Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến tranh Gaza nói lên những gì về thời đại chúng ta ?

Đó là câu hỏi của giáo sư Ran Halévi, giám đốc nghiên cứu của CNRS đặt ra trên Le Figaro ngày 31/10/2023. Theo ông, là chiến tranh tín ngưỡng lẫn thông tin, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas dù chỉ mới bắt đầu có ba tuần lễ, đã cho thấy những thách thức của thế kỷ 21.

gaza1

Các quân nhân Israel trên quân xa y tế di chuyển gần biên giới Lebanon, ngày 31/10/2023. Reuters – Violeta Santos Moura

Cơn ác mộng địa đạo

Về chiến dịch quân sự của Israel, Le Monde chạy tựa "Sự tàn phá của chiến tranh đô thị tại Gaza", La Croix nhìn sang "Lebanon, một mặt trận khác của cuộc chiến". Theo nhiều nguồn tin, giai đoạn hai nhằm thu thập thông tin về phương tiện quân sự của Hamas trước khi diễn ra những trận đánh lớn, và các địa điểm giam giữ 239 con tin, gia tăng dần áp lực để đạt được nhượng bộ. Tổng tham mưu trưởng quân đội Herzi Alevi cho biết : "Những người lính tinh nhuệ nhất đang ở Gaza".

Tuy 360.000 quân dự bị đã được huy động khẩn cấp, nhưng theo nhà chính trị học Yagil Levy chuyên về quân đội được Le Monde dẫn lời, thì các hoạt động phải do những đơn vị được huấn luyện kỹ càng. Sẽ là sai lầm nếu triển khai quân dự bị ở Gaza, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Benyamin Netanyahou biết rõ điều đó, vì phải tiến hành một cuộc chiến lâu dài. Hôm qua, quân đội loan báo đã tấn công trên 600 mục tiêu khủng bố, trong đó có các kho vũ khí, mấy chục vị trí đặt hỏa tiễn chống tăng, hầm trú ẩn.

Mê cung địa đạo là cơn ác mộng cho tất cả các quân đội. Đã hai chục năm qua, Hamas mở rộng thành phố dưới lòng đất, kéo dài hàng trăm cây số, hầu hết được gia cố bằng bê-tông đúc sẵn, và đôi khi cả bằng thép. Những hệ thống thông tin, chiếu sáng, khí oxy được bố trí đến tận những khu vực sâu nhất ở 60 mét dưới lòng đất. Các công ty chuyên đào đường hầm kiếm được khá nhiều tiền.

Mạng lưới này còn là nơi dự trữ đạn dược, thực phẩm, thuốc men cho các bệnh viện Hamas, kho chứa đạn rốc-kết, hỏa tiễn. Một trong bốn con tin được Hamas thả mô tả "những gian phòng chứa được mấy chục người". Không chỉ bảo vệ, dự trữ, là đường di chuyển, địa đạo còn là nơi để tổ chức phục kích bất ngờ. Phía Israel cũng dành những "ngạc nhiên" trong chiến tranh địa đạo. Có thể lấp hầm bằng cách đổ bê-tông, bơm nước áp suất cao hay gây ngập lụt bằng cách dẫn nước biển Địa Trung Hải vào, dùng bom chuyên phá hầm "bunker buster". Cuối cùng mới để các chiến binh vào địa đạo vì rất nguy hiểm.

Con tin và thế lưỡng nan của Israel

Le Figaro cũng nhận định "Con tin : Thế lưỡng nan của Israel trong cuộc chiến với Hamas". Khi đặt những kẻ bắt cóc dưới áp lực, các nhà chiến lược của Tsahal hy vọng giải thoát được các nạn nhân. Phía sau tuyên bố công khai thường là những tính toán thực dụng. Cho dù cuộc tiến công vào Dải Gaza đã bắt đầu từ tối thứ Sáu và quân đội Israel giải cứu được một nữ quân nhân bị Hamas bắt cóc, cuộc thương lượng về con tin vẫn tiếp tục nhưng "với một nhịp độ chậm hơn nhiều", theo một viên chức Qatar, trung gian được cả hai bên chấp nhận.

