Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi huy động vàng và ngoại tệ trong dân
RFA, 11/01/2021
Tiếp tục mục tiêu huy động vàng trong dân
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021 là cần có cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ, như vay tương đương vốn ODA.
Ảnh minh họa. Những thanh vàng 100g được khắc logo và tên của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.AFP
Xin được nhắc lại nguồn vốn ODA (Official Development Assistance) là một hình thức đầu tư nước ngoài với các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi có những nguồn vốn ODA là nguồn viện trợ của nước ngoài không hoàn lại dành cho Việt Nam.
Đài RFA ghi nhận từ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân. Từ thời điểm đó cho đến nay, Chính phủ Việt Nam không ít lần nhắc đi nhắc lại về chủ trương này. Điển hình mới nhất qua tuyên bố của Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng như vừa nêu, tại hội nghị của ngành, diễn ra vào ngày 9/1.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới năm 2017 cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ 14 trên thế giới về lượng tiêu thụ vàng theo đầu người. Báo mạng Nông thôn Ngày nay, hồi tháng 3/2019, cho biết có khỏang 500 tấn vàng trong dân mà các tổ chức thế giới đưa ra chứng tỏ mãi lực của người dân Việt Nam về vàng luôn có và thậm chí ở mức cao. Tuy vậy, giới chuyên gia trong nước nhận định rằng chủ trương Chính phủ Việt Nam huy động vàng trong dân khó thực hiện được, bởi vì tâm lý người dân xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm, đầu tư và tình trạng tích trữ vàng tại gia đình ở Việt Nam vẫn hiện hữu. Báo giới Nhà nước Việt Nam dẫn nhận định của một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.
Đài RFA trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính độc lập, vào tối ngày 11/1 và được ông xác nhận :
"Đúng là có một số vàng và ngoại tệ đang nằm ở trong dân và Chính phủ cần huy động số vàng và số ngoại tệ đó để làm lợi cho quốc gia, bất kể trong thời gian dịch bệnh hiện tại hoặc là không có dịch bệnh. Nếu như trong thời gian dịch bệnh thì việc sử dụng những tài sản, mà gọi là ‘nằm im’ như vậy lại càng trở nên cần thiết hơn. Chúng ta biết rằng vấn đề vay mượn ở nước ngoài càng ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Việt Nam. Tại vì, Việt Nam không còn trong nhóm các nước có thu nhập thấp mà bây giờ được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Thành ra, vay có những điều kiện khó khăn hơn và lãi suất cũng không còn thuận lợi như trước đây nữa. Do đó, vấn đề sử dụng những tài sản ‘nằm im’ trong xã hội, trong người dân là cần thiết".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm rằng với số vàng mà Chính phủ Việt Nam huy động được thì sẽ dùng để thế chấp, cầm cố trong việc vay tiền tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Và dĩ nhiên với món vay mà được bảo đảm bằng vàng thì lãi suất rất hạ.
Ảnh minh họa. Đồng đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. AFP
Dân chúng yên tâm gửi vàng vào ngân hàng ?
Đài RFA liên lạc với 1 người dân ở Sài Gòn để hỏi thăm liệu rằng trong bối cảnh công ăn việc làm, kinh doanh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nếu gửi vàng, ngoại tệ vào ngân hàng với lãi suất cao thì sẽ chọn thế nào. Cư dân Sài Gòn, anh Tiến bày tỏ :
"Trong tình hình Covid-19 hiện nay, nếu như ngân hàng cho lãi suất cao đối với vàng và tiền thì mình vẫn gửi. Nhưng cũng tại do dịch Covid-19 thì không có tiền dư giả để gửi ngân hàng".
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân, nói lại với RFA về chia sẻ của giới khách hàng của công ty bà mà họ là những người có của ăn của để :
"Có tiền, có vàng thì không gửi tại vì bây giờ vàng gửi là không có lãi suất rồi. Gửi chỉ có một Ngân hàng Nhà nước là giữ hộ thôi, không có lãi suất. còn tiền thì lãi suất đang hạ thấp xuống. Nhưng mà với tình hình kinh tế như vầy thì không ai có niềm tin vào ngân hàng. Nói chung là người ta cũng hạn chế lắm. Không phải tất cả đều không gửi, nhưng gửi ngắn hạn hay dài hạn là thùy theo đồng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên bây giờ dịch Covid-19 khó khăn thì một số người có thể gửi hoặc đổi sang mua bán bất động sản. Vậy thôi".
Trả lời câu hỏi của RFA rằng Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp hữu hiệu nào để có thể thu hút được người dân mang vàng gửi vào ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu lên ý kiến của ông :
"Có lẽ cách duy nhất là chính Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra để huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng (gold certificate) và trả một lãi suất nào đó trên chứng chỉ vàng thì người dân ít nhất là họ được hưởng lãi trên số vàng họ gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai nữa, với chứng chỉ vàng của Ngân hàng Nhà nước thì niềm tin lớn hơn nhiều so với gửi vàng tại bất cứ một tổ chức kinh tế nào, ngay cả gửi vào tại ngân hàng. Thành ra, Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra làm chuyện đó".
Chuyên gia tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đồng thời nhấn mạnh một điều cũng rất quan trọng liên quan việc người dân nhận lại vàng sau thời gian gửi vào Ngân hàng Nhà nước :
"Vấn đề thanh toán chứng chỉ vàng phải rất nhanh nhạy và chứng chỉ vàng là cam kết của Ngân hàng Nhà nước trả lại số vàng cho người dân mà họ đã gửi. Thành ra, phải bảo đảm số vàng mà người dân nhận trở lại là đúng với chất lượng vàng như lúc người dân đã nộp vào. Tức là, vàng lúc đầu vào phải được kiểm nghiệm và phải được được một số tiêu chí để khi tới đáo hạn thì Ngân hàng Nhà nước trả lại cùng với số lượng và tất cả tiêu chí định lượng, định tính như thế để trả lại cho người dân".
Trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn chưa tìm ra được cơ chế để huy động vàng trong dân chúng tại Việt Nam trong gần một thập niên qua, thì một vài chuyên gia kinh tế cảnh báo về người dân không có niềm tin chắc chắc trong việc Chính phủ kêu gọi huy động vàng. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, hồi hạ tuần tháng 8/2018 từng lên tiếng với RFA rằng :
"Đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. Tại vì từ năm 2011 cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi của dân và các chuyên gia phản biện là làm thế nào để Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ bảo đảm vàng của dân gửi vào Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ trở lại với dân".
Còn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, từ Hoa Kỳ, trước đó vào đầu tháng 8/2017 cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ không thể đưa ra được bất kỳ phương án khả thi nào trong việc huy động vàng hay đồng đô la trong dân chúng và nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và "Hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng".
Từ đó đến nay vàng, tiền nhàn rỗi trong dân vẫn là nguồn mà Chính phủ Hà Nội nhắm đến. Thế nhưng, làm thế nào để dân tin tưởng trao khoản tiết kiệm lớn lao đó cho Nhà nước vẫn là bài toán chưa thể giải của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
Nguồn : RFA, 11/01/2021
********************
Có thể tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội ?
RFA, 11/01/2021
Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới đây đã gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.
Một góc khu vực người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Photo : RFA - Ảnh minh họa.
Theo thông tin trong văn bản dược báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải ngày 11/1, cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội bày tỏ :
"Nếu cái đấy với lãnh đạo nhà nước có thể không sao, còn nếu với người dân thì cái đấy rất nguy hiểm. Như thế rất kỳ lạ, một người tham nhũng thì phải kết luận người ta tham nhũng, cái đấy phải xử xong mới tịch thu tài sản chứ. Chưa xét xử thì sao biết cái đấy tham nhũng hay không tham nhũng ?"
Với kinh nghiệm hoạt động trong ngành luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn cũng cho rằng đề xuất vừa nêu của Viện Kiểm sát Tối cao chưa ‘chuẩn’. Ông giải thích :
"Mặc dù về ý nghĩa anh nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay nó vi phạm luật hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu ?".
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, thông tin báo chí đăng tải dẫn nội dung văn bản của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ là dự thảo. Ông nhận định :
"Tôi thấy dự thảo Viện Kiểm sát lần này cũng là góp phần để công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến hơn. Tôi thấy tỉ lệ tham nhũng hiện nay, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua thấp. Ngay cả nghị trường Quốc hội cũng cho rằng tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc nhưng không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để và không đạt được mục tiêu. Tỉ lệ thu hồi tham nhũng vừa qua tôi thấy thấp và khá khiêm tốn so với tiệt hại lớn mà tham nhũng gây ra cho nhà nước. Do đó tôi thấy khó khăn nhận diện tham nhũng đa số là những đối tượng tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ và có trình độ nên khi họ phạm tội đều có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi rồi tẩu tán, hợp thức hóa tài sản. Có những trường hợp xài hoang phí nên khi phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả".
Hội nghị Chính phủ về xây dựng thể chế 24/11/2020. VGP
Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện nay cơ quan tố tụng chưa quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng. Trước tình trạng này, vừa rồi chính phủ cũng có quy định mở rộng việc công khai tài sản.
Luật sư Hậu cho rằng ý kiến mới đưa ra của Viện Kiểm sát Tối cao để tham khảo các ngành, các cấp để làm sao phát huy hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng từ thực trạng mà ông vừa nêu.
Theo thắc mắc của cử tri Hải Phòng nêu ra đối với Viện Kiểm sát, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự được áp dụng trong thực tiễn mới chỉ chú ý đến việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội mà chưa chú trọng làm rõ đến tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xác minh làm rõ, thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể làm cơ sở để thực hiện tốt công tác kê biên tài sản, một biện pháp tố tụng được đánh giá là quan trọng để đảm bảo thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng là việc không hề dễ dàng nên với dự thảo mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đang nghiên cứu sẽ phần nào góp phần đem lại kết quả tích cực :
"Bởi vì đây là một công tác khó khăn, do dó nếu như có dấu hiệu thì mình sẽ tạm giữ tài sản đó để phục vụ công tác kê khai, kê biên và xác định thu hồi tài sản và kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản đó để phục vụ cho công tác thi hành án sau này. Mục đích cuối cùng là như vậy".
Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra khoản còn thiếu của luật pháp hiện nay khi xét xử về tham nhũng :
"Họ thường chỉ căn cứ tài sản của chính người bị xét xử, tức bị can, bị cáo thôi, đôi khi tài sản họ tham nhũng có thể họ tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình chẳng hạn đứng tên. Thế thì anh nghĩ cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ đối với bị can, bị cáo. Như vậy mới có cơ sở thu hồi tài sản họ thu lợi bất chính".
Theo thông tin ông Nguyễn Duy Giảng đưa ra trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, bên cạnh dự thảo tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội vừa nêu, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao còn đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để trình Chính phủ, đề xuất cả việc đề ra các phương án và kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng.
Bộ Tư pháp Việt Nam vào tháng 6/2020 vừa qua đưa nội dung về việc bổ sung các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật. Dự thảo này gây nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ.
Nguồn : RFA, 11/01/2021
‘Lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm !’, hay lại tìm cách móc túi dân ?
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, một số đại biểu quốc hội đang xót xa cho két ngân sách hộc rỗng bằng cách một lần nữa hô hào "phải vay nhiều tỷ USD nhưng lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm !".
Nguyễn Xuân Phúc cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu thì "thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi đó, lượng vàng và ngoại tệ của dân còn rất lớn".
Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm than thở.
Những lời kêu gào ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017, 2018 và 2019 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015.
Trong khi đó, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…
Vào tháng Mười năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc "Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển".
Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân, dù đến nay Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng.
Không chỉ thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng, mà từ sau đại hội 12 đến nay, khá nhiều lần Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, tái hiện lại chủ trương mà Ngân hàng nhà nước đã có đề án 'lấy mỡ nó rán nó" vào cuối năm 2011 nhưng không thành công vì gây ra nhiều nghi ngờ.
