Thời sự Pháp nổi bật trên trang nhất hầu hết các tờ báo ra ngày hôm nay, 09/12/2020, đặc biệt với sự kiện dự luật gọi nôm na là chống Hồi giáo cực đoan được Hội đồng Bộ trưởng Pháp xem xét. Một đề tài quan trọng khác là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 mà theo Le Monde, đang đe dọa kế hoạch giảm nhẹ phong tỏa mà tổng thống Pháp Macron mong muốn. Về quốc tế, tình hình Mỹ và Trung Quốc cũng được các tờ báo quan tâm.
Về dịch bệnh Covid-19, ngay trên trên nhất, Le Monde đã gần như là chạy một hàng tựa kép, so sánh tình hình nước Pháp với những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc.
Về nước Pháp, Le Monde nêu bật trong hàng tựa chính "Gỡ bỏ phong tỏa : Nguy cơ phải hoãn lịch trình". Theo tờ báo, khởi sự từ giữa tháng 11 ở Pháp, đà thoái trào của làn sóng Covid-19 thứ hai đã chậm lại hẳn với những lý do mà các nhà chức trách khó giải thích. Các ca nhiễm virus hàng ngày vẫn đạt mức cao - khoảng 10.000 ca - thấp xa so với ngưỡng 5.000 trường hợp quy định để có thể thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phong tỏa kể ngày 15/12.
Kế hoạch được dự trù là cho mở cửa lại các rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng, cho học sinh tham gia trở lại một số hoạt động ngoại khóa, bãi bỏ chế độ giấy chứng nhận đi lại và thay thế bằng lệnh giới nghiêm kể từ 21 giờ tối.
Thế nhưng, hôm 07/12, thủ tướng Jean Castex và bộ trưởng Y tế Olivier Veran đã báo tin dữ cho các lãnh đạo các nhóm nghị sĩ trong Quốc hội. Thủ tướng Pháp đã mở ngỏ khả năng dời lại một số quyết định nới lỏng các hạn chế từng được dự kiến, khi báo động rằng đà sụt giảm của các ca nhiễm đang khựng lại và chính quyền sẽ đưa ra những khuyến cáo "tùy thuộc" vào diễn biến của tình hình.
Theo Le Monde, một vấn đề hóc búa khác cần được giải quyết là các biện pháp cho những ngày lễ cuối năm. Chính phủ Pháp trước mắt tránh đề cập cụ thể đến khả năng này, cho rằng lo lắng vào lúc này là "quá sớm". Ở cấp lãnh đạo cao nhất, thông điệp được gởi đi là "Chúng ta chưa đến lúc đó. Không có quốc gia Châu Âu nào áp dụng các quy định hạn chế hoặc cấm đoán vào các ngày lễ".
Cũng trên trang nhất, ngay phía dưới tựa về Covid ở Pháp, Le Monde nêu bật tình hình tại Hàn Quốc, giới thiệu phóng sự điều tra mang tựa đề "Cuộc săn lùng triệt để virus ở Hàn Quốc".
Theo ghi nhận của tờ báo, đất nước 52 triệu dân này đã hạn chế được số người chết (549 người kể từ khi đại dịch bắt đầu), đồng thời duy trì được quyền tự do đi lại.
Nguyên nhân dẫn đến thành công là phương pháp truy tìm có hệ thống những người bị nhiễm Covid-19, không ngần ngại đi sâu vào cuộc sống riêng tư của mỗi người. Đây là một chiến dịch truy vết một cách cặn kẽ, gắn liền với việc triển khai chiến lược xét nghiệm rộng lớn, với một cách diễn giải mạch lạc về việc đeo mặt nạ và áp đặt thời gian cách ly nghiêm ngặt hai tuần khi vào lãnh thổ.
Kết quả là Hàn Quốc vẫn duy trì được quyền tự do đi lại, tránh sử dụng biện pháp phong tỏa khắc nghiệt và các giấy phép đi lại được áp dụng ở phương Tây, để giữ cho các cửa hàng và nhà hàng mở cửa cho đến 9 giờ tối.
Chính phủ Hàn Quốc cho đến nay vẫn giữ được lòng tin của người dân, sẵn sàng chấp nhận những ràng buộc áp đặt lên họ. Không như ở Châu Âu và Mỹ, nơi mà thông điệp chính thức đôi khi lộn xộn, dẫn đến việc nghi ngờ năng lực của các nhà lãnh đạo.
Báo La Croix cũng dành trang nhất cho nước Pháp, nhưng đề cập đến dự luật về chủ nghĩa ly khai được đưa ra Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp vào hôm nay, 09/12, đúng vào ngày sinh nhật của đạo luật 1905 về tính chất thế tục của quốc gia Pháp, tách biệt tôn giáo ra khỏi Nhà Nước. Tờ báo chạy hàng tựa "Ngoại lệ Pháp" trước khi đặt câu hỏi lớn : Tính chất thế tục Pháp có thái quá hay không ?
Theo La Croix, được tổng thống Emmanuel Macron bảo vệ, mô hình chủ nghĩa thế tục của Pháp đã làm dấy lên những nghi ngờ càng lúc càng tăng từ khi điều này được kèm theo sự bảo vệ "các nguyên tắc cộng hòa"…
Tại các nước láng giềng của Pháp, việc quản lý vấn đề đa nguyên tôn giáo cũng phải đối mặt với các khó khăn, nhưng lại không hề tạo ra những lo âu, trăn trở như tại Pháp.
Libération cũng quan tâm đến dự luật này và chạy hàng tựa lớn trên trang nhất đầy vẻ mỉa mai : "Từ chủ nghĩa ly khai đến chủ nghĩa đi dây".
Theo tờ báo, ngay cả khi được đổi tên, dự luật được trình bày hôm nay tại Hội đồng Bộ trưởng Pháp và sẽ được thảo luận tại Quốc hội vào đầu năm tới là một văn bản rất dễ gây bùng nổ, có thể gây chia rẽ, ngay cả trong phe đa số.
Trong bài phân tích "Chủ nghĩa ly khai, Macron đi trên một sợi chỉ", tức là trong một tình thế tế nhị, Libération ghi nhận là dù văn kiện không đề cập rõ rệt đến "chủ nghĩa hồi giáo cưc đoan", nhưng đó lại là điều mọi người đều nghĩ đến : Dự luật "củng cố sự tôn trọng các nguyên tắc của nền Cộng hòa", có nguy cơ thúc đẩy sự rạn nứt với thế giới Hồi giáo và một lần nữa chia rẽ phe đa số về các vấn đề liên quan đến tính thế tục.
Là một chủ đề gây tranh cãi trong phe đa số, giữa các phe đối lập và thậm chí vượt ra ngoài biên giới quốc gia, luật chống lại chủ nghĩa hồi giáo cực đoan bằng cách "củng cố sự tôn trọng các nguyên tắc của nền Cộng hòa" là một văn bản có rủi ro chính trị và ngoại giao cao. Bằng chứng là hành pháp như đang đi trên một bãi mìn : Dự luật đã được đổi tên ba lần và đã mất một trong những tiêu đề ban đầu - vì nó quá gây tranh cãi - là "đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai" và không dùng từ ngữ "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", được cánh hữu chờ đợi từ lâu.
Le Figaro dĩ nhiên không khác các đồng nghiệp, dành tựa trang nhất cho dự luật về ly khai trình ra hôm nay, nhưng lại chú ý đến thái độ thận trọng của tổng thống "Macron đang giảm tham vọng", tựa trên trang nhất.
Tờ báo có vẻ trách cứ tổng thống Pháp thiếu dứt khoát : hôm trước ông ủng hộ mạnh mẽ cảnh sát, hôm sau thì lại dè dặt hơn. Về việc chống chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, sau vụ khủng bố sát hại nhà giáo Paty, ông cam kết sẽ triệt để, nhưng sau đó thì cụ thể ra sao ? Trong dự luật trình ra hôm nay, từ chủ nghĩa hồi giáo cực đoan (islamisme) cũng chẳng thấy đâu.
Theo Le Figaro, hợp lý ra thì khi ra tay không nên run rẩy, không nên để bị hù dọa.
Báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên chú trọng đến các vấn đề chứng khoán, thị trường, nêu bật trước tiên câu hỏi : "Tại sao thị trường Wall Street đạt mọi kỷ lục".
Tờ báo ghi nhận là chứng khoán Mỹ đã tăng giá như vào thời kỳ bong bóng đầu năm 2000. Và tình hình này có lợi cho các cá nhân
Nhìn lại nước Pháp, tờ báo lo ngại một làn sóng phá sản vào năm tới. Theo Les Echos, mọi người đang lo âu, nhưng nguy cơ chưa hình thành. Cho dù hoạt động kinh tế tuột giảm chưa từng thấy vào năm 2020, nhưng những công ty công nghệ số không chống chọi được chỉ giảm đi 1/3.
Tuy nhiên, với việc chế độ trợ cấp của Nhà nước cho các công ty gặp khó khăn đang giảm dần, làn sóng phá sản sẽ được cụ thể hóa từ đây đến mùa hè tới.
Theo Libération, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa và Dân chủ cuối cùng sẽ có thể đồng ý, vào thứ Sáu 11/12, về việc tháo khoán 908 tỷ đô la để giảm nhẹ tác động kinh tế của đại dịch.
Các cuộc đàm phán từng bị đình trệ trong nhiều tháng do các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa vẫn khư khư giữ quan điểm của mình. Thế nhưng, khi nền kinh tế Mỹ phục hồi kém hơn mong đợi từ cú sốc do đại dịch Covid-19, đang bùng phát chưa từng có trong nước, một thỏa hiệp dường như đang xuất hiện trong những ngày gần đây.
Các dân biểu quốc hội có thể bỏ phiếu vào thứ Sáu - như một phần của luật ngân sách - gói viện trợ 908 tỷ đô la (gần 750 tỷ euro), do một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng đề xuất.
Phải chăng chủ tịch Tập Cận Bình đang điều chỉnh lại sáng kiến "vĩ đại" của ông nhằm mở các con đường thương mại xuyên thế giới ? Theo nhật báo Anh Quốc Financial Times, Trung Quốc đã quyết định giảm mạnh việc cấp phát các tín dụng xây dựng hạ tầng cơ sở ở nước ngoài.
Theo các nhà nghiên cứu đại học Mỹ Boston, các khoản cho vay của Ngân hàng Phát triển và Eximbank Trung Quốc chỉ còn khoảng 4 tỷ đô la trong năm 2019, trong lúc vào năm 2016 mức này lên đến 75 tỷ.
Nguyên nhân theo báo Financial Times, được Les Echos trích dẫn, là "sáng kiến con đường tơ lụa" đã bị chỉ trích trên thế giới vì những nhược điểm, như việc khiến cho các nước nghèo, tài chính yếu ớt bị ngập nợ, không minh bạch, không có nghiên cứu môi trường trên những đề án được tài trợ.
Một lý do khác nữa theo Kevin Gallagher, nhà nghiên cứu tại đại học Boston là tác động từ cuộc chiến tranh thương mại của Donald Trump.
Mai Vân