Những ngày gần đây, Hà Nội xôn xao tin đồn Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã đạt được đồng thuận trong việc lựa chọn ứng viên cho vị trí Chủ tịch nước, vốn đã bị bỏ trống kể từ khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vào ngày 17 tháng 1. Ứng viên được chọn được cho là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng. Nếu mọi việc suôn sẻ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp vào ngày 1 tháng 3 để chính thức thông qua quyết định, và Quốc hội sẽ họp bất thường vào ngày hôm sau để bầu ông Thưởng làm chủ tịch nước. Vị trí hiện tại của ông Thưởng có thể được tiếp quản bởi bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hoặc ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông Võ Văn Thưởng được bầu làm chủ tịch nước
Dù nắm một số lợi thế trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cho là đã tự rút tên mình khỏi danh sách đề cử. Là một quan chức ngành công an, việc đề cử ông có thể đã vấp phải sự phản ứng từ các thành viên Bộ Chính trị khác, những người có thể lo ngại về ảnh hưởng quá lớn của bộ máy công an lên hệ thống chính trị do Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một cựu quan chức công an. Việc bầu ông Lâm cũng có thể bị một số chính phủ Châu Âu đánh giá tiêu cực và gây khó khăn cho các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khi đó đang chạy trốn sang Đức để tránh bị truy tố về các tội danh tham nhũng, đã bị "bắt cóc" ngay giữa ban ngày ở Berlin và bị đưa về Hà Nội để xét xử. Phẫn nộ trước vụ việc này, chính phủ Đức đã tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời được cho là đã đưa ông Lâm vào "danh sách đen" do bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc.
Do đó, sự rút lui của ông Lâm đã mở đường cho sự trỗi dậy của ông Thưởng, người đến từ tỉnh Vĩnh Long. Sinh năm 1970, ông Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất và vẫn còn cả một đường băng sự nghiệp dài phía trước. Do đó, một số nhà phân tích, bao gồm cả tác giả bài viết này, tin rằng ông có thể đợi đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026 để được đề bạt lên cao hơn nữa, qua đó tạo cơ hội cho các quan chức cấp cao khác được thăng chức lần này.
Tuy nhiên, quyết định thăng chức cho ông Thưởng sớm hơn dự kiến dường như đã được định hình bởi một số cân nhắc khác. Đảng có thể đã muốn khôi phục lại thông lệ có sự cân bằng vùng miền trong bốn vị trí thuộc hàng "tứ trụ", gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Kể từ tháng 4 năm 2021, không có chính trị gia miền Nam nào nằm trong nhóm "tứ trụ".
Quan trọng hơn, ông Thưởng được coi là đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người được cho là được ông Trọng lựa chọn trong vai trò kế nhiệm vị trí tổng bí thư. Do đó, việc ông Thưởng được bầu vào vị trí chủ tịch nước có thể tạo thuận lợi cho kế hoạch này. Sự xuất hiện của một chính trị gia từ một phe khác có thể làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13, Đảng đã không bầu được nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông Trọng bất chấp vấn đề tuổi tác, sức khỏe và mong muốn nghỉ hưu của cá nhân ông Trọng. Kết quả là ông phải tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, trái với nguyên tắc không ai được nắm vị trí tổng bí thư hai nhiệm kỳ liên tiếp quy định trong Điều lệ Đảng. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện tại của ông Trọng là xây dựng được một kế hoạch kế nhiệm thành công. Một thất bại khác trong việc chỉ định người kế nhiệm ông sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lãnh đạo nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của chế độ. Do đó, quyết định thay thế ông Phúc bằng ông Thưởng trong vai trò chủ tịch nước và hoàn tất tiến trình bầu cử ngay trong tuần này, thay vì đợi đến khi Quốc hội họp phiên thường kỳ vào tháng 5, có thể được coi là một cách để đẩy nhanh kế hoạch kế nhiệm của ông Trọng.
Một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là khi nào ông Trọng sẽ bàn giao chức vụ của mình cho ông Huệ, đặc biệt là nếu xem xét tình hình đang diễn ra xung quanh Thủ tướng Chính. Trước đây từng được coi là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng bí thư nếu ông có thể tại vị cho đến năm 2026, ông Chính gần đây đã chịu nhiều áp lực vì bị cho là có quan hệ thân thiết với nữ doanh nhân, chủ tịch công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đã bị kết án 30 năm tù vắng mặt vì liên quan đến một số vụ bê bối tham nhũng lớn.
Trong trường hợp ông Chính chịu thua trước áp lực và chấp nhận từ chức, có thể nảy sinh hai kịch bản. Trong kịch bản thứ nhất, ông Huệ có thể đảm nhận vị trí thủ tướng và phục vụ trong vai trò này cho đến đại hội đảng tiếp theo vào năm 2026, khi ông sẽ kế nhiệm ông Trọng. Trong kịch bản thứ hai, ông Trọng có thể bàn giao chức vụ tổng bí thư cho ông Huệ ngay sau khi ông Chính từ chức. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ sớm có một ban lãnh đạo hoàn toàn mới, với ông Huệ làm tổng bí thư, ông Thưởng làm chủ tịch nước, và hai nhân vật cấp cao khác được bổ nhiệm vào các vị trí thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Dù xảy ra theo kịch bản nào, một cuộc chuyển giao quyền lực như vậy sẽ khép lại "công việc dở dang" từ Đại hội Đảng lần thứ 13, khi việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao không diễn ra theo như dự kiến của ông Trọng, dẫn đến một dàn xếp bất thường. Nó cũng sẽ chấm dứt sự bất định chính trị xoay quanh bộ máy lãnh đạo quốc gia, giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài. Với ít vấn đề chính trị nội bộ hơn, ban lãnh đạo mới sẽ có thể tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, đặc biệt là tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính cũng như quá trình cấp phép các dự án bị trì hoãn, điều đã khiến các nhà đầu tư chán nản trong những năm gần đây.
Nhìn từ góc độ đó, việc ông Thưởng được bầu làm chủ tịch nước trong tuần này, cũng như mong muốn của Đảng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực trong thượng tầng lãnh đạo, sẽ là những tin tức đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài của Việt Nam.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/03/2023
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được phát hành ngày 28/02/2023 trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.
Ai sẽ là tân chủ tịch nước Việt Nam ?
Carl Thayer, Đức Tâm, RFI, 23/02/2023
Ngày 17/01/2023, trong phiên họp bất thường, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã chấp thuận cho ông Nguyễn Xuân Phúc "xin thôi" chức chủ tịch nước. Trong những tuần vừa qua, theo nhiều nguồn tin không chính thức, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam sẽ triệu tập Ban chấp hành trung ương vào cuối 02/2023 để chỉ định ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước. Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức thông qua quyết định bổ nhiệm này trong kỳ họp vào tháng 05/2023.
Ông Võ Văn Thưởng trong phiên bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/02/2021. © AP
Ngày 20/02/2023, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, đưa ra một số nhận định trong bài "Việt Nam sẽ chỉ định tân chủ tịch nước". RFI xin giới thiệu.
---------oOoo--------
Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, ngày 18/01/2023, Quốc hội Việt Nam đã chấp thuận cử phó chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân, làm quyền chủ tịch cho đến khi có chủ tịch mới.
Theo các nguồn tin không chính thức tại Hà Nội, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã họp cách nay 6 ngày (14/02) và đã đạt được đồng thuận về một ứng viên cho chức chủ tịch nước.
Tân chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm chức vụ cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện nay, vào năm 2026.
Các nguồn tin tại Hà Nội cho biết là ông Tô Lâm đã từ chối đề xuất ông làm ứng viên và muốn tiếp tục làm bộ trưởng Công an cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hai. Ông Lâm sinh tháng 07/1957 và sẽ 66 tuổi vào đầu năm 2026, lúc dường như sẽ có Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14. Theo các quy định hiện hành, ông Lâm chỉ có thể đảm nhiệm cùng một chức vụ trong hai nhiệm kỳ và sẽ phải nghỉ hưu ở tuổi 65, trừ phi có chấp thuận miễn áp dụng đối với "trường hợp đặc biệt".
Việc ông Tô Lâm rút lui xóa tan những đồn đoán của giới chuyên gia nước ngoài về Việt Nam, theo đó, bộ máy công an đang thống trị tại Việt Nam.
Sau khi ông Phúc từ chức chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dường như đã bị các quan chức cao cấp trong Đảng chỉ trích là ông đã làm quá mạnh tay và quá nhanh trong chiến dịch chống tham những khi ông đề xuất những biện pháp (kỷ luật) đối với thủ tướng Phạm Minh Chính dựa trên những cáo buộc tham nhũng nhắm vào các thành viên gia đình ông Chính.
Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ được triệu tập họp vào các 27 và 28/02 để xem xét quyết định của Bộ Chính trị đề xuất ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước. Vận mệnh chính trị của thủ tướng Chính dường như bị treo lửng.
Ông Thưởng sinh tháng 12/1970 ở tỉnh Hải Dương (miền Bắc), là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất. Lý lịch chính thức ghi ông quê quán tỉnh Vĩnh Long (miền Nam). Là sinh viên chuyên ngành Triết học Marx-Lenin, ông tốt nghiệp cử nhân Triết học Marx-Lenin và sau đó tốt nghiệp Lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trước khi giữ vai trò chính trị ở tầm mức quốc gia, ông Thưởng đã trải qua hai thập niên phụ trách các vấn đề sinh viên và thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là ông giữ chức bí thư Thành đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Thưởng lần đầu tiên có vai trò ở cấp độ quốc gia khi được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 04/2006 và được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 2011, ông được bầu làm ủy viên Ban chấp hành trung ương và được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 08/2011 đến tháng 04/2014. Sau đó, Bộ Chính trị bổ nhiệm ông làm phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2015-2020).
Năm 2016, ông Thưởng được bầu lại làm ủy viên Ban chấp hành trung ương và lần đầu tiên, làm ủy viên Bộ Chính trị. Ông được bổ nhiệm làm bí thư Ban chấp hành trung ương và trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Tháng 02/2021, ông tái đắc cử ủy viên trung ương và ủy viên Bộ Chính trị và được chỉ định làm Thường trực Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương.
Ông Thưởng là một quan chức Đảng "trung kiên" và thuộc nhóm cộng sự thân tín thu hẹp của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đồng thời là phó Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và các tiêu cực. Nếu Ban chấp hành trung ương Đảng chấp thuận việc chỉ định ông Thưởng, tên của ông sẽ chính thức được trình lên Quốc hội để bầu làm chủ tịch nước vào quãng ngày 20/05/2023.
Khi Đại hội Đảng lần thứ 14 họp vào năm 2026, ông Thưởng xấp xỉ 56 tuổi và có thể sẽ "phục vụ" thêm một thập niên nữa ở chức vụ cao nhất trong Đảng. Nếu làm tốt vai trò chủ tịch nước, ông Thưởng sẽ là một ứng viên đương nhiên, thay thế ông Trọng làm tổng bí thư Đảng.
