Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Josh Hoskins, 32 tuổi, huấn luyện viên bóng bầu dục (football) của Trung học Knightdale (hạt Wake, tiểu bang North Carolina), mới bị mất việc vào đầu tháng 11/2019 chỉ vì một lời nói đùa mang tính kỳ thị trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của đội banh do ông huấn luyện.

racism1

Tại một quán nhậu, cao hứng, Josh Hoskins phát biểu : "Sức mạnh trắng ! Knightdale ! Tôi vẫn yêu… các bạn da đen !

Trong buổi tiệc chúc mừng đội banh Trung học Knightdale chiến thắng đội banh của Trung học Corinth Holders High, tại một quán nhậu, cao hứng, Josh Hoskins phát biểu : "Sức mạnh trắng ! Knightdale ! Tôi vẫn yêu… các bạn da đen ! (1)".

Câu nói ấy chỉ 15 giây và trong số những người vây quanh John Hoskins lúc đó, có một số người da đen là bạn của Hoskins, chẳng ai cho rằng đó là miệt thị nhưng video clip mà Hoskins đưa lên mạng xã hội Instagram sau đó, vẫn bị lên án, đến mức Instagram phải xóa bỏ.

Trả lời phỏng vấn của đài 11-ABC ở Raleigh, North Carolina, Josh Hoskins phân trần, ông chưa bao giờ kỳ thị ai vì chủng tộc, câu ông đã nói chỉ là nói đùa, những người da đen - bạn ông hiểu điều đó nên không có ai phản ứng...

Tuy nhiên Ban Giám hiệu trường Knightdale và cấp trên của trường này không thể bỏ qua. Cathy Moore, Giám đốc Khu học chánh địa phương nói với Chi nhánh 11 - đài ABC : Không may là truyền thông và mạng xã hội chỉ cho người ta thấy một phần chứ không phải toàn bộ sự việc. Josh Hoskins là người trưởng thành, phải hiểu rõ điều đó để tránh ngôn ngữ không thích hợp".

Cuối cùng, Hoskins phải viết thư cho Hiệu trưởng Trung học Knightdale và Ban Huấn luyện, xin lỗi về hành động của mình, đồng thời xin từ chức huấn luyện viên để tránh làm xao lãng sự tập luyện của đội footbal.

Josh Hoskins từ chức vì hiểu rằng, dù bị hiểu lầm, trước sau gì dư luận cũng sẽ đến mức mà giới hữu trách phải sa thải ông, từ nay đến khi đó, ông khó mà có thể làm việc thoải mái, hiệu quả như trước nữa.

Chỉ vài ngày sau, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ xẩy ra chuyện Hoàng Đức Chân Như, phóng viên của đài Á Châu Tự Do (RFA) viết trên FB một stt biểu lộ sự kỳ thị người da đen, nhục mạ cựu tổng thống Barack Obama, vu khống đảng Dân Chủ thiên cộng và nuôi dưỡng khủng bố.

Chuyện xảy ra với Josh Hoskins và với Hoàng Đức Chân Như của đài Á Châu Tự Do (RFA) có sự khác biệt rất lớn về bản chất nhưng kết quả giống nhau là cả hai cùng mất việc.

racism2

Chân Như thì cố tình giới thiệu quan điểm của mình, cho rằng người da đen thấp kém và miệt thị những người có sự khác biệt về quan điểm chính trị (ủng hộ đảng Dân chủ).

Trong một email trả lời những người ký tên yêu cầu RFA có biện pháp kỷ luật với Chân Như, ban giám đốc RFA đã viết như sau : "…hững hành vi như vậy là không thể chấp nhận được tại RFA, tuy nhiên theo chính sách, nội quy điều hành, chúng tôi không công bố các chi tiết về nhân sự cũng như hình thức kỷ luật nhân viên" (2).

Mặc dù đài RFA từ chối, không công khai cho biết hình thức kỷ luật Chân Như nhưng theo các nguồn tin ngoài lề từ RFA, Chân Như đã bị sa thải. Tài khoản email của Chân Như Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. tại hệ thống email của RFA đã bị đóng, tất cả email gửi tới địa chỉ này đều bị trả về, facebook của Chân Như cũng không còn active, tất cả stt đều bị xóa, chỉ còn vài hình ảnh về mùa thu.

