Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam, Trung Quốc đang bị cuốn hút vào một cuộc đối đầu ở Biển Đông

James Pearson and Khanh Vu, VNTB, 21/7/2019

Ngày 17/7/2019, hai trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết rằng các tàu của Việt Nam và của Trung Quốc đã bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu kéo dài đã nhiều tuần gần một khu vực được cho là có tiềm năng dầu khí ngoài khơi ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

bai2


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói chuyện trực tuyến với các thủy thủ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển trên Biển Đông qua cuộc gọi video trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại Hà Nội ngày 11/7/2019

Ngày 17/7/2019, hai trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết rằng các tàu của Việt Nam và của Trung Quốc đã bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu kéo dài đã nhiều tuần gần một khu vực được cho là có tiềm năng dầu khí ngoài khơi ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Đường lưỡi bò chín đoạn hình chữ U" do Trung quốc tự ý vẽ ra và tuyên bố chủ quyền ôm trọn một vùng rộng lớn trên Biển Đông, bao gồm các dải lớn của thềm lục địa Việt Nam nơi mà Việt Nam đã cấp quyền thăm dò và khai thác dầu khí cho các công ty nước ngoài.

Hôm thứ Hai, theo báo cáo riêng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Trung tâm Nâng cao Nghiên cứu quốc phòng (C4ADS), tàu Địa chất Hải dương 8 (HYDZ 8), một con tàu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc quản lý đã hoàn thành cuộc khảo sát kéo dài 12 ngày ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Một trong những lô có tiềm năng dầu mà nó khảo sát đã được Việt Nam cấp phép cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha, hồi năm ngoái và năm 2017, công ty này đã bị buộc phải ngừng hoạt động ở vùng biển Việt Nam vì áp lực từ phía Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Winward Maritime, được thu thập bởi C4ADS, khi tàu Địa chất Hải dương 8 (HYDZ 8) tiến hành công tác khảo sát, đã có chín tàu Việt Nam theo sát nó. Tàu Địa chất Hải dương 8 này được hộ tống bởi ba tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.

Trong một diễn biến riêng biệt trước đó, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 35111 đã hoạt động theo cách mà CSIS mô tả là "một cách đe dọa" đối với các tàu Việt Nam hiện đang phục vụ một giàn khoan dầu thuộc sở hữu của Nhật Bản, Hakuryu-5, được thuê bởi công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft thuộc lô 06.1 của Việt Nam, nằm cách đất liền 230 dặm (370 km) về phía đông nam Việt Nam.

Lô này nằm trong khu vực "đường lưỡi bò chín đoạn" do chính Trung Quốc tự tiện vẽ ra. Một loạt dấu gạch ngang trên tấm bản đồ do Trung Quốc tự tiện vẽ ra này, một đường kẻ không liên tục, đã khiến cho các yêu sách của Trung Quốc thường mơ hồ.

Năm ngoái, một bản tin độc quyền của Reuters cho biết rằng Rosneft Vietnam BV, một đơn vị thành viên của Rosneft, đã lo ngại rằng việc khoan trong Lô 06.1 sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.

Báo cáo của CSIS cho biết rằng vào ngày 27/2019, các tàu Trung Quốc đã rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5 thuộc sở hữu của Nhật Bản khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc 3511 di chuyển "giữa hai tàu với tốc độ cao, với khoảng cách giữa các tàu chỉ vào khoảng 100 mét và cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý".

Cho đến hôm thứ Tư, không rõ là còn có bất kỳ một tàu Trung Quốc nào đó vẫn còn thách thức giàn khoan Rosneft hay không.

Hồi năm 2014, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò ở vùng biển Việt Nam. Vụ việc này đã gây ra những vụ xô xát bằng thuyền giữa hai bên và các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam.

