Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trump dọa "để mặc Nga tấn công" : Thêm lý do để Châu Âu tăng tốc tự lực quốc phòng

Vòng vây của quân đội Israel khép chặt tại thành phố cực nam dải Gaza, giới nông dân Pháp đe dọa chuẩn bị một cuộc phong tỏa mới, hay cam kết của bộ trưởng Nội Vụ Pháp chấm dứt quyền của người sinh ra tại tỉnh hải ngoại Mayotte, tự động có quốc tịch Pháp, là các chủ đề chính trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay, 13/02/2024.

doa1

Tập trận không quân lớn nhất của NATO tại Đức, mang tên Air Defender tháng 6/2023. Phù hiệu mà người lính này mang trên áo là ''Stronger together" (Đoàn kết, chúng ta mạnh hơn). via Reuters - Pool

Tuy nhiên, chủ đề được các báo bàn nhiều nhất có lẽ là phản ứng từ Châu Âu sau tuyên bố ngày 10/02/2024 của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ra tái tranh cử, đe dọa trừng phạt các đồng minh NATO không đầu tư đủ mức cho quốc phòng bằng cách ủng hộ các hành động xâm lược của Nga. Le Monde chạy tựa trang nhất : "Trump thách thức nguyên tắc đoàn kết của NATO". Bài viết nhấn mạnh : "Khi để ngỏ khả năng cho Nga tấn công mọi thành viên NATO nào không đóng góp đủ mức quy định cho ngân sách của NATO, ông Trump – người có nhiều khả năng tái đắc cử tổng thống Mỹ - đã tấn công vào điều 5, một trụ cột của Hiến chương NATO, quy định toàn khối đoàn kết phải bảo vệ quốc gia nạn nhân''.

"Châu Âu chấn động sau các đe dọa của Trump" cũng là tựa trang nhất của Le Figaro. Nhiều quốc gia Châu Âu "không giấu nỗi lo ngại sau các tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ", đặc biệt là Ba Lan, quốc gia tuyến đầu. Varsava cảnh báo "đại thảm họa", nếu Châu Âu không đủ khả năng tự lực về an ninh. Bài xã luận của Le Figaro, nhan đề "Thời điểm thức tỉnh", chỉ trích các nước Châu Âu với lời mở đầu như sau : "Nhà của mình đang cháy, thế nhưng người Châu Âu vẫn ngủ trong yên bình, và mơ về quá khứ."

Châu Âu phải sẵn sàng với việc "bị Mỹ bỏ rơi" và "bị Nga tấn công"

Le Figaro lưu ý, trong hiện tại Trump chưa trở thành tổng thống Mỹ, tuy nhiên các đe dọa chống lại NATO là "đáng sợ nhất từ trước tới nay", "việc kêu gọi Nga tấn công một quốc gia thành viên NATO làm rung chuyển nền móng của Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương". Nhưng lỗi không chỉ thuộc về Donald Trump. Theo Le Figaro, trên thực tế Châu Âu đã quá dựa dẫm vào Mỹ về mặt an ninh. Trên tổng số 31 thành viên của khối, chỉ có 11 quốc gia đạt 2% GDP chi phí cho quốc phòng, trong lúc Hoa Kỳ chi đến 3,5%.

Theo Le Figaro, Châu Âu giờ đây phải chấp nhận đối diện với hai thách thức nhãn tiền : Có thể bị Nga tấn công và có thể bị Mỹ bỏ rơi. Kịch bản "tồi tệ nhất", và hoàn toàn có khả năng xảy ra, là Trump sau khi đắc cử chọn "thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với Châu Âu và Ukraine, để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính." "Chuông đồng hồ báo thức đã điểm : Liệu Châu Âu có nghe thấy ?", Le Figaro kết luận. 

"Đừng phản ứng thái quá trước các khiêu khích của Trump"

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận nhấn mạnh đến việc Châu Âu cần khẩn cấp đầu tư mạnh cho NATO. Les Echos khuyên các nước Châu Âu "không phản ứng thái quá trước các lời lẽ khiêu khích của Donald Trump, kêu gọi Nga tấn công các quốc gia đóng góp không đủ mức cho NATO", bởi càng phản ứng như vậy, các nước Châu Âu sẽ càng "phơi bày một phương Tây suy yếu và chia rẽ đối diện với nước Nga Putin."

