Giáo hoàng muốn biện pháp hiệu quả chống lạm dụng tình dục (RFI, 22/02/2019)
Khai mạc Hội nghị Thượng hội đồng Giám mục toàn thế giới bài trừ tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em đang gây bão tố Giáo hội, Giáo hoàng Francis kêu gọi "biện pháp cụ thể và hiệu quả".
Giáo hoàng Francis đọc diễn văn tại Hội nghị Thượng hội đồng Giám mục toàn thế giới về bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, ngày 21/02/2019 tại Vatican.Vatican Media/Handout via Reuters
Thứ Năm 21/02/2019, nhân lễ khai mạc thượng đỉnh ba ngày tại Vatican, trước 190 chức sắc gồm 114 chủ tịch Hội đồng Giám mục khắp các Châu lục, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh đến lòng mong chờ của nạn nhân, của tín hữu mà ngài gọi là "dân Chúa đang đòi hỏi những biện pháp cụ thể và hiệu quả để bài trừ tệ nạn ấu dâm" mà thủ phạm là tu sĩ và giám mục. Không nhìn vào văn bản viết sẵn, Giáo hoàng kêu gọi các vị giám mục, hồng y hãy lắng nghe "tiếng kêu đòi công lý của những nạn nhân bé nhỏ".
Theo AFP, đại hội đã lắng nghe trong im lặng và xúc động trước một đoạn băng ghi lại lời chứng của 5 nạn nhân được phát trong phần mở đầu. Một nạn nhân người Chilê, từng bị cáo buộc là nói dối khi tố cáo bị lạm dụng, kêu gọi những kẻ "tiêu diệt đức tin" hãy tận diệt căn bệnh "ung thư" trong Giáo hội. Một phụ nữ Châu Phi kể lại thảm kịch cá nhân trong tay một cha xứ…
Linh mục Hans Zollner, chuyên gia tệ nạn ấu dâm cho rằng các tiếng nói tiêu biểu từ 5 Châu lục cho phép khẳng định tệ nạn này không giới hạn ở Bắc Mỹ và Châu Âu.
Để đi đến những biện pháp cụ thể, Tòa Thánh phân phát tập tài liệu gồm 21 điểm do các ủy ban và các Hội đồng Giám mục đề nghị để Giáo hoàng trao cho hàng chức sắc và tu sĩ nghiên cứu và phổ biến. Một loại cẩm nang đối phó với mọi tình huống, mọi lời tố cáo phải được điều tra.
Tú Anh
*********************
Vatican mở hội nghị về bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục (BBC, 21/02/2019)
Trong một nỗ lực làm dịu tình hình trước các cáo buộc về bê bối tình dục làm rung chuyển Giáo hội Công giáo La Mã, Giáo hoàng triệu tập một hội nghị giám mục ở Rome tuần này (21-23/02/2019).
Vị Giáo hoàng 82 tuổi đang tìm giải pháp cho nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Không lâu trước đó, ngài thừa nhận rằng có vụ trong một tu viện ở Pháp, các nữ tu bị những linh mục nam dùng như ''nô lệ tình dục''.
Hội nghị toàn cầu này diễn ra sau khi Giáo hoàng có cuộc trao đổi với nhóm C9, bao gồm chín vị hồng y là cố vấn cao cấp, được bổ nhiệm sau khi Giáo hoàng Francis lên ngôi.
Những câu chuyện về lạm dụng tình dục đã và đang xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
Và Giáo hội đã bị cáo buộc đã che đậy tội phạm giới tu sĩ gây ra, và điều này ảnh hưởng đến uy tín đạo đức của Giáo hội.
Giáo hoàng Francis đang phải chịu áp lực lớn để tỏ ra là vẫn đóng vai trò lãnh đạo và phải tìm ra giải pháp khả thi cho khủng hoảng có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay của Giáo hội.
Ngoài ra, các câu hỏi, về hành vi, thái độ gì dẫn đến việc lạm dụng tình dục trong Công giáo trở nên phổ biến cũng sẽ là nỗi đau đầu cho Giáo hoàng.
Hội nghị này sẽ bao gồm các vị đứng đầu hội đồng giám mục từ 130 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nỗ lực khởi đầu trong việc giải quyết mầm bệnh đã tồn tại trong đạo Công giáo từ những năm 1980.
Nhà báo Jason Berry đi đầu trong việc lôi ra ánh sáng các vụ lạm dụng trong Giáo hội
Khi Jason Berry, phóng của viên tờ báo địa phương ở bang Louisiana của Hoa Kỳ, bắt đầu theo dõi câu chuyện về linh mục Gilbert Gauthe, anh không ngờ rằng mình sẽ châm ngòi cho vụ bê bối quốc tế vẫn còn bùng cháy hơn 30 năm sau.
Cuộc điều tra của Berry là tiền đề cho cuốn sách Lead Us Not Into Temptation, xuất bản năm 1992, dựa trên các thỏa thuận pháp lý Giáo hội đã dàn xếp đối với những người tố cáo họ vào cuối những năm 1980.
Năm 2002, cuộc điều tra của tòa soạn Boston Globe đã giúp tường thuật rộng rãi hơn về các vụ bê bối tình dục và hành vi che đậy nó của Giáo hội Công giáo.
Giới nhà báo trong cuộc đã nhận được giải thưởng Pulitzer danh giá, và những nỗ lực của họ được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Spotlight.
Nhưng làn sóng bê bối vẫn chưa dừng lại ở đó.
Trong năm vừa rồi, cũng tại tiểu bang Pennsylvania, luật sư Josh Shapiro đã tập hợp và duyệt lại hàng trăm ngàn tài liệu liên quan đến Giáo phận địa phương.
Hàng chục nhân chứng đã đưa ra các bằng chứng khác nhau liên quan tới bê bối tình dục, và một số giáo sĩ đã thừa nhận tội ác của mình.
''Hơn 1000 nạn nhân là trẻ em được ghi lại trong hồ sơ của chính Giáo hội'', báo cáo của Shapiro cho biết, và ''hàng loạt tố cáo có cơ sở được nêu ra với hơn 300 linh mục''.
Báo cáo của ông được công bố vào tháng 12 năm ngoái, dài hơn 1000 trang và bao gồm những cáo buộc từ 70 năm qua, kể lại nhiều câu chuyện khủng khiếp.
Ở giáo phận Scranton, sau khi hãm hiếp một cô gái, một linh mục đã sắp xếp để cô đi phá thai. Vị cấp trên của linh mục đó, giám mục trong vùng, đã viết một bức thư, với nội dung :
Film Spotlight của Michael Rezendes, Walter V Robinson và Sascha Pfieffer được giải vì tố cáo ra các vụ lạm dụng trong giáo hội
''Đây là thời gian rất đen tối trong cuộc đời con, và ta thông hiểu cảm xúc của con như thế nào.''
Nhưng lá thư đó không dành cho cô gái mà để gửi cho linh mục hiếp dâm.
Ở một giáo phận khác có linh mục đã đến thăm một cô bé bảy tuổi trong bệnh viện sau phẫu thuật cắt amidan và đã cưỡng hiếp em.
Trong một chuyện khác, có linh mục đã lạm dụng tình dục bé trai chín tuổi và sau đó súc miệng cho nạn nhân bằng nước thánh để 'thanh tẩy' em nhỏ.
Báo cáo kết luận rằng những kẻ ấu dâm tàn bạo vẫn cứ hoạt động đều vì sự che đậy của Giáo hội, thông qua việc luân chuyển linh mục phạm tội đến các giáo xứ khác, và từ chối thông báo tội của họ cho chính quyền.
Các cáo buộc tình dục
Franco Mulakkal, từ một thị trấn nhỏ mang tên Kerala, nằm ở bờ biển Tây Nam Ấn Độ, đã vươn lên từ nghèo khó để lên tới hàng giám mục ở phía Bắc Ấn Độ.
Trong tháng 9 năm 2018, ông ta bị cảnh sát bắt vì có cáo buộc từ một tu nữ rằng cô thường xuyên bị cưỡng hiếp khi giám mục này đến thăm tu viện.
Giám mục Mulakkal, hiện nay đã mất quyền hành lễ, bác bỏ mọi cáo buộc, coi chúng là 'vô căn cứ và bịa đặt'.
Trong một lá thư gửi lên bề trên trong dòng tu, người nữ tu viết rằng vụ cưỡng hiếp đầu tiên xảy ra vào tháng 5 năm 2014 và lần cuối vào tháng 9 năm 2016.
Hồi tháng 1, các tu nữ đã kêu gọi thủ hiến tiểu bang Kerala can thiệp vì quan chức của Giáo hội yêu cầu họ rời khỏi giáo phận trong nỗ lực xóa đi vụ bê bối.
Các tu nữ cho rằng họ dễ bị lạm dụng vì bị phụ thuộc vào linh mục và giám mục để có chỗ trú ngụ và lo ngại bị cho ra đường nếu tiếp tục tố cáo các vụ lạm dụng.
Ở Malawi, nơi tỷ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành đến 64 tuổi là hơn 10%, các nữ tu cũng là mục tiêu của lạm dụng tình dục vì họ được coi là "tinh khiết" và ít bị mang virus hơn.
'Sẽ không bao giờ tiếp diễn'
Năm 2012, chính phủ Úc đã cho lập Ủy ban Hoàng gia có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc đối với hành vi lạm dụng trẻ em.
Các nữ tu Công giáo ở Kerala, Ấn Độ yêu cầu bắt Giám mục Franco Mulakkal ở Jalandhar và tố cáo ông ta hiếp dâm
Các tổ chức có liên quan bao gồm các trung tâm chăm sóc dân cư cho những người trẻ tuổi, trường học, thể thao, nghệ thuật và các nhóm cộng đồng khác, và Giáo hội.
Ủy ban kết luận rằng 7% linh mục Công giáo La Mã của Úc bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, trong thời gian từ năm 1950 đến 2010.
Trong nhà dòng mang tên St John of God Brothers, 40% thành viên ở đây đã bị buộc tội lạm dụng trẻ em.
Trả lời với BBC News, Chrissie Foster, người mẹ của hai đứa trẻ bị các linh mục lạm dụng ở Melbourne, cho biết sau khi tố cáo với chính quyền, gia đình của bà trở thành một chủ để tán gẫu.
''Họ cho rằng chúng tôi là những kẻ nói dối, rằng chúng tôi bịa chuyện để câu tiền.''
''Đó là những gì họ sẽ nói với giáo dân. Và giáo dân sẽ tin điều đó bởi vì chẳng ai tin rằng linh mục hãm hiếp trẻ em ? Điều đó dễ nghe hơn sự thật rằng các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em".
Vào tháng 8 năm 2018, Giáo hội Công giáo La Mã ở Úc đã công bố báo cáo chính thức của mình đối với Ủy ban Hoàng gia.
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Úc phát biểu rằng ''nhiều giáo sĩ, giáo dân trong Giáo hội Úc đã ''thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ và tôn vinh phẩm giá của mọi người, đặc biệt đối với những người dễ tổn thương nhất là trẻ em.''
''Với cùng một tiếng nói, các giám mục và những người đứng đầu Công giáo ở đây cam nguyện rằng những điều tương tự sẽ ''không bao giờ xảy ra nữa''.
Lạm dụng kinh hoàng
Mùa hè năm ngoái, Cục Điều tra Độc lập về lạm dụng tình dục trẻ em ở Anh đã công bố về cuộc điều tra đối với hai trường Công giáo La Mã uy tín nhất ở Anh : Ampleforth College, ở Bắc Yorkshire và Downside School, ở Somerset.