Tướng Olivier Passot, cựu tình báo quân đội Pháp cho rằng sự hiện diện của trên 200 con tin làm hạn chế hoạt động của Israel : Tsahal càng dồn nhóm khủng bố vào thế khó thì chúng có thể sát hại con tin để được rảnh tay. Một cựu tùy viên quân sự nhận xét : "Tsahal không thể phá hủy địa đạo hay bơm khí độc vào trước khi chắc chắn rằng không có con tin trong đó. Lực lượng Israel cũng bị trói tay vì phải phối hợp với bộ phận phụ trách thương lượng". Trước mắt, ưu tiên cho việc tìm kiếm nơi giấu các nạn nhân, việc thẩm vấn các phần tử Hamas bị bắt trong ba tuần qua có thể thu được một số thông tin.

Ngoài ra theo nhà nghiên cứu Yonatan Touval, "một mục tiêu của chiến dịch trên bộ đầu tiên là tạo ra sự hỗn loạn để Hamas phải chao đảo, buộc phải chấp nhận thả con tin". Đáng ngạc nhiên là khác với thông lệ, không có bằng chứng cho thấy con tin còn sống được Hamas chuyển cho Israel. Một cựu nhân viên tình báo Pháp cho rằng có thể phe này gặp khó khăn về liên lạc dưới lòng đất. Họ có điện thoại vệ tinh loại Immarsat nhưng có thể bị nhận diện. Quản lý 230 con tin, ngay cả chia thành nhiều nhóm quản ngục cũng rất phức tạp ; phải cho họ ăn uống và có thể cả chữa bệnh nhưng ra ngoài để tiếp tế dễ bị phát hiện. Thời gian không hẳn đứng về phía Hamas.

Trong khi đó tại Tel-Aviv, thân nhân các con tin ngày càng kém tin tưởng về một sự trao đổi. Báo chí cũng nói về số phận bi thảm của Shani Louk, cô gái 22 tuổi mang hai quốc tịch Đức-Israel. Hôm 07/10 trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh của cô gần như khỏa thân trên một chiếc xe mui trần, giữa một đám đông người Palestine đầy phấn khích hô to "Allah Akbar". Người thân nhận ra cô với hình xăm trên đùi. Hai lần thẻ tín dụng của cô được dùng để toan rút tiền ở Dải Gaza. Sáng hôm qua, Bộ Ngoại giao Israel và Đức xác nhận Shani Louk đã chết, qua xét nghiệm ADN một mẩu xương đầu gần hàng rào an ninh, phần thi thể còn lại không tìm thấy.

Israel, quốc gia cầm súng

Những video Hamas gieo rắc chết chóc cho những người dân bất lực bị săn đuổi đã gây kinh hoàng, khiến nhu cầu trang bị vũ khí của thường dân Israel bùng nổ. Một dân tộc cầm súng : Chưa bao giờ hình ảnh này của Israel lại chân thực đến thế kể từ ngày 07/10. Gần 150.000 người đã xin giấy phép mang súng để tự vệ, một kỷ lục khiến Bộ Nội an cũng như các cửa hàng phân phối súng, trung tâm tác xạ bị quá tải.

Giám đốc bộ này, Itamar Ben-Gvir thuộc đảng cực hữu cũng khuyến khích vì "Các công dân sở hữu súng có thể cứu được một gia đình, bảo vệ một tòa nhà" - Les Echos trích dẫn. Ông hạ độ tuổi mang súng từ 27 còn 21, gia hạn giấy phép, và giảm nhẹ một số quy định khác. Tuy vậy các ứng viên vẫn phải khám sức khỏe, theo học một khóa 4 giờ về luật lệ, không can án, có giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần. Việc phân phối súng trường MZ-4 do Israel chế tạo được đẩy nhanh tại 34 địa điểm. Một thiểu số người Israel cảnh báo về nguy cơ phản tác dụng trong trường hợp bạo lực gia đình, tự tử, sử dụng bừa bãi hoặc một ngày nào đó lọt vào tay bọn buôn lậu.

Truy lùng người Do Thái ở Daghestan

Về vụ tấn công vào một sân bay ở Daghestan để truy lùng hành khách người Do Thái, các báo Le Monde, Le Figaro, Libération Les Echos đều có những bài tường thuật. Tại sân bay Makhatchkala, trong nhiều tiếng đồng hồ ngày Chủ nhật, đám đông cả ngàn người đã xông vào trong tiếng hô "Allah Akbar", khi nghe tin một chiếc phi cơ từ Tel-Aviv vừa hạ cánh. Các video trên mạng xã hội cho thấy những nhóm người hùng hổ lục soát tìm kiếm con mồi, kiểm tra xe cộ và khách bộ hành xung quanh sân bay, đòi đưa xem hộ chiếu, thóa mạ những ai có ngoại hình "khả nghi".

