Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Macron đi Bắc Kinh, dân Duy Ngô Nhĩ bị truy bức ở Pháp

Chuyến công du Trung Quốc "nhạy cảm" của tổng thống Pháp là chủ đề chính của hầu hết các báo số đầu tuần này.

congdu1

Cộng đồng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris phản đối chế độ Bắc Kinh, 24/03/2019. Trong ảnh, một người mang hình nộm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh KENZO TRIBOUILLARD / AFP

Trong khi Le Figaro nhấn mạnh việc tổng thống Macron tìm kiếm cơ hội "hợp tác" tại Trung Quốc, La Croix cảnh báo Trung Quốc vừa là "cơ hội", cũng vừa là "đe dọa". Bắc Kinh không phải là mối đe dọa xa xôi : Libération nêu bật trên trang nhất tình trạng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tị nạn bị chính quyền Trung Quốc truy bức ngay trên đất Pháp.

Le Monde đặt câu hỏi : "Vì sao chuyến công du Trung Quốc của Macron lại nhạy cảm". Trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai, tổng thống Pháp muốn Bắc Kinh thực thi một quan hệ có đi, có lại với đối tác, "tương tự như điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đòi hỏi". Đây là thông điệp chính của bài nhận định của Le Monde.

"Quan hệ có đi có lại"

Quan hệ song phương Pháp – Trung dường như đang đi theo chiều hướng này. Tại Paris và Bắc Kinh, giới ngoại giao hai bên nhấn mạnh đến quan hệ "đối tác toàn diện", "đối thoại chiến lược"… Trong chuyến công du này, tổng thống Pháp nhận lời mời làm khách danh dự của Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, một biểu tượng của chính sách mở cửa thương mại của Trung Quốc. Tổng thống Pháp là nguyên thủ duy nhất tham dự Hội chợ (ngoài ra, chỉ có ba nước khác cử thủ tướng).

Về phần mình, Bắc Kinh cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với Liên Âu, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ. Hôm 01/11, Trung Quốc lần đầu tiên bổ nhiệm một quan chức cao cấp phụ trách quan hệ với Liên Âu. Ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có buổi ăn tối riêng, với cặp vợ chồng nguyên thủ Pháp, để đáp lễ. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, dự kiến sẽ không có hợp đồng lớn nào được ký kết. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải phóng xạ, trị giá 11 tỉ đô la, vẫn chỉ đang trong giai đoạn đàm phán.

Căng thẳng lộ rõ. Trong lúc Paris nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của chuyến công du (với việc tổng thống Pháp khai trương một chi nhánh của bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou tại Thượng Hải – chi nhánh đầu tiên ngoài Châu Âu, và nhiều hoạt động tăng cường trao đổi văn hóa song phương), thì trước chuyến đi của ông Macron, một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo : việc Pháp gia tăng hiện diện tại Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương không được gây ra bất ổn cho khu vực. Vấn đề khủng hoảng Hồng Kông và Tân Cương ắt hẳn sẽ không được đề cập tới, do được coi là "công việc nội bộ" của Trung Quốc.

Chuyến đi gặt hái

Le Figaro có cái nhìn lạc quan hơn về chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, chuyến đi lần này cho phép ông Macron thu hoạch các kết quả đầu tiên, trước hết là về mặt thương mại, vốn đã được đặt nền móng từ trước. Phủ tổng thống Pháp thừa nhận thương mại, cụ thể là lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, là ưu tiên. Nhân dịp này, khoảng 40 hợp đồng sẽ được ký kết. Ngoài công nghiệp thực phẩm, là công nghệ vũ trụ, năng lượng, du lịch và y tế là những thế mạnh của Pháp.

Gia tăng hợp thương mại dường như là chuyện không thể đi song hành với các đòi hỏi về nhân quyền. Tuy nhiên, Libération đưa ra một góc nhìn khác. Bài xã luận "Những người bị truy bức" nhấn mạnh : tổng thống Macron hoàn toàn có lý do để nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, mà không ngại bị Bắc Kinh cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ.

