Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi từng nghe kể một ngôi chùa nhỏ ở một tỉnh nhỏ đồng bằng sông Hồng, ít tiếng tăm ngoài đời, mỗi năm nhận được ít nhất vài trăm triệu từ một vị nữ lãnh đạo to. Để có lần thì bà bao nguyên chùa hầu đồng. Tại sao lại hầu đồng trong chùa ? Ừ thì nghe kể vậy chứ không rõ chi tiết, nhưng trên đời chuyện quái gì cũng có thể xảy ra. Có lần thì nhờ trụ trì cúng sao giải hạn. Lần khác thì việc khác. Mỗi lần đều to tiền, thấp nhất là 100 triệu (từ cách đây năm bảy năm) và đều diễn ra trong sự kín đáo nhất có thể. Xin nhắc lại là tôi nghe đồn thế chứ đòi bằng chứng cho những vụ này hầu như là không thể, bởi cả bên cho và bên thụ hưởng đều có lý do để thật kín tiếng.

nhachua1

Hình chụp từ trên cao bức tượng Phật đang được xây dựng ở chùa Khai Nguyên, ngoại thành Hà Nội hôm 18/5/2019 - AFP

Tuy nhiên không ít người biết mức độ đồ sộ của các khối tài sản được nhiều quan chức cúng dường cho chùa.

"Trang trại của con quá lớn"

Lại vẫn không thể đưa ra bằng chứng vì liên quan đến người trong cuộc, nhưng tôi có người bạn là tu sĩ Phật giáo khá được lòng Phật tử do sự hiểu biết, nhiệt tình, trong sáng và vui tính. Khi còn ở Việt Nam, (vị này đã sang Mỹ tu học nhiều năm) dù chưa được trì chức nào trong giáo hội Phật giáo, nhiều lần vị tu sĩ này được ngỏ ý tặng đất đai (cả mảnh đất đồi vài ngàn mét, có suối chảy qua), xe hơi, đồng hồ đắt tiền, điện thoại thông minh đời mới… Bạn tôi không nhận, vì có học, hiểu rõ nhân quả và tính không tham lam. Nhưng cứ nhìn nhiều vị tu sĩ khác xem, họ sống đời tu hành mà tại sao dùng nhiều đồ dùng thường ngày đắt tiền, sở hữu nhiều tài sản không do họ làm ra, trái với lời Phật dạy sống đời khiêm nhường đến thế ?
Nói gì đến các thể loại như đại đức Thích Thanh Toàn từng là trụ trì chùa Nga Hoàng ở tỉnh Vĩnh Phúc, gạ gẫm công khai nữ phóng viên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh "xin tí khí" và bị đưa lên công luận khiến phải xin xả giới hoàn tục. Xả giới hoàn tục nhưng cũng mấy ai sướng bằng anh Lê Hữu Long (thế danh của vị đại đức đáng quý), có hẳn trong tay khối tài sản gồm nhiều nhà cửa, đất đai, trang trại… trị giá đến 200-300 tỷ đồng.
- Bây giờ trang trại của con quá lớn, tượng pháp cũng quá lớn, bây giờ mình bán cho ai và chuyển nhượng thế nào ? Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ (trích clip sư Toàn sám hối với giáo hội).

Phật tử cúng dường cho sư trước nay là chuyện hiển nhiên. Mấy ai được tâm sáng trí huệ như Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917- 2021), Đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả đời làm ruộng để tự nuôi thân và nghiên cứu, viết, dịch, phổ biến kinh sách Phật học. Nhưng phật tử đại chúng bình dân cũng chỉ cúng dường cho sư được cân gạo, mảnh vải, giỏ trái cây… và sức lao động làm công quả mà thôi. Những tài sản lớn thì phải do những người giàu có biếu tặng, trong đó quan chức không hề ít.

Đó là mâu thuẫn trong hài hòa, hay là hài hòa trong mâu thuẫn ? Có thể là cả hai, nhưng chỉ cần là người Việt Nam trong thế kỷ này thì thừa hiểu. Quan chức Việt Nam hoạt động trong một môi trường đầy rẫy bất trắc và vô lý, thậm chí sự thăng tiến và trụ chức của chính họ rất nhiều khi thậm vô lý đến nỗi chính họ cũng khó hiểu. Bộ máy chính quyền gần như không có chỗ cho những người giỏi chuyên môn, quản lý tốt nhưng ngay thẳng và trong sạch. Mà thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ. Có một trong ba thứ này thì chỉ một đêm lên quan. Vậy không phải nhờ cao xanh che chở, "Cô thương" thì là nhờ gì ?

Trên con đường chới với giữa người phàm và các đấng phù hộ độ trì và với thói quen về tâm linh tín ngưỡng ở Việt Nam, những người ở trong chùa, đền đều được xem là que hương, mỗi lần thắp lên là nối liền hai thế giới. Nhất là những người mặc áo cà sa.

Anh Lê Hữu Long, sinh năm 1976, từng là đại đức Thích Thanh Toàn có được khối tài sản 200-300 tỷ đồng chỉ sau không nhiều năm đi tu. Tài sản đó đến từ ai ? "Sư Toàn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này từ năm 2008 đến nay. Khi tiếp cận, chúng tôi rất bất ngờ bởi một ngôi chùa nhỏ, không hề nổi tiếng, nằm ở chân dãy núi Tam Đảo lại có quá nhiều "con nhang đệ tử" đứng sau sư thầy để "tiền hô hậu ủng", đóng góp mua hàng chục héc-ta ruộng lúa xung quanh để xây dựng và mở rộng chùa.

Có rất nhiều nhân vật VIP thường xuyên tới lui nơi này trong những buổi lễ quan trọng. Tại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) năm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nữ Ủy viên chuyên trách của Quốc hội đã tham gia từ đầu đến cuối buổi lễ. Bà ở lại ăn cơm chay và bàn bạc với sư thầy những việc quan trọng.

Chính vì có những VIP như thế, sư thầy Thích Thanh Toàn và chùa Nga Hoàng ngày càng khuếch trương thanh thế, càng có sức hút để nó từ một ngôi chùa bé tẹo như bị bỏ quên, qua dăm năm, đã ngổn ngang các công trình xây dựng trên đất ruộng. Đằng sau nó là bao lời bàn tán về những "ông to bà lớn" đã yểm trợ cho chùa.

Trong một lần nói chuyện, nghe tôi bày tỏ ý muốn được đầu tư bất động sản tại Tam Đảo, cái tên Tam Đảo II đã được nhắc đến. Sư Toàn nói : "Con nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất".

