Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn một ngày sau khi được Hạ Viện Pháp thông qua, luật nhập cư mới với mục tiêu kiểm soát tốt hơn tình trạng di dân tràn lan tới nước Pháp, vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi của các báo. Tâm điểm được nhắm tới hôm nay là tổng thống Pháp. Hình ảnh của ông Emmanuel Macron xuất hiện trên khắp trang nhất các tờ báo lớn ở Pháp cùng các tựa lớn cho thấy chính phủ Macron đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

nhapcu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Blendecques, miền bắc Pháp, ngày 14/11/2023. © Aurélien Morissard / Reuters

Luật nhập cư và những hệ lụy trực tiếp đến chính trị nước Pháp là chủ đề được hầu hết các báo khai thác. Nhật báo le Monde chạy tựa bài xã luận : "Rạn nứt chính trị và đạo đức". Tờ báo nhận thấy, đặt mục đích thông qua dự luật bằng mọi giá, chính phủ Pháp đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ chạy theo đường lối chính trị của cánh hữu, dẫn đến một số nội dung của văn bản luật đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nền Cộng Hòa như các quyền bình đẳng xã hội, quyền dựa trên sinh quán...

Điểm chủ chốt khiến bộ luật gây phản ứng dữ dội, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cầm quyền đó là bộ luật vừa được thông qua sự ủng hộ của đảng đối lập Tập Hợp Dân Tộc (RN), một đảng cực hữu vốn nổi tiếng về chủ trương cực đoan đối với người nhập cư.

Le Monde chỉ thẳng đây là "một đạo luật lấy cảm hứng từ phe cực hữu, được thông qua trong hoảng loạn" Tờ báo nhận định : "Từ 40 năm qua, vấn đề nhập cư vẫn choán chỗ trong các cuộc tranh luận chính trị, nhưng hiếm có chính phủ nào thể hiện mức độ thỏa hiệp như vậy với các thế lực đang coi người nước ngoài là vật tế thần. Chưa bao giờ một cơ quan hành pháp nào lại chấp nhận một dự luật về nhập cư do chính họ thai nghén để cố gắng tập hợp cánh tả và cánh hữu" lại đúng như chủ trương của đảng cưc hữu RN. Chưa bao giờ có một chính phủ nào và đất nước nào lại rơi vào tình trạng chạy theo đảng cực hữu RN như thế này, xã luận tờ báo viết.

Le Monde chỉ thẳng dự luật nhập cư này là "sự rạn vỡ cả về mặt chính trị cũng như đạo đức" và tờ báo kết luận : "Ông Emmanuel Macron, người hai lần được bầu với lời hứa ngăn chặn phe cực hữu... Liệu ông ta có còn đóng vai trò mà đất nước đang rất cần là đoàn kết và đấu tranh chống lại việc sử dụng chính sách bài ngoại ?"

Tổng thống nhận trách nhiệm "thỏa hiệp"

Các tờ báo khác tập trung khai thác các tuyên bố của tổng thống Pháp trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 5 ngày hôm qua. Le Figaro chạy tựa : "Macron nhận trách nhiệm trong "thỏa hiệp" về nhập cư, phe của ông đầy ngờ vực".

Tờ báo trích dẫn các phát biểu của ông Macron trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Tư rằng luật nhập cư là "kết quả của sự thỏa hiệp" và nó là "lá chắn mà chúng ta thiếu" và "cần phải chấp nhận những gì đã làm, cần phải loại bỏ rất nhiều điều phi sự thật, phải bình tĩnh…". Ông tuyên bố : "Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn khi nói rằng đồng bào của chúng ta đang chờ đợi luật này và nếu chúng ta muốn đảng RN không cầm quyền thì phải giải quyết vấn đề (nhập cư)".

Nhưng các báo đều nhận thấy đằng sau những phát ngôn mạnh mẽ để biện hộ như vậy, luật nhập cư đang gây chia rẽ trong chính phủ của ông. Nhiều tiếng nói vốn được cho là thân cận với tổng thống đã bắt đầu tỏ ra không đồng tình. Trong một bài viết khác, Le Figaro ghi nhận : "Ê-kíp chính phủ xáo động vì khủng hoảng". Với chính phủ Macron, thông qua được luật nhập cư là một thắng lợi, nhưng không ai dám nhận về mình vì đã để cho đối thủ chính áp đặt khiến văn kiện phản bội lại chính những giá trị họ theo đuổi.

