Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thế giới ngày nay, hầu như không có nền tư pháp của bất kỳ quốc gia nào lại có thể vắng bóng vai trò của luật sư. Thậm chí, để đo lường sự văn minh – dân chủ của một quốc gia, người ta tính tỉ lệ bác sĩ, luật sư theo đầu người (trên tổng dân số).

ls1

Luật Sư Nguyễn Văn Đài (giữa), người bị chế độ độc tài đảng trị tuyên án 15 năm tù và 5 năm quản chế, chỉ vì đấu tranh cho tự do dân chủ và nền tư pháp minh bạch. (Hình : Getty Images)

Không ở đâu như Việt Nam, khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" được giăng, mắc ở khắp nơi như là… mạng nhện.

Sau này, người ta bỏ đi hai chữ "hiến pháp" trong khẩu hiệu, vì thấy kêu gọi như vậy thì… nguy hiểm quá. Vì hiến pháp thì ghi rõ, các quyền "Tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập đảng…" trong khi luật pháp thì… cấm ngặt. Do vậy, khẩu hiệu sau này được thu gọn lại, là : "Sống, làm việc theo pháp luật".

Nhưng làm thế nào để sống và làm việc theo pháp luật mà không bị… làm phiền, thì vẫn là một con đường nhiều nhiêu khê.

Vì ở Việt Nam, chẳng những thiếu vắng các luật sư giỏi chuyên ngành, mà tệ hơn vai trò của luật sư chỉ là… một "cái bóng" mờ nhạt trong quá trình tố tụng. Như ở các nước, quyền được giữ im lặng của nghi can là quyền đầu tiên được nêu, và quá trình thẩm vấn chỉ được diễn ra khi có sự hiện diện của luật sư đại diện cho quyền lợi của nghi can.

Ở Việt Nam thì ngược lại, luật sư muốn được bào chữa cho thân chủ, hay muốn gặp gỡ thân chủ thì phải làm đơn xin phép cơ quan… công an. Và nếu bị từ chối, hoặc không ai thèm trả lời, thì luật sư cũng chỉ biết kêu trời, rồi… lủi thủi ra về.

Thực chất, luật sư được "ra đời" chỉ là đề làm tròn vai diễn trên sân khấu tòa án, để cho thế giới bên ngoài nhìn vô thấy xứ sở này cũng có dân chủ. Bị can được xét sử với luật sư biện hộ, chứ không phải là xứ "rừng xanh," tùy tiện phán án mà không qua quá trình… luận tội. Nhưng có lẽ từ năm 1959, khi quốc hội cộng sản ra một "đạo luật" về cái gọi là "thẩm phán nhân dân," thì đã là một ấn định chung cuộc cho các bị can. Là vì, "thẩm phán nhân dân" không phải là các bồi thẩm đoàn bình thường, mà họ là hiện thân của chuyên chính vô sản, mang trong người tính chiến đấu của giai cấp, và đều là đảng viên cộng sản. Do vậy, hầu như chưa có luật sư nào "cãi" thành công trong các vụ án mang tính chính trị, hay thân chủ là người dấn thân cho dân chủ, hay dân oan…

Thường với các trường hợp trên, luật sư đa số đều khuyên thân chủ nên nhận tội, để được hưởng khoan hồng (tức xin giảm án). Vì luật sư biết là với đa số các "án điểm" đều đã có quyết định từ trước. Tranh biện trước tòa chỉ là một trò trình diễn, đôi khi để tránh dây dưa, tòa chỉ diễn một loáng (cho có lệ), rồi vội vàng kết thúc, bất chấp dư luận quốc nội, quốc ngoại.

Còn với những vụ hình sự, thì diễn biến lại theo một tiến trình khác.

Luật sư về các vụ kinh tế – hình sự thì không bao giờ "quảng cáo" là mình uyên thâm về luật pháp, thông thạo các quy trình tố tụng. Mà đa số họ chỉ "khoe" là có quen biết "lớn" với bên tòa án, và khuyên thân chủ nếu biết "bôi trơn" tòa án, thì rồi… việc gì cũng xong. Nói như ông trùm Nam Cam, kẻ "vang bóng một thời" ở Sài Gòn, thì : "Cái gì không mua được bằng tiền, thì mua bằng… nhiều tiền hơn !".

