Trọng Nghĩa, RFI, 28/10/2021
Trong cuộc họp trực tuyến ngày hôm 27/10/2021 của các lãnh đạo trong khối Thượng đỉnh Đông Á EAS (East Asian Summit), có sự tham dự của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại cam kết cùng với các đối tác trong khu vực bảo vệ tự do trên biển và dân chủ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa màn hình) dự thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16, trực tuyến, ngày 27/10/2021. AP
Trong một bản thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết là tổng thống Mỹ đã nhắc rằng Hoa Kỳ luôn luôn gắn bó với "trật tự dựa trên luật pháp quốc tế" đồng thời bày tỏ thái độ "quan ngại trước các mối đe dọa trật tự đó". Ông Joe Biden cũng nói rõ là nước Mỹ "sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để hậu thuẫn cho dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quyền tự do hàng hải".
Thông điệp của tổng thống được cho là nhắm vào các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh không ngần ngại dùng biện pháp mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng biển, bất chấp phản đối của các láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines hay Malaysia.
Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ các nước Đông Nam Á trong hồ sơ Biển Đông, thường xuyên cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tại hội nghị, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nêu lên vấn đề Biển Đông. Phát biểu với báo chí sau hội nghị trực tuyến, ông Kishida cho biết là ông đã chuyển đến các lãnh đạo khác "lập trường kiên định" của Nhật Bản về an ninh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đại diện Bắc Kinh tham gia Thượng đỉnh Đông Á, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã biện minh cho các hành động của Trung Quốc. Hãng tin Kyodo, trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết là phát biểu với hội nghị vào hôm qua, ông Lý Khắc Cường đã khẳng định rằng nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, "tình hình ở Biển Đông nhìn chung đã duy trì được sự ổn định, và chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra đối với tự do hàng hải và hàng không"
Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, trong phát biểu hôm qua tại Thượng đỉnh Đông Á, tổng thống Mỹ Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương về việc phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực, điều được cho là thiếu sót lớn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hiện nay.
Theo Reuters, một quan chức Mỹ cao cấp trong chính quyền Biden đã nói ngay sau đó là sáng kiến mà ông Biden loan báo "không phải là một thỏa thuận thương mại", theo kiểu như Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ đã từ bỏ.
Thượng đỉnh Đông Á là cơ chế tập hợp 10 nước Đông Nam Á ASEAN, ba nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), một nước Nam Á là Ấn Độ, hai nước Châu Đại Dương (New Zealand và Úc) cùng với Mỹ và Nga.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 28/10/2021
*****************
Thanh Hà, RFI, 28/10/2021
"Những hành động cưỡng bức và hung hăng của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan đe dọa hòa bình và ổn định khu vực". Phát biểu tại thượng đỉnh Đông Á trực tuyến hôm 27/10/2021 tổng thống Joe Biden đã tuyên bố như trên. Cùng lúc, trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Thái Anh Văn, khẳng định tin Hoa Kỳ "bí mật" huấn luyện cho quân đội Đài Loan trước nguy cơ hòn đảo này bị Bắc Kinh xâm chiếm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia cuộc họp trực tuyến thượng đỉnh Mỹ-Đông Nam Á từ Nhà Trắng, Washington, ngày 26/10/2021. AP - Susan Walsh
Tuần trước tổng thống Biden đã tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Hôm qua lãnh đạo Nhà Trắng trực tiếp bày tỏ lo ngại Trung Quốc có những hành động "cưỡng bức và hung hăng" gây bất ổn cho khu vực eo biển Đài Loan.
Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ thượng đỉnh Đông Á trực tuyến, quy tụ 10 thành viên Hiệp Hội Đông Nam Á-ASEAN và nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản … Thủ tướng Lý Khắc Cường đại diện cho Trung Quốc.
Cũng tổng thống Biden một lần nữa đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên biển khi nhấn mạnh Hoa Kỳ cam kết bảo vệ "tự do lưu thông hàng hải, vì những tuyến đường biển rộng mở, để giao thông hàng hải không gặp bất kỳ một trở ngại nào, kể cả trong vùng Biển Đông".
Trên một mặt trận ngoại giao khác, Bắc Kinh đang tức giận vì ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đòi Đài Loan phải có được tiếng nói xứng đáng trong các định chế đa quốc gia trực thuộc Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh những thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan, trên đài truyền hình CNN cũng ngày 27/10/2021 tổng thống Thái Anh Văn xác nhận "sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Đài Loan".
Đầu tháng 10, báo tài chính The Wall Street Journal tiết lộ Hoa Kỳ điều thủy quân lục chiến sang Đài Loan để huấn luyện cho hải quân và lục quân nước này. Tuy nhiên theo lời tổng thống Đài Loan số lượng các quân nhân Mỹ hiện diện tại Đài Loan "không nhiều như báo chí loan tải" cho dù mối đe dọa Trung Quốc đang "lớn thêm từng ngày". Tổng thống Thái Anh Văn cho biết bà "tin tưởng" Mỹ sẽ "bảo vệ" Đài Loan trước nanh vuốt của Bắc Kinh "trong trường hợp cần thiết".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 28/10/2021
Hàn Quốc báo cáo số ca nhiễm virus corona tăng hơn gấp đôi lên 433 (VOA, 23/02/2020)
Hàn Quốc ngày thứ Bảy cho biết số người nhiễm virus corona tại quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi lên 433.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc báo cáo 142 trường hợp mới tại buổi họp cung cấp thông tin buổi sáng và 87 trường hợp khác vào buổi chiều. Trung tâm báo cáo 204 trường hợp trong ngày thứ Sáu.
Trong số các trường hợp mới, hầu hết truy nguyên về một người phụ nữ 61 tuổi, người đã tham dự các thánh lễ tại một nhà thờ ở thành phố Daegu.
Số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục, nơi nó khởi nguồn, đã tăng lên 2.345 vào ngày thứ Sáu với hơn 76.000 người bị nhiễm bệnh.
********************
Virus corona lây nhiễm 51 người ở Ý, giết chết hai người (VOA, 23/02/2020)
Dịch virus corona mới đã giết chết hai người và lây nhiễm 51 người khác ở miền bắc của Ý, buộc nhà chức trách cấm các sự kiện công cộng.
Du khách đeo khẩu trang đi xuồng gondola, sau khi hai trường hợp nhiễm virus corona được phát hiện ở Ý, Venice, Ý, ngày 31 tháng 1, 2020.
Một người phụ nữ 77 tuổi được phát hiện đã chết tại nhà cách thành phố Milan 50 km về phía nam hôm thứ Năm cho kết quả dương tính với virus corona, một ủy viên hội đồng địa phương cho biết ngày thứ Bảy, sau khi một người đàn ông 78 tuổi chết vì nhiễm trùng gần Padua trong đêm.
Vợ và con gái của người đàn ông nằm trong số 12 người bị nhiễm virus corona ở vùng Veneto. Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất ở Châu Âu, với phần lớn các trường hợp tập trung ở vùng Lombardy, trái tim tài chính và công nghiệp của Ý.
