Hôm 17/02/2023, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup khẳng định là lính Nam Triều Tiên đã không hề gây ra các vụ thảm sát trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đồng thời cho biết chính phủ Seoul sẽ kháng cáo phán quyết của tòa ra lệnh bồi thường cho một phụ nữ Việt Nam có người thân bị giết năm 1968.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc Hội ngày 17/02/2023, tại Seoul, Hàn Quốc. AP - Lee Jung-hoon
Ngày 07/02, Tòa án Seoul đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường hơn 30 triệu won (khoảng 23.000 đô la) cho bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn trong vụ kiện về vụ thảm sát năm 1968 tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, tòa thừa nhận rằng ngày 12/02/1968, lính thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên sát hại hơn 70 dân thường ở làng Phong Nhị, trong đó có người thân của bà Thanh. Đây là lần đầu tiên, tư pháp Hàn Quốc nhìn nhận trách nhiệm của chính phủ trong các vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam.
Nhưng hôm nay, trước một ủy ban của Quốc hội Hàn Quốc, bộ trưởng quốc phòng Lee Jong-sup nhấn mạnh là tình hình ở Việt Nam vào lúc ấy "rất phức tạp". Ông khẳng định "có nhiều trường hợp những người mặc quân phục Hàn Quốc nhưng lại không phải là lính Nam Triều Tiên". Bộ trưởng Lee Jong-sup cho rằng phán quyết của tòa làm ô danh quân đội Hàn Quốc.
Theo báo chí trong nước, ngày 09/02, khi được hỏi về phán quyết nói trên của Tòa án Seoul, phó phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam "coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân", nhưng với chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Việt Nam mong muốn "phát triển mối quan hệ đối tác cùng có lợi với Hàn Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh".
Thanh Phương
Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc giúp Việt Nam tự chủ an ninh, đa dạng hợp tác
Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" ngày 05/12/2022 nhân chuyến công Seoul của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hàn Quốc trở thành nước đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập mối quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam. Trước đó, Hà Nội chỉ duy trì quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với ba nước có truyền thống hợp tác là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Chiến đấu cơ TA-50 trình diễn tại Ngày thành lập Lực lượng Không quân Hàn Quốc, căn cứ Không quân Busan, Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 23/09/2016. AP - Lee Jin-man
Hà Nội và Seoul có một điểm chung giữa là đều "tìm cách giữ thế cân bằng tế nhị giữa hai đại cường" Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo giới chuyên gia, việc chọn Hàn Quốc, thay vì Nhật Bản - một nước hỗ trợ lớn cho Việt Nam nhưng có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh - được cho là để "tránh gây nghi ngờ vô ích từ phía Trung Quốc". Việt Nam cũng được Hàn Quốc coi là một trong những đối tác quan trọng nhất trong "Chiến lược hướng Nam" của nước này, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại.
Trả lời RFI tiếng Việt ngày 09/12/2022, nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, cho rằng thắt chặt quan hệ với Hàn Quốc là một giải pháp giúp Việt Nam tự chủ hơn về quốc phòng, đa dạng nguồn cung vũ khí và hợp tác quân sự.
***
RFI : Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng quan hệ đối tác từ chiến lược lên thành quan hệ chiến lược toàn diện. Mối quan hệ này có ý nghĩa như nào với Việt Nam ?
Nguyễn Thế Phương : Nhìn ở dưới tất cả góc độ, việc nâng cấp quan hệ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam là "đa phương hóa, đa dạng hóa". Hiện nay, đối với Việt Nam, chỉ có ba nước ở tầm "Đối tác chiến lược toàn diện" là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, giờ thêm Hàn Quốc là bốn và năm sau (2023) có thể là Úc.
Nhóm đối tác chiến lược toàn diện là nhóm những quốc gia có mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Hàn Quốc sẽ đặc biệt quan trọng ở mặt kinh tế, giao lưu văn hóa, thương mại. Một số nhà quan sát cho rằng khi đã nâng cấp được mối quan hệ Việt-Hàn lên đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên sẽ đẩy mạnh mảng quốc phòng và an ninh. Trước đây, yếu tố đó chỉ khu biệt ở trong một số mảng, ví dụ hàng hải. Sắp tới cũng hy vọng mảng đó được đẩy mạnh hơn và giúp cho Việt Nam có thể đa dạng hóa hơn hợp tác, đặc biệt trong an ninh quốc phòng.
RFI : Thời gian gần đây, Hàn Quốc nổi lên là nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là hợp đồng vũ khí với Ba Lan. Liệu Hàn Quốc có thể trở thành một nguồn cung vũ khí mới cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp một chút khó khăn khi nguồn cung chính là Nga đang lâm chiến ở Ukraine ?
Nguyễn Thế Phương : Thực ra không phải là một chút khó khăn, mà là khá nhiều khó khăn trong vấn đề nhập khẩu một số loại vũ khí quan trọng. Vũ khí Nga chiếm khoảng 60-70% vũ khí Việt Nam hiện có, cho nên cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến cho quá trình nhập khẩu một số loại vũ khí của Nga, ví dụ máy bay, tầu chiến, bị ngừng trệ. Việt Nam đã lường trước được việc này bởi vì toàn bộ quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã xuất phát cách đây khoảng 5 năm, thậm chí là còn xa hơn. Việc nâng cấp mối quan hệ chiến lược toàn diện với Hàn Quốc mở ra một triển vọng rất lớn về ngắn hạn và trung hạn với việc Hàn Quốc có thể trở thành một trong những đối tác về quốc phòng và an ninh lớn của Việt Nam.
Ở đây sẽ có nhiều mảng khác nhau. Thứ nhất về mặt vũ khí, Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn cho việc nhập khẩu vũ khí. Một ví dụ điển hình ở ngay Đông Nam Á là Philippines. Hiện tại, Philippines đã mua một số loại vũ khí, khí tài lớn, ví dụ máy bay tấn công TA-50 của Hàn Quốc. Đối với việc hiện đại hóa hải quân Philippines, nước này cũng đã đặt đóng một số tầu chiến loại lớn ở Hàn Quốc. Đó là ví dụ cụ thể để Việt Nam có thể xem xét các loại vũ khí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của Việt Nam.
Thứ hai, không chỉ về buôn bán vũ khí, mà là một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều, đó là có khả năng nâng cấp sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam lên một chút, ví dụ chuyển giao công nghệ hoặc cả hai bên có khả năng thành lập một công ty chung để sản xuất các loại vũ khí quốc phòng hoặc đóng tầu. Như chúng ta biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tầu rất lớn, đứng thứ 3 hay thứ 4 trên thế giới.
Ví dụ công ty đóng tầu lớn Hyundai của Hàn Quốc cũng xuất hiện ở Việt Nam hay Samsung, ngoài điện thoại là sản phẩm mà chúng ta dễ dàng nhận biết, cũng là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn của Hàn Quốc và họ tập trung phát triển những loại vũ khí công nghệ cao. Với lịch sử hiện diện ở Việt Nam như vậy, có thể hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên có thể tìm cách nào đó kết hợp với nhau để phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Yếu tố đó cũng giúp Việt Nam hạn chế bớt việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài. Bởi vì về căn bản, khi có xung đột xảy ra, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài sẽ khiến cho khả năng thành công trên chiến trường bị hạn chế. Điểm này có thể thấy rõ qua cuộc chiến Nga-Ukraine.
Yếu tố thứ ba là những vấn đề mềm hơn một chút, liên quan tới an ninh hàng hải. Trước đây, Việt Nam và Hàn Quốc cũng có một số hợp tác về an ninh hàng hải, trong đó điểm rõ ràng nhất là Hàn Quốc chuyển giao hai tầu chiến đã qua sử dụng cho Việt Nam. Hy vọng rằng trong khoảng 1-2 năm sắp tới, họ cũng chuyển giao thêm một tầu chiến nữa cho Việt Nam. Ngoài ra, trong tương lai, khi mối quan hệ được nâng lên tầm chiến lược toàn diện, cũng hy vọng là hai bên có thể tìm thấy những điểm chung để từ đó tăng cường hợp tác, ví dụ có thể chia sẻ một số thông tin, như thông tin tình báo, hoặc có thể kết hợp huấn luyện chung, tuần tra chung hoặc những vấn đề có tầm mức quan trọng tương tự.
Nhưng còn có một yếu tố cần phải nhấn mạnh, đó là mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đặt trong bối cảnh khu vực. Hiện nay, khi Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và họ mong muốn tăng cường năng lực của các đồng minh và đối tác của Mỹ, rõ ràng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong an ninh biển sẽ đặt trong tư duy đó của cả khu vực. Trong một số lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng, nhiều người nói rằng Việt Nam và Mỹ, trong một số trường hợp cụ thể, khó có thể ngồi nói chuyện song phương và nâng cấp điều đó. Cho nên có thể có trường hợp đi vòng, thông qua một nước thứ ba - có thể là Ấn Độ, Úc (Úc năm sau có thể nâng lên đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam), Nhật Bản (vừa rồi Nhật Bản đã bỏ quy tắc xuất khẩu vũ khí của họ) và bây giờ là Hàn Quốc - Việt Nam có thể phần nào đó tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đồng minh của Mỹ, với mạng lưới an ninh của Mỹ nói chung và với Mỹ nói riêng. Đó là một trong những phần mềm mà Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý trong hợp tác kỹ thuật quân sự, mới đây (ngày 09/12), Mỹ cũng tuyên bố sẽ bán 12 máy bay huấn luyện cho Việt Nam. Có thể nói đây là hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nếu không tính phần Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam một số tầu đã qua sử dụng cho cảnh sát biển. Đây sẽ là một tiền đề để Việt Nam và Hàn Quốc mở rộng hơn nữa hợp tác, bởi vì Hàn Quốc có kinh nghiệm trong việc tích hợp các loại vũ khí hệ Châu Âu. Mối quan hệ an ninh quốc phòng với Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí, sẽ được mở rộng hơn, nếu như đã có tiền lệ hợp tác an ninh và mua sắm khí tài giữa Việt Nam và Mỹ.
Nói tóm lại, về ngắn hạn và trung hạn, tức là trong vòng 10 năm nữa, triển vọng hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt là về mặt vũ khí, khí tài và chuyển giao công nghệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, sẽ rất có tiềm năng trong bối cảnh cả hai đều cần có nhau và trong bối cảnh Việt Nam đang cần đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, khí tài hiện nay.
RFI : Như vừa đề cập là Việt Nam đang tìm cách nâng cao tự chủ quốc phòng. Ở Hà Nội diễn ra Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức. Đây là cách để Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung và khẳng định phần nào khả năng tự chủ quốc phòng ?
Nguyễn Thế Phương : Thông điệp đó là đúng. Đối với nhiều người nước ngoài, họ sẽ thấy đó là vấn đề mang tính tự chủ nhưng nếu phân tích rõ ra, sẽ thấy có nhiều chiều hướng khác nhau về đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, rõ ràng là một triển lãm quốc phòng lớn như vậy mang thông điệp gửi đến người dân trong nước rằng quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong một giai đoạn bất ổn như hiện nay, được thể hiện qua vũ khí, khí tài và thông qua thông điệp trên báo chí.
