Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo
Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen lên tiếng chỉ trích kịch liệt một bài báo trên tờ Sega của Bulgaria ngày 5/8 với nhan đề "Trung Quốc kéo Campuchia rời xa Việt Nam bằng cách chuyển hướng giao thông dọc sông Mekong".
Ông Hun Sen nhấn mạnh việc Campuchia làm kênh đào Phù Nam Techo hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác
Bài viết được báo Sega đăng tải vào thứ Hai 5/8, đúng ngày động thổ kênh đào lịch sử Phù Nam Techo của Campuchia.
Trong bài viết, báo Sega cho rằng đại dự án Phù Nam Techo được "Trung Quốc tài trợ", cùng nhận định đây là chỉ dấu về việc vương quốc này đang xích lại gần hơn với Trung Quốc, khiến quan hệ hữu nghị với Việt Nam bớt nồng ấm.
"[Cựu Thủ tướng] Hunsen đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ chết chóc với sự trợ giúp của quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay ông ta lại tìm kiếm mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng không chính thức từ bỏ tình hữu nghị anh em với Việt Nam", tờ Sega viết.
Sega (СЕГА) là một tờ báo độc lập ở Bulgaria, với nội dung đa lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao...
Ông Hun Sen chỉ trích việc báo Sega của Bulgaria (bên phải) cho rằng Phù Nam Techo là một dự án do Trung Quốc tài trợ và Campuchia đang rời xa láng giềng hữu nghị Việt Nam
'Không từ bỏ người bạn nào'
Theo báo Khmer Times hôm 8/8, ông Hun Sen nhấn mạnh chuyện xây dựng kênh đào hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
"Campuchia không từ bỏ bất kỳ người bạn nào ! Quan hệ với các quốc gia bạn bè cũng phong phú như những bông hoa đầy sắc màu", ông viết trên Facebook.
"Chúng tôi có mối quan hệ kinh doanh với nhiều nước trên thế giới và nhiều quốc gia đã giúp Campuchia. Tuy nhiên, những người bạn Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu của Campuchia mà không ai khác làm được".
Cũng theo bài viết trên Sega, kênh đào Phù Nam Techo gây quan ngại về tác động môi trường. Con kênh này còn có thể giúp Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng quân sự ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc cho rằng ông sử dụng dự án kênh đào Phù Nam Techo để giúp người con trai cả Hun Manet lên nắm quyền và tăng cường sức ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.
"Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền cũng thông qua một cuộc bầu cử dân chủ như nước Mỹ với cựu Tổng thống George W. Bush có cha là ông George H.W. Bush từng là tổng thống !" ông Hun Sen khẳng định.
Về nghi vấn kênh đào có khả năng phục vụ tàu chiến Trung Quốc, ông Hun Sen gọi đây là "một sự hoang tưởng".
"Việc cho rằng con kênh đào phục vụ tàu chiến Trung Quốc chỉ là sự hoang tưởng của những người ganh tị với Campuchia. Campuchia biết suy nghĩ và đang quyết định vận mệnh của mình".
Trước đó, ông Hun Sen đã thường xuyên bác bỏ các nhận định cho rằng kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu chiến Trung Quốc di chuyển sâu vào nội địa Campuchia và tiến về biên giới giữa nước này và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền quốc gia là trên hết.
Kênh đào Phù Nam Techo tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm kế nhiệm cha mình
'Không sử dụng tiền của Trung Quốc'
Ông Hun Sen cũng khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo không được tài trợ hoàn toàn "bằng tiền của Trung Quốc". Ông nhắc lại rằng các doanh nghiệp nhà nước và công ty địa phương của Campuchia nắm đa số cổ phần trong tỷ trọng vốn đầu tư.
Vào hôm 5/8, tại lễ động thổ kênh đào Phù Nam Techo, lần đầu tiên Thủ tướng Hun Manet nêu tên tập đoàn đầu tư OCIC có tham gia dự án này, bên cạnh các công ty khác.
OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo…
Chủ tịch OCIC là ông Pung Kheav Se, một nhà tài phiệt gốc Hoa và là chủ tịch Hiệp hội người Hoa Khmer tại Campuchia.
Về danh nghĩa, OCIC là công ty Campuchia, nhưng các nguồn tin của BBC nhận định rằng có thể đứng đằng sau công ty này là Trung Quốc.
Ông Hun Sen đã nói chi tiết hơn về tỷ lệ vốn đầu tư trong dự án này, theo đó Cảng tự trị Sihanoukville (PAS) và Cảng Tự trị Phnom Penh (PPAP) nắm giữ 51% cổ phần, trong khi OCIC nắm 49%.
Trong lễ động thổ hôm 5/8, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào Phù Nam Techo dài 180 km là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".
Một bài viết trên trang Khmer Times ngày 7/8 đặt câu hỏi liệu Campuchia có thể thực hiện được kênh đào Phù Nam "như đã quảng bá" hay không, với tác giả được ghi là sàn bất động sản Realestate.com.kh có trụ sở ở thủ đô Phnom Penh.
Khác với những bài viết ủng hộ hoàn toàn đại dự án trước đây trên Khmer Times, bài viết đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn liệu kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD có thấp hơn so với mức thực tế ?
Bài viết cũng liệt kê những quan ngại liên quan đến môi trường, địa chính trị, đặc biệt giữa Campuchia với láng giềng Việt Nam, đồng thời nhắc đến những câu hỏi về tính khả thi của dự án này.
Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ dừng lại ở việc đề cập, không đi sâu vào bình luận, phân tích và cuối cùng kết luận rằng nếu dự án tiếp tục được triển khai cẩn trọng liên quan đến các thách thức kinh tế, môi trường và địa chính trị, thì Campuchia sẽ gia tăng được vị thế chiến lược của một trung tâm hậu cần, thách thức được các quốc gia láng giềng và gặt hái được nhiều lợi ích cho hàng loạt ngành công nghiệp.
Việt Nam tiếp tục kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin
Ba ngày sau khi Campuchia chính thức động thổ dự án lịch sử, Việt Nam tiếp tục kêu gọi Phnom Penh chia sẻ thông tin về dự án.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt vào ngày thứ Năm 8/8 cho biết Việt Nam khẳng định ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia, mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu đánh giá tổng thể toàn diện tác động của dự án.
"Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động", ông Việt nói.
Trước đó, vào ngày 23/5, bên lề Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol và nhắc đến kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) và mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong (MRC) trong việc chia sẻ thông tin về dự án.
Trước đó, vào ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết những thông tin liên quan kênh đào Phù Nam Techo mà Việt Nam có được cho đến thời điểm lúc bấy giờ chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án.
Ngày 5/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" và "mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin".
Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án Phù Nam Techo là vào ngày 11/4. Khi đó, ông Đoàn Khắc Việt nói : "Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội Sông Mekong Quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực".
Liên quan đến các tác động môi trường của dự án, tại buổi lễ động thổ, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995 và Campuchia đã nghiên cứu khả thi đầy đủ để không gây tác động môi trường nước này và các quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, ngày 4/8, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng "cách chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm hiệp định sông Mekong 1995".
"Vẫn còn thời gian để chính phủ Campuchia tránh không vi phạm và biến dự án trở thành một cơ hội vàng cho nền ngoại giao nguồn nước sông Mekong", ông nhấn mạnh.
Nguồn : BBC, 10/08/2024
Ông Hun Manet giải thích việc bổ nhiệm em trai, nói chính phủ cần ‘thanh gươm’ và ‘thẩm quyền tuyệt đối’
BBC, 23/02/2024
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đăng đàn giải thích quyết định bổ nhiệm em trai Hun Many vào ghế phó thủ tướng, đáp lại làn sóng chỉ trích "gia đình trị".
(Từ trái qua) Cựu Thủ tướng Hun Sen và các con : Thủ tướng Hun Manet, Cục trưởng Cục Tình báo - Trung tướng Hun Manith, Phó Thủ tướng Hun Many
Nhiều chỉ trích đã xuất hiện sau khi ông Hun Many, con trai út của cựu Thủ tướng Hun Sen và là em trai của Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, được bổ nhiệm chức phó thủ tướng Campuchia.
Quy trình bổ nhiệm như sau : Thủ tướng Hun Manet đề xuất, Quốc hội (Hạ viện) thông qua và Quốc vương Norodom Sihamoni phê chuẩn.
Với việc Quốc hội do Đảng Nhân dân Campuchia, đảng của ông Hun Sen và Hun Manet, kiểm soát hoàn toàn, việc đề cử được thông qua chỉ là vấn đề thủ tục.
Sắc lệnh phê duyệt của Quốc vương sau đó là khâu cuối cùng để chính thức hóa ý chí của Thủ tướng Hun Manet.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Hun Many, 41 tuổi, là Bộ trưởng Hành chính công.
‘Gia đình trị’
Báo Khmer Times có lập trường ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia trong bài viết đăng tải sáng nay (23/2) thừa nhận rằng việc bổ nhiệm trên đã hứng chịu nhiều chỉ trích.
Theo tờ báo này, "có nhiều cáo buộc liên quan đến việc thăng cấp này, trong đó có các cá nhân và cơ quan báo chí gọi đó là gia đình trị".
Thủ tướng Hun Manet giải thích rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many, em trai của ông, là đúng đắn và nằm trong nỗ lực cải cách khối dịch vụ công, bao gồm các chức năng của cơ quan công quyền, giáo dục và y tế, mà trong vai trò bộ trưởng, ông Many vốn rất am tường.
Tuy nhiên, các cáo buộc "gia đình trị" và "tham nhũng" không vì thế mà dịu đi.
Chuyên gia pháp lý Vorn Chanlot chia sẻ với đài RFA rằng, nói như ông Hun Manet thì không hợp lý, và rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many là không cần thiết bởi ở vị trí bộ trưởng, ông này đã có đủ thẩm quyền để cải thiện tính hiệu quả trong khối dịch vụ công.
"Điều đó [việc bổ nhiệm] tạo ra sự trì trệ trong việc triển khai cải cách", ông Vorn Chanlot nhận định.
Ông Hun Sen và phu nhân Bun Rany, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Campuchia
Cáo buộc gia đình trị, thực ra, đã xuất hiện từ lâu trên chính trường Campuchia, dưới thời đại mà quyền lực ông Hun Sen, người làm thủ tướng từ năm 1985 và chỉ chịu rời ghế vào năm ngoái, bao trùm.
Sau khi ông Hun Sen thôi làm thủ tướng và con trai trưởng của ông là Hun Manet lên tiếp nhiệm vào tháng 8/2023, các cáo buộc lại một lần nữa bùng lên.
Ông Hun Sen đã đáp lại những cáo buộc bằng lời khẳng định rằng việc con ông làm thủ tướng là do dân bầu, là dựa vào tài năng, chứ không phải chuyện "con ông cháu cha".
Ông nói rằng ông có thể tiến cử ông Hun Manet ngay cả khi ông này "không phải là người thân của tôi". Giờ đây, đáp lại chỉ trích về việc bổ nhiệm em trai Hun Many vào ghế phó thủ tướng, Thủ tướng Hun Manet lặp lại đúng lời người cha của mình.
"Ông bộ trưởng [Hun Many] và tôi có thể cùng họ, nhưng chúng tôi phải nâng thẩm quyền và trách nhiệm của ông ấy vì lợi ích quốc gia", ông Hun Manet nói trước báo giới vào hôm thứ Năm. "Ngay cả khi ông ấy không phải là người thân của tôi thì tôi vẫn tiến cử, vì rằng bộ này [Hành chính công] đang rất cần cải tổ".
Cần ‘thanh gươm’ và ‘thẩm quyền tuyệt đối’
Với thái độ điềm tĩnh, ông Hun Manet vẫn thể hiện quyết tâm "sắt thép" và quyền lực của mình, cũng có thể là của gia đình ông, với người cha hiện đang giữ chức Chủ tịch Cơ mật viện tối cao.
Sau ngày bầu cử 25/2 năm nay, ông Hun Sen dự kiến sẽ làm Chủ tịch Thượng viện, điều đó có nghĩa là ông vẫn đảm nhiệm các chức vụ chính thức trong guồng máy quyền lực của Campuchia.
"Đây là điểm khởi đầu của một chương mới trong công việc mà chúng tôi phải tiếp tục thực hiện. Để nâng cao năng lực và hiệu quả của quốc gia, chúng tôi phải phối hợp và áp dụng các thủ tục hoạt động thích hợp. Chúng tôi phải thực hiện những bước này để giúp đất nước phát triển hơn", ông Hun Manet nói thêm, nhằm giải thích cho việc bổ nhiệm người em trai làm phó cho mình.
Ông Hun Sen và con trai trưởng Hun Manet, hiện là thủ tướng Campuchia
Ở cương vị phó thủ tướng, ông Hun Many sẽ phụ trách khối hành chính công, dịch vụ công mà ông đã phụ trách ở cương vị bộ trưởng. Ông cũng có thể đảm nhiệm quyền thủ tướng mỗi khi anh trai mình vắng mặt.
"Chúng tôi cần sự hiệu quả, nói đơn giản là chúng tôi cần một thanh gươm, bởi chúng tôi không có nhiều thời gian", ông Hun Manet nói.
Và ông diễn giải thêm : "Chúng tôi cần thẩm quyền tuyệt đối để triển khai công tác cải cách một cách hiệu quả. Bộ [Hành chính công] đảm trách việc hỗ trợ tiến trình cải cách, nên cần phải thăng cấp một nhân vật chủ chốt ở bộ này".
Và nhân vật chủ chốt đó là em trai ông.
BBC, 23/02/2024
*******************************
Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng, gia đình Hun Sen tiếp tục thống trị chính trường
BBC, 22/02/2024
Ông Hun Sen làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Con trai cả Hun Manet làm Thủ tướng. Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng. Con trai giữa Hun Manith là trung tướng, Cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng.
