Virus corona : Việt Nam tiếp tục biện pháp cách ly 4 khu vực (RFI, 23/03/2020)
Số lượng người nhiễm virus corona không ngừng tăng tại Việt Nam những ngày gần đây, với 121 trường hợp, tính đến chiều 23/03/2020. Đa số là người ở nước ngoài nhập cảnh. Tình trạng người nhà tập trung để "tiếp tế" dẫn đến nguy cơ lây chéo. Số ca nhiễm mới dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới. Hiện có 645 người bị nghi nhiễm virus. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường biện pháp cách ly 4 khu vực.
Chiến dịch chống Covid-19 : Phun thuốc khử khuẩn tại nhà một người vừa trở về từ Châu Âu, Hà Nội, ngày 22/03/2020. Reuters- JAMES PEARSON
Báo cáo tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/03, phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, dự đoán "sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước, nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh". Tình hình đã có nhiều điểm mới, buộc chính phủ tìm kiếm những giải pháp cụ thể phù hợp hơn. Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để tránh gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị, ngoài việc tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh, cần phải chú trọng hơn đến biện pháp cách ly, được triển khai thành bốn khu vực tập trung tại doanh trại, cơ sở y tế, đơn vị lưu trú và gia đình.
Trả lời RFI, bác sĩ Trường Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích : "Bốn phương án này có từ khá lâu. Trước hết là mình cách ly những người từ vùng dịch về, ngay khi bước xuống sân bay. Nếu lọt lưới sân bay thì sẽ cách ly ở nơi đã đến. Sau đó sẽ cách ly những người đã tiếp xúc với những người đã đến, chia ra làm hai bước khác nhau sau đó.
Thông thường, chúng ta biết nguồn lây nội tại ở Việt Nam là rất thấp, cho nên mình phải tìm nguồn lây từ ở nước ngoài về, mà hiện nay chính là những người đi từ máy bay xuống. Cho nên phải ngăn và cách ly những người đó lại và theo dõi đủ 14 ngày. Nếu một người nào đó, trong 14 ngày này mà xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm dương tính thì sẽ tìm thêm những người đi chung máy bay mà đã thoát khỏi lưới ở sân bay, rồi thông báo, tiếp tục tìm những người đó để đi cách ly, rồi thông báo cho những người đã tiếp xúc với những người đó - ở vòng hai. Rồi thông báo cho những người ở vòng hai đó có tiếp xúc với những người ở vòng ba hay không và cứ tiếp tục theo quy trình như vậy để làm sao mà không người nào mang mầm bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam để phát tán và lây lan cho người khác ở Việt Nam.
Thứ hai, nếu một người nào đó lọt vào một khu vực mà mình chưa biết thì mình cũng giới hạn đi lại đối với khu vực đó cho đủ 28 ngày hoặc 14 ngày. Những người trong khu vực đó, nếu có tiếp xúc rất gần với người phát triệu chứng sau khi được phát hiện, thì những người đó cũng phải đi cách ly và làm xét nghiệm.
Chỉ có cách này mới có thể giảm bớt khả năng virus lây lan ra ngoài môi trường, chứ không còn cách nào khác".
Thu Hằng
*****************
Khó khăn trong việc cách ly do Covid-19 ở Việt Nam (RFA, 23/03/2020)
Theo Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, được truyền thông trong nước dẫn lời ngày 23/3, trong số du học sinh Việt Nam của những gia đình có điều kiện từ khu vực Châu Âu trở về, có một số thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Do đó phía cơ quan chức năng phải dùng công an, an ninh cưỡng chế lên xe về các địa điểm cách ly.
Đoàn xe cổ động phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. AFP
Bộ Tư lệnh thủ đô đề nghị trước mắt không cách ly người Việt Nam tại các khách sạn, trừ người có hộ chiếu công vụ, khách quốc tế và chuyên gia, mà nên cách ly tại các đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến, khu lưu trú, ký túc xá.... Lý do vì không đủ nhân lực hàng ngày đến các khách sạn kiểm tra sức khoẻ, kiểm soát người bị cách ly và đề phòng lây nhiễm chéo.
Đó là những phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt tại cuộc họp trực tuyến phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng với các đơn vị trong toàn quân sáng 23/3.
Cũng tại cuộc họp này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên (Cục trưởng Quân y) cho biết, tại các cơ sở cách ly trong Quân đội vừa qua có hiện tượng gia đình tiếp tế lương thực cho người bên trong. Đồ ăn sau đó được mọi người chia sẻ cho nhau, hoặc tụ tập ăn uống không đúng vị trí quy định. Ngoài tụ tập ăn uống, một số người trong khu cách ly còn tụ tập đánh bài, đánh cờ, tổ chức các hoạt động giải trí, thể dục, thể thao tự phát gây nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao trong cộng đồng cách ly.
*****************
Bộ Y tế cảnh báo không tự dùng thuốc sốt rét để phòng chống Covid-19 (RFA, 23/03/2020)
Một người dân vừa bị nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc thuốc do tự ý uống 10 viên thuốc trị sốt rét Cloroquin Phosphat để phòng dịch Covid-19. Báo trong nước loan tin ngày 23/3.
Ảnh minh họa : Thuốc chứa chloroquine và hydroxychloroquine. AFP
Tin cho biết, sau khi uống thuốc, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu do có dấu hiệu ngộ độc, mặt đỏ bừng, mắt nhìn mờ, run tay.
Từ đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và được điều trị kịp thời, hiện sức khỏe đã ổn định.
Theo thông tin được truyền thông trong nước loan tải, gần đây giá thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để dự phòng, điều trị Covid-19.
Ngay sau đó, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đã gửi công văn hoả tốc đến các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó giải thích các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, da nhạy cảm với ánh sáng, chưa có chỉ định để điều trị Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt.
Vì vậy, đề nghị người dân không tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thực hiện theo Thông tư 52 của Bộ Y tế, cá nhà thuốc chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Covid-19 : Nga quảng bá rầm rộ về viện trợ quân sự giúp Ý chống dịch (RFI, 23/03/2020)
Chính quyền Nga thông báo viện trợ quân sự cho Ý vào tối thứ Bảy, 21/03/2020, và ngay lập tức quảng bá rộng rãi hoạt động này với công luận toàn thế giới. Máy bay quân sự Nga đã bay sang Roma. Trong những ngày kế tiếp, 100 quân y sĩ và y tá chuyên môn dịch tễ sẽ đến sau. Vì sao Moskva làm ồn ào ?
Một đơn vị quân y Nga, chuyên đối phó với dịch, chuẩn bị lên máy bay đến Roma, ngày 22/03/2020. ALEXEY ERESHKO / RUSSIAN DEFENCE MINISTRY / AFP
Từ Moskva, thông tín viên Paul Gogo tường thuật :
"Các thông báo của bộ Quốc phòng Nga liên tục rơi vào hộp thư điện tử của các thông tín viên quốc tế làm việc tại Moskva. Nước Nga viện trợ quân sự cho nước Ý chống dịch Covid-19 và điện Kremlin muốn mọi người biết việc làm này.
Đề nghị của Nga được Ý chấp thuận vào đêm thứ Bảy trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước. 100 quân nhân Nga và 9 máy bay vận tải sẽ đáp xuống căn cứ không quân Ý ở Pratica de Mare ở phía nam thủ đô Roma. Bộ Quốc phòng Nga còn cung cấp cho báo chí sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng của 100 chuyên gia quân y này : từng tham gia chiến dịch chống dịch heo Châu Phi, tham gia chế tạo vac-xin chống dịch Ebola và dịch hạch. Bên cạnh các quân y sĩ này còn có một khối lượng dụng cụ y tế khử trùng xe cộ.
Trợ giúp của Nga cũng như của Trung Quốc không phải là không có dụng ý.
Bởi vì tại nước Nga, chính quyền khẳng định là đã khống chế được Covid-19, trong khi trong giới y tế, nhiều bác sĩ phủ nhận các số liệu chính thức.
Tuy nhiên, vì Châu Âu đang bối rối trong tình trạng khẩn cấp, tại Mỹ, Donald Trump cũng đang chật vật đối phó với siêu vi Corona, nên Moskva không bỏ lỡ cơ hội tốt đánh lá bài kép, vừa nhân đạo vừa ngoại giao".
Bác sĩ Cuba đến hỗ trợ Ý
Đoàn chuyên gia Cuba đã đến vùng Lombardia để giúp Ý chống dịch virus corona. Dù là sứ mệnh tương ái, nhưng những nhiệm vụ y tế ở nước ngoài vẫn là nguồn thu ngoại hối chính của chính quyền La Havana.
Thông tín viên RFI Domitille Piron ở La Havana cho biết thêm :
"Họ có 52 người, chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung bình là 49, đã rời La Havana hôm thứ Bẩy 21/03/2020 để đến vùng Lombardia. Trên giấy tờ, những bác sĩ và y tá này đều là tình nguyện viên và họ sẽ ở lại Ý ba tháng. Họ sẽ phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc và Ý tại bệnh viện mới ở Bergamo. Những nhân viên y tế Cuba này có lợi thế kinh nghiệm, phần lớn từng tham gia chống dịch Ebola ở Châu Phi.
Vậy điều gì khích lệ họ đến Ý ? Đó là tinh thần tương ái sâu sắc, theo giải thích của một bác sĩ : 'Dĩ nhiên chúng tôi đều sợ, nhưng chúng tôi phải hoàn thành sứ mệnh cách mạng, chúng tôi gác sợ hãi sang một bên, chúng tôi không phải là những siêu anh hùng gan dạ, chúng tôi là những bác sĩ cách mạng".
Ý là nước Châu Âu đầu tiên cầu viện Cuba hỗ trợ y tế trong dịch Covid-19. Còn Cuba đã gửi hơn 300 nhân viên y tế đến năm nước vùng Caribbean và Trung Mỹ.
Trong khi đó, tại Cuba, một số người dân thắc mắc : Ai sẽ chăm sóc họ khi virus corona mới lây nhiễm trong cộng đồng ? Hiện tại, Bộ Y tế Cuba thông báo có 35 người nhiễm virus corona, một du khách Ý bị chết và có 950 ca nghi nhiễm đang được theo dõi ở bệnh viện. Chưa một biện pháp phong tỏa nào được Cuba đưa ra. Trường học, các cửa hàng, cửa hiệu và nhà hàng vẫn mở cửa. Tuy nhiên, Cuba đã đóng cửa biên giới đối với du khách, khoảng 60.000 khách nước ngoài đã phải rời khỏi hòn đảo".
Tú Anh - Thu Hằng
*****************
Covid-19 : Nga cấp tốc xây bệnh viện chống dịch gần Moskva (RFI, 22/03/2020)
Trong bối cảnh virus corona đang hoành hành dữ dội tại Tây Âu, tình hình dịch bệnh tại Nga có vẻ yên ắng. Số liệu chính thức sáng nay 22/03/2020 chỉ là 306 ca nhiễm Covid-19 và không một trường hợp tử vong. Chính quyền khẳng định vẫn kềm hãm được dịch bệnh, nhưng lại dự kiến là tình hình sẽ xấu đi trong những tuần tới. Một ví dụ cụ thể : Từ một chục ngày qua, hàng trăm công nhân đang cấp tốc xây dựng một bệnh viện 500 giường ở ngoại ô thủ đô Nga
Một công nhân đi ngang qua các tấm tranh cổ động nặng phong cách Liên Xô cũ tại công trường xây dựng một bệnh viện mới dành cho bệnh nhân Covid-19, ở ngoại ô Moskva. Ảnh chụp ngày 21/03/2020. Reuters - HANDOUT
Từ Moskva, thông tín viên RFI Paul Gogo tường trình :
Những con số liên quan đến công trình quả là to lớn : Hàng chục chiếc xe và phương tiện xây dựng, đèn chiếu sáng trải rộng trên 70.000 mét vuông, 35 công ty với hơn 5.000 công nhân làm việc cất lực trên công trường cả ngày lẫn đêm. Truyền hình Nga đã cho thấy cảnh nền của bệnh viện đã được đắp xong và các thành phần của bệnh viện đang dần dần được lắp ráp.
Các công nhân chỉ có hai tuần lễ để hoàn thành công việc xây dựng bệnh viện này, chuyên dùng cho các loại bệnh truyền nhiễm, có thể nhận đến 500 bệnh nhân. Tiếp theo đó, chính quyền sẽ xây dựng một ký túc xá có sức chứa 2.000 bác sĩ.
Một bức ảnh công bố trên báo chí Nga hôm qua 21/03 cho thấy các áp phích kiểu Liên Xô trước đây treo ở lối vào công trường để khích lệ công nhân. Một trong số này cho thấy hình một công nhân lực lưỡng cơ bắp với dòng chữ "Bạn đang mệt và tay đang nhức phải không ? Việc xây dựng tòa nhà này sẽ biến bạn thành một chiến binh".
Công trường xây dựng bệnh viện đã trái ngược với thái độ của chính quyền, đang chủ trương giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh tại Nga. Từ 19 ca nhiễm, số người mắc bệnh đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, và virus corona hiện đã lan rộng ra nhiều vùng của đất nước. Nhiều người Nga đã nghi ngờ các số liệu chính thức và đã quyết định tự cách ly mà không cần chờ lệnh từ chính quyền.