Trên thực tế, ông trùm N.C với tiền và gái đã mua tới tận giới "chóp bu" trong thế giới cộng sản. Nhưng trong xã hội cộng sản (dù là kinh tế thị trường), thì bất cứ điều gì, kẻ nào đã uy hiếp tới quyền lực độc tôn của đảng cộng sản, coi như đã tự ký tên vào bản án tử hình.

Với dân (dân đen, dân oan), giới xã hội đen (dù là các ông trùm được các thế lực che chở), giới đấu tranh cho nhân quyền – dân chủ, kể cả giới luật sư. Tất cả đều chỉ là "con kiến", "củ khoai" trước pháp đình cộng sản.

Nhưng ngay cả với giới cán bộ – đảng viên, kể cả ủy viên trung ương, thậm chí ủy viên Bộ chính trị (với nhân số đếm trên đầu ngón tay, của một cơ quan quyền lực nhất trong xã hội cộng sản). Khi bị "quăng" ra tòa thì họ cũng "bó tay," số có chút sĩ khí thì cũng chỉ biết im lặng, nuốt "tủi hờn" vào bên trong, phó thác cuộc đời cho đảng. Số yếu bóng vía hơn thì khóc lóc, van xin mong "đấng tối cao – kẻ đang nắm quyền sinh sát trong đảng" tha tội, mở ra cho một con đường sống…

Chuyện khác biệt tư tưởng, tính cách giữa các anh em trong cùng một gia đình là điều cũng bình thường. Huống hồ khác biệt trong đảng cầm quyền (dù ở bất cứ nước nào). Nhưng trong xã hội văn minh – dân chủ, người cùng đảng không đến nỗi phải "tàn sát" nhau. Vì hai lý do, thứ nhất quyền lực phụ thuộc vào lá phiếu của người dân, thứ hai tòa án không xét xử và kết tội những vấn đề "trừu tượng," thí dụ như về tư tưởng…

Do vậy, nếu không bằng lòng với đảng trưởng hoặc đường lối của đảng. Người trong đảng có quyền tách ra, lập một đảng khác, vận động tranh cử theo đường lối của mình.

Nhưng ở Việt Nam chuyện không như vậy. Khác biệt thì coi như là… tự sát, hoặc chỉ nghi là khác biệt (không cần chứng cứ) là có thể bị tống thẳng vào tù (mà không cần xét xử). Như thời của Lê Duẩn, để đảm bảo đường lối của mình không ai dám chống đối, Lê Duẩn đã đưa hơn 300 sĩ quan, đảng viên – những người đang nắm những chức vụ quan trọng trong đảng, trong quân đội và chính phủ vào nhà giam mà không cần tới một phiên tòa "hoành tráng". Gọi chung vụ án này là vụ "xét lại – chống đảng". Nhiều năm sau, số sống sót được ra tù mà không có một lời xin lỗi, hay giải thích…

Và mới đây, cựu Ủy viên Bộ chính trị – Đinh La Thăng – đã phải "cảm thán" trước phiên tòa xét xử mình "Có tới sáu tầng quản lý, mà cuối cùng chỉ có mình tôi phải chịu trách nhiệm".

Nhiều người không ưa Đinh La Thăng, nhưng đứng trên phương diện pháp lý, thì thấy từ "quy án" mấy ngàn tỷ, sau rút xuống còn mấy trăm tỷ, nhưng không đưa ra được chứng cớ. Đinh La Thăng có bao nhiêu biệt phủ, biệt điện ? Có bao nhiêu xe hơi, bồ nhí ? Không thấy chứng cớ…

Vai trò của người luật sư trong quá trình tố tụng, cũng như tranh biện trước tòa là đảm bảo cho thân chủ (bị can) được xét xử công bằng, đúng thủ tục, đúng tội danh (tránh bị quy kết những tội do tòa áp đặt, trái pháp luật).

Nhưng vai trò của luật sư trong xã hội "tranh tối tranh sáng" (kiểu kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa) không phải ai cũng hiểu.

Như trong vụ án, công an dùng nhục hình với dân ở Cà Mau. Trước tòa, các luật sư biện hộ cho các bị cáo (là công an) như việc làm bình thường của việc bảo vệ luật pháp. Được tòa cho nói lời cuối cùng. Các bị cáo là công an không xin giảm án, mà chỉ xin gởi lời cám ơn và xin lỗi tới các luật sư. Vì trước kia họ không hiểu vai trò của người luật sư, nên thường có những thái độ không tốt với luật sư. Nay đứng trước vành móng ngựa, được luật sư bào chữa thì họ đã hiểu.