Sau đó, sư Toàn nhiều lần thuyết phục tôi đầu tư vào dự án này, bởi khả năng lãi "khủng" của nó và mối quan hệ đặc biệt của sư Toàn với ông Sơn - Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Sư Toàn nửa kín nửa hở, căn dặn tôi không được để lộ chuyện mua dự án này vì "pháp luật không cho phép", nhưng sẽ được hợp thức hóa bằng một cách nào đó.

(…) Tại sao chùa Địa Ngục lại ra đời ? Tại sao nó nằm trong lòng dự án Tam Đảo II ? Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định rằng, ngôi chùa này không có điển tích ? Ngay cả những người đã đồng hành cùng sư Toàn đi tìm đốm sáng trong rừng ấy đã khẳng định chắc chắn rằng : "Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết". Tại sao những chuyện hài hước như vậy lại có đất tồn tại suốt những năm qua ? Đứng sau sư Toàn là ai mà có thể huy động được rất nhiều tiền của, tâm sức để dựng cốt chùa, đúc chuông, chuyển chuông ?…

Và có rất nhiều gương mặt VIP luôn đồng hành cùng sư Toàn từ những ngày đầu xây chùa Địa Ngục. Chính sư đã nói với tôi, những VIP này đều có phần đất trong dự án. Ông muốn giúp tôi bằng cách mua lại "suất ngoại giao VIP" này và cam kết lời "khủng".

Tôi hỏi : "Con đọc trên mạng, thấy có thông tin Sun Group liên danh với Sông Hồng Thủ Đô ?". Sư Toàn xua tay : "Dự án này đầu tiên do Sông Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi, của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây chùa Địa Ngục" (trích báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều năm gần đây, những quần thể chùa - khu du lịch luôn gắn với các công trình vật chất đồ sộ và xưng tụng "lớn nhất" (như tượng phật ngọc lớn nhất thế giới, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, bảo tháp lớn nhất, quần thể rộng lớn nhất…, thậm chí "linh thiêng nhất" như khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)… Chùa sau to lớn hơn, vẽ ra nhiều thứ hơn, tốn nhiều tiền hơn chùa trước. Chúng tôi từng theo chân một vị cựu quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đi dự lễ an vị tượng Phật ở thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, một ngôi chùa cực lớn gần Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng cấp tập trên những khoảnh ruộng và vườn vừa mua lại của người dân, và tuy cực lớn nhưng nó vẫn lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông nằm tận vùng rất sâu so với trục đường chính. Quanh chùa, xi măng vôi vữa vẫn ngổn ngang giữa đất ruộng vừa móc lên và vườn tược của người dân quanh vùng. Hôm an vị tượng Phật có cả một vị nguyên thủ quốc gia về dự, công an và cảnh sát vòng trong vòng ngoài bảo vệ từ cách gần 10 cây số. Người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông đổ về như thác, ô tô đỗ cả ngàn chiếc, xe máy phải gửi từ cách vài cây số rồi đi bộ vào chùa mà đường vẫn chen chúc kín đặc người. Từ những hôm trước, vị VIP mà chúng tôi đi cùng đã cùng những vị VIP khác cao hơn đặc biệt chuẩn bị cho buổi lễ này, bằng rất nhiều tiền bạc và vật phẩm. Nguồn tiền ? Bà nói từ kinh doanh và từ những người bạn đóng góp.

Nguồn tiền ở đâu để những ngôi chùa vĩ đại ngày càng mọc lên trong những khoảng thời gian ngắn ngủi kỷ lục, sắm những tượng Phật ngày càng to lớn và đắt tiền và đổi lại, nguồn thu trở về của nó cũng vĩ đại không kém ? Tại sao nằm trọn vẹn trong vườn quốc gia hay vùng đất nông nghiệp mà nó lại được cho phép chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng chóng vánh, dồi dào đến thế ?

Hỏi đã là trả lời.

Phát mãi thần linh

Xưa kia, quan chức đi chùa, cúng vái các nơi thờ tự có tiếng linh thiêng chỉ để cầu xin phù hộ cho con đường làm quan an toàn và thênh thang. Cạnh đó là để "tán lộc", phân phát lại một phần của cải đã nhận được, thấm nhuần quan điểm "lộc bất tận hưởng" của người Việt Nam. Con số cúng dường ngày càng cao lên với sự bất an về chức quan, biến thành hối lộ thần linh. Nhưng khi nhận ra lợi nhuận ngất ngưởng và an toàn từ việc khai thác niềm tin tâm linh và tín ngưỡng của người dân thì từ hối lộ thần linh đến việc chủ động lôi kéo đồ đệ của các ngài vào công cuộc phát mãi thần linh làm giàu, chỉ cách một bước chân.

Từ lâu, dân Việt Nam đã mỉa mai dùng từ "chùa quốc doanh", "sư quốc doanh", "công ty trách nhiệm hữu hạn Chùa"… để gọi những ngôi chùa sặc mùi tiền và những ông sư giỏi "làm kinh tế". Những vị như trụ trì Thích Thanh Toàn, trụ trì Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng lừng danh với vụ bắt phật tử nộp tiền để cúng oan gia trái chủ, trụ trì Thích Thanh Quyết chùa Phúc Khánh (từng bị gọi là Thích Hành Quyết) mỗi năm thu tiền cúng sao giải hạn với giá 150.000 đ/người, mà số người ngồi vây quanh chùa kẹt hết mấy con đường… chỉ là một số ít nổi bật trên cái nền mạt pháp nói chung. Còn nhiều sư nhậu nhẹt, chơi gái, chụp hình cầm súng ống, khoe tiền bạc của cải, hành xử như lưu manh với phật tử.

Thế nhưng vì cớ gì những điều nghịch đạo ấy cứ ngang nhiên phơi giữa bạch nhật mà không một chức sắc nào của Giáo hội Phật giáo dám thật sự ra tay chỉnh đốn mà chỉ phê phán trên báo chí ? Chỉ mãi đến khi các "công ty" quá ngang ngược lộng hành, công luận và người dân phẫn nộ thì các sư mới bị …luân chuyển đi nơi khác, và… tiếp tục lên chức tại đó.

Như sư Thích Trúc Thái Minh sau vụ ầm ĩ chùa Ba Vàng năm 2019, bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong giáo hội (chức vụ cao nhất là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì về Quảng Bình và mới đây nhất, vừa lên chức Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027.

