháp loan báo các biện pháp triệt để chống dịch : "Đây, người bị cách ly nói với người bị cách ly" (nguyên văn : Đây, người Pháp nói với người Pháp). Tranh vui thứ nhì vẽ một cậu bé mặc áo siêu nhân (superman) ngạc nhiên hỏi một nhóm người lớn buồn rầu đeo khẩu trang : Bộ không chơi nữa hay sao ?
Với các tựa và hí họa trên đây, Le Monde tóm lược những chuyển biến trong 24 giờ qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hệ quả.
Trong bài xã luận "Kỳ vọng vào ý thức công dân", nhật báo độc lập nhận định là tổng thống Pháp bắt buộc phải ban hành biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của người dân như Ý và Tây Ban Nha đã làm. Bởi vì đây là cách khả thi nhất theo sự cố vấn của hội đồng các nhà khoa học. Chúng ta đang có chiến tranh ông nhấn mạnh đến sáu lần câu nói bất hủ của Georges Clémenceau, vị thủ tướng Pháp biết kích động tinh thần dân Pháp để thắng cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918.
Phong tỏa ra sao ? Tổng thống để cho bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chức vụ có biệt danh là "ông cò số một" nói rõ chi tiết "ngăn đường giặc siêu vi" : Huy động 100.000 cảnh sát, hiến binh, kiểm soát các tụ điểm then chốt. Còn công dân ra đường trong giai đoạn 14 ngày này phải có sẵn một tờ cam kết danh dự là đi đâu, có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt trong một hai ngày đầu là 38 euro, mấy ngày sau 135 euro.
Lệnh của chính phủ rất rõ ràng : Mọi người phải ở trong nhà. Ở nhà mới bảo vệ được sức khỏe, mạng sống của mình và cho người khác trong tinh thần "tập thể công dân".
Không chơi nữa sao ?
Thái độ "vô tâm" của dân Pháp cũng bị tổng thống lưu ý. Trong lúc dịch Covid-19 lây lan, hơn 100 nạn nhân qua đời tại Pháp, học sinh ở nhà học qua internet, mà dân chúng vẫn tấp nập mua sắm hay ra công viên, bờ sông tắm nắng. Từ nay, phải dùng biện pháp nghiêm ngặt hơn, bắt ở nhà. Cuộc chay đua tranh thủ thời gian chống bệnh và cái chết đã bắt đầu mà mục đích là làm sao cắt đứt con đường lây qua tiếp xúc để bệnh viện và nhân viên y tế có thời giờ và phương tiện y khoa chăm sóc cho từng bệnh nhân thay vì phải chọn kịch bản bỏ mặc người già như La Croix, trong bài mỗi nước một chiến lược, nói đến.
Virus corona phục hồi vai trò Nhà nước
Cũng Le Monde, bài phân tích "Corona phục hồi vai trò Nhà nước" nhấn mạnh đến bổn phận chính trị của chế độ và nhà lãnh đạo.
Covid-19 không chỉ mà một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần. Nó còn là cơ hội để đánh giá chính xác tinh thần đề kháng, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ. Trong bình diện quốc gia, tinh thần tương thân tương trợ thường khi xung khắc với tâm lý ích kỷ, co cụm. Chưa chi mà không gian tự do đi lại Schengen, một trong những thành tựu quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, đã bị khoanh lại.
Trước nguy cơ dân chúng tử vong vì virus ngày càng nhiều cũng như kinh tế đình trệ, vai trò của Nhà nước, hiện đang thất thế trước xu hướng toàn cầu hóa và thế lực áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, sẽ được hồi phục, tăng cường.
Đại dịch virus corona là cơ hội ngàn năm có một để chứng minh được tính vững chắc của giới lãnh đạo chính trị Châu Âu và xa hơn nữa là thế bền vững của các chế độ chính trị dân chủ, minh bạch và quyết tâm hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu sinh mạng đồng bào.
Theo tác giả, còn quá sớm để có thể kết luận chế độ dân chủ có chuẩn bị tốt hơn chế độ độc tài hay không bởi vì chúng ta chưa qua đỉnh khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau :
- Che giấu sự thật đã làm mất nhiều thời giờ qúy báu ;
- Chế độ Trung Quốc với tập quán quan liêu từ gốc, sau khi phủ nhận sự thật đã quay sang phản ứng cực đoan thái quá ;
- Tại Iran, cách thức ứng phó tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đã làm cho bộ máy quyền lực tiêu hao nhân sự.
Tuyên truyền quy kết, gọi hiểm họa dịch Covid-19 là âm mưu khuynh đảo của ngoại bang, thay vì kêu cứu chống dịch, đã làm hàng loạt quan chức chết oan mạng ; - Chính quyền Donald Trump cũng phủ nhận thảm họa virus corona chủng mới cho nên giờ đây Mỹ phải đối phó với một thử thách nghiêm trọng và bất trắc.
Tại Mỹ cũng như tại Châu Âu, dịch virus corona đặt vấn đề về vai trò của bệnh viện công và nhân phẩm con người cho dù là nghèo hay giàu. Giáo dục, y tế, an toàn cho dân là ba chức năng cơ bản của một Nhà nước cần phải được định nghĩa lại sau con biến động này.
Cứu nguy kinh tế
Libération chê trách tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử nên chỉ lo cho sức khỏe của thị trường hơn là sức khỏe của dân chúng.
Tham vọng chính trị của chủ nhân Nhà Trắng khiến ông phủ nhận sự thật trong nhiều tuần lễ, cuối cùng sàn chứng khoán cũng rơi tự do và còn tiếp tục. Bây giờ, chính phủ Mỹ mới thông báo chi ra 1.000 tỷ đôla chống dịch khẩn cấp.
Trên góc nhìn y tế, cũng như Le Monde, nhật báo Les Echos lo ngại cho Ấn Độ, một nước đông dân nhất địa cầu mà chỉ có hơn 100 ca bệnh. Một trong những lý do biện giải là Ấn Độ không có phương tiện xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Chính nhờ biện pháp này và chính sách tận lực cứu chữa thật sớm cho từng công dân mà Hàn Quốc đã làm giảm đà lây lan cũng như giới hạn số người chết.
Cứu nhà bị cháy không hà tiện nước
Trên góc nhìn kinh tế, Les Echos chào mừng quyết định của Pháp chi ra 45 tỷ euro, một kế hoạch vô tiền khoáng hậu hỗ trợ cho các hãng xưởng lớn nhỏ bị khó khăn. Tuyên bố của bộ trưởng Tài chính được lấy làm tựa lớn : Khi nhà bị cháy thì ai lại đếm số lít nước ? Phương án quốc hữu hóa các hãng thu lỗ nhiều cũng được dự kiến.
Tuy nhiên, điều mà Les Echos cảm thấy cần kíp phải thay đổi qua bài học Covid-19 là phải tránh tình trạng lệ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà tổng thống Macron lưu ý. Les Echos hy vọng tuyên bố của tổng thống Macron sẽ sớm được thực hiện.
La Croix cũng góp tiếng vào kinh tế với tựa báo động : Chiến tranh kinh tế khai màn. Về dịch tễ, nhật báo công giáo trình bày ba liệu pháp chống dịch : Để siêu vi lây lan khắp nước để toàn dân sau đó được miễn dịch như chủ trương, nay đã bỏ, của Anh Quốc và cũng là dự án của Hà Lan. Chiến lược thứ hai là "cách ly" triệt để như Ý hay tương đối nhẹ hơn như ở Pháp. Và thứ ba là "thông tin để dân chúng ý thức tích cực tham gia" như trường hợp Hàn Quốc.
