Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo hứa không giật sập nhưng nuốt lời

Nhà tạm bị giật sập

"Bà con ở đó nói lại là họ xuống cũng đông người lắm, có cả công an, dân quân… giật chòi tôi sập rồi lấy hết nồi cơm, bếp ga, bàn ghế của tôi và của các bà con dân oan Thủ Thiêm rồi chở đồ của chúng tôi đi hết. Lúc đó là 1 giờ 30"

thuthiem1

Người dân đến UBND phường An Khánh đòi lại đồ bị chính quyền lấy sau khi giật sập nhà dân - Citizen Facebook

Đó là lời của ông Thịnh, một người dân oan Thủ Thiêm có nhà nằm trong khu vực "5 khu phố 3 phường" kể lại với RFA về vụ việc chính quyền thành phố Thủ Đức giật sập các căn chòi tạm do bà con Thủ Thiêm cất lại trên đất của mình.

Như RFA đã đưa tin, hồi đầu tháng Bảy, sau nhiều lần lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh không giữ lời hứa giải quyết khiếu nại của dân, gần một trăm ngườThủ Thiêm đã quyết định quay trở về dựng nhà tạm trên khu đất cũ của mình, nằm ở khu vực phía Bắc thuộc phạm vi "5 khu phố 3 phường". Người dân khẳng định khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.

Ông Thịnh cho biết, ông về dựng lại chòi để buôn bán kiếm sống qua ngày. Từ đó, ông ngủ luôn tại chòi để giữ đồ, đề phòng trộm cắp. Đến tối ngày thứ bảy, 29/7, ông Thịnh về nhà ngủ thì chính quyền thành phố Thủ Đức cho người xuống giật sập căn chòi này của ông :

"Cái chòi của tôi giữ được là do tôi ngủ lại cũng được mười mấy ngày. Còn mấy người kia cứ dựng lên đó rồi không có người ngủ lại là họ đi giật sập vào ban đêm, buổi khuya lúc 1 - 2 giờ, rồi nó chở đồ đi. Họ đã giật hết ba căn".

Bốn giờ sáng Chủ nhật, khi quay trở lại khu đất của mình thì căn nhà tạm của ông Thịnh đã bị tháo dỡ, đồ đạc bị mang đi hết. Các lực lượng chức năng có cả trăm người đứng bao quanh, ngăn cản người dân Thủ Thiêm vào khu vực này :

"Lúc sáng tôi xuống tới thì tôi thấy nguyên một bãi tha ma luôn. Họ đã lấy đi hết đồ của tôi không còn cái gì hết trơn. Rồi hàng trăm người xuống, đứng với nhau như một hàng rào khống chế không cho chúng tôi vô".

Ông Thịnh bức xúc cho biết, sau khi về dựng lại chòi, chính các lãnh đạo phường An Khánh, bao gồm cả chủ tịch và bí thư phương có ký biên bản cho ông, hứa rằng sẽ không tháo dỡ, mà bây giờ họ lại "nuốt lời" :

"Họ bao vây tụi tôi không cho ai vô hết trơn. Băng rôn, biểu ngữ họ lấy đi hết.

Họ nói là nó không có tháo dỡ. Tôi mới hỏi lại ai vô đây mà tháo dỡ. Tại sao mấy anh không tháo dỡ mà năm sáng mấy anh lại xuống đây, mà ngày đó lại là ngày nghỉ của bên văn phòng, sao lại kéo xuống đây bao vây tôi ?"

Sau đó, hơn chục người dân Thủ Thiêm kéo lên UBND phường An Khánh đề đòi tài sản thì được hứa là sẽ trả lại sau năm ngày.

Một người dân oan Thủ Thiêm, về dựng lại nhà tạm và cũng đã bị giật sập, nói với RFA trong điều kiện giấu danh tính cho biết :

"Nhà tôi đã bị cưỡng chế lâu rồi. Bây giờ muốn lên đó để che cái chòi lại giữ đất nhưng mà phường xuống cưỡng chế một lần nữa thì tụi tui xúm nhau lên để đòi đồ lại, đòi lại tài sản".

Hiện nay, chính quyền thành phố Thủ Đức tiếp tục cho người canh gác, ngăn cản bà con về dựng lại nhà lần nữa.

Phóng viên RFA gọi điện tới UBND phường An Khánh nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi tiếp tục gọi đến công an phường này thì được yêu cầu đến trực tiếp trụ sở để làm việc.

Mất bản đồ gốc, chính quyền dựa vào đâu đập nhà dân ?

thuthiem2

Dân Thủ Thiêm về dựng lại nhà tạm nhưng bị chính quyền giật sập. Ảnh : Citizen Facebook

Vướng mắc hiện nay trong vụ khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm thuộc "5 khu phố 3 phường" là nằm ở "ranh quy hoạch". Trong khi người dân ở đây khẳng định khu đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chính quyền lại xác định khu đất này trong ranh, do đó, việc thu hồi đất là đúng pháp luật.

Người dân yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trưng bằng chứng chứng minh khu đất này trong ranh quy hoạch thì lãnh đạo thành phố viện lý do là "mất bản đồ quy hoạch gốc". Ông Thịnh bức xúc phản bác :

"Chính quyền nói là tìm không thấy bản đồ gốc bị thất lạc, mà nếu tìm không thấy thì tại sao lấy đất của người dân. 

Trong khi đó, bản quy hoạch gửi đi 13 nơi mà tất cả các nơi đều mất hết thì là điều vô lý, và lấy đất của tôi là không công bố được bản đồ quy hoạch và không có giấy thu hồi đất".

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cũng cùng quan điểm :

"Tôi họđã nhiều lần chính quyền. Chính quyền nói là mất bản đồ, vậy thì tại sao lại đập nhà của tôi, thì từ chỗ đó người dân mới bức xúc. Tôi khẳng định "5 khu phố 3 phường" là nằm ngoài ranh quy hoạch, mà họ đập tan nát hết từ năm 2011 cho tới giờ".

Để giải quyết dứt điểm vụ kiện kéo dài này, ông Thịnh cho biết người dân rất chia sẻ với chính quyền. Trước tiên, chính quyền cần xác định chính thức "5 khu phố 3 phường" nằm ngoài hay trong ranh quy hoạch với các bằng chứng rõ ràng. Sau đó, yêu cầu doanh nghiệp vào trực tiếp thương lượng với người dân :

"Trước tiên phải làm rõ là đất trong ranh hay ngoài ranh. Thanh tra chính phủ đã đối thoại với chúng tôi năm lần mà cũng không trả lời được thì coi như đất chúng tôi nằm ở ngoài ranh quy hoạch. Chúng tôi chia sẻ với thành phố, chỉ yêu cầu thành phố cho chủ đầu tư vào thương lượng với chúng tôi mà thôi, thuận mua vừa bán mà thôi". 

Dân quá ngán với những lời "hứa lèo"

Sáng ngày 1/8, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã báo cáo Thủ tướng là cuối tháng Bảy sẽ ban hành đề án xử lý khiếu nại một số vụ việc nổi cộm, trong đó có vụ việc ở Thủ Thiêm. Đến quý ba sẽ cơ bản phải dứt điểm các vụ khiếu nại, khiếu kiện, cần tập trung các trường hợp khiếu kiện đông người, dai dẳng, phức tạp.

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cho biết, chỉ tính riêng ông Mãi, đây là lần thứ ba ông này hứa mà không thực hiện được :

"Ông Mãi đã hứa hai lần mà không giải quyết thì người dân mới làm ồn ào lên, thì ổng mới giải quyết thêm cho những người đã lãnh tiền rồi, còn như tụi tui thì họ không giải quyết. Bởi vậy cho nên người dân mới đứng lên, dựa theo lời hứa của ổng, người dân phải đòi lại nhà. 

Rồi ông Mãi mới hứa thêm lần này nữa là lần thứ ba, là trong trong quý ba này sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng mà không biết có giải quyết hay không, cũng không tin tưởng lắm".

Ông Thịnh cũng "ngán ngẩm" với lời hứa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ :

"Bây giờ tôi không có tin lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì ông Mãi đã nói giải quyết dứt điểm vào tháng Sáu.

Hồi đó là ông Phong cũng xin lỗi người dân rồi cũng không giải quyết ; rồi tới ông Nhân về cũng khóc lóc, mà toàn "nước mắt cá sấu" không à. Ông Nhân nói này nói kia là sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, sẽ đeo đuổi cho tới cùng ; rồi bà Tâm cũng vậy…

Những người đó bây giờ làm mất lòng tin của nhân dân hết trơn rồi. Bây giờ, chừng nào giải quyết được rồi thì bà con mới hay thôi chứ bây giờ ông Mãi nói cũng không ai tin nữa".

Ông Nguyễn Thành Phong là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến 2021. Ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến 2020. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2011 đến 2018.

Hồi giữa tháng Bảy, bà Lê Thị The, một người dân Thủ Thiêm đấu tranh đòi đất suốt gần 20 năm, đã qua đời khi tâm nguyện đòi lại đất vẫn chưa được toại nguyện.

Published in Việt Nam

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói với BBC rằng Hội đồng nhân dân "chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế người dân Thủ Thiêm" khi thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.

dan1

Ý kiến nói người dân Thủ Thiêm "đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm qua"

Ý kiến này được đưa ra trong lúc có tin chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sắp trình Hội đồng nhân dân thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.

"Trong lúc chờ trung ương kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã gặp người dân, xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, sắp tới trình Hội đồng nhân dân thông qua", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được tờ Người Lao Động dẫn lời.

Các báo ở Việt Nam không đưa thêm chi tiết về chính sách bồi thường được căn cứ trên cơ sở nào.

'Nghị quyết có hợp lòng dân ?'

dan2

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "Hội đồng nhân dân chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường".

Trả lời BBC hôm 10/7, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ trong vụ "ném giày ở Thủ Thiêm" năm ngoái, nói :

"Hội đồng nhân dân thực chất là một Quốc hội thu nhỏ tại các tỉnh thành. Là một cơ quan lập pháp có chức năng giám sát và thông qua các nghị quyết và chủ trương. Họ đại diện cho tiếng nói của người dân. Nên việc Hội đồng nhân dân đưa ra nghị quyết về chính sách đền bù mới là quyền được hiến định".