Nguyễn Minh

Nguồn : RFA, 27/12/2022

Tham khảo :

https://thanhnien.vn/tru-tri-chua-ba-vang-dai-duc-thich-truc-thai-minh-lam-pho-ban-tri-su-phat-giao-quang-binh-post1491150.html

https://vietnamnet.vn/be-boi-chua-ba-vang-nhung-chuyen-dau-long-515772.html

https://vtc.vn/su-thay-chua-phuc-khanh-150000-dong-dang-sao-giai-han-la-rat-ha-roi-ar458448.html

nhachua2

Khu vực ngoài cổng hay tuyến đường xung quanh chùa Phúc Khánh thường xuyên tắc nghẽn do dân ngồi dự lễ Cầu an. Mỗi lễ nhà chùa thu ít nhất 150.000 đ. Nguồn : VTC News

https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/gia-tai-300-ty-cua-su-thich-thanh-toan-bao-gom-tai-san-gi-73702.html

https://www.phunuonline.com.vn/dieu-tra-doc-quyen-sun-group-dia-nguc-tu-va-ma-tran-chiem-linh-rung-quoc-gia-tam-dao-a1391283.html

Published in Diễn đàn

Kinh hoàng thay ! Tu viện hay cung điện ?

Đàm Ngọc Tuyên , VNTB, 27/03/2021

Xương trắng xây chùa hay là gỗ Giáng hương ?

Người dân, bao gồm Phật tử ở Sài Gòn, cũng như trên cả nước, nói chung, (kể cả những người Việt hải ngoại), hầu như, đại đa đều biết (hoặc nghe nhắc đến), về ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, ở Quận 3. Hay còn gọi là Tổ đình Vĩnh Nghiêm, hệ phái Trúc Lâm, miền Vĩnh Nghiêm của Khối Phật giáo đồ, miền Bắc lập nghiệp và hành đạo tại miền Nam. Khai sơn là Cố Hòa thượng Thích Tâm Giác – người từng là Giám Đốc Tổng nha Tuyên úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trước năm 1975.

tu1

Thời Việt Nam Cộng Hòa, ngôi chùa này, tọa lac trên đường Công Lý. Sau biến cố 30/4/1975, Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, thương hải tang điền. Tuy nhiên, cách chùa tầm 30 mét, có cây cầu, vẫn giữ nguyên tên gọi Công Lý. Theo trục lộ này, hướng đi về Nhà thờ Đức Bà, thì chùa ở bên phải, vừa qua cầu. Trú trì đời thứ 3, hiện nay là, Thượng tọa Thích Thanh Phong, (trước còn có chức danh Phó Trú trì là Thượng tọa Thích Giác Dũng).

Tuy nhiên, rất ít người biết về một tu viện có cùng tên gọi, cũng ở Sài Gòn. Người xây dựng Tu viện Vĩnh Nghiêm, trên danh nghĩa, hẳn phải là ông Thanh Phong. Còn nguồn tiền ở đâu càng khó biết biết bao ! Không nhiều người biết về Tu viện này, có lẽ, vì nó mới khởi công xây dựng, từ năm 2009. Tôi đoán chừng như thế, hơn nữa, lại nằm ở vùng ven, trước thuộc ngoại ô huyện Hóc Môn, bây giờ là Quận 12.

Ở trên, có nêu ra thắc mắc, rất khó biết được nguồn gốc tiền ở đâu, để có nguồn kinh phí mà xây dựng ? Trong khi, trực quan toàn cảnh tổng thể công trình này, vô cùng kinh hoàng về diện tích, sự nguy nga, kì vĩ, của nó. Trên tất cả, là lượng gỗ khổng lồ, tạo tác tu viện, cũng như sự xa hoa, ở chốn nơi này. Không khác những cung điện mà bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, từng ghi khắc, ở Trung Hoa, cách nay đến mấy ngàn năm.

tu2

Xin xem qua những bức ảnh lột tả chốn na ná cung điện vậy. Bức ảnh số 1 – 6, là lượt quát ở Phật điện và bên trong. Quý vị hãy chú ý đến bức ảnh 5 và 6 nhé ! Chỉ riêng tạo tác bằng gỗ Giáng hương, đã ngốn đến 200m3. Nếu có xuất xứ tại Lào, thì lượng gỗ ấy ước tính có giá lên đến 8 tỷ đồng.

tu3

Từ bức ảnh số 7 đến 20, được ghi hình vào thứ Hai, ngày 18/3/2019 (nhằm ngày 13/2/Kỷ Hợi). Khi Hoà thượng Thích Huyền Tôn, Tọa chủ chùa Pháp Vương (Úc châu), đến thăm Tu viện. Đây cũng là lần đầu tiên, vị Hoà thượng đã ngoài 90 tuổi, quy cố hương, sau 40 năm ly hương (hay tỵ nạn cộng sản ?).

tu4

Hôm sau, Đại đức Thích Trí Minh, Trú trì chùa Phổ Minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắk), thăm Tu viện, vào ngày 19/3/2019 (nhằm ngày 14/2/Kỷ Hợi). Được lột tả bằng những bức ảnh từ số 21 – 32.

tu5

Những hình ảnh từ số 33 trở về sau, ghi nhận lại cảnh những thợ mộc, những nghệ nhân điêu khắc gỗ thi công. Cũng như bên trong xưởng mộc phục vụ cho công trình kinh khiếp này. Và, số lượng vật liệu là gỗ, được tập kết bên trong khuôn viên chùa.

tu6

tu7

tu8

tu9

Đây chỉ là một phần nhỏ, như cái móng tay, so với quy mô tổng thể của tu viện như cung điện này. Quả thật, tiền công đức của bá tánh, e rằng, không đủ lát gạch vỉa hè ! Ghê rợn quá ! Điều ấy, khiến người viết phải rùng mình, khi cảnh tang thương chết chóc của bá tánh ở miền Trung, lởn vởn hiện hiển. Mà, một lý do tiên quyết gây ra họa nhân tai, cần xác quyết đó là NẠN PHÁ RỪNG Ở VIỆT NAM.

Không hề huyễn tưởng, nếu có liên tưởng những thân cây gỗ kia, chính là xương cốt đồng bào chết thảm bởi dòng lũ (quỷ) dữ ! Kinh hoàng thay !

Công đức cúng dường hay thuế dân ?

Nam tranh, Bắc đấu, chốn tu trường.

Miền Vĩnh Nghiêm gió tanh mưa máu.

tu10

Tu Viện Vĩnh Nghiêm 2, số 9, đường Hiệp Thành 31, phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào một trưa hè, năm 2020, tôi và một người bạn, đến viếng mộ của Hòa thượng Thích Tâm Giác, người khai sơn, trụ trì đời thứ nhất Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Quận 3, Sài Gòn), và Thiền viện Vĩnh Nghiêm (Vũng Tàu).