Theo báo cáo, các trường "ưu tiên các nhà sư và danh tiếng của họ hơn việc bảo vệ trẻ em" và "hành vị lạm dụng tình dục đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm các nạn nhân chỉ có tuổi đời 7 ở Ampleforth và 11 ở Downside".
Các nhân chứng bao gồm những người bị ép buộc tham gia vào các hành vi lạm dụng tình dục, đôi khi trước sự hiện diện của các bạn bè trang lứa.
Báo cáo kết luận rằng ''một số thủ phạm không hề che giấu chúng quan tâm đến trẻ em về mặt tình dục''.
Bà Marie Collins bị cha đạo lạm dụng tình dục năm 13 tuổi, nhưng nay không muốn ngồi trong ủy ban của Giáo hội Công giáo để giải quyết vấn đề này vì không tin vào bộ máy của Vatican
''Sự lộ liễu trắng trợn của các hành vi này cho thấy có tồn tại một văn hóa chấp nhận các hành động lạm dụng ở đây", báo cáo cho biết.
Sau khi báo cáo được công bố, trường Ampleforth lên tiếng rằng ''tu viện và trường học muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả nạn nhân và những người sống qua vụ việc".
Tương tự, trường Downsize bày tỏ sự hối tiếc :
''Chúng tôi thừa nhận những thất bại và sai lầm nghiêm trọng trong việc bảo vệ các nhân vật liên quan, cũng như việc phản ứng kịp thời.''
Với hơn 1,2 tỷ tín đồ có mặt khắp nơi trên thế giới, mọi ánh mắt đang hướng về Giáo hoàng Francis.
Khi được bầu lên vào tháng 3 năm 2013, Giáo hoàng đã hiểu rõ những ảnh hưởng xấu của bê bối tình dục đối với Giáo hội.
Chỉ trong vòng một năm, ngài đã thăm trực tiếp sáu nạn nhân của các vụ bê bối tình dục từ Ireland, Anh và Đức. Trong một thánh lễ kín, gồm sự có mặt của sáu nạn nhân, ngài gửi đến họ một lời xin lỗi chân thành.
''Trước Chúa, ta bày tỏ nỗi buồn về tội lỗi và tội ác nghiêm trọng của các giáo sĩ đối với con", Giáo hoàng Francis nói trong bài giảng được Vatican công bố sau đó.
''Và ta mong muốn nhận được sự tha thứ. Ta xin sự tha thứ từ các con vì những sai lần của những người đứng đầu Giáo hội khi không thể ngăn chặn và phản ứng kịp thời trước tố cáo đến từ gia đình và chính nạn nhân. "
Ngay sau đó, Giáo hoàng Francis đã bổ sung tám thành viên mới vào Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Á và Nam Mỹ. Nhưng cơ quan này đã sớm bị mất thành viên.
Hai nhân vật duy nhất trong ủy ban từng là nạn nhân của quấy rối tình dục, Marie Collins và Peter Saunders, đã xin thôi.
Trong bức thư gửi đến Giáo hoàng, bà Marie Collins, từng bị một linh mục lạm dụng hồi 13 tuổi, viết rằng Giáo hoàng có thể muốn đề ra giải pháp nhưng bộ máy quan liêu của Vatican sẽ luôn tìm cách cản trở những thay đổi.
Sau khi ủy ban đưa ra một khuyến nghị rằng tất cả các thư từ của nạn nhân và những người sống sót sẽ được hồi đáp, bà Marie Collins phát hiện ra rằng trên thực tế, chưa ai nhận được phản hồi.
''Lời phát biểu của Giáo hội về việc chăm lo cho các nạn nhân của bạo hành tình dục đối với tôi nghe rất giả tạo,'' bà viết, '' khi mà giới quan chức ở Vatican còn không coi trọng những bức thư đó.''
''Đây là sự phản ánh cách mà Giáo hội xử lý các bê bối tình dục trước đây : nói lời lẽ tốt đẹp trước công chúng và làm ngược lại sau cánh cửa đóng kín".
Giáo hoàng Francis đã quyết định mở cửa, triệu tập một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có để giải quyết vấn đề này. Nhưng để giảm kỳ vọng cao, trong chuyến bay trở về Rome từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,ngài nói với truyền thông rằng hội thảo kéo dài ba ngày như vậy sẽ chỉ là sự khởi đầu.
Nhiều người cho rằng Giáo hoàng chỉ nên đưa ra một sắc lệnh để Giáo hội tuân theo. Tuy nhiên để thực hiện áp dụng nguyên tắc chung cho toàn cầu quả là không đơn giản bởi vì Giáo hội tồn tại và vận hành trong các nền văn hóa và hệ thống tư pháp rất khác nhau.
Thật khó tưởng tượng ra thách thức lớn hơn cho vị giáo hoàng 82 tuổi này.
Ngài lên nắm quyền và thoạt đầu nhận được sự ủng hộ và yêu mến khắp nơi vì luôn chọn công tác mục vụ trên cả sự hào nhoáng của lễ lạt, đặt sự khiêm tốn và đồng cảm lên trên vinh hoa của chức quyền.
Nhưng giáo triều của ngài chấm dứt ra sao sẽ tùy thuộc vào hành động sắp tới của vị Giáo hoàng và các thủ tục và quy định ngài áp dụng, thực hiện để giải quyết tệ nạn lạm dụng.
******************
Vatican tổ chức họp về nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo (RFI, 21/02/2019)
Tòa thánh Vatican vào hôm nay, 21/02/2019, đón cuộc họp chưa từng thấy về nạn ấu dâm trong Giáo hội, mang tên "Thượng đỉnh bảo vệ thiếu niên trong Giáo hội". 190 người từ khắp năm Châu sẽ họp trong 3 ngày tại Roma. Cuộc họp mang tính then chốt trong lúc mà Giáo hội Công giáo bị mất uy tín trầm trọng với các vụ ấu dâm tai tiếng.
Giáo hoàng Francis họp với các lãnh đạo Giáo hội về vấn đề nạn ấu dâm, Vatican, 21/02/2019. Vincenzo PINTO / POOL / AFP
Đặc phái viên RFI Geneviève Delrue tường thuật từ Roma :
"Chính là vào cuối mùa hè vừa qua, sau các tiết lộ về một vụ tai tiếng ấu dâm mới ở Mỹ mà giáo hoàng Francis và Hội đồng Hồng y đã quyết định triệu tập một cuộc họp quốc tế.
Hôm nay có đến 114 chủ tịch Hội đồng Giám mục về Vatican : 36 từ Châu Phi, 32 từ Châu Âu, 24 từ Châu Mỹ và 18 từ Châu Á. Một ủy ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ càng cuộc họp.
Vào tháng 12, những người tham gia "thượng đỉnh vào hôm nay" đã nhận được một bảng câu hỏi để đánh giá nhận thức của mình về vấn đề tai tiếng này và được yêu cầu gặp các nạn nhân.
Sau hàng thập niên chối bỏ và im lặng, giờ đây là lúc toàn thể Giáo hội ý thức rõ về thảm kịch lạm dụng tình dục và trách nhiệm của từng giám mục.
Mỗi người sẽ ra về với một lộ trình hành động để chấm dứt những sai lệch trong quá khứ, và phương thức giải quyết các trường hợp linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Nâng cao nhận thức này ở cấp toàn cầu là một thách thức thật sự. Nhưng đây cũng chính là vấn đề tương lai của Giáo hội".
Mai Vân
Giáo hoàng Francis trước nguy cơ "đảo chính"
Trước tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua, với đỉnh điểm là quyết định ngày 28/09/2018 huyền chức linh mục Fernando Karadima, người Chile, giáo hoàng Francis triệu tập toàn bộ chủ tịch các hội đồng giám mục đến họp thượng hội đồng giám mục tại Roma từ ngày 21-24/02/2019. Mục tiêu là "phòng ngừa lạm dụng đối với trẻ em và người lớn yếu đuối".
Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 26/06/2018. Reuters/Tony Gentile
Với chủ đề "Hiểm họa lơ lửng trên Vatican", Courrier international trở lại tai tiếng ấu dâm đeo bám Tòa Thánh với một số bài nhận định của báo chí nước ngoài. Tai tiếng này càng làm gia tăng sự sứt mẻ trong nội bộ Vatican, dù những người ủng hộ vẫn đoàn kết bảo vệ giáo hoàng Francis.
Liệu giáo hoàng Francis phải ra đi sau 5 năm đứng đầu Giáo hội ?
Ít ra đây là một toan tính của cánh bảo thủ trong Vatican do lo sợ Giáo hội bị thay đổi chưa từng có. Đây là nhận định của báo Financial Times (Luân Đôn), được Courrier international trích dịch. Tờ báo Anh cho rằng "trước khuynh hướng cởi mở và các chính sách cải cách của giáo hoàng, cánh truyền thống trong Giáo hội tìm cách khai thác sự phản đối kịch liệt về các vụ lạm dụng tình dục để lật đổ giáo hoàng".
Âm mưu này bắt đầu từ cuối tháng 08/2018. Giáo hoàng Francis tông du Ireland, nơi Vatican bị lên án nhắm mắt làm ngơ trước những lời tố cáo ấu dâm xảy ra tại quốc gia này trong suốt nhiều năm. Giáo hoàng đã gặp gỡ nạn nhân, không ngừng xin lỗi, thể hiện hổ thẹn và cầu nguyện cho các nạn nhân. Mọi nỗ lực của giáo hoàng Francis bị dội gáo nước lạnh ngay khi trở về. Trong bức thư ngỏ, sứ thần Vatican ở Mỹ, tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cáo buộc giáo hoàng bao che các vụ ấu dâm của cựu giám mục Washington Theodor McCarrick. Không vòng vo, tác giả bức thư yêu cầu giáo hoàng từ chức.
Chỉ trích thì nhiều nhưng bằng chứng thì ít, bức thư dài 11 trang còn nhắm đến 12 quan chức Vatican, phần lớn là những người thân cận của giáo hoàng Francis và có những quan điểm tiến bộ. Theo ông Brendan Walsh, tổng biên tập tuần báo Công giáo Anh The Tablet, "kẻ thù của giáo hoàng Francis và những cải cách của ngài sử dụng "bằng chứng" của Viganò để yêu cầu giáo hoàng từ chức. Họ sử dụng tai tiếng ấu dâm phục vụ cho mục đích chính trị riêng".
Tư tưởng cởi mở của giáo hoàng Francis bị phản đối trong Vatican
Thực vậy, phe bảo thủ rộng quyền hành động trong suốt 50 năm qua, ngay cả dưới thời giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI. Vì vậy, họ tìm cách hạ uy tín giáo hoàng Francis, người chủ trương cải cách và quan trọng hơn là phải làm được trước khi giáo hoàng lập được một đa số tiên tiến trong hội đồng bầu giáo hoàng. Đây chính là điểm mấu chốt của cuộc chiến hiện nay. Họ không muốn giáo hoàng tương lai sẽ tiếp tục những cải cách của người tiền nhiệm Francis.
Ngoài ra, phe bảo thủ còn chống giáo hoàng Francis vì những lời kêu gọi độ lượng, thái độ từ bi đối với người đồng tính, người li hôn hoặc tái hôn. Với Vatican, đây là cách thích ứng với thực tế xã hội, nhưng với phe bảo thủ, đây là "một cách lách giáo lý" và điều này không chấp nhận được.
Phe chống giáo hoàng Francis không ngần ngại gắn những vụ ấu dâm với việc giáo hoàng không lên án người đồng tính. Theo ông Chris Patten, chủ tịch danh dự đại học Oxford, kiêm cố vấn truyền thông của giáo hoàng, "gắn vấn đề đồng tính với các vụ ấu dâm là cách đê hèn mà phe cực hữu trong Giáo hội không ngần ngại sử dụng" để hạ uy tín giáo hoàng Francis.
Bài báo kết luận cuộc chiến tranh giành quyền lực không những gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Vatican, mà còn kéo dài nỗi đau, sự chịu đựng của các nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Nhiều tiếng nói bắt đầu chỉ trích giáo hoàng Francis còn lưỡng lự để đưa thủ phạm ra pháp luật.
Với báo La Repubblica (Roma), khi tung tin đồn Vatican bị chia rẽ sâu sắc, những người tung tin có một mục đích chính trị rất rõ ràng : thu phục lại số giáo dân bảo thủ nhất, thất vọng vì giáo hoàng Francis.
Nhìn từ nước Mỹ, nhật báo Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định những con chiên mộ đạo nhất cũng bắt đầu nghi ngờ sau những phát giác ấu dâm gần đây trong Giáo hội. Điều trớ trêu, theo nhận định của giáo sư thần học Mỹ Joseph Capizzi, "chúng ta không tin vào hội đồng giám mục để giải quyết các vấn đề này. Rất nhiều người muốn một cơ quan thế tục điều tra. Họ quen hơn và cảm thấy thoải mái hơn với ý tưởng này".
Đây chính là trường hợp tại Pháp. Mới đây, nhiều nhân vật quan trọng đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp, hiện còn rất chậm trễ so với những gì đã được tiến hành ở một số nước như Chile, Úc, Mỹ, Đức...
Iran : Tại sao tổng thống Trump sẽ thắng ?
Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Dù các nước còn lại muốn duy trì thỏa thuận và tiếp tục quan hệ kinh tế với Tehran, thì việc này vẫn khó có thể thực hiện trước quyết tâm của tổng thống Mỹ và những bất đồng nội bộ Iran. Courrier international trích bài phân tích của Foreign Policy (Washington) để trả lời câu hỏi : "Tại sao Trump sẽ thắng trong hồ sơ Iran ?"
Thứ nhất, tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng sẽ trừng phạt bất kỳ ai làm ăn với Iran. Mục đích chính là bóp nghẹt nền kinh tế và chặn mọi nguồn thu nhập của Iran, chủ yếu là từ dầu lửa. Ý đồ phản đối của Châu Âu sẽ còn được thử thách trong thời gian tới, khi Mỹ áp dụng loạt trừng phạt thứ hai từ đầu tháng 11.
Thứ hai, các tập đoàn lớn nước ngoài đã rời khỏi Iran, nhiều doanh nghiệp khác từ chối vận chuyển dầu của nước này do lo sợ bị cấm tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ. Đối với phần lớn các đại tập đoàn này, bị cắt đứt khỏi thị trường Mỹ, nhất là hệ thống tài chính thế giới mà Mỹ thống trị, sẽ cầm chắc cái chết trong tay.
Theo đánh giá của chuyên gia Matthew Kroenig, đại học Georgetown, "thỏa thuận hạt nhân đã bị chôn vùi ngay khi Mỹ thông báo sẽ rút. Châu Âu tự gây ảo tưởng nếu họ nghĩ có thể cứu vãn thỏa thuận này". Nhưng dù sao Liên Hiệp Châu Âu vẫn có thể kéo dài thỏa thuận thêm một thời gian thông qua "trao đổi" nhờ hệ thống ngân hàng quốc tế Swift mà Iran vẫn là thành viên từ năm 2015. Chừng nào còn là thành viên của hệ thống có 11.000 thành viên trên khắp thế giới, Iran vẫn có thể chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá khứ, Swift đã phải lùi bước trước sức ép của Hoa Kỳ, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong khuôn khổ loạt trừng phạt do chính quyền Obama ban hành năm 2012.
Để ngăn cản hệ thống này, chính quyền Trump sẽ phải trừng phạt Châu Âu, nhưng chưa chắc tổng thống Mỹ sẵn sàng đi xa đến như vậy. Hiện tại, ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới chỉ lên án "hệ thống đặc biệt" trên chỉ giúp cho Iran tài trợ khủng bố.
Ngoài sức ép từ Mỹ, tổng thống Iran Rohani còn phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng trong nước. Chương trình mở cửa của ông bị phe bảo thủ chỉ trích, ngay cả người dân, với hy vọng cải thiện cuộc sống từ 3 năm qua, cũng tỏ ra thất vọng.
Số nước thách thức các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ cũng bắt đầu giảm dần. Ví dụ như Ấn Độ, sau thời gian đầu kiên quyết tiếp tục mua dầu của Iran, dường như New Delhi đã ngừng nhập khẩu.
Dựa vào những yếu tố trên, có thể nói tổng thống Mỹ sẽ thắng. Nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran khi trở nên vô hiệu lực, thì càng đẩy Tehran vào con đường phát triển hạt nhân, trong khi Iran hiện đang hùng mạnh hơn so với thời điểm năm 2013 khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu.
Pháp : Hành trình tìm nguồn gốc của những trẻ sinh từ hỗ trợ sinh sản
Dự luật về hỗ trợ sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA) sẽ được Nghị Viện Pháp nghiên cứu vào đầu năm 2019. Theo L’Obs, tại Pháp có khoảng 50.000 đến 70.000 đứa trẻ được sinh từ người cha hiến tinh trùng vô danh.
Theo luật năm 1994 về hỗ trợ sinh sản, người hiến tinh trùng hoàn toàn vô danh và phụ nữ nhận tinh trùng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, theo bài phóng sự : "Sinh từ tinh trùng hiến tặng", ngày càng có nhiều người đòi quyền được biết nguồn gốc của mình. Họ "không tìm một người cha, vì đã có, mà muốn tìm hiểu về chính bản thân mình", theo phát biểu với L’Obs của một nha sĩ, sinh ra nhờ PMA. Nhiều hiệp hội được thành lập vì mục đích này và lời kêu gọi của họ đã được lắng nghe. Cuối tháng 09/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia (CCNE) tuyên bố ủng hộ quyền được biết nguồn cội.
Theo thẩm định của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo quản Trứng và Tinh trùng (Cecos), "chỉ có khoảng 20% cha mẹ cho con cái biết chúng được sinh ra trong điều kiện như nào". Hiện nay, các bác sĩ khuyến khích nói sự thật cho người được sinh ra nhờ PMA. Thậm chí, năm 2007, một cơ sở tư vấn tâm lý được thành lập trong bệnh viện Cochin ở Paris để hỗ trợ cha mẹ trong quá trình tiết lộ bí mật với con cái.
Phóng sự của L’Obs cho biết những người sinh từ tinh trùng hiến tặng không đòi hỏi gì hết, mà chỉ muốn có thêm một vài chi tiết sinh học trong cơ thể họ, và biết đâu có thể gặp được người đã giúp họ trào đời. Với tiến bộ khoa học ngày nay, họ còn cần những thông tin để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.
Kẻ giết giải Nobel Văn Học
Mùa giải Nobel 2018 sẽ không có Nobel Văn Học mà thay vào đó là một phiên tòa được theo dõi sát sao. Jean-Claude Arnault, một người Pháp và là tâm điểm của vụ tai tiếng tiền-tình theo phong trào MeToo, vừa bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm. Tuần báo Le Point điều tra về "Kẻ huênh hoang đã giết giải Nobel".
Vụ tai tiếng bắt đầu được phanh phui vào tháng 11/2017, 18 phụ nữ, đúng với số phụ nữ tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tố cáo ông Arnault, 72 tuổi, cưỡng bức và quấy rối tình dục từ năm 2006 đến 2017.
Về các cáo buộc tình dục, ông Jean-Claude Arnault, giám đốc Forum, một trung tâm văn hóa có ảnh hưởng tại Stockholm, bị cáo buộc lợi dụng vị thế và quyền lực của mình để buộc phụ nữ phục tùng. Về tài chính, trung tâm Forum sống được một phần lớn là nhờ trợ cấp của Viện Hàn Lâm Thụy Điển và do chính vợ của ông, bà Katarina Frostenson, thành viên Viện Hàn Lâm, cấp cho. Bà cũng là người sở hữu một nửa trung tâm Forum, nơi mọi người dồn dập đổ về vì Forum là "nơi kích thích trí tuệ nhất ở Stockholm về nghệ thuật như âm nhạc, đọc và thảo luận về các nhà tư tưởng Pháp".
Tại Thụy Điển, hình ảnh Arnault giờ như một con quỷ bất trị. Một cuộc đời được thêu dệt từ những chiến tích, tiệc tùng náo nhiệt, thật giả lẫn lộn trong câu chuyện về "người Pháp". Theo bà Aline Bohman Gauguin (cháu gái họa sĩ Gauguin), một cộng tác viên khi mới thành lập Forum, Arnault là người dễ nổi nóng, "có thể mất kiên nhẫn đến mức thành hung hăng" và tuôn ra hàng tràng bực tức bằng tiếng Pháp. Từ vài chục năm qua, ông luôn có những hàng động, cử chỉ khêu gợi như vuốt tóc phụ nữ, thì thầm vào tai một lời khen hoặc tay quàng qua eo.
Nữ nhà văn kiêm luật gia Malin Persson Giolito nhận xét với Le Point : "Đây là một chấn thương ở Thụy Điển. Giới hoạt động văn hóa nghĩ rằng Arnault là một gương mặt quan trọng của văn hóa Pháp… Chúng tôi bị sốc… khi thấy Viện Hàn Lâm Thụy Điển bị một kẻ lừa đảo gây ấn tượng mạnh như vậy, vì ông ta nói tiếng Pháp. Viện Hàn Lâm bị lừa. Tôi nghĩ là hiện giờ mọi người đều cảm thấy bị lừa và rất ngốc".
Charles Aznavour : 94 tuổi mới rời đỉnh cao sự nghiệp
Sự ra đi của Charles Aznavour, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng người Pháp là chủ đề trên trang nhất của L’Obs và L’Express. L’Obs lấy câu mở đầu bài hát La Bohème nổi tiếng, "Tôi kể cho bạn nghe về một thời…" để thuật lại sự nghiệp của Aznavour.
Không được giới phê bình đánh giá cao khi mới vào nghề, nhưng Charles Aznavour đã từng bước nỗ lực vươn lên để đạt đến đỉnh cao danh vọng mà ông chỉ rời khi từ giã cõi đời ở tuổi 94. "Charles nhỏ bé" hát về cuộc sống, tình yêu, khiến cả thế giới rung động trước lời ca làm say đắm lòng người.
Tuần báo Courrier international trích dịch những lời chia buồn và ca ngợi sự nghiệp và tính cách của "Aznavour, cây đại thụ cuối cùng của làng nhạc Pháp" thông qua báo chí nước ngoài.
New York Times nhắc lại, "Mỹ là ngôi nhà thứ hai đối với Aznavour", nơi "Bob Dylan coi ông là một trong những nghệ sĩ lớn nhất trên sân khấu", theo Variety. Với báo Nhật Asahi Shimbum, ông là "hiện thân của làng nhạc Pháp". Bất chấp những phê bình ban đầu, "không có giọng hát hay. Không đẹp trai, thậm chí không cao lớn. Ông chẳng có tiêu chí gì để thành công. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai và ông đã làm đúng", nhật báo Tây Ban Nha El País kết luận.
Thu Hằng
Giáo hoàng Francis, lãnh tụ thế giới tự do ?
"Giáo hoàng Francis đóng vai trò như thế nào trước Donald Trump, Erdogan, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Emmanuel Macron…". Đó là chủ đề của tuần báo Le Point kỳ này. Tờ báo đặt vấn đề, ảnh hưởng của người đứng đầu Giáo hội Công giáo không ngừng tăng lên, trước các nhà lãnh đạo cá tính, phải chăng ngài đang trở thành lãnh tụ của thế giới tự do ?
Giáo hoàng Francis vẫy chào giáo dân sau khi cử hành thánh lễ Phục Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, 01/04/2018. Reuters/Max Rossi
"Tôi sẽ nhớ những gì ngài nói !". Khi rời văn phòng Vatican hôm 24/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại, nói nhỏ vào tai Giáo hoàng Francis như thế - theo lời kể của Hồng y Jean-Louis Tauran. "Giáo hoàng để lại dấu ấn nơi tất cả các vị khách, thế nên ai cũng muốn gặp ngài".
Dưới thời Francis, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và không phải là người Châu Âu, Vatican đã trở thành ngã tư của thế giới. Tổng thống, thủ tướng các nước thi nhau đến khu vực Đại giáo đường Thánh Peter : trong năm năm qua có đến 90 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ đã được Giáo hoàng tiếp, trong đó có những vị được tiếp nhiều lần.
Ngay cả nữ hoàng Elisabeth của Anh quốc, cũng đã đến Vatican lần đầu tiên. Ông chủ điện Kremlin đến Vatican năm lần, trong đó có hai lần để gặp Giáo hoàng Francis. Bà Angela Merkel trước đây thường đến thăm người đồng hương - Giáo hoàng Benedict XVI - nay cũng rất thân thiết với vị giáo hoàng kế nhiệm, nhất là sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn. Giáo hoàng Francis chìa bàn tay cho mọi người, kể cả Joseph Kabila (nhà độc tài Congo), Erdogan (thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngoại giao Vatican hiện diện khắp nơi. Tại Châu Mỹ la-tinh, Giáo hoàng đã cố gắng đưa Cuba quay lại với cộng đồng quốc tế, xúc tiến hòa bình cho Colombia. Tại Châu Á, ngài đang xích gần lại với Trung Quốc, và luôn lên tiếng bênh vực người Rohingya ở Miến Điện. Ở Châu Phi, ngài vận động cho hòa bình ở Mozambique, Trung Phi, Congo, và dự định đến Nam Sudan dù mọi người can gián vì lý do an ninh. Tại Cận Đông, trên vùng Đất Thánh, Giáo hoàng liên tục tìm cách làm dịu đi xung đột Israel-Palestine.
Vatican, ngã tư quốc tế
Người đứng đầu một giáo hội 1,2 tỉ tín đồ còn là một thủ lãnh chính trị. Vatican, nhà nước nhỏ bé với diện tích vỏn vẹn 44 hecta có một bộ máy rất hiệu quả. Quốc vụ khanh là Hồng y Pietro Parolin là nhà ngoại giao lão luyện, từng đóng vai trò quan trọng trong các hồ sơ lớn như việc thương lượng với Lực lượng FARC ở Colombia, giúp quan hệ Hoa Kỳ-Cuba tan băng. Khoảng một trăm sứ thần, tức đại sứ của Vatican, mỗi vị chỉ có một hoặc hai cộng sự.
Tuy số lượng khiêm tốn, nhưng đây là một mạng lưới toàn cầu, vì trong số 195 quốc gia trên thế giới, chỉ có hơn một chục nước không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trong đó có ba quốc gia quan trọng nhất, theo đánh giá của một nhà ngoại giao, là Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam. Vatican là thành viên của Hội đồng Châu Âu, các tổ chức quốc tế như OSCE (Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu), AIEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), và có tư cách quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí là Nhà nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử vào tháng 7/2017.
Nhà báo Constance Colonna-Cesari, tác giả cuốn "Bí mật của nền ngoại giao Vatican" nhận định : "Thế mạnh chính là chất lượng thông tin. Các nhà ngoại giao được thông báo lập tức từ các hồng y, linh mục, tu sĩ… là chứng nhân của những gì đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và Tòa Thánh không hề tìm cách bán vũ khí, giành thị phần hay lấn lướt bất kỳ quốc gia nào, nhờ đó được rộng tay hơn".
Le Point cho rằng trong lúc bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại và các chế độ độc tài nở rộ, những ý tưởng của Giáo hoàng Francis mang một tầm quan trọng mới. Nelson Mandela đã qua đời, bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện và ông Lula của Brazil bị mất uy tín, giải Nobel hòa bình Obama gây thất vọng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chưa gây được dấu ấn, Dalai Lama lặp lại những điều đã cũ… Giáo hoàng Francis có cơ hội trở thành lương tâm của thế giới.
Tiếng nói của ngài hàng ngày được đưa đến cả những nơi xa xôi hẻo lánh trên toàn cầu, với 350 nhân viên của Radio Vatican - từ ngày 01/01/2018 đã đổi tên thành Vatican News - phát bằng 40 thứ tiếng. Tài khoản Twitter của Giáo hoàng có 43 triệu người theo dõi. Bài trả lời phỏng vấn, bài giảng, sắc thư… rồi những chuyến tông du : trong 5 năm qua, Giáo hoàng Francis đã thăm 33 nước. Ở Vatican người ta nói đùa : "Chúa hiện diện ở mọi nơi, nhưng Giáo hoàng John Paul II đã đến thăm trước đó. Còn Giáo hoàng Francis thì tìm đến những nơi mà người tiền nhiệm chưa hề đặt chân đến" - như đảo Lampedusa của người tị nạn, hay giữa rừng Amazon.
Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những vùng xám. Một linh mục Pháp ở Roma nhận định : "Giáo hoàng rất quan tâm đến những người bên ngoài Giáo hội, nhưng lại ít chú ý hơn đối với những cộng sự". Ngoại giao thành công, nhưng quản lý lại gây thất vọng. Đến nỗi ngài từng thốt lên : "Cải cách ở Roma, cũng giống như dùng bàn chải đánh răng để làm sạch tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập".
Chiến tranh thương mại, trò chơi rủi ro
L’Expresstrích đăng cuốn sách nói về thực trạng các bệnh viện Pháp, chạy tựa "SOS, các bệnh viện đang trầm cảm", còn L’Obs tìm hiểu những gì diễn ra "Trong đầu của loài vật", từ tác phẩm của nhà văn Đức Peter Wohlleben, tác giả cuốn best-seller "Cuộc sống bí mật của cây cối".
Trên lãnh vực kinh tế, Le Courrier International dịch bài viết của Wall Street Journal mang tựa đề "Thương mại, trò chơi đầy rủi ro giữa Bắc Kinh và Washington".
Tờ báo lo ngại cho các công ty Mỹ, đặc biệt trong lãnh vực nông sản phẩm, nếu chiến tranh thương mại trở nên gay gắt hơn. Năm ngoái Mỹ bán được hơn 1 tỉ đô la thịt heo vào thị trường Trung Quốc, táo của tiểu bang Washington được xuất qua từ năm 2015 đã tăng rất cao, rượu vang, hạt dẻ cười (pistachio)… đang được ưa chuộng có thể bị Bắc Kinh áp thuế.
Tác giả cho rằng ông Donald Trump có thể làm mất đi lợi ích của việc cải cách ngân sách cũng như các biện pháp khác đang giúp kinh tế tăng trưởng, và đặt câu hỏi : Có ai đó ở Nhà Trắng theo dõi hồ sơ này hay không ?
K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng
Tại Châu Á, Le Monde cuối tuần mô tả "K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng", thuật lại câu chuyện của một ca sĩ Hàn Quốc có mẹ là người gốc Bắc Triều Tiên, đã tham gia đoàn nghệ sĩ từ Seoul sang Bình Nhưỡng trình diễn mới đây.
Ca sĩ Kang San-eh, tên thật là Kang Young-gul cho biết cuộc đời của mẹ anh điển hình cho lịch sử đương đại Triều Tiên. Khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo, cặp vợ chồng trẻ vừa có em bé tìm cách chạy sang miền Nam, nhưng họ bị lạc nhau trong đợt di tản Hungnam. Từ ngày 15 đến 24/12/1950, gần 100.000 thường dân chạy khỏi thành phố cảng miền Bắc, cùng lúc với 100.000 quân Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc, trước đà tiến của liên quân Trung-Triều. Những người di tản Hungnam hầu hết định cư tại Geoje thuộc Hàn Quốc. Mẹ của Kang tái giá, sinh ra Kang San-eh và em gái, còn chồng cũ của bà ở lại miền Bắc.
Quá khứ và nỗi đau của người di tản ghi dấu ấn trong một số bài hát nổi tiếng của Kang San-eh. Trước đây anh từng trình diễn tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong, nhưng nay người ca sĩ có cảm giác khác hẳn khi được đến tận Bình Nhưỡng, trái tim của Bắc Triều Tiên, trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm.
Miến Điện : Tương trợ không dành cho người Rohingya
Còn tại Miến Điện, bài báo "Một sự hào hiệp tương đối" của Nikkei Asian Review, được Le Courrier International dịch lại, cho biết người dân Miến Điện có tinh thần tương trợ rất cao - tuy nhiên đối với người Rohingya thì họ lại không ngó ngàng đến.
Phóng viên của tờ báo tại Rangoon cho biết, một buổi tối anh nhìn thấy một chiếc xe hơi tông phải một người đàn ông đang đi bộ. Trong vòng chưa đầy một phút, hàng mấy chục người đã xúm lại. Hai người lo cho người bị thương, hơn một chục người làm thành hàng rào chắn xe cộ qua lại, còn những người khác ngăn chận người tài xế say rượu rời khỏi hiện trường, trong khi chờ đợi cảnh sát đến. Một chiếc xe cấp cứu gồm toàn người tình nguyện nhanh chóng tới nơi, đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Sau trận lụt năm 2015 khiến 100.000 người dân nông thôn phải sơ tán, có những hội thiện nguyện đã được lập ra ở Rangoon. Họ quyên góp trên đường phố để mua thực phẩm, chở về đến tận các trại tạm cư.
Nhưng những hành động nhân ái này không dành cho người Rohingya, thiểu số Hồi giáo bị kỳ thị. Tại bang Arakan, dân địa phương đồng lòng ngăn cản viện trợ nhân đạo đến tay người Rohingya, cô lập những ai chấp nhận làm việc cho các tổ chức phi chính phủ thiện nguyện. Một chủ tiệm là Phật tử đã bị cạo đầu, buộc phải đi diễu trên đường phố với tấm bảng "Phản quốc" chỉ vì buôn bán với người Hồi giáo.
Cho đến nay, chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vẫn làm ngơ trước tình trạng này. Các tổ chức xã hội dân sự không được tham vấn, các chuyên gia tài năng không có quan hệ chặt với đảng của bà Suu Kyi bị nghi ngại. Còn những ai lên án nạn bạc đãi người Rohingya thì bị đe dọa mà cảnh sát không hề can thiệp, hoặc bị kiện tụng tơi bời.
Hai lần ly dị của Ireland
Le Courrier Internationaltuần này ra số đặc biệt "Du hành tại Ireland trong thời Brexit". Từ Derry đến Dublin, tờ báo vẽ nên chân dung của một quốc gia đã trở thành con tin của sự kiện Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhấn mạnh đến "Hai lần ly dị của Ireland". Vào lúc Anh quốc đang chuẩn bị ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nước láng giềng Ireland đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc ly dị vất vả này.
Một ly bia trong một "pub" ở Dublin hay Luân Đôn giá bao nhiêu ? Khoảng 5 euro, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào những thỏa thuận cuối cùng trong hợp đồng Brexit, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ ngày 29/03/2019, và những thay đổi của đồng bảng Anh.
Bởi vì nếu quay trở lại với đường biên giới thực tế giữa Bắc Ireland - là một tỉnh trực thuộc Vương quốc Anh - và Cộng hòa Ireland, thì việc vận chuyển bia từ nhà máy ở Dublin (Cộng hòa Ireland) đến xưởng đóng chai ở Belfast (Bắc Ireland) sẽ mất nhiều thời gian hơn, và giá cước đắt hơn. Còn đồng bảng Anh hiện đã sụt giá đến 13% kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016.
Không chỉ loại bia nâu thông dụng này trở nên "đắng" hơn, mà Brexit còn đe dọa toàn bộ nền kinh tế Ireland, có nguy cơ khoét lại vết thương đã liền sẹo từ 20 năm qua với Hiệp định Thứ Sáu Tuần Thánh. Cách đây hai năm, khi bày tỏ mong muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân Bắc Ireland đã phản đối hai vụ ly dị, một với Bruxelles và một với láng giềng phương Nam. Nhưng các đồng bào của họ ở Anh đã quyết định ngược lại. Hậu quả là : sau hai thập niên hâm nóng quan hệ giữa hai Ireland, các bức tường chia cách ở Belfast đang bị đập bỏ, nhưng những hàng rào khác có thể được dựng lên trong tương lai.
Các viên chức Châu Âu luôn nói rằng mọi thỏa thuận về Brexit sẽ không được ký nếu Ireland không bật đèn xanh. Thế nhưng theo tờ báo bảo thủ The Spectator có trụ sở ở Luân Đôn, thì đó chỉ là những lời lẽ mị dân. EU tôn trọng đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ireland "cũng như cá mập tôn trọng hải cẩu" - theo tác giả, và EU chỉ muốn Ireland giúp mình chơi cho Brexit một cú !
Hungary : Thủ tướng Orban sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba ?
Cũng về Châu Âu, tờ Magyar Idok thân cận với chính quyền Budapest được Le Courrier International trích dịch, giải thích "Vì sao ông Orban sẽ thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba" : đó là nhờ những thành công về kinh tế và chính trị của thủ tướng Hungary.
Đối lập không thuyết phục được dân chúng, đảng cực hữu Jobbik không có chương trình hành động rõ ràng, phe xã hội bị mất đi sự ủng hộ của giai cấp trung lưu. Trong khi đó chính phủ của ông Orban đã giúp GDP tăng lên, nợ công giảm xuống, nâng cao mức sống người dân, tỉ lệ người nghèo từ 1/3 xuống còn 1/4 dân số.
Những tấm hộ chiếu Châu Âu bằng vàng cho đại gia
Trang kinh tế của L’Express đề cập đến một khía cạnh khác "Bán quốc tịch Châu Âu" : một số nước Nam Âu bán tư cách công dân cho những nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc, Nga hay Châu Phi.
Những người nhập cư này không phải chen chúc trên những chiếc tàu cũ kỹ có nguy cơ bị đắm. Họ du hành bằng ghế hạng thương gia tiện nghi trên máy bay, sẵn sàng ký những tấm séc có sáu, bảy con số zéro để có được tấm hộ chiếu Châu Âu, sự bảo đảm vượt qua các biên giới một cách thoải mái, an toàn và… một cuộc đời mới.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, đồng tiền không mang màu cờ nào, khoảng hai chục quốc gia nhỏ đã thu hút những người siêu giàu bằng món quà loại này. Hiện tượng "chiếu khán bằng vàng" kể từ đầu năm 2010 từ vịnh Caribean đã lan đến Châu Âu. Những nước bị khủng hoảng tài chính làm ảnh hưởng như Chyprus, Malta, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và ngay cả Bulgaria, Hungary coi đây là cơ hội để có thêm nguồn ngoại tệ. Nếu đầu tư từ 500.000 euro cho đến 2,5 triệu euro tùy theo từng nước, người giàu có thể nhập tịch. Một nhà môi giới cho biết phân nửa số khách hàng là người Trung Quốc, 1/3 từ Trung Đông, số còn lại từ các nước thuộc Liên Xô cũ.
Syria : Thổ-Kurdistan, một cuộc chiến khác
Còn tại Trung Đông, cây bút Christian Makarian trên L’Express nhận định "Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurdistan : Một cuộc chiến trong cuộc chiến". Theo tác giả, việc Ankara tăng cường áp lực quân sự tại Syria làm gia tăng nhịp độ tan rã của Trung Đông.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn loại hẳn sự hiện diện của quân Kurdistan, không chỉ dọc theo biên giới với Syria, mà cả ở biên giới Iraq, tổng cộng 900 km. Sau khi chiếm Afrin hôm 19/3, Ankara nay nhắm vào các thành phố khác ở Syria mà người Kurdistan đang trấn giữ - Manbij, Kobane, Tall Abyad - những địa danh oai hùng, nơi dân quân Kurdistan từng đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Đây là một cuộc chiến trong cuộc chiến : Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng thảm kịch Syria để lấn tới. Như vậy Ankara đang tiến hành một cuộc xâm lược vào Syria, làm phức tạp thêm tình hình và càng khiến phương Tây khó thể bỏ rơi người Kurdistan - đồng minh duy nhất ở Syria chống quân thánh chiến. Mặt khác, nếu Lực lượng Kurdistan bị tiêu diệt sẽ bất lợi cho quốc tế trong cuộc chiến chống nạn khủng bố, vốn đã tạo ra rất nhiều nạn nhân vô tội ở Châu Âu, và ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thụy My
Giáo hoàng : Cần ‘lòng khoan dung’ ở Myanmar (VOA, 29/11/2017)
Giáo hoàng Francis nói về sự cần thiết của "lòng khoan nhượng" và tránh "thù oán" tại thánh lễ với hàng chục ngàn người tham dự ở thành phố Yangon của Myanmar.
Giáo hoàng Francis bắt tay Chủ tịch Bhaddanta Kumarabhivasma của Ủy ban nhà nước Sangha Maha Nayaka trong cuộc họp với Ủy ban Phật giáo ở Yangon, Myanmar, ngày 29/11/2017.
Một lần nữa, ngài tránh nói trực tiếp đến nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp trong chuyến thăm Myanmar bốn ngày này, sau khi đã kêu gọi chung về lòng vị tha tôn giáo trong cuộc họp với các nhà ngoại giao hôm thứ Ba 28/11.
Khoảng 150.000 tín đồ Công giáo từ nhiều nơi trên cả nước đã tập trung về sân vận động Kyaikkasan để dự lễ, nhiều người đã đến đó từ đêm hôm trước để giữ chỗ.
Sơ Lucy, 22 tuổi, từ bang Chin xa xôi đã đến đây từ lúc 5 giờ sáng, nói : "Tôi được nhiều ơn phước, không chỉ riêng tôi, mà cả Myanmar. Chúng tôi chưa bao giờ mơ đến sẽ gặp được Đức thánh cha, nhưng hôm nay chúng tôi thực sự được gặp ngài".
Trong thánh lễ đầu tiên tại Myanmar, Giáo hoàng Francis nói rằng nhiều người dân ở đất nước này "mang trong người những vết thương của bạo động, những vết thương bên ngoài có thể thấy được, và những vết thương hằn sâu trong trong lòng. Chúng ta nghĩ rằng trả thù sẽ chữa lành vết thương. Nhưng trả thù không phải là cách của Chúa Giêsu chữa lành vết thương".
Giáo hoàng Francis, người thường lớn tiếng bênh vực người tị nạn, đã không chú ý đến sự trông đợi của nhiều người ở phương Tây muốn ngài công khai nói về cuộc khủng hoảng của người thiểu số Rohingya.
Hơn 620.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị ngược đãi đã trốn chạy sang Bangladesh sau một một chiến dịch đàn áp quân sự hồi tháng 8.
Myanmar nói những đồn đoán về hãm hiếp tập thể và giết người là phóng đại, và quân đội nước này phủ nhận mọi cáo buộc đàn áp.
Trước đây Giáo hoàng Francis đã từng lên tiếng bênh vực cho nhóm người thiểu số này và gọi họ là "các anh chị em Rohingya của chúng ta".
Nhưng các nhà cố vấn khuyên ngài đừng nói về vấn đề này ở Myanmar vì sợ rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến 650.000 tín đồ Công giáo ở nước này.
Ông Robert Nathan, một tín đồ Công giáo Myanmar, nói : "Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng đến thăm Myanmar. Ngài không đề cập đến cuộc khủng hoảng người Rohingya là đúng. Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề đó".
Nhưng những người bênh vực nhân quyền kêu gọi ngài nói lên vấn đề này cho người Rohingya, những người bị bị xem là di dân bất hợp pháp ngay trên lãnh thổ Myanmar.
Ông Mark Farmaner, người đứng đầu Cuộc vận động Miến Ðiện ở Anh, viết trên Twitter : "Nếu Giáo hoàng không dùng từ Rohingya, những người phân biệt chủng tộc xem đó là một chiến thắng, cò nếu ngài dùng từ đó, họ sẽ thất vọng và chống đối. Đường nào tốt hơn".
Nhiều người trong đám đông ở Yangon hài lòng là Giáo hoàng đã chọn cách không đề cập đến cuộc khủng hoảng. Ngài đã nói rằng mục đích chính của chuyến thăm này là để ủng hộ giáo dân Công giáo ở quốc gia Ðông Nam Á vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican hồi gần đây.
********************
Giáo hoàng Francis gởi thông điệp đến người dân Miến Điện (RFA, 29/11/2017)
Đó là thông điệp của Giáo hoàng Francis trong buổi thánh lễ mà Ngài cử hành tại công viên Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150 ngàn người dự lễ.
Giáo hoàng Francis trong buổi thánh lễ cử hành tại công viên Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150 ngàn người dự lễ hôm 29/11/2017. AFP
Nhiều người đã đến dự sự kiện trọng đại này là những người theo Công giáo thuộc các sắc tộc thiểu số sống ở những vùng núi biên giới xa xôi, và có cả những tín đồ Công giáo đến từ Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam.
Vị chủ chăn đã nói chuyện bằng tiếng Ý rồi được thông dịch sang tiếng Miến Điện và tiếng Karen cho những người dự lễ. Ngài nói rằng Ngài biết đất nước Miến Điện đã trải qua nhiều cơn bạo lực với những vết thương thấy được và cả những thương tổn hằn sâu bên trong. Nhưng những vết thương ấy không thể chữa lành bằng sự trả thù, đó không phải là cách mà Chúa Jesus đã làm khi xuống thế làm người để chuộc tội cho nhân loại.
Cộng đồng Công giáo tại Miến Điện chỉ có khoảng 660 ngàn người, chiếm vỏn vẹn chỉ hơn 1% dân số của một đất nước mà đại đa số là Phật tử.
Tuy nhiên chuyến đi của Giáo hoàng đến Miến Điện lại có một tầm quan trọng khác vì nó diễn ra giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya ở bang Rakhine miền Tây, khi mà hơn 600 ngàn người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh để trốn sự thanh lọc sắc tộc được cho là đang được thực hiện một cách bài bản bởi quân đội Miến.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm qua với nhà lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, Giáo hoàng nói rằng tương lai của Miến Điện được đặt trên nhân quyền của tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai cả, tuy ông không nhắc đến tên Rohingya.
Những người Rohingya tuy sinh sống lâu đời ở Miến nhưng không được chính quyền Miến Điện công nhận là công dân Miến, mà là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp.
Bangladesh hiện đang phải rất nỗ lực để chăm sóc cho hơn nửa triệu người tị nạn Rohingya, và cũng là nơi mà Đức Giáo hoàng Francis viếng thăm vào ngày mai, thứ Năm, 30 tháng 11, trước khi kết thức chuyến công du Châu Á kéo dài một tuần lễ của Ngài.
Giáo hoàng tông du Miến Điện, trong bối cảnh khủng hoảng Rohingya (RFI, 27/11/2017)
Hôm 27/11/2017, đức giáo hoàng Francis tới Miến Điện, bắt đầu chuyến tông du 4 ngày trước khi sang Bangladesh. Đây là lần đầu tiên, một giáo hoàng tới Miến Điện, nơi tín đồ Công giáo chỉ chiếm có 1,2% dân số. Tại Miến Điện, giáo hoàng Francis sẽ gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi và chỉ huy quân đội, tướng Min Aung Hlaing.
Một nhà sư đi qua một tấm áp phích cỡ lớn có ảnh giáo hoàng Francis, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 26/11/2017. Reuters/Jorge Silva
Theo giới phân tích, chắc chắn cuộc khủng hoảng Rohingya với các vụ bạo hành của quân đội Miến Điện, là một trong những yếu tố thúc đẩy lãnh đạo tòa thánh Vatican tới Miến Điện và Bangladesh, hai quốc gia có đa số dân theo đạo Phật và Hồi giáo.
Theo thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou, hàng nghìn tín đồ Công giáo đã tới Rangoon để đón tiếp giáo hoàng Phanxico :
"Cùng với hàng chục người khác, Nonra đã trải chiếu ngủ ngay dưới đất, phía trước Nhà Thờ Rangoon. Đối với một tín đồ Công giáo như cô thì chuyến tông du của đức giáo hoàng là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Cô nói : Đây là một cơ may hiếm có được nhìn thấy đức giáo hoàng. Điều này chỉ có thể xẩy ra một lần trong đời người. Cho dù tôi đã phải đi rất xa để tới đây, nhưng tôi rất hài lòng và tôi tin rằng, sau chuyến công du của đức giáo hoàng, đất nước này sẽ trở nên bình yên.
Các giáo dân có rất nhiều hy vọng vào chuyến đi của giáo hoàng Francis. Patricia, 25 tuổi, từ miền bắc tới. Cô sẽ dự thánh lễ dành cho giới trẻ, tại nhà thờ Sainte Marie. Cô cho biết : Tôi rất phấn khích. Tôi nghe nói tại Colombia, đức giáo hoàng đã cho một bạn trẻ đặt câu hỏi. Tôi hy vọng là đức giáo hoàng sẽ chỉ định tôi và tôi sẽ hỏi : Vì sao đức thánh cha lại chọn Miến Điện để tông du. Tôi nghĩ là ngài có tầm nhìn của đức chúa, bởi vì hiện nay, Miến Điện đang trải qua khủng hoảng. Đức chúa đã phái ngài đến Miến Điện để mang lại hòa bình cho chúng tôi.
Đó là cuộc khủng hoảng Rohingya, sắc dân thiểu số theo đạo Hồi. Đối với giáo hội Công giáo Miến Điện, đức giáo hoàng cần tránh nói tới từ Rohingya, rất nhậy cảm tại Miến Điện. Nhiều tín đồ Công giáo cho biết, nếu giáo hoàng Francis dùng từ này, các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan sẽ kiếm cớ gây ra nhiều vấn đề".
Đức Tâm
********************
Giáo hoàng Francis thăm Miến Điện (VOA, 27/11/2017)
Giáo hoàng Francis sẽ thăm Miến Điện vào ngày 27/11, và đây sẽ là chuyến công du khá nhạy cảm tới quốc gia bị Mỹ cáo buộc là "thanh trừng sắc tộc" đối với người Hồi giáo Rohingya.
Giáo hoàng Francis và bà Aung San Suu Kyi trong cuộc gặp ở Vatican hồi tháng Năm năm nay.
Sau Miến Điện, người đứng đầu Vatican cũng sẽ tới Bangladesh, nơi hơn 600 nghìn người đã bỏ chạy tới lánh nạn, trước điều tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là "tội ác chống nhân loại" như giết người, hãm hiếp, mà quân đội Miến Điện đã bác bỏ.
Lịch trình của Giáo hoàng Francis không bao gồm chuyến thăm một trại tị nạn, nhưng ông dự kiến sẽ gặp một nhóm nhỏ người Rohingya ở Dhaka, thủ đô Bangladesh.
Người tị nạn Rohingya.
Theo Reuters, chuyến đi này nhạy cảm tới mức một số cố vấn của Giáo hoàng Francis đã cảnh báo ông không được sử dụng từ "Rohingya" vì lo ngại sự cố ngoại giao này sẽ khiến quân đội và chính phủ Miến Điện chuyển hướng nhắm mục tiêu vào các tín đồ Công giáo thiểu số.
Hãng tin này còn nhận định rằng những thời khắc căng thẳng nhất của chuyến công du từ ngày 26/11 tới 2/12 có lẽ là các cuộc gặp riêng với người đứng đầu quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing cũng như với lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Trong những tuần gần đây, Bangladesh và Miến Điện đã đồng ý về việc hồi hương hàng trăm nghìn người Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh để tránh tình trạng bạo lực ở bang Rakhine ở Miến Điện, theo VOA News.
**********************
Giáo hoàng Francis thăm Myanmar (BBC, 27/11/2017)
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Giáo hoàng Francis tới Myanmar, đất nước có đa số dân theo Phật giáo nhưng hiện bị cáo buộc thực hiện thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Rohingya.
Giáo hoàng Francis được chào đón tại Sân bay Quốc tế Yangon, Myanmar vào ngày 27/11
Giáo hoàng dự kiến gặp bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo quân sự nước này.
Sau đó, ông dự kiến thăm Bangladesh nơi ông sẽ gặp một nhóm người tỵ nạn Rohingya.
Người thiểu số Kachin trong trang phục truyền thống chờ đợi Giáo hoàng dọc theo một con phố ở Yangon vào ngày 27/11
Vị Giáo hoàng 80 tuổi nổi tiếng với quan điểm ôn hòa và sẵn sàng lên án tình trạng bất công trên toàn cầu.
Giới quan sát tập trung vào khả năng liệu Giáo hoàng có dùng từ 'Rohingya' để mô tả dân tộc thiểu số Hồi giáo của nước này hay không.
Giới chức Myanmar đã bác bỏ từ này, làm gia tăng mối lo ngại bùng nổ bạo lực nếu nó được Giáo hoàng sử dụng.
Giới chức Myanmar nói người Rohingya di cư bất hợp pháp từ Bangladesh nên không được coi là một trong những nhóm sắc tộc của đất nước. Họ nói rằng cuộc đàn áp quân sự ở Rakhine là để triệt hạ các phần tử nổi dậy, nhưng Liên Hiệp Quốc mô tả đây là 'cuộc thanh lọc sắc tộc điển hình' - các nhà bình luận quốc tế cho hay.
Giáo hoàng từng dùng thuật ngữ "anh chị em Rohingya của chúng ta" và phản đối các cuộc bức hại, nhưng Hồng y Myanmar yêu cầu Giáo hoàng tránh sử dụng cụm từ này trong chuyến thăm do lo ngại việc kích động vấn đề nhạy cảm có thể dẫn tới bạo lực ở quốc gia Phật giáo này.
Hơn 600.000 người Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh từ hồi tháng Tám sau khi các vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát làm bùng nổ đàn áp quân sự tai bang Rakhine.
Tuần trước, Myanmar và Bangladesh ký một thỏa thuận trao trả hàng trăm ngàn người trốn qua biên giới. Tuy nhiên các cơ quan cứu trợ bày tỏ lo ngại về sự an toàn của những người bị buộc phải trở về.
Được biết trong chuyến thăm dài sáu ngày, Giáo hoàng sẽ khuyến khích đối thoại và hòa giải sau các thỏa thuận ban đầu đạt được vào tuần trước.
Chuyến viếng thăm Myanmar của Giáo hoàng được chuẩn bị trước khi nổ ra khủng hoảng tại Myanmar, cụ thể là vào hồi tháng Năm khi ông gặp bà Suu Kyi tại Vatican. Người từng đoạt giải Nobel Hòa bình hiện phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về sự im lặng của bà trong cuộc bức hại người Rohingya.
Khoảng 660.000 người Công giáo thiểu số ở Myanmar trông đợi được nhìn thấy Giáo hoàng ở Yangon.
Giáo hoàng Francis là lãnh đạo Công giáo đầu tiên đến thăm Bangladesh từ năm 1986.
********************
Giáo hoàng thăm Myanmar (RFA, 27/11/2017)
Giáo hoàng Francis đã đến Miến Điện, khởi đầu chuyến viếng thăm Đông Nam Á và Nam Á kéo dài 1 tuần lễ của Ngài.
Hình chụp do văn phòng báo chí tòa thánh Vatican cung cấp hôm 27/11/2017 : Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon chào Giáo hoàng Francis (trái) - AFP
Đây là lần đầu tiên một vị chủ chăn Giáo hội Công giáo La Mã, đến thăm Miến Điện, một quốc gia đại đa số dân theo Phật giáo.
Lịch trình do Tòa Thánh Vatican và chính phủ Miến cùng phổ biến cho thấy trong thời gian có mặt tại Ranggon, Ngài sẽ gặp lãnh tụ Aung San Suu Kyi và Tư lệnh Quân đội Miến là tướng Min Aung Hlaing.
Bên cạnh 2 cuộc gặp gỡ quan trọng này, Giáo hoàng sẽ có những buổi gặp gỡ với tập thể giáo dân công giáo, nhưng chưa rõ Ngài có gặp các vị đại diện của những tôn giáo khác hay không.
Mặt dù đến thăm quốc gia Phật giáo Miến Điện với tư cách người lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, nhưng mọi chú ý đều được dành cho những phát biểu Giáo hoàng sẽ nói đến trong 4 ngày có mặt tại Miến, xem liệu Ngài có nói gì đến số phận của hơn 620.000 người Hồi giáo Rohingya sinh sống ở Miến phải bỏ nhà cửa chạy tỵ nạn vì bị đàn áp hay không.
Trước đây, Giáo hoàng Francis từng gọi tập thể người Rohingya là anh chị em của Ngài, ngay cả khi sửa soạn rời Vatican để sang thăm Rangoon, Ngài cũng yêu cầu mọi người cùng dâng lời cầu nguyện để sự hiện diện của Ngài ở Miến Điện là chỉ dấu của quan hệ và hy vọng.
Phát biểu này được xem là dấu hiệu cho thấy Ngài sẵn sàng góp sức giúp chính phủ Miến giải quyết vấn đề Rohingya, tập thể đã sống ở Miến lâu đời nhưng vẫn bị xem là tập thể di dân bất hợp pháp, không được hưởng những quyền lợi căn bản mà người dân Miến được hưởng.
Chính vì thế nên trong các cuộc tiếp xúc với báo chí nước ngoài, những người Rohingya đều nói rằng họ trông chờ Giáo hoàng kêu gọi chính phủ Miến cho họ được nhập tịch, được đối xử công bằng, hưởng mọi quyền lợi mà công dân Miến đang hưởng.
Những nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay dường như chính Giáo hội Công giáo Miến Điện cũng không muốn Ngài dùng từ Rohingya trong các bài phát biểu hay bài giảng, đề nghị Ngài nên dùng từ Bengalis, có nghĩa là những người di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.
Cũng có đồn dãi cho rằng Giáo hội Công giáo Miến Điện không muốn Giáo hoàng dùng từ Rohingya vì e ngại sẽ gặp khó khăn khi tiếp xúc với tập thể người theo Phật giáo chiếm đa số, đặc biệt là những phần tử quá khích.
Hiện nay dân số Miến Điện là 53 triệu 500 ngàn người, gần 90% theo Phật giáo, chỉ có 700.000 người Công giáo.
Cũng xin nói thêm khoảng 200.000 giáo dân Miến Điện từ khắp nơi đổ về Rangoon để đón Giáo hoàng Francis. Sau Miến Điện, trạm dừng chân kế tiếp của Ngài sẽ là Bangladesh.
Tại thủ đô Dhaka của quốc gia Nam Á này, Ngài sẽ gặp đại diện của người Hồi giáo Rohingya.
Chuyến tông du Miến Điện, thông điệp của Giáo hoàng cho Trung Quốc
Chuyến tông du Miến Điện của Giáo hoàng Francis được hầu hết các báo Paris hôm nay 27/11/2017 quan tâm. Trong bài "Chuyến đi gian truân của Giáo hoàng đến Miến Điện và Bangladesh", Le Figaro nhận định đây là sự kiện ngoại giao hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Rohingya.
Giáo hoàng Francis và các trẻ em Miến Điện tại phi trường quốc tế Yangon, ngày 27/11/2017. Reuters/Max Rossi
Còn không đầy một tháng nữa là đến sinh nhật 81 tuổi, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, trung thành với truyền thống Dòng Tên (Jésuites), tối qua đã lên đường sang Châu Á. Ngài thăm Miến Điện, đất nước mà từ trước đến nay chưa hề có Giáo hoàng nào đặt chân đến, và sau đó là Bangladesh. Bối cảnh căng thẳng giữa Miến Điện Phật giáo và Bangladesh Hồi giáo sẽ đè nặng lên chuyến đi, bên cạnh đó là hồ sơ Rohingya.
Sự nhân nhượng của Vatican ở Miến Điện
Le Figaro cho biết, chương trình tông du đã có nhiều chỉnh sửa vào phút chót tại Roma, dưới ảnh hưởng của Hồng y Charles Bo, tổng giám mục Yangon. Vị chủ chăn Miến Điện đã đích thân đến Vatican tuần trước để thuyết phục vị Giáo hoàng – thường có những tuyên bố thẳng thừng về nhân quyền – cần phải có một số nhượng bộ để tránh làm bốc lửa một tình hình vô cùng nhạy cảm.
Trước hết, là không dùng từ "Rohingya" trong chuyến thăm, thay vào đó là "người Hồi giáo ở bang Arakan". Một nhân nhượng lớn nữa là không rời Miến Điện mà không đến thăm nhân vật quyền lực thật sự, tướng Min Aung Hlaing, trước khi bay sang Bangladesh. Cuối cùng, để tránh sự cố ngoại giao, Giáo hoàng chỉ tiếp các đại diện người thiểu số Rohingya một khi đã ở trên lãnh thổ Bangladesh.
Tờ báo đặt câu hỏi, Giáo hội lùi bước trước quyền lực quân sự chăng ? Theo luật pháp Miến Điện, các tướng lãnh nắm ba bộ quan trọng là Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới. Quân đội chiếm một phần tư số đại biểu Quốc Hội, cộng với quyền đảo chính hợp pháp nếu sự đoàn kết quốc gia bị đe dọa. Thế nên sự tinh tế ngoại giao phải đặt lên hàng đầu.
Đương nhiên là Giáo hoàng sẽ bênh vực cho sự sống chung hòa bình giữa các tín ngưỡng và sắc tộc, tôn trọng nhân phẩm người tị nạn, người thiểu số, mà trước hết là người Công giáo. Nhưng nếu coi chuyến tông du này là sự ủng hộ của Giáo hoàng đối với người thiểu số theo đạo Hồi bị đàn áp, sẽ là một sai lầm, vì ba lý do.
Trước tiên, chuyến tông du được quyết định cách đây hai năm, rất lâu trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Rohingya. Tiếp đến, vì Tòa Thánh, dựa theo các thông tin của giáo hội địa phương, quan ngại trước xu hướng Hồi giáo bạo động. Và cuối cùng, các nhà ngoại giao Vatican cũng như Giáo hoàng đều biết rằng giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, bị chỉ trích dữ dội do sự im lặng trước thảm kịch Rohingya, có vị thế rất mong manh. Nếu bà bị gạt khỏi chính phủ, giới quân sự sẵn sàng nắm lấy mọi quyền lực. Điều quan trọng với Vatican là một sự chuyển đổi dần dà sang dân chủ tại Miến Điện.
Bóng dáng Bắc Kinh phía sau cuộc xung đột Rohingya
La Croix dẫn lời ông Greg Burke, phụ trách báo chí ở Tòa Thánh : "Còn hơn một chuyến tông du, đây là cả một cuộc phiêu lưu !". Linh mục Bernado Cervellera, giám đốc hãng tin AsiaNews của Ý nhận xét, cuộc tiếp xúc chiều thứ Tư tới giữa Giáo hoàng và các nhà sư Phật giáo là rất quan trọng. "Cách đây mười năm, chính các nhà sư đã khởi đầu những cuộc tuần hành vì dân chủ. Nhưng từ vài năm qua, giới quân sự đã đưa người vào các thiền viện để kích động chủ nghĩa dân tộc".
Cũng theo linh mục Cervellera, cuộc xung đột "chỉ mang tính tôn giáo ở ngoài mặt. Chính sách của giới Phật giáo dân tộc chủ nghĩa phù hợp với quan điểm chính trị và nhất là kinh tế của các tướng lãnh". Trong đó có thể kể dự án cảng nước sâu để đón tiếp các tàu Trung Quốc tại bang Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống ; một đường ống dẫn dầu và một xa lộ nối với Trung Quốc, chạy qua vùng đất của người thiểu số Công giáo ở miền bắc Miến Điện. Linh mục Cervellera khẳng định : "Sự ủng hộ của Giáo hoàng đối với bà Aung San Suu Kyi còn là một thông điệp cho Bắc Kinh".
Trong chuyến tông du Châu Á lần này, Giáo hoàng Francis muốn xúc tiến đối thoại với người Phật giáo ở Miến Điện, người Hồi giáo ở Bangladesh và cả Ấn giáo. Một chuyến thăm Ấn Độ tương lai đang vấp phải trở lực : những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa và chống Công giáo của đảng cầm quyền ở New Delhi. Như vậy, từ hai nước nhỏ (Giáo hội Công giáo chỉ chiếm 0,24% ở Bangladesh và 1,27% tại Miến Điện), Giáo hoàng muốn nhắn gởi đến hai người khổng lồ Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ (tổng cộng 2,7 tỉ dân). Theo ông Greg Burke, "đây sẽ là chuyến tông du thú vị nhất của ngài về mặt ngoại giao".
Vương quốc tí hon Bhutan chênh vênh giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Cũng về Châu Á, trang địa chính trị của Le Monde đăng bài phóng sự "Bhutan, chênh vênh giữa Ấn Độ và Trung Quốc". Nhờ có sự bảo trợ của Ấn Độ, vương quốc nhỏ bé này giữ được chủ quyền trong nhiều thập niên, không giao du với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Nhưng ngày nay, New Delhi lo ngại khi Bắc Kinh đang xích lại gần với Bhutan, thành lũy cuối cùng trước ảnh hưởng Trung Quốc tại tiểu lục địa Ấn Độ.
Khi Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh về dự án "Một vành đai, một con đường" (OBOR - One Belt, One Road), Bhutan là quốc gia duy nhất ở Nam Á, không kể Ấn Độ, không gởi đến đại diện nào. Hàng tỉ nhân dân tệ đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á và xa hơn nữa, nhưng không vào được vương quốc 700.000 dân nằm kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trên dãy Himalaya.
Làm thế nào một đất nước thuộc loại kém phát triển nhất lại có thể làm ngơ trước nền kinh tế thứ nhì thế giới, có chung 240km đường biên giới ? Theo Le Monde, Ấn Độ, nước đầu tiên công nhận Bhutan năm 1958, có thể đã cứu vương quốc nhỏ bé này ra khỏi móng vuốt của Bắc Kinh.
Năm 1950, Giải phóng quân Trung Quốc đã tràn sang Tây Tạng, và rất có thể tiến chiếm Bhutan ; nhưng năm 1959, sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Nehru, Bhutan đóng cửa biên giới với Tây Tạng và xích lại gần hơn với New Delhi. Ba năm sau, quân đội Ấn Độ sang đóng tại bình nguyên Haa của Bhutan, về mặt chính thức là nhằm huấn luyện quân đội nước này. Cùng năm 1962, Ấn Độ thua trận trước Trung Quốc, và Bắc Kinh chiếm lấy Aksai Chin ở tây bắc bình nguyên Tây Tạng. Tại Haa, quân đội Ấn nay sẵn sàng can thiệp khi có xung đột.
Trung Quốc đang từng bước sử dụng quyền lực mềm để tranh giành ảnh hưởng, chẳng hạn mời các nhà thương thuyết biên giới của Bhutan cùng với gia đình sang hành hương Phật giáo ở bất kỳ địa phương nào họ muốn. Bhutan nhỏ bé đang phải "đi dây" giữa hai cường quốc Châu Á láng giềng, nếu nghiêng về bên nào cũng có nguy cơ đánh mất chủ quyền lâu nay có được. Hồi năm 2012, thủ tướng Bhutan Jigmi Thinley chỉ bắt tay ông Ôn Gia Bảo, mà sau đó Ấn Độ đã hủy trợ cấp xăng dầu, và vài tuần sau ông Thinley thất cử.
Angela Merkel, nước Đức và tương lai Châu Âu
Nhìn sang Châu Âu, cây bút Dominique Moisi giải thích trên nhật báo Les Echos "Vì sao bà Angela Merkel phải tiếp tục là người đứng đầu nước Đức". Theo tác giả, tuy vị thế thủ tướng Đức có yếu đi do thất bại trong việc lập liên minh cầm quyền, nhưng bà Merkel vẫn phải là lãnh đạo nước Đức, vì tương lai Châu Âu chịu ảnh hưởng lớn vào điều này.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949, nước Đức mới bị một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy. Việc các đảng chính trị không thỏa thuận được để lập chính phủ liên minh, tuy là điều bình thường với các láng giềng Châu Âu, nhưng trường hợp nước Đức thì khác hẳn. Ít nhất là do ba nguyên nhân : vị thế của Đức tại Châu Âu, vai trò của bà Angela Merkel, và vấn đề lịch sử.
Theo tác giả, thất bại của bà Merkel là bài học cho việc đặt đạo đức lên trên chính trị. Khi mở cửa nước Đức cho một triệu di dân Hồi giáo, bà Angela Merkel đã tự đóng lại cánh cửa cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư. Chỉ có một nhân vật có thể cứu vãn được tình thế, đó là tổng thống Stenmeier, tuy lâu nay chỉ đóng vai trò tượng trưng, nay lại mang ý nghĩa chính trị to lớn.
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, cột trụ cho sự ổn định của mô hình dân chủ, trong thời buổi Brexit và Trump, cần phải đứng vững, vì một Châu Âu tốt đẹp hơn. Người Đức có thể dửng dưng với số phận của Angela Merkel, nhưng các nước Châu Âu thì không thể.
Iran mở rộng ảnh hưởng tận Đại Tây Dương
Còn tại Trung Đông, Le Figaro cho biết "Iran áp đặt sự tăng trưởng của phe Shia". Thông qua các lực lượng dân quân Shia, Tehran đã thiết lập được vùng ảnh hưởng kéo dài đến tận Đại Tây Dương.
Tờ báo cho rằng có một "trước và sau Abu Kamal". Thành phố cuối cùng của Syria nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) dọc theo dòng sông Euphrates chạy dài theo biên giới Iraq, vào giữa tháng 11 đã được quân của Assad tái chiếm cùng với các đồng minh Vệ binh Cách mạng Iran, dân quân Shia của Lebanon và Iraq. Lần đầu tiên kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979, đã hình thành được một hành lang nối liền Tehran với Baghdad, Damascus và Beirut. Dân quân Kurdistan, đồng minh Mỹ ở miền bắc Syria đã cố chận bước nhưng không thành công.
Tuy là thiểu số đối với Hồi giáo thế giới nhưng chiếm đa số ở Irak, người Shia đã nắm lại quyền từ sau cuộc chiến do ông Bush tiến hành, và người kế nhiệm Obama từ chối hỗ trợ quân nổi dậy Sunni vốn cố gắng lật đổ Assad từ năm 2011. Trong cuộc chiến tại các nhà nước yếu kém này, mô hình Iran tỏ ra rất hiệu quả, dựa trên lực lượng dân quân đôi khi còn mạnh hơn quân đội chính quy. Tehran dệt nên một mạng lưới chân rết địa phương, nên có thể kiểm soát mà không cần đổ quân ồ ạt tại thực địa.
Trong bài xã luận mang tên "Trò chơi lớn phương Đông", Le Figaro nhận định phương Tây hầu như đã để mặc cho Iran tự do hành động ở Syria. Bên cạnh trục Iran-Iraq-Syria, quân Hezbollah tung hoành ở Lebanon và tại Yemen, quân nổi dậy Houthis thách thức Riyad. Tehran theo hệ phái Shia có hẳn một dây chuyền vừa mang tính tôn giáo, vừa quân sự và chính trị để ra mệnh lệnh. Ngược lại hệ phái Sunni thì tản mác như rắn không đầu. Trong bối cảnh đó, nước Pháp tìm kiếm một giải pháp dung hòa, và vụ đưa thủ tướng Lebanon Saad Hariri ra khỏi Saudi Arabia là một bước khởi đầu, để tránh cho Lebanon không bị rơi vào vòng xoáy.
Tàu ngầm Argentina mất tích do quân đội kém trang bị ?
Về số phận chiếc tàu ngầm San Juan của Argentina mất tích cùng với 44 thủy thủ, Les Echos cho biết ngân sách èo uột của quân đội được cho là thủ phạm.
Chỉ chiếm có 1,07% tổng sản phẩm nội địa, ngân sách quốc phòng Argentina ngày càng chiếm vị trí hết sức khiêm tốn. Nỗi ám ảnh do thời kỳ độc tài quân sự (1976-1983) để lại với 30.000 người mất tích, và những thiệt hại trong cuộc chiến Malouines (Falklands) 1982 với Anh quốc, đã khiến Argentina tiến hành giải trừ quân bị từ thập niên 1990. Hiện nay, trên 80% ngân sách của quân đội được dùng để trả lương và lương hưu, chỉ có gần 5% để mua trang thiết bị.
Tờ báo La Nación có được nhiều báo cáo nội bộ, hôm Chủ Nhật 26/11 tiết lộ có những bất thường trong việc mua bình điện cho tàu ngầm đã được cảnh báo. Giáo sư Sergio Eissa, trường đại học Buenos Aires nhận định : "Sự kiện vừa qua không có gì bất ngờ, mà điều đáng ngạc nhiên là sao không xảy ra sớm hơn". Theo ông : "Argentina đang đối mặt với nghịch lý : làm thế nào một quốc gia có thể có sức nặng trên trường quốc tế nếu không có được một quân đội xứng tầm ?".
Cho đến nay, chính phủ vẫn từ chối nhìn nhận cái chết của thủy thủ đoàn chiếc San Juan, và mở rộng tìm kiếm. Hiện đã có 4.000 người tham gia với sự hỗ trợ của 12 quốc gia. Nữ dân biểu Elisa Carrió thuộc liên minh trung hữu cầm quyền thẳng thắn : "Tôi xin nói điều mà chính quyền không thể nói : tất cả chắc đều đã chết".
Thuốc ung thư, bạo hành phụ nữ, Trung Đông, Rohingya : Tựa chính báo Pháp
Đề tài chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay tập trung cho "Y tế : Quỹ an sinh tấn công vào giá trị phát minh". Giúp cho một lượng bệnh nhân ngày càng lớn có được thuốc trị ung thư mới mà không bị thâm hụt quá nhiều, đó là mục tiêu của Quỹ an sinh xã hội Pháp. Sau sáu tháng thương lượng, cơ quan này đã đạt được thỏa thuận về giá cả hai loại thuốc mới, tuy hiệu quả nhưng rất đắt tiền, hy vọng kềm được số chi khoảng 600 triệu euro một năm cho hai dược phẩm mới này.
Cũng trên lãnh vực xã hội, Libération quan tâm đến "Trẻ em nghèo, trường học ở tuyến đầu". Trước cảnh nghèo khổ của một số học sinh, các thầy cô giáo cố gắng giúp đỡ các em chỗ ở, thức ăn…
Le Mondedành chủ đề cho "Bạo hành tình dục, cú sốc toàn thế giới". Nhân Ngày thế giới đấu tranh chống bạo lực đối với phụ nữ, tờ báo điểm qua tác động vết dầu loang từ vụ Weinstein ở Hollywood, nay đã lan ra rất nhiều nước, với hàng loạt tố cáo không chỉ trong ngành giải trí mà cả truyền thông và chính trị.
Le Figaro nhìn sang vùng Trung Đông, chạy tựa trang nhất : "Lebanon, Syria, Iraq : Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng như thế nào". Iran đã trở thành một cường quốc khu vực mà ảnh hưởng trải dài từ biên giới Afghanistan cho đến Đại Tây Dương. Sự đối địch với Saudi Arabia làm khu vực Trung Đông thêm rạn nứt.
La Croix "Đến với người Rohingya, dân tộc vô tổ quốc". Nhân sự kiện Giáo hoàng Francis đến Miến Điện sáng nay, nhật báo công giáo đăng bài phóng sự về sắc dân thiểu số mà số phận đang được quốc tế quan ngại.
Thụy My
Bắc Kinh - Vatican : Xích lại gần nhau qua nghệ thuật (RFI, 22/11/2017)
Bắc Kinh và Vatican đang kiến tạo phương thức ngoại giao mới, "Ngoại giao nghệ thuật" để xích lại gần nhau. Tử cấm thành và Bảo tàng Vatican mùa xuân này sẽ trao đổi mỗi bên khoảng bốn chục tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Sự kiện này nằm trong nỗ lực từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh La Mã, đã bị cắt đứt từ năm 1951.
Chính sách "ngoại giao nghệ thuật" được giáo hoàng Francis thúc đẩy, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Reuters
Thông tín viên Olivier Bonel tại Roma tường trình :
"Người ta đã biết "ngoại giao gấu trúc" như là đòn bẩy đối ngoại cổ xưa của Trung Quốc. Người ta cũng đã từng biết đến "ngoại giao bóng bàn" với Mỹ dưới thời tổng thống Richard Nixon. Giờ đây, trong quan hệ giữa Vatcan và Bắc Kinh, đến lượt "ngoại giao nghệ thuật", như đã được bà Barbara Jatta, giám đốc bảo tàng Vatican, nhắc đến hôm qua (21/11)
Mối quan hệ ngoại giao đã được thúc đẩy dưới triều Giáo hoàng Francis, nay đang được cụ thể hóa bằng các trao đổi văn hóa như vậy. Ngay tháng ba tới, bốn mươi tác phẩm nghệ thuật của Vatican sẽ được trưng bày trong khu Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Sau đó các tác phẩm sẽ làm một vòng triển lãm ở 3 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải.
Tại Roma, bộ phận dân tộc học của Bảo tàng Vatican cũng sẽ nhận được khoảng bốn chục di vật khảo cổ đến từ đế chế Trung Hoa.
Cho dù quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh La Mã và Bắc Kinh vẫn bế tắc, nhất là trên vấn đề bổ nhiệm các giám mục, Vatican vẫn muốn củng cố "quyền lực mềm" trong ngoại giao văn hóa.
Cách đây đúng một năm, nhân dịp khánh thành khu biệt thự Castel Gandolfo của Tòa Thánh, nhiều nhạc công Trung Quốc đã tới để biểu diễn. Chủ đề của buổi hòa nhạc đó là : "Vẻ đẹp quy tụ chúng ta".
Anh Vũ
********************
Giáo Hoàng gặp chỉ huy quân đội Myanmar và người tị nạn Rohingya (VOA, 22/11/2017)
Giáo Hoàng Francis sẽ gặp chỉ huy quân đội Myanmar khi đến nước này, và sau đó gặp người tị nạn Rohingya khi ông đến Bangladesh. Hai chương trình này được bổ sung vào phút cuối trong lịch trình chuyến thăm của nhà lãnh đạo Công giáo La Mã đến hai nước Ðông Nam Á vào tuần tới, Reuters dẫn nguồn tin Vatican cho biết hôm 22/11.
Giáo Hoàng Francis sẽ gặp cả hai phía : quân đội Myanmar và người Hồi giáo Rohingya trong chuyến công du tuần tới.
Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, nói với các phóng viên rằng Giáo Hoàng sẽ gặp riêng người đứng đầu quân đội Myanmar tại Tòa Giám mục ở Yangon.
Ông cho biết thêm rằng "một nhóm nhỏ" người tị nạn Rohingya sẽ có mặt trong một cuộc họp liên tôn vì hòa bình tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào chiều thứ Sáu, 1/12.
Cả hai sự kiện đều không nằm trong lịch trình ban đầu của chuyến đi từ ngày 26/11 đến ngày 2/12 của Giáo Hoàng Francis.
Khoảng 600.000 người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine, miền bắc Myanmar, đã chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi xảy ra cuộc trấn áp của quân đội Myanmar, mà Liên Hiệp Quốc gọi là "thanh lọc sắc tộc".