Đức Tâm tóm lược
Nguồn : RFI, 23/02/2023
*************************
Võ Văn Thưởng chém gió, ló ra "bạch tuộc triệu vòi"
Thu Phương, Thoibao.de, 23/02/2023
Được chọn cho chức Chủ tịch nước khi chỉ mới 53 tuổi, ông Võ Văn Thưởng sẽ là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất của chính quyền cộng sản. Khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, Võ Văn Thưởng chủ yếu là thực hiện các công việc mang tính nghi thức. Đi công du nước ngoài và tiếp khác quốc tế, ký khen tặng hoặc ký thăng quân hàm, theo lời đề nghị của phía Công an hoặc Quân đội v.v.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư sẽ được đề cử chức vụ Chủ tịch nước khi chỉ mới 53 tuổi, ông Võ Văn Thưởng sẽ là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất của chính quyền cộng sản
Ông Võ Văn Thưởng có 5 năm làm ở Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Công việc của ông Thưởng khi đó, nói theo đúng nghĩa nhất là "chăn dắt báo chí". Nếu thông tin bất lợi thì cấm, còn thiếu những thông tin có lợi thì chỉ đạo báo chí viết bài tô hồng cho chế độ.
Chế độ này cho rằng, làm Tuyên giáo là phải biết nghe nói xuôi lẫn nói ngược. Tuy nhiên, thực tế thì Tuyên giáo không bao giờ chịu nghe nói ngược. Nếu Tuyên giáo mà chịu nghe nói ngược, thì Thoibao.de đã không bị tấn công liên tục với những cách hèn hạ nhất. Họ dùng lực lượng phá hoại chuyên tấn công tin tặc vào website, và dùng đội ngũ 47 được nuôi bằng tiền dân để liên tục phá hoại kênh của Thoibao.
Thực tế, làm Tuyên giáo là nói xuôi lẫn nói ngược đều phải thật thành thạo, để bảo vệ Đảng cộng sản bằng mọi giá. Vì thế mà ở Việt Nam, đa phần người dân vẫn đói thông tin trung thực mà ngập tràn những thông tin dối trá do Ban Tuyên giáo nặn ra.
Mới đây, ông Võ Văn Thưởng lại lên báo, tung ra những lời nói mị dân để ru ngủ xã hội. Ông Võ Văn Thưởng nói rằng, "’Ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác". Ý của ông Võ Văn Thưởng là, Đảng ngoài chăm lo cho lợi ích cho dân, thì không chăm lo cho lợi ích nào khác. Vậy thì người dân có thể đặt câu hỏi, Đảng chỉ chăm lo lợi ích cho dân, không chăm lo lợi ích cho mình, thì tại sao ông Tô Lâm cho con gái ông ta du học Anh mỗi năm trăm ngàn đô ? Sao ông Tô Lâm không để số tiền đó phục vụ cho dân ?
Hay mới đây, người ta phát hiện con gái ông Vương Đình Huệ là Vương Hà My cũng du học Mỹ, với chi phí hàng trăm ngàn đô mỗi năm. Tại sao ông Vương Đình Huệ không dùng tiền đó lo cho dân ? Hay như ông Nguyễn Tấn Dũng cho 3 đứa con của ông du học Âu Mỹ nữa. Đảng chăm lo cho hạt giống đỏ, còn người dân bị mắc kẹt tại xứ người trong đại dịch, thì Đảng cho trấn lột không thương tiếc.
Có một thực tế rất rõ là, những hạt giống đỏ được đi du học là bởi tiền của dân chứ không phải tiền ai khác. Vậy thì, Đảng lo cho dân, tại sao Đảng lại bòn rút tiền dân để cho những hạt giống đỏ được hưởng ? Vậy câu nói "Ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác" phải hiểu như thế nào mới đúng ? Phải chăng nên hiểu rằng : Ngoài quyền lợi của dân bị Đảng tước đoạt, thì Đảng không tước đoạt của ai khác". Sự thật rất rõ là, người dân nai lưng ra làm lụng vất vả để Đảng đánh thuế, và nhờ tiền từ thuế dân quan chức xà xẻo tư túi. Cuối cùng, quyền lợi của dân chui vào túi Đảng rồi sau đó rót vào túi tham của quan chức.
Với bộ máy tham ô rộng khắp như hiện nay, có thể ví Đảng như là con bạch tuộc triệu vòi. Những vòi đó sẽ thọc vào cơ thể từng người dân một, để hút cạn sinh khí. Và đó là cơ chế hiện nay. Người dân dưới chế độ này bị tước đoạt đủ thứ. Doanh nghiệp chân chính bị những bọn quan tham hạch sách làm luật đòi chung chi, từ đó nó làm cho các doanh nghiệp Việt èo uột khó phát triển. Nền kinh tế Việt Nam dù được tô hồng bằng những con số tăng trưởng cao, nhưng cuối cùng, đời sống người dân thì lại không tương xứng. Ngược lại hoàn toàn.
Ông Võ Văn Thưởng lên chức Thường trực Ban Bí thư, ông cũng đã dùng chiêu này "chém gió mị dân", ông đã làm thời còn là Trưởng Ban Tuyên giáo. Sắp tới, ông Võ Văn Thưởng có thể sẽ là một ông Chủ tịch nước chuyên đi ba hoa khoác lác mà thôi.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/02/2023
**************************
Tổng miệt mài vây và công, Chính "lì đòn", Huệ "thỏ đế", Thưởng "công tử bột"
Thu Phương, Thoibao.de, 22/02/2023
Theo nguồn tin khả tín mà Thoibao.de có được là ngày 27/2 tới đây, Trung ương Đảng lại có kỳ họp bất thường để phân chia quyền lực. Đây là cột mốc chính thức đánh dấu phe Tổng chiếm 75% trong Tứ Trụ. Ông Phạm Minh Chính đang trong thế "thập diện mai phục" do phe ông Tổng bày ra. Liệu rằng ông Phạm Minh Chính có bị đẩy ngã hay không ?
Trụ Phạm Minh Chính được đánh giá khá vững
Thực tế, phe ông Nguyễn Phú Trọng đã chiếm ưu thế trong Tứ Trụ là sự thật, tuy nhiên, một nhà phê bình trong nước đánh giá là, dù cho ghế Chủ tịch nước là người của ông Tổng bí thư, nhưng thực chất, ghế này hữu danh vô thực, không tăng cường sức mạnh cho ông Tổng bí thư là bao. Còn ghế Chủ tịch Quốc hội thì lại được đánh giá là ghế cơ hội. Ông Vương Đình Huệ bị người này gọi là "thỏ đế", vì cứ ngồi "nấp sau bụi rậm", đợi tàn cuộc rồi nhảy ra đánh chén. Từ năm 2015, ông Vương Đình Huệ chưa cho thấy sức mạnh gì đáng kể, ngoài việc trốn tránh, chỉ ló ra khi đã xong việc.
Đánh giá về Võ Văn Thưởng thì người này cho rằng, ông Thưởng là công tử bột. Người này còn nói "chữ thưởng đi với chữ hưởng một vần". Nghĩa là Võ Văn Thưởng chỉ có hưởng. Làm chính trị kiểu công tử bột, được người khác dọn sẵn rồi chỉ việc ngồi vào bàn đánh chén, mà không hề biết chiến đấu gì.
Đấy là mẫu người trong Tứ trụ. Phe ông Nguyễn Phú Trọng sắp tới sẽ có 3 người trong Tứ Trụ là Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ, và Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng được xem là "kẻ ăn bám" ông Tổng bí thư, không làm cho ông Phạm Minh Chính phải e ngại. Người được đánh giá cao sau ông Nguyễn Phú Trọng chính là Phạm Minh Chính. Người này đánh giá Phạm Minh Chính "lì đòn", không dễ để ông Nguyễn Phú Trọng xô ngã.
Vương Đình Huệ bị đánh giá là "thỏ đế"
Ngày 12/1, ông Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, các sai phạm của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) liên quan địa phương nào, bộ ngành nào, các cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ để xử lý. Một số nhà quan sát đang theo dõi, xem Ban Nội chính có sờ vào những mối quan hệ giữa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với quân đội hay không, vì nó liên quan đến số phận chính trị của ông Phạm Minh Chính. Tiếp theo đó là ngày 20/1, ông Phan Đình Trạc tuyên bố một câu xanh rờn, "Xử lý nghiêm minh cả cán bộ cao cấp, tướng trong lực lượng vũ trang" nhưng rồi cũng chẳng thấy tướng tá quân đội nào dính.
Việc ông chủ lò xua quân đánh vào những sai phạm của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, cứ như ông tấn công vào trụ thép vậy, không suy chuyển gì cả. Cho tới nay, việc bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bế tắc. Ông Tô Lâm không biết lần mò đầu mối nào để tóm được bà Nhàn về quy án. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở nước ngoài cứ chơi trò "vuốt râu hùm" với Tô Lâm, mà chẳng ngán ngại gì ?
Ông Nguyễn Phú Trọng là trụ mạnh nhất, tuy nhiên, tuổi tác của ông đã già. Ông muốn dọn đường cho Vương Đình Huệ hưởng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy làm gì để cho trụ Thủ tướng có thể đổ được. Ông Phạm Minh Chính là Thủ tướng không đi lên từ Phó Thủ tướng Thường trực, như thế mới thấy, ông này cao thủ như thế nào. Nếu không công phá được trụ Thủ tướng, thì ông Phạm Minh Chính sẽ cạnh tranh với ông Vương Đình Huệ để giành ghế Tổng bí thư sau hơn 2 năm nữa. Lúc đó, rất khó để Vương Đình Huệ vượt qua được Phạm Minh Chính.
Những vụ án như Chuyến bay giải cứu và Việt Á có liên quan đến 2 đời Thủ tướng. Vậy mà ông cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì ngã, còn Phạm Minh Chính thì không. Không biết sắp tới, ông Nguyễn Phú Trọng có thay đổi chiến thuật gì không ? Nếu cứ như hiện nay thì khó làm gì ông Phạm Minh Chính. Còn riêng hai nhân vật kia, một là "thỏ đế", một là "công tử bột", ắt cũng không phụ giúp gì nhiều cho ông Tổng bí thư.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 22/02/2023
Trịnh Hữu Long, Luật Khoa, 07/04/2021
Ở Việt Nam, chức chủ tịch nước như một người lái tàu không được cầm vô lăng.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng duy nhất của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc nổi tiếng với việc biến rất nhiều tỉnh, thành phố thành… "đầu tàu". Khi thì "đầu tàu kinh tế", lúc thì "đầu tàu phát triển". Nay, chính ông trở thành đầu tàu khi nhận lãnh chức chủ tịch nước – vị trí mà về pháp lý là nguyên thủ quốc gia.
Nhưng cũng giống như rất nhiều đầu tàu mà ông đã gắn nhãn mác mấy năm qua, vị trí đầu tàu của ông thực ra không phải là đầu tàu. Ông sẽ ngồi làm việc ở tòa dinh thự Pháp cổ có tuổi đời hơn một trăm năm ở số 2 Hùng Vương, Hà Nội, nơi các vị toàn quyền Pháp và vị chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngồi, nhưng sẽ không có bao nhiêu quyền lực.
Chủ tịch nước xưa nay thường nằm trong Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thường thôi, không phải lúc nào cũng vậy. Trường hợp cá biệt là Tôn Đức Thắng, người kế nhiệm Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1981. Ông chỉ là ủy viên trung ương đảng.