Ủy viên Phúc lợi Khu vực Giulio Gallera nói với các phóng viên rằng tâm điểm của dịch bệnh là Codogno, một thị trấn nhỏ ở phía tây Milan, nơi bệnh nhân bị nhiễm đầu tiên của vùng Lombardy được chữa trị.
Bệnh nhân đó là một người đàn ông 38 tuổi, bị bệnh sau khi gặp một người bạn đã đến thăm Trung Quốc. Tình trạng của ông này đã ổn định, nhà chức trách cho biết.
Khoảng 50.000 cư dân ở Codogno và các thị trấn lân cận đã được khuyên nên ở trong nhà. Các cuộc tụ tập công cộng bao gồm thánh lễ Chủ nhật và các trận bóng đá đã bị đình chỉ, và các trường học và cửa hàng đều đóng cửa.
Thống đốc khu vực Luca Zaia cho biết chính quyền đang xem xét liệu có nên đình chỉ các sự kiện lễ hội Carnival của Venice hay không.
Ý là quốc gia khu vực đồng euro đầu tiên tạm dừng tất cả các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Trung Quốc, sau khi hai khách du lịch Trung Quốc từ Vũ Hán xét nghiệm dương tính tại Rome vào cuối tháng 1.
Thủ tướng Giuseppe Conte ngày thứ Bảy nói rằng chính phủ đã sẵn sàng xem xét thêm các biện pháp nữa.
*******************
Vành đai-Con đường của Trung Quốc bị khựng lại vì virus corona (VOA, 22/02/2020)
Kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc đang gặp phải một trở ngại bất ngờ từ virus corona vốn đang khiến các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc và hải cảng khắp thế giới bị đình trệ.
Thành phố cảng Sihanoukville ở Campuchia là nơi có một trong những dự án nổi bật nhất của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Đặc khu Kinh tế Sihanoukville.
Xuất phát từ thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, dịch bệnh với tên gọi chính thức là Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng kể từ khi được phát hiện vào tháng 12 ở nước này. Trung Quốc tới nay đã báo cáo tổng cộng 75.567 ca nhiễm virus với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm 2.239 trường hợp tử vong.
Những hạn chế du hành để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh đã làm trì trệ phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đình chỉ hoạt động của những dự án trọng điểm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhắm mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng việc phát triển hạ tầng và những khoản đầu tư khắp thế giới.
Công nhân Trung Quốc không thể đến được các dự án ở nước ngoài, và các nhà máy bị cắt đứt nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà họ cần để tiếp tục hoạt động.
Hơn 133 nước đã áp đặt những hạn chế nhập cảnh lên công dân Trung Quốc hoặc những người từng đến Trung Quốc, theo Cục Quản lí Di dân Quốc gia của Trung Quốc.
Cơ quan hàng đầu của Trung Quốc đặc trách quản lí các công ty nhà nước hôm thứ Ba nói rằng dịch bệnh bùng phát đã gây ra "những khó khăn" đối với một số dự án và khoản đầu tư ở nước ngoài.
Trung Quốc "đã liên lạc với các công ty nước ngoài, chủ sở hữu ở nước ngoài, và các chính phủ sớm nhất có thể để có được sự hỗ trợ và hiểu biết", Bành Thanh Hoa, Tổng bí thư của Ủy ban Giám sát và Quản lí Tài sản Nhà nước, cho biết.
Một điển hình trong số những dự án bị đình trệ là dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỉ đôla của Tập đoàn Quốc tế Đường sắt Trung Quốc ở Indonesia hiện đang hoạt động trong thế cầm cự, Reuters đưa tin.
Doanh nghiệp nhà nước này đã thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi sự lây lan của virus Covid-19 và kêu gọi tất cả các nhân viên Trung Quốc về quê vào dịp Tết Nguyên đán không trở lại Indonesia, một giám đốc điều hành cao cấp của công ty phát biểu với Reuters với điều kiện giấu tên, vì ông này không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Công ty đã ngăn hơn 100 nhân viên người Trung Quốc, chủ yếu là công nhân trình độ cao hoặc người quản lí, trở về làm việc ở dự án liên kết thủ đô Jakarta của Indonesia với trung tâm dệt may Bandung, cách nhau khoảng 140 km, vị giám đốc điều hành cho biết.
"Chúng tôi phải tập trung vào các phần ít hệ trọng hơn của dự án đường sắt cho đến khi một số người chủ chốt của chúng tôi quay trở lại làm việc", ông nói. "Chúng tôi khởi đầu năm 2020 không suôn sẻ chút nào. Dự án của chúng tôi đã bị chậm trễ và tai tiếng, và virus corona đem tới những thách thức còn lớn hơn nữa".
Virus corona chủng mới cũng bắt đầu làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho phép các công ty tiếp cận được các máy móc và cấu phần chính yếu.
Tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville ở Campuchia, nơi được mệnh danh là "dự án nổi bật" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhân viên làm việc trong các nhà máy là dân địa phương nhưng họ lại không có phương tiện sản xuất vì lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Reuters tường trình.
"Nhiều nhà máy ở Trung Quốc vẫn đóng cửa ; những nhà máy mở cửa thì không thể hoạt động hết công suất", Boyang Xue, một nhà phân tích Trung Quốc tại Ducker Frontier cho biết. "Vì nhiều dự án BRI có xu hướng lấy nguồn thiết bị và máy móc từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc, sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng sẽ gây ra sự chậm trễ hơn nữa".
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một nhà quan sát kinh tế ở Texas, Mỹ, nói rằng sự chậm trễ này sẽ đề ra thách thức với các nước vay vốn để thi công các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ khi "tiền lãi nhà băng chồng chất" trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và thế giới bấp bênh.
Tuy nhiên ông nhận định dịch bệnh virus corona có thể là thách thức mang tính tạm thời và sẽ không khiến nhiều nước về lâu dài cân nhắc lại sự tham gia của họ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường vì quy mô và tính chiến lược của nó.
"Chương trình BRI trị giá 26.000 tỉ đôla kéo dài trong vòng 7 năm, 10 năm là con đường dài hạn", ông nói.
"Sở dĩ những quốc gia này muốn tham gia là vì họ muốn tìm lối thoát để tiến triển. Virus corona dù có ảnh hưởng nhiều hay ít thì cũng không làm thay đổi ý định của các nước này vì họ đã lựa chọn Trung Quốc để vay tiền mở rộng các phi trường để bành trướng buôn bán. Và họ cứ tiếp tục thôi".
Ở một số nơi trên Vành đai và Con đường, tác động của coronavirus đã hiện rõ.
Bangladesh thông báo trì hoãn một số dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc vận hành nhà máy điện than Payra, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 2.
Hơn 2.000 công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy và khoảng 40 phần trăm trong số họ đã về nhà vào kì nghỉ Tết Nguyên đán, truyền thông địa phương đưa tin. Hai mươi người được phép trở lại làm việc vào thứ Hai sau 14 ngày cách li.