Mộ phần của ông, được người đồng môn, là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, xây cất nằm trên phần đất ông mua lúc sinh thời, với tâm nguyện làm nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, vị trí bây giờ là mặt tiền đường Lê Văn Khương, ngay góc ngã ba với đường Hiệp Thành 31, Phường Hiệp Thành, Quận 12, Sài Gòn.

Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài vỉa đường, thành kính bái lạy hương linh người đã khuất. Điều này, khiến cho người xe ôm đang chờ khách, tận tình chỉ dẫn, có muốn vào bên trong, thì đi theo lối cổng, ở bên đường Hiệp Thành 31. Chứ cổng này, rất hiếm khi mở đâu. Thỉnh thoảng, có người ra quét dọn lá cây thôi. Còn chùa bên kia, đang xây to lắm.

Người miền Nam luôn hiền hòa như vậy. Tôi cảm ơn ông, rồi nửa đùa nửa thật, là tôi không dám bước vào, những ngôi chùa to lớn như thế. Bởi kể từ năm 1981, hầu hết chùa chiền ở Việt Nam, đã không còn có Phật. Mà ở đó, trở thành nơi chốn ẩn náu của bạch cốt tinh, của ma quỷ, những cặn bã của xã hội chủ nghĩa.

Người nằm dưới ngôi mộ này, cả đời bảo vệ Chánh Pháp, cho miền Vĩnh Nghiêm, cho Phật giáo nói chung, ông là người xây dựng cái chùa Vĩnh Nghiêm, ở Quận 3 đó ! Ấy vậy mà, thế sự thăng trầm ! Bây giờ, chùa chiền trở thành nơi tranh quyền đoạt lợi, mua quan bán tước, xu nịnh thế quyền, để nhận về chút ân huệ thừa thải. Cảm thán tôi liền đọc hai câu thơ : "Nam tranh, Bắc đấu, chốn tu trường. Miền Vĩnh Nghiêm gió tanh mưa máu".

Tôi nói một hồi, khiến người xe ôm, há hốc kinh ngạc, nhìn tôi từ đầu đến chân. Hẳn trong lòng ông ấy nghĩ, đã ế khách, lại gặp phải đứa. Tôi mời ông điếu thuốc, rồi kể ông nghe, vì sao họ lại xây cái chùa to vật vã ở đây… !

Đời trụ trì thứ hai Tổ đình Vĩnh Nghiêm, là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm. Tuy nhiên, với tay nải của một chức sắc là Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì tiền mới chính là kinh kệ vậy. Trong khi, chưa bao giờ, chùa Quán Sứ, và Hà Nội tin tưởng lòng trung thành, tu sĩ ở miền Nam, gốc Bắc. Giống như, người ta không tin thành viên của Mặt trận Giải phóng miền Nam vậy.

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, hơn ai hết, phải thấu hiểu điều này. Đại đức Thích Giác Dũng, là tu sĩ ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm, lập tức được chọn, để đến Nhật tu học, rồi sẽ về ngay. Hòa thượng Thanh Kiểm, chắc đến tận lúc chết, vẫn không tin được, phải hơn 15 năm sau, Đại đức Giác Dũng mới được quay về. Âu cũng là nhân quả vậy !

Phạm Đức Phong, một thái tử sư, năm 15 tuổi, vào chùa Quán Sứ. Một bước đệm, cho ngày sau Nam tiến đường tu, khi ông được 20 tuổi. Thời điểm Đại đức Giác Dũng đi Nhật, thì Phạm Đức Phong liền đi Đài Loan, dưới tên gọi giống như là tu sĩ Đại đức Thích Thanh Phong. Khác nhau chút xíu, chỉ 3 năm sau, năm 1999, Thanh Phong quay về, trở thành thị giả của Hòa thượng Thanh Kiểm.

Tháng Chạp năm 2000, Hòa thượng Thanh Kiểm chết. Ai sẽ là trụ trì đời thứ ba của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, khi mà Đại đức Thích Giác Dũng lo tu miết bên Nhật ? Đại đức Thích Thanh Phong đành đoạn tạm Quyền Trụ Trì Tổ Đình Vĩnh Nghiêm vậy, chờ người nơi ấy quay về. Đợi mãi vẫn không về, thôi thì làm Trụ trì không khó, kể cả cái tay nải Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào năm 2007.

Từ Đức quốc, Mỹ đế Ba Lan…, những ngôi chùa có tên Vĩnh Nghiêm lần lượt mọc lên, khi tay nải thiếu kinh kệ, chứ chưa hề thiếu tiền bao giờ, cho dù ngàn tỷ. Mất hơn 15 năm, để lấy học vị Tiến sĩ, Đại đức Thích Giác Dũng mới lò dò về Vĩnh Nghiêm. Tổ đình Vĩnh Nghiêm còn đâu nữa mà tu. Hơn trăm ngôi chùa thuộc miền Vĩnh Nghiêm, dưới sự quản lý của trụ trì Tổ đình, cũng còn trống cái ghế nào, Đại đức Thích Giác Dũng biết ngồi ở đâu ?

tu11

tu12

Đó chính là tất cả lý do, mà cái tu viện Vĩnh Nghiêm, ở Quận 12, được Đại đức Thích Thanh Phong xin giấy phép xây dựng tận 9 năm, đến năm 2009, mới khởi công. Tu viện được thi công ròng rã suốt hơn 9 năm, rồi trao trả lại cho ông Thượng tọa Thích Giác Dũng làm trụ trì, khánh thành vào ngày 4/12/2020. Cũng cần nói rõ chi tiết, năm 2012, đôi bạn tu cùng tiến Thanh Phong, Giác Dũng mới là Thượng tọa.

Quan chức tầm Giám đốc Sở, ở Bình Định, may ra, mới được Thượng tọa Thích Đồng Ngộ tiếp. Chỉ cần trong nhà, treo bức hình, gia chủ chụp chung với ông ta thôi, sẽ thay cho câu trả lời, có biết bố mày là ai không ? Trong khi, Thích Đồng Ngộ mới chỉ là thành viên sai vặt, của cái tay nải, là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của Giáo hội.

Thế mới hiểu vì sao, hàng ngàn mét khối gỗ căm xe, hàng trăm mét khối gỗ giáng hương, và hàng ngàn tỷ, chỉ để xây cái tu viện Vĩnh Nghiêm, dễ dàng hơn cư sỹ mua một bó rau.

Nguồn : FB Đàm Ngọc Tuyên 

*********************

Việt Nam : Vạt núi đốn cây xây nơi thờ Phật 'vì tâm linh' ?

