Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lực lượng nổi dậy chiếm thị trấn chủ chốt ở miền bắc

Phan Minh, RFI, 06/01/2024

Lực lượng nổi dậy ở Miến Điện hôm qua, 05/01/2024, tuyên bố đã chiếm được thành phố Laukkaing, một vị trí quan trọng ở miền bắc, gần biên giới Trung Quốc. Đây là một vố đau mới đối với chính quyền quân sự Miến Điện.

miendien1

Thành phố Laukkaing, bang Shan, Miến Điện, ngày 20/11/2023. AP - Kyaw Ko Lin

Theo AFP, Liên minh Huynh đệ, bao gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), tuyên bố "tất cả các thành viên của Bộ Chỉ huy Tác chiến Quân sự của quân đội Miến Điện ở Laukkaing đã bị tước vũ khí và thành phố này đã được giải phóng, không còn thành viên nào của quân đội Miến Điện hiện diện".

Laukkaing là thủ phủ của vùng Kokang, bang Shan, nơi vốn có nhiều bất ổn. Thành phố này nổi tiếng có nhiều sòng bạc, ổ mại dâm và những đường dây lừa đảo trực tuyến hoạt động. Chính quyền quân sự vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào.

AFP nhắc lại xung đột vũ trang đã nổ ra ở bang Shan kể từ khi Liên minh Huynh đệ tấn công chống lại chính quyền quân sự vào tháng 10/2023. Kể từ đó, liên minh này đã chiếm giữ một số thành phố và cửa khẩu chủ chốt trong giao thương với Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, đây là thách thức quân sự lớn nhất đối với chính quyền quân sự kể từ cuộc đảo chính năm 2021.

Tháng trước, Bắc Kinh thông báo đã tiến hành hòa giải quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy, và đạt được "lệnh ngưng bắn tạm thời". Tuy nhiên, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực trong bang Shan. Vào tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc đã yêu cầu công dân của họ ở Miến Điện sơ tán khỏi khu vực dọc biên giới do rủi ro an ninh.

Phan Minh

***************************

Trung Quốc thuyết phục được các phe tham chiến ở miền Bắc Miến Điện ngừng bắn

Trọng Nghĩa, RFI, 15/12/2023

Chính quyền Bắc Kinh vào hôm qua, 14/12/2023 cho biết : Nhờ trung gian hòa giải của Trung Quốc, các nhóm vũ trang thuộc một số sắc tộc thiểu số ở miền bắc Miến Điện và quân đội chính phủ đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn tạm thời để tiếp tục đối thoại.

miendien2

Một binh lính trong liên minh nổi dậy chống tập đoàn quân sự cầm quyền, tại bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP (Ảnh do truyền thông mạng Kokang cung cấp)

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, "gần đây, nhờ sự hòa giải của Trung Quốc, quân đội Miến Điện" và các lực lượng nổi dậy đã tham gia "đàm phán hòa bình ở Trung Quốc". Theo bà Mao Ninh, các bên "đã đạt được thỏa thuận trên một số điểm nhất định, đặc biệt là về một lệnh ngừng bắn tạm thời và việc duy trì đối thoại".

Cũng theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc: "Xung đột ở miền bắc Miến Điện đang có xu hướng giảm bớt rõ ràng" và tình hình đó "không chỉ phục vụ lợi ích của tất cả các bên liên quan ở Miến Điện mà còn giúp đảm bảo hòa bình và yên tĩnh ở vùng biên giới Trung Quốc-Miến Điện".

Theo hãng tin Pháp AFP, chiến sự đã bùng lên dữ dội kể từ cuối tháng 10 vừa qua ở miền Bắc Miến Điện, giáp giới với Trung Quốc, sau khi ba nhóm võ trang mang tên Quân đội Dân tộc Arakan (AA), Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA) thành lập một liên minh và phát động những cuộc tấn công chung chống lại chính quyền trung ương.

Lực lượng phiến quân đã bước đầu thành công, chiếm được một số vị trí của quân đội chính phủ, thị trấn và trung tâm thương mại quan trọng của Miến Điện ở vùng giáp giới Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công đó là thách thức quân sự nghiêm trọng nhất đối với chính quyền kể từ cuộc đảo chánh vào năm 2021, lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Trọng Nghĩa 

Published in Châu Á

Miến Điện : Thống tướng Min Aung Hlaing bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt

Thu Hằng, RFI, 23/03/2021

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 tại Miến Điện, nằm trong danh sách 11 quan chức Miến Điện bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt ngày 22/03. Cùng ngày, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm hai sĩ quan thuộc lực lượng an ninh Miến Điện.

mien1

Người đứng đầu quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing (phải) và chủ tịch thượng Viện Mahn Win Khaing Than tham dự Ngày tưởng niệm các liệt sĩ tại Lăng mộ anh hùng liệt sĩ, Rangoon ngày 19/07/2016. Reuters- Soe Zeya Tun

Tướng Min Aung Hlaing, cùng với 9 sĩ quan cấp cao khác và chủ tịch ủy ban bầu cử, bị cấm đến hoặc trung chuyển qua lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu và bị bị phong tỏa tài sản có ở Liên Âu. Theo tuyên bố của 27 ngoại trưởng, đây là phản ứng đối với việc lật đổ bất hợp pháp chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, cũng như việc tập đoàn quân sự trấn áp thô bạo các cuộc biểu tình ôn hòa".

Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã thông qua một điểm sửa đổi về chế độ trừng phạt, được lập ra năm 1996 cho trường hợp Miến Điện, để có thể trừng phạt các thực thể kinh tế. Theo một nguồn tin của AFP, những biện pháp này có thể sẽ được quyết định vào tháng Tư.

