Ngày 29/11/2023, khi bị Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (CERD) hỏi về Hội Cờ Đỏ, một người trong phái đoàn nhà nước Việt Nam trả lời :
"Nhà nước Việt Nam không can thiệp vào việc thành lập các hội nhóm này. Đây là một nhóm người do bộ phận quần chúng nhân dân ở Nghệ An thành lập một cách tự phát, do bức xúc trước việc một số chức sắc, tín đồ Công giáo cực đoan thường xuyên vu cáo, xuyên tạc lịch sử, sự kiện chính trị - xã hội, xuyên tạc, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, và có hoạt động gây rối an ninh trật tự".
Nhưng làm thế nào một ủy ban của Liên Hiệp Quốc lại biết về Hội Cờ Đỏ ?
Buổi họp mặt Hội Cờ Đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017.
Hội Cờ Đỏ là ai ? Làm gì ?
Sự xuất hiện của Hội Cờ Đỏ có liên quan chặt chẽ đến thảm họa Formosa và việc nhà nước Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình của người dân địa phương.
Năm 2016, người dân tìm thấy hàng loạt cá chết dạt vào bờ ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Thừa Thiên-Huế, do chất thải độc hại từ nhà máy Formosa. Theo Amnesty International, có khoảng 270.000 người -ngư dân, những người khác phụ thuộc vào ngư nghiệp, và gia đình họ- bị ảnh hưởng bởi hàng triệu cá chết.
Người dân nhiều nơi, với sự dẫn đầu của nhiều linh mục, đứng dậy biểu tình vì môi trường, biểu tình phản đối Formosa và kêu gọi đền bù thỏa đáng. Bị công an địa phương hà hiếp, đàn áp nặng nề, họ vẫn tiếp tục biểu tình kêu gọi công lý và minh bạch.
Năm 2017, giáo xứ Song Ngọc và các giáo dân bị tấn công bởi một nhóm hơn 100 người mặc áo đỏ và cầm cờ đỏ, tự gọi là Hội Cờ Đỏ. Hội Cờ Đỏ chửi bới, đánh đập giáo dân ; đập phá đồ đạc và nơi thờ phượng ; đe dọa, tấn công các linh mục. Nạn nhân báo với chính quyền địa phương nhưng không được gì.
Sau giáo xứ Song Ngọc, Hội Cờ Đỏ nhắm vào giáo xứ Đông Kiều, giáo xứ Kẻ Gai, giáo xứ Đăng Cao… và tràn sang tỉnh khác, không chỉ gói gọn trong Nghệ An.
Theo BBC News tiếng Việt đưa tin, UBND xã Sơn Hải nói đây là một "tổ chức tự phát", nhưng các linh mục cho rằng Hội Cờ Đỏ là một tổ chức do chính quyền địa phương lập ra và hậu thuẫn.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói "Nếu hội này không phải do chính quyền thành lập thì tại sao chính quyền lại phải đi thông báo với chúng tôi ?".
"Hơn nữa mấy cuộc tập kết trước đây [của họ] đều tiến hành trong trụ sở của chính quyền", Linh mục nói thêm. "Không có tổ chức nào không được sự đồng ý của chính quyền lại vào trong trụ sở của chính quyền để làm việc".
(FB Thanh Niên Công Giáo).
Làm thế nào quốc tế biết đến Hội Cờ Đỏ ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, cho biết "BPSOS đã soạn một tài liệu chi tiết với dẫn chứng về Hội Cờ Đỏ để báo động với quốc tế, bao gồm nhiều định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế".
Tài liệu kể ra một loạt những vụ sách nhiễu của Hội Cờ Đỏ với các linh mục và giáo dân biểu tình về thảm họa Formosa, và nói chính quyền địa phương bắt bớ, giam giữ, bắt tù người biểu tình nhưng để Hội Cờ Đỏ muốn làm gì thì làm, và chẳng làm gì khi nạn nhân báo họ bị Hội Cờ Đỏ đánh đập, tấn công. Thậm chí có người còn bị công an truy nã sau khi làm chứng về việc Hội Cờ Đỏ đánh đập nhiều giáo dân ở giáo xứ Kẻ Gai.
Tài liệu cũng nói các cơ quan truyền thông nhà nước bôi nhọ các linh mục, đồng bộ với Hội Cờ Đỏ, cho thấy sự phối hợp nhất định.
"Dùng tài liệu này, BPSOS đã đóng góp thông tin cho các cuộc rà soát của Liên Hiệp Quốc về việc thực thi các công ước nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết.
"Tại một số hội nghị về tự do tôn giáo hay niềm tin, BPSOS cũng đã sắp xếp để các giới chức Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và USCIRF phỏng vấn trực tiếp nạn nhân của Hội Cờ Đỏ".
Tác động ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết "Tại các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng nêu Hội Cờ Đỏ như một đề tài họ quan tâm. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã sử dụng thông tin từ tài liệu kể trên của BPSOS để lên tiếng về Hội Cờ Đỏ. Hội Cờ Đỏ lại còn được nêu tên tại cuộc điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam".
Ông nói "Nay, nhà nước Việt Nam không thể phủ nhận là không có Hội Cờ Đỏ như trước đây".
Ngày 29/11/2023 vừa qua, tại phiên rà soát về vấn đề kỳ thị chủng tộc, phái đoàn nhà nước Việt Nam lại bị chất vấn về Hội Cờ Đỏ.
Phái đoàn nhà nước gọi đó là "một nhóm người dân yêu nước" và nói thêm "Khi bức xúc và mâu thuẫn giữa hai nhóm này lên đến đỉnh điểm thì có xảy ra xô xát. Tuy nhiên, sự xô xát này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên nhà nước Việt Nam cũng không xử lý cả hai hội nhóm này.
"Về phía Việt Nam, chúng tôi đã tích cực xử lý vụ việc bằng cách là cơ quan chức năng Việt Nam đã gặp các thành viên của tổ chức Hội Cờ Đỏ cũng như những người có chức sắc, tín đồ tôn giáo để tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật của nhà nước và yêu cầu chấp hành pháp luật, không có hành vi vi phạm pháp luật".
Họ cũng nói "Nhà nước cũng chỉ đạo các chính quyền tăng cường công tác quản lý, và cảnh báo các tổ chức, hội nhóm vi phạm pháp luật không được gây ra sự phân biệt đối xử hoặc mất đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa người Công giáo và người không theo đạo Công giáo, với nguyên tắc là những tổ chức nào hoạt động tuân thủ pháp luật sẽ được khuyến khích, và vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói "Câu trả lời lấp liếm như vậy chắc chắn không qua Bmắt được các chuyên gia nhân quyền giàu kinh nghiệm của Ủy ban CERD. Trong ản Nhận xét Kết luận sau cuộc rà soát, Ủy ban CERD bày tỏ mối quan tâm sâu đậm về các "tội ác vì thù ghét" của Hội Cờ Đỏ và về câu trả lời mơ hồ của phái đoàn đại diện nhà nước Việt Nam. Ủy ban còn chỉ ra rằng khi nhà nước Việt Nam mô tả Hội Cờ Đỏ là tập hợp của những người yêu nước thì rõ ràng là có ý bao che tội phạm. Ủy ban này khuyến nghị nhà nước Việt Nam điều tra, khởi tố, và trừng phạt các thành viên Hội Cờ Đỏ nào bị phán quyết là có tội.
"Vì sự lên tiếng và lên án của quốc tế, các Hội Cờ Đỏ lui dần vào bóng tối, bây giờ hầu như biệt tích".
Dù vậy, ông nói BPSOS sẽ tiếp tục nêu tên Hội Cờ Đỏ tại các diễn đàn quốc tế và "thách đố nhà nước Việt Nam điều tra và khởi tố hình sự các thành viên đầu não của Hội Cờ Đỏ vì vi phạm luật Việt Nam và luật quốc tế".
Hải Di Nguyễn
Nguồn : Mạch Sống Media, 05/01/2024
Trong thời gian vừa qua, ở một số giáo xứ tỉnh Nghệ An, đã xuất hiện cái gọi là tổ chức tự phát Hội Cờ đỏ. Họ là thành viên trong các hội đoàn của cộng sản như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, v.v…
Họ thường xuyên có mặt tại các điểm nóng giáo dân biểu tinh phản đối Formosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung ; lên án giới cầm quyền cộng sản dự định thông qua Luật Đặc khu để hợp thức hóa việc bán đất cho ngoại bang ; thông qua Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhằm bịt miệng tiếng nói yêu nước của người dân.
Họ là những tên hồng vệ binh của chế độ công an trị thẳng tay khủng bố, đàn áp tinh thần và thể xác của người dân, giáo dân yêu nước, kể cả những việc làm bạo động đe dọa đến tính mạng người dân như trường hợp hăm dọa giết linh mục Anton Đặng Hữu Nam.
Cô Hồng Lam, một giáo dân ở huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An đã tố cáo những hành động đê hèn, trắng trợn của các thành viên Hội Cờ đỏ khủng bố, đàn áp tinh thần của những người dân yêu nước.
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
Cô Hồng Lam, giáo dân huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 28/10/2018
Facebook của Nguyễn Thanh Tuấn (Tuan Nguyen), một trung tướng quân đội Việt Nam về hưu, sôi sục bình luận chỉ trích cuốn sách mới được phát hành Gạc Ma : Vòng Tròn Bất Tử, một món lợi lịch sử của Trung quốc khi chiếm lấy quần đảo Trường Sa Việt nam ở Biển Đông.
Một bức tượng bán thân của lãnh đạo cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh tại bảo tàng Dinh Độc Lập. Ảnh : Wikimedia Commons
Ông Tuấn, cùng với một số lượng lớn những người tự coi mình là "Hội cờ đỏ yêu nước" trực tuyến, nhận thấy quyển sách này là loại " xét lại lịch sử", không thể hiện lòng yêu nước lẫn thiếu tôn trọng các anh hùng dân tộc, và kêu gọi Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm duyệt sách.
Trong những ngày gần đây, các nhà chức trách Việt Nam có vẻ đồng thuận khi yêu cầu tạm dừng phân phối sách, được biết là để sửa chữa các đoạn gây tranh cãi.
Đây lại là một chiến thắng khác cho "Hội cờ đỏ" trực tuyến ở Việt Nam, tổ chức được đặt tên theo biểu ngữ màu đỏ tươi sáng của đất nước. Một số nhà phân tích giám sát các bài đăng trực tuyến của họ đã so sánh đội này với phong trào Cực Hữu – Alt-Right – vốn bài ngoại và hẹp hòi ở Hoa Kỳ.
Hoạt động chủ yếu trên Facebook và Youtube, "Hội cờ đỏ" đưa ra thông điệp rõ ràng : Họ muốn Đảng Cộng sản đàn áp tiếng nói tự do hơn nữa và khôi phục các giá trị xã hội chủ nghĩa.
Có những lúc thông điệp này mang tính chủ nghĩa dân tộc và quân phiệt, nhưng hơn hết là công khai chống phương Tây. Cũng như những người khuấy động cơ sở, nhiều người nổi tiếng trong nhóm này là các nhân viên của bộ máy an ninh – cảnh sát lẫn quân đội – tại chức hoặc đã nghỉ hưu. Và trong khi hầu hết họ ủng hộ nhiệt tình Đảng Cộng sản, nhiều người phàn nàn rằng đảng đã đánh mất đường lối.
Đặc biệt, họ cho rằng Đảng đã quá khoan dung với những người theo chủ nghĩa tự do, đã nhầm lẫn trong tuyên truyền danh nghĩa vì "dân chủ hóa" xã hội và thường làm mất uy tín các anh hùng của Đảng như Hồ Chí Minh bằng cách tạo ra quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, kẻ thù của họ.
Với một số người, họ là một bộ phận của sự phân cực xã hội Việt Nam, nhất là với các nhóm ý thức hệ đối kháng. Đầu tiên và quan trọng nhất là phong trào ủng hộ nhân quyền và dân chủ vốn công khai vận động cho quá trình chuyển đổi sang một hệ thống đa đảng ở Việt Nam.
Nhiều nhà hoạt động của phong trào này đã kết nối trực tuyến như Hội anh em Dân chủ được thành lập vào năm 2013, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đàn áp của chính phủ trong những tháng gần đây, với sáu thành viên cốt cán bị cầm tù vào tháng Tư.
Một nhóm khác được gọi là "cờ vàng", tức lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, miền Nam chống cộng đã bại trận miền Bắc vào năm 1975. Nhiều thành viên của hội này là từ cộng đồng người di cư, đặc biệt là ở Mỹ ủng hộ chế độ Sài Gòn đã tháo chạy sau chiến thắng của cộng sản vào năm 1975.
Dường như để đáp trả lại, các "Hội cờ đỏ" đã bắt đầu trả thù trong những tháng gần đây. Một kênh YouTube nổi tiếng với tên gọi Viet Vision, có lúc có đến 97.000 người đăng ký trước khi bị báo cáo ngừng hoạt động vào tháng 3, được cho là tiếng nói chính cho phong trào này.
Trước khi bị khóa, kênh này đã đăng tải các video dài tấn công các nhà hoạt động như luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và Phạm Đoan Trang – blogger và nhà báo nổi tiếng gần đây đã bị quản thúc tại gia.
Một trong những người bình luận nổi tiếng nhất của Việt Vision là Trần Nhật Quang, một "người theo chủ nghĩa dân tộc cờ đỏ" đã trở nên nổi tiếng năm 2015 khi ông cố gắng hồi sinh "tòa án nhân dân" để trừng phạt, hoặc ít nhất là báo cáo, những người không tôn trọng quốc kỳ, phỉ báng anh hùng dân tộc hoặc ủng hộ cho miền Nam cũ.
Điều này rơi vào trường hợp của Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động nhân quyền mà Quang tuyên bố đã phỉ báng danh dự của anh hùng cách mạng Hồ Chí Minh. Ông Thắng nói rằng ông ta đã liên tục bị những người lạ theo dõi và tấn công, có thể là từ các " Hội cờ đỏ" những người đã vẽ phù hiệu màu đỏ trên cửa trước nhà ông.
"Cờ đỏ" và chủ nghĩa dân tộc Trần Nhật Quang trong một cuộc biểu tình. Ảnh : Youtube
Mặc dù chủ yếu là một phong trào trực tuyến, các thành viên của hội thường có các hành động đe dọa thể chất. Chẳng hạn vào tháng 9 năm 2017, các thành viên của hội ở các tỉnh phía nam đã tấn cộng vào một nhà thờ ở tỉnh Đồng Nai mang theo súng lục và dùi cui.
Họ đe dọa linh mục Công giáo, Nguyễn Duy Tân, người đã kêu gọi trưng cầu dân ý về một số vấn đề xã hội trên trang Facebook cá nhân. Mười một người sau đó bị phạt trong vụ việc này. Một vụ khác vào năm 2017, Quang và các cộng sự đã tấn công hai linh mục ở tỉnh Nghệ An.
Phong trào "Hội cờ đỏ" nổi tiếng với chống Công giáo, rất có thể là do sự thù hận của các thành viên đối với chế độ thực dân Pháp và Việt Nam Cộng hòa với những người lãnh đạo và bộ máy nhà nước tạo đặc quyền cho Công giáo.
Có nhiều ý kiến khác nhau về tầm quan trọng của phong trào này. Một số dư luận viên cho rằng họ được nhà nước trả tiền và chỉ hành động và bình luận khi Đảng yêu cầu, đặc biệt khi nhà cầm quyền muốn bịt miệng các nhà phê bình tự do.
Một giải thích khác là họ chỉ là một tập hợp của một vài tiếng nói, chủ yếu là các quan chức quân đội đã nghỉ hưu, những người được vinh danh "Trolls" trực tuyến . Một số gọi họ là "Hồng vệ binh" mới của Đảng, khi đề cập đến các lực lượng trước đây truy tìm các yếu tố chống chế độ.
Nhưng các mối quan hệ với Đảng cũng khác với cá nhân "hội cờ đỏ", và ít nhất là ban đầu các cơ công quyền chắc chắn không hoàn toàn ủng hộ các hội này.
Ví dụ, khi một số thành viên "Hội cờ đỏ" phản đối một cuộc biểu tình tưởng niệm do các nhà hoạt động tự do ở Hà Nội vào tháng 3 năm 2015, cảnh sát trưởng Nguyễn Đức Chung, hiện là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, cho rằng hành động này là không phù hợp.
Vì vậy một số thành viên cốt cán bị mất việc làm trong khi những người khác từ bỏ hoạt động dân tộc tính.
Tuy nhiên hiện giờ gần như không sự thúc đẩy từ phía chính phủ. Thật vậy, năm ngoái, cơ quan tuyên huấn của đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã mở một trang Facebook gọi là "Hội Cờ Đỏ Thành phố Hồ Chí Minh" chịu áp lực từ những người ủng hộ sống ở trung tâm kinh tế phía Nam, nơi hầu hết các thành viên Hội cờ đỏ cư trú.
Mối quan hệ của các "hội cờ đỏ" với Lực lượng 47, một đơn vị tác chiến mạng hùng mạnh với 10.000 thành viên do quân đội kiểm soát được giao nhiệm vụ tuyên truyền ủng hộ Đảng và đánh dấu nội dung cho các cơ quan chức năng điều tra. Các nhà phân tích nói rằng các nhóm " cờ đỏ" thực sự phát triển bởi vì những gì họ cho là sự phản ứng không đầy đủ của các nhà chức trách đối với nội dung "chống phá nhà nước" trực tuyến.
"Từ quan điểm tâm lý, các thành viên xem việc tham gia vào cái gọi là chiến tranh không gian mạng để chống lại các nhà hoạt động và các bình luận viên dân chủ như là một 'cuộc chiến tranh nhân dân' cũng đầy nghịch lý như khi để cho nhân quyền để có vai trò lớn hơn nền trong chính trị nước nhà", nhà phân tích rủi ro chính trị yêu cầu giấu tên cho biết.
Theo nhiều cách, "Hội cờ đỏ" có thể so sánh được với cái gọi là "Tân hữu" được hình thành ở Trung Quốc trong thời kỳ cải cách năm 1990. Taisu Zhang, thuộc trường Luật Yale, đã mô tả "Tân Hữu" như là sự kết hợp tình cảm dân tộc, đặc biệt là những người chống phương Tây, với nhu cầu "tái thiết chủ nghĩa xã hội".
Các thanh niên Việt nam và Trung Quốc vẫy cờ chào mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại một cuộc họp ởHà Nội vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. Ảnh : AFP / Na Sơn Nguyên
Nhưng không giống như "Tân Hữu" của Trung Quốc, vốn xuất hiện chủ yếu ttrong giới trí thức, phong trào "Hội cờ đỏ" của Việt Nam thường thiếu quan điểm tư tưởng mạch lạc về các nghi vấn và vấn đề lớn.
Ví dụ, một số đảng viên phản đối cải cách kinh tế toàn cầu cũng và tư bản, "nhưng họ lại hỗ trợ bất kỳ chính sách kinh tế nào... miễn là do chính phủ khởi xướng - bất kể là các biện pháp kinh tế đi ngược lại chủ nghĩa xã hội hoặc tiến bộ hoặc có cái vỏ cấp tiến", một nhà phân tích giám sát phong trào trực tuyến phát biểu.
Viễn kiến chính sách đối ngoại của họ cũng thường bị nhầm lẫn. Nhiều người tự thể hiện là người yêu nước bằng cách chỉ trích Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam và là nguồn cơn của sự nhiệt thành dân tộc trong nước. Tuy nhiên, họ thường bày tỏ sự ghen tỵ với mô hình quản trị của Bắc Kinh và có xu hướng giảm tâm lý bài Trung khi đề cập đến mối quan hệ được cải thiện của Việt Nam với Mỹ.
Ở cấp cơ bản nhất, các nhà ái quốc " hội cờ đỏ" coi Mỹ là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Họ phản đối một cách rộng rãi những gì họ nhìn nhận là một xu hướng đáng lo ngại trong xã hội Việt Nam, một số người trong số họ gọi là "bài Trung, phò Mỹ".
"Tân Hữu" của Trung Quốc và các nhóm "Hội cờ đỏ" của Việt Nam chia sẻ mối quan tâm về thời đại "hậu hệ tư tưởng" quốc gia trong những năm 1990 ở Trung Quốc và gần đây tại Việt Nam.
Khi đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ trong những năm 2000 và tránh xa ý thức hệ ủng hộ quy tắc cá nhân hơn, đã bị các "hội cờ đỏ" chỉ trích khắp nơi.
Trong nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của ông Dũng, các ý thức hệ cộng sản đã được thay thế bằng cả các nhà kỹ trị, vốn phù hợp với sự chuyển tiếp sang nhiều nền kinh tế định hướng thị trường, cũng như những người tìm kiếmlợi ích từ chính sáchvốn chỉ có mối quan tâm đến chính trị vì mối lợi tài chính.
Các nhóm "Cờ đỏ" của Việt Nam hiện đang công khai kêu gọi tái thiết chủ nghĩa xã hội theo hình thức phản dân chủ nhất. Họ đã tìm được một nhà vô địch tự nhiên ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọn. Đối với một số người, ông Trọng đã "tái ý thức hệ hóa" chính trị Việt Nam.
Không giống như những người tiền nhiệm, ông Trọng đã tập trung vào lại sự thèm muốn về mặt đạo đức và ý thức hệ của đất nước - và Đảng. Ông ta thường nói đến chủ nghĩa xã hội và sự nguy hiểm của "diễn tiến hòa bình", từ của đảng dành cho cải cách dân chủ.
Củng cố đạo đức của đảng viên sẽ quyết định "liệu cuộc cách mạng sẽ thành công hay thất bại", ông Trọng tuyên bố vào tháng 5, cùng thời điểm ông giới thiệu tiêu chí mới nhằm đánh giá đạo đức đảng viên.
Ông Trọng khẳng định quyền lực bản thân đối với Đảng tại Đại hội Đảng năm 2016, khi các đồng minh bảo thủ của ông buộc ông Dũng người kém ý thức hệ hơn phải mất chức.
"Chiến dịch chống tham nhũng thông thường và tham nhũng ý thức hệ là kết quả của một đời nỗ lực của Nguyễn Phú Trọng", David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ và nhà ngôn ngữ học Việt Nam, đã viết vào tháng Tư.
Những cựu chiến binh phất cao cờ đỏ trong một ngày lễ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : AFP/Stringer
"Ở tuổi 73, Tổng Bí thư đã quá tuổi nghỉ hưu và thiếu kiên nhẫn để hoàn thành sứ mệnh làm trong sạch Đảng và khôi phục quyền lực của Đảng", ông nói thêm.
Kể từ Đại hội Đảng năm 2016, Trọng đã tung ra một chiến dịch chống tham nhũng hoành tráng để khôi phục đạo đức của Đảng cũng như thanh trừng những người trung thành với Dũng. Ông ta cũng đã lãnh đạo một cuộc đàn áp chống lại các nhà phê bình Đảng và các nhà hoạt động dân chủ, trong đó hơn 100 người hiện đang được cho là bị cầm tù.
"Tôi muốn nói rằng việc đàn áp những người dân chủ trong những ngày này là một phần của xu hướng mà những người lãnh đạo bảo thủ đang có ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn, bao gồm cả 'hội cờ đỏ'. Từ lâu họ đã phàn nàn rằng chính phủ đã quá khoan dung với các lực lượng dân chủ, "một nhà phân tích nói.
Xu hướng đàn áp có khả năng tăng mạnh khi ông Trọng và các nhóm "cờ đỏ" về cơ bản cùng hoà giọng chung. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng các nhóm dân tộc chủ nghĩa là những người trung thành với Đảng và do đó đây là một con dao hai lưỡi đối với những người cộng sản, các nhà phân tích nói.
Cho dù các nhóm này có biến thành phong trào thách thức cơ cấu và triển vọng hiện tại của Đảng giống như cách các tiệc trà đã làm đối với Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ hay không thì vẫn chưa biết được. Nhưng các nhóm "cờ đỏ" rõ ràng đang thúc đẩy sự phân cực lớn hơn trong xã hội Việt Nam giữa các nhóm dân chủ và bảo thủ và thông qua các hành vi bạo lực và sự đe dọa hùng biện để làm lung lay sự ổn định mà chính quyền lâu nay coi trọng.
David Hutt
Nguyên tác : Reactionary ‘red flags’ tilt Vietnam to the Alt-right, Atimes, 05/08/2018
Phương Thảo dịch
Nguồn : VNTB, 07/08/2018
Hôm 27/03/2018, BPSOS công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" bằng tiếng Anh. Tập hồ sơ này cùng với 2 phụ đính, là 2 bản báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai, đã được tải lên trang mạng dvov.org. Chúng tôi mong rằng các tài liệu này sẽ hữu ích cho công cuộc vận động bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam nói chung và cho các giáo xứ Công giáo đang là mục tiêu tấn công bởi các Hội Cờ Đỏ nói riêng.
Các thời điểm quan trọng
Công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" lúc này có tác dụng chuẩn bị cho 3 sự kiện sắp đến :
(1) Hội nghị Thượng đỉnh đánh dấu 20 năm hoạt động của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) trong tháng 4 ;
(2) Cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam vào tháng 5 tại thủ đô Hoa Kỳ ;
(3) Buổi kiểm điểm định kỳ đối với Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về Quyền dân sự vá chính trị (ICCPR) vào tháng 7 tại Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để đưa hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" vào nội dung của các sự kiện này. Song song, chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để "Hội Cờ Đỏ" được đưa vào các bản phúc trình về nhân quyền và về tự do tôn giáo quốc tế, sẽ được công bố vào tháng 5 và tháng 6, cũng như bản phúc trình của Ủy hội USCIRF, sẽ được công bố vào tháng 5.
Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế và hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 27/03/2018 (ảnh BPSOS)
Cách nào để vận động ?
Chúng tôi đã phổ biến tập hồ sơ này đến nhiều trăm tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự ở trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đến khoảng một chục tòa đại sứ ở Hà Nội của các quốc gia dân chủ.
Những người ở Việt Nam, nếu có dịp tiếp xúc với các nhân viên tòa đại sứ hay các phái đoàn ngoại quốc, cũng xin tùy nghi sử dụng các tài liệu này và kêu gọi họ đặt vấn đề trực tiếp với chính quyền Việt Nam : Report on Red Flag Association : An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.
Phụ đính 1 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc : Vietnam Continued to Persecute Catholics in Nghe An Province in 2017.
Phụ đính 2 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai : Individual Complaints and Model Questionnaire of the UN Special Rapporteur on Freedom of Religion or Belief.
Các tổ chức của người Việt ở hải ngoại cũng thế. Xin tùy nghi sử dụng các tài liệu kể trên trong quốc tế vận.
Nội dung vận động
Khi ký kết một công ước quốc tế về nhân quyền, quốc gia thành viên cam kết 2 điều :
(1) Tôn trọng, nghĩa là tự mình không vi phạm nhân quyền của người dân ;
(2) Bảo vệ, nghĩa là phải ngăn chặn và trừng phạt thành phần thứ 3 vi phạm nhân quyền của người dân.
Trách nhiệm bảo vệ quan trọng không kém trách nhiệm tôn trọng. Bởi vậy, khi một chế độ, vì muốn tránh tiếng, nên mượn tay của thành phần ngoài chính quyền để đàn áp dân của mình thì vẫn là vi phạm.
Thực ra làm vậy là hạ sách. Nó cho chúng ta bước đệm thuận tiện hơn để vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, chúng tôi đề nghị chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu nhà nước Việt Nam điều tra các cáo buộc về Hội Cờ Đỏ và truy tố thủ phạm theo đúng luật quốc gia, và có câu trả lời tại buổi đối thoại nhân quyền vào tháng 5 tới đây.
Nếu phía Việt Nam có thái độ bao che thì phía Hoa Kỳ tự động sẽ nhìn ra. Đó là chứng cứ để chúng tôi đảy tiếp bước chế tài cá nhân các giới chức liên luỵ theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, hoặc chế tài tập thể bằng sự chỉ định CPC (quốc gia đặc biệt quan tâm) đối với chế độ ở Việt Nam. Tôi đề nghị người Việt ở trong và ngoài nước hãy dùng "Hội Cờ Đỏ" làm bước đệm cho công cuộc quốc tế vận. Đi 2 bước ngắn dễ hơn là tiến 1 bước dài.
Không ngưng ở đây
Hoàn tất tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" không có nghĩa là xong việc. Chúng tôi tiếp tục cập nhật tập hồ sơ này mỗi khi có sự việc gì mới xảy ra. Do đó, chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong nước giúp theo dõi thật sát mọi hoạt động của các thành viên Hội Cờ Đỏ và gửi cho chúng tôi thông tin cập nhật mỗi khi họ có hành động mang tính cách hăm doạ, bách hại hay khủng bố. Xin gửi thông tin đến địa chỉ email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
Đồng thời, chúng tôi mong rằng tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", kể cả 2 phụ đính, sẽ được nhiều người, nhiều nhóm, nhiều tổ chức dùng làm tài liệu mẫu để thực hiện các hồ sơ tương tự. Ở đây có 2 loại hồ sơ : (1) Báo cáo sự kiện ; (2) tường trình tình trạng.
Báo cáo sự kiện tập trung vào một vụ đàn áp nhân quyền cụ thể, bao gồm thông tin chi tiết về diễn tiến, thủ phạm, và nhân chứng cùng với hình ảnh và tài liệu làm chứng cứ, chứng từ. Hai phụ đính về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai là ví dụ cho loại báo cáo sự kiện.
Tường trình tình trạng là hồ sơ mô tả tổng quát tình trạng đàn áp nhân quyền, phân tích căn nguyên và trình bày hậu quả. Tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ mà chúng tôi công bố ngày hôm qua là một ví dụ. Nó trình bày lai lịch của các Hội Cờ Đỏ, chủ trương và phương cách hoạt động của họ, cũng như thái độ của chính quyền đối với họ và đối với nạn nhân của họ.
Khả năng thực hiện 2 loại báo cáo vi phạm nhân quyền này sẽ giúp cho người dân ở trong nước, với sự hỗ trợ của đồng bào của họ ở hải ngoại, đối phó một cách hiệu quả và nhanh chóng đối với mọi nhân tố đàn áp, kể cả đến từ chính quyền hay đến từ các thành phần được chính quyền mượn tay. Khi mà nhất nhất các vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền đều bị báo cáo, thì chế độ sẽ khó hứa một đằng nhưng làm một nẻo, còn chúng ta sẽ dễ hơn để vận động chế tài.
Để tiện cho người dân ở trong và ngoài nước mà không rành tiếng Anh, chúng tôi kêu gọi sự tiếp tay của những quý vị nào có thể giúp dịch 3 tài liệu kể trên sang tiếng Việt.
Mọi liên lạc với chúng tôi, xin gửi về Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
Ngày 28 tháng 3, 2018
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Nguồn : machsongmedia, 28/03/2018
Bài liên quan :
Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam"
Ngày 27 tháng 3, 2018
Hôm nay tổ chức BPSOS, qua Đề Án Tự Do Tôn Giáo, công bố tập tài liệu về "Hội Cờ Đỏ : Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam".
Tại buổi họp với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Sáng nay, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, đã trao tập tài liệu này tận tay Đại Sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback.
Trong 18 trang, tài liệu này trình bày quá trình hình thành của các "Hội Cờ Đỏ" ở Tỉnh Nghệ An và lan dần ra Hà Nội và Tỉnh Đồng Nai.
"Các Hội Cờ Đỏ là một hiện tượng mới ở Việt Nam : nhân tố không thuộc chính quyền đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt là nhắm vào các cộng đồng Công giáo nào đặt vấn đề về cách chính quyền giải quyết thảm họa do Nhà Máy Gang Thép Formosa gây ra".
Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017. Courtesy FB Thanh Niên Công Giáo
Tài liệu cho biết, trước đây công an Việt Nam thường dùng các thành phần xã hội đen hay thành viên của các đoàn thể ngoại vi của Đảng Cộng Sản để đàn áp tôn giáo và các người vận động cho nhân quyền. Khi bị quốc tế lên án, chính quyền Việt Nam biện bác rằng đấy là quần chúng tự phát.
Ngược lại, các thành viên Hội Cờ Đỏ đã khoe rằng họ có tổ chức, có chương trình hành động, và có sự phối hợp. Thậm chí, ngày 29 tháng 10 vừa qua, khoảng 700 thành viên thuộc nhiều Hội Cờ Đỏ đã tụ tập để ra mắt "Liên Minh Hội Cờ Đỏ" ngay sát cạnh nhà thờ Văn Thai, một giáo họ Công giáo ở Nghệ An mà đã nhiều lần bị các thành viên Hội Cờ Đỏ khủng bố tinh thần.
Bản báo cáo nhận định rằng, qua các hành vi và hoạt động của chúng, các Hội Cờ Đỏ cho thấy họ có 3 mục tiêu chính :
(1) Ngăn chặn nạn nhân của thảm họa môi sinh trong việc nộp đơn kiện hay biểu tình phản đối Nhà Máy Gang Thép Formosa ;
(2) Chia rẽ những người không Công giáo với các giáo dân Công giáo, và kêu gọi tảy chay việc giao thương với các làng Công giáo ;
(3) Hăm dọa các giáo dân bằng cách bôi bẩn các lãnh đạo tinh thần của họ, tấn công các người có uy tín trong cộng đồng của họ, và xâm phạm chỗ ở và nơi thờ phượng của họ.
Thành viên của các Hội Cờ đỏ đã lăng mạ các tu sĩ Công giáo, khủng bố tinh thần giáo dân, hành hung những người tham gia biểu tình đòi công lý, đập phá nhà ở và doanh nghiệp trong các xứ đạo, la ó và ném đá để gây xáo trộn các buổi lễ và sinh hoạt tại nhà thờ…
Bản báo cáo đưa ra 4 đề nghị cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và 2 đề nghị cho các định chế Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Phần phụ đính của tài liệu gồm 2 bản báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc của Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai.
Trang bìa của tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ
Ts. Thắng cho biết là BPSOS đã nhận được thông tin từ nhiều nguồn ở Việt Nam và hải ngoại.
"Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mừng là đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều người để hình thành một cách nhanh chóng tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ", Ông nói.
Tập tài liệu này đã được tải lên trang dvov.org, trang mạng của BPSOS để đưa thông tin về Việt Nam đến với quốc tế : Red Flag Associations: An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.
Nguồn : http://machsongmedia.com
Một hiện tượng chính trị tuy nhỏ nhặt nhưng đáng mổ xẻ vừa diễn ra : liên quan đến hoạt động của các nhóm dư luận viên "lề đảng", nhóm Việtvision (Vvs) thông báo "kể từ lúc 15g00, ngày 7/3/2018 nhóm Vvs sẻ tự giải tán không còn Ban điều hành, Ban biên tập nữa. Các cá nhân tham gia trong Ban điều hành, Ban biên tập trước đây, sẽ hoạt động với tư cách cá nhân, độc lập và tự chịu trách nhiệm trước những hành động hay phát ngôn của mình và không liên quan gì đến Vvs" (đăng trên facebook của Nguyễn Ngọc Bảo Trâm – được biết như một trong những người điều hành chính của Việtvision).
Bản thông báo trên facebook của Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Ảnh : Phạm Chí Dũng)
Nguồn cơn "tự giải tán" được Việtvision nêu : "Do đặc thù công việc, tình hình sức khỏe và điều kiện bản thân, nên có một số anh chị em không thể tham gia hoạt động trong Việtvision được nữa. Đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động trong giai đoạn hiện nay, cũng như tiếp thu ý kiến của nhiều bạn bè, khán giả thân hữu".
Từ vài năm qua, Việtvision được dư luận xem là nhóm "cuồng đảng" với nhiều bài viết và video tuân theo tiêu chí "Đập Tan Luận Điệu Xuyên Tạc" của nhóm này và cũng là của đảng cầm quyền, trong đó nhiều nội dung công kích, mạt sát giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Từ khi Hội Cờ Đỏ – một hội đoàn không giấy phép được xem là "cuồng đảng" khác ra đời vào giữa năm 2017 và ngay lập tức đã tiến hành những cuộc khiêu khích lẫn tấn công giáo dân ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Việtvision cũng được xem là có mối quan hệ mật thiết với hội đoàn này.
Thông báo "tự giải tán" của Việtvision cũng diễn ra đồng thời với một số tin tức cho rằng Hội Cờ Đỏ sẽ tự giải tán theo.
Trước khi có thông báo tự giải tán của Việtvision, trang điện tử vntb.org của dư luận viên mang đậm dấu ấn công an trị, chửi bới nhân quyền và "phe cánh chính trị" cũng đã ngưng đăng bài mới trong nhiều ngày và cho tới nay.
Một số đánh giá cho rằng sở dĩ vntb.org phải ngưng, hoặc tạm ngưng hoạt động không phải là do thiếu tiền, mà bởi trang tin này đã can dự quá sâu vào đời sống chính trị của "đảng và nhà nước ta", với không ít bài viết "bênh ông này, đánh ông kia" và làm lộ hẳn ý đồ thanh trừng phe phái để tranh giành lãnh địa làm ăn.
Mặc dù kinh phí ngân sách cấp cho các hội đoàn "cánh tay nối dài của đảng" đã giảm mạnh đến phân nửa từ năm 2015 đến nay, nhưng cho đến giờ vẫn còn nhiều trang dư luận viên được duy trì, tuy lượng bài viết thưa dần chứ chưa "chết hẳn".
Việc Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng vào cuối năm 2017 bỗng nhiên khoe khoang thành tích về "Lực lượng 47" đã cho thấy giới dư luận viên vẫn được ngân sách – "rút rỉa" từ tiền đóng thuế của dân chúng – tiếp tục cấp cho một khoản kinh phí hoạt động, dù là eo hẹp hơn và do dó cũng khiến "tinh thần cách mạng" có phần suy thoái. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng cơ quan tuyên giáo và công an vẫn "bơm" một lượng tài chính đáng kể cho một ít trang dư luận viên để "đập tan luận điệu xuyên tạc" và cũng nhằm ẩn ý phục vụ cho cuộc chiến phe phái trong triều đình cộng sản.
Vậy thực chất nguồn cơn nào đã khiến Việtvision, và do đó có thể cả Hội Cờ Đỏ, phải "tự giải tán" ?
Bản thông báo "tự giải tán" của Việtvision xuất hiện trong bối cảnh một trong những "tử thù" của nhóm này là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tác giả của cuốn sách "Chính trị bình dân" và vừa nhận giải thưởng nhân quyền Homo Homini (Từ con người đến con người) năm 2017 do tổ chức People In Need ở Cộng hòa Séc trao tặng, vẫn tự do bất chấp Công an Hà Nội đã bắt – thả – bắt… liên tục đối với cô.
Bản thông báo "tự giải tán" của Việtvision cũng xuất hiện trong bối cảnh ngày càng hiện rõ một "chủ trương" của đảng cầm quyền, và do đó của công an, về việc "hạn chế bắt phản động trong năm 2018" để phục vụ cho ý đồ chính thể Việt Nam đang ra sức vận động để được tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) – một "cứu cánh" cho nền kinh tế lẫn chân đứng chế độ đang suy thoái và ruỗng mục.
Cạn ngân sách chỉ là một phần. Rất có thể, lý do "phù hợp với tình hình thực tế hoạt động trong giai đoạn hiện nay" để tự giải tán của Việtvision bắt nguồn từ chỉ đạo của một "cấp trên" nào đó về "Việtvision đã hoàn thành và chấm dứt nhiệm vụ lịch sử, nếu tiếp tục sẽ không có lợi cho tình hình chung".
"Tình hình chung" có thể được hiểu là "tình hình đối ngoại". Trong bối cảnh chính thể Việt Nam phải vận động cho EVFTA, nhưng Liên Hiệp Châu Âu lại đang lên án mạnh mẽ Việt Nam vi phạm rất nhiều quyền con người, việc duy trì những nhóm dư luận viên bị xem là cực đoan như Việtvision chính là một bằng chứng khó chối cãi về quan điểm tấn công và đàn áp nhân quyền.
Mà một khi Việtvision đã phải tự giải tán, Hội Cờ Đỏ – nhóm còn được xem là cực đoan hơn – càng có lý do để tự giải thể.
Trong thời gian qua, Hội Cờ Đỏ – một tập hợp của những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị-xã hội của chính quyền như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công giáo với những khẩu hiệu sắt máu không thèm che đậy như "quạ đen" (chỉ các linh mục và giám mục), "diệt giặc đạo"… – đã và đang làm sống lại hình ảnh khối Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 1960 của thế kỷ XX, hay hình ảnh Chủ Nghĩa Tân Phát Xít ra đời ở Châu Âu từ cuối thế kỷ đó và vẫn tồn tại cho tới nay.
Hành động khủng bố mới nhất của Hội Cờ Đỏ xảy ra vào tháng Hai năm 2018 : nhiều thành viên của tổ chức này, không loại trừ trong đó có cả những nhân viên công an mà người dân đã phát hiện có tính bằng chứng không chỉ một lần, đã hành hung các phụ huynh khi những người này đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con em của họ bị đuổi học. Một số phụ huynh là giáo dân Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tố cáo thủ phạm huy động Hội Cờ Đỏ là chính quyền địa phương và trường Tiểu học Diễn Đoài.
Hiện tượng Hội Cờ Đỏ diễn biến quá cực đoan đã mau chóng nhận được phản ứng dữ dội của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và dư luận trong nước lẫn người Việt hải ngoại. Trong thời gian qua, một số tổ chức người Việt hải ngoại mà tiêu biểu là Ủy ban Cứu trợ người vượt biển (BPSOS) đã bắt đầu lập hồ sơ về hành vi vi phạm nhân quyền của Hội Cờ Đỏ để đưa ra các tổ chức nhân quyền quốc tế, đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ có biện pháp chế tài đối với những quan chức Việt Nam dung túng và bao che cho hoạt động của Hội Cờ Đỏ, đặc biệt liên quan Luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky của Mỹ.
Có ý kiến trong nước lý giải rằng do lo sợ bị "xấu mặt trước thế giới" và bị ảnh hưởng đến quá tình vận động EVFTA, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải trình Bộ Chính trị để Hội Cờ Đỏ "tự giải tán". Cho tới nay, ý kiến này chưa nhận được một phản bác nào có đủ căn cứ thuyết phục.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 11/03/2018
Hội Cờ Đỏ – một hội đoàn "cánh tay nối dài của đảng", được các cơ quan chính quyền "bảo kê" cho ra đời vào giữa năm 2017 mà chẳng trưng ra bất kỳ một giấy phép hoạt động nào – đang phát huy tác dụng côn đồ, hồng vệ binh, khủng bố và phát xít của nó vào đầu năm 2017.
Khu vực trường Tiểu học Diễn Đoài, nơi xảy ra vụ Hội Cờ Đỏ lộng hành tấn công giáo dân và phụ huynh vào tháng Hai năm 2018. Ảnh : Thanh Niên Công Giáo
Hành động khủng bố mới nhất của Hội Cờ Đỏ xảy ra vào tháng Hai năm 2018 : nhiều thành viên của tổ chức này, không loại trừ trong đó có cả những nhân viên công an mà người dân đã phát hiện có tính bằng chứng không chỉ một lần, đã hành hung các phụ huynh khi những người này đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con em của họ bị đuổi học. Một số phụ huynh là giáo dân Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tố cáo thủ phạm huy động Hội Cờ Đỏ là chính quyền địa phương và trường Tiểu học Diễn Đoài.
Hành động khủng bố trên xảy ra chỉ ít ngày sau khi Linh mục Đặng Hữu Nam – người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển do tập đoạn Formosa gây ra, buộc phải thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An. Việc thuyên chuyển Linh mục Nam được giới dư luận viên tuyên giáo và công an khoe khoang rằng đó là một thành tích của công tác "chống phản động".
Sau chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng Formosa của ngư dân và giáo dân miền Trung trong hai năm 2016 và 2017, nhà cầm quyền đang có cơ hội nhân rộng thành tích của mình khi giới công giáo phản biện trong nước vừa phải đối mặt với một khó khăn mới về đối ngoại : trong danh sách 10 nước "cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo" (CPC), Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa tên Việt Nam vào, bất chấp Ủy hội của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) có trụ sở tại thủ đô Washington DC đã nhiều lần yêu cầu do tình trạng đàn áp tôn giáo nặng nề và không hề được cải thiện, Mỹ cần phải đưa Việt Nam vào lại CPC.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dân biểu Ed Royce, ra thông cáo bày tỏ bất bình vì Việt Nam một lần nữa thoát khỏi danh sách CPC : "Tự do tôn giáo là nhân quyền cơ bản, nhưng vẫn còn rất nhiều người trên khắp thế giới bị đàn áp, tù đày và giết hại chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của mình. Là người Mỹ, nhiệm vụ của chúng ta là phải lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Chính quyền Mỹ đã làm đúng khi đưa việc này lên làm ưu tiên. Việc tái liệt kê Burma (Myanmar) là quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo là đặc biệt thỏa đáng vì nạn thanh trừng sắc tộc của quân đội nước này đối với người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, tôi bất bình khi thấy rằng một lần nữa Việt Nam lại không bị đưa trở lại danh sách này. Người dân Việt Nam tiếp tục bị vi phạm quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Hoa Kỳ chớ nên e dè chỉ ra các nước vi phạm như thế".
Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006. Tuy nhiên đến cuối năm 2006, Tổng thống Mỹ Gerge Bush đã quyết định gỡ tên Việt Nam khỏi Danh sách CPC, đồng thời đến năm 2017 Việt Nam còn được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chỉ ít lâu sau khi được toại nguyện vị thế chính trị và lợi ích kinh tế, Việt Nam gia tăng đàn áp trở lại đối với các tôn giáo ly khai. Nhiều tu sĩ của Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy… đã bị công an tống giam.
Hơn một năm qua, thái độ không mấy quan tâm của Tổng thống Trump đến nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng ở Việt Nam đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam "như cởi tấm lòng", tiến hành một chiến dịch đàn áp dữ dội giới nhân quyền và bất đồng chính kiến từ giữa năm 2016 đến gần cuối năm 2017, bắt giam đến gần 50 người và xử tù rất nặng hơn 20 người.
Hội Cờ Đỏ cũng nhân đó mà lộng hành vô pháp, với đối tượng tấn công chính của tổ chức này là giáo dân, trước mắt là giáo dân ở một số địa phương miền Trung.
Cần nhắc lại, "Hội Cờ Đỏ" – một tập hợp của những người bị xem là "cuồng đảng", những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị-xã hội của chính quyền như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công Giáo với những khẩu hiệu sắt máu không thèm che đậy như "quạ đen" (chỉ các linh mục và giám mục), "diệt giặc đạo"… – đã và đang làm sống lại hình ảnh khối Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 1960 của thế kỷ XX, hay hình ảnh Chủ Nghĩa Tân Phát Xít ra đời ở Châu Âu từ cuối thế kỷ đó và vẫn tồn tại cho tới nay.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 03/03/2018
********************
Hội Cờ Đỏ công khai tấn công phụ huynh Công giáo (RFA, 01/03/2018)
Một số phụ huynh là giáo dân Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tố cáo chính quyền địa phương và trường Tiểu học Diễn Đoài huy động Hội Cờ Đỏ hành hung phụ huynh vào chiều ngày 23 tháng Hai, khi những người này đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con em của họ bị đuổi học.
Cảnh sát cơ động vãn hồi cuộc xô xát hành hung tại cổng trường Tiểu học Diễn Đoài, ngày 23/02/18. Courtesy : Facebook Thanh Niên Công Giáo
Một video clip ghi lại cảnh tượng xô xát, hành hung với gậy gộc, ống tuýp sắt trước cổng trường Tiểu học Diễn Đoài, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lan truyền trên mạng xã hội vài ngày qua.
Vụ việc xảy ra được ghi nhận vào chiều ngày 23 tháng Hai. Một học sinh, ở giáo xứ Đăng Cao cho biết ngày hôm đó bản thân em bị thầy giáo hăm dọa không cho đến trường nữa và một số bạn cùng giáo xứ bị đuổi về nhà :
"Thầy nói là hôm sau ở nhà, không được đi học nữa. Thầy hỏi là ‘Có thấy xấu hổ không, đi học ké các bạn như vậy ?’ Con thì không bị đuổi về hôm đó, nhưng các bạn của con bị đuổi về. Sau đó, bố mẹ đi đến trường và bố mẹ bị đập".
Đài RFA liên lạc với một số phụ huynh là giáo dân cho biết con em của họ đến trường, nhưng bị đuổi về nhà vì không đóng 90 ngàn đồng/tháng cho lớp học thêm buổi. Một vài em lần lượt bị đuổi từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, và vào ngày 23 tháng Hai thì có hơn 10 em bị cho về.
Vào chiều cùng ngày, một số phụ huynh đến trường để gặp ban giám hiệu trường Tiểu học Diễn Đoài hỏi lý do vì sao đuổi học con em của họ. Thế nhưng, vừa đến cổng trường thì loa phát thanh của xã kêu gọi Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền (tức Hội Cờ Đỏ) cùng người dân đến hỗ trợ vì các phụ huynh Công giáo đến trường gây sự. Anh Chu Trọng Sơn, một phụ huynh Công giáo có mặt tại hiện trường kể lại :
"Ủy ban xã điều điều tất cả anh em trong Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền trong xã với gậy gộc, mà họ đã chuẩn bị sẵn đến trước cổng trường. Tôi nói là đến trường chỉ để hỏi thăm thông tin liên quan các em bị cho nghỉ học. Thế là họ đập tới tấp. Họ đập vào đầu tôi. Đến hôm nay vẫn còn vết tích, xung quanh người vết tích đầy".
Các phụ huynh Công giáo nói với RFA rằng họ bị tấn công bằng bạo lực một cách bất ngờ, và đã gọi giáo dân đến cứu. Tình hình sau đó được vãn hồi bởi lực lượng công an và cảnh sát cơ động.
Những phụ huynh Công giáo mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc còn cho biết trường Tiểu học Diễn Đoài dạy 2 buổi và buổi thứ nhì bắt học sinh đóng học phí 90 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, trong năm học 2017-2018, các phụ huynh biết được nhà trường làm sai quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo là trường học không được dạy thêm thu tiền và trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, có nghĩa là đủ giáo viên mà không phải thuê thêm giáo viên bên ngoài trường, nên việc lý giải phụ huynh đóng góp để thuê giáo viên dạy học của trường Tiểu học Diễn Đoài là không chấp nhận được.
Ông Trần Đình Phương nói với RFA rằng một số phụ huynh đã yêu cầu một cuộc họp với ban giám hiệu của trường Tiểu học Diễn Đoài hồi cuối năm 2017, tuy nhiên kết quả không đến đến đâu :
"Làm việc giữa hai bên, hiệu trưởng và phụ huynh. Họ nói rằng học theo quy định như thế này là đúng. Họ cương quyết cho học một ngày 2 buổi, có học thêm, do Bộ Giáo Dục cho phép như vậy. Nhưng phụ huynh không chấp nhận. Các phụ huynh nói rằng nếu trường được cho phép làm như thế thì nhà trường ký vào biên bản. Tuy nhiên, các giáo viên, hiệu trưởng và các thầy cô đại diện trong buổi họp không chịu ký".
Kể từ khi các học sinh Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao không đóng học phí 90 ngàn đồng/tháng, các em gặp phải tình trạng bị bạn bè chế giễu là đi học mà không đóng tiền, hay bị bạn đóng cửa không cho vào lớp. Các em học sinh Công giáo này trong giờ học vi tính thì bị cho ngồi tại lớp, không được đến phòng có máy vi tính để học. Và từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các em lần lượt bị giáo viên răn đe không cho đi học và bị đuổi học, trong đó lần mới nhất có đến hơn 10 em bị cho về nhà, dẫn đến hậu quả xảy ra xô xát hành hung giữa Hội Cờ Đỏ và lương dân với giáo dân.
Trước cáo buộc của một số phụ huynh Công giáo rằng trường Tiểu học Diễn Đoài điều động Hội Cờ Đỏ hành hung họ, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin Linh mục Đinh Văn Minh, quản xứ giáo xứ Đăng Cao, chỉ đạo giáo dân tấn công trường học và lương dân.
Đài RFA, vào tối ngày 27 tháng Hai trao đổi với Linh mục Đinh Văn Minh và được ông cho biết Ủy ban xã Diễn Đoài tuyên bố thành lập các Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền và chính thức ra mắt khắp 6 xóm, thuộc xã Diễn Đoài. "Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền" gần đây mới xuất hiện và thường được gọi ngắn gọn là Hội Cờ Đỏ vì khi họp hay hoạt động, các thành viên mặc áo đỏ-sao vàng, hình cờ của chính phủ Hà Nội. Linh mục Đinh Văn Minh nhấn mạnh vụ việc trường Tiểu học Diễn Đoài phát loa kêu gọi Hội Cờ Đỏ hành hung phụ huynh Công giáo vào chiều ngày 23 tháng Hai là sai trật.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan cáo buộc cho rằng Linh mục quản xứ giáo xứ Đăng Cao kích động bà con giáo dân gây rối tại trường Tiểu học Diễn Đoài, Linh mục Đinh Văn Minh khẳng định đó là lời bịa đặt, vu khống. Là vị lãnh đạo tinh thần trong giáo xứ, Linh mục Đinh Văn Minh đã từng liên lạc với Chỉ tịch huyện Diễn Châu và Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài để đề nghị giải quyết sự không đồng thuận giữa nhà trường với các phụ huynh Công giáo, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Linh mục Đinh Văn Minh nói với RFA rằng sẽ tiếp tục liên lạc với các cấp chính quyền cấp cao hơn để yêu cầu giải quyết vụ việc này một cách tỏ tường và dứt khoát, như lời ông khẳng định "Tức nhiên cấp chính quyền địa phương là có thể họ bao che, nhưng cấp trên chắc chắn là họ sẽ không làm điều đó. Họ cũng muốn làm sao có một sự minh bạch, công bằng và rõ ràng".
Đài Á Châu Tự Do, vào sáng ngày 28 tháng Hai liên lạc với Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài để hỏi về vụ việc xô xát, hành hung trước cổng trường, theo như cáo buộc của các phụ huynh Công giáo. Tuy nhiên, cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài đã không bắt máy điện thoại.
Hòa Ái
Việt Nam lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng để làm gì ?
Phòng chống khủng bố trên mạng ? Tổ chức hoạt động tình báo xâm nhập vào máy chủ của "thế lực thù địch" và cả những tập đoàn thương mại lớn trên thế giới ? Hay phòng chống "diễn biến hòa bình" trên mạng ?
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể là một dạng "sao y bản chính" của Trung Quốc với độ trễ 2 năm. Hình minh họa.
Từ "Lực lượng 47" đến Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng
Động thái Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng vào ngày 8/1/2018 đã ngay lập tức làm dấy lên những dấu hỏi về mục đích thực sự của tổ chức quân sự này. Tuy nhiên như một não trạng cùng thói quen hành xử luôn giấu diếm những vấn đề được xem là "bí mật quốc gia", buổi công bố quyết định lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng dù được truyền đi trên toàn bộ hệ thống báo đảng, nhưng điểm ấn tượng nhất của nó lại là… chẳng có nội dung cụ thể nào của quyết định này.
Tình trạng quá trống vắng thông tin về mục đích, nhiệm vụ, phương thức hoạt động… của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng đã khiến dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ đây là một tổ chức bí ẩn, thậm chí bí mật và thiếu tính chính danh.
Dư luận xã hội cũng buộc phải liên hệ giữa tổ chức Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng với một tiết lộ - ngay trước thời điểm công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng - của Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng về một lực lượng có tên là "Lực lượng 47" - được thành lập theo Chỉ thị số 47 của Bộ Chính trị, mà theo báo cáo của quan chức Tổng cục Chính trị thì có quân số lên tới 10.000 người.
Có ít nhất một nội dung giống hệt nhau của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng và "Lực lượng 47" : đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mạng.
"Lực lượng 47" được xem là một hệ thống theo chiều dọc và theo bề ngang trong quân đội, được triển khai ở tất cả các cấp từ Bộ Tổng tham mưu đến cấp đại đội, bao gồm rất nhiều quân nhân "thấm nhuần tính đảng" để thực hiện nhiệm vụ không cho các lượng tư tưởng và sự kiện của "diễn biến hòa bình" tác động vào nội bộ quân đội.
Là một cơ cấu thuần túy thuộc về quân đội, "Lực lượng 47" rất có thể khác với cơ cấu của đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo trung ương và các ban tuyên giáo thành ủy/tỉnh ủy cùng khối dư luận viên của ngành công an. Nếu lực lượng dư luận viên của tuyên giáo và công an đã lộ diện từ những năm 2011 cho đến nay, thì chỉ vào cuối năm 2017 "Lực lượng 47" mới hiện ra và thậm chí còn thu hút mối quan tâm của báo chí quốc tế.
Tuy nhiên, vài hé lộ hiếm hoi trong buổi công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cho thấy tổ chức này sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Thông tin và truyền thông, cho thấy một trong những chức năng trọng yếu của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là không khác với "Lực lượng 47", nhưng có thể sẽ được triển khai quy mô và có chiều sâu và do đó sẽ tốn kém ngân sách hơn, là hướng chủ yếu vào hoạt động "viết bài phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc và thù địch", mà có lẽ sẽ ưu tiên phản bác những vấn đề liên quan trực tiếp đến quân đội, từ lịch sử như "chiến tranh hai miền Nam - Bắc Việt Nam", "chiến dịch Mậu Thân 1968", đến hiện tại như "quân đội chỉ trung với nước hay trung cả với đảng" "quân đội có nên làm kinh tế hay không"…, và dĩ nhiên sẽ "nói lại cho rõ" về những luồng dư luận cho rằng trong quân đội đang tồn tại nhiều vụ tham nhũng cùng tài sản ngồn ngộn của giới quan chức quốc phòng.
Việc Bộ Quốc phòng thành lập lực lượng tác chiến trên mạng ở cấp bộ tư lệnh cho thấy tầm quan trọng của điều được giới học giả quốc phòng Việt Nam đánh giá về không gian mạng là một lại "chiến địa" và phải được đặc biệt chú ý.
Có liên đới APT32 và OceanLotus ?
Không hiểu vô tình hay hữu ý, ngay trước khi xuất hiện những thông tin về "Lực lượng 47" và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ở Việt Nam, ông Steven Adair, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Volexity, đã công bố việc một nhóm hacker có liên hệ với chính phủ Việt Nam hoặc từng phục vụ các lợi ích của Hà Nội đã đột nhập máy tính của các nước láng giềng và của ASEAN.
Công ty an ninh mạng Volexity cho biết trong một phúc trình rằng nhóm hacker đã xâm nhập trang web của các bộ, cơ quan chính phủ Lào, Campuchia và Philippines và tải mã độc vào máy tính của các nạn nhân.
Mã độc sau đó sẽ chuyển nạn nhân tới một trang Google yêu cầu cho phép truy cập tài khoản Google của họ. Nếu nạn nhân đồng ý, hacker sẽ truy cập được toàn bộ danh sách địa chỉ liên lạc và email có trong máy tính.
Tại Campuchia, các mục tiêu bị tấn công gồm Bộ ngoại giao, Bộ môi trường, Bộ dịch vụ dân sự và xã hội, cũng như cảnh sát quốc gia. Ở Philippines, nhóm tin tặc xâm nhập vào trang web của lực lượng vũ trang và cả Văn phòng Tổng thống.
Tương tự, ba trang web của Hiệp hội ASEAN, và các trang web của hàng chục nhóm phi chính phủ, các cá nhân và báo chí Việt Nam, cũng là mục tiêu bị tấn công. Nhóm tin tặc còn cài mã độc vào các trang web của một số công ty dầu mỏ Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 5/2017, công ty an ninh mạng FireEye báo cáo nhóm tin tặc còn được gọi là APT32 hay OceanLotus, đang tích cực nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia và các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Công ty FireEye nói các hoạt động của nhóm tin tặc có liên hệ tới "các lợi ích của đất nước Việt Nam".
Một phiên bản của "Hội Cờ Đỏ" ?
Ở một giác độ mổ xẻ khác, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam lại có thể là một dạng "sao y bản chính" của Trung Quốc với độ trễ 2 năm.
Bởi vào ngày 1/1/2016, Quân Ủy trung ương Trung Quốc đã chính thức thành lập lực lượng tác chiến mạng - theo South China Morning Post.
Tổng tư lệnh PLA (chỉ huy trung ương đối với các lực lượng mặt đất) đã phát triển một chiến lược được gọi là "Chiến tranh Điện tử mạng Tích hợp" định hướng cho việc triển khai CNO (computer network operations) và các công cụ chiến tranh thông tin liên quan. Chiến lược này được đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các công cụ tác chiến mạng và các vũ khí tác chiến điện tử chống lại các hệ thống thông tin của đối thủ ngay trong giai đoạn sớm nhất của một cuộc xung đột.
Chỉ có điều khác là trong khi ở Trung Quốc, Tập Cận Bình và Bộ quốc phòng nước này mới chỉ đơn giản cho thành lập "lực lượng tác chiến mạng", thì ở Việt Nam lại đặt cho lực lượng này một cái tên dài và "hoành tráng" hơn hẳn, cùng nâng cấp lên "bộ tư lệnh" - tương đương với cấp quân đoàn hoặc quân khu, vô hình trung khiến cho bản danh sách tướng lĩnh "quân đội nhân dân Việt Nam" bị kéo dài thêm vài ba dòng, bất chấp đã có quá nhiều bức xúc của dư luận nhân dân về việc quân đội Việt Nam "lạm phát tướng" với gần 500 cầu vai chỉ có sao không có gạch.
Còn tương lai của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sẽ ra sao ? Tổ chức này sẽ chuyên tâm vào mục tiêu chống khủng bố như tiêu chí của các cơ quan tác chiến mạng quốc tế, hay sẽ trọng tâm hóa vào "phòng chống diễn biến hòa bình" và do đó có thể dính dáng, thậm chí dính sâu vào hoạt động "tình báo tung mã độc" ?
Vào nửa cuối năm 2017, ở Việt Nam đã hiện hình "Hội Cờ Đỏ" - một lực lượng mang tính kiêu binh và cực đoan y hệt Hồng vệ binh thời "Cách mạng văn hóa" những năm 60 của thế kỷ XX ở Trung Quốc. Liệu Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của Việt Nam có bị biến thành một thứ phiên bản của "Hội Cờ Đỏ" ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/01/2018
Chuyện gì đã xảy ra ở Giáo xứ Kẻ Gai ? (BBC, 18/12/2017)
Sắc đỏ màu cờ lẫn trong sắc xanh màu áo công an, mưa và bùn vùi trong tiếng la hét của người dân làm náo loạn vùng quê yên bình ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hôm 17/12.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân ước lượng có một số đông cảnh sát cơ động đã được điều động đến Kẻ Gai
Chính quyền nói người dân bị kích động quá khích nên đã "vận động, thuyết phục" người dân chấp hành pháp luật.
Một số người dân lại nói chính quyền cùng Hội Cờ Đỏ "tấn công và đánh dân".
Vậy chuyện gì đã xảy ra tại một vùng quê ở Nghệ An ?
Theo trang web của Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, sáng 17/12 "hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ".
Xây nhà thờ 'không phép'
Tuy nhiên trả lời BBC Tiếng Việt hôm 18/12, Linh mục Nguyễn Đức Nhân, Quản xứ Kẻ Gai, lại phản bác rằng có khoảng 60 hộ dân tự nguyện lấy một phần đất mà họ sở hữu, "có bìa đỏ" để dâng cúng, tách ra để xây dựng nhà thờ.
"Khoảng 6 giờ rưỡi sáng, hôm 17/12, khoảng 40 người, hầu hết là phụ nữ có tuổi, ra ruộng làm lạch mương để ngăn nước không chạy vào đất đã dâng cúng.
"Người dân bắt đầu đi làm thủy lợi được tầm 10-15 phút thì có người của chính quyền đến. Chính quyền nghĩ rằng họ đang xây dựng nhà thờ mà chưa có cấp phép, chưa thông qua chính quyền. Lúc đó tôi đang dâng lễ, tôi không rõ người dân và chính quyền tranh luận những gì.
Những người đeo cờ đỏ được cho là người của Hội Cờ Đỏ, bị cáo buộc tấn công giáo dân Kẻ Gai
"Khi dâng lễ xong, tôi có ra nói với chính quyền rằng đây là đất của họ. Họ đã xây dựng gì đâu, chỉ đào đất, để nước khỏi tràn vào làm ướt ruộng, rồi họ sẽ làm thủ tục tách giáo họ với tổng giám mục và phía chính quyền.
"Sau đó thì tự nhiên có hai xe khác chở người mặc quần áo thường phục khoác cờ đỏ sao vàng lao xuống dưới ruộng bắt đầu đánh đập người dân, có Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thu và ông Lực, trưởng công an xã trực tiếp tham gia chỉ đạo đánh dân", Linh mục Nhân cáo buộc.
Đất đai
Theo Đài truyền hình Nghệ An, người dân đã lấn chiếm 9.000m2, được cho là đất canh tác theo Nghị định 64 của Chính phủ.
Đài này đưa thông tin rằng giáo xứ đã được cấp khoảng hơn 7,000m2 nhưng linh mục Nhân và "giáo xứ Kẻ Gai đã cố tình không nhận số diện tích đất này, tổ chức lấn chiếm 5.574m2 đất trái phép" và hôm qua đã cố tình lấn chiếm thêm.
Khi được hỏi về vấn đề này, linh mục Nhân nói "là câu chuyện dài, không thể nói gọn" và "báo chí Việt Nam không ưa ai sẽ viết vậy".
"Nói bác bỏ thông tin trên thì đơn giản quá, tạm thời tôi chưa đưa ra bình luận nào", ông Nhân nói.
Tuy nhiên, ông nói rằng 60 hộ đã tình nguyện dâng cúng một phần đất gộp lại tổng cộng 10.000m2 để tách ra làm giáo họ và xây dựng nhà thờ riêng.
Thêm vào đó, linh mục Nhân cáo buộc rằng có khoảng trên dưới 100 người đeo cờ đỏ và 100 cảnh sát cơ động đã đến đánh đập người dân.
Đài truyền hình Nghệ An cho hay một số cán bộ chiến sỹ công an và đoàn viên thanh niên bị đánh trọng thương, phải đưa đi cấp cứu, điều trị.
Về phía giáo dân, linh mục Nhân cho biết có ông Võ Đình Vạn, 43 tuổi ở Xóm Bắc Kẻ Gai bị ông Thu và ông Lực đánh vào đầu vào bụng và bất tỉnh và đến giờ gia đình cho biết "sức khỏe của ông Vạn có chiều hướng xấu".
'Rút cảnh sát cơ động'
Clip trao đổi giữa linh mục Nguyễn Đức Nhân và giáo dân với một số cán bộ xã Hưng Tân và huyện Hưng Nguyên, do người dân quay lại đăng lên Facebook :
Người phụ nữ bị lấm đầy bùn và chảy máu ở miệng được cho biết là bà Nguyễn Thị Lệ, 73 tuổi cũng trú ở Xóm Bắc, linh mục Nhân cho biết dựa trên thông tin biên bản làm việc cuối giờ chiều hôm qua.
Theo clip đăng trên Facebook, nhiều người dân bức xúc đã yêu cầu bốn cán bộ là ông Lê Văn Thái, Trần Văn Hiển, Vương Trường Sinh và Võ Đình Chỉ phải làm biên bản tường trình vụ việc.
"Nhưng ông Phó chủ tịch Tỉnh Lê Xuân Đại gọi điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi đảm bảo an toàn cho bốn vị trên. Tôi đồng ý nhưng yêu cầu phải rút cảnh sát cơ động về. Tầm 12-1 giờ chiều, cảnh sát cơ động rời hiện trường nhưng tập trung ở một bãi đất cách 100m", Linh mục Nhân nói.
"Sau đó khi làm việc với bốn người ngày, vì không liên lạc được với ông Thu và ông Lực, chúng tôi vẫn không giải quyết được gì, thì tôi nghe thông tin là có 4-5 xe cơ động tập trung trên đường tránh (từ Thành phố Vinh). Lúc đó là 4 giờ 30 rồi mà ông Đài nói sẽ rút quân mà giờ lại điều tiếp, tôi thấy họ có ý định gì đó nên bảo dân về nhà hết, dù điều khoản từ phía chính quyền không được chấp nhận".
Vụ việc kết thúc vào tầm 5 giờ chiều, ông Nhân cho biết.
"Hôm qua tôi có nói chủ tịch tỉnh Nghệ An xử lý kỷ luật với ông Thu và ông Lực. Ông Đại đồng ý sẽ xem xét kỷ luật. Không thể để chủ tịch xã, trưởng công an xã đánh đập dân tàn nhẫn mà còn chỉ huy cổ vũ cho đội cờ đỏ đánh".
BBC đã cố gắng liên lạc với ông Lê Xuân Đại để xác minh các thông tin trên nhưng ông không nhấc máy.
Một vài tháng trước, tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có hiện tượng một số nhóm dân cư khoác áo đỏ, cầm quốc kỳ, được cho là người của Hội Cờ Đỏ đã tụ tập, và lên tiếng phản đối các cha xứ địa phương.
Họ cũng tổ chức sự kiện "ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc" tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi các linh mục linh mục địa phương, đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần dẫn dắt giáo dân biểu tình chống lại Formosa.
*******************
Chính quyền nói linh mục kích động vụ xô xát tại Giáo xứ Kẻ Gai (RFA, 18/12/2017)
Báo Nghệ An vào ngày 17 tháng 12 có bài viết cáo buộc linh mục Nguyễn Đức Nhân, cha xứ Kẻ Gai, đã ‘kích động giáo dân vi phạm luật pháp’.
Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017 - screen capture
Vụ việc được báo này thuật lại vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017, linh mục quản xứ Kẻ Gai, Nguyễn Đức Nhân dùng loa phát thanh kích động bà con giáo dân đưa máy xúc, cuốc xẻng ra đào đất ruộng và phá mương thủy lợi để làm một con đường rộng khoảng 2,2 – 3 mét dài khoảng 80 mét.
Báo Nghệ An còn thuật rằng lực lượng chức năng yêu cầu những người tham gia hoạt động như vừa nêu giải tán, thu dụng cụ của họ ; nhưng rồi linh mục Nguyễn Đức Nhân lại kích động một số người tấn công lực lượng chức năng và cán bộ chính quyền.
Về phía linh mục Nguyễn Đức Nhân, vào tối ngày 18 tháng 12, ông trình bày lại sự việc xảy ra với Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Giáo dân chưa xây dựng gì cả, họ chỉ mới đào mương trên đất của tổ tiên họ bao đời nay. Họ chỉ đào cái mương như thế để nước khỏi tràn vào thôi. Còn xây dựng gì thì chưa.
Tôi có nói với chính quyền rằng vấn đề thành lập giáo họ thì tôi sẽ viết đơn cùng với người dân trình bày với Đức Giám Mục Giáo Phận. Nếu Ngài đồng ý thì Ngài sẽ trực tiếp làm việc với chính quyền về thủ tục giấy tờ thành lập giáo họ. Lúc đó việc xây dựng mới tính sau".
Linh mục Nguyễn Đức Nhân khẳng định là giáo dân Xứ Kẻ Gai vào sáng ngày 17 tháng 12 chỉ làm thủy lợi để nước khỏi tràn vào ruộng của họ. Mà phần đất làm thủy lợi là đất của ông bà, tổ tiên của những giáo dân từng canh tác trước đây.
Tuy nhiên lực lượng chức năng đến và một số thành phần thuộc tổ chức gọi là ‘Hội Cờ Đỏ’ tấn công khiến một số giáo dân bị thương.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói về tình trạng này :
"Bắt đầu lúc 6 :20 sáng khi dân ra làm mương thủy lợi thì chính quyền nghĩ rằng người dân đang xây dựng gì đó nên đưa người đến. Xảy ra tranh cãi giữa hai phía. Sau đó những người thuộc Hội Cờ Đỏ từ hai xe đi xuống. Họ khoác cờ đỏ và nhào xuống đánh giáo dân ngay trước sự chứng kiến của Công an huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Tây và cả sự chứng kiến của chính quyền huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Tây. Cả hai ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Thu và trưởng công an xã Hưng Tây, ông Lực, vừa trực tiếp tham gia đánh người, vừa chỉ huy, cổ vũ cho Hội Cờ Đỏ xuống đánh đập mấy phụ nữ ; rồi một anh trong giáo xứ bị đánh bất tỉnh nằm trên đường. Tiếp đó họ điều Cơ động rất đông, vừa xe, vừa người, đến tại tuyến đường tránh Vinh.
Chúng tôi giải quyết nhẹ nhàng đến 5 giờ tình hình kết thúc".
Theo lời linh mục Nguyễn Đức Nhân thì khi xảy ra vụ việc ông có điện thoại cho ông Lê Xuân Đại, phó chủ tịch tỉnh Nghệ An. Vị linh mục này đề nghị phía tỉnh phải có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng đối với hai ông Nguyễn Văn Thu, chủ tịch xã Hưng Nguyên và ông Lực trưởng Công an Xã.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân còn nói thêm là ông Sửu thuộc Công an Tôn giáo tỉnh Nghệ An hứa sẽ cố gắng giải quyết thủ tục đất đai và hết sức tạo điều kiện để thành lập giáo họ và xây dựng nhà thờ.
https://youtu.be/PMxCLY_lCDc
********************
Trưởng Công an và Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cùng hội cờ đỏ tham gia đánh giáo dân (VNTB, 17/12/2017)
Sáng 17/12/2017, hàng trăm công an dẫn theo hàng chục thành viên hội cờ đỏ ngăn cản giáo dân xây nhà thờ họ thuộc Giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên, Nghệ An), những thành viên cờ đỏ và công an xã Hưng Tây đã ra tay đánh giáo dân bị thương. Tham gia đánh giáo dân còn có ông Thu-Chủ tịch UBND xã Hưng Tây và ông Lực-công an xã Hưng Tây. Việc đánh giáo dân có sự chứng kiến của cán bộ xã, huyện và công an huyện Hưng Nguyên.
Có ít nhất 20 thanh niên khoác cờ đỏ trên người được xác định là thành viên hội cờ đỏ, ngoài ra còn có hàng chục thành viên khác của hội cờ đỏ nhưng không khoác cờ đỏ.
Những thanh niên hội cờ đỏ có mặt trong sự kiện
Một giáo dân bức xúc cho biết : "Đất này là của người dân hiến cho Giáo xứ để làm nhà thờ giáo họ, sáng sớm nay bà con đến để làm nhưng công an đã đánh các bà và một người đang được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Xã Đoài. Hiện giờ có khoảng tầm 300 tên cảnh sát cơ động, chưa tính các tên công an khác đang ở đây".
Sự việc gay cấn khi số giáo dân tập trung lên đến hơn 1.000 người lúc trưa, khiến cho phía chính quyền phải chấp nhận làm việc với đại diện giáo dân. Theo một video clip quay trực tiếp đăng trên mạng, trước mặt những công an và đông đảo giáo dân, biên bản đã được lập giữa đại diện công an, đảng ủy và giáo dân, cụ thể :
Đại diện công an : Ông Lê Văn Thái-Trưởng công an huyện Hưng Nguyên, ông Vương Trường Sinh-Đội phó đội tổng hợp công an Hưng Nguyên.
Đại diện đảng ủy : Ông Trần Văn Hiển-Phó Bí thư đảng ủy xã Hưng Tây.
Đại diện giáo dân : Ông Võ Đình Kỷ, ông Võ Đình Phúc, ông Nguyễn Văn Ân.
Khoảng 1.000 giáo dân tập trung khi bị Cảnh sát cơ động ngăn cản xây nhà thờ giáo hội
Nội dung biên bản ghi rõ : Hồi 9h30 sáng 17/12/2017, một số người dân xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây đang làm thủy lợi khu vực ruộng đối diện nhà ông Trường thì bị những người mặc cờ đỏ đánh bị thương, cùng với những người mặc cờ đỏ còn có ông Thu-Chủ tịch UBND xã Hưng Tây và ông Lực-công an xã Hưng Tây trực tiếp tham gia đánh người dân trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền huyện Hưng Nguyên, chính quyền xã Hưng Tây, một số công an huyện Hưng Nguyên.
Hàng trăm Cảnh sát cơ động
Anh Võ Đình Vàng thấy phụ nữ bị hội cờ đỏ đánh, liền vào can ngăn thì bị ông Lực, ông Thu kéo vào đánh bất tỉnh, bị thương nặng ở đầu và nhiều vị trí khác nằm ngay giữa đường. Sau khi xảy ra sự việc, những người khoác cờ đỏ và ông Lực-ông Thu đã bỏ chạy.
Những giáo dân bị đánh
Những người phụ nữ bị thương gồm có : Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thị Đàn, Nguyễn Thị Thơ, Nguyễn Thị Khiết, Phạm Thị Lợi, Nguyễn Thị Vương, Phan Thị Phước, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Bình, Đặng Thị Hồng, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thị Sáng, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Thân, Nguyễn Thị Hiến.
Vợ anh Nhàn bị mất tích. Công an đập 1 loa di động, 1 điện thoại Iphone.
Biên bản lập tại nhà anh Nguyễn Văn Trường lúc 11h30, kết thúc lúc 12h30’ ngày 17/12/2017, đã đọc cho tất cả cùng nghe, đồng ý và ký tên.
Sau khi kết thúc biên bản làm việc, linh mục quản xứ Kẻ Gai và giám mục Nguyễn Hồng Ân đã khuyên giáo dân ra về.
Thách thức pháp luật nghiêm trọng
Người dân Việt Nam đã quen mắt với những sự việc bé như cái móng tay nhưng có hàng trăm Cảnh sát cơ động được điều động, và ngân sách phải chi ra cho lực lượng dư thừa chỉ để áp đảo tinh thần dân chúng. Điều đáng nói trong sự việc này, cũng là lần đầu tiên, công an dẫn theo lực lượng cờ đỏ. Pháp luật nào cho phép công an dẫn theo lực lượng cờ đỏ khi thi hành công vụ ? Pháp luật nào cho phép công an, cán bộ xã cùng với những thanh niên cờ đỏ đánh dân ? Không thể nói Công an huyện Hưng Nguyên không liên quan những thanh niên khoác cờ đỏ, bởi công an huyện và công an xã đã không can thiệp khi những thanh niên cờ đỏ đánh giáo dân thương tích rồi bỏ chạy. Nói thẳng ra là công an đã dẫn theo lực lượng cờ đỏ và cùng ra tay đánh dân, thách thức pháp luật.
Đại diện giáo dân đọc biên bản
Thực tế, công an cấp huyện không bao giờ dám ngang nhiên dẫn theo hội cờ đỏ đánh người nếu không có chỉ đạo từ cấp trên. Quan sát chuỗi sự kiện xảy ra trong những tháng qua, có thể nói đây là chủ trương của Bộ công an hoặc cao hơn nữa. Công an cấp tỉnh hoặc cấp huyện chỉ thừa hành. Và sự việc có tính leo thang, bởi đã từng xảy ra những sự vụ công an chống lưng côn đồ làm loạn, mà cụ thể nhất là hồi tháng 5/2017, công an Tp.Hồ Chí Minh đã dẫn theo côn đồ đến nhà anh Nguyễn Tăng Vĩnh Phú đập phá.
Hội cờ đỏ thành lập công khai ngày 29/10/2017, không nằm trong biên chế, số thành viên ban đầu ước 700 người, hoạt động chủ yếu khu vực miền Trung, đã có một số hoạt động gây hấn, phá hoại tài sản của giáo dân nhưng ở mức độ đơn lẻ. Hội cờ đỏ đã phát triển lực lượng ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tp.Hồ Chí Minh. Dư luận cho rằng nếu ở Trung Quốc ngày xưa có "hồng vệ binh" thì ở Việt Nam ngày nay có "hội cờ đỏ", nơi tập hợp những thanh niên cuồng cộng sản do bị nhồi sọ quá nặng, có những hành động thái hóa để chống lại phong trào đấu tranh dân chủ đang phát triển ở Việt Nam.
Hội cờ đỏ được công an sử dụng và chống lưng, đó là một điều đáng lo ngại cho nước Việt Nam, đáng lo ngại cho xã hội bị công an lộng quyền đến mức thách thức luật pháp một cách công khai, cũng chỉ vì sự tồn vong của chế độ.
Nguyễn Thiện Nhân
Khi nói về, nghĩ về dân tộc, quốc gia, người ta nghĩ đến những người cùng chung ngôn ngữ, chung dòng máu, chung màu da, chung biên giới địa lý và chung cả những thăng trầm sử lịch. Người Việt có quá nhiều cái chung, và cái chung nào cũng nhuộm thắm màu máu và mặn chát nước mắt.
Người Việt có quá nhiều cái chung, và cái chung nào cũng nhuộm thắm màu máu và mặn chát nước mắt.
Cái chung của người Việt trải qua hàng ngàn năm nô lệ giặc Tàu, hàng trăm năm đô hộ giặc Tây, hàng chục năm nội chiến từng ngày và hàng triệu giờ li tán, điêu linh.
Cái chung của người Việt là chiếc bàn thờ của người mẹ mất chồng, mất con, trên bàn thờ không có khoảng cách ngăn chia những tấm hình, của "thằng Hai Cộng Sản" ngồi chung với tấm hình "thằng Ba Cộng Hòa", ở giữa là ông chồng lính Khố Xanh, khói hương nghi ngút lòng mẹ. Mẹ không có ranh giới nào trong tình yêu thương dành cho chồng con của mẹ, tình yêu thương vẫn vẹn đầy như chính nước mắt mẹ đã rớt khi ôm xác chồng, tìm xác con.
Cái chung của người Việt là trong ngày Tết, ông Năm tập kết rủ thằng Tư cháu trai Việt Kiều cùng ra thắp nhang mộ gia tiên. Trước cỏ xanh vi vút và khói hương trầm kha, mọi ranh giới, biên kiến đều xóa tan theo mây khói, trả con người về với tình tự quê hương, đất nước, dòng họ, nỗi đau chiến tranh, nỗi lòng người đi kẻ ở.
Cái chung của người Việt Nam ở chỗ hàng triệu người Việt hải ngoại ứa nước mắt khi xem truyền hình, thấy bà con nơi quê hương phải gồng lưng đón từng trận mưa bão, nhà cửa tan hoang, màn trời chiếu đất. Từng đồng tích cóp, dành dụm được mang ra gửi về Việt Nam để giúp đỡ người dân vùng thiên tai. Mọi thứ vĩ tuyến Nam - Bắc đều được xóa tan trong phút chốc. Những Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị bão lụt, bà con Việt Kiều đã không tiếc bất kì điều gì để quyên góp, giúp đỡ, chia sẻ.
Cái chung của người Việt là nỗi đau, là mất mát, là căm phẫn trước cái ác, cái xấu, trước những ai đó đan tâm bán rẻ quốc gia, dân tộc cho ngoại bang. Và dù ở bất kì phương trời nào, đã là người Việt với nhau, người ta đều đau đớn khi biết tin biển đảo Việt Nam đã mất, người Việt đang điêu linh trước hiểm họa phương Bắc.
Đây là những cái chung mà kẻ xâm lăng luôn rất sợ, bởi cái chung này như một bức tường đồng, tường thép che chắn cho đất nước, ngăn cản bất kì kẻ ngoại bang nào muốn xâm lăng Việt Nam.
Và kẻ thù Việt Nam, khi rắp tâm biến Việt Nam thành một thứ tân thuộc địa của họ, việc đầu tiên là họ phải phá vỡ bức tường này bằng mọi giá. Li Gián ! Đây là chiêu bài mà kẻ thù đang áp dụng triệt để trên đất nước Việt Nam.
Một Hội Nghị Thành Đô, khẳng định rằng đất nước đã bị bán đứng cho Trung Quốc mà người đưa tin cho đến bây giờ vẫn không rõ nguồn gốc, những người trong cuộc cũng không chứng minh được gì và những trang báo đã đưa tin về Hội Nghị Thành Đô thì lại chẳng có bất cứ một bằng chứng nào về tính xác thực của nó ! Nó chỉ làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm, xấu đi và lòng người hoang mang.
Cách hành xử đầy tính kích động, chia rẽ Nam - Bắc vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí trong thời gian gần đây, khái niệm "dân Nam – dân Bắc" xuất hiện ngày càng dày đặc. Phân biệt người yêu nước và kẻ phản động cũng là một cách li gián, làm cho dân tộc Việt Nam trở thành những mảnh rời rạc, nhạt nhẽo, vô hồn.
Đặc biệt, có một chi tiết mà không hiểu sao các nhà quản lý, lãnh đạo Việt Nam vẫn không hề nhận ra (hay cố tình bỏ lơ ?!), đó là các đội cờ đỏ và dư luận viên. Họ luôn là những kẻ châm ngòi nổ, khiêu khích và làm cho mọi thứ trở nên rối rắm với luận điệu "ngụy quân, ngụy quyền, kẻ thù của dân tộc, kẻ phản quốc…" ám chỉ vào giới hoạt động dân chủ, xã hội dân sự cũng như chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Bởi nếu như không có họ đào bới, la hét, làm cho to chuyện thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, thậm chí êm đẹp hơn, không có tính mâu thuẫn. Nhưng những cú chọc khoáy của các dư luận viên cũng như lời lẽ hằn học của họ đã khiến cho mọi chuyện trở nên dữ dội và căng thẳng hơn. Vô hình trung, mọi chuyện trở thành đối lập, tạo ra một ranh giới quá lớn giữa người Việt trẻ với nhau.
Tất cả những gì có tính khích bác, tạo mâu thuẫn, hằn học và cay cú đều dẫn đến tình trạng đất nước càng lúc càng suy yếu bởi lòng người phân li. Tôi không tin rằng những người lãnh đạo cộng sản đã nghĩ ra trò này, bởi ở cấp trung ương, họ không đủ thời giờ và dài tay để thành lập ra những đội cờ đỏ, dư luận viên suốt ngày đi gây sự với giới hoạt động dân chủ và tạo ra hình ảnh xấu xí, thô thiển cho đất nước như vậy !
Rõ ràng, đã có một bàn tay gián điệp nào đó nhúng vào, thành lập nên đội cờ đỏ, đội dư luận viên để phục vụ cho mục đích li gián của họ. Bởi giả sử Đảng cộng sản không chấp nhận giới hoạt động xã hội dân sự thì với hệ thống an ninh của họ cũng đủ sức để đàn áp, bắt bớ, nhốt tù… Hà cớ gì họ phải thành lập thêm một đội cờ đỏ hay dư luận viên để đưa ra công luận quốc tế hình ảnh những kẻ gây gỗ, chửi mắng, hồ đồ nhân danh Đảng cộng sản ?!
Tất cả các hoạt động của hội cờ đỏ và dư luận viên đều đi đến mục đích làm cho đất nước, dân tộc trở nên phân li, căng thẳng và cừu thù. Bàn tay nào đã làm điều này ?
Gần đây nhất, tại Bình Dương, xuất hiện một kẻ đòi cầm cọc tiền "ném vào mặt dân miền Nam !". Tôi nghĩ, ngành an ninh Việt Nam phải làm cho tới nơi tới chốn chuyện này, tìm cho rõ nhân thân cũng như các hoạt động của kẻ đòi ném tiền. Bởi với hành động trên, theo luật hiện hành thì kẻ đó chỉ bị phạt hành chính, nộp tiền rồi ra về. Nhưng thực ra đó là hành động của kẻ gián điệp hoặc chí ít nó cũng là hệ quả của sự nhồi sọ do các gián điệp thực hiện.
Hành vi tưởng đơn giản, có tính quá khích này có thể châm ngòi nổ cho những hiềm khích, phân biệt không đáng có giữa Nam - Bắc, giữa Cộng Hòa - Cộng Sản và nhiều mối nguy phân rẽ, li gián khác. Bởi sau sự xúc phạm của người đòi ném tiền vào mặt dân miền Nam sẽ là hàng loạt những nhận xét đầy cay cú về dân miền Bắc.
Điều này chẳng biết sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng nó làm cho dân tộc Việt Nam đã nhược tiểu càng thêm yếu đuối, mối nguy nội chiến trong tâm hồn người dân miền Nam - miền Bắc có vẻ như đang đến gần ! Và kẻ thù rắp tâm xâm lược Việt Nam chỉ mong mỏi có ngần ấy, bởi đây là thời cơ tốt nhất cho họ !
Hơn bao giờ hết, đến lúc này, tất cả người Việt cần phải rũ bỏ khái niệm Nam - Bắc, rũ bỏ phân biệt Cộng Sản - Cộng Hòa, rũ bỏ luận điệu chia cách Việt Kiều - Việt Cộng. Và thêm nữa, phải giải tán ngay cái hội cờ đỏ, dư luận viên chỉ suốt ngày gây căng thẳng, khích bác, đẩy người khác vào chỗ thù địch, gây tốn kém nặng nề cho ngân sách nhà nước, tài sản quốc dân.
Bởi, đã đến lúc chúng ta bắt tay bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi ý định li gián dân tộc đều làm cho đất nước thêm nghèo nàn, lạc hậu về cả vật chất và tinh thần. Chúng ta hãy nghĩ đến tương lai đất nước, hãy nghĩ đến con em chúng ta, hãy nghĩ đến nỗi đau của con cháu của chúng ta vì những hậu quả do lòng ích kỉ, tính tự mãn và tinh thần thù thắng của chúng ta để lại.
Chúng ta đừng bao giờ mạnh miệng nói mình yêu nước, yêu dân tộc khi chưa biết tha thứ, chưa biết yêu thương, chưa biết trắc ẩn và chưa thấy được hậu quả của lòng ích kỉ chúng ta để lại cho con cháu chúng ta lớn chừng nào, nguy hại chừng nào !
Vì chúng ta là người Việt Nam, đã trải qua biết bao đau thương sử lịch, nên chúng ta cần tựa lưng vào nhau, trao cho nhau hơi ấm đồng loại, trao cho nhau lòng cảm thông, trao cho nhau mối lân mẫn tình người và trao cho nhau sức mạnh kết nối tương lai, để làm gì ư ? Để tặng tương lai tốt đẹp cho con cháu chúng ta như một thứ hồi môn đáng kính !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 15/12/2017 (VietTuSaiGon's blog)
"Hội Cờ Đỏ" xứng đáng trở thành một hiện tượng chính trị – xã hội đặc biệt trong bối cảnh 2017 của một chính thể Việt Nam kiệt quệ về kinh tế và ngân sách, làn sóng của dân chúng phản ứng với chính quyền dâng trào ở nhiều địa phương, cùng lúc bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt…
Hội Cờ Đỏ xứng đáng trở thành một hiện tượng chính trị – xã hội đặc biệt trong bối cảnh 2017 của một chính thể Việt Nam kiệt quệ về kinh tế và ngân sách
Hồng vệ binh hay Tân phát xít ?
"Hội Cờ Đỏ" – một tập hợp của những người bị xem là "cuồng đảng", những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị – xã hội của chính quyền như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công giáo với những khẩu hiệu sắt máu không thèm che đậy như "Quạ đen" (chỉ các linh mục và giám mục), "Diệt giặc đạo"… – đã làm sống lại hình ảnh khối Hồng vệ binh thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 60 của thế kỷ XX, hay hình ảnh chủ nghĩa tân phát xít ra đời ở Châu Âu từ cuối thế kỷ đó và vẫn tồn tại cho tới nay.
Thay cho những cuộc tập hợp lẻ tẻ với quy mô nhỏ cùng mức độ sách nhiễu, hành hung một vài cá nhân người hoạt động nhân quyền như trước đây, "Hội Cờ Đỏ" đã lần đầu tiên trở thành một "liên minh" với số lượng lên đến 700 người trong đồng phục áo đỏ sao vàng, tổ chức biểu dương lực lượng cùng hành động khiêu khích ngay sát Giáo học Văn Thai ở xã Sơn Hải, nhắm vào số đông giáo dân nơi đây.
"Loạn rồi !"
Xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An là địa điểm mà "Hội Cờ Đỏ" đã chọn để chính thức ra mắt vào ngày 29/10/2017.
Không biết vô tình hay hữu ý, 29/10 lại là thời điểm mà nhân vật đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng từ Hà Nội vào miền Trung, cũng tại tỉnh Nghệ An, để làm việc với Quân khu 4.
Sự trùng hợp khó bỏ qua về tính thời điểm trên đã khiến dư luận phải bật lên dấu hỏi rất lớn : liệu có mối liên hệ nào, hoặc có "quan hệ chỉ đạo" nào giữa chuyến đi Nghệ An của ông Trọng với ngày ra mắt kèm kiêu khích của "Hội Cờ Đỏ" ?
Mối nghi ngờ trên có một cơ sở khá vững chắc : vào năm 2016, ngay sau khi vụ xả thải gây ô nhiễm khủng khiếp biển 4 tỉnh miền Trung bị phát hiện và tung ra công luận, Tổng bí thư Trọng đã dẫn đầu một đoàn quan chức vào "làm việc" với Nhà máy Formosa, nhưng nội dung chỉ là "kiểm tra tiến độ công trình" chứ chẳng ăn nhập gì với hậu quả xả thải mà đã khiến có người bị chết cho tới thời điểm đó.
Mối nghi ngờ trên càng được củng cố khi vào ngày ra mắt, "Hội Cờ Đỏ" đã không trưng ra bất cứ giấy tờ văn bản hay quyết định nào, của một cấp thẩm quyền nào, cho phép hình thành và hoạt động của "Hội Cờ Đỏ", cho dù ứng với truyền thống của các "cánh tay nối dài của đảng" thì bất kỳ hội đoàn nhà nước nào cũng phải được Nghị định số 45 – một văn bản của Chính phủ từ năm 2010 quy định về hình thành và hoạt động của các tổ chức hội – cho phép, với chức năng cấp phép của Bộ Nội vụ và "đồng cấp phép" của Bộ Công an.
Nhưng rất đặc biệt và cũng rất "đặc cách", bất chấp tuyên bố ra đời của "Hội Cờ Đỏ" là hoàn toàn vô pháp, đã không có một cơ quan nào của chính quyền, không một bóng công an can thiệp vào hoạt động ra mắt rùm beng của "Hội Cờ Đỏ". Nhiều người đã phải bình luận "Loạn rồi !"…
Hiện tượng "Hội Cờ Đỏ" như thể nhận được sự bảo kê của công an và chính quyền khiến nhiều người buộc phải liên tưởng về "chiến dịch biểu tình đập phá" phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam Biển Đông vào tháng Năm năm 2014. Chi tiết kỳ lạ của cuộc biểu tình đó là hàng chục ngàn công nhân có vẻ đã được dẫn dắt bởi một nhóm "quần chúng tự phát" không phải là công nhân mà đầy dáng vẻ côn đồ, kéo đi đập phá tan tành nhiều nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc ở Bình Dương và Đồng Nai, nhưng toàn bộ lực lượng cảnh sát cơ động và công an giao thông chỉ… đứng nhìn.
Sau đó, rất nhiều dư luận đã cho rằng nhóm "quần chúng tự phát" trên hẳn là "người của chính quyền".
Vậy ai, hay lực lượng chính trị nào đứng phía sau "chiến dịch biểu tình đập phá" năm 2014 ?
Cho tới giờ, câu hỏi trên vẫn là một bí ẩn sâu xa.
Ai đứng sau "Hội Cờ Đỏ" ?
Còn nếu "Hội Cờ Đỏ" không được bật đèn xanh bởi Tổng bí thư Trọng, quan chức nào khác có thể chịu trách nhiệm chỉ đạo ? Và nhằm mục đích gì ?
Đơn thuần là dùng "Hội Cờ Đỏ" để trả đũa phong trào biểu tình phản đối Formosa của giáo dân miền Trung, hay còn là "đấu tranh nội bộ đảng" ?
Người ta cũng không thể không nghĩ đến một kịch bản mà có thể đã được dàn dựng sẵn : Tình báo Hoa Nam đứng phía sau "Hội Cờ Đỏ" !
Bởi trong mọi kịch bản hình thành "Hội Cờ Đỏ" và nhất là về tính hậu quả có thể xảy đến do tổ chức này gây ra – hoặc gây ra xung đột lương – giáo trầm trọng, hoặc kích thích phản ứng đồng loạt kéo đi biểu tình của giáo dân và do đó sẽ làm ảnh hưởng đến không khí an ninh của Hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng từ ngày 6 – 11 tháng Mười Một năm 2017, hay chính thể Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để được "tái hòa nhập" vào CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), Trung Quốc chính là kẻ có lợi nhất.
Nếu việc cơ quan tình báo Trung Quốc thọc tay thao túng hoạt động của "Hội Cờ Đỏ" là có thực, những quan chức Việt nào "cõng rắn cắn gà nhà" ?
Nhưng bất kể động cơ và mục đích của hiện tượng "Hội Cờ Đỏ" như thế nào, hậu quả ngay trước mắt là quan hệ lương – giáo, cũng như quan hệ "Cộng – Giáo" càng thêm tồi tệ.
Sau sáu chục năm…
Trong tháp ngà của giới chức đảng và chính quyền, dù những bài học dân vận và tôn giáo vận vẫn được lặp đi lặp lại từ ngày này sang tháng nọ, xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cho đến cánh tay nối dài của một bộ phận thân thể đã ung hoại đến mức phù trương… nhưng vẫn không làm cách nào được thấm nhuần bởi những người luôn "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ở ngay quê hương của người đã từng một thời là hội trưởng danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam.
Não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của một bộ phận đáng kể trong ngành công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng Công giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa vào tâm thế mà người đời định nghĩa rằng không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.
Sau sáu chục năm tạm yên ả, mồi lửa Công Giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù "Công giáo – cộng sản" đang rừng rực tái hiện, cùng tiếng la hét bạc lòng chới với của dân tình lầm than.
Từ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên ở Nghệ An, Đông Yên ở Hà Tĩnh những năm trước đến "Xô Viết Nghệ Tĩnh" phản đối Formosa và phản kháng chính quyền năm 2016 – 2017 và có thể còn kéo dài vô tận khi ngư dân không biết làm gì ra tiền để sống và cũng chẳng còn gì để ăn.
Tất cả đều là những bằng chứng sống động về tâm trạng máu trào khỏi họng những giáo dân không còn muốn nuốt máu trở vào trong, hình ảnh những người kéo đi đòi trả tự do cho những kitô hữu bị bắt giữ khuất tất, kêu gọi lập lại công bằng cho quan hệ Công giáo – chế độ và công lý cho những con chiên của Chúa trên chính mảnh đất này…
Một dấu hiệu cáo chung ?
Ngay sau vụ ra đời kèm khiêu khích giáo dân của "Hội Cờ Đỏ", một nhà phân tích đã liên hệ vụ này với vụ nhóm thân chính phủ chống lại biểu tình của dân chúng ở Ai Cập vào năm 2011. Vào thời gian đó, những kẻ chống biểu tình đã cưỡi lạc đà lao vào đám đông biểu tình và quất roi lên đầu đám đông. Nhưng chỉ ít ngày sau, "Cách mạng Hoa Nhài" đã hoàn tất dấu đóng đinh của nó ở Ai Cập : Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức và chuyển giao quyền cho Hội đồng Quân lực cao cấp.
Phải chăng sự phát sinh của những nhóm cực đoan thân đảng như "Hội Cờ Đỏ" cũng giống với nhóm thân chính phủ trên ở Ai Cập – một dấu hiệu rõ ràng về sự cáo chung của chế độ ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 07/11/2017