‘Sẵn sàng chiến đấu’

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố đề cập đến "những diễn biến gần đây" (mà không nói rõ ràng, cụ thể là những diễn biến gì) trong khu vực Biển Đông.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói rằng "Không có sự cho phép của Việt Nam, tất cả mọi hành động của các bên nước ngoài ở vùng biển Việt Nam đều không có hiệu lực pháp lý, và cấu thành những sự xâm lấn trong vùng biển Việt Nam, và vi phạm luật pháp quốc tế".

Vào ngày 11/7, khi Trung Quốc đang tiến hành khảo sát các lô này, thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, đã đến thăm tổng hành dinh của Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam tại Hà Nội.

Truyền thông nhà nước không đề cập đến vụ việc, nhưng cho thấy Phúc đang nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ trên các tàu thông qua một hệ thống cuộc gọi video.

Cảnh sát biển Việt Nam, trong một tuyên bố trên trang web của mình, cho biết rằng Phúc đã nói với các cán bộ chiến sĩ rằng "cần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu" và cần phải nhận thức được "những diễn biến khó lường".

Tân Hoa Xã đưa tin rằng cùng ngày, Chủ tịch quốc hội Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Bắc Kinh, đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, Lật Chiến Thư.

Ngày 12/7/2019, đáp lại các bản tin về cuộc đối đầu trong tháng này, lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội, Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là" rõ ràng và nhất quán".

Trong một tuyên bố mới vào thứ Tư, Sảng thừa nhận rằng đã xảy ra một sự cố với phía Việt Nam.

Trong một cuộc họp báo thường lệ, Sảng nói rằng "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực tâm tôn trọng chủ quyền, các quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan, và không thực hiện bất kỳ một hành động nào có thể làm phức tạp tình hình". 

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ có quyền sở hữu lịch sử đối với gần như toàn bộ khu vực, điều này cho phép họ xây dựng các đảo nhân tạo, tuyên bố phạm vi phòng thủ xung quanh các đảo nhân tạo, và xua đuổi các tàu của các quốc gia khác ra khỏi Biển Đông.

Tuy nhiên, ngày 12/7/2016, tòa án trọng tài The Hague đã phán quyết rằng các tuyên bố của chế độ Trung Quốc là sai trái. Theo phán quyết của tòa án Liên Hợp Quốc, các tuyên bố của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông đã bị tòa án gồm 5 thành viên bác bỏ vì không có cơ sở lịch sử. Tòa cũng xác định rằng nhiều hòn đảo nhân tạo đã được xây dựng và sử dụng làm căn cứ quân sự của Trung Quốc không cấu thành lãnh thổ được hưởng quy chế các khu vực độc quyền kinh tế. Thay vào đó, các đảo nhân tạo này bị phán quyết là vi phạm chủ quyền của Philippines. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ phán quyết của tòa án.

Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có những yêu sách chồng lấn đối với thủy lộ quan trọng này, mà khoảng một phần ba tổng lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu phải đi qua đó.

James Pearson Khánh Vũ

Nguyên tác : Vietnam, China embroiled in South China Sea standoff, Reuters, 17/7/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 21/07/2019

(Báo cáo của James Pearson và Khánh Vũ ; Báo cáo bổ sung của Ben Blanchard và Michael Martina ở Bắc Kinh ; Chỉnh sửa của Robert Birsel)

***************

Nếu nó không chịu rút thì sao ?

Minh Châu, VNTB, 21/07/2019

Sáng cuối tuần, rôm rả cà phê hè phố Sài Gòn với những tờ báo ‘có môn bài’ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên nêu "Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển hoàn toàn của Việt Nam", nhiều người đọc báo thắc mắc : "Nếu nó không chịu rút thì có chiến tranh không ?".

bai3

Nguyễn Phú Trọng lại… xuất hiện

Biên tập viên N.D.T cho biết tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 20/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp gỡ với Đoàn đại biểu Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu và cán bộ công đoàn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh.

