Ngày 22 tháng 3, nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa ra thông tin mới nhất về vụ việc của Đoàn Thị Hương, qua đó cho biết cô bị lôi kéo bởi con trai của một cựu đặc sứ Bắc Triều Tiên tại Việt Nam, tham gia vào vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. Tin tức này một lần nữa làm cho dư luận Việt Nam xôn xao, đặc biệt nhắc lại vấn đề tranh cãi gần đây về những lời kêu gọi quan tâm, giúp đỡ về pháp luật đối với Đoàn Thị Hương.
Bà Nguyễn Thị Vy, 54 tuổi, mẹ kế của cô Đoàn Thị Hương xem xét hình ảnh bốn nghi can bị bắt giữ, trong đó có Hương. Ảnh chụp ngày 22 tháng 2 năm 2017.
Những bạn trẻ, đặc biệt là nữ suy nghĩ thế nào về câu chuyện cô gái người Việt đang phải đối diện với mức án tử hình ở xứ người ?
Khát vọng vươn lên
Cái tên Đoàn Thị Hương "bỗng dưng mà nổi tiếng" không phải vì cô là nghi phạm ở một quốc gia khác, mà vì cô liên quan đến một vụ án được cho là có tính chất chính trị. Do đó, có hai sự quan tâm đến vụ án cô đang vướng vào. Sự quan tâm thứ nhất đến từ truyền thông nước ngoài tập trung tìm hiểu những ẩn ý phía sau của vụ án, khi nạn nhân được cho biết là anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Sự quan tâm thứ hai đến từ người dân Việt Nam dành cho cô, nhưng không phải vì cô là người mang quốc tịch Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài, mà vì qua báo chí, mọi người nhìn thấy trong ánh mắt của cô ở lần xuất hiện đầu tại toà án Malaysia, dường như có sự cô đơn tột cùng.
Từ đó, dư luận bắt đầu dành cho cô nhiều phán xét khác nhau trong một phiên toà chung trên mạng xã hội. Người thương, kẻ trách. Người giúp đỡ, kẻ phản đối.
Mỗi người có một ý kiến và cách nhìn sự việc riêng. Trong đó, có thể thấy sự thông cảm phần lớn đến từ những người cùng là phận gái, và trạc tuổi đời với Hương.
Sao Mai, một cô gái trẻ sống và làm việc ở Thái Bình phản đối những ý kiến cho rằng việc phạm tội của Đoàn Thị Hương làm cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trở nên không đẹp. Theo Mai, cô nhìn câu chuyện của Hương trước nhất là sự nhẹ dạ cả tin trên con đường phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
"Theo em câu chuyện sẽ giúp chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề cũng như thực trạng của người phụ nữ trẻ hiện nay. Em thấy chị Hương là người xuất phát từ nông thôn chứ không phải phồn hoa đô thị, cho nên chị ấy sẽ luôn được gia đình dặn dò là cố gắng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Có nhiều trường hợp thực tế để bản lĩnh hơn thì chị ấy lại nhẹ dạ cả tin và cũng dễ sa vào tìm kiếm những cơ hội ấy, tạo điều kiện cho người xấu lợi dụng.
"Hiện tại có rất nhiều cô gái dễ cảm động, dễ nhận lời đi chơi với những chàng trai ngoại quốc, có điều kiện mà không màng đến tính cách, miễn là đáp ứng được điều kiện ăn chơi du lịch.
Hai nghi phạm Đoàn Thị Hương (trái) và Siti Ashyah bị cảnh sát Malaysia bắt giữ trong vụ ám sát Kim Jong-Nam. AFP photo
Lan Anh, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hiện đang làm công việc marketing, Mặc dù theo dõi nhiều những bài viết, những ý kiến cá nhân, nhưng cô cho biết mình giữ quan điểm không phán xét. Tuy nhiên, cô cũng có sự đồng cảm với vụ án phạm tội của Đoàn Thị Hương, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
"Cuộc sống có những điều không lường trước được. Đó có thể là cái bẫy thật sự đã giăng với Hương thì sao ? Và em nghĩ theo hướng này nhiều hơn".