Hoskins chỉ vì vô ý nói đùa, còn Chân Như thì cố tình giới thiệu quan điểm của mình, cho rằng người da đen thấp kém và miệt thị những người có sự khác biệt về quan điểm chính trị (ủng hộ đảng Dân chủ).

Dù muốn hay không thì RFA vẫn phải sa thải Chân Như. Nếu để Chân Như tiếp tục làm việc thì không thể giải thích tại sao lại chứa chấp một nhân viên hàm hồ, tư tưởng lệch lạc, hành xử sai trái dù là chỉ trên mạng xã hội và ở góc độ cá nhân. Giữ Chân Như chẳng khác gì tuyên chiến với hệ thống chuẩn mực mà người Mỹ muốn gìn giữ, bảo vệ cả bằng luật pháp.

Bị sa thải vì kỳ thị màu da, kích động sử dụng bạo lực đối với những người khác biệt quan điểm chính trị của mình, cuộc đời của Chân Như sẽ rẽ sang hướng khác. Lý do sa thải sẽ là một vết chàm không thể xóa được, Chân Như sẽ khó mà tìm được một công việc khác, kể cả những công việc hết sức đơn giản, chỉ đòi hỏi sức mạnh của cơ bắp.

Tại Mỹ, xin làm gì, ở đâu, cũng sẽ bị hỏi có bao giờ bị nơi làm việc đuổi hay chưa ? Lý do ? Khai gian thì gặp rắc rối còn khai thật thì sẽ không nơi nào muốn hoặc dám nhận. Bởi quan niệm và luật pháp Mỹ, nhận một người có tiền sự như Chân Như sẽ giống như mua… vạ để dành.

Dẫu sống tại Mỹ nhưng dường như nhiều người Việt không biết hoặc không lường trước điều này. Quan niệm Mỹ là xứ sở tự do, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm đã tước bỏ cơ hội của nhiều thanh niên khi dính vào các vụ xô xát nhỏ, bị cảnh sát lập biên bản, cha mẹ họ không biết để lưu ý họ : Tiền sự sẽ nằm trong hồ sơ cá nhân đến… 40 năm. Tương tự, thanh toán nợ thẻ tín dụng trễ cũng có thể tước bỏ cơ hội để vào một số nơi, được làm một số loại việc đòi hỏi phải trung thực, nghiêm cẩn...

Theo trang FB cá nhân, Chân Như sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ. Chân Như được hấp thụ nền giáo dục, khai phóng, tự do, nhân bản, chắc chắn hệ thống trường học Mỹ không dạy Chân Như suy nghĩ theo kiểu như ông ta đã bày tỏ trên facebook.

Kiểu suy nghĩ, nhận định như thế xuất phát từ đâu ? Trang facebook của Chân Như có không ít bạn và nhiều người "like" những suy nghĩ như suy nghĩ khiến Chân Như bị sa thải, hoặc chia sẻ, bày tỏ những suy nghĩ y hệt như thế. Điều đó vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Nước Mỹ không phải như vậy. Nghĩ như vậy là sai !

Hãy hình dung một ngày nào đó, ai đó dịch những điều bạn viết kiểu như Chân Như, đưa cho hàng xóm sống quanh bạn xem, kể cho đồng nghiệp nơi bạn làm việc biết,... Nếu tất cả những người mà bạn qua lại, tiếp xúc hàng ngày biết bạn - một di dân nhưng lại khinh bỉ các sắc dân khác cũng là di dân, ủng hộ sự miệt thị những người da đen, kêu gọi vũ trang để răn đe, dạy dỗ những người không ủng hộ đảng Cộng hòa thì bạn có thể sống ung dung không ?

Đó là về mặt xã hội, ở khía cạnh luật pháp, công khai bày tỏ sự thù ghét về màu da, chủng tộc, giới tính…, kêu gọi sử dụng bạo lực để chống khác biệt chính kiến chính là vi phạm pháp luật. Thù ghét ai chỉ vì màu da, sắc tộc thuộc tội hình sự, hình phạt rất nặng.

Những người Việt sống ở Mỹ có đầu óc kỳ thị người da đen, Mễ... nên lấy trường hợp Chân Như làm bài học. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu cho tới nơi, tới chốn để suy nghĩ xem có nên nói cho sướng miệng, viết cho sướng tay hay không ?