Lần này cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại càng gia tăng nỗi lo lắng và cả sợ hãi về "quyết tâm thu hồi vàng trong dân" của Ngân hàng nhà nước, nhưng trong thực tế nhiều năm qua chính quyền vẫn chưa có giải pháp đủ thuyết phục nào, hoặc chẳng bao giờ có được giải pháp nào đủ thuyết phục, để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng.
500 tấn vàng trong dân, cũng bởi thế, vẫn giống như mỡ treo miệng mèo mà chưa thể ‘hốt’ được’.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu, cùng nhiều dấu hiệu rủi ro ở Agribank, Vietinbank, Eximbank, DongAbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., hoặc hiện tượng "tiền tiết kiệm bốc hơi" xảy ra trong những năm gần đây đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ "không cánh mà bay".
Từ khi Ngân hàng nhà nước dự trù thực hiện đề án huy động vàng vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào từ phía Ngân hàng nhà nước để trưng ra sự bảo đảm của họ.
Điều đơn giản là nếu lần này Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 05/06/2019
Về giá trị tuyệt đối, số thu dự kiến cho ngân sách năm 2018 vẫn "năm sau cao hơn năm trước" do chế độ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" cưỡng bức dân đóng thuế "kiến tạo" và còn phải bán vốn nhà nước trong những doanh nghiệp "bò sữa" cho tư nhân, nhưng về tỷ lệ tăng so với dự toán thì lại là một thất bại đau đớn của nhà nước cộng sản.
Người chăn vịt trên một con kênh ở ngoại ô Huế. Hình chụp tháng Giêng, 2018. (Hình : Hoàng Đình Nam / AFP/Getty Images)
"Vượt dự toán thấp nhất trong 4 năm !"
Một bản báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam được công bố vào tháng Mười năm 2018 đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán đầu năm 39,2 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán – nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.
Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, thu từ đất không ổn định còn thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5 USD/50 USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.
Có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đáng chú ý, Sài Gòn, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp (năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao). Tỷ lệ huy động từ thuế, phí 20,7% GDP cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra 21% GDP.
Thu ngân sách trung ương dù đạt 100,8% so với dự toán, chiếm tỷ trọng 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước nhưng thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2018 từ 60-65%…
Nếu tiến độ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" xảy ra theo đúng dự báo của Kiểm toán nhà nước và "Bộ Thắt Cổ" (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho Bộ Tài chính với vô số sắc thuế "kiến tạo" đè đầu dân), mức thu vượt dự toán 3% của năm 2018 sẽ là sự tiếp nối của một năm nữa, sau năm 2017 chỉ có mức thu thực tế dự toán khoảng 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức vượt dự toán lên tới 8-9% của những năm trước – khoảng thời gian mà doanh nghiệp và dân chúng vẫn còn một số nguồn tài chính dự trữ chứ không đến mức phát sinh nhiều dấu hiệu cạn kiệt như hiện thời.
Nhìn lại năm 2017, nếu không tính đến vụ chính phủ phải bán vốn Tổng công ty Rượu Bia-Nước Giải Khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017 (1.212 ngàn tỷ đồng).
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Nguồn thu từ nhà đất sẽ đổ nhào vào năm 2019 ?
Nỗi lo lắng của cơ quan Kiểm toán nhà nước về nguồn thu từ nhà đất và dầu thô "không ổn định" (hay còn được xem là "cấu trúc thu không bền vững") cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam : nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn "không ổn định" theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại ?
Trong một cuộc báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính bộ trưởng "Bộ Thắt Cổ" – ông Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017 : dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo của Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Hãy nhớ lại, vào năm 2017 chính "Bộ Thắt Cổ" đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Năm 2017 lại là năm mà thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ "đánh lên" ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là "đánh lên" dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng – hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80-90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng Cục Thuế một năm bội thu.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019, hoặc có thể ngay trong năm 2018.
Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước cộng sản : Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức "còn đảng còn mình" mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi ?
Lại in tiền ồ ạt ?
Nhưng vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để "bù đắp khó khăn ngân sách" đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ tuyệt đối không phải "được kềm chế dưới 5%/năm" như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng – tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính trị đảng và Ngân hàng nhà nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 – 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng "tiền ra như nước Sông Đà".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 28/10/2018
Việt Nam : Bất cứ tiệm vàng nào ‘cũng có thể bị công an ập vào khám xét’ (Người Việt, 28/10/2018)
Vụ phạt cả tiệm vàng và người đổi 100 USD đến nay vẫn chưa ngã ngũ giải pháp của nhà chức trách trong lúc có tin Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình "chỉ đạo xem xét tính pháp lý của vụ việc".
Tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo trang Thông tin Chính phủ, ông Bình "giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 30 tháng Mười".
Điều đó cho thấy khi vấp phải phản ứng của công luận, giới chức cộng sản Việt Nam cũng cảm thấy "lấn cấn" trong việc xử lý vụ này sao cho êm.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, lên tiếng trên báo Tuổi Trẻ : "Việc doanh nghiệp của tôi (tiệm vàng) bị khám xét hai lần trong vòng sáu tháng là một nỗi thống khổ vô cùng lớn. Phải chi chúng tôi làm ăn bất chính thì không nói. Nhưng không, chúng tôi chỉ vướng vài vi phạm hành chính nhỏ về nhãn mác, sản xuất. Vấn đề này chắc nhiều doanh nghiệp khác đôi khi cũng mắc phải. Đáng lẽ ra chính quyền cần tuyên truyền, phạt để răn đe, nhắc nhở doanh nghiệp sửa sai, đằng này lại đi tịch thu tài sản cá nhân của gia đình là quá mức".
"Nhắc đến những đợt bị khám xét nhà, có thể nói đó là nỗi ám ảnh vô cùng lớn. Nó còn khiến bản thân doanh nghiệp có thâm niên gần 20 năm như chúng tôi cũng muốn phát bệnh. Có lúc, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện dẹp tiệm nghỉ cho xong. Tài sản bị thu giữ nhiều tháng trời, gây ảnh hưởng kinh doanh, bạn bè, khách hàng xì xầm bàn tán ra vô. Doanh nghiệp cũng bị triệu tập lên xuống hàng chục lần, ôm sổ sách đi chứng minh nhiều tháng trời. Thử hỏi ai còn tinh thần để kinh doanh, buôn bán ?", ông Lực được tờ báo dẫn lời.