Những ai theo dõi vụ án ám sát Kim Jong Nam đều biết cả hai nghi can Đoàn Thị Hương và cô gái mang quốc tịch Indonesia đều khai rằng họ nghĩ mình được mời tham gia một show truyền hình thực tế.
Chưa có kết luận đúng hay sai từ toà án nên không thể không có những nghi ngờ. Nghi ngờ về lý do vì sao Hương lại dễ dàng rơi vào tình trạng bị lợi dụng như thế. Nhiều ý kiến đưa lên sau các bài viết là dấu hỏi rất lớn về cái nghề mà Hương đã làm trước khi trở thành nghi phạm. Một bạn trẻ có tuổi thơ ở vùng quê Tuy Hoà (không muốn nêu tên) nhưng có sự nghiệp thành công ở Sài Gòn đưa ra câu hỏi.
"Nếu thật cô ấy tha hương làm gái thì bản thân em cũng không dựa vào đâu để đánh giá em ấy cả. Em nghĩ nếu không phải vì khổ quá hay một lý do gì đó thì là phụ nữ không ai muốn chọn nghề này. Đó là nói về bề nổi những gì mà mình biết từ truyền thông. Còn behind the scene sự thật thế nào em không thể biết".
"Nếu thật sự cô ấy có tội thì không thể đổ là do mình không biết nên làm, không biết mà làm sai vẫn là sai vẫn là có tội".
Có nghĩa là không ngoại trừ khả năng Hương vì lý do nào đó cố tình phạm tội. Và cho dù là thế, Lan Anh vẫn băn khoăn khi đưa ra lời phán xét.
"Nếu Hương cố tình phạm tội thật, bạn ấy vẫn có lý do riêng mà mình không phải Hương sẽ không hiểu được".
Gia đình
Từ khi vụ ám sát được loan đi trên truyền thông, nhân thân, gia đình của Đoàn Thị Hương trở nên nổi tiếng. Cuộc sống riêng của Hương được nhiều người quan tâm, tìm hiểu, từ facebook cá nhân, gia đình, cho đến công việc làm.
Cư dân mạng tìm ra chủ nhân tài khoản facebook Ruby, có khuôn mặt giống Đoàn thị Hương nhưng ăn mặc rất khêu gợi, với những status thật ‘ngôn tình’. Một số tin còn cho biết khi ở Hà Nội, Đoàn thị Hương làm việc tại một quán bar ở thủ đô, giao du với nhiều người nước ngoài.
Ngôi nhà gia đình cô Đoàn Thị Hương ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chụp vào ngày 22 tháng 2 năm 2017. AFP photo
Sau khi "truy lùng" thông tin về Hương, cũng như sau khi báo chí tìm đến gia đình của Hương để phỏng vấn, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ cô vướng vào sự việc ngày hôm nay vì không nhận được sự quan tâm từ gia đình.
Hoàn toàn đồng ý với dư luận về điều này, Sao Mai nói thêm :
"Khi họ có ý kiến hành vi của chị ấy dẫn đến ngày hôm nay ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình thì em đồng ý.
Gia đình là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi của chị Hương rất nhiều. Câu chuyện của chị Hương cũng là một số trường hợp xung quanh. Nếu như chị Hương được gia đình quan tâm nhiều hơn…Em đọc qua thì thấy khi chị ấy về nhà thì cũng được anh em, mọi người yêu thương, động viên nhưng chưa thật sự quan tâm nhiều".
Riêng về bố mẹ thì có thể họ là nông dân chân chất hiền lành nên không lường trước được những nguy hiểm khó khăn. Họ chỉ tin tưởng là con họ ra ngoài có thể học hỏi được ở xã hội kinh nghiệm sống. Tin tưởng nên không quan tâm nhiều".
Sao Mai cho biết hiện tại nơi vùng quê, nhiều các cô gái mới lớn có cuộc sống như thế. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những cô gái này và Đoàn Thị Hương là "gia đình", điều mà Mai gọi là sự may mắn.
"Hiện tại họ may mắn hơn Hương vì họ kịp có bàn tay của gia đình. Bây giờ họ đang được ở bên gia đình chứ không đến mức gây ra hậu quả như chị Hương. Nhưng họ đã từng gặp phải những tình trạng tin tưởng vào những anh chàng ngoại quốc".
