Đan sĩ Thiên An tuần hành phản đối công trình xây dựng ‘phong tỏa’ đan viện (VOA, 02/11/2018)
Sáng 1/11, các tu sĩ của đan viện Thiên An ở Thừa Thiên-Huế bắt đầu cuộc tuần hành mỗi ngày, kéo dài một tuần lễ, nhằm phản đối việc xây dựng trái phép trên phần đất mà các đan sĩ nói là thuộc về đan viện.
Đan sĩ đan viện Thiên An tuần hành phản đối xây dựng trái phép trên đất đan viện.
Sự kiện mới nhất diễn ra sau một chuỗi các vụ lấn chiếm, xây dựng, phá hoại… khiến các đan sĩ liên tục kêu cứu trong thời gian qua.
Linh mục Louis Gonzaga Đặng Hùng Tân, bề trên đan viện Thiên An, nói với VOA : "Nhà dòng phải xuống đường để người ta biết là mình phản đối. Vì trước đây, người ta đã lên nhà dòng nói chuyện, xin nhà dòng được sử dụng miếng đất bên cạnh (thuộc về đan viện) để có không gian để vật liệu nhưng nhà dòng không đồng ý".
Tuy nhiên, chủ công trình vẫn tiếp tục xây tường rào lấn đất đan viện và hiện đang tiếp tục xây cổng cho công trình được cho là miếu, chùa hay nhà tổ ngay trên phần đất của đan viện.
Trong một đoạn video mà các đan sĩ ghi lại, người chủ công trình nói rằng : "Xếp tôi có lên xin mở cửa đó nhưng quý thầy không cho, rồi xếp tôi xuống gặp mấy chú công an thì họ nói mấy anh cứ trổ cái cửa đó đi…"
Theo các đan sĩ, phần đất mà chủ công trình đang xây trước đây thuộc về đan viện, nhưng đã bị chính quyền tịch thu và bán lại cho tư nhân để xây cất. Công trình hiện tại nằm ngay lối đi chính khiến cho cửa ngõ vào đan viện bị thu hẹp, cản trở việc đi lại của nhà dòng và khách hành hương. Chưa kể nhiều cây thông mà các đan sĩ đã dày công chăm sóc nhiều chục năm nay đều bị "bao vây" bên trong bức tường, đe dọa đến cảnh quan và môi trường trong khu vực.
"Bao nhiêu cái đơn trong mười mấy năm nay nhà nước đều không giải quyết", Linh mục Tân cho VOA biết.
Đan viện Thiên An, được mệnh danh là "Đà Lạt trên đất Huế", tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu mà đan viện đã có từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền "tiếp quản" từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương đã thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Trường Tiền Phong để chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư nhân.
Các đan sĩ nói họ chỉ muốn đòi công lý một cách ôn hòa qua việc gửi đơn, thư và các cuộc họp với chính quyền, nhưng trong những năm qua, đan viện liên tiếp bị sách nhiễu bằng nhiều hình thức như đập phá thánh giá trên đồi thông, cho công an, côn đồ thóa mạ, đánh đập các đan sĩ…
Thông cáo báo chí của đan viện Thiên An về các vụ cháy rừng thông gần đây.
Gần đây, trong khu vực rừng thông của đan viện liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn đáng ngờ khiến các đan sĩ phải lên tiếng kêu cứu.
"Trước đây, cháy rừng ít xảy ra lắm, rất hiếm. Mấy năm mới có cháy một lần. Nhưng từ đầu năm tới giờ, trong vòng có 2-3 tháng đã cháy tới 5 vụ, mà đều ở sát nhà dòng hết", Linh mục. Tân cho biết thêm.
Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa phản hồi hay tiến hành điều tra nguyên nhân các vụ hỏa hoạn trên.
Trong báo cáo về nhân quyền công bố hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lưu ý đến trường hợp đan viện Thiên An và làng Đồng Tâm khi cho rằng luật pháp Việt Nam đã tạo điều kiện cho chính quyền đưa ra các quyết định tịch thu đất, định giá và bồi hoàn "thiếu công bằng" cho người dân, dẫn đến khiếu nại khắp nơi liên quan đến đất đai, cũng như tình trạng "thiếu minh bạch", "tham nhũng" trong quá trình tịch thu đất để thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, báo cáo về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 5 còn đặc biệt đề cập đến vụ hơn 100 côn đồ nghi là công an mặc thường phục đã đột nhập đan viện Thiên An hồi tháng 6 và đánh đập các đan sĩ, cũng như việc chính quyền địa phương can thiệp vào việc thay đổi nhiệm sở của Linh mục Nguyễn Văn Đức, cựu giám quản đan viện, vì cho rằng ông đã tổ chức các hoạt động bất hợp pháp, thách thức pháp luật và không tôn trọng chính quyền và người dân địa phương.