********************
Quan chức ký quyết định phạt 3.850 USD vì đổi 100 USD là người như thế nào ? (Người Việt, 25/10/2018)
Trong lúc vụ phạt 3.854 USD vì đổi 100 USD ở Cần Thơ vẫn đang gây bàn tán rôm rả trên mạng xã hội, công luận chú ý đến chi tiết người ký quyết định vụ này là ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ.
Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ. (Hình : Báo Pháp Luật)
Ông Nam được suy đoán thuộc "vây cánh" còn sót lại đến nay của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Báo Dân Trí hồi năm 2016 từng viết : "Dưới thời ông Vũ Huy Hoàng, tại Cục Quản lý Thị trường từng xảy ra "bê bối" (lộ đề thi) trong kỳ thi tuyển công chức vào năm 2013. Và người phụ trách đơn vị xảy ra chuyện đó là ông Trương Quang Hoài Nam, từ vị trí cục trưởng đã được luân chuyển đi làm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ".
"Lẽ ra, là người chịu trách nhiệm chính trước sai phạm đó với tư cách là chủ tịch Hội đồng thi tuyển dụng, ông Nam phải chịu hình thức kỷ luật chứ không phải chỉ là phê bình nghiêm khắc như Bộ Công thương đã làm. Ấy vậy mà ông Nam vẫn ung dung đi luân chuyển một cách ‘đáng ngờ,’" tờ báo viết.
Thời điểm đó, trả lời báo Dân Trí, ông Nam nói : "Tôi vào Cần Thơ là Ban Tổ chức trung ương phân công. Tôi không có một điểm tựa nào ở Bộ Công thương, nếu không tin nhà báo có thể kiểm tra ở bộ sẽ rõ. Cứ hỏi các thứ trưởng, bộ trưởng xem tôi là người như thế nào. Còn chuyện luân chuyển cán bộ thì phải hỏi Ban Tổ chức trung ương. Chưa bao giờ tôi xin đi tỉnh nọ, tỉnh kia. Tôi thuộc diện 44 cán bộ luân chuyển của Trung Ương".
Viết trên mạng xã hội, blogger Huỳnh Phương phân tích những hình ảnh chụp ông Nam và những sở thích hàng hiệu của ông này : "Cứ cho là vì ghét đế quốc Mỹ nên ông Trương Quang Hoài Nam ký quyết định phạt nặng nhất vụ đổi 100 USD. Nhưng ngoài sở thích chơi các loại mô tô mắc tiền, ông Nam còn thích đồng hồ, cũng xài Apple Watch Series 3. Và trong hình kia hình như là Tissot, trong khi ai cũng biết lương công chức chỉ đủ sống giản dị…".
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận trên trang cá nhân : "Trên Facebook của Nam hiện đã đóng, thì ngoài một quan chức, ông còn là ‘dân chơi xe’ mô tô đắt tiền. Theo một số bạn rành về xe, thì chiếc Honda CB 1000cc này khoảng 450 triệu đồng (19.278 USD), ngoài ra ông còn một số xe đắt tiền khác. Là một công dân Việt Nam, tôi biết lương phó chủ tịch một thành phố không quá 15 triệu đồng (642 USD), vậy tôi yêu cầu ông Trương Quang Hoài Nam cho biết tiền đâu để ông chơi xe đắt tiền ? Tôi cũng trịnh trọng lưu ý ông Trương Quang Hoài Nam rằng yêu cầu này là đúng luật theo nguyên tắc ‘dân có quyền kiểm tra cán bộ nhà nước.’" (T.K.)
******************
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về vụ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng (RFA, 26/10/2018)
Cơ quan phía Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được chỉ định kiểm tra hồ sơ và tư vấn cho Chính quyền Cần Thơ trong việc xử lý vụ một người dân bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 đô la Mỹ tại tiệm vàng địa phương.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - Courtesy : sbv.gov.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho báo giới biết thông tin vừa nêu bên lề hàng lang Quốc hội, vào sáng ngày 26 tháng 10.
Ông Lê Minh Hưng phát biểu rằng Nghị định 96 năm 2014 quy định mức phạt hành chính từ 80 đến 100 triệu đồng trong lãnh vực tiền tệ và ngân hàng đang được lên kế hoạch sửa đổi trong năm 2018.
Ba ngày trước, vào chiều hôm 23 tháng 10, UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê, người đem đổi 100 đô la Mỹ tại tiệm vàng Thảo Lực, ở quận Ninh Kiều hồi cuối tháng Giêng năm 2018. Và, UBND thành phố Cần Thơ phạt tiệm vàng Thảo Lực 295 triệu đồng, kèm theo tịch thu tờ 100 đô la mà tiệm vàng này vừa đổi cùng 20 viên kim cương và nhiều viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.
Truyền thông trong nước mấy ngày qua đăng tải thông tin sau khi vụ việc đổi đô la Mỹ ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu, rất nhiều người tìm cách đổi ngoại tệ ở thị trường chợ đen, điển hình là hoạt động trao đổi ngoại tệ tại phố cổ Hội An, Quảng Nam được ghi nhận rất nhộn nhịp.
Có thể hiểu "deadline" thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ được khoảng 3 năm nữa, tức đến năm 2021 - trùng với kỳ đại hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
Bộ Trưởng Mattis thắp nhang tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội.
"Tin mừng"
"Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi", ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro - thông báo "Tin mừng" tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 2/2018.
Điều đó có nghĩa là ngay cả mỏ Bạch Hổ - cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay - đã vào giai đoạn suy kiệt.
Thông tin trên rất dễ khiến giới chóp bu Việt Nam mất ngủ, cho dù họ đã thừa biết thực trạng "thiếu ăn" đó, khi hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên.
Cũng phá sản "tầm nhìn đến năm 2030" của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vào năm 2010 - 2011, PVN và chính phủ của ông Dũng đã hết sức lạc quan khi ước tính trữ lượng dầu của Việt Nam đủ để khai thác đến năm 2030. Nhưng chỉ vài năm sau đó khi tốc độ khai thác được đẩy mạnh gấp đôi, "deadline" cho trữ lượng dầu lại được gia giảm đến năm 2025.