Chừng nào trong một xã hội mà sự độc lập của ngành tư pháp còn bị coi rẻ, vai trò của người luật sư còn mờ nhạt (hoặc vắng bóng), thì trong xã hội ấy, từ người thứ dân cho tới các ủy viên, kể cả ủy viên Bộ chính trị đều chỉ có thể là những tù nhân… dự khuyết. 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 28/05/2018

Published in Diễn đàn

Giới "tư bản đỏ" mới chỉ hình thành vài ba chục năm nay, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố "đổi mới" kể từ 1986, nhưng giờ đây đã thao túng, lũng đoạn mọi chính sách của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam.

tuban1

Những khu nhà ven bờ Thủ Thiêm đã bị cưỡng chế giải tỏa trắng. Cho dự án trung tâm Hành Chánh-Thương Mại-Văn Hóa mà 20 năm nay vẫn chỉ là... trên giấy. (Hình : Văn Lang)

Biết rõ "tư bản đỏ" là một mối an nguy lớn nhất của chế độ, nhưng nhà cầm quyền cộng sản hầu như không có kế sách gì để loại trừ mối nguy cơ này. Thậm chí, chẳng có tay lãnh đạo cộng sản nào nghĩ tới chuyện lập "pháp trường cát". Mà nếu có, thì có thể bắn được hết đám "tư bản đỏ" không ? Và trên hết, bắn rồi có cứu nguy được chế độ không ?

Khi ‘tư bản đỏ’ hiện nguyên hình

Vụ lùm xum đất đai ở Thủ Thiêm Sài Gòn gần đây đã cho thấy "tư bản đỏ" hiện nguyên hình, không còn là "hình bóng mơ hồ", hay chỉ như thiên hạ đồn đoán.

Đầu tiên là vụ phó bí thư Thành ủy Sài Gòn ký giấy bán 32 hécta (ha) đất cho Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai. Lúc này bàn dân thiên hạ mới "té ngửa", vì trước kia thiên hạ chỉ đồn đoán về các vụ "đi đêm" của các cá nhân có chức quyền ở Sài Gòn. Và có tin đồn là cơ quan công quyền của Sài Gòn có tới 30% cổ phần sở hữu trong "liên doanh" với Phú Mỹ Hưng.

Thực hư chưa ai đứng ra xác nhận, nhưng cách đây chừng vài năm khi cư dân khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng kêu gọi trên mạng xuống đường biểu tình vì chính sách thu thuế sử dụng đất bất hợp lý của thành phố Sài Gòn. Lập tức, công an được huy động chốt chặn hết các ngả đường vô Phú Mỹ Hưng và dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Với một khí thế nghiêm trọng chưa từng có, thậm chí được đánh giá là còn nghiêm ngặt hơn cả những ngày chốt chặn người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông. Rõ ràng giới chức của Sài Gòn không có quyền lợi gì ở Phú Mỹ Hưng, đời nào họ huy động quân bảo vệ nghiêm ngặt như vậy ?

tuban2

Tư bản đỏ san lấp sông ngòi kênh rạch ở Sài Gòn để lấn chiếm đất đai, làm cho thành phố luôn trong tình trạng ngập lụt. (Hình : Văn Lang)

Thiên hạ một thời "đồn đoán"là các cơ quan công quyền ở Sài Gòn, đều tự ý lập ra một cái ban (không quy định bằng văn bản) gọi là "ban đời sống". Ban này chuyên chạy lo các dự án đất đai, sau khi hoàn thành quy hoạch (thực chất là đi cướp đất của dân, đền bù với giá rẻ mạt), thì tư túi, chia chác với nhau, tạo điều kiện "làm giàu tập thể" cho các ban chức quyền, có thế lực. Nhưng với vụ Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang ký giấy bán đất cho Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ mạt là 1 triệu 250 ngàn đồng/mét vuông, thì việc hé lộ ra là Thành ủy Sài Gòn (cơ quan quyền lực cao nhất thành phố) có hẳn một công ty mang tên Tân Thuận, chứ không đơn thuần là một "ban đời sống" con con lo chuyện "cải thiện" đời sống cho các chức sắc trong đảng nữa.