Ở tuổi 41, ông Hun Many là phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử Campuchia
"Sự kiện lịch sử : Hun Many trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay !" Báo Khmer Times sáng nay (22/2) đã giật tít như vậy để nói về sự kiện con trai út của ông Hun Sen là Hun Many, 41 tuổi, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.
Anh bổ nhiệm em
Tháng 8 năm ngoái, ông Hun Sen đã từ chức Thủ tướng sau hơn 29 năm cầm quyền, là lãnh đạo chính phủ nắm quyền lâu nhất lịch sử Campuchia.
Ông lui về hậu trường và con trai ông là đại tướng Hun Manet, 46 tuổi, lên tiếp nhiệm chiếc ghế mà ông vừa để lại vào ngày 22/8/2023, sau một cuộc bầu cử.
Ông Hun Many (bìa trái) cùng anh trai Hun Manet và hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra tại tiệc sinh nhật ông Hun Sen vào năm ngoái
Trong tuần này, quyền lực của gia đình ông Hun Sen tiếp tục được "kiện toàn".
Theo sự bổ nhiệm của Thủ tướng Hun Manet, người em của ông là đại biểu Hạ viện, Bộ trưởng Hành chính công Hun Many đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 21/2 với tỉ lệ 120/120 phiếu thuận.
Cùng ngày, Quốc vương Sihamoni đã ban hành Sắc lệnh Hoàng gia chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm.
Ông Hun Many bắt đầu bước vào chính trường vào năm 2008, khi ông làm trợ lý cho cha mình là Thủ tướng Hun Sen.
Trước khi trở thành phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử, ông Hun Many là đại biểu Hạ viện Campuchia, đại diện cho tỉnh Kampong Speu.
Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Thanh Niên, Thể thao ; Tôn giáo và Tín ngưỡng ; Văn hóa và Du lịch trong Hạ viện.
Vào tháng 8 năm ngoái, khi anh trai Hun Manet lên làm thủ tướng, ông Hun Many được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Hành chính công trong nội các mới.
Và giờ đây, ông làm phó thủ tướng cho anh trai của mình.
Ngoài hai người con trai trên, người con trai giữa của ông Hun Sen là trung tướng Hun Manith, 42 tuổi, hiện nay đang giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.
Guồng máy thân hữu
Phát biểu sau sự bổ nhiệm ngày hôm qua, Phát ngôn viên chính phủ Pen Bona nói : "Đây là một kỷ nguyên mới trong việc phụng sự đất nước và nhân dân. Đây là một sự cải cách các chức năng công để đẩy và tăng cường năng lực cũng như sự hiệu quả của các công bộc tại Campuchia".
Báo Khmer Times cũng viết rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many là nằm trong đường lối của Đảng Nhân dân Campuchia về việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo.
Ông Hun Sen (giữa) và con trai, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet (phải)
Sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông Hun Sen, 71 tuổi, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Giới quan sát đánh giá rằng dù ông Hun Sen đã lui về hậu trường nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia. Đó không phải là điều gì bí mật, và sự bổ nhiệm ông Many càng khẳng định điều đó.
Sau sự bổ nhiệm nói trên, chính phủ của ông Hun Manet có 11 phó thủ tướng. Nội các của ông cũng được đánh giá là nội các "con ông cháu cha", với nhiều vị phó thủ tướng, bộ trưởng là con em của các lãnh đạo lão thành.
Riêng ông Hun Sen, dù không còn trực tiếp điều hành chính phủ với một vai trò chính thức, nhưng ông chưa rời bỏ quyền lực. Trong năm 2024, ông sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện.
Một số mối quan hệ thân hữu trong chính trường Campuchia, cập nhật tháng 8/2023
Vào ngày 16/2, sau khi ông Hun Manet trình việc bổ nhiệm em trai mình làm phó thủ tướng ra Hạ viện, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy phát biểu với đài RFA rằng chính phủ Campuchia hiện tại là "một băng đảng phong kiến, hoàn toàn không chịu trách nhiệm giải trình như thông lệ của quốc tế".
"Các nhà độc tài luôn bổ nhiệm người thân và bà con nhằm củng cố quyền lực", ông nói.
Nguồn : BBC, 22/02/2024
Bởi tính hà tiện (và cũng vì thói quen luôn thức sớm) tôi hay rời Bangkok lúc trời còn tối, và đến Phnom Penh khi vừa sáng bạch. Chuyến bay đầu ngày bao giờ cũng rẻ, ít ra thì cũng rẻ hơn được năm/bẩy Mỹ kim. Đỡ được đồng nào hay đồng đó.
Phi đạo vắng ngắt nhưng phi trường thì ồn ào hơn thường lệ vì có nguyên cả một đoàn du khách Trung Hoa (gần cả trăm người) đang lào xào trò chuyện hơi lớn tiếng. Tôi gặp họ hoài, ở khắp mọi nơi, nghe riết cũng quen nên không có gì để phàn nàn cả. Hơn nữa – tự thâm tâm – tôi tận tình chia sẻ với nỗi "hạnh phúc vỡ oà thành tiếng" của hằng tỉ con người (vừa được xổ lồng) sau hơn nửa thế kỷ bị giam cầm, trong bức màn sắt
Khác với Lào hay Thái, tuk tuk ở xứ Cao Miên nhiều quá – tá lả khắp nơi – nên tiếng mời chào (khẩn thiết) nghe mà thương cảm. Tôi phóc đại lên cái xe gần nhất, nói nhỏ :
- River side ! Ra mé sông !
Gọn ghẽ vậy thôi nhưng cũng đủ cho chú em tài xế biết rằng tuy khách hàng bộ dạng hơi lớ ngớ nhưng là dân bụi đời chuyên nghiệp, khỏi cần phải ra giá (hay mặc cả) lôi thôi. Ngoài Việt Nam và California ra, Phnom Penh – có lẽ – là nơi tôi chôn chân lâu nhất, đủ lâu để biết về phố xá (gần) như dân bản xứ.
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con
Tui đã quá cái tuổi vợ con từ lâu lắm rồi nhưng vẫn lui/tới đây hoài hoài vì người Việt của mình ở đây đông quá, và khổ lắm. Nước sạch nhiều người cũng không có mà uống nữa, chớ đừng nói chi đến chuyện xa xôi như ăn chơi hay ăn học. Đến với họ, đôi lúc, cho nó có cái tình – tình đồng bào – chớ tôi đã ớn thức ăn của Miên (cũng như của Lào và của Thái) tới tận ngón chân út luôn rồi !
Tuy hơi mất công (chút xíu) nhưng tôi buộc phải tìm cho ra thức ăn Việt Nam, bằng mọi cách và mọi giá. Trên đường Preah Sisovath, dọc bờ sông, tiệm Chiang Mai Riverside có món Vietnamese Sour Soup (bảo đảm là không dở) dù cả chủ nhân lẫn đầu bếp đều không phải là người Việt. Tuy còn hơi sớm, tôi vẫn gọi một tô canh chua cá (sao tui không ưa canh chua tôm nha) với lời căn dặn "cho nhiều rau ngổ, càng nhiều càng tốt". Thực đơn chiều tui cũng tính luôn rồi : cá rô kho tộ của Ngon Restaurant (trên đại lộ Sihanouk Boulevard) tiêu rắc lấm chấm như mè, cay suýt xoa, thơm đậm đà, và ngon thấm thía.
Sáng thì tôi có chuyện phải vô làng nổi Kampong Luong, nằm cuối Biển Hồ, thuộc tỉnh Pursat. Từ Phnom Penh đến đây chỉ cỡ chừng 150 km nhưng dám có tới cả trăm bức hình của Hun Sen : khi ngồi, lúc đứng. Xen giữa là những bảng hiệu của Cambodian People’s Party (Đảng Nhân Dân Cam Bốt) với ảnh phóng lớn của đảng phó, và đảng trưởng. Lại cũng chính là cái bản mặt của thằng chả luôn, chớ còn ai vô đó nữa !
Không thấy vua cha Norodom Sihanouk, hoàng hậu Norodom Monineath hay vua con Norodom Sihamoni đâu ráo trọi. Trên thế giới này – có lẽ – chưa bao giờ, và không nơi đâu, có một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến nào khác mà hoàng gia lại mờ nhạt (và thủ tướng lộng hành) như thế cả.
Hồi đầu năm ngoái, ở những tỉnh lỵ heo hút – lâu lâu – tôi còn thấy lưa thưa vài tấm bảng trưng Cambodia National Rescue Party . Nay thì hết nhẵn, cái đảng này đã bị Hun Sen "giải thể" hồi tháng 11 năm ngoái. Tờ Cambodia Daily cũng vậy, cũng bị đánh (thuế) cho "sụp tiệm luôn rồi. Phnom Penh Post thì đã sang tay qua một ông chủ mới (nghe đâu) cũng là chỗ quen biết, và thân thiết, với Hun Sen.
Thiệt là quá đáng nhưng… chưa hết !
Tất cả 125 dân biểu quốc hội đều là người của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, 58 trong số 62 thượng nghị sĩ cũng vậy, cũng đều nằm trong túi áo của Hun Sen ráo trọi. Còn chính Hun Sen thì đã chui gọn trong túi quần của Tập Cận Bình.
Coi như là tiêu tan một giấc mơ dân chủ !
Nguyễn Quốc Tấn Trung, bỉnh bút của tạp chí Luật Khoa, nhận xét :
"Nhiều người cho rằng, Cambodia đã đi trước Việt Nam một bậc về mặt dân chủ, rằng xã hội dân sự đã nở hoa, rằng quốc gia này sẽ là người tiên phong của vùng Đông Dương về tự do, dân chủ và sự phát triển kinh tế – chính trị. Vài năm sau, chúng ta bắt đầu khóc than về một nền dân chủ kiệt sức và hấp hối".
Tới bữa nay thì, cái "nền dân chủ" này đã chết ("ngắc") rồi, tôi thầm nghĩ vậy khi đi tà tà ngang qua Court of Appeal Office of the Prosecutor General – nằm cạnh bờ sông Tonle Sap. Mới chừng mươi năm trước (chính xác là ngày 10 tháng 12 năm 2014, Ngày Quốc Tế Nhân Quyền) tôi chứng kiến cả chục ngàn người dân Cam Bốt – sau khi tuần hành – đã tụ tập nơi đây để đòi hỏi chính quyền phải phóng thích những tù nhân lương tâm của xứ sở họ.
Cũng chính tôi – ngay chiều hôm đó – đã vui sướng viết bài tường thuật ("Dư âm của một ngày lễ lớn") cho RFA, với những lời có cánh : "Ai mà dè cái xứ Chùa Tháp này lại đàng hoàng và văn minh dữ dội vậy, Trời ?"
Những ngày vui, cũng như niềm vui, thường ngắn. Riêng nỗi hân hoan vui mừng mà tôi dành cho nước Cambodia e hơi quá ngắn. Tôi cay đắng (nghĩ thêm) như thế, sau khi đọc xong bài báo ("Thái Lan hành trình dân chủ gập ghềnh") của Luật sư Nguyễn Văn Thân.
Tuy gập ghềnh và với nhiều sóng gió nhưng nước Thái Lan vẫn kiên tâm đi tới. Còn Hun Sen thì dẫn đất nước Cambodia bước lùi, theo lộ trình chuyên chế, cùng với Trung Hoa lục địa của Tập Cận Bình.
Nguyễn Quốc Tấn Trung, tác giả bài báo "Nền dân chủ Cambodia hấp hối" còn viết thêm : "Bắt đầu những năm 2010, Trung Quốc trỗi dậy như một thế lực có tầm ảnh hưởng quốc tế, và Cambodia trở thành một trong những ‘chư hầu’ nhận viện trợ đều đặn từ Bắc Kinh. Giới lãnh đạo Cambodia dần được tháo bỏ xiềng xích phương Tây, và trở mặt".
Đoạn văn thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến bức thư của Thủ tướng Sirik Matak, gửi đại sứ Hoa Kỳ John Gunther Dean, hồi cuối thế kỷ trước :
Nam Vang, ngày 16 tháng 4, năm 1975.
Thưa Quý Ngài và Ông Bạn,
Tôi thành thật cảm tạ ngài đã viết thư và còn đề nghị giúp tôi phương tiện đi tìm tự do. Than ôi ! Tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như vậy ! Đối với Ngài và nhất là đối với xứ sở vĩ đại của Ngài, không bao giờ tôi lại có thể tin rằng quý vị đã nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã lựa chọn tự do. Quý vị từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi chẳng thể làm được gì hết. Ngài ra đi, tôi cầu chúc Ngài và xứ sở của Ngài được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ngay đây và trên đất nước tôi yêu dấu thì tuy đó là điều đáng tiếc, nhưng tất cả chúng ta đều sinh ra và cũng sẽ chết vào một ngày nào đó. Tôi chỉ ân hận một điều là đã lỡ lầm đặt niềm tin quá lớn ở nơi quý vị, những người bạn Hoa Kỳ !
Thành tín,
Sirik Matak
Bằng vào kinh nghiệm máu xương của người tiền nhiệm thì Hun Sen có thể "trở mặt" với cứ phương nào (bất kể Đông/Tây) khi cần, nếu vì quyền lợi của đất nước Cambodia. Đương sự, tiếc thay, lại "trở mặt" ngay với chính đồng bào và dân tộc của mình, chỉ để bảo vệ cho tài sản của gia đình và phe nhóm. Đó mới là chuyện đáng buồn, và đáng nói : thằng khốn nạn !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : Đàn Chim Việt, 31/07/2023
Đã rõ ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Campuchia, nhưng vị Thủ tướng lâu năm sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc trao quyền cho con trai cả của mình, đồng thời tránh để xảy ra xung đột nội bộ nghiêm trọng.
Thủ tướng Hun Sen nhìn đoàn ca múa trong một cuộc vận động bầu cử trước đây - Ảnh minh họa
Người đứng đầu chính phủ Campuchia đã không lường trước được điều này. Cuối tháng 6 vừa qua, ba tuần trước cuộc bầu cử quốc hội, Facebook tuyên bố sẽ đình chỉ tài khoản có 14 triệu người theo dõi của Thủ tướng Hun Sen trong sáu tháng. Lý do là vì trong một bài phát biểu hồi tháng 1, Hun Sen đã đe dọa sử dụng bạo lực với các đối thủ chính trị, và bài phát biểu này đã được công khai dưới dạng video. Hội đồng giám sát độc lập tại công ty mẹ của Facebook, Meta, xem đây là hành vi vi phạm nguyên tắc người dùng. Để giữ thể diện trước lệnh cấm này, Hun Sen đã xóa tài khoản của mình, cùng với hàng nghìn bài viết mà ông đã đăng kể từ năm 2016.
Tin tốt cho Hun Sen là ông sẽ không phải đối mặt với bất kỳ tin xấu nào nữa trong những tuần tới. Với cuộc bầu cử quốc hội được lên kế hoạch vào ngày 23/07, nhà lãnh đạo chuyên chế của Campuchia, vốn nắm quyền từ năm 1985, đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa và loại trừ Đảng Ánh nến, đảng duy nhất có cơ hội thực sự giành được ghế trong Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội Campuchia sẽ tiếp tục chỉ bao gồm các chính trị gia của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hậu xã hội chủ nghĩa, đã nắm quyền từ năm 1979. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông độc lập, những người có thể chỉ trích sự vi phạm trắng trợn hiến pháp dân chủ-tự do năm 1993, gần như đã không còn tồn tại.
Một giai đoạn chính trị mong manh
Tuy nhiên, công việc thực sự của Hun Sen, người bắt đầu sự nghiệp chính trị vào cuối thập niên 1960 với tư cách là một người lính Khmer Đỏ, sẽ bắt đầu sau ngày bầu cử. Thành phần của nội các mới sẽ đánh dấu một bước quan trọng khác trong quá trình chuyển giao thế hệ tại các vị trí chính trị hàng đầu của Campuchia. Một số nhân vật phục vụ lâu năm có thể sẽ sớm nghỉ hưu, ngay cả khi họ không muốn thế. Nhưng phần lớn mọi vị trí sẽ tiếp tục là "trong gia đình". Trong những năm qua, các cán bộ đã chuẩn bị để con trai của họ lên kế vị, dù là thành viên quốc hội, tỉnh trưởng, hay bộ trưởng (có những kế hoạch khác dành riêng cho con gái). Các bộ của Campuchia đang trên bờ vực trở thành các trang trại cha truyền con nối, một lần nữa cho thấy rõ rằng giới tinh hoa chính trị không thích phân biệt giữa tài sản nhà nước và tài sản tư nhân. Không phải vô cớ mà suốt nhiều năm Campuchia đã bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Báo cáo chỉ số minh bạch BTI Quốc gia của Campuchia năm 2022 đưa ra kết luận, "Sau cùng thì, chính phủ chuyên chế phục vụ một mục tiêu duy nhất – tạo điều kiện cho một số gia đình và cộng sự thân cận của họ cướp đoạt tài sản công của Campuchia".
Đáng chú ý, Hun Sen đã quyết định tham gia vào quá trình chuyển giao thế hệ này cách đây một thời gian. Tháng 12/2021, ông tuyên bố con trai cả của mình, Tướng Hun Manet (sinh năm 1977), sẽ là người kế vị ông. Rõ ràng, ông không tin tưởng bất kỳ ai khác sẽ có thể đảm bảo an ninh vật chất và tư pháp cho gia tộc Hun, cho đến nay vẫn là gia tộc giàu có nhất ở Campuchia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nhà quan sát trong và ngoài Campuchia vẫn băn khoăn về thời điểm và cách thức chuyển giao sẽ diễn ra : Bất cứ khi nào nhân vật trung tâm của một hệ thống được cá nhân hóa triệt để nghỉ hưu (hoặc đột ngột biến mất), sẽ luôn xuất hiện câu hỏi về cách thức tái tổ chức quyền lực. Do đó, Campuchia đang bước vào giai đoạn chính trị mong manh nhất trong vòng 25 năm qua.
Lợi ích của một quá trình chuyển đổi kéo dài
Dù những xung đột (vũ trang) lớn liên quan đến việc phân bổ lại quyền ra quyết định và tiếp cận các nguồn lực công cộng hiện không được cho là sẽ nổ ra, hai cha con Hun Sen vẫn phải quan tâm đến việc tập hợp sự ủng hộ của các nhân vật trong đảng, nhà nước, và lực lượng an ninh đằng sau các cấu trúc quyền lực mới. Sẽ chẳng ích gì nếu các cấp thứ hai và thứ ba của CPP chỉ miễn cưỡng chấp nhận cấu trúc mới. Tuy nhiên, Hun Sen vẫn chưa tìm ra công thức kỳ diệu có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Do đó, dường như ông sẽ kéo dài quá trình chuyển giao quyền lực thực tế và rút lui từng bước một.
Việc bàn giao chức vụ thủ tướng cho con trai có lẽ sẽ không diễn ra ngay sau cuộc bầu cử quốc hội, và việc từ chức của Hun Sen có thể sẽ kéo dài cho đến giữa nhiệm kỳ lập pháp sắp tới, khoảng năm 2025. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều này cũng có lợi cho con trai ông, người đã từng phục vụ trong quân đội, nhưng chưa nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong quốc hội hoặc chính phủ. Hun Manet có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc có thể quan sát cha mình trong một thời gian với tư cách là thành viên quốc hội và nhiều khả năng là phó thủ tướng.
Hun Sen vẫn là người quyền lực nhất Campuchia
Dù ông đang dần rút lui khỏi hoạt động chính trị hàng ngày, chắc chắn Hun Sen vẫn sẽ là nhân vật quyền lực nhất Campuchia, ngay cả khi không có chức vụ công. Với tư cách là chủ tịch của CPP, được bầu trọn đời và được bảo vệ bởi một lực lượng cận vệ có thể so sánh với một quân đội tư nhân, ông đã tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ. Đây là những nguồn lực đủ mạnh để dập tắt bất kỳ chỉ trích nào ngay từ trong trứng nước hoặc, trong trường hợp khẩn cấp, để đàn áp phản kháng trong nội bộ chế độ.
Do đó, Hun Sen có khả năng tiếp tục chi phối định hướng chiến lược của Campuchia và phủ quyết các vấn đề hoạt động bất cứ khi nào ông thấy cần thiết. Đối với Hun Manet, đây sẽ vừa là một may mắn vừa là một lời nguyền : Một mặt, ban đầu, chỉ có quyền lực to lớn của cha ông mới có thể bảo vệ ông khỏi các đối thủ tiềm năng. Mặt khác, sự hiện diện và bảo vệ này có thể cản trở khả năng Hun Manet xây dựng các nguồn lực quyền lực của chính mình, độc lập với cha mình, càng nhanh càng tốt. Ngay cả khi ông muốn, ông cũng khó có thể đạt được sự công nhận cần thiết trong vai trò thủ tướng, do văn hóa chính trị của CPP.
Hun Manet kế thừa một di sản khó khăn
Ngoài xuất thân từ lực lượng vũ trang, lý lịch của Hun Manet còn có nhiều điểm thú vị khác. Tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point và có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, ông được hưởng một nền giáo dục hạng nhất. Trong những năm gần đây, ông không chỉ thăng tiến trong Bộ Chính trị của CPP mà còn nổi tiếng trên toàn quốc nhờ tham gia vào các chương trình xã hội. Ông đặc biệt nổi tiếng với những người Campuchia trẻ tuổi, vì là người dễ gần và có những bài phát biểu mang tính hòa giải hơn nhiều so với những bài phát biểu của cha ông. Tuy nhiên, không thể giả định rằng những phẩm chất này sẽ dẫn đến một phong cách chính trị mới, chí ít cũng không phải trong vài năm tới.
Ở một số khía cạnh, Hun Sen để lại cho con trai mình (hoặc bất kỳ ai khác kế nhiệm vị trí của ông) một di sản chính trị "đầy chất độc". Sự cai trị của ông – dựa trên tham nhũng, gia đình trị, tòa án tuân thủ, và nếu cần thiết, là cả vũ lực – đã ngày càng khó dung hòa với các yêu cầu nhằm quản lý một nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại. Đúng là từ năm 2010 đến 2019, Campuchia là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, và ở một số khía cạnh, quốc gia này thậm chí còn nổi lên mạnh hơn nhờ đại dịch Covid-19. Nhưng rõ ràng là sự phát triển văn hóa xã hội, cũng như sự phát triển bộ máy hành chính nhà nước, không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Campuchia cần Trung Quốc, nhưng cũng cả phương Tây
Những mâu thuẫn giữa một mặt là vị trí địa lý cạnh tranh trong chuỗi giá trị quốc tế và mặt khác là việc thiếu an ninh pháp lý, thiếu bộ máy hành chính hiệu quả, và tham nhũng ở hầu hết các cấp chính quyền đã trở thành những hằng số hệ thống, đang hiện ra rõ ràng hơn. Mô hình Campuchia vẫn hoạt động, chủ yếu là do mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Campuchia được coi là bàn làm việc mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các khoản đầu tư từ các công ty này và các khoản trợ cấp lớn từ chính phủ Bắc Kinh – với việc Trung Quốc nắm giữ khoảng một nửa số nợ công của Campuchia – đã tạo ra một sự phụ thuộc ngày càng khó thoát ra. Về lâu dài, Hun Manet sẽ phải xoá bỏ đường lối cai trị của cha mình nếu không muốn biến Campuchia thành một quốc gia vệ tinh của Trung Quốc hoặc rơi vào con đường độc tài quân sự như ở Myanmar. Thách thức lớn dành cho ông là đạt được mục tiêu này mà không làm mất cân bằng chính trị trong nước.
Chí ít thì cha ông đã mở ra một cánh cửa chính sách đối ngoại : Năm 2022, Campuchia bất ngờ bỏ phiếu lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và năm nay, họ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi Nga rời khỏi Ukraine. Điều này thường được hiểu là một nỗ lực nhằm tái hợp tác với Liên minh Châu Âu và Mỹ, cho đến nay vẫn là những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Campuchia. Dù đã có những lời chỉ trích mới từ Washington và Brussels trong năm nay do Campuchia đàn áp phe đối lập, nhưng khác với trước đây – chẳng hạn như vào năm 2020, khi EU đình chỉ một phần các ưu đãi thương mại cho Campuchia – những chỉ trích này chủ yếu mang tính kêu gọi, cho thấy rằng phương Tây cuối cùng sẽ bỏ qua hiện trạng chính trị sau cuộc bầu cử ở Campuchia. Hun Sen chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội chính trị mà điều này mang lại cho ông ta.
Markus Karbaum
Nguyên tác : "In Cambodia, Hun Sen Searches for the Magic Political Formula", The Diplomat, 18/07/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/07/2023
Tiến sĩ Markus Karbaum chuyên nghiên cứu khoa học chính trị và đã làm việc với tư cách là nhà tư vấn độc lập kể từ năm 2010, tập trung vào Campuchia và Đông Nam Á.
Thủ tướng Hun Sen điều binh tới biên giới Việt Nam, treo thưởng để bắn hạ drone
VOA, 29/06/2023
Thủ tướng Hun Sen vừa ra lệnh điều 500 quân và 200 hệ thống vũ khí phòng không tới 4 tỉnh đông bắc giáp Việt Nam và treo thưởng 200.000 đô la cho việc bắn hạ thiết bị bay không người lái (drone) bị cáo buộc xâm phạm lãnh thổ Campuchia, theo Nikkei Asia và truyền thông Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
"Hãy tiến hành đặt sẵn vũ khí. Sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để bắn hạ (thiết bị bay không người lái). Từ chiều nay trở đi, nếu không bắn là có chuyện với tôi đấy", Thủ tướng Hun Sen nói với quân đội Campuchia vào ngày 28/6 trong một bài phát biểu trước công nhân nhà máy may mặc ở Phnom Penh.
Nhiều thiết bị bay không người lái được cho là đã bay vào lãnh thổ Campuchia trong những ngày gần đây.
Trong một thông điệp gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh, và các sĩ quan quân đội cấp cao khác vào ngày thứ Ba, thủ tướng Hun Sen nói rằng chính phủ Việt Nam không liên quan đến các thiết bị bay này, Khmer Times đưa tin.
Trong thông điệp, Thủ tướng Hun Sen chỉ thị cho người đứng đầu đơn vị cận vệ riêng của mình triển khai 500 binh sĩ đến biên giới phía đông với Việt Nam để bắn hạ máy bay không người lái mà ông nói đã bay vào tỉnh Ratanakiri, phía bắc Mondulkiri.
Cả hai tỉnh này đều có đất nông nghiệp và rừng ở nông thôn, ít có sự can thiệp của các cơ quan chính phủ lớn.
"Tôi muốn cảnh báo bất kỳ quốc gia nào cho phép thiết bị bay không người lái xâm chiếm Campuchia và tiến hành khủng bố trên đất Campuchia rằng nếu chúng tôi tìm ra kẻ làm điều đó, chúng tôi sẽ đệ trình vụ việc lên Liên Hiệp Quốc. Và tôi muốn xác nhận rằng bất kỳ ai hoặc bất kỳ đơn vị quân đội nào có thể bắn hạ một thiết bị bay không người lái, tôi sẽ thưởng cho 200.000 đô la", lãnh đạo Campuchia nói.
Lệnh của Thủ tướng Campuchia được đưa ra sau khi xuất hiện đoạn video cho thấy ánh sáng của drone lơ lửng trên bầu trời vào đêm 27/6 tại một khu vực được xác định là quận Koh Nhek, cách biên giới ở Mondulkiri khoảng 20-40 km.
"Chúng tôi đã hỏi Việt Nam và Việt Nam không biết. Việt Nam không có lợi ích gì khi gửi thiết bị bay không người lái đến Campuchia mà không thông báo cho Campuchia", Nikkei Asia dẫn lời Thủ tướng Campuchia nói.
Không nói cụ thể, nhưng ông Hun Sen cho rằng các thiết bị bay trên có thể liên quan đến một cuộc tấn công gần đây của một nhóm vũ trang nhỏ nhằm vào các trụ sở chính quyền ở tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, khiến 9 người thiệt mạng.
Theo quy định của luật Việt Nam, người dân bị cấm sử dụng các thiết bị bay (drone/flycam thường được dùng để quay phim, chụp ảnh…) ở biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia trong khu vực 10000 m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao. Anh Thanh, một cư dân ở huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk, giáp giới với tỉnh Mondulkiri của Campuchia, xác nhận điều này với VOA.
"Khu vực của mình mà xài cái đó là quân sự bắt liền. Chỉ dành cho công an, nhà báo, truyền hình… thì được, chứ còn ở đây dân không ai dám xài đâu. Lỡ xài nó cũng bắt. Nó kêu xuống cất ngay chứ không thôi nó bắt".
Tuy nhiên, một phụ nữ ở huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, cách nơi xảy ra vụ tấn công vào trụ sở chính quyền khoảng 100km và cách biên giới Campuchia khoảng 200 km, cho VOA biết khu vực của chị người dân vẫn dùng drone/flycam để xem ruộng rẫy.
"Họ chỉ dùng để máy flycam để làm công việc của họ, ví dụ như họ kiểm tra trong rẫy của họ vì diện tích đất rộng. Họ bay như thế để đỡ mất công mình phải lội vô trong vườn, chứ không dùng để bay sang nước nọ nước kia được".
VOA đã liên lạc với chính quyền huyện Krông Ana để tìm hiểu thêm nhưng một nhân viên văn phòng cho biết các lãnh đạo huyện đều đang bận họp, không tiếp chuyện được.
Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia và Việt Nam đang hợp tác để tăng cường an ninh biên giới giữa bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy một số phần tử nổi dậy có thể đã trốn sang Campuchia sau vụ tấn công, theo tờ Phnom Penh Post.
Hiện vẫn chưa rõ động cơ đằng sau vụ tấn công ở Đăk Lăk.
Nhà chức trách Việt Nam đã truy tố ít nhất 84 người với cáo buộc "khủng bố" và cho là họ có liên quan đến các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài.
Trước đó, hôm 16/6, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng Campuchia lục soát những ngôi làng vùng biên giới với Việt Nam để truy tìm những kẻ tình nghi sau vụ tấn công ở Đăk Lăk.
Thủ tướng Hun Sen mô tả vụ nổ súng ở Việt Nam là một "cuộc tấn công khủng bố" và cho biết chính quyền Campuchia đã hợp tác với Việt Nam kể từ sau vụ tấn công.
***************************
Thủ tướng Hun Sen ra lệnh "bắn hạ" drone của Việt Nam vi phạm lãnh thổ Cam Bốt
Thanh Hà, RFI, 29/06/2023
Thủ tướng Hun Sen tối qua 28/06/2023 treo giải thưởng 200.000 đô la để bắn hạ drone của Việt Nam được cho là đã bay vào lãnh thổ Cam Bốt trong những ngày gần đây, theo tin của báo Nhật Nikkei Asia. Tờ báo này trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết Phnom Penh điều 500 lính và hai trăm vũ khí phòng không đến bốn tỉnh thành sát biên giới Việt Nam.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại một cuộc họp báo ở Cung Hòa Bình, Phnom Penh, Cam Bốt ngày 17/09/2021. AFP – Tang Chhin Sothy
Cụ thể, chiều ngày 27/06, dưới sự chỉ huy của tướng Hung Bun Heang, 500 lính và vũ khí phòng không Cam Bốt đã được triển khai tại khu vực miền đông đặc biệt là tại Ratanakiri, sát với biên giới Việt Nam. Lực lượng này được lệnh bắn hạ drone của Việt Nam được phát hiện tại tỉnh Ratanakiri, ở phía bắc tỉnh Mondulkiri, trên lãnh thổ Cam Bốt. Mọi chuyện bắt nguồn từ một đoạn video với hình ảnh drone trên bầu trời Cam Bốt trong đêm 26 rạng sáng 27/06/2023.
Căng thẳng tại khu vực biên giới với Việt Nam xảy ra vào lúc Cam Bốt chuẩn bị bầu lại Quốc hội vào tháng tới. Tờ Nikkei Asia nhắc lại các tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri đều là những vùng đất nông nghiệp và lâm nghiệp, ít có các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, phát biểu hôm qua, thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh ông không tin rằng drone thâm nhập vào lãnh thổ Cam Bốt thuộc chính phủ Việt Nam, mà gián tiếp cho biết rằng vụ này có thể liên quan đến vụ tấn công hôm 11/06 nhắm trụ sở công an tỉnh Đăk Lắk làm 9 người thiệt mạng. Chính quyền Phnom Penh cũng cho biết thêm là Cam Bốt và Việt Nam tăng cường an ninh biên giới trước một số dấu hiệu cho thấy "một số phần tử nổi dậy" có thể đã trốn sang Cam Bốt sau vụ tấn công nói trên.
Thanh Hà
***************************
Ban giám sát của Meta yêu cầu đình chỉ trang Facebook thủ tướng Campuchia
Reuters, VOA, 29/06/2023
Ban giám sát nội dung của hãng Meta Platforms hôm thứ Năm 29/6 yêu cầu phải đình chỉ trang Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong 6 tháng. Ban nói rằng một video được đăng trên trang Facebook của ông đã vi phạm các quy tắc của Meta cấm đe dọa bạo lực.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Ban giám sát, do Meta cấp ngân quỹ nhưng hoạt động độc lập, nói rằng hãng đã phạm sai lầm khi để cho video được đăng và ban yêu cầu hãy xóa video khỏi Facebook.
Meta, trong một tuyên bố bằng văn bản, đã đồng ý gỡ video xuống nhưng nói thêm rằng họ sẽ xem xét rồi mới phản hồi về lời yêu cầu phải đình chỉ trang của ông Hun Sen.
Nếu bị đình chỉ sẽ, trang Facebook của vị thủ tướng sẽ im hơi lặng tiếng ở thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng là đến cuộc bầu cử ở Campuchia, mặc dù những người chỉ trích nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ là một trò giả hiệu do sự cai trị chuyên quyền của ông Hun Sen.
Yêu cầu nêu trên là bước đi mới nhất trong một loạt những đề nghị chấn chỉnh của Ban giám sát về cách hãng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới xử lý các nhà lãnh đạo chính trị vi phạm quy tắc và kích động bạo lực xung quanh các cuộc bầu cử.
Các nỗ lực của hãng để đảm bảo sự liêm chính trong bầu cử đang là tâm điểm của sự chú ý khi Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Ban giám sát đã tán thành việc Meta đóng tài khoản của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2021 sau cuộc bạo loạn chết chóc ngày 6/1 ở khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ, nhưng ban cũng chỉ trích việc đình chỉ có tính chất vô thời hạn và kêu gọi cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những tình huống bất ổn chính trị nói chung.
Meta đã mở lại tài khoản của vị cựu tổng thống Mỹ vào đầu năm nay. Ông Trump hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua để được Đảng Cộng hòa chọn làm ứng cử viên tổng thống của năm 2024.
Tuần trước, ban nhận xét rằng việc Meta xử lý những lời kêu gọi bạo lực sau cuộc bầu cử ở Brazil năm 2022 tiếp tục gây lo ngại vì hãng có nỗ lực quản lý thông tin về bầu cử nhưng tính hiệu quả chưa cao.
Đoạn video của ông Hun Sen, được phát trên trang Facebook chính thức của ông vào tháng 1, cho thấy vị thủ tướng đe dọa sẽ đánh đập các đối thủ chính trị và điều "bọn xã hội đen" đến nhà của họ, theo phán quyết của ban.
Vào thời điểm đó, Meta xác định rằng video vi phạm các quy tắc của hãng, nhưng vẫn để cho nó được đăng, xem nó là trường hợp ngoại lệ vì "gây sự chú ý về mặt tin tức", hãng nêu lý do là công chúng có lợi ích khi nghe những cảnh báo về bạo lực do chính phủ của họ đưa ra, nội dung phán quyết cho hay.
Ban giám sát cho rằng đoạn video có tác hại lớn hơn giá trị tin tức của nó.
Quốc Phương, RFA, 16/06/2023
Thủ tướng Hun Sen ra lệnh cho Lực lượng vũ trang Campuchia và các cơ quan chức năng ngăn chặn "mạng lưới phiến quân người Việt Nam" có thể đang ẩn náu tại Campuchia, sau vụ tấn công hai trụ sở cơ quan công quyền ở Đắk Lắk.
Reuters
Chỉ thị miệng của ông Hun Sen đưa ra hôm 16/6 sau khi Bộ Công an Việt Nam đang tạm giữ gần 50 nghi phạm bị cho là có liên quan đến vụ việc, và truy tìm những người trốn thoát còn lại.
Theo Khmer Times, Thủ tướng Campuchia yêu cầu chính quyền hai tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri có biên giới với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam trực tiếp kiểm tra các làng mạc ở địa phương, không cho phép triệt để mạng lưới nổi dậy người Việt, những người có thể sống cùng người dân Campuchia.
Ngoài ra, ông Hun Sen cũng cảnh báo một số tổ chức quốc tế tại nước này tránh xa việc tiếp tay cho những nhóm này, nhấn mạnh đây là tội ác quốc tế và Campuchia không cho phép dùng lãnh thổ của họ để chống lại các quốc gia khác.
Còn theo tường thuật của Tân Hoa Xã, người đứng đầu Campuchia gọi các thành viên của nhóm có vũ trang là những kẻ khủng bố, ông nói thêm rằng những người chạy trốn sang đây sẽ bị bắt và đưa trở lại Việt Nam nếu bị phát hiện.
Ông cũng cảnh báo sẽ đóng cửa bất kỳ tổ chức quốc tế nào ở Campuchia nếu họ cho phép những người đào tẩu đó tị nạn.
Trước đó, hôm 13/6/2023, cũng tờ Khmer Times bằng tiếng Anh, trong bài viết có tựa đề ‘Phó Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia được giao kiểm tra biên giới Đông Bắc trong bối cảnh bạo lực ở Việt Nam’, cho hay Tướng Chhay Sinarith, Phó Giám đốc Cảnh sát Quốc gia đã được giao nhiệm vụ giám sát tình hình dọc biên giới ở tỉnh Mondulkiri và sẽ báo cáo chính phủ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, để có hành động kịp thời.
"Sự hỗn loạn đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng chúng ta phải cẩn thận với những người đến đất nước chúng ta", ông nói. "Chúng ta cần giữ liên lạc với phía Việt Nam để bảo vệ an ninh và phải làm mọi cách để không gây xung đột với Việt Nam".
Theo một bài báo khác trên kênh UCông anNews của Liên đoàn Tin tức Công Giáo Châu Á, người Dega, được coi là một phần của cộng đồng bộ lạc người Thượng, đã chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam, bài báo này viết :
"Nhiều người đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo và hiện đang phàn nàn về các chính sách đàn áp như đàn áp tôn giáo và chiếm đoạt đất đai của các quan chức địa phương. Thông thường, người Thượng tìm kiếm nơi trú ẩn trong thời kỳ khó khăn ở nước láng giềng Campuchia...
Lực lượng an ninh "đã bắt giữ, đánh đập, tra tấn chúng tôi. Họ đã phá hủy nhà cửa của chúng tôi. Họ đã phá hủy các nhà thờ của chúng tôi", người Dega địa phương cho kênh UCông anNews biết trong một tuyên bố vào ngày 11/6/2023.
Tuyên bố trên, theo UCông anNews, cũng cho biết đất canh tác của những người sắc dân bản địa "đã bị tịch thu và mùa màng bị phá hủy, trong khi người Dega đã bị bắt cóc và bán sang các nước khác".
Vẫn theo kênh này, danh sách những khiếu nại của họ, ít nhất một phần, đã được hỗ trợ bởi các nhóm nhân quyền, trong khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York (HRW) cho biết người Thượng đã bị "giám sát liên tục và chịu các hình thức đe dọa khác".
"Điều này bao gồm chỉ trích công khai, bắt bớ tùy tiện và ngược đãi trong khi giam giữ khi chính quyền thẩm vấn họ về quan điểm tôn giáo và chính trị, cũng như nỗ lực chạy trốn khỏi Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị".
Để trấn an người Thượng, Bộ Công an Việt Nam đã khuyến cáo người dân giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của chính quyền.
Trong một bản tin được cho là sớm được loan báo ra quốc tế không lâu sau vụ các vụ nổ súng gây nhiều thương vong xảy ra ở hai xã Ea Tiêu and Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thuộc Tây Nguyên của Việt Nam, hãng tin Pháp AFP ngay hôm 11/6/2023, được tờ báo South China Morning Post (SCMP) của Trung Quốc tại Hong Kong dẫn lại, đưa ra bình luận :
"Tây Nguyên, nơi sinh sống của một số sắc dân thiểu số, được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền chuyên quyền độc đoán của Việt Nam và từ lâu đã là điểm nóng của sự bất bình về các vấn đề bao gồm quyền sử dụng đất.
Một số bộ lạc trong khu vực - được gọi chung là người Thượng - đã đứng về phía miền nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ của Việt Nam. Một số đang kêu gọi quyền tự trị nhiều hơn, trong khi những người khác ở nước ngoài ủng hộ nền độc lập cho khu vực…".
Từ London, Anh quốc, hôm 16/6/2023, khi được RFA Tiếng Việt đề nghị bình luận về biến cố này, Tiến sĩ Bill Hayton, cựu nhà báo lâu năm của BBC, người từng có thời làm việc với tư cách phóng viên biệt phái tại Việt Nam và Myanmar, nay là học giả tại Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về quan hệ quốc tế (Chatham House), nói :
"Tôi e rằng tôi không biết nguyên nhân. Thế nhưng tôi không thể tin rằng điều này đến từ hư không !"