Vị chủ tịch nước quyền lực nhất trong lịch sử chắc hẳn là Hồ Chí Minh, người nắm chức vụ này từ năm 1946 đến tận khi qua đời năm 1969, nghĩa là hơn 23 năm. Nhưng trong thời kỳ quyền lực nhất của mình, Hồ Chí Minh cũng nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, lại kiêm cả vị trí thủ tướng tới năm 1955. Từ 1955 đến 1960, ông thôi chức thủ tướng, nhưng nắm hai vị trí chủ tịch đảng lẫn tổng bí thư. Từ 1960 trở đi thì ông chỉ còn là chủ tịch đảng, chủ tịch nước, và với việc Lê Duẩn nổi lên và khuynh loát quyền lực, Hồ Chí Minh không còn là trung tâm của đời sống chính trị nữa. Kể từ đây, chủ tịch nước dần trở thành một vị trí nặng tính lễ nghi.
Tôn Đức Thắng, với việc không được bầu vào Bộ chính trị, dĩ nhiên nắm chức chủ tịch nước mà không có ảnh hưởng gì nhiều. Người kế nhiệm ông, Võ Chí Công, mới lại là ủy viên Bộ chính trị. Nhưng khi đó, người ta không gọi là chủ tịch nước, mà là chủ tịch Hội đồng Nhà nước, một thiết chế nguyên thủ tập thể, tương tự cơ chế lãnh đạo tập thể của Hội đồng Bộ trưởng, vốn là sản phẩm vay mượn từ Liên Xô và Đông Âu rồi bê nguyên vào Hiến pháp 1980.
Có lẽ người sau đó, Lê Đức Anh (1992-1997), mới thực sự xác lập được vị thế đáng kể hơn cho vị trí chủ tịch nước, khi vị trí này trở lại là một chức vụ lãnh đạo cá nhân, thay vì tập thể. Với ảnh hưởng lớn từ thời còn là bộ trưởng quốc phòng, ông Lê Đức Anh đã cùng với Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt hình thành nên cái mà nhà báo Huy Đức gọi là "tam nhân phân quyền". Thế "tứ trụ" lúc này chưa hình thành rõ rệt, mà phải đợi tới cuộc chuyển giao quyền lực năm 1997 mới thực sự được xác lập.
Từ trái qua : Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt. Ảnh : TTXVN/ Tất Định/ Wikimedia.
Nhưng gọi "tứ trụ" là chỉ trật tự quyền lực trong đảng là chính, còn vị trí chủ tịch nước, trong một chính thể đại nghị như Việt Nam, lại chỉ mang tính lễ nghi, hình thức chứ không có mấy thực quyền.
Thể chế đại nghị có đặc trưng là người đứng đầu nhà nước (nguyên thủ) không phải là người đứng đầu nội các. Điển hình là ở hầu hết các nước Châu Âu, người đứng đầu nội các là thủ tướng, cũng đồng thời là lãnh đạo phe đa số trong nghị viện ; còn người đứng đầu nhà nước là tổng thống hoặc vua, nữ hoàng. Ta thấy ở Đức, Bỉ, Đan Mạch, Anh đều có thủ tướng là nhà lãnh đạo chính trị trung tâm, chứ không phải tổng thống hay vua, nữ hoàng.
Việt Nam cũng tương tự. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, theo Hiến pháp là "người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại". Tuy vậy, người đứng đầu bộ máy hành chính quốc gia lại là thủ tướng, người có thực quyền rất rộng lớn như tôi đã phân tích ở bài "Thủ tướng chính phủ quyền lực như thế nào ?".
Hiến pháp trao cho chủ tịch nước một nhóm quyền hạn nghe thì có vẻ không đến nỗi ít ỏi, nhưng thực tế thì quả là ít ỏi. Các quyền đó bao gồm công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh ; có một ít quyền khá giống với quyền phủ quyết đối với pháp lệnh ; có khá nhiều quyền liên quan đến việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh cao nhất trong chính quyền ; và, trên hết, đó là quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
Nghe thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì quả là to tát, vì có súng trong tay. Nhưng các lực lượng vũ trang Việt Nam chưa bao giờ nằm trong tay chủ tịch nước, nó nằm ở Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương. Bí thư Quân ủy Trung ương thời gian gần đây bao giờ cũng là tổng bí thư, phó bí thư là bộ trưởng quốc phòng. Chủ tịch nước chỉ là ủy viên thường vụ. Duy chỉ có tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là làm tới bí thư Quân ủy Trung ương.
Bởi vậy nên chủ tịch nước không có súng. Tiền cũng không, vì quyền hành với ngân sách quốc gia lại nằm ở thủ tướng. Quyền hành của chủ tịch nước, do vậy, nằm chủ yếu ở việc ký các quyết định thăng cấp trong quân đội, quyết định khen thưởng, quyết định liên quan đến quốc tịch, quyết định liên quan đến đặc xá, các quyết định liên quan đến lễ tân ngoại giao, v.v.
Quyền hạn vốn đã ít ỏi, các chủ tịch nước Việt Nam từ sau Hồ Chí Minh lại chưa bao giờ thực thi hết quyền hạn của mình trong những vấn đề gai góc, chẳng hạn như quyền cách chức một số vị trí cấp cao trong chính quyền và quân đội, hay quyền phủ quyết với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dù đã chuyển từ chế độ nguyên thủ tập thể (Hội đồng Nhà nước) sang chế độ nguyên thủ cá nhân, chủ tịch nước vẫn chỉ là người thay mặt một tập thể để công bố quyết định, chứ không có quyền hạn chủ động rộng rãi như thủ tướng.
Có lẽ quyền lực thực sự của vị trí chủ tịch nước lại nằm ở việc người nắm giữ nó có chân trong Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương. Nếu không chen được vào hai cơ quan này thì chủ tịch nước thực sự chỉ là bù nhìn thuần túy. Vậy nên, khi xét đến quyền lực thực sự của một lãnh đạo chính trị Việt Nam, người ta không thể chỉ xét đến quyền lực theo pháp luật, mà quan trọng hơn là phải xét đến quyền lực trong đảng và sức ảnh hưởng cá nhân của người đó.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu đầu tàu cho rất nhiều tỉnh, thành mà có lẽ chính bản thân lãnh đạo các tỉnh, thành đó cũng chẳng hiểu họ làm đầu tàu ở chỗ nào. Nay thì chính ông lại rơi vào một vị trí mà chính danh ngôn thuận là đầu tàu, nhưng lại cũng chẳng phải là đầu tàu.
Trịnh Hữu Long, Luật Khoa, 06/04/2021
Trong tứ trụ, thủ tướng là vị trí có cả danh tiếng lẫn thực quyền.
Chính phủ – cơ quan hành pháp cao nhất của chính quyền – vừa có lãnh đạo mới : ông Phạm Minh Chính, một cựu quan chức tình báo công an, cựu trưởng ban tổ chức trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở bài "Vài điều bạn cần biết về vị trí chủ tịch Quốc hội", tôi có nói về việc hình thành cơ chế phân chia quyền lực "tứ trụ", bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch Quốc hội.
Nếu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội, dù nằm trong nhóm bốn người quyền lực nhất trong thang bậc quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đảm nhiệm những vị trí mang tính hình thức, nghi lễ bên phía chính quyền, thì thủ tướng lại là vị trí có cả tiếng lẫn miếng, nghĩa là có thực quyền rộng rãi trong hệ thống chính quyền.
Thủ tướng từng là một vị trí không có thực quyền đáng kể. Trước thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1991-1997), các vị thủ tướng gần như không để lại dấu ấn gì, ngoại trừ Hồ Chí Minh – người làm chủ tịch nước kiêm thủ tướng từ 1946 đến 1955. Các thủ tướng sau đó như Phạm Văn Đồng (1955-1987), Phạm Hùng (1987-1988), Đỗ Mười (1988-1991) đều đương chức trong thời kỳ chính quyền được điều hành, quản lý bằng chỉ thị của đảng là chính, thay vì bằng các công cụ hành pháp. Nó cũng trùng với thời kỳ Hồ Chí Minh và Lê Duẩn có ảnh hưởng cá nhân khuynh loát trong đảng, khiến cho các thiết chế và vị trí khác, kể cả thủ tướng, trở nên lép vế.
9 gương mặt từng giữ chức thủ tướng Việt Nam. Đồ họa : Báo Công an.
Bên cạnh đó, từ Hiến pháp 1980 thì người ta không gọi là chính phủ mà gọi là Hội đồng Bộ trưởng, với chức thủ tướng đổi thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đây là cơ chế hành pháp tập thể, với quyền hạn của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rất hạn chế. Đến Hiến pháp 1992 thì họ quay trở lại cơ chế chính phủ với thủ tướng đứng đầu, tập trung nhiều quyền lực hơn hẳn vào thủ tướng, thay vì quyết định tập thể như xưa. Võ Văn Kiệt là người đầu tiên được hưởng cơ chế mới theo Hiến pháp 1992 này.
Với việc cải cách kinh tế sâu rộng, vai trò điều hành, quản lý của chính phủ ngày càng lớn hơn để có thể phản ứng với tình hình trong nước và quốc tế nhanh hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Điều này cũng là để phù hợp hơn khi công tác đối ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong thời kỳ toàn cầu hóa. Vị trí thủ tướng, do đó, trở nên cực kỳ quyền lực. Nguyễn Tấn Dũng (2006-2016) được cho là thủ tướng quyền lực nhất từ trước tới nay và từng cạnh tranh thực quyền khốc liệt với vị trí tổng bí thư.
Có thể coi mô hình tổ chức chính quyền trung ương ở Việt Nam là chế độ đại nghị, với vai trò trung tâm (về lý thuyết) thuộc về Quốc hội. Cử tri bầu ra các đại biểu Quốc hội, và Quốc hội bầu ra các vị trí lãnh đạo trong chính quyền, trong đó có thủ tướng. (Dĩ nhiên, mọi người cũng biết ai thực sự "bầu" ra các đại biểu Quốc hội và thủ tướng.) Thủ tướng phải là đại biểu Quốc hội.
Thông thường, việc bầu thủ tướng diễn ra vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra sau tổng tuyển cử, và tổng tuyển cử thì lại diễn ra sau đại hội đảng. Tới 2016 thì xảy ra một việc bất thường là Quốc hội bầu thủ tướng mới vào kỳ họp cuối cùng của khóa mình vào tháng Tư, tức là trước tổng tuyển cử hơn một tháng. Sau tổng tuyển cử, Quốc hội khóa mới lại lặp lại quy trình bầu thủ tướng một lần nữa. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức hai lần vào năm 2016. Ông Phạm Minh Chính gần như chắc chắn cũng vậy.
Ông Phạm Minh Chính từ vị trí trưởng ban tổ chức trung ương của đảng sang giữ chức thủ tướng, còn ông Nguyễn Xuân Phúc từ thủ tướng chuyển sang làm chủ tịch nước. Việc chuyển giao quyền lực diễn ra trước tổng tuyển cử hơn một tháng. Ảnh : VnExpress.
Quyền hạn của thủ tướng chính phủ được quy định tại Điều 98 của Hiến pháp và Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ (ban hành năm 2015, sửa đổi năm 2019).
Với tư cách là nhân vật đứng đầu toàn bộ bộ máy hành chính quốc gia, vị trí này có thẩm quyền trải rộng từ thực thi pháp luật tới tổ chức bộ máy nhân sự và đề xuất, cấp phát ngân sách.
Với bản chất là một nhà nước đơn nhất, trong đó chính quyền trung ương có thẩm quyền chi phối, quyền lực của thủ tướng trải dài từ trung ương tới các tỉnh, thành địa phương.