Trong lúc điện Kremlin như đang lo ngại về nguy cơ các ca nhiễm tăng vọt trong những ngày tới, thị trưởng Moskva, đơn vị phụ trách xây dựng cấp tốc bệnh viện này, vẫn từ chối ban hành lệnh phong tỏa đối với 14 triệu cư dân thành phố.
Trọng Nghĩa
******************
Virus corona : Nga nhất định trưng cầu dân ý, Putin ra vẻ bình tĩnh trước bệnh dịch (BBC, 22/03/2020)
Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch lớn cho mùa xuân này, tất cả nhắm vào việc nhấn mạnh sự ổn định và phô trương thanh thế.
Vladimir Putin dự định sẽ thách thức sự lây lan của virus corona
Nhưng chương trình nghị sự đó đã bị sự lây lan của virus corona và sự sụt giảm nghiêm trọng cả về giá dầu và đồng rúp cướp mất sự chú ý.
Tháng Tư đã được dành cho một cuộc trưng cầu dân ý để phê chuẩn những thay đổi trong hiến pháp, cho phép Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền trong tuổi bát tuần của mình.
Và tháng Năm được dự trù là sẽ có một cuộc diễu hành quân sự khổng lồ, đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng.
Nhưng tâm trạng mới ở Nga bây giờ là có thể đây là một trong những điều không lấy gì làm chắc chắn.
Một cuộc diễu hành mừng chiến thắng 75 năm sau Thế chiến Thứ hai vẫn được lên kế hoạch bất chấp những lo ngại về sự lây lan của virus corona
Cho đến giờ, cả cuộc trưng cầu dân ý lẫn buổi diễu hành vẫn chính thức diễn ra và ông Putin đang truyền tải một hình ảnh bình tĩnh trong thời kỳ hỗn loạn.
Ông Putin tuyên bố rằng sự bùng phát của virus corona nằm "dưới sự kiểm soát" ở Nga nhờ các biện pháp "kịp thời" của nước này, trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước lên án Châu Âu vì cách "quản lý" đại dịch và nhấn mạnh "sự thất bại của tình đoàn kết EU".
Vì vậy, khi các nhà lãnh đạo Châu Âu tập trung vào việc kiểm dịch và cơn khủng hoảng, Tổng thống Putin đã đến Crimea để kỷ niệm sáu năm kể từ khi Nga sáp nhập lãnh thổ này vào Nga từ Ukraine.
It's a deliberate show of business as usual : the president out and about, meeting crowds and shaking hands, not "social-distancing".
Đó là một màn trình diễn như thường lệ : tổng thống đi đó đây, gặp gỡ đám đông và bắt tay hẳn hòi, chứ không phải "hạn chế giao tiếp xã hội".
Nhưng đó chỉ là màn trình diễn.
Tất cả những người tiếp xúc gần gũi với Tổng thống Putin đều phải được xét nghiệm trước xem có bị nhiễm virus corona không.
Những người được sàng lọc qua xét nghiệm bao gồm tất cả những người đàn ông được gắn huy chương vào ngực của ở Crimea trong tuần này, cũng như nhân viên Kremlin và các nhà báo được công nhận. Vài tuần trước, họ chỉ bị kiểm tra nhiệt độ.
Ông Putin chưa được xét nghiệm, nhưng những người khác trong bức ảnh này, được chụp tại Sevastopol, ở Crimea, đều đã phải xét nghiệm.
"Chúng tôi coi đây là một bước hợp lý để tổng thống có thể tiếp tục công việc một cách tự tin", phát ngôn viên của ông, Dmitry Peskov nói với BBC.
Bản thân Vladimir Putin chưa được xét nghiệm.
"Ông không có triệu chứng gì, cảm thấy khỏe tuyệt vời và tiếp tục công việc của mình theo lịch trình", ông Peskov giải thích.
Nhưng tỷ lệ lây nhiễm ở Nga đã bắt đầu leo thang ngay cả theo số liệu chính thức, con số mà một người nghi rằng đang được ''mát xa''.
Vì vậy, mặc cho mô về Covid-19 của Tổng thống Putin như một thứ gì đó được nhập khẩu, một "mối đe dọa nước ngoài", các biện pháp bảo vệ đang gia tăng.
Chúng bao gồm tất cả mọi thứ từ đóng cửa biên giới và trường học đến lệnh cấm tụ tập đông người.
Nhưng không có lệnh nào bắt dân ở nhà và hôm Thứ Sáu, Kremlin nhấn mạnh rằng việc phong tỏa với Moscow là "hoàn toàn không được thảo luận".
Nhiều người nghi ngờ sự thận trọng này có liên quan trực tiếp đến cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp Nga và mong muốn đảm bảo con đường tái đắc cử của ông Putin càng sớm càng tốt.
Quá trình đó đã diễn ra quá nhanh một cách bí ẩn ngay từ khi bắt đầu, nó được mệnh danh là một "hoạt động đặc biệt".
Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã cảnh báo rằng việc tổ chức trưng cầu dân ý, đưa người đã hưu trí ra khỏi nhà giữa cơn đại dịch sẽ là "tội ác" và các quan chức đã nhấn mạnh rằng sự kiện này có thể bị hoãn vì an toàn dân chúng hoặc chuyển lên mạng.
Nhưng hôm thứ Sáu, ủy ban bầu cử của Nga tiết lộ kế hoạch đơn giản là cho bỏ phiếu trong suốt một tuần để hạn chế đám đông.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev nói với tờ Nezavisimaya Gazeta, rằng ''nhiều người muốn có cuộc trưng cầu dân ý, chứ không muốn hoãn nó,'' cho biết các quan chức vẫn hy vọng "mọi thứ sẽ qua đi" và Nga sẽ tránh được điều tồi tệ nhất.
Đối với một số người, cách tiếp cận dịch bệnh này khiến họ yên tâm. Có một câu nói phổ biến ở đây rằng biết càng ít biết thì bạn càng ngủ ngon.
"Chúng tôi không muốn nghe nhiều hơn, thật đáng sợ", Ksenia, một người bán kem ở vùng ngoại ô Moscow giải thích.
"Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải rửa tay và không đi ra ngoài quá nhiều, nhưng mọi người đã mua tất cả mọi thứ trong các cửa hàng và điều đó thật đáng sợ", bà nói.
Nhưng chỉ một vài dặm từ quầy bán hàng của bà, biểu tượng của cuộc khủng hoảng đang tiến vào Nga - và phần lớn thế giới - đang gia tăng mỗi ngày. Một bệnh viện tạm thời hoàn toàn mới đang được xây dựng với tốc độ nhanh nhất để chăm sóc tới 500 bệnh nhân bị nhiễm virus corona.
Ở những nơi khác, Bộ Quốc phòng báo cáo rằng họ đã tiến hành các cuộc tập trận khẩn cấp để kiểm soát virus và tất cả các khu vực của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu để kéo dài quyền lực của Vladimir Putin vẫn dự trù sẽ xảy ra trong ngày 22/4.
Sarah Rainsford
Covid-19 làm kinh tế Mỹ điêu đứng (RFI, 24/03/2020)
Ngày 23/03/2020, kế hoạch hỗ trợ kinh tế 2.000 tỷ đô la do chính quyền Donald Trump đề xuất đã không đạt được đồng thuận ở Quốc Hội. Đảng Dân Chủ chỉ trích bản kế hoạch này không dành nhiều ngân sách để hỗ trợ các bệnh viện.
Covid-19 khiến các trục xa lộ vào thành phố Los Angeles- California vắng chưa từng thấy. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới cả ngàn tỷ đô la. Reuters - LUCY NICHOLSON
Kế hoạch cứu trợ kinh tế của chính quyền Trump chỉ đạt được có 49 trong số 60 phiếu cần thiết. Ngoài những chỉ trích thiếu hỗ trợ cho các bệnh viện, các nghị sĩ đảng Dân Chủ còn cho rằng dự thảo kế hoạch thiếu các ràng buộc đối với việc dành quỹ tài trợ cho các doanh nghiệp lớn. Ngay lập tức, đảng Cộng Hòa cáo buộc phe đối lập gây cản trở vào lúc đất nước trong giai đoạn khẩn cấp.
Covid-19 lan rộng bắt đầu gây ra những tác động kinh tế trên khắp nước Mỹ. Khủng hoảng dịch tễ làm cho kinh tế bị dừng lại trong khi từ 10 năm qua Mỹ có mức tăng trưởng đều đặn. Các doanh nghiệp bị tê liệt, GDP sụt giảm mạnh. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ đô la.
Nhiều ngành nghề như dệt may hay thương mại lo sợ không có khả năng vực dậy. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Philippon, trường đại học New York, điều đáng lo nhất là tình trạng thất nghiệp. Chính quyền Mỹ đã không có những biện pháp cần thiết đúng lúc như sắp xếp việc thất nghiệp tạm thời chẳng hạn. Hàng triệu lao động tạm bợ có nguy cơ mất việc. Các phân tích của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng và có thể vượt mức 6%.
Lo ngại trước những tác động kinh tế do dịch virus corona gây ra, tổng thống Mỹ muốn xem xét lại các biện pháp phong tỏa. Chủ nhân Nhà Trắng dường như nhắm đến việc mở lại nhà xưởng từ đây đến cuối tuần tới bất chấp các khuyến cáo của giới chuyên gia theo đó việc cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại có nguy cơ dẫn đến bùng nổ các ca nhiễm bệnh trong khi mà đất nước đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Donald Trump : Chloroquine, lộc trời ban ?
Sự nóng lòng này của nguyên thủ Mỹ còn được thấy rõ trong việc thông báo cho thử nghiệm rộng rãi thuốc Chloroquine, một loại thuốc dùng để chữa bệnh sốt rét trong khi giới y khoa Mỹ vẫn còn tỏ ra cẩn trọng về hiệu quả của loại thuốc này.
Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tường thuật :
"Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng Quốc gia tỏ ra dè dặt về nghiên cứu tại Pháp về thuốc Chloroquine. Nhưng tổng thống Mỹ lại rất hồ hởi. Trên Twitter, ông quảng bá thuốc này và khẳng định rằng Chloroquine rất có thể sẽ được thử nghiệm trên diện rộng đối với những bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Thông báo này được ông Donald Trump đưa ra vào thứ Hai, 23/03/2020 mà không có sự hiện diện của ông Anthony Fauci.
Ông nói : ‘Dưới sự điều hành của tôi, chính phủ liên bang làm việc để có được số lượng lớn thuốc Chloroquine. Chúng ta có đến 10 ngàn đơn vị, sẽ được phân phát cho rất nhiều người vào sáng thứ Ba ở New York. Chúng ta chưa biết rõ nhưng đây là một cơ may thật sự và điều này sẽ có một tác động thật sự. Đó rất có thể sẽ món quà trời ban nếu như thuốc có tác dụng. Điều này có cơ may làm thay đổi tình thế.
Hydroxychloroquine, hay plaquenil, một loại thuốc chữa bệnh sốt rét khác cũng sẽ được thử nghiệm ở New York. Các bác sĩ kêu gọi cẩn trọng : Việc dùng quá liều là nguy hiểm và phải tránh mọi giá việc tự mua thuốc uống. Một người Mỹ đã chết vì tự chữa bệnh bằng một loại thuốc cùng loại với chloroquine".
Minh Anh
******************
Covid-19 : Mỹ chuẩn bị 4.000 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế (RFI, 23/03/2020)
Phát biểu trên đài truyền hình Fox News ngày 22/03/2020, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo chuẩn bị một kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỷ đô la, tương đương với 20 % GDP của Mỹ để cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả Covid-19 gây nên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trả lời họp báo tại Nhà Trắng, Washington, 17/03/2020. Reuters- Jonathan Ernst
Theo giải thích của bộ trưởng Mnuchin, chính phủ Mỹ "phối hợp với Ngân hàng Dự trữ Liên bang để có thể huy động được đến 4.000 tỷ đô la nhằm hỗ trợ kinh tế (…). Trong tình huống khẩn cấp hiện tại, Federal Reserve có thể cấp tín dụng kể cả cho các doanh nghiệp tư nhân".
4.000 tỷ đô la tương đương với 1/5 GDP của cả nước Mỹ. Covid-19 đe dọa nhiều doanh nghiệp Mỹ, đứng đầu là ngành hàng không dân dụng, khách sạn, và kể cả lĩnh vực giải trí.
Washington lo ngại virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động Mỹ nhất là khi tiêu thụ bị chựng lại, vì đã có gần 100 triệu dân Hoa Kỳ bị kêu gọi ở trong nhà, giới hạn các sinh hoạt hàng ngày. Cũng trong cuộc nói chuyện trên Fox News, ông Steven Mnuchin thông báo chính quyền Trump sẽ cấp cho mỗi người dân Mỹ 1000 đô la để khuyến khích tiêu thụ, trẻ em được 500 đô.
Thanh Hà
***************
Virus corona : Boeing cầu cứu chính phủ Mỹ (RFI, 22/03/2020)
Vận xui chưa buông tha với Boeing. Vào lúc dịch virus corona đang tiếp tục lây lan tại Mỹ, làm hơn 340 người chết, và gần 26.750 người bị nhiễm, chính quyền nhiều bang ra lệnh phong tỏa, hãng máy bay hàng đầu của Mỹ - Boeing, ngày thứ Sáu 20/03/2020, cầu cứu chính phủ, đồng thời thông báo ngưng chia cổ tức và ngừng mọi chương trình mua lại cổ phiếu cho đến khi có lệnh mới.