Từ thất bại đến khủng hoảng

Chuyển qua nhật báo công giáo La Croix, chiếm toàn bộ trang nhất của tờ báo là bức chân dung tổng thống Macron tay chống cằm suy tư dưới hàng tựa : Luật nhập cư, ván cược bị thua. Tờ báo nhận thấy, "một trong dự án chủ chốt của ông Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ thứ tổng thống thứ 2, đã chuyển thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".

Theo La Croix, việc luật nhập cư được thông qua ở Hạ Viện đã gây ra cuộc khủng hoảng trong phe cầm quyền, biểu hiện rõ nét là bộ trưởng Y tế, Aurélien Rousseau hôm qua đã xin từ chức. Sóng sốc của sự kiện này đang vượt ra ngoài phạm vi chính giới, bộ luật mới đang gây phẫn nỗ trong các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác xã hội và cả trong giới đại học. Xã luận La Croix với tiêu đề chỉ trích : "Nhập cư : một thỏa thuận gây hại cho hội nhập" của người nước ngoài tại Pháp.

Theo tờ báo, ngoài những mối lo có cơ sở của dân Pháp cũng như nhiều nước Châu Âu khác về tình trạng mất an ninh do làn sóng nhập cư ồ ạt không kiểm soát thì có một thực tế là trong tình trạng dân số và kinh tế hiện nay, nước Pháp vẫn rất cần những lao động nước ngoài, hội nhập tốt. Tuy nhiên, văn kiện luật vừa được bỏ phiếu thông qua lại làm điều ngược lại và khiến cho việc hội nhập cần thiết đó vào cơ cấu kinh tế và xã hội của Pháp trở nên khó khăn hơn nhiều. Ba yếu tố tạo điều kiện cho người nước ngoài hội nhập là : giáo dục, việc làm và nhà ở. Ở cả ba lĩnh vực này, các điều kiện đã được thắt chặt bởi dự luật này. Vì thế, dự án này của chính phủ đã lỗi hẹn về mặt chính trị và nhân văn.

Cũng trong chủ đề bao trùm này, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa lớn trang nhất tóm lược quan điểm của tờ báo "Luật nhập cư : sự phủ nhận lớn". Bên các trang trong Libération đăng ý kiến của 5 lãnh đạo cơ sở đại học lớn ở Pháp bày tỏ những lo ngại luật nhập cư mới sẽ làm tổn hại đến tinh hoa nghiên cứu khoa học và sức hấp dẫn của đào tạo đại học ở Pháp.

Tờ báo cho biết thêm, năm qua, các trường đại học Pháp đón nhận 400 nghìn sinh viên nước ngoài. Luật mới đề ra hai điểm chủ chốt có liên quan đến các sinh viên nước ngoài : Phải nộp tiền bảo lãnh cho các chi phí học tập sinh hoạt trong thời gian ở Pháp. Điểm thứ 2 là tăng phí đăng ký nhập học đối với các sinh viên ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Hai điều kiện này sẽ có nguy cơ ngăn cản số lượng lớn đến Pháp du học.

Xung đột Israel, không ai muốn kết thúc ?

Thời sự nóng ở Trung Đông dù bị che lấp bởi các chủ đề nội bộ nước Pháp, nhưng Le Figaro vẫn có bài phân tích đang chú ý : "Cuộc xung đột Israel-Hamas bị đe dọa sa lầy".

Theo Le Figaro, Những lời kêu gọi liên tục về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Liên Hiệp Quốc và ở một số nước có thể sẽ không mang lại kết quả nào, bởi vì tất cả các bên liên quan đều thấy có lợi ích để tiếp tục chiến tranh. Trước tiên là với thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu. Việc "tiêu diệt" Hamas, thả các con tin và xóa bỏ vĩnh viễn các ý đồ khủng bố ở Gaza vẫn còn là những mục tiêu xa vời và chắc chắn một phần là không thể đạt được. Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra về một thỏa thuận ngừng bắn mới, ông Benyamin Netanyahu vẫn muốn kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt. Ông ta đang muốn đánh cược sự sống còn chính trị của mình trong cuộc chiến này.