Thách thức virus corona đối với các hợp đồng dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường xảy đến sau khi Trung Quốc vấp phải phản ứng của các nước vào năm 2018, khi các quan chức ở Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và các nơi khác chỉ trích các dự án ở đó là tốn kém và không cần thiết.
Trung Quốc đã rút lại một số dự án sau khi vài nước có ý định duyệt lại, hủy hoặc giảm những cam kết, dẫn ra những lo ngại về chi phí, sự xói mòn chủ quyền, và tham nhũng.
*******************
Virus corona - Covid-19 : "Khi phẫn nộ át cả sợ hãi" tại Trung Quốc (RFI, 22/02/2020)
Có 14 bác sĩ và nhân viên y tế Trung Quốc qua đời trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tính đến ngày 21/02/2020, đặc biệt là trường hợp bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong tám người đầu tiên báo động về một loại virus corona mới, tiếp theo là bác sĩ Lưu Trí Minh, giám đốc bệnh viện Vũ Xương, đã khiến công luận chú ý.
Bác sĩ ở bệnh viện Vân Mộng (Yunmeng), thành phố Hoàng Cương (Xiaogan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Quốc, ngày 20/02/2020. China Daily via Reuters
Đối với cả hai trường hợp, việc chính quyền báo tin rồi xóa, cuối cùng xác nhận, càng cho thấy sự bối rối trong nội bộ và lo ngại công luận dậy sóng trước sự hy sinh của hai bác sĩ. Dập mọi chỉ trích cách xử lý khủng hoảng dịch tễ là ưu tiên của bộ máy kiểm duyệt. Nhưng sau cái chết của hai vị bác sĩ trên, làn sóng phẫn nộ bùng nổ, cỗ máy kiểm duyệt, dù hoạt động kết công suất, đã không thể xóa hết ngay được.
Chuyên gia về Trung Quốc, Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), giải thích với RFI :
"Sự ngờ vực của dân chúng đối với đội ngũ cán bộ là hiện tượng thường trực tại nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chúng ta thường không thể thấy được tâm lý đó vì những lời chỉ trích bị xóa ngay khi vừa mới được đăng. Nhưng lần này, tính chất nghiêm trọng của tình hình khiến tất cả các mạng xã hội bị tràn ngập những lời lẽ bất bình mà không thể xóa hết ngay được.
Điều mà tôi lại quan sát được là những đòi hỏi tự do thông tin và hội họp để thấy rằng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đặc biệt là kể từ nhiệm kỳ thứ hai năm 2017, chính quyền đã thực sự kiểm soát thông tin. Người dân phẫn nộ trước việc bị hạn chế quyền tự do ngôn luận và nhận thấy hậu quả do việc ngăn cấm này gây ra.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy là trên mạng xã hội có một số lời chỉ trích chính phủ và chủ tịch Tập Cận Bình. Chí ít, đây là một bài tiền trắc nghiệm của công luận. Nhưng cần nhắc lại là chính quyền cuối cùng đã lấy lại quyền kiểm soát".
Trừng phạt nhà báo công dân, tiếng nói bất đồng để kiểm soát thông tin
Theo tổ chức phi chính phủ China Human Rights Defenders ngày 07/02, có 351 người bị "trừng phạt" vì đã "phát tán tin đồn sai lệch" về Covid-19, trong đó có hai công dân ở Vũ Hán : Phương Bân (Fang Bin), một người bán quần áo, và luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi). Cả hai bị "mất tích" sau khi đăng trên mạng xã hội hình ảnh những bệnh viện trong thành phố chật kín người, nhân viên y tế bị quá tải, đặc biệt là một đoạn video được ông Phương Bân đăng ngày 01/02 cho thấy những túi đựng xác người bên trong một chiếc xe tang gần bệnh viện Vũ Hán.
Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 trước khi đột nhiên "mất tích", ông Phương Bân cho biết : "Khi thành phố bị cách ly, tôi thấy có gì đó rất lạ. Tôi đến bệnh viện và tôi thấy rất đông người ở đó nên tôi hiểu ra rằng Vũ Hán là tâm dịch. Lẽ ra các bệnh viện phải là những nơi mà các kênh truyền hình Nhà nước, của tỉnh Hồ Bắc hoặc thành phố Vũ Hán, đến phỏng vấn người dân. Nhưng không một ai muốn tới. Nên tôi nghĩ là họ không muốn đến đó, vì thế tôi đến đó quay xem chuyện gì xảy ra".
Phương Bân bị cảnh sát thẩm vấn cùng ngày, sau đó được thả và tiếp tục đăng những đoạn video khác. Nhưng từ ngày 09/02, Phương Bân bỗng "bặt vô âm tín" sau khi chỉ kịp cảnh báo người sử dụng mạng xã hội : "Tôi bị cảnh sát mặc thường phục lay dậy. Họ ập vào từ hướng bắc và tây của khu nhà nơi tôi ở. An toàn của tôi phụ thuộc vào sự chú ý của các bạn, vào lương tri và sự chia sẻ của các bạn".
Tương tự trường hợp của Phương Bân, luật sư Trần Thu Thực cũng quay nhiều cảnh cho thấy các bệnh viện chật cứng bệnh nhân chờ xét nghiệm. Trong một đoạn video trước khi biến mất, ông cho biết bị chế độ đe dọa : "Tôi sợ. Trước mặt tôi là con virus, sau lưng tôi là cảnh sát Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ đứng dậy. Chừng nào tôi còn sống trong thành phố này, tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc. Tôi chỉ kể lại những gì nhìn thấy, những gì nghe thấy. Hãy biến đi, tôi không sợ chết. Đảng Cộng Sản kia, tưởng là tôi sợ sao ?"
Bất chấp lời kêu gọi của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào về trường hợp mất tích của Phương Bân và Trần Thu Thực. Trước đó, luật gia Hứa Chí Vĩnh đã bị bắt ở Quảng Châu và giáo sư luật Hứa Chương Nhuận bị ép "cách ly" tại gia ở Bắc Kinh, có lẽ do đã đăng bài viết : "Cảnh báo virus : Khi phẫn nộ mạnh hơn nỗi sợ".
Bất chấp dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng
Từ một tháng nay, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gần như chững lại. Chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn dịch Covid-19 sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 18/02, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh là nền kinh tế quốc gia vững chắc và khẳng định Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2020.
Trả lời RFI, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Di Meglio, thuộc Trung Tâm Châu Á, không tỏ ra lạc quan như chủ tịch Tập :
"Trong quý 1 năm 2020, Trung Quốc có lẽ sẽ có mức tăng trưởng 0, kém hơn ba quý khác. Nếu như mức tăng trưởng đề ra là 6%, thì về lý thuyết, mức tăng trưởng của quý I phải là từ 1 đến 1,2%. Thế nhưng, mức tăng trưởng ở quý I này có nguy cơ giảm thành 0.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, thì phải gỡ lại ở các quý sau. Và đó thực sự là công việc vô cùng lớn mà người ta nghi ngờ. Trung Quốc có nền kinh tế được chỉ đạo, được lên kế hoạch. Đã có rất nhiều khoản tiền lớn được đổ vào, như 150 tỉ đô la đã được đầu tư vào hệ thống để những doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị phá sản. Đó là một nền kinh tế có thể tự lèo lái, có thể làm tất cả để tái lập tăng trưởng.