Ảnh minh họa : máy bay Boeing 737 Max Hoa Kỳ GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File
Theo AFP, ông David Calhoun – tổng giám đốc và ông Larry Kellner – chủ tịch hội đồng quản trị còn tạm ngưng tiền thưởng của mình cho đến cuối năm. Ông Calhoun, 62 tuổi, trở thành lãnh đạo hãng Boeing từ ngày 13/01/2020, thay ông Dennis Muilenburg, bị sa thải hồi tháng 12/2019, lẽ ra sẽ được trả mức lương cơ bản 1,4 triệu đô la.
Trên nguyên tắc, ông sẽ được trả thêm 7 triệu đô la nếu như ông thuyết phục được Cơ quan quản lý hàng không dân dụng dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay, ban hành ngày 13/03/2019 đối với loại Boeing 737 MAX sau hai vụ tai nạn hàng không làm 346 người thiệt mạng.
Uy tín đã bị tổn hại vì vụ tai tiếng 737 MAX, giờ đây lại cộng thêm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, làm nhiều hãng hàng không phải tạm ngưng việc nhận hàng hay hoãn các đơn đặt hàng mới, và làm hãng Boeing thêm khó vực dậy. Boeing đề nghị chính quyền liên bang hỗ trợ 60 tỷ đô la và chuỗi cung ứng nhằm tránh bị phá sản dây chuyền và sa thải ồ ạt.
Lời cầu cứu này đang gây chia rẽ chính quyền Washington. Nhiều cầu hỏi đang đặt ra : Có nên cứu trợ hãng này bằng tiền đóng thuế của dân hay không ? Nếu có, dưới những hình thức nào ?
Các hãng chế tạo máy bay khác của Mỹ như Lockheed Martin hay Northrop Grumman có thể đang thu hút sự chú ý và đang làm dấy lên nhiều lời đồn thổi trên thị trường.
Covid-19 làm đảo lộn các chiến dịch quân sự Mỹ
Vẫn theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper trả lời kênh truyền hình Mỹ hôm thứ Sáu 20/03/2020 cho biết các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới trong thời gian sắp tới có thể sẽ có những thay đổi.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tạm ngưng rút 5.000 binh sĩ về nước theo như các thỏa thuận ban đầu với phe Taliban. Tại Iraq và Syria, các chương trình huấn luyện binh sĩ cũng sẽ bị ngưng và cho hồi hương một số chuyên gia đào tạo. Các chương trình tập trận chung như với Hàn Quốc, tại Châu Phi hay cuộc tập trận lớn Defender-20 với Châu Âu hoặc bị hủy, hoặc bị giảm quy mô.
Binh sĩ Mỹ được lệnh ở trong trại, và bị cấm mọi di chuyển quốc tế, từ việc đi du lịch ở nước ngoài hay về nước thăm gia đình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định : "Nhiệm vụ số một đối với quân đội Mỹ vẫn là bảo đảm việc bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ đất nước và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài".
Minh Anh
Gần một tỷ người trên hành tinh bị phong tỏa vì đại dịch virus corona
Có thể nói hầu hết các báo Pháp ra đầu tuần này đều là những số báo đặc biệt chuyên về đại dịch Covid-19. Điều này có thể hiểu được khi mà virus corona tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt ở Pháp, cũng như ở các nước Châu Âu khác. Bảng tổng kết số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng lên từng ngày theo cấp số nhân, mặc cho các biện pháp chống dịch tiếp tục được tăng cường ở các quốc gia.
Quảng trường Piazza del Popolo, thủ đô nước Ý, vắng vẻ trong mùa dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 22/02/2020. Reuters - ALBERTO LINGRIA
Sau khi Trung Quốc kiềm chế được dịch virus corona giải tỏa cho hàng trăm triệu người khỏi cuộc sống cách ly, đến lượt phần còn lại thế giới bị rơi vào vòng phong tỏa. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận "Gần một tỷ người bị phong tỏa trên thế giới". Một làn sóng phong tỏa đang phủ kín địa cầu khi 40 nước đang lần lượt quyết định phong tỏa dân cư với hy vọng có thể ngăn được đà lây truyền của Covid-19. Theo tờ báo, tính đến ngày Chủ nhật, đã có khoảng 940 triệu dân trên địa cầu nằm trong diện phong tỏa. Tức là chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết như mua đồ ăn, đi chữa bệnh hay đi làm khi không thể làm việc tại nhà.
Trong số đó, có 21 nước áp dụng phong tỏa bắt buộc trên toàn quốc, vi phạm bị phạt tiền nặng. Đó là một loạt nước ở Châu Âu, bắt đầu từ Ý tới Tây Ban Nha, Pháp rồi qua nhiều nước ở khu vực Trung Cận Đông, Châu Á, Trung và Nam Mỹ, qua đến Châu Phi. Ở 19 nước khác, lệnh phong tỏa mới ở mức độ khuyến cáo, nhưng chắc chắn trong ít ngày nữa phong tỏa sẽ trở nên bắt buộc. Viễn cảnh Châu Âu và Mỹ không còn ai có thể ra đường tự do đang hiện dần. Les Echos dự tính trong những ngày tới số lượng dân số thế giới bị phong tỏa sẽ còn tăng gấp đôi khi mà các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Algeria, Nigeria đang cân nhắc các phương án phong tỏa diện rộng.
Nếu dịch không bị kiềm chế và tình hình lây lan còn kéo dài, hình thức phong tỏa sẽ còn bị thắt chặt hơn rất nhiều, thậm chí có thể tái hiện khắp nơi tình trạng của thành phố Vũ Hán cách đây một tháng. Ngoài ra những nước không áp dụng phong tỏa dân cư, nhưng cũng bắt đầu có các biện pháp như đóng cửa trường học, quán hàng không thiết yếu hay những tụ điểm giải trí, thể thao…
Trong bối cảnh chung như thế, theo Les Echos, Moskva tỏ ra khá bình thản với Covid-19. Tại Nga, cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Chính quyền Nga không có quyết định phong tỏa dân cư nào, tuy cũng đã cho đóng cửa biên giới. Trong Liên Âu duy nhất chỉ còn Hà Lan là vẫn bám giữ chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nhưng nước này cũng đã phải đóng cửa các nơi công cộng tập trung đông người.
Nhìn chung bức tranh toàn cầu về bệnh dịch đang phủ màu xám, chỉ có một chút mảng sáng ở phương đông. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở một số nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore. Les Echos nhận thấy, đó là "những nơi đã ổn định được tình hình nhờ các biện pháp triệt để : xét nghiệm đại trà, sử dụng khẩu trang, truy tìm dấu vết tiếp xúc của các ca bệnh, nhanh chóng cách ly những người thuộc diện nghi nhiễm". Những biện pháp đó đã khiến các nước này trả giá đắt về kinh tế, cũng như những hệ lụy về tâm lý xã hội, nhưng đổi lại họ đã được giải thoát.
Pháp : Bệnh viện có nguy cơ thất thủ
Đi đầu trên trận tuyến chống dịch là các bệnh viện, các y bác sĩ, thế nhưng trận tuyến này của Pháp, cũng như ở Ý hay Tây Ban Nha, đang có nguy cơ thất thủ, bởi bị quá tải trước số lượng ồ ạt bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế bất lực và suy sụp vì thiếu thốn phương tiện.
Nhiều tờ báo lớn như Le Monde, Le Figaro hay Les Echos đều phản ánh tình hình khủng hoảng ở các bệnh viện Pháp bằng những hàng tựa lớn trang nhất. Le Monde chạy tựa : "Các bệnh viện đối mặt với các ca bệnh nặng ào ạt đổ đến". Tờ báo ghi nhận tất cả hệ thống bệnh viện của nước Pháp từ vài ngày nay đang phải đối phó với "làn sóng" bệnh nhân. Đặc biệt tại các vùng nóng của dịch như Grand Est, Paris và vùng phụ cận (Île de France) hay Haut-Rhin, tất cả các bệnh viện đã trong tình trạng bảo hòa, không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hồi sức tích cực. Các bệnh viện đã được giảm tải rất nhiều khi mà đại đa số các ca nhiễm chưa đến mức độ kịch phát đều tự cách ly tại nhà, được các bác sĩ tại địa phương theo dõi chăm sóc.
Với hàng tựa : "Île de France : các bệnh viên đang đối mặt với làn sóng cuộn", Le Figaro cho biết, Paris và vùng phụ cận đã có 665 bệnh nhân Covid-19 đang phải hồi sức tích cực. Trong những ngày tới các bệnh viện vùng thủ đô sẽ bị nhanh chóng quá tải với các ca bệnh nặng. Tờ báo ghi nhận cả vùng Paris hiện chỉ còn vài giường bệnh hồi sức tích cực và chắc chắn sẽ bị chiếm hết trong một hai ngày nữa. "Các bệnh viện đang phải tổ chức lại từng ngày : Các phòng chăm sóc thường xuyên chuyển thành phòng hồi sức cho bệnh nhân nặng. Các phòng hậu phẫu giờ cũng được chuyển thành phòng sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân cần hồi sức. Các nhân viên y tế được đào tạo gấp tại chỗ về hồi sức…".
Theo Le Figaro, vùng Paris (Île de France) có tất cả 408 cơ sở y tế công và tư, có khả năng đáp ứng tối đa 1.200 giường bệnh hồi sức tích cực và 3.000 giường chăm sóc thường xuyên. Nhưng với tốc độ lây lan của dịch như hiện nay, tăng hơn 10% ca nhiễm mỗi ngày, thì các cơ sở bệnh viện trên không những không đủ đáp ứng về giường bệnh mà cả nhân viên y tế cũng bị khủng hoảng trầm trọng.
Chính vì thế hiệp hội các bệnh viện Paris đã kêu gọi các bác sĩ tình nguyện để tăng cường cho các nhóm chăm sóc của 39 bệnh viện trong vùng để chuẩn bị đón làn sóng mới các bệnh nhân nặng trong những ngày tới.
Tờ báo ghi nhận, không chỉ thiếu giường cấp cứu cho các ca bệnh nặng mà đội ngũ các thầy thuốc ở khắp các bệnh viện cũng đang kiệt sức với nhịp độ công việc kinh hoàng và nỗi lo sợ bị lây nhiễm virus từ chính những người được họ chăm sóc. Đã có những nhân viên cấp cứu nhiễm virus và một bác sĩ bị chết vì Covid-19.
Bài học nhãn tiền trong khủng hoảng virus corona ở Pháp
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải trước một bệnh dịch chưa từng có cả trăm năm nay là các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, nhân sự do cắt giảm đầu tư cho y tế từ 10 năm nay. Vấn đề này đã được La Croix nêu ra trong bài xã luận mang tiêu đề "Bài học từ những sai lầm của chúng ta".
Xã luận của La Croix viết : "Một thực tế là nước Pháp đã không đủ chuẩn bị với trận dịch này. Tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước sát trùng và xét nghiệm từ nhiều ngày nay đang khiến các nhân viên y tế phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó là chính đáng. Cách đây 9 năm, đất nước chúng ta có 800 triệu khẩu trang cho phẫu thuật. Tháng trước, chúng ta chỉ còn có 117 triệu chiếc, trong khi mà nhu cầu tối thiểu hiện nay ước tính khoảng 24 triệu cái mỗi tuần. Đến mùa xuân năm 2020 này, nước Pháp mới lộ ra cho thấy mình cũng phải nhờ cậy vào cứu trợ khẩn cấp của Trung Quốc".
Tờ báo nhấn mạnh "tình trạng này không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là hệ quả của các quyết sách chính trị" mang nặng tính kinh tế. Tuy nhiên La Croix cho rằng bây giờ chưa phải là lúc để suy xét hay chỉ trích các quyết định chính trị. Việc khẩn cấp lúc này là tập hợp sức mạnh cùng chiến đấu chống virus corona. Quyết định của chính phủ trưng dụng cơ sở vật chất y tế để chống dịch là hướng đi đúng, cũng như trong tuần nhiều công ty lớn nhỏ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến để sản xuất hoặc làm tăng viện cho kho vật tư mà các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đang rất cần. Xã luận tờ báo cũng ghi nhận việc hai viện Quốc hội đã nhanh chóng nhất trí thông qua luật "Tình trạng Y tế khẩn cấp". Tờ báo hy vọng tinh thần đoàn kết trách nhiệm này trong tương lai sẽ lặp lại "để làm sáng tỏ những thiếu sót trong việc tiên liệu khủng hoảng lần này. Đây là công việc cần thiết, không phải để tìm thủ phạm mà để rút ra bài học từ những sai lầm của chúng ta".
Chống dịch Covid-19 : Bài học từ Châu Á ?
Trong loạt bài về đại dịch virus corona, nhật báo Les Echos có bài viết đáng chú ý của tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne - Pháp, với tựa đề : Cuộc chiến chống dịch : "Bài học về ý thức công dân của Châu Á"
Theo tác giả bài báo, các chế độ Trung Quốc cũng như Hàn Quốc hay Đài Loan đã đẩy lùi thành công dịch virus corona bởi vì văn hóa Châu Á đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Một ý thức tập thể mà phương Tây đã đánh mất và cần khẩn cấp tái lập.
