Nhật Bản hy vọng cứu được TPP trước hội nghị APEC (RFI, 01/11/2017)
Các nhà thương thuyết của 11 thành viên còn lại trong Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương nỗ lực đạt đồng thuận qua ba ngày đàm phán kể từ thứ Hai 06/11/2017 tại Nhật Bản.
12 nước ban đầu nay TPP chỉ còn 11 thành viên sau khi Hoa Kỳ rút chân. Nguồn : Freemalaysiatoday.com
Theo tuyên bố của trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuhisa Shibuya với Reuters, 11 nước còn lại trong TPP, sau khi Mỹ rút chân, sẽ họp tại thành phố Urayasu, tỉnh Chiba, vào thứ Hai tới đây để tìm cách duy trì Hiệp Định Thương Mại.
Ông Kazuhisa Shibuya cho biết tất cả mọi thành viên, kể cả New Zealand, hiện còn bất đồng trên hồ sơ mở cửa thị trường địa ốc, đều tỏ ý muốn đạt được tiến bộ và kết quả ngay trong tuần tới, hai ngày trước Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Vẫn theo nguồn tin trên, bên lề APEC ở Đà Nẵng, một cuộc họp cấp bộ trưởng của TPP sẽ đúc kết thỏa thuận chiến lược này.
Tokyo kỳ vọng sẽ đạt được kết quả để chứng tỏ với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương là nước Nhật có thể hành động một cách hiệu quả với tư cách là một quốc gia đứng đầu về tự do mậu dịch, và qua thành tích này, khuyến khích chính quyền Donald Trump xét lại chính sách co cụm.
Tú Anh
*******************
Hoa Kỳ từng trực tiếp đối thoại với Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc (RFI, 01/11/2017)
Trong khi trước công chúng tổng thống Mỹ Donald Trump luôn luôn khẳng định rằng đối thoại với Bắc Triều Tiên chỉ làm phí thời gian, ngày 31/10/2017, một nguồn tin được phép ở bộ Ngoại Giao Mỹ đã tiết lộ rằng trong hậu trường tại Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói chuyện với Bắc Triều Tiên.
Joseph Yun (T), nhà đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Hong-Kyun (G) và đồng nhiệm Nhật Bản Kenji Kanasugi (P), trong một buổi họp báo tại Seoul ngày 13/12/2016. Ed JONES / AFP
Theo nguồn tin trên, qua ngã gọi là "Kênh New York", ông Joseph Yun, nhà đàm phán Mỹ chuyên trách Bắc Triều Tiên, đã tiếp xúc với phái đoàn Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc.
Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống Trump, nhiệm vụ của ông Joseph Yun chỉ là đòi trả tự do cho những người Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Nhưng bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là nhiệm vụ đó đã được mở rộng ra.
Tuy không khẳng định nhiệm vụ của ông Yun có mở rộng ra hồ sơ hạt nhân và tên lửa hay không, nhưng viên chức ngoại giao được hỏi đã giải thích với Reuters rằng "tiếp xúc không bị giới hạn, về nhịp độ cũng như nội dung". Vẫn theo viên chức trên, ông Yun đã nói với phía Bắc Triều Tiên là "hãy ngưng thử hạt nhân và tên lửa".
Kênh New York là một trong số phương thức ít oi mà Mỹ sử dụng để tiếp xúc với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng từng cho biết không mấy thiết tha đàm phán chừng nào mà họ chưa phát triển xong một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ.
Về phần ông Yun, lần gần đây nhất mà ông gặp giới chức Bắc Triều Tiên là vào tháng 6/2017, tại Bình Nhưỡng để thương lượng việc trả tự do cho sinh viên Otto Warmbier. Hiện vẫn còn 3 người Mỹ bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân
Tại Seoul, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 01/11/2017 cho biết là Seoul sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân cho dù bị quốc gia láng giềng phương bắc đe dọa.
Phát biểu trước Nghị Viện Hàn Quốc, ông Moon Jae In cũng khẳng định là "nỗ lực của Bắc Triều Tiên để trở thành một cường quốc hạt nhân sẽ không thể được chấp nhận hay dung thứ".
Đối lập và truyền thông Hàn Quốc thời gian qua đã yêu cầu chính quyền cho trang bị vũ khí nguyên tử và tái triển khai các loại vũ khí chiến thuật hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi Hàn Quốc vào những năm 1990.
Tổng thống Mỹ sẽ không đến Bàn Môn Điếm và vùng phi quân sự
Nhà Trắng ngày 31/10 cho biết do thời gian eo hẹp, tổng thống Mỹ sẽ không đến viếng vùng phi quân sự nhân chuyến công du đến Hàn Quốc tới đây. Thay vào đó, tổng thống Mỹ sẽ đến thăm căn cứ Camp Humphreys, cách Seoul khoảng 40 cây số về phía nam, nhằm khẳng định đối tác Mỹ-Hàn.
Sự thay đổi này cho thấy ông Trump đã bỏ đi một truyền thống đã có từ thời ông Eisenhower. Các tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc đều luôn đến Bàn Môn Điếm và vùng phi quân sự, bày tỏ sự ủng hộ đối với Hàn Quốc.
Về phần mình, Bình Nhưỡng, thông qua hãng tin KCNA, đã không tiếc lời thóa mạ, chỉ trích ông Trump là một người bị "tâm thần rối loạn… hiếu chiến và vô trách nhiệm" trước chuyến đi Châu Á của tổng thống Mỹ.
Trong những tháng qua ông Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã không ngớt chỉ trích nhau với những lời lẽ nặng nề, đe dọa nhau, khiến thế giới e ngại xẩy ra xung đột.
Mai Vân
*******************
Những khó khăn trong vụ Mỹ điều tra thương mại Trung Quốc (BBC, 01/11/2017)
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Trung Quốc, chủ đề nằm cao trong chương trình nghị sự là cuộc điều tra thương mại sâu rộng về thương mại Trung Quốc mà ông Trump đã lệnh tiến hành vào tháng Tám.
Căng thẳng thương mại là chủ đề nóng trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump
Nhà Trắng cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động khuyến khích hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ - một thực trạng gây căng thẳng từ lâu nay ở Mỹ, Châu Âu và các nước khác.
Chính phủ Trung Quốc nói cuộc điều tra là "mối quan ngại nghiêm trọng" và cảnh báo sẽ không nhượng bộ nếu Mỹ có những hành động không công bằng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với cuộc điều tra của ông Trump lại đến từ chính nước Mỹ.
Kể từ khi Nhà Trắng bắt đầu cuộc điều tra, một loạt các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã chính thức nộp các góp ý tỏ ý quan ngại.
Tuy nhiên, chỉ có sáu công ty tỏ ra sẵn sàng khiếu nại, theo hồ sơ ghi nhận các nội dung góp ý được công bố. Nhiều công ty trong số đó là những doanh nghiệp nhỏ chỉ mô tả các sự việc đã được biết đến.
Mỹ có thể mạo hiểm một cuộc chiến tranh thương mại với đối tác Trung Quốc
Giới phân tích nói rằng các hãng do dự trong việc phải đặt mình vào tình thế rủi ro, dễ dẫn đến việc mất quyền tiếp cận vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới khi lên tiếng.
Tuy nhiên, việc im lặng cũng gây ra những hậu quả : nó nhiều khả năng sẽ hạn chế việc chính quyền đưa ra một vụ kiện vững chắc để chống lại Trung Quốc.
Nó cũng có thể bất lợi cho việc tìm biện pháp khắc phục hiệu quả, đồng thời khiến Nhà Trắng sẽ phải tính tới việc phải hành động đơn phương.
Lee Branstetter, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon, nói : "Việc các công ty không muốn cung cấp thông tin cụ thể sẽ là một vấn đề lớn vì như vậy chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó hành động hiệu quả".
*********************
Vụ Nga xen vào bầu cử Mỹ : Moskva tố cáo những lập luận "hoang tưởng" (RFI, 01/11/2017)
Moskva ngày 31/10/2017 một lần nữa lên tiếng bác bỏ các cáo buộc Nga can dự vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Theo điện Kremlin, các cáo buộc được đưa ra hôm thứ Hai tại Hoa Kỳ nhắm vào ba cựu thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông Donald Trump không làm thay đổi bất cứ điều gì về thực tế là Nga bị vu oan.
Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov, ngày 13/07/2017. John MACDOUGALL / AFP
Từ Moskva, thông tín viên RFI Daniel Vallot giải thích :
Dưới mắt chính quyền Nga, không có bất kỳ cái gì làm cơ sở cho các cáo buộc nhắm vào Moskva, và các yếu tố mới được công bố hôm thứ Hai vừa qua ở Hoa Kỳ không làm thay đổi bất kỳ điều gì.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố : "Đó là những cáo buộc lố bịch và vô căn cứ". Nhân vật này nhấn mạnh là trong bản cáo trạng công bố tại Washington, thiếu vắng hoàn toàn các yếu tố cho thấy có sự thông đồng có thể giữa ê kíp của ứng cử viên Trump và các quan chức Nga.
Ông Peskov không nói một lời nào về tiết lộ liên quan đến George Papadopoulos, cựu cố vấn của Donald Trump, vốn thú nhận là đã nói dối về những liên hệ của ông với các trung gian Nga.
Một phản ứng khác là của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cho rằng những cáo buộc chống lại Nga là những điều hoang tưởng. Ông mỉa mai : "Chúng tôi đã bị cáo buộc là đứng đằng sau Brexit, là muốn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Thụy Điển, ở Pháp, ở Đức, nhưng không thấy bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga kết luận : "Chín tháng đã qua rồi kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu, nhưng không ai đưa ra được bằng chứng nhỏ nhất nào về sự can dự của chúng tôi".
Trọng Nghĩa