Les Echos lưu ý là Châu Âu không hề bị động trước Donald Trump, bởi ông ta đã nhiều lần tung ra các đe dọa tương tự. Việc Trump đắc cử năm 2016 có thể là điều bất ngờ, nhưng nếu việc này tái diễn trong cuộc bầu cử năm nay, thì đây sẽ không thể là điều gây ngạc nhiên. Châu Âu còn khoảng một năm nữa để chuẩn bị. "Các nước Châu Âu, mà trước hết là Pháp, Đức và Anh, phải nắm lấy việc điều hành khối NATO, cả về mặt tài chính, và cả về mặt chiến lược", theo Les Echos. Tăng cường sức mạnh của NATO và hậu thuẫn đủ cho Ukraine là hai mục tiêu chính. Nhật báo kinh tế cảnh báo, nếu Trump trở lại Nhà Trắng khi Châu Âu không đủ mạnh, thì "mỗi nước Châu Âu sẽ tìm một con đường riêng để cầu cạnh Donald Trump". Khi đó thì ''mọi liên minh đều tan vỡ và Châu Âu cũng không còn''.

"NATO đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết"

Trong hồ sơ này, Les Echos cũng nêu bật một nghịch lý là, trong lúc các nước Châu Âu lo ngại và bất bình với các đe dọa của cựu tổng thống Mỹ, trên thực tế "khối NATO chưa bao giờ hùng mạnh như hiện nay, và nền công nghiệp quốc phòng của khối đang được vực dậy, kể cả tại Đức". Theo Les Echos, sự trỗi dậy của nền công nghiệp quốc phòng của Châu Âu không hẳn là do các đe dọa của Donald Trump, như cựu tổng thống Mỹ từng quảng bá, là ông "đã làm được điều mà các đời tổng thống tiền nhiệm đã không làm được" - buộc các nước Châu Âu phải đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho NATO.

Les Echos nhấn mạnh là nỗ lực đầu tư cho quốc phòng của các nước Châu Âu xuất phát chủ yếu từ mối đe dọa Nga, sau khi Moskva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine. Ngân sách quốc phòng gia tăng sau việc điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng Châu Âu tăng thêm 100 tỉ đô la so với cách nay 10 năm. 

Châu Âu phải tự lực về an ninh "về trung hạn"

Theo Les Echos, hệ thống phòng thủ của NATO đang trở nên mạnh mẽ chưa từng có với việc Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển gia nhập NATO. Toàn bộ "các hàng rào phòng thủ ở phía đông Châu Âu đang được củng cố, từ Rumani, Ba Lan cho đến các nước Baltic". Trong hiện tại, "về ngắn hạn" Châu Âu tuy chưa đủ sức tự lực về an ninh, nhưng về mặt trung hạn, châu lục đang hướng về mục tiêu này. Thay đổi đặc biệt có thể ví với một "cuộc cách mạng", khi Đức, nền kinh tế số một của Châu Âu, đoạn tuyệt với học thuyết quân sự hậu Thế chiến II, để sẵn sàng cho cuộc chiến chống xâm lăng. Berlin lần đầu tiên cam kết huy động 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, tăng 0,5% so với năm ngoái.

Les Echos điểm ra một số cái mốc trước mắt trong lĩnh vực quốc phòng Châu Âu : ngày 27/02, Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch đưa ra chiến lược quốc phòng chung. Đầu tháng 3/2024, 27 nước Châu Âu sẽ phải đạt được một thỏa thuận mới về viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Bộ ba Pháp, Đức và Ba Lan" siết chặt hợp tác quốc phòng…

Hợp tác gia tăng về an ninh – quốc phòng của bộ ba Pháp, Đức và Ba Lan cũng là một chủ đề khác của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế Pháp, ba quốc gia Châu Âu nói trên hôm qua, 12/02, đã tái khởi động cơ chế "hợp tác Weimar", từng được xác lập lần đầu tiên vào năm 1991, nhưng bị hụt hơi trong 8 năm cầm quyền đảng PiS thiên hữu và cực hữu tại Ba Lan. Ba nước Pháp, Đức và Ba Lan, với 200 triệu dân và chiếm hơn một phần tư ngân sách quốc phòng của Liên Âu, được hy vọng sẽ là đầu tầu trong nỗ lực đẩy mạnh tự chủ quốc phòng của khối, theo nhà chính trị học Daniela Schwarzer, quỹ Bertelsmann.

