Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyến thăm Hà Nội năm 1993 của tổng thống François Mitterrand xúc tiến nhanh hơn quá trình bình thường hóa quan hệ Pháp-Việt. Bốn năm sau, năm 1997, tổng thống Jacques Chirac (1932-2019) tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương thông qua chính sách mở cửa của Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (Organisation internationale de la Francophonie).

jacques1

Tổng thống Pháp, Jacques Chirac bắt tay trẻ em Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, ngày 07/10/2004. AFP PHOTO PATRICK KOVARIK

Quan hệ với Pháp là một niềm hy vọng đối với Hà Nội vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, ba năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi Mới. Paris đã không ngừng nỗ lực giúp Việt Nam hội nhập cộng đồng quốc tế. Đầu thập niên 1990, Việt Nam gần như trong tình trạng vỡ nợ. Nhờ khoản vay gối 85 triệu đô la mà Ngân hàng Ngoại thương Pháp cấp vào tháng 09/1993, cùng với khoản tài trợ 55 triệu đô la của Nhật, Hà Nội đã có thể trả 140 triệu đô la đến kỳ thanh toán cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tính đến cuối năm 1992, Việt Nam nợ các nước không thuộc khối Cộng sản 4,2 tỉ đô la (1).

Đến tháng 12/1993, Pháp đã thuyết phục được Câu lạc bộ Paris miễn 50% số nợ của Việt Nam đối với các khoản tín dụng thương mại và giãn thời gian trả trong vòng 30 năm đối với các khoản tín dụng ưu đãi. Nhờ đó, nợ nước ngoài của Hà Nội được giảm bớt. Tháng 02/1994, Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, các nhà cung cấp tín dụng, như Ngân hàng Thế giới, có thể đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Năm 1995, Việt Nam gia nhập khối ASEAN và năm 1996, Việt Nam tham gia thượng đỉnh đầu tiên của ASEM (Đối thoại Á-Âu) được tổ chức tại Bangkok.

Chirac : Người đưa thượng đỉnh đầu tiên đến Việt Nam

Năm 1997, hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức ở Việt Nam và đây cũng là lần đầu tiên, thượng đỉnh Francophonie được tổ chức ở Châu Á. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày (12-13/11/1997), trước phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Jacques Chirac khẳng định mong muốn phát triển "đối tác ưu tiên" giữa hai nước. Thông qua Pháp, Việt Nam có thể tiếp cận được Châu Âu cũng như những định chế tài chính quốc tế. Còn nhờ Việt Nam, Pháp có thể thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy và thị trường Việt Nam còn nhiều cơ hội, với sức tăng trưởng 9% trong những năm 1990.

Trong chuyến công du đầu tiên của ông Jacques Chirac, hai bên đã ký kết khoảng 4 tỉ franc hợp đồng thương mại. Nhật báo kinh tế Les Echos (ngày 12/11/1997) từng đánh giá tổng thống Chirac đã biết sử dụng đòn bẩy chính trị của thượng đỉnh Pháp ngữ để thu về một số lợi nhuận trong thương mại. Vì trên thực tế, chưa đầy 1% dân số Việt Nam nói tiếng Pháp vào thời kỳ đó, và chủ yếu là người cao tuổi, từng sống dưới thời thuộc địa.

Đặc phái viên của đài truyền hình Pháp France 2 nhận định trong bản tin thời sự ngày 14/11/1997 : "Đối với Việt Nam, tổ chức thành công thượng đỉnh Pháp ngữ là cơ hội quý giá để có được vị trí trên trường quốc tế. Còn đối với Pháp, thành công này sẽ khẳng định Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ vẫn tồn tại và vẫn có ích".

Trước tiên là có ích cho Paris, vì thượng đỉnh tại Hà Nội giúp Pháp mở rộng ảnh hưởng và bảo tồn tiếng Pháp trong khu vực. Theo đánh giá của hãng tin Mỹ AP, dù được thành lập trên cơ sở ngôn ngữ, thượng đỉnh của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ngày càng đề cập nhiều đến các vấn đề kinh tế và chính trị. Đây là một khía cạnh được tổng thống Chirac đề cập trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 ở Hà Nội :

"Tôi thấy trong số các nước đang họp tại đây, có những nước thịnh vượng, nhiều nước khác đang trên đà phát triển, kể cả những nước ở phía nam (so với Pháp, về địa lý), có những nhu cầu cơ bản về giáo dục, đào tạo, trang thiết bị và về vốn, mà lại không được thỏa mãn. Đây là điều vô cùng bất công. Và đây cũng là nhiệm vụ của cộng đồng Pháp ngữ, phải đáp ứng những vấn đề mà tình trạng này gây ra, bởi vì khối Pháp ngữ là lòng tương ái. Và tinh thần tương ái này phù hợp với đòi hỏi cấp bách về đạo đức đối với các nước phát triển, và cũng phù hợp với lợi ích của họ".

Ngay đầu những năm 1990, tại Việt Nam, việc giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông đã được đầu tư nhiều hơn với việc mở nhiều lớp song ngữ, đầu tư thiết bị nghe nhìn phục vụ giảng dạy. Trong chyến thăm Việt Nam năm 1997, tổng thống Chirac đã khánh thành một lớp song ngữ tại trường trung học cơ sở Chương Mỹ, Hà Nội. Vào thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 491 lớp song ngữ tại 71 trường, với khoảng 14.000 học sinh. Các lớp được tài trợ các thiết bị nghe nhìn hiện đại để học tiếng Pháp.

Trong hai nhiệm kỳ kéo dài 12 năm, tổng thống Jacques Chirac hai lần đến thăm Việt Nam. Lần thứ hai diễn ra vào năm 2004 trước khi ông tham dự Đối thoại Á-Âu lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội (ASEM, 07-09/10/2004). Ông Chirac luôn tin rằng "Pháp và Việt Nam, vì biết đối thoại và hiểu nhau để vượt qua gánh nặng quá khứ, nên có tính chính đáng để gửi đến thế giới thông điệp hòa bình và bác ái" (2). Trước đó, trong chuyến thăm Pháp của chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương (28-31/10/2002), lãnh đạo hai nước nhất trí kỉ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Trong giai đoạn này, Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường hợp quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc niên khóa 2008-2009. Pháp trở thành đối tác thương mại Châu Âu lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá trao đổi thương mại hai chiều là 1,7 tỉ đô la vào năm 2003.

Văn hóa : Trục thứ ba trong hợp tác song phương

Nổi tiếng là người thân thiện, gần gũi, là vị tổng thống được người dân Pháp yêu quý nhất, ông Jacques Chirac còn được biết là người đam mê những nền văn hóa nguyên thủy. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, dự án được thông qua ngày 14/12/1987, đã được phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Bình và tổng thống Pháp Chirac cắt băng khánh thành ngày 12/11/1997 nhân dịp hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội. Kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus tham gia thiết kế phần nội thất.

Là người phiên dịch cho tổng thống Pháp nhân sự kiện này, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Trung nhớ lại phát biểu của ông Chirac :

"Trong bài phát biểu của mình, ông nói về nhiều thứ, nhưng ông nhấn mạnh đến văn hóa, cốt cách văn hóa là tinh hoa của một dân tộc. Và ông nói một dân tộc có 54 dân tộc như đất nước Việt Nam mà có được một bảo tàng ghi lại nền văn hóa của từng ấy dân tộc là một điểm sáng, một viên kim cương lưu giữ lại được của văn hóa dân tộc Việt Nam. Cho nên, từ điểm đó, ông đúc kết rằng văn hóa là nền tảng, là cốt cách của một dân tộc và mỗi dân tộc phải nên giữ lại cốt cách đó. Yếu tố văn hóa, vai trò của văn hóa rất là quan trọng !"

Phải chăng bảo tàng Dân tộc học Việt Nam góp phần tạo nguồn cảm hứng cho tổng thống Chirac thành lập bảo tàng Quai Branly, được khánh thành năm 2006, dành riêng cho nghệ thuật và các nền văn minh Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ ? Mang tên bảo tàng Quai Branly, nằm ngay cạnh tháp Eiffel, đến năm 2016, bảo tàng mang tên người sáng lập, Musée du Quai Branly - Jacques Chirac. Và đây cũng là lần cuối, cựu tổng thống Pháp xuất hiện trước truyền thông.

Cũng trong nhiệm kỳ của tổng thống Chirac, Pháp và Việt Nam gia tăng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, như tổ chức triển lãm di sản văn hóa Chàm tại Paris năm 2005. Một ví dụ điển hình là Festival Huế, lần đầu tiên được chính phủ Việt Nam chính thức cho phép tổ chức vào năm 2000.

Thực ra, trước đó, cả phái đoàn Việt Nam tại UNESCO , cộng đồng Pháp ngữ và Pháp đã nỗ lực để có thể hình thành một đề án về Huế với tên gọi "Huế, toujours recommencé". Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Trung nhớ lại :

"Huế ngay từ những năm đó đã được phía Pháp và cộng đồng Pháp ngữ nhìn nhận là một di sản rất lớn. Phát huy di sản đó, chúng tôi đã cố gắng làm được những sự kiện về Huế và sau này, Festival Huế là tiếp nối được tư tưởng từ đề án của UNESCO về "Huế, toujours recommencé". Phải nói rằng tổng thống Jacques Chirac rất là thích thú với đề án này, rất quan tâm và với uy tín của mình, ông đã thúc đẩy.

Để xây dựng một Festival Huế không đơn giản chút nào, làm sao phải có một điều gì đó rất đặc trưng của một nước Đông Nam Á, của một nước có nền văn hóa như thế, của một cố đô như thế mà lại mở rộng hơn, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở trong khu vực và quốc tế. Tổng thống Jacques Chirac đã quan tâm và đã có quyết định cùng với chính phủ Việt Nam để xây dựng những chương trình của Festival.

Tôi cho rằng Festival Huế, mỗi lần, đã để lại tình cảm rất sâu đậm cho người Việt Nam, và đặc biệt đó cũng là một trong những cầu nối, một trong những yếu tố văn hóa rất quan trọng đã gắn kết lịch sử phải nói là lâu đời giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam. Festival Huế phát huy được truyền thống lâu đời đó trong xã hội hiện đại, trong bối cảnh mới của hai nước Pháp-Việt".

Trong bài diễn văn tại tiệc chiêu đãi năm 2004 do chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương tổ chức, tổng thống Chirac phát biểu : "Nếu như Việt Nam và Pháp duy trì được mối quan hệ đặc biệt đến như vậy, đó là nhờ vào di sản của Lịch sử, thêm vào đó là những hy vọng cho tương lai và tấm lòng. Nhờ đó mà niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau được tôi luyện. Tin vào đất nước Việt Nam, vào sự năng động và tuổi trẻ Việt Nam ; tôn trọng những khác biệt của chúng ta làm chúng ta gần nhau, cũng như làm chúng ta coi trọng nhau".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 27/09/2019

(1) Pascal Bergeret, Paysans, Etat et marchés au Vietnam : dix ans de coopération agricole dans le bassin du Fleuve Rouge (Nông dân, Nhà nước và thị trường ở Việt Nam : 10 năm hợp tác nông nghiệp trong lưu vực sông Hồng), Nhà xuất bản Karthala (01/11/2003), 291 trang.

(2) Bài phát biểu của tổng thống Pháp Jacques Chirac tại tiệc chiêu đãi do chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức ngày 06/10/2004.

Published in Diễn đàn
vendredi, 27 septembre 2019 22:05

Điểm báo Pháp - Vĩnh biệt Jacques Chirac

Pháp : Vĩnh biệt mãnh sư Jacques Chirac

Cựu tổng thống Jacques Chirac vừa từ trần, thọ 86 tuổi. Tiễn đưa nhà chính trị, nhà lãnh đạo mà cuộc đời gắn liền với vận nước nổi trôi, báo chí Pháp hôm nay (27/09/2019) dành những lời trân trọng nhất, nhưng cũng không thiếu các phê phán khi nhắc lại công lao và thất bại trong 50 năm sự nghiệp của ông.

jacques1

Cố tổng thống Jacques Chirac trên các trang báo Pháp ngày 27/09/2019

Về hồ sơ quốc tế, tai tiếng "Ukraine" đe dọa tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc khủng hoảng Hồng Kông làm chủ tịch Trung Quốc mất mặt là hai chủ đề chính.

Một trang sử Pháp

Hầu hết các tờ báo Pháp đều đưa chân dung cố tổng thống Jacques Chirac từ trần hôm 26/09/2019 lên trang nhất với tựa báo tang giản dị. Dưới di ảnh trắng đen của cố tổng thống Pháp nét mặt đăm chiêu, Le Figaro ghi hàng chữ nhỏ : "Vĩnh biệt Jacques Chirac". Libération thân mật "Thiếu Chichi ". Les Echos "Một đời chính trị".

Toàn dân xúc động, một sư tử chính trị qua đời, cả một đoạn đời của tôi ra đi, Chirac là hiện thân của một nước Pháp thủy chung với giá trị phổ quát và vai trò lịch sử, Châu Âu chào từ biệt một nhà lãnh đạo đất nước và một người bạn.

Trên đây là những tựa chính của Le Figaro trích lời chia buồn của giới chính trị gia Pháp, của Châu Âu, từ các cựu thủ tướng  François Fillon, Alain Jupé, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến một số cây bút chính luận.

Tổng thống Emmanuel Macron, người mà nhật báo thiên hữu cho là "kế thừa" tổng thống Chirac, trong thông điệp báo tang đêm hôm qua kêu gọi toàn dân "ghi ơn" nhà lãnh đạo đã "đoàn kết" dân tộc lại với nhau.

Trong bài bình luận "người hiện thân của nước Pháp nhiều mặt", tác giả giải thích vì sao mà khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Lao Động năm 1967 cho đến khi hết nhiệm kỳ tổng thống 2017, Jacques Chirac được tất cả dân Pháp, có thế lực hay vô danh, yêu mến.

Bởi vì con người ông cũng đa diện : vừa là chính trị gia địa phương gắn bó với miền quê Corrèze, vừa có hoài bão quốc tế. Ai là người vừa yêu quê hương vừa gắn bó với địa cầu.  Vừa từ chối tham gia chiến tranh Iraq lần thứ hai vì không có đèn xanh của Liên Hiệp Quốc vừa báo động "ngôi nhà chúng ta đang cháy"? Ai từng bị cáo buộc là "phát-xít" nhưng trở thành một nhà chính trị nhân ái ?

Một người Pháp thuần túy

Bên cạnh những lời khen tặng, thương tiếc từ các cựu cộng sự cho đến giới chính trị tả hữu, các bài xã luận của báo chí tỏ ra rất công bình trong phần khen tặng và phê phán.

Nhật báo thiên tả Libération dành gần 20 trang để thuật lại con đường sự nghiệp, những tấm ảnh lúc thăng trầm, những giây phút hạnh phúc gia đình, sảng khoái bên ly bia trong ngày hội chợ nông nghiệp hàng năm, hay khi đến phi trường đón tiếp một đoàn thuyền nhân Việt Nam từ Malaysia mới sang vào năm 1979, trong đó có một cô gái tên Anh Đào mà vợ chồng tổng thống Chirac nhận làm con nuôi.

Libération không quên hình ảnh một Jacques Chirac được dân Ả Rập mến mộ. Từ Palestine cho đến Iraq, Lebanon… Chirac là người hùng chống lại chiến tranh Iraq lần thứ hai. Đối với Châu Á, Chirac là  một "chuyên gia văn hóa lịch sử" Trung Hoa, Nhật Bản, một người đam mê môn đô vật Sumo của xứ Hoa Anh Đào.

Trên Le Figaro, bài xã luận "một định mệnh của nước Pháp" cũng đồng điệu : dứt khoát nói "Không" với cuộc chiến Iraq là "chiến tích" lớn nhất của Jacques Chirac, nhưng ông cũng có một số yếu đuối đó là quá thận trọng không dám thực hiện một số lời hứa. Người dân Pháp không ngừng mến yêu Jacques Chirac, bởi vì dù tài giỏi hay yếu kém,ông luôn là một người Pháp thuần túy.

Yêu nước là yêu dân

Cùng quan điểm, nhật báo công giáo La Croix, trong bài xã luận "Con đường sự nghiệp" phát họa lại những thăng trầm đầy ưu và khuyết điểm của một con người. Jacques Chirac không phải là siêu nhân, nhưng công lao của ông làm hậu thế  phải ghi ơn.

Một cách chi tiết, bài xã luận "sự nghiệp lâu dài" của La Croix mở đầu :  Trong những năm tuổi trẻ, Jacques Chirac gây nhiều lo ngại. Một số người còn xem ông ấy là một tay "phát-xít".

Nhưng hôm nay, ông ra đi, để lại cho chúng ta hình ảnh một người cha của dân tộc. Niềm xúc động chân thành trước một nhân vật từng chia sẻ với chúng ta gần nửa thể kỷ vui buồn của đất nước, mà một nhà bình luận gọi là "hoàng đế si tình thần dân" và thần dân đã đáp lại tương xứng.

Nhưng ông cũng có lắm tiêu cực . Ông phản bội Giscard rồi sau đó ông bị Balladur phản bội. Ông bị tai tiếng là "ông vua lười", một lời cáo buộc oan ức. Trong giây phút chia lìa này, người ta chỉ nhớ đến công lao của ông : đồng minh của Mỹ nhưng không theo Washington đánh Iraq, lãnh đạo phe hữu nhưng luôn luôn là thành trì, cột trụ chống cực hữu.

Chirac còn là một người đánh thức lương tâm con người trong lãnh vực môi trường với lời tuyên bố : "ngôi nhà chúng ta đang cháy mà chúng ta làm ngơ". Ông còn là vị tổng thống thực hiện ba đại công trình "an toàn giao thông, trợ giúp người khuyết tật có chỗ đứng trong xã hội và bài trừ bệnh ung thư". Những thành quả mang lại làm chúng ta phải nhớ ơn ông.

Hồng Kông : Tập Cận Bình mất mặt

Ở trang Thế giới, La Croix tập trung vào tình hình Hồng Kông. Cuộc khủng hoảng tại bán đảo có tên là Hương Cảng đã kéo dài 110 ngày. Những ngày sắp tới, từ nay cho đến 01 tháng 10, là thời gian đầy nguy hiểm.

Theo đặc phái viên của nhật báo công giáo, tình hình khủng hoảng tại Hồng Kông đã làm cho hình ảnh của chủ tịch Trung Quốc trên trường quốc tế xấu đi. Đối phó bằng chiến thuật để cho phong trào phản kháng tự chết dần không hiệu quả càng, làm cho Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng cộng sản.

Các biện pháp trấn áp cũng không làm phong trào tranh đấu giảm đi. Chiến thuật "đối thoại" của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga với 150 người rút thăm đại diện đối lập chiều 26/09 chắc chắn không làm thay đổi tình thế. Ngày 01/10, đánh đấu 70 năm đảng Cộng sản chiến thắng tại Hoa lục, đến gần, mà lòng căm phẫn của Hồng Kông không tan. Tập Cận Bình đang bị mất mặt trong cách xử lý khủng hoảng Hồng Kông.

Guồng máy vận động ngoại giao của Bắc Kinh chạy hết tốc lực và rất căng thẳng, nhưng không còn ai bị Trung Quốc đánh lừa. Chuyên gia Jean - Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Hồng Kông, cho rằng : Bắc Kinh cố chấn chỉnh hình ảnh, nhưng  Trung Quốc đã bị nhơ danh từ nhiều tháng nay. Trước đó là chuyện xây trại cải tạo khổng lồ nhốt 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương. Người ta linh cảm chế độ Trung Quốc bắt đầu biết lo ngại trước áp lực của công luận quốc tế.

Thái độ hoảng hốt của Bắc Kinh thể hiện mối bất đồng trong nội bộ đảng Cộng sản. Khủng hoảng Hồng Kông châm thêm dầu vào ngọn lửa bất bình Tập Cận Bình từ khi ông sửa Hiến pháp để cầm quyền mãn đời.

Tai tiếng "Ukraine" : Donald Trump yếu thế

Le Monde, phát hành sớm nên không kịp đưa tin cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời. Trái lại, tình trạng lúng túng của tổng thống Mỹ Donald Trump là chủ đề số một.

Nhật báo độc lập lưu ý đến hai chi tiết cho phép suy đoán tổng thống Donald Trump mất thế chủ động. Đúng là phe Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện, tiến trình truất phế trong điều kiện này sẽ không thể đi đến nơi đến chốn, nhưng chủ nhân Nhà Trắng tự vệ một cách bối rối.

Thứ hai là, Rudy Giuliani, luật sư của tổng thống, đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng quốc sự. Chính vị luật sư này đã nhìn nhận trên đài CNN là ông đã qua Kiev yêu cầu chính quyền Ukraine điều tra về Joe Biden. Sự kiện nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Zelensky được công bố làm cho thủ tục truất phế được củng cố thêm.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Pháp : Cựu tổng thống Jacques Chirac qua đời (RFI, 26/09/2019)

Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời sáng ngày 26/09/2019 hưởng thọ 86 tuổi. Tin trên được gia đình ông Chirac cho AFP biết. Thượng Viện và Hạ Viện Pháp lập tức dành một phút mặc niệm. Tòa thị chính Paris treo cờ rủ.

chi1

Tổng thống Pháp Jacques Chirac và các bộ trưởng, tại điện Elysée, Paris, ngày 09/05/2007BENOIT TESSIER / POOL / AFP

Sức khỏe của cựu tổng thống Chirac sa sút nhiều trong thời gian gần đây và ông không còn xuất hiện trước công chúng.

Kể từ khi mãn nhiệm tổng thống vào năm 2007, ông Chirac, vốn đã bị tai biến mạch máu não vào tháng 09/2005, đã nhiều lần nhập viện, do sức khỏe bị suy yếu nhiều. Tinh thần của ông cũng đã suy sụp rất nhiều sau cái chết cô con gái cả Laurence Chirac hồi tháng 4/2016.

Cựu tổng thống Jacques Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris. Tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia (ENA), ông Chirac chỉ làm công chức vài năm rồi lao vào sự nghiệp chính trị ngay từ năm 1965, với bước đầu tiên là đắc cử nghị viên địa phương ở Corrèze, quê của ông. Ở cấp địa phương, ông Chirac đã từng làm thị trưởng Paris suốt từ năm 1977 đến năm 1995.

Sau khi giữ nhiều chức bộ trưởng dưới thời tổng thống Georges Pompidou, ông Chirac đã làm thủ tướng dưới thời tổng thống cánh hữu Valéry Giscard d’Estaing (1974 đến 1976) và dưới thời tổng thống cánh tả François Mitterrand (từ 1986 đến 1988). Cuộc chung sống tả-hữu đầu tiên này đã diễn ra rất căng thẳng, nhất là thủ tướng Chirac sau đó đã ra tranh cử tổng thống với ông Mitterand (1981 và 1988) nhưng đều thất bại.

Mãi đến tháng 05/1995, ông Chirac mới đắc cử tổng thống và đến năm 2002, ông tái đắc cử tổng thống ở vòng hai với 82,2%, do dân Pháp lúc đó dồn phiếu cho ông để ngăn ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen lên nắm quyền.

Với tư cách cựu tổng thống Pháp, ông Chirac là thành viên của Hội Đồng Bảo Hiến, nhưng đến tháng 03/2011, vì lý do sức khoẻ và cũng vì gặp rắc rối với pháp luật, ông rút ra khỏi Hội Đồng này.

Trên chính trường nước Pháp, ông Jacques Chirac là người sáng lập đảng cánh hữu RPR (Tập hợp vì nền Cộng hòa), sau đó đổi tên thành UMP (Liên minh vì một phong trào nhân dân).

Thanh Hà

*********************

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời (VOA, 26/09/2019)

Cựu Tng thng Pháp Jacques Chirac, người thng tr chính trường Pháp trong nhiu thp k, qua đi hôm 26/9 tui 86, theo Reuters.

JACQUES CHIRAC A STRASBOURG

Jacques Chirac, vị tổng thống được dân Pháp ưa chuộng nhất vì sựu hòa đồng và tính bình dân

Hãng tin Anh dẫn li con r Frederic Salat-Baroux nói rng ông Chirac "thanh thn ra đi bên người thân".

Hạ vin Pháp đã dng hp đ dành mt phút mc nim tưởng nh ông Chirac.

Trong khi đó, Tổng thng Emmanuel Macron đã hy mt s kin và d kiến s phát biu trên truyn hình cui ngày 26/9.

Ông Chirac làm tổng thng Pháp t năm 1995 ti năm 2007.

Theo chân ông Charles de Gaulle, ông Chirac tìm cách nâng vị thế ca Pháp trên trường quc tế.

Reuters cho rằng ông đã khơi dy nim t hào dân tc khi phn đi cuc xâm chiếm Iraq do Hoa Kỳ lãnh đo năm 2003.

Published in Quốc tế