Bùi Uyên, BBC, 15/02/2021

Ra Tết là dịp nhiều người lũ lượt trẩy hội, lễ chùa, du lịch tâm linh, không chỉ tại các địa danh làng quê lâu đời, mà trên khắp nẻo đường xa xôi của đất nước.

tu13

Tượng Phật khổng lồ được dựng ở Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp 5/2019 (hình minh họa)

Hiện tượng đó đặt ra một số câu hỏi, vấn đề và cả vấn nạn sau đây, từ nhiều năm qua, xét về nhiều mặt : từ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ môi trường và các di tích lịch sử, đến kiến trúc, quy hoạch và xây dựng, mà bài viết nhỏ này chỉ có thể tập trung vào được vài khía cạnh. Du lịch tâm linh : xây chùa để... giải trí ?

Những năm gần đây, liên tục nhiều chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng trên những đỉnh núi phía Bắc. Bao chùa lớn nhỏ hoành tráng khắp nơi. Cái nào cũng tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, san rừng bạt núi, với chọn bố cục và phong thủy như một tòa cung điện. Như xây Bảo An Thiền Tự với tượng phật khổng lồ tại Sapa rồi Trúc Lâm Bản Giốc, tiếp đến đến Lũng Cú, cùng bao tượng Phật rải dọc chiều dài đất nước.

Tỉnh Cao Bằng có hai dân tộc đông dân nhất là dân tộc Tày và Nùng, người Việt chỉ chiếm 5,8%. Hà Giang thì đông nhất là người H'Mong, rồi đến người Tày, riêng hai dân tộc này chiếm hơn 50% dân số.

Người ta nói xây thiền viện cho nhu cầu tâm linh, nhằm mục đích học hiểu Phật pháp cho người tu hành và cho Phật tử. Nhưng các thiền viện thường nằm trong nơi có lịch sử liên quan đến Phật giáo, chứ có phải bạ đâu cũng xây Trúc Lâm Thiền Viện ?

Còn có lập luận rằng các vùng biên cương cần phải khẳng định văn hóa Việt, nhớ ơn Phật giáo. Thế thì văn hóa các dân tộc khác ở đâu ?

Người dân tộc địa phương có đi lễ chùa không ? Hay nhắm vào khách du lịch trong nước ?

tu14

Cách xây dựng hiện nay, thực chất giống như một sản phẩm kinh doanh. Đa số trên những quần thể mới tinh, thành một xu thế các tỉnh dựng tượng Phật, xây chùa chiền, kết hợp vui chơi giải trí !

Nhìn bản thống kê du lịch Lào Cai, 65% khách tham quan đến thăm các địa điểm du lịch tâm linh, nên đây được đánh giá là mũi nhọn thu hút du khách. Nhu cầu thờ cúng hay du lịch tâm linh phát triển trở thành nơi hốt bạc.

Trong khi đó, các di tích chùa chiền được xếp hạng lâu năm bị xuống cấp thì khó khăn tìm kinh phí tu bổ. Tự hỏi, dưới cái bề nổi nhao nhao xây chùa mới này, lại lộ rõ sự "mạt pháp" ? Nhất là khi những bê bối như chùa Địa Ngục, Tam Đảo hay Ba Vàng, Quảng Ninh hé lộ làm người theo đạo hay không đều thấy phẫn nộ.

Hy sinh tài nguyên làm giàu cho dân cho nước ?

Tỉnh nào cũng muốn làm du lịch để thu lợi nhuận nhanh, doanh nghiệp nào cũng muốn lãi lớn.

Quan chức một mặt than nghèo để chờ xin từ thiện nuôi dân nghèo, xây trường lớp. Mặt khác quyết "văn hóa phải đi trước một bước" với những dự án quảng trường, tượng đài, chùa chiền, thường đắp vào "bộ mặt" mà ai cũng hiểu phần rất nhiều đi vào túi riêng.

Và nhất là 5-10 năm sau, những án tham nhũng, những thất thoát lộ ra. Còn mấy ai, ngoài các nạn nhân trực tiếp, còn nhớ đến những lời hứa hẹn, những "hy sinh vì lợi ích kinh tế chung" mà giới quan chức, các công ty du lịch, đầu tư rao giảng cho dân địa phương ?

Còn ai nhớ để "giải oan" cho những cánh rừng bị bức tử, những nguồn nước ô nhiễm ? Hay rộng hơn, ai chịu trách nhiệm những biến đổi ngày một rõ của khí hậu, thiên tai lũ lụt cuối nguồn ?

Còn người dân địa phương, họ hưởng lợi đến đâu ? Sự "thay da đổi thịt" mà người ta hay mô tả, có dành cho tất cả ? Nếu có, thì trường học được xây mới, bệnh viện được sửa sang, mạng lưới nước sạch lan rộng, đường xá khai thông, cầu cống kiên cố... không chỉ quanh những dự án, mà phải đến những bản làng xa xôi thiếu thốn nhất. Nếu có, thì các địa phương sao vẫn phải lấy xuất khẩu lao động là mục tiêu hàng đầu ?

Người đi lễ - có vô can khi bạ đâu cũng lễ ?

Chùa đằng nào cũng xây rồi, thì cứ vào lễ thôi ? "Ngày xưa chùa chả trên núi đấy thôi, có gì mà làm ầm lên ?". Chúng ta dễ nghe thấy những câu tự phản biện như thế.

Sự khác biệt ở đây là nhận thức và quy mô.

Xưa đất rộng dân cư ít, chùa xây ở nơi hẻo lánh hay thanh tịnh để xa rời nhân gian, tập trung tu tập. Nay chùa cũng xây trên đỉnh núi, nhưng kèm theo ùn ùn hàng triệu người kéo về, và đi cùng với nó hàng loạt cỗ máy dịch vụ, du lịch, quy mô tác động tăng lên gấp bội.

Nước ta một mặt "đi tắt đón đầu", phát triển dựa trên những thành tựu kỹ thuật, xã hội mà nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh, sai lầm để chắt lọc. Mặt khác lại cho phép mình cũng tàn phá môi trường, so sánh việc mình làm ở thế kỷ 21 với những vết xe đổ hay sự hạn chế nhận thức, công nghệ của thế kỷ 18-19 trên thế giới ? Có phải là "tiêu chuẩn kép" không ?

Chúng ta hẳn chưa quên vài năm trước trong đợt nghỉ lễ cuối tháng Tư, khi người dân Sapa phải cắt giảm nước tưới tiêu, sinh hoạt, với lý do thiếu nước cho khối khách sạn, dịch vụ. Như vậy, điều kiện sống cơ bản, và nghề nông địa phương - vốn làm nên bản sắc của khu du lịch - cũng bị xếp hàng thứ yếu để dồn lực cho thu hút du lịch.