‘Mong Hương thành khẩn’
Những sự giúp đỡ dành cho Hương trong thời gian qua cũng gây nên tranh cãi ở góc độ cần hay không cần, nên hay không nên.
Kết tội một người có hành vi phạm pháp là đã khó, vì cần phải có chứng cứ phạm tội rõ ràng, minh bạch, đánh giá về một hành động xuất từ lòng hảo tâm càng khó hơn, vì nó không có một công thức nhất định.
Những người bạn trẻ này đều khẳng định họ không thể, hoặc không muốn đưa ra phán xét về hành động của cô gái, mà nếu có duyên gặp nhau, có thể họ sẽ là những người bạn tốt. Như Sao Mai chia sẻ, cô nhìn thấy Hương là một cô gái từ miền quê, khát khao có một điều kiện tốt hơn đã làm cho cô ấy phạm phải sai lầm.
Lan Anh thì mong Hương sự cố gắng vượt qua :
"Nếu được nói với Hương thì em muốn nói là có những điều mình không lường được, không làm chủ được nhưng tâm trí của mình thì mình làm chủ được. Đừng bi quan vì nếu vô tội, bạn không có gì thẹn với lòng. Sự thật rồi sẽ sáng tỏ. Còn nếu có tội thật sự, tùy vào hoàn cảnh, bạn tự cân nhắc lại".
Đoàn Thị Hương có tội hay không có tội toà án sẽ đưa ra kết luận. Đó là vấn đề pháp lý. Nhưng đối với ảnh hưởng của xã hội, thì như Sao Mai đã nói : "câu chuyện này sẽ giúp cho rất nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam nhìn lại chính mình".
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 24/03/2017
************************
Đoàn Thị Hương bị người Bắc Triều Tiên chiêu mộ cho thấy lỗ hổng an ninh Việt Nam ? (VOA, 23/03/2017)
Báo chí nước ngoài hôm 22/3 đăng các bản tin chi tiết nói rằng con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam đã chiêu mộ Đoàn Thị Hương cho vụ ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ bị ruồng bỏ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Đoàn Thị Hương, nghi phạm trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam, chụp trong các hoàn cảnh khác nhau
Sau khi tin này xuất hiện, báo chí Việt Nam dè dặt đưa một vài tin ngắn nói nghi can đã lôi kéo Hương vào vụ này là "người Triều Tiên" sống nhiều năm ở Việt Nam, nhưng không đề cập đến chi tiết người đàn ông đó là con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam.
Riêng trang tin của Zing đăng một bài với tít "Nghi phạm lôi kéo Đoàn Thị Hương là con trai cựu đại sứ Triều Tiên ?" nhưng bản tin này đã nhanh chóng bị rút xuống, thay thế bằng bài khác có tít "Đoàn Thị Hương được dụ tới Malaysia để sắp xếp kết hôn ?"
Nội dung bài thay thế của Zing - cũng như các báo khác của Việt Nam - chỉ nói nghi can "người Triều Tiên" Ri Ji-hyon, 33 tuổi, là người nói thạo tiếng Việt.
Theo mô tả trên báo chí nước ngoài, nghi can Ri Ji-hyon là con trai của ông Ri Hong, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội vào đầu những năm 2000.
Ri Ji-hyon được cho là đã sống tại Việt Nam tổng cộng khoảng 10 năm. Vào tháng 11/2009, Ri làm việc khoảng 1 năm tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Việt Nam với tư cách là một nhà ngoại giao tập sự. Bên cạnh đó, Ri còn làm phiên dịch.
Tờ Yonhap của Hàn Quốc nói với vốn tiếng Việt lưu loát, Ri đã thuyết phục Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ việc mà cuối cùng đã dẫn đến cái chết của ông Kim Jong-nam ở Malaysia.
