UBND Nghệ An đẩy mạnh dự án nghĩa trang với hai lò thiêu bất chấp phản đối của dân
Thanh Trúc, RFA, 22/09/2021
Chủ tịch UBD tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ Đầu tư, các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, gấp rút hoàn thành hai lò hỏa táng trước ngày 30/11/2021. Lý do được đưa ra là vì nhu cầu dân sinh.
Mặt bằng dự án Công viên sinh thái Vĩnh Hằng ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Môi Trường và Đô Thị
Đây là tin được báo chí trong nước đăng tải hôm 19/9, sau khi có nhiều phản ánh trên mạng về việc hàng trăm người dân xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên đêm 12/9 kéo lên núi Đại Huệ yêu cầu Công ty Hợp Lực ngừng thi công khu nghĩa trang sinh thái có lò thiêu ngay trên và cách khu dân cư chỉ1.200 mét.
Lý do phản đối, như RFA đã loan tin trước đó, là vì dự án này nằm ngay đầu gió trên cao và mạch nước ngầm bên dưới, sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt của cư dân xóm Phúc Điền và các xóm lân cận bên dưới.
Người dân địa phương cho rằng phải có điều khuất tất nên chính quyền mới cho khởi công trong đêm, vào khi địa phương đang chấp hành Chỉ thi 16 phòng chống Covid-19.
Một cư dân Giáo xứ Kẻ Gai, anh Nguyễn Văn Ân, cho biết :
"Thực ra công văn này có từ ngày6/9/2021. Tuy nhiên trong những ngày vừa qua, sau khi người dân xã Hưng Tây mạnh mẽ lên tiếng phản đối cũng như tập trung để ngăn không cho nhà thầu thi công, thì khi đó báo chí Nhà Nước cho đăng tải lại chỉ thị của ông Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung"
"Có thể thấy tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện bằng được dự án này mặc cho người dân phản đối hay không. Cũng có thể nói họ không quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của dân mà chỉ đạt mục đích cho bằng được".
Tin trên các báo ngày 19/9 cũng nhắc lại quyết định của Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Nguyễn Đức Trung, giao cho UBND huyện Hưng Nguyên, các Sở, Ngành, các đơn vị liên quan, rút kinh nghiệm giai đoạn một, tập trung chuẩn bị các điều kiện đề triền khai giai đoạn hai của dự án trong thời gian sớm nhất.
Từ đầu tháng chín, báo mạng Môi Trường và Đô Thị có bài viết về dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng và đài hóa thân tức lò hỏa táng, cho người dân thành phố Vinh cũng như vùng phụ cận. Theo bài báo, đã hơn bốn năm kể từ ngày được chấpthuận chủ trương đầu tư, dự án ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên với vốn đầu tư gần 500 tỉ VNĐ vẫn nằm trên giấy trong lúc người chết vì Covid-19 không có chỗ thiêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì cho rằng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng với lò thiêu xác tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên là dự án quan trọng, có mục đích phục vụ dân sinh, đáp ứng nhu cầu mai táng của người dân.
Chủ trương thì đúng, hai lò hoặc năm lò hỏa táng ở đâu thì cũng phải tuân thủ qui định không tác hại môi trường sống và sức khỏe của dân cư về lâu về dài, là khẳng định của nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ :
"Vị trí của dự án ấy có thỏa mãn, có phù hợp với yêu cầu sinh thái hay không. Vấn đề người dân đặt ra rất đúng. Tác động của gió, nhất là từ việc thiêu xác người, xác động vật, tạo Dioxin là chất gây ô nhiễm không khí. Rồi nước thấm qua đất đến nguồn nước ăn của dân vùng dưới. Đây là những ảnh hưởng rất tệ, rất xấu.
Tôi cho rằng để cho nhà đầu tư và dân đứng ra tranh luận với nhau là không đúng. Chính quyền phải vào cuộc, phải quyết định ý kiến người dân đúng hay không đúng, ý kiến nhà đầu tư đúng hay không đúng, và chính quyền phải giải quyết sao cho đúng qui định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nội dung chính nằm ở đấy.
Công văn tỉnh không phù hợp, không đúng với nguyện vọng của người dân thì dân tiếp tục có quyền khiếu nại, có quyền mướn luật sư làm đơn lên thẳng Trung ương, mà trong trường hợp này là Bộ Tài nguyên-Môi trường, đồng kính gởi Thanh tra Chính phủ để giải quyết đến cùng ; và có một bản gởi chính quyền tỉnh là trong khi chờ chúng tôi khiếu nại tiếp thì đề nghị tỉnh cho dừng thi công. Không thể vì dịch bệnh mà vi phạm qui định bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân".
Là con dân xóm Phúc Điền, nằm gần nhất dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng và hai lò thiêu sẽ xây trên đó, Luật sư Phạm Hữu Hiền nói ông cảm thấy có trách nhiệm giúp người cùng quê về mặt pháp lý, hai nữa là ông thấy cái sai của dự án này ngay từ đầu :
"Họ đã chọn địa điểm quá gần khu dân cư, trong khi Thông tư Hướng dẫn, Khung 1/2021 của Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn việc thực hiện Nghị Định 40 liên quan đến qui hoạch xây dựng thì khoảng cách vị trí này không đáp ứng được điều kiện. Nếu đặt trên gió, trên nước thì phải nhân năm lần lên, tức là một cây số rưỡi. Tuy nhiên dự án lại cách điểm gần nhất khoảng 200 mét, cách điểm xa nhất khoảng 1.200 mét.
Hai nữa,dự án khởi sự từ 2006-2008 nhân dân đã không chấp nhận nên chủ đầu tư cũ đã bỏ. Tuy nhiên qua một số lần bán chủ trương rồi đến công ty Hợp Lực hiện nay, có thể ông Chủ tịch Nguyễn Đức Trung mới về mấy tháng đã không nắm được, cũng có thể nghe báo cáo sai, nhưng Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng như đặt biệt ông Thái Thanh Quí (ngày xưa là Chủ tịch tỉnh, nay là Bí thư tỉnh) đã xúc tiến như thế. Và tỉnh thì lấy lý do rằng Covid 19 có người chết nên phải đẩy mạnh dự án này.