Thạch Đạt Lang

(19/11/2019)

(1) White power ! Knightdale ! I still love you n…igger

(2) Nguyên văn : "…such conduct unacceptable at RFA". It is however our policy not to divulge details of personnel and disciplinary decisions".

Published in Diễn đàn

"Sách Hóa Nông Thôn" mang chữ đến cho mọi người

Sách Hóa Nông Thôn là một phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam được Nguyễn Quang Thạch sáng lập vào năm 2007, tính đến nay tổ chức này đã có đến hơn 100 ngàn thành viên, sống trong và ngoài nước Việt Nam, phong trào này cũng đã xây dựng được trên 9 ngàn tủ sách đủ loại.

cong1

Chân Như và Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập phong trào "Sách Hóa Nông Thôn". RFA

Nhân sự kiện người sáng lập của phong trào có chuyến công tác và làm việc tại Hoa Kỳ, RFA chúng tôi mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa Chân Như và anh Nguyễn Quang Thạch, người miệt mài dành gần 20 năm cõng sách về làng.

Chân Như : Xin chào anh Nguyễn Quang Thạch, trước hết xin cám ơn anh đã dành cho đài RFA cuộc trò chuyện hôm nay, và xin chúc mừng anh cùng Sách Hoá Nông Thôn được trao giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ. anh có thể cho biết thêm thông tin về giải thưởng này ?

Nguyễn Quang Thạch : Đây là một hình thức vinh danh các chương trình mà người ta cho là có ý nghĩa về thực tiễn đã được áp dụng ở Việt Nam, giúp cho nhiều trẻ em nông thôn có sách đọc. Người trong ban giám khảo nói với tôi họ rất thích sự đam mê của tôi và họ ủng hộ các mô hình thư viện có tính thực tiễn, phù hợp với người nghèo ở Việt Nam.

Chân Như : Vì đâu anh có ý tưởng sáng lập "sách hóa nông thôn" như thế ? và theo anh thì tại sao cho đến thời điểm hiện tại đất nước vẫn cần đến những nhóm và hội đoàn như anh ?

Nguyễn Quang Thạch : Câu chuyện sách hóa nông thôn có lịch sử khởi nguồn cách đây hơn 20 năm, khi tôi đặt mục tiêu là nhà cách mạng thư viện để thay đổi xã hội và tôi theo đuổi nó, thiết kế, xây dựng lý thuyết rồi ứng dụng thực địa như một quy trình của người phương Tây làm, để hoàn thiện rồi sau đó chia sẻ trên quy mô xã hội.

Tôi nghĩ quốc gia nào cũng vậy, không riêng gì Việt Nam, như Mỹ đã rất lớn mạnh về mặt thư viện, mặt văn hóa đọc, nhưng người ta vẫn có những tổ chức hôm qua lãnh giải như tổ chức sáng kiến phổ biến trí thức cho trẻ em làm việc bền bỉ trong 30 năm qua, tổ chức gia đình học tập. Các nước như Úc và Canada cũng thúc đẩy khuyến đọc, tức là phát triển hệ thống thư viện rộng khắp, duy trì khuyến đọc để người già và trẻ em đọc sách. Việc khuyến khích trẻ em ở Mỹ đọc sách cũng không dễ.

cong2

Nguyễn Quang Thạch với bằng giải thưởng được trao bởi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. RFA

Chân Như : Nhiều người biết đến anh là một người dành gần 20 năm cõng sách về làng, thúc đẩy văn hoá đọc sách của người dân Việt Nam. Sự việc anh đi bộ xuyên việt để vận động kêu gọi mọi người ủng hộ cho chương trình Sách Hoá Nông Thôn được nhiều người hưởng ứng quan tâm. Lần này đến Hoa Kỳ thì anh có nghĩ rằng Sách Hoá Nông Thôn sẽ có thêm nhiều cơ hội để mang sách đến cho mọi người ?

Nguyễn Quang Thạch : Hôm trao giải (29/11) tôi có nói chuyện với bà Becky, Giám đốc xuất bản của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, rằng sau khi nhận giải thưởng này thì sẽ tạo hiệu ứng LOC (Library of Congress Effect), tức là người Việt ở Mỹ chung tay đưa sách về nông thôn Việt Nam sẽ tăng lên. Vì năm ngoái khi tôi nhận giải thưởng ở Pháp, người Việt ở Ba Lan đã xúc tiến làm gần 1.000 tủ sách, rồi người Việt ở Đức, ở Nhật tham gia và đưa sách về nông thôn rất nhiều. Họ tự đưa sách về quê hương của chính họ, đưa sách về lớp học ở trường cũ, về xứ đạo, về các nhà chùa.