…và chống chiến dịch bóp méo thông tin của Nga

Gia tăng hợp tác quân sự là một nội dung chính của hợp tác ba bên Pháp, Đức và Ba Lan, tuy nhiên, một nội dung quan trọng hàng đầu khác, được ngoại trưởng ba nước thống nhất trong cuộc họp hôm qua tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud (Pháp), là tăng cường "chống lại chiến dịch bóp méo thông tin và thao túng công luận của điện Kremlin". Về chủ đề này, Libération dẫn lại thông tin vừa được Viginium, cơ quan của Pháp chuyên phát hiện các can thiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số, công bố hôm qua, cho biết Nga có cả một mạng lưới tuyên truyền "có tổ chức" với mục tiêu trước hết là ba nước, Pháp, Đức và Ba Lan. Le Figaro có bài phỏng vấn cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, ông Bernard Rogel, nhấn mạnh đến việc điện Kremlin đã bước sang giai đoạn coi việc gieo rắc các thông tin hù dọa là một trọng tâm.

Dư luận Israel chia rẽ về dự định tấn công Rafah

Gọng kìm khép chặt tại thành phố Rafah, cực nam dải Gaza, là tựa lớn trang nhất của Libération. Thành phố cực nam Gaza, nơi ẩn náu của khoảng 1,4 triệu dân tị nạn Palestine, chạy trốn chiến tranh tại miền bắc và miền trung dải Gaza là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Từ nhiều ngày nay, thủ tướng Israel đe dọa tấn công Rafah để tiêu diệt các lực lượng cuối cùng của Hamas còn ẩn náu tại thành phố này. Xã luận Libération, nhan đề "Hoài nghi", cho biết đe dọa tấn công của thủ tướng Israel đang khiến uy tín của ông Netanyahu sụt giảm theo các thăm dò dư luận.

Vì sao công luận Israel hoài nghi ? Hiện tại, theo giới quan sát, nhiều khả năng đa số của 130 con tin bị bắt giữ trong vụ tấn công 07/10/2023, đang bị Hamas cầm giữ tại thành phố Rafah. Tuy nhiên, rất khó có khả năng quân đội Israel có thể đạt được mục tiêu giải phóng toàn bộ số con tin này bằng vũ lực. Mặt khác, theo chính báo chí Israel, dư luận nước này ngày càng không ủng hộ việc tấn công thành phố Rafah, đang bị quốc tế phản đối ngày càng mạnh.

Lý do là, trong lúc về nguyên tắc, thủ tướng Israel tuyên bố sẽ mở đường thoát cho dân tị nạn Palestine, nhưng hiện tại không rõ họ sẽ đi về đâu. Biên giới phía nam mở đường về phía Ai Cập đã bị khóa chặt. Về phía đông, quân đội Israel đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự. Về phía tây, biển Địa Trung Hải án ngữ. Chỉ còn hướng bắc, nơi thành phố trung tâm Gaza city đã trở thành nơi hoang tàn, không thể sống nổi, chưa kể từ Rafah đến đó là ''một quãng đường 40 km đầy hiểm nguy''.

Bầu cử Indonesia : Giới trẻ lo ngại giá cả tăng vọt, thất nghiệp

Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia là một chủ đề chính của một số báo Pháp. Hơn 200 triệu cử tri quốc gia lớn nhất khối Đông Nam Á sẽ bỏ phiếu vào ngày mai. Hơn 50% cử tri dưới 40 tuổi. Libération có bài "Bầu cử Indonesia : Giới trẻ được săn đón, nhưng không được lắng nghe". Bầu cử tổng thống Indonesia cũng là một tựa trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Theo La Croix, lo ngại hàng đầu của giới trẻ Indonesia là tình trạng kinh tế giảm tốc trong năm 2023, với xuất khẩu sụt giảm.