Thực tế số người chết ở Nghệ An chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cỡ mười mấy người, không nhất thiết bắt nhân dân chịu đựng 50 năm trời đối với nghĩa trang này".
Năm 2017, vẫn lời Luật sư Phạm Hữu Hiền, chính quyền địa phương đã tổ chức một cuộc họp tham khảo ý kiến dân nhưng không ai chịu ký vào văn bản thỏathuận vì những nguyên cớ đã nói ở trên :
"Thế mà không hiểu tại sao năm 2019 họ vẫn phê duyệt được dự án tác động môi trường. Đến năm 2021 họ lại phê duyệt mở rộng qui mô lên mà không đánh giá tác động môi trường lại cũng không tham vấn cộng đồng lại. Cho nên bây giờ dân tình nổi sôi lên cái chuyện là không tham vấn cộng đồng. Việc dân phản đối cho thấy chính quyền vô cùng coi thường nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp".
Đây là phản ứng trong ôn hòa để tiếng nói của dân được lắng nghe, Luật sư Phạm Hữu Hiền trình bày tiếp :
"Cách thứ nhất là khai trí, có nghĩa là cung cấp thông tin và pháp lý về những quyết định của Nhà nước để bà con nắm. Cái thứ hai là tìm đến những người có chức sắc trong Nhà nước, những người am hiểu và những người có tư duy tiến bộ. Mình nhận thấy có rất nhiều người đồng tình với ý kiến của bà con , họ cũng đã kiến nghị đặt nghĩa trang này cách thành phố khoảng 15 đến 20 cây số. Họ cũng tư vấn cho nhiều ý kiến rất phù hợp với qui hoạch phát triển của thành phố Vinh đến năm 2030.
Qui mô hoạt động của nghĩa trang này tối thiểu là 50 năm, chắc chắn nó sẽ lọt hẳn trong thành phố và sẽ là vấn đề nhúc nhối sau này. Giống như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hay mười mấy tỉnhthành hiện tại đang đau đầu về việc di dời nghĩa trang ra khỏi thành phố.
Các ông đã có những bài học nhãn tiền trên cả nước rồi nhưng các ông vẫn cố đấm ăn xôi, vẫn phê duyệt vẫn còn biểu dân chấp nhận chuyện này. Đó là tư duy vô cùng kém của lãnh đạo tỉnh Nghệ An".
Ông Phan Văn Chương, cư dân xóm Phúc Điền, từng tham gia biểu tình yêu cầu công ty Hợp Lực ngưng san lấp mặt bằng đêm 12/9, cho biết :
"Ngày 18/9 có hai công an mặc thường phục tới nhà, bảo là muốn mời tôi lên huyện, vào trong đấy. Tôi bảo một mình tôi không thể đại diện nhân dân xóm này được. Thứ hai tinh thần là bọn tôi đấu tranh trong hòa bình chứ không bạo lực, nên tôi không đi".
Sau cùng, linh mục Phan Sỹ Phương, ở Giáo họ Thượng Khê cách khu vực dự án không xa, nói rằng ông thông cảm với tâm tư nguyện vọng của giáo dân cũng như mọi người dân khác đang phản đối nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng và hai lò thiêu ngay trên đầu dân Phúc Điền :
"Tôi quê ở đó, mỗi lần lũ lụt là do trên núi chảy xuống mà, bây giờ lò thiêu nếu có làm thì làm sao phải tránh hậu quả đổ xuống đầu dân, nước trên đó đổ xuống đồng ruộng của người ta hết, con cháu nó ăn cái gì trên đất đó ?
Ai cũng biết con người sinh ra rồi phải chết thôi, phải có nghĩa trang phải có lò thiêu. Cái đó không sai nhưng vẫn mong rằng chính quyền của dân, vì dân và do dân phải làm sao để bình an cho người ra đi và để bình an cho người còn sống. Đó là hy vọng. Tôi luôn luôn đứng về phía bà con chứ không thể khác được".
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 22/09/2021
**********************
Nghệ An : Khuất tất trong dự án nghĩa trang và lò thiêu gần khu dân cư
Thanh Trúc, RFA, 17/09/2021
Vào đêm ngày 12/9, hàng trăm người ởxóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, kéo nhau đến một điểm cao trên núi Đại Huệ yêu cầu Công ty Hợp Lực ngưng ngay việc xây khu nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng với một lò thiêu trong đó.
Dự án "Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng" ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng - Báo Nông Nghiệp
Lý do phản đối là vì chính quyền địa phương cho phép chủ đầu tư tiến hành dự án khi chưa có sự đồngthuận của dân về một nghĩa trang với lò thiêu chỉ cách khu dân cư sinh sống 1.200 mét.
Người dân xóm Phúc Điền gần nơi xây dựng nhất còn cho biết chủ đầu tư bảo với họ là đã trao tiền đền bù cho chính quyền nhưng thực tế họ chưa nhận được đồng nào.
Điều khuất tất nữa được nêu ra là tại sao trong lúc địa phương đang chấp hành Chỉ thị 16 về phòng chống Covid-19 thì nhà thầu lại cho người đến san lấp mặt bằng trong đêm như vậy.