Về đối ngoại, có hai ý. Ý thứ nhất muốn nói : Việt Nam đang muốn đa dạng hóa và chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Nga nữa. Và chúng tôi mở thị trường an ninh trong nước, thị trường vũ khí ra với tất cả những nhà thầu, đối tác quốc phòng nào có nhu cầu.
Thông điệp thứ hai liên quan đến trình độ phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa Việt Nam sau khoảng 10 năm bắt đầu và khoảng 5 năm sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Lúc đó, Đảng cộng sản Việt Nam ra một nghị quyết về phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng mà Viettel là cánh chim đầu đàn. Rõ ràng là trong vòng 5 năm trở lại đây, Viettel và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đã có khả năng sản xuất ra được một số loại vũ khí, khí tài, đặc biệt là những loại mang tính công nghệ cao, ví dụ các loại thiết bị không người lái, radar phát hiện máy bay.
Triển lãm quốc phòng lần này là cách để thể hiện rằng công nghiệp quốc phòng Việt Nam có khả năng chế tạo được một số loại vũ khí, khí tài và có khả năng xuất khẩu những vũ khí, khí tài đó. Nói cách khác, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá sản phẩm cho một số khách hàng tiềm năng và cố gắng phát triển thị trường cho các tổ hợp quốc phòng trong tương lai. Ví dụ một số nước ở Đông Nam Á, vì gần đây có một số thông tin Philippines cũng quan tâm tới một số loại vũ khí của Việt Nam, hoặc một số nước ở Châu Phi. Điều này cũng thể hiện rõ qua một tuyên bố của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng lần này rằng họ mong muốn tới năm 2025 và sau đó, Viettel có thể xuất khẩu được các vũ khí "made in Vietnam".
Đó là những thông điệp không chỉ về đa dạng hóa mà còn về mặt bán vũ khí và cũng là thông điệp gửi tới một bộ phận trong nước rằng ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để làm rất nhiều việc, không chỉ để bảo vệ tổ quốc mà còn xuất khẩu vũ khí nữa.
RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Úc.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 12/12/2022
"Dân chủ" hiển nhiên là giá trị ưu việt của nền văn minh "thượng đẳng" mà đã số dân Việt Nam đa số hiện thời không (hay chưa) ý thức được. Ngay cả những người mang danh hiệu trí thức, hay được dán nhãn "giáo sư Fulbright" nọ kia... Vụ một người Hàn Quốc "sỉ vả" dân tộc Việt Nam tuần trước, với những lời lẽ tương tự, không ai có thể phản biện được. Vì nó đúng quá !
Việt Nam bị chia tại vĩ tuyến 17 thì Cao Ly bị chia tại vĩ tuyến 38. Cả hai nước có chung mô hình pháp lý "quốc gia hai chế độ", miền bắc theo chế độ cộng sản, miền nam theo tư bản…
Chửi trong trường hợp này như tạt gáo nước lạnh vô mặt một người sật sừ say rượu đang nói bậy, đang làm chuyện bậy...
Ta phải cám ơn người đó mới đúng.
Nhìn lại lịch sử phát triển xứ sở Nam Hàn, phải nói xứ này có một giai đoạn lịch sử không khác Việt Nam. Đất nước chia hai. Việt Nam bị chia tại vĩ tuyến 17 thì Cao Ly bị chia tại vĩ tuyến 38. Cả hai nước có chung mô hình pháp lý "quốc gia hai chế độ", miền bắc theo chế độ cộng sản, miền nam theo tư bản. Hai bên Nam Hàn và Nam Việt Nam được sự "chống lưng" của Mỹ. Hai bên Bắc Hàn và Bắc Việt Nam được sự "đỡ đầu" của LX và TQ.
Hai bên khác nhau ở chỗ Cao Ly được giữ "nguyên trạng". Hai chế độ Nam Bắc Hàn cạnh tranh, trên mọi phương diện, để so tài "ai hơn ai" ? Dân miền nào được "hạnh phúc" hơn ? Miền nào "phát triển" hơn miền nào ? Hai chủ nghĩa đối nghịch "tư bản" và "cộng sản" tranh tài bằng các phương pháp "hòa bình" ở Cao Ly.
Điều này cũng xảy ra tương tự ở Đông và Tây Đức.
Trong khi Việt Nam, vô phúc cho dân tộc Việt Nam. Đất nước này trở thành thí điểm tranh tài giữa hai ý thức hệ đối nghịch, bằng "phương pháp" chiến tranh "nóng".
Nếu ta so sánh hai chế độ Bắc Hàn và Bắc Việt Nam. Trong một thời gian dài, đến năm 1989, ta thấy hai bên có nhiều điểm tương đồng. Hai bên cùng có chế độ cộng sản độc tài với nền kinh tế quốc doanh, "bao cấp". Người dân dưới hai chế độ này bị kiểm soát chặt chẽ từ tư tưởng cho tới lời nói, hành động. Từ việc ăn ở (hộ khẩu, sổ lương thực, tiền bạc...) cho tới việc đi lại... Đời sống dân chúng đại đa số là khổ cực, thiếu thốn mọi mặt. Dĩ nhiên ngoại trừ cấp "trung ương lợn ĩ" (sic !)
Chế độ Nam Hàn và Nam Việt Nam cũng khá giống nhau, độc tài quân phiệt, quốc gia chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Mỹ "chống lưng" hai chế độ này là "có lý do".
Mỹ đổ tiền (khá nhiều) viện trợ Nam Việt Nam, Nam Hàn và Đài loan, các chế độ quân phiệt có thiên hướng "dân tộc chủ nghĩa", với mục đích xây dựng "thành trì chống cộng".
Trong một thời gian khá dài, từ sau khi ông Diệm bị lật đổ, miền Nam Việt Nam được Mỹ thổi vào một luồng gió "dân chủ kiểu Mỹ". Mặc dầu trước đó mô hình "dân chủ kiểu Pháp" cũng đã được mọc rễ, từ năm 1948, khi Pháp "trả chủ quyền về lãnh thổ Việt Nam" cho vua Bảo Đại.
Dân chủ là dân chủ, kiểu Pháp hay kiểu Mỹ thì cũng là "dân chủ", cốt lõi là "dân chủ tự do - démocratie libérale" với nền "kinh tế thị trường".
Khổ cái là nền "dân chủ kiểu Mỹ" ở Nam Việt Nam được xây dựng sao cho "thuận lợi" việc can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.
Tại Nam Việt Nam đảng phái nhiều như "nấm mối mọc sau mưa", nhiều không kể hết. Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Tân Đại Việt, Dân Xã đảng v.v... Các tôn giáo tuy không lập đảng nhưng đứng "sau lưng" nhiều liên minh chính trị, cho người ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ... rồi lập "khối" trong quốc hội. Ngay trong cuộc bầu cử mà nhiều người phê bình là "độc diễn" của Nguyễn Văn Thiệu. Nếu ta tìm hiểu sâu xa thì rõ ràng ông Thiệu có sử dụng quyền lực tổng thống để khuynh đảo chính trường để hưởng lợi. Chuyện này không khác gì ông Trump ở Mỹ. Vấn đề là hành vi của ông Thiệu, cũng như cách sinh hoạt đảng Dân chủ của ông Thiệu, không có điều gì "phạm luật" hay vi hiến. Nếu so sánh với Putin, rõ ràng ông Thiệu là đàn em xa lắc.
Báo chí Nam Việt Nam thời đó nhiều vô kể, mà phần lớn do cán bộ giật dây qua các phong trào "dân chủ", "phụ nữ đòi quyền sống", "ký giả ăn mày", "phật giáo" v.v... Thời đó báo chí muốn viết gì thì viết. Cơ quan "kiểm duyệt" có cấm thì báo vẫn ra, bán lậu, đắt hơn cả báo không bị kiểm duyệt...
Ngay cả về phương diện tham nhũng, với tự do báo chí kiểu đó, không ai dám "ăn của dân không từ một thứ gì" như cán bộ đảng viên cộng sản Việt Nam hiện nay. Tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa cũ ra nước ngoài ai cũng "làm thuê vác mướn thúi móng tay" mới có được miếng ăn, chỗ ngủ.
Vì vậy, về các "giá trị cốt lõi" được định nghĩa trong Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, các quyền tự do chính kiến, tự do bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, đảng phái, tự do kinh doanh... của chế độ thì Nam Việt Nam có phần "dân chủ" nhiều hơn hai mô hình Nam Hàn và Đài Loan.
Chế độ Nam Hàn (và Đài Loan) nay trở thành các chế độ "ưu việt", mô hình "mẫu" thế giới về phát triển thần kỳ, về kinh tế cũng như về "dân chủ hóa chế độ".
Tiếc thay Việt Nam sau 1975 đã "quẹo" sang con đường khác, với Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền "lãnh đạo nhà nước và xã hội". Đảng này vẫn còn mông muội với tư duy thời "cải cách ruộng đất".
Đọc bản Điều lệ đảng viên ta thấy toàn "sáo ngữ", những điều không thể thực hiện trong môi trường "kinh tế toàn cầu hóa". Mặc dầu vậy, đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn "an tâm" với điều lệ này. Họ có vấn đề về "đạo đức và lương tâm" hay vấn đề về "trí tuệ" ?
Hãy nghe người Hàn sỉ vả người Việt : "Việt Nam như là bọn nô lệ của Hàn. Việt Nam luôn là nô lệ của cả thế giới suốt 300 năm qua. Mày nghĩ tương lai ra sao, độc lập à, tỉnh lại đi. Nếu người Việt không sửa cái thái độ ngu học, thì cái kỷ nguyên nô lệ vẫn tiếp diễn".
Điều này sẽ không bao giờ xảy ra, thời trước 1975 ở Nam Việt Nam. Bởi vì thời đó dân Nam Hàn phải qua Nam Việt Nam làm phu cắt cỏ, phu làm đường...
Người ta chửi đúng quá phải không hỡi các giáo sư, tiến sĩ, học giả... xã hội chủ nghĩa ?
Câu hỏi không đặt cho đảng viên cộng sản Việt Nam, vì họ đã có vấn đề, không phải "đạo đức và lương tâm" thì vấn đề về trí tuệ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 16/03/2020
Hàn Quốc đưa ‘nhóm phản ứng nhanh’ tới giúp công dân bị Việt Nam cách ly (VOA, 05/03/2020)
Hàn Quốc thông báo triển khai ba "nhóm phản ứng nhanh" tới Việt Nam để hỗ trợ gần 300 công dân nước này đang bị giữ trong các trung tâm cách ly, phòng dịch virus Corona mới (Covid-19).
Trang web của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 5/3 đưa tin, Ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, tới sân bay để tiễn 12 thành viên của các "nhóm phản ứng nhanh" thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Một tấm ảnh đăng kèm cho thấy, bà Kang và thành viên của "nhóm phản ứng nhanh" dùng nắm đấm để chạm vào nhau, thay vì bắt tay, để tránh sự lây lan của Covid-19. Tất cả những người trong bức ảnh đều đeo khẩu trang.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo rằng các nhóm này sẽ tới ba cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng trong ít nhất một tuần để cùng hỗ trợ 270 người Hàn Quốc đang bị cách ly ở Việt Nam.
Hiện chưa có thông báo chính thức của Việt Nam về con số công dân Hàn Quốc bị đưa vào các trung tâm cách ly Covid-19 ở trong nước.
Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, có 276 người Hàn Quốc hiện đang bị cách ly ở các cơ sở quân sự và bệnh viện ở Việt Nam, trong đó có 142 người ở Hà Nội, 112 người tại TP HCM và 22 người ở Đà Nẵng.
Sau khi bùng phát dịch virus Corona, mà hiện đã làm gần 6 nghìn người nhiễm và ít nhất 30 ca tử vong ở Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam cuối tháng trước thông báo "cách ly 14 ngày toàn bộ người Việt về từ Hàn Quốc". Tin cho hay, người nước ngoài tới từ vùng dịch như Hàn Quốc cũng bị "bắt buộc phải cách ly".
Hiện chưa rõ ngay là các nhóm nhân viên "phản ứng nhanh" của Hàn Quốc này có bị cách ly khi đặt chân tới Việt Nam hay không.
Theo báo chí trong nước, Việt Nam đầu tháng này thông báo "tạm dừng giải quyết nhập cảnh" cho công dân Hàn Quốc và người nước ngoài đi qua lãnh thổ Hàn Quốc, nhất là qua vùng dịch, trong đó có Daegu.
Trả lời báo chí hôm 5/3 liên quan tới ba nhóm "phản ứng nhanh", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng "các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý".
"Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế", bà Hằng nói, theo thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Hiện cũng chưa rõ là chính phủ Việt Nam có triển khai các "nhóm phản ứng nhanh" của mình tới Hàn Quốc để hỗ trợ hàng nghìn người Việt đang sinh sống ở đó, nhất là tại tâm dịch Daegu, hay không.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cho biết rằng Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc "đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân".
"Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm hôm 5/3.
Trong một diễn biến liên quan, trang tin Zing News dẫn lời quan chức y tế trong nước nói rằng một công dân Việt Nam 65 tuổi đã tử vong sau khi trở về từ Hàn Quốc hôm 4/3, nhưng tin cho hay, người đàn ông này có xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Bộ Y tế Việt Nam thông báo rằng tới ngày 5/3, Việt Nam không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm Covid-19 mới nào, sau khi 16 bệnh nhân nhiễm virus Corona trước đó đã "bình phục". Bộ này cũng nói thêm rằng chưa có ca tử vong nào vì Covid-19 ở Việt Nam.
Giữa tháng trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh ở Hàn Quốc như hiện nay, quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên này đã khuyến cáo công dân không tới Việt Nam vì tình trạng lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng Hà Nội "tôn trọng" bước đi của Hàn Quốc "trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra".
*****************
Virus corona : Việt Nam diễn tập đối phó kịch bản 30.000 ca nhiễm bệnh (RFI, 04/03/2020)
Hôm 04/03/2020, Việt Nam tổ chức diễn tập quân sự để đối phó với dịch virus corona (Covid-19), theo 5 kịch bản. Lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về kịch bản "cấp độ 5", với khả năng 30.000 người bị nhiễm virus.
Một trạm canh gác lối vào xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, Việt Nam, trong thời gian bị cách ly. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP
Trong lúc dịch virus corona có nguy cơ lan rộng, thông tin về kịch bản có đến 30.000 người nhiễm virus tại Việt Nam có thể gây hoang mang trong dư luận, trong lúc nhiều người rất hoài nghi về tính thiết thực của phương án đối phó nói trên.
Diễn tập quân sự đối phó dịch Covid-19 hôm nay được thực hiện theo 5 cấp độ. Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập), cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 người đến 1.000 người mắc), cấp độ 4 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc) và cấp độ 5 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc và lây lan vào một số đơn vị quân đội).
Cho đến nay, Việt Nam mới có kịch bản 4 phương án, với cấp độ cao nhất là hơn 1.000 người nhiễm virus. Về mặt chính thức, hiện nay, tại Việt Nam hoàn toàn không còn ca nhiễm virus nào, toàn bộ 16 trường hợp dương tính đều đã hoàn toàn bình phục.
Hôm nay, tại sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - trực tiếp theo dõi và chỉ đạo "cuộc diễn tập thực binh chống dịch Covid-19 của các đơn vị quân đội". Cùng dự ở điểm cầu truyền hình Bộ Quốc phòng có bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Tại khu vực phía bắc, Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển tiếp ứng lực lượng, trang bị, vật chất phòng chống dịch Covid-19. Địa điểm diễn tập chính là Sơn Tây. Tại khu vực phía nam, buổi diễn tập sẽ diễn ra tại 13 điểm cầu gồm Quân khu 7, Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự 8 tỉnh, ba sư đoàn, diễn tập thực binh tại Sư đoàn 317.
Một trong các bài tập tại sư đoàn 317 là "lực lượng vũ trang sẽ xử lý tình huống" có 15 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở ; trong đó có 2 trường hợp nặng trong tổng 550 công dân Việt Nam cách ly.
Trả lời RFI tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý là thông tin nói trên rất dễ gây hiểu lầm. Trên thực tế, con số 30.000 nói trên đúng ra là con số để chỉ phương án chuẩn bị 30.000 giường cách ly, để đón tiếp những người trở về từ vùng dịch, hoặc bị nghi ngờ có khả năng nhiễm virus, trong đó có thể bao gồm nhiều người được xét nghiệm dương tính với virus.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết : "Thật sự ra cái đó là một thông tin mà mình đọc không kỹ, không phải là một nhà chuyên môn, thì chắc chắn mình sẽ hiểu lầm thôi. Hiểu lầm có nghĩa là bây giờ mà đã chuẩn bị đạt được 30.000 giường bệnh đó, thì bên ngoài đã phải là bao nhiêu người rồi mà mình không biết, cho nên người ta dễ hiểu lầm. Phải đính chính lại cái đó không phải là 30.000 bệnh nhân. Diễn tập quy mô 30.000 (giường cách ly), theo tôi, đó là dự trù cho kịch bản xấu nhất, chứ không phải là do tình hình của Việt Nam đâu, thật sự tình hình Việt Nam hiện nay cũng tương đối là ổn".
Trong xã hội Việt Nam, nỗi lo âu về dịch Covid-19 đang gia tăng, đặc biệt với các thông tin về dịch bệnh đang tràn ra nhiều nước trên thế giới, cùng lúc với việc hàng ngàn người Việt từ Hàn Quốc đang ồ ạt trở về nước, do dịch, hơn 10.000 người được cách ly, theo dõi, trong đó có khoảng 100 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm virus. Trong bối cảnh này, việc truyền thông loan tải kịch bản phương án đối phó với tình huống "30.000 người nhiễm virus", nếu không được hiểu đúng, sẽ rất có thể góp phần gây thêm không khí hoang mang trong xã hội.
Trọng Thành
********************
Virus corona : Thêm 467 ca nhiễm mới, Seoul lập "vùng chăm sóc đặc biệt" (RFI, 05/03/2020)
Chính phủ Hàn Quốc ngày 05/3/2020 cho biết có thêm 467 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 6.088 người. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, chính quyền Seoul thông báo thành lập một "vùng chăm sóc đặc biệt".
Một nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (National University Hospital), Daegu, ngày 05/03/2020. Rezuters/Kim Kyung-Hoon
Theo thông báo của chính phủ Hàn Quốc, "vùng chăm sóc đặc biệt" sẽ được thiết lập tại thành phố Gyeongsan, nằm cận kề với Daegu, thành phố thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch virus corona.
Từ Seoul, anh Trần Công, nghiên cứu sinh ngành độc học giải thích thêm :
"Thật ra "special care zone" hay khu "chăm sóc đặc biệt" đã được chính phủ Hàn Quốc giới thiệu cách đây một hai lần khi mà Daegu đã trở thành tâm dịch rồi. Theo tôi nghĩ, đây chỉ là một tên gọi mà thôi. Tên gọi này có hàm ý rằng khu vực này sẽ được chăm sóc một cách đặc biệt từ chính phủ và sẽ được cung cấp rất nhiều dịch vụ y tế và giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Về vị trí địa lý của tỉnh Gyeongsan, tỉnh này nằm sát ngay cạnh Daegu. Và khu vực Daegu đã có tổng cộng 4.327 người bị nhiễm, tính đến ngày hôm nay. Chính quyền Gyeongsan xác nhận ổ dịch xuất phát từ một viện dưỡng lão và sau đó tốc độ lây lan đã tăng lên rất là nhanh. Tổng số ca nhiễm tại Gyeongsan là 347 ca trong số 275.000 dân, trong khi tỷ lệ nhiễm ở Daegu là 4.327 người nhiễm trong 2,4 triệu dân.
Tỷ lệ người nhiễm trong tổng số dân tại tỉnh Gyeongsan hiện tại đang cao so với Daegu. Cho nên nguy cơ lây nhiễm trở thành ổ dịch sẽ rất là cao. Hiện tại chính phủ Hàn Quốc đã thông báo tới các lực lượng chức năng, ví dụ như là quân đội đang đóng tại Daegu và Gyeongsan, phải rất là cẩn thận.
Bên cạnh đó, tại khu vực "special care zone" chính phủ sẽ cung cấp rất nhiều vật tư, trang thiết bị y tế đến khu vực này, đồng thời tăng cường khoanh vùng lây nhiễm và giảm thiểu hậu quả do dịch bệnh. Tôi khẳng định là Hàn Quốc chưa có lệnh cách ly với bất kỳ một khu vực nào cả, chỉ yêu cầu cách ly với những người nhiễm, hoặc là nghi nhiễm Covid-19.
Khu vực này không phải là một thành phố công nghiệp hay dịch vụ, nên số người Việt Nam ở đây không đông như là Daegu. Bởi vì, những người Việt ở khu vực này chủ yếu làm nghề nông như trồng cây, hái quả…
Tôi muốn nhắc lại một điều là mọi người có thể bị nhầm giữa "special care zone" này với một phòng áp suất âm cách ly người bệnh tại Daegu. Phòng áp suất âm này chỉ dành cho một người bệnh khi đã nhiễm Covid-19. Điểm đặc biệt của phòng này là luồng không khí sẽ đi theo một chiều, nghĩa là chỉ kiểm soát chiều vào. Và những phòng này sẽ sử dụng để điều trị những bệnh nhân nặng hoặc là những bệnh nhân lớn tuổi hoặc đã có những tiền sử như là ghép gan, ghép thận… để chăm sóc đặc biệt."
Virus corona : Số ca tử vong vượt ngưỡng 3.000 tại Trung Quốc
Hôm nay, 05/03/2020, theo thông báo của chính quyền Trung Quốc, được AFP trích dẫn, có thêm 31 ca tử và như vậy, số người chết do dịch virus corona tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 3000. Đa số trường hợp tử vong là tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, với 2305 ca.
Cũng trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc có thêm 139 trường hợp bị lây nhiễm. Tổng số ca bị nhiễm lên tới hơn 80 ngàn.
Vào lúc dịch có chiều hướng giảm nhẹ, chính quyền Trung Quốc lại lo ngại virus lây lan từ bên ngoài vào, qua những người đến từ các vùng có dịch. Những người từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý tới thủ đô Bắc Kinh sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày.
Còn chính phủ Nhật Bản, trong ngày hôm nay, sẽ thông báo áp dụng biện pháp cách ly trong vòng hai tuần đối với những người từ Trung Quốc và Hàn Quốc tới. Đồng thời, Tokyo cũng sẽ ngừng tạm cấp thị thực nhập cảnh và đề nghị chính quyền Bắc Kinh và Seoul hạn chế để công dân đi du lịch tới Nhật Bản.
Nếu tính cả 700 người bị lây nhiễm trên con tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly tại một cảng ở phía nam Tokyo, thì nước Nhật có hơn 1000 ca nhiễm bệnh.
Minh Anh
********************
Virus corona : Hàn Quốc cử người qua Việt Nam hỗ trợ công dân bị cách ly (RFI, 05/03/2020)
Trước tình hình rất đông công dân Hàn Quốc bị cách ly tại Việt Nam do lo ngại virus corona lây lan, Seoul vào hôm nay, 05/03/2020 đã phái 3 toán "phản ứng nhanh" qua Việt Nam để trợ giúp lãnh sự cho 276 người Hàn Quốc đang bị cách ly.
Một khu cách ly virus corona tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 23/01/2020 Bach Duong / AFP
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, phát biểu với nhà báo tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, ông Kyun Jong Ho, trưởng nhóm phản ứng nhanh xác định : "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp các công dân Hàn Quốc bị cách ly, nếu họ muốn quay trở lại Hàn Quốc hoặc trong trường hợp họ gặp các khó khăn".
Đối với phía Hàn Quốc : "Điều quan trọng nhất vào lúc này là cung cấp các loại vật phẩm mà những người tại các cơ sở cách ly đang cần… giúp họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn kiểm dịch và đảm bảo sao cho họ không gặp bất kỳ khó khăn nào".
Có mặt tại sân bay để động viên các đội phản ứng nhanh, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác của Hàn Quốc với các nước sẽ không vì các biện pháp cách ly để kiểm dịch mà suy giảm. Bà cũng hy vọng là khi dịch Covid-19 bắt đầu lắng dịu, các hạn chế nhập cảnh đối với người Hàn Quốc sẽ được dỡ bỏ.
Theo Yonhap, mỗi toán phản ứng nhanh gồm bốn người, hầu hết đến từ Bộ Ngoại giao và cơ quan Cảnh Sát Quốc Gia Hàn Quốc. Họ được cử đến ba khu vực thuộc thẩm quyền của đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội và các tổng lãnh sự quán Hàn Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, thời gian lưu trú tại Việt Nam của các toán hỗ trợ dự trù là một tuần, nhưng có thể được triển hạn.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội tại Hàn Quốc, với số ca lây nhiễm đã vượt quá 5.600 người, trong đó có 35 ca tử vong. Trước các diễn biến đó, hiện đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các hạn chế nhập cảnh hoặc các thủ tục cách ly đối với người đến từ Hàn Quốc.
Mai Vân
Virus corona : Ca nhiễm ở Hàn Quốc vượt quá 2000 (RFI, 28/02/2020)
Theo số thống kê chính thức mới nhất vào hôm nay 28/02/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 571 trường hợp lây nhiễm virus corona trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đẩy tổng số ca nhiễm lên thành 2337.
Các nhân viên y tế tiến hành tẩy trùng tại một trạm tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/02/2020 Reuters/Kim Hong-Ji
Số liệu do Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Hàn Quốc công bộ xác nhận thêm chiều hướng bắt đầu xuất hiện từ hôm qua : Hàn Quốc đã vượt cả Trung Quốc với số lượng ca lây nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Hôm nay, Trung Quốc chỉ có thêm 327 ca lây nhiễm trong vòng 24 giờ qua.
Số ca nhiễm mới được xác nhận tại Hàn Quốc chủ yếu đến từ nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu phía nam nước này, kế đến là từ tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là hai nơi tập trung các biện pháp ngăn chặn đã được các cơ quan y tế Hàn Quốc triển khai.
Anh Trần Công, nghiên cứu sinh ngành Độc học, Đại học Khoa học Quốc gia Hàn Quốc, tại Seoul cho biết thêm tình hình tại chỗ :
Nghiên cứu sinh Trần Công, tại Seoul :
"Ngày hôm nay (28/02/2020), sau khi xét nghiệm hơn 1.000 tín đồ tại Daegu, thì có tới hơn 80% tín đồ này bị nhiễm virus corona mới. Số lượng này sẽ tăng lên liên tiếp trong những ngày tiếp theo cho đến khi xét nghiệm được 100% tín đồ của giáo phái này.
Hiện tại, những người dân sống ở đây (Daegu), tâm trạng của họ đương nhiên là rất bất ổn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tuyên bố tin tưởng vào Nhà nước Hàn Quốc và các chính sách mà chính phủ đưa ra. Hiện tại có rất nhiều chương trình phát khẩu trang miễn phí do các nhóm tình nguyện phát động.
Họ đi treo các khẩu trang miễn phí tại cửa của các gia đình. Và rất nhiều nhà máy và tập đoàn đã ủng hộ, cũng như những ca sĩ, diễn viên. Ngoài ra, rất nhiều bác sĩ ở bệnh viện tư nhân đã đồng ý đến Daegu cùng với những bác sĩ ở Daegu, hiện rất mệt mỏi, để cùng dập dịch. Đã có khoảng hơn 500 bác sĩ tình nguyện.
Theo thông tin hiện tại ở Daegu, có một bệnh nhân 75 tuổi, có những biểu hiện bệnh từ trước, ông đã nhiều lần đến thăm khám. Tuy nhiên, ông vẫn chưa được nhập viện thì ông đã chết sau khi đến bệnh viện cấp cứu được 30 phút. Điều này gây hoang mang và gây sốc cho rất nhiều người đang bị cách ly ở Daegu.
Vì vậy, nhà chức trách sẽ thay đổi phương pháp cách ly, từ cách ly tất cả bệnh nhân sang việc những bệnh nhân ở thể nhẹ sẽ được cách ly tại nhà và sẽ được y tá kiểm tra nhiệt độ và các chỉ số sống 2 đến 3 lần/ngày cùng với thuốc thang. Còn những bệnh nhân bệnh nặng và đã có những tiền sử, những bệnh như cao huyết áp, suy tim, ghép gan, ghép thận, thì sẽ được cách ly tại bệnh viện và được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, cho thở ô xi hay cho cấp cứu ngay lập tức nếu như có bất kỳ chuyển biến xấu nào xảy ra".
BTS : Họp báo trực tuyến và hủy bỏ biểu diễn
Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm của dịch virus corona (Covid-19), hôm nay, 28/02, nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là BTS đã thông báo hủy bỏ 4 buổi biểu diễn ở Seoul, dự trù vào trung tuần tháng Tư sắp tới.
Theo ban tổ chức, trong tình hình hiện nay, phải đặt ưu tiên cho vấn đề an toàn và sức khỏe của hơn 200 000 khán giả dự kiến của các show diễn đó.
Cũng hôm nay, BTS đã tổ chức "họp báo" để quảng bá album mới, nhưng chỉ trên mạng, chứ không có sự tham dự của bất kỳ nhà báo hay người hâm mộ nào.
Hàn Quốc càng lúc càng bị cô lập
Một trong những hậu quả của tình trạng dịch virus corona bùng nổ tại Hàn Quốc là nước này ngày càng bị phong tỏa dưới nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, tính đến hôm nay, 28/02/2020, đã có hơn 50 nước áp dụng các biện pháp hạn chế du khách đến từ Hàn Quốc bằng các lệnh cấm nhập cảnh hoặc các thủ tục kiểm dịch chặt chẽ hơn.
Cho đến hôm nay, theo bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, đã có 27 nước cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc và những ai đã đến nước này trong vài tuần lễ qua.
Trọng Nghĩa
*****************
Virus corona : Việt Nam tạm ngừng miễn visa cho khách du lịch Hàn Quốc (RFI, 28/02/2020)
Yonhap ngày 28/02/2020, thông báo, lo ngại trước dịch bệnh gia tăng tại Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam ngừng chế độ miễn thị thực nhập cảnh với công dân Hàn Quốc du lịch Việt Nam, kể từ ngày 01/03. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo từ phía chính phủ Việt Nam.
Ảnh minh họa : Du khách đeo khẩu trang tham quan phố cổ Hà Nội ngày 06/02/2020. Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Truyền thông trong nước chú ý đến việc Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC), thuộc bộ Y tế Mỹ, hôm qua, thông báo đã đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có ''có biểu hiện lây lan trong cộng đồng’’ (gồm bốn nước khác là Iran, Đài Loan, Thái Lan và Singarore).
Hôm nay, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch, làm việc với CDC và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới về phòng chống dịch. Đại diện CDC cho biết cơ quan này có kế hoạch thăm Việt Nam cuối trung tuần tháng 3/2020 nhằm tăng cường hợp tác y tế song phương và thúc đẩy thành lập văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam.
Covid-19 : Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tiếp tục giảm
Giới chức y tế Trung Quốc ngày 28/02/2020 xác nhận có thêm 327 ca lây nhiễm mới ở Hoa lục trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đây là con số trường hợp nhiễm virus mới thấp nhất kể từ ngày 23/01. Hôm 27/2, số liệu hàng ngày của các ca lây nhiễm mới còn là 433.
Tổng số ca lây nhiễm, từ khi dịch bùng phát tại Trung Quốc từ tháng 12/2019, đã lên đến 78.824, theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Số người tử vong trong một ngày qua là 44 người, trong đó có 41 trường hợp ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19. Tổng số người chết vì Covid-19 tại Hoa lục như vậy đã lên thành 2.788.
Trọng Thành
*****************
Covid-19 : Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm mới hàng ngày (RFI, 27/02/2020)
Theo thống kê mới nhất do chính quyền Hàn Quốc công bố vào hôm 27/02/2020, trong vòng 24 tiếng đồng hồ vừa qua, nước này đã ghi nhận một con số tăng kỷ lục của các ca lây nhiễm virus corona : 505 trường hợp mới được xác nhận, nâng tổng số ca bị nhiễm lên thành 1.766.
Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang tại một trung tâm thương mại ở Seoul ngày 27/02/2020. Reuters/Heo Ran
Điều đáng ngại là con số người bị nhiễm thêm trong một ngày tại Hàn Quốc như vậy đã vượt qua con số tăng tại tâm dịch là Trung Quốc, "chỉ" có thêm 433 ca mới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, trong số 505 ca nhiễm mới, có đến 422 trường hợp được phát hiện tại ổ dịch quan trọng nhất là Daegu, đưa tổng số ca nhiễm riêng tại Daegu lên đến 1.132, chiếm 64% bệnh nhân covid-19 trên toàn quốc.
Song song với đà lây nhiễm, số trường hợp tử vong cũng tăng thêm một người. Nạn nhân thứ 13 này là một bệnh nhân 75 tuổi, có quan hệ với giáo phái Tân Thiên Địa và nhà thờ ở Daegu.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại những vùng khác cũng tăng với tốc độ đáng báo động. Theo truyền thông Hàn Quốc, tại hai thành phố lớn nhất là Seoul và Busan, số ca lây nhiễm virus corona cũng tăng đáng kể, với 56 trường hợp ở Seoul, và 61 ca ở Busan.
Theo hãng tin Pháp AFP, tình hình những ngày tới đây có thể còn gay go hơn nữa, với số ca lây nhiễm mới tăng vọt với kết quả xét nghiệm hơn 210.000 thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa, bị cho là xuất phát điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc.
Giáo phái này đã chấp nhận giao danh sách và thông tin liên lạc của toàn bộ tín đồ để chính phủ Hàn Quốc bắt đầu xét nghiệm kể từ hôm qua, 26/02. Thế nhưng chính quyền vừa lưu ý là danh sách đó còn thiếu ít nhất 70.000 tín đồ vừa kết nạp, mà giáo phái này cho rằng danh sách không thể nộp được vì đó chưa phải là tín đồ thực thụ.
Tập trận chung Mỹ-Hàn bị đình hoãn
Một trong những hệ quả về mặt an ninh quốc phòng của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc là Washington và Seoul đã quyết định hoãn vô thời hạn cuộc tập trận chung thường niên vào mùa xuân, dự trù mở ra trong tháng Ba tới đây.
Đây là lần đầu tiên hai nước đồng minh Mỹ và Hàn Quốc quyết định hoãn tập trận chung do vấn đề y tế và quyết định này được cho là chắc chắn sẽ làm cho Bắc Triều Tiên hài lòng vì Bình Nhưỡng luôn luôn đả kích các hoạt động tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.
Trọng Nghĩa
******************
Người Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19 sau khi về từ Việt Nam (RFA, 27/02/2020)
Một người Hàn Quốc 68 tuổi sau khi từ Việt Nam về nước đã bị xét nghiệm dương tính Covid-19, theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc.
Hình minh họa. Khách du lịch Hàn Quốc ở một sân bay ở Israel hôm 24/2/2020 AFP
VnExpress trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 26/2 cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin về người nhiễm bệnh này.
"Bộ Y tế Việt Nam và Hàn Quốc sẽ trao đổi thông tin về bệnh nhân này qua các kênh chính thức theo các quy định về y tế quốc tế. Bộ Ngoại giao đã thông báo cho Bộ Y tế về vấn đề này", bà Hằng cho biết.
Người Hàn Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hôm 23/2 sau khi từ Việt Nam về nước hôm 16/2.
Hiện Việt Nam đã ngưng tiếp nhận tất cả những người đến Việt Nam từ các vùng có dịch bệnh Covid-19 ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran.
Hành khách đến từ các quốc gia có dịch phải điền bảng câu hỏi kiểm tra y tế và bị cách ly 14 ngày.
Cho đến hiện nay, Việt Nam mới ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19 và thông báo tất cả các ca này đã khỏi bệnh.
Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng.
*****************
Covid-19 : Hàng trăm khách từ Hàn Quốc đến, các địa phương Việt Nam lo quá tải khu cách ly (RFA, 27/02/2020)
Trước tình hình lượng người đến từ Hàn Quốc đông trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương ở Việt Nam đang lo quá tải tại các bệnh viện dã chiến.
Hình minh họa. Hành khách đến sân bay Nội Bài hôm 2/2/2020. AFP
Tiền Phong hôm 27/2 trích lời của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở Hà Nội cho biết đang có hiện tượng ùn ứ ở sân bay Quốc tế Nội Bài vì khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết tính đến sáng ngày 27/2 việc cách ly tập trung tại trường quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã lên tới 650 người từ Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là người Việt và 7 người Hàn Quốc. Dự báo số người đăng ký về Việt Nam trong ngày 27/2 là 900 người.
Trường quân sự hiện chỉ có thể tiếp nhận khoảng 800 người.
Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết mỗi ngày trung bình sân bay Nội Bài có khoảng 1.500 người về từ Hàn Quốc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Sở Y tế đang phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô trình phương án lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 600 giường mỗi bệnh viện, dự kiến tổ chức triển khai khi dịch bệnh lan ra cộng đồng, với số bệnh nhân trên 3.000 người.
Giới chức tỉnh Khánh Hòa hôm 27/2 cho biết địa phương này cũng đang đối mặt với lượng người nhập cảnh từ Hàn Quốc về sân bay Cam Ranh đang tăng lên từ ngày 23 đến 26/2 vừa qua, chủ yếu là người Việt hồi hương. Lượng người về từ Hàn Quốc ở sân bay Cam Ranh trong ngày 25 và 26 là 141 và 192 người.
Hiện sân bay Cam Ranh có 3 phòng cách ly với sức chứa tối đa 100 người. Khả năng tối đa cho một lần sàng lọc, cách ly khoảng 200 người.
Giới chức y tế Khánh Hòa lo với việc áp dụng cách ly cho toàn bộ hành khách về từ Hàn Quốc, không kể từ vùng dịch, thì việc cách ly sẽ rất khó khăn do số lượng người sẽ rất lớn.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh lên đến hơn 1.700 người và 13 ca tử vong tính đến ngày 27/2.
Hàn Quốc cũng là thị trường cung cấp khách du lịch đông cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Thống kê của chính phủ Việt Nam cho biết hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Chửi Hàn và Hàn chửi
Trân Văn, VOA, 28/02/2020
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 (1) đã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa nhiều người Nam Hàn và người Việt trên Twitter. Trong khi nhiều người sử dụng mạng xã hội phía Nam Hàn chỉ trích việc hệ thống công quyền Việt Nam đối xử thiếu tử tế đối với đồng bào của họ, địa điểm cách ly thiếu vệ sinh,… thì những người sử dụng mạng xã hội phía Việt Nam phê phán thái độ ngang ngược, thiếu hiểu biết của 20 công dân Nam Hàn (kháng cự yêu cầu cách ly để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý trong chuyện ăn, ở) và tường thuật sai sự thật về cách đối xử của hệ thống công quyền Việt Nam…
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 ã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa người Hàn và người Việt - Ảnh minh họa .
Ngoài việc công kích những người sử dụng mạng xã hội ở Nam Hàn đã chỉ trích Việt Nam khi cách ly 20 người Nam Hàn từ Daegu đến Đà Nẵng bằng nhiều hashtag trên Twitter (*)và khoe với nhau như một thành tích bảo vệ quốc gia, dân tộc (2), không ít người sử dụng mạng xã hội Việt Nam còn tham gia liệt kê các thói hư, tật xấu, thậm chí phê phán cả khả năng… quan hệ tình dục của người Nam Hàn trên một số diễn đàn điện tử (3)… Trong cuộc tranh luận qua lại vừa kể, nổi lên nhận định của một người Nam Hàn tên là Seung Li nêu ra với một người Việt tên là Trinh Trinh...
Có thể tạm tóm tắt nhận định của Seung Li như thế này : Xét ở khía cạnh lịch sử thì Việt Nam là một quốc gia thảm bại, nghèo khổ nhất thế giới. Câu chuyện 39 người Việt thảm tử khi tìm đường vào Anh làm thuê hồi cuối năm ngoái chính là ví dụ. Phải nhớ, hơn 5.000 công ty Nam Hàn đóng góp đến 30% GDP của Việt Nam. Việt Nam không chỉ làm nô lệ cho Nam Hàn mà còn làm nô lệ cho những quốc gia giàu mạnh khác. Việt Nam không thể có độc lập, tương lai nếu người Việt không chịu tỉnh ra và sửa chữa sai lầm của mình. Người Việt không hiểu thế nào là dân chủ và không biết làm thế nào để đạt được điều này thành ra tốt nhất là phải chấp nhận thực tế và đừng u mê nữa (4)…
Nhiều người Việt đã chia sẻ ảnh chụp cuộc đối thoại vừa kể. Nhận định của Li cả về Việt Nam lẫn người Việt lại dẫn tới một cuộc tranh luận nữa giữa người Việt với nhau !
***
Từ nhận định của Li, Huynh Ngoc Chenh tự vấn rồi tự trả lời : Dân Hàn chửi mình có nhục không ? Có ! Nhưng thấy đúng không ? Quá đúng ! Vậy làm sao cho hết nhục ? Cho lực lượng bò đỏ ra chửi bới lại chúng nó tục tĩu và nặng nề hơn ! Sai ! Vậy phải làm gì ? Làm cho mình giàu mạnh văn minh hơn chúng nó bằng cách canh tân và dân chủ hóa đất nước ! Ngày xưa, Âu Mỹ không chỉ chửi bới, khinh miệt mà còn vỗ thẳng vào mặt dân Nhật bằng mấy quả đại bác bắn từ tàu chiến đậu bên ngoài vịnh Tokyo. Dân Nhật thấy nhục nhưng không chửi lại, chỉ âm thầm làm cách mạng lật đổ bọn cầm quyền Mạc Phủ ngu dốt và bảo thủ, học theo chính Âu Mỹ, canh tân hóa đất nước... Ngày nay Nhật văn minh, giàu mạnh ngang bằng Âu Mỹ, không còn ai dám khinh thường dân Nhật nữa (5).
Cũng với cách nhìn vấn đề như vậy, Trần Thái Hòa bày tỏ sự không đồng tình với những cá nhân mang "logo cờ đỏ" nhảy vào nhiều diễn đàn chửi dân Hàn thậm tệ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả bằng "tiếng Hàn Google Translate". Theo Hòa, tuy người Hàn phát biểu hơi thô nhưng không sai, đúng là đa phần người Việt sang Hàn đi làm thuê như đầy tớ cho dân Hàn, đúng là 30% GDP của Việt Nam là từ Nam Hàn Quốc mà ra… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì đừng nên làm đầy tớ cho ngoại bang, khi có đại dịch cứ đóng cửa biên giới mà không cần phải xin phép ai, lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa,… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì hãy tìm cách đưa đất nước phát triển, trở thành "top" không 5 thì 10 trên thế giới. Đừng thể hiện tự ái dân tộc bằng những lời dung tục, cứ như vậy chẳng khác gì vừa nghèo, vừa vô học.
Hòa nhắc : Ai vừa phát biểu là phải lấy tinh thần Park Hang-seo làm chủ đạo để phát triển mọi lĩnh vực ở Việt Nam, nay lại quay ra chửi người Hàn thậm tệ ? Sau đại dịch này, nếu dân Hàn không còn sang Việt Nam du lịch, họ rút Samsung về Hàn hoặc dời sang Ấn Độ thì có chửi cứ tự nghe chứ ai thèm nghe. Ai chửi bới dung tục, hành xử vô văn hóa đến mức bị xếp vào một trong những xứ thô bỉ nhất thế giới ? Ai đứng đầu đội quân hết sức hùng hậu chỉ làm hai việc : Mạt sát tất cả những ai nói ngược với "đại giáo chủ" và chuyển hóa những thứ hôi thối của "đại giáo chủ" thành thơm phức ? Theo Hòa, đại dịch Corona có một điểm hay. Đó là phơi bày nhiều chuyện xưa nay dân chúng không thấy hoặc chỉ thấy lờ mờ, giờ đã rõ như ban ngày (6).
Quốc Ấn Mai khuyên người Việt khoan tức giận khi cá nhân nào đó bảo mình là hạ đẳng. Ấn tin rằng, người Hàn sẽ không dám/không thể nói như vậy với một công dân Mỹ. Đó là tâm thế ! Ở khía cạnh tâm thế, việc những bạn trẻ hôn chiếc ghế mà sao Hàn từng đặt mông có phải là hạ đẳng không ? Thượng đẳng hay hạ đẳng là vấn đề của loài người mà cá nhân, quốc gia, chủng tộc nào đó đang mặc định đầy thiên kiến. Còn bình đẳng là tâm thế khác công bằng và khó khăn hơn nhiều. Điều cơ bản là cá nhân/quốc gia/chủng tộc muốn bình đẳng thì phải có ý thức xây dựng thực lực và có thực lực, chứ không phải tự sướng với nhau quang vinh, muôn năm, về ánh dương chiếu rọi, thời đại rực rỡ, thế nước đang lên,… Cách hành xử như đã thấy của một công dân Nam Hàn phải chăng vì người Việt/nước Việt đã cho họ "điều kiện" phát triển tâm thế "bề trên" như vậy ?
Quốc Ấn Mai đề nghị, hãy nhìn thực trạng quốc gia trước, trong và sau dịch corona để điểm lại xem người Việt/nước Việt có thực lực gì để ngẩng cao đầu ?.. Đó không thể là những trận thắng bóng đá cấp độ ao làng. Càng không phải là thứ GDP cao vút nhờ FDI, bán tài nguyên hay tăng thuế phí và huỷ hoại môi trường… Chí ít cũng phải thấy mình có sự bình đẳng trong ngoại giao, ví dụ như biển Đông. Bình đẳng thực sự chưa bao giờ là "chúng tôi cực lực phản đối" mãi thành nhàm. Kể cả chuyện tham nhũng... ổn định đều đặn tàn phá quốc gia nữa. Quốc Ấn Mai thắc mắc : Chẳng lẽ để câu "hèn với giặc, ác với dân" lưu truyền hoài trong dân gian, để những kẻ kiếm lợi từ đầu tư vào Việt Nam coi thường mãi và những biển cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt xuất hiện nhiều nơi ở nước ngoài… Cứ thế thì coi sao đặng (7) ?
***
Những suy nghĩ, nhận định của Huynh Ngoc Chenh, Trần Thái Hòa, Quốc Ấn Mai có đáng ngẫm không ? Thiên Nhiên – thân hữu của Huynh Ngoc Chenh, tán thành : Đúng là chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức, phải nghĩ đến cái chung. Muốn vậy luật pháp, giáo dục phải thay đổi, quan điểm quản trị đất nước cũng phải thay đổi nhưng vấn đề là… đến bao giờ ?... Piero Ha Noi – thân hữu của Trần Thái Hòa, khen Hòa, rất đúng nhưng… rất tiếc, những người tự xấu hổ và suy nghĩ theo hướng tích cực thì không bao giờ sử dụng mạng xã hội để chửi bới ai hoặc phát ngôn theo kiểu dư luận viên, còn lại thì có đọc cũng không hiểu, có hiểu cũng không thấy nhục ! Lgalpha Dinh – ban của Quốc Ấn Mai, đồng ý với đề nghị khoan tức giận vì chúng ta đang trong cơn say cồn, say bóng đá, ngạo nghễ... Lgalpha Dinh khẩn cầu : Tỉnh dậy đi Việt Nam !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/02/2020
(*) #ApologizeToVietNam, #KoreansStopLying, #Vietnamdidwell,...
Chú thích :
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(3) https://www.otofun.net/threads/hau-truyen-vu-khach-han-quoc.1665169/
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3095608880469431&set=p.3095608880469431&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/10207244591190751
(6) https://www.facebook.com/dulichvietnam360/posts/10157511719688025
(7) https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10215271195685693
*******************
Covid-19, khiêm tốn hay hèn ?
Trân Văn, VOA, 27/02/2020
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Việt Nam vừa dùng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid-19 (1) ! Tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, trong quản trị - điều hành công việc phòng ngừa Covid-19 lây lan ở Việt Nam, "khiêm tốn" dường như là… hèn !
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Photo QDND.
***
Ngày 23/2, sau khi xác nhận có 556 người nhiễm Covid-19 và 5 người đã thiệt mạng, ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn, tuyên bố đặt Nam Hàn vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế, đồng thời sẽ áp dụng tất cả các biện pháp nhiêm ngặt mà chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết để ngăn chặn Covid-19 lây lan rộng hơn (2).
Một ngày sau - 24/2, Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan tuyên bố xếp Nam Hàn vào mức 3 trong "Khuyến cáo du lịch". Yêu cầu dân chúng Đài Loan không đến Nam Hàn và từ 27/2 sẽ buộc tất cả những người từ Nam Hàn đến Đài Loan tự cách ly với cộng đồng nơi họ cư trú và sẽ bị kiểm dịch trong vòng 14 ngày (3).
Ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan, tuyên bố : Đài Loan xếp Thái Lan, Ý, Iran vào mức 1 và Nhật, Singapore,… vào mức 2 trong "Khuyến cáo du lịch". Những người đến Đài Loan từ các quốc gia mức 1 và 2 phải "tự quản lý sức khỏe".
Đài Loan định nghĩa "tự quản lý sức khỏe" là giữ tay sạch, đo thân nhiệt hai lần/ngày, ghi chép chi tiết về thân nhiệt, hoạt động cá nhân, hạn chế lui tới nơi công cộng, ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Nếu viêm đường hô hấp, sốt, cảm thấy khó chịu thì phải đi khám bệnh, thông báo cặn kẽ cho bác sĩ về lịch trình du lịch, lịch trình cư trú,…
***
Cũng trong ngày 24/2, một phi cơ chở 80 hành khách từ Daegu – Nam Hàn đến Đà Nẵng. Daegu là một trong hai ổ dịch bị chính phủ Nam Hàn xếp vào diện "kiểm soát đặc biệt". Mức độ lây lan của Covid-19 ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã khiến chính phủ Nam Hàn phải đặt quốc gia này vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế.
58/80 hành khách của chuyến bay vừa kể là người Việt. Họ sang Nam Hàn làm thuê hoặc du học. Về đến Đà Nẵng, 58 người Việt này được chuyển ngay đến khu cách ly do quân đội kiểm soát, trong 22/80 hành khách còn lại có 20 công dân Nam Hàn và hai công dân Thái Lan được chuyển đến Bệnh viện Phổi ở Đà Nẵng.
58 người Việt và phi hành đoàn (được cách ly tại một bệnh viện của Bộ Công an) không có vấn đề về cách ly nhưng 20 công dân Nam Hàn thì khác. Họ không muốn bị cách ly, không muốn vào Bệnh viện Phổi và lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng không dám cưỡng ép nên phải nhờ các viên chức ngoại giao của Nam Hàn tại Việt Nam thuyết phục.
Bất kể Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng đã dành cho 20 người Nam Hàn một khu vực riêng nhưng một số đòi quay về Nam Hàn, một số muốn được cách ly tại khách sạn, một số dứt khoát không chấp nhận cách ly vì chỉ đến Đà Nẵng chơi trong hai ngày… Chuyện cách ly 20 người Nam Hàn cứ thế nhùng nhằng từ trưa 24/2...
Có lẽ vì không muốn làm phật lòng nhóm khách Nam Hàn, Sở Y tế Đà Nẵng liên lạc với một khách sạn ở quận Sơn Trà, thuyết phục khách sạn tiếp nhận nhóm này. Tuy Sở Y tế Đà Nẵng cam kết thanh toán chi phí lưu trú cho 20 người Nam Hàn trong hai tuần cách ly nhưng một số lại không ưng vì không được chăm sóc y tế và phải trả tiền ăn uống...
Nhân viên của cả Đại sứ quán Nam Hàn và Tổng Lãnh sự Nam Hàn cùng tham gia thuyết phục cho đến năm giờ chiều, khi 20 người Nam Hàn từ Daegu đến đồng ý với đề nghị cách ly tại khách sạn mà Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị thì khách sạn ở quận Sơn Trà đổi ý. Chính quyền Đà Nẵng đành phải mời họ "ăn nhẹ" trong khi đi tìm khách sạn khác !
Đến sáu giờ chiều, chính quyền Đà Nẵng quyết định đưa 20 người Nam Hàn đến một khách sạn 4 sao ở quận Hải Châu và lần này cho biết Đà Nẵng sẽ thanh toán cả tiền ăn ! Tuy nhiên 20 người Nam Hàn từ Daegu tới vẫn phải lưu lại Bệnh viện Phổi cho đến 10 giờ đêm vì giới hữu trách cần chuẩn bị thêm cho việc cách ly tại khách sạn (4)…
***
Tuy đang quản trị - điều hành một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cách hành xử trong tình huống khẩn cấp (đối phó với những mầm bệnh tiềm ẩn đến từ bên ngoài, có thể lây lan, đe dọa dân tộc, quốc gia) hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam đã hành xử… nhũn nhặn mà cả thiên hạ lẫn dân chúng Việt Nam cùng… chưa từng thấy !
Xưa nay, dường như chưa có quốc gia nào sau khi phải dựng hàng rào phòng ngừa dịch bệnh lại… "mềm mỏng" như Việt Nam, vừa tìm đủ mọi cách thuyết phục những ngoại nhân đến xứ mình từ vùng có dịch chịu cách ly, vừa đôn đáo tới lui khắp nơi để tìm chỗ cách ly sao cho ngoại nhân hài lòng, chưa kể còn cam kết sẽ dùng công quỹ để bao ăn, ở !
Tại hội nghị trực tuyến, thảo luận về việc "Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19" hôm 25/2 - dịp mà ông Đam sử dụng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid 19 – đại diện Sở Y tế Đà Nẵng than rằng, họ chịu áp lực rất lớn vì "phải vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả" (5).
Rõ ràng không thể so Việt Nam với Đài Loan – vùng đất chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đài Loan tuy nhỏ, vị thế trong cộng đồng quốc tế rõ ràng kém hơn nhưng hành xử rạch ròi, quyết liệt hơn Việt Nam. Khi đến Đài Loan giữa mùa dịch bệnh, chắc chắn những công dân Trung Quốc bị chính quyền sở tại buộc phải cách ly sẽ không thể và cũng không dám tự tiện rời khỏi nơi bị chỉ định cư trú, thản nhiên tới lui bất kỳ đâu họ muốn, khiến cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lúng túng không biết phải làm gì như tại Việt Nam (6) ? !. Sau ngày 27 tháng này, khi đến Đài Loan, chắc chắn không công dân Nam Hàn nào dám hay có thể "làm mình, làm mẩy" đòi phải như thế này, thế kia mới đáp ứng yêu cầu cách ly của chính quyền sở tại giống như 20 đồng bào của họ vừa thể hiện tại Việt Nam.
Đài Loan tuy nhỏ, vị thế rõ ràng kém hơn Việt Nam nhưng khi Covid-19 bùng phát thành dịch tại Trung Quốc đã không hề ngần ngại khi tuyên bố cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm nhu cầu phòng dịch của dân chúng Đài Loan. Bất chấp chuyện bị Trung Quốc chỉ trích là "bệnh hoạn về nhận thức" (7), lãnh đạo Đài Loan tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang đến cuối tháng tư (8). Đài Loan cũng là nơi không hề ngần ngại khi vừa cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, vừa nhấn mạnh là "không hoan nghênh" nếu họ đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn,… vì ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế và giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (9) !
***
Cổ nhân từng khuyên : "Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc". Người Việt nên dùng "tất cả sự khiêm tốn" mà ông Vũ Đức Đam mới dùng, tự hỏi chính mình và tự hỏi lẫn nhau "gia" của Việt Nam như thế nào, "giang" của Việt Nam ra sao mà càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy thiên hạ không thèm màng đến cả đặc điểm của "tục" lẫn "khúc" khi "nhập" hoặc "đáo" Việt Nam ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/02/2020
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-da-kiem-soat-duoc-dich/20200225092847338.htm
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172158
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(5) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(7) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
*******************
Covid-19, nên nhìn Iran mà ngẫm…
Trân Văn, VOA, 26/02/2020
Bao nhiêu người, đặc biệt là các công dân Iran tin rằng, cho đến 10 giờ (CET) sáng 24/2, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Iran là 43 (tăng thêm 15 người so với ngày 23/2) và tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 là 8 (tăng thêm 5 người so với ngày 23/2) – dựa trên số liệu chính quyền Iran cung cấp cho WHO ?
Xét nghiệm corona virus trong một bệnh viện ở Iran.
Tuy dữ liệu chính thức về số người bị nhiễm Covid-19 ở Iran thua xa Nam Hàn (763), Nhật (144), Ý (124) nhưng không phải tự nhiên mà các chuyên gia y tế và cộng đồng thế giới dành cho Iran sự quan tâm đặc biệt, xem Iran như một ổ dịch mà mức độ nguy hiểm không thua Trung Quốc.
***
Hôm 24/2, New York Times (NYT) đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, giải thích tại sao Iran trở thành nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế (1) : Tuy bị cấm vận, Iran – nơi có nhiều thánh tích Hồi giáo - vẫn mở rộng cửa tiếp nhận tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đổ đến. Những người hành hương đã lây nhiễm và mang Covid-19 vào Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oman, Lebanon, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Canada,…
Từ Iran, Covid-19 đã lây nhiễm sang nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, nơi mà các chuyên gia y tế cho là hội đủ những điều kiện cần thiết để dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra mở mang tầm vóc đại dịch : Lượng người qua lại lớn (bao gồm cả khách hành hương lẫn những người từ quốc gia này sang quốc gia khác làm thuê), các biện pháp kiểm soát – cách ly để phòng ngừa kém, dịch vụ y tế thiếu và yếu, khả năng minh bạch thông tin thấp và không chính xác !
***
Hôm 24/2, Ahmad Amiri Farahani – một đại biểu cho Qom trong Quốc hội Iran, khẳng định với các đồng viện tại Diễn đàn Quốc hội Iran rằng : Cách nay hai tuần, giới hữu trách tại Qom (một tỉnh nổi tiếng vì có nhiều thánh tích Hồi Giáo, trước nay vẫn thu hút rất đông khách hành hương đến Iran) đã phát giác sự hiện diện của Covid-19 và ở Qom, ít nhất đã có 50 người vì Covid-19. Vào thời điểm này, mỗi ngày không dưới mười người thiệt mạng vì viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên chính quyền Iran phủ nhận thông tin ấy. Ahmad Amiri Farahani – dân biểu đối lập với đảng cầm quyền tại Iran – bị cáo buộc là tung tin đồn nhảm, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cố tình khiến công chúng hoang mang nhằm gây xáo trộn sự ổn định chính trị tại Iran. Ahmad Harirchi – cố vấn Bộ trưởng Y tế Iran tuyên bố sẽ từ chức nếu dữ liệu của Ahmad Amiri Farahani chính xác nhưng không đả động gì đến việc thực hiện yêu cầu của Ahmad Amiri Farahani (tổ chức kiểm dịch ở Qom).
Tiến sĩ Mohamad Reza Ghadir – người vừa là lãnh đạo một đại học y khoa ở Qom, vừa là viên chức chịu trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh ở Qom, xác nhận với đài truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế Iran cấm giới hữu trách tại Qom tiết lộ bất kỳ số liệu nào liên quan đến Covid-19. Tuy không tiết lộ bất kỳ số liệu nào nhưng Tiến sĩ Ghadir nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh ở Qom rất nghiêm trọng ! Cũng trong ngày 24/2, các phương tiện truyền thông chính thức loan báo, Tiến sĩ Ghadir đã bị cách ly.
***
Ngày 23/2, The Jerusalem Post – một nhật báo ở khu vực Trung Đông – kể rằng, dân chúng Iran vừa sợ hãi, vừa giận dữ vì chính phủ Iran dối trá và hệ thống truyền thông chính thức tại Iran lờ đi, không loan báo những thông tin về Covid-19 tại Iran. Không chỉ Qom, Covid-19 đang lây lan rộng rãi. Đảng cầm quyền tại Iran ém nhẹm thông tin về Covid-19 để kiếm tiền từ du lịch hay để cuộc bầu cử diễn ra vào thứ sáu tuần trước (21/2) thành công tốt đẹp hoặc cả hai ?
Không ai biết lý do thực nhưng hôm thứ bảy (22/2), dân chúng thành phố Talesh nằm bên bờ biển Caspi đã nội loạn sau khi thành phố này bị cô lập nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan. Chính quyền Iran vừa tỏ ra hết sức giận dữ đối với cuộc nổi loạn mà họ cáo buộc là do quần chúng nhẹ dạ, cả tin để cho các thế lực thù địch, phản động kích động, vừa tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học tại Tehran, Alborz, Qazvin, Markzai, Qom, Hamedan, Isfahan, Gilan và Mazandaran mà không giải thích lý do.
Cuối tuần vừa qua tại Iran có một chuỗi những sự kiện theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược) : Bộ trưởng Khoa học của Iran khuyên dân chúng nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh nếu có các triệu chứng giống như cảm lạnh. Một viên chức hữu trách ở Alborz - một trong những tỉnh quyết định đóng cửa tất cả các trường học - thì khuyên dân chúng không nên mang khẩu trang. Alborz không có ai bị nhiễm Covid-19. Đừng tin tin đồn cũng đừng phát tán tin đồn mà nên chờ những thông tin chính thức từ Bộ Y tế.
Trên mạng xã hội đã có những thông tin mô tả về tình trạng hết sức đáng sợ của nhiều bệnh viện ở Iran. Theo đó, không chỉ những người đã nhiễm Covid-19 sợ hãi mà các nhân viên y tế cũng sợ hãi vì thiếu các phương tiện để bảo vệ chính họ không bị lây nhiễm. Dọa dẫm và trừng trị làm gương không chặn được những thông tin như sinh viên y khoa ở Isfahan từ chối tham gia hỗ trợ chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vì không được cung câp khẩu trang, găng tay và những trang bị bảo hộ thiết yếu (2)...
***
Sau khi Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền Iran - vốn đã và đang chật vật xoay sở để giữ vững sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cầm quyền - trở thành một trong những chính quyền đầu tiên tuyên bố sát cánh với Trung Quốc, hỗ trợ Trung Quốc phòng chống Covid-19. Iran đã gom và gửi tặng Trung Quốc nhiều triệu khẩu trang. Ngày 1/2, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ của Iran tiếp tục tặng thêm cho Trung Quốc một triệu khẩu trang nữa và…
Ngày 2/2, Fealu Mardasi - cố vấn Hiệp hội các nhà sản xuất vật tư y tế của Iran – cảnh báo, Trung Quốc không chỉ thu gom mà còn ứng tiền trước để mua hết những khẩu trang mà Iran sẽ sản xuất. Đến thời điểm đó, tuy không thể xác định được năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp tại Iran như thế nào nhưng Mardasi cho rằng, nếu chính quyền Iran không cấm xuất cảng khẩu trang, Iran sẽ không đủ khẩu trang cho dân chúng Iran phòng ngừa Covid-19 trong trường hợp Covid-19 bùng phát (3).
Trước áp lực của dư luận, ngày 4/2, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý thị trường của Iran "nhất trí" cấm xuất cảng khẩu trang (4). Mohammad Reza Kalami – phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý thị trường Iran – cho biết, cơ quan này sẽ cùng với Tổ chức Xúc tiến thương mại Iran nghiên cứu để có các biện pháp thích hợp… Chưa rõ xuất cảng khẩu trang sang Trung Quốc mang lại nguồn lợi trị giá bao nhiêu nhưng dân chúng Iran đang bấn loạn vì tìm không ra khẩu trang, giá khẩu trang vượt tầm với của nhiều người.
***
Tường thuật về sự lây lan của Covid-19 tại Iran, nhiều cơ quan truyền thông của cả phương Tây lẫn khu vực Trung Đông nhấn mạnh, trong vài ngày vừa qua, Iran hỗn loạn không chỉ vì Covid-19 mà còn vì thiếu thông tin đáng tin cậy. Dân chúng Iran không tin chính quyền Iran trung thực. Cộng đồng quốc tế cũng không tin. Lúc này, cả dân chúng Iran lẫn cộng đồng quốc tế cùng đề cập đến scandal xảy ra vào tháng trước : Chính quyền Iran dối trá để che đậy việc bắn một phi cơ dân dụng của Ukraine.
Cùng với Covid-19, biểu tình đòi minh bạch thông tin bùng phát khắp nơi ở Iran, sau những cuộc biểu tình ở Tehran, ở Talesh, ở Rasht,… đòi giải thích chính thức tại sao lại đóng cửa các trường học, lại cách ly các khu dân cư là những cuộc biểu tình bên ngoài các bệnh viện… Sự phẫn nộ càng lúc càng tăng khi chính quyền Iran trả lời bằng dùi cui, bằng lựu đạn cay,… Sử dụng bạo lực để đập tan các hoạt động phản kháng sẽ kéo dài được bao lâu và làm sao có thể gọi đó là nỗ lực giữ vững ổn định chính trị ?
Cho dù các lân bang đang lần lượt tuyên bố hạn chế qua lại với Iran, thậm chí đóng cửa biên giới nhưng chính quyền Iran vẫn chưa cấm các chuyến bay mang khách hành hương đến và đi. Chính quyền Iran chỉ tuyên bố đóng cửa các trường học, cô lập nhiều khu vực chứ không nhìn nhận Covid-19 đã lây lan khắp nơi, kể cả khi đã có những dấu hiệu hết sức rõ ràng cho thấy họ chẳng còn giấu được ai.
***
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tỉnh ra, thôi mơ trở thành quốc gia đầu tiên dập được Covid-19 (5) để tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phòng ngừa, nâng cao hiệu quả của hoạt động cô lập, không để tái diễn tình trạng những người thuộc diện cần cách ly muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm như đã từng xảy ra với nhiều du khách Trung Quốc (6) ? Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ngưng "tán hươu tán vượn" để khuyến khích du lịch cả trong nội địa lẫn bên ngoài Việt Nam, gạt bỏ ý tưởng áp dụng các biện pháp "thân thiện" để thu hút du khách thập phương nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay (7), thậm chí cả hệ thống dắt díu nhau hối hả chạy theo những đòi hỏi hết sức vô lối của một số du khách Hàn Quốc (8) ?
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mạnh dạn hơn để ban hành lệnh cấm xuất cảng hết tấn khẩu trang này đến tấn khẩu trang khác qua cả các cửa khẩu trên đất liền (9) lẫn đường hàng không (10) sang Trung Quốc, không sợ bị Trung Quốc chỉ trích như đã từng chỉ trích Đài Loan ? Trí tuệ và lương tâm của các viên chức hữu trách tại Việt Nam đang để ở đâu khi nguồn khẩu trang tiếp tục chảy sang bên kia biên giới Việt – Trung, bất chấp dân chúng loay hoay tìm kiếm khẩu trang hợp cách để tự bảo vệ mình, bất chấp đội ngũ nhân viên y tế phải tự may khẩu trang (11) ? Giá phải trả cho dịch bệnh sẽ rất cao nếu không đủ vật dụng thiết yếu giúp nhân viên y tế - đội ngũ đảm trách vai trò ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh tại một cộng đồng, một quốc gia - bị lây nhiễm !
Thông qua chương trình phát thanh bằng tiếng Iran của… BBC, Tiến sĩ Babak Gharaye Moghadam – chuyên gia y tế của Iran – vừa kêu gọi dân chúng Iran nên tránh xa các bệnh viện để tránh nhiễm Covid-19. Sở dĩ Tiến sĩ Moghadam phải chọn BBC vì dân chúng Iran không còn tin cậy chính quyền và hệ thống truyền thông Iran. NYT kể rằng, dân chúng Iran phớt lờ tất cả các khuyến cáo chính thức, tiếp tục đổ đến bệnh viện yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Trước áp lực của công chúng, cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Imam Khomeini ở Tehran phải dựng một khu xét nghiệm dã chiến trong khuôn viên... Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có học được gì từ chuyện trái khoáy này và có còn tiếp tục nhìn việc chia sẻ thông tin, hình ảnh kiểu như lũ trẻ phải dùng giấy thay khẩu trang là… "phản cảm" (12) không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.nytimes.com/2020/02/24/world/middleeast/coronavirus-iran.html
(4) https://financialtribune.com/node/102025
(5) https://tuoitre.vn/viet-nam-nuoc-dau-tien-dap-duoc-dich-covid-19/20200221082706271.htm
(7) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien/20200220174210322.htm
(8) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(9) https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/xuat-tiep-6-xe-khau-trang-y-te-sang-trung-quoc-ar528905.html
Thông tấn xã Việt Nam mới đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bổ sung thêm một luật sư vào nhóm các luật sư bảo vệ cho Tổng thống trước các cáo buộc luận tội, nâng tổng số luật sư lên 15 người.
Lãnh đạo Formosa xin lỗi người dân Việt Nam
Nguyên thủ của một quốc gia với quyền hành to lớn như thế nào mà còn phải cần đến luật sư bảo vệ, điều này cho thấy môi trường pháp lý thượng tôn pháp luật lý tưởng của Hàn Quốc.
Ở các nước thượng tôn pháp luật, vai trò của người nắm vững và hiểu rõ các quy định pháp luật là rất quan trọng vì tính hợp pháp là yếu tố then chốt đem lại quyền lực chính trị pháp lý cho bất cứ tổ chức cá nhân nào.
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Tổng thống Park Geun-hye
Trong khi đó ở Việt Nam pháp luật không được thượng tôn mà lại chỉ được xem như là công cụ của giai cấp thống trị, bởi vậy sự đúng luật chưa phải là lối hành xử chuẩn mực của nhiều cơ quan ban ngành.
Xung quanh vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye, đây là một biến cố chính trị pháp lý lớn với những sự kiện nóng bỏng như Tòa án sẽ tiến hành luận tội Tổng thống, Đảng của tổng thống Park Geun-hye dự định đổi tên để giữ uy tín, Bộ trưởng Bộ văn hóa và Chánh văn phòng Tổng thống đều đã bị mất chức và bị bắt giữ, phe đối lập yêu cầu tiến hành khám xét phủ Tổng thống, phó chủ tịch tập đoàn Samsung bị bắt và nhiều sự kiện khác.
Các thông tin diễn biến đã được Thông tấn xã Việt Nam cập nhật đưa tin đầy đủ. Dường như cách đưa tin khách quan rõ ràng đầy đủ cho thấy các ban ngành đang dành sự quan tâm nghiên cứu đánh giá về hệ thống chính trị của Hàn Quốc. Họ quan tâm xem hệ thống chính trị nước này xử lý ra sao trước một biến cố chính trị lớn, để xem cái hệ thống đó tối ưu đến đâu, cái có thể trong một ngày không xa áp dụng ở Việt Nam.
Viện công tố Hàn Quốc bắt giữ phó chủ tịch Samsung để điều tra liên quan vụ bê bối chính trị của Tổng thống
Một điều thấy rõ nhất là mặc dù là một biến cố chính trị lớn nhưng mọi việc diễn ra theo tuần tự, các phe phái đang tranh đấu với nhau trên phương diện pháp lý mà vũ khí chỉ là các tờ giấy với các điều luật mà không hề có họng súng nào.
Người giữ vai trò chủ đạo chi phối toàn bộ chương trình là các thiết chế tư pháp như Viện công tố hay Tòa án, cho thấy một vai trò lớn quyền có thể coi như khổng lồ nếu so với quyền hạn bé nhỏ của các thiết chế tư pháp Việt Nam.
Các biến cố hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của pháp luật với các cuộc triệu tập thẩm vấn và một vài cuộc bắt giữ. Biến cố cũng chỉ xảy ra ở tầng chóp của bộ máy gồm Tổng thống và bộ máy chính phủ, phần còn lại của bộ máy hành pháp vẫn hoạt động và đất nước rất ít bị ảnh hưởng.
Đó thực sự là một điều tuyệt vời nếu xét về sự ổn định an toàn của hệ thống chính trị của một đất nước. Hàn Quốc đã thiết lập được một hệ thống chính quyền có khả năng xử lý tốt các biến cố chính trị pháp lý dù là lớn nhất. Đây thực sự là một điều đáng mong ước đối với một đất nước như Việt Nam mà tương lai có thể nhiều xáo trộn.
Vụ kiện Formosa
Biểu tình phản đối Formosa làm ô nhiễm môi trường ở Việt nam
Ở Việt Nam cũng đang có một biến cố pháp lý lớn đó là vụ kiện Formosa, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thép đã xả nước thải ra biển làm ô nhiễm nước gây cá chết và ảnh hưởng đến môi sinh của người dân các tỉnh miền Trung.
Ngày 14/2 đoàn người khiếu kiện lại một lần nữa lên đường vượt qua khoảng cách 170km từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để đòi công lý.
Việc chính quyền xử lý vụ kiện này ra sao sẽ là một thử thách kiểm tra cho thấy khả năng xử lý các biến cố chính trị pháp lý của hệ thống hiện nay.
Một điều thấy rõ là không như Hàn Quốc các cơ quan tư pháp chủ động đứng ra giải quyết biến cố pháp lý, thì ở Việt Nam các cơ quan dường như muốn lảng tránh và dập tắt một vụ kiện theo pháp luật.
Thay vì sử dụng pháp luật cùng với hệ thống tư pháp để giải quyết các mâu thuẫn chính trị pháp lý như ở Hàn Quốc thì các ban ngành ở Việt Nam lại dùng quyền lực chính trị để thay thế và phủ định luật pháp và tư pháp.
Quyền tư pháp ở Hàn Quốc lớn bao nhiêu thì ở Việt Nam lại bé nhỏ bấy nhiêu. Tư pháp Việt Nam đã không làm được vai trò ở cái thời điểm cần đến nó nhất.
Đối với tư pháp Việt Nam thì vụ việc người dân khởi kiện Formosa trong hoàn cảnh hiện nay là một việc khó, nhưng chính vì khó mới là thử thách năng lực để trưởng thành cũng như là nền tư pháp Việt Nam đã đến lúc rồi cần đến sự lớn mạnh vươn lên.
Người dân đi khiếu kiện Formosa
Ở Hàn Quốc hệ thống chính trị thiết lập theo mô hình tam quyền phân lập, trong đó quyền tư pháp do Tòa án nắm quyền ngang ngửa với quyền lập pháp bên Quốc hội và quyền hành pháp bên Chính phủ cho nên việc Tòa án lớn quyền là điều dễ hiểu và hiện tại Tòa án đang xử lý cả Tổng thống.
Còn ở Việt Nam hệ thống chính trị thực hiện theo mô hình phân công phối hợp, các thiết chế Quốc hội, Chính phủ, Tòa án thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Trong khi nền kinh tế mà Việt Nam muốn hướng tới là nền kinh tế của Hàn Quốc trong khi hệ thống chính trị mà Việt Nam muốn giữ lại là hệ thống chính trị của Triều Tiên.
Việt Nam có thể xem như đang ở giai đoạn phát triển ở khoảng giữa, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Vậy hãy thử hình dung xem liệu có thể kết hợp một nền kinh tế Hàn Quốc và một hệ thống chính trị của Triều Tiên không ?
Những vấn đề lý thuyết đôi khi cần những dẫn chứng thực tế làm cho sinh động.
Và các biến cố chính trị pháp lý mới đây như ở Hàn Quốc liên quan đến tổng thống Park Geun-hye và biến cố pháp lý ở Việt Nam như vụ kiện Formosa, vụ ám sát anh trai ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triêu Tiên, sẽ cung cấp thêm những dẫn chứng tham chiếu tốt. Để xem đứng trước các biến cố chính trị pháp lý lớn thì hệ thống chính trị nào tối ưu xử lý tốt vấn đề.
Nhưng nói thì nói thế thôi, còn thì ở Việt Nam người ta đều đã hiểu ra được vấn đề là như thế nào rồi.
Duy một điều nhiều người chưa nhìn ra là TƯ PHÁP sẽ là giải pháp lối thoát cho tương lai.
Một hệ thống tư pháp công minh tiến bộ sẽ là trụ đỡ cho công lý và là cột chống gây dựng lại cho một xã hội xiêu vẹo sụp đổ.
Một nền tư pháp có khả năng thực thi công lý sẽ bảo vệ cho chính những người trước đó đã mắc lỗi.
Vì còn gì tốt hơn cho những người mắc lỗi là họ sẽ được bảo vệ bởi nền tư pháp và chỉ phải chịu trách nhiệm đúng với mức lỗi mà mình đã gây ra thay vì nặng hơn ? Và còn gì tốt hơn cho những người không làm điều xấu là nền tư pháp đủ khả năng nhìn ra điều đó ?
Để đạt được điều đó thì phải xây dựng cho nền tư pháp. Bước đầu là hãy để nền tư pháp đứng ra xử lý vụ kiện Formosa.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 20/02/2017
Tác giả là luật sư đang sinh sống và hành nghề tại Hà Nội, Việt Nam.