Tú Anh
Pháp và "ngoại giao Rafale" tại Châu Á
Các hợp đồng bán vũ khí, nhất là các chiến đấu cơ, vẫn là biểu hiện rõ rệt nhất cho các tham vọng địa chính trị của Pháp, qua một chuyến đi của không quân Pháp mùa hè vừa qua tại Châu Á. Đó là ghi nhận của nguyệt san Le Monde diplomatique tháng 12/2018, trong một bài viết với hàng tựa "Ngoại giao Rafale".
Chiến đấu cơ Pháp Rafale tham gia tập trận tại Úc, căn cứ không quân Darwin, ngày 24/07/2018.Australian Defence Force/Handout via REUTERS
"Lần cuối cùng mà chúng tôi đến đây, đó là để thả bom". Một sĩ quan không quân Pháp đã nói như vậy khi ca ngợi cuộc hạ cánh "lịch sử" của 3 chiếc Rafale, những chiến đấu cơ đầu tiên của Pháp đáp xuống miền bắc Việt Nam kể từ năm 1954.
Theo Le Monde diplomatique, cuộc gặp gỡ giữa các tướng lãnh không quân Việt, Pháp đã diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác Pegase (triển khai lực lượng không quân quy mô tại Đông Nam Á), mà không quân Pháp tiến hành từ ngày 19/08 đến 04/09/2018. Trong mỗi nước mà họ đến thăm (Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ), 3 chiếc Rafale, 1 chiếc máy bay vận tải quân sự A400M và 1 chiếc A310 lo về hậu cần, đã chứng tỏ cho thấy là Pháp có thể triển khai được những gì để giúp cho các đối tác.
Le Monde diplomatique cho biết đây là chiến dịch đầu tiên của không quân Pháp tại Châu Á, buộc họ phải thích ứng với một môi trường xa lạ. Về mặt văn hóa và chiến lược, đối với quân đội Pháp, Châu Á là vùng quen thuộc của các thủy thủ, trong khi không quân thì nắm rõ vùng Châu Phi và Trung Đông hơn.
Tại Djakarta và Kuala Lumpur, các sĩ quan cao cấp của không quân Indonesia và Malaysia đã được mời lên chiếc Rafale, thậm chí được cho lái thử. Tại hai nước này, cũng như tại Việt Nam, các quan chức quân sự và dân sự đã được lên xem bay biểu diễn trên chiếc phi cơ vận tải quân sự A4000M. Trong suốt chuyến đi, các phi công Pháp đã không ngừng nhắc đi nhắc lại : Pháp cũng là một cường quốc Châu Á.
Theo Le Monde diplomatique, khi đem theo những chiến đấu cơ Rafale, Pháp cũng nêu lên khả năng lập liên minh với các nước Đông Nam Á, nhưng để chống lại ai ? Đa số các quân đội trong vùng đều lo ngại Trung Quốc. Ai cũng nghĩ đến những căng thẳng ở vùng Biển Đông. Trong hai chặng Malaysia và Việt Nam, không quân Pháp đã đề nghị bay sát vùng không phận mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền.
Nhiều phương án đã được dự trù, cứng rắn nhất là triển khai toàn bộ phi đội, gồm cả 3 chiếc Rafale, bay tại khu vực không phận đang tranh chấp. Giải pháp ôn hòa nhất là đi theo những đường bay của hàng không dân dụng, cách xa các khu vực tranh chấp. Cuối cùng, phủ tổng thống Pháp đã chọn phương án ôn hòa. Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh đã muốn chọn phương án cứng rắn, nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ với Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu nước Paris đừng "tiếp tay" cho Anh Mỹ.
Theo Le Monde diplomatique, trong khoảng thời gian từ 2008-2017, đa số nước mà không quân Pháp ghé thăm trong khuôn khổ Pegase cũng chính là những nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất. Riêng tại Đông Nam Á, Singapore chiếm hạng 8 trong số các nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất, Malaysia hạng 11 và Indonesia hạng 15.
Nước Pháp bị chia rẽ vì thuế
"Pháp chống lại Pháp". Với hàng tựa này trên trang nhất, tuần báo L’Express cảnh báo về tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa hai khối tại Pháp, một bên là những người được hưởng lợi từ thành quả của toàn cầu hóa và bên kia là những người bị thua thiệt, bị lãng quên.
Trong bài viết tựa đề : "Nỗi bất mãn về thuế khóa của những kẻ bị lãng quên trong nền Cộng Hòa", tờ báo cho biết, được thổi bùng lên do việc tăng giá xăng dầu, sự phẫn nộ đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, nhất là tại những vùng mà Nhà nước bỏ rơi. L’Express trích lời Sylvaine, một cư dân ở thị trấn Blanc, tỉnh Indre, than thở : "Chúng tôi đã mất trụ sở tòa án, chi nhánh Pôle emploi (cơ quan tìm việc làm), bây giờ cả nhà bảo sanh cũng đóng cửa luôn. Các dịch vụ công lần lượt biến mất". Đồng hương Noelle thì nuốt giận nói : "Họ không thèm nghe chúng tôi, thì chúng tôi lên Paris để lên tiếng cho họ nghe".
Theo L’Express, nghịch lý là ở chỗ đó : những người phản đối điều mà họ gọi là "trấn lột thuế" thường là những người đã bất mãn vì Nhà nước đóng cửa trường học và trạm bưu điện ở địa phương họ. Thực tế đúng là tỷ lệ của toàn bộ các khoản đóng góp bắt buộc, tức toàn bộ các thuế tính trên GDP, ở Pháp đã lên tới 45,3% năm 2017, theo số liệu của Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu kinh tế (INSEE), một kỷ lục mới. Cũng năm ngoái, toàn bộ số tiền đóng thuế và đóng góp xã hội mà dân Pháp phải trả đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ euro (chính xác là 1.038 tỷ), theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên tới 1054 tỷ năm 2018 và 1070 tỷ năm 2019.
Thuế nhiều như thế để làm gì vậy ? Một số người nóng nảy đã vội thẳng thừng bác bỏ mô hình xã hội Pháp. Nhưng họ quên rằng tại Pháp, tuy hệ thống an sinh xã hội ngày càng bị mất đi hiệu quả, Nhà nước vẫn bảo đảm được những phúc lợi xã hội như giáo dục miễn phí từ năm 3 tuổi, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, trợ cấp cho người thất nghiệp, thu nhập tối thiểu cho người già…
Vấn đề là càng ngày dân Pháp càng bớt đồng tình với thuế, trong khi sự đồng tình này chính là nền tảng cơ bản của nền Cộng Hòa, nhất là trong tầng lớp trung bình và tầng lớp bình dân. Theo kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Alexis Spire, càng xuống phía dưới nấc thang xã hội, tâm lý bất mãn về thuế càng tăng. Chính những người có thu nhập thấp và có bằng cấp thấp nhất nghĩ rằng thuế hiện nay là quá cao và bất công.
Sự cách biệt trong cái nhìn về thuế còn gắn liền với sự cách biệt giữa các vùng lãnh thổ. Cũng theo điều tra của nhà xã hội học Spire, khi được hỏi Pháp có phải là quốc gia mà người dân đóng quá nhiều thuế hay không, chỉ có 39% dân Paris là "hoàn toàn đồng ý", trong khi tỷ lệ này ở các vùng nông thôn lên tới 58% và ở các thành phố nhỏ là 62%.