Cô Hương và một cô gái Indonesia bị tố cáo đã bôi chất độc VX lên mặt ông Kim Jong-nam hồi giữa tháng 2, giết ông gần như lâp tức. Sau khi bị cảnh sát nước sở tại bắt, cô Hương một mực khẳng định cô thực sự không biết mình tham giamột vụ ám sát mà nghĩ điều cô làm là một phần của một trò chơi truyền hình thực tế.
Sự việc Đoàn Thị Hương bị chiêu mộ cho một vụ việc gây chấn động thế giới làm nhiều người đặt câu hỏi phải chăng giới an ninh Việt Nam có sơ hở trong công tác theo dõi, ngăn chặn các hoạt động bất minh của người nước ngoài nói chung, của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói riêng.
Một sĩ quan công an ở cấp thừa hành đề nghị không nêu tên xác nhận với VOA rằng ngành an ninh Việt Nam "có theo dõi" các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng cũng như bất cứ nước nào khác, việc theo dõi này "không thể 100% được". VOA không tiếp cận được với các quan chức cấp cao của Bộ Công an để hỏi về vấn đề này.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với giới thực thi pháp luật của Việt Nam, chia sẻ với VOA những hiểu biết của ông về vấn đề này :
"Các cơ quan phản gián hay an ninh ở Việt Nam cũng có thể cùng lắm họ khoanh vùng một số người họ cho rằng có tiềm năng liên quan đến an ninh Việt Nam. Con trai của ông đại sứ cũng khó có thể được coi là một người có tiềm năng liên quan đến an ninh. Để gọi là kiểm soát toàn bộ hành vi cũng như quan hệ, theo tôi là bất khả thi. Nên là trong những trường hợp như thế này, cơ quan an ninh Việt Nam tôi nghĩ họ cũng khó có thể biết hết được. Đặc biệt, cho đến giờ phút này, ít nhất cho đến vụ ám sát ông Kim Jong-nam, Việt Nam chưa coi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa hoặc ảnh hưởng an ninh nhà nước Việt Nam. Tất nhiên tôi nghĩ sau vụ này, cơ quan an ninh Việt Nam cũng phải thận trọng hơn với các quan hệ của những người Bắc Triều Tiên ở Việt Nam".
Trong khi một số người quan tâm đến bài học cảnh giác ở cấp độ quốc gia, có đông người hơn nhìn vào vụ Đoàn Thị Hương để lấy đó làm bài học ở tầm mức cá nhân.
Cô Hương được xem là một người mà cuộc sống có nhiều nghịch lý. Xuất thân từ một vùng quê ở tỉnh Nam Định, cô đi học, làm việc ở Hà Nội, nhiều nơi khác của Việt Nam cũng như nước ngoài, tham gia một số cuộc thi ồn ào với hy vọng đổi đời.
Nhưng ngược lại, cô không chia sẻ nhiều thông tin với gia đình mà như lời bố cô, ông Đoàn Văn Thạnh, nói rằng 10 năm qua ông "không biết" con "làm gì, ở đâu". Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũ của cô ở Hà Nội nói cô là người "sống khép kín".
Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội
Nhiều người cho rằng lối sống dường như thiếu vắng sự tham vấn, thiếu vắng việc tìm kiếm hay lắng nghe những lời khuyên nhủ như vậy có thể là một trong những nguyên nhân đã đẩy Hương vào bi kịch.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nhận xét với VOA sự việc của Hương là "đáng tiếc" song cũng không phải dễ để người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên. Bà nói :
"Các cô vì là họ trẻ nên họ thiếu kinh nghiệm. Nhất là những cô gái ở vùng nông thôn, ít tiếp xúc thì lại càng thiếu kinh nghiệm, làm sao có thể tránh những cạm bẫy, lừa lọc. Thời buổi bây giờ khi mà điều kiện để tiếp xúc, để gặp gỡ người này người khác mở ra rất là nhiều, cho nên là các cô gái cũng phải rất là thận trọng trong việc suy xét xem là những hành động này nó mang lại cho mình cái gì. Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm như câu chuyện của Đoàn Thi Hương".
Theo Kyodo News, một đồng nghiệp cũ của Hương ở Hà Nội cho biết Hương đã nói rằng cô đến Malaysia để sắp xếp việc kết hôn với người bạn trai mà cô tưởng là người Hàn Quốc.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia đã ra tòa ở Kuala Lumpur để nghe cáo trạng hồi đầu tháng này. Phiên tòa tiếp theo của hai cô dự kiến diễn ra vào ngày 13/4.