Còn theo báo Đắk Lắk online cùng ngày 16/6 cho biết :
"Hiện lực lượng Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng liên quan theo đúng quy định pháp luật ; triển khai đồng bộ các biện pháp loại trừ nguy cơ vụ việc tương tự, lợi dụng vụ việc này để kích động gây mất an ninh trật tự ; chỉ đạo rà soát các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh trên địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm ; nắm chắc tình hình tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, loại trừ những yếu tố tiềm ẩn, phức tạp phát sinh từ sớm, từ xa", báo Đắk Lắk dẫn lời Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, trong một ‘thông báo nhanh’ cho hay.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 16/06/2023
****************************
Vụ Đắk Lắk : Thủ tướng Hun Sen ra lệnh truy lùng nghi phạm có thể chạy sang Campuchia
VOA, 16/06/2023
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa ra lệnh cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng nước này lục soát những ngôi làng vùng biên giới để truy tìm những kẻ tình nghi sau vụ tấn công bằng súng vào hai trụ sở xã ở Việt Nam làm ít nhất 9 người thiệt mạng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Theo Khmer Times, lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban hành vào ngày 16/6, vài ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, khiến 4 công an, 2 quan chức địa phương và một số người khác thiệt mạng hôm 11/6.
Trong một bài phát biểu trước các công nhân may mặc, Thủ tướng Hun Sen mô tả vụ nổ súng ở Việt Nam là một "cuộc tấn công khủng bố" và suy đoán rằng những kẻ chịu trách nhiệm có thể đang lẩn trốn ở Campuchia, AFP tường thuật.
Ông ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ở khu vực đông bắc "kiểm tra kỹ lưỡng các ngôi làng" dọc theo biên giới với Việt Nam.
"Tôi lo ngại rằng những người này đang lẩn trốn trong dân làng", AFP dẫn lời ông Hun Sen nói. Ông cũng nói thêm rằng chính quyền Campuchia phải bắt giữ và bàn giao họ cho Việt Nam nếu bắt được.
Tính đến ngày 16/6, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hơn 50 nghi phạm được cho là đã trực tiếp tham gia vụ tấn công hai trụ sở xã, VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết. Bộ này nói hầu hết nghi phạm còn rất trẻ, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và họ khai bị "lôi kéo, xúi giục, kích động".
Hiện cơ quan công an Việt Nam vẫn đang tiếp tục truy lùng thêm các nghi phạm khác.
Thủ tướng Hun Sen hôm 16/6 ra lệnh cho chính quyền các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri, cũng như chính quyền các tỉnh có biên giới với Việt Nam, trực tiếp kiểm tra các làng trong khu vực địa lý của họ, tuyệt đối không cho phép mạng lưới "những kẻ nổi dậy người Việt" sống cùng người dân Campuchia trong các ngôi làng, Khmer Times cho biết thêm.
Ban tiếng Khmer của VOA dẫn lời thủ tướng của Campuchia nói rằng "Cho dù chúng ta sử dụng bao nhiêu binh sĩ để bảo vệ biên giới thì cũng sẽ không đủ. Đường biên giới dài hàng trăm cây số nên họ có thể vượt biên và trú chân trong các bản làng. Tôi tin rằng có những mạng lưới ở Campuchia giúp đỡ những người nổi dậy ở Việt Nam. Trường hợp này đã từng xảy ra trước đây khi những phiến quân này trốn đến sống ở tỉnh Ratanakiri và tỉnh Mondulkiri rồi tị nạn vào các năm 2003, 2004 và 2005".
Ông Hun Sen cho biết chính quyền Campuchia đã hợp tác với Việt Nam kể từ sau vụ tấn công.
Khu vực Tây Nguyên lâu nay vẫn được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền cộng sản tại Việt Nam. Đây cũng được xem là điểm nóng của những bất bình giữa người dân và chính quyền liên quan đến các các vấn đề như đất đai, tôn giáo, sắc tộc...
Trong những năm qua, nhiều người Thượng ở Tây Nguyên đã phải trốn sang Campuchia để thoát khỏi sự phân biệt đối xử ở Việt Nam và xin tị nạn tại cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh.
Ông Hun Sen hôm thứ Sáu cảnh báo cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế cần theo dõi các nghi phạm và đề nghị không giúp đỡ họ, theo tin của VOA tiếng Khmer.
"Tôi muốn cảnh báo các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Campuchia tránh phạm tội giúp đỡ những người nổi dậy. Nếu giúp đỡ họ, làm như thế là phạm tội với nhân dân Việt Nam. Tôi cảnh cáo quý vị rằng chúng tôi có thể đóng cửa tất cả các văn phòng của quý vị ở Phnom Penh vì vi phạm các quy tắc quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế", ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh thêm rằng đây là tội ác quốc tế và Campuchia không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để chống lại các quốc gia khác, theo Khmer Times.
Am Sam Ath, Giám đốc phụ trách các vấn đề chung của Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICông anDHO), nói với Ban tiếng Khmer của VOA rằng những phát biểu của ông Hun Sen về lệnh bắt giữ tội phạm hoặc phiến quân nhập cảnh Campuchia bất hợp pháp và trả họ về nước là "không có gì mới" và "không có gì phải lo lắng".
"Chúng tôi chỉ hoạt động dựa trên sứ mệnh của tổ chức, vốn đã được nêu rõ với Bộ Nội vụ. Vì vậy, trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, chúng tôi là một tổ chức xã hội dân sự địa phương ở Campuchia, chúng tôi không liên quan gì đến phe nổi dậy. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên sứ mệnh của tổ chức của chúng tôi tại Campuchia".
Nguồn : VOA, 16/06/2023
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh vừa có nhận định ngắn, về một vị quan chức cao cấp của xứ sở láng giềng ("Hunxen là nhà cai trị hiểu biết và bản lĩnh") và đã nhận được không ít những lời lẽ tán đồng nồng nhiệt :
- Đình Ấm Nguyễn : Chính xác. Một thời tôi đã hiểu sai về anh này.
- Phuong Lam : Nếu ko bản lĩnh thì ông ấy ko tồn tại đến hôm nay ạ.
- Nguyễn Ngoc Anh : Ông ấy là kẻ thức thời.
- Tran Trong Duc : Campuchia là một nước nhỏ nhưng có một nhà lãnh đạo mang tầm vóc thời đại làm rạng rỡ dân tộc.
Tất cả quí vị thức giả thượng dẫn – tiếc thay – đều rất kiệm lời, không ai chịu nói thêm (đôi câu) về "bản lĩnh" của ông Samdech Hun Sen để người đọc được dịp mở mang tầm mắt. Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến London, Moscow, New York, Paris, Varsovie… (và cũng không cảm thấy hào hứng lắm, khi nghĩ đến những nơi xa xôi như thế) duy Kampuchea thì tôi có dịp lui tới rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhận ra được cái "tầm vóc thời đại làm rạng rỡ dân tộc" của vị thủ tướng của đất nước này.
Lần gần nhất tôi ghé qua Cambodia là hồi đầu tháng 11/2022, trước khi khai mạc Hội Nghị Cấp Cao Asean – kỳ thứ 40 và 41, tại Phnom Penh – chừng độ một tuần. Bộ mặt thủ đô của xứ sở này, giờ đây, đã hoàn toàn đổi khác.
Phố xá ngăn nắp và sạch sẽ hơn thấy rõ, nhất là con đường Preah Sisowath Quay và khu công viên (Riverside Park) nằm ngay mé sông Tonle Sap. Lũ trẻ con trần truồng, đen đủi, nhếch nhác (vẫn thường lê la chơi đùa trước Hoàng Cung) đều đã… đi chỗ khác chơi. Những kẻ vô gia cư hay nằm vật vã trên ghế đá cũng không còn nữa. Đám hành khất cũng thế, cũng biến mất tiêu. Cứ như thể là họ chưa bao giờ có mặt trên đất nước này, dù chỉ một ngày.
Sự đổi thay không chỉ diễn ra ở Phnom Penh. Dọc Quốc Lộ 1, hằng trăm bức ảnh của Hun Sen (khi ngồi, lúc đứng) đã được gỡ bớt và thay bằng chân dung của hoàng gia : Quốc vương Norodom Sihamoni, phụ vương Norodom Sihanouk, và hoàng thái hậu Norodom Monineath.
Dù chậm – cuối cùng – Hun Sen cũng đã hiểu ra rằng ngoài giới tăng lữ, ông còn cần thêm một liên minh chính thống (một ông vua làm cảnh kề bên) để bộ mặt của chế độ quân phiệt trông bớt phần tệ hại !
Cả ngàn bảng hiệu Cambodian People’s Party (Đảng Nhân Dân Cam Bốt) của Hun Sen cũng thế, cũng không còn xuất hiện trên từng cây số nữa. Xen vào đó là tên hiệu của dăm bẩy cái đảng dấm dớ nào đó : Candlelight Party, Youth Party, Liberty Party… Tuy không ai tin rằng Kampuchea đang thực thi chính sách đa nguyên hay đa đảng nhưng cái mớ hoa giả này cũng giúp cho không khí toàn trị ở Phnom Penh đỡ khó thở hơn – chút xíu !
Quốc lộ 5, dài hơn 400 km – nối liền Nam Vang với Thái Lan – kể như đã hoàn tất. Không còn những đoạn lởm chởm ổ gà, và mịt mù bụi đỏ, như những năm trước nữa. Chạy suốt một mạch từ thủ đô cho đến tỉnh Pursat, gần cả dặm trăm đường (êm ru bà rù) nhưng tuyệt nhiên không có một cái BOT nào ráo trọi, và cũng chả thấy bóng dáng của một anh cảnh sát giao thông nào sất.
Ngay cả đến hương lộ (ngã rẽ vào làng nổi, Kampong Luong Floating Village, ở cuối Biển Hồ) cũng đã được sửa sang. Dù chỉ "tân trang" chút đỉnh thôi nhưng vẫn đỡ "gập ghềnh" thấy rõ.
Tôi hớn hở khoe những thành tích mà mình vừa chứng kiến với dăm ba tân hữu nhưng không nhận được chút đồng tình nào (ráo) mà còn bị chọc quê :
- Mày còn ở đây bao lâu nữa ?
- Vài bữa nữa.
- Sao không ở luôn cho qua ngày hội nghị rồi hãy đi.
- Ở chi lâu dữ vậy, mấy cha ?
- Để thấy đất Kampuchea sẽ trở về… nguyên trạng, sau cái màn trình diễn rất ngoạn mục và vô cùng tốn kém này của Hun Sen !
Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông. Những người bạn trẻ trí thức mà tôi quen biết ở Cambodia – xem ra – chả mấy ai có cảm tình gì với vị thủ tướng (trường trị muôn năm) của đất nước họ nên mọi "thiện ý" của ông ta, nếu có, cũng đều bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ hay dè bỉu.
Giới bình dân thì khác. Hun Sen, xem chừng, được họ dành cho nhiều thiện cảm hơn vì không chỉ hứa hẹn (suông) mà còn thực hiện được – đôi điều – thiết thực. Ông tuyên bố : Kể từ năm 2016, người lái xe grab, xe tuk-tuk, xe công nông, và ghe thuyền sẽ không phải đóng thuế nữa. Kẻ buôn thúng bán mẹt cũng thế, cũng được miễn thuế luôn (Kang Sothear , "Hun Sen Announces Broad Cuts of Petty Taxes ", Cambodia Daily, October 23, 2015).
Khi có dịp tiếp xúc với vài vị đồng hương, đang lênh đênh trên Hồ Tonlé Sap, tôi còn được nghe nhiều lời tán thưởng về sự nới lỏng trong luật lệ di trú (vốn rất khắt khe) dành cho thân phận nổi trôi của họ. Có người còn bắt đầu nhen nhúm chút hy vọng là sẽ có lúc được sống (và chết) trên bờ, như đa phần nhân loại.
Chưa hết, gần triệu dân Việt ở Cambodia đều tin chắc chắn rằng cuộc sống tha phương cầu thực của họ sẽ khốn khổ và khốn nạn hơn nhiều, nếu Sam Rainsy (đối thủ chính trị của Hun Sen) có cơ hội cầm quyền.
Trong những ngày qua, Hun Sen còn vừa nhận được hàng loạt tràng pháo tay không ngớt của rất nhiều người (chứ chả riêng chi người Việt) vì đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine và ngang nhiên bỏ phiếu chống lại Putin. Hun Sen, rõ ràng, không chỉ là một tay bản lãnh mà còn là một kẻ thức thời.
Ông có niềm tin vào tương lai (ít nhất thì cũng là tương lai của gia tộc và phe nhóm) với kỳ vọng là "không chỉ con mà đến cháu mình cũng sẽ thành thủ tướng Campuchia". Và có lẽ vì thế nên đương sự không vội vã vơ vét hết ngân quỹ và tài sản quốc gia như quí vị lãnh đạo (vốn vừa đồng chí, vừa là anh em) bên nước láng giềng.
Ngoài những điểm son vừa kể, hồ sơ của Hun Sen – tất nhiên – không ít những điểm đen :
- Chính phủ của Hun Sen đã chịu trách nhiệm việc cho thuê 45% tổng diện tích đất ở Campuchia, chủ yếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong những năm 2007- 2008, làm hơn 150.000 người Campuchia bị đe dọa trục xuất.
- Hun Sen có liên quan đến tham nhũng tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản của Campuchia , trong báo cáo Global Witnes s 2009.
- Còn theo ước tính của Global Witness 2016 thì Hun Sen và gia đình đã thâu tóm khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ Mỹ Kim, và bọn thủ hạ thì cũng hốt làm của riêng một mớ không phải ít (1).
Bằng cách nào mà gia tộc Hun Sen có thể hốt được tiền tỷ (U.S. Dollar) một cách dễ dàng, gọn gàng như thế ? Câu trả lời có thể tìm được qua hai dữ kiện sau :
- Hun Sen và đảng chính trị của ông, CPP, đã nắm giữ quyền thống trị gần như toàn bộ trên các phương tiện truyền thông chính thống trong phần lớn thời gian cai trị.
- Tất cả 125 dân biểu quốc hội đều là người của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, 58 trong số 62 thượng nghị sĩ cũng vậy, cũng đều nằm trong túi áo của Hun Sen tuốt luốt.
Khó mà phủ nhận được rằng Hun Sen là một tay bản lĩnh (có thừa) nhưng bản lĩnh của ông – tiếc thay – đã không giúp được cho dân tộc Khmer có đủ áo cơm, dù đã phải cầm cố gần nửa phần (45% ) đất đai của Cambodia !
Tưởng Năng Tiến
Thượng đỉnh ASEAN và EAS : Việt Nam hãy nhìn vào bản lĩnh Hun Sen trong vấn đề Ukraine !
Nguyễn Hồng Hiệp, RFA, 16/11/2022
Thật là một nghịch lý trong chính trị quốc tế. Hai thất bại được truyền thông nói nhiều về cuộc gặp Cấp cao ASEAN 40-41, Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 17 (EAS-17) vừa qua ở Phnom Penh càng chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao Chùa Tháp và bản lĩnh hiếm có của Thủ tướng Campuchia Hun Sen…
AFP
Ngày 14/11/2022, tờ báo chính thức của Campuchia chạy ngay bài xã luận "danh giá" : "Missed Chance : Cambodia regrets Russian and Ukrainian FMs did not meet in Phnom" (1) ? (Một cơ hội bị bỏ lỡ : Campuchia lấy làm tiếc việc hai Ngoại trưởng Nga và Ukraine đã không hội kiến tại Phnom Penh). Nói "danh giá" là vì, sáng kiến ấy do chính ông Hun Sen, trong vài trò Chủ tịch ASEAN, đã trực tiếp đề nghị đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm giảm bớt căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Ông Hun Sen cảm thán : "Thật không may, cả Ukraine và Nga đều không muốn hội kiến ở đây… Không thấy có bất cứ dấu hiệu nào của các cuộc đàm phán hòa bình (giữa hai bên)".
EAS-17 có sự tham dự của lãnh đạo chín nước thành viên ASEAN (Myanmar bị cấm chỉ tham dự). Ngoài ra còn có Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Một thất bại thứ hai cũng được báo chí Campuchia công khai đề cập tới, đó là, EAS-17 hôm 13/11 cũng không thông qua được Tuyên bố chung, bởi lý do khá hiển nhiên là Nga và Mỹ đã không thống nhất được ngôn ngữ dùng cho bản Tuyên bố chung sau các cuộc thảo luận sôi nổi của 18 quốc gia về xung đột Nga – Ukraine. Điều đáng chú ý là tại EAS hôm qua cũng không bố trí nổi buổi chụp ảnh kỷ niệm chung giữa các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới sau Thượng đỉnh, vì lý do Tổng thống Biden đến dự cuộc họp muộn. Thủ tướng Hun Sen giải thích Tổng thống Mỹ đến muộn do bận ở một cuộc họp báo.
Thông điệp : Chúng ta đứng bên cạnh Ukraine
Cả hai thất bại trên nói lên những hạn chế tất yếu liên quan đến vài trò "trung tâm" của ASEAN. Và đấy là điều đáng tiếc cho sự năng động của Thủ tướng Hun Sen trong vai trò Chủ tịch ASEAN suốt năm 2022 này. Nhưng sự thất bại ấy không hề giảm nhẹ các giá trị liên quan đến bản lĩnh hiếm có về ngoại giao của ông Hun Sen. Mấy ai có thể hình dung được, Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, hay gọi một cách bình thường là Thủ tướng Hun Sen, lại dám đứng lên hàng đầu trên diễn đàn quốc tế để bảo vệ Ukraine chống lại Nga trong một cuộc chiến tranh lớn nhất ở Châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ Hai đến nay.
Sự thật mà nói, hồ sơ quốc tế của ông Hun Sen trong năm 2022 này đã trở thành chủ đề được truyền thông nước ngoài theo dõi và phân tích, đặc biệt là trong năm nay khi Campuchia giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Khoảng thời gian này, ông Hun Sen "có một con cá lớn hơn để chiên" (he has a bigger fish to fry). Và ông đã triển khai tất cả sự khôn khéo về chính trị và ngoại giao của mình đối với các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Trung Quốc và Nga cùng những người khác – những yếu nhân sẽ định hình quỹ đạo khu vực và toàn cầu trong những năm tới.
Thông qua cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Hun Sen đã nhanh chóng nắm bắt vấn đề và tận dụng lợi thế của cuộc xung đột một cách khôn ngoan để chứng minh cho thế giới thấy rằng, nền độc lập của đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này không phải là điều hiển nhiên. Quan trọng nhất, sự ủng hộ mạnh mẽ của Phnom Penh đối với việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, đặc biệt là của một quốc gia nhỏ hơn giáp với các quốc gia lớn hơn, có lịch sử mới mẻ của nó. Thật thú vị, khi Campuchia tự định vị mình trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và các lá phiếu của nước này tại Liên Hợp Quốc được đánh giá cao.
Các phiếu bầu của đất nước ông Hun Sen ủng hộ những giá trị của thế giới tự do, mặc dù không kêu gọi các biện pháp trừng phạt chính trị, đã được cộng đồng toàn cầu ca ngợi rất nhiều trước sự hụt hẫng của Việt Nam và Liên bang Nga. Để bày tỏ quan điểm về Ukraine, ông Hun Sen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một cuộc điện đàm vào tuần trước. Ông bày tỏ lo ngại về cuộc tấn công gần đây nhằm vào Kyiv và các thành phố khác ở Ukraine, rồi khẳng định : "Campuchia chống lại sự xâm lược, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với chủ quyền và lãnh thổ của một quốc gia độc lập, và không ủng hộ việc sáp nhập lãnh thổ của các quốc gia khác". Toàn bộ cuộc trò chuyện đã được truyền tải trên các phương tiện truyền thông. Thông điệp rất rõ ràng và đơn giản : "Ukraine, hiện tại, chúng tôi luôn đồng hành cùng bạn !" (2).
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) bắt tay Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhom (phải) tại lễ ký gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại Phnom Penh hôm 10/11/2022. AFP
Biết đi với nước lớn để bảo vệ lẽ phải
Tại EAS ngày hôm 13/11, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản nhất quán ủng hộ sự thống nhất và trung tâm của ASEAN, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ông Kishida nhấn mạnh rằng Nhật Bản coi trọng việc thúc đẩy hợp tác phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của "Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" – một sáng kiến của riêng ASEAN và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực này. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định : "Việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được, chưa nói đến việc sử dụng chúng trên thực tế. Ông ấy kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế gửi một thông điệp rõ ràng để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân, một hành động thù địch chống lại nhân loại sau 77 năm không sử dụng vũ khí hạt nhân".
Trong không khí cộng đồng quốc tế lên án sự xâm lược của Nga đối với Ukraine tại EAS-17, trả lời câu hỏi, liệu việc Ukraine ký Văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), có thể ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN – Nga hay không, Chủ tịch Hun Sen đáp thẳng thừng : "ASEAN không phải là con rối của bất kỳ ai. Chúng tôi vẫn giữ thái độ trung lập". Hun Sen nói : "Chúng tôi không làm điều đó vì lợi ích của Nga hay Ukraine, mà là vì tất cả các đối tác của chúng tôi. Chủ tịch ASEAN nói thêm : "Nga không có lý do gì để phản đối việc Ukraine gia nhập TAC".
Thủ tướng Hun Sen còn tuyên bố sẽ cử các nhân viên rà phá bom mìn đến huấn luyện cho người Ukraine cách dọn dẹp một lượng lớn bom mìn do Nga rải trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, ông Hun Sen đã nhận lời mời đến thăm Kyiv và hứa sẽ làm việc với chính phủ Nhật Bản để có được thiết bị cho lính rà phá bom mìn Campuchia sử dụng trong quá trình huấn luyện.
"Sự giúp đỡ của Campuchia là một phần của ‘hỗ trợ nhân đạo’, không phải viện trợ quân sự", Ông Hun Sen giả thích thêm : "Campuchia không có vũ khí và đạn dược để cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào". Ông cho biết, những nỗ lực này là nhằm mục đích cứu sống người dân khỏi bom mìn, lưu ý rằng Campuchia đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại do bom mìn và vật liệu chưa nổ (UXO) rải rác trong 30 năm qua giữa cuộc nội chiến. Ông nói : "Chúng tôi đang làm việc với Nhật Bản để nhờ các nhân viên rà phá bom mìn đến rà phá bom mìn ở đất nước Ukraine" (3).
Hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chuyến công tác Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong sáu ngày (từ 8-13/11) với lịch trình hoạt động dày đặc. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng đã có gần 60 cuộc hội đàm, tiếp xúc, gặp gỡ song phương, đa phương và hoạt động cộng đồng. Gần 60 cuộc gặp gỡ, hội đàm tiếp xúc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra trong chuyến công du sáu ngày của người đứng đầu Chính phủ.
Thăm Chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Campuchia ; chào Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni ; hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum ; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Hun Sen dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Campuchia ; thăm Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh và một số cơ sở kinh tế-xã hội là sự hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia. Đặc biệt, Thủ tướng dành thời gian để nói chuyện với đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và gần 20 hội nghị cấp cao liên quan, trong đó có các Hội nghị ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Liên hợp quốc..., Thủ tướng Chính phủ đã có 16 cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác của ASEAN như : gặp gỡ các Thủ tướng : Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Australia, Canada ; các Tổng thống : Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia, Quốc vương Brunei, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Hạ viện Malaysia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Chuyến công tác được báo chí trong nước cho là thành công và thể hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về "tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế" và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về "đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030" ; vun đắp quan hệ láng giềng tốt đẹp với Campuchia và là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, người dân trong nước đã không được biết ông Chính có phát biểu gì mới về quan điểm của Việt Nam đối với cuộc xâm lược tàn khốc của Nga ở Ukraine ? (4)
Nguyễn Hồng Hiệp
Nguồn : RFA, 17/11/2022
Tham khảo :
2. https://www.khmertimeskh.com/501182267/pm-hun-sen-excels-in-global-politics/
3. https://www.khmertimeskh.com/501182267/pm-hun-sen-excels-in-global-politics/
4. https://moitruong.net.vn/gan-60-cuoc-hoi-dam-tiep-xuc-trong-chuyen-cong-tac-campuchia-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-56510.html
************************
Ông Hun Sen được khen làm tôi buồn cho Việt Nam
Mai Luân, BBC, 17/11/2022
Hình ảnh Việt Nam hầu như bị "chìm nghỉm" trong mùa Thượng đỉnh ở khu vực. Cùng lúc, đất nước đã và sẽ còn tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận vì các đợt ‘kiên định bỏ phiếu trắng’ ở Liên Hiệp Quốc. Là Chủ tịch ASEAN, tổ chức được một loạt Hội nghị Thượng đỉnh như vừa qua tại Phnom Penh (12 – 13/11), Thủ tướng Hun Sen của nước láng giềng từng bị Việt Nam coi là "đàn em" lại đang được cả thế giới và chính báo Campuchia ngợi ca.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại PhnomPenh ngày 12-13/11/2022
Điều gì đang xảy ra với các động thái ngoại giao lạ lùng của Việt Nam ?
Để có sự so sánh, ta hãy nhìn sang Campuchia để xem thế nào.
Phân tích mới nhất và thật sâu sắc của bỉnh bút người Thái Kavi Chongkittavorn trên trang mạng Khmer Times hôm 11/11/2022 đã cho thấy, Samdech Hun Sen đang "nổi bật trên chính trị toàn cầu" như thế nào.
Trong bài "PM Hun Sen excels in global politics" Kavi lý giải :
"Thông qua cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Hun Sen đã nhanh chóng nắm bắt vấn đề và tận dụng lợi thế của cuộc xung đột một cách thông minh để chứng minh cho thế giới thấy rằng, nền độc lập của đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này không phải là điều hiển nhiên...".
Thủ tướng Hun Sen tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba (trái) tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 9/11/2022
Khác nhau từ các lá phiếu ở Liên Hiệp Quốc
Nền độc lập của Campuchia rất quý giá, có lúc tưởng phải trả giá bằng sự "tuyệt chủng" của cả một dân tộc. Nước Việt Nam đâu có kém, với "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là khẩu hiệu cao nhất. Thế nhưng chính phủ Việt Nam có vẻ như không lên tiếng mạnh vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác như Ukraine. Hay họ cho đó chỉ là trò "xúc xắc" trong tay các nhà độc tài như Putin hoặc Tập Cận Bình ?
Tôi nhận thấy tuy cả xã hội Việt Nam ít nhiều có bị chia rẽ nhưng xu hướng vượt trội trong người dân vẫn là lên án hành động xâm lược của Nga mà người ta cho là đang được Bắc Kinh hậu thuẫn. Việc Campuchia nhỏ hơn Việt Nam nhiều lần nhưng công khai tôn trọng chủ quyền quốc gia, đặc biệt là của một quốc gia nhỏ hơn giáp với các quốc gia lớn hơn, có lịch sử mới mẻ của nó. "Thật thú vị, khi Campuchia tự định vị mình trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và các lá phiếu của nước này tại Liên Hợp Quốc được đánh giá cao", Kavi so sánh tiếp, tỏ ra rất am hiểu lịch sử Đông Dương.
Và gần đây nhất, vào ngày 14/11/2022, Việt Nam lại "kiên định trong bất biến", tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết mới của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nghị quyết này lên án quyết liệt cuộc xâm lăng của nước Nga và ủng hộ các bước đi tiến tới việc buộc Moscow phải bồi thường cho những sự tàn phá do quân Nga gây ra ở Ukraine.
Vậy là cho đến nay, Việt Nam thuộc các quốc gia có số lần bỏ phiếu trắng nhiều nhất đối với các Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine, việc Nga sáp nhập trái phép bốn vùng lãnh thổ của Ukraine và bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bốn lần tổng cộng, Việt Nam đã bỏ các phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống đối với các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga phát động tại Ukraine. Nền "ngoại giao cây tre" mà thực ra là của Thái Lan nhưng được Việt Nam áp dụng đã thất bại thảm hại. Đây là cây tre đã nghiêng về một phía.
Mỹ và các nước dân chủ nghĩ gì ?
Chuyện Mỹ và các nước dân chủ nghĩ gì về Việt Nam, thì trước hết, cứ xem cái cung cách Việt Nam phản ứng trước lời kêu gọi hồi đầu tháng 3/2022 của các vị đại sứ Liên Hiệp Châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, và Vương quốc Anh tại Hà Nội, Việt Nam nên noi theo lập trường ủng hộ Ukraine. Thái độ của Việt Nam đến nay vẫn là im lặng.
Với Châu Âu đã vậy, với Mỹ tình hình cũng chưa có gì sáng sủa hơn. Tổng thống Joe Biden đã không sang Việt Nam như dự kiến. Sau nhiều lần hy vọng, rồi lại thất vọng, gần đây nhất, ngày 12/11 – có lẽ là lần thứ ba hay thứ tư gì đấy – Thủ tướng Phạm Minh Chính, một lần nữa, trong cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị ASEAN, đã chuyển lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Joe Biden, mời ông thăm chính thức Việt Nam. Hiển nhiên là ông Biden, theo báo chí trong nước, chỉ vui vẻ nhận lời nhưng chưa có cam kết gì cụ thể…
Nhưng thật hẫng hụt cho truyển thông quốc tế khi Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói bà "không có gì để chia sẻ" khi hồi đáp yêu cầu của VOA xác nhận về một cuộc điện đàm khả dĩ giữa ông Biden với ông Trọng.
Trong các tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ những năm vừa qua, không dưới một lần, Washington đã phát đi tín hiệu về việc mong muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đề xuất nâng từ quan hệ "Đối tác toàn diện" lên "Đối tác chiến lược".
Những lời đề nghị liên tục này được đưa ra từ hàng chục năm nay về việc nâng cấp quan hệ, nhưng từ hai năm trở lại đây có vẻ như dồn dập và bức thiết hơn, nhìn từ góc độ chiến lược Indo-Pacific (IPS), khiến Việt Nam không khỏi lúng túng.
Bởi vì, từ chiến tuyến bên kia, Trung Quốc cũng không dưới một lần yêu cầu Việt Nam cam kết rõ ràng với "Cộng đồng chung vận mệnh" (hoặc với tên khác là "Cộng đồng tương lai chung").
Tức là cam kết phải đi theo "Trật tự" do Trung Quốc cầm chịch, theo một đánh giá trên The Diplomat tháng này.
Tưởng cũng cần nhắc lại là trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tích cực đối với ba trụ cột chủ yếu của "Trật tự Trung Hoa’ (Pax Sinica) là Vành đai & Con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI).
Phân tích chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc từ 31/10 đến 1/11, Tiến sĩ Alexander L. Vuving từ Hoa Kỳ khẳng định trong bài viết trên trang The Diplomat :
"Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh nhằm cam kết với Trung Quốc, nhưng không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong cách tiếp cận cơ bản của Hà Nội đối với nước láng giềng phương Bắc này".
Tôi hiểu niềm tin của Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Hawaii. Tuy nhiên, do đã định vị mối bang giao Trung – Việt từ truyền thống đến hiện đại theo paradigm "vận hành bởi ý thức thức hệ và giao thoa bởi trật tự thế giới", nên ông tin rằng, "mô thức" này khó thay đổi qua một chuyến thăm. Còn tôi cho rằng lịch sử sẽ chứng minh chuyến thăm là một bước ngoặt trong quan hệ Trung – Việt.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Bắc Kinh được truyền thông hai bên cơ ngợi là "thành công tốt đẹp" và mang "tính lịch sử"
Ngoại giao Việt Nam đang đứng ở đâu ?
Đứng "giữa hai dòng nước", nền ngoại giao Việt Nam nay đang vào thế kẹt trước các biến đổi lớn trên thế giới. Về tư duy, họ vẫn chưa tìm ra được một đối sách khả dĩ nào trước một ban Lãnh đạo Bắc Kinh phần lớn bao gồm nhóm Chiết Giang. Những yếu nhân này vừa là lớp trí thức cao thủ, vừa là đội ngũ tinh hoa của "Đế chế Trung tâm" mà ý thức hệ cao nhất là bá chủ Đại Hán, với tâm thức tất cả vì Thiên tử.
Ngành ngoại giao nước nhà, thật đáng buồn đã hủy hoại những giá trị của thế hệ Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ để có tư duy độc lập khỏi sự kiểm soát của các bộ ngành... không ngoại giao.
Thế hệ các nhà ngoại giao trẻ hiện nay có ngoại ngữ, có kiến thức từ "các lò ấp" Âu Mỹ, nhưng bị nhốt trong một cái lồng quyền lực hạn hẹp, nặng về tư duy phòng thủ, bảo vệ hệ thống. Người dân hỏi đây là nền ngoại giao cây tre mềm dẻo, quật cường hay là ngoại giao cây sậy đung đưa trước gió ? Chưa kể, các cuộc điều tra mới nhất cho thấy không ít quan chức ngoại giao chỉ lo cạnh tranh nhau đoạt ghế, hoặc tổ chức các cuộc làm ăn, nổi bật là đợt vé "giải cứu giá cao".
Cội rễ của niềm tin không dựa vào công pháp quốc tế, các nguyên lý nhân văn, hay yêu chuộng hòa bình, mà chỉ dựa trên thành kiến chính trị và các nhóm khu vực truyền thống được trang trí bằng các khẩu hiệu trung lập cũ rích.
Một thế hệ vàng của ngành ngoại giao vừa kháng chiến vừa kiến quốc đã "cuốn theo chiều gió".
Khoảng cách giữa năng lực minh triết đối ngoại và đòi hỏi giải các bài toán quá khó trong thực tiễn là hai bờ vực mà thế hệ ngày nay không có cách nào có thể nhảy qua.
Nếu rồi đây, đất nước chứng kiến những đổ vỡ tiếp theo trong ngoại giao với Châu Âu, với Hoa Kỳ và với Trung Quốc thì không có gì là lạ. Cũng không nên trách các nhà ngoại giao vì suy cho cùng, họ cũng chỉ vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của thế chế.
Nguồn : BBC, 17/11/2022
**********************
Campuchia và ông Hun Sen được khen vì ủng hộ Ukraine
BBC tiếng Việt, 14/11/2022
Dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng này ở Phnom Penh là lúc vai trò của Thủ tướng Hun Sen được truyền thông thế giới chú ý, nhất là quan điểm nhất quán ủng hộ Ukraine của ông.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia phát biểu trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 23/9/2022.
Tuy thế, không phải chỉ khi đăng cai các sự kiện quốc tế quan trọng, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen mới lên tiếng về vấn đề Ukraine.
Đầu tháng 11, ông Hun Sen đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bày tỏ nhu cầu chấm dứt chiến tranh, giúp "Ukraine giành lại hòa bình, ổn định, sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển", theo Phủ Thủ tướng Vương quốc Campuchia.
Ngay từ trong năm, ông Hun Sen đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine.
Một mặt, ông Hun Sen nói ông mong Nga "hiểu quyết định của Campuchia" khi nước này bỏ phiếu vào tháng 3/2022 lên án cuộc xâm lăng.
Mặt khác theo Văn phòng Báo chí Phủ Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen nói "Chúng tôi không ủng hộ việc dùng vũ lực, hoặc sẵn sàng dùng vũ lực" trong quan hệ quốc tế, và nói Campuchia "không thể im lặng" khi tình hình Ukraine xấu đi.
Sau đó, ông Hun Sen gọi đây là "cuộc chiến của Nga với toàn Châu Âu", thu hút sự chú ý của dư luận.
Việc Campuchia tháng này tuyên bố cử đội rà mìn sang giúp Ukraine vào quý I năm 2023 được Nhật Bản ca ngợi, theo các báo khu vực.
Cùng lúc, sự vắng mặt của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tại G20 ở Bali tuần này được giới bình luận cho là "trở thành cơ hội để Ukraine triển khai hoạt động ngoại giao, làm cô lập Nga hơn nữa" trên trường quốc tế, cụ thể là ở Châu Á.
Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay đã đóng một vai trò quan trọng để giúp Ukraine hiện diện ở Đông Nam Á, dù chỉ mang tính biểu tượng.
Tổng thống Vladimir Putin gặp Thủ tướng Hun Sen tại Dinh thự Bocharov Ruchey ở Sochi, Nga ngày 19/5/2016 khi các lãnh đạo các quốc gia ASEAN đến Nga tham dự hội nghị cấp cao Nga-ASEAN.
Việt Nam "là đồng minh thân của Nga" ?
Al Jazeera viết từ Phom Penh hôm 10/11/2022 về sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, khách mời đặc biệt của Thủ tướng Hun Sen tới dự Thượng đỉnh ASEAN, gọi Việt Nam và Lào "là đồng minh thân cận của Nga" (close Russian allies) trong ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên.
Hai nước này đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, còn tám nước còn lại trong khối ASEAN đã bỏ phiếu cùng cộng đồng quốc tế, tờ báo viết.
Theo trang Khmer Times, các lãnh đạo Campuchia và Ukraine còn bàn về sự hỗ trợ Phnom Penh dành cho Kyiv và ông Zelensky đã ngỏ lời mời ông Hun Sen sang thăm "đất nước bị chiến tranh tàn phá".
Một bình luận mới nhất của Kavi Chongkittavorn viết trên trang Khmer Times, mục Ý kiến hôm 11/11/2022 nói Thủ tướng Hun Sen "nổi bật trên chính trị toàn cầu".
Cho đến nay, không có tin tức về lời mời tương tự của Ukraine gửi tới lãnh đạo Việt Nam.
Một số sự kiện liên quan đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội gần đây còn bị xóa đi trên truyền thông Việt Nam do Đảng cộng sản chỉ đạo.
Báo Hà Nội Mới đã xóa hết hình ảnh đoàn Ukraine trong bài viết về 'Giải chạy báo Hà Nội Mới', diễn ra hôm 02/10 ở thủ đô Việt Nam, gây phản ứng từ Đại sứ quán nước này.
Cùng thời gian, các kênh chính thống ở Việt Nam có giải thích cách bỏ phiếu trắng liên tiếp ở Liên Hiệp Quốc của nước này, khác với đa số các thành viên ASEAN.
Theo một bài trên báo Đảng Cộng sản, thì "trong chính sách đối ngoại đa phương đó, Việt Nam luôn khẳng định cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng, là bạn bè truyền thống, lâu đời và Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định".
"Đây cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc tháng 5/2022, đó là : Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng".
Trang web này tuy thế bỏ ngỏ vấn đề coi "tất cả cùng chiến thắng" là gì khi mà mục tiêu công khai của Kremlin là muốn xóa sổ nhà nước Ukraine, gọi họ là "phát xít" và Nga đã đơn phương sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine.
Putin không phải sẽ thắng mãi
Như các báo quốc tế bình luận về những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về Nga và Ukraine, nhiều nước trên thế giới sẽ chẳng có cơ hội gì giúp Ukraine về kinh tế, vũ khí và chính trị.
Việc bỏ phiếu tuy thế, là thể hiện họ là ai chứ không phải họ có lợi ích gì trong quan hệ với Moscow hay Kyiv.
Ngoài ra, có vẻ như ở Việt Nam luồng tư tưởng hoài niệm Liên Xô và một lòng ủng hộ Moscow vẫn còn khá mạnh trên mạng xã hội và một phần báo chí.
Trong khi đó, ngay tại Nga, cuộc rút quân khỏi Kherson bị một số giới từng nhiệt thành ủng hộ ông Putin gọi là "vụ đầu hàng xấu hổ".
Lãnh tụ tinh thần của phe diều hâu Nga, Alexander Dugin vừa có lời ám chỉ uy tín "tan biến" của "thủ lĩnh cầu mưa", theo các báo Âu Mỹ.
Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội trước khi phái đoàn Đức hội đàm với phía Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ vào chiều Chủ nhật 13/11.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã kêu gọi chính phủ nước này làm rõ lập trường về cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine.
Ông Scholz nói rằng "Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm.
"Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn".
Vào tháng 10 vừa qua, phái đoàn Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi tổ chức này ra nghị quyết lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine.
Trong khi đó, đang có sự dịch chuyển nhãn quan chung ở Châu Á, kể cả của Trung Quốc về cuộc xâm lăng do Nga tiến hành, tàn phá nước láng giềng.
Chẳng hạn, theo Reuters hôm 14/11/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nói tại Phnom Penh vừa qua rằng việc "đe dọa dùng vũ khí hạt nhân là vô trách nhiệm".
Tuy ông Lý không nêu tên nước Nga nhưng ai cũng biết chỉ Nga có vũ khí nguyên tử, còn Ukraine đã bàn giao lại kho đầu đạn hạt nhân cho Liên bang Nga, hậu thân của Liên Xô, sau 1991.
Hồi tháng 5, chính phủ Việt Nam tuyên bố đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine, sau thông báo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1/5.
Nhưng tình hình nay có vẻ đã thay đổi khá nhiều và các nước trên thế giới ngày càng làm rõ hơn quan điểm của họ, lên án, hay ủng hộ Nga trong câu chuyện Ukraine.
Với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN sẽ bàn giao cho Indonesia năm 2023, xu thế chung tại khu vực là dù "quan điểm về Nga còn khác nhau trong ASEAN" đa số ngày càng "tìm thấy tiếng nói của mình về Ukraine", như một dự báo trong năm của thinktank Chatham House tại Anh.
Nguồn : BBC, 14/11/2022
Myanmar chìm đắm trong nội chiến
Ngày 1/2/2021, các lực lượng vũ trang Myanmar đã phong tỏa các đường phố của nước này và bắt giữ các thành viên của chính phủ dân cử ở Myanmar. Kể từ đó, Chính quyền quân sự đã thắt chặt "gọng kìm" kiểm soát, trấn áp người biểu tình bằng vũ lực ngay cả khi họ đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc bầu cử vào năm 2023.
AFP
Gần một năm sau khi quân đội đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn, không hề đạt được sự thỏa hiệp chính trị nào. Myanmar trước cuộc đảo chính vốn đã có nhiều vùng lãnh thổ do các nhóm vũ trang sắc tộc kiểm soát ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cuộc đảo chính không được lòng dân này đã đẩy nhiều thanh niên vào vòng tay của rất nhiều "lực lượng phòng vệ nhân dân" hiện đang tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Chính quyền quân sự. Trong bối cảnh dân chúng Myanmar đang phản đối hết sức gay gắt đối với tình hình chính trị hiện nay, chỉ có một số lực lượng phòng vệ nhân dân được điều phối bởi Chính phủ đoàn kết dân tộc (NUG) đang cạnh tranh với Chính quyền quân sự về tính hợp pháp quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm giải pháp cho Myanmar.
Chuyến đi thất bại của Hun Sen
Bản "Đồng thuận 5 điểm" của ASEAN (1), được soạn thảo cách đây hin tháng để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, đã bị đình trệ. Kế hoạch này kêu gọi chấm dứt bạo lực, đối thoại toàn diện, bổ nhiệm một đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan và thúc đẩy đối thoại, cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo.
Năm 2021, ASEAN đã có một động thái chưa từng có khi loại bỏ tư cách dự hội nghị của khối này đối với Tướng Min Aung Hlaing và các đại diện khác của chính quyền quân sự Myanmar. Quyết định này được đưa ra do chính quyền quân sự Myanmar không đạt được tiến bộ nào trong việc thực hiện "Đồng thuận 5 điểm" mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng do quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà San Suu Kyi hôm ½/2021.
Tuy nhiên, Hun Sen dường như đã phá vỡ lập trường thống nhất của ASEAN khi đến thăm Myanmar và gặp Tướng Min Aung Hlaing – hoạt động quan trọng đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch ASEAN (2).
Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 25/1, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã tuyên bố với người đồng cấp Campuchia Hun Sen rằng Malaysia sẽ không ủng hộ mọi nỗ lực mời các đại diện chính quyền quân sự Myanmar tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (3). Cuộc hội đàm này diễn ra trong bối cảnh rạn nứt giữa các nước về chuyến thăm Myanmar gây tranh cãi của Thủ tướng Hun Sen hồi đầu tháng này.
Thủ tướng Ismail Sabri đã nhắc lại với người đồng cấp Hun Sen về nhu cầu cấp bách trong việc giảm leo thang căng thẳng ở Myanmar và chấm dứt bạo lực đối với dân thường. Ông Sabri cũng kêu gọi một cuộc đối thoại chính trị toàn diện với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị bao gồm cả bà San Suu Kyi và Tổng thống bị phế truất U Win Myint.
Mối quan hệ Malaysia-Campuchia sau đó trở nên xấu đi sau khi Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah công khai chỉ trích chuyến thăm của Hun Sen rằng đây quyết định đơn phương, không tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN khác. Ông Saifuddin cho rằng, chuyến thăm - được các phương tiện truyền thông Campuchia ca ngợi là lịch sử và thành công – là vô ích. Những ý kiến chỉ trích lo ngại chuyến thăm của Hun Sen có nguy cơ gây sự hiểu lầm rằng ASEAN đã công nhận chính quyền quân sự Myanmar. Và Malaysia cảnh giác với việc Campuchia lợi dụng vai trò chủ tịch ASEAN để mời chế độ quân sự của Myanmar trở lại khối (4). Đáp lại, Hun Sen đã gọi ông Saifuddin là "kẻ ngạo mạn" và "bất lịch sự", không tôn trọng vai trò của một chủ tịch ASEAN (5). Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hướng đi mà Campuchia sẽ dẫn dắt ASEAN trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đi cùng Tướng Min Aung Hlaing ở Naypyidaw hôm 7/1/2022. AFP
Bàn tay của Bắc Kinh
Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói liệu các thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm có dẫn đến bất kỳ thay đổi thực sự nào hay không, nhưng chuyến thăm này đã làm dấy lên những cáo buộc rằng ông Hun Sen đang "làm việc theo lệnh của Trung Quốc" để hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Về phần mình, Bắc Kinh đã thiết lập được một mối quan hệ làm việc với chính phủ của Tướng Min Aung Hlaing ngay cả khi chính quyền quân sự Myanmar triển khai các chiến thuật càn quét để dập tắt sự phản kháng đối với cuộc đảo chính. Ngày 12/1, Campuchia cũng đã hoãn cuộc họp ASEAN đầu tiên trong năm khi có nhiều đồn đoán xoay quanh những bất đồng về cách thức Myanmar nên được cử đại diện như thế nào.
Sự trì hoãn cuộc họp đầu tiên đã làm dấy lên "bóng ma" về sự sụp đổ của ASEAN vào năm 2012, thời điểm Campuchia cũng đang là Chủ tịch ASEAN, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN không đưa ra được thông cáo chung về cuộc họp ngoại trưởng.
Lúc đó, Campuchia đã khẳng định rằng các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông không được đưa vào văn kiện (một đường lối nhất quán với quan điểm của Trung Quốc, vốn là nước ưa thích giải quyết các tranh chấp của mình với các thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines trên cơ sở song phương). Trong một cuốn sách về vai trò chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) và Quỹ Châu Á ra mắt hôm 12/1 (6), nhà nghiên cứu cấp cao của CICP, Sovinda Po, đã ngụ ý rằng Bắc Kinh có thể sẽ dựa vào Campuchia một lần nữa trong năm nay để theo đuổi chương trình nghị sự của mình.
Theo ông Po, cho đến nay, chiến lược biển Đông của Trung Quốc là nhằm làm chia rẽ các thành viên ASEAN để đạt được "nhiều đòn bẩy lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán song phương". "Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục ngầm gia tăng sức ép đối với một số thành viên ASEAN như Campuchia và Lào để áp dụng các chính sách có lợi cho mình". Ông Po cũng cho rằng nước Chủ tịch ASEAN Campuchia chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc dung hòa các lợi ích cạnh tranh của từng quốc gia thành viên, bao gồm cả lợi ích của chính nước này, khi Campuchia cố gắng lèo lái ASEAN vượt qua những thời điểm hỗn loạn về địa chính trị này. Campuchia một lần nữa ngồi vào "chiếc ghế nóng" khi sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc đang lôi kéo các nước thành viên ASEAN đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau.
Vấn đề Biển Đông thất bại tiếp tục là một vấn đề lớn không chỉ đối với các quốc gia có tranh chấp mà đối với toàn bộ khu vực ASEAN. Khó có thể nói rằng đã có tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trong vấn đề Biển Đông trong thập kỷ qua. Trong khi một số thành viên ASEAN coi năm 2022 là một năm quan trọng để ký kết COC, nhiều người lại hoài nghi về triển vọng này.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen ở Phnom Penh hôm 21/12/2021. AFP
Chuyến đi bất thường của ông Bùi Thanh Sơn
Ngày 19/1/2022, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm Campuchia. Mặc dù báo chí hai nước này có ca ngợi chuyến đi này là để "thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước" (7), nhưng điều đáng chú ý là chuyến đi này của ông Bùi Thanh Sơn chỉ cách chuyến đi thăm Campuchia của Chủ tịch nước Việt Nam chưa đầy một tháng (21-22/12/2021). Và đương nhiên, trong chuyến thăm Campuchia của ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông Bùi Thanh Sơn cũng là thành viên trong đó.
Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Campuchia về chuyến đi của ông Bùi Thanh Sơn có nhắc tới việc : "Việt Nam và Lào cùng ủng hộ vai trò của Thủ tướng Hun Sen trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar với chuyến thăm Myanmar gần đây của ông Hun Sen. Đồng thời, Việt Nam cũng ủng hộ Campuchia trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2022". (8)
Như vậy, có thể là chuyến đi của ông Bùi Thanh Sơn mang thông điệp ủng hộ Campuchia của Việt Nam và Lào trong khi Hun Sen đang hứng chịu các chỉ trích từ nhiều quốc gia ASEAN khác.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải cảnh giác "con ngựa thành Troy" của ASEAN, khi bàn tay đen đúa của Bắc Kinh vẫn đang len lỏi vào các chính sách của chính quyền Hun Sen, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thạch Sari
Nguồn : RFA, 29/01/2022
Tham khảo :
2. https://thediplomat.com/2022/01/myanmar-crisis-and-hun-sens-visit-asean-in-disarray/
4. https://www.rfa.org/english/news/cambodia/visit-01132022171925.html
5. https://www.rfa.org/english/news/cambodia/myanmar-malaysia-01212022165317.html
6. Cambodia's Chairmanship of ASEAN, Challenging Perceptions, concretizing consolidations, Cambodian Institute for Cooperation and Peace published, 2022, from p. 60- p. 67
8. https://opendevelopmentcambodia.net/pdf-viewer/?pdf=files_mf/1642997699HisExcellencyBuiThanhSon.pdf
Thu Hằng, RFI, 10/12/2021
Cam Bốt bị Washington chính thức cấm vận vũ khí kể từ ngày 09/12/2021 do có "những hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc phòng và chính sách ngoại giao của Mỹ". Trong một thông báo được ghi trong sổ đăng ký liên bang Federal Register, Hoa Kỳ còn nhắc đến sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ của thủ tướng Hun Sen và quân đội Cam Bốt.
Thủy thủ đứng gác gần các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. Reuters / Samrang Pring
Cụ thể, theo hãng tin Mỹ AP, khí tài và dịch vụ liên quan đến quốc phòng phải được chính phủ Mỹ thông qua mới được cung cấp cho Phnom Penh. Đây là bước tiếp theo trong loạt trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Cam Bốt, sau việc Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville, được Mỹ tài trợ một phần, và có vị trí chiến lược nhìn ra vịnh Thái Lan dẫn đến Biển Đông.
Trước khi loạt biện pháp mới này được loan báo, hai quan chức quân đội Cam Bốt đã bị Mỹ trừng phạt vào ngày 10/11 vì tham nhũng. Ông Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc bộ Quốc Phòng và ông Tea Vinh, tư lệnh Hải Quân Cam Bốt, bị bộ Tài Chính Mỹ cáo buộcâm mưu với nhiều quan chức Cam Bốt khác thổi phòng chi phí của một dự án xây dựng tại căn cứ hải quân Ream và thu lợi bất chính.
Nhân quyền là lý do thứ hai được bộ Tài Chính Mỹ nêu trong loạt trừng phạt có hiệu lực từ ngày 09/12. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen bị lên án trấn áp đối lập chính trị, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông và buộc vài trăm chính trị gia, nhà đấu tranh vì nhân quyền và nhà báo Cam Bốt phải lưu vong.
Mỹ thông báo cấm vận vũ khí đối với Cam Bốt vào lúc nước này chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2022, trong khi các nước ASEAN đang bàn về cuộc họp thượng đỉnh trực diện, theo đề xuất của tổng thống Joe Biden.
Ngày 09/11, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, giải thích "tổng thống Biden cam kết nâng mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên mức chưa từng có". Và để cân bằng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, hai quan chức ngành ngoại giao Mỹ lần lượt công du nhiều nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan, từ ngày 9-17/12, ngay sau chuyến công du Cam Bốt và Indonesia của cố vấn bộ ngoại giao Derek Chollet, từ ngày 08/12.
Thu Hằng
**********************
Mỹ kêu gọi Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi làm Chủ tịch ASEAN
VOA, 10/12/2021
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ hôm 10/12 thúc giục Campuchia không nhượng bộ quân đội Myanmar khi Phnom Penh giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Phát biểu của Tham tán Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng các quan chức Myanmar nên được mời quay trở lại các cuộc họp ASEAN, sau khi khối này đã loại trừ lãnh đạo chính quyền quân đội Mynamar trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi Tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 1/2, khiến các cuộc biểu tình lan rộng và các lực lượng vũ trang phản kháng bị đàn áp bạo lực. Quân đội nói rằng việc tiếp quản của họ phù hợp với hiến pháp và gọi phe đối lập là những kẻ khủng bố.
Tướng Min Aung Hlaing đã không được chủ tịch đương nhiệm Brunei mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 của ASEAN vì thiếu hợp tác với kế hoạch hòa bình của khối, bao gồm cả việc không cho phép phái viên tiếp cận với bà Suu Kyi, người đã bị kết án tù hôm thứ Hai.
Trong một chuyến thăm ngắn tới Phnom Penh, Tham tán Chollet không kêu gọi Campuchia tiếp tục loại trừ các quan chức quân đội Myanmar, nhưng ông kêu gọi nước này thúc đẩy và duy trì kế hoạch hòa bình ASEAN.
"Chúng tôi mong đợi bất kỳ cam kết nào thực sự mang lại kết quả, đó không chỉ là sự nhượng bộ đối với chính quyền", ông Chollet nói.
"Hoa Kỳ không chống lại sự can dự, chúng tôi vẫn có đại sứ quán ở Myanmar, nhưng chúng tôi rất rõ ràng rằng sự can dự cần phải có mục đích. Anh không thể đến chơi không, mà chúng tôi muốn thấy những tiến bộ thực sự trên thực tế".
Ngoại trưởng Myanmar do quân đội chỉ định đã đến thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Ba, một ngày sau khi quân đội bị toàn cầu lên án vì đã kết án bà Suu Kyi hai năm tù giam với tội danh kích động và vi phạm các quy định Covid-19.
Ông Hun Sen, người đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và chính phủ phương Tây vì đàn áp dân chủ, cũng cam kết sẽ thăm Myanmar.