Serebrennikov : Lại một đạo diễn gây khó chịu cho Putin
Chuyển sang nước Nga, tuần báo L’Obs kỳ này dành đến 3 trang để nói về Kirill Serebrennikov, một đạo diễn cũng đang gây khó chịu cho tổng thống Vladimir Putin.
Tại Liên hoan phim Cannes kỳ năm ngoái, chiếc ghế của Serebrennikov đã bị bỏ trống, vì đạo diễn Nga bị chế độ Putin quản thúc tại gia nên không thể đến Pháp, nhưng bộ phim "Leto" (Mùa hè) của ông, tham gia tranh giải, đã nói thay cho ông. "Leto" nói về Kino, nhóm nhạc rock nổi tiếng nhất của thời kỳ perestroika. Viktor Tsoi, một trong những người sáng lập nhóm nhạc thì được xem là biểu tượng của sự thay đổi. Sau khi anh qua đời vì tai nạn xe hơi, ngay cả tờ Pravda năm 1990 cũng đã đưa hàng tựa : "Vị anh hùng cuối cùng của Nga".
Nhưng thật ra trong phim "Leto", Serebrennikov quan tâm nhiều hơn đến nhân vật Mike Naumenko, một thành viên khác nhóm nhạc Kino. Giống như Serebrennikov, Naumenko cũng là gương mặt tiêu biểu của xu thế đổi mới, nhưng thừa biết đổi mới đó sẽ chỉ là ảo tưởng. Từ hơn một năm nay, Serebrennikov đã bị chính quyền khóa miệng và giờ đây đang chờ ngành tư pháp của Putin quyết định số phận của mình.
Là giám đốc Nhà hát Gogol từ năm 2012, Serebrennikov đã hiện đại hóa hoạt động của nhà hát nổi tiếng này, biến nó thành một nơi sáng tạo độc đáo. Nhưng càng thành công, vị đạo diễn này càng gây khó chịu cho chính quyền Putin. Một số bộ phim của ông không ngần ngại đả kích những thành phần cuồng tín trong Giáo hội Chính Thống Giáo, trong khi đây chính là chổ dựa của Putin. Serebrennikov ủng hộ nhóm Pussy Riot, đấu tranh cho quyền của giới đồng tính.
Hậu quả là ngày 23/05/2017, đạo diễn Nga đã bị triệu tập lên với tư cách nhân chứng, nhà của ông bị khám xét để điều tra về một vụ biển thủ công quỹ. Theo L’Express, vụ Serebrennikov chính là phản ánh cuộc đối đầu giữa phe cứng rắn và phe ôn hòa trong chính quyền Putin.
Khủng hoảng đức tin tại Ba Lan
Về tôn giáo, tờ L’Express tuần này đưa chúng ta đến Ba Lan, nơi mà thành công của bộ phim "Kler" (Tu sĩ) , đặt công luận nước này đối diện với những tội lỗi của Giáo hội đầy thế lực, 13 năm sau khi giáo hoàng John Paul đệ nhị qua đời.
Với 5 triệu lượt người vào xem chỉ trong vòng một tháng, đây là thành công điện ảnh đứng hàng thứ ba tại Ba Lan kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Theo L’Express, thành công này của đạo diễn Wojciech Smarzowski không phải là vô cớ. Kể từ sau cái chết của vị giáo hoàng gốc Ba Lan năm 2005, Giáo hội Công giáo không còn là một đề tài cấm kỵ ở Ba Lan nữa. Đối với Marek Lisinski, người đã bị một linh mục lạm dụng tình dục vào năm 13 tuổi, "Kler" coi như là một phim tài liệu. Tất cả những cảnh ấu dâm trong phim đều là chuyện có thật.
L’Express cho biết, ngày 07/10 vừa qua, tức là khoảng 10 ngày sau khi phim được trình chiếu, hiệp hội "Hãy đừng sợ" (tên đặt theo câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng John Paul đệ nhị), do ông Marek Lisinski sáng lập, đã tổ chức một cuộc tuần hành chưa từng để lên án nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo Ba Lan. Khoảng 200 người đã xuống đường và kéo đến tòa tổng giám mục với các biểu ngữ như "Hãy bỏ tù bọn ấu dâm".
Cuộc biểu tình này, cũng như thành công của phim "Kler", đã thúc đẩy ngày càng nhiều người mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi ấu dâm của các linh mục. Nhưng theo thẩm định của Marek Lisinski, có thể sẽ chỉ có khoảng 60 vụ là được đưa ra tòa và con số các vụ được công khai hóa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo L’Express, im lặng kể từ khi phim "Kler" được trình chiếu, Hội đồng Giám mục Ba Lan ngày 19/11 vừa qua đã lên tiếng xin lỗi "Chúa, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, gia đình của họ, vì những vết thương mà các linh mục gây ra"... Hội đồng Giám mục cho biết là ở mỗi giáo xứ nay đều có một người đại diện thu thập những thông tin về các vụ ấu dâm, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời chuyển những ca đã được xác nhận đến Tòa Thánh và viện công tố để xử lý theo giáo luật và pháp luật.
Kinh doanh cần sa
Trang nhất của tuần báo Courrier International tuần này được dành cho đề tài kinh doanh cần sa, nhân sự kiện ngày 17/10 vừa qua, sau nhiều bang của Mỹ, đến lượt Canada hợp pháp hóa cần sa sử dụng vào mục đích giải trí (để phân biệt với cần sa dùng để chữa bệnh).
Thuế đánh vào cần sa sẽ là một nguồn thu dồi dào mà nhiều nước cũng rất quan tâm, kể cả những nước ở Châu Á, vốn có chính sách rất khắc nghiệt đối với người hút cần sa. Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, cho biết, với việc Canada hợp pháp hóa cần sa, các nhà sản xuất rượu bia đang tự hỏi họ có nên đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không. Mối lo lớn nhất của các công ty trong lĩnh vực này là người ta sẽ uống ít rượu bia hơn nếu có thêm nhiều nước hợp pháp hóa cần sa. Theo tờ báo này, giá cổ phiếu các công ty kinh doanh cần sa đã tăng vọt và các công ty khởi nghiệp start-up trong lĩnh vực này cũng đang mọc lên như nấm. Buôn bán cần sa thu lời nhiều, nhưng cũng có thể bị lỗ nặng.
Trong khi đó, theo nhật báo Visao của Bồ Đào Nha được Courrier International trích dịch, do có khí hậu nóng và khô, Bồ Đào Nha đang thu hút rất nhiều nhà sản xuất cần sa của Bắc Mỹ. Họ dự tính sẽ cung cấp cho toàn Châu Âu, đầu tiên là cung cấp cần sa dùng để chữa bệnh. Hiện giờ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cần sa vẫn bị cấm ở Bồ Đào Nha. Nhưng kể từ năm 2001, hút cần sa không còn bị coi là một tội hình sự nữa, mà người vi phạm chỉ bị phạt tiền. Còn các thuốc có chất cần sa thì phải có giấy phép của cơ quan y tế, và chỉ được bán ở hiệu thuốc theo toa bác sĩ.