Từ vụ Tất Thành Cang báo chí, truyền thông được "bật đèn xanh", đồng loạt tấn công vụ đất đai tại bán đảo Thủ Thiêm. Nơi trước kia Tất Thành Cang làm bí thư quận ủy quận 2, người đã "cầm quân" giải tỏa trắng khu Thủ Thiêm. Đồng thời người ta cũng nhắc lại Tất Thành Cang là cánh tay (sai) đắc lực của cựu Bí Thư Lê Thanh Hải, người mà giai đoạn làm chủ tịch rồi bí thư Sài Gòn gần 20 năm, trùng với thời kỳ đen tối nhất của dân đen vùng bán đảo Thủ Thiêm. Nơi mà cho tới nay vẫn là một vùng tăm tối nhất nước, dù Thủ Thiêm chỉ cách Sài Gòn lung linh ánh đèn xa hoa chỉ bằng bề ngang của mặt sông dài chưa tới 200 mét.

Từ vụ đất đai ở Thủ Thiêm thiên hạ lại "té nhào" dựng tóc gáy, vì những chuyện không sao hiểu nổi. Đầu tiên là bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm do thủ tướng ký từ năm 1996, đột nhiên bị… biến mất. Mà theo luật đất đai của cộng sản Việt Nam, thì chỉ có thủ tướng mới có quyền ký quyết định quy hoạch – giải tỏa đất đai (cho phép địa phương áp giá đền bù, vì quốc kế dân sinh, vì lợi ích chung của quốc gia). Nhưng mất bản đồ quy hoạch (đã có hiệu lực), thì người đi quy hoạch (chính quyền Sài Gòn) có quyền "co giãn" vô tội vạ số đất đai bị giải tỏa (bị chiếm) rồi đem bán lại cho các tập đoàn bất động sản tư nhân (thu bạc tỷ tiền Mỹ).

Đã vậy, chính quyền Sài Gòn lại "trưng" ra bản đồ do thành phố quy hoạch ký từ năm (2002 -2003), trên bản đồ ghi rõ : "Bản đồ quy hoạch này có hiệu lực thay thế bản đồ quy hoạch do thủ tướng ký từ năm 1996".

tuban3

Một chung cư rách nát tả tơi trên đường Trần Hưng Đạo, chưa được đền bù xây mới, vì sự tranh chấp giữa các "nhóm lợi ích" trong các cơ quan quản lý công quyền. (Hình : Văn Lang)

Có lẽ dưới "vòm trời"này, chỉ có xứ Việt Cộng mới có chuyện cấp dưới ký giấy hủy bỏ và thay thế lệnh của cấp trên.

Chưa hết, báo chí cũng mạnh tay đưa tin. Trong khi đoàn đại biều quốc hội, do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa là "nghị sĩ", kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành Phố đi gặp đồng bào ở Thủ Thiêm. Đồng bào trong cơn phẫn uất đã đề nghị bà Tâm phải từ chức, vì đã không hoàn thành nhiệm vụ giám sát của mình. Để cho sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm kéo dài trên 20 năm nay, làm cho dân Thủ Thiêm sống không nhà, chết không nhắm được mắt.

Đồng bào Thủ Thiêm tố cáo với các đại biểu "của dân". Người thì bị "cướp" 3 ngàn mét vuông đất, mà chỉ được đền có 150 ngàn đồng (bằng giá 3 tô phở hạng trung). Đau khổ hơn, có hai ông bà già, chồng 92 tuổi nằm liệt một chỗ, vợ 83 tuổi vừa chăm chồng vừa khiếu kiện các nơi hơn 10 năm nay. Nhà của họ hơn 70 mét vuông đất trong khu giải tỏa, bị đập phá họ phải che chòi sống tạm trong tứ bề mưa nắng. Quyết định của quận 2 về trường hợp của họ, đền bù bằng 0 (tức mất trắng), diện tái định cư : Không đủ điều kiện (nghĩa là bị tống khỏi nhà, đi đâu sống chết mặc kệ, chánh quyền vô can).

Trong khi tập đoàn Đại Quang Minh liên kết với nhà cầm quyền cộng sản Sài Gòn, làm con đường vành đai trong khu quy hoạch. Còn đường dài 12 km, được "thổi giá"lên tới 12 ngàn tỷ đồng, tức 1 km đường = 1.000 tỷ đồng (1 triệu USD, chưa tới 23 tỷ đồng). Con đường của Đại Quang Minh làm là con đường đắt giá nhất địa cầu. Mà chưa hết, với tiền làm đường "trên trời" như vậy, Đại Quang Minh sẽ được chính quyền trả bằng đất mà chính quyền đã "cưỡng chế" từ dân. Và khu dân cư hạng sang mang tên SaLa của tập đoàn Đại Quang Minh trong khu Thủ Thiêm được niêm yết giá bán là 336 triệu đồng/mét vuông.

