Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bung cửa cho SCB, Vạn Thịnh Phát "lùa gà ăn trái phiếu", Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có thể phủi tay ?

Sau vỡ lở của FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam rúng động. Bất động sản giá trị hàng triệu tỷ đồng đang ế ẩm đóng băng. Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng nâng lãi suất nhưng vẫn cạn tiền. Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Nhà nước tháng trước còn hứa hẹn ngon lành giờ đổi giọng trách nhiệm trái phiếu là của doanh nghiệp. Những người hưu trí, chị bán rau, anh nông dân… gửi tiền tiết kiệm kiếm lãi bị lừa thành "nhà đầu tư" trái phiếu, trở thành "oan gia trái chủ" có nguy cơ mất cả vốn lời… Liệu chính quyền do dân, vì dân có thể phủi tay để hàng vạn người dân bị móc túi công khai ?

traiphieu1

Người dân là những nhà đầu tư trái phiếu được Ngân hàng SCB giới thiệu mua biểu tình đòi tiền, yêu cầu nhà nước cứu hôm 20/11/2022 - Facebook SCB Bắc Trung Nam

Sau khi FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tổ về hành vi thao túng chứng khoán, chia sẻ với báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành - bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. "Họ đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư" (1).

Lời hứa hẹn hết sức trách nhiệm của người cầm chịch chính sách, cơ chế điều hành tài chính quốc gia làm người dân yên tâm. Nhưng mới đây, khi một số lô trái phiếu của An Đông và những công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đáo hạn nhưng không thanh toán cho trái chủ. Hàng ngàn người dân từ Bắc chí Nam kéo đến trụ sở ngân hàng SCB đòi tiền thì Bộ Tài chính đã đổi giọng. Ông Bộ trưởng lấy luật ra nói rất bài bản lạnh lùng để phủi trách nhiệm. Bộ giải thích rằng, "trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.

Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình" (2).

Từ lời hứa làm việc với doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, đến nay, khi doanh nghiệp không có tiền để chi trả trái phiếu đến hạn, Bộ Tài Chính chỉ thực hiện biện pháp rất nửa vời mang tính an ủi tâm lý là yêu cầu SCB phải tổ chức đón tiếp lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các "nhà đầu tư oan gia khổ chủ". Người dân cần tiền chắt chiu tiết kiệm của họ chứ đâu phải vừa mất tiền vừa mất thêm thời gian đến SCB để phân trần xin xỏ ?

Lập luận của Bộ không sai về lý thuyết nếu giao dịch mua bán trái phiếu là minh bạch, có khuôn khổ chặt chẽ. Người mua, hay được gọi sang trọng là nhà đầu tư được tư vấn đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, cơ hội và rủi ro, có ý thức chủ động tham gia vào cuộc chơi tài chính. Mặc khác họ cũng phải được bên bán hoặc nhà phát hành cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ở đây, do Nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài Chính và Ngân Hàng nhà nước quản lý lỏng lẻo để các ngân hàng cụ thể là SCB lừa những khách hàng gởi tiền tiết kiệm ký vào các hợp đồng mua trái phiếu. Xem như là hình thức gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn. Thậm chí hầu hết những người này không biết tên biết mặt, địa chỉ lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Các clip ghi nhận các cuộc "tụ tập đông người" đòi tiền ở các trụ sở SCB cho thấy, hầu hết trong số hơn 25.000 khổ chủ của Vạn Thịnh Phát không có ai chủ động mua cổ phiếu hoặc có kiến thức, kỹ năng kinh doanh tài chính. Có người góp nhặt từ lương, từ thu nhập lao động chân tay, có người bán nhà bán đất, có người dùng nguồn tiền đầu tư cho con đi học… Trong cách tư vấn của ngân hàng và trong nhận thức của họ, đây là hình thức "tiết kiệm linh hoạt", "tiết kiệm ưu đãi dành cho khách hàng VIP của SCB. Về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, họ cũng chỉ hiểu và tin tưởng đó là doanh nghiệp cùng tập đoàn với SCB. Không thể đổ lỗi cho việc tư vấn lừa đảo này là sai sót của một vài nhân viên vì từ Nam chí Bắc, tất cả các "Nhà Đầu Tư bất đắc dĩ" này đều cùng bị lừa chung một bài như nhau. Rõ là ở đây, SCB đã có chủ trương "lùa gà", biến khách hàng của mình thành "oan gia trái chủ".