Ba ứng viên tổng thống sử dụng rộng rãi các mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, để tìm cách chinh phục giới trẻ. Theo điều tra của một viện chính trị Indonesia, lo lắng số một của giới trẻ là việc giá cả tăng vọt trong bối cảnh thất nghiệp là 17% trong giới trẻ, từ 20 đến 24 tuổi. Theo một số dự báo, "kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới, trong bối cảnh Jakara siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu khoáng sản sụt giảm".

Giới nông dân Pháp gia tăng áp lực với thủ tướng Attal

Trong khi chờ đợi các biện pháp của chính phủ Pháp, các nghiệp đoàn nông dân chuẩn bị nối lại với phong trào phản kháng trong những ngày tới là tựa trang nhất Le Figaro. 11 ngày sau các thông báo của chính phủ về những biện pháp cho nông nghiệp, giới nông dân một lần nữa lên tiếng tố cáo việc ''lời nói không đi đôi với hành động''. Theo nghiệp đoàn lớn nhất của giới nông dân FNSEA, ''các trông đợi của nông dân là rất cao, nếu chính phủ không đáp ứng, phong trào có thể khởi động trở lại bất cứ lúc nào''.

Pháp : Liên hoan các phim Trung Quốc bị cấm chiếu tại Hoa lục

Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde giới thiệu một liên hoan phim đặc biệt, chiếu hơn 10 bộ phim dài của các nhà điện ảnh Trung Quốc, bị cấm hoặc gần như không được phổ biến tại quốc gia này. Liên hoan sẽ diễn ra tại thành phố Lyon, từ 14/02 đến 17/02. Đây là lần thứ 6, Liên hoan Allers-Retours được tổ chức tại Pháp.

Liên hoan các phim bị cấm tại Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018, khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát điện ảnh. Quyền kiểm soát môn nghệ thuật thứ bảy được chuyển từ chính phủ qua tay Đảng. Vào thời điểm đó, ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng (Fan Bing-bing) bị bắt và bị quản thúc tại gia. Nữ diễn viên nổi tiếng này được trả tự do sau ít tháng, nhưng sau đó không có đạo diễn có tên tuổi nào dám hợp tác với cô. Theo Le Monde, trong bối cảnh, Trung Quốc và Pháp long trọng kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, liên hoan phim nhỏ nói trên được tổ chức một cách "kín đáo". Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy ''sức sống của điện ảnh độc lập tại Trung Quốc''.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Châu Âu chỉ trích phát biểu của Donald Trump về NATO

Thu Hằng, RFI, 12/022024

Phát biểu "Mỹ không bảo đảm an ninh cho NATO" của cựu tổng thống Donald Trump tiếp tục bị chỉ trích gay gắt. Ngày 12/02/2024, trước cuộc họp của các ngoại trưởng, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell khẳng định NATO không thể là "một liên minh theo lựa chọn" vì theo ông "một liên minh quân sự không thể hoạt động tùy theo cảm hứng của tổng thống Mỹ".

trump1

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tại Kiev, Ukraine, ngày 07/02/2024. AP - Efrem Lukatsky

Ông Josep Borrell không "bình luận về những ý tưởng ngu xuẩn được đưa ra trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ", ý muốn nói đến những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa hôm 10/02 khi nêu khả năng không bảo vệ các nước thành viên NATO thiếu đóng góp cho quốc phòng. Trước đó, trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá phát biểu của ông Donald Trump "gây tổn hại cho an ninh của NATO, trong đó có Hoa Kỳ và đẩy quân nhân Mỹ và Châu Âu vào rủi ro cao".

Những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa bị chủ nhân Nhà Trắng đánh giá trong một thông cáo là "thảm hại và nguy hiểm" vì "bật đèn xanh cho (tổng thống Nga) Putin gây thêm chiến tranh và bạo lực, để tiếp tục cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào một Ukraine tự do và mở rộng cuộc xâm lược của Putin đối với dân tộc Ba Lan và các nước vùng Baltic".