***********************
Vụ Kim Jong-nam : Nghi can là con cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam (RFI, 22/03/2017)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ ám sát Kim Jong-nam, Seoul, 14/02/2017 - Lim Se-young/News1 via REUTERS
Một trong những nghi can trong vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, chính là con trai của cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam. Đó là tiết lộ của hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay, 22/03/2017.
Theo Yonhap, nghi can nói trên là Ri Ji-hyon, 33 tuổi, con trai của cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội Ri Hong, và đã từng sống ở Việt Nam trong 10 năm. Ri Ji-hyon đã làm việc ở đại sứ quán Bắc Triều Tiên trong hơn một năm và cũng đã làm thông dịch viên.
Nhờ nói thông thạo tiếng Việt nên Ri Ji-hyon đã dụ Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ ám sát Kim Jong-nam bằng chất độc ngày 13/02 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Nữ nghi can Việt Nam cùng với nghi can Indonesia Siti Aisyah đã phun chất độc thần kinh VX vào mặt Kim Jong-nam, khiến ông này tử vong. Hai người đã bị tư pháp Malaysia truy tố với tội danh giết người, mặc dù vẫn khẳng định rằng họ tưởng tham gia vào một trò chơi truyền hình.
Ri Ji-hyong là một trong 4 nghi can người Bắc Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia đúng vào ngày ông Kim Jong-nam bị ám sát và dường như đã trở về Bình Nhưỡng. Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát thông báo về lệnh truy nã bốn nghi can này. Cảnh sát Malaysia cũng muốn thẩm vấn hai người Bắc Triều Tiên khác, gồm bí thư thứ hai sứ quán Bắc Triều Tiên Hyon Kwang-song và một nhân viên của hãng hàng không Bắc Triều Tiên Air Koryo.
Thanh Phương
*********************
Nghi phạm Bắc Hàn là con trai cựu đại sứ (BBC, 22/03/2017)
Nghi phạm Ri Ji-hyon (người đội mũ) cùng hai nghi phạm khác là Ri Jae-nam và Song Hak-hong (áo đỏ)
Các nguồn tin cho hay một trong các nghi phạm Bắc Hàn đang bị Interpol truy nã vụ sát hại Kim Jong-nam là con trai cựu đại sứ Bắc Hàn tại Hà Nội.
Nguồn tin của BBC cũng như một số nguồn tin khác của hãng tin Nam Hàn Yonhap nói nghi phạm Việt Nam đã bị bắt, cô Đoàn Thị Hương, từng có quan hệ thân mật với người này.
Ông Ri Ji-hyon, 33 tuổi, là con trai của ông Ri Hong, người từng làm đại sứ ở Hà Nội thời kỳ đầu những năm 2000.
Lần duy nhất ông Ri Hong xuất hiện trên báo chí là hồi tháng 6/2002, khi tiếp nhận 5.000 tấn gạo mà Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên từ Quỹ Dự trữ Quốc gia. Trước đó ông cũng tháp tùng Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bình Nhưỡng tháng 5/2002.
Thông thường một đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam có nhiệm kỳ bốn năm.
Con trai đại sứ Ri Hong, Ri Ji-hyon, được cho là ở Việt Nam cả sau khi cha đã kết thúc nhiệm kỳ, học và nói tiếng Việt thành thạo.
Ri Ji-hyon được cho là đã thực tập tại đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ở Hà Nội khoảng một năm hồi năm 2009, tức là dưới thời đại sứ Ma Chol-su, và cũng làm luôn công việc phiên dịch.
Yonhap dẫn nguồn giấu tên nói ông này có thể đã lôi kéo và tuyển mộ cô Đoàn Thị Hương tham gia vụ sát hại ông Kim Jong-nam ở Kuala Lumpur hôm 13/2.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia Siti Aisyah bị cáo buộc đã bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam nhưng họ khai là tưởng mình tham gia một trò chơi cho show truyền hình thực tế.
