Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/02/2017

Hà Nội tiến hành bịt miệng nhà báo và ngăn chặn truyền thông

tổng hợp

Dự thảo quy định gây khó cho nhà báo : "Đừng soạn thông tư vượt trên cả luật ?!" (Infonet, 24/02/2017)

Đó là ý kiến của Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) về quy định tại dự thảo Thông tư lấy ý kiến của Tòa án Nhân dân Tối cao về Nội quy phiên tòa.

bit1

Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh)

Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao đã phát đi công văn yêu cầu tòa án cấp dưới góp ý vào dự thảo về Nội quy phiên tòa.

Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới lại vẫn giữ nguyên quy định này, duy trì thủ tục thẻ nhà báo và giấy giới thiệu như Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-CA.

Tại khoản 3 Điều 3 Nội quy phiên tòa (ban hành kèm theo dự thảo thông tư) về Nội quy phòng xử án : "Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của thư ký phiên tòatrường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho thư ký phiên tòa thông qua lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa…".

Điều đáng nói, tại Điều 25 Luật Báo chí 2016 : Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Khi đến các cơ quan, tổ chức chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo ; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật

Theo các chuyên gia pháp lý, đến thời điểm này, có thể nói nội dung của Thông tư số 01/2014/TT-CA là không phù hợp, nói cách khác là trái với Luật Báo chí 2016, mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Chia sẻ quan điểm về nội dung trong dự thảo của Tòa an Nhân dân Tối cao, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ : "Thông tư là một văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, dùng để giải thích cụ thể một quy định luật định, phải mang tinh thần của pháp luật, không thể đặt vị trí của thông tư là văn bản "siêu luật" và trái với quy định của pháp luật được.

Mặt khác, quyền tự do báo chí cần được tôn trọng và bảo vệ bằng luật chuyên ngành dành cho báo chí, vốn được cơ quan lập pháp quy định, không nên dùng văn bản dưới luật để đặt thêm những quy tắc mang tính gây khó cho phóng viên".

Theo Luật sư Phạm Công Út, trong khi luật báo chí chỉ quy định một "giấy phép" là thẻ nhà báo (đối với Nhà báo), thì Thông tư lại quy định thêm một "giấy phép con" là phải có thêm giấy giới thiệu, là một quy định mang tính gây khó cho phóng viên, nhà báo. Vì không phải việc có giấy giới thiệu mới làm cho nhà báo đủ tư cách lấy tin tại các phiên toà. Cũng giống như luật tố tụng dân sự, luật sư chỉ cần xuất trình giấy yêu cầu luật sư và xuất trình thẻ luật sư, toà án không cần một giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư và chứng chỉ hành nghề nữa. Chính vì thế mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là văn bản có sau Luật luật sư cũng phải được xây dựng theo tinh thần của Luật luật sư đã có từ trước đó.

"Do vậy, tôi cho rằng Thông tư chỉ mang tính hướng dẫn, là văn bản có sau luật báo chí thì cũng phải được xây dựng theo tinh thần của Luật Báo chí là vậy. Hay nói cách khác, đừng soạn thông tư vượt trên cả luật"- Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh.

Không biết nội dung trong dự thảo thông tư về Nội quy phiên tòa của Tòa án Nhân dân tối cao đã bỏ đi hay chưa, nhưng cũng phải nhắc lại, trước đó, quy định tương tự tại Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-CA, đã vấp phải sự phản ứng từ nhiều chuyên gia luật pháp và báo giới.

Lý do, quy định nhà báo tham dự phiên tòa vừa phải có thẻ Nhà báo vừa phải có Giấy giới thiệu đã trái với tinh thần Luật Báo chí 1999 và Nghị định 51/2002/NĐ-CP. Từ khi Luật Báo chí 2016 có hiệu lực, quy định "Khi đến các cơ quan, tổ chức chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo" đã được cụ thể hóa trong từng con chữ, không hiểu sao, người soạn thảo dự thảo thông tư này vẫn cứ "vượt qua giới hạn" của luật.

Hồng Chuyên

********************

Chặn truy cập, thu hồi tên miền các trang thông tin vi phạm (VietnamNet, 24/02/2017)

Các trang thông tin điện tử trong nước có dấu hiệu sai phạm sẽ bị tạm ngừng hoạt động hoặc thu hồi tên miền .vn. Nếu sử dụng tên miền quốc tế, các trang thông tin này cũng sẽ bị chặn mọi truy cập.

Từ đầu năm 2017, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) đã triển khai rà soát nhiều trang thông tin điện tử hoạt động không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng hoạt động sản xuất nội dung như cơ quan báo chí. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để xử lý các trang thông tin vi phạm theo quy trình phối hợp.

Để giúp độc giả có thêm thông tin về quy trình xử lý các trang thông tin vi phạm, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC.

bit2

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

PV : Xin ông cho biết, cụ thể VNNIC sẽ phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trong việc xử lý vi phạm các trang thông tin điện tử như thế nào ?

Trần Minh Tân : Trang thông tin điện tử hoạt động không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không tuân thủ các nội dung được cấp phép mà hoạt động như cơ quan báo chí là vi phạm các quy định quản lý. Các trường hợp này đều phải xử lý. Từ mức độ nhắc nhở, cảnh cáo cho đến việc phải áp dụng các biện pháp mạnh như tạm ngừng, thu hồi tên miền gắn với trang tin điện tử và thanh kiểm tra, xử phạt.

Phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, VNNIC và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thống nhất cử ra các đầu mối làm việc để chủ động xử lý trong mọi tình huống và mọi thời điểm đảm bảo hiệu quả, kịp thời. Cụ thể, phía VNNIC hỗ trợ công cụ kỹ thuật để Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có thể chủ động tra cứu các thông tin liên quan đến chủ thể tên miền có trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm và chủ động thực hiện các biện pháp thông báo, trao đổi nhắc nhở hoặc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong trường hợp cần thiết.

Khi Cục Phát thanh, truyền hình &thông tin điện tử phát hiện các trang thông tin điện tử vi phạm về nội dung, cần phải thực hiện ngăn chặn truy cập ngay hoặc khi đã nhắc nhở mà chủ trang tin vẫn tiếp tục vi phạm, không phối hợp làm việc thì có thể áp dụng các biện pháp tạm ngừng, thu hồi tên miền và chuyển VNNIC xử lý.

Về phía mình, VNNIC cũng thường xuyên thực hiện công tác hậu kiểm, rà soát quản lý xác thực thông tin chủ thể đăng ký tên miền để đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác theo các quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-BThông tin và truyền thông ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.

PV : Đối với các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền nước ngoài, khi xử lý vi phạm thì VNNIC có gặp khó khăn gì không ?

bit3

Các thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm sẽ bị tạm ngừng hoạt động hoặc thu hồi tên miền.

Trần Minh Tân : Mặc dù tên miền quốc tế được khai báo trên máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế do ICANN chỉ định, tuy nhiên các chủ thể sinh sống, làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối mạng Internet thì sử dụng bất cứ loại tên miền nào (tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" hay tên miền quốc tế) cũng đều phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam.

Quy định này đã được cụ thể hóa từ các văn bản quản lý cấp cao nhất là Luật (Luật CNTT) cho tới các Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và cấp Thông tư của Bộ Thông tin và truyền thông. Theo quy định tại Điều 23 Luật CNTT, các chủ thể đăng ký tên miền quốc tế phải có trách nhiệm thông báo đầy đủ thông tin với Bộ Thông tin và truyền thông trước khi tên miền được đưa vào sử dụng.

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng như Thông tư số 24/2015/TT-BThông tin và truyền thông ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet cũng đã quy định rõ việc chủ thể tại Việt Nam có nhu cầu sử dụng tên miền quốc tế phải đăng ký tại các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam. Có nghĩa là chủ thể tại Việt Nam khi sử dụng tên miền quốc tế hay tên miền ".vn" đều phải tuân thủ các quy định như nhau về quản lý thông tin. Không có chuyện việc sử dụng tên miền quốc tế là không bị quản lý, không có ai quản lý.

Căn cứ trên cơ sở hiện tại, nhiều Công ty Việt Nam đã ký kết hợp đồng đại lý chính thức với ICANN để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, như vậy khi đăng ký tên miền quốc tế qua các đại lý tại Việt Nam này, chủ thể tại Việt Nam được đáp ứng mọi nhu cầu, được hưởng mọi dịch vụ cạnh tranh với chất lượng cao, không gặp bất cứ khó khăn, rào cản nào. Vấn đề còn lại chỉ là phải tuân thủ các quy định về sử dụng tên miền theo quy định của pháp luật. Điều này cũng tương tự như việc nhà nước không cấm quyền mua xe nhập khẩu của các chủ thể tại Việt Nam, nhưng trước khi lăn bánh trên lãnh thổ Việt Nam thì chủ xe phải đăng ký, được cấp biển số để quản lý lưu hành theo đúng quy định của luật giao thông.

Trên cơ sở các quy định này, sau khi Thông tư số 24/2015/TT-BThông tin và truyền thông được ban hành, VNNIC và các Cơ quan quản lý, theo thẩm quyền có thể yêu cầu Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ, tạm ngừng tên miền quốc tế gắn với trang tin điện tử vi phạm để xử lý hoặc xử lý ngay cả các Nhà đăng ký tên miền quốc tế không hợp tác thực hiện. Việc này trong thời gian qua không gặp khó khăn nào. Đối với các chủ thể không tuân thủ quy định, đăng ký tên miền trực tiếp tại nước ngoài trong các giai đoạn trước mà không thông báo sử dụng với Bộ Thông tin và truyền thông sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, ngoài ra về mặt kỹ thuật có thể áp dụng các biện pháp chặn truy cập đối với các trang tin điện tử vi phạm.

Thực tế trong thời gian qua, phần lớn các vi phạm trang thông tin điện tử hoặc sử dụng các trang thông tin điện tử để thực hiện các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật… đang chủ yếu rơi vào các trang sử dụng tên miền quốc tế. Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, ngoài các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông, các Sở Thông tin và truyền thông các địa phương cũng cần phải chủ động vào cuộc, phối hợp rà soát quản lý chặt chẽ các trang tin sử dụng tên miền quốc tế trên địa bàn mình quản lý.

PV : Với các trang thông tin vi phạm, có các nội dung xấu độc cần ngăn chặn lập tức, VNNIC sẽ thực hiện như thế nào để ngăn chặn kịp thời việc phát tán thông tin xấu độc ?

Trần Minh Tân : Đối với các trang thông tin sử dụng tên miền .vn có các nội dung xấu độc có yêu cầu phải xử lý theo của các cơ quan chức năng, phía VNNIC có thể chủ động thực hiện tạm ngừng hoặc thu hồi tên miền trong mọi thời điểm (kể cả ngoài giờ làm việc). VNNIC cũng có thể phối hợp với các cơ quan chức năng, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trong trường hợp cần ngăn chặn truy cập các trang tin vi phạm có sử dụng tên miền quốc tế.

PV : Xin cảm ơn ông.

H.P.

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)