Về phản ứng của Ba Lan, nước ở cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu và sát sườn Ukraine, quốc gia đang bị Nga xâm lược, thông tín viên RFI Martin Chabal tại Warszawa cho biết thêm :

"Chính phủ Ba Lan đã thể hiện lo lắng ngay lập tức. Bộ trưởng Nội Vụ Ba Lan bày tỏ "Donald Trump kêu gọi trao thẳng Châu Âu cho Putin". Trong khi Liên Hiệp Châu Âu ngày càng lo về kịch bản khả năng Nga tấn công Châu Âu, những lời phát biểu của ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa gieo rắc nghi ngại trong tâm trí những nước nằm sát cửa ngõ với Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cố gắng trấn an mọi người. Ông hứa sẽ duy trì liên minh vững mạnh nhất có thể giữa Hoa Kỳ và Ba Lan, dù chủ nhân Nhà Trắng là ai. Ông cũng nhấn mạnh Ba Lan không bị những phát biểu của ông Donald Trump nhắm đến. Warszawa dành gần 4% GDP cho quốc phòng, đủ để Hoa Kỳ, trong trường hợp Donald Trump làm tổng thống, can thiệp trong trường hợp Ba Lan bị tấn công.

Nhưng Warszawa gắn bó với khẩu hiệu của NATO : "Một người vì mọi người, mọi người vì một người". Và nếu Ba Lan nằm trong số học trò ngoan thì những trò ngoan này cũng lo cho các nước Châu Âu láng giềng không chi đủ theo chỉ trích của Donald Trump, như Pháp và Đức chẳng hạn, hai nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu mà tân chính phủ Ba Lan đang tìm cách thắt chặt quan hệ sau thời gian đảng dân túy Pis nắm quyền. Những nước này có thể sẽ thảo luận về những phát biểu của ông Donald Trump ngay thứ Hai này (12/02), trong cuộc họp Tam giác Weimar, gồm ba nước Đức, Pháp và Ba Lan".

Ngày 12/02, khi được hỏi về những phát biểu của ông Donald Trump, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov đã từ chối bình luận khi nói rằng ông "làm trợ lý báo chí cho tổng thống Putin, chứ không phải cho Trump".

Thu Hằng

************************

Thách thức an ninh thắt chặt quan hệ Pháp - Đức - Ba Lan

Thanh Hà, RFI, 12/02/2024

Thủ tướng Ba Lan, hôm nay 12/02/2024, công du Pháp và Đức trong bối cảnh Châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức vì an ninh. Cùng ngày, ngoại trưởng ba nước họp tại ngoại ô Paris. Các bên thảo luận về chiến tranh Ukraine và tìm cách đối phó với chính sách tuyên truyền và bóp méo sự thật của Nga.

trump02

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa), tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron (P) tham dự cuộc họp báo chung tại Berlin, Đức ngày 08/02/2022. Reuters - Pool

Vào lúc chiến tranh Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa không bảo vệ các thành viên NATO, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gặp và hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz. Paris, Berlin và Warszawa xem việc tăng cường hợp tác an ninh là điều "cần thiết hơn bao giờ hết". Theo một nguồn tin từ chính quyền Ba Lan được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, "Châu Âu cần cùng hành động để đối phó với kịch bản ông Trump đắc cử. Khối này không còn nhiều thời gian và đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải có một cỗ máy công nghiệp quốc phòng hùng hậu". Liên Âu "phải gấp rút hợp lực để cùng sản xuất đạn dược" tránh "bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp khác". Một nhà quan sát ghi nhận, giờ đây, Warszawa không còn xem chính sách tự chủ về quốc phòng của Liên Âu trái ngược và có thể gây mâu thuẫn với đường lối của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Ba Lan đang kỳ vọng thu hút đầu tư của Đức để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh các dự án tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Liên Âu, ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan hôm nay họp tại ngoại ô Paris để bàn về các biện pháp chống tin giả, chủ yếu xuất phát từ Nga. Paris coi đây là một mối đe dọa, gây bất ổn cho các quốc gia bị Nga nhắm tới. Các bên dự trù ra một thông cáo chung vào chiều nay sau cuộc họp.