"Mạng lưới tai mắt khổng lồ"

Trong số báo ra ngày hôm nay, Libération giới thiệu cuộc điều tra về tình trạng chính quyền Trung Quốc đe dọa những người Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn tại Pháp. Nhiều người trong số họ, đang ẩn náu bí mật, nhận được các bưu kiện từ nước ngoài với thông điệp đe dọa, hay bị liên lạc qua điện thoại, ngay khi họ vừa có số mới. Nhiều người nhận được yêu cầu phải đến trình diện tại sứ quán Trung Quốc…

Libération nhấn mạnh, ngoài vấn đề xâm phạm nhân quyền, các hành động truy bức này đặt ra một thách thức nghiêm trọng về an ninh với Pháp, với Châu Âu. Bởi "nếu như Trung Quốc có thể có được dễ dàng số điện thoại hay địa chỉ của một người tị nạn, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã triển khai một cách bất hợp pháp một mạng lưới tai mắt khổng lồ trên toàn lãnh thổ Châu Âu, và nhiều nơi khác".

Châu Âu đoàn kết trước đế chế Trung Hoa

Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix, mang tựa đề "Trung Hoa" (hay Đế chế ở trung tâm thế giới) nhấn mạnh đến "thái độ lập lờ ngày càng khó chấp nhận được" của chính quyền Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định đang trong giai đoạn nỗ lực tham gia vào nhóm "các cường quốc phát triển nhất", nhưng mặt khác lại không chấp nhận điều chỉnh luật pháp trong nước để bảo hộ đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, giống như các đối tác.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh khẳng định không có tham vọng đế quốc, nhưng trên thực tế, Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng toàn bộ xã hội Trung Quốc, và tăng tốc xây dựng các tập đoàn khổng lồ có tham vọng đứng đầu thế giới, và bành trướng sức mạnh quân sự.

Tìm được quan hệ cân bằng với Trung Quốc là rất khó khăn. La Croix chốt lại : đối mặt với siêu cường này, Châu Âu phải đoàn kết. Đây là đường hướng mà các lãnh đạo Châu Âu đang nỗ lực xây dựng trong những tháng gần đây. Việc bộ trưởng Nghiên cứu khoa học của Đức và ủy viên phụ trách Thương mại của Liên Âu có mặt trong phái đoàn của tổng thống Macron là một tín hiệu rõ ràng.

Tập Cận Bình củng cố quyền lực nội bộ

Tổng thống Pháp đến Trung Quốc đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc vừa khép lại một hội nghị trung ương đặc biệt. Lần đầu tiên, sau 20 tháng, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhóm họp, từ ngày 28 đến 31/10. Khoảng cách thời gian giữa hai hội nghị dài chưa từng thấy kể từ thời kỳ rối loạn tại Trung Quốc đầu những năm 1970 đến nay.

Uy quyền của Tập Cận Bình dường như gia tăng sau hội nghị này, theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, được báo Le Monde dẫn lời. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số đồn đoán về vị thế của tổng bí thư họ Tập bị lung lay. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị dài một giờ 40 phút, chủ tịch Trung Quốc đòi hỏi toàn Đảng nỗ lực "không ngừng".

Theo Le Monde, điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài diễn văn nói trên là sự tương phản, giữa một bên là thái độ "tự thỏa mãn" của ban lãnh đạo Trung Quốc về năng lực điều hành của chính quyền và bên kia là "những lo ngại về các thách thức to lớn đang chờ đợi".

Bài diễn văn của ông Tập cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn tiếp tục duy trì vị trí thống lãnh của khu vực kinh tế nhà nước. Ông Tập Cận Bình không hề nhắc đến cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ, kéo dài hơn một năm nay.

Hồng Kông : Chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị trung ương

Về năng lực điều hành "ưu việt" của chính quyền, mà ban lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra thỏa mãn, nhật báo Pháp chỉ ra giới hạn nghiêm trọng, qua cuộc khủng hoảng Hồng Kông hiện nay. Cuối tuần trước, trả lời báo giới, ông Trần Xuân Diệu (Shen Chunyao), quan chức phụ trách vấn đề Hồng Kông của Đảng, thừa nhận khủng hoảng Hồng Kông là một chủ đề trung tâm trong các thảo luận nội bộ trong Hội nghị trung ương vừa qua. Hiện tại, Bắc Kinh chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào nhằm cải thiện khả năng điều hành của chính quyền trung ương đối với đặc khu Hồng Kông (thông qua việc cách chức hay bổ nhiệm các lãnh đạo đặc khu), như điều mà quan chức nói trên quảng bá.