Ngoài thống tướng Min Aung Hlaing đã bị trừng phạt, Hoa Kỳ quyết định trừng phạt thêm ông Than Hlaing, người đứng đầu ngành cảnh sát Miến Điện và ông Aung Soe, một quan chức quân đội, vì tham gia chiến dịch bạo lực và hăm dọa nhắm vào người biểu tình ôn hòa và xã hội dân sự". Theo thông cáo ngày 22/03 của ngoại trưởng Anthony Blinken, các quan chức Miến Điện nằm trong danh sách trừng phạt bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và duy trì quan hệ giao thương với Hoa Kỳ, đồng thời bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có. Ngoài ra, Washington cũng trừng phạt hai sư đoàn bộ binh 33 và 77 của quân đội Miến Điện vì sát hại người biểu tình".

Tập đoàn quân sự cáo buộc người biểu tình gây hỗn loạn

Bất chấp nguy hiểm, người dân Miến Điện vẫn tiếp tục biểu tình cả ngày lẫn đêm. Hơn 260 người đã bị thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, theo Hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị (AAPP) nhưng đến ngày 23/03, tập đoàn quân sự mới lên tiếng chia buồn với gia đình của 164 nạn nhân. Trong buổi họp báo tại Naypyidaw, ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, còn cáo buộc những người này là nguồn gốc tình trạng hỗn loạn đang làm đảo lộn đất nước" và họ không phải là những người biểu tình ôn hòa" khi dẫn chứng một đoạn video quay lại cảnh một nhà máy bị cháy.

Vẫn theo phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, mạng internet sẽ tiếp tục bị hạn chế thêm một thời gian vì vẫn còn nhiều lời kêu gọi bạo lực trên mạng. Hiện chỉ có các cơ quan truyền thông Nhà nước Miến Điện có thể hoạt động bình thường. Báo chí độc lập và phóng viên nước ngoài tiếp tục bị trấn áp. Theo thống kê vào đầu tháng Ba của Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 37 nhà báo bị bắt kể từ cuộc đảo chính và vẫn còn 19 người bị giam giữ bất hợp pháp. Ngày 22/03, hai tổ chức phi chính phủ - Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) - đã kêu gọi quân đội Miến Điện thả các nhà báo bị bỏ tù một cách tùy tiện và cho phép họ làm việc mà không bị sách nhiễu hay truy tố.

Thu Hằng

**********************

Miến Điện : Châu Âu trừng phạt 11 sĩ quan đảo chính, dân biểu tình cả ban đêm

Thụy My, RFI, 22/03/2021

Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU), ông Josep Borrell hôm 22/03/2021 loan báo châu Âu sẽ trừng phạt 11 nhân vật Miến Điện liên quan đến vụ đảo chính đầu tháng Hai. Trong khi đó tại Miến Điện, người dân chuyển sang biểu tình ban đêm và sáng sớm để đối phó với nạn đàn áp.

mien2

Cảnh sát dỡ các chốt chặn tạm thời do những người biểu tình dựng lên tại Rangoon, Miến Điện, ngày 21/03/2021. AP

Trước cuộc họp các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, ông Borrell tuyên bố sẽ trừng phạt 11 người liên can đến đảo chính và đàn áp người biểu tình.

Về phía tập đoàn điện lực Pháp EDF loan báo ngưng dự án đập thủy điện Shweli-3 trị giá 1,51 tỉ đô la ở bang Shan liên doanh với Nhật Bản và Miến Điện. EDF khẳng định "tôn trọng các quyền căn bản của con người là điều kiện tiên quyết cho mỗi dự án". 

Tại Miến Điện, người dân ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này đã biểu tình vào sáng sớm hôm nay, sau cái chết của tám người biểu tình hôm Chủ nhật. Hôm qua, có khoảng 50 người khác bị thương, cho đến 23 giờ vẫn vang nhiều tiếng súng. Người dân ở một số khu phố Rangoon cũng xuống đường vào rạng sáng hôm nay.

Một số cuộc biểu tình khác đã được tổ chức tại miền bắc và miền trung Miến Điện trong đêm qua, để cố gắng tránh bị lực lượng an ninh đàn áp đẫm máu. Họ thắp hàng trăm ngọn nến, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Tổng cộng đến nay có khoảng 250 người biểu tình thiệt mạng và hơn 2.600 người bị bắt, hàng trăm người bị bắt vào tuần trước vẫn chưa có tin tức - theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). AFP ghi nhận số người xuống đường đã ít hơn.

Tại Rangoon, tình hình rất căng thẳng từ khi 2 triệu người trong số 5 triệu dân bị đặt dưới lệnh thiết quân luật. Một số khu phố rơi vào hỗn loạn, người biểu tình quăng gạch đá và bom xăng, cảnh sát bắn trả bằng đạn thật. Nhiều người phải chạy trốn bạo lực, bến xe hôm qua chật ních người mang hành lý về quê. Số khác cố chạy khỏi Miến Điện, Ấn Độ đã tiếp nhận hàng trăm người và Thái Lan đang chuẩn bị đón làn sóng người tị nạn từ Miến Điện.