Giới quan sát ghi nhận đây là thời điểm thuận lợi để Pháp, Đức và Ba Lan đẩy mạnh hợp tác nhằm đối phó một cách "hiệu quả với những thách thức đang đặt ra về mặt địa chính trị cho toàn khối". Paris và Berlin là hai đầu tàu của Liên Âu. Còn Warszawa là một đối tác nặng ký, đại diện cho Trung và Đông Âu. Ba Lan là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng về mặt quân sự.

Thanh Hà

***************************

Ông Trump nói sẽ 'khuyến khích’ Nga tấn công các thành viên NATO không đóng tiền

James FitzGerald, BBC, 11/02/2024

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ "khuyến khích" Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào không chịu đóng tiền cho liên minh quân sự phương Tây này.

trump3

Ông Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở South Carolina

Cựu Tổng thống Donald Trump kể có lần ông đã nói với lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO rằng ông sẽ không bảo vệ quốc gia không chịu đóng tiền cho tổ chức này nếu quốc gia ấy bị Nga tấn công và sẽ "khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều quái quỷ gì mà họ muốn".

Các thành viên của NATO cam kết sẽ bảo vệ bất kỳ quốc gia nào trong khối một khi quốc gia ấy bị tấn công.

Nhà Trắng đã gọi những ý kiến trên của ông Trump là "kinh hoàng và mất kiểm soát".

Phát biểu trong một cuộc mít tinh ở South Carolina vào thứ Bảy, ông Trump cho biết ông đã có lời tuyên bố như vậy trong một cuộc họp lãnh đạo các nước NATO.

Ông nhớ lại rằng lãnh đạo "một nước lớn" đã đưa ra tình huống giả định rằng nước của ông ta không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của khối NATO và bị Moscow tấn công.

Ông Trump nói lãnh đạo đó đã hỏi liệu Mỹ có đến giúp đỡ đất nước của ông ta trong tình huống ấy không và điều đó khiến ông Trump phải mắng cho một trận.

"Tôi đã nói : ‘Ngài không thanh toán ư ? Ngài lơ là nghĩa vụ ư ?’... 'Không, tôi sẽ không bảo vệ ngài, thực sự thì tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ngài phải thanh toán’".

Một người phát ngôn của Nhà Trắng nói rằng cựu tổng thống đang "khuyến khích các chế độ sát nhân thực hiện xâm lược đối với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta" và đánh giá những ý kiến trên là "kinh hoàng và mất kiểm soát".

Người phát ngôn này nói thêm rằng tuyên bố trên "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa ổn định toàn cầu và nền kinh tế nước Mỹ".

Ông Trump, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, từ lâu đã chỉ trích NATO và cái mà ông coi là gánh nặng tài chính quá mức đối với Mỹ trong việc đảm bảo công tác bảo vệ cho 30 quốc gia khác.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược toàn diện tại Ukraine vào năm 2022, sau khi ông Trump rời khỏi vị trí tổng thống. Ông từng than phiền về số tiền Mỹ đã chuyển cho Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO.

Theo số liệu từ Nhà Trắng hồi tháng 12/2023, Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - tổng cộng hơn 44 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào năm 2022.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các đảng viên Cộng hòa đã chặn mọi khoản tài trợ mới – với yêu cầu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía nam và sau đó đã bác dự luật sửa đổi được đệ trình vào đầu tuần này.

Tại cuộc mít tinh hôm thứ Bảy, ông Trump đã hoan nghênh việc bác bỏ dự luật và nói rằng các đề xuất của Tổng thống Biden là "thảm họa".

Hai vấn đề này hiện đã được tách biệt thành công, có nghĩa là các thượng nghị sĩ hiện có thể thảo luận về tiền viện trợ cho Ukraine một cách riêng lẻ.

James FitzGerald

Nguồn : BBC, 11/02/2024

Published in Quốc tế