Tuy nhiên, có những điểm, dù có nỗ lực lớn đến mức nào, thì vẫn bị tác động và phần còn lại của thế giới cũng phải hứng chịu những tác động này. Dĩ nhiên, tác động này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Vì thế, mức tăng trưởng 5% đã là kết quả tuyệt vời nhưng có thể sẽ còn ở mức thấp hơn".
Covid-19 : Cam Bốt lo dịch khi cố "đồng cam cộng khổ" với Trung Quốc
Trong khó khăn mới biết bạn hiền. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hoàn toàn trông cậy vào thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. Trong khi nhiều nước tạm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, Cam Bốt vẫn đón nhận du khách nước này. Trước đó, ông Hun Sen từ chối hồi hương 23 du học sinh và nhân viên lãnh sự ở Vũ Hán để thể hiện tình liên đới với Bắc Kinh.
Khi 5 nước từ chối du thuyền MS Westerdam do lo ngại dịch Covid-19, thủ tướng Hun Sen giang rộng vòng tay đón hơn 2.200 du khách và thủy thủ đoàn. Hơn 1.200 người đã được lên bờ, trong đó có một số đã về nước, cho đến khi phát hiện một du khách trên con tầu này nhiễm virus corona mới.
Trả lời RFI, ông Ou Virak, một người thân phe đối lập, điều hành viện nghiên cứu Future Forum ở Phnom Penh, giải thích quan điểm riêng và cho rằng quyết định của thủ tướng Hun Sen là đúng đắn :
"Ông ấy (Hun Sen) không phải là bác sĩ, ông ấy không có chuyên môn và không thể làm gì để thúc đẩy quá trình kiểm tra hoặc cách ly. Hành động của ông hoàn toàn mang tính chính trị.
Tại sao ông Hun Sen lại cho phép con tầu cập cảng ở Cam Bốt ? Theo tôi, có nhiều yếu tố. Đúng là có hành động mang ý nghĩa nhân ái. Nhưng thực ra là cú quảng cáo cho Cam Bốt vào lúc mà chính phủ đang bị Liên Hiệp Châu Âu, và phương Tây nói chung, chỉ trích nặng nề về nhân quyền. Ngoài ra còn có yếu tố Trung Quốc trong quyết định của thủ tướng Hun Sen. Cam Bốt muốn thể hiện tương ái với đồng minh chính. Và Trung Quốc hẳn sẽ hài lòng khi người ta đón con tầu đó.
Tuy nhiên, đối với tôi, đó là một quyết định đúng ngoại trừ việc các nghi thức và các biện pháp phòng ngừa đã không được áp dụng, lẽ ra người ta nên có trách nhiệm nhiều hơn và thận trọng hơn. Nhưng đó là kiểu riêng của Hun Sen. Ngay khi có cơ hội quảng cáo là ông ấy làm luôn. Nhưng ông ấy lại không tính đến việc hành động của ông sẽ bị diễn giải theo cách tiêu cực ở nước ngoài".
Một người dân Nga trực tiếp hỏi lương của tổng thống Putin
Một câu chuyện được cho là hi hữu. Trong một buổi lễ tại thành phố quê nhà Saint-Petersburg ngày 19/02/2020, tổng thống Nga Vladimir Putin bị một người dân trực tiếp hỏi làm thế nào để sống với khoản trợ cấp chưa đầy 200 euro/tháng.
Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Moskva tường thuật :
"Theo hình ảnh được hãng thông tấn Nga Ria Novosti quay lại và được đăng trên các mạng xã hội, ông Putin bị bất ngờ và những lời của ông chỉ loáng thoáng nghe được. Và theo hàng chữ mà hãng thông tấn ghi lại lời của người phụ nữ, bà hỏi ông Putin là làm thế nào để sống được với khoản tiền trợ cấp chưa đầy 11.000 rúp (khoảng 160 euro). Tổng thống Nga trả lời : "Tôi nghĩ là rất khó". Lương của ông cao hơn 70 lần.
Cuộc trao đổi tiếp tục và ông Putin chuyển sang biện hộ và giải thích rằng một mặt ông không có "mức lương cao nhất" trong nước, mặt khác, Nhà nước "làm tất cả những gì cần làm" để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ý ông muốn nói đến một số biện pháp được chính phủ công bố tháng trước để tăng sức mua cho người dân Nga.
Ông Vladimir Putin chưa bao giờ thích đám đông. Thông thường, những chuyến công du, thăm viếng của ông thường được chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh gặp những tình huống như này.
Buổi lễ tổ chức ở Saint-Petersburg hôm thứ Tư 19/02 có lẽ là một trường hợp ngoại lệ. Nếu như hình ảnh cuộc gặp được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội và trên Internet, thì kênh truyền hình Nhà nước đã tránh chiếu cuộc đối thoại này".
Thu Hằng
*********************
Virus corona xâm nhập nhà tù Trung Quốc (VOA, 22/02/2020)
Virus corona đã lây nhiễm hàng trăm người trong các nhà tù Trung Quốc, nhà cầm quyền cho biết hôm 21/2. Việc này góp phần làm gia tăng các ca được báo cáo bên ngoài tâm điểm bùng phát dịch là tỉnh Hồ Bắc.
Bích chương chống virus bùng phát tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 20/2/2020)
Chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm sau khi có những dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ ngưng trệ trong tháng 2 và những ca virus corona tăng cao làm cho các nhà đầu tư vội vã mua các tài sản an toàn hơn như vàng làm cho loại quí kim này tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tổng cộng có 234 ca lây nhiễm giữa các tù nhân Trung Quốc bên ngoài Hồ Bắc, chấm dứt 15 ngày liên tiếp sụt giảm các ca mới tại Hoa Lục.
271 ca khác được báo cáo trong những nhà tù ngay tại Hồ Bắc, nơi virus xuất hiện đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái ở Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc. Thành phố này hiện đã đóng cửa. Các giới chức tỉnh không nói rõ các tù nhân được chẩn đoán nhiễm bệnh khi nào.
Truyền thông nhà nước trích lời giới lãnh đạo Đảng cộng sản nói là dịch bệnh chưa lên đến đỉnh điểm, và có hơn 30 ca được báo cáo tại một bệnh viện ở Bắc Kinh cho thấy có sự gia tăng mạnh tại đây.
Tổng cộng các ca lây nhiễm virus corona (Covid-19) tại Bắc Kinh là 396 người với 4 người chết, trong con số chính thức 75.000 bị lây nhiễm và 2.236 người thiệt mạng.
Các hoạt động trong lãnh vực chế tạo lẫn dịch vụ tại Mỹ ngưng trệ khi các công ty càng ngày càng lo ngại về virus corona, một cuộc thăm dò các quản lý mua bán cho thấy hôm 21/2.