Tác giả Moisi nhận thấy, giờ đây khi đã kiểm soát được dịch bệnh trên lãnh thổ của mình, chính quyền Bắc Kinh đang nắm lại cơ hội để "quảng bá quyền lực mềm Trung Quốc. Sự lúng túng của Châu Âu và Mỹ trong xử lý khủng hoảng dịch càng làm cho họ có điều kiện làm việc đó". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh : "cuộc khủng hoảng virus corona không chứng minh được sự vượt trội của mô hình toàn trị Trung Quốc mà nó chỉ chứng tỏ những hạn chế của chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ ở phương Tây. Châu Âu và Mỹ, trên khía cạnh chống dịch virus corona, cần phải học Châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc". Vấn đề không phải là thể chế chính trị mà là ý thức công dân.
Theo tác giả, nếu như nước Ý rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay là do nhiều nguyên nhân : thiếu thốn vật tư thiết bị y tế, độ tuổi dân số cao, mật độ dân cư khu vực miền đông bắc… nhưng một trong những lý do ban đầu là ý thức công dân, thiếu tôn trọng các quy định an toàn sơ đẳng. Về vấn đề này Pháp cũng không hơn gì Ý.
Những hình ảnh đoàn người dân đô thị lớn vội vã ra ga tháo chạy khỏi thành phố tránh bị phong tỏa hay hàng dài người đổ xô đến các siêu thị vơ vét tích trữ hàng, rồi nhiều người thản nhiên đi dạo như không có chuyện gì trong khi bị phong tỏa là những bằng chứng đáng báo động về ý thức công dân.
Anh Vũ
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 31/12/2019. Trong một khoảng thời gian ngắn, virus đã trở thành đại dịch toàn cầu, một điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại.
Một phụ nữ đeo khẩu trang bảo vệ khi cô và những người khác chờ trả tiền tại siêu thị trong khi dịch coronavirus (Covid-19) bùng phát ở Mexico City, Mexico ngày 13/3/2020. (Ảnh : Reuters / Henry Romero / NTB / Scanpix)
Tuy nhiên, tốc độ lan truyền chóng mặt có thể là triệu chứng của một hiện tượng mà Thomas Hylland Eriksen, giáo sư tại Khoa Nhân học Xã hội, đã rất quen thuộc : quá nóng.
Hylland Eriksen nói : "Trong dự án nghiên cứu Overheating[1] (quá nóng) của mình, chúng tôi đã khám phá những thay đổi tăng tốc không kiểm soát, không có bộ điều nhiệt để làm mát quá trình. Coronavirus nhắc nhở chúng ta về việc thế giới gắn kết chặt chẽ với nhau như thế nào và chúng ta thực sự kiểm soát nó ra sao".
Mạng trở nên hữu hình trong thời kỳ khủng hoảng
Nền kinh tế toàn cầu của chúng ta đang ở trong tình trạng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Sản phẩm được sản xuất ở phía bên kia của thế giới và được vận chuyển đến các cửa hàng của chúng ta bằng máy bay và tàu container. Bò sản xuất sữa có trên bàn ăn của chúng ta và thịt bò trong đĩa của chúng ta được nuôi bằng đậu nành từ Brazil. Mỗi ngày du lịch và công nghiệp liên tục vẽ ra những đường dây mới xuyên qua hành tinh. Những mạng lưới vô hình tràn ngập thế giới chỉ trở nên hữu hình khi khủng hoảng xảy ra.
"Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta không nhìn thấy các giàn khoan dầu ở Biển Bắc, hoặc các tàu container vận chuyển hàng hóa trên biển. Chúng ta không thấy sóng điện từ cho phép chúng ta sử dụng điện thoại di động hoặc Internet. Nhưng khi nó không hoạt động, chúng ta nhận thấy điều đó", Thomas Hylland Eriksen nói.
"Chỉ sau đó chúng ta mới bắt đầu thấy tính dễ bị tổn thương của hệ thống. Nếu chúng ta thực sự muốn diệt virus, chúng ta cần phải dừng tất cả các thông tin liên lạc công cộng, tất cả phương tiện giao thông. Sau đó, chúng ta sẽ thực sự trải nghiệm việc chúng ta phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng toàn cầu như thế nào". ông nói.
Qua một số trường hợp được điều tra trong dự án Quá nóng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một cơ chế gọi là hiệu ứng cánh bướm, trong đó các sự kiện nhỏ có thể gây ra những biến động lớn lâu dài. Ý tưởng này dựa trên hình ảnh một con bướm vỗ cánh ở Rio de Janero (Brazil), sau đó tạo ra một số hiệu ứng gợn gây ra một trận bão tuyết ở New York (Mỹ).
Theo Hylland Eriksen, một mô hình tương tự có thể áp dụng với coronavirus.
"Nó bắt đầu như một sự bùng phát cục bộ ở Trung Quốc, và bây giờ các sàn giao dịch chứng khoán đang giảm, các công ty hàng không sắp phá sản và các đường băng, trường học, sự kiện và các động mạch giao thông đang bị đóng cửa". ông nói.
Chúng ta cần sống chậm hơn
Mặc dù lo lắng về virus và thiệt hại ngày càng tăng mà nó gây ra, Hylland Eriksen tin rằng tình huống này cũng có thể giúp tạo ra những kết quả tích cực. Ông đã bắt đầu một dự án nghiên cứu được Hội đồng nghiên cứu Na Uy tài trợ, liên quan đến việc tìm hiểu hiện tượng Covid-19, với tên gọi "From Vulnerability to Sustainability" (Từ dễ bị tổn thương đến bền vững).
Hylland Eriksen nói : "Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng này có thể khiến chúng ta nhận thức rõ hơn rằng chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm ít hơn và làm nhiều việc chậm hơn". Ông đã mô tả sự rượt đuổi hạnh phúc của chúng ta trong một xã hội giàu có trong cuốn sách "The Big Bad Wolf Syndrome" (Hội chứng sói xấu lớn), xuất bản năm 2008, rằng : các nghiên cứu cho thấy từ những năm 1950 chất lượng cuộc sống ở Na Uy đã giảm đi, mặc dù sự giàu có, linh động và tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ tăng lên.
"Chúng ta cần giữ nhận thức toàn cầu của mình, nhưng hành động nhiều hơn ở cấp địa phương. Chúng ta cần sống chậm hơn, đi lại ít hơn bằng máy bay và ăn ít thịt. Chúng ta cần phải làm bánh mì bột chua và đi dạo trong rừng. Tôi không muốn loại trừ một sự thật rằng những thay đổi như vậy có thể xảy ra như là một tác dụng phụ không chủ ý của đại dịch này. Nếu bây giờ chúng ta buộc phải chậm lại, có lẽ lần sau chúng ta sẽ phát hiện ra rằng thật tốt khi giảm tốc độ", ông nói.
Dịch bệnh đem đến thay đổi
Đây không phải là lần đầu tiên một dịch bệnh thay đổi tiến trình lịch sử. Giáo sư Hylland Eriksen đề cập đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã có thể liên quan đến bệnh dịch hạch như thế nào. Cái chết đen có thể xảy ra như thế nào trong sự kết thúc của chế độ phong kiến và sự khởi đầu của kỷ nguyên hiện đại ở Châu Âu. Thực tế là một số lượng lớn dân số người bản địa ở Mỹ đã chết vì người Châu Âu đem tới những căn bệnh mà họ đã quen vì họ đã sống với các vật nuôi một thời gian dài, những bệnh dịch cũng được sử dụng làm vũ khí trong các vụ thảm sát.
"Tôi không muốn suy đoán liệu chúng ta có đang chứng kiến điều tương tự như thế hay không. Mọi người đã khóc sói quá nhiều lần trong vài năm qua trong các dịch bệnh nhỏ hơn liên quan đến SARS và cúm lợn. Nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng hơn. Có một cái gì đó về sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong các trường hợp nhiễm trùng. Một khi bụi đã ổn định sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để xem xét lại liệu chúng ta có thực sự muốn có một thế giới quá nóng hay không", Hylland Eriksen nói.
Erik Bjørnstad Engblad
Nguyên tác : The world with viruses : Reminding us how little control we have, Science Norway, 18/03/2020
Lê Lam (dịch)
Nguồn : Viet-studies, 23/03/2020
[1] https://www.sv.uio.no/sai/english/research/projects/overheating/index.html
Việc không xác định được nguồn lây nhiễm có thể mang đến nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Một vài ca nhiễm lẻ xuất hiện đột ngột có thể là dấu hiệu của cơn bão lớn đang tới gần.
Bệnh "viêm phổi Vũ Hán" (Covid-19) do virus corona chủng mới gây ra có một đặc điểm rất đáng lo ngại, đó là nó có thể lây cho người khác trong khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng, do đó gây khó khăn cho việc truy được nguồn gốc để từ đó khoanh vùng, cách ly, làm giảm thiểu mức độ lây lan của dịch.
Việc không xác định được nguồn lây nhiễm có thể mang đến nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Ảnh : Shutterstock
Nhiễm bệnh không triệu chứng – quả bom nổ chậm
SCMP dẫn một báo cáo mới đây của Trung Quốc cho thấy số các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán không xuất hiện triệu chứng có thể chiếm tới một phần ba tổng số ca nhiễm. Cụ thể, đến cuối tháng 2, hơn 43.000 người ở Trung Quốc đã xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng họ không xuất hiện triệu chứng, do vậy họ không được gộp vào con số chính thức những ca nhiễm được xác nhận mặc dù cũng được đưa đi cách ly và theo dõi.
Hàn Quốc cũng đã tiến hành xét nghiệm diện rộng và phát hiện ra khoảng 20% số ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng, thậm chí cho tới tận lúc ra viện. Hồng Kông cũng áp dụng xét nghiệm cho tất cả các hành khách đi vào thành phố dù họ không có triệu chứng. Trong khi đó, nhiều nước ở Châu Âu hay Mỹ chỉ có số người xuất hiện triệu chứng rõ rệt mới xét nghiệm.
Diễn biến dịch bệnh hiện tại trên thế giới cho thấy tình hình ở Hàn Quốc hay Hồng Kông đang được kiểm soát khá tốt, trong khi tại Châu Âu và Mỹ, số ca nhiễm đang ngày càng tăng mạnh. Như vậy, việc xác định ca nhiễm virus (cho dù có triệu chứng hay chưa), khoanh vùng, cách ly có thể giúp giảm thiểu đáng kể sự lây lan của virus.
Nhiễm bệnh không triệu chứng khiến sự lây nhiễm lan rộng ra cộng đồng, và với nhiều quốc gia, nó đã trở thành tình trạng không thể kiểm soát.
Lấy ví dụ nước Mỹ. Mỹ phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng (nhiễm bệnh nhưng không rõ nguồn lây) đầu tiên ở California vào ngày 27/2. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khi đó không xác định được bệnh nhân khi đó đã nhiễm virus như thế nào vì người này không đi nước ngoài, cũng không tiếp xúc với người nào về từ vùng dịch. Tiếp sau đó, Mỹ phát hiện thêm 3 trường hợp khác cũng nhiễm bệnh không rõ nguồn lây. Điều này có thể có nghĩa là còn nhiều ca nhiễm khác ở bên ngoài và cũng có nghĩa là những người bệnh này có thể đã lây bệnh cho những người khác.
Vào ngày 27/2, Mỹ mới có 60 ca nhiễm, trong đó 42 ca trở về từ du thuyền Diamond Princess (đã được cách ly ngay sau khi hạ cánh) và 16 ca trong nước. 5 ngày sau, ngày 3/3, Mỹ đã có 102 ca nhiễm. 10 ngày sau nữa, ngày 13/3, Mỹ đã có 1.762 ca nhiễm. Đến nay, ngày 23/3, số ca nhiễm của Mỹ là hơn 33.500 ca.
Một ví dụ khác ở Canada. Ngày 5/3, Canada phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở bang British Columbia. Bệnh nhân không đi tới vùng dịch hay có liên hệ với bất kỳ một bệnh nhân Covid-19 nào trước đó. Khi đó, Canada có 46 ca nhiễm bệnh. Một tuần sau, 13/3, Canada có 158 ca nhiễm. Tới hôm nay, ngày 23/3, số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 1.470 trường hợp.
Iran cũng là một ví dụ về lây nhiễm cộng đồng. Quốc gia vùng Trung Đông xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên vào ngày 19/2 ở Qom. Đây cũng là 2 trường hợp tử vong do viêm phổi Vũ Hán đầu tiên của Iran, họ qua đời chỉ vài giờ sau khi được đưa vào viện. Cho đến nay, nguồn lây của 2 ca đầu tiên này vẫn là ẩn số, nhưng nó chứng tỏ một điều rằng, đã có sự lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng từ trước đó mà chưa được phát hiện.
Việt Nam có nguy cơ xảy ra lây nhiễm cộng đồng ?
Tính đến ngày 23/3, Việt Nam đã có 123 ca nhiễm virus Vũ Hán. Trong số các bệnh nhân (Bệnh nhân) mới được xác nhận, một số trường hợp đang cho thấy nguy cơ lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra, do không xác định được nguồn lây, hay do diện tiếp xúc của bệnh nhân quá rộng.
Một số trường hợp đáng lo ngại như sau :
1) Bệnh nhân 86 và 87 : 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Bệnh nhân 86 :
Ngày 6/3 bệnh nhân đi nghỉ cùng gia đình tại Côn Đảo, theo hành trình Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh (chuyến bay Việt Nam 7209) và Thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo (Việt Nam 8059).
Ngày 8/3 bệnh nhân bay ra Hà Nội (không nhớ rõ chuyến bay).
Ngày 9/3 bệnh nhân đi làm bình thường, không có biểu hiện lâm sàng.
