Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lộ hình ảnh chiến hạm Mỹ theo dõi tàu Trung Quốc : Một đòn chiến tranh tâm lý ?

Mai Vân, RFI, 13/04/2021

Báo giới quan tâm đến Châu Á trong những ngày qua đã bàn tán khá nhiều về một bức ảnh mà Hải quân Mỹ chụp ngày 04/04/2021 tại biển Philippines, cho thấy hạm trưởng tàu khu trục Mỹ USS Mustin ngồi trên boong tàu, quan sát một chiếc tàu ngoài xa được ghi nhận là hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh. 

my1

Hạm trưởng tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) Robert Briggs cùng phó hạm trưởng Richard Slye quan sát tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 04/04/2021 trên biển Philippines.  © US Navy - via Twitter @Chris Cavas

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Biển Đông và biển gần Đài Loan, với sự hiện diện của cả chiến hạm Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, việc bức ảnh được tiết lộ đã đặt ra câu hỏi về dụng tâm của Mỹ.

Thoạt nhìn, bức ảnh rất bình thường. Người ta thấy hạm trưởng tàu khu trục Mustin (số hiệu DDG 89) Robert Briggs cùng sĩ quan điều hành tàu là Richard Slye ở trên boong, đang nhìn về phía biển xa, nơi người ta thấy một chiếc tàu sân bay - được ghi nhận là chiếc Liêu Ninh của Trung Quốc - đang di chuyển song song.

Tuy nhiên, giới phân tích đã ghi nhận một loạt những yếu tố khác thường, mà trước tiên hết là tính chất "hiếm hoi" của bức ảnh. Hải quân Mỹ cho đến nay, đã công bố rất nhiều hình ảnh hay video về hoạt động của các chiến hạm Mỹ khi đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông hay vùng eo biển Đài Loan, nhưng hiếm khi thấy những tư liệu trong đó có tàu Trung Quốc.

Bức ảnh hàm chứa thông điệp cảnh báo Trung Quốc

Tư thế ngồi của hạm trưởng chiếc USS Mustin cũng đáng chú ý : Ông ngồi trên một chiếc ghế bành, gác chân lên lan can một cách thoải mái, mà theo giới phân tích dường như tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm mấy đến "mối đe dọa" từ tàu Liêu Ninh di chuyển gần đó.

Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 11/04 đã nhận xét như sau : "Tư thế ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành bọc da màu nâu, hai chân duỗi dài gác lên lan can tàu của viên hạm trưởng Mỹ có thể khiến ta nghĩ đến một chuyến du ngoạn vui vẻ. Thế nhưng không phải vậy : cùng với người phó của mình, chỉ huy chiếc DDG-89 - một trong 71 chiếc khu trục hạm của Hải quân Hoa Kỳ - đang quan sát chiếc đầu tiên trong số hai tàu sân bay Trung Quốc mà họ đang theo dõi".

Đối với một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/04 trích dẫn thì Hải quân Mỹ đã cố tình tung ra bức ảnh này với mục tiêu tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý, gởi đi một thông điệp cảnh báo nhắm vào Trung Quốc.

Theo ông Lã Lễ Thi (Lu Li-shih), cựu giảng viên Học Viện Hải quân Đài Loan tại Cao Hùng, bức ảnh là "một dạng chiến tranh nhận thức, nhằm chứng tỏ rằng Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời". Đối với chuyên gia này, dáng vẻ rất thoải mái của hai viên chỉ huy cao nhất trên khu trục hạm Mỹ khi chiếc Liêu Ninh chỉ cách đó vài nghìn mét cho thấy là phía Mỹ "xem thường Hải quân Trung Quốc".

Còn tổng biên tập tạp chí quốc phòng Hán Hòa (Kanwa Defense Review) xuất bản tai Canada Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang) cho rằng bức ảnh là "lời cảnh báo nhắm vào Quân đội Trung Quốc", cho thấy rõ là Mỹ nắm rất rõ các động thái của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

Không còn thấy trên web thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ ?

Một chi tiết khác thường khác đã được nhà báo Mỹ chuyên về hải quân Chris Cavas ghi nhận là sau khi được công bố trên trang web thông tin DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 11/04, bức ảnh sau đó đã được rút xuống.