"Theo hình ảnh của phóng viên gửi về, ông Trọng cùng đoàn tùy tùng đã rảo đoạn đường trong nghi thức bắt tay, chào xã giao các thành viên của đoàn đại biểu. Đi cùng với ông Trọng có bà Trương Thị Mai, qua đó dự báo ghế chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa mới khuyết hôm 19/7, có lẽ sẽ là bà Mai, thay cho đồn đoán là vị nguyên tổng biên tập báo Người Lao Động". Biên tập viên N.D.T, nói.

Tuyên bố cứng rắn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tối 19/7, dường như cũng có phần từ chuyện ‘đi - đứng’ sáng 20/7 của ông Nguyễn Phú Trọng.

Vì sao lại liên quan ? Câu trả lời dường như nằm ở phần cuối của tuyên bố từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng : "Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".

"Ngay bây giờ, tôi đang kêu gọi Mỹ, tôi đang kích hoạt hiệp ước Mỹ - Philippines. Tôi muốn Mỹ tập trung toàn bộ Hạm đội 7 của họ trước Trung Quốc. Tôi sẽ tham gia với họ, tôi sẽ đưa tàu đến bất cứ nơi nào có chỉ huy hạm đội của Mỹ" - Hãng tin Kyodo News dẫn tuyên bố của ông Duterte, tổng thống Philippines, hôm 17/7".

Phải chăng người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam thông qua Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng bày tỏ mong muốn gửi lời thỉnh cầu tương tự như ông Duterte ? Điều này còn đặt trong bối cảnh những xúc tiến ngoại giao cho chuyến công du sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Canada và Hoa Kỳ.

Phải tự nỗ lực để thoát Trung

Trò chuyện bên lề, nhà báo P.H.P, cựu phó tổng biên tập tạp chí E-chíp, nói rằng, "Kinh nghiệm từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim cho thấy, chỉ có mình tự lực cánh sinh tự cứu mình và quyết định số phận của chính mình, chứ bạn bè thân mấy cũng chỉ hỗ trợ bên ngoài chớ không thể nhào vô cùng với mình, khi chính họ cũng có những toan tính lợi ích riêng phải thông cảm".

Bàn luận quanh ý kiến "mình phải quyết định số phận của chính mình" trong bối cảnh ‘danh chính ngôn thuận’ Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới, cho thấy ít nhất về mặt ngoại giao, Việt Nam đã có thể đường hoàng tuyên bố "16 vàng – 4 tốt" giờ đây đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. 

"Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu kêu gọi nông dân quay trở lại làm lúa một vụ để có thể tăng giá trị thương mại của gạo Việt Nam, đồng thời cũng giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, có thời gian cho đất nghỉ ngơi. Quan trọng hơn là không còn phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì lâu nay, các chủng loại gạo cho 3 vụ của Việt Nam, có giá trị thấp, chủ yếu xuất vào Trung Quốc". Thông tín viên tại Việt Nam của một kênh truyền hình Quốc hội Mỹ nhận xét, nhân chuyến thực hiện ký sự về miền Tây vào trung tuần tháng 7/2019.

Trở lại với thắc mắc : "Nếu nó không chịu rút thì sao ?".

Như đã khẳng định tại phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 16/7, "lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982".

Đến tối 19/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thêm vế : "Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này". 

Lợi ích chung không chỉ là tuyến hàng hải giao thương quốc tế, mà còn là các mỏ dầu khí mà Việt Nam cùng các đối tác Mỹ, Tây Ban Nha, Canada... đã giao kết làm ăn. 

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 21/07/2019

*********************

Căng thẳng Biển Đông : Việt-Trung cố tránh kịch bản 2014

Trọng Nghĩa, RFI, 18/07/2019

Vào thượng tuần tháng 7 này, tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đã lại đối đầu với nhau trên Biển Đông, tại khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tin này ngày càng được nhiều nguồn ngoại quốc tiết lộ, trong bối cảnh cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều thông tin nhỏ giọt, và phản ứng dè dặt. Theo các quan sát viên được báo chí quốc tế ngày 17/07/2019 trích dẫn, cả hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc như đang cố tránh không để kịch bản 2014 tái diễn.

bai4

Vị trí bãi Tư Chính - Nguồn : Google Map.