Đó là tác động nhìn thấy, thử hỏi còn bao thứ hậu quả mà chúng ta không biết đến, thậm chí dài hạn ?

Không có những tiến bộ về điều kiện sống cho người dân, thì chúng ta không thể ngây thơ cho rằng việc bỏ tiền cho những địa danh du lịch đó, là đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

tu15

Ra Tết là thời điểm nhiều người đi trẩy hội, lễ chùa

Khắt khe hơn, dù không phải chịu trách nhiệm, nhưng thậm chí chúng ta đang góp phần vào cỗ máy khai thác kiệt quệ những tài nguyên, thu lợi cho thiểu số, khắc sâu khoảng cách giàu nghèo với những người dân chịu thiệt hại, bị bỏ lại đằng sau.

Du lịch số đông là mục tiêu dài hạn ?

Ngành du lịch ngày nay vẫn tập trung khai thác với mục tiêu vào số đông, với "du lịch tâm linh" kết hợp "du lịch cáp treo" chăng tơ nhện phủ kín núi rừng Việt Nam. Chủ yếu là xây mới, với hạ tầng đồ sộ, tác động mạnh vào địa điểm, thiên nhiên. Loại hình du lịch này thu hút chủ yếu khách du lịch nội địa.

Một hướng khác, dựa vào khám phá vẻ đẹp tự nhiên, trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng bản địa, du lịch cộng đồng, lấy đó là trung tâm của nội dung thăm quan, ít tác động nhất đến nơi chốn để vừa khai thác du lịch vừa phải, vừa gìn giữ cho đời sau.

Hướng này dù mới mẻ, vốn tập trung nhiều du khách quốc tế, nhưng ngày càng được lựa chọn bởi giới trẻ có nhận thức hơn về môi trường và nhu cầu trải nghiệm, tôn trọng văn hoá bản địa.

Nhìn tổng quan, trong đánh giá thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh của du lịch Việt Nam vài năm nay được tăng hạng đáng kể (hạng 63 năm 2019, tăng 12 bậc so với 2015), tuy vậy điểm cộng vẫn tập trung vào cạnh tranh về giá, về nguồn nhân công rẻ, về sức hấp dẫn của tài nguyên tự nhiên, văn hóa. Ít ai nhắc đến điểm "trừ" báo động vẫn luôn nằm trong các hạng mục "chất lượng" về sức khỏe, vệ sinh, về dịch vụ và hạ tầng du lịch, đặc biệt mức độ bền vững môi trường đứng hạng thấp nhất : 121/ 136 (xếp hạng năm 2019).

Có một thực tế là, lượng khách trong nước của nước ta chiếm tới hơn 80%, gấp gần 5 lần so lượng khách quốc tế, nhưng tổng thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm gần 45% (14,5 tỷ USD, so với 18,3 tỷ USD từ khách quốc tế), theo số liệu của Tổng cục Du lịch năm 2019. Như vậy, những loại hình du lịch tiêu tốn tài nguyên, du lịch khai thác tâm linh, dành cho số lượng khách nội địa lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp hơn nhiều so với du lịch quốc tế.

Nói một cách khác, chúng ta đang chọn hướng không bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên, biến dạng văn hóa, để nhắm vào loại hình du lịch thu lợi nhuận chưa cao.

Kết luận

Sapa, Bản Giốc hôm qua, Lũng Cú Hà Giang hôm nay, vạt núi đốn cây để xây điểm du lịch tâm linh. Liệu ngày mai thêm bao cơn lũ ống, lũ quét bản làng ? Và chúng ta, dễ dãi lễ bái bất kể ở những ngôi chùa, tượng Phật, chẳng thể mọc lên với lý do nào khác ngoài là một loại hình giải trí, kinh doanh, giữa vùng đất bao đời người dân tộc thiểu số sinh sống ?

Hơn nữa, với việc xây dựng một công trình của tôn giáo này lên vùng đất vốn tập trung nhiều người tôn giáo khác mà không do nhu cầu của người dân, thì liệu có quá lời không khi gọi đây là một hình thức "xâm lăng văn hóa" ? Và điều này còn tiếp diễn đến bao giờ nữa đây ?

Năm 2020 là một năm kiệt quệ với ngành du lịch, cú hãm phanh đột ngột khi đang đà phát triển mạnh mẽ có là cơ hội để người làm du lịch tĩnh tâm nhìn lại hướng đi của mình ?

Và mỗi chúng ta, một năm của giãn cách, có đặt lại những câu hỏi cho bản thân về lối sống tiêu dùng và lựa chọn cách "xê dịch" ?

Bùi Uyên

Nguồn : BBC, 15/02/2021

Bà Bùi Uyên, kiến trúc sư hiện sống tại Paris, Pháp.

Published in Diễn đàn

Từ chùa Kỳ Quang 2, nhớ đến một ngôi chùa đã mất ở quận 2, Sài Gòn

Lý Tu Duyên, VNTB, 05/09/2020

Mấy ngày qua, lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh những hũ cốt bị dời đi, gom vào một góc ; tấm hình trên hũ cốt cũng bị tróc ra… Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, nói thật, là tôi không thể tin chuyện đó có thể xảy ra, nhất là vào thời điểm này : Vu Lan.

chua1

Cổng vào chùa Kỳ Quang 2 chiều 4/9. Ảnh : Hà An.

Cứ nghĩ rằng thông tin là ảo, nhưng đó lại là sự thật. Báo chí vào cuộc, đưa tin. Giải thích cho vấn đề này, sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, nói rằng trong quá trình di dời, nhiều phật tử di chuyển các hũ cốt, có khi rửa bằng vòi áp lực mạnh, vệ sinh làm rơi rớt bảng tên, di ảnh trên hũ cốt.

Có thể nói, việc lau dọn, vệ sinh hay di chuyển những hũ cốt là các trường hợp gặp nhiều ở các chùa. Tuy nhiên, khó có thể tin được việc di chuyển, vệ sinh đó lại có thể làm rớt bảng tên, di ảnh. Nếu như thế, thì những người vệ sinh đó hiện đang ở đâu ? Và lương tâm của họ có cắn rứt khi lỡ làm vậy không ? Nếu mọi thứ là đúng, thế thì tại sao không đặt những hũ cốt cũng như di ảnh ngay ngắn ở nơi trang trọng nào đó, mà lại gom lại thành một đống ?