Chris Cavas là một trong những người đầu tiên đã phát hiện việc Hải quân Mỹ công bố bức ảnh. Trong tin nhắn Twitter kèm theo hai bức ảnh, một của hai chỉ huy khu trục hạm USS Mustin, và một của tàu sân bay Liêu Ninh nhìn từ phía tàu Mỹ, nhà báo Mỹ đã nêu bật :

"Ảnh rất hiếm chụp sĩ quan chỉ huy và sĩ quan điều hành của chiến hạm USS Mustin DDG89 khi họ bám theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh 16 trên Biển Philippines vào ngày 4 tháng 4. Hải quân Mỹ hiếm khi thừa nhận các hoạt động theo dõi tàu Trung Quốc và việc tàu Mỹ bị Trung Quốc bám đuôi".

Dẫu sao thì theo nhật báo Pháp Le Figaro, bức ảnh chụp từ tàu khu trục USS Mustin cho thấy là căng thẳng ở khu vực gần Đài Loan tiếp tục ở mức cao.

Trong khu vực này, Bắc Kinh không chỉ tăng cường sức ép đối với Đài Loan, một hòn đảo độc lập trên thực tế nhưng vẫn bị Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình, mà còn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà họ đang quân sự hóa ráo riết trong mười năm qua, bằng cách bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên đó.

Theo Le Figaro, về phía Mỹ, trong khi tăng cường các chuyến hải hành qua lại vùng Biển Đông trong các chiến dịch bảo đảm nguyên tắc "tự do hàng hải", Hải quân Hoa Kỳ cũng lo ngại trước đà phát triển quá nhanh của Hải quân Trung Quốc, một đà vươn lên đang đe dọa vị thế hàng đầu mà Mỹ có được từ năm 1945 và thậm chí kể từ năm 1991.

Pháp cũng có mặt nhưng khiêm tốn hơn

Ngoài sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, báo Le Figaro cũng không quên nhắc lại rằng dù với một quy mô khiêm tốn hơn, Hải quân Pháp cũng có mặt tại khu vực tranh chấp này.

Hiện đang dừng chân tại Sabang của Indonesia, tại lối vào eo biển Malacca, tàu trực thăng đổ bộ Tonnerre và hộ tống hạm Surcouf của Pháp sẽ đi qua Biển Đông trong những ngày tới trong khuôn khổ chiến dịch huấn luyện "Jeanne d’Arc 2021" của các học viên sĩ quan của Hải quân Pháp. Sau chặng dừng chân ở Việt Nam, chiến hạm Pháp sẽ đến Nhật Bản và cũng đi qua hoặc ít ra là đến gần eo biển Đài Loan.

Hôm 07/04, tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude của Pháp đã quay trở về cảng Toulon, sau bảy tháng hoạt động ở cùng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương này. Tàu ngầm Pháp cũng đã tuần tra Biển Đông, lần đầu tiên - ít nhất là trên mặt chính thức.

Một sự kiện hiếm hoi : Sự kiện tàu ngầm Emeraude trở về sau chuyến công tác lần này đã được quảng bá trên truyền thông, và đô đốc Pierre Vandier, tham mưu trưởng Hải quân Pháp đã ca ngợi một "sứ mệnh có tầm vóc chiến lược".

Đối với Le Figaro, giống như vụ bức ảnh của hạm trưởng Mỹ trên chiếc USS Mustin, sự cạnh tranh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là một vấn đề thông tin tuyên truyền.

Mai Vân

*********************

Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận dài hai tuần

RFI tiếng Việt, 12/04/2021

Kể từ thứ Hai 12/04/2021, quân đội Philippines và Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tập trận chung hàng năm, kéo dài trong vòng hai tuần, sau một năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19. Chiến dịch quân sự Mỹ - Philippines lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng tại vùng Biển Đông.

myphi1

Quân đội Philippines và Hoa Kỳ khai mạc cuộc tập trận Balikatan lần thứ 36, tại Doanh trại Aguinaldo, Quezon City, Manila, Philippines, ngày 12/04/2021  via Reuters – Armed Forces of The Philippines

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ngày hôm qua, 11/4, tướng Cirilito Sobejana, chỉ huy quân đội Philippines, cho biết là quy mô đợt tập trận bị thu hẹp do tình hình dịch bệnh Covid-19. Khoảng 1.300 lính Philippines và 700 binh sĩ Mỹ, tức chỉ bằng ¼ quân số so với lúc bình thường, tham gia cuộc tập trận lần này.