Các dữ liệu cũng cho thấy hoạt động của các hãng xưởng Nhật Bản thu hẹp lại trong vòng 7 năm qua vào tháng 2, nêu bật nguy cơ suy thoái vì ảnh hưởng của bùng phát lan rộng, Thị trường chứng khoán Châu Á và Châu Âu cũng sụt giảm.
Khi các nhà lãnh đạo tài chánh của khối G20 các nền kinh tế lớn thế giới sắp thảo luận về nguy cơ của nền kinh tế thế giới tại Ả Rập vào cuối tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói còn quá sớm để nói virus ảnh hưởng như thế nào đối với tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát có thể làm giảm mức cầu dầu khí của Trung Quốc và những quốc gia Châu Á khác, làm giá dầu chỉ còn 57 đô la một thùng và phủ mờ viễn ảnh tăng trưởng tại Trung Đông, Viện Tài chánh Quốc tế nói.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo là cơ hội chế ngự được dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới đã đóng sau khi những ca lây nhiễm được báo cáo tại Iran và Libăng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại Geneva, "Vụ bùng phát này có thể phát triển theo bất cứ hướng nào. Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể tránh khỏi bất cứ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào, tuy nhiên nếu chúng ta bỏ qua cơ hội thì chúng ta sẽ có vấn đề nghiêm trọng trong tay chúng ta".
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Xu Nanping nói vắcxin sớm nhất của Trung Quốc sẽ được đưa ra thử nghiệm lâm sàng vào khoảng cuối tháng 4, cùng thời điểm với nghiên cứu của các nước khác. Tổ chức Y tế Thế giới ước đoán là vắcxin sẽ được đưa ra thị trường trong khoảng 18 tháng.
Trong khi các nước tìm cách ngăn virus trở thành đại dịch toàn cầu, các giới chức y tế công cộng hy vọng về những dấu hiệu cho thấy khí hậu ấm dần tại bắc bán cầu có thể làm cho virus lây lan chậm lại.
********************
Hàn Quốc : Virus corona tăng tốc lây lan, với một ca tử vong thứ 2 (RFI, 22/02/2020)
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc đang rất đáng lo ngại. Vào hôm nay, 22/02/2020, theo số liệu được chính quyền công bố, Hàn Quốc đã có đến 433 trường hợp bị nhiễm virus corona, tăng hơn gấp hai lần so với hôm qua, và gấp 8 lần trong vỏn vẹn 4 ngày.
Tẩy trùng đường phố trước một nhà thờ hệ phái Shincheonji, Hàn Quốc, nơi "bệnh nhân số 31" từng dự lễ. Ảnh chụp ngày 19/02/2020. Yonhap via Reuters
Nỗi lo ngại lại càng lớn trong bối cảnh quốc gia Bắc Á này đã ghi nhận một trường hợp tử vong thứ hai vì virus Covid-19, và 17 bệnh nhân khác trong tình trạng nguy kịch.
Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo giới vào hôm nay, thứ trưởng bộ Y Tế Hàn Quốc Kim Gang Iip công nhận rằng tình hình dịch bệnh đã chuyển qua một giai đoạn mới, nhưng vẫn có thể khống chế được tại ổ dịch là Daegu và vùng phụ cận là tỉnh Bắc Gyeongsang. Daegu là thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc, nơi ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện vào hôm thứ Ba 18/02.
Thứ trưởng Y Tế Hàn Quốc cho rằng mặc dù đã xuất hiện một số ca lây nhiễm ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu dịch bệnh tập trung tại vùng Daegu và Bắc Gyeongsang. Ông kêu gọi duy trì kiểm soát chặt chẽ biên giới để tình trạng lây nhiễm đến từ Trung Quốc và những nước khác.
Một cách cụ thể, hầu hết các ca lây nhiễm mới ở Hàn Quốc đều dính líu đến nhà thờ Tin Lành Shincheonji và bệnh viện Cheongdo ở khu vực Daegu. Tính ra, có khoảng 230 ca lây nhiễm liên quan đến nhà thờ Shincheonji (Tân Thiên Địa), và 110 ca trong những người có tiếp cận với bệnh viện Cheongdo.
Trong số 9.300 tín đồ của nhà thờ Tin Lành được giới chức y tế Hàn Quốc theo dõi, đã có 1.261 người bị ho và một số triệu chứng khác. Trong số này có bốn người đã đi du lịch nước ngoài trong những tháng gần đây, trong đó có một người đã đến Trung Quốc vào đầu tháng Giêng dù đến một nơi cách xa Hồ Bắc.
Covid-19 : Hơn 77.000 người bị nhiễm bệnh ở 29 nước với hơn 2.300 người chết
Trong bối cảnh nỗi lo ngại gia tăng tại Hàn Quốc, chính quyền Trung Quốc hôm nay cho biết số ca bị nhiễm virus corona hàng ngày đã giảm đáng kể xuống còn 397. Bên cạnh đó vẫn có thêm thêm 109 người khác chết vì Covid-19. Hầu hết các trường hợp mới và các ca tử vong đều được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bắt đầu.
Nhìn chung, tổng số trường hợp lây nhiễm virus corona ở Hoa Lục đã lên đến 76.288, với 2.345 trường hợp tử vong. Trên toàn thế giới, đã có hơn 77.000 người bị nhiễm bệnh ở 29 quốc gia và lãnh thổ, với hơn 2.300 người chết.
Tại Hoa Kỳ, 35 người đã bị xét nghiệm dương tính với virus corona, , trong đó có 18 người từ du thuyền Diamond Princess hồi hương về Mỹ, và một ca mới được ghi nhận ở California vào hôm qua (21/02).
Tại vùng Trung Đông, như vậy, Iran đã ghi nhận tổng cộng 5 trường hợp tử vong, và 18 ca lây nhiễm, trong lúc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất loan báo có thêm hai trường hợp nhiễm mới, một người Philippines và một người Bangladesh, nâng số người nhiễm virus corona lên thành 11 người.
Ả Rập Xê Út đã cấm đi du lịch qua Iran và cho biết bất kỳ ai đến từ Iran phải qua chế độ cách ly 14 ngày. Quyết định của Riyad rất hệ trọng vì trực tiếp tác động đến hàng ngàn người Hồi Giáo Iran thường hành hương đến Mecca và Medina, mặc nhiên cấm những người này nhập cảnh.
Trọng Nghĩa
*****************
Virus corona : Khó theo dõi dịch bệnh vì Trung Quốc lại đổi cách tính (RFI, 21/02/2020)
Theo số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia ( bộ Y Tế ) Trung Quốc công bố hôm nay, 21/02/2020, trong 24 tiếng đồng hồ qua, tại Hoa lục đã có thêm 118 người bị chết vì virus corona mới (Covid-19), chủ yếu tại tỉnh Hồ Bắc, nâng tổng số tử vong trên toàn quốc là 2.236 người. Ngoài ra đã có thêm 889 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số ca lây nhiễm ở Hoa lục lên hơn 75.000 người.