Sự việc diễn ra nhiều năm, trên diện rộng cả nước, cũng không riêng ngân hàng SCB. Ai đã rộng cửa cho các ngân hàng "lùa gà" ăn trái độc ?

Trong cuộc họp mới đây, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế khẳng định, trách nhiệm về thị trường này chắc chắn thuộc về Bộ Tài chính.

"Trước đây là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Hiện nay, đã sửa bằng Nghị định 65, tôi khẳng định trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn là của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không thể chối bỏ hay đổ cho ai về câu chuyện của thị trường này".

Tán thành quan điểm của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS bày tỏ "kinh ngạc" về sự "vô tổ chức" của thị trường trái phiếu khi nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định, trên thực tế trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành không phát hành được vì "không ai biết doanh nghiệp này là ai". Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đi qua hệ thống ngân hàng.

"Sự lộn xộn nằm ở chỗ, không biết bằng cách nào để cho các đối tượng liên quan nắm được data của những người gửi tiền để chèo kéo khách hàng rút tiền tiết kiệm để mua trái phiếu doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, hạ tầng về thông tin trong thông tin cá nhân có vấn đề, và ngân hàng cùng với phía sau là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo nguyên tắc nào cả".

Ông Thành đặt vấn đề : "Bộ Tài chính quy định thế nào, Ngân hàng Nhà nước quy định thế nào mà để cho những doanh nghiệp đó tiếp cận với khách hàng, để khách hàng chuyển tiết kiệm sang mua trái phiếu ? Tất cả không có kiểm soát và bây giờ nhìn lại mới thấy các điều kiện còn rất mơ hồ".

Cũng theo Giám đốc VESS, ông theo dõi báo cáo tài chính của SCB thấy rằng, khoản phải thu của ngân hàng này lên tới 30% tổng tài sản, thế nhưng ngân hàng vẫn tồn tại được, vẫn đứng ra phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng tín dụng… "Đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước" (3).

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Mai Bá Kiến chỉ rõ hơn cái sai của Bộ Tài Chính "Nghị định 155/2020 chỉ cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp (pháp nhân hay thể nhân). nhà đầu tư thể nhân phải nắm giữ đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu hai tỷ đồng mới được xác nhận và có giá trị ba tháng kể từ ngày xác nhận. Vậy mà, Bộ Tài chính chụp mũ "nhà đầu tư chuyên nghiệp" lên đầu người gửi tiết kiệm - vốn bị ngân hàng xí gạt…".

Hơn thế nữa, nhà báo Mai Bá Kiếm còn chứng minh sự chậm trễ, lúng túng của Bộ Tài Chính khi đã biết sai mà chậm sửa và càng sửa càng sai. Ngày 4/1/2022, tại Quốc hội, bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra các sơ hở của Nghị định 153/2020 để cho các doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mà không có tài sản bảo đảm và vốn phát hành gấp nhiều lần vốn điều lệ.

"Mãi đến tháng 5/2022, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 lần thứ năm vẫn bị yêu cầu phải nới lỏng. Ngày 16/9/2022, Chính phủ cắn răng ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trước sự kêu khóc thảm thương của các tập đoàn và hiệp hội bất động sản.

Theo Nghị định 65/2022, trái piếu doanh nghiệp không thể bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, người gửi tiền tiết kiệm khỏi lo bị ngân hàng dụ, nhưng "nhà đầu tư không chuyên" lỡ mua 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đến hạn nên chuẩn bị khóc tiếng đông lào !" (4).

Vạn Thịnh Phát, SCB chỉ là vết mưng mủ của khối u trái phiếu khổng lồ còn tiềm ẩn. Sự lỏng lẻo, chiều chuộng cho các đại gia bất động sản tay không bắt giặc "lùa gà" gom "tiền trong dân còn nhiều" làm khối u bất động sản ngày càng phình to. Số liệu của FiinRatings cho thấy, tính đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành có đến trên 1 triệu tỷ đồng (5).