Thụy My

*********************

Miến Điện : Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự

Minh Anh, RFI, 21/03/2021

Làn sóng đòi dân chủ tại Miến Điện tiếp tục thách thức giới quân sự. Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 21/03/2021, người dân tại nhiều nơi ở Miến Điện lại xuống đường phản đối quân đội đảo chính. Trước các hành động trấn áp đẫm máu làm gần 250 người chết, nhiều nước ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu đã có những lời lẽ cứng rắn hơn với giới quân nhân Miến Điện.

mien3

Người biểu tình với thiết bị chống hơi cay tren đường phố Rangoon, ngày 20/03/2021. AFP - STR

Ngoài con số hàng trăm người thiệt mạng, tính đến hôm nay đã có 2.500 người bị bắt và nhiều nhiều bị mất tích. Tại Mandalay, những người phản đối giương cao biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, đang bị quân đội giam giữ tại một nơi bí mật từ 49 ngày qua. Còn tại bang Kachin, những người biểu tình tụ tập thắp sáng hàng trăm ngọn nến.

Theo AFP, các cuộc đình công từ giới bác sĩ, giáo viên, nhân viên ngân hàng hay đường sắt từ 6 tuần qua nhằm phản đối chế độ quân sự, làm tê liệt nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

Trước hành động trấn áp đẫm máu nhắm vào phong trào đấu tranh dân sự, áp lực quốc tế đang gia tăng. Nhiều nước láng giềng trong khối ASEAN cũng như nhiều đại sứ trong khối Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu rắn giọng.

Thông tín viên đài RFI, Carol Isoux, từ Bangkok tường thuật :

"Chúng tôi phản đối hành động bạo lực được sử dụng nhắm vào người dân nước láng giềng Miến Điện của chúng tôi", đất nước "rơi vào bất ổn do việc một nhóm thiểu số hành động chỉ vì những lợi ích riêng của mình". Những lời lẽ cứng rắn này là từ thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. Cùng với Indonesia, ông kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp các nước khối ASEAN về tình hình Miến Điện.

Giọng điệu mà các nước láng giềng của Miến Điện sử dụng giờ đây đã tỏ ra dứt khoát hơn so với thái độ trung lập thường thấy và luôn lo lắng tránh can dự vào chuyện nội bộ của các nước thành viên. Nhưng cuộc thảm sát thường nhật nhắm vào người biểu tình tay không vũ khí, những vụ bắt bớ ồ ạt và tùy tiện đã buộc những nước Đông Nam Á này phải giũ bỏ sự dè dặt quen thuộc.

Cuộc họp khẩn cấp sẽ phải xem xét các biện pháp trừng phạt có thể nhắm vào tập đoàn quân sự. Singapore, thành viên của ASEAN là quốc gia nước ngoài mà giới tướng lĩnh Miến Điện có nhiều tài khoản ngân hàng và những lợi ích tài chính nhất. Thế nên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt phần lớn dựa vào đảo quốc nhỏ này".

Ngày 22/03/2021, Liên Hiệp Châu Âu thông báo trừng phạt 11 sĩ quan Miến Điện có tham gia trấn áp. Bruxelles đang hoàn tất các biện pháp cưỡng chế nhắm vào các lợi ích kinh tế của nhiều thành viên tập đoàn quân sự.

Minh Anh

***********************

Quân đội Miến Điện và những "đồng tiền máu"

Thụy My, RFI, 21/03/2021

The Economist tuần này trong bài "Đồng tiền máu" đã nhận định, áp lực kinh tế khó thể làm tập đoàn quân sự Miến Điện lùi bước trước phong trào phản kháng, nhưng sự bất tài của quân đội có thể khiến nền kinh tế suy sụp.

mien3

Nhân công lao động tại một khu khai thác khoáng sản ở Hpakant, bang Kachin, Miến Điện. © Reuters/Soe Zeya Tun

Từ sau vụ đảo chính đến nay, đã có hơn 200 người Miến Điện thiệt mạng. Nhiều nạn nhân bị các tay súng thiện xạ bắn vào đầu khi họ xuống đường, số khác bị lãnh đạn một cách hú họa. Người dân vẫn tiếp tục biểu tình, nhưng trước sự kiên quyết của quân đội, nhiều người đặt hy vọng vào phong trào tẩy chay, bất tuân dân sự.

Một số dấu hiệu cho thấy tập đoàn quân sự đang thiếu tiền mặt. Vài ngày sau đảo chính, ngân hàng trung ương cố gắng chuyển 1 tỉ đô la từ Federal Reserve Bank ở New York về, nhưng bị chính phủ Mỹ chận lại. Hôm 15/02, chính quyền định bán 200 tỉ kyat (142 triệu đô la) trái phiếu kỳ hạn 5 năm, nhưng không thành công.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước lượng dự trữ ngoại hối của Miến Điện là 6,7 tỉ đô la, kể cả 1 tỉ đô đang nằm ở New York, tương đương 5 tháng nhập khẩu. Miến Điện phải nhập nhiều loại hàng thiết yếu.

Đầu tư nước ngoài đã bỏ đi không ít trong cơn lốc, các vụ đốt nhà máy Trung Quốc mới đây càng gây thêm lo ngại. Trước đảo chính, Ngân hàng Thế giới đã dự báo Miến Điện thâm hụt 8,1% GDP trong năm nay, và phong trào đình công càng làm nền kinh tế tê liệt.

Đối với mọi chính quyền bình thường, các con số báo động trên đây sẽ khiến phải thay đổi. Nhưng tập đoàn quân sự không phải là chính quyền bình thường.

Họ có thể tiếp tục với thu nhập khiêm tốn hơn từ nguồn lợi thiên nhiên. Tatmadaw (quân đội) từ lâu đã có liên can đến các vụ buôn lậu đá quý, gỗ, "bảo kê" các băng nhóm ma túy tổng hợp và có khi còn "trấn lột" cả đồng đội, như buộc quân nhân dùng một phần lương mua cổ phiếu. Tuần báo Anh nhắc lại rằng trong quá khứ, Tatmadaw đã nhiều lần làm kinh tế Miến Điện xuống dốc.