Theo một cư dân của giáo xứ Kẻ Gai, anh Nguyễn Văn Ân, điểm đáng nói ở đây là việc cho thi công trong đêm một dự án liên quan đến sức khỏe và môi trường sống của dân, mà chính quyền lại không bàn thảo, không lấy ý kiến dân :
"Trong lúc đang áp dụng Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch bệnh thì chính quyền lại cho tập trung máy móc và công nhân lén lút xây dựng"
Khu vực này từ trước, vẫn lời anh Nguyễn Văn Ân, được chính quyền Nghệ An phê duyệt và cho xây dựng khu công nghiệp Việt Nam-Singapore VSIP hiện đã đi vào vận hành với khí thải và các chất độc hại khác tương đối đã nhiều. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn cho phá ở núi Đại Huệ để làm mỏ đá Phú Nguyên và các mỏ đất để san lấp mặt bằng cho khu công nghiệp VSIP :
"Rồi họ cũng có dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng, tức là nghĩa trang của thành phố Vinh họ sẽ đưa về đó. Bây giờ họ lại tiến hành công trình lò thiêu. Tất cả những dự án này được đặt trên vùng đất giáp ranh hai xóm Phúc Điền và Thượng Khê gần núi Đại Huệ.
"Vấn đề là vùng đất trên núi này nằm ở đầu gió và nguồn nước ngầm, cho nên nó có thể gây ô nhiễm trầm trọng. Người dân Phú Điền, Thượng Khê, Kẻ Gai cũng như một số vùng phía dưới đang dùng nguồn nước ngầm ở đây để ăn uống sinh hoạt, rất nguy hiểm".
Người dân tập trung phản đối dự án Đài hoá thân Hoàn Vũ Nghệ An vào tháng 9/2021. Hình : Báo Nông Nghiệp
Một nhà báo ở Nghệ An, yêu cầu được giấu tên, cho RFA biết diễn biến liên quan dự án từ năm 2008 và sự phản đối của người dân địa phương :
"UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án lò hoả táng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, với diện tích hơn 83 hectares, có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng"
"Một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh đã nhảy vào làm dự án, nhưng hơn ba năm sau đã rút lui không kèn không trống. Tiếp đến, một doanh nghiệp ở Sài Gòn vào làm chủ đầu tư, nhưng cũng ra đi như đơn vị trước. Đầu năm 2021, doanh nghiệp ở TP Vinh vào tiếp quản rồi dậm chân tại chỗ"
"Tất cả là vì dân không đồngthuận nên không giải phóng được mặt bằng. Đã nhiều lần dân đòi đối thoại trực tiếp với UBND tỉnh nhưng do dịch bệnh kéo dài không thực hiện được".
Câu hỏi của nhà báo ẩn danh là trong dự án không nói đến việc phá núi Đại Huệ mà chỉ đề cập phía Đông Nam giáp núi Lưỡi Hái, phía Bắc giáp xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.
Tại sao lại ẩn đi núi Đại Huệ, rồi lại lén cho công nhân phá núi Đại Huệ khiến nhân dân quanh vùng hết sức bức xúc, có điều gì không minh bạch chăng, là vấn đề nhà báo đặt ra.
Anh Nguyễn Văn Ân thì xác nhận trong những ngày vừa qua không chỉ người dân hai xóm Phúc Điền và Thượng Khê mà cả các vùng lân cận đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối, yêu cầu nhà cầm quyền Nghệ An cũng như xã Hưng Tây ngừng cho thi công dự án này :
"Ngày 12/9 thì xã Hưng Tây gởi thư mời dân lên để thông qua ý kiến. Nhưng họ lấy lý do dịch nên chỉ mời 20 hộ dân thôi. Hai mươi hộ dân họp thay cho cả ngàn hộ dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi dự án này".
RFA liên lạc được với hai ngườithuộc xóm Phúc Điền, đã trực tiếp tham gia buổi tập hợp để ngăn chận việc thi công tại núi Đại Huệ tối 12/9 vừa qua.
Người thứ nhất, ông Nguyễn Văn Kỷ, cho biết :
"Chỉ thị 16 là ở đâu yên đấy, nhưng công ty Hợp Lực lên làm cả đêm, dân phải ùa lên ngăn cản lại. Bởi vì mấy cuộc họp trước đây rồi mà dân chưa đồng tình, nhưng cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh vẫn ký cho Công ty Hợp Lực làm nên khoảng 150 người dân lên cản"
"Rồi Công ty Hợp Lực gọi điện, huy động công an xã, huyện và tỉnh mà cũng không thể có giải pháp cho dân. Từ hôm đó tới giờ họ vẫn lén lút khi làm ban ngày khi làm buổi đêm, hành tội dân mất ăn mất ngủ, đang thời ký thuhoạch lúa mà vẫn cứ phải chạy lên canh giữ".
Người thứ hai, ông Phan Văn Chương, nói rằng, theo chỗ ông nhìn thấy thì phải đến 200 người hoặc hơn kéo đến yêu cầu Công ty Hợp Lực ngưng thi công tối 12/9.
"Theo qui định của bên Tài Nguyên-Môi Trường thí ít nhất phải 1.500 mét trở lên mới đủ khoảng cách an toàn để bảovệ môi trường. Nhưng đổ lại đây chỉ mới 1.200 mét nên chưa đạt tiêu chuẩn. Nếu lò thiêu đấy đi vào hoạt động thì trước hết là mạch nước ngầm, rồi khói sẽ theo hướng gió thổi xuống phía dưới làng. Ở đây đã có một mỏ đá rồi, bụi bặm thường xuyên bay về, cộng thêm xe cộ này kia ảnh hưởng rất lớn đến người dân"
"Lúc dân vừa lên yêu cầu đình chỉ thì đại diện chủ đầu tư là phó giám đốc đang ở hiện trường tuyên bố không ngưng. Người dân ra đứng trước máy đề không cho hoạt động. Khoảng một tiếng sau khi dân kéo lên càng lúc càng đông thì máy ngưng".
"Bên chủ đầu tư còn tuyên bố rõ ràng là toàn bộ hơn 82 hectares họ đã đền bù bốn mươi mấy tỷ rồi. Nhưng đổ lại tiền đó chưa được nhận, chưa ai ký, chính quyền chưa họp dân cũng chưa thống nhất ý kiến mà đã triển khai làm trong đêm".
Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Lạc Viên – Đài hóa thân Hoàn Vũ Nghệ An (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực) đã khẩn trương điều động phương tiện, máy móc đến hiện trường vào tháng 9/2021. Hình : Báo Nông Nghiệp
Đây là khu vực có nhiều giáo dân thuộc Giáo xứ Kẻ Gai, ông Phan Văn Chương nhấn mạnh,thế nhưng cư dân không Công giáo cũng nhập cuộc đông không kém, chứng tỏ việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng :
"Nói chung cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không bạo lực. Sau đó chủ đầu tư có bảo đây là chỉ đạo của tỉnh, Chủ tịch tỉnh ký duyệt. Nói thật, dân đa số 70 - 80% là phản đối việc làm ảnh hưởng môi trường và cảnh quan sinh thái. Mới một mỏ đá mà suốt ngày bụi bẩn, giờ còn cái nghĩa trang và lò thiêu về đây thì dân còn khổ thế nào nữa".
Đường dây viễn liên của RFA được nối về số của ông Phan Văn Lịch, Trưởng xóm Phúc Điền :
"Cái đó xin hỏi cấp huyện hay cấp tỉnh chứ xã không biết và xóm cũng không biết. Trưởng xóm nhưng họ không thông qua, họ không cho biết cái chi cả. Bản thân không đồng ý và xóm không đồng ý nhưng mà xóm không thể nói được, không đủ quyền lực. Hỏi chủ tịch huyện, không thì hỏi chủ tịch xã Hoàng Văn Long".
Chúng tôi đã gọi qua số của Chủ tịch xã là ông Hoàng Văn Long, ông đã bắt máy nhưng dập máy liền sau đó.
Ông Phan Văn Chương cho biết, Trưởng xóm mà bảokhông có quyền và không biết là không đúng :
"Xóm bảo không có quyền, huyện xã cũng bảo không có quyền, bảo cái này là chỉ đạo từ trên tỉnh và họ chỉ làm theo lệnh từ trên. Nhưng nếu dưới không quản lý thì trên sao làm được việc ?. Cấp này đùn cấp khác như thế là không đúng, là thiếu trách nhiệm với người dân".
Còn theo phóng viên không muốn nêu danh tính, một điều cần hiểu thêm là đối với người Nghệ An, núi Đại Huệ, mà chính quyền địa phương muốn xây nghĩa trang sinh thái và lò thiêu trên đó, là ngọn núi mang bao chứng tích lịch sử, nơi yên nghỉ của vua Cảnh Thịnh, con trai Hoàng Đế Quang Trung.
Trên núi còn có một ngôi miếu tuổi đời khoảng 600 năm, mà các sử gia đang cất công nghiên cứu. Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng năm Âm lịch, người dân các xóm dưới theo thông lệ lên núi Đại Huệ thắp hương cầu mưathuận gió hòa, con cháu học hành tấn tới, đỗ đạt.
Ngày 26 tháng 10 năm 2017, Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc có thư yêu cầu gởi đến các cấp lãnh đạo của Nghệ An phản đối và yêu cầu trả lời về việc " Hội Cờ Đỏ" tụ họp tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Hội cờ đỏ đấu tố linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An trước đây. Ảnh : báo Nghệ An
Trong thư yêu cầu viết "chiều 25/10/2017, chính quyền xã Sơn Hải mời Ban điều hành giáo họ Văn Thai lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã, chính thức thông báo về việc hội cờ đỏ 3 miền sẽ kéo về xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vào cuối tháng 10 vào lúc 15h – 18h30 Chúa Nhật, ngày 29/10/2017 tại xóm 8 xã Sơn Hải (sát cạnh họ Văn Thai, cách nhà thờ Văn Thai chừng 30m). Co khoảng 700 người từ xã Sơn Hải (chủ nhà), Hà Nội, xã An Hòa (Quỳnh Lưu), xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) và một số nơi khác.
Mục đích "Hội Cờ Đỏ"
Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Phú yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được sự hướng dẫn tinh thần của hai linh mục An Tôn Đặng Hữu Nam và Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục đã mạnh mẽ phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung. Ngư dân của hai xứ này đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần xuống đường biểu tình chống Formosa.
Cũng từ đó bắt đầu xuất hiện cái gọi là "Hội Cờ Đỏ" để chống phá, ngăn cản người dân khiếu kiện và phản đối Formosa, để chia ra lương dân và giáo dân, để đấu tố các linh mục đang dẫn dắt ngư dân khiếu kiện Formosa.
Mục đích khiêu khích và tiến hành đàn áp giáo dân thông qua việc tổ chức tụ họp hội cờ đỏ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ giữa lương dân và giáo dân.
Gây ra tội ác
Những hành động tội ác của hội cờ đỏ được chép lại như sau. Hội cờ đỏ họp ở Sơn Hải vào cuối tháng 4/2017, ngay sau đó diễn ra vụ đàn áp họ Văn Thai, họp ở Diễn Mỹ vào tháng 9/2017, sau đó là vụ đàn áp giáo xứ Đông Kiều.
Chúng chọn thời điểm đêm tối mới ra tay đàn áp giáo dân, chúng ném đá vào nhà, lên cả mái tôn, và ném vào người kết hợp với tiếng la hò inh ỏi. Chúng tạo ra một bầu khí bạo lực và hoảng loạn, chúng cầm gậy gộc và đánh đập giáo dân. Sau trận phá hoại đó, chúng đã để lại nhiều hậu quả là nhiều gia đình ở giáo họ Văn Thai bị phá hoại tài sản, thiệt hại rất nặng nề về tài sản như xe máy, quạt điện, tủ, bàn, ghế, loa máy, đồ cổ, máy giặt.
Tất cả các hành động của chúng dưới con mắt của công an có mặt ở hiện trường mà không dẹp loạn.
Một nguồn tin riêng cho chúng tôi được biết, trong con số của hội cờ đỏ thì có không ít là những an ninh trá hình. Và những hành động của hội cờ đỏ không chỉ gây ra cho Giáo dân mà cho cả lương dân, chúng tuyên truyền, thậm chí là ép buộc những người lương dân không được làm ăn kinh tế, không mối quan hệ với Giáo dân.
Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người lương dân hiểu ra được sự thật nên nối kết lại các mối quan hệ và tiếp tục làm ăn với Giáo dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, tất cả các hoạt động của hội cờ đỏ tại Nghệ An được chính quyền giật giây, cho phép, ngay từ địa điểm, thời gian hội họp đến các hành động đàn áp có chủ đích. Tỉnh Nghệ An đã nhận được một số phản ảnh từ nhiều nơi khác nhau nhưng chỉ làm ngơ và không trả lời.
Việc Linh mục Nguyễn Đình Thục có thư yêu cầu gởi các cấp chính quyền là bước đi đúng đắn và chính đáng về mặt pháp lý, yêu cầu phải đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân nói chung và giáo dân đã bị đàn áp bởi hội cờ đỏ.
Chúng ta thật khó hi vọng kẻ cố tình gây ra tội ác thì làm sao kêu gọi được chúng dừng tay lại.
Những hành động của "Hội Cờ Đỏ" từ Bắc chí Nam nhắm vào các Linh mục, giáo dân và những nhà hoạt động đấu tranh tại Việt Nam dần mở ra cho chúng ta thấy rằng hội này như là một cánh tay nối dài và là chiến lược hữu hiệu của an ninh cộng sản.
Vì vậy, không còn lạ gì khi hội cờ đỏ ngang nhiên phá phách, đàn áp, tấn công người dân khắp nơi mà không bị trả giá trước pháp luật.
Paulus Lê Sơn
Nguồn : Tiếng Dân, 27/10/2017
Trong hai ngày 30-31/5, một số giáo dân thuộc giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nói có xảy ra sự việc họ bị người lạ "tấn công, gây thương tích và hư hỏng tài sản".
Tài sản của tại tư gia của một giáo dân bị hư hại sau vụ việc họ nói là xảy ra đêm 31/5
Các vụ việc này, vẫn theo những nguồn tin trên, xảy ra ngay sau khi chính quyền Sơn Hải tổ chức một cuộc diễn tập quân sự (27-28/05) mà theo một số người dân địa phương thì đã có xảy ra xô xát.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu phủ nhận các thông tin trên và khẳng định cuộc diễn tập diễn ra suôn sẻ và cuộc sống người dân ở đây luôn ổn định bình thường.
Chuyện gì đã xảy ra ?
Trong hai đêm 30- 31/5, sau khi linh mục Nguyễn Đình Thục cùng giáo dân làm lễ tại giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, thì xảy ra các vụ việc, linh mục nói với BBC.
Hình ảnh chặn đường ở giáo họ Văn Thai vào tối 31/5
Linh mục Nguyễn Đình Thục, người phụ trách giáo họ Văn Thai, thuộc giáo xứ Song Ngọc, nói "có người đến rất đông cầm theo gậy gộc, vũ khí, uy hiếp và ném đá vào nhà giáo dân".
Ông cho biết, gia đình của một giáo dân phải di tản, ba chiếc xe máy, cửa kính, tivi đều bị đập nát và người vợ phải đi bệnh viện điều trị vì bị thương.
Một giáo dân khác sở hữu cửa hàng nhôm kính cơ khí thì tài sản cũng bị đập phá nặng nề.
Theo linh mục, giáo dân nhận ra một số người trong nhóm tấn công là các "thành phần nghiện hút, ma tuý và cờ bạc trong xã nhưng cũng có một số người là ở xã khác đến".
Có ít nhất 7-8 hộ bị hư hại nặng nề, còn lại bị bể ngói, bể cửa. Một số giáo dân đi di tản vẫn chưa dám quay về, nên vẫn chưa thống kê được thiệt hại, linh mục cho biết.
Ông nói có rất nhiều cán bộ công an xuất hiện trong hai đêm vừa rồi nhưng họ lại không ngăn cản người dân mà chỉ đứng nhìn.
Trước tình trạng căng thẳng, linh mục nói ông có yêu cầu lực lượng công an can thiệp,
"Vài cán bộ công an nói tôi nên lên xe họ đưa về vì ở ngoài dân rất đông và rất nguy hiểm. Tôi hỏi vì sao họ không ổn định trật mà cứ muốn đưa tôi về thì họ im lặng", linh mục Thục kể lại.
Xung đột từ cuộc diễn tập ?
Một người đàn ông với khẩu súng trường gần khu vực nhà thờ giáo họ Văn Thai
Chủ nhật tuần trước, hôm 28/5, chính quyền tổ chức một cuộc diễn tập tại xã Sơn Hải mà địa điểm diễn tập lại ngay sát nhà thờ giáo họ Văn Thai.
Theo sơ Liêm, một nữ tu tại nhà thờ Văn Thai cho biết tầm 9 giờ kém sáng 28/5 "có hơn chục tiếng nổ ở bên sông cạnh nhà thờ".
"Một người nằm trước nòng súng nói là 'không thà bắn tôi chết, còn hơn đụng đến chỗ linh thiêng này,'" Sơ Liêm thuật lại.
Bà Nguyễn Thị Trà một giáo dân từ giáo xứ Phú Yên đi ngang qua, định quay phim lại vụ việc thì đột nhiên bị tấn công và bị đưa lên UBND xã Sơn Hải.
Bà Trà cũng nói có một thanh niên bị đánh vào đầu chảy máu mũi và tai, trên đường đi bệnh viện thì có hiện tượng nôn mửa.
Trước những thông tin trên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Hữu Viên hoàn toàn phủ nhận các vụ việc tấn công, bất ổn tại xã Sơn Hải.
Linh mục cho biết giáo họ có khoảng 700 giáo dân tuy nhiên nằm tách biệt khỏi giáo xứ, và xung quanh là lương dân.
Bà Nguyễn Thị Trà thuật lại vụ việc hôm 28/5 trong một video lan truyền trên mạng xã hội
Diễn tập 'chống biểu tình của giáo dân'
Trước đó, báo Nghệ An nhiều lần mô tả Linh mục Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam là những phần tử "gây kích động, phản động trong cộng đồng".