Nhân viên y tế đang tới một điểm kiểm tra khu vực cách ly ở đầu cầu Cửu Giang (Jiujiang) sông Trường Giang (Yangtze), tỉnh Giang Tây (Jiangxi), Trung Quốc, ngày 01/02/2020 Reuters/Thomas Peter/File Photo
Nhưng vấn đề là các số liệu nói trên được công bố sau khi Trung Quốc, hôm qua, vừa thông báo lại thay đổi cách tính số người bị nhiễm bệnh. Cụ thể là kể từ nay, họ chỉ thống kê những ca nào đã được xét nghiệm. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 8 này, Trung Quốc thay đổi cách tính số người bị lây nhiễm.
Cách đây 8 ngày, hôm 13/02, số ca lây nhiễm mới ở Hoa lục được công bố đã tăng vọt, tức là thêm hơn 15.000 người. Đây là mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12. Lý do của sự tăng vọt này là Trung Quốc thay đổi cách tính về số người bị lây nhiễm, cụ thể là kể cả những người có dấu hiệu sưng phổi sau khi được chụp radio cũng được đưa vào con số thống kê. Cho tới lúc đó, phải xét nghiệm acid nucléic mới có thể chẩn đoán nhiễm virus corona.
Việc số ca lây nhiễm tăng vọt ở Trung Quốc không hẳn là dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn, mà đúng hơn là nó cho thấy Bắc Kinh đã đánh giá thấp tầm mức của dịch bệnh. Nhưng giới chuyên gia quốc tế chưa hết ngỡ ngàng về cách tính mới, thì đùng một cái, Trung Quốc hôm qua lại chuyển sang thống kê theo kiểu khác !
Việc Trung Quốc thay đổi cách tính liên tục như vậy khiến cho các con số thống kê trở nên không rõ ràng, không phản ánh đúng thực thế, và như vậy khiến cho các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Không có số liệu thống kê không rõ ràng thì rất khó đánh giá mức độ lây nhiễm của Covid-19, nhất là cho tới nay các chuyên gia chưa thể xác định một cách chắc chắn thời gian ủ bệnh của virus này ( hiện được cho là từ 2 đến 12 ngày )
Ấy là chưa kể, các số liệu thống kê của Trung Quốc, dù chính xác đến đâu, chưa hẳn là một cơ sở vững chắc để dự đoán về diễn tiến của dịch Covid-19. Có thể lấy ví dụ về tỷ lệ tử vong. Về mặt lý thuyết thì tỷ lệ tử vong được tính rất đơn giản : chỉ cần chia số người chết trên tổng số người bị lây nhiễm, rồi nhân cho 100. Nếu tính như thế thì tỷ lệ tử vong của dịch Covid-19 hiện vẫn còn thấp, khoảng 2,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 10% của bệnh SARS.
Nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia, khi có dịch bệnh, bao giờ cũng có một khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân chết cho đến khi ca tử vong được thông báo, mà dịch Covid-19 hiện nay chưa lên đến đỉnh và chưa biết bao giờ mới kết thúc, cho nên rất khó tính toán tỷ lệ tử vong.
Tóm lại, virus corona mới Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn, việc Trung Quốc thay đổi liên tục cách tính số người bị lây nhiễm khiến cho việc giải mã những bí ẩn này thêm phức tạp, trong bối cảnh mà Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đang ráo riết chạy đua với thời gian để chế tạo vaccin ngừa Covid-19.
Thanh Phương
Quốc hội Mỹ cảnh báo sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy yếu trước Nga và Trung Quốc (RFA, 15/11/2018)
Một báo cáo mới được công bố hôm 14/11 của Quốc hội Mỹ cảnh báo sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đang suy yếu đến mức Hoa Kỳ thậm chí có thể thua trong một trận chiến với Nga và Trung Quốc. Washington Post trích báo cáo cho biết như vậy vào cùng ngày.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 17/11/2017 : nhóm tàu tấn công của Mỹ ở vùng biển Philippines. AFP
Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia thuộc Quốc hội Mỹ đưa ra báo cáo này dựa trên đánh giá về Chiến lược Quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump năm 2018, theo đó quân đội Mỹ được lệnh phải thay đổi để có thể cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.
Ủy ban dù ủng hộ mục tiêu mà chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump đưa ra, nhưng vẫn cảnh báo rằng Washington đang không chuyển biến đủ nhanh và không đầu tư đủ vào mục tiêu mà mình đề ra, tạo nên mối nguy về sự suy giảm sức mạnh của quân đội Mỹ và có thể trở thành một tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia. Trong khi đó cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách để thống trị các khu vực.
Báo cáo cho biết thế cân bằng quân sự đang dịch chuyển về hướng bất lợi cho Mỹ ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông, phá hoại niềm tin của các đồng minh của Mỹ và làm tăng khả năng một cuộc xung đột quân sự.
Một trích đoạn của báo cáo viết : "quân đội Mỹ có thể sẽ phải chịu tổn thấp cao không thể chấp nhận được và mất mát lớn trong một cuộc xung đột tiếp theo. Hoa Kỳ có thể sẽ phải vật lộn để chiến thắng, hoặc cũng có thể thua trong một cuộc chiến với Nga hoặc Trung Quốc".
***************
Mỹ giảm quân tại Châu Phi, hướng về Trung Quốc và Nga (VOA, 16/11/2018)
Quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sĩ đặc biệt phụ trách các hoạt động chống khủng bố tại Châu Phi trong vài năm tới để hỗ trợ chính sách tăng cường tập trung chống lại những đe dọa từ Trung Quốc và Nga, các giới chức Mỹ cho biết hôm 15/11.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại lễ chào cờ ở Ngũ Giác Đài ngày 9/11/2018.
Đầu năm nay, quân đội Mỹ đặt nhiệm vụ chống Trung Quốc và Nga là trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới. Đây là dấu hiệu mới nhất về việc chuyển trọng tâm ưu tiên sau hơn một thập niên rưỡi tập trung vào công tác chiến đấu chống các phần tử hiếu chiến Hồi Giáo.
"Dự án tái phối trí đặc biệt nhằm giảm các lực lượng vào khoảng 10% trong vài năm tới—đại diện một thành phần của hơn 7.200 nhân viên của Bộ Quốc phòng làm việc tại Châu Phi", phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Trung tá Hải quân Candice Tresch nói với Reuters.
Bà Tresch nói việc cắt giảm này sẽ để nguyên các hoạt động "chống các tổ chức cực đoan bạo động" tại một vài nước, trong đó có Somalia, Djibouti và Libya.
Tại những phần khác trong vùng, kể cả Tây Phi, trọng tâm sẽ chuyển từ "trợ giúp chiến thuật sang, cố vấn, hỗ trợ, liên lạc và chia sẻ tình báo".
Một giới chức Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói việc giảm quân sẽ diễn ra trong vòng 3 năm và có thể bao gồm các quốc gia như Kenya, Cameroon và Mali.