Thụy My

Published in Châu Á

Quân đội Miến Điện sẽ sớm mạnh tay đàn áp biểu tình 

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi của tập đoàn quân sự Miến Điện đã thành công ? Hôm qua, số người biểu tình ít hơn những ngày trước, và tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Quân đội đe dọa bằng sự hiện diệncủa binh lính vũ trang dày đặc trên đường phố vào ban ngày, và bố ráp trong đêm. Trận bão đàn áp chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

miendien1

Các quân nhân và xe quân sự được bố trí gần trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangoon, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 15/02/2021.  AP

Miến Điện và đại dịch corona là hai chủ đề chính trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Le Figarođặt câu hỏi "Quyết định không phong tỏa : Tổng thống Macron đã chiến thắng thử thách ?". La Croixchạy tựa "Mặc cho Covid, vẫn có những cuộc đời với đầy dự án" : Một năm sau đại dịch, một số người đầy nhiệt huyết đã có những định hướng mới để sống. "Xin vui lòng cho xem hộ chiếu vac-xin", đó là tựa đề củaLibérationMở cửa cho du khách nhập cảnh nếu đã được chích ngừa, chủ trương của một số nước có nguồn thu nhập chính là du lịch có vẻ hấp dẫn, nhưng nước Pháp vẫn ngần ngại.Les Echoscho biết "Vac-xin, nghiên cứu : Châu Âu tăng tốc", còn Le Mondequan tâm đến "Miến Điện : Sự nổi dậy của một thế hệ".

Miến Điện : "Thế hệ Z" trên tuyến đầu 

Trong bài "Tại Miến Điện, thế hệ Z trên tuyến đầu chống tập đoàn quân sự", Le Monde nhận xét giới trẻ đi đầu trong cuộc đấu tranh, điểm khác biệt với lớp trước là họ kết nối với thế giới bên ngoài.

"Thế hệ Z" gồm những người từ 17 đến 30 tuổi, lứa tuổi đã chín chắn về chính trị. Quá trẻ để có thể biết được những chế độ quân sự trước đây và các vụ đàn áp đẫm máu năm 1988 rồi 2007, họ lớn lên trong bầu không khí say men dân chủ sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể, và nay không sẵn sàng chấp nhận bị trị.

Một thanh niên cho tờ báo Pháp biết đang đứng đầu một nhóm khoảng 30 người, nếu internet bị cắt thì đã dự trù nơi tập họp để tiếp tục chiến đấu. Anh nói : "Cách đây 33 năm, thế hệ trước đấu tranh trong một Miến Điện tách biệt với thế giới, không có internet lẫn điện thoại di động, những vụ đàn áp không được sớm biết đến. Đó không phải là trường hợp của chúng tôi". Một nhà báo ở Rangoon nhận định họ rất kỷ luật, kiểm tra đoàn biểu tình không để trà trộn, thu lượm rác sau đó… nhưng cho rằng nếu phong trào đấu tranh tiếp tục rất cần có thủ lãnh chứ không thể mãi tự phát.

Chủ trương răn đe đã thành công ?

Libérationnói về "Chiến lược gây căng thẳng tại Miến Điện". Sau khi triển khai lực lượng tại nhiều thành phố, quân đội Miến Điện muốn phá vỡ phong trào bất tuân dân sự.

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi đã thành công ? Hôm thứ Hai, số người biểu tình ít hơn những ngày trước. Tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Tại Myitkyina ở bang Kachin, vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và có thể cả đạn thật đã được sử dụng để giải tán biểu tình. Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại Mandalay hôm thứ Hai, ít nhất hai người bị thương và nhiều người bị bắt. Ở Naypyidaw, khoảng mấy chục người bị câu lưu, tại đây vào tuần trước một thiếu nữ bị trúng đạn nguy kịch, đã được gia đình xin bệnh viện "rút ống" đưa về nhà lo hậu sự.

Mười lăm ngày sau đảo chính, quân đội tiến vào các thành phố để hỗ trợ cho cảnh sát, và Libération nhận ra một số đơn vị như sư đoàn 77 đã từng đàn áp "cuộc cách mạng áo cà sa" năm 2007. Chính quyền đe dọa rằng những công chức đình công có thể bị khởi tố. Tướng Min Aung Hlaing hôm qua 15/02 nói rằng cố gắng nhẹ nhàng, nhưng sẽ có biện pháp "đối với những ai làm tổn hại đất nước".

Kể từ thứ Bảy 13/02, lực lượng an ninh có thể bắt bớ, khám nhà mà không cần có trát tòa. Chế độ kêu gọi dân chúng tố cáo "những kẻ đang lẩn trốn", trong đó có Min Ko Naing, một khuôn mặt đấu tranh dân chủ thời kỳ 1988 đã từng ở tù hơn một chục năm.

Quân đội có thể đang chuẩn bị đàn áp quy mô 

Theo Le Monde, "Một cuộc đàn áp quân sự quy mô lớn đang được chuẩn bị tại Miến Điện". Những chiếc xe bọc thép tuần tiễu tại Rangoon từ hôm qua, một số trấn giữ tại những ngã tư chiến lược, sau khi tương đối để yên cho biểu tình suốt 9 ngày liên tiếp. Một lần nữa internet lại bị cắt trên toàn quốc và tối Chủ nhật, đến thứ Hai mới mở lại.

Những vụ bắt bớ trong đêm tại Rangoon hay Mandalay đã trở thành thường xuyên trong những ngày gần đây. Những người đấu tranh khẳng định một số cựu tù hình sự vừa được ân xá tuần qua được chế độ sử dụng để gieo rắc hỗn loạn tại các khu phố "nổi dậy". Phóng sự của Libérationdẫn lời một tài xế taxi, tỏ ra ngạc nhiên khi không thấy các quân nhân hành động, nhưng ngay sau đó nhận được video do một người bạn gởi đến : một chiếc xe jeep chở đầy người mang theo cờ xí, hát bài hát quân hành. Anh lo sợ : "Những người này ủng hộ quân đội, họ đến để gây mất trật tự".

Hiện nay quân đội vẫn chưa vượt quá giai đoạn răn đe. Một số nhân viên y tế, công chức… tiếp tục ngưng làm việc. Tại sân bay Rangoon, nơi những chuyến bay tiếp tế hết sức cần thiết cho một đất nước đang phong tỏa vì đại dịch, đang bị rối loạn vì một số nhân viên không lưu đình công. Hôm qua người ta trông thấy binh lính buộc các công nhân đường sắt và nhân viên ngân hàng đến nơi làm việc.

La Croixnhận định "Tại Miến Điện, quân đội khiêu khích để đàn áp". Hơn 400 người, gồm luật sư, giáo viên, nghệ sĩ, bác sĩ, nhà đấu tranh… đã bị bắt kể từ khi nổ ra đảo chính. Một nhà báo ở Mandalay chia sẻ hình ảnh những quân nhân trang bị nhiều loại vũ khí trên đường phố, nhận xét : "Họ hăm dọa bằng sự hiện diện ban ngày, nhưng lại còn gây khủng hoảng cho người dân với việc bố ráp trong bóng tối ban đêm, trong khi vẫn đang giới nghiêm". Trận bão đàn áp quân sự chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

"Zéro Covid" có khả thi ?

Bước sang lãnh vực y tế, Le Mondeđặt vấn đề "Liệu có thể ‘Zéro Covid’ tại Pháp hay không ?". Một số nước đã khống chế được con virus nhờ kiểm soát chặt biên giới và kiểm tra theo mục tiêu cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược này có thể áp dụng được.

Nhà vật lý Yaneer Bar-Yam, người đứng đầu một viện nghiên cứu tư nhân ở Massachusetts đã lập trang web endcoronavirus.org, là một trong những chuyên gia từ chối "sống chung với virus". Ông không chấp nhận thái độ thỏa hiệp, mà phải hành động. Nhóm chuyên gia đề nghị phong tỏa ngặt nghèo từ bốn đến sáu tuần lễ, sau đó kiểm tra chặt chẽ các ổ dịch mới theo nguyên tắc "xét nghiệm, truy vết, cách ly" (tester, tracer, isoler, viết tắt là TTI), và mở cửa có điều kiện những khu vực đã sạch virus.

Những người ủng hộ chiến lược "Zéro Covid" nêu gương của khoảng 20 nước đang chiến đấu chống con virus corona : Úc, New Zealand, Đài Loan, Việt Nam… Và ngược lại, nhiều nước Châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội, sau khi phong tỏa chặt từ tháng Ba đến tháng Năm 2020 bèn mở cửa biên giới, không nhận ra nguy cơ của một đợt dịch thứ hai. Còn cái giá phải trả cho "lockdown" ? Ông Bar-Yam cho rằng phong tỏa cục bộ trong thời gian ngắn vẫn tốt hơn tình trạng hiện nay. Vậy thì tại sao một số nước phương Tây không muốn áp dụng "Zéro Covid" ? Đó là do vấn đề tâm lý hơn là kỹ thuật.

"Hộ chiếu vac-xin" và những bất bình đẳng

Một vấn đề khác cùng được Libération và Les Echosđặt ra : "hộ chiếu vac-xin". Đó là một cuốn "y bạ" được số hóa, chứng nhận đã tiêm phòng Covid.

Ireland và Israel đã ban hành loại hộ chiếu này, Hy Lạp, Đan Mạch, Thụy Điển cũng sẽ theo chân. Tại Mỹ, ông Joe Biden đòi hỏi khẩn cấp xem xét, và IBM đã trả lời là khả thi. Ba hãng hàng không loan báo sẽ không cho lên máy bay nếu không có loại passport này. Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng sáng kiến này giúp người ta không chỉ du hành được mà còn tránh bị cách ly khi đến nơi, "hộ chiếu vac-xin" sẽ cứu vãn được các nhà hàng, khách sạn vào mùa hè tới.

Tuy nhiên hộ chiếu sinh trắc đã mất đến 10 năm mới thuyết phục được, nên khó thể hình dung hộ chiếu vac-xin có thể sẵn sàng vào tháng Tám. Tại Pháp, tất cả ý kiến phía chính phủ đều tiêu cực, cho rằng vấn đề này hãy còn quá sớm. Theo Libération, hai triệu người lao động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch chắc sẽ không đồng ý với Nhà nước.

Les Echos cho rằng mục đích ngầm của "hộ chiếu vac-xin" là kích thích người dân đi chích ngừa, nhưng không thể bảo đảm được sẽ không lây lan. Một giấy chứng nhận miễn dịch sẽ hiệu quả hơn để đối phó với đại dịch. Nhật báo kinh tế đòi hỏi đừng đặt cái cày trước con trâu. Vào lúc người Pháp gặp nhiều khó khăn khi chích ngừa, sẽ khó chấp nhận việc chỉ một thiểu số được đi xi-nê, đi spa hoặc du ngoạn xa. Giới trẻ là những người được tiêm chủng sau cùng cũng có nhu cầu giải trí như người lớn tuổi, passport này chỉ có ý nghĩa khi toàn bộ dân số được chích ngừa.

Pháp : Cúm mùa biến mất nhờ các biện pháp chống Covid

Còn về virus cúm thông thường, Le Figaro cho biết các biện pháp giới nghiêm, mang khẩu trang và giãn cách xã hội đã giúp nạn dịch không diễn ra tại Pháp vào cuối tháng 12 hay đầu tháng Giêng như thường lệ.

Báo cáo hàng tuần của cơ quan y tế Pháp chỉ ghi nhận khoảng 20 ca, trong đó có ít nhất 2 ca nhập cảnh. Không có bệnh nhân nào phải nhập viện vì biến chứng của cúm mùa, trong khi hàng năm vẫn có hàng ngàn trường hợp tử vong. Viêm phổi nơi trẻ em cũng giảm, chỉ có bệnh sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn như bình thường.

Thái độ của người dân Pháp đã thay đổi hẳn từ khi con virus từ Vũ Hán tấn công. Một bài báo trên tạp chí Frontiers in Psychology ước tính có đến 95% dân Pháp tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ ngay từ những tuần lễ đầu, quy trình vệ sinh áp đặt tại các trường học đã mang lại tác động tốt. Rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, thông khí… đã giúp cứu được nhiều mạng sống, làm nhẹ bớt gánh nặng ở các bệnh viện. Giáo sư Antoine Flahault của trường đại học Genève bày tỏ hy vọng sẽ trở thành thói quen lâu dài mỗi khi xảy ra những đợt cúm mùa, "như là di sản của đại dịch Covid".

Thụy My

Published in Châu Á

Quân đội Miến Điện, một Nhà nước trong Nhà nước

Theo Le Monde, từ khi Miến Điện được độc lập năm 1948, quân đội vẫn luôn là một Nhà nước trong Nhà nước, ngay cả trong những năm tháng hiếm hoi (từ 1962 đến 2011) các tướng lãnh không trực tiếp nắm quyền.

quan1

Xe bọc thép của quân đội Miến Điện trên đường phố sau đảo chính, ngày 03/02/2021.  Reuters – Stringer

Đến 2015, lần đầu tiên chuyển sang một chính phủ được bầu cử một cách dân chủ, Tatmadaw (quân đội Miến Điện) vẫn là tổ chức do một giai cấp tướng lãnh thống trị, coi thường chính quyền dân sự. Họ có thể tiến hành những cuộc chiến tùy thích, cho đến khi nổi lên những vụ tàn sát người thiểu số Rohingya năm 2017. Liên Hiệp Quốc tố cáo các tướng lãnh, đứng đầu là tướng Min Aung Hlaing, "mưu toan diệt chủng". Ngày nay chính vị tướng 64 tuổi này đang nắm trọn quyền hành tại Miến Điện.

Hôm 22/12/2020, tướng Min nhắc nhở Tatmadaw là "cần thiết cho nghĩa vụ bảo vệ Nhà nước", và mở rộng vai trò của quân đội : bảo vệ chính sách quốc gia, đạo Phật, văn hóa truyền thống. Theo nhà nghiên cứu Amara Thiha của think tank độc lập Myanmar Institute for Peace and Security, định nghĩa này quan trọng vì "giới quân nhân không tự đặt mình cao hay thấp hơn Nhà nước, mà là một định chế song song, tập trung vào nghĩa vụ quốc phòng".

Quân đội sắt máu vì tư tưởng dân tộc cực đoan đã bắt rễ

Khi được độc lập, quân đội Miến Điện chỉ có sáu tiểu đoàn gồm khoảng 3.000 quân. Ngày nay Tatmadaw đã trở thành một lực lượng được trang bị khá tốt với trực thăng tấn công của Nga, oanh tạc cơ và chiến hạm Trung Quốc, các loại pháo hạng nặng và hệ thống phòng không tân tiến. Tuy nhiên chỉ đạt được những kết quả thảm hại trước quyết tâm của các lực lượng du kích thiểu số.

Khoảng 3.000 lính đã tử trận kể từ 2011, một con số thiệt hại lớn vì địa hình thuận lợi cho chiến tranh du kích chứ không phải những trận đánh quy ước. Từ bảy thập niên qua, Miến Điện phải đối phó với vô số nhóm vũ trang, và với thời gian, trở thành một mạng lưới phức tạp. Một số nhóm ký thỏa thuận ngưng bắn hoặc biến mất, hiện còn khoảng năm, sáu nhóm hoạt động mạnh. Trước các vụ thanh lọc chủng tộc Rohingya, quân đội cũng đàn áp mạnh mẽ các sắc tộc Shan, Karen, Kachin, Mon trong thập niên 80 và 90.

Thái độ sắt máu của Tatmadaw, tấn công cả thường dân, được chuyên gia Anthony Davis của tạp chí chuyên ngành Jane’s Defense Weekly giải thích, đó là do quân lính hầu hết là người Bamar vốn có tư tưởng sô-vanh. Sắc tộc này theo đạo Phật, chiếm 68% trong số 52 triệu dân Miến Điện. Nhà độc tài đầu tiên của Miến Điện, tướng Ne Win (nắm quyền từ 1962-1988) đã dần dần dựng lên một hệ thống nhà nước theo kiểu nhà binh, dựa trên dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhuốm màu kỳ thị chủng tộc.

"Bán linh hồn cho quỷ", bà Suu Kyi vẫn thất bại

Sức mạnh của quân đội còn trong lãnh vực kinh tế : chiếm 14% ngân sách quốc gia, chưa kể kinh tế ngầm. Ngoài các mỏ cẩm thạch và nguồn lợi từ ma túy, quân đội Miến Điện còn được hưởng cổ tức từ tập đoàn Myanmar Economic Holding Public Company (MEHL) trực thuộc, khống chế nhiều lãnh vực từ bia, thuốc lá cho đến khai thác mỏ, dệt may.

Với trọng lượng quân sự, chính trị và kinh tế của Tatmadaw, hợp đồng "bán linh hồn cho quỷ" của bà Aung San Suu Kyi khó có cơ hội thành công. Thần tượng dân chủ đã sụp đổ cũng là người sắc tộc Bamar, hy vọng việc hợp tác với quân đội sẽ giúp tiến hành được chính sách phát triển kinh tế và tìm kiếm được hòa bình tại các bang nổi dậy.

Le Monde nhận định, bà Suu Kyi không có đủ thời gian thực hiện mục đích thứ nhất, và thất bại trong mục đích thứ hai. Tờ báo nhắc lại một câu nói lan truyền ở Pakistan, đất nước cũng chia rẽ và quân đội có quyền lực lớn : "Có những nước sở hữu một quân đội, nhưng có những quân đội sở hữu hẳn một đất nước".

Min Aung Hlaing, vị tướng trong bóng tối quyết định đảo chính

Cũng về Miến Điện, Le Figaro phác họa chân dung Min Aung Hlaing, vị tướng kín tiếng đã chà đạp lên "Mùa Xuân Miến Điện". Sáu tháng trước thời điểm về hưu, tổng tham mưu trưởng 64 tuổi đã mạnh tay đảo chính. Từ nhiều tháng qua, tướng Min đã ngầm đe dọa, nhưng cho đến những ngày gần đây Tatmadaw vẫn khẳng định tôn trọng Hiến Pháp 2008 do chính mình soạn thảo, trong đó bảo đảm đại biểu quân đội chiếm 25% trong Quốc Hội và nắm ba bộ quan trọng. Lâu nay điều khiển trong hậu trường, tướng Min giờ đây công khai vai trò lãnh đạo.

Viên sĩ quan kiên quyết có tài đàm phán, năm 2009 đã lọt vào mắt xanh của tướng Than Shwe, người đứng đầu tập đoàn quân sự lúc đó, nhờ chiến thắng tại bang Shan gần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Min Aung Hlaing được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng năm 2011 và thừa hưởng một nhiệm vụ chiến lược : thương lượng việc mở cửa về dân chủ và kinh tế với bà Aung San Suu Kyi được phương Tây ủng hộ, đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt.

Tướng Min mở tài khoản Facebook được hàng triệu người theo dõi, đóng vai một chính khách dễ mến. Ông tươi cười tiếp đón giải Nobel hòa bình, trong tiếng vỗ tay của các nhà đầu tư phương Tây, nhưng trong hậu trường thì vẫn so găng ; đồng thời tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc làm hơn 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh láng giềng. "Cố vấn đặc biệt nhà nước" Aung San Suu Kyi trước Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye bác bỏ cáo buộc diệt chủng, hy sinh vầng hào quang ở phương Tây để giữ chiếc ghế tại Rangoon.

Theo điều tra của Amnesty International được Le Figaro trích dẫn, từ 1990 đến 2010 MEHL đã nộp 16 tỉ đô la cho quân đội. Riêng tướng Min Aung Hlaing, cổ đông số 9.252 sở hữu 5.000 cổ phiếu, năm 2011 được chia cổ tức 250.000 đô la. Các tướng lãnh lo sợ bị mất quyền lợi, sau khi chỉ giành được 33 ghế trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Họ cho rằng lằn ranh đỏ đã bị vượt qua, nếu không còn giữ được 1/4 Quốc hội, có nguy cơ bà Aung San Suu Kyi đạt được giấc mơ làm tổng thống.

Phiên tòa xử Navalny : Bị cáo hùng hồn tố cáo tổng thống Nga

Ngoài tình hình Miến Điện và vac-xin chống Covid, phiên tòa xử nhà đối lạp Alexei Navalny ở Nga là các đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay. Le Figaroghi nhận "Tư pháp vô hiệu hóa Navalny", Libération  Les Echosnhận thấy Navalny đã mạnh mẽ đấu tranh, tố cáo ông Putin là "kẻ đầu độc".

Theo Les Echos, phiên tòa đã biến thành diễn đàn chính trị trong đó bị cáo là nhà hùng biện. Trước khi phát biểu từ trong chiếc lồng bằng kính, nhà đối lập thừa biết ông sẽ bị tuyên án nặng. Bản án treo hồi năm 2014 vì "biển thủ" mà Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã tố cáo là "tùy tiện và phi lý", chuyển thành án tù giam. Lý do : Navalny không trình diện như đã bắt buộc - do khoảng thời gian ấy ông đang hôn mê và sau đó được chữa trị tại Đức !

Navalny tuyên bố họ bỏ tù ông "để làm hàng triệu người khác sợ hãi", nhưng nhấn mạnh các vị không thể bỏ tù cả nước được !" và mỉa mai Putin "sẽ đi vào lịch sử như một kẻ đầu độc"

Libération cho biết kẻ thù số 1 của điện Kremlin một lần nữa đã khiến lực lượng cảnh sát được huy động vô cùng đông đảo. Le Figaro thuật lại, từ năm giờ sáng toàn bộ khu phố đã bị phong tỏa, xung quanh tòa án các rào cản được dựng lên, quảng trường Đỏ đóng cửa. Những người ủng hộ nhà đối lập đến gần được tòa án liền nhanh chóng bị bắt đưa lên các xe chở tù đậu gần đó, tại trạm métro gần nhất cảnh sát kiểm tra giấy tờ và khám người. Sau khi bản án được tuyên, Quỹ chống tham nhũng của Navalny kêu gọi biểu tình tại điện Kremlin, 1.000 người bị câu lưu. Les Echos nhận thấy với bản án hai năm 8 tháng, kẻ thù của ông Putin sẽ phải ngồi tù đến tận cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Mỹ : Những ai đặt cược vào Biden đã phải trả giá

Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Monde cho rằng những ai chờ đợi ông Joe Biden đi ngược lại chính sách kinh tế của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, đã phải trả giá. Thay vì chấm dứt chủ trương bảo hộ của ông Trump, tân tổng thống Mỹ lại củng cố thêm, và theo tờ báo, có nguy cơ làm rạn vỡ thêm quan hệ với Châu Âu, trong khi người lao động Mỹ không được lợi lộc gì.

Năm ngày sau khi nhậm chức, ông Biden ký một sắc lệnh hành pháp để buộc phải mua hàng Mỹ nhiều hơn. Từ nay, một sản phẩm chỉ được coi là "Made in USA" nếu có 50% chi tiết từ các công ty Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ có quyền chọn lựa khi gọi thầu, dù mắc hơn 20% so với các đơn vị cạnh tranh của nước ngoài. Thị trường mua sắm công trên 600 tỉ đô la, chưa kể đầu tư cơ sở hạ tầng trong kế hoạch 2.000 tỉ đô la sắp tới, được mong muốn dành ưu tiên cho doanh nghiệp Mỹ.

Đảng Dân chủ cố gắng giành lại các cử tri của ông Donald Trump – công nhân da trắng tại các bang trung tây. Tuy phải nhìn nhận công lao của cựu tổng thống trong việc đánh thức thế giới trước sự lũng đoạn của Trung Quốc, nhưng không phải kéo dài chính sách của Donald Trump mà Joe Biden có thể mang các nhà máy về lại trên đất Mỹ.

"Buy American" khiến người đóng thuế phải trả giá đắt. Để giữ được một việc làm phải chi ra khoảng 250.000 đô la, lẽ ra số tiền này nên dùng cho đào tạo và hướng nghiệp. Đánh thuế hàng nhập khẩu cũng khiến người tiêu dùng phải mua đắt hơn. Le Monde tỏ ý tiếc là vào lúc này, lẽ ra Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cần liên kết lại, chung sức đối phó với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong thương mại.

Thụy My

Published in Châu Á

Ngày 17/09/2017, tư lệnh quân đội Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, kêu gọi "toàn quốc đoàn kết" chống lại áp lực buộc công nhận sắc tộc Rohingya là người Miến Điện. Lời tuyên bố này được đưa ra hai trước thông điệp toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi.

miendien1

Thảm cảnh của người Rohingya : Mấy mẹ con trú mưa, Cox's Bazar, biên giới Miến Điện Bangladesh. Ảnh ngày 17/09/2017.Reuters

Trước sức ép của quốc tế và sau cuộc họp báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guteres tố cáo quân đội Miến Điện "thanh lọc" người Rohingya, tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing huy động công luận trong nước.

Trên trang Facebook, tướng Min Aung Hlaing cho rằng Miến Điện đang bị sức ép phải công nhận cộng đồng Hồi giáo Rohingya là người Miến Điện trong khi sắc tộc này, là người Bangladesh. Ông kêu gọi "toàn quốc đoàn kết kết để làm sáng tỏ sự thật" mà ông gọi là "chính nghĩa quốc gia".

Sau một thời gian im lặng và bị chỉ trích, lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi sẽ lên tiếng qua thông điệp toàn quốc vào ngày 19/09/2017.

Theo AFP, trong hồ sơ Rohingya, công luận Miến Điện đứng về phía chính phủ và quân đội.

Chiến dịch quân sự được biện minh là "hành quân gỡ mìn" đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hơn 400.000 dân Hồi giáo chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Cơ quan Bảo Vệ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF dự báo từ nay đến cuối năm, con số trẻ em tị nạn sẽ lên đến 600.000.

Bất chấp khủng hoảng nhân đạo, cộng đồng Phật giáo tại bang Arakan cương quyết không chấp nhận để các tổ chức nhân đạo đến cứu viện cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang bị quân đội truy bức. Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Rémy Favre từ Rangun :

Hơn 400 ngàn người tị tạn Rohingya. Một nửa trong số này là trẻ em. Tin Htoo Aung, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ tại bang Arakan không chút động lòng. Ông nói "không biết trong số này có ai là quân khủng bố hay không. Chỉ có chính những kẻ khủng bố mới biết được điều đó. Đây là một cuộc khủng hoảng giữa một bên là quân đội và bên kia là quân khủng bố. Trong hoàn cảnh đó những ai không liên quan đến các hoạt động khủng bố thì không việc gì phải bỏ làng ra đi. Họ có thể ở lại".

Đối với ông Tin Htoo Aung, người Rohingya tị nạn bất hợp pháp, sống tại Miến Điện và vì thế họ phải sống tập trung trong trại. Tại bang Arakan, các tổ chức phi chính phủ bị giới hạn đi lại.

Theo phóng viên Tayzar Aung, một phật tử, ngăn cản các tổ chức nhân đạo hoạt động là điều bình thường, anh nói : "Tin tức cho thấy rằng nhiều tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc đều giúp đỡ những tên khủng bố. Chúng tôi phát hiện những gói lương thực của Liên Hiệp Quốc phát cho quân khủng bố. Ở đây mọi việc đều phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, tốt hơn hết, nên ngăn chận các hoạt động cứu trợ nhân đạo".

Miến Điện cấm các phóng viên đến bang Arakan. Chỉ một vài người được phép hành nghề nhà báo, nhưng luôn có nhân viên của chính quyền đi kèm".

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á