Sau những vụ vỡ lở, Bộ Tài Chính, Ngân Hàng đã siết tín dụng, phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng đã chậm, tình thế căn bệnh nền kinh tế và tài chính đã chuyển sang hướng khác. Doanh nghiệp bất động sản như con khủng long thiếu máu, sản phẩm tồn ế lên đến hàng trăm ngàn tỷ không tiêu thụ được lại thiếu vốn triển khai dự án mới kêu cứu như cha chết đến nơi. Nhà nước đã cho tiêm liều thuốc cấp cứu là cho nới rộng room tín dụng bất động sản nhưng lòng tin giảm sút người dân chuyển hướng dự trữ sang đô la, vàng. Ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất tiền gởi đến 9% vẫn không huy động được "tiền trong dân còn nhiều".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng nên dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay ra (6).

Chưa nói đến nguồn vốn cho hoạt động, chỉ riêng số tiền chi trả trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối năm đã là trên 61.000 tỷ đồng. Nếu không có liều thuốc này thì e rằng không chỉ ách tắc về kinh tế mà an ninh trật tự xã hội cũng khó thể bình yên. 

Một số doanh nghiệp đưa ra giải pháp chữa cháy là thay vì mua lại trái phiếu, thanh toán tiền cho trái chủ, khuyến khích nhà đầu tư đổi sang sản phẩm bất động sản nói theo kiểu dân gian là cấn trừ nợ. Trong đó có những ưu đãi, có tỉ lệ chiết khấu cho nhà đầu tư có lợi hơn khách hàng thông thường

Theo các chuyên gia, không chỉ Việt Nam, hình thức cấn trừ này cũng thực hiện ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của một số chuyên gia, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án bất động sản mà doanh nghiệp phát hành muốn "đổi hàng". Bởi nếu không, trái chủ có nguy cơ chuyển sang một tài sản rủi ro khác.

Báo cáo của FiinRatings cũng lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn (7).

Nhà báo Mai Bá Kiếm thì cảnh báo nguy khổ chủ có thể đổi vịt trời trái phiếu sang vịt trời bất động sản chưa xây : "Trước đây doanh nghiệp từng phát hành trái phiếu để đầu tư bất động sản hình thành trong tương lai. Đến khi đáo nợ, bất động sản vẫn chưa hình thành để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư, trả nợ trái chủ, nên phải chuyển nợ trái phiếu thành bất động sản, tức tài sản hình thành trong kiếp sau.

Bất động sản luôn trường tồn trong sự nghiệp móc túi dân. bất động sản muôn năm trong kiếp luân hồi nợ đảo !" (8).

Có nạn nhân đã từng bức xúc tuyên bố trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo SCB "mạng người có thể mất, tiền không thể mất !".

Không thể dùng súng để xử những con gà bị lừa mua trái phiếu như đã làm với cụ Lê Đình Kình (vụ Đồng Tâm). Không thể lấy điều 311 để xử những nạn nhân của đau con xót.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không thể phủi trách nhiệm trong vụ vỡ nợ trái phiếu khổng lồ này !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 07/12/2022

Tham khảo :

1. https://vnexpress.net/bo-truong-tai-chinh-se-giam-sat-de-dam-bao-quyen-l...

2. https://etime.danviet.vn/bo-tai-chinh-canh-bao-gi-khi-cac-ngan-hang-tich-cuc-phan-phoi-trai-phieu-doanh-nghiep-20221114224749259.htm

3. https://danviet.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-khien-chuyen-gia-kinh-ngac-bo-tai-chinh-khong-the-choi-bo-trach-nhiem-20221124140427655.htm?fbclid=IwAR3aEJZw7eLms-B0tru_L8jcXu702HSuECIKekfxx6KzF3tYgWRkET16m_s

4. https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/pfbid0eKi4P8rQr6mxyQzcfGvAFvLWWzQfzHaJcpmgxnXVY8uC9pveh6SYgLaAPezR9v13l

5. https://viettimes.vn/fiinratings-ap-luc-trai-phieu-bat-dong-san-giam-dang-ke-post161965.html

6. https://cafef.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-tran-tin-dung-cung-khong-con-von...

7. https://nhipsongkinhdoanh.vn/can-trong-rui-ro-phap-ly-khi-doi-trai-phieu-doanh-nghiep-sang-san-pham-bat-dong-san-post3104049.html

8. https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/pfbid02AgPoxYgx2GxhZY25Z9mU7ybtJqnmC7EzfynjjQyhp7mU48cAhG1oULDsiYF2kzZQl

Published in Diễn đàn

'Một số nhà phát hành rất khôn lỏi' ?

Tại Việt Nam, niềm tin của các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu bất động sản được cho là đang xuống mức rất thấp sau liên tiếp các vụ bắt giữ lãnh đạo những tập đoàn lớn.

traiphieu1

Trong thời gian qua có nhiều quan điểm đề cập đến "trái phiếu 3 không" nghe rất phản cảm (ảnh : Tuổi Trẻ) - Doanh nghiệp bất động sản xoay sở ra sao khi 123.400 tỷ trái phiếu đáo hạn trong năm 2022.

Những người này bị cáo buộc liên quan tới thao túng trái phiếu, với các vụ bắt giữ mới đây nhất là nhiều quan chức của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Để đảm bảo cho hoạt động lành mạnh của một thị trường trái phiếu non trẻ như của Việt Nam, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Tuy nhiên, "ở môi trường Việt Nam thì [những điều này] rất khó thực hiện", nhất là trong lĩnh vực bất động sản, ông nhấn mạnh, và việc thiếu vắng các điều kiện đó không phải là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện thời.

Trả lời BBC News tiếng Việt, trước hết Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bình luận về việc có ý kiến cho rằng đặc điểm trái phiếu Việt Nam là "trái phiếu ba không", tức là "không xếp hạng tín nhiệm", "không bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tài chính uy tín", và "không tài sản bảo đảm".

'Ba điều kiện cần thiết'

Nguyễn Trí Hiếu : Đây là một nhận định phiến diện. Bởi vì trên thế giới, như ở Mỹ, rất nhiều trái phiếu là trái phiếu 'ba không', không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, và không có tài sản bảo đảm.

Rất nhiều trái phiếu bên Mỹ khi phát hành riêng lẻ thì không xếp hạng tín nhiệm. Giao dịch riêng lẻ giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư cảm thấy thoải mái với nhà phát hành, tin tưởng vào nhà phát hành, và họ đồng ý mua trái phiếu đó, thì trái phiếu đó không cần phải xếp hạng.

Thành ra nói rằng đặc thù trái phiếu của Việt Nam là không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm đã dẫn đến khủng hoảng của thị trường trái phiếu hiện nay là không đúng.

Tuy nhiên, tôi phải nói là hiện tại, với một thị trường trái phiếu non trẻ như ở Việt Nam, ba điều đó là điều cần thiết.

Trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu cần phải có bảo lãnh thanh toán nếu mà nhà phát hành không bảo lãnh được việc thanh toán, và trái phiếu cần phải có tài sản bảo đảm, nếu mà nhà phát hành không có đủ khả năng để đảm bảo là họ có thể đủ khả năng trả nợ trái phiếu.

Nhưng tôi xin nói chi tiết về ba điều này.

Thứ nhất, về xếp hạng tín nhiệm, như chúng ta biết năm 2019 thì chính phủ có ban hành Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Với nghị định đó, các nhà phát hành không bị bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, nếu có thì tốt, không có cũng được.

Sang năm 2022, Bộ Tài chính có Nghị định 65 bổ sung Nghị định 153, bắt buộc các nhà phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm nếu mà các nhà phát hành phát hành với số lượng lớn, là trên 500 tỷ đồng và với tỷ lệ đòn bẩy 1/1, cùng một số điều khác nữa.

Tuy nhiên xếp hạng tín nhiệm chỉ được đòi hỏi cho những công ty phát hành trên 500 tỷ đồng trở lên, còn những công ty phát hành dưới số tiền này thì không bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm. Đây là một điều thiếu sót.

Tôi nghĩ rằng các nhà phát hành ở Việt Nam, tôi có thể nói là khôn lỏi, khi mà họ có một số lượng phát hành lớn, và họ có thể chia nhỏ ra.

Ví dụ thay vì phát hành 500 tỷ thì phát hành hai lô, một lô 300 tỷ, lô kia 200 tỷ để tránh quy định phải có xếp hạng tín nhiệm.

Thứ hai là vấn đề bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức tài chính có uy tín. Thật sự, nếu một trái phiếu được bảo lãnh thanh toán của một ngân hàng thì người ta sẽ xem trái phiếu đó qua khả năng trả nợ của ngân hàng, không phải qua khả năng trả nợ của nhà phát hành nữa.

Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở Mỹ cũng vậy, một điều rất hiếm xảy ra là một ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho một trái phiếu. Thành ra đúng là điều cần thiết cho đảm bảo khả năng thanh toán cho một nhà phát hành nhưng đây là một điều kiện rất khó thực hiện.

Điều kiện thứ ba, về tài sản bảo đảm. Nếu chúng ta nhìn vào những thị trường phát triển như ở Mỹ hay Châu Âu thì phần lớn các trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Nhưng tại thị trường Việt Nam tôi nghĩ cần tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề tài sản bảo đảm rất mơ hồ và rất khó để thẩm định. Chẳng hạn như một trái phiếu được đảm bảo bằng các dự án bất động sản, và các dự án bất động sản thì phần lớn được hình thành trong tương lai, không có giá trị cụ thể tại thời điểm phát hành trái phiếu.

Thành ra, những tài sản bảo đảm đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và tài sản hình thành trong tương lai từ dự án bất động sản không có giá trị bảo đảm cao.

Những điều tôi nói là cần thiết, nhưng ở môi trường Việt Nam thì rất khó thực hiện.

'Thiếu cơ chế kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn'

BBC : Tiến sĩ có đề cập là các nhà phát hành trái phiếu ở Việt Nam rất 'khôn lỏi'. Vậy họ đã sử dụng các cách nào để qua mặt các trái chủ ?

Nguyễn Trí Hiếu : Khi phát hành trái phiếu, nhà phát hành có hợp đồng trái phiếu.

Hợp đồng đó cần phải được gửi cho tất cả các nhà đầu tư, trái chủ, bên cạnh bản cáo bạch. Hợp đồng trái phiếu thông thường phải nói rõ việc sử dụng vốn đó như thế nào, như hoàn thành một dự án bất động sản nào đó, chương trình tài trợ nào đó. Các trái chủ rất khó kiểm soát được số tiền nhà phát hành thu được sẽ sử dụng ở đâu, như thế nào.

Trên nguyên tắc, theo Nghị định 65, các trái chủ, các nhà đầu tư có nhà đại diện pháp lý, người đại diện này đúng ra là phải kiểm tra xem nhà phát hành sử dụng vốn như thế nào. Trong lúc trái phiếu đang có hiệu lực, đại diện pháp lý phải xem cam kết nhà phát hành trong hợp đồng như các cam kết tài chính hay phi tài chính, và phải báo cho nhà đầu tư nếu có vi phạm.

Tôi thấy rằng việc có một người đại diện như thế, có chức năng như thế là chuyện vẫn còn rất mờ nhạt tại Việt Nam. Chính vì thế, các nhà phát hành dễ dàng qua mắt các nhà đầu tư.

Nếu mà không có người nào đứng ở giữa kiểm tra các hợp đồng, thì các nhà đầu tư làm sao có thể biết được nhà phát hành đang thực hiện như thế nào.

Những nhà đầu tư riêng lẻ, cá nhân, có mua vài trăm triệu trái phiếu, họ không ở vị trí để nói chuyện với nhà phát hành được. Không ai tiếp họ cả, khi họ muốn xem báo cáo tài chính, sổ sách thì chắc không ai trả lời cho họ.

Cổ phiếu thì dễ hơn vì họ có một cái desk để trả lời cổ đông. Còn trái phiếu thì tôi thật sự chưa thấy có nhà phát hành nào có desk để trả lời các trái chủ cả.

Vì vậy, các nhà phát hành dễ dàng qua mặt các nhà đầu tư lắm.

Ngoài ra chẳng hạn như những nhà phát hành đó, tình hình tài chính suy sụp, thì làm sao các trái chủ, các nhà đầu tư biết được tình hình tài chính ? Ngay cả với báo cáo tài chính thì họ cũng không thể nào yêu cầu nhà phát hành gửi cho họ được, mà cần phải có người đại diện nhận rồi gửi cho các trái chủ.

Do đó, các nhà đầu tư dường như không có cơ hội, năng lực nào để kiểm soát nhà phát hành. Chính từ chỗ đó, nhà phát hành có nhiều chiêu trò, dễ dàng lạm dụng lòng tin của nhà đầu tư.

BBC : Như vậy theo ông, ở Việt Nam hiện tại ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành trái phiếu, chứ không bảo lãnh thanh toán ?

Nguyễn Trí Hiếu : Tôi không quả quyết điều này. Tôi không biết trong tất cả các trái phiếu mà các nhà phát hành phát hành trong 4, 5 năm vừa qua cho đến nay, bao nhiêu trái phiếu đó được ngân hàng bảo lãnh thanh toán. Tôi không có con số nhưng tôi tin rằng, nếu có thì rất ít.

Và chính vì thế, rất nhiều người dân mua trái phiếu không hiểu rõ giữa bảo lãnh phân phối và bảo lãnh thanh toán. Nhưng tôi không khẳng định là không có bảo lãnh thanh toán. Có thể có, tôi không có con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm trong số trái phiếu được phát hành.

Giải pháp tạm thời : hoãn nợ cho các nhà phát hành trái phiếu ?

BBC : Tâm lý người sở hữu trái phiếu bất động sản rất lo lắng vì nguy cơ các doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Theo Tiến sĩ, các trái chủ nên làm gì vào lúc này, và ông có đề xuất nào cho chính phủ Việt Nam để giải quyết cuộc khủng hoảng ?

Nguyễn Trí Hiếu : Các nhà đầu tư nên liên hệ ngay với đại diện pháp lý của mình, nếu có.

Thường thì mọi trái phiếu đều có đại diện pháp lý. Trong trường hợp quý vị đã trót mua trái phiếu mà nhà phát hành không có đại diện pháp lý thì quý vị phải tiếp xúc văn phòng luật sư của mình hoặc chuyên gia tài chính đại diện cho mình.

Quan trọng là các nhà đầu tư nên kết nối lại với nhau. Nếu có thể được thì nên lập hội đồng của các nhà đầu tư, từ các hội đồng đó sẽ có quyết định quan trọng, giao trách nhiệm cho một đại diện pháp lý để nói chuyện với nhà phát hành, hoặc đại diện pháp lý của nhà phát hành.

Chuyện này cần làm ngay, trễ một ngày thì thiệt hại tăng lên, vì nếu có tài sản bảo đảm thì tài sản bảo đảm suy giảm từng ngày, chưa kể nhà phát hành bị điều tra về tài sản, tài sản bị kê biên, phong tỏa, không thể được thanh lý, chờ kết luận của cơ quan điều tra, và phán quyết của tòa án.

Với chính phủ Việt Nam thì tôi nghĩ cần hành động ngay để ngăn chặn sự 'mất máu' trên thị trường trái phiếu.

Hiện tại có nhiều doanh nghiệp ồ ạt trả nợ trước hạn. Và Nghị định 65 có quy định các nhà phát hành trái phiếu nếu được yêu cầu phải trả nợ trước hạn cho nhà đầu tư, nếu việc phát hành sai quy định pháp luật.

Trong trường hợp thế này, nếu chính phủ không có biện pháp giúp các nhà phát hành thì sẽ có hiện tượng domino có thể lan tỏa ra những nhà phát hành khác, và xảy ra sự khủng hoảng trên thị trường trái phiếu hiện nay.

Tôi đề nghị chính phủ nên xem xét chương trình hoãn nợ quốc gia cho tất cả nhà phát hành, kể cả nhà phát hành bất động sản, trong vòng một năm.

Trong vòng một năm đó, các nhà đầu tư không được kiện, không được yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, để nhà phát hành có thời gian phục hồi và trả nợ.

Tuy nhiên không phải nhà phát hành nào cũng được hưởng chế độ đó, chỉ có nhà phát hành làm đúng quy định pháp luật. Còn những nhà phát hành nào, phát hành mang tính lừa đảo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì các trái phiếu đó không được hưởng quy chế đặc biệt này.

BBC : Đã có xuất hiện tượng các doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bất động sản bằng bất động sản tại Việt Nam. Tiến sĩ có nhận định gì về hình thức này ?

Nguyễn Trí Hiếu : Khi một nhà phát hành đứng trước khả năng vỡ nợ thì họ phải tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn.

Tháo gỡ đầu tiên là nhà đầu tư, trái chủ ngồi lại với nhà phát hành để thỏa thuận một chương trình hoãn nợ, cơ cấu lại nợ, đây là một cách rất nhiều nhà phát hành ở Mỹ hay nhiều nước khác sử dụng. Có thể lãi suất sẽ tăng lên.

Cách giải quyết thứ hai là nhà phát hành sẽ bán những tài sản hiện có của mình, những dự án bất động sản, chung cư, khách sạn để trả nợ cho trái chủ.

Cách giải quyết tiếp theo là nếu những trái phiếu đó được đảm bảo bằng tài sản bất động sản thì họ có thể thương thảo với trái chủ, và đồng ý thay vì trả nợ, thì những nhà đầu tư lấy những tài sản đảm bảo trái phiếu đó.

Khi đi đến thương thảo như vậy, dĩ nhiên cả hai bên phải đồng ý về giá trị tài sản bảo đảm, và sẽ có tỷ lệ chuyển đổi như thế nào từ trái phiếu sang tài sản được đảm bảo, và sẽ được chuyển giao cho nhà đầu tư.

Giá trị của trái phiếu có được chiết khấu hay không, có nghĩa là giảm giá. Khi nhà phát hành gặp khó khăn thì có thể thương thảo với nhà đầu tư để định lại giá của tài sản bảo đảm, cần sự định giá rất kỹ càng.

Đây là một cách trả nợ không thông thường mà là bất thường.

BBC : Theo ông, tại sao vấn đề sai phạm trong phát hành trái phiếu bất động sản Việt Nam lại xảy ra trong thời gian qua với những con số "khủng" hàng ngàn tỷ đồng ?

Nguyễn Trí Hiếu : Theo thông tin của báo chí, những vụ lớn trong năm nay, như phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Louis Holdings gần đây nhất là của Vạn Thịnh Phát là sai quy định và được xem như mang tính chất lừa đảo.

Khi những nhà phát hành trái phiếu, họ huy động được số tiền lớn thì họ không sử dụng số tiền đó đúng mục đích.

Ví dụ như trái phiếu huy động để hoàn thành một dự án bất động sản, nhưng thay vì tập trung mục tiêu này, nhà phát hành dùng số tiền đó để đầu tư vào dự án khác, để tài trợ công ty con của mình, thậm chí có thể tài trợ hoạt động tài chính không hợp pháp.

Qua tất cả thông tin, thì có thể thấy sai phạm lớn nhất, dẫn đến những vụ án lớn trong năm nay là việc nhà phát hành sử dụng tiền không đúng mục đích, mang tính lừa đảo, tạo thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Đây là điều chúng ta đều rất băn khoăn tại sao việc phát hành lừa đảo như thế lại có thể qua mắt được cơ quan chức năng.

Đây cũng là câu hỏi của tôi.

Tôi cũng không hiểu là tại sao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thanh tra chính phủ hoặc các cơ quan giám sát khác lại không biết đến chuyện các tập đoàn lớn sử dụng tiền sai mục đích.

Đặc biệt nữa, vụ Vạn Thịnh Phát thì chúng ta thấy việc phát hành trái phiếu, tính đến hàng trăm ngàn tỷ, các công ty liên quan đến tập đoàn này lên đến hàng trăm công ty.

Với những đại công ty như vậy, khi họ huy động vốn thì tôi tin rằng các công ty quản lý, giám sát đều để mắt vào đấy.

Vậy tại sao lại có thể lọt qua mắt của những cơ quan đó ? Các cơ quan đó cần có câu trả lời. Riêng tôi thì không có thể câu trả lời.

Huyền Trân thực hiện

Nguồn : BBC, 27/11/2022

Published in Diễn đàn