Ngày 11/3 bệnh nhân có triệu chứng tức ngực, không ho, không sốt và nhập viện Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai (C4) điều trị theo hướng tăng huyết áp, đau thắt ngực (bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp) trong 4 ngày.
Ngày 19/3 bệnh nhân được xét nghiệm sàng lọc và cho kết quả dương tính, được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 87, làm cùng Bệnh nhân 86 :
Ngày 18/3 bệnh nhân có triệu chứng như : mệt, ho, sốt và được làm xét nghiệm, có kết quả dương tính với virus. Qua rà soát cho thấy bệnh nhân có nhiều lần tiếp xúc gần với Bệnh nhân 86.
Như vậy, Bệnh nhân 86 có triệu chứng trước Bệnh nhân 87, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính lại có sau Bệnh nhân 87. Cho tới hiện tại, chưa xác định được Bệnh nhân 86 lây cho Bệnh nhân 87 hay ngược lại, và nguồn lây đầu tiên của 1 trong 2 bệnh nhân là từ đâu. Hiện con gái của Bệnh nhân 86 cũng đã được xác nhận nhiễm virus, là Bệnh nhân 107.
2) Các bệnh nhân là người nước ngoài, gồm Bệnh nhân 91, 97, 98, 119, 120
Bệnh nhân 91, quốc tịch Anh, là phi công hãng Vietnam Airlines. Ngày 8/3, bệnh nhân bay từ London (Anh) về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN10. Tiếp sau đó, bệnh nhân có nhiều lịch bay nhưng chưa nhớ rõ lịch trình các chuyến bay quốc tế, quốc nội. Ngày 16/3, bệnh nhân là phi công trên chuyến bay VN272 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội và VN607 chiều từ Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng ngày.
Từ ngày 13 đến 18/3, Bệnh nhân 91 lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí (gồm quán bar Buddha). Ngày 17/3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho và đến chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám, xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18/3.
Bệnh nhân 97, quốc tịch Anh, trú tại Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân ở Malaysia trong 2 tuần trước khi về Việt Nam, ngày 14/3/2020 có đến quán Bar Buddha (nơi Bệnh nhân 91 cũng tới cùng ngày). Bệnh nhân 98 cùng quốc tịch Anh, cùng trú với Bệnh nhân 97. Bệnh nhân từ Malaysia về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 06/3/2020 ; cùng Bệnh nhân 97 đến quán Bar Buddha ngày 14/3/2020. Hai bệnh nhân đi xét nghiệm vào ngày 20/3 và có kết quả dương tính ngày 21/3.
Bệnh nhân 119, quốc tịch Mỹ, trú tại Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 1/3 đến ngày 15/3/2020, bệnh nhân thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và về lại Việt Nam ngày 15/3/2020.
Bệnh nhân 120, quốc tịch Canada, trú tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân từ Canada vào Việt Nam từ ngày 11/2/2020 đến nay, bệnh nhân trực tiếp tiếp xúc với Bệnh nhân 91 từ ngày 14/3/2020 tại một số quán ăn, nơi vui chơi, trong đó có quán Bar Buddha.
Như vậy, các bệnh nhân trên đều có lịch trình phức tạp và dày đặc trước khi được xác nhận nhiễm bệnh, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
3) Bệnh nhân 100
Bệnh nhân 100 trú Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 3/3/2020, bệnh nhân từ Kuala Lumpur (Malaysia) về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Air Asia số hiệu AK524.
Từ ngày 4 đến 17/3, bệnh nhân đi lễ 5 lần/ngày tại thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar – số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi xuất hiện Bệnh nhân 61 (người Ninh Thuận, được xác nhận dương tính sau khi dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia), ngày 18/3, Trung tâm Y tế Q.8 lấy mẫu giám sát tất cả các đối tượng dự lễ hội từ Malaysia, kết quả xác nhận người này (Bệnh nhân 100) dương tính với virus.
Với lịch trình tiếp xúc nhiều đám đông liên tục, Bệnh nhân 100 cũng là trường hợp tiềm ẩn nguy cơ lây virus ra cộng đồng.
Tuy nhiên, trường hợp Bệnh nhân 100 cũng cần nói rõ như sau :
- Bệnh nhân 100 về nước ngày 3/3 từ Malaysia, là thời điểm Việt Nam chưa có quy định về cách ly. Malaysia khi đó chỉ có 29 ca nhiễm và không phải là "vùng dịch".
- Ngày 4/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói "nếu 1 tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch".
- Ca nhiễm thứ 17 công bố vào tối 6/3.
- Ngày 12/3, Bộ Y tế công bố quy định về tự cách ly tại nhà đối với "người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định". Tuy nhiên, Bệnh nhân61 đến ngày 16/3 mới được xác định nhiễm bệnh.
Ngày 18/3, Bộ Y tế mới thêm quy định bắt buộc cách ly khách về từ ASEAN.
Như vậy, việc một số nơi đang quy kết Bệnh nhân100 vi phạm quy định cách ly là không chính xác, mặc dù bệnh nhân này cũng nên tự ý thức thời điểm dịch bệnh phức tạp thì dù từ vùng dịch về hay không cũng nên hạn chế đi lại, tiếp xúc.
Đáng lưu ý, từ khi Bệnh nhân100 về nước (ngày 3/3) đến khi lấy mẫu xét nghiệm dương tính (ngày 18/3), là tổng cộng 15 ngày, Bệnh nhân vẫn chưa có triệu chứng, nên cũng chưa thể kết luận Bệnh nhân100 bị nhiễm bệnh ở Malaysia hay do tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh nào đó chưa được xác định tại Việt Nam.
***
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, công dân Việt Nam nên hạn chế ra đường, tụ tập đông người, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương về phòng, chống dịch.
Lê Xuân
Nguồn : Trithuc.vn, 23/03/2020
Đã có hàng chục ngàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới quay về Việt Nam (1) và sắp tới sẽ có vài chục ngàn người Việt nữa trở về từ các ổ dịch ở Châu Âu, Châu Á (2). Lối thông tin của các viên chức hữu trách và phương thức tuyên truyền của hệ thống truyền thông chính thức đang biến những công dân Việt Nam quay về với gia đình, quê hương trở thành một loại… ký sinh trùng, vừa… đáng khinh, vừa… đáng giận. Bên dưới tấm áo khoác "nhân đạo" và "ưu việt" là tội ác : Kích động người Việt cắn xé lẫn nhau…
'Yêu nước là đứng yên, yêu nước không phải là trở về' (Ảnh : NT)
***
Ít nhất chuỗi thông tin quảng bá về sự "nhân đạo" và "ưu việt" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong phòng - chống dịch viêm phổi Vũ Hán đã tạo ra một tác động mà các viên chức hữu trách ở Việt Nam không ngờ : Hàng chục ngàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới dắt díu nhau trở về khi khu vực họ đang học hành, làm việc đã hoặc sắp trở thành ổ dịch. Trong giai đoạn đầu, sự kiện này tiếp tục được khai thác như một bằng chứng thuyết minh thêm cho sự "nhân đạo" và "ưu việt" đó !
Đến tuần này, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam dấn thêm một bước trong hoạt động tuyên truyền nhằm khắc họa đậm hơn sự "ưu việt" và "nhân đạo" của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta : Khai thác sâu phản ứng của một phụ nữ từ Châu Âu trở về Việt Nam – chỉ trích gay gắt việc bị tạm giữ quá lâu tại phi trường Nội Bài giữa đám đông những người giống hệt như cô, không biết đã bị nhiễm virus hay chưa vì từng ngụ tại khu vực có dịch !
Khoan bàn đến phản ứng của người phụ nữ ấy đúng hay sai. Hãy xét các đặc điểm của loại virus đang gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán và đặt chính mình vào vị trí những người bị tạm giữ năm, mười tiếng giữa đám đông mà ai cũng bị xếp, thậm chí tự nguyện xếp chính họ vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Đâu có ai chống cách ly và xét nghiệm ! Đòi được cách ly sớm hoặc tự lo cách ly để không phải ở giữa những người mà ai cũng có thể là nguồn lây nhiễm cao chẳng lẽ vừa đáng lên án, vừa cần trừng trị thẳng tay ?
Không phải tự nhiên mà ngày 19 tháng 3, giới hữu trách ở Việt Nam phải tự điều chỉnh phương thức tiếp nhận những người Việt từ nhiều nơi ở Châu Âu, Châu Á trở về nhà : Không buộc họ phải chờ đợi tại phi trường năm, mười tiếng như cô gái nọ mà đưa thẳng họ về khu vực cách ly rồi mới thực hiện khai báo y tế và tổ chức xét nghiệm (3). Tuy "nhân đạo" và "ưu việt" nhưng trước đây, các viên chức hữu trách không nhận ra, lối tiếp nhận trước đó và bị phản ứng, gia tăng rủi ro cho các đương sự và cộng đồng.
Tuy vậy, đến giờ này, vẫn còn những cơ quan truyền thông thu thập ý kiến của nhiều nhân vật được xem là "người của công chúng" như ca sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu… xỉa xói những người như cô gái vừa đề cập. Theo đó, họnên biết thân, biết phận vì có ở ngoại quốc thì cũng chật vật kiếm từng đồng bạc lẻ chứ không phải là… thượng lưu, quý tộc (3) ! Dạy dỗ họkhông nên hành xử… vô học ! Cáo buộc họ… sính ngoại vì chê khí hậu, thực phẩm, cơ sở y tế. Nhắc nhở họ phải "ngoan và dễ thương" (4)…
***
Nhìn một cách tổng quát, tuy hết sức nỗ lực săn lùng, xử lý những cá nhân bị xem là "lợi dụng dịch bệnh", tung tin thất thiệt, gieo rắc hoang mang, gây mất ổn định trong xã hội nhưng chính các viên chức hữu trách và hệ thống truyền thông chính thức đã cũng như đang kích động người Việt phẫn nộ với những "Việt kiều" ích kỷ, từng bỏ xứ đi tìm cuộc sống an nhàn, giờ lũ lượt quay về lánh dịch, vừa tạo thêm gánh nặng, vừa đe dọa xã hội vì có thể tán phát mầm bệnh.
Thậm chí đã có một số cơ quan truyền thông chính thức còn gợi ý để công chúng xem "Việt kiều" như những con… chó, từng chê chủ nghèo, giờ do môi trường sống không còn thuận lợi phải quay mà về nhưng vẫn không biết điều, vẫn ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, không cảm thông với… chủ(5) ! Phương thức tuyên truyền theo lối này tạo ra những độc giả xem những người trở về giữa mùa dịch là lũ vong nô, đề nghịtrục xuất lũ mầm bệnh này hoặc… Không nói nhiều, xích cổ chúng lại !
Làn sóng cuồng nộ đó dâng cao và nguy hiểm đến mức, một số facebooker như Xuân Tóc Trắng phải khuyến cáo : Báo chí hãy dừng ngay việc đánh tráo khái niệm ! Theo Xuân, khuynh hướng đưa tin : Việt kiều các nước đang đổ về Việt Nam trốn dịch vì mọi thứ được miễn phí đang làm nhiều "công dân yêu nước" bức xúc. Song phải nhớ rằng, đó không phải là Việt kiều ! Đó là những công dân Việt Nam đi du lịch, đi học, đi làm thuê, nếu có lập gia đình với ngoại kiều thì cũng vẫn còn tư cách công dân Việt Nam.
Xuân Tóc Trắng lưu ý, Việt kiều thật sự là những người Việt định cư ở ngoại quốc, đa số đã có quốc tịch của quốc gia nơi họ cư trú và họ không chạy về Việt Nam trốn dịch như hệ thống truyền thông đang tuyên truyền. Xuân Tóc Trắng lên án việc hệ thống truyền thông chính thức cố tình đánh tráo khái niệm để "nâng bi chính phủ và gây chia rẽ người Việt ở trong và ngoài Việt Nam", đồng thời đề nghị báo giới nên chứng tỏcòn tự trọng nghề nghiệp, đừng gây tổn thương nữa (6) !
Tương tự, Ky Mai nêu thắc mắc, tại sao hệ thống truyền thông chính thức lại khái quát việc người phụ nữ phản đối cách thức tiếp nhận ở phi trường Nội Bài thành : Từ Châu Âu về Việt Nam tránh dịch, gây náo loạn ở sân bay ? Châu Âu rất rộng lớn, tại sao không xác định đó là người về từ Ba Lan ? Dựa vào đâu để khẳng định người phụ nữ này về Việt Nam tránh dịch ? Nếu có sẵn kế hoạch "đi Việt Nam" và ngày lên đường đúng vào thời điểm nguy hiểm thì có thể quy chụp là "về Việt Nam tránh dịch" không ?
Ky Mai bày tỏ sự phiền muộn khi những thông tin kiểu đó đã mở đường cho vô số ý kiến "tỏa sáng đạo đức" theo kiểu : Lúc tổ quốc cần thì chị ở đâu ? Khi tổ quốc giang tay đón những "đứa con" quay về lánh nạn thì chị không biết ơn mà còn đòi hỏi… Tệ hai hơn, người phụ nữ phản ứng ở phi trường Nội Bài đã bị khái quát thành những "đứa con" đang từ Châu Âu lũ lượt quay về và cùng bị rủa sả không thương tiếc. Ky Mai chất vấn : Tại sao lại cố tình thuyết phục người Việt rằng Việt kiều từ Châu Âu đang ùn ùn về Việt Nam tránh dịch ?