Tiếp theo tiết lộ ngày 09/07/2019 của giáo sư Ryan Martinson, Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), về vụ tàu khảo sát dầu khí của Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 được ba tàu hải cảnh hộ tống đã tiến vào vùng Bãi Tư Chính và bị tàu kiểm như và cảnh sát biển Việt Nam bám sát, vào hôm qua, 17/07, hai trung tâm tham vấn Mỹ là Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng Nâng Cao (C4ADS) đã thông tin rõ hơn về vụ thâm nhập, nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình.

Các sự cố có tính chất nghiệm trọng như thế, nhưng theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không đề cập nhiều đến cuộc đối đầu mới trên Biển Đông.

Lý do là cả hai nước đều muốn tránh một tình trạng căng thẳng dữ dội như vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp nước Việt Nam.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tỏ ý hy vọng rằng Việt Nam sẽ tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển bị tranh chấp, và không có những hành động có thể làm phức tạp tình hình.Theo Reuters, tuyên bố trên đây là lời công nhận đầu tiên từ phía Bắc Kinh về sự cố tại Bãi Tư Chính.

Bắc Kinh đã nêu đích danh Việt Nam trong lúc một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời một câu hỏi của báo chí, đã tuyên bố chung chung về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, mà không nêu tên Trung Quốc và sự cố tàu Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. South China Morning Post còn ghi nhận rằng truyền thông nhà nước Việt Nam cũng không đề cập đến vụ việc.

Về phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam trước sự cố Bãi Tư Chính, hãng tin Anh Reuters cũng nhận định thái độ dè dặt, từ cả hai phía.

Về quy mô sự cố tại Bãi Tư Chính, theo hai trung tâm nói trên được Reuters trích dẫn, thì tại khu vực lô dầu khí Cá Rồng Đỏ, tàu khảo sát Trung Quốc cùng ba tàu hải cảnh hộ tống đã bị chín chiếc tàu Việt Nam bám sát để theo dõi.

Trước đó, trong một sự cố riêng rẽ tại một lô dầu khí khác do tập đoàn Nga Rosneft khai thác, chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu Hải Cảnh 35111 đã có động thái mà CSIS gọi là "đe dọa" nhắm vào các chiếc tàu Việt Nam hoạt động tại giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản được tập đoàn Nga thuê để khoan dò tại lô này. CSIS cho biết cụ thể là vào ngày 02/07, khi tàu Việt Nam đang rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì bị chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc lao tới xông vào giữa đội tàu, với tốc độ cao, chỉ cách tàu Việt Nam 100 mét.

Malaysia tập trận tên lửa để đối phó với Trung Quốc

Theo một số viện tư vấn ở Hoa Kỳ, trong những ngày gần đây, tuần duyên Trung Quốc không chỉ đối đầu với tàu Việt Nam, mà còn tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm (80 mét) với tàu chở dầu Malaysia tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Malaysia thông báo Hải quân nước này hôm 15/07/2019 có đợt tập trận, phóng thử tên lửa.

Hỏa tiễn chống hạm được bắn từ tầu hộ tống Kasturi (Type FS 1500) và một trực thăng của Hải Quân. Theo thông báo của Hải Quân Hoàng Gia Malaysia, thành công của cuộc tập trận tên lửa chống hạm cho phép quốc gia này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ hòa bình và các lợi ích quốc gia trên Biển Đông.

Cuộc tập trận hỏa tiễn chống hạm nói trên là nằm trong khuôn khổ của hai cuộc tập trận lớn mang tên "Kerismas" và "Taming Sari".

Theo giới quan sát, đây là một hành động biểu dương lực lượng hiếm có tại Biển Đông của quân đội Malaysia, trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc gia tăng. Lần tập trận với tên lửa chống hạm gần đây nhất của Malaysia là vào năm 2014.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 11/07/2019)

Published in Diễn đàn