"Việc diễn tập là hoàn toàn diễn ra theo kế hoạch đầu năm của huyện. Các xã có trách nhiệm báo cáo cho nhân dân về các kế hoạch của xã", ông Viên nói với BBC hôm 1/6.
Khi được hỏi về các vụ tấn công, các vụ bạo động thì ông Viên liên tục nhấn mạnh là "mọi chuyện bình thường, không có vấn đề gì cả".
Về địa điểm của buổi diễn tập, ngay gần nhà thờ Văn Thai, vốn tập trung đông đúc dân cư, ông Viên nói "Nó nằm ở trong kế hoạch nên không có vấn đề gì đâu !"
Hình ảnh viên đạn người dân chụp lại hôm 28/5
Ông cũng phủ nhận thông tin sử dụng súng đạn và mìn tại buổi diễn tập. Tuy nhiên các hình ảnh lan tràn trên mạng cho thấy một người đàn ông cầm một khẩu súng trường và có vỏ đạn vương vãi trong khuôn viên nhà thờ.
"Các xã khác thì tôi không rõ, chứ xã Sơn Hải không vấn đề cả. Mối quan hệ lương dân với giáo dân bình thường. Anh em mới đi lễ dâng hoa Đức mẹ về đây". ông Viên cho biết.
BBC đã cố gắng liên lạc với với chủ tịch và phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, và chủ tịch xã Sơn Hải nhưng máy bận trong ngày 01/06.
Trang web của Đài Truyền hình Nghệ An viết :
"Trong diễn tập thực binh, trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định đó là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã".
Xã Sơn Hải là đơn vị điểm tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017 của huyện Quỳnh Lưu, theo trang web này.
"Cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ bao gồm các nội dung : chuyển xã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao ; xử lý A2 theo kế hoạch bắt con tin ; điều chỉnh kế hoạch phòng không nhân dân chuyển từ thời bình sang thời chiến ; đưa địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và điều chỉnh kế hoạch chiến đấu phòng thủ".
Truyền thông Việt Nam cho hay hồi tháng 4 vừa qua đã có các vụ va chạm giữa giáo dân và lực lượng công an tại Quỳnh Lưu.
Đài truyền hình Nghệ An có phóng sự hôm 26/04 nói Linh mục quản xứ Song Ngọc Nguyễn Đình Thục đã lên loa thông tin cho bà con giáo dân và kéo tới trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu để đòi lại số hàng hóa "bị công an đạp đổ".
Còn theo báo Nghệ An hồi tháng 2/2017, "một số giáo dân ở Quỳnh Lưu bị kích động tụ tập gây mất an ninh trật tự"
Được biết, căng thẳng tại khu vục này đã xảy ra một thời gian qua.
Một số linh mục Công giáo Việt Nam đã sang Châu Âu vận động cho phong trào phản đối tập đoàn Formosa gây ô nhiễm ở biển Miền Trung
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng có sự "câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các 'chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn'.
Đáp lại, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt gần đây rằng những 'hành vi sai trái' mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong năm tháng đầu năm 2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh phản đối Formosa.
Linh mục Nguyễn Đình Thục bị bao vây, đe dọa (VOA, 31/05/2017)
Linh mục Nguyễn Đình Thục đêm 30/5 cho biết nhiều người từ các xóm lân cận đánh kẻng và kéo tới chặn đường ông trở về giáo xứ sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng với các nạn nhân của thảm họa môi trường biển miền Trung trong một lần đi kiện Công ty Formosa.
Sự việc xảy ra vào lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm Mỹ và nhiều tổ chức xã hội, dân biểu Mỹ đang nêu lên quan ngại về cuộc ‘khủng hoảng nhân quyền’ tại Việt Nam.
Theo lời kể của Linh mục Nguyễn Đình Thục, khi ông đang trên đường trở về giáo xứ Song Ngọc sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai, cách đó khoảng 3 km, thì được báo có nhiều người đang kéo đến chặn đường về của ông.
Một số người cho biết lương dân ở các xóm lân cận đang đánh kẻng báo động để kéo tới bao vây vị linh mục đang tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói việc ông bị bao vây chỉ vì đi dâng lễ là hành động "sai trái và độc ác", xúc phạm tự do tín ngưỡng.
"Tôi đang đứng ở giữa vòng vây có cả mấy ngàn người mà tôi nghĩ đó là côn đồ mà chính quyền đang dùng để đàn áp tôi. Có thể buổi tối hôm nay tôi bị đánh đập. Cũng có thể tối hôm nay tôi bị giết. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đó không quan trọng. Vấn đề ở đây mà tôi thấy là một chính quyền mà lại đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công cả một linh mục đi dâng lễ. Tôi không làm gì sai trái. Tôi đi dâng lễ. Vậy thì tấn công tôi hóa ra là chính quyền này đang xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm tự do tín ngưỡng của tôi".
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết có nhiều công an có mặt tại nơi ông bị bao vây.
"Ở đây công an rất đông, mà công an không ngăn chặn hành vi này thì điều đó chứng tỏ công an đồng lõa hay chính công an kích động bạo lực ?".
Trước đó 2 ngày, ngày 28/5, mạng xã hội lan truyền tin cho hay giáo họ Văn Thai xảy ra vụ bắn đạn vào nhà thờ của giáo họ trong cuộc diễn tập mà "dân phòng thì cầm súng bắn đạn, người dân thì cầm gậy gộc, sắt típ và đá".
Các đoạn video đăng trên mạng cho thấy một vài người dân bị thương tích với nhiều vết máu trên quần áo.
Trong khi đó, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An đưa tin đây là cuộc "diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017".
Một nội dung trong cuộc diễn tập bao gồm "trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã".