Tôi nhớ, một sư huynh từng nói với tôi rằng : "Có những chuyện không nên tranh luận, trong đó, có vấn đề về tôn giáo". Chính vì thế, cũng e dè khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vai trò của những Phật tử có người thân nằm tại chùa mà bị như vậy, hỏi có sốc không ? Nếu im lặng, không lên tiếng thì đúng là cái tát vào luân thường đạo lý. Tôi tin là sư trụ trì ở chùa Kỳ Quang 2 cũng là người có tấm lòng Bồ tát, đứng ra nhận lãnh mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, thiết nghĩ, cũng nên có sự rõ ràng trong vấn đề này, nếu ai đã lỡ làm như vậy, hãy tử tế biết đứng ra xin lỗi, có lẽ, trong mùa Vu Lan, nhiều người cũng sẽ rộng lòng tha thứ – bởi đây là hành vi có thể bị khởi tố hình sự, đối mặt tù tội của tội danh ‘xúc phạm mồ mã’.

Theo tường thuật của báo chí, có một Phật tử bức xúc về vấn đề này, kể : "…Tính ra, tro cốt của ông xã tôi được gửi ở chùa Kỳ Quang 2 với giá ít nhất cũng hơn 6 cây vàng rồi (bà này tính toán trên thực tế tiền mua 2 huyệt ở nghĩa trang phía sau chùa, sau này nhà nước quy hoạch nên phải bốc mộ…), chưa tính tiền hỏa thiêu. Bây giờ vứt lộn xộn thế này, làm sao tôi tìm được đúng hũ cốt của ông xã tôi…".

chua2

Theo đại diện chùa Kỳ Quang 2, ngày 9.9 tới đây, nhà chùa sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương tổ chức cho người dân vào hầm thờ tro cốt để nhận diện hũ tro cốt thân nhân của mình.

Nói về chi phí cho việc gửi cốt vào chùa, tôi chợt nhớ đến hình ảnh một ngôi chùa nhỏ đã bị chính quyền đập bỏ với lý do quy hoạch, ở quận 2, miệt Thủ Thiêm của Sài Gòn, làm tôi ấn tượng đến giờ này.

Trong một lần cơ duyên, tôi được nói chuyện với thầy Viện chủ nơi đây. Tôi có hỏi về khoản chi phí để gửi một hũ cốt vào chùa. Bởi đúng là có những chùa chi phí gửi không cao, song không ít nơi lại "quá khả năng" của gia đình. Tôi nhớ khi đó thầy cười, thầy bảo ở chùa mình không như nơi khác, muốn gửi bao nhiêu cũng được. Nếu như gia đình khi đó đang khó khăn về tài chính, hoặc không có tiền, có thể tới nói thầy, chỉ cần mua bình hoa và một ít hoa quả rồi gửi, mấy thầy ở đây cũng cúng đàng hoàng hết.

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Ừ nhỉ, chúng sanh bình đẳng như nhau mà. Con người lúc sống có thể phân thành giàu, nghèo, khi chết cũng trở về với cát bụi. Chẳng lẽ chỉ người giàu có tiền mới được lo từ A tới Z lúc sống lẫn lìa đời ?

chua3

Ngày 8/9/2016, Chùa Liên Trì đã bị chính quyền Quận 2 Sài Gòn phá sập không thương tâm - Ảnh minh họa Hòa thượng Thích Không Tánh khóc nức nở trên những mảnh vụn của ngôi chùa vừa bị đập phá

Vẫn biết rằng ở ngoài cuộc sống, cũng có nhiều vị sư, thầy trụ trì như thầy Viện chủ chùa Liên Trì kể trên, song, mỗi lần nhớ lại, tôi không bao giờ quên được cái hình ảnh ấy. Chúng tựa như một thước phim của ký ức, của tình người.

Chính quyền quận 2, Sài Gòn có thể đập bỏ được chùa Liên Trì, song ngày nào hình ảnh ngôi chùa cũng như hình ảnh hiền lành, nhân từ, luôn giúp đỡ những người khó khăn của vị Hòa thượng Viện chủ vẫn hiện diện trong tâm tưởng, trong những câu chuyện nhắc nhớ, kể về… thì chùa Liên Trì vẫn sẽ mãi trường tồn !

Lý Tu Duyên

Nguồn : VNTB, 05/09/2020

***********************

Những hủ tro cốt bị vất lăn lóc trong góc chùa và tâm hồn Việt tổn thương

Viết từ Sài Gòn, RFA, 03/09/2020

Khi mùa thu không còn yên tĩnh, cả tuổi thơ và người lớn đều mơ hồ nhận ra được sự bất an tự sâu thẳm, và cả những gì thuộc về quá khứ, cũng chưa chắc đã được yên. Trong lúc này, thế giới vẫn chưa bao giờ được yên tĩnh, giá như chỉ cần yên tĩnh bằng một phần mười của thế giới cách đây chưa đầy một năm cũng đã là quí hóa ! Dịch bệnh, cháy rừng, thiên tai, nguy cơ chiến tranh rình rập… Tất cả đang ập xuống con người. Tại Việt Nam, sự bất an còn cao hơn những gì đang thấy, bởi sự khuấy động, sự bất an không đến từ bên ngoài mà đến từ chính bên trong tâm hồn con người. Hành xử giữa con người với con người và cả hành xử của người sống đối với người quá cố… Mọi thứ trở nên lộn xộn và u ám… !

chua4

Hình ảnh các hũ tro cốt được vứt xó trong chùa Kỳ Quang 2. Ảnh : FBNV

Chưa có mùa thu nào mà việc tựu trường lại trở thành nỗi lo, lại biến thành cuộc chiến ngấm ngầm và giằng co giữa cha mẹ học sinh với ngành giáo dục như bây giờ. Về phía ngành giáo dục, họ cố gắng làm sao cho hoàn thành chỉ tiêu năm học, bởi vấn đề tiền lương, các gói hỗ trợ, vấn đề thành tích. Ngược lại, về phía cha mẹ học sinh, dường như trước nguy cơ chết người như dịch Covid-19 và nhiều cái chết bày ra trước mắt, sự sống vẫn là thứ quan trọng nhất, thứ con người cần duy trì và bảo vệ nhiều nhất. Chính vì lẽ này, con em có đi học chậm nửa năm, một năm, thậm chí hai năm cũng chẳng sao. Miễn sao mọi sự an toàn, và nạn đói, nạn cướp bóc đừng diễn ra. Đương nhiên, nếu trường học đóng cửa quá lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc gia. Nhưng nếu mở cửa vội vàng, dịch bệnh chưa sạch và bùng phát trở lại thì việc mở cửa sớm làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh và kinh tế quốc gia. Mọi thứ đều rất mâu thuẫn và bất an !