Không chỉ có thẩm quyền riêng, thủ tướng còn có thẩm quyền đối với các quyết định, nghị quyết của tập thể nội các nói chung.
Chi tiết, xin xem trong hai văn bản kể trên. Ở đây, tôi xin liệt kê vài quyết định của thủ tướng để chúng ta hình dung mức độ ảnh hưởng của vị trí này trong lĩnh vực kinh tế :
- Về đất đai : có quyền thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia ; chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên, từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên ; quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các trường hợp đặc biệt ; quyết định bảng giá đất cấp tỉnh trong một số trường hợp ; quyết định một số trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất ; v.v…
- Về đầu tư : có quyền chấp thuận chủ trương đầu tư lớn như sân bay, cảng, chế biến dầu khí, khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất ; có quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông… từ 400 tỷ đồng trở lên và các dự án khác có vốn từ 800 tỷ đồng trở lên ; v.v…
Chưa. Về thứ bậc quyền lực trong đảng, tổng bí thư vẫn là người đứng đầu và nhìn chung là có quyền lực cao nhất.
Xưa nay, chưa có thủ tướng nào lên được tổng bí thư, trừ trường hợp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Hầu hết làm một hoặc hai nhiệm kỳ rồi nghỉ hưu, cá biệt trường hợp Nguyễn Xuân Phúc làm một nhiệm kỳ rồi xuống vị trí chủ tịch nước, một vị trí được cho là kém quyền lực hơn nhiều.
Bài này nói về quyền lực của thủ tướng, nhưng thực ra mới chỉ nói đến quyền lực theo quy định của pháp luật và trật tự quyền lực trong đảng. Cùng là vị trí đó, rơi vào những cá nhân khác nhau thì quyền lực sẽ khác nhau, tùy vào mức độ ảnh hưởng của người đó trong đảng.
Hay nói cách khác, quyền lực của một vị lãnh đạo là sự kết hợp giữa quyền lực thể chế và quyền lực cá nhân. Nếu thể chế trao quyền mà cá nhân lãnh đạo không đủ năng lực để mặc cho vừa chiếc áo đó thì cũng không có bao nhiêu quyền lực. Ngược lại, dù thể chế trao quyền hạn chế, một cá nhân có thể có ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ quyền lực thể chế của mình.
Trịnh Hữu Long
Nguồn : Luật Khoa, 06/04/2021
Việc ông Trọng kiêm nhiệm chủ tịch nước có thể chỉ là một giải pháp tạm thời, và hiện còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Đó là nhận định chung của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 22/10/2018.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước trước các đại biểu quốc hội ngày 23/10/2018. Reuters
Ngày 23/10/2018, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được các đại biểu quốc hội Việt Nam, với tỷ lệ phiếu lên tới 99,97%, bầu làm chủ tịch nước, thay thế cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời tháng trước. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì ông Trọng là ứng cử viên duy nhất, được Trung ương đảng "nhất trí" đề cử.
Ngay sau khi được bầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước và như vậy, kể từ nay ông sẽ đại diện Việt Nam tiếp các đoàn lãnh đạo nước ngoài và công du các nước với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Việc "nhất thể hóa" hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Có những người sợ rằng việc tập trung quyền lực của hai chiếc ghế vào tay một người sẽ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán. Những người khác thì nhấn mạnh đến cái lợi của việc một người nắm hai chức đó là giảm được chi phí của Nhà nước, tránh những phiền toái về lễ tân khi tổng bí thư công du nước ngoài.
RFI : Thưa anh Lê Hồng Hiệp, với việc nắm luôn chức chủ tịch nước, phải chăng là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thật sự thắng thế, làm chủ hoàn toàn sân khấu chính trị Việt Nam ?
Lê Hồng Hiệp : Có một thực tế là trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016, dường như có hai nhóm chính cạnh tranh với nhau, một nhóm do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn nhóm kia là do cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Tuy nhiên, sau Đại hội 12, với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu, hiện tại, bên trong bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam, quyền lực rất là tập trung và hầu như không còn tồn tại các phe nhóm đối lập hay tìm cách tranh giành quyền lực với nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng.
Chính vì vậy mà việc bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên làm chủ tịch nước không phải là một bước ngoặt trong cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, mà dường như là một sự kiện khẳng định sự áp đảo của quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như là của những người thân tín. Trước mắt, dường như đây là một giải pháp tạm thời và điều này có nghĩa là trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về sự cân bằng quyền lực trong nội bộ, ví dụ nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ chức vụ này đến cuối nhiệm kỳ và người kế nhiệm ông Trọng cũng nắm giữ hai chức vụ đó, dường như cấu trúc quyền lực sẽ tiếp tục sự tập trung.
Tuy nhiên, nếu chúng ta quay lại cấu trúc 4 người bên trong ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, với nhiều cực quyền lực hơn, thì nó sẽ dẫn tới khả năng là tranh giành quyền lực trong nội bộ có thể sẽ quay trở lại.
RFI : Việt Nam là một nước theo chế độ độc đảng, việc một lãnh đạo đảng nay nắm luôn chức chủ tịch nước có lợi gì, có hại gì về đối ngoại cũng như đối nội của Việt Nam ?
Lê Hồng Hiệp : Trước tiên cũng cần xác định dù là độc đảng hay một người nắm nhiều chức vụ, tất cả cuối cùng cũng sẽ quay lại việc ai là người cụ thể ở đây. Tốt hay xấu là phụ thuộc rất nhiều tính cách, chính sách, tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo cụ thể đó. Việc lãnh đạo đảng cầm quyền làm nguyên thủ quốc gia thì có lợi và cũng có thể là có hại. Cho nên trong thời gian đã có nhiều tranh luận và bản thân Đảng cộng sản Việt Nam, theo như tôi hiểu, cũng chưa nhất trí hoàn toàn về việc để cho một người nắm hai chức vụ này, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ 13 vào năm 2021, mặc dù trước mắt, dường như bên trong họ có sự đồng thuận về việc để cho ông Trọng nắm giữ hai chức vụ này, ít nhất là cho tới Đại hội đảng lần thứ 13.
Về cái lợi, khi mà cấu trúc quyền lực có sự tập trung cao, cơ chế hoạch định chính sách sẽ có hiệu quả hơn, các mâu thuẫn đấu đá trong nội bộ sẽ giảm bớt. Vì vậy, bộ máy chính trị, đặc biệt là cấp ra quyết định có thể hiệu quả hơn. Nó có thể giúp làm giảm các chi phí so với việc duy trì hai người ở hai vị trí khác nhau, với hai bộ máy khác nhau. Bên cạnh đó, về mặt lễ tân ngoại giao thì cũng giảm bớt những phiền toái so với việc ông Trọng chỉ là tổng bí thư chứ không phải nguyên thủ quốc gia.
Đấy là những mặt lợi coi như là trước mắt. Còn những mặt hại thì chúng ta cũng cần chờ xem, vì như tôi nói ở trên, nó phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân nhà lãnh đạo đấy, họ sẽ làm gì, tư duy như thế nào, có phục vụ cho lợi ích quốc gia và dân tộc hay chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ.
Nếu có sự tập trung quyền lực mà nhà lãnh đạo có bước đi sai lầm, mà quyền lực của họ không được kiểm soát hiệu quả, thì có thể dẫn tới những chính sách sai lầm, đưa cả đất nước đi vào tai họa. Mà không chỉ tai họa cho đất nước mà còn là tai họa cho chính đảng cầm quyền.
RFI : Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật bị xem là bảo thủ, thân Trung Quốc. Như vậy với việc ông nắm cả hai chức vụ, chính sách ngoại giao của Việt Nam có sẽ thay đổi ?
Lê Hồng Hiệp : Sẽ không có nhiều thay đổi, chính sách của Việt Nam sẽ được duy trì như lâu nay. Chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan về quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị lãnh đạo đảng. Bất kỳ lãnh đạo đảng nào, nhiệm vụ hàng đầu của người ấy chính là duy trì được sự tồn vong của đảng ấy. Thêm một bước nữa là duy trì được quyền lực của đảng trong bộ máy chính trị của đất nước. Trong một vị trí như vậy, xu hướng bảo thủ, thận trọng để bảo vệ sự tồn vong về quyền lực của đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đấy, chúng ta có thể lý giải vì sao bất cứ nhà lãnh đạo nào của Việt Nam từ trước đến nay ở vị trí tổng bí thư thì thông thường có xu hướng bảo thủ.
Đi kèm với xu hướng bảo thủ là xu hướng thân Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc dẫu sao cũng là đồng minh về mặt ý thức hệ của Việt Nam và như vậy thì vai trò, vị trí của chính trị gia đấy quy định xu hướng, chính sách của người đó, khác với vị trí thủ tướng. Thủ tướng ở Việt Nam lâu nay thông thường có xu hướng cởi mở, cải cách và tự do hơn một chút, đó là do chức năng của thủ tướng là thúc đẩy các chính sách kinh tế, xã hội. Để thực hiện các yêu cầu này thì yêu cầu người đó phải có tư duy đổi mới, cải cách nhiều hơn, chính vì vậy mà họ ít bảo thủ hơn so với vị trí tổng bí thư.
Nói một cách công bằng thì trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, xã hội. Về chính sách đối ngoại thì cũng không hẳn là quỵ lụy đối với Trung Quốc, mà thực tế đã có những bước đi tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc. Nếu không có sự đồng thuận của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ là đã không thực hiện được (những chính sách đó).
Chính vì vậy mà tôi cho rằng trong thời gian tới, việc ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ cả hai chức sẽ không có những tác động đáng kể về mặt chính sách đối ngoại và đối nội của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc.
RFI : Như vậy hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : Vâng, tôi nghĩ là hiện còn tương đối là quá sớm để khẳng định xu thế trong tương lai, ít nhất là trong những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, ông cũng nói rằng đây là một giải pháp tạm thời, trong bối cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột và ông được đề cử để nắm chức vụ ấy.
Điều này cho thấy là bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác của đảng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên hợp nhất hai chức vụ này hay không và quan trọng hơn là có nên kéo dài sự dàn xếp hiện tại đối với ông Trọng hay không ? Tức là sau Đại hội lần thứ 13 năm 2021, liệu người kế nhiệm ông Trọng có sẽ nắm hai chức vụ này hay không. Tôi nghĩ điều này thể hiện sự thận trọng của bản thân ông Trọng cũng như các lãnh đạo khác, do những mặt trái của những dàn xếp này, như tôi đề cập ở trên. Đồng thời, nền chính trị Việt Nam lâu nay có truyền thống đa nguyên hơn và cởi mở hơn Trung Quốc.
Chính vì vậy, việc thay đổi cấu trúc quyền lực hiện tại, cũng như cách thức vận hành của ban lãnh đạo cấp cao, tôi nghĩ là cần có một thời gian nhất định. Từ giờ đến Đại hội 13, người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước, để xem có nên tiếp tục duy trì sau Đại hội 13 hay không. Nếu họ muốn duy trì (cơ cấu này), ai sẽ là người được lựa chọn để thay thế ông Trọng ? Cả hai vấn đề đều chưa có lời giải ở thời điểm này. Tôi nghĩ là họ sẽ cần có thời gian hơn để quyết định và như vậy câu hỏi Việt Nam có sẽ theo mô hình của Trung Quốc hay không thì có lẽ cũng cần thời gian để kiểm chứng.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 29/10/2018
Ngày 23/10/2018 Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức "Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đây là một cột mốc đặc biệt không chỉ với Đảng cộng sản Việt Nam mà còn với cả 95 triệu người dân Việt Nam.
Ngày 23/10/2018 Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức "Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (TTXVN)
Trước hết ông Nguyễn Phú Trọng là ai ?
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông theo học khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội (1965-1967). Từ năm 1973-1976 làm nghiên cứu sinh về chính trị tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1981 sang Nga làm thực tập sinh và trở thành phó tiến sĩ (sau là tiến sĩ) "chuyên ngành xây dựng đảng". Năm 1992 ông là phó giáo sư và đến năm 2002 là giáo sư chính trị trường đảng Nguyễn Ái Quốc, cũng về chuyên ngành xây dựng đảng.
Tháng 12/1967 ông bắt đầu làm việc tại Tạp chí cộng sản rồi Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương từ năm 2001 đến 2006. Bí thư thành ủy Hà Nội (2000-2006), Chủ tịch quốc hội hai khóa (2006-2011). Tổng bí thư từ 2011 đến nay và từ ngày 23/10/2018 đảm nhận thêm chức chủ tịch nước thay chổ ông Trần Đại Quang vừa mới chết.
Như vậy ông Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước trong cùng một thời điểm. Nếu tính luôn cả chức vụ ông từng giữ là Chủ tịch quốc hội thì ông là người đầu tiên nắm giữ cả ba trong bốn vị trí quyền lực nhất tại Việt Nam.
Chúng ta đều biết là trong cơ chế lãnh đạo của Việt Nam thì Tổng bí thư là to nhất vì "đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối", chức Chủ tịch nước chỉ mang tính cách nghi lễ. Tuy nhiên theo qui định của Hiến pháp Việt Nam thì quyền hạn của Chủ tịch nước rất lớn, ví dụ Chủ tịch nước là "Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh…", Chủ tịch nước có quyền "Đề nghị quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết của quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ" (1).
Như vậy sau khi nắm giữ chức Chủ tịch nước thì quyền lực và quyền hạn của ông Nguyễn Phú Trọng là tuyệt đối, là đứng trên tất cả vì ông có thể bãi nhiệm "thủ tướng chính phủ" bất cứ lúc nào. Cũng như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, gọi Nguyễn Phú Trọng là "hoàng đế" Việt Nam cũng không có gì là quá đáng.
Người Việt Nam chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng giáo nên luôn đề cao những típ người "hành động", đề cao sự hy sinh và xông pha nơi chiến trường hay nơi đầu sóng ngọn gió. Văn hóa của người Việt không đề cao các nhà tư tưởng, triết gia và lý luận vì cho rằng "hành động" mới là quan trọng, lý thuyết suông không làm được gì…
Trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng rất thú vị vì không "thuận theo" cái văn hóa thông thường đó. Ông hoàn toàn là một con "mọt sách", cả đời ông chỉ đi học và sau đó làm việc trong các cơ quan chuyên về lý luận và xây dựng đảng. Ông chưa từng cầm súng ra trận cũng chưa từng nắm các chức vụ bên chính quyền. Dù vậy sự nghiệp của ông lại thăng tiến đều đều và luôn giữ những trọng trách cao nhất trong đảng. Hiện tại dù tuổi tác đã cao và trong lúc tình hình nội bộ của đảng cũng như của Việt Nam và cả thế giới đang rất khó khăn, phức tạp thì ông lại tiếp tục được "tín nhiệm" để nắm giữ gần như là mọi quyền hành của đảng.
Tại sao lại như vậy ? Tại sao lại là Nguyễn Phú Trọng mà không phải một người khác ? Tại sao không chọn một ông tướng bên quân đội từng vào sinh ra tử, hay một ông tướng công an nổi tiếng trấn áp giỏi, hoặc là một người biết làm ăn kinh tế đã từng phụ trách các tập đoàn lớn ?
Câu trả lời rất giản dị, giản dị tới mức mà nhiều người không nghĩ đó là câu trả lời : Hoạt động chính trị hoàn toàn khác với làm kinh tế hay đánh giặc.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã định nghĩa và nói rất rõ rằng "một đảng chính trị là công cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị đúng đắn và để thực hiện một dự án chính trị nghiêm túc". Một tổ chức chính trị dù cầm quyền hay đối lập cũng phải có một "Dự án Chính trị" để trình bày cho người dân hiểu và biết được tổ chức đó muốn gì, đề nghị những gì và họ sẽ làm như thế nào để thực hiện những đề nghị đó ?...
"Dự án chính trị" của Đảng cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia cộng sản phồn vinh, công bằng, không có bất công và nghèo đói đã hoàn toàn phá sản. Tuy nhiên vì không muốn mất quyền lực do quyền lợi từ việc độc quyền lãnh đạo mang lại quá lớn nên họ không muốn dân chủ hóa đất nước mà chỉ muốn kéo dài chế độ cộng sản hiện nay. Trong trường hợp đó thì người có hiểu biết nhất về chủ nghĩa cộng sản, người có niềm tin nhiều nhất vào chủ nghĩa cộng sản tất nhiên sẽ được lựa chọn. Nguyễn Phú Trọng có cả hai yếu tố đó.
Ngoài ra còn một vài yếu tố nữa như việc ông Nguyễn Phú Trọng là người tương đối ít bị tai tiếng về tham nhũng, con cái, gia đình. Ông không có con cái và tài sản ở nước ngoài như các ủy viên trung ương khác. Vợ con ông cũng sống kín tiếng và không giữ những chức vụ lớn như các ông khác.
Từ trước đến giờ cơ chế lãnh đạo của đảng là "tập thể lãnh đạo" và quyền lực được chia thành 4 nhánh, tức là "tứ trụ". Nay cơ chế đó bị thay thế bằng "nhất thể hóa", lý do khiến Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi và chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm "hoàng đế" là vì họ đã mất đồng thuận trên những giá trị nền tảng mà bất cứ tổ chức nào cũng phải có (2). Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn phá sản và trở nên nhảm nhí trong mắt các đảng viên của đảng. Họ chỉ còn cách đặt cược vào sự may rủi nơi ông Trọng.
Quá trình chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân trị là sự tất yếu dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của tất cả các chế độ độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam muốn và làm tất cả để ông Trọng trở thành nhà độc tài nhưng ông Trọng không có khả năng đó.
Một đặc điểm chung của các ông lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về thế giới quan và nhân sinh quan, mờ nhạt, thiếu viễn kiến, thiếu bản lĩnh và thiếu cả sự dũng cảm (để thay đổi). Ông Trọng cũng vậy. Ông là người ít tham vọng, hiền lành, mọt sách, cả đời chỉ đọc và biết đến một hệ tư tưởng duy nhất là chủ nghĩa cộng sản. Ông tin và xem chủ nghĩa cộng sản như là một tôn giáo nên không hoài nghi và không xét lại bao giờ. Mặc dù là giáo sư tiến sĩ nhưng hoàn toàn bị bó buộc trong tư tưởng Mác-Lê nên ông không biết gì về những thành quả tiến bộ của nhân loại trên mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tư tưởng, sự đề cao và tôn vinh những giá trị của con người. Cũng như các vị tiền bối lãnh đạo cộng sản khác, ông đã đưa Việt Nam dần dần lún sâu vào quĩ đạo của Trung Quốc.
Trí tuệ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có gì đặc sắc thông qua các phát ngôn "nổi tiếng" (3). Ông cũng không hề chuẩn bị và nghĩ là mình được chọn để làm một "nhà độc tài". Câu ông nói bị "bất ngờ" khi được Ban chấp hành Trung ương đảng đề cử tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ hai và giờ làm Chủ tịch nước là thật lòng.
Kể ra thì cũng tội nghiệp cho ông Trọng, ông muốn về nghỉ hưu mà cũng không được. Hơn ai hết, ông Trọng hiểu và biết rõ về khả năng của mình. Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ông nói rất thật lòng rằng : "Nhiệm vụ rất là nặng nề, rất khó khăn. Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu nên thực tình là rất lo".
Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc. Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển và giờ là đến lúc "hạ cánh" cho dù có Trump và cuộc chiến thương mại hay không. Trung Quốc đang và sẽ khủng hoảng nặng nề vì vậy không còn là chỗ dựa cho chính quyền Việt Nam. Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng đã bị Trung Quốc bỏ rơi. Việt Nam phải tự lo lấy cho mình. Việc tập trung quyền lực cho một người như ông Nguyễn Phú Trọng là một canh bạc rủi nhiều hơn may. Họ không còn sự lựa chọn nào khác. Lo lắng lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là sợ mất quyền lực, vì mất quyền lực là sẽ mất tất cả. Hơn ai hết, họ hiểu họ đã làm những gì và người dân nghĩ về họ như thế nào…
Tuy nhiên luôn luôn có giải pháp cho mọi vấn đề. Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người lãnh đạo tuyệt đối cũng có mặt tích cực nếu ban lãnh đạo đảng muốn thoát khỏi bế tắc và khủng hoảng như hiện nay. Hãy học cách làm của chính quyền quân sự Myanmar khi chọn hợp tác với một đảng đối lập có tầm vóc, thực chất và đứng đắn để cùng tìm ra một giải pháp chung cho đất nước. Sẽ không có ai bị mất đi cái gì mà các vấn đề của đất nước vẫn có thể giải quyết. Đảng cộng sản Việt Nam đang ở thế mạnh vì quyền lực đã nằm hết trong tay ông Trọng. Mọi thay đổi kể cả việc dân chủ hóa đất nước đều sẽ không gặp bất cứ sự phản đối nào trong nội bộ đảng như trước đây.
Ngoài việc "bắt tay" thực lòng với một tổ chức chính trị đối lập ra sẽ không còn bất cứ lối thoát nào cho Đảng cộng sản Việt Nam, càng để lâu thì sự phẫn nộ của dân chúng càng tích tụ và lớn dần, đến một lúc nào đấy sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và khi đó hậu quả thế nào thì ai cũng có thể hình dung được. Tất cả sẽ bị đổ vỡ và tung hê.
Thời gian và cảm tình dành cho Đảng cộng sản Việt Nam đã hết. Thế giới đang thay đổi rất nhanh và sâu sắc. Phong trào dân túy sẽ sớm chấm dứt và loài người sẽ bước vào một thời kỳ mới, một giai đoạn dân chủ và tự do thật sự. Các nước độc tài cuối cùng trên thế giới dù khổng lồ như Trung Quốc hay Nga cũng khó thoát bị làn sóng dân chủ thứ Tư quét đi.
Việt Hoàng
(25/10/2018)
(1) https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-co-nghia-vu-quyen-han-nhu-the-nao-20181023145101224.htm
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BA_Tr%E1%BB%8Dng
Việt Nam : Phản ứng về việc ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước (RFI, 24/10/2018)
Hôm 23/10/2018, ngay sau khi tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được Quốc hộii Việt Nam bầu làm chủ tịch nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Daniel J. Kritenbrink đã ra tuyên bố chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ sau khi được Quốc hộii bầu làm chủ tịch nước ngày 23/10/2018. Reuters/Kham
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hôm qua đã được các đại biểu Quốc hộii bầu làm chủ tịch nước với số phiếu lên tới 99,97%, chỉ có một đại biểu bỏ phiếu chống. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì ở Việt Nam, Quốc hộii làm theo lệnh của đảng và ông Trọng là ứng cử viên duy nhất, được Trung ương Đảng "nhất trí" đề cử. Như vậy là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thay thế cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời tháng trước.
Trong tuyên bố đưa ra ông qua, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink nhấn mạnh việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương Mỹ-Việt "đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết". Ông Kritenbrink tỏ ý mong muốn "tiếp tục làm việc chặt chẽ với chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhằm củng cố và mở rộng Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Ông Nguyễn Phú Trọng đã là tổng bí thư đầu tiên của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ và đã hội kiến tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào tháng 07/2015.
Trả lời hãng tin AFP hôm qua, giáo sư Zachary Abuza, National War College, Washington, cho rằng chính là nhờ chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng có thể nắm luôn cả chức chủ tịch nước, vì thật sự là ông đã dùng chiến dịch này để thanh trừng các đối thủ trong đảng.
AFP cũng ghi nhận là ông Trọng lên làm chủ tịch nước vào lúc chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, chỉ riêng trong năm nay đã bỏ tù hơn 50 người và theo các tổ chức nhân quyền, không có dấu hiệu gì cho thấy chiến dịch đàn áp này sẽ giảm cường độ.
Thanh Phương
*********************
Ông Trọng chính thức thành Chủ tịch nước với gần 100% phiếu bầu (RFA, 23/10/2018)
Ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào lúc 15 giờ ngày 23/10/2018 được Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu và chính thức trở thành tân Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018 - AFP
AFP loan tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu với 99,8%. Còn theo truyền thông trong nước dẫn công bố của Trưởng Ban Kiểm Phiếu thì có 477 trên tổng số 485 đại biểu quốc hội có mặt. Số phiếu phát ra là 477 và số phiếu đồng ý là 476, chỉ có 1 đại biểu không đồng ý.
Ông Nguyễn Phú Trọng, năm nay 74 tuổi, là người duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu vào danh sách bầu cử giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào ngày 29 tháng 7 vì "virus hiếm, độc".
Lúc 15g15 phút ngày 23/10, ông Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên cuốn Hiến pháp Việt Nam và tuyên thệ như sau : "Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam giao phó".
Đoạn video trực tiếp trên Facebook Truyền hình Quốc hội Việt Nam dừng đột ngột không lý do lúc tân Chủ tịch nước Việt Nam cho hay ông "vừa mừng, vừa lo", trong lúc nhiều tài khoản Facebook thả những biểu tượng cảm xúc phẫn nộ và biểu tượng mặt cười khi ông này phát biểu.
Đoạn video này sau đó bị xóa khỏi trang Facebook chính thức của Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu với báo giới cho rằng việc Tổng bí thư làm luôn chức Chủ tịch nước "không phải nhất thể hóa, và đây chỉ là tình huống".
Trong bài phát biểu của mình, tân Chủ tịch nước tiết lộ thời gian qua Việt Nam đạt được những thành tựu lớn, tuy nhiên không được chủ quan. Ông cũng thừa nhận : "Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết là không đáp ứng yêu cầu nên tôi rất lo. Trong khi đó tuổi tác thì đã lớn rồi".
Một số báo trong nước khi đăng tải lại đoạn ghi toàn văn lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng đã lược bỏ bớt đoạn này.
Theo một bài báo của VTC News từ năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng sau khi nghe nhiều cử tri kiến nghị về việc nhất thể hóa ở địa phương và trung ương đã nói rằng : "Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông ?"
Bài viết này sau đó đã bị rút xuống sau khi được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khi tin ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu bầu Chủ tịch nước loan đi.
AFP dẫn nhận định của các nhà phân tích là ông Nguyễn Phú Trọng sau khi nhận thêm chức chủ tịch nước chắc hẳn sẽ thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng mà ông từng chủ xướng kể từ năm 2016.
Cũng theo AFP dưới thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình trạng đàn áp những tiếng nói đối lập là mạnh tay với hơn 55 người bị bỏ tù chỉ riêng trong năm 2018. Các tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng biện pháp trấn áp đối lập chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngay sau khi ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được quốc hội Việt Nam bầu để kiêm thêm chức chủ tịch nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ra thông cáo chúc mừng.
Theo đại sứ Daniel Kritenbrink thì việc ông Nguyễn Phú Trọng được chọn kiêm thêm chức chủ tịch nước diễn ra vào lúc quan hệ song phương Việt- Mỹ mạnh hơn bao giờ hết.
Thông cáo của Đại sứ Hoa Kỳ nói rõ trong hai thập niên qua, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau tìm kiếm mục tiêu chung dựa trên những lợi ích chung. Đôi bên mở rộng quan hệ an ninh, thiết lập quan hệ kinh tế- thương mại mới, cũng như tăng cường mối quan hệ giữa nhân nhân hai nước.
Đại sứ Daniel Kritenbrink bày tỏ mong muốn được làm việc chặt chẽ với ông chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong công tác củng cố thêm nữa và mở rộng mối Quan hệ Đối Tác Toàn Diện Hoa Kỳ- Việt Nam.
*******************Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam đầu tháng 11/2018 (RFI, 23/10/2018)
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại điện Matignon, Paris, ngày 15/05/2017 Reuters/Charles Platiau
Phủ thủ tướng Pháp, Điện Matignon, hôm qua 22/10/2018, thông báo, thủ tướng Edouard Philippe từ ngày 02 đến 04 tháng 11 sẽ tới thăm Việt Nam, tham dự hai sự kiện "kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược" giữa hai nước.
Về lịch trình hoạt động của thủ tướng Edouard Philippe, Điện Matignon cho biết : Đến Hà Nội ngày 02/11 thủ tướng Pháp sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam. Hai hợp đồng kinh tế sẽ được ký nhân dịp này.
Ông Edouard Philippe sẽ khánh thành khu trường quốc tế Pháp mới. Ngày 04, thủ tướng Pháp tới thành phố Hồ Chí Minh thăm một trung tâm khởi nghiệp do một người Pháp thành lập và dự diễn đàn kinh tế "quy tụ hơn 200 doanh nghiệp Pháp -Việt".
Trong thời gian ở Việt Nam, thủ tướng Pháp sẽ tới thăm Điện Biên Phủ, chiến trường ghi dấu ấn bại trận của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Trước ông Philippe, mới chỉ có cố tổng thống Pháp François Mitterrand năm 1993 tới thăm di tích biểu tượng cho sự kết thúc hiện diện của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Tân chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức
Chiều hôm nay, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chính thức được Quốc hộii bầu làm chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu 99,79% .
Ngày thứ 2 của kỳ họp cuối năm Quốc hộii khóa 14, sau khi các đại biểu bỏ phiếu bầu vào buổi sáng, kết quả được công bố vào buổi chiều. Tiếp đó tân chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức.
Sau khi chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hôm 21/09, hội nghị Trung ương 8 họp đầu tháng 10 đã giới thiệu ông Trọng là ứng viên duy nhất cho chức vụ chủ tịch nước. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hộii chỉ mang tính thủ tục. Ông Trọng năm nay 74 tuổi, là người thứ 2 sau ông Hồ Chí Minh, vừa lãnh đạo đảng vừa kiêm nhiệm chức chủ tịch nước.
Anh Vũ
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay ngày đầu kỳ họp thứ 6 (RFA, 16/10/2018)
Quốc hội Việt Nam Khóa 14 sẽ bầu Chủ tịch nước ngay trong ngày khai mạc kỳ họp 6 vào ngày 22/10 và sẽ công bố kết quả cũng như Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 23/10.
Quốc hội Việt Nam (Ảnh minh họa) - AFP
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu như vừa nêu của Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm 16/10 tại Hà Nội.
Tại phiên họp ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc bầu Chủ tịch nước phải tiến hành ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp, để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền như: xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Theo chương trình dự kiến, khai mạc kỳ họp vào ngày 22/10 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ trình bày dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Vào sáng 23/10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ sau khi có kết quả.
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người vừa qua được Hội Nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương khóa 12 thống nhất 100% giới thiệu ông để Quốc hội bầu vào chức chủ tịch đang khuyết. Theo thông báo từ cơ quan chức năng trung ương Việt Nam thì ông chủ tịch Trần Đại Quang, 62 tuổi, qua đời đột ngột vì virus hiếm và độc hôm 21 tháng 9 vừa qua.
Cũng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cũng vào sáng 23/10 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Quốc hội sẽ thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Minh Tuấn bằng việc bỏ phiếu kín. Sau đó sẽ phê chuẩn để bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin truyền thông mới vào ngày 24/10.
Ngoài ra, đối với việc bổ nhiệm và miễn nhiệm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, bà Phòng Thị Phóng phó chủ tịch quốc hội cho rằng việc ký miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng đối với ông Trương Minh Tuấn vẫn sẽ do quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thực hiện vì không kịp trình Chủ tịch nước mới bầu ký quyết định này.
Hiện nay, quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông là ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. Vào ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Thông tin truyền thông cho ông Hùng thay thế ông Trương Minh Tuấn.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 24 ngày và kết thúc vào ngày 21/11/2018.
*****************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23/10 (VOA, 16/10/2018)
Quốc hội Việt Nam sẽ bầu chủ tịch nước ngay ngày đầu kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tuần tới (22/10) và tân chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay ngày hôm sau, truyền thông trong nước dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hôm 16/10.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh minh họa
Việc bầu chủ tịch nước là nội dung mới được bổ sung vào chương trình làm việc kéo dài 24 ngày của Quốc hội, và lý do bầu chức danh này ngay ngày đầu là "để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền", vẫn theo lời ông Phúc.
Về quy trình bầu, theo lời Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận trước khi bỏ phiếu. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận và giải trình, tiếp thu ý kiến, rồi Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách để bầu chủ tịch nước. Hình thức bầu là bỏ phiếu kín.
Tuy gọi là "bầu", nhưng dư luận cho rằng đây chỉ là một hình thức "hợp thức hóa" chức danh chủ tịch nước cho ứng cử viên duy nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vào ngày 3/10, ông Trọng đã được Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản đồng ý 100% giới thiệu cho Quốc hội.
Hiện bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đang giữ quyền chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng trước.
Vấn đề "nhất thể hóa" hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã gây ra nhiều tranh luận trong thời gian qua, trong đó nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về cơ chế kiểm soát quyền lực khi có một lãnh đạo kiêm nhiệm hai chức danh.
Sau khi nhậm chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, sẽ là lãnh đạo thứ hai trong lịch sử đảng Cộng sản kiêm nhiệm hai chức danh cùng một lúc. Người đầu tiên là Hồ Chí Minh.
Theo nghị trình dự kiến, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới cũng sẽ bàn đến các nội dung như Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được Ban Chấp hành trung ương đề cử giữ chức Chủ tịch nước tại phiên họp kỳ 8 ngày 03/10/2018, thay thế ông Trần Đại Quang đã qua đời ngày 21/09/2018.
Ông Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành trung ương đề cử giữ chức Chủ tịch nước
Ông Trọng sẽ được Quốc hội chính thức phê chuẩn tại kỳ họp 6, bắt đầu ngày 22/10/2018, mở đầu kỷ nguyên lột xác mới trong cơ chế cầm quyền thống nhất một người giữ cả hai chức Chủ tịch nước, đồng thời là Tổng bí thư đảng.
Cho đến khi qua đời ngày 02/09/1969, ông Hồ Chí Minh là người duy nhất kiêm nhiệm 2 chức vụ, Chủ tịch đảng và Chủ tịch nhà nước. Trong suốt 49 năm sau đó (1969-2018), hai chức danh được phân công cho hai người khác nhau. Lý do của quyết định này chưa bao giờ được công khai, nhưng có thể vì sợ tập trung quyền hành vào tay một người sẽ đưa đến lộng quyền, chuyên chế làm hỏng việc và chia rẽ nội bộ.
Vì vậy chức danh Chủ tịch nước, tuy được quy định trong Điều 86 Hiến pháp "là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại", nhưng thực tế không có quyền sinh sát toàn diện bằng Tổng bí thư đảng, vì đảng lãnh đạo cả nhà nước và xã hội.Hơn nữa, hàng ngũ lãnh đạo từ Trung ương xuống Địa phương hoàn toàn là cán bộ đảng viên nên lệnh đảng bao giờ cũng nặng ký hơn lệnh nhà nước.
Ngay đến Quốc hội, tuy là "cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 69 Hiến pháp, mà có bao giờ dám tự ý chấp thuận những việc quan trọng khi chưa có ý kiến của Bộ Chính trị đảng.
Nhưng tại sao ông Trọng lại được Ban Chấp hành trung ương chọn vào lúc này ?
Có 4 lý do :
1. Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời nên phải có người điền thế.
2. Ông Trọng hội đủ mọi điều kiện theo quy định của chức danh Chủ tịch nước.
3. Nhằm đáp ứng nhu cầu tinh giảm biên chế nên nhân cơ hội cần lấp chỗ trống ông Quang để lại, Bộ Chính trị quyết định tập trung lãnh đạo đảng và nhà nước vào làm một để tiết kiệm ngân sách, và hy vọng chạy việc hơn.
4. Phù hợp với nhu cầu đối ngoại và phong tục bang giao quốc tế, nhất là đối với những quốc gia không có hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước riêng biệt.
Nhân thân Nguyễn Phú Trọng
Vậy ông Trọng là người như thế nào ?
Tài liệu chính thức ghi tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII ; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII ; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001) ; Đại biểu quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.
Nhưng ông là người đặc biệt giáo điều, bảo thủ, đệ tử cuồng nhiệt của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông chống đa nguyên đa đảng, chống cho tư nhân ra báo, chống mạng xã hội, chống tổ chức dân sự và quyết liệt chống đối lập và mọi hành vi chống chính sách cai trị độc tài của đảng. Ông có bằng tiến sĩ chuyên môn về Xây dựng đảng.
Cũng rất rõ ông là người thân Bắc Kinh nên thường không dám cưỡng lại áp lực của lãnh đạo Trung Quốc. Việc ông và Bộ Chính trị không đồng ý để Quốc hội ra tuyên cáo lên án Trung Quốc đã ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 là một tỷ dụ.
Hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu ngày 2/5/2014, tại vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý về phía đông (một hải lý dài 1,852 mét).
Trong thời gian xung khắc dài 75 ngày này, nhiều lần tầu sắt võ trang Trung Quốc đã tấn công và đâm chìm nhiều thuyền đánh cá và kiểm ngư của Việt Nam, nhưng ông Trọng không dám có phản ứng quyết liệt để bảo vệ chủ quyền.
Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và của Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã phải rút giàn khoan HD-981 về vùng biển Hải Nam ngày 16/07/2014.
Từ đó đến nay, các tầu cảnh sát biển Trung Quốc có võ trang vẫn thường xuyên tấn công, sát thương, cướp ngư cụ, tài sản và đâm chìm nhiều tầu đánh cá của ngư dân Việt ở Biển Đông nhưng Việt Nam không dám có phản ứng bằng võ lực. Ngược lại, nhiều bài báo của báo đài nhà nước chỉ dám gọi tầu Trung Quốc là "tầu nước ngoài" hay "tầu lạ", để tránh đụng chạm ngoại giao !
Việc thứ hai chứng tỏ ông Chủ tịch nước mới Nguyễn Phú Trọng đã có toan tính "trao trứng cho Ác" khi Bộ Chính trị do ông cầm đầu đã đồng ý Dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu)" tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), có chiều hướng mở đường, qua dạng thuê đất trá hình dài 99 năm, và tạo cơ hội cho đầu tư Bắc Kinh vào chiếm lãnh thổ và đưa di dân sang Việt Nam.
Rất may khi biết được âm mưu đen tối này, nhiều Đại biểu quốc hội, nhiều nhân sĩ, chuyên gia và hàng trăm ngàn người dân trong nước đã phản đối và xuống đường biểu tình chống Đặc khu trong hai ngày 10 và 11/06/2018, khiến Quốc hội phải hoãn không biểu quyết.
Nhiệm kỳ có hạn chế ?
Vậy với chức Chủ tịch nước, sẽ bắt đầu ngay sau khi được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp, bắt đầu ngày 22/10/2018, ông Trọng có thể làm được gì với thời hạn 2 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ Tổng bí thư ?
Ông Trọng đã giữ chức Tổng bí thư từ Khóa đảng XI năm 2011-2016, tái đắc cử Khóa đảng XII thêm 5 năm nữa cho nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo Điều 17 của Điều lệ đảng được Khóa đảng XI bỏ phiếu tán thành thì : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Trong khi đó, theo Điều 87 Hiến pháp năm 2013 thì : "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các Đại biểu quốc hội". Ông Trọng là Đại biểu quốc hội Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đơn vị Hà Nội.
Vẫn theo Điều 87 Hiến pháp thì : "Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước".
Như vậy, khi Quốc hội XIV hết nhiệm kỳ 2016-2021 thì ông Trọng cũng hết chức Chủ tịch nước và luôn cả chức Tổng bí thư đảng.
Cũng nên biết, ngoài hai chức lãnh tụ Đảng và Chủ tịch nước, ông Trọng còn nắm nhiều chức quan trọng và quyền lực như : Bí thư Quân ủy trung ương , Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng .
Vẫn trơ ra như đá
Với nhiều chức danh như thế thì liệu ông Trọng có bị ngộp thở không, và làm sao để thực hành câu ông nói "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế giám sát" ?
Nhưng ai giám sát ông khi mà chính ông nhìn nhận công tác xây dựng đảng, dù đã làm từ Khóa đảng VII, đến nay vẫn còn ngổn ngang khắp mặt.
Ông nói trong bài phát biểu khai mạc phiên họp Trung ương 8 ngày 02/10/2018 :
"Như các đồng chí đều biết, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn".
Nhìn ông nói mà thấy thương ở một người 74 tuổi như ông vẫn phải trăn trở với mọi người rằng :
"Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) rằng ông đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về :
"…những hạn chế sau 5 năm thực hiện Quy định 101, đó là một số tổ chức đảng thực hiện Quy định này còn hình thức, chưa thực chất ; việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng chưa nghiêm ; công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nghiêm minh ; chưa có chế tài xử lý những cán bộ, đảng viên không gương mẫu… Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đang bị buông lỏng".
(theo VOV, ngày 18/05/2018)
Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đưa ra chỉ một năm sau ngày ông Trọng thay ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư khóa XI. Nhưng theo ông Vũ Mão thì :
"Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, ở không ít số cấp ủy, việc nêu gương của không ít cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự được coi trọng và còn nhiều tồn tại".
Vì nói mãi mà những kẻ dưới quyền ông Trọng vẫn trơ ra như đá nên một lần nữa, ông lại năn nỉ Ban Chấp hành trung ương rằng :
"Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này (trách nhiệm nêu gương). Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống".
Phải gân cổ kêu gào mãi như thế hẳn ông Trọng nhức nhối lắm, nhưng vì ông là người đứng đầu cả đảng và nhà nước nên ông phải ráng mà bươn chải một mình thôi.
Chỉ có điều, nếu ông mà chịu làm gương trước công bố cho toàn dân biết khối lượng tài sản ông đã kê khai có những gì và ở đâu, và ra lệnh cho mọi lãnh đạo cũng làm như ông trong một thời hạn nhất định, thay vì tiếp tục giấu dân như mèo giấu phân như hiện nay thì họa may mới có gương mà soi.
Hơn nữa, khi có thêm chức mới thì quyền lực hẳn sẽ tập trung toàn diện về ông. Chỉ khác ở chỗ : nếu chiếc áo không làm nên thầy tu như ông bà ta đã dậy thì chức danh Chủ tịch nước cũng chưa chắc thay đổi được bản lĩnh nói nhiều nhưng chưa được bao nhiêu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Trần
(04/10/2018)
Một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam nói rằng hiện có tin người đứng đầu Bộ Quốc phòng sẽ lên làm chủ tịch nước, giữa lúc Việt Nam bắt đầu quốc tang hai ngày dành cho ông Trần Đại Quang.
Ông Ngô Xuân Lịch (phải) trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng Tám năm ngoái.
Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho biết rằng "hiện có các đồn đoán về khả năng Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ trở thành chủ tịch vào cuối năm nay và Thượng tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng".
Nhà nghiên cứu có nhiều mối quan hệ ở Việt Nam không cho biết chi tiết về nguồn gốc những tin đồn này. Trước đây, đầu những năm 90, ông Lê Đức Anh cũng từng từ vị trí bộ trưởng quốc phòng lên làm chủ tịch nước.
Bà Tòng Thị Phóng và ông Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh minh họa
Ngoài ra, giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng, nếu đúng theo các lần bổ nhiệm trong quá khứ, dựa vào các ủy viên lâu năm trong Bộ Chính trị, "hai ứng viên tiềm năng khác" là ông Nguyễn Thiện Nhân, 65 tuổi, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và bà Tòng Thị Phóng, 64 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, "nhiều khả năng sẽ kiêm nhiệm cả chức chủ tịch nước".
Trả lời VOA tiếng Việt, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng ông không nghĩ rằng Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, 64 tuổi, "sẽ lên".
"Tôi đang ở Hà Nội mà tôi không nghĩ ông ấy lên đâu. Không biết tin đồn của ông ấy [ông Carl Thayer] ở đâu ra, nhưng chúng tôi ngồi ở đây cũng không nghe thấy tin đấy. Chả thấy ai nói gì về chuyện đấy cả. Nếu lên thì có thể là một lúc khác chứ không phải lúc này", ông Hợp nói.
"Khả năng là ông [Nguyễn Thiện] Nhân. Ông ấy là bộ mặt có thể làm vai trò của chủ tịch nước từ nay cho tới hết tháng Giêng năm 2021. Đưa một người khác lên, ngoại ngữ không biết, các quan hệ bên ngoài cũng không rõ, không trải qua các việc ở dân sự và chính phủ, ở địa phương thì lên là sẽ kẹt".
Tin cho hay, ông Quang lâm bệnh từ tháng Bảy năm ngoái, hơn một năm sau khi trở thành chủ tịch nước. Ông từ trần hôm 21/9 ở tuổi 61.
Giáo sư Carl Thayer nói rằng "cái chết đột ngột của ông ấy có thể gây bất ngờ vì ông ấy dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc".
"Nhưng các thành viên Bộ Chính trị có lẽ đã biết về bệnh tình nặng của ông Quang và đã lập kế hoạch chọn người kế nhiệm một cách có trật tự", chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam nhận định, và nói thêm rằng ông Lịch "hiện đứng vị trí thứ năm" theo hệ thống chính trị của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng ông không nghĩ các thành viên còn lại trong "tứ trụ" gồm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc hội "sẽ được lựa chọn" thay ông Quang.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cùng quan điểm này của ông Carl Thayer, nói thêm rằng ông nghĩ khả năng đó "rất khó [xảy ra], hầu như là không" vì mỗi người đang có "vai tốt, cứ thế mà họ làm và kiêm thêm là khó".