Đối với các nhà sản xuất Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha là một cửa ngõ để thâm nhập thị trường Châu Âu, một thị trường béo bở với dân số đông gấp hai lần dân số Canada và Hoa Kỳ, vì trong số 41 quốc gia trên thế giới đã cho phép cần sa vào mục đích chữa bệnh, có đến 25 nước là ở Châu Âu.
Còn theo tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngay tại Châu Á, các chốt chặn cũng đã bắt đầu được tháo gỡ, từ Nepal đến Hàn Quốc, từ Thái Lan đến Trung Quốc. Tờ báo viết : "Châu Á trừng trị rất nghiêm khắc việc tiêu thụ và buôn ma túy, nhưng nay pháp luật tại nhiều nước đã thay đổi, vì cần sa, sau một thời gian bị xem là tai họa cho giới trẻ, nay trở thành một nguồn thu hấp dẫn.
Thanh Phương
Bộ trưởng môi trường Hulot từ chức : Vố đau bất ngờ cho Tổng thống Pháp Macron
Hiếm khi mà báo chí lại thống nhất ý kiến với nhau về chủ đề khai thác, nhưng đó là điều đã xảy ra với các nhật báo Pháp ra ngày 29/08/2018 : Trên toàn bộ các trang nhất là tựa lớn về sự kiện ông Nicolas Hulot vừa tuyên bố từ chức bộ trưởng Bộ Môi trường hôm qua, bên trên những bức ảnh chụp ông Hulot dưới mọi góc cạnh.
Ông Nicolas Hulot khi đương nhiệm bộ trưởng Bộ Môi trường hồi tháng 12/2017 tại phủ thủ tướng Matignon. Reuters/Charles Platiau/File Photo
Báo Le Monde chạy tựa một cách khách quan, trích lời cựu bộ trưởng đã đưa ra để giải thích quyết định của mình : Nicolas Hulot từ chức : "Tôi không muốn tự dối lòng".
Tờ báo thiên hữu Le Figaro và nhật báo kinh tế Les Échos thì cùng nêu bật trong tựa chính tác động của vụ từ chức này trên chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron. Trong lúc Le Figaro ghi nhận "Sự ra đi của ông Hulot phá hoại ngày trở lại làm việc của chính phủ Pháp" sau kỳ nghỉ hè, thì Les Échos nói thẳng : "Hulot làm suy yếu Macron bằng cách lấy lại tự do".
Tờ báo thiên tả Libération đã lên tiếng bênh vực vị cựu bộ trưởng trong câu hỏi đặt thành tựa : "Tại sao Hulot lại có lý ?", trong lúc nhật báo công giáo La Croix thì nhìn sự kiện dưới một lăng kính toàn diện hơn và tự hỏi : "Phải chăng (bảo vệ) sinh thái là một nhiệm vụ bất khả thi ?".
Thêm một vố đau bất ngờ cho Macron
Nhìn chung, tất cả các báo đều nhấn mạnh trên tính chất đột ngột trong việc ông Hulot tuyên bố từ chức, và tác động của sự kiện này đối với chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Les Échos, vị bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái đã biện minh cho quyết định từ chức bằng cách lên tiếng tố cáo những động thái "kháng lại" chủ trương thay đổi mô hình năng lượng của Pháp và lên án trọng lượng của những "nhóm áp lực vận động hành lang" đang ảnh hưởng lên chính quyền Pháp. Phản ứng trước thông tin về việc ông Hulot từ chức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định rằng tham vọng bảo vệ môi trường của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Theo tờ báo kinh tế, khi bất ngờ loan báo quyết định từ chức nhân một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sáng hôm qua, 28/08, ông Hulot đã khiến mọi người ngỡ ngàng, kể cả hai lãnh đạo hàng đầu của nước Pháp là tổng thống Macron và thủ tướng Édouard Philippe.
Đối với Les Échos, sự từ chức của nhân vật số ba trong chính phủ đã "mở ra một cuộc khủng hoảng chính trị", gây thêm rắc rối cho công việc của chính phủ Pháp. Hành động này của ông Hulot còn là một vố đau cho bản thân tổng thống Pháp Macron, người mà cách nay hơn một năm, đã tỏ ra rất hãnh diện vì thuyết phục được nhà đấu tranh sinh thái rất được lòng dân này tham gia chính phủ, điều mà hai người tiền nhiệm của ông Macron là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande đều không làm được.
Báo Le Monde cũng cùng một nhận định khi cho rằng "sự kiện một nhân vật rất được người dân mến mộ rời bỏ chính quyền đặt ra một vấn đề chính trị quan trọng cho tổng thống Macron, người mà từ hơn một năm nay đã cố sức tránh không để xẩy ra tình trạng đó".
"Cái tát" vào thời điểm tồi tệ nhất đối với tổng thống Pháp
Nhận xét cay đắng nhất về tác hại của việc ông Hulot từ chức đối với tổng thống Macron được thấy trong bài xã luận của Le Figaro.
Theo nhật báo thiên hữu, khi lôi kéo được ông Hulot tham chính, tổng thống Macron quả là đã có được một thành công chính trị ngoạn mục. Sự ra đi của vị bộ trưởng mang tính biểu tượng nhất trong nội các của ông, đã trở thành một cái tát tương ứng với thành công đã qua.
Theo tác giả bài xã luận, cả hai ông Macron và Hulot đều thấy rõ ngay từ đầu các rủi ro to lớn mà cả hai có nguy cơ phải đối phó. Nhà đấu tranh vì sinh thái nhận thức rõ rằng khi lên làm bộ trưởng, ông sẽ phải chấp nhận thỏa hiệp và ngậm bồ hòn làm ngọt. Và người đứng đầu nhà nước Pháp cũng biết rằng ông sẽ liên tục bị lệ thuộc vào tâm trạng day dứt, dằn vặt của người chẳng khác gì nhân vật Hamlet trong kịch của Shakespeare (nổi tiếng với câu nói "to be or not to be").
Thế nhưng sau khi ông Hulot dứt áo ra đi, người bị tổn hại nhiều nhất, theo Le Figaro, lại chính là tổng thống Macron. Nếu ông Hulot chỉ cay đắng vì bị vỡ mộng, ông Macron đã bị mất uy tín đáng kể, nhất là khi sự có mặt của ông Hulot trong dàn bộ trưởng từng cho phép tổng thống Pháp nhấn mạnh đến tài đổi mới đời sống chính trị của ông.
Việc ông Hulot bỏ cuộc giữa chừng do đó là một thất bại cá nhân của ông Macron, nhất là khi chính ông là người đã làm cho giọt nước tràn ly khi công khai tỏ thái độ chiều chuộng quá mức giới thợ săn được mời đông đảo đến phủ tổng thống dự một cuộc họp, trong đó có những đối thủ có thể nói là "truyền kiếp" của ông Hulot trong cuộc đấu tranh bảo vệ động vật. Tổng thống Pháp, theo Le Figaro, đã đánh giá sai sự nhậy cảm của vị bộ trưởng của mình.
Điểm đáng nói là ông Hulot là một nhân vật rất được người Pháp yêu mến và tôn trọng, việc ông làm bộ trưởng đã giúp chính phủ của ông Macron tăng gia uy tín trong bối cảnh hoài nghi gần như toàn diện đối với giới "chính khách". Nay ông lại ra đi với lý do là không thể làm được việc với chính quyền hiện tại, quyết định này rõ ràng làm chính phủ Macron mất uy tín.