Còn bây giờ thì chẳng còn ai nói đến "năm 2030" nữa.
Trong hai năm trở lại đây, "deadline" mới đã được thiết lập : trữ lượng dầu chỉ còn đủ để khai thác trong 4 -5 năm.
Nhưng "deadline" trên cũng chỉ mang ý nghĩa hết sức tương đối. 3 năm khai thác tối đa là khoảng thời gian có thể dễ hình dung hơn.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí…
Nhưng theo báo cáo của PVN, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì năm 2016, 2017 PVN đều không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.
2017 là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay, chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử. Một quan chức của PVN là Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn phải thừa nhận : "trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước".
2015 cũng là một năm "lịch sử" dành cho ngân sách Việt Nam.
Khoảng trống toang hoác ngân sách
Sau tiết lộ chấn động "ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì" của Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015, tình hình ngân sách chính phủ (bao gồm cả ngân sách đảng cầm quyền) chưa bao giờ quay quắt như những năm sau đó. Đến đầu năm 2017, chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo "sụp đổ tài khóa quốc gia". Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là "khó khăn gấp bội năm 2016" - như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.
Một trong những "khó khăn gấp bội" như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm, phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" của Bộ Tài chính.
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình" - tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.
Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến độ khai thác dầu để "bảo đảm an ninh năng lượng" như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, Chính phủ còn phải nêu ra một đề xuất đặc biệt : gia tăng sản lượng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, phía Ủy ban kinh tế quốc hội lại "lăn tăn" trước đề xuất này. Lý do đơn giản là trữ lượng dầu thô của Việt Nam chẳng còn bao nhiêu, do đó "cứ đào lên mà ăn" như tốc độ hiện nay thì chẳng mấy lúc sẽ hết sạch.
Hy vọng cuối cùng Cá Voi Xanh
Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - khoan thăm dò thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng nguồn thu ngoại tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị "đối tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra "biến lớn" ở mỏ khí đốt trên.
Nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính - khu vực vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Tâm thế "giương cờ trắng" quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn : Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị "người đồng chí 4 tốt" o ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn được.
Sau thất bại ở Bãi Tư Chính, hy vọng hiếm muộn còn lại của chính quyền Việt Nam chỉ còn là mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối - nơi mà tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã được giới quan chức Hà Nội bật đèn xanh cho việc chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh.
Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Nhưng lại đang có những dấu hiệu cho thấy ExxonMobil phải tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh do sức ép của Trung Quốc. Kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế - lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, một khả năng có thể đã xảy ra Hà Nội một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Những chuyến đi con thoi của hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và James Mattis giữa hai nước, cùng triển vọng một tàu sân bay của Mỹ có thể hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong thời gian tới rất có thể là một động tác phục vụ quan điểm "tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông" nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc. Và nhằm bảo vệ ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 16/02/2018
Dù tỷ lệ đại biểu Quốc hội Việt Nam giữ được tinh thần tỉnh táo đã lên 14% như một biểu hiện của tư thế tỉnh ngủ, vẫn còn đến 86% "gật thiểu năng" với báo cáo đề xuất của chính phủ về dự toán thu – chi ngân sách năm 2018, bất chấp một thực tế quá ư đe dọa là thu ngân sách năm 2017 trở nên tồi tệ hiếm có.
Người dân Việt Nam đang è cổ đóng thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức. (Hình : Getty Images)
Đời đổi – não không đổi
Tại kỳ họp tháng Mười – tháng Mười Một, 2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị Quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng ; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng ; mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP. Bội chi ngân sách địa phương là 9..000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng…
Như vậy, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2018 được "quyết tâm" tăng thu hơn 8% so với số dự toán thu năm 2017. Còn tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng được phóng khoảng 10% so với dự toán chi năm 2017.
Có thể hiểu một "cơ sở" quan trọng để Quốc hội ra nghị quyết cho những con số dự toán thu – chi chỉ có tăng không có giảm ấy là dựa vào "kinh nghiệm" những năm trước, cứ đều đặn năm sau lại dự toán thu – chi tăng khoảng 10% so với năm ngay trước đó. Lần này cũng vậy, đời thay đổi nhưng não trạng và quán tính đều không di dời.
Tuy vậy, người tính không bằng trời tính. Cơ sở tăng thu – chi khoảng 10% của chính phủ và Quốc hội đã rất có thể bị phá sản gần như hoàn toàn khi kết thúc năm 2017, bởi nếu năm 2017 giới quan chức dự báo thu ngân sách tăng đến gần 9% so với dự toán đầu năm, thì đến nay chính giới quan chức đó đã phải thừa nhận kết quả thu năm 2017 chỉ có thể tăng khoảng 2,3% so với dự toán năm.
Nhưng 2,3% chỉ là con số mà Bộ Tài chính báo cáo chính phủ, để chính phủ "phổ cập" cho Quốc hội. Còn trong thực tế và ứng với tốc độ thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm 2017, năm nay không chỉ là năm thứ ba liên tiếp ngân sách trung ương bị hụt thu, mà còn là năm đầu tiên số thu ngân sách có thể bị sụt khoảng 7 – 8% so với dự toán đầu năm, theo đó bị giảm so với năm liền trước – một biểu hiện rất rõ rệt về biểu đồ xuống dốc và có thể biến thành lao dốc của thu ngân sách trong năm 2018 và những năm sau "toàn đảng, toàn dân và toàn quân tiến tới đại hội 13", nếu còn có đại hội này.
Cũng có một hiện tượng cay đắng mới cho ngân sách quốc gia : cùng với Hà Nội, ngay cả Sài Gòn cũng có thể bị hụt thu trong năm 2017, với mức hụt thu so với dự toán đầu năm lên tới 7-8%. Hiện tượng này cho thấy chẳng khác gì báo chí nhà nước kêu gào suốt từ năm 2011 đến nay về "sức dân và sức doanh nghiệp đã kiệt".
Trong khi đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017 như khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng này phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 6,7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.