Tờ báo trích dẫn một nhà ngoại giao thông thạo về hồ sơ nhận định : "Ông ta phải dành thời gian để xây dựng lại sự đoàn kết dân tộc. Nếu không, ông ta sẽ bị lật đổ khỏi quyền lực vì sự phá sản về an ninh, chính trị và đạo đức. Nhưng nếu ông ta kiên trì kéo dài cuộc chiến trong 6 tháng và thành công trong việc làm suy yếu Hamas, ông sẽ có cơ hội sống sót".

Trong khu vực, hầu hết các quốc gia Ả rập quan sát cuộc xung đột không khỏi lo lắng Vẫn theo một nhà ngoại giao Châu Âu nhận định : "Cuộc xung đột đã ngăn cản Israel trở thành một cường quốc. Nếu giải quyết xong xung đột, Israel sẽ rộng đường trở thành cường quốc. Các nước Ả rập khi đó sẽ trở nền hèn kém với Israel".

Ngoài ra, cuộc chiến ở Gaza cũng phục vụ lợi ích của các cường quốc thách thức trật tự quốc tế mà phương Tây dẫn dắt. Nga và Iran hay thậm chí Trung Quốc đều có những tính toán lợi dụng hưởng lợi từ cuộc chiến nay. Với Iran thì cuộc chiến tranh Gaza đã giúp họ ngăn chặn con đường bình thường hóa Ả rập - Israel. Với Nga, Gaza đã làm thế giới quên đi cuộc chiến tranh ở Ukraine, khiến phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ phải gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Trung Quốc cũng tìm thấy mối lợi tương tự trong cuộc chiến ở Gaza. Cuộc chiến tranh Gaza có một lợi thế khác, đó là chuyển hướng mục tiêu của Mỹ trong việc xoay trục sang Châu Á và che đậy, ít nhất là tạm thời, vấn đề Đài Loan.

Ứng viên Donald Trump bị bang Colorado bất ngờ tấn công

Liên quan đến thời sự quốc tế khác, các báo Pháp chú ý nhiều đến diễn biến mới liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Le Figaro ghi nhận, trước khi chính thức bắt đầu, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 đã trở nên xáo động vào tối thứ Ba 19/12. Trong một quyết định chưa từng có, Tòa Án Tối Cao bang Colorado tuyên bố Donald Trump không đủ tư cách tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của bang theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Nguyên do là vì những trách nhiệm của ông Trump trong vụ người ủng hộ ông gây bạo động ở đồi Capitol hôm 06/01/2021.

Le Figaro ghi nhận đây là một quyết định lịch sử, hiếm khi Tu chính án có từ thời sau nội chiến được áp dụng và chưa bao giờ được áp dụng cho một ứng cử viên tổng thống hoặc cựu tổng thống.

Còn vi La Croix : Đây là mt quyết định tư pháp chưa tng có M, và nó có th kéo theo nhiu bang khác làm theo bang Colorado. Theo t báo, trong khi ch đợi hiu ng vết du loang có th xy ra, quyết định ca Tòa Án Ti Cao Colorado ch liên quan giai đon này, các cuc bu c sơ b ca đảng Cng Hòa, d kiến ​​din ra vào đầu tháng 3 ti. Nhưng các lut sư ca cu tng thng đã công b ý định kháng cáo lên tòa án cao nht nước này, vì vy tên ca Donald Trump vn có th s xut hin trên các lá phiếu ở Colorado. Tuy nhiên, quyết định của Colorado khẳng định tính chất đặc biệt và bất trắc của một chiến dịch tranh cử tổng thống hứa hẹn sẽ có nhiều biến động.

Tuy nhiên, các báo Pháp cũng nhận thấy, sự kiện vừa xảy ra chưa có nghĩa là cuộc đua trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump đã chấm dứt. Cũng không nên quên là ứng viên tổng thống Mỹ này hiện vẫn còn đang bị 4 vụ kiện cáo tư pháp đeo đuổi chưa có hồi kết và cho đến giờ sự ủng hộ của cử tri đối với vị cựu tổng thống Mỹ này dường như không suy suyển bao nhiêu.

Anh Vũ

Published in Quốc tế
mercredi, 20 décembre 2023 15:45

Điểm báo Pháp - Luật nhập cư Pháp

Luật nhập cư Pháp : "Nụ hôn tử thần" cực hữu làm chao đảo phe cầm quyền

Hạ Viện Pháp tối qua, 19/12/2023, đã thông qua luật về nhập cư, vốn là một trong các mục tiêu chính trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron, nhưng gây bất đồng sâu sắc trong chính giới. Đây là chủ đề chính của hầu hết báo Pháp hôm nay. Le Figaro nói đến tình trạng "hỗn loạn" trong phe cầm quyền. Libération tố cáo sự "phản bội" của tổng thống. Les Echos chỉ ra các thủ đoạn gây chia rẽ của đảng cực hữu, trong bối cảnh phe cầm quyền rơi vào khủng hoảng nội bộ.

nhapcu01

Luật nhập cư Pháp : "Nụ hôn tử thần" cực hữu làm chao đảo phe cầm quyền - Ảnh minh họa : "Petó de la mort" (Baiser de la mort). Nghĩa trang de Poblenou, Barcelona, Tây Ban Nha

"Luật được thông qua, nhưng gây chia rẽ sâu sắc trong liên minh của tổng thống" là tựa lớn Le Figaro. Tờ báo thiên hữu rút ra ba nét chính : "Phe cầm quyền trên bờ tan vỡ", đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) hoan hỉ với kế sách gây chia rẽ phe cầm quyền gặt hái kết quả, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thành công buộc được phe tổng thống phải siết chặt luật nhập cư.

Tổng thống bị lên án "mù quáng" và "lẩn tránh"

Bài xã luận của Le Figaro, với tiêu đề "Đảo lộn hoàn toàn", tập trung chỉ trích tổng thống Macron, bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến tình hình rối loạn trong nội bộ liên minh cầm quyền hiện nay, với việc nhiều bộ trưởng dọa từ chức, chủ tịch ủy ban Tư Pháp Hạ Viện, thuộc đảng cầm quyền, chống lại luật.

Theo Le Figaro, gốc rễ là do thái độ "mù quáng" của tổng thống, đã lẩn tránh vấn đề nhập cư "trong một thời gian dài", rồi buộc phải ra luật dưới áp lực của dư luận. Và trong bối cảnh bị tình thế ép buộc, dự luật đã được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện một cách hết sức thiếu bài bản dẫn đến các phản ứng vượt tầm kiểm soát, khiến "toàn bộ hệ thống rung chuyển".

Nỗ lực của Macron để tránh bị mang tiếng ngả theo cực hữu

Trong một bài viết khác, nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến "cuộc khủng hoảng chưa từng có" của liên minh cầm quyền. Le Figaro thuật lại những diễn biến trước cuộc bỏ phiếu quyết định tại Hạ Viện tối muộn hôm qua. Việc bộ trưởng Y tế Aurelien Rousseau đe dọa từ chức, cũng như phản ứng dữ dội khác của nhiều nhân vật hàng đầu trong liên minh (như lãnh đạo đảng cánh trung François Bayrou), đã buộc tổng thống phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày với thủ tướng Elisabeth Borne, và các thành viên trụ cột của đa số để tìm giải pháp.

Tổng thống Macron một mặt kêu gọi tất cả hành động đến cùng để luật được thông qua nhanh chóng, nhưng để ngỏ khả năng sẽ đích thân đề nghị Hội đồng Bảo hiến hủy bỏ các "điều khoản gây bất đồng nghiêm trọng" (từ phía một bộ phận của liên minh cầm quyền), một khi luật được thông qua. Để tránh bị mang tiếng là bị ngả về cực hữu, nguyên thủ quốc gia Pháp cũng khẳng định có thể sẽ yêu cầu Hạ Viện bỏ phiếu lại lần nữa, nếu luật được thông qua nhờ phiếu bầu của đảng cực hữu RN (với 89 dân biểu), tương tự như lãnh đạo chính phủ Pháp Pierre Mendès France, đã từng từ chối phiếu bầu của Đảng cộng sản trước đây. 

Từ viễn cảnh chiến thắng đến "thất bại chính trị khủng khiếp"

Le Figaro trong một bài viết khác, nhận xét, ngày 19/12/2023 tưởng như sẽ có thể đi vào lịch sử như một chiến thắng của tổng thống Macron với nỗ lực kiên quyết đến cùng để thông qua luật về nhập cư rút cục đã kết thúc như một "thất bại hoàn toàn về chính trị, khủng khiếp nhất kể từ khi ông Macron lên nắm quyền" năm 2017.

Đáng sợ nhất với phe tổng thống chính là điều mà Le Figaro, cũng như nhiều báo khác, gọi là "nụ hôn của tử thần" dành cho phe cầm quyền, tức tuyên bố của lãnh đạo đảng cực hữu nổi tiếng bài ngoại Marine Le Pen sẵn sàng bỏ phiếu cho văn bản dự thảo luật vừa được ủy ban lưỡng viện đặc biệt CMP thông qua chiều hôm qua.

"Nụ hôn giết người" của bà Le Pen

Với sự đồng thuận của đảng đối lập cánh hữu LR, phe cầm quyền không cần đến các lá phiếu của đảng cực hữu để luật được thông qua, nhưng việc lãnh đạo cực hữu tuyên bố ủng hộ luật nhập cư được coi là chiến thuật "gài bẫy" hiệu quả. Chỉ ít phút sau, biện pháp này đã có kết quả. Hàng loạt dân biểu thiên tả trong phe cầm quyền tuyên bố chống lại dự luật, buộc chính quyền phải tổ chức hàng loạt cuộc họp để hóa giải khủng hoảng. Như điển tích "Hoàng đế trần truồng", sự bất lực của tổng thống hiện ra giữa ban ngày, bài viết của Le Figaro kết luận.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" cho bài "Marine Le Pen : Nụ hôn giết người", với nhận định, bằng cách tuyên bố đảng cực hữu sẽ bỏ phiếu cho dự luật, bà Le Pen đã phá tan hình ảnh về một văn bản luật được coi là "cân bằng", đẩy phe đa số vào cảnh chia rẽ. Tương tự như Le Figaro, Les Echos ghi nhận thủ đoạn của lãnh đạo đảng cực hữu đã gặt hái thành công. Tuyên bố bất ngờ của lãnh đạo đảng cực hữu về một "chiến thắng ý thức hệ", ngay sau khi ủy ban lưỡng viện đặc biệt hoàn tất công việc, đã đẩy chính phủ Borne vào thế bị động.

Nỗ lực ra một bộ luật "cân bằng" bị phủ nhận sạch trơn

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin ngay sau đó đã vạch mặt đảng cực hữu, phơi bày thái độ giả dối của đảng này, khi cho biết, nếu bỏ phiếu cho luật này, các dân biểu cực hữu sẽ phản lại những nguyên tắc của chính họ, cụ thể như việc hợp thức hóa những người không giấy tờ, điều mà cho đến nay họ vẫn phản đối. Bất chấp các phản công của ông Darmanin, "đòn đánh tàn khốc" của bà Le Pen đã mang lại hiệu quả không ngờ, "xóa tan đi các nỗ lực giải thích của chính phủ để thu hút sự ủng hộ đối với một dự luật không thiên hữu đến mức như nhiều người vẫn nghĩ", theo Les Echos.

Cụ thể, nhiều người tưởng rằng luật nhập cư vừa được thông qua là theo quan điểm cực hữu, khi giới hạn điều kiện hưởng các trợ cấp xã hội với người nước ngoài, căn cứ theo quốc tịch (quan điểm của RN). Trên thực tế, theo phe đa số, điều kiện hưởng trợ cấp gắn với "việc làm". Theo Les Echos, nhiều cách xử lý mang "tính nhân văn" (theo quan điểm của chính phủ) với dân nhập cư nước ngoài đã bị lãnh đạo cực hữu "phủ nhận sạch trơn chỉ với một tuyên bố".

Dù sao, theo Les Echos, lãnh đạo cực hữu "không phải là kẻ tạo ra khủng hoảng, mà chỉ là người châm mồi lửa". Theo một người bạn cũ của tổng thống, "chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là không ban hành văn bản này". Hiện tại, dự luật đã được thông qua, khủng hoảng không kết thúc.

Macron bị cáo buộc "phản bội" lại cam kết ngăn chặn cực hữu

Trang nhất Libération, với nền màu đen, tố cáo tổng thống đã phản bội cam kết ngăn chặn đảng cực hữu. Nhật báo thiên tả đối chiếu hai tuyên bố. Thứ nhất là tuyên bố của ông Macron khi đắc cử lần thứ hai, vào ngày 24/04/2022 : "Các vị đã bỏ phiếu cho tôi để ngăn chặn cực hữu. Điều này buộc tôi phải có trách nhiệm". Đối diện với tuyên bố của ông Macron là tuyên bố của lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen ngày hôm qua 19/12/2023 : "Đối với đảng RN, luật nhập cư (sắp được thông qua) là một chiến thắng ý thức hệ".