Ông Ri Ji-hyon là một trong bốn nghi phạm Malaysia đã nhờ Interpol truy nã, tuy khả năng cao là cả bốn người này đã nhanh chóng rời Malaysia về Bình Nhưỡng ngay sau vụ sát hại.
Nghi phạm Bắc Hàn duy nhất bị bắt trong vụ này, Ri Jong-chol, đã được thả vì thiếu chứng cứ.
Cảnh sát Malaysia còn truy lùng ba người khác, được tin vẫn còn ở trong nước này, trong đó có Hyon Kwang-song, bí thư thứ hai tại đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
Đang bị giam
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam, được cho là nữ nghi phạm mặc áo thun có chữ 'LOL' trong băng ghi hình CCTV
Siti Aisyah, 25, người Indonesia. Cơ quan chức năng Indonesia cho biết cô này khai rằng cô nghĩ mình đang tham gia một show hài tình huống trên TV
Đang truy tìm
Hyon Kwang-song, 44 tuổi, Bí thư thứ hai tại Sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Kim Uk-il, 37 tuổi, nhân viên hãng hàng không Bắc Hàn Air Koryo, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ju-u, 30 tuổi, người Bắc Hàn có tên khác là "James", được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ji-hyon, 33 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Hong Song-hac, 34 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
O Jong-gil, 55 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Ri Jae-nam, 57 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Vụ án một người đàn ông tên là Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un) bị ám sát tại Malaysia đang thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam vì trong hai nghi phạm bị cảnh sát Malaysia bắt giữ và truy tố hình sự có một cô gái người Việt tên là Đoàn Thị Hương, quê ở Nam Định (và người còn lại là Siti Aisyah, người Indonesia). Xin không lạm bàn về các tình tiết hay nội dung vụ án này, chỉ xin nói về cách ứng xử, ở góc độ lãnh sự, tức bảo vệ công dân người Việt ở nước ngoài, và cách truyền tải thông tin về vụ việc đến công chúng.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội theo luật pháp của Malaysia.
Phiên tòa đầu tiên xử vụ này trong bối cảnh nữ nghi phạm người Việt không có luật sư chỉ định từ phía Việt Nam, chỉ có luật sư chỉ định của Malaysia, trong khi phía Indonesia chỉ định 5 luật sư bào chữa cho công dân nước mình. Cáo trạng của tòa được truyền thông quốc tế và Việt Nam dẫn lại ghi rằng : Hai nữ nghi phạm, cùng 4 người khác vẫn đang lẩn trốn, vào ngày 13/2/2017, tại sảnh khởi hành ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur KILA2, Sepang, quận Sepang, bang Selangor Darul Ehsan, có chung âm mưu sát hại ông Kim Chol, và do đó phạm tội danh bị xử lý theo Điều 302 của Bộ Luật Hình sự và Điều 34 của cùng Bộ Luật. Khi được hỏi có hiểu cáo trạng mà thông dịch viên đã đọc hay không, cả hai nghi phạm đều trả lời có". Tôi hiểu nhưng tôi không có tội", nghi phạm Đoàn Thị Hương nói. Hai nữ nghi phạm đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội theo luật pháp của Malaysia.
Về lý thuyết, để công dân Việt Nam phải một mình nơi xứ người, đối diện với một vụ án hình sự (dù sự thật có là gì đi chăng nữa) cho thấy chức năng lãnh sự của cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Malaysia hay của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia chưa được thể hiện đầy đủ. Về luật quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao mà cụ thể là đại sứ quán, hay cơ quan lãnh sự là lãnh sự quán, có nhiệm vụ và chức năng bảo vệ công dân của nước họ ở quốc gia sở tại dựa theo những nguyên tắc ngoại giao mà Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 quy định. Tôi tin là các nhà làm công tác ngoại giao và lãnh sự của Việt Nam hiểu rõ điều này. Tuy nhiên nếu so sánh với Indonesia, phản ứng của Việt Nam có phần chậm hơn. Bằng chứng rõ nhất là khi so với nữ nghi phạm là công dân Indonesia, Đoàn Thị Hương thiệt thòi hơn về mặt luật sư.