Vai trò của quân đội Mỹ tại lục địa Châu Phi đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng sau một cuộc phục kích của một chi nhánh địa phương của Nhà nước Hồi Giáo tại Niger hồi năm ngoái làm cho 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Hoa Kỳ quan ngại về một cuộc nổi dậy đang gia tăng tại Nga, vốn đang gia tăng sức mạnh tại những vùng tranh chấp như Ukraine và Syria. Ngũ Giác Đài cũng gia tăng chú trọng đến thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc tại những khu vực như Biển Đông.
Động thái của Ngũ Giác Đài diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Nga tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Châu Phi.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô Viết đã có các mối quan hệ chặt chẽ về quân sự và ngoại giao với nhiều nước Châu Phi. Nga hiện đang nỗ lực làm sống lại một số quan hệ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ.
Kể từ khi các nước phương Tây chế tài Nga vì sáp nhập Crimea trong năm 2014, Moscow đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự tại tiểu vùng Sahara, kể cả với Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe, theo các bộ quốc phòng và ngoại giao cũng như truyền thông nhà nước của những quốc gia này.
Trung Quốc từ lâu đã có sự hiện diện về kinh tế quan trọng tại Châu Phi, nhưng đã tránh liên hệ đến quân sự. Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc đi thêm một bước bằng cách mở căn cứ quân sự đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tại Djibouti.
Theo Reuters
**********************
Hai tàu sân bay Mỹ đến vùng biển phía nam Trung Quốc tập trận thị uy (RFI, 15/11/2018)
Hải Quân Hoa Kỳ ngày 15/11/2018 xác nhận : Hai hàng không mẫu hạm Mỹ với khoảng 150 chiến đấu cơ đang tiến hành những cuộc tập trận "phức tạp" trên Biển Philippines.
Tầu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tầu chở trực thăng Nhật Bản JS Hyuga tập trận "Keen Sword" cùng với 16 tầu chiến khác của Hải Quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 08/11/2018 trên Biển Philippines. Reuters/U.S. Navy/Kaila V. Peters
Giới quan sát xem đây là một động thái phô trương lực lượng tại vùng biển phía nam Trung Quốc, với Bắc Triều Tiên nằm trong tầm tấn công của các phương tiện tham gia tập trận.
Trong một bản thông cáo báo chí, Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết là tàu sân bay USS Ronald Reagan, đặt căn cứ tại Nhật Bản, đã kết hợp với chiếc USS John C. Stennis đến thẳng từ Hoa Kỳ, để tiến hành các bài tập chiến đấu trên không, trên biển và chống tàu ngầm. Dĩ nhiên là hai hàng không mẫu hạm này đều có hải đội tác chiến tháp tùng theo.
Rất ít khi Hải Quân Mỹ huy động nhiều hàng không mẫu hạm cùng tham gia tập trận một lúc. Vào năm 2017, khi căng thẳng với Bắc Triều Tiên leo thang, Mỹ đã từng huy động đến ba tàu sân bay đến tập trận ở vùng biển Châu Á.
Lần này, cuộc diễn tập quân sự được tổ chức vào lúc phó tổng thống Mỹ Mike Pence công du Châu Á và trong bối cảnh cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên thiếu tiến triển, cũng như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang.
Phó đô đốc Phil Sawyer, tư lệnh Hạm Đội 7, như đã xác nhận mục tiêu phô trương thanh thế để thị uy khi tuyên bố : "Việc hai nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận cùng lúc cho phép phát huy sức mạnh chiến đấu ít ai sánh nổi".
Chỉ mới đầu tháng 11 này, tàu sân bay USS Reagan đã tham gia cuộc tập trận Keen Sword 2019 cùng với Hải Quân Nhật ở trên đất liền và vùng biển sát Nhật Bản. Quy tụ 57.000 quân nhân, trong đó có 47.000 binh lính Nhật Bản, cùng với hàng chục chiến hạm và hàng trăm máy bay, cuộc tập trận đó được cho là có quy mô lớn nhất tại Nhật Bản từ ngày Thế Chiến Thứ II kết thúc.
Mai Vân
Trung Quốc lại trì hoãn đề nghị của Mỹ đòi trừng phạt Bình Nhưỡng (RFI, 03/03/2018)
Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2018 tiết lộ : Trung Quốc vừa trì hoãn một đề nghị của Hoa Kỳ, yêu cầu một ủy ban trực thuộc Hội Đồng Bảo An đưa vào danh sách đen 33 chiếc tàu, 27 công ty vận tải biển và một cá nhân Đài Loan, bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh đã cản trở mà không nêu lý do.
Ảnh minh họa : Tàu Bắc Triều Tiên Mangyongbong-92 ở cảng Donghae, Hàn Quốc, ngày 06/02/2018. Reuters/Song Kyung-Seok
Theo hãng tin Anh Reuters, Hoa Kỳ đã chuyển đề nghị này lên Hội Đồng Bảo An vào tuần trước, nhưng Trung Quốc đã trì hoãn đề xuất của Mỹ và không giải thích. Theo Reuters, động thái trì hoãn thường được đưa ra khi một thành viên Hội Đồng muốn có thêm thông tin, nhưng đôi khi có mục tiêu gạt bỏ hoàn toàn đề xuất.
Ủy Ban Trừng Phạt Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An vận hành theo nguyên tắc đồng thuận, và nếu đề nghị của Mỹ được thông qua, thì toàn bộ số tàu bị đưa vào danh sách đen, trong đó có 19 chiếc của Bắc Triều Tiên, sẽ bị cấm cập cảng trên toàn thế giới, trong lúc tài sản của 27 hãng vận tải biển và cá nhân Đài Loan sẽ bị phong tỏa.
Reuters ghi nhận là đề xuất trừng phạt được Washington đưa ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc ngăn chặn việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Vào tháng 12/2017, Washington từng đề nghị bổ sung vào danh sách đen 10 chiếc tàu khác. Ủy Ban chỉ đồng ý với bốn tên. Theo các nguồn tin ngoại giao, chính Trung Quốc đã bác bỏ việc trừng phạt 6 chiếc tàu còn lại.
Trọng Nghĩa
***************
Úc tăng cường hiện diện tại Biển Đông (RFA, 02/03/2018)
Úc chia sẻ quan tâm của Hoa Kỳ về hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực tranh chấp Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/2/2018 - AFP
Mạng philstar.com của Philippines vào ngày 2 tháng 3 dẫn nguồn một báo cáo trên tờ Wall Street Journal về việc Úc cho gia tăng hiện diện hải quân của nước này tại Biển Đông trước những quan tâm về vấn đề ổn định khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Marise Payne của Úc từng điều trần trước Quốc Hội Canberra về sự bất an đối với khả năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Úc trình bày với Thượng Viện là Úc tăng cường sự hiện diện Hải Quân tại Biển Đông trong vòng 18 tháng qua, dù rằng không tham gia chiến dịch tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành tại đó.
Biện pháp tăng cường sự hiện diện Hải Quân Úc tại khu vực tranh chấp Biển Đông được nói rõ nằm trong kế hoạch chú trọng mạnh mẽ đến vấn đề an ninh và ổn định tại vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Tại cuộc gặp vào cuối tháng hai, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Đông. Người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ cám ơn phía Úc ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển này.
Tờ Australian loan tin là Trung Quốc thực hiện biện pháp được gọi là ‘đóng băng ngoại giao’ với Úc sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra luật về sự can thiệp của nước ngoài vào Úc, cũng như cho tăng cường sự hiện diện hải quân tại Biển Đông.
Bắc Kinh cho ngưng một số chuyến thăm cấp bộ trưởng và hoãn các cuộc công du của thủ tướng Turnbull cũng như ngoại trưởng Julie Bishop đến Trung Quốc.
Theo kế hoạch trong tháng ba, thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ sang Bắc Kinh nhưng hiện chưa có cập nhật gì về chuyến đi này. Còn chuyến đi Hoa Lục theo dự kiến của Ngoại trưởng Julie Bishop vẫn chưa được xác định cho đến sau kỳ họp quốc hội Trung Quốc.
Mạng Hoàn Cầu Thời Báo từng gọi Australia là một ‘thế lực tiên phong chống Trung Quốc’ trong số các nước Phương Tây.
*****************
Biển Đông : Philippines tiết lộ 2 vùng khai thác chung với Trung Quốc (RFI, 03/03/2018)
Sau khi loan báo quyết định đàm phán với một công ty Trung Quốc để cùng khai thác dầu khí với Trung Quốc, Philippines ngày 02/03/2018 đã tiết lộ vị trí hai vùng được chọn, trong đó có một vùng là nơi tranh chấp từ lâu giữa hai nước.
Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines. wikipedia
Phát ngôn viên của tổng thống Duterte, ông Harry Roque, xác định rằng khu vực được đề nghị đồng khai thác là hai lô mang ký hiệu SC-57 và SC-72, giấy phép thăm dò do bộ Năng Lượng Philippines ban hành. Cả hai nơi này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến lô SC-72 ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một nơi tranh chấp từng được Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye công nhận vào năm 2016 là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trong phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc theo bản đồ "đường Lưỡi Bò".
Khu vực này từng được chính quyền Manila giao cho tập đoàn Philippines PXP Energy thăm dò khai thác, nhưng tàu khảo sát của tập đoàn này đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi.
Theo chính quyền Manila, hai nước vừa đồng ý lập một ủy ban đặc biệt để tìm giải pháp cho việc hai bên có thể cùng khai thác một vùng tranh chấp mà không cần phải giải quyết vấn đề chủ quyền.
Riêng về lô SC-57, theo hãng Reuters, vào tháng 9 năm ngoái, Manila đã cho biết có một dự án thăm dò dầu khí với sự cộng tác của tập đoàn dầu khí hải ngoại Trung Quốc CNOOC và một công ty Canada.
Vùng này nằm ngoài vùng biển tranh chấp, và gần các mỏ dầu và khí đốt chính của Philippines, bao gồm các mỏ Malampaya, Nido, Cadlao và Matinloc.
Trọng Nghĩa
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dự Thượng Đỉnh Đông Á (RFI, 25/10/2017)
Vào tháng tới, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công du Châu Á, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rồi ghé Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, trái với chương trình từng được dự kiến, Nhà Trắng hôm 24/10/2017 cho biết là từ Philippines, ông Trump sẽ trở lại Hoa Kỳ một ngày sớm hơn dự kiến, tức là vào đúng ngày 14/11. Vấn đề là hôm 14/11 sẽ diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) – mà Mỹ là thành viên - cũng ở Philippines, việc tổng thống Mỹ bỏ về sớm có nghĩa là ông sẽ không dự hội nghị này.
Ảnh chụp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 23/10/2017. Reuters/Joshua Roberts
Nhà Trắng không cho biết lý do ông Trump tẩy chay Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, chỉ xác nhận rằng một phái đoàn khác của Mỹ sẽ tham dự EAS, định chế bao gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.
Tuy nhiên theo hãng tin Mỹ AP, nhật báo Mỹ The Washington Post là phương tiện truyền thông đầu tiên tiết lộ tin tức về việc tổng thống Mỹ quyết định không dự Thượng Đỉnh Đông Á, một hội nghị tập trung vào các vấn đề chiến lược nhiều hơn là kinh tế, trái với Thượng Đỉnh APEC, diễn ra ở Việt Nam trước đó.
Trả lời tờ Washington Post, một phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ xác nhận rằng ông Trump sẽ đến Manila vào hai ngày 12-13/11 và sẽ gặp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhưng ông không đi đến thành phố Angeles cách Manila 80 km vào ngày 14/11 để dự hội nghị Đông Á. Theo phát ngôn viên này, lý do duy nhất khiến ông Trump rút ngắn chuyến đi là do lịch trình làm việc, vì vậy : "Không nên suy diễn gì về việc tổng thống vắng mặt (ở Thượng Đỉnh EAS vào ngày 14".
Đối với tờ The Washington Post, việc ông Trump bỏ Thượng Đỉnh EAS là là một tín hiệu xấu gửi đến khu vực Châu Á, và có thể tác hại đến thông điệp tiếp tục dấn thân mà chuyến công du của ông muốn đưa ra, đồng thời khiến khu vực hoài nghi thêm về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ tại Miến Điện Derek Mitchell chẳng hạn đã cho rằng sự vắng mặt của ông Trump chỉ gây nghi ngờ về sự xác tín của nước Mỹ.
Trả lời ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc bình luận ngắn gọn "Liệu còn có thể tin tưởng vào ông Trump hay không. Việc ông không đến dự Thượng Đỉnh EAS là một thảm họa cho vai trò lãnh đạo khu vực của Hoa Kỳ, là hành động phá hoại chính trị đối với kiến trúc an ninh khu vực".
Trọng Nghĩa
*******************
Các nhà đàm phán TPP họp vào tuần tới tại Nhật (RFA, 25/10/2017)
Các nhà đàm phán từ 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tổ chức một cuộc họp kéo dài ba ngày tại Nhật Bản vào tuần tới. Cuộc họp nhằm mục đích giúp các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới đây tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp TPP tổ chức bên lề Hội nghị APEC tại Hà Nội ngày 21 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Thông tin vừa nêu được Chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 24/10.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật dẫn lời ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nhật Bản, cũng là người chịu trách nhiệm về đàm phán thương mại TPP cho Nhật Bản, nói rằng cuộc họp sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 10 tại Urayasu, quận Chiba, phía đông Tokyo.
TPP đã được được 12 quốc gia ký kết vào tháng 2 năm 2016. Những nước tham gia ký gồm Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Những thành viên này chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Sau khi lên nhậm chức vào đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP.
Nhật Bản vẫn nổ lực duy trì hiệp định mậu dịch này và cùng các nước đối tác còn lại trong TPP đàm phán nhiều lần trong suốt thời gian qua.