"Sau đó, chủ tịch UBND xã đã đối thoại trực tiếp với một số đối tượng cầm đầu việc biểu tình và đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không nên gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, công an, quân sự dùng đạn khói để giải tán đám đông và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng trà trộn vào bắt một số đối tượng quá khích nhằm giữ vững ổn định địa bàn", theo Đài phát thanh truyền hình Nghệ An.
Trong lúc bị bao vây đêm 30/5, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho VOA biết :
"Cách đây mấy hôm họ mua kẻng. Mỗi xóm một cái kẻng. Cái kẻng này không phải là cái kẻng của xóm, mà là kẻng của những người kích động bạo lực. Tức là mỗi khi họ muốn tấn công chúng tôi thì họ đánh cái kẻng đó và họ sẽ kéo đến để tấn công chúng tôi".
Các cuộc tấn công liên tiếp nhắm vào các linh mục và những người khiếu kiện Formosa xảy ra giữa lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ, với mục tiêu tiếp cận tân chính quyền Donald Trump và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Ngay trước chuyến thăm của ông Phúc, tại Quốc hội Mỹ hôm 25/5 có buổi điều trần về "cuộc khủng hoảng nhân quyền" tại Việt Nam. Trong đó, các dân biểu Mỹ cho rằng nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất và kêu gọi chính phủ Mỹ không tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại.
*****************
Linh mục và giáo dân tại Văn Thai bị đe dọa, tấn công (RFA, 30/05/2017)
Hằng ngàn người sử dụng gạch đá cũng như mang theo hung khí gồm dao, tuýp sắt… đến tại giáo họ Văn Thai ở địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An vào tối ngày 30 tháng 5 tấn công, sách nhiễu giáo dân tại đó.
Hình hai Linh mục Nguyễn Đình Thục và Đăng Hữu Nam đăng trên báo Nghệ An - Ảnh minh họa
Tin từ người trong cuộc cho biết nhiều nhà giáo dân bị ném đá vỡ cửa kính khiến có người trong nhà bị thương.
Linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Song Ngọc và giáo họ Văn Thai đến để dâng lễ vào chiều ngày 30 tháng 5 và khi xảy ra tình trạng cả ngàn người đến tại giáo họ hành hung và khiêu khích khiến ông phải ở lại với giáo dân.
Một giáo dân Văn Thai cho biết công an địa phương nói với linh mục Nguyễn Đình Thục ra về ; nhưng vì tình hình an ninh không bảo đảm nên đến lúc 10g45 phút tối ông vẫn phải lưu lại tại nhà một giáo dân và nhiều người khác cùng đến đọc kinh, cầu nguyện với vị phụ trách giáo xứ và giáo họ.
Vào ngày 28 tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng địa phương tiến hành hoạt động được nói diễn tập bảo vệ đường sông có bắn súng và nổ mìn ngay trước nhà thờ giáo họ Văn Thai.
Vụ việc trở nên căng thẳng hơn khi một giáo dân từ Phú Yên đến tại xã Sơn Hải nhận thấy có những diễn tiến xảy ra và dùng điện thoại quay lại vụ việc. Đó là cô Nguyễn Thị Trà ; nhưng khi cô này vừa tiến hành quay hình thì bị nhiều người khác giật điện thoại và hành hung.
Công an báo với Ban Hành giáo Văn Thai đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải để nhận người về. Một số giáo dân khi đến đó cũng dùng điện thoại quay hình và bị hành hung.
Xin cảm ơn hòa thượng Thích Không Tánh, linh mục Lê Ngọc Thanh, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và các ông Lê Văn Sóc, Hứa Phi, Châu Văn Gòn, Nguyễn Văn Tan Giang. Xin cảm ơn linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc. Trong những ngày vừa qua quý vị và các bạn đã là dân tộc Việt Nam.
Hai biến cố tại hai nơi xa nhau trong hai ngày liên tiếp nhắc lại cùng một sự thực về bản chất của chính quyền cộng sản và thực trạng của xã hội Việt Nam. Đó cũng là hai thông điệp của sự dũng cảm và niềm tin.
Bốn vị Thích Không Tánh, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Mạnh Hùng và Hứa Phi bị công an bắt về thẩm vấn
Tại Vĩnh Long, ngày 13/02, linh mục Lê Ngọc Thanh, hòa thượng Thích Không Tánh, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và ba chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi, Châu Văn Gòn, Nguyễn Văn Tan Giang cùng nhau đến nhà ông Lê Văn Sóc, phó chủ tịch Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy tỉnh Vĩnh Long. Đây là cuộc gặp mặt đầu xuân để chúc Tết nhau giữa các thành viên của Hội Đồng Liên Tôn. Họ đã bị cản trở và bạo hành. Trước hết ông Nguyễn Văn Điền, chủ tịch Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy Vĩnh Long bị ngăn cản không đến được. Sau đó xe chở các vị khác bị chặn cách nhà ông Lê Văn Sóc 3 Km viện lý cớ bịa đặt là vi phạm luật giao thông. Khi các vị này xuống xe đi bộ đến nơi hẹn thì hai chức sắc Cao Đài, ông Châu Văn Gòn và ông Nguyên Văn Tan Giang bị bắt vào đồn công an vì "có vẻ phạm pháp" và sau đó được khuyên là không nên ra khỏi đồn vì, theo lời viên trưởng đồn, "nếu ra đường có thể bị hành hung và cướp đoạt tài sản". Quả nhiên đó là điều đã xảy ra. Họ bị đánh và bị cướp hết hành trang, giấy tờ và tiền bạc. Khi sau cùng mọi người vẫn gặp nhau tại nhà ông Lê Văn Sóc thì công an tới quấy phá bữa ăn và đòi kiểm tra hành chính. Khi những công an kiểm tra xong và sắp ra đi thì lại có lệnh từ "cấp trên" bắt bốn vị Thích Không Tánh, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Mạnh Hùng và Hứa Phi về đồn công an thẩm vấn. Họ bị khóa tay và xô đẩy lên xe đưa về đồn công an. Tại đây họ bi thóa mạ và ông Hứa Phi bị đánh ngất xỉu.