Trong khi đó, các vấn đề về kinh tế, từ các công trình bị đội vốn, đến những cá nhân, tập thể tham nhũng, thậm chí các quan chức tham nhũng bạo tay đang bị phanh phui… trước thềm Đại hội đảng 13 đều cho thấy mọi thứ đều có gì đó bất an, khó nói. Và, nói cho cùng là sự bất an, lộn xộn này không chỉ đến từ bên ngoài, do ngoại cảnh tác động như dịch bệnh, chiến tranh hay thiên tai… mà nó xuất phát từ chính bên trong tâm hồn con người, cụ thể là nó xuất phát từ bên trong tâm hồn người Việt, một tâm hồn đã trải qua quá nhiều chấn thương tập thể và cơ hội lành lặn dường như chưa thấy.

Nói rằng người Việt trải qua quá nhiều chấn thương tập thể, có lẽ cũng không cần diễn giải chi cho nhiều khi mà chiến tranh liên tục áp đặt lên Việt Nam từ suốt ngàn năm nay và cho đến bây giờ, khi tạm yên chinh chiến, tạm lắng lại để con người có thể mưu cầu cơm áo, ước mơ tri thức thì mọi vết tích của nó vẫn cứ hiển hiện, từ chỗ phân biệt Bắc – Nam cho đến kì thị vùng miền, sự bất mãn giữa giáo hội tôn giáo nhà nước và các cơ sở tông giáo phi nhà nước, sự mất cân bằng tình cảm giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, mâu thuẫn giữa nhân dân với cán bộ nhà nước, sự bất công trong quản lý, điều tiết và hành xử đất đai của cán bộ với người dân… Dường như tâm hồn con người chưa bao giờ được bình yên !

chua5

Di ảnh của người thân bị vứt một góc. Ảnh : VTC News

Và đáng sợ hơn, vấn đề giáo dục, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trong vòng nửa thế kỉ đã đẩy đất nước đến chỗ khốn cùng. Sự khốn cùng này đến từ hai phía, tự bản chất của nền giáo dục và cả sự ngộ nhận trong đối tượng thụ đắc. Bản chất của nền giáo dục chạy theo thành tích, vô cảm, thực dụng và thiếu nhân tâm thì đã thấy rõ. Nhưng những ngộ nhận từ bên ngoài về đối tượng thụ đắc của nền giáo dục này, dường như các thế hệ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị cào bằng là thành phần hủ lậu, thành phần thiếu tiến bộ, thành phần kém cỏi… Điều này dẫn đến tình trạng phân biệt, kì thị ngấm ngầm giữa các thành phần trẻ hoạt động dân chủ trong nước và ngoài nước. Dường như giới trẻ trong nước được bên ngoài tung hê như những anh hùng trong bàn tay điều hướng của họ, các anh hùng trong nước đóng vai trò công cụ nhiều hơn là thực lực và lý tưởng.

Trong thực tế, có nhiều người học dưới trường xã hội chủ nghĩa từ tấm bé, nhưng khi trưởng thành, họ là những người yêu nước thực sự, nhận thức của họ không dừng ở mức xã hội chủ nghĩa. Và mọi sự kì thị chỉ làm cho vết thương thế hệ trở nên sưng tấy trong họ. Và vấn đề bất an tâm hồn dân tộc không phải chỉ đến từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà nó đến từ nhiều hướng, nhưng hướng chủ lực vẫn là căn tính của dân tộc. Một dân tộc có căn tính máu lửa, gai góc và thù hận do chiến tranh qui ước, sẽ tốn rất nhiều thời gian để phục hồi. Câu chuyện này càng trở nên sinh động hơn khi chiều ngày 3/9/2020, người ta phát hiện ra 775 hủ tro cốt bị nhà chùa vất lăn lóc, mất hết danh tính (trong khi đó, muốn đưa tro cốt vào chùa, các thân nhân phải bỏ ra khoản tiền vài chục triệu đồng, thấp nhất là bốn chục triệu đồng cho sư trụ trì). Về mặt bản chất, đây là việc vô nhân, thú vật. Và vô hình trung, nó nhắc đến hai chữ vô cảm vốn được mặc định cho giáo dục xã hội chủ nghĩa, những ai được thụ đắc giáo dục Cộng hòa sẽ không bao giờ bị gán cho chữ này. Thế nhưng với độ tuổi cổ lai hi của sư trụ trì này ? Liệu ông đã trải qua tuổi học trò dưới mái trường nào ? Giáo dục Thuộc Pháp hay Giáo dục Cộng hòa ? Hay Giáo dục Xã hội chủ nghĩa ngoài miền Bắc ?

Chắc chắn là ông sư này thuộc nền giáo dục Thuộc Pháp hoặc giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, ông là người miền Nam. Và cho dù ông có tập kết ra Bắc thì ông cũng không thuộc diện nhận lãnh nền giáo dục thực dụng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến nay. Mọi thế hệ gây bão trong xã hội Việt Nam, từ máu lạnh, vô cảm đến cướp bóc, tham nhũng, hành hạ dân… Đều tập trung cao độ ở phân đoạn giáo dục này. Nhưng ông vẫn có vấn đề đấy thôi. Điều này chứng tỏ rằng bản chất của một dân tộc trải qua quá nhiều máu xương và nước mắt sẽ rất khó để lương thiện đúng mức khi đồng tiền đổ ập lên dân tộc đó và kích hoạt mọi thứ tham vọng của con người.

Nói như vậy để thấy rằng vấn đề nền giáo dục nào đã đào tạo ra con người như thế nào không thôi cũng chưa đầy đủ, mà sâu xa hơn, tiến trình phục hồi nhân cảm sau một chuỗi dài toàn tranh đấu và tranh đấu của một dân tộc đã khiến cho mọi thứ tội ác luôn rình rập hoặc nó ngủ quên đâu đó trong khốn khổ, cơ cực. Nhưng đến khi có cơ hội, nói sẽ thức dậy. Và hiện tại, dường như mọi thứ tội ác, mọi tâm địa cơ hội đang thức giấc. Một mùa thu chẳng còn bình yên đang đến gần. Vấn đề là người ta đủ bình tĩnh để đối mặt với nó, đủ kiên nhẫn và dũng khí để đối đầu với nó hay không mà thôi !

Và đến bao giờ tâm hồn Việt thôi bị tổn thương ? Đây là câu hỏi dài dòng và rất khó để có lời giải đáp !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 03/09/2020 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn