Hoa kỳ khởi động Dự án Giám sát Đập Mekong
RFA, 16/12/2020
Dự án Giám sát Đập Mekong (Mekong Dam Monitor) chính thức được khởi động vào sáng ngày 16 tháng 12 giờ Việt Nam tại buổi công bố trực tuyến do Trung tâm Stimson tổ chức.
Quang cảnh sông Mekong giáp ranh giữa Thái Lan và Lào, nhìn từ phía Thái Lan. Ảnh chụp ngày 29/10/2019 tại Nong Khai, Thái Lan. Reuters
"Team của chúng tôi tại Trung tâm Stimson và Eyes on Earth rất vui được giới thiệu dự án Giám sát Đập Mekong với quý vị hôm nay".
Ông Brian Eyler, nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington DC, và là đồng trưởng dự án tuyên bố Giám sát Đập Mekong đã bắt đầu hoạt động. Đây là một nền tảng trực tuyến dùng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu mã nguồn mở để theo dõi, phân tích và công bố mực nước tại các đập thủy điện của Trung Quốc và các quốc gia khác dọc theo sông Mekong.
Ban công tác của Dự án tại Trung tâm Stimson và Eyes on Earth
Ông Eyler nói Giám sát Đập Mekong được xây dựng trên những kết luận của bản báo cáo do Eyes on Earth, một cơ sở nghiên cứu về nguồn nước, công bố vào tháng Tư năm nay. Báo cáo nhận định rằng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng và thậm chí là nguyên nhân gây ra hạn hán ở lưu vực sông.
Dự án này một phần do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Phụ trách Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell mở đầu buổi webinar phát biểu :
"Mô hình này được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Eyes on Earth nhằm chứng minh một lần nữa rằng 11 đập trên dòng chính của Trung Quốc được phối hợp với nhau để tối đa hóa sản lượng thủy điện cho Trung Quốc mà không cần tham vấn và cân nhắc hậu quả đến những người phải gánh chịu ảnh hưởng của nó nơi hạ nguồn. Thông tin công khai sẽ cung cấp cho những người cần biết nhất về nguồn nước, giúp đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh khu vực".
Để trình bày nền tảng cho tham dự viên từ các quốc gia hạ nguồn sông Mekong, ông Brian Eyler giải thích :
"Chúng tôi đã thiết kế một nền tảng từ các thông tin công khai và miễn phí đã có sẵn. Ai cũng có thể tiếp cận các dữ liệu này nên nó sẽ dễ sao chép và xác minh được. Tất cả các kết quả chúng tôi tạo ra đều miễn phí cho bạn tải xuống bao gồm dữ liệu, đồ hoạ, hình ảnh đều có sẵn cho mục đích riêng của bạn. Bạn có thể tiến hành nghiên cứu, điều tra và tìm hiểu những gì đang xảy ra trong lưu vực của mình".
Ông nhấn mạnh Trung tâm Stimson và Eyes on Earth dự kiến trao lại nền tảng này cho các bên liên quan trong khu vực một khi dữ liệu được hoàn chỉnh.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, tham luận viên trong buổi webinar, nói dự án Giám sát Đập Mekong rất cần thiết :
Vị trí 11 đập trên dòng chính sông Lan Thương (Mekong) trên lãnh thổ Trung Quốc để sản xuất thủy điện mà không cần tham vấn và cân nhắc hậu quả đến những người phải gánh chịu ảnh hưởng của nó nơi hạ nguồn.
"Điều quan trọng, theo tôi nhận xét, là tính minh bạch, dữ liệu gần thời gian thực, trách nhiệm giải trình và quan trọng nhất là sự tin tưởng để các bên liên quan, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, làm việc cùng nhau".
Tuy nhiên, một tham luận viên khác, Trợ lý Giáo sư Quốc tế học tại Đại học Bentley ở Hoa Kỳ, Tiến sĩ Pon Souvannaseng bày tỏ một số lo ngại với dự án Giám sát Đập Mekong :
"Làm sao để sử dụng Giám sát Đập Mekong như một công cụ ngăn ngừa ? Vì cốt lõi, đây là những câu hỏi chính trị, cần có câu trả lời và giải pháp chính trị. Dữ liệu không nên bị vũ khí hóa cho nhu cầu chính trị, nhưng phải là sự khởi đầu những đối thoại về nguyên nhân của hạn hán. Cuối cùng các bên liên quan sẽ cần phải đàm phán cho một sự dàn xếp chính trị".