"Tôi nhấn mạnh là đền bù chứ không phải hỗ trợ. Vì đây là phần người dân đáng được nhận chứ không phải dân đi xin và Chính phủ "thương tình" nên cho. Nhưng chúng ta phải xem lại Hội đồng nhân dân dựa trên cơ sở nào để thông qua nghị quyết. Không thể để một nhóm người quyết định quyền lợi và số phận của hàng ngàn, hàng chục ngàn người theo tính chủ quan được".

"Muốn thông qua nghị quyết, trước tiên Hội đồng nhân dân phải lấy ý kiến của chính những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch giải tỏa ở khu Công nghệ cao quận 9 và cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây, tôi chưa thấy có sự thống nhất ý kiến giữa người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Hội đồng nhân dân thì nghị quyết thông qua đường nào ?"

dan3

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

"Có hợp lòng dân không ? Có đúng với giá trị tài sản người dân bị mất không ? Chỉ có người dân Thủ Thiêm mới có quyền được quyết định vận mệnh của họ. Hội đồng nhân dân chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế họ. Có vị nào trong Hội đồng nhân dân đã phải sống cuộc đời đau khổ của họ đâu ?"

"Với tư cách là một người theo đuổi và quan sát vụ việc này khá lâu. Tôi yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh giải quyết được đúng với những giá trị mà người dân đáng được nhận. Chính quyền thành phố phải biết tôn trọng người dân của mình chứ không phải giải quyết cho xong để "xếp xó".

"Người dân có trách nhiệm xây dựng đất nước chứ không phải làm mồi nuôi sống tham nhũng. Trong trường này cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và kết nối người dân của Hội đồng nhân dân đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Bà Thùy Dương cũng cho biết thêm :

"Đối với các quan chức sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nghĩ không chỉ là kỷ luật mà cần phải thanh tra, kiểm toán toàn diện quy hoạch, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc sai phạm khi thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước và người dân đã được thể hiện rất rõ".

"Ở Thủ Thiêm có rất nhiều nhóm dân khác nhau. Có nhóm người bị xua đuổi, có nhóm người bám trụ lại, có những người bị lưu lạc do chính sách đền bù... Họ đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm nay rồi. Tôi nghĩ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nên đưa ra các quyết sách phù hợp với từng nhóm khác nhau làm sao để đáp ứng được tinh thần nhân văn mà Quyết định 367 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt khi thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm".

'Tôn trọng sự thật'

Cũng trong hôm 10/7, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC :

"Quyền lợi của người dân Thủ Thiêm không thể giải quyết bằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Bởi Hội đồng nhân dân không phải là cơ quan hành chính nhà nước, cũng không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân chỉ có thể mang tính an sinh xã hội cho người dân Thủ Thiêm chứ không thể thay thế quyết định hành chính, phán quyết của tòa án".

"Quyền và lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm phải xem xét đánh giá một cách toàn diện. Các thiệt hại phải căn cứ vào số liệu, bằng chứng cứ và được xem xét đánh giá công khai chứ không thể bằng cảm tính của các đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu chính quyền Thành phố chỉ giải quyết quyền lợi của người dân Thủ Thiêm trên cơ sở của Nghị quyết Hội đồng nhân dân thì chẳng khác nào người dân bị buộc phải nhận tiền "bồi thường" như vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển trước đây".

"Trong vụ Thủ Thiêm theo tôi có hai nhóm sai phạm :

- Sai phạm gây thiệt hại trực tiếp cho người dân có đất bị thu hồi ;

- Sai phạm gây thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.

"Đối với các sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách, tài sản Nhà nước, có thể phải cần đến việc thanh tra vì những thông tin liên quan đến các sai phạm này người dân không thể kiểm tra, giám sát".

"Riêng đối với việc thu hồi đất ngoài phạm vi quy hoạch, sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích thương mại thì không cần vì không ai có thể thanh tra, giám sát tốt hơn người dân Thủ Thiêm. Việc này nó liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân Thủ Thiêm nên họ phải chuẩn bị đầy đủ thông tin và kiến thức để kiểm tra, giám sát".

"Khi người dân đưa ra cơ sở pháp lý và bằng chứng cho các cáo buộc của mình đối với chính quyền. Chính quyền có nghĩa vụ đưa ra các cơ sở pháp lý và bằng chứng hợp pháp để phản bác lại các cáo buộc của người dân".

"Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân".

"Với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không".

"Theo tôi, đảm bảo nguyên tắc công bằng thì toàn bộ lợi nhuận từ việc sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích kinh doanh thương mại phải được trả về cho những người dân Thủ Thiêm đủ điều kiện được tái định cư. Đối với đất ngoài quy hoạch bị thu hồi thì phải trả lại đất cho dân hoặc bồi thường theo giá thị trường hiện nay".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 11/07/2019

Published in Diễn đàn