Nội dung cuộc tập trận là phối hợp các "bài tập ảo và thật", nhưng tướng Sobejana không quên nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu quy mô là còn nhằm "duy trì mối quan hệ liên minh, tiếp xúc giữa hai lực lượng".

Vài giờ trước khi diễn ra cuộc tập trận, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd Austin và đồng nhiệm Philippines, ông Delfin Lorenzana đã điện đàm về "tình hình Biển Đông và sự hiện diện đông đảo các lực lượng hải quân Trung Quốc gần bãi Đá Ba Đầu", theo như thông cáo của Lầu Năm Góc. Cũng theo bản thông cáo này, ông Austin đã đề nghị tăng cường khả năng đánh giá "các mối đe dọa trên Biển Đông".

AFP nhắc lại, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng sau vụ phát hiện hơn 200 chiếc tầu Trung Quốc neo đậu xung quanh bãi Đá Ba Đầu (Whitsun), thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực đang có tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, truyền thông Nhà nước Việt Nam, hôm 06/04/2021 loan báo hải quân Việt Nam tổ chức một cuộc thao dượt quân sự nhỏ tại quần đảo Trường Sa. Như một sự trùng hợp, Bắc Kinh cùng ngày, thông qua Tổ chức Sáng kiến Dò tìm Biển Đông (South China Sea Probing Initiative – SCSPI), do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát, trong một báo cáo, lên án chính phủ Việt Nam có các hoạt động "triển khai quân sự" tại Trường Sa.

Báo cáo có đoạn viết : "vào lúc quân đội và thường dân Việt Nam ngày càng hoạt động tích cực tại các đảo và bãi đá ngầm do Việt Nam kiểm soát cũng như những vùng lãnh hải lân cận, rủi ro va chạm và xung đột là không hề nhỏ !" Phải chăng đây là một lời đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam ?

Minh Anh

Published in Châu Á

Mỹ hứa bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công vũ trang tại Biển Đông (RFA, 01/03/2019)

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, vào ngày 1 tháng 3 đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công vũ trang tại khu vực Biển Đông.

asia1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo ở Manila ngày 1/3/2019 - AFP

Cam kết của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra sau cuộc gặp Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo lời Ngoại trưởng Mike Pompeo được AFP dẫn lại là những hành động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á là một mối đe dọa.

Ông Mike Pompeo nhắc lại hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo và những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang đe dọa đến chủ quyền, an ninh và như thế là đe dọa đến sinh kế của những quốc gia trong khu vực và kể cả Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng Biển Đông là một phần Thái Bình Dương, nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm đến lực lượng quân đội, máy bay hay tàu thuyền của Philippines tại Biển Đông đều buộc Hoa Kỳ thực thi cam kết theo Điều 4 của Thỏa ước Phòng Thủ Chung giữa đôi bên.

Phát biểu như vừa nêu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo được ghi nhận là tuyên bố công khai lần đầu tiên về cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công tại khu vực Biển Đông. Manila gọi đây là Biển Tây Philippines, còn Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Thỏa ước Phòng Thủ Chung Hoa Kỳ- Philippines được ký kết năm 1951, theo đó thì trong trường hợp một trong hai phía bị tấn công tại Thái Bình Dương, phía kia có bổn phận bảo vệ cho bên bị tấn công.

Trong thời gian qua, lực lượng quân đội và ngư dân Philippines thường xuyên lên tiếng về việc bị lực lượng an ninh hàng hải Trung Quốc nhũng nhiễu.

Ngay sau khi có cam kết của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bảo vệ đồng minh Philippines như vừa nêu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Lục Khảng, lên tiếng rằng đối với những quốc gia ngoài khu vực như Hoa Kỳ… không nhất thiết phải cố tình kích động hay gây bất ổn trong khu vực.

Theo lời Ông Lục Khảng thì Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông.

Đường đứt khúc 9 đoạn này bị Philipines đưa ra kiện ở tòa án quốc tế, và vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye ra phán quyết đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền là phi pháp, không có căn cứ cả về mặt pháp lý và lịch sử.

Tuy vậy Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa và tiếp tục hoạt động bồi lắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các nơi đó thành những căn cứ tiền tiêu.