Một điểm hệ trọng khác là cho đến nay, ông Macron đã thành công trong việc cho thấy mình là con người của khẩu hiệu "Make the Planet Great Again" ("Hãy làm cho hành tinh vĩ đại trở lại"), một chính khách đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ sinh thái trên hành tinh, bất chấp sự rút lui của Donald Trump và sự chậm chạp của Trung Quốc. Do vậy, Le Figaro tự hỏi : "Có gì tồi tệ hơn là việc người tin tưởng vào quyết tâm đó lại rũ áo ra đi ?"
Le Figaro kết luận : Sau một mùa hè bị khủng hoảng bất ngờ do vụ Benalla, và trước một mùa thu sẽ bị các quyết định về ngân sách khuấy động, việc ông Hulot từ chức đã tạo thêm cho tổng thống Pháp một cuộc khủng hoảng mới cần giải quyết.
Ý-Hung : Tiến tới một liên minh chống Liên Hiệp Châu Âu
Về tình hình Châu Âu, các báo Pháp cũng rất chú ý đến sự kiện hai lãnh đạo Hungary và Ý bắt tay nhau để thành lập một trục liên kết chống Liên Hiệp Châu Âu và chống nhập cư.
Báo Les Échos đã chú ý đến chuyến thăm Ý vào hôm qua 28/08 của thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông đã đến thành phố Milano gặp gỡ bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini. Đối với tờ báo Pháp, không mơ hồ gì cả, hai nhân vật cực hữu này đang thúc đẩy việc hình thành một mặt trận dân tộc chủ nghĩa sô vanh ở Châu Âu, nhằm thay đổi luật chơi của Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Les Échos, hai nhân vật lãnh đạo thường xuyên gây tranh cãi này đều có một kẻ thù chung – Bruxelles - và chia sẻ cùng một ưu tiên : Đóng kín các biên giới phía ngoài của Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên dù cùng chung một mục tiêu là chống nhập cư, quyền lợi của mỗi bên lại khác nhau. Roma không bỏ lỡ cơ hội nào để yêu cầu thực thi kế hoạch phân bổ số người nhập cư muốn đặt chân lên lãnh thổ Ý, trong lúc chủ trương của Budapest thì dứt khoát bác bỏ kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu.
Nhật báo Le Figaro cũng chạy tựa "Salvini et Orban tạo dựng trục bài Châu Âu", ghi nhận là sau một tiếng đồng hồ gặp nhau ở Milano, thủ tướng Hungary Orban và bộ trưởng Ý Salvini đã cho thấy quyết tâm chung là thay đổi luật chơi bên trong Liên Hiệp Châu Âu.
Người đứng đầu khối nước Đông Âu gọi là nhóm Hiệp ước Visegrad (Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia), đã tái khẳng định quan điểm chống lại việc cho người nhập cư bất hợp pháp định cư tại Hungary. Trong khi đó, đối với bộ trưởng Ý Salvini, thì chỉ có một giải pháp là đưa những người này hồi hương.
Lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc cực hữu ở Ý còn kêu gọi những người chủ trương chủ quyền quốc gia tối thượng ở mọi nước ở Châu Âu thành lập một liên minh mạnh mẽ để "xây dựng một Châu Âu khác", một Châu Âu mà chủ quyền quốc gia sẽ cao hơn là tinh thần liên đới cộng đồng.
Bạo động kỳ thị chủng tộc lại bùng lên ở Đông Đức
Các vụ bạo động và săn đuổi để đánh đập người nước ngoài ở thành phố Chemnitz, miền đông nước Đức đã được hầu hết các tờ báo Pháp quan tâm.
La Croix ghi nhận "Các vụ bạo động kỳ thị chủng tộc làm rung chuyển nước Đức", trong lúc Le Figaro thì tỏ ý lo ngại trước "Lòng thù ghét dân nhập cư gia tăng tại Chemnitz". Riêng Le Monde đã nói đến những vụ "Săn đuổi người nhập cư ở Chemnitz".
Đối với Le Monde, chính các phong trào cực hữu, đảng AfD và phong trào Pegida đã kích động hai ngày bạo động liên tiếp tại thành phố miền đông nước Đức này, ở bang Saxe, nơi mà các phong trào cực hữu rất mạnh.
Theo Le Monde, đảng cực hữu AfD đã gây nên một cuộc động đất chính trị khi trở thành lực lượng chính trị khu vực hàng đầu tại bang này, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2017. Tại nơi đây, từ năm 2015 đến nay, các trung tâm đón người tị nạn luôn bị tấn công.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là những cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật và thứ Hai vừa qua ở Chemnitz, do AfD và Pegida dẫn đầu, với những vụ xô xát với cảnh sát và những người chống biểu tình phe cực tả, và nhất là những vụ "săn đuổi" và đánh đâp người nhập cư, đã có tiếng vang lớn ở Đức, làm dấy lên lo ngại trước hành vi bạo động của các phần tử cực đoan nhất trong các nhóm cực hữu trên vấn đề nhập cư.
Báo La Croix thì ghi nhận một trùng hợp khá mỉa mai : thành phố Chemnitz, nơi vừa xẩy ra những vụ bạo động kỳ thị chủng tộc làm rung chuyển nước Đức lại chính là thành phố có tên Thành Phố Karl Marx như được gọi thời Đông Đức cũ.
Đối với tờ báo công giáo Pháp, từ hôm Chủ nhật vừa qua, thành phố đã biến thành "sân chơi của phe cực hữu", đặc biệt với cuộc biểu tình thứ Hai đã tập hợp được đến 6.000 người, đến từ mọi nơi trên nước Đức, cả từ những nước láng giềng.
Le Figaro cũng nêu bật tình trạng lòng ghét người nhập cư dâng cao ở Chemnitz. Đối với tờ báo Pháp, cảnh bạo động trên đường phố, những lời lẽ nêu lên nỗi lo sợ và tức giận, những hành động chào kiểu quốc xã giữa thanh thiên bạch nhật… đã tạo nên tâm lý nghi ngờ về khả năng nước Đức buộc được người dân tôn trọng nhà nước pháp quyền.
Đối với Le Figaro, sự kiện ở Chemnitz, nghiêm trọng ở chỗ cảnh tượng những thành phần cực hữu hung hăng săn đuổi người nước ngoài trên đường phố đã gợi lại cảnh truy bắt người Do Thái ở Đức những năm 1930.
Trọng Nghĩa
Pháp : Tổng thống Macron và nhiệm vụ hòa giải đất nước bị chia rẽ
Với 66,1% phiếu bầu trong vòng chung kết bầu cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017, phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) đạt được kết quả tốt hơn mong đợi là 62% để có được thế mạnh và giúp chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào tháng Sáu. Như vậy, tổng thống tân cử Macron mới có thể thực hiện được chương trình cải cách được đưa ra trong đợt vận động tranh cử.
Emmanuel Macron vận động tại thị trấn Sarcelles-vùng Val d'Oise, nơi có đông người nhập cư và giới bình dân. REUTERS/Martin Bureau/Pool
Trong bài viết "Macron chiến thắng và phải hòa giải đất nước bị chia rẽ", nhật báo Le Monde (09/05/2017) cho rằng nhiệm vụ trước mắt là bổ nhiệm được một thủ tướng "mới" không thuộc chính đảng truyền thống nào, hoặc một gương mặt được lòng cả hai phe tả-hữu. Tránh lặp lại những sai lầm trong 5 năm cầm quyền của François Hollande, Emmanuel Macron buộc đội ngũ cố vấn im lặng, tuy vẫn có một số rò rỉ về danh tính một số người có thể trở thành bộ trưởng, song tên của tân thủ tướng vẫn là một ẩn số và chỉ được công bố thứ Hai 15/05 sau lễ chuyển giao quyền lực.
