Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/03/2017

‘Loạn' đánh số nhà, địa chỉ chứa tới... 14 chữ số

Tin Tức

Tình trạng số nhà không ổn định, không đúng quy định vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực quận ven, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và các giao dịch của người dân. Cá biệt, có địa chỉ nhà chứa tới 14 chữ số.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, các biểu hiện số nhà chưa hợp lý như trùng số, số nhà nhiều xuyệt, số nhà mặt tiền đường lại mang số hẻm và ngược lại, trật tự số nhà chẵn, lẻ bị xáo trộn. Đơn cử tại huyện Nhà Bè, số nhà 1806/127/2/6/15/48/5 đường Huỳnh Tấn Phát (khu phố 6, Thị Trấn Nhà Bè) là một ví dụ. Nguyên nhân là do địa bàn huyện có nhiều tuyến hẻm gấp khúc đã hình thành từ lâu, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện những việc liên quan đến số nhà. "Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện đang tiến hành rà soát những tuyến hẻm và điều chỉnh số nhà lại cho phù hợp", ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết.

Tại hội nghị "Công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" diễn ra sáng 29/3, các đại biểu đã giới thiệu các phương án đánh số nhà thông minh có tính khả thi.

Theo Tiến sĩ Đinh Tiến Sơn, đại diện Liên doanh công ty Hanel – Trung tâm phần mềm Quang Trung - VBD, từ cách đặt số nhà hiện đang áp dụng đã dẫn đến tình trạng số mới cho một nhà mới chèn thêm giữa hai nhà đã tồn tại ; thay đổi số nhà ở mặt tiền kéo theo phải thay đổi số nhà trong hẻm ; khó định vị nhà khi tìm địa chỉ dẫn đến hạn chế tốc độ lưu thông ; ảnh hưởng đến công tác cứu hoả, cứu thương, an ninh trật tự xã hội…

sonha1

Căn nhà có số địa chỉ 64A, Trương Định (quận 3) chèn giữa hai căn nhà số 64 và 66 vì được cấp số sau.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Đinh Tiến Sơn cũng đề xuất Thành phố nghiên cứu phương án cấp số nhà thông minh, không chỉ giải quyết được những bất cập nói trên mà còn giúp cho công tác quản lý địa bàn dân cư trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Cụ thể, phương pháp cấp số nhà mới là dùng khoảng cách tính từ đầu mỗi con đường đến mép mỗi nhà và chi chẵn, lẻ ở bên phải, trái. Nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường bao nhiêu mét thì mã nhà sẽ là số chẵn gần nhất và tương tự cho mã nhà bên lẻ. Ví dụ, một ngôi nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường 40 mét sẽ có mã nhà là 40.

Đối với các hẻm cũng được cho mã như nhà, căn cứ theo mép hẻm gần đầu đường nhất và cũng theo chẵn, lẻ để mã hóa theo cách trên, tính từ đầu hẻm. Còn đánh số nhà ở hẻm sâu, hẻm liên thông thì sẽ có phương pháp như sau : Hẻm chính thông với hai đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính có lộ giới lớn hơn ; hẻm chính thông ra một đường chính và một đường nội Bộ thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính ; nếu có nhiều hẻm nhánh toả ra từ một hẻm chính thì sẽ gán thêm ký tự A, B, C, D… vào số hẻm chính trước số nhà trong hẻm nhánh.

sonha2

Phương án đánh số nhà thông minh dựa trên đường chính.

Riêng đối với các khu nhà dạng chung cư cũng được cấp số như nhà và các căn hộ sẽ giữ nguyên chỉ dẫn số lầu, số phòng như cũ. Với phương pháp đánh mã này, số nhà sẽ được đảm bảo tính duy nhất và theo chiều tăng dần từ đầu đường đến cuối đường, bất chấp có biến động về nhà cửa. Nếu như, có một căn nhà có thể bị chia thành hai căn thì vẫn có thể đánh số khác nhau, không làm lộn xộn tính tuần tự của số nhà trên một con đường.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cách làm này lợi vì tuyến chính chỉ có số và không còn chữ như 2A, 2Bis ; đồng thời không còn tình trạng trùng số nhà trên một tuyến đường. Điều cần lưu ý là nếu áp dụng phương án này thì những số nhà cũ sẽ không đổi để gây xáo trộn cuộc sống, công việc của nhân dân, doanh nghiệp nhưng vẫn được cấp thêm mã mới.

Từ phương án này, bước tiếp theo là xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nhà cho toàn thành phố. Bởi việc gắn mã nhà sẽ cung cấp thêm thông tin cơ bản của công trình về căn nhà đó như : Giấy quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, năm xây dựng, loại nhà, diện tích… nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

sonha3

Phương án đánh số nhà cho hẻm chính.

Cùng với việc áp dụng công nghệ tin học là hệ thống thông tin địa lý sẽ có thể định vị rõ ràng vị trí nhà trong thành phố, hỗ trợ đắc lực cho các công tác như cứu hỏa, cứu thương, trật tự an ninh xã hội. Đồng thời sẽ giúp tăng tốc độ giao thông trong việc tìm địa chỉ ; hạn chế ách tắc giao thông ; giảm bớt nhu cầu khảo sát của các sở ban ngành khi có nhu cầu lắp đặt điện, nước, điện thoại, cáp truyền hình cho người dân vì ở tại văn phòng có thể xác định được phương án lắp đặt và khối lượng vật tư.

"Tuy nhiên, phương án này có một bất lợi là đường càng dài thì mã nhà càng lớn, chính vì vậy cần phải nghiên cứu thêm, cần phải có ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đánh giá để hoàn thiện phương án đánh số nhà thông minh này", ông Hùng nói.

Ngoài việc đề xuất phương án cấp số nhà thông minh, trước tình hình thực tế hiện nay ở các quận ven và các huyện, đặc thù có kênh, rạch rất nhiều và nhiều căn nhà nằm trong phạm vi hành lang kênh, rạch như tại quận 8, huyện Nhà Bè nhưng người dân đã có quá trình sử dụng nhà ở lâu dài, chưa làm thủ tục cấp số nhà do vướng các quy định, vì vậy chưa có số nhà để giao dịch dân sự. 

Một số lượng nhà ở đã có quá trình sử dụng lâu dài nằm trong quy hoạch mở rộng đường giao thông hiện hữu và nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Các trường hợp này tồn tại trước quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, người dân không có điều kiện hoặc chưa làm thủ tục giấy tờ nhà, đất có liên quan.

sonha4

Nhà nằm dọc kênh rạch ở phường 16, quận 8.

Có không ít trường hợp vướng mắc pháp lý về các trường hợp chủ sở hữu nhà tự phân chia, mua bán, tặng cho nhà hoặc có quyết định phân chia của Tòa án nhưng không đủ diện tích tối thiểu để tách, thửa theo quy định tại Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của UBND Thành phố... khi tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận số nhà thì bị vướng các quy định nên không thể có số nhà để thực hiện các giao dịch khác có liên quan như : hộ khẩu, đồng hồ điện, nước…

Do vậy, Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận việc cấp số nhà cho các trường hợp nói trên để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch hộ khẩu, đồng hồ điện, nước, truyền hình cáp… vì việc cấp chứng nhận số nhà không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.

Anh Đức

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)