******************

Lợi ích từ Thượng đỉnh Trump-Kim chưa thể thấy ngay (RFA, 01/03/2019)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng, cho rằng Hà Nội gặt hái được nhiều món lợi khi tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Hàn ; tuy nhiên đó là những món lợi vô hình chưa thể thấy ngay được.

asia2

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Ông Mai Tiến Dũng chụp tháng 6 năm 2016 - AFP

Phát biểu của ông Mai Tiến Dũng được đưa ra vào ngày 1 tháng 3 với báo giới trong nước khi được hỏi về con số thống kê về khoản tiền bỏ và và lợi nhuận thu về.

Theo ông Mai Tiến Dũng thì thời gian chuẩn bị cho Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội là rất ngắn ; tuy vậy phía Việt Nam bảo đảm được an ninh cho sự kiện quan trọng này.

Đối với lợi ích kinh tế thì ông Mai Tiến Dũng nói rõ vẫn chưa có được những con số thống kê chính thức ; nhưng nguyên văn lời ông nói với báo giới và được trích lại là ‘được nhiều hơn là mất’. Còn khoản chi phí bỏ ra để tổ chức thì ông Mai Tiến Dũng cho rằng không nhiều. Ông này cho biết Việt Nam rất tiết kiệm qua phương cách là ‘lấy thu bù chi, lấy mỡ nó rán nó.’

Ông Mai Tiến Dũng nêu ví dụ là cho các hãng thông tấn thuê gian hàng với giá 4500 đô la Mỹ một gian. Khoản này trừ đi 1500 đô la Mỹ trả cho Truyền hình Quốc Gia VTV, như vậy còn thu 3 ngàn đô la Mỹ cho một gian cho thuê. Khoản này dùng để chi phí mua máy tính, TV, bàn ghế…

Kỳ thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất vào tháng 6 năm ngoái được phía Singapore cho biết chi ra khoảng 20 triệu đô la Mỹ và thu về khoảng trên 500 triệu đô la Mỹ.

******************

Việt Nam đón Kim Jong-un thăm chính thức (RFA, 01/03/2019)

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, vào chiều ngày 1 tháng 3 tiến hành lễ đón Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un tại Phủ Chủ tịch Hà Nội.

asia3

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân gặp nhau ngày 1/3/2019 - AFP

Ông Kim Jong-un có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 1 và 2/3 sau hội nghị Thượng đỉnh với Hoa Kỳ mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký.

Sau khi gặp ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un còn hội kiến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại cuộc họp với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, Ông Chủ tịch và cũng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng chuyến thăm của vị nguyên thủ Bắc Hàn hiện nay đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa đôi bên.

Việt Nam và Bắc Hàn chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31 tháng giêng năm 1950.

Ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Việt Nam, có chuyến thăm Bắc Triều Tiên vào năm 1957 ; năm sau Chủ tịch Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên sang thăm Việt Nam.

Ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Bắc Hàn năm 1961 và Ông Kim Nhật Thành có chuyến thăm lần thứ hai Việt Nam năm 1964.

Sau đó ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam thăm Bắc Hàn vào năm 2007 và ông Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh thăm Bắc Hàn năm 2008.

Trong dịp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 1 và 2 tháng 3 sau cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng ngay tại Hà Nội, cơ quan chức năng Việt Nam cho đóng 14 tuyến đường thủ đô với lý do được nói nhằm phục vụ chuyến thăm của ông Kim Jong-un.

Phiên bản tiếng Anh của Mạng báo VnExpress vào ngày 1 tháng 3 cho biết từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào ngày thứ bảy 2 tháng 3, tất cả các phương tiện vận chuyển sẽ bị cấm trên tuyến đường dài 170 kilomet của Quốc Lộ 1 từ Hà Nội đến biên giới Việt-Trung.

Đối với loại xe tải trên 10 tấn và xe ô tô chín chỗ ngồi trở lên bị cấm lưu thông trên đoạn đường vừa nêu kể từ 1 giờ sáng ngày 2 tháng 3. Những giao lộ với Quốc Lộ 1 thuộc tuyến 170 kilomet từ Hà Nội đến biên giới Việt- Trung cũng bị đóng cấm các loại xe cộ qua lại.

Tại Ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn, vào ngày 1 tháng 3, công tác chỉnh sửa, trang hoàng, vệ sinh được tiến hành và an ninh được xiết chặt.

Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đến Ga Đồng Đăng hôm 26 tháng 2. Sau đó ông này được đưa về Hà Nội bằng xe chuyên dụng để tham dự thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Published in Châu Á