Sau khi ông Quang qua đời, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, người không phải là ủy viên Bộ Chính trị, đã được giao giữ quyền chủ tịch nước Việt Nam đến khi Quốc hội bầu người thay thế.
Tuy nhiên, bà Thịnh không tới Liên Hiệp Quốc dự họp với các nguyên thủ khác, mà đại diện chính phủ Việt Nam sẽ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Việt Nam hôm 26/9 bắt đầu cử hành hai ngày quốc tang cho ông Quang. Theo báo chí trong nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới viếng và viết trong sổ tang : "Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí ! Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này".
Trong khi đó tại Mỹ, phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã tổ chức lễ viếng ông Quang và mở sổ tang từ ngày 24/9 tới 25/9.
Ông Patrick Murphy, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Nam Á, đã tới chia buồn người mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói là "tích cực ủng hộ qua hệ Việt – Mỹ". Cố chủ tịch Quang từng đón tiếp hai tổng thống đương nhiệm tới Việt Nam là ông Barack Obama và ông Donald Trump.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ năm ngoái, quan chức quốc phòng nước chủ nhà đã cam kết với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch về việc đưa hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm quốc gia cựu thù, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam. Trung Quốc sau đó đã chỉ trích động thái này.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 26/09/2018
Tháng Mười năm 2018 sẽ là chứng nhân soi xét một phép thử quan trọng, nhưng có thể chỉ là sự giải mã đầu tiên trong một phương trình chính trị chứa đựng nhiều thâm ý không muốn để lộ ra quá sớm, về hai kịch bản ‘chỉ định một ủy viên bộ chính trị không phải tổng bí thư làm chủ tịch nước’ và ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ - kịch bản nào là có chân đứng và kịch bản nào chỉ mang tính giả thiết.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Xuân Phúc tại tang lễ ông Trần Đại Quang tại Hà Nội.
Tháng Mười năm 2018, như thông lệ hàng năm và đã được lên kế hoạch vào năm nay, sẽ diễn ra hai kỳ họp ‘đảng trước, quốc hội sau’ : Hội nghị trung ương đảng lần thứ 8 theo chủ thuyết ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ và sau đó là một kỳ họp quốc hội mà có lẽ não trạng lẫn quán tính ‘nghị gật’ chưa hề được cải tạo.
Nếu trong hai kỳ họp trên, một cái tên nào đó trong Bộ Chính trị - Nguyễn Thiện Nhân hay Trần Quốc Vượng hoặc Tòng Thị Phóng…- mà không phải là Nguyễn Phú Trọng - được xướng lên cho chức vụ chủ tịch nước, có thể gần như chắc chắn kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ phải thoái lui vì những lý do đủ tế nhị và nhạy cảm trong nội bộ đảng.
Nhưng nếu trong hai kỳ họp trên, cái tên Đặng Thị Ngọc Thịnh - hiện là quyền chủ tịch nước thay cho cựu bộ trưởng công an - chủ tịch nước đã được gắn thêm từ ‘cố’ - được ‘Bộ Chính trị tiếp tục phân công giữ chức quyền chủ tịch nước’, cùng lúc hoặc chẳng bao lâu sau đó xuất hiện hiện tượng một số cựu thần, quan chức và ‘quần chúng nhân dân’ đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản kéo dài thời gian để tổ chức một chiến dịch PR cho ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và nếu kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ tăng tốc để biến thành hiện thực, có thể cho rằng đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam hoặc xảy ra ngay vào năm 2018 hoặc sẽ vào năm 2019 mà chẳng cần chờ đến năm 2021, hay có xảy ra vào năm 2021 thì cũng có thể rất vô nghĩa về ý nghĩa bầu bán cho người cao nhất bên đảng lẫn bên nhà nước ; thậm chí đại hội 13 chỉ là bước phát triển cho ý đồ bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ như cái cách mà Tập cận Bình đã buộc cả ban chấp hành trung ương lẫn quốc hội Trung Quốc phải chấp nhận ông ta trên cái ngai ‘hoàng đế’ tại đại hội 19 vào tháng Hai năm 2018.
Từ Tập đến Trọng
Chỉ mất có 5 năm "đánh Đông dẹp Bắc kể từ năm 2012, tham vọng xưng hùng của Tập Cận Bình rốt cuộc đã ghi dấu ấn tư tưởng đầu tiên và chính thức. Tại đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, tên của Tập đã được ghi trong điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nâng vị thế của ông ta lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập Trung Quốc. Điều lệ sửa đổi bao gồm khái niệm "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho thời đại mới".
Chắc hẳn trên con đường tập quyền và độc tôn quyền lực của mình, Tập Cận Bình đã tham khảo rất kỹ cái cách làm thế nào để Vladimir Putin, từ năm 1999 khi Putin trở thành tổng thống Nga đến nay, có thể hoán đảo ngoạn mục từ vai trò tổng thống về vị trí thủ tướng, rồi từ thủ tướng lại trở thành tổng thống nước Nga, nhưng vẫn chưa dừng ở đó mà giờ đây mọi chuyện có vẻ như Putin sẽ "nắm quyền mãi mãi".
Ngay cả khi chưa xảy ra việc đảng Cộng Sản Trung Quốc chính thức đề xuất bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ trong Hiến Pháp, không ít nhà quan sát, phân tích chính trị và báo chí quốc tế đã vừa mỉa mai vừa lo lắng khi lần đầu tiên dùng cụm từ "hoàng đế Tập Cận Bình".
Về thực chất, Tập đã gần như trở thành một vị hoàng đế không ngai ở Trung hoa lục địa.
Còn Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam thì sao ?
Chưa có dấu hiệu hoặc thông điệp rõ rệt nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thể hiện tham vọng "ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi" một cách quá lộ liễu theo cách Trung Quốc đã bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước để mở đường cho Tập Cận Bình có thêm ít nhất một nhiệm kỳ thứ ba.
Nhưng lại đang thấp thoáng những dấu hiệu và biểu hiện cho tương lai "tổng bí thư kiêm chủ tịch nước" ở Việt Nam. Xuất phát điểm của tương lai này là chủ trương "nhất thể hóa", được triển khai ở cấp cơ sở để dần từng bước "đánh lên" cấp trung ương.
Mô hình "nhất thể hóa" đang bắt đầu ứng nghiệm theo cách mà trưởng ban Tổ chức trung ương hiện thời là Phạm Minh Chính đã từng thí điểm khi ông là Bí thư Quảng Ninh. Con đường đi lên của Phạm Minh Chính lại được nâng đỡ bởi Tổng bí thư Trọng.
Từ tháng Mười, 2017, một hội nghị trung ương có số thứ tự là "6" đã nêu ra và sau đó nhanh chóng triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa’. Hàng loạt tỉnh thành đã và đang nằm trong danh sách "bí thư kiêm chủ tịch ủy ban", thậm chí có thể thực hiện cơ chế "3 thành 1" với bí thư vừa kiêm chủ tịch ủy ban hành chính, vừa kiêm luôn chủ tịch hội đồng nhân dân. Không chỉ đảng "nắm" hết, không chỉ "đảng không làm thay mà làm luôn", mà mỗi bí thư địa phương trên thực tế sẽ trở thành một "lãnh chúa".
Hãy nhớ lại, vào thời phong kiến ở Châu Âu và ở Việt Nam, giai cấp quý tộc và lãnh chúa tạo thành một cái đỉnh của nó : Vua.
Nếu cơ chế triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa’ thuận lợi, có thể ngay vào năm 2019 vấn đề ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ sẽ được đặt ra một cách chính thức trong Bộ Chính trị và trong các hội nghị trung ương, để sau đó sẽ hiện ra ‘vua’ trong một đất nước ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không’.
Và nếu không thế lực nào gây ra cản trở đáng kể, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể trở thành nhân vật độc tôn quyền lực vào khoảng năm 2019, hoặc chậm hơn thì vào năm 2020, không chỉ ‘thống lĩnh lực lượng vũ trang’ - bao gồm vai trò bí thư quân ủy trung ương và đương nhiên phải nắm trọn Bộ Công an, mà còn có thể ôm đồm cả phần việc của một thủ tướng. Nếu tình cảnh đó xảy ra, bên đảng và tổng bí thư sẽ ‘nắm’ hết.
Cũng không loại trừ đến khi đó, và nếu cảm thấy sức khỏe ‘còn đủ để cống hiến cho đảng và dân tộc’ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nảy ra ý tưởng ‘ngồi mãi’ như Tập Cận Bình ngùn ngụt tham vọng ở Trung Quốc. Thế là một bộ sậu nào đó của ông Trọng sẽ hùng hục ‘đề xuất sửa đổi Hiến Pháp’ cho sự kéo dài đến tậm lúc nhắm mắt xuôi tay ấy.
Còn những kẻ khác thì sao ?
Đã có một bước phát triển có thể nhận ra và thấp thoáng bóng dáng của một kế hoạch PR từ năm 2017 đến năm 2018, sau cái năm 2016 phải để tang cho vụ ‘cả ba bị bắn’ ở Yên Bái.
Nếu vào năm 2017 vẫn chỉ chủ yếu tuyên truyền cho hoạt động ‘nhất thể hóa’ ở một số tỉnh thành, thì từ đầu năm 2018 đến nay đã xuất hiện một số bài viết - không phải trên mặt báo nhà nước mà trên mạng xã hội - khi cùng với lời ca ngợi Tổng bí thư Trọng bằng những ngôn từ ngút trời như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, và thậm chí ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’, đã gắn kèm với ‘mong mỏi Tổng bí thư có thể là người đứng đầu nhà nước để phù hợp với tiến trình nhất thể hóa các chức danh của đảng và nhà nước’.
Ngay vào thời điểm Trần Đại Quang được gắn thêm từ ‘cố’, đã dậy lên vài ba ý kiến của giới cựu thần về ‘đã đến lúc hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’.
Nhưng từ năm 2017 đến nay cũng đã xuất hiện một quan điểm phê phán khuynh hướng đảng cầm quyền ở Việt Nam muốn tập quyền theo ‘mô hình Tập Cận Bình’. Những chỉ dấu về xu hướng này đã dần lộ ra, với một trong những bằng chứng chủ yếu là dư luận nội bộ chê trách ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘quên’ lời hứa trước Đại hội 12 là sẽ chỉ ‘ngồi’ từ 1 đến 2 năm để sau đó phải nhường ghế cho người khác.
Trong cơ chế ‘trách nhiệm thuộc về tập thể, quyền lực và lợi ích thuộc về cá nhân’, sẽ chẳng có ‘người khác’ nào.
Nếu kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ ứng với Nguyễn Phú Trọng mà chẳng phải ai khác, những quan chức mà hiện thời được xem là ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư khi điều lệ đảng hiện hành chỉ cho phép một người đứng đầu đảng không quá hai nhiệm kỳ - như Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính và đặc biệt là ‘ngôi sao đang lên’ Nguyễn Xuân Phúc - chắc hẳn sẽ không thể giấu nổi vẻ thất vọng trên gương mặt và trong ánh mắt đã sạm đen bởi nắng gió chính trường.
Phạm Chí Dũng