Tuy nhiên trên thực tế, các thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội cho thấy cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Malaysia vốn được phản ánh là rất chuyên nghiệp. Nhiều Facebooker đăng đàn chia sẻ rằng họ từng đến Malaysia và gặp rắc rối về thủ tục giấy tờ (vì gặp sự cố, mất hành lý, mất giấy tờ...), phản ứng của các nhân viên đại sứ quán Việt Nam ở đây rất kịp thời, thậm chí không ngại giúp người dân nước mình ngoài giờ làm việc. Mặt khác, thông tin từ phía thân nhân Đoàn Thị Hương cho thấy phía cơ quan chính quyền Việt Nam ở Việt Nam cũng liên hệ với gia đình, hướng dẫn cách thuê luật sư bào chữa (với giá 2,5 triệu đồng/giờ) và hướng dẫn cách viết đơn để xin nhà nước hỗ trợ. Theo tôi, giai đoạn đầu với một nghi phạm là rất quan trọng, nhất là trong việc cho lời khai, cũng như yếu tố tâm lý (vì chỉ có một mình). Thiết nghĩ công tác thân nhân và hỗ trợ Đoàn Thị Hương ở giai đoạn đầu cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn (nếu không được 5 luật sư như Indonesia thì chí ít cũng phải được 1). Như vậy, việc quy trách nhiệm cho đại sứ quán trong trường hợp này là chưa hợp lý, mà cần nhìn rộng hơn về kinh nghiệm ứng xử còn thiếu hiệu quả từ phía cơ quan chính quyền có khả năng chỉ đạo ở Việt Nam. Hy vọng rằng vào phiên tòa tiếp theo, Đoàn Thị Hương sẽ được quốc gia mẹ đẻ của mình bảo vệ.
Vấn đề thứ hai cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam chính là công tác làm thông tin. Trong thời buổi mạng xã hội bao trùm, hệ thống tin giả, tin sai sự thật, tin cực hữu là rất nhiều. Khi Đoàn Thị Hương bị bắt, báo chí và phát ngôn chính thức từ phía Việt Nam như "nhỏ giọt". Khi một vụ án giết người nghiêm trọng liên quan đến ngoại giao, lại là quan hệ với quốc gia có tiếng là khó chơi như Bắc Triều Tiên, thì tin tức này trở nên nóng, nhiều bạn đọc "khát" và đó là kẻ hở để tin giả, tin suy diễn nở rộ. So với phía Indonesia, thông tin từ Việt Nam vừa chậm, vừa ít, trong khi các bài viết trên Facebook mang tính đoán mò, suy diễn nở rộ vì nhiều đất sống. Phía Indonesia ngay từ đầu đã công bố xác minh quốc tịch nghi phạm, tuyên bố bảo vệ nghi phạm nếu đó chính xác là công dân Indonesia. Trong một khoảng thời gian rất nhanh, song song với việc chờ đợi lãnh sự được tiếp xúc với nghi phạm, Indonesia tiến hành chuẩn bị 5 luật sư để phiên tòa đầu tiên nữ nghi phạm Indonesia được bảo hộ một cách tốt nhất. Các thông tin kịp thời từ chính quyền trong nước và cơ quan đại diện ngoại giao của Indonesia cho thấy không chỉ chức năng bảo vệ người dân của họ rất chuyên nghiệp, mà công tác thông tin của họ cũng rất hiệu quả.
Nhắc lại lần nữa, cách làm việc của đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xưa nay được đánh giá cao, vậy khả năng họ phản ứng thông tin chậm là rất khó xảy ra. Như vậy, rào cản có lẽ vẫn nằm ở cơ quan thông tin và quản lý thông tin. Điều này có lẽ phải kể đến cơ quan quản lý báo chí ở Việt Nam, và bên cạnh đó là ban tuyên giáo. Sự phối hợp giữa đại sứ quán và các cơ quan thông tin lẽ ra cần hiệu quả hơn, kịp thời hơn để lượng thông tin mang tính suy diễn giảm bớt ; đồng thời gia tăng lòng tin của dân chúng về chức năng bảo vệ người Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA, 09/03/2017