Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan hệ Việt Nam - Philippines được đánh giá là đang trên đà tiến triển tốt đẹp. Tuy nhiên, việc cả hai nước đều có những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khiến cho hai bên dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến lược chia rẽ của các bên thứ ba, chẳng hạn như Trung Quốc.

vietphi1

Ngoại trưởng Philippines thăm Việt Nam hồi đầu tháng 8/2023 - AFP

Chiến thuật chia rẽ từ Trung Quốc

Đây là quan điểm của nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng trong một bài phân tích  được đăng trên trang web Fulcrum hôm 24/8.

Trong khi Chính phủ Việt Nam và Philippines đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược thì vẫn còn tồn tại một số xung đột lợi ích trên Biển Đông khi cả hai bên đều có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Điều này sẽ khiến cho cả Hà Nội và Manila dễ bị tác động bởi chiến lược chia rẽ, được cho là của Trung Quốc hoặc các bên liên kết với Bắc Kinh.

Ví dụ điển hình là vụ việc vừa xảy ra vào cuối tháng Bảy vừa qua. Tờ Manila Times, vốn được cho là thân Trung Quốc đăng tải hai bài viết cáo buộc Việt Nam quân sự hóa Biển Đông. Các bài viết còn đề cập đến một tài liệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam bị rò rỉ nêu chi tiết toàn bộ kế hoạch quân sự hóa được cho là của Việt Nam. 

Sau đó, vào ngày 1/8, một nhóm người Philippines đã tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Manila. Họ thậm chí còn xé quốc kỳ của Việt Nam, để phản đối hành động mà họ cho là Việt Nam đang quân sự hoá Biển Đông.

Đáp lại, phía Việt Nam thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên án hành động này và yêu cầu Philippines có các biện pháp ngăn chặn tái diễn, để không gây ảnh hưởng tới quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước. 

Chuyên gia an ninh quốc tế, thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, cho biết có nhiều nguồn tin từ các học giả Philippines nói rằng tờ Manila Times thân với Trung Quốc và ít nhiều bị chi phối bởi quốc gia tỷ dân này :

"Vụ việc vừa nêu một phần nào đó khuấy động dư luận bên trong Philippines một chút mà thôi, chứ nó không ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ ngoại giao hai nước (Việt Nam và Philippines - PV).

Vụ đó cho thấy rõ ràng rằng là chính trị nội bộ của Philippines trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ hai bên. Thứ hai là Trung Quốc và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là không thể bỏ qua được".

Có ảnh hưởng đến bang giao Việt - Philippines ?

vietphi2

Một số người Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila hồi tháng 7/2023. Ảnh : Screenshot Manila Times

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, trả lời RFA qua email nhận định :

"Philippines là quốc gia có dân chủ, quyền biểu tình được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Cuộc biểu tình vừa qua là hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có một số người đi biểu tình là do nhận được thông tin không đúng từ các nguồn Trung Quốc. Cuộc biểu tình này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước". 

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp phân tích, cả Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với một số quần đảo và vùng biển ở Biển Đông, dẫn đến chồng lấn yêu sách chủ quyền. Điển hình là quần đảo Trường Sa mà cả hai nước đều khẳng định chủ quyền nhưng họ lại có cách giải thích khác nhau về chủ quyền lịch sử :

"Trong những năm gần đây, Philippines đã có những động thái mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, kể cả việc khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế năm 2013. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế cho Philippines thực tế có lợi cho Việt Nam, và Việt Nam đang ngầm ủng hộ Phán quyết này".

Ngoài vấn đề ở Biển Đông, theo ông Thế Phương, quan hệ Việt Nam - Philippines, nếu nhìn trong bối cảnh rộng hơn thì còn bị ràng buộc nhiều thứ khác, ví dụ như chính trị nội bộ của Philippines và vấn đề an ninh lương thực :

"Một trong những vấn đề của Philippines là phải đảm bảo làm thế nào duy trì được nguồn cung gạo từ Việt Nam một cách ổn định và để có thể đảm bảo cái đó thì một phần là ngoại giao phải tốt".

Hợp tác để đối phó Trung Quốc

Ông Hà Hoàng Hợp phân tích, về vấn đề Biển Đông, bản chất là Việt Nam và Philippines cùng có nguy cơ an ninh từ Trung Quốc. Do đó, hai nước trong khi hứa với nhau sẽ xử lý tranh chấp ở biển Đông, thì trước hết nên hợp tác với nhau để đối phó với Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Việt Nam và Philippines sẽ bàn bạc giải quyết tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu năm sau :

"Một trong những nút thắt trong việc giải quyết vấn đề ở Biển Đông hy vọng sẽ được khai thông, đó là Việt Nam và Philippines bắt đầu đàm phán thống nhất phân định những vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông.

Việt Nam đã làm điều này với Malaysia rồi và bây giờ là Việt Nam với Philippines. Các nước Asean không thống nhất được trong việc giải quyết những tranh chấp biển song phương dẫn đến việc Trung Quốc dễ dàng chia để trị".

Ông Phương đánh giá cả Việt Nam và Philippines đều có thiện chí trong đối thoại giải quyết tranh chấp Biển Đông nên hai chính phủ rất dễ nói chuyện với nhau.

Điều khó nhất trong việc giải quyết xung đột lãnh thổ, theo ông Phương, là làm thế nào chính quyền của cả Việt Nam và Philippines có thể nói với người dân của họ rằng "chúng tôi có thể chia sẻ vùng lãnh thổ mà trước đây cả hai bên đều cho rằng đó là của mình" :

"Trước đây chúng ta nói toàn bộ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, nhưng mà giờ đây đã phân định, đưa phần đó cho bên kia rồi thì vấn đề là làm thế nào có thể nói chuyện đó cho người dân trong nước và phải giải thích được chuyện đó".

Quan hệ Việt - Philippines đang trên đà tốt đẹp

Sau một số vụ việc "bất hoà" vừa qua giữa Việt Nam và Philippines, theo ông Thế Phương, trên thực tế, hai nước vẫn đang duy trì một mối quan hệ tốt đẹp :

"Quan hệ giữa Việt Nam và Philippines chắc chắn sẽ tốt hơn nữa dưới thời của ông tổng thống mới này. Sau chuyến thăm vào tháng Một này thì nó sẽ tốt hơn nữa, khi mà Philippines sẽ bắt đầu nhập khẩu lương thực nhiều hơn từ phía Việt Nam". 

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp chỉ ra một số thành quả trong mối quan hệ hai nước kể từ khi Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2015 :

"Điển hình như việc lập và duy trì nhóm công tác chúng về biển và đại dương ; khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 ; vai trò trung tâm và lập trường của ASEAN về Biển Đông trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực…"

Hiện tại, Việt Nam và Philippines đang duy trì đối thoại về vấn đề Biển Đông thông qua các cơ chế song phương và đa phương. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Việt Nam và Philippines cam kết đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông để cùng nhau có đánh giá khách quan và toàn diện. Điều này sẽ giúp xây dựng niềm tin giữa hai nước.

Hai bên tiếp tục thúc đẩy đối thoại song phương về các vấn đề trên biển, thông qua các cơ chế như Nhóm công tác chung Việt Nam - Philippines về hợp tác biển và đại dương. Các cơ chế này sẽ giúp hai bên tìm ra tiếng nói chung.

Việt Nam và Philippines tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, ARF, ADMM/ADMM+ để cùng đưa ra các sáng kiến và giải pháp cho vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Hai nước cũng nhau thúc đẩy thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như cố gắng sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Như vậy, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines đang tiếp tục phát triển tích cực - tiến sỹ Hà Hoàng Hợp kết luận.

Ngày 2/8 vừa qua, nhân chuyến thăm  của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước thống nhất đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh khu vực, an ninh trên Biển Đông và an ninh lương thực.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và Philippines cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 10 tỷ USD , trong đó coi trọng thương mại gạo.

Phía Philippines cho biết vào tháng 1/2024, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sẽ thăm Việt Nam. Khi đó, hai bên sẽ thống nhất thống Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2025 - 2030 ; và tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Nguồn : RFA, 28/08/2023

Published in Châu Á