Ky Mai cho biết đang ở Hà Lan và khẳng định, chẳng có ai trong số những Việt kiều thật sự mà anh quen biết có ý định về Việt Nam tránh dịch. Ky Mai nhận định, qua hệ thống truyền thông chính thức, Việt Nam thể hiện chuyện đang phòng, chống dịch rất tốt, rất nhân đạo trong việc chăm sóc những người bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy tôn trọng điều đó nhưng Ky Mai lưu ý : Không nên vì thế mà vẽ ra chuyện hệ thống y tế của các nước tư bản đang giãy chết yếu kém.
Có lẽ cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam nên ngẫm nghĩ nhiều hơn về góp ý của những người như Ky Mai : Cố gắng chứng minh chăm sóc y tế ở bên ngoài Việt Nam thê thảm để làm gì ? Đẩy thiên hạ xuống mức yếu kém thì "ta" sẽ tỏa sáng hơn ? Bây giờ là lúc cả thế giới nên thắp "nến" cho sáng để cùng nhau vượt qua đại nạn. Đừng ngồi đó thổi "nến" của người khác. Làm như thế thì "nến" của mình cũng chẳng sáng hơn đâu (7) !
Chẳng riêng Ky Mai, Lê Nguyễn Duy Hậu – cư ngụ tại Việt Nam – cũng nhận ra cần phải cẩn trọng trước khuynh hướng quảng bá sự "ưu việt" và "nhân đạo" thông qua khuynh hướng tuyên truyền Việt kiều đang lũ lượt chạy về Việt Nam tránh dịch vì sẽ gây ra hai ngộ nhận : Chính phủ các quốc gia Châu Âu giống như ác quỷ, sẵn sàng thí mạng dân chúng để tạo ra "miễn dịch tập thể". Chiến lược dập dịch của Việt Nam sẽ mãi mãi như bây giờ mà không dự liệu đến khả năng số người bệnh vượt qua mức hàng ngàn.
Hậu cho rằng, kiểu tuyên truyền như thế có thể sẽ tạo ra làn sóng người Việt và không phải người Việt trốn sang Việt Nam lánh nạn, khiến gánh nặng kiểm soát – ngăn chặn dịch bệnh trở thành khó kham. Hậu bảo, dân chúng Vũ Hán đã từng hết sức giận dữ khi Bí thư thành phố này bảo họ phải "biết ơn" Tập Cận Bình và Hậu cũng hết sức giận dữ khi có tờ báo lên án những người bị nhiễm virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán… phá hoại công sức của đảng và nhà nước trong phòng, chống dịch !
Hậu nhấn mạnh, người Việt nào cũng đang góp phần vào việc phòng chống dịch bệnh bằng nhiều cách khác nhau, đó là công sức chung của xã hội. Hiểu như vậy sẽ giúp nâng cao ý thức công dân và chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch, thay vì ngồi chờ đợi ơn trên. Chúng ta có thể khen chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng tuyệt đối không được xem đó là "công lao trời bể, cứu nhân độ thế". Tâm lý biết ơn là điều không nên có giữa một chính phủ dân chủ và người dân của mình. Ghi nhận nỗ lực của chính phủ nhưng nên dành sự biết ơn cho những con người đang ở tuyến đầu, các bác sĩ, nhân viên y tế, tổ bay (8)...
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/03/2020
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/hang-ngan-nguoi-viet-ve-tu-nuoc-ngoai-1198043.html
(2) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tphcm-sap-don-17000-nguoi-viet-tu-vung-dich-ve-nuoc-1626254.tpo
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=296301794673530&set=a.104149810555397&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10222564446279387&set=a.10202152214466349&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10158175264454532
Virus corona : Việt Nam chuẩn bị cho môi trường quốc gia, quốc tế thay đổi ?
Việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng 'tái xuất' cùng với việc Bộ Chính trị của Đảng cộng sản nhóm họp về ứng phó đại dịch Covid-19 được cho là một việc làm 'muộn còn hơn không' và phần nào giải tỏa được thắc mắc, băn khoăn của công chúng và dư luận, theo một nhà phân tích chính trị từ Hà Nội.
Đại dịch do virus corona gây ra cũng có thể khiến Việt Nam tái tư duy về nhận thức luận trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh minh họa
Trả lời phỏng vấn qua bút đàm với BBC News tiếng Việt, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, từ Viện các Vấn đề phát triển, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trước hết nói về việc tái xuất của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đinh Hoàng Thắng : Cuộc họp Bộ Chính trị được đón đợi đã diễn ra hôm 20/3. Muộn còn hơn không.
Việc suốt hơn hai tháng qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện, không có một tuyên bố nào về chống dịch bệnh được nhiều giới ở Việt Nam, kể cả thường dân lẫn xã hội dân sự cho là hiện tượng không bình thường. Tuyên bố của ông Trọng, phần nào giải toả được bức xúc này.
Thông thường, sự nhậy cảm, thái độ và những quyết sách kịp thời của các nhà lãnh đạo đối với những vấn đề lớn và phức tạp của quốc gia như đại dịch Covid-19 là cực kỳ hệ trọng. Nó sẽ xác lập được niềm tin của quần chúng vào vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước, điều hết sức cần thiết để đưa đất nước vượt qua những tình thế phức tạp và hiểm nghèo như hiện nay".
'Tuần lễ vàng' Covid-19 ?
Riêng đối với lời kêu gọi đóng góp nguồn lực thì tuyên bố của ông Trọng về chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất chống dịch, cũng như phát biểu trước đó của Thủ tướng Phúc tại lễ phát động toàn dân chống dịch khiến tôi nhớ lại ‘Tuần lễ vàng’ ngày xưa. Bối cảnh lịch sử có thể khác nhau, nhưng truyền thống tương thân tương ái của người Việt thì thời nào cũng có.
Tuy nhiên, việc huy động dân đóng góp tài chính và hiện vật vào lúc này đứng trước một số nan đề. Thứ nhất, người dân lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bươn chải hết sức khó khăn do đại dịch.
Không ai dám đòi hỏi chính quyền phải bỏ ra hàng trăm tỷ, ngàn tỷ usd như mấy nước kia, nhưng giờ là lúc đang căng thẳng hơn cả chiến tranh, mà lòng người thì lại bất an, không như thời ‘Tuần lễ vàng’ đâu.
Thứ hai, quy luật chiến tranh và quy luật thời bình vốn khác nhau. Người dân nay đã/đang bị chấn động bởi nhiều biến cố thời hậu chiến, vết thương mới chồng lên vết sẹo cũ. Nhất là phong trào dân oan trong mấy năm gần đây trải dài từ thành phố đến làng quê là thực tế không thể xem thường, sẽ tác động không nhỏ tới sự hưởng ứng của người dân.
Thứ ba, hiện nay, niềm tin của dân vào bộ máy chính quyền các cấp, vào các cán bộ của đảng và nhà nước có nhiều biểu hiện giảm sút do nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực của số không ít cán bộ đảng viên trong hệ thống công quyền gây ra.
Thứ tư, vận động dân quyên góp, phải được tiến hành song song với việc khắc phục hậu quả lâu dài về mọi mặt đối với người dân khi kinh tế quốc nội và quốc tế có thể đi vào chu kỳ khủng hoảng sâu. Lòng dân sẽ là
'Thoát Trung, giãn Trung' có khả thi ?
BBC : Cũng có ý kiến cho rằng Covid-19 là cơ hội để Việt Nam có thể 'thoát Trung' và 'giãn Trung', Tiến sĩ có đồng ý không ? Nếu có điều này có khả thi không ?
Đinh Hoàng Thắng : Vấn đề ‘giãn Trung’ hay ‘thoát Trung’ không phải là đòi hỏi mới. Nó là câu chuyện bức bách đã xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam thời hội nhập. Nhưng nó cũng không chỉ là câu chuyện bức bách của riêng một mình Việt Nam.
Hãy nhìn Italy "lún" quá sâu vào "con đường tơ lụa" của Bắc Kinh và đã "dính chưởng" khủng khiếp như thế nào ! Đó là bài học cho mọi quốc gia. Italy từng cho phép 100.000 công nhân Trung Quốc từ Vũ Hán và Ôn Châu đến Italy làm việc trong các nhà máy, những người này di chuyển giữa Vũ Hán và Bắc Italy. Phải chăng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên khi miền Bắc Italy hiện là điểm nóng của Âu Châu về bùng phát dịch ?
Tuy nhiên, nan đề ‘thoát Trung’ đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có đáp án khả thi, đối với cả Việt Nam lẫn thế giới. Nó lưỡng nan ở tầm vĩ mô, cả quốc nội lẫn quốc tế, trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn địa-chính trị, nó bất an như chính câu hỏi "to be or not to be". Nó phản ánh trạng thái bế tắc, dằn vặt trên nhiều phương diện trong toàn các xã hội.
Bản thân một số nước Châu Âu cũng bị Trung Quốc ràng buộc bằng các mối lợi kinh tế. Riêng Việt Nam, vì nhiều lý do, vấn đề này càng cần phải được đặt ra như một ưu tiên cao hơn các nước khác.
Covid-19 mở ra cơ hội mới và rất có thể là cơ hội cuối cùng cho cả nước, từ người dân đến lãnh đạo Việt Nam bắt tay vào những hành động cụ thể. Chưa đề cập đến việc thoát những cái lớn, mà trước mắt, nên ưu tiên dứt điểm vấn đề buôn bán nhỏ lẻ qua biên giới, mà thực chất là một hình thức "cống nạp" các tài sản quốc gia thời hiện đại".
Thái độ hợp lý ?
BBC : Vừa rồi có ý kiến nói Việt Nam đã đối đầu với Covid-19 đầy tự tin. Tiến sĩ có bình luận như thế nào ?
Đinh Hoàng Thắng : Những kết quả bước đầu ở Việt Nam trong việc cô lập, cách ly hay tuyên bố chế tạo được những "bộ kít" mới trong xét nghiệm là đáng ghi nhận.
Trong mấy năm gần đây, ngành Y tế Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế cộng đồng, dịch tễ học và được sự giúp sức đáng kể của Hoa Kỳ trong việc tổ chức hệ thống các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Các Trung tâm này cùng đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo đã và đang phát huy tác dụng trong việc phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đó là thời kỳ Việt Nam dồn lực cứu chữa chỉ cho 16 người nhiễm bệnh. Nếu mai đây, Covid-19 lan rộng ra cả nước với hàng trăm, hàng ngàn phơi nhiễm thì câu chuyện không giống như xử lý 16 người nữa.
Vì vậy, nếu ai đó lạc quan thái quá lúc này để các bạn cho là "ngạo nghễ" là điều không đáng có. Kinh Thánh dạy : "Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt… Khôn ngoan đến với người khiêm nhường".
Ngay cả ý kiến của những người có trách nhiệm ở các nước khác nhau, cũng thấy có những mâu thuẫn. Có những đánh giá khá tự tin, khá lạc quan, trong khi lại có các nhận xét cho rằng, không biết chúng ta có vượt qua được nạn dịch hay không. Riêng điều này đủ nói lên tính phức tạp của đại dịch này.
Tái tư duy về nhận thức luận thế nào ?
BBC : Cuộc chiến đấu đối phó với Covid-19 trên toàn cầu và khu vực vẫn đang diễn ra và chưa chấm dứt, tuy nhiên có điều gì mà các quốc gia và kể cả người dân ngay lúc này cần tái tư duy về mặt nhận thức luận (chính trị, xã hội, nhân văn, tâm lý, địa chính trị… ) hay không ? Nếu có thì nhận thức mới hàng đầu và quan trọng nhất ấy sẽ phải là gì ?
Đinh Hoàng Thắng : Theo nhiều dự báo, thế giới sau Covid-19 sẽ là một thế giới khác. Cuộc sống sau đại dịch chắc chắn sẽ thay đổi, khó quay lại như trước đây.
"Trời sập" vốn là một thành ngữ dân gian, nhưng thời Covid-19 có thể bổ túc thêm vào thành ngữ này nhiều nội hàm mới. Bạn phải chấp nhận một số quy định mà trước đây, bạn nghĩ chỉ khi "Trời sập" mới có thể xẩy ra.
Trước đây, bạn khó hình dung, triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở mọi quốc gia ? Hơn thế nữa, nó còn là một bước chuyển từ giám sát "trên bề mặt da" sang giám sát "dưới bề mặt da" (Xem ta có bị sốt hay không). Nếu các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng, "người của nhà nước" sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình.
Các lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy về mặt nhận thức luận
Các lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy về mặt nhận thức luận. Từ "Virus Vũ Hán" đến "Covid-19" có lẽ là khủng hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định mà người dân và các chính phủ đưa ra trong thời gian tới sẽ định hình diện mạo thế giới tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế và chính trị, tôn giáo và văn hóa…
Có thể chia sẻ với Yuval Harari, trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa sự giám sát độc tài hay trao quyền cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu. Thay vì xây dựng một chế độ giám sát công dân, hiện vẫn chưa quá muộn để gây dựng niềm tin của người dân vào khoa học, chính quyền và báo chí.
Hẳn nhiên, nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, nhưng công nghệ phải nhằm mục đích gia tăng sức mạnh cho người dân. Covid-19 đặt ra những vấn đề vượt khỏi các chuẩn mức cũ trên mọi địa hạt, từ chính trị, kinh tế đến đạo đức, tôn giáo.