Cứ nhìn cái cách làm ăn từ vụ đất đai ở Thủ Thiêm, thì đủ hiểu "tư bản đỏ" là tư bản như thế nào ?

Nói về sự lũng đoạn quyền lực, xin nhắc lại vụ Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, mà thủ tướng đương nhiệm lúc đó không đồng ý. Con rể của một cán bộ cấp cao, trong lúc rượu say tâm tình với một "chân dài" văn nghệ đã nói : "Thế trận đất đai đã hình thành rồi, người ta chờ một đêm sáng ra thức dậy đã thấy mình thành… tỷ phú đô la. Thủ tướng mà chống đối, thì mỗi ‘nhà đầu tư’ chỉ cần quăng ra mỗi người 1 mét vuông đất thôi, là có thể ‘thổi bay’ cái ghế thủ tướng". 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 20/05/2018

Published in Diễn đàn

"Bên kia sông là ánh mặt trời…", tên một bài hát và là lời nhạc trong một nhạc phẩm do cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch.

saigon1

Bên kia sông là ánh mặt trời... Tư Bản. (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập chuyện văn nghệ, mà chỉ muốn nói khía cạnh đời sống – kinh tế – chính trị, để coi "bên kia sông" Sài Gòn có thực sự là ánh mặt trời, như nhà cầm quyền thành phố này mơ mộng ?

Câu chuyện bên kia sông

Kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2012, bến phà Thủ Thiêm chính thức đóng cửa. Và bên kia sông, tức bên bờ Thủ Thiêm (nhìn từ bến Bạch Đằng – Sài Gòn) ngó qua, đã là một vùng chính thức bị "giải tỏa" trắng. Để kể từ đây, ban lãnh đạo cộng sản thành phố Sài Gòn bắt đầu xúc tiến giấc mơ "bên kia sông" với hy vọng biến Thủ Thiêm thành trung tâm hành chánh – thương mại – văn hóa… của một Sài Gòn mới.

Nhưng từ giấc mơ tới hiện thực đúng là một khoảng cách lớn, khi từ 6 năm qua tới nay (2018) kế hoạch thực hiện chỉ là bản vẽ trên… giấy. Và từ Sài Gòn nhìn qua bên kia sông vẫn là một khoảng trống… đen ngòm.

Dù ban lãnh đạo cộng sản thành phố này đã cố gắng mời một quốc gia thanh lịch thuộc hàng đầu châu Âu tư vấn giúp đỡ cho dự án "bên kia sông". Nhưng chỉ nhận được sự giúp đỡ về mặt tư vấn thiết kế. Còn về phương diện tài chánh vẫn là con số không. Có lẽ, chỉ có những đầu óc thuộc hàng "đỉnh cao trí tuệ", mới tin rằng có thể xây thiên đường cộng sản bằng tiền… tư bản.

Không có tiền đầu tư của tư bản ngoại quốc, dự án bên kia sông đành nằm im "bất động" suốt mấy năm nay. Nhưng giới "Tư bản đỏ" trong nước cũng thừa "nước đục thả câu" và mưu toan vớ bẩm.

Theo báo cáo, hiện có gần 30 ngàn căn chúng cư (thuộc diện nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội) không có ai… tới ở. Nực cười thay, hàng ngàn gia đình bên kia sông sau khi nhận tiền đền bù và chịu bị giải tỏa, họ đã phải kéo qua bên đây Sài Gòn. Phải đi thuê nhà trong các khu ổ chuột và thất thểu mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn. Là vì, với số tiền đền bù khoảng 600 triệu, trong khi một căn chúng cư "tái định cư" phải có giá từ 2-3 tỷ đồng. Dù được "cam kết" ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi trong vòng 20 năm. Nhưng do thủ tục rắc rối theo lề lối "hành là chánh" nên dân nghèo chẳng mấy ai mặn mà, chưa kể "dồn cục" hết vô chung cư, kiếm ăn từng bữa đã khó, tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng. Cuối cùng, người dân đành bán "lúa non" suất tái định cư, rồi bồng bế dắt díu nhau qua bên đây bờ sông Sài Gòn. Để đêm đêm trằn trọc, không yên giấc trong cái nóng hầm hập từ những con hẻm nhỏ Sài Gòn, nhớ từng cơn gió mát Thủ Thiêm một thời lồng lộng, mát rượi tâm can.