Sau khi kéo đổ hàng rào an ninh, người biểu tình tràn ngập phi đạo. Nhiều phi cơ bị bao vây, phi hành đoàn và hành khách cố thủ bên trong. Một chiếc xe buýt bị vây kín, hành khách bên trong phải áp sát hộ chiếu vào cửa kính để chứng minh mình không phải là người Do Thái. Rất lâu sau cảnh sát mới can thiệp. Trước đó hôm thứ Bảy có một cuộc biểu tình khác đòi trục xuất người Do Thái cũng tại vùng Kavkaz.

Nghi vấn Moskva dùng Hồi giáo để gây rối 

Les Echos coi đây là "Trò gây rối của Moskva". Nga không lên án vụ khủng bố của Hamas, tỏ ra thù địch với Israel với mục đích thu hút "các nước phương Nam" đồng thời làm yếu đi phương Tây. Tương tự, Le Figaro nói về "Trò chơi rất cũ của Moskva với các phe Hồi giáo". Trước các nước phương Tây, Vladimir Putin luôn tự giới thiệu như là người đấu tranh không mệt mỏi chống khủng bố Hồi giáo. Ông ta là người đầu tiên gọi điện thoại cho tổng thống George Bush sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9. Putin quyến rũ được một phần cánh hữu Châu Âu khi tố cáo nạn di dân không thể kiểm soát vào cựu lục địa. Nhưng tất cả chỉ là màn trình diễn.

Dưới thời Liên Xô cũng như trong nước Nga của Putin, Kremlin luôn tỏ ra nhập nhằng, thậm chí thủ lợi từ các phong trào Hồi giáo và các nhóm khủng bố. Danh sách những ví dụ rất dài, đủ để nghi ngờ về vai trò của chính quyền Nga trong sự kiện vừa xảy ra ở Daghestan Hồi giáo. Tại vùng đất được giám sát vô cùng chặt chẽ này, các nhà đối lập nếu chỉ trích dù rất nhẹ nhàng cũng bị trừng phạt. Nhà sử học Françoise Thom giải thích, khó thể tin những vụ biểu tình bạo động như vậy lại tổ chức được mà không do chính quyền bật đèn xanh.

Chính nhờ dùng lá bài Hồi giáo mà Vladimir Putin đã leo lên được ngôi cao nhất. Các vụ khủng bố năm 1999 tại Moskva được cho là do người Chechnya nhưng có thể do FSB tổ chức, rồi vụ xâm nhập Daghestan dưới bàn tay của tài phiệt Boris Berezovsky, giúp Putin tung ra cuộc chiến thứ hai vào Grozny. Từ thời Liên Xô, các nhóm khủng bố chủ yếu là Hồi giáo đã bị KGB xâm nhập và lợi dụng. GRU vũ trang và huấn luyện cho các nhóm khủng bố Palestine và Ả rập của Phong trào Giải phóng Palestine (PLO), nhất là sau thỏa thuận Camp David.

Châm lửa ở Kavkaz, Putin có dập được đám cháy ?

Les Echos nhận thấy Moskva có vị trí đặc biệt tại Trung Đông, với những đòn bẩy quan trọng nhờ quan hệ với Tehran và Jerusalem, cũng như các quốc gia Hồi giáo Sunni vùng Vịnh và Ai Cập. Nga là một trong những nhân tố hiếm hoi có thể nói chuyện với tất cả mọi người, nhưng rốt cuộc đã chọn Hamas thay vì Israel. Từ 20 tháng qua bị tẩy chay, đả kích vì cuộc xâm lăng Ukraine, Putin có cơ hội tuyệt vời để đóng vai "người kiến tạo hòa bình".

Vladimir Putin khuyến khích tuyên truyền ủng hộ Hamas tại Moskva và Bắc Kavkaz, vui mừng thấy cuộc chiến tranh mới làm yếu đi phe hỗ trợ cho Kiev. Như thói quen thường lệ "gắp lửa bỏ tay người", báo chí Nga đồng loạt cáo buộc Ukraine và phương Tây gây ra sự kiện ở Daghestan. Le Figaro đặt câu hỏi, nếu Putin là người châm lửa ở Kavkaz, liệu ông ta có dập tắt được đám cháy ?