2020 - Năm thay đổi diện mạo nước Mỹ

Chính trường Mỹ, một năm trước bầu cử tổng thống, là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Les Echos có chùm bài mang tựa đề : "2020 là năm có thể làm thay đổi diện mạo nước Mỹ". Nhật báo Pháp tóm lược tình hình : Không khí bất định đang ngự trị, giữa một bên là tổng thống Donald Trump đang bị thủ tục phế truất đe dọa, và bên kia là nội bộ phe Dân chủ, không thống nhất được về đường lối.

Đáng chú ý có bài phân tích về hệ thống cân bằng quyền lực của nước Mỹ (thông qua việc bầu lại nghị viện hai năm một lần) thường hậu thuẫn cho việc lưỡng đảng chia sẻ quyền lực, trong bối cảnh số lượng cử tri ủng hộ các ứng cử viên có quan điểm cực đoan gia tăng.

Hồi hai nhiệm kỳ Macron : Dân chúng lo ngại

Les Echos số ra hôm nay cũng tập trung chỉ ra những thách thức với tổng thống Macron trong phần hai nhiệm kỳ tổng thống, đúng hai năm rưỡi cầm quyền của ông Macron. Theo nhật báo kinh tế Pháp, bất chấp việc các chỉ số kinh tế đang theo chiều hướng tốt (như thất nghiệp sụt giảm), đông đảo cử tri Pháp lo ngại về các cải cách sắp tới. Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Bruno Jeanbart, giám đốc nghiên cứu của OpinionWay, giải thích : nghi ngờ của dân chúng tập trung vào khả năng của tổng thống dẫn dắt các cải cách - đề xuất trong thời gian tranh cử, do uy tín của tổng thống bị suy yếu trong thời gian khủng hoảng Áo Vàng.

Theo Les Echos, trong hai năm rưỡi tới, chưa thể dự báo được gì về các ứng cử viên có mặt trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống tới. Một trong các kịch bản có thể là đương kim tổng thống Macron sẽ phải một lần nữa phải đối đầu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, cho dù đông đảo cử tri đã hoàn toàn mất thiện cảm với nhân vật này, sau lần năng lực yếu kém của bà Le Pen thể hiện rõ trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Macron.

Tín đồ Công giáo muốn khôi phục Giáo hội

Khủng hoảng của Giáo hội Công giáo, đặc biệt với các vụ bê bối ấu dâm, khiến Giáo hội muốn lắng nghe các tín đồ nhiều hơn là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo công giáo dành 11 trang đầu để tổng hợp ý kiến của các tín đồ Công giáo, trong cuộc điều tra mang tên : "Réparons l‘Eglise" (Hãy cùng nhau khôi phục Giáo hội), với hơn 5.000 ý kiến trả lời. Nhiều người đề xuất chấm dứt chế độ tu sĩ độc thân, đào tạo tốt hơn các nhà tu hành, và dành nhiều vị trí hơn cho phụ nữ. Ít giáo điều hơn, gần gũi với người nghèo hơn là các đòi hỏi khác.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Chiến hạm Pháp vượt eo biển Đài Loan, Bắc Kinh "dằn mặt" Paris

Cuộc thi "vấn đáp" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 25/04/2019 là chủ đề chính trên tất cả các nhật báo Pháp, trừ tờ Le Monde do ra từ chiều hôm trước. Le Monde quan tâm đến "khối lượng chất thải hạt nhân tích tụ một cách đáng lo ngại" trên thế giới.

chienham1

Hải quân Philippines đón chiến hạm Pháp Vendémiaire ghé thăm cảng Manila năm ngày, ngày 12/03/2018. Romeo Ranoco / Reuters

Riêng về thời sự Châu Á, Le Figaro đề cập đến thông tin mới được tiết lộ liên quan đến chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Tư và bị Trung Quốc đeo bám để phản đối.

Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... là những khách mời danh dự tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc được tổ chức ở ngoài khơi Thanh Đảo, Pháp ban đầu cũng nằm trong danh sách khách mời, nhưng cuối cùng lời mời đã bị Bắc Kinh rút lại.

Lý do là chiến hạm Pháp Vendémiaire, nặng 2.950 tấn, đã đi qua eo biển Đài Loan và bị tầu Trung Quốc cảnh cáo, đeo bám và áp giải khỏi khu vực mà Trung Quốc nhận có chủ quyền, trong khi đây là vùng biển quốc tế theo Liên Hiệp Quốc.

Ngày 06/04, thông qua người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Trung Quốc phản đối chiến hạm Pháp "xâm phạm trái phép vùng biển" của nước này. Paris nhắc đến "tự do hàng hải và luật biển", đồng thời khẳng định "giữ liên lạc chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc".

Chuyện xảy ra vào đầu tháng Tư, nhưng vừa mới được một số chuyên gia Mỹ tiết lộ, trong khi Paris hoàn toàn kín tiếng. Thông tin trên cho thấy Bắc Kinh đang tỏ ra cứng rắn hơn với Hải quân Pháp trong bối cảnh tầu sân bay Charles de Gaulle chuẩn bị đến Đông Á và sẽ cập cảng thăm Singapore vào tháng 05/2019, đúng lúc diễn ra Đối thoại Shangri-la, một diễn đàn thường niên về các vấn đề an ninh quốc phòng trong khu vực.

Trả lời Le Figaro, nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á ở Viện Montaigne, nhắc lại "cho đến nay, việc đi qua eo biển Đài Loan vẫn diễn ra mà không gặp vấn đề gì". Hành động lên gân của Trung Quốc là nhằm "gửi tín hiệu cảnh báo đối với Pháp vào lúc Paris muốn tăng cường hiện diện hải quân ở vùng Tây Thái Bình Dương". Trong những năm gần đây, Hải quân Pháp vẫn thường xuyên sử dụng trục đường này "ít nhất một lần một năm", theo các nhà quân sự Pháp.

Vậy Hoa Kỳ có chủ ý gì khi tiết lộ thông tin trên với Reuters ? Theo ông Duchâtel, đây là "một đòn chính trị đối với Washington, hiện muốn chứng tỏ với Bắc Kinh rằng ngày càng có nhiều nước sát cánh cùng Mỹ để khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển trước những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc". Điều chưa rõ hiện nay là việc tiết lộ thông tin có sự đồng tình của Pháp hay Paris không hề được biết.

Chủ ý tiết lộ thông tin này còn có thể liên quan đến bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng ở eo biển Đài Loan, sau khi hai tầu chiến Mỹ công khai đi qua eo biển Đài Loan vào tháng Ba khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ. Thêm vào đó, Đài Loan chuẩn bị bầu cử tổng thống vào tháng 01/2020.

Nhật báo Le Figaro nhắc lại chiến hạm Vendémiaire của Pháp - đóng tại Nouméa, thủ phủ của đảo Nouvelle Calédonie - vẫn thường xuyên hoạt động vì tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời thử phản ứng của Hải quân Trung Quốc trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền đến tận 90% diện tích.

Về phần mình, Paris luôn tỏ ra kín tiếng về các chiến dịch nhạy cảm này. Chiến lược này hoàn toàn trái ngược với Washington hay Luân Đôn, Hải quân của hai bên thường xuyên công bố "các chiến dịch tự do hàng hải", thậm chí chiến hạm Mỹ đi sâu vào khu vực 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông, nơi trung chuyển đến 40% thương mại hàng hải thế giới.

Pháp : Tổng thống Macron phác họa đường nét chính của "tham vọng mới"

Tối 25/04/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành 20 phút để phác họa những chủ trương mới của ông sau cuộc Thảo luận Toàn quốc, kéo dài 3 tháng. Và cũng lần đầu tiên, kể từ khi lên nắm quyền, chủ nhân điện Elysée trả lời trực tiếp báo giới trong vòng hai tiếng.

"Phi tập trung, thuế khóa, thể chế, môi trường…" là những chủ đề lớn trong định hướng "hành động mới" của tổng thống Pháp, theo trang nhất của Le Figaro Les Echos. Nguyên thủ Pháp hứa giảm thuế thu nhập 5 tỉ euro ; giữ tuổi nghỉ hưu là 62, nhưng khuyến khích làm việc lâu hơn ; loại khả năng tổ chức trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân ; từ bỏ ý định xóa 120.000 vị trí công chức…

Dưới hàng tựa lớn trên trang nhất : "Công bằng xã hội, một niềm đam mê kiểu Pháp", nhật báo công giáo La Croix đưa tin tổng thống Macron hứa một dự án chính trị "nhân đạo hơn" sau khi thừa nhận phong trào Áo Vàng đã cho thấy nhiều "góc khuất" của xã hội, như hoàn cảnh của các gia đình cha, mẹ đơn thân, người nghỉ hưu, trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn…

Tuy có một vài đề xuất của tổng thống Pháp được nhật báo Libération đánh giá là đáng chú ý, nhưng tựa trang nhất Libération như một lời phàn nàn "Waouh đi đâu mất rồi ?". Theo Libération, bài diễn văn của tổng thống Macron đã không cho thấy được một "bước ngoặt", từng được thông báo trước đó, có rất ít điều gây ngạc nhiên và lại càng có ít các biện pháp cụ thể.

Còn theo Le Figaro, bài diễn văn của tổng thống Macron đã không thuyết phục được người dân Pháp, tỉ lệ này lên đến 63%, theo thăm dò của cơ quan Epoka cho hai kênh truyền thông RTL và LCI. Đa phần công luận cho rằng những thông báo của nguyên thủ Pháp không đáp ứng những trông đợi của họ và 80% trong số đó cho rằng những thông báo trên sẽ không chấm dứt được phong trào Áo Vàng.

"Món quà bất ngờ" tổng thống Nga tặng tổng thống tân cử Ukraine

Công dân ở hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Louhansk, ở miền đông Ukraine, sẽ được cấp hộ chiếu Nga trong vòng 3 tháng, nếu họ yêu cầu, dù không đáp ứng đủ tất cả các điều kiện.

Sắc lệnh trên được tổng thống Vladimir Putin ký ngày 24/04/2019, chỉ ba ngày sau khi ông Volodymyr Zelensky được bầu làm tổng thống Ukraine. Sau đó, chủ nhân điện Kremlin từ chối chúc mừng chiến thắng của ông Zelensky.

Le Figaro cho rằng đây là "cú tát đầu tiên của Putin đối với Zelensky". Khi cho phép công dân Ukraine sống ở vùng ly khai Donbass có hộ chiếu Nga, chính quyền Moskva đã áp dụng biện pháp từng làm tại Abkhazia và Nam Ossetia vào năm 2002 khi xảy ra xung đột với Gruzia.

Đây cũng là "thách thức đầu tiên mà Putin tung ra đối với tổng thống tân cử Ukraine" theo nhận định của Le Monde. Tổng thống Nga biện hộ cho quyết định trên là chỉ nhằm "mục đích nhân đạo", "bảo vệ quyền lợi và tự do của con người và của công dân", đồng thời khẳng định "không có ý định gây vấn đề với chính quyền mới của Ukraine".

Quyết định của Nga đã khiến người dân Ukraine bức xúc. Tổng thống mới được bầu Zelensky buộc phải lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế "tăng cường gây áp lực ngoại giao và trừng phạt đối với Nga", đồng thời nhấn mạnh sắc lệnh của tổng thống Putin là "một lời khẳng định mới về vai trò thật của Nga trong tư cách là quốc gia xâm lược".

Microsoft gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỉ đô la trên thị trường chứng khoán

Tập đoàn Mỹ do Bill Gates thành lập trở thành công ty có tài sản lớn nhất trên thế giới và vượt ngưỡng 1.000 tỉ đô la hôm 25/04/2019, trước khi rơi xuống dưới ngưỡng tượng trưng này một chút.

Microsoft trở thành tập đoàn thứ ba, sau Apple và Amazon, có trị giá 1.000 tỉ đô la. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thành quả này nhờ một phần thị trường chứng khoán, sau khi cổ phiếu của tập đoàn tin học Mỹ lần đầu tiên được niêm yết ngày 13/05/1986, rồi đến thời kỳ bùng nổ internet trong thập kỷ 2000. Nhưng lý do chính là nhờ vào khả năng sáng tạo của 140.000 nhân viên của Microsoft, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của tổng giám đốc Satya Nadella từ 5 năm nay, người đã đặt cược vào công nghệ điện toán đám mây - cloud computing.

Pháp : Tình trạng gian lận trợ cấp xã hội vẫn cao trong năm 2018

Pháp là một trong số các nước nổi tiếng có chế độ trợ cấp xã hội nhân đạo. Tuy nhiên, lòng hảo tâm này vẫn bị lợi dụng, cụ thể là "tình trạng gian lận trợ cấp xã hội vẫn cao trong năm 2018", theo ghi nhận của nhật báo Le Figaro.

Cụ thể, theo tài liệu được công bố ngày 25/04, Quỹ quốc gia trợ cấp gia đình (Cnaf-Caisse nationale d'allocation familiale) của Pháp đã phát hiện 44.897 trường hợp gian lận, như khai giả, sử dụng tài liệu giả, lừa đảo… để được lĩnh một số phúc lợi xã hội như thu nhập tương ái năng động (RSA-Revenu de solidarité active), trợ giúp nhà ở, trợ giúp cho các gia đình… Đánh giá về bản tổng kết, tổng giám đốc Cnaf, ông Vincent Mazauric, cho rằng "đây là dấu hiệu cho thấy kế hoạch rà soát đúng mục tiêu".

Theo cơ quan Cnaf, hệ thống trợ cấp hiện nay vẫn dựa trên lời khai là chính, cho nên dẫn đến tình trạng khai nhầm, khai nhiều lần về cùng hoàn cảnh… Vì vậy, ông Vincent Mazauric lưu ý rằng "phần lớn những người khai nhầm không phải là những người lừa đảo". Và để hạn chế tối đa nhầm lẫn, Cnaf đã thành lập nhiều đội ngũ chuyên liên lạc trực tiếp với công dân, gửi thư yêu cầu họ cập nhật tình trạng gia đình hoặc cảnh cáo những người được nhận quá nhiều tiền trợ cấp mà lẽ ra họ không được hưởng.

Nhiều trẻ em Pháp ăn không đủ no và thiếu dinh dưỡng

Một chủ đề khác trong lĩnh vực xã hội được nhật báo công giáo La Croix quan tâm là tình trạng trẻ em Pháp không được ăn uống đầy đủ và bị thiếu chất. Tình trạng này đều được các giáo viên, các hiệp hội và các thị trưởng cùng ghi nhận.

Để cải thiện tình trạng trên, Bộ Giáo dục Pháp vừa công bố hai biện pháp trong khuôn khổ "Chiến lược phòng chống nghèo đói" : phục vụ miễn phí bữa sáng ở trường học và bữa ăn căng-tin giá 1 euro. Chương trình này chỉ áp dụng cho các khu vực khó khăn hoặc các địa phương tình nguyện.

Thực vậy, theo La Croix, nhiều gia đình khó khăn, đặc biệt là những gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân nuôi con, trẻ em không được ăn đủ no hoặc không đủ chất do ăn đồ ăn công nghiệp chế biến sẵn, quá mặn, quá ngọt hoặc quá béo.

Cách đây vài năm đã xuất hiện nhiều lớp dạy nấu ăn miễn phí cho các gia đình. Ngoài ra, việc giáo dục cho các bậc phụ huynh về dinh dưỡng cũng là trọng tâm của chương trình "Malin", trong khuôn khổ "Chiến lược phòng chống đói nghèo". Chương trình "Malin" sẽ dần được triển khai trên khắp nước Pháp và sẽ liên quan đến 160.000 trẻ em từ giờ đến năm 2022.

Thu Hằng

Published in Châu Á