Tận dụng thắng lợi lớn, nhiệm vụ tiếp theo của tổng thống tân cử là có được đa số tại Quốc Hội để thực hiện các chính sách cải cách. Ngày 08/05, phong trào En Marche ! được đổi tên thành đảng "La République en marche" (tạm dịch : đảng Cộng Hòa Tiến Bước) nhằm mục đích cho phép các nghị sĩ Đảng Xã Hội hay đảng Những Người Cộng Hòa thuyết phục cử tri của họ dưới mầu sắc đảng mới. Ban lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! khẳng định đã nghiên cứu 14.000 hồ sơ để lập danh sách 577 ứng viên nghị sĩ, trong đó hơn 70% xuất phát từ xã hội dân sự và là những khuôn mặt mới trên chính trường.
Thế nhưng, theo nhận định của Libération, "có được đa số lập pháp ủng hộ Macron là một thách thức mấu chốt cho kỳ bầu cử sắp tới". Vì mục tiêu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước là có được một đa số tuyệt đối tại Quốc Hội "đồng nhất, liên kết và có kỷ luật". Và để làm được điều này, Macron chỉ đưa ra một yêu cầu : Ứng viên nghị sĩ phải từ bỏ đảng phái cũ và "đăng ký ứng cử theo danh nghĩa đảng Cộng Hòa Tiến Bước". Nếu thành công, tổng thống tân cử sẽ đứng đầu một đa số gồm cả các nghị sĩ cánh trung, ủng hộ Châu Âu và xã hội-tự do, đối mặt với một cánh hữu dân tộc bài Châu Âu và một cánh tả cực đoan.
Những người thân cận của Emmanuel Macron hy vọng sẽ không xảy ra hiểu lầm giữa người dân và tổng thống tân cử như diễn ra dưới thời François Hollande. Tân chủ nhân điện Elysée cam đoan sẽ thực hiện chính xác những gì ông đã tuyên bố trong đợt vận động tranh cử. Tuy nhiên, rất nhiều người khuyên ông không nên sử dụng sắc lệnh tổng thống một cách độc đoán để sửa đổi luật Lao động, một trong những đề xuất gây sốc trong chương trình của ông, được dự kiến ngay trong tháng Bẩy.
Có cùng lo ngại trên, bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro cảnh báo hành động hấp tấp là bản chất gây nên một cuộc xung đột xã hội mà sau đó mọi ý định cải cách sẽ bị thất bại. Mong muốn được hành động nhanh chóng của tổng thống tân cử là điều đáng khen ngợi, nhưng với ai ? Theo Le Figaro, 100 ngày đầu tiên có lẽ sẽ chỉ dành cho các cuộc thương lượng hơn là cho hành động. Đây mới thực sự là thách thức lớn đầu tiên của Macron.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cho rằng "Với Emmanuel Macron, 100 ngày là thời hạn để tránh tình trạng mất niềm tin và tiến hành loạt cải cách đã hứa" trong bối cảnh đất nước còn bị kích động vì đợt bầu cử tổng thống.
Hòa giải người dân Pháp cũng là một trong "những thách thức khác đang chờ Emmanuel Macron" được nhật báo công giáo La Croix liệt kê. Điều này tùy thuộc vào khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thống của tân chủ nhân điện Elysée. Sự xuất hiện nhiều đảng phái trong chính phủ cũng như trong đa số tại Quốc Hội không nhằm khích động sự cạnh tranh tả-hữu.
Nhiệm vụ thứ hai tập trung vào đối ngoại là tham gia phục hồi Châu Âu, vì trong mắt Macron, Liên Hiệp Châu Âu là thành quả quan trọng. Ông hứa "sẽ hành động để nối lại mối quan hệ giữa Châu Âu và các dân tộc hình thành nên khối này", dù theo ông, cộng đồng này quá phân tán.
Cánh tả "tan tác", cánh hữu "thành tro"
Đảng Xã Hội và đảng Những Người Cộng Hòa là những bên bị tổn thương nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và bấu víu vào hy vọng mong manh trong cuộc bầu cử Quốc Hội, theo bài xã luận của Libération.
Thế nhưng, vẫn theo Libération, nội bộ cánh tả và hữu đều tan tác trước kỳ bầu cử này. Trong khi Jean-Luc Mélenchon, người đứng đầu phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), từ chối mọi liên minh trong cuộc bầu cử lập pháp, thì Đảng Xã Hội bị chia rẽ sâu sắc giữa những người trung thành, những người ủng hộ Macron và những người ủng hộ ứng viên Benoit Hammon.
Rất nhiều lãnh đạo cánh tả lo lắng trước sự khác biệt chiến lược có nguy cơ dẫn đến các phe phái khuynh tả như Nước Pháp Bất Khuất, Cộng Sản, Xã Hội, Đảng Xanh chia nhau những chiếc ghế cuối cùng trong Quốc Hội.
Cánh hữu cũng chẳng khả quan hơn. Những người ủng hộ Macron muốn giúp tổng thống tân cử, còn những người "cứng rắn" muốn một chính phủ "cùng chung sống" (cohabitation) mà thủ tướng sẽ là người của đảng. Vì vậy, trong nội bộ đảng Những Người Cộng Hòa rất khó tìm ra được tiếng nói chung và tỏ ra đoàn kết cho đến kỳ bầu cử Quốc Hội.
"Sóng gió" trong đảng Mặt Trận Quốc Gia
Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, "đảng Mặt Trận Quốc Gia bắt đầu "tính sổ" với nhau". Sau buổi tranh luận truyền hình trực tiếp của bà Marine Le Pen, một số người trong đảng dám lên tiếng chỉ trích, nhưng tập trung chủ yếu vào những cố vấn thân cận nhất của bà. Theo nhận định Libération, đây là sự kiện đặc biệt trong đảng cực hữu, nơi chủ tịch là người đầy quyền lực.
Với Le Monde, "bà Marine Le Pen đã mắc lại một số sai lầm mà cha bà, Jean-Marie Le Pen, đã vấp phải". Đó là thái độ hung hăng trái ngược với hình ảnh "nước Pháp hòa dịu" mà bà cố thể hiện. Cuộc tranh luận truyền hình bị một số đảng viên đánh giá "là thảm họa tuyệt đối"vừa do bà thiếu kiến thức, nắm không rõ hồ sơ vừa do thái độ hung hăng.
La Croix cũng nhận định : "Trong đảng Mặt Trận Quốc Gia, thất bại đồng nghĩa với vạch tội nhau". Còn Le Figaro "thông báo sóng gió trong đảng Mặt Trận Quốc Gia". Ngay tối công bố kết quả bầu cử tổng thống, ứng viên thất cử Marine Le Pen đã lường trước những lời chỉ trích khi thông báo "một sự thay đổi sâu sắc" trong đảng. Nghị sĩ cực hữu Marion Maréchal-Le Pen, cháu của bà Marine Le Pen, cũng cho rằng "cần rút ra một số bài học" sau thất bại ở vòng hai.
Tuy nhiên, nhiều thành viên khác trong đảng đảng cực hữu này lại tỏ ra nghi ngờ : Liệu Marine Le Pen có thật sự muốn thay đổi ? Liệu bà có thực sự muốn sửa sai ? Hay bà chỉ ngăn trước những ý kiến bất bình để tiếp tục bảo vệ đường lối Le Pen-Philippot ngày càng bị phản đối ? Philippot là phó chủ tịch đảng, cũng đầy quyền lực và là người đưa ra ý tưởng nước Pháp rút khỏi khối đồng tiền chung.
Hàn Quốc sang trang với cuộc bầu cử tổng thống
Tại Hàn Quốc, áp lực đường phố và cuộc "cách mạng nến" đã dẫn đến việc bà Park Guen-hye bị phế truất sau những tai tiếng tham nhũng. Ngày 09/05/2017, cử tri Hàn Quốc đã bầu tổng thống mới. Ứng viên đảng Dân Chủ đối lập Moon Jae-in đã đắc cử, giống dự đoán của Le Monde : "Moon Jae-in bên ngưỡng cửa quyền lực ở Seoul".
Đánh giá về cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, La Croix và Le Figaro lần lượt cho rằng "một trang mới mở ra tại Hàn Quốc" và "Hàn Quốc sang trang với tổng thống Park". Về chính sách đối nội, tổng thống tân cử Moon Jae-in hứa cải tổ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, tạo thêm 810.000 việc làm trong lĩnh vực công và chế độ bảo hiểm xã hội tốt hơn cho người lớn tuổi. Như mỗi kỳ bầu cử tổng thống, các vấn đề xã hội và kinh tế là những điểm ưu tiên để cử trị đưa ra lựa chọn.
Về quan hệ với người anh em láng giềng Bắc Triều Tiên, dù luôn bị đảng bảo thủ cáo buộc ủng hộ Bình Nhưỡng, ông Moon Jae-in muốn đối thoại và thực hiện các dự án hợp tác với miền Bắc vì theo ông, đàm phán là con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng hạt nhân.
"Vấn đề Bắc Triều Tiên là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử" cũng là nhận định của Le Monde. Một khi đắc cử, ông Moon Jae-in sẽ chấm dứt 10 năm cầm quyền của đảng bảo thủ và chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, đối thủ Hong Jun-pyo thuộc đảng Tự Do Hàn Quốc (bảo thủ) bảo vệ việc duy trì đường lối cứng rắn đó. Ông thậm chí đề nghị tăng cường các biện pháp quốc phòng, trong đó có "Kill Chain" và hệ thống lá chắn tên lửa KAMD, đồng thời đưa các tầu ngầm hạt nhân vào hoạt động.
Hàn Quốc : Lời cầu cứu của một thế hệ trẻ tuyệt vọng
Không đề cập đến chương trình tranh cử của hai ứng viên chính, nhật báo Libération phản ánh "lời cầu cứu của một thế hệ trẻ tuyệt vọng ở Seoul" trong bài phóng sự dài.
Nợ nần và sống trong tình trạng bấp bênh, thanh niên Hàn Quốc không còn muốn hy sinh trước những sức ép về kinh tế, đạo đức của một xã hội "hung dữ". Sau một cuộc tổng tuần hành vào tháng 03/2017 chống tình trạng tham nhũng, họ hy vọng cuộc bầu cử tổng thống sẽ làm thay đổi tình hình với những lời hứa sẽ được thực hiện, như mức lương tối thiểu sẽ được tăng từ 6.500 won lên thành 10.000, giảm phí đăng ký đại học, 18 tuổi được quyền bỏ phiếu (thậm chí là xuống 16 tuổi), chế độ bảo trợ xã hội tốt hơn…
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc bị hụt hơi, trong khi đó quốc gia đông á này từng vượt khỏi nghèo đói để trở thành một trong những con rồng Châu Á. Mô hình bị lu mờ, tăng trưởng chững lại, hệ thống kinh tế-chính trị bị các tập đoàn lớn thao túng, bất công xã hội…, trước những thực trạng đó, "giới trẻ Hàn Quốc chắc chắn một điều, nếu họ không cố gắng, họ sẽ không bao giờ "ngoi" lên được cấp cao hơn, và cũng từ đó nảy sinh mong muốn ra nước ngoài sinh sống". Sức ép xã hội-kinh tế khiến Hàn Quốc giữ kỷ lục về tỉ lệ tự tử, chỉ sau Litvia.
Thu Hằng
Trump hạn chế thuê lao động nước ngoài trình độ cao, Ấn Độ lo lắng
Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai. Reuters
Nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tân tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ. Dự thảo sắc lệnh này kèm theo một dự luật mới đã khiến New Delhi lo ngại, vì Ấn Độ là sẽ nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu.
Donald Trump đang chuẩn bị ra một sắc lệnh hạn chế cấp visa cho người lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :
Visa Mỹ có tên gọi H1B là sợi dây kết nối các lĩnh vực công nghệ mới của Ấn Độ với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nhờ loại visa này mà gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty tin học của Hoa Kỳ.
Chính quyền Washington mới lại muốn thay thế nguồn nhân lực này bằng người Mỹ. Bên cạnh dự thảo sắc lệnh của tổng thống theo đó việc cấp visa H1B sẽ trở nên phức tạp hơn, còn có một dự luật quy định số lương tối thiểu để được cấp visa H1B sẽ phải tăng gấp đôi. Dự thảo sắc lệnh và dự luật này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ cử nhân viên sang làm việc tại Hoa Kỳ. Còn trên sàn chứng khoán Bombay, kể từ hôm thứ Ba, cổ phiếu của các công ty này đều sụt giảm.
Nhưng, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Ông Shivendra Singh, phó chủ tịch Nasscom - Hiệp hội các công ty tin học của Ấn Độ, giải thích : "Bộ trưởng Lao Động Mỹ đã ra một báo cáo liên quan tới công việc trong các lĩnh vực khoa học mà không thể tuyển dụng nhân lực vào năm 2018. Và một nửa trong số đó là các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các doanh nghiệp, cho dù là của Hoa Kỳ hay của Ấn Độ, đều phải bù đắp thiếu hụt này bằng cách tuyển dụng nhân công nước ngoài ngắn hạn".
Phó chủ tịch hội tin học Ấn Độ nhận xét, nếu ra điều kiện là mức lương tối thiểu của họ phải cao hơn nữa thì họ mới được nhập cảnh, thì điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả. Bởi vì phía Mỹ không thể tuyển dụng tại chỗ các nhân công Mỹ có trình độ cao,chỉ trong ngày một ngày hai".
Chính phủ Ấn Độ cũng đã phản ứng và tỏ ra lo ngại về chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Thái Lan : Dự luật "độc tài" về kiểm soát truyền thông
Cũng liên quan tới các dự thảo luật, nhưng tại Thái Lan, tập đoàn quân sự cầm quyền mới đây đã soạn thảo một dự luật mới nhằm kiểm soát ngành truyền thông. Nhưng tất cả các hiệp hội nhà báo đều phản đối dự luật này vì nó sẽ làm mất tự do báo chí.
Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok giải thích :
Dự luật này, theo cách nói của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan, là nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá công việc của các phóng viên và để đảm bảo trật tự xã hội. Tập đoàn quân sự đánh giá là công tác tự kiểm duyệt của các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông đã thất bại, nên chính phủ phải đứng ra kiểm duyệt. Dự luật này sẽ cho phép triển khai hội đồng kiểm duyệt gồm đại diện của báo chí, truyền thông và các quan chức cao cấp của chính phủ Thái Lan.
Điều gây nhiều tranh cãi nhất là hội đồng này sẽ cấp giấy phép hành nghề cho tất cả phóng viên và sẽ rút giấy phép của một phóng viên, nếu người này bị hội đồng đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp hoặc làm mất trật tự xã hội. Hai khái niệm này đều rất mơ hồ và rất có thể sẽ bị hiểu sai lệch đi.
30 hiệp hội nhà báo của Thái Lan đều coi là dự luật này xâm phạm tự do báo chí, vốn được Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết họ sẽ không thay đổi bất cứ một chữ nào trong dự luật. Và vì Quốc Hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, nên chắc chắn dự luật này được Quốc Hội phê chuẩn. Tất cả các hiệp hội nhà báo cho biết là nếu điều này xảy ra, họ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại đạo luật mới, mà họ gọi là "độc tài".
Nhật Bản : Nhà tù, nơi "an hưởng" tuổi già
Tại Nhật Bản, nơi người cao tuổi chiếm 25% dân số thì tỉ lệ tù nhân cao tuổi ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, nếu vào năm 2000, chỉ có 5% tù nhân trên 65 tuổi thì con số này tăng đã lên tới 20% vào năm 2015.
Nhiều người cao tuổi ở Nhật thích cuộc sống an toàn trong nhà tù, nơi họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc sống tự do, nhưng đầy bắt trắc bên ngoài. Chính vì thế, nhiều người già cố tình vi phạm pháp luật để "được" phạt tù.
Chính điều này đã khiến công việc của quản giáo tại nhiều nhà tù giờ đây giống với công việc của y tá. Ở Fuchu, nhà tù cho nam giới lớn nhất đất nước, quản giáo không sợ tù nhân bỏ trốn. Nhiệm vụ của quản giáo chủ yếu là… thay bỉm cho những tù nhân già yếu và giúp họ tắm gội. Ông Shinsuke Nishioka, một quan chức của bộ Tư Pháp thì giải thích là nhiều tù nhân cao tuổi nặng tai, họ không nghe rõ hiệu lệnh, và họ thường xuyên phải đi vệ sinh. Điều này gây khó khăn cho ban quản lý trại giam. Các nhà tù phải có nhiều quản giáo hơn nữa.
Trước tình trạng này, chính phủ Nhật đã quyết định từ tháng 04/2017, sẽ tăng cường nhân lực cho 50% trên tổng số 70 trại giam trên toàn đất nước, đồng thời tăng cường đội ngũ huấn luyện thể thao cho tù nhân cao tuổi.
Ô nhiễm không khí : "mặt hàng xuất khẩu mới" của Trung Quốc
Để đảm bảo cam kết giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã yêu cầu cắt giảm sản lượng than trong nước. Năm 2016, sản lượng than của Trung Quốc đã giảm tới 9%. Tuy nhiên, nhập khẩu than của nước này lại tăng 25%. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc khai thác ngày càng ít than, nhưng lại nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt từ Mông Cổ : một cách "xuất khẩu" ô nhiễm không khí ra nước ngoài.
Mới đây, Bắc Kinh đã ký với Ulan Bator thỏa thuận, theo đó Mông Cổ thúc đẩy sản xuất than đá và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tăng gấp đôi. Từ 4 năm nay, giá than đá của Mông Cổ xuất sang Trung Quốc rẻ chỉ bằng 1/3, 1/4 giá than trên trị trường thế giới. Để có tiền trả nợ vào mùa xuân, Mông Cổ không thể từ chối đề nghị của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nhập than đá từ Úc, nhưng với một chiến thuật hoàn toàn khác, thông qua việc mua các mỏ than của Úc. Công ty than đá lớn của Trung Quốc Yanzhou Coal đã mua cổ phần của công ty Rio Tinto và trở thành nhà khai thác than đá lớn nhất nước Úc.
Trung Quốc : "Thuê bạn gái" về quê ăn Tết
Tết Nguyên Đán là dịp để 300 triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa ở thành phố trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người độc thân, đây cũng là dịp phải đối mặt với sức ép lập gia đình từ cha mẹ. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 60% nam giới và 50% phụ nữ bị gia đình gây sức ép để có người yêu và kết hôn. Một số người không ngần ngại tìm đến trung tâm môi giới để "thuê người yêu" về quê ăn Tết. Phần lớn các "cặp đôi giả vờ" chọn gói "Dịch vụ Xanh" (lü se fuwu). Có nghĩa là : trong kỳ nghỉ đến ở nhà bố mẹ, nhưng không ngủ cùng phòng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :
Trong mắt bố mẹ, Cao Nhạc có một vấn đề cần khắc phục hay lập tức. Cao Nhạc là người Bắc Kinh, 32 tuổi, khá đẹp trai, nhưng vẫn chưa có bạn gái. Và mỗi năm, ngày Tết lại làm Cao Nhạc sợ đến toát mồ hôi hột.
Cao Nhạc chia sẻ : "Từ năm tôi 25 tuổi, nhất là vào dịp lễ Tết, bố mẹ tôi luôn hỏi tôi vẫn chưa có bạn gái à. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy sức ép. Bố mẹ tôi thấy mất thể diện trước người thân và bạn bè. Vì thế, mỗi lần gia đình tụ họp, tôi thường tìm cách lẩn tránh".
Nhiều người tìm cách đối phó rất độc đáo. Họ tìm đến dịch vụ "Cho thuê người độc thân" của anh Vương Kiến Hoa. Anh Vương giải thích : "Giá thuê bạn gái trung bình là 67 euro/ngày, nhưng tới dịp Tết, giá tăng ít nhất là gấp đôi. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều điều khoản : gặp gỡ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Vào dịp Tết, nhu cầu thuê bạn gái rất cao, chỉ riêng công ty chúng tôi đã cung gấp dịch vụ cho thuê bạn gái cho hàng ngàn người.
Pháp : sức mua thực phẩm giảm kỷ lục
Một cuộc khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy tại Pháp, tổng chi tiêu cho thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa năm 2016 đã tăng 0,9 %, đạt 103,6 tỉ euro. Nhưng, nếu tính theo đầu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, lượng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa mà người dân Pháp mua sắm đã giảm (- 1,2 %) và số tiền mua sắm cũng giảm (- 0,6 %).
Mặc dù mức giảm không quá cao, nhưng nó cũng cho thấy người Pháp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải là do các gia đình ăn uống ít đi hay giảm lãng phí thức ăn, mà chủ yếu là do họ đang còn rất nhiều đồ ăn thức uống dự trữ trong kho, nên không cần mua thêm nhiều thực phẩm.
Hiện tượng này liên quan chủ yếu đến các loại hàng hóa có hạn sử dụng dài như sữa (- 8 %), nước uống đóng chai (- 3 %), nước uống có ga (- 5 %), đường (- 6 %) cũng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.
Thêm vào đó, họ ngày càng ít đi các siêu thị lớn ở xa. Thay vào đó, họ chọn các cửa hàng nhỏ gần nhà. Đây cũng là một cách để kiểm soát việc mua sắm. Giá cả giảm không thúc đẩy người Pháp mua sắm nhiều hơn về lượng, nhưng họ chuyển sang xu hướng mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn, sạch hơn và an toàn hơn.
Thùy Dương