Ngay trước khi đến Washington D.C, tôi gặp chị Thanh ở New York, người vừa làm được 4 tủ sách giáo xứ ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Chị đang tiếp tục vận động kêu gọi người ở Mỹ đưa sách về nông thôn Việt Nam nữa.

Tôi rất vui khi đến New York trao được lá cờ "Sách hóa nông thôn" dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ và tôi nói với chị Thanh rằng : "Trong mỗi chúng ta đều có Thần Tự Do, vấn đề là chúng ta tìm cách đưa vị thần ấy hiện hữu ở đời sống như thế nào. Tôi nghĩ rằng bằng tri thức, lòng tử tế và lòng yêu thương con người thì chúng ta có thể đánh thức được Nữ Thần Tự Do trong mỗi cá thể chúng ta.

Chân Như : Bên lề 1 xíu, tất nhiên công việc của anh làm là hy vọng hàng triệu trẻ em việt sẽ có sách để đọc, để mở mang kiến thức nhưng anh có bao giờ nghĩ liệu sẽ có một số sách đang cố tình làm lu mờ đi tiếng việt, thay đổi cách phát âm của người Việt thì anh nghĩ sao ?

Nguyễn Quang Thạch : Thực ra việc xôn xao vừa rồi chỉ đang là ý tưởng thôi, chưa phải đi vào thực tế. Hiện tại, theo tôi người Việt có những kênh tiếp cận trí thức là chữ Quốc ngữ đã được sử dụng hàng trăm năm nay được trải nghiệm qua quá trình sàng lọc của dân chúng, của các bậc trí giả như cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh, rất nhiều người. Đây là một tiến trình trong những năm qua đã có những biến chuyển, sự tích lũy và đi vào tâm trí đại chúng. Tất nhiên ngôn ngữ có sự chết cũng nhiều và sự khai sinh của ngôn ngữ như một quá trình nghiễm nhiên của đời sống. Nên tôi cũng không bận tâm những lùm xùm quanh việc thay đổi chữ này lắm.

Nói thẳng thì nó cũng chẳng làm gì tốt đẹp cho đát nước chúng ta. Phải làm ra những thứ mới, tạo ra những thứ có thể nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo cho con trẻ và đánh thức được Thần Tự Do trong mỗi cá thể của một quốc gia thì người Việt mới mạnh được.

Hôm qua tôi đặt mục tiêu sẽ sang Ấn Độ kêu gọi quỹ cho một tủ sách. Tôi sẽ là người Việt Nam sang Ấn đi bộ để kêu gọi người Ấn Độ đưa sách về cho trẻ em nước họ.

Mình phải có vai trò đóng góp vô sự thay đổi nhân loại chứ không cho riêng đất nước mình, phải nghĩ đến chuyện toàn cầu. Tôi thường nói với bạn bè rằng những thứ ta dùng như iPhone, máy điện tử, tủ lạnh, tivi… đều là của thế giới, tại sao không phải là của người Việt ? Chúng ta phải tạo ra các sản phẩm để chia sẻ cho nhân loại, không phải sống nhờ vào người ta nữa.

Vậy nên tôi sẽ kêu gọi 5.000 người Việt thực sự tiến bộ đi Ấn Độ tham gia vào tiến trình đưa sách về cho trẻ em Ấn Độ.

Chân Như : Câu hỏi cuối muốn hỏi anh đó là, anh còn có những dự án gì sắp tới cho "sách hóa nông thôn" mà anh muốn bật mí với quý khán thính giả của RFA hay chăng ?

Nguyễn Quang Thạch : Tôi đã trăn trở 6, 7 năm nay rồi, hình ảnh những cô gái Ấn Độ bị hiếp dâm xong bị treo lên cây luôn ám ảnh tôi. Tôi nghĩ rằng tôi phải có bổn phận thay đổi thực trạng đó trong thế giới này.

Chân Như, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 01/12/2017

Published in Văn hóa