Đồng trưởng dự án, ông Alan Basist, của cơ sở Eyes on Earth khẳng định, mục tiêu của dự án Giám sát Đập Mekong không phải là chính trị. Ông nói nó chỉ là một công cụ giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro, hợp tác và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả hơn.
Nguồn : RFA, 16/12/2020
********************
Một chương trình do chính phủ Mỹ tài trợ nhằm giám sát tình trạng sông Mekong được ra mắt vào tuần này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Một con đập thủy điện đang được xây dựng trên sông Mekong ở Lào được chụp vào tháng 1 năm 201. Ảnh: Shutterstock
Mekong Dam Monitor (Giám sát Đập Mekong) là một nền tảng trực tuyến mã nguồn mở, hứa hẹn cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần sử dụng viễn thám và hình ảnh vệ tinh về mực nước của các hồ chứa tại 13 đập dọc theo dòng chính sông Mekong, cũng như tại 15 đập phụ lưu có công suất phát điện lớn hơn 200MW.
Nền tảng này sẽ tìm cách lưu hành các hình ảnh và phân tích hàng tuần về "11 con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong", cũng như bản đồ và dữ liệu về nhiệt độ, tuyết phủ, lượng mưa và các chỉ số khác dọc theo toàn bộ dòng sông.
Giám sát Đập Mekong là dự án hợp tác của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington và Eyes On Earth Inc. - một công ty nghiên cứu và tư vấn chuyên về nguồn nước.
Dự án Giám sát Đập Mekong sẽ ra mắt vào thứ Ba tuần này tại một sự kiện trực tuyến, nơi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc chỉ công khai thông tin trong mùa lũ, nhưng thông báo sẽ công bố Nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong vào tháng 11 để chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm.
Theo đội ngũ phát triển, dự án Giám sát Đập Mekong sẽ tìm cách "chống lại những tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng nước trên lưu vực sông Mekong với sự giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng".
"Ngược lại, nền tảng chia sẻ thông tin của Trung Quốc thường cung cấp thông tin cập nhật không thường xuyên về tình hình các con đập của Trung Quốc gần biên giới với Thái Lan", ông Brian Eyler, trưởng dự án giám sát, cho biết. "Trang web mới của Trung Quốc cung cấp thông tin mực nước sông hàng ngày cho một máy đo nằm ngay bên dưới đập trên sông, nhưng dữ liệu mực nước sông và dữ liệu hoạt động của đập là các chỉ số hoàn toàn khác nhau".
Cũng theo ông Eyler, còn quá sớm để kết luận liệu nền tảng cung cấp thông tin của Trung Quốc có đưa ra dự báo đáng tin cậy và cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán đã được hứa hẹn khi ra mắt vào tháng trước hay không, vì các hệ thống này "dường như vẫn chưa được sử dụng".
Sông Mekong (phía Trung Quốc sông Lan Thương) có chiều dài 4,350 km khởi nguồn tại Trung Quốc, trước khi chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Con sông này đem tới sinh kế cho hơn 60 triệu người.
Trong những năm qua, các trạm thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã bị chỉ trích là gây tổn hại đến môi trường cũng như sinh kế của những người dân sống ở hạ lưu và gây ra lũ lụt hoặc hạn hán. Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ những cáo buộc này.
Vào tháng 4, công ty Eyes on Earth đã công bố phát hiện của mình rằng các đập của Trung Quốc đã giữ lại một lượng lớn lưu lượng của sông Mekong mặc dù mực nước ở thượng nguồn cao hơn mức trung bình.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cũng phản bác các tuyên bố, cho rằng lượng mưa thấp trong mùa mưa năm ngoái trên sông Lan Thương đã khiến lượng nước thấp hơn.
Alan Basist, tác giả chính của báo cáo tháng 4 từ Eyes On Earth và đồng dẫn đầu dự án Giám sát Đập Mekong, cho biết trong trung hạn, họ có kế hoạch "hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau" như Ủy hội sông Mekong (MRC) - một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Lào, hoạt động để cùng quản lý nguồn nước chung của các nước Đông Nam Á.
Ông Basist cho biết dự án sẽ dựa trên chuyên môn của ban cố vấn - với các thành viên bao gồm các nhà thủy văn học, các chuyên gia viễn thám và các chuyên gia nghiên cứu khu vực, để đạt được mục tiêu xây dựng một hệ thống giám sát, giáo dục cộng đồng địa phương và các bên liên quan về cách sử dụng nguồn nước và đào tạo kỹ thuật viên để duy trì trong tương lai.
Theo SCMP