Khánh An
**************
Sử dụng nhân dân tệ ở biên giới không vi hiến (VOA, 02/11/2018)
Giữa những phản ứng trái chiều từ dư luận về việc cho phép lưu hành đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng hôm 1/11 khẳng định rằng quy định này là hợp pháp.
Đồng Nhân dân tệ mệnh giá 100 đồng phiên bản năm 2015. Đồng tiền của Trung Quốc đang được lưu hành tại các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam và thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết quy định này không vi phạm hiến pháp như nhiều người nghĩ.
Thông tư 19/2018 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng nhà nước) ban hành ngày 28/8 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong hoạt động thương mại tại khu vực biên giới hai nước Việt-Trung. Theo quyết định này, việc thanh toán bằng đồng tiền của Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/10.
Đầu tháng 9, hàng trăm trí thức Việt Nam đã đồng loạt ký tên vào một tuyên bố phản đối quyết định của Ngân hàng nhà nước vì họ cho là vi hiến và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chính phủ sẽ xem xét lại thông tư cho sử dụng đồng tiền của Trung Quốc ở biên giới. Bà Ngân nói tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/9 rằng cần phải trả lời câu hỏi "Liệu có vi hiến ?" mà dư luận trong và ngoài nước đưa ra và yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo việc này.
Tuy nhiên, thông tư của Ngân hàng nhà nước vẫn có hiệu lực từ ngày 12/10 theo đúng kế hoạch.
Thông tư 19 của Ngân hàng nhà nước "tuân thủ đầy đủ các quy định của hiến pháp, Luật ngân hàng nhà nước và pháp lệnh ngoại hối", người đứng đầu Ngân hàng nhà nước nói khi trả lời câu hỏi của một đại biểu Quốc hội hôm 1/11 rằng liệu Thông tư này có vi phạm hiến pháp không khi Hiến pháp Việt Nam chỉ coi tiền đồng là tiền thanh toán.
Viện dẫn pháp lệnh ngoại hối, ông Hưng nói rằng "có những quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch", theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
"Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết", Thống đốc Ngân hàng nhà nước nói trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại về việc kiểm soát và giới hạn trong việc sử dụng nhân dân tệ ở Việt Nam trong bối cảnh các hoạt động thương mại ngày càng tăng giữa hai nước.
"Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam có chung biên giới 1.300km và hiện nay thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và [Việt Nam] cũng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc", nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói". Tôi lo ngại rằng với mức độ hàng hóa và thương lái Trung Quốc đi sâu vào Việt Nam, thậm chí vào đồng bằng sông Cửu Long, và mua của người dân Việt Nam các nông sản, thủy sản thì không rõ là việc lưu hành đồng nhân dân tệ sẽ được hạn chế như thế nào. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gắn liền với lượng hàng hóa và lượng thương lái của Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam mà chúng ta cho đến nay chưa kiểm soát được".
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra hôm 26/7.
Cùng có mối lo ngại về việc cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Quang A hồi tháng 9 cho rằng thông tư mới của Ngân hàng nhà nước còn nhiều điều quá mập mờ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam cho rằng việc cho phép sử dụng tiền Trung Quốc trong giao thương tại khu vực biên giới như nêu trong Thông tư 19/2018 là "góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt-Trung ngày càng phát triển".
Việt Nam có bảy tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên.
********************
Tàu cá Việt Nam được gắn thiết bị theo dõi hành trình (RFA, 02/11/2018)
Việt Nam sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát trên gần 3.000 tàu đánh bắt hải sản xa bờ vào đầu năm 2019.
Tàu đánh cá neo đậu tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa chụp tháng 11 năm 2017. AFP
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam đây là một trong những biện pháp nhằm chống tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
FBIS trích thông tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin này hôm 2 tháng 11 năm 2018.
Các tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên bị bắt buộc gắn những thiết bị giám sát theo quy định của Ủy ban Châu Âu (EC).
Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có đầy đủ các công cụ pháp lý và các quy định, được thực thi nghiêm ngặt về quản lý, cấp phép và đăng ký tàu đánh cá, nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho các tàu đánh cá trên biển.
Ngoài ra Việt Nam cũng đã ban hành các nghị quyết và cơ chế để làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo an ninh và an toàn cho tàu đánh cá trên biển.
Ủy ban Châu Âu đã áp dụng cảnh báo "thẻ vàng" đối với Việt Nam vào tháng 10 năm 2017, sau khi Việt Nam bị cho không đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp.
Các quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn của EC, sẽ nhận một "thẻ vàng" để cảnh báo, tiếp theo là "thẻ xanh" nếu các vấn đề được giải quyết, hoặc "thẻ đỏ" nếu không có cải thiện gì. Thẻ đỏ có thể dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thủy sản.
Một phái đoàn từ Ủy ban Thủy sản của Quốc hội Châu Âu vào cuối tháng 10 vừa qua đã thực hiện một chuyến tham quan thực tế của một số tỉnh ven biển Việt Nam để kiểm tra các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
**********************
Bộ Công an giải đáp thắc mắc về việc kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng (RFA, 02/11/2018)
Bộ Công an Việt Nam vừa có khẳng định, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng nếu họ có những hoạt động vi phạm pháp luật
Ảnh minh họa. AFP
Mạng báo Dân Trí vào ngày 2 tháng 11 dẫn trả lời trên trang chủ Bộ Công an về câu hỏi ‘Luật An ninh mạng có kiểm soát, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng và có cấm người sử dụng internet truy cập các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube hay không ?’.
Theo trình bày của Bộ Công an Việt Nam, lực lượng bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng khi họ có những hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu lạm dụng và làm lộ thông tin người sử dụng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Vẫn theo Bộ Công an Việt Nam thì Luật An ninh mạng có tính thống nhất cao với hệ thống pháp luật hiện hành của VN, bởi không gian mạng đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, và luật cũng có phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp đến một số nội dung theo 29 điều của Bộ luật hình sự ; có liên quan đến các quy định về bảo vệ quyền con người trong hiến pháp, bộ luật hình sự, bộ luật dân sự và các văn bản khác có liên quan.
Theo Bộ công an, lý do cấp thiết về bảo vệ an ninh mạng vì hiện nay Việt Nam đang phải đối phó với hàng chục ngàn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn và có chiều tăng mỗi năm, gây đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Bộ Công an Việt Nam cũng nói tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Theo Bộ Công an thì Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google…
Quốc hội Việt Nam vào ngày 12 tháng 6 vừa qua đã thông qua Luật An ninh mạng và bắt đầu từ tháng giêng năm 2019 Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực.
Trong khi đó, nhiều người quan tâm cả trong và ngoài nước đều cho rằng luật này sẽ là công cụ để cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân ; đặc biệt trên không gian mạng Internet.
Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, nhiều người dân ở Việt Nam tham gia các cuộc biểu tình đông người để phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc Khu.
******************
Cắt giảm nguồn kinh phí cho báo chí (RFA, 02/11/2018)
Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt quyết định cắt giảm chi phí các cơ quan báo chí nhà nước từ nay đến năm 2021.
Ảnh minh họa. AFP
Thông tin trên được Tân Hoa Xã loan đi ngày 2 tháng 11. Theo kế hoạch đề ra thì ít nhất 10% tất cả các cơ quan báo chí truyền thông nhà nước Việt Nam sẽ phải độc lập về tài chính từ nay đến năm 2021 và tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% đến năm 2025.
Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền đối với các bài viết, chương trình phù hợp với yêu cầu về chính trị.
Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu lĩnh vực truyền thông báo chí của chính phủ Việt Nam với mục đích làm cho các cơ quan báo chí trở nên khắt khe hơn và vẫn đảm bảo đúng nhiệm vụ được giao.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện nay có chừng 800 cơ quan truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình. Tất cả phải chịu sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Việc cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ tại vùng biên giới Việt - Trung sẽ có hại cho nền kinh tế của Việt Nam hay không, đó là vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 28/08/2018 ban hành "Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc" (Thông tư 19). Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10.
Ảnh minh họa : giấy bạc nhân dân tệ. Reuters
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, cơ chế thanh toán trong mua bán ở biên giới Việt - Trung (biên mậu) đã được thực hiện từ năm 2004 và thông tư mới được ban hành là nhằm "khắc phục những vướng mắc, bất cập" của quyết định năm 2004. Thông tư này "cũng nhằm thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước trong việc giao thương, thực hiện tốt hơn việc quản lý Nhà nước về ngoại hối".
Theo văn bản mới, các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước sẽ được phép thanh toán cả bằng đồng Việt Nam lẫn nhân dân tệ Trung Quốc, tức là bằng bản tệ của hai nước.
Trả lời VietnamNet ngày 03/09, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, thành viên tổ soạn thảo Thông tư 19, cho biết là trên thế giới, các nước có chung đường biên giới, có những hợp tác thương mại song phương, vẫn thường thanh toán bằng bản tệ, như Thái Lan, Miến Điện, Nga, Trung Quốc...
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 04/09/2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hà Nội, cũng nhận định là Thông tư 19 quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao thương ở vùng biên giới, cho nên nếu được áp dụng nghiêm chỉnh thì sẽ ít có nguy cơ việc sử dụng đồng tiền của Trung Quốc lan sang những nơi khác :
"Không phải là Ngân hàng Nhà nước tự đưa ra thông tư này. Thông tư được đưa ra là căn cứ trên nghị định số 14 của chính phủ, được ban hành đầu năm nay, hướng dẫn thi hành luật về quản lý ngoại thương, mà Quốc Hội ban hành từ năm 2017, thực thi từ ngày 01/01/2018. Vì luật này được thực thi vào đầu năm, cho nên chính phủ mới ban hành một nghị định vào tháng Giêng, để quy định các chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Nghị định này thật ra quy định chung về các hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các nước có biên giới đất liền với Việt Nam (Cam Bốt, Lào và Trung Quốc), nói rõ là chỉ quy định cho những hoạt động thương mại của cư dân hoặc thương nhân ở các tỉnh biên giới và các chợ ở biên giới. Các văn bản này cũng quy định rất rõ về danh mục hàng hóa nào, về phạm vi nào được coi là biên giới, cư dân nào thì được coi là cư dân biên giới và thương nhân như thế nào thì được hoạt động ở biên giới các nước này.
Tất cả các văn bản đó khoanh trong một đối tượng nhất định, chứ không quá rộng trong xã hội. Ngoài ra người ta cũng quy định rõ là các cơ quan Nhà nước giám sát, kiểm soát bằng những công cụ nào. Còn đối với ngân hàng thì người ta cũng quy định rõ là dù sử dụng đồng bản tệ của hai nước, dù bằng phương thức nào, kể cả tiền mặt, thì thương nhân, cư dân cũng phải báo cáo cho ngân hàng và đưa tiền đó vào hệ thống ngân hàng trong thời gian 7 ngày sau khi thực hiện giao dịch, cùng với tất cả các chứng từ liên quan. Tôi cho là họ đã quy định khá rõ về các công cụ quản lý, cho nên nguy cơ nó lan ra các nơi khác, nếu theo luật, thì được giảm thiểu đáng kể".
Mặc dù thông tư quy định chặt chẽ như vậy, nhưng nhiều người lo ngại là thông tư nói trên sẽ dẫn đến nguy cơ "nhân dân tệ hóa" nền kinh tế Việt Nam.
Trên mạng hiện đang lan truyền một tuyên bố của giới nhân sĩ trí thức người Việt trong và ngoài nước, phản đối việc cho phép sử dụng nhân dân tệ ở Việt Nam. Bản tuyên bố cho rằng : "Việc sử dụng nhân dân tệ trong giao thương, dù giới hạn ở khu vực biên giới Việt - Trung, không chỉ vi phạm nguyên tắc chủ quyền tiền tệ, mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia". Theo các tác giả bản tuyên bố, đó còn là hành động "xâm lấn và xâm phạm chủ quyền tiền tệ của Việt Nam, có thể dẫn đến sự nhân dân tệ hoá cả nền kinh tế Việt Nam và vô cùng nguy hại cho an ninh quốc gia".
Họ yêu cầu bộ Tư pháp ngay lập tức hủy bỏ Thông tư 19 và đòi truy xét trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và mọi quan chức có liên quan đến việc soạn thảo và ban hành thông tư này.
Trả lời báo điện tử Một Thế Giới ngày 02/09, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính, cũng cho rằng "việc quy định vùng biên mậu của Việt Nam được phép sử dụng nhân dân tệ cũng cần được quản lý để loại tiền này không đi ra khỏi khu vực cho phép". Đồng thời, theo ông, Việt Nam cần thúc đẩy phía Trung Quốc chấp nhận chính thức cho dùng đồng Việt Nam tại khu vực lãnh thổ nước họ ở biên giới.
Cũng trên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo rằng việc cho phép thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ ở các vùng biên giới giáp với Trung Quốc là "chính thức mở ra một cánh cổng để nhân dân tệ dần dần len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam" và "làm gia tăng sâu sắc hơn nữa sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc".
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhắc lại rằng hiện giờ quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và Việt Nam đang mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn bán được hàng cho Trung Quốc. Việc cho phép sử dụng nhân dân tệ để thanh toán trực tiếp đối với hoạt động thương mại biên giới có thể sẽ làm cho trao đổi mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc bị thâm hụt nhiều hơn.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, mối lo ngại về nguy cơ của việc cho phép sử dụng nhân dân tệ là xuất phát từ tình trạng hiện nay của quan hệ kinh tế Việt - Trung :
"Trước hết là hiện nay, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp và gần đây có thêm nhiều nguy cơ mà làm cho người Việt Nam lo lắng thêm, kể cả cá nhân tôi, ví dụ như tình trạng Trung Quốc xuất siêu sang Việt Nam rất nhiều. Tất cả những thông tin Việt Nam đưa ra, về con số thống kê chẳng hạn không khớp với con số của Trung Quốc. Phía Trung Quốc chứng minh họ xuất siêu sang Việt Nam rất nhiều so với con số mà Việt Nam công bố về nhập siêu từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là còn một khoảng khá lớn, có năm lên tới tương đương 20 tỷ đôla, mà Việt Nam không kiểm soát được phần nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng Trung Quốc có thể thâm nhập Việt Nam một cách quá đáng, mà Nhà nước Việt Nam không thể kiểm soát nổi, gây bất lợi cho phía Việt Nam.
Thứ hai là hiện tượng buôn bán qua biên giới diễn ra nhiều năm nay rồi, thực sự là Nhà nước Việt Nam chưa quản lý được tốt, chưa bao giờ chứng minh được quy mô thương mại ở biên giới là bao nhiêu. Người ta cứ coi biên mậu là có tỷ lệ nhỏ, nhưng với con số chênh lệch lên đến hàng chục tỷ đôla như vậy, quy mô của nó không hề nhỏ chút nào ! Biên mậu mà không quản lý được thì cũng có nghĩa là Nhà nước thất thu về thuế và có nhiều bất lợi khác có thể xảy ra, kể cả về chất lượng hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh, buôn gian bán lận.
Thứ ba là gần đây nổi lên chuyện về các đặc khu kinh tế. Vì những hiện tượng như vậy cho nên người ta sợ là Trung Quốc sẽ lạm dụng tất cả những cái đó để gây thêm bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy mà người dân bức xúc về thông tư này.
Nếu như Nhà nước thực hiện được các điều quy định trong thông tư này, cũng như Nghị định 14 của chính phủ về thương mại biên giới và luật về quản lý ngoại thương mà Quốc Hội đã thông qua, thì không sao. Các quy định này khá chặt chẽ và đủ để Việt Nam kiểm soát được. Nhưng vấn đề là liệu các cơ quan Nhà nước có kiểm soát được tốt hay không. Đó là điều vẫn gây lo ngại".
Từ chuyện nhân dân tệ, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng Nhà nước Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thông báo các quyết định có liên quan đến quan hệ với Trung Quốc :
"Người dân Việt Nam rất nhạy cảm với các vấn đề với Trung Quốc, cho nên khi đưa ra bất cứ quy định nào liên quan đến Trung Quốc, phải có một sự chuẩn bị kỹ càng hơn và phải có giải thích đầy đủ cho người dân từ đầu, đừng để người ta phải tự đi tìm hiểu. Nói thật, tôi được tiếng là chuyên gia, nhưng đâu có phải là đọc được hết ! Cũng phải đọc mãi, suy nghĩ mãi thì mới hiểu được ra vấn đề. Những người khác đâu có thời giờ như vậy. Cho nên người ta có thể bức xúc. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải giải trình rõ cho người dân khi đưa ra các quy định mới".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 10/09/2018