Chiến lược Iran : Gây áp lực thường xuyên lên Israel

Trả lời câu hỏi của La Croix : Iran gián tiếp can thiệp vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas, như vậy có lợi gì ? Ông Pierre Razoux, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (FMES) nhận định trước khi vụ này xảy ra, Iran đã muốn củng cố vị thế địa chính trị trong khu vực. Suốt năm nay, Tehran liên tục có những thành công ngoại giao : gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ký đối tác chiến lược với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc ả rập thống nhất, gia nhập nhóm BRICS.

Mục tiêu đầu tiên là ngáng chân quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia đã đạt được. Thứ hai là kéo Israel ra khỏi khu vực sát với Iran, vùng người Kurdistan ở Iraq và Iran, Nam Kavkaz. Lợi ích thứ ba : Chiến tranh sẽ làm yếu hẳn sức mạnh chiến lược của Israel trên trường quốc tế, đồng thời gia tăng uy thế của Iran. Tehran muốn tạo áp lực thường trực để Israel buộc phải duy trì lực lượng ở miền bắc, tại West Bank (Cisjordanie), xung quanh Jerusalem và Gaza để gây thiệt hại kinh tế. Nhưng cái khó của Iran là phải giữ dưới ngưỡng xảy ra xung đột.

Cuộc chiến tranh Gaza nói lên những gì về thời đại chúng ta ?

Đó là câu hỏi của giáo sư Ran Halévi, giám đốc nghiên cứu của CNRS đặt ra trên Le Figaro. Theo ông, là chiến tranh tín ngưỡng lẫn thông tin, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas dù chỉ mới bắt đầu có ba tuần lễ, đã cho thấy những thách thức của thế kỷ 21. Số 1.500 kẻ khủng bố tấn công vào Israel vừa là lính chuyên nghiệp vừa là những "chiến binh của Thượng Đế", phấn khích trước lời hứa được lên thiên đàng. Sự cuồng tín và quyết tâm khiến họ thẳng tay giết chóc, nhưng cũng sẵn sàng "tử đạo". Khác với những vụ tấn công tự sát, đợt khủng bố ngày 07/10 đã dấn thêm một bước về sự tàn bạo : hăng hái tra tấn, chặt đầu, phân xác, hãm hiếp, sỉ nhục các nạn nhân.

Dù Hamas có tổ chức như một nhà nước với quân đội, nhóm lãnh đạo, mạng lưới giáo dục, nhưng mang tính chất tín ngưỡng - đã được ấn định trong hiến chương : thánh chiến để tiêu diệt mọi sự hiện diện Do Thái. Những người Israel bị thảm sát chỉ vì họ là người Do Thái. Hamas kết liễu những sinh mạng Israel đồng thời tạo ra những người Palestine "tử đạo" để đóng vai nạn nhân trước dư luận quốc tế.

Không ít người nghĩ đơn giản rằng đó là do chính sách của chính phủ Benjamin Netanyahou. Phong trào Black Lives Matter coi việc gieo rắc những cảnh kinh hoàng hôm đó là "hành động tự vệ có thể hiểu được", đặc biệt ở các trường đại học, người biểu tình mừng thắng lợi của Hamas như thực thi công lý. Cứ như là sự ủng hộ khát vọng quốc gia Palestine không thể đi cùng với việc lên án những kẻ khủng bố diệt chủng. Cánh tả cấp tiến cũng không quan tâm đến việc Hamas hạn chế quyền tự do của phụ nữ và người đồng tính – vốn là lý tưởng đấu tranh của mình.

Định kiến cũng đè nặng lên chiến tranh thông tin, mà ví dụ là vụ rốc-kết Palestine bắn vào một bệnh viện Gaza bị vội vã quy cho Israel. Người ta đòi hỏi Jerusalem kềm chế, dù luật quốc tế nhìn nhận một Nhà nước có quyền đáp trả những vụ tấn công chết người. Giờ đây Israel phải theo đuổi nhiều mục tiêu trái ngược : đánh bại Hamas nhưng phải coi chừng Iran, tuân thủ luật quốc tế trong khi Gaza đang ở bờ vực thảm họa nhân đạo, và cứu vãn thỏa thuận Abraham.

Thụy My

Published in Quốc tế