Chủ đầu tư thì vội vàng, hý hửng báo cáo là vì nhà ở tái định cư "không người tới ở", nên xin chuyển đổi công năng từ cao ốc nhà ở sang thành… trung tâm thương mại. Với chiêu thức "hóa đá thành vàng" này, giới đầu tư hốt bạc. Trong khi ngân sách thì cũng chỉ thu thêm được ít tiền thuế… tượng trưng. Điều này giải thích tại sao mấy "tỷ phú đỏ" ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong giới mua bán chính sách – bất động sản.

saigon2

Một người dân ngồi câu cá bên phía bờ Thủ Thiêm, phía bên kia là trung tâm thành phố Sài Gòn. (Hình : Getty Images)

Bên kia sông vắng tiếng chuông chùa

Văn, thơ, nhạc… Việt Nam (dù là trong thời cộng sản), để ca ngợi một vùng đất yên bình (dù là trong nghèo đói), không thể thiếu tiếng chuông chùa trầm buông khi chiều xuống. Hay tiếng chuông nhà thờ rộn vang xa, khi nắng lấp lánh trên dòng sông sóng vỗ đôi bờ…

Nhưng gần đây, bên kia bờ Thủ Thiêm đã vắng tiếng chuông chùa, khi chùa Liên Trì bị "xóa".

Phơi mình trong nắng chiều hiu quạnh, là số phận mong manh của nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Chính sách tách biệt tôn giáo khỏi dân, xưa nay vẫn là "quốc sách" của cộng sản.

Những khu đô thị mới, tuyệt nhiên không cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo (bất kể đình, chùa, nhà thờ hay miếu, đền).

Điển hình như khu Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn. Dù chủ đầu tư, cũng như một vài chức sắc hiểu chuyện trong chính quyền đã hết sức kiên nhẫn trong việc "chạy" xin giấy phép cho một vài công trình tôn giáo. Vì họ hiểu, muốn cộng đồng thịnh vượng phải "an cư lạc nghiệp", như thế không thể không an định tâm linh. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản, nhất quyết từ chối cấp phép xây dựng.

Điều này dẫn tới việc có rất nhiều doanh nhân gốc Nam Hàn, đem theo cả gia đình tới sinh sống ở Phú Mỹ Hưng. Nhưng do không có nhà thờ, nhiều người Nam Hàn phải dùng Văn phòng công ty làm nhà nguyện (đa số dân Nam Hàn ở Sài Gòn theo đạo Tin Lành).

Việt Nam lâu nay rất muốn lấy lòng Nam Hàn, và cộng đồng Nam Hàn ở Việt Nam là đông nhất trong khối ngoại quốc, đa số họ tỏ ra hòa đồng, thân thiện với dân Việt. Nhưng chỉ với một việc đơn giản là có "nhà nguyện" cũng không được chấp thuận. Việt Nam rõ ràng đang theo đuổi chính sách "thêm thù, bớt bạn". Trong khi đó rõ ràng thế nước đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Vì sự ấu trĩ của người cộng sản vô thần, cộng thêm thói kiêu căng, thiển cận… cộng sản Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ có thể hiểu ra một điều giản dị, nhưng lại là chân lý muôn đời là : "Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy". 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 29/04/2018

Published in Diễn đàn

Nhà cầm quyền thành phố này hiện cũng hết sức đau đầu trước vấn nạn kẹt xe. Vì vậy, họ đã từng ra lời kêu gọi trí thức đóng góp giải pháp chống ngập lụt và chống kẹt xe. Nhưng xem ra hai vấn nạn lớn có liên đới với nhau kể trên, không hề giảm mà ngày càng gia tăng trầm trọng. Không khó để dự báo, sự "thúc thủ"hoàn toàn của Sài Gòn trong một tương lai… cận kề.

ketxe1

Đường sá kẹt cứng, mà chon giải pháp "buýt nhanh" dành riêng 1/3 đường cho xe buýt là chuyện... "hài". (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Càng giải càng bí

Mới đây, một hội thảo về chống kẹt xe ở Sài Gòn được tổ chức bởi nhà tài trợ là một tập đoàn… đóng thùng và lắp ráp xe buýt. Và giải pháp được đưa ra là lập những tuyến xe buýt nhanh, trên cơ sở là đường giao thông hiện tại dành hẳn ra 1/3 đường ưu tiên cho xe buýt lưu thông. Dân chúng nghe tin thì "té ngửa", là vì đường Sài Gòn vốn đã chật như nêm, lại nhỏ hẹp mà dành tới 1/3 đường cho xe buýt thì phần đường còn lại người dân sao mà chen lấn nổi ? Một chuyên gia về giao thông châm biếm, giải pháp trên chỉ có giá trị với điều kiện là xe buýt phải nối đuôi nhau mà chạy.

Người dân nghe vậy, thì bàn rằng : "Nếu xe buýt nối đuôi mà chạy, thà lập tuyến xe điện còn kinh tế hơn". Nhưng hội thảo do tập đoàn ô-tô mới đầu tư tiền vào công nghệ lắp ráp xe buýt, không lẽ lại đưa ra giải pháp… xe điện. Khác nào đi "dọn cỗ" cho thằng khác nó "xơi" ?

Chuyện xe buýt nhanh, xe buýt được lấn tuyến, được chạy ngược chiều ở Sài Gòn trước kia cũng đã được "thử nghiệm" tại đường Trần Hưng Đạo "B" (tức Đồng Khánh cũ), lợi bất cập hại bị dân chúng và báo chí phản ứng nên đã bãi bỏ, nay nguy cơ "bổn cũ soạn lại" đã thấy "sặc mùi" lợi ích nhóm.

Giải pháp trợ giá xe buýt đã có từ gần 20 năm nay, nhưng xem ra chẳng khuyến khích gì được người dân đi xe buýt, mà chỉ khuyến khích xe buýt chạy… ẩu.

Thời gian đầu, tiền trợ giá xe buýt mới chỉ là mấy chục… tỷ đồng. Thì nay con số đã lên tới gần 1,500 tỷ/năm. Đã tới lúc phải đặt ra câu hỏi là trợ giá cho người đi xe buýt hay trợ giá cho chủ xe buýt ? Vì có những tuyến chỉ lèo tèo vài ba người khách, để duy trì trợ giá thì ít nhất một chuyến xe phải có trên 20 hành khách. Do đó không ít xe đã xé vé khống (tức không có khách vẫn xé vé để báo cáo đủ điều kiện hưởng trợ giá). Một vé xe buýt hiện nay có giá từ 5,000 – 6,000 đồng/vé, tiền trợ giá cho 1 vé là 4,320 đồng. Xe được ngân sách bao trọn chuyến, thí dụ 1 chuyến là 300 ngàn đồng, trừ cho số vé nhà xe đã bán và thu tiền, cuối tháng lãnh trọn phần còn lại. Ngoài vé khống (khi xe quá vắng khách) thì còn nạn vé giả (khi xe đông khách), và "hợp đồng ma" đưa rước học sinh… Tính ra mỗi ngày ngân sách mất hàng trăm triệu đồng cho… vé ảo.

Ngay từ đầu, khi khởi xướng chương trình trợ giá cho xe buýt, chuyên gia kinh tế của nước ngoài đã khuyến cáo là không nên áp dụng. Vì trong nền kinh tế thị trường mà nhà nước duy trì sự trợ giá (bao cấp) cho thành phần kinh tế nào, sẽ làm hư (hỏng) thành phần kinh tế đó.

Nhưng lời khuyên của chuyên gia nước ngoài đã bị bỏ ngoài tai. Và cũng chỉ không lâu sau đó, báo chí đã phanh phui ra những tuyến "xe buýt ma", cũng như công ty vận tải sân sau được "mấy sếp" lập ra để hái "quả ngọt" từ ngân sách do chính tay họ… duyệt và quyết toán. Sau đó thì tình hình đi vào… tinh vi hơn, chứ không thể nói là giảm hay chấm dứt.

Cơ chế hai giá hay trợ giá, lúc nào cũng là mồi ngon của tham nhũng và luôn luôn chỉ đem lại lợi ích cho nhóm "nắm quyền sinh sát" – nhóm lợi ích. Chứ chẳng bao giờ đem lại lơi ích cho người dân – những người đổ mồ hôi sôi nước mắt, quần quật làm "trân" lưng ra đóng thuế.

ketxe2

Các công ty bất động sản lấn chiếm, san lấp kênh rạch một cách vô tộ vạ làm Sài Gòn dù không mưa cũng ngập, điều này làm gia tăng sự kẹt xe cùng nỗi khổ của người dân. (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Bài toán giải ngược

Sài Gòn đặt giải pháp chống kẹt xe tập trung vào xe buýt. Nhưng điều đó chỉ "khả thi" vào thập niên… 80 của thế kỷ trước. Khi mà dân chúng thời đó đa phần đi xe đạp và đi… bộ, xe máy là hàng hiếm, còn xe hơi thì càng… cực hiếm.

Còn hiện nay, Sài Gòn với gần 10 triệu dân, với gần 8 triệu xe gắn máy và hơn nửa triệu (700,000) xe hơi. Với tỉ lệ 8/10 (cứ 10 người dân thì có 8 xe gắn máy), nên biện pháp cấm xe máy đưa ra hội thảo đầu năm 2017 đành "xếp xó"vì sợ phản ứng của dân chúng.

Quan sát trên đường phố Sài Gòn, thì tình trạng kẹt xe trên đường phố hầu hết do xe 4 bánh gây ra. Lý do, vì đường quá nhỏ hẹp, xe hơi xoay trở rất khó khăn và hầu như không có… đường lui. Trong khi xe hai bánh xoay trở rất biến hóa, sửa sai cũng rất tiện. Như một ngã tư, hay ngã ba mà có hai hoặc ba chiếc xe hơi "đối đầu"nhau, coi như con đường đó kẹt cứng.

Theo tính toán đơn giản nhất, bốn chiếc xe gắn máy chiếm một diện tích tương đương với một chiếc xe hơi bốn chỗ. Nhưng bốn chiếc xe gắn máy, khi bị kẹt xe có thể "biến hình" theo đội hình hàng dọc nghĩa là chỉ "bằng"một chiếc và dễ dàng thoát đi, kể cả leo lề, chạy xuyên qua những ngóc ngách trong hẻm để thoát đi. Trong khi xe hơi không thể "biến hình" nhất là khi gặp đoạn đường ngập lụt, lại bị xe máy bủa vây, xe hơi chỉ biết "trân mình"chịu trận.

Từ xe hơi, nhìn qua xe buýt vốn xưa nay được dân chúng mệnh danh là "những hung thần"trên đường phố, mới thấy hết cái "lợi bất cập hại"của những chiếc xe buýt dềnh dang (40 tới 80 chỗ ngồi). Chưa kể, có thời mấy ông "làm chính sách" về vận tải hành khách còn cho nhập xe "nghĩa địa" hai tầng từ Châu Âu, vì giá của nó rẻ dễ "khống giá" lên, nhưng tưởng tượng đường Sài Gòn dây điện giăng như mạng nhện trên đường phố, đủ hiểu cái "tâm" và cái "tầm" của mấy ông "cán búa" này.

Xe buýt Sài Gòn được phép chạy "chàng hãng" lấn tuyến xe hai bánh để ra vô rước, trả khách là nguyên nhân chính gây ra nạn kẹt xe (và cả tai nạn) ở Sài Gòn.

Giải pháp chống kẹt xe khi đã tới "bước đường cùng", buộc phải chọn giữa xe hai bánh (gắn máy) và bốn bánh (xe hơi). Thì thực tế là phải chọn xe hai bánh vì nó là "đôi chân" của đám đông người lao động. Và cũng không thể cấm xe hơi, biện pháp chế tài là tăng thuế đánh vào xe hơi cá nhân, hạn chế xe công vụ. Đưa xe buýt lớn ra ngoại thành, trong nội đô chỉ sử dụng mini-bus (loại 12 chỗ). Và "bài học xương máu" từ việc tràn ngập xe gắn máy giá rẻ, hãy thận trọng với xe hơi giá rẻ (từ việc lắp ráp trong nước, tới sự "dòm ngó" thị trường của dòng xe giá rẻ có thể du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ…"

Bài học xương máu nữa từ việc chống ngập và xây dựng tuyến Metro (rất chậm chạp), do lỗi giải ngân của hệ thống (chế độ), làm gia tăng tình trạng kẹt xe (thay gì giúp chống kẹt xe). Là vấn đề "người cầm lái" từ tầm quốc gia cho tới thành phố, nếu tầm nhìn đã không có, mà cái tâm cũng không luôn.Thì cách tốt nhât là thay "người cầm lái". Lúc đó may ra đất nước này, thành phố này, mới tránh được cái cảnh đô thành mà cứ ngập lụt, kẹt xe, dân chúng cứ ngày ngày bì bõm như… trâu ngoài ruộng. 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 14/01/2018

Published in Diễn đàn