Nhật báo thiên tả điểm ra bốn biện pháp ngả mạnh về hữu trong dự luật mà sẽ để lại những hậu quả lớn với dân nhập cư. Thứ nhất là giới hạn các điều kiện đoàn tụ gia đình với người nhập cư hợp pháp, tăng thời hạn xem xét từ 18 lên 24 tháng, và đòi hỏi các thành viên gia đình muốn đến Pháp phải qua sát hạch về tiếng Pháp. Thứ hai là siết chặt điều kiện được hưởng trợ cấp nhà ở (APL). Thứ ba là siết chặt các điều kiện đến Pháp của sinh viên nước ngoài, với việc tăng học phí và yêu cầu nộp tiền bảo lãnh, sẽ được hoàn trả khi rời Pháp. Và thứ tư là tái lập trở lại tội "cư trú bất hợp pháp", với tiền phạt 3750 euro.

Xã luận Libération, với tựa đề "Berezina" (Đại bại), tỏ ra hết sức bi quan khi nhấn mạnh rằng việc luật nhập cư vừa được thông qua là một "thất bại của nền dân chủ", cho thấy liên minh cầm quyền của ông Macron hoàn toàn mất uy tín, và "kẻ được lợi duy nhất trong thảm bại này là phe cựu hữu".

Luật nhập cư phơi bày toàn bộ sự mong manh của phe cầm quyền

Về luật nhập cư Pháp, báo Le Monde hôm nay ra từ chiều hôm trước có bài nhận định của nhà báo Françoise Fressoz, "Luật nhập cư : Thời khắc của sự thật". Nhà bình luận của Le Monde chú ý đến việc khoảng 60% người Pháp, theo một thăm dò dư luận, hy vọng chính phủ và đối lập tìm được thỏa hiệp trong vấn đề luật nhập cư. Vấn đề "nhập cư" vốn không gây phân hóa sâu sắc trong xã hội Pháp như cải tổ hưu trí. Việc không tìm được thỏa hiệp trong dự luật về nhập cư gây suy yếu nặng nề cho liên minh cầm quyền.

Nhà bình luận của Le Monde dự báo trước là, bất chấp kết cục ra sao, khủng hoảng xung quanh luật nhập cư cũng phơi bày toàn bộ sự mong manh của phe cầm quyền : một tổng thống với quyền lực suy yếu, nhưng cố gắng tỏ ra ở thế thượng phong. Tình trạng này buộc tổng thống phải thay đổi. Nhưng liệu còn kịp ?

Ứng xử với dân nhập cư và nguyên tắc bác ái

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay cũng tập trung vào vấn đề trọng tâm trong các đàm phán giữa đa số và đối lập, đó là quyền tiếp cận các trợ cấp xã hội của dân nhập cư. La Croix thừa nhận là, xét về luật pháp của nước Pháp và Châu Âu, rõ ràng có sự khác biệt giữa quyền của người Pháp, quyền của công dân các nước thành viên khối 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, và quyền của người nước ngoài. Phân biệt về quyền của người trong nước và người nước ngoài không phải là bài ngoại.

Tuy nhiên, nhật báo công giáo cũng lưu ý đến hai nguyên tắc nền tảng khác, đã được ghi trong Hiến pháp của nước Pháp và chế độ cộng hòa Pháp : Nguyên tắc bình đẳng và bác ái. Nguyên tắc bác ái cũng là một nguyên tắc phổ quát, La Croix nhắc nhở.

Nhập cư không chỉ là vấn đề đau đầu với nước Pháp. Cũng trong số báo này La Croix giới thiệu vấn đề nhập cư nhìn từ Châu Âu. Theo một thăm dò dư luận hồi tháng 10 vừa qua, nhập cư cũng là "vấn đề số một" của khối 27 nước, vượt xa nhiều vấn đề quan trọng khác. Nhiều nước Châu Âu cũng đang "siết chặt về các chính sách nhập cư".

Trọng Thành

Published in Quốc tế