Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 05 février 2024 14:39

Cuộc đua chức Tổng bí thư

Tô Đại tướng và Phan Đình Trạc đang "ăn miếng trả miếng" ?

Việc Tổng bí thư Đảng cộng sảnn Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, thoắt ẩn, thoắt hiện, và ẩn nhiều hơn hiện, đã làm cho vấn đề người kế nhiệm chức Tổng bí thư trở thành một chủ để quan trọng. Không chỉ là sự quan tâm của công luận, mà còn là vấn đề của các cá nhân ứng viên và phe cánh của họ, trong nội bộ Đảng.

trong1

Ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ xuất hiện tại phiên Khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, ngày 15/1, sau hơn 3 tuần mất dạng.

Tổng Trọng "bất ngờ" xuất hiện tại phiên Khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, ngày 15/1, sau hơn 3 tuần mất dạng. Giới thạo tin cho rằng, sự xuất hiện đó là theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thủ lĩnh của phe Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Huệ muốn mời Tổng Trọng xuất hiện, để "dằn mặt" Bộ trưởng Công an Tô Lâm, rằng, ông Tô đừng thể hiện quá lộ liễu tham vọng "tranh quyền, đoạt vị" chức Tổng bí thư.

Báo Dân trí ngày 2/2 cho biết, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã biện hộ cho việc gần đây, trong các phiên xét xử các đại án tham nhũng, dư luận cho rằng, Đảng "giơ cao đánh khẽ" đối với các quan chức tham nhũng.

trong2

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên

Ông Nguyễn Văn Yên nói : "Nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng, mà đảm bảo xử lý đúng bản chất của vi phạm; xử lý công khai, không úp mở, không giấu giếm, không có án bỏ túi". Đồng thời, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cũng nhắc lại rằng, xử lý nghiêm minh với quan chức tham nhũng là việc làm theo lời chỉ đạo "nhân văn, nhân ái, nhân tình" của Tổng Trọng.

Theo giới phân tích, hành động vừa kể của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, là hành động mang tính chất "biểu dương lực lượng" của phe Nghệ Tĩnh. Phe này do ông Phan Đình Trạc, trên cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo Chống tham nhũng và tiêu cực dẫn đầu, và Tổng Trọng đứng trên cương vị tổng chỉ huy.

Điều đó có liên quan gì đến các phản ứng mới đây của Bộ Công an trong việc đã hướng mũi dùi vào ông Trần Tuấn Anh, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vừa được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho nghỉ hưu sớm trước tuổi 60 ?

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, khi báo chí đặt câu hỏi về tiến độ điều tra một số vụ án lớn, trong lĩnh vực điện, xăng dầu của Bộ Công thương, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, có tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá vật tư, thiết bị điện, có những vật tư được nâng giá lên 300%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc phe Nghệ Tĩnh đưa ông Nguyễn Văn Yên – người phát ngôn, đại diện cho Ban Nội chính Trung ương, ra mặt đối đáp với người phát ngôn của Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô, theo giới quan sát, là việc làm có tính toán của ông Phan Đình Trạc. Mục đích chuyển đi một thông điệp, "phe Nghệ Tĩnh là người đang làm chủ cuộc chơi, đó là điều không thể đảo ngược".

to0

Tô Đại tướng và Đại ca Phan Đình Trạc

Gần đây, có những đồn đoán liên quan đến mối bất hòa giữa Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – một trong những lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ Tĩnh, cánh tay phải của Tổng Trọng – với Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Trọng đã tiết lộ với những nhân vật thân cận rằng, ông rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, về thay thế cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trước khi ông Trọng nghỉ hưu.

Trong lúc, Tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an – là một đồng hương và là người trước đây được Bộ trưởng Tô Lâm tin dùng. Nhưng đến nay, ông Ngọc đã "quay xe", chuyển sang phục vụ cho ông Phan Đình Trạc để chống lại ông Tô Lâm. Ngày 12/12/2023, Tướng Nguyễn Duy Ngọc vừa được phong quân hàm Thượng tướng.

Đó là chưa kể, sau khi xuất hiện những đồn đoán về việc Tổng Trọng chắc chắn sẽ nghỉ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã mở quá nhiều mặt trận, để tấn công hầu hết các ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng bí thư. Điều đó vô tình đã thúc đẩy các phe nhóm khác buộc phải liên kết lại với nhau, để đáp trả ông Tô.

Mới đây, đã xuất hiện các tin tức về cuộc đua vào vị trí thay thế cho Tổng bí thư, giữa Đại tướng Công an Tô Lâm, với Đại tướng Quân đội Phan Văn Giang, và lợi thế đang nghiêng về bên quân đội. Theo đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang đang nhận được sự ủng hộ của đa số, trong tổng số 16 ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay.

Theo giới phân tích, ông Tô Lâm đã và đang biến "bạn thành thù", và với tham vọng "leo cao", thì rồi sẽ ngã đau là điều khó tránh khỏi. Chúng ta hãy chờ xem sự thất bại của Tô Lâm trong giai đoạn nước rút, sẽ diễn ra như thế nào.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 05/02/2024

Published in Diễn đàn

Nhân ngày 2 tháng 9 cũng nói vài lời về tiêu chuẩn của chức Tổng bí thư

1. Một tiêu chuẩn thật nấp sau 7 tiêu chuẩn giả

Bàn về Tiêu chuẩn của 4 chức danh chủ chốt (Tứ trụ) của Đảng Cộng sản Việt Nam (tức Quy định 90-QĐ/TW) nhà báo Trần Minh Thảo nhận xét đó là "bộ máy cai trị do một người nắm giữ" và trong cái vỏ Mác-Lê thực chất là cái ruột Đại Hán !

Đó là một nhận xét chính xác, nên xin được tiếp lời, mạn đàm quanh tiêu chuẩn và đặc điểm của ngôi vị quan trọng nhất này, ngôi vị Tổng bí thư.

tbt2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa (viettimes.vn)

Đọc 7 tiêu chuẩn thấy Tổng bí thư phải là một con người tài đức vẹn toàn, nhìn xa trông rộng, ở đỉnh cao thời đại, một lòng vì nước vì dân…, nhưng xét trong thực tế đó chỉ là những tiêu chuẩn giả tạo. Thực tế khắp trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chẳng tìm đâu ra một con người như thế, và trớ trêu là giả thử có một người xấp xỉ đạt tiêu chuẩn tài đức cao như vậy thì chẳng những không thể trúng cử vào chức Tổng bí thư, mà muốn làm một chức quèn như Tổ trưởng dân phố cũng chẳng được, vì một đảng viên tiến bộ như vậy sẽ bị đảng quy vào tội "tự diễn biến, tự chuyển hóa" hay biến thành lực lượng thù địch chống phá đảng. Ví dụ trước mắt như ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm kiên quyết đứng về phía người dân thì lập tức bị đảng cho người đánh gẫy đùi và bị An ninh Quốc phòng triệu tập lên "làm việc" !

Nhưng, đằng sau 7 tiêu chuẩn giả vờ ấy có một tiêu chuẩn ngầm cho chức Tổng bí thư, tuy không nói ra nhưng lại quan trọng nhất, và được tuân thủ nghiêm ngặt : Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một người thân Tàu ! Có thể có người không tin như vậy, thì dân chúng tôi dám thách thức đảng, thử bầu một người dám bộc lộ khí phách chống Tàu xâm lược, dám tập hợp quanh mình lực lượng toàn dân sẵn sàng chống Tàu xâm lược xem nào ! Nguyện vọng khẩn thiết ấy của toàn dân chắc chắn đi ngược với phẩm chất thật của tất cả các Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng như ông Trần Minh Thảo nhận xét : Tổng bí thư và Tứ Trụ phải mang cái "ruột Đại Hán". Nhưng trong những người thân Tàu (được Trung quốc duyệt) thì người nào thắng cử còn phụ thuộc tương quan phe nhóm và mẹo điều hành bầu cử như Đại hội XII cho thấy.

Trong bài "Lọc ngược" tôi đã viết :

"Vvì bị chất men cộng sản dẫn dụ, tất cả các Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trong bây giờ, tất cả đều phá tan kế sách giữ nước của cha ông (phương châm Kính nhi viễn chi - HSP) trước họa xâm lăng phương BắcDưới sự dẫn dắt của các đời Tổng bí thư đã gần gũi và nhờ vả Trung Quốc đến mức gắn bó như môi với răng, như chui vào vòng tay của Tàu, trở thành con nợ của Tàu, để cho lão khổng lồ ôm lấy vai, choàng lấy cổ, thọc tay vào sườn… thì khi kẻ khổng lồ ấy ra tay làm sao mà chống đỡ ? Chưa kể còn chủ động ôm lấy nó để nhờ nó làm chỗ tựa chống giông bão dân chủ. Tất cả các đời Tổng bí thư đều là người thân Tàu quá mức (kể cả Lê Duẩn, mặc dù có tình huống chiến tranh biên giới 1979), không chú ý gì đến khoảng cách an toàn trước con ác thú truyền kiếp Đai Hán. Về chiến lược giữ nước trước Đại Hán thì tất cả sự tuyển chọn ra các Tổng bí thư đều là "lọc ngược", bầu ra người dẫn giặc Tàu vào nhà". Như vậy thì đất nước và nhân dân có thể trông mong gì ? Chẳng trông mong gì, chỉ xem cuộc bầu như ta xem hài kịch.

2. Dở ông dở thằng

Dân ta thường dùng hai từ "ông""thằng" để chỉ hai loại người đáng trọng và đáng khinh. Chức vụ Tổng bí thư đứng đầu hệ thống quyền lực thì chẳng những là "ông" mà còn phải là ông lớn chứ nhỉ ? Chẳng thế mà Tổng Trọng vẫn lên giọng đạo mạo, đạo đức "dân chi phụ mẫu", mà đặt ra 7 tiêu chuẩn cao siêu cho cái ghế của ông. Nhưng liệu ông có biết rằng trong xã hội hiện nay, những người đứng đắn, còn biết "ưu thời mẫn thế" ngồi trao đổi với nhau về hiện tình đất bước thì đều gọi ông là "thằng", ví dụ (xin lỗi) : "việc liều lĩnh bắt cóc thằng Trịnh Xuân Thanh chắc là thằng Trọng chứ ai, việc đầu hàng thằng Tàu nhục nhã ở bãi Tư Chính của mình chắc cũng do thằng Trọng chứ gì", đại loại như thế…

Tình trạng dân chúng gọi các ông lớn đứng đầu quốc gia là "thằng" báo hiệu điều gì ? Là tín hiệu ngầm cho một xã hội bất an, một chế độ suy đồi vì mất niềm tin ! Tất nhiên công khai người ta vẫn gọi "đồng chí" là "ông" nhưng ngôn ngữ thầm sau lưng mới là ngôn ngữ có giá trị đo lường thực chất. Ngày xưa vua chúa phải đóng giả thường dân đi "vi hành" trong dân chúng chính là để nghe được tiếng nói thầm trong dân chúng.Vậy ở tình trạng "dở ông dở thằng" bây giờ thì thiết nghĩ quan phụ mẫu tối cao Tổng Trọng cũng chẳng nên lên giọng dạy dỗ cán bộ và dân chúng toàn những mẫu mực khuôn vàng thước ngọc nhiều quá làm gì, thật giả trắng đen dân biết cà !

Đúng là :

Trời bày một trận nhố nhăng,

Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông (HSP)

3. Những câu hỏi

Thông minh hay lú lẫn, khôn ngoan hay đầu hàng, liêm khiết hay tham nhũng, đứng đắn hay ti tiện ? Vị trí và đặc điểm Tổng Trọng thế nào trong dãy những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay ?

Đó là những câu hỏi và cách đánh giá khác nhau trong dân chúng về đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thảo luận những đề tài này sẽ rất rôm rả, mà bài viết nhỏ này không thể đề cập thấu đáo. Chỉ xin nói sơ lược như sau :

- Trong số những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thì ông Trọng có vẻ có học hơn cả, là Tiến sĩ (mặc dù là Tiến sĩ Xây dựng đảng) nên con đường độc tài và theo Tàu có nhiều màu sắc "học thuật" hơn cả. Đủ thứ lý luận, phát ngôn rắc rối gây ấn tượng, nhưng vì bản chất bên trong có những mâu thuẫn không ổn nên không thể đem các mỹ từ che lấp. Ví dụ : Nói "phải nhốt quyền lực vào lồng" vì nếu để quyền lực vô hạn sẽ sinh lạm quyền nguy hiểm. Nhưng ai sẽ nhốt quyền lực Tổng bí thư vào lồng, lồng nào (ông có bị nhốt trong cái lồng Đại Hán không), để ông cứ tự do xếp đặt mọi nhân sự của Chính phủ và Quốc hội ? Ông tự do nhốt các quyền lực khác vào lồng, tự tiện "nhóm lò" liệu có bị cái lò khác của nhân dân biến ông thành củi ?...

- Nhưng trong dãy các Tổng bí thư và Chủ tịch Đảng cộng sản Việt Nam, ông Trọng và ông Hồ có vị trí riêng. Một ông gây mầm, đặt đường ray, một ông kết thúc, kết thúc thời gian trị vì của Đảng cộng sản một cách cộng sản điển hình, về vĩ mô là thời kỳ tạm ổn định. Ông Trọng giữ vị trí cái bản lề trong giai đoạn cuối mà hai cặp xung đột "dân chủ hay độc tài" "thoát Trung hay theo Tàu" đang đòi hỏi phải được giải quyết rõ ràng.

Tôi đã nhiều lần nói rõ khái niệm NỘI XÂM. Nhân dân không được làm chủ đất nước thì nhân dân bị mất nước. "Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước !" (1). Mất nước vào tay người trong nước là bị Nội xâm, nền Chuyên chính cộng sản nắm quyền toàn diện và tuyệt đối, giữ "sổ đỏ" trên toàn lãnh thổ chữ S, dân không có quyền sở hữu trên chính mảnh đất của ông cha Việt Nam để lại. Vậy ngay từ khi Đảng cộng sản nắm quyền toàn trị là Việt Nam bị nạn Nội xâm, bị mất nước bởi một chế độ độc đảng độc tài. Thực tế là Việt Nam đã là nước độc lập trước khi cộng sản cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim nên ngày 2 tháng 9 không thể là ngày Quốc khánh. Cuộc nội chiến Nam Bắc 1956-1975 không thể mang danh cuộc "Chống Mỹ cứu nước" được vì đoạn khởi đầu cũng như đoạn kết thúc chỉ có người Việt Nam với nhau.

Một loạt những sự kiện chính trị đã được bạch hóa, ông Trọng làm Tổng bí thư đúng vào lúc "chuyển giao lịch sử, chuyển giao nhận thức" như thế nên ông Trọng phải đương đầu với giai đoạn bản lề dù muốn hay không.

Ông Trọng mặc dù lúc đầu được coi là một "nhân viên thư lại" hay một "ông giáo làng", nhưng thời cuộc đặt ông vào vị trí bản lề phải thay đổi, tốt hơn hoặc rất xấu hơn, mà xem chừng chính ông đã bị "nhốt vào lồng" không còn tự do lựa chọn ?

Vì ở vị trí lịch sử như vậy, ông Trọng muốn khéo léo, ngụy trang, đu dây cũng không được. Rất nhiều mặt trái đã bộc lộ quyết liệt, khiến cho một số đảng viên phải bỏ đảng vì lý do đại ý "ông Trọng, Tổng bí thư đảng bây giờ không xứng đáng với cụ Hồ ngày xưa". Nhưng ông Trọng chỉ là kẻ hậu duệ, mặc dù rất tồi tệ, dù tâm địa tồi tệ, thì cũng là một anh lái tàu trên một đường ray đã được thiết kế đúng quy trình, quy trình biến "đoàn tàu" Việt Nam thành một "đoàn Tàu" từ lúc nào không biết.

Vận mệnh đất nước chỉ còn nằm trong tay dân, nhưng tay nhân dân bị bọn Nội xâm khóa chặt. Thoát khóa cũng là vượt ngục, những người cộng sản trước đây rất nhiều kinh nghiệm vượt ngục, nay nếu tỉnh ngộ, nhận rõ sai lầm quá khứ thì hãy cùng nhau, hiệp lực vượt khỏi cái "nhà ngục cộng sản một cổ hai tròng do nội xâm và ngoại xâm kết hợp", để thoát ra "vùng Tự do" với thế giới văn minh, chứ lại trở về với bác nọ bác kia của quá khứ thì chỉ là cái vòng luẩn quẩn, rất luẩn quẩn không có lối ra mà thôi.

Đà Lạt, 2/9/2017

Hà Sĩ Phu

Nguồn : boxitvn, 04/09/2017

(1) http://www.hasiphu.com/baivietmoi_16.html

Published in Diễn đàn