Cách hành xử của công an Vĩnh Long chỉ lặp lại một kịch bản trơ trẽn và đê tiện đã xẩy ra tại khắp nơi trên cả nước. Chính quyền cáo buộc một cách đểu cáng những công dân lương thiện hoặc dùng bọn côn đồ để đả thương họ. Những chuyện không thể tưởng tượng được đã trở thành bình thường trên đất nước ta.
Hôm sau, tại Nghệ An, cách hành xử của chính quyền cộng sản còn tồi tệ hơn nữa. Giáo dân Song Ngọc chỉ làm một việc hoàn toàn chính đáng và hợp pháp là vào Kỳ Anh nộp đơn kiện công ty Formosa và đòi được bồi thường thiệt hại sau thảm họa kinh khủng mà công ty này đã gây ra cho vùng biển miền Trung và cho họ. Bất cứ một chính quyền bình thường nào đã phải giúp đỡ, tìm luật sư bảo vệ họ, hướng dẫn thủ tục kiện cáo, cung cấp phương tiện di chuyển v.v. Nhưng thực tế đã hoàn toàn ngược lại. Họ đã bị đàn áp thô bạo. Các xe mà họ thuê để đi tới Kỳ Anh đã bị cấm không được tới. Người dân Song Ngọc phẫn uất quyết định đi bộ trên quãng đường dài 175 km nhưng chỉ mới đi được một ngày đường thì bị công an Nghệ An và côn đồ phối hợp hành hung tàn nhẫn. Nhiều người đã phải vào bệnh viện điều trị. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã bị đánh ngay trước mặt phó chủ tịch tỉnh và trưởng công an Nghệ An sau khi vừa chào hỏi họ. Công an và côn đồ chỉ là một.
Giáo dân Song Ngọc đã chỉ vào Kỳ Anh nộp đơn kiện công ty Formosa và đòi được bồi thường sau những thiệt hại mà công ty này đã gây ra cho vùng biển miền Trung và cho họ
Tổng Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã rất sáng suốt khi chỉ thị linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc đình chỉ cuộc hành trình. Họ không còn gì để chứng minh nữa. Họ đã làm tất cả những gì cần làm. Quyết tâm và sự dũng cảm của họ đã quá rõ ràng. Thông điệp mà họ gửi cho nhân dân Việt Nam và thế giới, và lịch sử, đã quá hùng hồn.
Hai biến cố biến cố này, trong đó các nạn nhân đã chỉ lấy lẽ phải để đương đầu với bạo lực, cho thấy những gì?
Chính quyền cộng sản đã xác nhận bản chất đạo tặc và phản quốc. Tại sao một chính quyền thay vì bảo vệ quyền lợi của dân mình lại ngăn cấm họ khởi kiện một công ty nước ngoài đã gây thiệt hại cho họ? Chính quyền này là chính quyền Việt Nam hay chính quyền Trung Quốc ? Tại sao một chính quyền thay vì bảo vệ luật pháp mà chính mình đưa ra lại hành xử như bọn tội phạm, bịa đặt trơ trẽn, hành hung, cướp giật? Dứt khoát đây không phải là một chính quyền Việt Nam mà là một lực lượng chiếm đóng, và một lực lượng chiếm đóng hèn hạ. Những điều này không có gì là mới. Mọi người Việt Nam đều đã biết. Tuy vậy một sự thực dù đã rõ ràng đến đâu cũng sẽ còn rõ hơn nữa nếu được nhắc lại. Xin cảm ơn hòa thượng Thích Không Tánh, linh mục Lê Ngọc Thanh, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và các ông Lê Văn Sóc, Hứa Phi, Châu Văn Gòn, Nguyễn Văn Tan Giang. Xin cảm ơn linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc. Trong những ngày vừa qua quý vị và các bạn đã là dân tộc Việt Nam.
Điều cần được nhấn mạnh là chính quyền này đã mất hết tự trọng và tự tin. Sự kiện một trưởng đồn công an nói với hai chức sắc Cao Đài rằng nếu ra khỏi đồn họ sẽ bị đánh và cướp không chỉ đểu cáng mà còn chứng tỏ chính quyền cộng sản đã mất hết tự trọng. Việc phó chủ tịch tỉnh và giám đốc công an Nghệ An đứng yên để bọn côn đồ đánh linh mục Nguyễn Đình Thục không chỉ chứng tỏ họ vô liêm sỉ mà còn là một lời thú nhận Đảng Cộng Sản đã thực sự tin rằng họ chỉ có thể tiếp tục tồn tại nhờ sự thô bạo.
Điều quan trọng hơn trong hai biến cố này không phải là lời nói mà là hình ảnh. Lần này lời nói không bộc lộ tâm hồn bằng nét mặt. Trong đại đa số nét mặt của những người công an mặc sắc phục đã chỉ phiền muộn chứ không hung hăng. Nét mặt của những người phải làm một việc mà mình cũng biết là sai và đáng xấu hổ. Cấp trên còn trơ nhưng cấp dưới đã biết nhục. Chỉ có bọn côn đồ là còn hung hăng. Công an là lực lượng trung thành nhất trong các chế độ cộng sản. Những nét mặt phiền muộn này chứng tỏ chế độ cộng sản đã bị tách biệt khỏi một phần lớn của chính lực lượng nòng cốt của bộ máy đàn áp. Một chế độ như vậy còn tồn tại được bao lâu khi mà người dân đã hết sợ và bộ máy chính quyền đã rệu rã?
Không lâu. Một đặc tính chung của những chế độ bạo ngược là cho tới những ngày cuối cùng trước khi sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Nhưng đừng vì thế mà mất lòng tin, chúng có thể chết một cách đột ngột vì không còn lý do tồn tại.
Tin mừng từ Vĩnh Long và Nghệ An là nhiều người Việt Nam vẫn giữ được trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải. Họ sẽ ngày càng nhiều hơn.
Nguyễn Gia Kiểng