Nếu bàn về nhận thức mới hàng đầu và quan trọng nhất đối với Việt Nam thì có thể tóm tắt :
i) Đại hội Đảng 13 tới đây sẽ là cột mốc lịch sử đáng nhớ nếu vượt thoát được cách chuẩn bị và tiến hành như xưa nay ;
ii) Chính phủ sẽ thiết lập phương án toàn diện cho giai đoạn "hậu Covid-19" ngay trong thời gian tập trung chống dịch ;
iii) Cả nước bắt tay chuẩn bị đối phó với một môi trường quốc gia và quốc tế thay đổi.
Khi môi trường thay đổi thì các hệ thống nhỏ và hệ thống lớn trong môi trường ấy chắc chắn sẽ không thể vận hành theo kiểu cũ. Đặc biệt, tính vượt trội của hệ thống lúc ấy sẽ hoàn toàn khác trước. Từ quan niệm truyền thống về địa-chính trị đến thể chế, từ tâm lý xã hội đến hành vi của mỗi cá thể… Tất cả, nếu muốn tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển, đều phải thay đổi tận gốc rễ".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 23/03/2020
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, từng là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoai giao Việt Nam, ông hiện là Giám đốc ban Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện các vấn đề Phát triển, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).
Vung tiền ngân sách hưởng thụ rước dịch về phát tán, Mượn chống dịch để khoe khoang, tự sướng, lên giọng ban bố ân đức cho dân, gây thêm chia rẽ chất chồng. Ngay trong dịch bệnh vẫn điên cuồng lao vào vòng xoáy tranh quyền, chia ghế.
Khu vực khách chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay. (Nguồn: NIA)
Sau một thời gian dài bặt tăm, bỏ mặc đất nước oằn mình chống dịch, báo hại nhân dân trong nước, mạng xã hội băn khoăn bàn tán "cụ còn hay đã mất", báo chí quốc tế cũng thắc mắc "Nguyễn Phú Trọng ở đâu trong đại dich" cuối cùng Tổng Tịch cũng xuất hiện chủ trì hội nghị tiểu ban nhân sự đại hội. Tiếp đó ngày 19/3 đã họp chỉ đạo phòng chống dịch virus Vũ Hán.
Kịch bản kể công và ban ơn
Cung cách làm việc khủng khỉnh quan liêu của Tổng Tịch và Bộ Chính trị của đảng càng làm cho người dân thất vọng chán ngán. Các nguyên thủ quốc gia, các chính phủ vật vã hàng ngày theo dõi và đưa ra đối sách mới chống dịch. Mọi sinh hoạt, hội nghị bình thường đểu tạm hoãn ngay cả những hội nghị ngoại giao quan trọng như cuộc gặp tối cao Mỹ và ASEAN... thì sau hơn hai tháng phát dịch, Bộ Chính trị mới đủng đỉnh họp một buổi.
Ngay trong buổi họp này, "kịch bản" (chính là ngôn từ chỉ đạo của Tổng Tịch) như một màn trình diễn kệch cớm, lố bịch. Cũng giống như bao cuộc hội họp trước nay, các ban bệ lần lượt báo cáo tình hình với những thông tin màu hồng, những con số vo tròn rất đẹp. Tổng Trọng phát biểu kết luận đưa ra những yêu cầu chung chung.
Đó mới là khúc dạo đầu, phần chính yếu, Tổng Tịch trâng tráo tự sướng khoe mẻ công lao, tài năng ân sủng của đảng, chỉ đạo kiểu ban ân bố đức những điều không có thật "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta" (1). Công bằng mà xét, ông Vũ Đức Đam và bộ máy chống dịch của Việt Nam đã làm việc rất vất vả và hiệu quả. Tuy nhiên, đó là phận sự họ phải làm như bao nhiêu viên chức các nước khác cũng phài làm thậm chí làm tốt hơn ta.
Quan chức đi chơi rước dịch về nhà
Tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của đảng cầm quyền ở Việt Nam trong chống dịch là gì ? Phải chăng là trong lúc dầu sôi lửa bỏng nhân viên chống dịch ngủ la lết trên lề đường hè phố thì lãnh đạo tối cao ngồi phòng máy lạnh họp tiểu ban nhân sự bàn chuyện sắp ghế, chia ghế cho nhau vào Đại hội 13 vào năm sau ?
Phải chăng đó là chuyện thanh trừng phe nhóm, cách chức cũ của Lê Thanh Hải đã về hưu 5 năm rồi, trong khi hậu quả mà Hải gây ra cho hàng ngàn gia đình ở Thủ Thiêm vẫn còn nguyên đó. Hàng vạn gia đình tiếp tục kéo dài cuộc sống nhếch nhác trong khu tạm cư, lời hứa đối thoại với dân từ trước tết lại mượn cớ dịch bệnh đã đình hoãn vô thời hạn ?
Điển hình rõ nhất là ngay trong dịch bệnh, ủy viên trung ương đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư và Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương đã nhân danh đi nghiên cứu ở Ấn Độ chuẩn bị cho văn kiện Đại hội 13, đã kéo bầu đoàn quan chức 12 người chỉ làm việc ở Ấn 1 ngày nhưng sang Anh Quốc đến 3 ngày toàn ngồi máy bay hạng thương gia, ăn ngủ khách sạn 5 sao và kết quả là rước về một đống virus Vũ Hán. Ưu việt hơn nữa, đoàn quan chức này không thực hiện cách ly y tế theo quy định, liên hoan tiệc tùng đình đám lu bù từ Hà Nội đến Nghệ An.
Riêng ngài Phó Chủ tịch Hội Đồng đã áp dụng lý luận Mác Lê quá kỹ nên khi trở thành con bệnh thứ 21 vẫn gian dối khai báo hành trình tiếp xúc giả, buộc nhân viên chống dịch phải mất thời gian điều tra xác minh. Hậu quả là trên 500 người liên quan đến ông Phó Chủ tịch phải đưa vào diện theo dõi, cách ly. Càng ưu việt hơn nữa là người vung tiền ngân sách ăn chơi, vi phạm chống dịch không bị sao cả, nhưng có đến 2 công dân bị phạt hàng chục triệu đồng vì phát tán tin thất thiệt là ông Lý Luận có vợ bé, đi thăm vợ bé.
Tính ưu việt của chế độ cộng sản còn cao hơn nữa khi đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Tiến sĩ Vương Đình Huệ lên tiếng bao biện cho việc đi từ Ấn Độ sang Anh là do quá cảnh. Cộng đồng mạng Việt Nam phải làm việc sơ đẳng nhất để trả lời ông Tiến sĩ Vương Đình Huệ là chứng tỏ một đường bay kỳ quái từ Việt Nam đi Ấn 6 tiếng, từ Ấn đi Anh 11 tiếng và từ Anh về Việt Nam 16 tiếng.
Lẽ ra điều cần nói và nên nói duy nhất của Tổng Trọng trong phiên họp Bộ Chính trị về chống dịch này là cách chức ủy viên trung ương đảng với Nguyễn Chí Dũng và Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương với Nguyễn Quang Thuấn và phải cúi dầu xin lỗi toàn đảng, toàn dân. Tổng Tịch hoàn toàn không có đủ tư cách để dạy đời khen chê, chỉ đạo.
Từng ấy sự kiện liệu đã đủ chứng minh cho tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta của ngài Tổng Tịch là sự vô cảm, vô trách nhiệm và dối tra có thệ thống của những cán bộ chóp bu ?
Khi giới thiệu tin Bộ Chính trị chỉ đạo phòng chống dịch, Tiến sĩ Trần Hữu Dũng, một trí thức thiên tả, chủ trương trang Viet-studies đã bình luận "Có lẽ trong hoàn cảnh này, Bộ Chính trị nên... im mồm (nghe chữ "chính trị" là người dân phát hoảng !), hãy để các nhà khoa học, các bác sĩ, các nhà kinh tế... phát biểu ?"
Chống dịch : Cơ hội diễn, tuyên truyền dối trá
Có lẽ sống ở phương Tây quá lâu, Tiến sĩ Trần Hữu Dũng không hiểu được sự trâng tráo, thực dụng của đàng cộng sản. Họ có thể làm mọi thứ, xem mọi thứ đều là cơ hội nếu có lợi cho mục đích của mình mà bất chấp những giá trị phổ quát của nhân loại như sự trung thực, lòng tin.
Sự thất tín khi mở chiến dịch tấn công vào thời điểm hưu chiến Mâu Thân 1968 đến nay vẫn được ca ngợi là mưu trí, việc lật lọng sau khi ký Hiệp định Paris lại lợi dụng Mỹ rút quân, cắt viện trợ đưa quân cưỡng chiếm miền Nam được tự hào là nghệ thuật chớp thời cơ.
Đối với cơn đại dịch lần này, tấn thảm họa treo lơ lửng trên sinh mạng dân tộc được Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng xem là sàn diễn lớn để tuyên truyền quốc nội và quốc tế. Trong phát biểu của Tổng Tịch lẫn trong văn bản chỉ đạo do Trần Quốc Vượng ký đều nhấn mạnh ý sau :
"Tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh ; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.
Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng chống dịch bệnh ; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng chống dịch bệnh".
Dự đoán những diễn biến và hoạch định phương cách giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội quốc gia một cách nghiêm túc người ta dùng thuật ngữ phương án, tình huống... Kịch bản là từ dành riêng cho sân khấu, điện ảnh, vì nó thuần túy là tưởng tượng, là diễn chứ không phải thật.
Kịch bản đó có thể lừa được ai ? Dư luận trong nước mặc dù rất tôn trọng, thiện càm với sự xông xáo, quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Sài Gòn Nguyễn Thành Phong và nỗ lực ngày đêm của đội ngũ cán bộ tham gia phòng chống dịch nhưng người dân không thể nào tin vào con số tròn vo 16 ca nhiểm trước đây và những con số phát sinh chỉ từ nước ngoài trở về gây ra.
Gây thêm tổn thương trong cộng đồng người Việt
Nghệ thuật vo tròn bóp méo con số thống kê về tăng trưởng GDP đã được kế thừa từ nghệ thuật tổng kết số máy bay B-52 bị bắn rơi, số binh lính Mỹ bi bắn chết… nên nó tinh vi tinh tướng lắm.
Hưởng ứng trong khúc hòa tấu đảng ta tài giỏi, đảng ta bao dung, báo chí lề phải đã tạo ra những màn lừa kệch cỡm. Nào tung tin Việt Nam chế tạo thành công Kít xét nghiệm virus thời gian ngắn nhất nhiều nước đặt hàng mua… Sau đó lại có tin Bộ Y tế đặt mua Kit của Hàn Quốc. Tệ hại nhất là vì muốn tận tụy đề cao lòng bao dung của đảng, nhà nước, báo chí lề phải một lần nữa khoét sâu vết thương, đào sâu khoảng cách giữa người Việt trong nước với kiều bào ở nước ngoài. Bấy lâu nay người ta quen gọi những người Việt định cư ở nước ngoài là Việt Kiều. Đa số những người này là người Việt di tản trước 1975, thuyền nhân sau 1975, đoàn tụ gia đình hoặc HO. Hầu hết kiều bào này đều dã có quốc tịch ở nước sở tại, được hưởng chế độ săn sóc sức khỏe của quốc gia này không ai có lý do hoặc mong muốn quay về Việt Nam để trốn dịch hay trị bệnh.
Thực tế có khá đông du học sinh, người Việt xuất khẩu lao động, cô dâu và các ông bà ngoại Việt ở nước ngoài, không có bảo hiểm y tế, cần quay về Việt Nam. Họ là những người Việt tạm thời sinh sống ở nước ngoài khi có dịch cần và bắt buộc phải quay về Việt Nam. Trách nhiệm của quốc gia là phải tiếp nhận và điều trị cho họ, không phải chuyện làm ơn. Không làm là vô trách nhiệm là có tội với tổ quốc và mang nhục với cộng đồng quốc tế.
Thế nhưng báo chí lề phải đã đóng mác Việt Kiều lên những người Việt ở nước ngoài và mở chiến dịch kể ơn, bỉ bôi với làn sóng Việt Kiều về Việt Nam trị bệnh. Một lần nữa lợi ích dân tộc bị hiến tế cho sự vô sỉ, tình đoàn kết dân tộc bị hy sinh cho cái mặt nạ bao dung giả dối của đảng.
Báo chí thế giới bắt bài
Với dư luận quốc tế, ngay ngày 19/3, ngày Bộ Chính trị họp, chỉ đạo, ký giả David Hutt đã có bài Việt Nam dùng dịch covid-19 để tuyên truyền : (Vietnam spins virus crisis to win hearts and minds) đăng trên Asia Time phân tích khá công phu mục tiêu, thủ pháp và hiệu quả tuyên truyền của đảng. Trong bài có đoạn : "Chính phủ cũng đã tận dụng cảm giác của con người và thậm chí hài hước sau khi bài hát rửa tay của Ghen Co Vy, một video quảng cáo về sức khỏe cộng đồng hài hước, đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu.
Tuy nhiên, một quan điểm cay độc hơn là thiếu nhà báo nước ngoài trong nước có nghĩa là hầu hết các báo cáo đều đến từ các cơ quan nhà nước, nơi tuân thủ một cách vô tình và vẹt đường lối của Đảng.
Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, và ngay cả Tuổi Trẻ tự do hơn, đã tập trung vào cách các nước phương Tây dân chủ đã đối phó với cuộc khủng hoảng virus, với sự khẳng định lộ liễu rằng quản lý của Việt Nam đã vượt trội nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước".