Trong tình cảnh đó, quá khó để dự báo rằng 2018 sẽ là năm mà thu ngân sách đạt bằng với số thu thực tế của năm 2017, chưa nói gì đến dự toán "trên trời" của Quốc hội và chính phủ.
Cần lưu ý, mức bội chi ngân sách 3,7% GDP cho năm 2018 mà Quốc hội "nhất trí cao" thực ra là hệ quả của báo cáo của chính phủ về mức bội chi ngân sách năm 2017 chỉ có 3,5% GDP, tức thấp hơn hẳn thời bị người dân xem là "ăn tàn phá hại" của đời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng – cao điểm là năm 2013 với tỷ lệ bội chi 6,6% GDP. Tuy nhiên trong thực tế, từ năm 2016 chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể do hoảng hồn trước núi bội chi để lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng, đã âm thầm chỉ đạo loại nợ gốc khỏi bội chi ngân sách, do đó trên sổ sách đã giảm trừ được khoảng 5 – 5,5 tỷ USD, tương đương hơn 100 ngàn tỷ đồng khỏi bội chi. Còn nếu giữ nguyên nợ gốc và trong tình hình tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn chậm chạp (tức bội chi ngân sách phải tính cả phần chi đầu tư phát triển chưa giải ngân), tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2017 sẽ vọt đến 7% GDP hoặc hơn thế.
Vậy nếu không thể thu đủ cho ngân sách năm 2018, chính phủ sẽ lấy đâu ra tiền để chi hơn 1,5 triệu tỷ đồng theo "quyết tâm" của Quốc hội ?
Câu trả lời thật đơn giản : in tiền
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi vậy không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng. Hàng năm, chính phủ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng và thu về tiền mặt, sau đó lại dùng tiền mặt để trả lãi và nợ gốc cho các ngân hàng. Nhiều năm tích dồn lại, hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chất núi tiền mặt, trong khi ngày càng quá khó để đẩy tiền ra lưu thông bởi nền kinh tế Việt Nam đang lao vào năm thứ 9 suy thoái liên tiếp kể từ năm 2008, tình trạng bế tắc đầu ra trở nên quá phổ biến, khiến đa số doanh nghiệp đều "không biết vay để làm gì".
Trong một diễn biến có vẻ rất liên quan với cảnh trạng trên, vào ngày 8 tháng Mười Một, 2017, nhà máy in tiền quốc gia tổ chức "lễ khánh thành xưởng sản xuất mực in tiền". Trước đó, vài quan chức giới ngân hàng đã tự hào : "Ngân hàng nhà nước có sẵn máy in tiền thì lo gì !"
Gần đây, ngân hàng thế giới (WB), một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, đã phải cảnh báo Việt Nam không nên in tiền quá nhiều mà có thể dẫn tới lạm phát tăng cao.
Bất chấp con số báo cáo của chính phủ về tỷ lệ lạ phát luôn nằm dưới mức 5%, nhưng thực tế giá cả tiêu dùng và đời sống đã khiến nhiều người dân ta thán là trong hàng chục năm qua, lạm phát thật sự đã lên ít nhất vài chục phần trăm mỗi năm. Nhiều mặt hàng sinh hoạt đã tăng giá gấp 2-3 lần chỉ trong một năm.
Tất nhiên, 86% đại biểu quốc hội có thể "gật thiểu năng" cho một dự phóng về mức chi ngân sách khủng lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng cho năm 2018. Nhưng họ cũng nên biết rằng nếu quả thực nền chính trị và kéo theo cơ quan "của dân, vì dân" đạt tới con số chi ấy, mặt bằng giá cả xã hội sẽ có thể trở nên hỗn loạn khiến dân chúng – vốn đã phải è cổ đóng thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức – càng bội phần điêu đứng và hoảng loạn mà rất dễ sinh biến.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 26/11/2017
Tình trạng ngân sách nhà nước rơi vào cảnh bí bách chẳng phải là điều mới mẻ gì, mà đó là thực tế công chúng Việt Nam đã biết đến từ vài năm gần đây.
Hội chứng "hết tiền trả lương"
Sự kiện đầu tiên báo hiệu tình trạng ngày một xấu đi này diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2015, khi một loạt tờ báo "chính thống" đồng loạt chạy những hàng tít như "Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động", hay thậm chí còn bi đát hơn : "Thành ủy Bạc Liêu không chỉ hết tiền mà còn... nợ nần chồng chất".
Câu chuyện Thành ủy Bạc Liêu vỡ nợ chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại rộ lên trước thông tin về thực trạng tương tự ở Cà Mau, khi không chỉ UBND thành phố Cà Mau nợđầm đìa, không còn tiền trả lương cho công chức, mà cả huyện Cái Nước cũng hết tiền chi lương, phải cầu cứu ngân sách tỉnh.
Hai sự kiện xẩy ra liên tiếp này tuy khiến dư luận bàn tán xôn xao, nhưng không khiến người ta phải quá ngạc nhiên, bởi chỉ hơn một tháng trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã "bộc bạch" trong một tâm trạng đầy ưu tư tại phiên thảo luận tổ của các Đại biểu quốc hội : "Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ".
Lương cơ sở tăng lên mức 1,3 triệu đồng từ ngày 1/7/2017 - Ảnh minh họa
Lo sợ tình trạng nợ lương công chức sẽ gây ra phản ứng dây chuyền cùng những tác động tiêu cực khó lường trong xã hội nên chỉ ít ngày sau hai vụ lùm xùm ở Bạc Liêu và Cà Mau, Bộ Tài chính đã cấp tốc gửi công văn xuống các địa phương, yêu cầu không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan quản lý ngân khố quốc gia thậm chí còn "vẽ đường" cho các địa phương như giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện các khoản chi chưa cần thiết ; sử dụng thêm các nguồn lực tài chính của địa phương như quỹ dự trữ tài chính, v.v. ; và nếu thực hiện các giải pháp trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn thì cần báo cáo bằng văn bản lên cấp trên, để cho phép tạm ứng nguồn chi.
Tuy nhiên, sau công văn chỉ đạo nói trên của Bộ Tài chính chỉ mươi hôm, báo chí lại loan tin về việc UBND xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh suốt hai tháng liền không có tiền trả lương cho cán bộ, công chức. Và cũng ở huyện Thạch Hà, mấy tháng sau vụ xã Thạch Khê nợ lương lại đến lượt xã Thạch Văn lên mặt báo vì nợ lương công chức.
Và chỉ cách đây vài hôm, báo chí lại rộ lên thông tin là cán bộ, công chức tại một số xã, phường trên địa bàn Thành phố Vĩnh Long đã không được nhận lương từ nhiều tháng qua.
Nợ lương công chức vốn dĩ là một chủ đề "nhạy cảm", nên những gì được phơi bày trên mặt báo mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Công an cũng không thoát
Công an là lực lượng mà giới lãnh đạo cộng sản thường ví là "thanh gươm của đảng". Một trong những khẩu hiệu mang tính chất "kim chỉ nam" của đội quân hùng hậu này là : "Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình". Điều này giải thích tại sao bộ máy công an luôn nhận được sự đãi ngộ đặc biệt và không ngừng phình ra, còn chế độ cộng sản Việt Nam vẫn được gọi là chế độ "công an trị".
Tuy nhiên, tình trạng ngân sách khốn khó cũng đã tác động đến lực lượng công an, đội quân kiêu binh mà xưa nay đảng vẫn dùng tiền để mua sự trung thành và tưởng như "bất khả xâm phạm". Chẳng hạn, trước kia cán bộ công an mỗi khi được điều động đi làm nhiệm vụ bên ngoài đều được nhận một khoản hỗ trợ khá hậu hĩnh (thường là 500.000 VND/ngày), nhưng nay khoản này hầu như bị cắt hẳn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cán bộ ngoại giao làm việc tại các nước là sĩ quan tình báo từ Tổng cục V, Bộ Công an "biệt phái" sang. Trước đây, cán bộ cấp lãnh sự (thường là sĩ quan tình báo biệt phái), đều được nhận thêm trợ cấp cho vợ (hoặc một người giúp việc), với mức trợ cấp bình quân mỗi tháng từ 400 đến 600 USD, bất kể người vợ có sống cùng chồng tại nơi công tác hay không. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay, khoản trợ cấp đó đã không còn.
Xin dẫn thêm một ví dụ từ Bắc Ninh, một tỉnh giàu có nằm ngay cửa ngõ thủ đô và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.
Trong cuộc cưỡng chế đất tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn ngày 22/12/2016, khoảng 450 cảnh sát đã được điều động để trấn áp bà con dân oan. Sau cuộc cưỡng chế, ngoài bữa ăn trưa, mỗi viên cảnh sát còn được nhận khoản "bồi dưỡng" 500.000 VND. Tất cả các khoản chi đều được lấy từ ngân sách công an. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chế đất cũng tại phường Đồng Kỵ ngày 20/9 vừa qua thì chỉ khoảng 350 cảnh sát được huy động. Và sau cuộc cưỡng chế, đội quân chuyên đàn áp dân đen đã không còn được nhận khoản "bồi dưỡng" mà bình thường họ vẫn nhận. Họ vẫn được ăn trưa, nhưng khoản chi đó cũng không phải được trích từ ngân sách công an, mà từ Trung tâm Quỹ đất tỉnh.
Điều tất yếu phải đến ?
Những hiện tượng nêu trên chỉ là "triệu chứng ngoài da" của một "con bệnh" mà ngay từ khi chào đời đã bộc lộ những bất ổn bên trong. Như một lẽ tự nhiên, càng ngày khả năng cầm cự của nó càng kém.
Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách đầu năm 2017, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thú nhận những thực tế đáng báo động như "Nợ công nếu tính đủ đã vượt trần", "Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng" hay "Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi".
Trong cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải ngày 16/3, người đứng đầu chính phủ cũng đã cảnh báo cơ quan quản lý hạ tầng quan trọng này là vốn ngân sách đang ở vào tình trạng cực khó.
Và trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ sựlo ngại về tình hình tài chính quốc gia : "Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững. Sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó".
Đâu là giải pháp ?
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận định là yêu cầu tinh gọn bộ máy hiện "không còn đường lùi". Tổng số công chức biên chế của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là 3.734.302 người, tức chiếm đến 4% dân số, gấp tới gần 6 lần so với tỷ lệ công chức/dân số ở Mỹ (chỉ 0,68%). Chưa hết, nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì số người mà ngân sách nhà nước phải "cõng" trên lưng lên tới con số 11 triệu.
Tổng số công chức biên chế mà ngân sách nhà nước phải "cõng" trên lưng lên tới con số 11 triệu - Ảnh minh họa -(cửu vạn Lạng Sơn)
Không một quốc gia nào, dù giàu có đến đâu, có thể nuôi nổi một đội quân khổng lồ như thế bằng tiền thuế của dân.
Cách đây mấy năm, dư luận đã tá hỏa trước thông tin một xã nghèo với 9.500 dân ở Thanh Hoá nhưng lại có đến… 500 cán bộ. Và đây không phải là trường hợp cá biệt trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam.
Thực ra, không phải bây giờ ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam mới kêu gào "tinh giản biên chế" hay "tinh gọn bộ máy", mà vấn đề này đã được đặt ra ngay từ thời họ còn ở "thủ đô kháng chiến" Việt Bắc. Từ đó đến nay, đây là một trong những "điệp khúc" mà công chúng Việt Nam được nghe nhiều nhất, song tình hình lại ngày một trầm trọng hơn.
Lần này cũng vậy, số lượng biên chế hay số cơ quan trong hệ thống chính trị không thể nào giảm được chỉ bằng cách kêu gào, hay bằng "quyết tâm chính trị" kiểu cộng sản.
Trong bối cảnh áp lực nợ công ngày một lớn, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đang đuối dần, mức độ ưu đãi của các khoản vay từ các đối tác phát triển (World Bank, ADB hay IMF…) hầu như không còn, gánh nặng bộ máy đảng - chính quyền - đoàn thể tiếp tục chồng chất trên lưng người đóng thuế, ngân sách nhà nước ngày càng khốn quẫn, ban lãnh đạo Việt Nam xem ra chỉ còn giải pháp duy nhất để duy trì tăng trưởng và đảm bảo ổn định xã hội : Cải cách chính trị song hành với cải cách kinh tế.
Ngược lại, nếu vẫn cứ đà này, sự đổ vỡ của nền tài khoá quốc gia kéo theo sự sụp đổ của hệ thống là thực tế khó tránh khỏi. Đó là một cái giá đắt đến đến mức không ai mong muốn.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 26/10/2017
Chính phủ quyết "siết" thu chi ngân sách, quản chặt nợ công (VnEconomy, 20/06/2017)
Huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP ; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85% ; thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16% ; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.
Chương trình nhấn mạnh việc rà soát danh mục các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay nợ công, kiên quyết cắt giảm các chương trình, dự án không đảm bảo hiệu quả, chưa thực sự cần thiết.
Đây là một số mục tiêu đáng chú ý trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Cũng theo chương trình này, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách Nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.
Chương trình nhấn mạnh việc rà soát danh mục các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay nợ công, kiên quyết cắt giảm các chương trình, dự án không đảm bảo hiệu quả, chưa thực sự cần thiết.
Tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện Luật Đầu tư công, đổi mới căn bản thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt công tác lập dự án và đánh giá, thẩm định dự án, cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng.
Rà soát, đổi mới để khuyến khích hơn nữa đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển kinh tế xã hội ; có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường ; hạn chế, loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài Nhà nước có thể đảm nhận.
Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng ; xử lý cơ bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay bảo đảm cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Song Hà
******************
Trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị cách chức (RFA, 20/06/2017)
Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, ông Lương Duy Hanh, chính thức bị cách chức với lý do liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên tại bốn tỉnh bắc miền Trung từ hồi đầu tháng tư năm ngoái.
Bộ Tài nguyên và môi trường vừa có quyết định cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đối với ông Lương Duy Hanh do liên quan đến vụ Formosa.
Tin cho biết vào ngày 20 tháng 6 Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường ký quyết định cách chức ông Lương Duy Hanh.
Vào đầu tháng sáu vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng công bố quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong đảng đối với ông Lương Duy Hanh. Lý do được nêu ra vì ông Lương Duy Hanh trong cương vị cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thiếu trách nhiệm thanh tra đối với dự án Formosa, không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong thời gian thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy thép gây thảm họa môi trường.
Tuy bị cách chức cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, ông Lương Duy Hanh được điều sang làm chuyên viên tại Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Ông Lương Duy Hanh không phải là người duy nhất bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật về mặt đảng. Vào ngày 21 tháng tư vừa qua, Ban bí thư cũng có quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự, bao gồm cả cách chức các chức bí thư ban cán sự đảng UBND, phó bí thư, bí thư tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang cũng bị cảnh cáo ; hai thứ trưởng Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai cũng bị kỷ luật vì phần trách nhiệm trong thảm họa môi trường Formosa.
*******************
Khởi tố lãnh đạo các dự án thua lỗ (RFA, 20/06/2017)
Thêm bốn cựu viên chức tập đoạn dầu khí Petro Việt Nam có lệnh bị bắt giữ để điều tra liên quan đến các cáo buộc tham nhũng tại hai công ty con của tập đoàn này là Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) và Công ty Cổ Phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).
Ông Vũ Đình Duy (giữa) tại lễ ký bàn giao nhà máy xơ sợi Đình Vũ hôm 14/3/2014. Photo courtesy of pvn.vn
Thông tin này được cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, gọi tắt là cơ quan C46, công bố vào ngày 20 tháng 6 nay.
Theo lệnh những người bị bắt tạm giam được cho biết gồm các ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị PVTEX, ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX, ông Vũ Phương Nam, nguyên kế toán trưởng PVTEX, ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX.
Ngoài ra còn có ông Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trước đó. Ông Hồng là Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc PVC.KBC.
Theo cơ quan công an thì cả năm người này đều bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" qui định tại điều 165 luật hình sự Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên trường hợp ông Vũ Đình Duy đến nay vẫn không rõ đang ở đâu.
Cũng trong ngày 20 tháng 6, Trung ương đảng cộng sản Việt Nam công bố ý kiến chỉ đạo của đảng cộng sản về việc xử lý các vụ bê bối liên quan đến Bộ công thương, cơ quan chủ quản của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Chỉ đạo này của Bộ chính trị được đưa ra vào ngày 17 tháng sáu, và có các điểm chính gồm đến hết năm 2018 sẽ xử lý xong về cơ bản các yếu kém của các dự án thuộc bộ công thương. Trong việc xử lý sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có sai phạm.
Nhà nước sẽ không cung cấp vốn cho các dự án đang thua lỗ và cho phá sản các doanh nghiệp không có khả năng khôi phục vì các dự án thua lỗ.
Ban cán sự đảng cộng sản của chính phủ, thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan để xử lý.
Xin được nhắc lại là các dự án thua lỗ được cho là có liên quan đến tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thu hút sự chú ý rất lớn của công luận trong thời gian qua.
Liên quan đến vụ này đã có một nguyên cán bộ cao cấp của tập đoàn dầu khí là ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài và bị Việt Nam phát lện truy nã.
Ngoài ra ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng bị cách chức bằng cách tước bỏ danh hiệu cựu bộ trưởng. Và mới đây nhất là ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cũng bị cách cức ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy vì những sai phạm của ông khi còn là một trong những quan chức tập đoàn dầu khí trước đây.
********************
Việt Nam được yêu cầu giải thích về xuất siêu sang Mỹ (RFA, 20/06/2017)
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết trong vài ngày tới Hà Nội phải gửi thông tin cho phiên điều trần về lý do tại sao Việt Nam có tình trạng xuất siêu sang Mỹ theo yêu cầu của Washington.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội ngày 21 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Thông tin do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết chiều ngày 19 tháng 6.
Báo trong nước dẫn lời ông Hải cho rằng điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ gặp khó khăn. Cũng theo ông Hải, từ trước giờ Việt Nam chấp nhận nhập siêu từ của Trung Quốc và nhiều nước khác với mục đích xuất siêu sang Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với 16 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.