Chống dịch khuyến mãi thêm đại hội
Cái mà Tổng Tịch và đảng muốn nhét vào đầu người dân Việt là nhờ ơn đảng mặt trời luôn chói lòa trên đất Việt dù là trong đại dịch. Mục đích cuối cùng của Tổng Tịch không có chút nào thật sự là chống dịch mà mượn dịch để kể công, để dân phải mang ơn và điều quan trọng là phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi đảng, phục vụ cho những lễ nghi họp hành xa xỉ của đảng dù ngay trong dịch.
Cái mục đích ấy thể hiện trong cách làm của Tổng Tịch Trọng. Cuộc họp Bộ Chính trị chỉ đạo chống dịch ngày 19 nằm kẹp giữa hai cuộc họp chủ trì Tiểu ban Nhân sự Đại Hội Đảng 13 ngày 18/3 và cuộc họp kỷ luật cách chức nguyên bí thư thành Hồ của Lê Thanh Hải. Theo kịch bản của Tổng Tịch, nó như một màn hài giải trí nằm giữa hai màn chính kịch.
Để không phai lạt tính đảng, để người dân không quên thờ phụng đảng, ngay trong chỉ thị chống dịch, ngay lúc dịch đang bùng phát trên toàn thế giới, Tổng Tịch vẫn siết chặt vòng thòng lọng Đại hội đảng vào công tác chống dịch.
Cà phát biểu của Tổng Tịch lẫn văn bản chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị đều có ghi rõ nội dung này "Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14/3/2020 về tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở".
Bỏ qua sự trái khoáy khi lồng ghép hai công việc khác nhau một cách trớ trêu nhìn ngay vào nghĩa cạn, trực tiếp ai cũng thấy ngay là Tổng Trọng đang chủ trương phá hoại công cuộc chống dịch của quốc gia. Trong khi cả nước, cả thế giới đang đưa ra biện pháp hàng đầu là không tụ tập đông người, trường học, nhà máy, siêu thị ngừng hoạt động, các tổ chức tôn giáo ngừng các nghi lễ đông người… thì đảng lại chỉ đạo tụ tập đai hội !
Ý tưởng tiến hành Đại hội đảng váo lúc Đại dịch là ý tưởng thiên tài, dũng cảm và đầy trách nhiệm.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 23/03/2020 (Gió Bấc's blog)
(1) Bộ Chính trị họp về công tác phòng chống dịch COVID-19, Tuổi Trẻ Online, 20/03/2020
Trung Quốc đã cố gắng giải quyết một cách thận trọng mối quan hệ với Mỹ, đồng thời triển khai sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ và đặt ra những câu hỏi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.
Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ và đặt ra những câu hỏi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.
Hỏi : Mối quan hệ Mỹ-Trung đã tác động như thế nào tới phản ứng trước dịch Covid-19 ?
Đáp : Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 lan rộng, sự mất lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây trở ngại cho sự phối hợp toàn cầu cần thiết cho một cuộc khủng hoảng như vậy. Cả hai nước đều phải chịu trách nhiệm vì đã không hợp tác với nhau. Sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về mức độ nghiêm trọng thực sự của dịch bệnh do những chỉ thị chính trị và quan ngại kinh tế đã thổi bùng lên mối nghi ngờ ngay từ đầu. Trước khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Washington đã đề nghị cung cấp viện trợ và những sự trợ giúp mà Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp nhận, và các chuyên gia y tế Mỹ cuối cùng đã được phép tham gia phái đoàn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tới Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ vì là một trong những quốc gia đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo đuổi những chính sách - đều xuất phát từ thái độ từ chối can dự nói chung - đã khiến Mỹ không được chuẩn bị tốt đểứng phó với đại dịch. Dưới thời các chính quyền trước đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ duy trì sự hiện diện đáng kể trên thực địa tại Trung Quốc. Các chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ đã thiết lập mối quan hệ với những đồng nghiệp người Trung Quốc và xây dựng những quy trình đã được sử dụng khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002 và 2003. Chính quyền Trump đã rút lại phần lớn sự hiện diện đó.
Hầu như không có lý do gì để trông đợi động lực này thay đổi khi mà giờ đây Trung Quốc dường như đang kiểm soát được virus, trong khi tốc độ lây lan ở Mỹ lại đang gia tăng. Trong tháng 2/2020, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã đưa ra những tuyên bố không có căn cứ rằng virus có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay được sử dụng như một vũ khí sinh học. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã khẳng định Trung Quốc đã có công làm giảm bớt mối đe dọa toàn cầu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố virus SARS-CoV-2 không có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hỏi : Dịch bệnh bùng phát sẽ tác động như thế nào tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ?
Đáp : Khó có thể đánh giá mức độ tác động mà Covid-19 sẽ gây ra đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vốn bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2/2020. Gần đây, Bắc Kinh đã khẳng định rằng họ có ý định thực hiện thỏa thuận này đến cùng. Mặc dù đã có những mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể không thể đáp ứng được cam kết mua thêm 200 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 2 năm, nhưng phần lớn cam kết này được phân bổ vào giai đoạn sau, vì giá trị hàng hóa được lên kế hoạch mua sắm trong năm 2020 chỉ ở vào khoảng 75 tỷ USD. Nếu phải đối mặt với khó khăn, Bắc Kinh có thể viện tới các điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận, như những gì Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã làm để hủy bỏ một số hợp đồng khí đốt hóa lỏng.
Về phần mình, Chính quyền Trump đã gửi đi những thông điệp lẫn lộn về thỏa thuận này. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết virus có thể trì hoãn các thương vụ nông sản cũng như những phương diện khác của thỏa thuận. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue lại bác bỏ nhận định của Kudlow. Thay vào đó, họ xác nhận rằng Trung Quốc đang có những bước tiến trong cam kết mua hàng nông sản và đang nới lỏng những hạn chế thương mại khác. Trong một tuyên bố chung, Perdue cho biết họ "hoàn toàn trông đợi sự tuân thủ đầy đủ các phần của thỏa thuận".
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng đưa ra khẳng định tương tự vào ngày 23/2 khi cho rằng Covid-19 sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đối với thỏa thuận giai đoạn 1, dù ông có đề cập rằng dịch bệnh bùng phát có thể khiến các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 bị trì hoãn. Tuy nhiên, khi được hỏi vào ngày 3/3 liệu Chính quyền Mỹ có xem xét đình chỉ thuế quan đối với Trung Quốc và Châu Âu hay không, Mnuchin thừa nhận rằng chính quyền sẽ "xem xét tất cả các phương án" khi tác động kinh tế của dịch Covid-19 trở nên rõ ràng hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tờ Thời báo Hoàn cầu nhanh chóng nhận định rằng việc đình chỉ thuế quan sẽ là một bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại.
Nếu một trong hai bên gặp khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết, thì dịch Covid-19 có thể đưa ra một lối thoát. Khi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, Trump có khả năng sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm ngăn không cho thỏa thuận này tan vỡ hay bị bêu riếu như là một thất bại. Bắc Kinh cũng muốn duy trì thỏa thuận này nhằm tránh khỏi việc trở lại với các mức thuế quan cũng như bầu không khí bất ổn gia tăng như trước đây, nhất là trong bối cảnh những nỗ lực kích thích nền kinh tế Trung Quốc.
Hỏi : Covid-19 có ý nghĩa như thế nào đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" ?
Đáp : Đã xuất hiện những tin tức chi tiết về tình trạng chậm trễ đáng kể của các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ở Bangladesh, Indonesia, Nepal và Sri Lanka do dịch Covid-19. Các biện pháp hạn chế đi lại đã ngăn không cho các công nhân Trung Quốc trở lại các công trường BRI ở nước ngoài, trong khi việc đóng cửa các nhà máy Trung Quốc cung cấp máy móc và nguyên liệu thô cho các dự án BRI đã cản trở tiến độ của các dự án này. Những sự chậm trễ này có thể gây thêm căng thẳng đối với các quốc gia vốn đã phải vật lộn với gánh nặng nợ nần.
Hơn nữa, thế bế tắc kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 chắc chắn sẽ buộc chính phủ phải có phản ứng, có khả năng là dưới hình thức cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay và áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa. Ngay cả nếu nền kinh tế hồi phục, thì chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với sức ép đầu tư nguồn lực ở trong nước thay vì nước ngoài.
Bất chấp những bước lùi đáng kể, khả năng là Bắc Kinh sẽ không từ bỏ BRI trong tương lai gần. Tương tự như vai trò trung tâm của thỏa thuận thương mại đối với nghị trình của Trump, BRI là biểu tượng của sự nổi lên của Trung Quốc như là một nước lớn và là dự án đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngân hàng phát triển Trung Quốc gần đây đã đưa ra một tuyên bố về các kế hoạch hỗ trợ các công ty BRI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các quốc gia được hưởng lợi từ những cơ hội đầu tư và phát triển to lớn mà BRI mang lại, chẳng hạn như Campuchia, cũng đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đã chỉ trích các quốc gia khác vì đã áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người đến từ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục duy trì biên giới mở. Đáp lại, Tập Cận Bình nói với Hun Sen : "Một người bạn trong lúc hoạn nạn là một người bạn thực sự".
Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các quốc gia vẫn đang phải vật lộn tìm cách phục hồi sau những cú sốc kinh tế có liên quan có thể lấy sự bùng phát này làm cái cớ để loại bỏ những dự án không thành công hoặc không được lòng người dân về mặt chính trị. Trái lại, Bắc Kinh có thể tìm ra những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn của BRI tại các quốc gia tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hỏi : Dịch bệnh bùng phát gây ra những thách thức kinh tế lớn nào đối với Trung Quốc và Mỹ ?
Đáp : Bắc Kinh ngày càng quan ngại về thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như với vai trò then chốt của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng phù hợp giữa việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và ngăn chặn khả năng số ca bệnh tăng đột biến khi người dân trở lại làm việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà kinh tế cảnh báo về tình trạng suy thoái toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách về kinh tế và ngân hàng trung ương đã bắt đầu phối hợp phản ứng. Nhưng nếu căng thẳng Mỹ-Trung ngăn không cho hai nước hợp tác chặt chẽ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì hiệu quả của bất kỳ phản ứng toàn cầu nào cũng có thể bị hạn chế nghiêm trọng.
Ở Mỹ, dịch Covid-19 đã làm khuếch đại những lời kêu gọi xa lánh Trung Quốc. Dịch bệnh bùng phát đang làm gia tăng mối quan ngại của các tập đoàn đa quốc gia có chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc, mà trong số đó nhiều tập đoàn đã chứng kiến công việc kinh doanh bị hạn chế do sự thiếu minh bạch và những biện pháp cực đoan, được áp dụng nhanh chóng của Bắc Kinh. Những công ty đang cân nhắc việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có khả năng sẽ càng cảm thấy quyết định của họ là hợp lý và đẩy nhanh kế hoạch. Chẳng hạn, Apple được cho là có ý định dịch chuyển chí ít là một phần dây chuyền sản xuất các sản phẩm của họ (trong đó có AirPod và Apple Watch) sang Đài Loan do những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra. Ở Washington, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã tận dụng dịch bệnh bùng phát để kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với thuốc men, vật tư y tế và các trang bị quan trọng khác.
Hỏi : Phản ứng của Trung Quốc trước dịch Covid-19 có thể làm thay đổi vị thế của nước này trong cộng đồng quốc tế như thế nào ?
Đáp : Dịch Covid-19 đã thổi bùng lên những mối quan ngại ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác về sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong các thể chế quản trị toàn cầu then chốt. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa về khả năng sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu ở quy mô mà Tập Cận Bình đã hình dung.
Những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trước đây như SARS, Ebola và bệnh bò điên đã buộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải đối phó với các quốc gia đang tìm cách tạo thế cân bằng giữa những quan ngại về sức khỏe và những hậu quả kinh tế và chính trị. Việc Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng trong các thể chế quốc tế đã khuếch đại những mối lo ngại đó và dẫn tới những câu hỏi về việc liệu WHO có thể thực sự đóng vai trò trọng tài trung lập trong thời kỳ khủng hoảng hay không.
Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, các nhà quan sát đã chỉ trích WHO vì sự chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng đối với đợt bùng phát này - một quyết định mà một số nhà ngoại giao cho rằng là do sức ép từ phía Bắc Kinh. Hơn nữa, Đài Loan đã không được phép tham dự các cuộc họp và giao ban khẩn cấp của WHO về cuộc khủng hoảng này, dù đã có phản ứng nhanh chóng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Cuộc khủng hoảng này cũng có thể khiến Bắc Kinh càng cảm thấy cần thiết phải tiếp tục xây dựng những thể chế quản trị toàn cầu song song của riêng mình. Theo thông tin từ trang tin Axios, các tổ chức tư vấn Trung Quốc đã nêu ra ý tưởng về một "tổ chức y tế toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt cạnh tranh với WHO".
Bất luận đợt bùng phát dịch Covid-19 diễn ra như thế nào, rõ ràng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn dĩ đã phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nêu bật những câu hỏi về vị thế của Trung Quốc trong một thế giới ngày càng kết nối lẫn nhau.
Paul Haenle
Nguyên tác : How has the U.S.-China Relationship impacted the Response to the Coronavirus ?
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 20/03/2020
Paul Haenle là Giám đốc Trung tâm Carnegie- Tsinghua. Bài viết được đăng trên Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế